Sunday, March 10, 2019

Kỳ 2: TRÊN CHIẾN TRƯỜNG SÔI ĐỘNG

Chiến xa hành quân trong rừng cao su vùng Lộc Ninh

Niên trưởng Thành dẫn tôi qua khỏi ụ đất bên trong, quẹo trái chừng mười bước thì tới căn hầm của bộ chỉ huy đại đội. Một cái hầm nửa nổi nửa chìm, cũng do những thùng đạn pháo binh xếp thành hình vuông, chung quanh vây bởi vài hàng bao cát có chừa ba lỗ châu mai ngang tầm người đứng. Nghe gọi, đại đội trưởng, đang nằm trên chiếc võng nylon cột xéo một góc hầm, choàng dậy bước ra. Làm đúng thủ tục trình diện như lúc còn ở quân trường, tôi vừa quan sát. Dáng người tầm thước, da ngâm đen ở mặt và hai cánh tay, nhưng qua khoảnh hở nơi cổ, nước da không đến nỗi. Cái đen chắc là do dày dạn nắng mưa sương gió. Ông ta mặc áo thun, chân mang đôi dép nhật, trông không khác một anh lính trơn bình thường. Tôi đã được niên trưởng Thành cho biết trước, ông này xuất thân từ hạ sĩ quan, được đi học khóa sĩ quan đặc biệt và leo lên tới chức vụ này. Thường những người như vậy hay có mặc cảm với đám sĩ quan, nhất là sĩ quan hiện dịch, lại còn cái mác CTCT.

Sau khi niên trưởng Thành bỏ đi, lúc đó cũng đã hơn năm giờ chiều. trung úy Đình, tên vị đại đội trưởng của tôi, kêu ông thượng sĩ thường vụ đại đội dẫn đến cho tôi một chú “tà lọt”. Đây là danh từ ở ngoài tác chiến chúng tôi thường dùng để chỉ những người lính có nhiệm vụ giúp đỡ các sĩ quan trong công việc lặt vặt hàng ngày như mang đồ ngủ cá nhân, dọn dẹp chỗ ngủ, đào hầm hố vv... Chú lính của tôi còn rất trẻ, Thiềm, không to con lắm nhưng nhìn vẻ lanh lẹ. Hắn đỡ chiếc ba lô từ tay tôi, lặng lặng đi vào hầm giăng ngay cho tôi một cái võng. Đồ cá nhân tôi cũng chả nhiều nhặn gì, một bộ đồ trận để thay đổi, một cái mền nhà binh và một tấm poncho. Hắn gom hết bỏ sang ba lô của hắn. Vừa xong, một anh lính khác bước vào mời ra dùng cơm.
Bữa cơm chiều đầu tiên của tôi tại đơn vị thật thanh đạm. Một nồi cơm lớn được đặt ở giữa, cạnh một nồi canh chua lá bứa nấu với khô gì đó tôi không rõ, cái nắp vung được trưng dụng làm đĩa xếp trên đó ít con khô sặc. Cả một ban chỉ huy đại đội, sau này chúng tôi quen với danh từ BC để chỉ ban chỉ huy, gồm hai ông trưởng phó, thường vụ, ba lính truyền tin, một y tá và hai tà lọt, mỗi người một cái muỗng xúm vào xeo nậy nồi cơm, húp canh và xé khô bằng tay. Bữa cơm chấm dứt cũng khá nhanh, chỉ độ mười phút. Tôi ăn ngon miệng thực tình vì từ 10 giờ sáng, lúc leo lên xe ở hậu cứ tới giờ, tôi đâu có gì bỏ bụng.

Có một câu chuyện nho nhỏ ở đây, sau này qua một thời gian thử lửa, khi thấy tôi không ai chỉ vẽ mà vẫn chứng tỏ khả năng tác chiến vững vàng, tay đại đội trưởng này mới thổ lộ, ông khá thật, chẳng bù cho Đào Hồng trước đây, ăn qua loa lấy lệ xã giao với lính, sau đó hỏi tôi chừng nào mới lên nhà ăn sĩ quan! Không biết hắn có đặt chuyện cho niên trưởng Đào Hồng hay không! Nhưng thử cựa tôi thì hắn đã làm. Mấy tháng sau đó, trong một cuộc hành quân qua vùng rừng tre mênh mông ở Bù Nho, Phước Long, sáng họp các trung đội trưởng phân phối nhiệm vụ, tôi cũng ở cạnh hắn không hề nhắc tới. Sẵn tấm bản đồ, tôi lắng tai nghe mỗi khi hắn điều động trung đội mở đường đi phương giác nào, cứ mỗi trăm bước đôi, tôi vừa đi vừa đếm là vạch trên bản đồ một vạch để có thể tự chấm cho mình một tọa độ. Tôi phòng xa, rủi hắn ngủm củ tỏi bất thình lình, không phải trù ẻo, nhưng chiến trận ai mà biết được, chắc chắn tôi sẽ là người trách nhiệm, phải thủ trước. Một buổi chiều vừa cơm nước xong, hắn cười cười hỏi tôi, tôi đố ông biết mình đang ở đâu? Không ngượng ngập tôi nói ngay điểm đứng đã chấm trên bản đồ.

Cuộc đời tác chiến của tôi bắt đầu từ đây. Sau bữa ăn trời cũng vừa sập tối. Leo lên võng, tiếng léo nhéo vang trong hai cái máy truyền tin PRC25, tiếng trả lời, những tiếng khè khè dán đoạn đưa tôi vào giấc ngủ. Hai tiếng nổ lớn khiến tôi giật mình thức giấc, thêm vài tiếng nữa tôi mới nhận ra đó là tiếng nổ phát ra từ hai khẩu 105 ly đặt sau ụ đất bên trong. Xa xa đâu đó vọng lại những tràng súng nổ... Rồi im lặng trở lại và tôi lại thiếp đi trong giấc ngủ lúc nào không hay.

