Thursday, June 13, 2019


Chiến dịch Bầu Bàng – Dầu Tiếng (từ 12 đến 27-11-1965)

TP - Nhà báo Horst Faas gắn bó với Việt Nam từ khi đưa tin Hiệp định Genève năm 1954.

Sự ra đi của Horst Faas hôm 10-5 vừa qua để lại nhiều tiếc thương trong báo giới, di sản của ông với những bức hình vô giá về cuộc chiến ở Việt Nam sẽ còn được nhớ mãi. Chúng tôi đã thử lần tìm về bối cảnh một trong số những bức ảnh của ông.
Bức ảnh lịch sử , xem hình 1 : Người lượm xác phải che mặt vì mùi hôi thối từ xác binh lính Mỹ và Việt Nam bị chết trong trận chiến ở nhà máy cao su Michelin (Dầu Tiếng) cách Sài Gòn 45 dặm về phía đông bắc. Ảnh chụp ngày 27-11-1965. Tác giả: Horst Faas.
Xóa sổ lữ đoàn 3 của “sư Anh cả đỏ”
Bức ảnh mà tôi muốn đi tìm sự thật đằng sau nó được Horst Faas chụp ở Đồn điền cao su Dầu Tiếng, Bình Dương vào ngày 27- 11- 1965, mô tả một đoạn đường trong rừng cao su với rất nhiều xác chết ngổn ngang.
Nhân vật duy nhất là một người đi dọn xác binh lính, với khuôn mặt đeo khẩu trang chỉ còn thấy đôi mắt. Bức ảnh được chụp trong trận chiến đấu nào? Vì sao nó lại ám ảnh Horst Faas và người xem đến vậy?
Anh Nguyễn Cứ, một người chép sử của sư đoàn 9 kể: “Tháng 11 - 1965, Mỹ điều Sư đoàn thủy quân lục chiến 1 (Sư đoàn “Anh cả đỏ” giàu truyền thống của Mỹ từng tham gia hai cuộc chiến tranh thế giới) và Sư đoàn 5 của Việt Nam Cộng hòa (VNCH), chia làm hai gọng kìm, với sự hỗ trợ của phi pháo và máy bay, thực hiện chiến dịch “tìm diệt” sư đoàn 9 của ta”.
Sư đoàn 9 là một trong 2 sư đoàn chủ lực của Miền Nam, mới được thành lập cách đó 2 tháng. Theo các cựu chiến binh sư 9, đây là trận đối đầu cấp sư đoàn với Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam nên “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không muốn đánh ngày, chủ trương đánh đêm do hỏa lực của địch quá mạnh”. Nhưng khác với dự kiến, cuối cùng trận Bàu Bàng lại diễn ra giữa ban ngày!
Cựu chiến binh, Đại tá Trần Nam Hùng kể lại: “Lúc đó tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Đến giờ nổ súng mới phát hiện địch đã âm thầm rút đi lúc nào không biết!” Không có địch, các đơn vị lui về vị trí tập kết. Riêng Trần Nam Hùng nhận định, “địch không thể đi đâu xa, chúng ta không nên quay về mà tiếp tục tìm đánh. Địch di chuyển nhiều chắc chắn sẽ lộ sơ hở”.
Đến 4 giờ sáng, tiểu đoàn 1 gặp Lữ đoàn 3 cua địch cách vị trí cũ 3 km. Lúc này lữ đoàn của Mỹ đã kịp húc đất làm một con đê phòng thủ, xe tăng và pháo thò súng ra ngoài. Phía ta, rừng cây cao su còn nhỏ nên không ẩn nấp được, mặt đất thì bằng phẳng, dân làm đậu đắp luống chừng 20cm, không thể ẩn náu. Thế trận quân ta bất lợi.
                 
