Vietnam's Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN
“Một Quân Ðội Bị Quên: Anh Hùng và Bội Phản Trong Quân Ðội VNCH”, là một cuốn sách viết về hai người lính và binh nghiệp của họ trong cuộc chiến Việt Nam. Hai người lính - trong trường hợp này là hai sĩ quan - Trung Tá Phạm Văn Ðính và Thiếu Tá Trần Ngọc Huế. Trung Tá Ðính và Thiếu Tá Huế, hai ngôi sao sáng đang lên của quân lực VNCH. Hai người đang xả thân chiến đấu chống lại một chủ nghĩa mà họ thù ghét từ lúc mới lớn. Nhưng vào những giờ cuối cùng trong đời binh nghiệp, hai người chọn hai lối đi khác nhau: Thiếu Tá Huế chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi bị bắt làm tù binh; Trung Tá Ðính, dưới áp lực của địch, đầu hàng để khỏi bị bắt làm tù binh.
Tình tiết trong “Một Quân Ðội Bị Quên” giống như một cuốn tiểu thuyết, nhưng tất cả đều sự thật; đều có thể kiểm chứng được. Ðường binh nghiệp của Trung Tá Ðính và Thiếu Tá Huế gần như đi song song với nhau: cả hai là sĩ quan tác chiến; đều là chỉ huy trưởng những đơn vị vang tiếng của quân lực VNCH. Và đoạn cuối binh nghiệp của cả hai cũng giống nhau, khi bị chấm dứt trong hai trận đánh khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam: Thiếu Tá Huế trong trận hành quân Lam Sơn 719 năm 1971; Trung Tá Ðính vào Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972.
Trung Tá Phạm Văn Ðính tốt nghiệp khóa 9 trường Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức; Thiếu Tá Trần Ngọc Huế, khóa 18 trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Ra trường hai người về phục vụ ở miền Trung - nơi sanh ra và lớn lên của Huế và Ðính. Ðính phục vụ ở tiểu đoàn 3/ trung đoàn 3/ sư đoàn 1 Bộ Binh; Huế, TÐ1/ Tr.Ð 1/ SÐ 1BB. Sau vài năm nếm mùi binh lửa ở vị trí thấp nhất của một sĩ quan mới ra trường, cả hai được hoán chuyển về đơn vị mới, với nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Ðầu năm 1965, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, tư lệnh sư đoàn 1BB, quyết định thành lập một đại đội xung kích, có khả năng phản ứng nhanh để đáp ứng những trường hợp khẩn cấp ở Vùng I. Ðại đội này còn phải có khả năng trinh sát như một đại đội thám báo/ viễn thám của sư đoàn. Ðại đội tân lập đó được đặt tên Hắc Báo, nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tư lệnh sư đoàn. Và Trung Úy (lên đại úy vài tháng sau đó) Ðính được danh dự chọn làm chỉ huy trưởng đầu tiên.
Ðại đội Hắc Báo của sư đoàn 1BB có lẽ là một trong những đơn vị cấp đại đội được nhắc đến tên nhiều nhất trong quân lực VNCH. Thành hình vào tháng 2-1965, đại đội có năm trung đội tác chiến (năm 1968 có sáu trung đội); có một đơn vị không vận cơ hữu ứng trực 24 tiếng đồng hồ một ngày, gồm năm trực thăng chuyên chở và hai trực thăng võ trang yểm trợ. Ðại đội có một toán cố vấn Mỹ và Úc Ðại Lợi đi kèm. Sự có mặt của các cố vấn ở cấp đại đội cho thấy sự quan trọng của đơn vị này: thông thường cố vấn chỉ có mặt ở cấp tiểu đoàn trở lên. Từ lúc thành hình cho đến ngày VNCH thất thủ, đại đội Hắc Báo chưa bao giờ thất bại với những công tác giao phó. Từ những công tác giải cứu phi công bị rớt trong lòng đất địch, cho đến những cuộc đột kích vào những binh trạm của CSBV ở thung lũng A Shau, ở Co Roc, hay xa hơn bên kia biên giới Lào. Ðại Tướng Creighton Abrams, tư lệnh MACV, nhiều lần nhắc đến tên đại đội Hắc Báo trong những buổi họp tham mưu cuối tuần (ghi lại trong The Abrams Tapes, của Lewis Sorley). Ít có một đại đội nào của quân lực VNCH có danh tiếng vang tận đến Bộ Quốc Phòng Mỹ ở Hoa Thịnh Ðốn như đại đội Hắc Báo.