Tôi trải qua ngày đầu tiên nơi chiến trận giản dị như thế. Nhưng những ngày sau đó hoàn toàn khác hẳn. Chỉ một tuần sau đó, đang đóng quân trong một khu rùng cao su thì đơn vị bạn cách đó khoảng nửa cây số đụng địch. Đại đội ra lệnh báo động, thấy lính tráng chụp vũ khí nhảy vào vị trí tôi cũng vớ vội giây ba chạc đeo vào người, móc khẩu colt lên đạn cái rộp. Mấy thằng đệ tử trong BC và cả tay đại đội trưởng nhìn tôi phá ra cười. Thì ra lần đầu tiên nghe tiếng súng nổ, nhất là trong rừng cao su, tôi chưa nhận định được khoảng cách, nên tưởng rất gần!
Hai ngày sau đó bị thêm một vố nữa. Căn cứ chúng tôi đang nửa đêm bị pháo binh 204 ly của Mỹ pháo lầm. Chỉ có hai trái, lọt vào ngay giữa ụ pháo binh. Hầm đạn với 2.000 trái 105 ly bốc cháy và bắt đầu phát nổ. Từng tiếng nổ dữ dội phát ra, kèm theo với những miểng đạn văng tứ phía khiến căn cứ trở nên náo loạn. Tôi tụt xuống khỏi chiếc võng, xỏ giày, trang bị xong chạy ra khỏi hầm thì chỉ còn một tên đệ tử mang máy truyền tin giữ máy liên lạc với các trung đội. Hai thày trò kéo nhau phóng tới bờ đất phòng thủ ngoài cùng và nằm rạp xuống để tránh những miểng đang bay khắp phía.
Đại đội trưởng không biết đã biến đâu mất. Cái máy truyền tin liên lạc không thấy các trung đội trả lời.
Thằng nhóc truyền tin theo kinh nghiệm đoán rất nhanh và quay sang nhờ tôi:
- Họ qua tần số lớn hết rồi, ông thầy làm ơn vặn dùm em, đổi qua tần số lớn đi.
Hắn đọc ra cái tần số. Ngoài tác chiến, chúng tôi thường xử dụng danh tư máy lớn, máy nhỏ để phân biệt: máy lớn liên lạc với tiểu đoàn, máy nhỏ liên lạc với các trung đội. Mỗi loại máy có một tần số riêng. Tôi ngồi dậy đưa tay vặn hai cái núm tìm con số hắn vừa đọc. Chỉ được vài nấc hai chiếc núm kẹt lại không chịu di chuyển nữa. Chết mẹ, tôi nghĩ thầm, làm sao đây? Thử nghiến răng xoay mạnh cũng vô hiệu. Kiến thức tối thiểu bằng những buổi ngủ gật ở quân trường đã khiến tôi toát mồ hôi hột. Chả lẽ bảo với hắn tôi không biết xài máy PRC25? Đang kiếm cách gỡ rối thì một tiếng nổ bùng lên kèm theo những mảnh bay vụt qua đầu, tôi bỏ máy úp mặt xuống né. Lợi dụng thời cơ, tôi quay sang:
- Tối quá tao không thấy rõ, với lại ở đây nguy hiểm quá, thầy trò mình dọt hàng rào ra ngoài cho đỡ miểng đã rồi tính sau.
Không kịp để hắn phản ứng, tôi chồm dậy phóng mình băng đại qua lớp concertina bên ngoài hường về phía con lộ, hắn cũng theo sát ngay. Cũng may chúng tôi không đạp trúng mìn bẫy lính gài. Sự thực tôi đâu có biết ban đêm lính gài mìn bẫy ở đâu. Ra tới ngoài lộ tôi thoát nạn. Hắn đặt máy xuống đất và tự mình thay đổi tấn số và liên lạc được với đại đội. Ngài đại đội trưởng, kinh nghiệm cùng mình, đã nhanh nhẹn dọt ra ngoài từ ít phút đầu tiên và điều động đại đội ra theo đang bố trí đại đội phía trong con lộ, đối diện căn cứ khoảng hơn trăm thước.Thoát cảnh đạn nổ tôi không mừng lắm, cái chính là thoát được khỏi mất mặt với thuộc hạ vì sự ngu dốt của mình!

Thời gian hơn hai năm ở quân trường mẹ, kiến thức thu thập chỉ là con số không. Tôi hoàn toàn bỡ ngỡ trước hoàn cảnh mới. Để thích ứng và tồn tại, tôi phải tự tìm tòi học hỏi từ đó. Học hỏi kinh nghiệm dầy dặn của tay đại đội trưởng xuất thân từ hàng hạ sĩ quan đi lên mà hắn vì mặc cảm không hề chỉ bảo, học hỏi cách đáp ứng với tình thế của ngay cả những binh sĩ trong đơn vị, học âm thầm vì không thể nói là mình không biết... Cứ như thế, tôi đã trải qua hết trận chiến này đến trận chiến khác Bố Đức, Đồng Xoài, Đức Phong, Lộc Ninh, Bình Long, Chơn Thành, Long Nguyên, An Điền, Bến Cát...

Những ngày tháng như thế tiếp diễn liên tục. Bạn bè cùng về một trung đoàn thật ít khi gặp mặt. Mỗi tiểu đoàn phụ trách một vùng trách nhiệm khác nhau. Gặp nhau quả là một tình cờ hú họa.

Với Hoàng, lần gặp đầu tiên, sau 29 ngày đêm tại Snoul, tiểu đoàn tôi rút về Lộc Ninh sau khi TĐ4/7 sang thay thế. Mới về chiều hôm trước, sáng đang lững thững ra chợ, cái chợ chiều dài chưa được trăm thước thì nghe tin “quân ta đã về!”. Cộng quân đã tập trung cả một công trường bao vây, tấn công và phục kích một đoạn đường dài hơn mười cây số từ Snoul về sát biên giới Việt Nam, tiền pháo hậu xung nhằm đè bẹp quân ta với cấp số chỉ một trung đoàn mà sau mấy tháng trời đã mệt mỏi vì hành quân liên tục.

