Mạc Văn Trang: TẢN MẠN VỀ BẢO TỒN DI SẢN VẬT THỂ
Tản mạn về bảo tồn di sản vật thể
Mạc Văn Trang
10-5-2019
Nhân chuyện tôi bày tỏ tiếc nuối Nhà thờ Bùi Chu 134 năm lịch sử sẽ bị phá đi xây mới, nhiều bạn “mắng”: “Sao phải thương vay, khóc mướn, khi tất cả giáo dân trong Giáo phận đều đồng ý”! Tôi ngẫm ra, giáo dân thì cũng là người Việt, sống trong thể chế này mấy mươi năm, cũng có tâm lý chung: Cái cũ kỹ, nhỏ bé, nay không sử dụng được thì còn giá trị gì, phá bỏ làm cái mới hiện đại, hoành tráng mới giá trị (!).
Nhân chuyện này, nhớ lan man đến nhiều chuyện chứng tỏ cái tâm lý coi thường di sản vật thể của dân ta. Ở phương diện cá nhân, làng tôi có hàng chục cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; khi phục viên, họ đều trân trọng, tự hào mang về khoe với dân làng cái mũ đan bằng sợi giang, trên phủ vải dù chiến lợi phẩm và có lưới bọc bên ngoài; cái ca sắt tráng men, có chữ Chiến thắng ĐBP với lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”; một vài thứ chiến lợi phẩm: Cái bi đông, cái bật lửa, con dao gip, mảnh vài dù… thu được của lính Pháp. Nhưng bây giờ hỏi mấy người con cháu của các cựu chiến binh ấy, họ chả quan tâm giữ làm gì mấy thứ nói trên; họ chỉ chú trọng giữ mấy tấm huân, huy chương treo trên tường nhà…
Tôi có nói với một anh đại gia ở làng, cậu hãy dành mấy gian nhà kho, thu thập hết các thứ cối đá, cối xay, cối giã, guồng nước, gầu sòng, gầu giai, cái nơm, cái đó, cái vó, cái giậm, cày, bừa, liềm, hái, thủng, mủng, nong nia, dần, sàng, rổ rá… tất tần tật những công cụ trước đây dân làng sử dụng đem cất vào đấy. Sau này đem trưng bày cho các cháu học sinh xem, quý lắm đấy, vô giá đấy. Nhưng cậu ta chả để ý.
Trong ngôi nhà đẹp, trước sân, cậu ta dựng một bức tượng. Tôi hỏi, tượng ai đây? – Tượng ông già em đấy… Tôi sững người. Một người đàn ông mặc áo măng- tô, đội mũ phớt, tay chống ba toong, y như ông Tây chủ đồn điền! Mà ông bố cậu, tôi có lạ gì, chỉ là một trung nông, thạo cày cuốc, sau có làm cán bộ xã, cán bộ huyện ít năm. Giá tượng bố cậu là một nông dân, quần sắn trên gối, ngồi trên bờ ruộng, bên con trâu, rít điếu cày… thì tuyệt quá! Nhưng đâu chỉ có mình cậu ta! Cả làng tôi, nhìn lên bàn thờ nhà ai, cũng toàn thấy các cụ bần, cố nông ngày xưa đều com- lê, cà – vạt đỏ choét, hoặc áo gấm hoa, khăn xếp như quan phụ mẫu cả!
Trên bình diện cộng đồng, Đình, Chùa, Đền, Miếu của làng đều bị đập phá hết. Cũng theo nghị quyết chi bộ nhất trí 100% đấy chứ! Nay dân làng lại đồng tâm, nhất trí 100% góp công, góp của xây dựng Đình, Chùa, Nhà thờ họ mới toanh, toàn bê tông cốt thép, hiện đại, hoành tráng. Toàn dân lại hồ hởi, phấn khởi, mở lễ hội tưng bừng “Làng ta đã bao giờ được thế này chưa”? Chả ai đoái tiếc gì cái Đình, Chùa cổ lỗ ngày xưa! Tâm lý dân làng tôi là vậy đó! Không biết các làng khác có thế không?
Người Pháp thì khác. Hôm GS Sử học Philippe Papin về thăm làng, tôi bảo, Đình, Chùa cũ phá hết rồi. Đây là Đình, Chùa mới xây, có vào thăm không? Anh ta lắc đầu, và hỏi: – Đình, Chùa cũ còn dấu vết gì không? – Còn mấy tấm bia. Vậy là anh ta hăm hở ra cặm cụi xem, chụp hình…
Người dân thường ở Pháp cũng rất có ý thức và tình cảm gìn giữ di sản của ông cha. Năm ngoái tôi có đến thăm cụ Bretreau ở làng Tombe, một điền chủ ngoài 80 tuổi, cách Paris hơn 200km; cụ vẫn sở hữu hơn 140 ha ruộng trồng trọt màu mỡ và vài chục ha rừng; nhà cửa khang trang, kho xưởng rộng lớn; cụ ông, cụ bà mỗi người một xe con… Nhưng cụ dắt ra vườn sau nhà khoe cái bờ tường xếp bằng đá và cái giếng nước khoan sâu mấy chục mét.
