Sunday, May 26, 2019

Nhìn lại một số biến cố quân sự-chính trị dẫn tới 30 tháng Tư, 1975

image008
Lý Kiến Trúc
 *
"Không ai có thể lãng quên dù quá khứ trôi đi phũ phàng; dù 40 năm qua, người dân Việt Nam trong ngoài nước đều muốn quên đi tháng Tư 1975. Nhưng Last Days in Vietnam, thêm một lần nữa, làm mũi dao trí mạng đâm vào tim. Vẫn biết rằng, Việt Mỹ đã lật sang trang sử mới ..."
 **
Nếu lấy ngày 14 tháng 3,1975 là ngày định mệnh của VNCH vì đó là ngày khởi động các cuộc di tản thê thảm, thì có thể tạm kết luận: di tản Cao nguyên dẫn tới ngày sụp đổ một chính thể tâm huyết nhân bản xây dựng trong 20 năm miền Nam Việt Nam (1955-1975).
Thật ra như vậy cũng chưa đủ. Cuộc chiến VN là một cuộc chiến phức tạp, phức hợp, đa dạng, biến thái vô lường theo thời cuộc. Mảnh đất VN đã được bày biện từ hội nghị Geneve 1954. Trận đối đầu của bàn cờ quốc tế phủ dưới bóng thế giới tự do - thế giới cộng sản chia hai thế giới. Cái đuôi của chiến tranh lạnh - Thế chiến II được diễn ra ở Việt Nam.
Chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 1975, sức nặng chiến trường miền nam VN nghiêng hẳn về phía bắc quân. TT Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân bỏ cao nguyên, bỏ vùng Một. Cuộc di tản chiến thuật thê thảm ở Pleiku và Đà Nẵng đã làm bàn cho các chiến dịch tổng tấn công tới tấp của CS. Quyết định của chiến trường mang lại quyết định chính trị. Không nhân vật nào trong Bộ chính trị CS "cãi" lại quyết định của TBT Lê Duẩn gấp rút tổng tấn công miền nam VN rút ngắn thời gian dự định.
Người Mỹ gọi cuộc chiến tranh Đông Dương là Vietnam War; người Việt gọi là cuộc chiến Quốc-Cộng, hay là cuộc nội chiến tương tàn. Người miền Nam được trang bị chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản; người miền Bắc lên đường vác súng vào Nam giải phóng xiềng xích đế quốc xâm lược! Người Mỹ mang quân đi chiến đấu tất phải muốn thắng, nhưng thắng không nổi ở chiến trường VN.
Dù là thế nào đi nữa, cuộc chiến đã chấm dứt trong "thê thảm" và ít đổ máu nhất. Âu cũng là nghịch lý của chiến tranh, mà lại là cái phúc của dân tộc. Trước đó, mười năm thôi (1965-1975), xương người Việt chất cao như núi, máu người Việt đỏ lòm dòng sông.
Đứng về mặt quân sự, các diễn biến của chiến trường được ghi nhận tuần tự theo thời gian sau:
Trận đánh mở màn ngay đầu năm 1975 là trận đánh tỉnh Phước Long cách Sài gòn 75 dặm. Trận đánh này mang ý nghĩa trinh sát, lượng định khả năng phản ứng của Quân lực VNCH, đồng thời thăm dò sự trở lại của quân đội Mỹ và thái độ của Bạch Cung. Tại sao Bộ chính trị, Quân ủy đảng CSVN lại chọn Phước Long làm mặt trận thí điểm mà không chọn nơi nào khác.
Phía nam Phước Long là Bình Long. Nơi đây nam bắc quân đã thử sức nhiều trận vang dội. Phía bắc Phước Long là Quảng Đức. Nơi đây bắc quân cũng đã thử lửa với quân chủ lực của Mỹ ở Bu Prang, ở các căn cứ hỏa lực Kate, Annie, Susan. Đặc biệt, chiến trường tỉnh Quảng Đức-Gia Nghĩa làm như bị cố tình "bỏ quên", sau trận Bu Prang 1969, hầu như Bu prang cũng bị 'bỏ quên"; nhưng không phải như vậy, chuyện này nói thêm ở phần sau. Vị trí tỉnh Quảng Đức phía tây sát nách biên giới Cam Bốt, phía bắc sát nách Ban Mê Thuột, phía đông là Đà Lạt, đông nam là Lâm Đồng. Quảng Đức ví như trái độn. Tỉnh này do cố TT Ngô Đình Diệm sáng lập vào năm 1958-1959.