Gặp Hoàng còn nguyên vẹn, tôi mừng thầm cho bạn. Tôi đã học được những bài học vỡ lòng thật quan trọng cho cuộc đời binh nghiệp của tôi sau 29 ngày đêm tại chiến trường này. Nó đã giúp tôi vững vàng, trưởng thành và tồn tại qua cuộc chiến đầy gian nan mà tôi sẽ còn gánh chịu sau này.

Tháng 2-1972, trung đoàn tôi được lệnh hành quân tại vùng biên giới phía bắc An Lộc, mệnh danh là vùng Mỏ Vẹt, Lưỡi Câu giáp ranh với tỉnh Kratiê của Kampuchia. Sau một tuần trải quân lục soát, chúng tôi phát hiện địch đã ủi những đường lộ khá rộng khoảng 4-5 thước bề ngang với những hệ thống giây điện thoại trải dọc theo đường, suốt từ biên giới chạy dài về Bình Long, băng qua những rừng rậm, suối đồi, những đồn điền cao su mênh mông... Chúng tôi thỉnh thoảng chạm địch nhưng chúng chỉ là những toán nhỏ, có thể giao liên, tiền thám hay công binh, truyền tin gì đó... Thường chúng né tránh bỏ chạy, không hề gặp một đơn vị lớn.

Ba ngày sau, do tin tình báo, chúng tôi được lệnh bằng mọi giá phải kéo về An Lộc gấp trong vòng 24 tiếng. Địch đang tập trung lực lương chuẩn bị tiến chiếm Bìnhh Long với cấp số lớn. Chúng tôi không ước lượng lớn cỡ nào, chỉ nhìn những đường lộ ủi rộng như vậy cũng hiểu chúng phải mang cả công trường là ít. Chúng tôi gần như chạy. Vài lần chạm súng, địch bỏ lại xác và vũ khí chúng tôi cũng được lệnh không cần thu dọn. Chỉ trong một ngày, chúng tôi băng rừng lội suối về tới thị xã. Đại đội tôi được lệnh bố trí chốt tại đồi Đầm Long, án ngữ ngay hướng bắc về phía Lộc Ninh. Tính hình lúc này chưa có gì, chúng tôi còn thả bộ lòng vòng quanh khu chợ. Vẫn còn sinh hoạt náo nhiệt với các quán xá mở cửa, người qua lại đông đúc.

Qua ngày hôm sau, địch bắt đầu mở màn bằng những tiếng pháo từ hướng tây bắc thị xã. Một hai trái đầu tiên khiến dân chúng nhốn nháo hoảng sợ, một số hàng quán đã vội vàng đóng cửa, không khí trở nên nặng nề khó thở, đường phố vắng hẳn. Những ngày tiếp theo cũng vậy, chúng tiếp tục nã đạn lai rai vào thành phố. Đạn rớt lung tung, khi ở chỗ này khi ở chỗ nọ, có lúc bay tuốt đâu đâu! Sau này chúng tôi hiểu được, với sự trợ giúp của mấy tay nội tuyến nằm trong thị xã, chúng đang điều chỉnh tác xạ. Với chúng tôi, pháo kích là chuyện cơm bữa, lính tráng mấy khi được ở thành phố, mấy trái pháo kia làm sao có thể giữ chân họ nổi.

Tôi gặp Nguyện ở đây trong một quán cà phê sáng ngày thứ ba từ khi về thị xã. Nguyện vẫn thuộc đại đội niên trưởng Việt và đang trấn giữ vành đai phía tây thị xã sát cạnh ty Chiêu Hồi. Nguyện đi một mình vì niên trưởng Việt đang mắc họp ở tiểu đoàn. Nguyện đen xạm hẳn đi nhưng có vẻ rắn chắc hơn cái ngày chúng tôi còn nằm chung trong cái bunker ngày nào. Cũng chẳng có trao đổi gì nhiều ngoài sự thăm hỏi tình hình bạn bè và dăm ba chuyện gẫu, chúng tôi lại chia tay sau đó.

Buổi chiều chúng tôi được lệnh di chuyển về đóng chốt tại rừng cao su Xa Cam, phía nam thị xã, cách thị xã độ hơn cây số. Đại đội tôi đóng tại đây được một tuần lễ thì địch tiếp cận bao vây. Những ngày đầu, chúng mở vài đợt tấn công nhưng thất bại vì chúng tôi đào hầm hố có nắp khá kiên cố. Chúng tôi cũng học theo cách làm hầm chữ L của bọn chúng, có hai vị trí chiến đấu hai đầu, hầm rất hẹp để tránh pháo kích, trên có nắp bằng những nhánh cao su xếp sát lại và đổ đất cao bên trên, rất chắc chắn. Đạn cỡ 122 ly nổ trên nóc hầm không nhằm nhò, đạn cối chỉ gãi ngứa trừ phi rớt trúng ngay miệng hầm. Tấn công chúng tôi, địch chỉ có cối 61, 82 yểm trợ. Sau những loạt tiền pháo không mấy hiệu quả chúng phóng ra một đợt hậu xung thì mìn Claymore tự động nổ vang và đồng thời lãnh hàng loạt đạn đủ loại của chúng tôi khai hỏa. Chúng co vòi thụt lại. Sau vài lần thử lửa nữa, chúng chỉ kéo thêm xác đồng bọn về.