Tiểu đoàn trưởng Trần Nam Hùng lần đầu tiên nhìn thấy tấm ảnh lịch sử của Horst Fass. Ảnh: T.N.A
Ông Nam Hùng nhớ lại: “Tiểu đoàn tôi được bổ sung cũng chỉ 500 quân, tôi ước lượng lữ đoàn địch phải hơn 2.000 quân. Sư đoàn chỉ đạo không cho đánh, do không liên lạc được với 3 tiểu đoàn còn lại. Tôi vội báo cáo, nếu 5 giờ sáng không đánh, địch sẽ phát hiện quân ta và nổ súng trước thì tiểu đoàn tôi hy sinh hết”.
Thời gian trôi đi, vẫn không liên lạc được với các tiểu đoàn. “Đến đúng 5 giờ sáng tôi mới nhận được lệnh cho nổ súng. Sư đoàn nói: các anh cứ nổ súng, nghe tiếng súng, các tiểu đoàn khác sẽ tới hỗ trợ, theo truyền thống hợp đồng theo tiếng súng của đơn vị ta. Chúng tôi cổ vũ anh em: Đây là trận đầu ta đánh sư đoàn Mỹ, phải lấy máu nhuộm lưỡi lê, đã đánh là phải thắng”. 5 giờ 6 phút, tiểu đoàn nổ súng tấn công.
Ban đầu lữ đoàn của Mỹ bất ngờ, nhưng rồi họ nhận ra hỏa lực của đối phương khá hạn chế nên tổ chức cho xe tăng xông ra phản kích. Lúc đó sư đoàn 9 chưa có B40 diệt xe tăng, nên phải buộc lựu đạn và bộc phá thành chùm để ném nổ đứt xích xe địch, dùng súng phun lửa bắn cháy xe. Tăng địch xông ra rất nhiều, chúng chạy xe cán thẳng vào các ổ đại liên của ta. Cuộc chiến giáp lá cà diễn ra khắp mọi nơi. Xe địch bị bắn cháy 10 chiếc.
Sau 30 phút đơn độc chiến đấu với lữ đoàn nổi tiếng của Mỹ, tiểu đoàn 1 nghe tiếng súng của quân ta từ các hướng đổ về. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu vẫn diễn ra giằng co do pháo và máy bay địch chi viện ác liệt. Đến 11 giờ trưa ngày 12 - 11 trận đánh mới kết thúc.
Lữ đoàn 3 của sư “Anh cả đỏ” gần như bị các đơn vị sư đoàn 9 xóa sổ với 2.040 lính bộ binh thiệt mạng, chưa kể 39 khẩu đội pháo và 50 xe tăng. Đại tá Nam Hùng nói: “Chỉ 50 – 60 lính Mỹ chạy thoát mà thôi”.
Nơi chụp tấm ảnh lịch sử
Sau khi bẻ gãy cánh quân của Mỹ, sư đoàn 9 quay sang tấn công cánh quân của VNCH để chấm dứt chiến dịch “tìm diệt” của địch.
Sư đoàn 5 của VNCH rất mạnh, được mệnh danh là “sư đoàn máu và nước mắt”. Đêm 26 rạng ngày 27, Trung đoàn 1 của sư đoàn 9 được lệnh bí mật bao vây Trung đoàn 7 thuộc Sư 5 của VNCH đang đóng quân trong 3 lô cao su ở đồn điền cao su Michelin Dầu Tiếng.
Trung đoàn 7 có nhiều cố vấn Mỹ, đem theo hàng chục cô gái điếm để giải trí, bố phòng sơ hở. Đúng 5 giờ sáng 27-11-1965, 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 1 nổ súng giáp công, chia cắt trận địa theo chiến thuật mới của tướng Nguyễn Chí Thanh là “bám thắt lưng địch mà đánh”, tránh Mỹ dùng máy bay hủy diệt.
Những ngày sau đó, địch tổ chức lên lấy xác. Có thể việc đưa hàng ngàn thi thể về thành phố sẽ gây cú sốc lớn, địch vận động người nhà các nạn nhân
tự lên nhận dạng rồi đem về. Tận mắt tôi thấy còn khoảng 300 xác không được đem đi do đã biến dạng .
Nhân chứng là Tiểu đoàn trưởng Trần Nam Hùng nói: “Trung đoàn chúng tôi thực hiện chia cắt địch, đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê. Địch phản kích bằng xe tăng nhưng thế trận đan cài nên xe tăng không hiệu quả. Đến 11 giờ trưa 27 - 11 trận chiến kết thúc.Trung tá Nguyễn Tư là Trung đoàn trưởng của đối phương chết ngay tại sở chỉ huy cùng nhiều cố vấn Mỹ”.
1.200 lính VNCH và cố vấn Mỹ bị bị Trung đoàn 1 tiêu diệt. 60 lính VNCH và 3 cố vấn Mỹ bị bắt sống. Đây là lần đầu tiên một trung đoàn chủ lực tiêu diệt hoàn toàn một trung đoàn VNCH. Tiểu đoàn trưởng Nam Hùng nói: “Quân Mỹ đã không giải cứu Trung đoàn 7”.
Đại tá Trần Nam Hùng xác định vị trí Horst Faas chụp ảnh lịch sử là “Con đường từ hãng cao su đi lên làng 6, đến làng 14, là nơi diễn ra trận chiến đấu sáng 27-11-1965. Nay đường đã được rải nhựa”.
Ông Nam Hùng nhớ lại: “Những ngày sau đó, địch tổ chức lên lấy xác. Có thể việc đưa hàng ngàn tử sĩ về thành phố sẽ gây cú sốc lớn, địch vận động người nhà các nạn nhân tự lên nhận dạng rồi đem về. Tận mắt tôi thấy còn khoảng 300 xác không được đem đi do đã biến dạng”.
Nhìn bức ảnh của Horst Faas ngổn ngang thi thể binh sĩ, người tiểu đoàn trưởng năm xưa không khỏi bùi ngùi. Ông nói: “Chiến tranh khắc nghiệt, mình không bắn người ta, người ta cũng bắn mình”.
Đại tá Trần Nam Hùng kể: “Mỗi năm giỗ mẹ, tôi đều làm cơm cúng, mà khấn: tụi bay đi dép râu (bộ đội) hay đi giày bốt đờ sô (lính VNCH), hôm nay giỗ mẹ của tao, mời tụi bay cùng về đây nhậu. Chiến tranh đã kết thúc rồi”.
Tháng 5 - 2012
Trần Nguyễn Anh
Báo Tiền Phong

No comments:

Post a Comment