Tỉnh Phước Long có quận lỵ Phước Bình là địa điểm quân sự cuối của đường mòn Hồ Chí Minh-Trường Sơn 559, là trạm tiếp tế xăng dầu cho tăng T54 đủ lướt tới Sài gòn. Quân đội VNCH trú phòng ở tỉnh lỵ này tương đối yếu. Cộng sản đưa Sư đoàn 302, Sư đoàn 7, sư đoàn 9, Trung đoàn 429 đặc công, pháo lớn, tăng ... dưới sự chỉ huy của tướng Hoàng Cầm tung vào trận đánh.
Nếu đối với bắc quân coi trận này (từ đêm 13/12/1974 đến 6/1/1975) là trận thăm dò, thì đối với TT Thiệu ông lại mang Phước Long ra chơi ván bài "tháu cáy" đối với phản ứng của Mỹ. Quân Mỹ án binh bất động. Ông Thiệu bỏ rơi Phước Long không thương tiếc, không "tái chiếm". CS thắng tương đối dễ, uy hiếp Sàigon trong bàn tay.
Bào chữa cho việc khả năng chiến đấu của quân lực VNCH giảm sút, khi biết Quốc hội Mỹ rút tài khoản chiến phí từ hơn hai tỷ xuống còn 700 triệu (1974). Ông Thiệu than vãn: "cho tôi 12 đô la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất từ Sài gòn đi Tokyo", ý nói là không có tiếp tế súng đạn thì lấy đâu mà đánh!
Hoặc là Tổng tư lệnh Nguyễn Văn Thiệu không thấy ý đồ chiến lược của Bộ chính trị đảng CSVN đối với mặt trận Tây nguyên, hoặc là ông Thiệu cố tình quên câu nói nổi tiếng trong binh pháp của một danh tướng Pháp: "Ai chiếm được Tây nguyên người đó sẽ làm chủ Đông Dương", ông Thiệu lại chơi trò "tháu cáy" lần thứ hai đối với chiến trường Ban Mê Thuột.
Thật ra, từ Quân đoàn II đến Bộ tổng tham mưu Sàigon đều bị lừa. Từ năm 1974, CS đã rải truyền đơn tràn ngập trong thị xã rêu rao "giải phóng Pleiku Kontum". Sài gòn và Quân đoàn II cho rằng CS sẽ tổng tấn công bộ tư lệnh Q Đ II ở Pleiku của tướng Phạm Văn Phú. Các sư đoàn chính quy cộng sản sẽ khởi đánh từ mạn Bắc, chiếm Pleiku Kontum làm bàn đạp xuống nam.
Sàigon rơi vào kế nghi binh của tướng Văn Tiến Dũng. Sàigon lo canh chừng Lộc Ninh, Phước Long manh động về Sàigon, trong lúc từ Bu Prang, tướng Dũng nhìn ngược về Ban Mê Thuột. Kế nghi binh "tuyệt chiêu" của Dũng bảo vệ Sở chỉ huy của ông trú ẩn bí mật an toàn bên kia quốc lộ 14 C kép, gần địa phận chi khu Kiến Đức - Quảng Đức. Nếu Mỹ trở lại, B-52 sẽ san bằng sở chỉ huy.
Hầu như tình báo Việt Mỹ mù tịt về Sở chỉ huy của Dũng ở Lộc Ninh, và cũng không thể ngờ tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân lại xuất cung tọa thủ chiến trường. Dũng đã chọn vị trí đắc địa nhìn về phía nam, nhìn lên phía bắc đều thuận lợi một khi tình thế cho phép.
Nếu lấy ngã ba Bù Đăng-Lộc Ninh đi theo quốc lộ 14 hướng lên phía bắc, song song với lộ 14 sát biên giới Việt Miên là lộ 14 C "kép". Lộ này nằm kín đáo dưới rừng già bạt ngàn. Các sư đoàn chính quy và tăng T54 có thể xuất phát từ đây tiến lên Ban Mê Thuột. Từ Bù Đăng đi lên quận lỵ Kiến Đức (chỉ có mấy chục cây số), lên căn cứ Bu Prang (mấy chục cây số), lên chi khu Đức Lập (mấy chục cây số), đến ranh giới phía nam của tỉnh Ban Mê Thuột (Darlak) chân cầu 14 Serepok cũng chỉ còn mấy chục cây số. (Xưa, khi tôi đóng ở tiền đồn Doris, mùa hè, ban đêm nhìn thấy ánh đèn Ban Mê Thuột lấp lánh).