Có lẽ không xác định được vị trí cũng như số mìn chúng tôi gài, để tránh thiệt hại chúng đổi chiến thuật. Tối ngày sau, chúng tổ chức đánh đặc công! Cũng khoảng nửa đêm, bốn tên đặc công tất cả, hai tên đi trườc chia thành hai cánh song song, cách nhau hai hàng cao su, ở trần mặc xà lỏn, tay cầm K54, bụng cột một chùm bêta bò vào. Hai tên sau, quần áo đầy đủ, mang AK. Một tên loay hoay thế nào không biết đá trúng sợi giây mìn tự động mìn nổ ngay. Vô phúc tên còn lại, tuy không đứng ở vị trí trái mìn nào cả nhưng do hoảng sợ vì tiếng nổ, chạy xéo qua một bên bèn lãnh ngay một trái khác cũng gục tại chỗ. Hai tên bò vào gần tới, không còn thế lùi vì có lùi cũng đâu biết mìn chỗ nào mà né. Chúng liều vùng đứng dậy chạy vào vòng đóng quân của đại đội tôi rút bêta liệng. Vô phúc cho chúng, tôi đã từng trải qua kinh nghiệm xương máu với kỳ đặc công đánh trường năm nào. Lính đã có lệnh, ban đêm, có chuyện xảy ra, tất cả xuống hầm, ai chạy trên mặt đất là địch, bắn xả láng. Chúng tôi khai hỏa, chỉ vỏn vẹn chưa đầy năm phút, im lặng trở lại. Chúng tôi cố thủ tại hầm chờ trời sáng. Kết quả, tờ mờ sáng, hai xác đặc công đang nằm sõng sượt trên mặt đất, một tên người lỗ chỗ cả chục vết đạn, tên kia, một trái M79, cái đầu đạn vàng khè nằm ngay giữa bụng do sức ép chui vào lọt bên trong làm banh bộ lòng ra ngoài nhưng đầu đạn không nổ vì khoảng cách bắn quá gần! Chúng tôi tịch thu hai khẩu K54. Qua liên lạc máy, toán tiền đồn báo về cũng đã lượm thêm hai khẩu AK, một 47 một 50.

Chưa chịu bỏ ý định tính sổ tụi tôi, ngay tối hôm đó, khoảng nửa đêm, chúng vào một cái ấp gần đó lùa bầy trâu của dân đẩy vào phòng tuyến đại đội. Chúng tôi đang ngủ thì liên tiếp những tiếng mìn nổ vang dội chung quanh. Vội vàng xuống hố bố trí, chúng tôi chờ địch xung phong. Cố gắng dõi tầm mắt xuyên qua bóng đêm dầy đặc để quan sát, nín thở để nghe ngóng từng tiếng động. Cả tiếng đồng hồ im lặng trôi qua, không một tiếng động, không có dấu hiệu nào chứng tỏ địch mở đợt tấn công. Tất cả được lệnh chấm dứt báo động ngoại trừ những người có nhiệm vụ canh gác phải cẩn thận hơn.

Tờ mờ sáng, sương mù chưa tan hẳn, chúng tôi nhìn ra hướng mìn nổ, sáu xác trâu nằm rải rác chung quanh vòng đai phòng thủ lẫn lộn trong những nhánh cao su gãy bên cạnh. Cho một toán bò ra lục soát, chúng tôi không thấy gì khác hơn xác những con trâu đã chết vì vướng mìn. Chúng tôi phải gài lại những trái mìn khác thay thế.

Từ đó, chúng từ bỏ ý định tấn công tiêu diệt chúng tôi vì tổn thất quá nhiều. Tất nhiên vị trí đóng quân của đại đôi tôi gây trở ngại cho chúng không ít trong việc chuyển vận vũ khí đạn dược cho những đơn của chúng đang chuẩn bị cho đợt tấn công vào trong thị xã. Chúng vẫn tiếp tục công việc này bằng cách di chuyển chạy, từ gốc cao su này dọt sang gốc cây cao su khác. Thoạt tiên, lính cũng nhắm bắn, nhưng không hiệu quả. Mình thấy địch mới bóp cò đạn chưa tới nơi nó đã dọt sang chỗ khác. Có bắn chận đầu thì cũng chỉ hú họa và chưa chắc đã có kết quả. Ở vào tình trạng bị bao vây cô lập như tụi tôi lúc này, không được tiếp tế, tiết kiệm đạn dược là điều cần phải làm. Vậy là mạnh địch địch chạy, mạnh ta ta ngó!

Tụi việt cộng quả thực tính toán mánh lới. Chúng không tấn công tụi tôi nữa vì nghĩ rằng chỉ cần bao vây cô lập, tụi tôi cũng không còn đường sống. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi tụi tôi đã không còn nước uống. Lợi dụng một tối trời mưa, chúng tôi giăng poncho trên mặt đất trũng lấy nước đổ đầy bình dự trữ. Cũng chẳng được bao nhiêu. Một ít đổ vào những bao gạo sấy vò cho nhuyễn đỡ bao tử, số còn lại để uống tiết kiệm. Chúng tôi đã báo cáo trình trạng này về tiểu đoàn xin chỉ thị nhưng lệnh ban ra vẫn là cố thủ vị trí. Chúng tôi không còn may mắn nữa. Chả có trận mưa nào tái diễn dù là mưa bụi. Tới ngày thứ bảy chúng tôi không còn một giọt nước. Việt cộng không đánh chúng tôi cũng chắc chắn sẽ tiêu. Chúng tôi phải qua tần số hẹn (một tần số liên lạc truyền tin quy định riêng trong nội bộ tiểu đoàn, cấp trên không biết) xin tiểu đoàn trưởng cho rút. Tiểu đoàn trưởng và phó của chúng tôi lúc này là hai ông cùng khóa 20 VBĐL, đại đội trưởng đại đội tôi, trung úy Đạt khóa 23. Hai ông bàn nhau sao đó, đồng ý cho chú đàn em rút dù để bảo toàn lực lượng và dặn dò phải phá bỏ triệt để hầm hố phòng khi cấp trên bắt tái chiếm.