Cụ bảo hơn trăm năm trước, bố Cụ cùng một nhóm người đến khu rừng này khai hoang. Khi cày cuốc, gặp cục đá nào lại khuân về xếp thành tường chắn thú dữ. Cái giếng này không hiểu các cụ khoan thế nào mà sâu vậy, nay quay bằng tời vẫn lấy được nước lên… Vào trong nhà, Cụ chỉ khoe mỗi cái đầu lợn rừng cực lớn, bảo, bố Cụ đã phải bắn mấy chục con lợn rừng hung dữ và đây là con to nhất, dữ nhất…
Một lần ra chợ đồ cũ, tôi ngạc nhiên thú vị, thấy rất nhiều thứ đồ cổ, đồ cũ từ mấy thế kỷ trước được người dân bày bán, hoặc đem trưng bầy cho vui. Có một cụ già lắm, chỉ bày 1 cái đục đá và 1 cái búa. Cái đục thì đầu toét ra cuộn xuống một cục; cái búa thì cán lõm vào in dấu mấy ngón tay và mặt búa trũng sâu. Cụ bảo, đây là đồ nghề của Cụ nội, từng đục đá xây nhiều Nhà thờ, lâu đài… Cụ già rồi, sợ không giữ được, nên xem ai biết trân trọng, gìn giữ thì trao lại…
Tôi vào thăm ông bà thân sinh của GS Philippe Papin, bà thì khoe mấy cái nồi đồng và cái cân đĩa bằng đồng, của mẹ bà để lại, tất cả sáng bóng, đặt trang trọng trên giá, trong phòng ăn. Ông thì dắt vào phòng khách, khoe mấy cái mũ sĩ quan của ông nội và dẫn ra vườn khoe gốc Hồng già khụ vẫn ra hoa thơm…
Còn ở trên đất Pháp, đâu đâu cũng thấy những công trình từ thế kỷ XII, XIII, XIV… vẫn được gìn giữ nguyên trạng, hoặc cố giữ lấy một phần dấu tích: một bức tường nhà trát bằng vôi trộn rơm, một cầu thang gỗ, một khúc tường đá, một khung cửa gỗ, vài cột đá buộc ngựa trước nhà hàng, những biển hiệu càng xưa cũ càng quý giá… Có những con phố cổ mấy trăm năm trước, đường không có vỉa hè, rãnh nước chảy giữa lòng đường; từng viên đá lát nơi đây đã mòn nhẵn, lõm xuống… Những cây cột đèn ngày xưa, buổi tối Lính đèn cưỡi ngựa đi thắp nến, nay vẫn những cây cột ấy lắp bóng điện vào…
Những đá kè 2 bên bờ sông Seine, những cây cầu bắc qua sông này, suốt mấy trăm năm vẫn bền chặt…
Nhà Thờ Đức Bà ở Paris vừa bị cháy, cũng được xây từng hạng mục, suốt từ 1160 đến 1260 mới hoàn tất, và sau vụ hỏa hoạn, chắc chắn sẽ được trùng tu như cũ, chứ không “hạ giải” để xây lại cho nhanh chóng và “to, đẹp hơn”!
Phát triển bền vững là thế đó, là thế hệ trước không những không ăn mất phần của thế hệ sau, không để lại gánh nặng nợ nần cho thế hệ sau, mà để lại một môi trường trong lành và những di sản bền lâu cho các thế hệ tiếp nối…
Trở lại chuyện Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi, theo thiển ý, nếu muốn bảo tồn giá trị di tích như cũ, ngày nay chắc có đủ khoa học, công nghệ để gia cố, giữ được nguyên trạng và vẫn sử dụng tốt. Còn nếu muốn xây mới to hơn trên nền đất cũ, cũng nên giữ lại phần tiêu biểu nhất của Nhà thờ, làm sao gia cố và gắn kết với công trình xây mới thành một quần thể kiến trúc hài hòa. Như vậy đòi hỏi nhiều công phu trí tuệ, tình cảm và tốn kém hơn, lâu hơn…nhưng vẫn giữ được một phần di sản quý giá gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai.