image009
Từ ngã ba Bù Đăng Chơn Thành đi theo quốc lộ 14 vài chục cây số gặp quận lỵ Kiến Đức thuộc tỉnh Quảng Đức.
 image011
Thị trấn quận Kiến Đức (ngày nay).
image013 Từ Kiến Đức rẽ về hướng Đông gặp thị xã Gia Nghĩa đi lên Dak Song.
 image015
Từ Dak Song đi lên gặp căn cứ Núi Lửa và chi khu Đức Lập.
  image017
(Photo courtesy of Bob Mitchell. All rights reserved.) A Detachment at Bu Prang. This is the camp that was in place in the fall of 1969. I was one of the pilots that flew resupply to their firebases during the siege. (Chụp từ trực thăng)
 image019
Căn cứ hỏa lực Kate - Bu Prang nhìn từ trực thăng xuống.
 image021
image023
Một 
chiếc L-19 thám thính bị bắn ở căn cứ Bu Prang tháng 10/1969.
 image024
Lính lực lượng đặc biệt Mỹ (mũ nồi xanh) đang quan sát phía biên giới Bu Prang - Cao Miên
image026
Nòng súng đại bác 105 ly sẵn sàng về phía biên giới Cam Bốt cách có vài cây số.
 image028
Từ bên trong căn cứ Bu Prang nhìn ra ngoài là những quả đồi thảo nguyên xanh rì.
 image030
Từ tháng 9/1969 cho đến cuối tháng 12/1969, ba căn cứ hỏa lực chung quanh trại Bu Prang là Kate, Annie và Susan đã bị quân CS bao vây và pháo liên tục. B-52 trải thảm ngay trên đầu căn cứ hỏa lực.
 image032
Trong ba căn cứ hỏa lực Kate, Annie, Susan: Kate là căn cứ sát nách biên giới Cam Bốt.
 image034
Bản đồ quân sự vùng Bu Prang và các căn cứ hỏa lực gần đó.
image036
Từ thị xã Gia Nghĩa đi theo lộ 14 B, gặp căn cứ Daksong.
 image038
Từ Daksong, chục cây số nữa gặp căn cứ Núi Lửa Đức lập.
 image040
Núi lửa Đức Lập, tác giả đã từng đóng quân trên ngọn núi này. Từ chi khu Đức Lập đi lên hướng bắc gặp căn cứ Doris, gặp cầu 14 Serepok. Năm 1969, Đức Lập diễn ra trận đánh ác liệt, Tướng tư lệnh sư đoàn 23 Trương Quang Ân và vợ tử nạn máy bay ở đây.
 image042
Tướng một sao Trương Quang Ân tư lệnh Sư đoàn 23.
 image044
Cầu 14 Serepok nổi tiếng có nhiều cá sấu.
image046
Bản đồ 4 vùng chiến thuật miền nam VN, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Quảng Đức, Daklak, Pleiku, Kontum. Các tỉnh này sát biên giới phía tây với Cam Bốt. Ảnh tư liệu của Văn Hóa.
Chiến dịch Hoa Sen nở của Đại tướng Văn Tiến Dũng sau trận Phước Long tiếp tục nở ra với trận đánh Ban Mê Thuột. Ban Mê Thuột mới là mục tiêu số một, là tử huyệt của Tây nguyên. Đánh Ban Mê Thuột từ mạn Nam kết hợp với sức ép từ mạn Bắc, bắc quân dứt điểm chỉ một đêm, một trong các chiến lợi phẩm quan trọng là bắt sống Phó tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh: đại tá Vũ Thế Quang. Tướng Văn Tiến Dũng đích thân lấy khẩu cung ông Quang. Trận Ban Mê Thuột làm hoang mang mất tinh thần Bộ tư lệnh Vùng II tướng Phạm Văn Phú.