Mặc dù bỏ ý định tấn công chúng tôi nhưng lũ địch không ngơi quan sát. Khi chúng tôi bắt đầu phá bỏ hầm hố, địch hiểu ngay ý định. Chúng tập trung lực lương thật nhanh và khai triển tấn công liền. Cũng may chúng tôi đã trù liệu, để lại một trung đội chận hậu với tất cả mìn dàn sẵn, M72 kéo nòng chờ đợi, rút từng toán nhỏ một, từng đoạn đường một yểm trợ lẫn nhau trong khi lui. Toán địch đầu tiên vừa xung phong là lãnh nguyên nhiều loạt M72, cộng thêm những trái mìn Claymore còn lại cũng được kích hỏa từ những con cóc mìn trong tay những người lính của trung đội chận hậu. Chúng khựng lại một lúc, ép sát mặt đất để né tránh cái hỏa lực mãnh liệt phát ra từ những sinh vật, vì sự sinh tồn, đã bằng mọi nỗ lực hành động tìm cho mình con đường sống. Lợi dụng sự khựng lại của bọn địch, trung đội cuối cùng đã vùng dậy, lao theo lớp đồng đội đi trước. Thấy chúng tôi đã thoát khỏi tầm tấn công, địch đuổi theo bằng mấy viên đạn cối rồi thôi. Tới quốc lộ 13, cách vị trí chúng tôi vừa rời bỏ độ nửa cây số, kiểm điểm lại quân số, chúng tôi còn nguyên nhưng không vẹn, ba chiến sĩ bị thương dù không có gì trầm trọng lắm.
Thị xã An Lộc đổ nát trong mùa hè đỏ lửa 1972

Cả đại đội kéo vào thị xã, vừa qua khỏi cổng Nam thì mấy trái đạn pháo lao tới: 105,130, 122 ly... đủ loại. Trái nổ gần, trái nổ xa, tiếng hú xèo xèo, tiếng nổ ù tai, biết đường nào mà né. Cả đại đội chỉ biết nhào vào hai bên đường nằm xuống, úp mặt có, ngửa mặt có, trời kêu ai nấy dạ, hầm hố đâu mà trú ẩn. Thì ra, tình hình trong tỉnh lỵ còn nặng nề hơn. Địch pháo kích cả ngày lẫn đêm, bất kể giờ giấc từ hai hướng: tây và tây bắc. Những khẩu pháo, theo sự đo đạc ước lượng của chúng tôi, cách thị xã khoảng chừng 30 cây số. Chúng tôi có muốn phản pháo cũng vô hiệu quả vì tầm pháo 105 ly của ta không thể đi xa tới thế, vả lại còn lại trong tỉnh lỵ chỉ có hai khẩu 105 ly với vài chục trái đạn nên phải tiết kiệm dành cho trường hợp tối cần thiết.
Pháo 175 ly chúng ta có nhưng đặt mãi tận căn cứ Lai Khê. Có thể nói, dưới cái hỏa lực pháo tàn bạo của địch, rót xuống một phần đất mà diện tích bao gồm chưa tới một cây số vuông, ngày này qua đêm nọ, ròng rã suốt mấy tháng trời, binh lính trấn đóng tại đây, hầu hết đều bị thương vì đạn pháo. Thậm chí có người bị thương hai ba lần vì không có phương tiện di tản. Yểm trợ cho An Lộc lúc đó chỉ trông chờ vào những phi vụ máy bay oanh tạc của ta và Mỹ từ chiến hạm Mỹ bay vào. Đạn dược, thức ăn, thuốc men có được nhờ vào thả dù tiếp tế. Để tránh pháo và cao xạ, máy bay thả dù phải bay thật cao và thả những kiện hàng xuống, nhiều kiện hàng đã bay lọt ra ngoài phạm vi thị xã.

Mấy tháng trời vây hãm với quân số trội hẳn, hơn ba công trường chính qui: 3, 5 và 7 với xe tăng, pháo hạng nặng, hỏa tiễn..., mở bao đợt tấn công, chúng vẫn không chiếm được một tỉnh lỵ nhỏ bé mà lực lượng phòng thủ chưa tới một sư đoàn! Chúng quên mất một yếu tố quan trọng: bao vây quân ta tứ phía, không chừa một ngõ thoát thân. Con vật nào cũng vậy, khi bị dồn vào chân tường đều phải phản ứng tự vệ tới cùng tìm cho mình một con đường sống. Chúng tôi đã tồn tại như một bản năng. Hơn thế nữa, với sức chịu đựng bến bỉ, với một ý chí kiên cường, chứng kiến tận mắt sự thô bạo của bọn chúng khi sát hại đồng bào vô tội trên quốc lộ 13 khi họ tìm cách trốn chạy về hướng nam, quân ta đã làm nên một kỳ tích cho chiến sử Việt Nam qua chiến thắng An Lộc.

Sau khi vào thị xã, đại đội tôi được điều động bố trí tuyến phòng thủ hướng nam, sát cạnh đồn Cảnh Sát Dã Chiến tỉnh. Mỗi ngày, chúng tôi, ngoài cảnh hứng chịu những đợt pháo kích liên tục từ xa mà nguy hiểm nhất với những trái xuyên phá, không nổ trên mặt đất mà chui sâu dưới mặt đất hai ba thước xoáy thành những lỗ sâu hoắm nhằm phá hủy những hầm hố phòng thủ, chúng tôi còn phải đối phó những đợt bắn khuấy rối của đám việt cộng bên ngoài với đủ loại đạn: bắn sẻ bằng M79 lấy được của phe ta, cối 61, 82, đại bác không giựt 57, 75, AK, đại liên, B40, B41, lựu đạn phóng vào bằng giàn thun, trong đó có cả những lựu đạn cay khiến chúng tôi lúc nào cũng phải kè kè bên mình cái mặt nạ phòng hơi độc.