Mạc Văn Trang
10-5-2019
Nhân chuyện tôi bày tỏ tiếc nuối Nhà thờ Bùi Chu 134 năm lịch sử sẽ bị phá đi xây mới, nhiều bạn “mắng”: “Sao phải thương vay, khóc mướn, khi tất cả giáo dân trong Giáo phận đều đồng ý”! Tôi ngẫm ra, giáo dân thì cũng là người Việt, sống trong thể chế này mấy mươi năm, cũng có tâm lý chung: Cái cũ kỹ, nhỏ bé, nay không sử dụng được thì còn giá trị gì, phá bỏ làm cái mới hiện đại, hoành tráng mới giá trị (!).
Nhân chuyện này, nhớ lan man đến nhiều chuyện chứng tỏ cái tâm lý coi thường di sản vật thể của dân ta. Ở phương diện cá nhân, làng tôi có hàng chục cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; khi phục viên, họ đều trân trọng, tự hào mang về khoe với dân làng cái mũ đan bằng sợi giang, trên phủ vải dù chiến lợi phẩm và có lưới bọc bên ngoài; cái ca sắt tráng men, có chữ Chiến thắng ĐBP với lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”; một vài thứ chiến lợi phẩm: Cái bi đông, cái bật lửa, con dao gip, mảnh vài dù… thu được của lính Pháp. Nhưng bây giờ hỏi mấy người con cháu của các cựu chiến binh ấy, họ chả quan tâm giữ làm gì mấy thứ nói trên; họ chỉ chú trọng giữ mấy tấm huân, huy chương treo trên tường nhà…
Tôi có nói với một anh đại gia ở làng, cậu hãy dành mấy gian nhà kho, thu thập hết các thứ cối đá, cối xay, cối giã, guồng nước, gầu sòng, gầu giai, cái nơm, cái đó, cái vó, cái giậm, cày, bừa, liềm, hái, thủng, mủng, nong nia, dần, sàng, rổ rá… tất tần tật những công cụ trước đây dân làng sử dụng đem cất vào đấy. Sau này đem trưng bày cho các cháu học sinh xem, quý lắm đấy, vô giá đấy. Nhưng cậu ta chả để ý.
Trong ngôi nhà đẹp, trước sân, cậu ta dựng một bức tượng. Tôi hỏi, tượng ai đây? – Tượng ông già em đấy… Tôi sững người. Một người đàn ông mặc áo măng- tô, đội mũ phớt, tay chống ba toong, y như ông Tây chủ đồn điền! Mà ông bố cậu, tôi có lạ gì, chỉ là một trung nông, thạo cày cuốc, sau có làm cán bộ xã, cán bộ huyện ít năm. Giá tượng bố cậu là một nông dân, quần sắn trên gối, ngồi trên bờ ruộng, bên con trâu, rít điếu cày… thì tuyệt quá! Nhưng đâu chỉ có mình cậu ta! Cả làng tôi, nhìn lên bàn thờ nhà ai, cũng toàn thấy các cụ bần, cố nông ngày xưa đều com- lê, cà – vạt đỏ choét, hoặc áo gấm hoa, khăn xếp như quan phụ mẫu cả!
Trên bình diện cộng đồng, Đình, Chùa, Đền, Miếu của làng đều bị đập phá hết. Cũng theo nghị quyết chi bộ nhất trí 100% đấy chứ! Nay dân làng lại đồng tâm, nhất trí 100% góp công, góp của xây dựng Đình, Chùa, Nhà thờ họ mới toanh, toàn bê tông cốt thép, hiện đại, hoành tráng. Toàn dân lại hồ hởi, phấn khởi, mở lễ hội tưng bừng “Làng ta đã bao giờ được thế này chưa”? Chả ai đoái tiếc gì cái Đình, Chùa cổ lỗ ngày xưa! Tâm lý dân làng tôi là vậy đó! Không biết các làng khác có thế không?
Người Pháp thì khác. Hôm GS Sử học Philippe Papin về thăm làng, tôi bảo, Đình, Chùa cũ phá hết rồi. Đây là Đình, Chùa mới xây, có vào thăm không? Anh ta lắc đầu, và hỏi: – Đình, Chùa cũ còn dấu vết gì không? – Còn mấy tấm bia. Vậy là anh ta hăm hở ra cặm cụi xem, chụp hình…
Người dân thường ở Pháp cũng rất có ý thức và tình cảm gìn giữ di sản của ông cha. Năm ngoái tôi có đến thăm cụ Bretreau ở làng Tombe, một điền chủ ngoài 80 tuổi, cách Paris hơn 200km; cụ vẫn sở hữu hơn 140 ha ruộng trồng trọt màu mỡ và vài chục ha rừng; nhà cửa khang trang, kho xưởng rộng lớn; cụ ông, cụ bà mỗi người một xe con… Nhưng cụ dắt ra vườn sau nhà khoe cái bờ tường xếp bằng đá và cái giếng nước khoan sâu mấy chục mét.