Trước đây, tướng lãnh Vùng II và Sàigon đều nghĩ Pleiku Kontum là mục tiêu của quân CS, nhưng thật sự chỉ là nghi binh của tướng Dũng. (Xin nhắc thêm, cứ điểm Bu Prang, yết hầu của lộ 14 C sát biên giới Cam Bốt đi lên Ban Mê Thuột đã bị san bằng từ năm 1969 thời lực lượng đặc biệt Mỹ trấn giữ, tiếp tục bị san bằng thông thoáng vào năm 1973 thời Trung tá Trường Sơn Tiểu khu phó tiểu khu Quảng Đức. Toàn bộ lực lượng ở đây đã bị tiêu diệt, nhưng rất lạ là Bu Prang hầu như một địa cứ im hơi lặng tiếng đối với Bộ tư lênh Vùng II). Riêng Đại tá Trưởng phòng 2 Bộ tư lệnh Vùng II và Đại tá Phạm Văn Nghìn Tỉnh trưởng Quảng Đức nhìn ra cứ điểm tối quan trọng này. Đại tá Nghìn có lần yêu cầu Sư đoàn 23 tăng phái về Bu Prang mà không được. Các sư đoàn chính quy 302, 7, 9, trung đoàn đặc công, pháo lớn và tăng T54 âm thầm ém quân ở khu vực Bu Prang chuẩn bị cho mặt trận Ban Mê Thuột.
Đúng vào đêm 10/3/75, CS tung toàn bộ hỏa lực tấn công thị xã Ban Mê Thuột, bộ tư lệnh sư đoàn 23, tòa tỉnh trưởng, sân bay L19 tràn ngập. Sáng hôm sau, CS đã làm chủ thị xã, các cánh quân phòng thủ lui về Khánh Dương - Nha Trang. Sau trận này, TT Thiệu không có quyết định "tái chiếm" Ban Mê Thuột. Ông lại "tháu cáy" Bạch Cung lần thứ hai. Trên bàn giấy của ông, hồ sơ "di tản chiến thuật" Cao nguyên đã có sẵn tự bao giờ.
Ngày 12/3/1975, lúc này tôi đang đóng quân ở thị xã Gia nghĩa Quảng Đức, sau khi Ban Mê thất thủ, các đơn vị pháo binh, thiết giáp, bộ binh, địa phương quân, biệt động quân, cảnh sát, dân cán chính, cùng với hàng vạn dân chúng lũ lượt kéo nhau "di tản thê thảm", băng rừng "chạy bộ". Lớp về Đà Lạt, lớp về Lâm Đồng. đại bác, thiết giáp, cam nhông, ngổn ngang bỏ lại trên những con đường mòn sình lầy, hầm hố. Tôi ở trong số chạy bộ, may mắn khi đến huyện Gia Lai Lâm Đồng, trực thăng của Đại tá Phạm Văn Nghìn bốc về Cam Ly.
Chẳng thấy ai chỉ huy, tập hợp, tôi bèn xuôi xe đò về Phan Rang, Phan Thiết, lên ghe trôi về Vũng Tàu.Về tới Sàigon đầu tháng Tư, 1975, tôi có dịp nhìn Sàigon hỗn loạn, hoang mang, sợ hãi trong những câu chuyện truyền khẩu: Sàigon sẽ tắm máu! Sàigon sẽ là biển máu trả thù! Lột móng tay son của các cô các bà!... Tôi thấy những khuôn mặt bộ đội trẻ con trắng trẻo ngơ ngác trên những đoàn xe Molotova lốp chưa bám bụi đường.
Trưa ngày 30 tháng Tư, tôi đứng bên kia đường trước cổng tòa đại sứ Mỹ, lòng bình thản nhìn hàng trăm người tranh nhau, chen nhau ơi ới, cố leo qua hàng rào kẽm gai bức tường để lọt vào sân trong tòa đại sứ mà lòng ngao ngán ngậm ngùi.
Diễn biến từng ngày ở các nơi trước khi nghe tướng Minh lớn đọc lệnh buông súng:
Ngày 17/3/1975, CS "giải phóng" Kontum.
Ngày 18/3/1975, "giải phóng" thị xã Gia Nghĩa tỉnh Quảng Đức.
Ngày 19/3/1975 Phú Bổn, Quảng Trị tiếp tục rơi vào tay CS.
Ngày 23/3/1975, Huế rơi nốt vào tay CS.
Ngày 1/4/1975 Bình Định - Phú Yên.
Ngày 4/4/1975 Tuyên Đức. Thế là Q Đ I và II tiêu tan.
Ngày 21/4/1975 thị xã Xuân Lộc, tuyến phòng thủ cuối cùng phía Đông Bắc Sài Gòn thất thủ, cũng chính là ngày Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, bỏ của "16 tấn vàng" chạy lấy người sau khi bàn giao cho Phó TT Trần Văn Hương. Lúc giao quyền, ông Thiệu còn nhắn: "Chớ có giao quyền cho Dương Văn Minh"!