Một buối sáng sớm, trung úy Đạt, đại đội trưởng lợi dụng êm pháo cầm xẻng ra ngoài đi vệ sinh, từ phía rừng cao su hướng nam một trái M79 phóng vào, Đạt ôm quần chạy xuống hầm. Một bên mông đang ứa máu với những miểng nhỏ ghim lỗ chỗ. Hắn gọi máy về tiểu đoàn báo cáo. Ngày hôm sau, Đạt ra cổng nam leo lên trực thăng di tản về Lai Khê. Hắn có lệnh về học khóa Cao đẳng công binh cách đây nửa tháng nhưng tiểu đoàn không cho đi vì tình hình chiến sự. Trực thăng tản thương lúc này cũng đã có trên một đoạn của quốc lộ 13 phía nam thị xã nhờ một lữ đoàn dù được trực thăng vận lên tiếp viện đã trấn giữ một phần hai bên quốc lộ cách tỉnh lỵ khoảng hơn cây số.

Mang tiếng là có trực thăng tản thương nhưng mỗi lần thấy bóng dáng trực thăng bay tới là việt cộng pháo phủ đầu. Nhiều khi máy bay vừa đáp xuống chưa kịp bốc thương binh đã phải vọt bay lên. Những người bị thương nhẹ dễ có cơ hội được bốc hơn, nhất là những anh có thể tự leo lên trực thăng một mình không cần người khiêng hay dìu đỡ.

Đạt thuộc một trong số những người đi tản thương kiểu đó dù chưa được sự ưng thuận của tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng, sau khi biết sự việc, chửi thề đòi báo cáo đưa hắn ra tòa án quân sự. Tiểu đoàn phó can ngăn bảo dầu gì hắn cũng là đàn em, làm vậy sẽ hại cho cuộc đời binh nghiệp của hắn. Thế là sự việc xếp lại và tôi được chỉ định xử lý thường vụ.

Đêm 13/5/1972, việt cộng mở một trận pháo kích khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh. Từ 6 giờ tối đến rạng sáng hôm sau, địch rót vào thị xã hơn mười ngàn trái đạn để chuẩn bị cho đợt tấn công của bộ binh phối hợp với chiến xa ngay sau khi pháo vừa dứt điểm. Tiếng pháo cứ liên tục bung binh không ngớt suốt đêm và vừa ngưng vào rạng sáng hôm sau thì tiếng xích xe tăng rít kèn kẹt vượt qua những lớp kẽm gai ngoài hàng rào phòng thủ đã vang lên. Những chiếc tăng mà lần đầu tiên quân ta trực tiếp đối đầu T54, PT76... đã ập vào tận tuyến phòng thủ. Có những chiếc chạy qua cán dẹp lép những căn hầm tránh pháo kích của ta. Tất cả binh sĩ đã được lệnh lên khỏi hầm nghinh đón bộ binh địch. Không một bóng dáng tên việt cộng nào cả, họ xoay sang tìm cách tiêu diệt xe tăng.

Lần đầu tiên chạm trán, loại súng duy nhất để chống chiến xa ta có chỉ là M72 chống người và phá hủy hầm hố. Lính giương nòng nhắm trực xạ vào những chiếc tăng đang tung hoành ngang dọc. Có vài trái trúng mũi xe, pháo tháp... bay vuột đi mất. Rút kinh nghiệm rất nhanh, họ nhắm vào dãy bánh xích xe bên hông. Những tiếng nổ ùng uỳnh vang lên khắp nơi. Hình như không hiệu quả. Một chiếc rõ ràng đã trúng đạn vẫn hùng hổ lao tới ủi sập một góc nhà trước căn hầm của BC đại đội kẹt ở đó nhưng máy lại càng rú mạnh hơn. Một số binh sĩ thấy coi bộ M72 không công hiệu đã chạy theo xe, bám vào thành xe leo lên tìm chỗ trống thảy lựu đạn vào. Qủa tình phương pháp này hữu hiệu hơn nhiều. Sau tiếng ục ùng vang lên trong thùng xe, chiếc tăng bất động.

Khí thế nổi lên, lính ta ùn ùn rủ nhau đi rượt xe tăng. Cũng nhờ địch, lần đầu áp dụng chiến thuật bộ binh tùng thiết, hoặc giả chúng trục trặc trong việc phối hợp sao đó, lính ta tha hồ rảnh tay diệt tăng mà không sợ bộ binh yểm trợ. Chiếc T54 sau một hồi kẹt ở góc nhà, pháo tháp được đẩy lên, từ trong chui lên một tên bộ đội, hai tay đưa thẳng lên trời, miệng không ngớt kêu xin hàng đừng bắn. Lôi hắn xuống, hắn cho biết còn một tên nữa trong xe. Bọn tôi bảo hắn leo lên pháo tháp gọi tên kia ra. Đó là hai tù binh mà chúng tôi bắt được tại tuyến phòng thủ qua đợt tấn công duy nhất việt cộng có thể tổ chức dù đã chuẩn bị nhiều tháng trời. Thì ra, mặc dù trái M72, không làm xuy xuyển chiếc tăng nhưng với sức nổ, hai tên trong xe đã bị dội ép đến bất tỉnh. Cách thiết kế của xe tăng địch trái ngược với ta. Ga xe khi nhấn mạnh là giảm tốc độ, còn buông ra là xe chạy mạnh hơn. Hèn chi khi tên lái xe ngất đi, cần ga không người điều khiển lại càng hú lên dữ dội khiến chúng tôi tưởng lầm và đã hơi hoảng lúc đầu.

Chúng tôi may mắn giữ vững phòng tuyến nhưng tiểu đoàn bạn 3/7 thì không. Tuyến hướng tây tương đối bằng phẳng, tạo dễ dàng cho địch trong việc tiến công. TĐ3/7 bị chọc thủng phòng tuyến, tan hàng. Đại đội của niên trưởng Việt và Nguyện cùng chung số phận. Hai sĩ quan CTCT đã anh dũng hy sinh đúng như lời thề nguyện ngày nào trên vũ đình trường đem máu xương bảo vệ sơn hà.