Cụ bảo hơn trăm năm trước, bố Cụ cùng một nhóm người đến khu rừng này khai hoang. Khi cày cuốc, gặp cục đá nào lại khuân về xếp thành tường chắn thú dữ. Cái giếng này không hiểu các cụ khoan thế nào mà sâu vậy, nay quay bằng tời vẫn lấy được nước lên… Vào trong nhà, Cụ chỉ khoe mỗi cái đầu lợn rừng cực lớn, bảo, bố Cụ đã phải bắn mấy chục con lợn rừng hung dữ và đây là con to nhất, dữ nhất…
Một lần ra chợ đồ cũ, tôi ngạc nhiên thú vị, thấy rất nhiều thứ đồ cổ, đồ cũ từ mấy thế kỷ trước được người dân bày bán, hoặc đem trưng bầy cho vui. Có một cụ già lắm, chỉ bày 1 cái đục đá và 1 cái búa. Cái đục thì đầu toét ra cuộn xuống một cục; cái búa thì cán lõm vào in dấu mấy ngón tay và mặt búa trũng sâu. Cụ bảo, đây là đồ nghề của Cụ nội, từng đục đá xây nhiều Nhà thờ, lâu đài… Cụ già rồi, sợ không giữ được, nên xem ai biết trân trọng, gìn giữ thì trao lại…
Tôi vào thăm ông bà thân sinh của GS Philippe Papin, bà thì khoe mấy cái nồi đồng và cái cân đĩa bằng đồng, của mẹ bà để lại, tất cả sáng bóng, đặt trang trọng trên giá, trong phòng ăn. Ông thì dắt vào phòng khách, khoe mấy cái mũ sĩ quan của ông nội và dẫn ra vườn khoe gốc Hồng già khụ vẫn ra hoa thơm…
Còn ở trên đất Pháp, đâu đâu cũng thấy những công trình từ thế kỷ XII, XIII, XIV… vẫn được gìn giữ nguyên trạng, hoặc cố giữ lấy một phần dấu tích: một bức tường nhà trát bằng vôi trộn rơm, một cầu thang gỗ, một khúc tường đá, một khung cửa gỗ, vài cột đá buộc ngựa trước nhà hàng, những biển hiệu càng xưa cũ càng quý giá… Có những con phố cổ mấy trăm năm trước, đường không có vỉa hè, rãnh nước chảy giữa lòng đường; từng viên đá lát nơi đây đã mòn nhẵn, lõm xuống… Những cây cột đèn ngày xưa, buổi tối Lính đèn cưỡi ngựa đi thắp nến, nay vẫn những cây cột ấy lắp bóng điện vào…
Những đá kè 2 bên bờ sông Seine, những cây cầu bắc qua sông này, suốt mấy trăm năm vẫn bền chặt…
Nhà Thờ Đức Bà ở Paris vừa bị cháy, cũng được xây từng hạng mục, suốt từ 1160 đến 1260 mới hoàn tất, và sau vụ hỏa hoạn, chắc chắn sẽ được trùng tu như cũ, chứ không “hạ giải” để xây lại cho nhanh chóng và “to, đẹp hơn”!
Phát triển bền vững là thế đó, là thế hệ trước không những không ăn mất phần của thế hệ sau, không để lại gánh nặng nợ nần cho thế hệ sau, mà để lại một môi trường trong lành và những di sản bền lâu cho các thế hệ tiếp nối…
Trở lại chuyện Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi, theo thiển ý, nếu muốn bảo tồn giá trị di tích như cũ, ngày nay chắc có đủ khoa học, công nghệ để gia cố, giữ được nguyên trạng và vẫn sử dụng tốt. Còn nếu muốn xây mới to hơn trên nền đất cũ, cũng nên giữ lại phần tiêu biểu nhất của Nhà thờ, làm sao gia cố và gắn kết với công trình xây mới thành một quần thể kiến trúc hài hòa. Như vậy đòi hỏi nhiều công phu trí tuệ, tình cảm và tốn kém hơn, lâu hơn…nhưng vẫn giữ được một phần di sản quý giá gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai.
Nhân chuyện Nhà thờ Bùi Chu lại luận bàn linh tinh, có gì không phải, mong được lượng thứ.
Nhà thờ Đức Bà Paris gần 800 tuổi (được trùng tu nhiều lần)
GS Philippe Papin đọc Bia ở Chùa làng Vũ La
Cụ Bretreau dẫn ra vườn xem bức tường và giếng nước
Cụ Papin khoe cây Hồng cổ thụ
Bức tường trát vôi với rơm của ngôi nhà cổ xưa vẫn được bảo tồn trong ngôi nhà hiện đại.
No comments:
Post a Comment