Ngày 26/4/1975, Quốc hội VNCH biểu quyết buộc kẻ sĩ Trần Văn Hương bàn giao chức vụ Tổng thống cho tướng Dương Văn Minh.
Ngày 26, 27/4/1975,ông Hương chấp nhận đơn từ chức, giải ngũ tướng Tổng tham mưu trưởng QLVNCH Cao văn Viên “để ra nước ngoài trị bệnh”.
Ngày 28 tháng 4 năm 1975, Tổng thống cuối cùng Dương Văn Minh gởi điện thư cho Đại sứ Martin nguyên văn: “TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA, Kính gởi ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. “Trân trọng yêu cầu ông Đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của Cơ quan Tùy viên Quân sự DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29/4/1975 để vấn đề Hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết. Trân trọng kính chào ông Đại sứ . Saigon, ngày 28 tháng 4 năm 1975, Tướng Dương Văn Minh”.
Ngày 29 tháng 4, 1975, Sàigon hoảng loạn, Sàigon truyền khẩu sẽ bị tắm máu, sẽ là biển máu ... Pháo 122 ly của quân CS rót vào phi trường Tân Sơn Nhất 'cảnh cáo" Graham Martin rút cho mau.
10giờ30 sáng 30 tháng Tư, 1975, hai xe tăng T-54 843, 399 húc đổ hàng rào cánh cửa sắt Dinh Độc Lập, cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phất phới trên nóc dinh. Hết chuyện.
**
Last Days in Vietnam, một lần nữa, rầm rộ ra mắt trong bối cảnh bang giao Mỹ - Việt ngày càng "đồng minh thắm thiết". Cả hai nước đều nhận rằng trong tình hình mới, quan hệ mới, ảnh hưởng mới, quyền lợi mới, đối tác chiến lược song phương Mỹ-Việt đều có lợi chung mang lại an ninh hòa bình và sự phát triển cho khu vực.
Trước sự chuyển mình vũ bão của các cường quốc, dưới áp lực bá quyền độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, thay vì Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam Cộng sản dù chưa có liên minh quân sự với Mỹ, liên minh chính trị sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong xu thế chuyển trục về Châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Last Days in Vietnam ra mắt trong bối cảnh này.
Last Days in Vietnam, một lần nữa, kết liễu Vietnam War, kết liễu những cái lòng thòng của 40 năm Sàigon buông súng đầu hàng.
Last Days in Vietnam, một lần nữa, không phải để hoài niệm một cuộc chiến đắng cay, hay dựa vào kinh nghiệm cuộc chiến này mà gióng lên bài học ở Afghanistan hay Iraq hay IS. Bài học chính của Hoa Kỳ là bài học ở một đất nước xa xôi đã nuốt hơn 58,000 chiến binh ưu tú. Việc không thành cuốn cờ bỏ chạy.
Theo tôi, đạo diễn Rory Kenedy tự hỏi lại mình khi bà nói về Last Days in Vietnam: Ai sẽ di tản được? (những người đã, có cộng tác với Mỹ hay chưa bao giờ làm việc với Mỹ); Ai sẽ phải ở lại? (Những người đã, có cộng tác với Mỹ hay gần 20 triệu dân chúng miền Nam VN chưa bao giờ làm việc với Mỹ ở lại đất nước của mình). Suy nghĩ của bà Rory vẫn loáng thoáng chủ nghĩa "quan thầy" giàu lòng hào hiệp!
Nhưng bà Rory quên rằng Afghanistan - Iraq là Afghanistan - Iraq, Việt Nam là Việt Nam, hai chiến trường, hai địa chính trị, hai quyền lợi, hai bối cảnh thời không gian xung đột, khác nhau. Có lẽ bà Rory Kennedy chưa bao giờ trực diện với Việt Nam War. Bà chỉ nghe kể và đọc tài liệu.
***
Tạm kết:
Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry nói: "Mỹ ủng hộ một đất nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập tôn trọng nhân quyền". Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nâng lên hàng triết lý: "Tôi học được bài học đó khi có 12 tháng đi qua cuộc chiến năm 1968... Ta không thể áp đặt ý chí, giá trị, tiêu chuẩn, các định chế của mình vào những xã hội khác, những quốc gia khác. Điều đó đã không làm được và sẽ không bao giờ làm nổi".(1)
(1) theo Nguyễn Giang BBC 24/1/15

No comments:

Post a Comment