Chiều hôm đó tôi nhận lệnh dẫn đại đội đi tái chiếm lại một phần tuyến đã thất thủ của TĐ3/7. Gần 6 giờ chiều chúng tôi mới tới được một dãy nhà cách tuyến phòng thủ cũ của TĐ 3/7 khoảng hơn trăm thước. Trời sắp sập tối. Phía trước, qua ống nhòm tôi thấy thấp thoáng đằng sau dãy nhà đổ nát bóng hai chiếc tăng T54 với họng pháo dài nhô ra bên ngoài bức tường gạch nám màu khói lửa xám xịt. Tôi xin lệnh dừng quân bố trí để mở cuộc tấn chiếm lại vào sáng ngày mai. Buổi tối trước khi ngủ, tôi khấn thầm, mong hương hồn Nguyện linh thiêng phù trợ để tôi có thể tìm tới nơi chỗ xác bạn, lo cho bạn được một chỗ an nghỉ tươm tất trong lòng đất.

Tôi đã không làm được điều đó. Mới năm giờ sáng, một trái đại bác 100 ly trực xạ phát đi từ nòng chiếc tăng T54 trúng ngay bức tường nơi tôi đặt BC đại đội. Anh hạ sĩ gác ngồi trên nóc hầm bị một miểng chém ngang đứt hẳn phần đầu, những miểng còn lại tạt xuống dưới khiến một số bị thương. Tôi bị một miểng xuyên qua gót chân trổ ra bên cạnh mắt cá. Qua làn cát bụi mịt mù, tôi nghe tiếng rên la của chú đệ tử kế bên vì chân trái đã bị một cái miểng đạn chém đứt nhưng còn sợi giây gân dính lại với phần đùi bên trên. Phải chừng nửa phút tôi mới cảm thấy ê ê dưới gót chân, rà bàn tay xuống, gót chân phải của tôi, một phần thịt bầy nhầy. Hai tên mang máy truyền tin may mắn nhất vì căng võng sát trần hầm nên khi miểng chém đứt giây võng, hai đứa té xuống vội vã bỏ hầm chạy đâu mất. Sau khi an ủi chú đệ tử bị thương, dặn nằm đó chờ, tôi nhét khẩu colt vào bụng, đội nón sắt, với chiếc mặt nạ phòng hơi độc đeo vào vai, chân phải xỏ giày cột lại đàng hoàng. Chiếc còn lại không thể mang được, thấy tiếc, tôi xỏ tay trái vào và bò sang cái hầm y tá gần đó. Vừa chui đầu vào một trái pháo nổ tiếp theo, một làn hơi nóng với sức ép xô tôi lọt vào bên trong đồng thời bức tường sập xuống bít chặt miệng hầm lại. Chúng tôi hoàn toàn bị nhốt kín trong căn hầm không có cách gì liên lạc với bên ngoài.

Hai tiếng sau, tiểu đoàn cho đơn vị lên tiếp cứu moi hầm lôi ra. Đại đội tôi được một sĩ quan khác chỉ huy vì tôi hoàn toàn bất khiển dụng từ đây.
Tôi được tiểu đoàn cho một cậu lính theo chăm sóc suốt thời gian còn lại. Hắn cõng tôi vào tòa hành chánh tỉnh, nơi đây tôi được bác sĩ Hùng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5 quân y khâu “sống” cái gót chân nát bấy của tôi, nghĩa là khâu băng kim chỉ mà không có thuốc tê. Cũng chả đau đớn gì mấy vì cái nhức trong xương, lúc này mới phát ra, còn ghê gớm hơn cái đau của mũi kim xuyên qua da thịt gấp trăm lần. Tôi chịu như thế hơn một tháng trời. Nhiều lần, gã đệ tử cõng đi tản thương đều thất bại. Có lần đang đi, pháo tới, hắn quẳng tôi xuống để tìm chỗ núp vì đạn bay quá gần, tiếng xè xè cho biết như vậy. Một hai lần tới được bãi đáp thì không tranh kịp với những người bị thương nhẹ hơn.

Đợi đến khi bộ tư lệnh sư đoàn lập ra một toán phụ trách tản thương, tôi mới được đưa lên trực thăng chuyển về Lai Khê. Lúc đó vết thương đã lành miệng. Cám ơn chú lính chăm sóc cho tôi, mỗi lần máy bay thả dù tiếp tế chú chịu khó lục lọi tìm những ống trụ sinh về chích, nhờ đó vết thương không làm độc. Nhiều người đã phải cưa chân hai ba lần vì vết thương bị nhiễm trùng. Ngồi trên trực thăng, tôi đưa bàn tay sờ xuống sàn, hơi thép mát lạnh tôi có được cảm giác mình còn sống sót. Những người ở lại, vẫn đang tiếp tục những gian khổ tôi từng trải qua, những người đã nằm lại vĩnh viễn, trong đó có bạn tôi Tôn Thất Nguyện, có niên trưởng Lê Bách Việt và bao chiến sĩ vô danh khác nữa...

Sau nửa năm nằm bệnh viện, tôi trở lại đơn vị. Thành Laba lúc này về làm trưởng ban 5. Tiểu đoàn trưởng là ông phó lên thay. Thành mới đổi về, không được lòng mọi người vì cái miệng bô lô bô loa của hắn. Tiểu đoàn trưởng bảo sẽ đưa tôi làm trưởng ban 5 thay cho Thành sẽ ra ngoài đại đội tác chiến. Tôi từ chối nại rằng Thành đủ khả năng để giữ chức vụ này, tôi không muốn mang tiếng tranh dành vị thế của bạn. Một tuần sau, một đại đội trưởng có lệnh thuyên chuyển về cảnh sát, tiểu đoàn trưởng đề nghị tôi giữ chức vụ này và khuyên tôi làm đơn xin xuất ngành. Tôi chính thức trở thành đại đội trưởng cho đến ngày tan hàng.

Một thời gian sau đó, tôi tình cờ gặp Thẩm trong khi về hậu cứ trung đoàn lấy sự vụ lệnh đi học khóa Bộ binh trung cấp. Tiểu đoàn Thẩm đang hoạt động tại Phú Giáo. Đang rảnh rỗi, tôi kéo Thẩm ra quán nhậu mừng rỡ vì bạn bè quá lâu mới gặp. Thẩm hỏi thăm cách thức nộp đơn xin xuất ngành. Tôi khuyến khích sau khi nói sơ cho Thẩm biết những đơn từ cần làm gửi thẳng về Bộ Tổng Tham Mưu thay vì Tổng Cục CTCT để tránh bị phạt. Ít lâu sau đó Thẩm chính thức nắm đại đội.

Sau khi mãn khóa học trở về, tôi còn nhớ rõ, nhận lại đại đội, lúc đó tiểu đoàn tôi đóng tại Lai Khê, tiểu đoàn trưởng đã đổi, thiếu tá Dũng, khóa 16 võ bị từ trinh sát dù về, tôi được lệnh dẫn đại đội tăng phái cho trung đoàn 8, giữ an ninh cho bộ chỉ huy nhẹ trung đoàn đang ở tại khu Lò Than ngay ngã tư Bến Cát. Ngã tư này, cách quốc lộ 13 năm trăm thước về hướng đông. Chạy về tây bắc là ngõ đi lên mật khu Long Nguyên, phía tây nam rẽ vào An Điền Rạch Bắp là nơi chiến sự đang sôi động lúc này. Giữa đường An Điền-Rạch Bắp một chiến đoàn của sư đoàn gồm một số các tiểu đoàn của trung đoàn 8 và 9 phối hợp với thiết đoàn 5 đang quần thảo với một lực lượng khá lớn của địch nhằm cắt đứt quốc lộ 13. Bộ chỉ huy nhẹ chúng tôi đang giữ an ninh là trung tâm điều khiển các cuộc hành quân ở đó. Với nhiệm vụ nhẹ nhàng này, sau khi bố trí, tôi cho đệ tử ra Bến Cát khiêng về hai két 33 để đãi các trung đội trưởng.

Đang ngồi nhậu, tôi thấy Thẩm dẫn đại đội đi trên đường hướng về phía Long Nguyên. Tôi đứng dậy giơ cao tay ngoắc ngoắc miệng kêu tên. Thẩm cũng nghe thấy và đưa tay đang cầm tấm bản đồ vẫy lại, chỉ có thế vì đang bận với hai cái ống liên hợp trên tay điều động đơn vị và tiếp tục di chuyển. Tôi ngồi xuống tiếp tục tiệc rượu. Chừng mười lăm phút sau, tôi nghe có tiếng nổ lớn như tiếng mìn về hướng Thẩm đang di chuyển và tiếp theo là nhiều loạt đạn nổ vang. Chắc chắn Thẩm đang chạm địch. Cái máy truyền tin đặt cạnh tôi vang lên những báo cáo không hay. Vì biệt phái nên tôi xài chung một tần số với tất cả các đơn vị phối hợp. BC đại đội của Thẩm đã lọt vào điểm phục kích của địch. Ngay lúc trái mìn và những viên B40, 41 đầu tiên, bộ chỉ huy của Thẩm đã là trọng tâm của cuộc phục kích. Trung đoàn đã trực tiếp điều động các trung đội còn lại của Thẩm phản công vì hai máy truyền tin của đại đội Thẩm không còn lên tiếng. Chỉ sau đó ít phút tôi mới biết rõ Thẩm đã hy sinh. Một người bạn nữa lại ra đi không lời trăn trối. Vĩnh biệt Thẩm.

Đúng 9 giờ tối, tôi được lệnh dẫn đại đội đi gấp vào Rạch Bắp để trám tuyến cho một tiểu đoàn bạn đang rối loạn vì có một số lính bỏ chạy ra ngoài. Trước đó địch đã mở một đợt tấn công tràn ngập tuyến phòng thủ của tiểu đoàn 2/8. Tôi kéo đại đội đi ngay bỏ lại những mìn bẫy còn đang gài ngoài tuyến. Trời đang lất phất mưa khiến con đường đất đỏ dẫn vào trận địa trở nên trơn trượt. Buổi chiều tôi uống hơi nhiều, không biết vì vui khi trở lại đơn vị với những thuộc hạ cũ của mình hay buồn vì một người bạn thân vừa nằm xuống. Tôi xuýt té mấy lần. Dọc đường tôi gặp một số lính nhốn nháo chạy ra ngược chiều cùng với mấy chiếc chiến xa M48. Cũng may, tôi dẫn đại đội tới nới an toàn. Cả tối đó không có động tịnh gì cả. Sáng hôm sau, trung đoàn cho một toán kiểm soát chận bắt tất cả những lính đã tháo chạy trong đêm khuya vì khi nghe tiếng xe M48 của ta di chuyển tưởng lầm chiến xa việt cộng. Chúng tôi được lệnh kéo về. Tới bộ chỉ huy trung đoàn, tôi nhận thêm một tin buồn, niên trưởng Quách Kế Nhơn, tiểu đoàn phó 2/8 vừa hy sinh tối qua trong cuộc đột kích của việt cộng.

Cuối cùng, trong số khóa 2 về trung đoàn 7 chỉ còn Thành, Hoàng và tôi. Chương đi đâu tôi không hề nghe tin tức, chỉ biết hắn bị đì dữ lắm, vẫn còn mang lon thiếu úy.
Những kỷ niệm này, tôi giữ trong lòng từ lâu, vì chẳng có dịp kể cho ai nghe. Gần đây, qua Email, một số các bạn có lên tiếng về cái chết của Nguyện và Thẩm, tôi thấy mình phải có nhiệm vụ nói rõ về chuyện hy sinh của hai người bạn quá cố mà chính tôi là người gần gũi nhất.
Cầu chúc cho tất cả bạn bè chúng ta, những người đã nằm xuống, vì bất cứ lý do gì, yên hưởng thanh bình vĩnh viễn nơi cõi hằng cửu xa xôi nào đó. 

No comments:

Post a Comment