Cuối năm 1971, trong cao điểm của chương trình Việt Nam Hóa, phó giám đốc Nha Nghiên Cứu và Biến Chế của Bộ Quốc Phòng, Leonard Sullivan - đang làm việc trực tiếp cho Tổng Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird - sang Việt Nam điều nghiên một kế hoạch ít tốn kém để ngăn chận đường xâm nhập Hồ Chí Minh. Trong lần viếng thăm Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm và Thiếu Tướng Phạm Văn Phú vào trung tuần tháng 10-1971, Sullivan cho biết Tổng Trưởng Laird đã thông báo là Không Quân Hoa Kỳ sẽ còn tài chánh để tiếp tục giội bom ngăn chận bằng B-52 vào năm tới. Thay vào đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ đề nghị một phương cách ngăn chận khác là dùng những đại đội như đại đội... Hắc Báo để đột kích những binh trạm của CSBV trên đường Hồ Chí Minh! Tiếp theo, Sullivan đề nghị quân đoàn I nên lập thêm vài đại đội Hắc Báo nữa và đưa vào Vùng II để đột kích những binh trạm ở vùng ba biên giới Việt-Miên-Lào.
Nhưng hai vị tư lệnh quân đoàn và sư đoàn cho biết họ chỉ có thể thực hiện lời yêu cầu nếu có lệnh từ Bộ Tổng Tham Mưu VNCH. Hơn nữa, nhân sự của đại đội Hắc Báo không phải dễ có. Trung Tá Nguyễn Xuân Lộc, trưởng Phòng 2 Sư Ðoàn 1BB, cho biết nhân sự của Hắc Báo đến từ hai đại đội thám báo của trung đoàn 3 và 54. Nghĩa là hai trung đoàn này không có đại đội thám báo như hai trung đoàn 1 và 2 của SÐ 1BB, để có chỗ cho nhân sự của đại đội Hắc Báo. Tóm lại, lập ra một đại đội như đại đội Hắc báo không phải là chuyện đơn giản (Ðọc thêm: Ðiện tín của Trung Tướng Welborn G. Dolvin, tư lệnh Quân Ðoàn XXIV, gởi Ðại Tướng Creighton Abrams, tư lệnh MACV. Secret DNG 2997 Eyes Only, 20 October 1971. Subject: Visit to MR 1 of Mr. Leonard Sullivan; về vai trò của phó giám đốc Leonard Sullivan, đọc Bernard C. Nalty, The War Agaisnt Truck). Liên hệ và thành tích của Ðính với đại đội thiện chiến và lừng danh như Hắc Báo, làm độc giả khó giải thích được hành động đầu hàng CSBV sau này của ông.
Trong thời gian Ðính chỉ huy đại đội Hắc Báo, Trung Úy Huế, sau khi tốt nghiệp khóa sình lầy ở Mã Lai Á, được về làm sĩ quan tùy viên cho Tướng Chuân ở Sư Ðoàn 1BB. Cùng phục vụ cho một vị tư lệnh, Ðính và Huế thường gặp nhau, tìm hiểu về nhau. Sau những biến động liên tục ở miền Trung năm 1966; sau nhiều lần tư lệnh của Quân Ðoàn I và Sư Ðoàn 1 BB bị thay đổi, nhiệm sở của Ðính và Huế cũng bị thay đổi theo, nhưng thay đổi theo chiều hướng khả quan.
Khi Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng về coi SÐ 1 BB, ông đề bạt Ðính về làm tiểu đoàn trưởng TÐ 2/ Tr.Ð 3, kiêm luôn quận trưởng Quảng Ðiền. Nhiệm vụ của Thiếu Tá Ðính lúc đó là vừa đáng giặc, vừa bình định. Về phần Huế, dù có chọn lựa để được thuyên chuyển một đơn vị không tác chiến, để hưởng thụ một đời sống gia đình (vừa mới lấy vợ), anh xin đổi về một đơn tác chiến: đại đội Hắc Báo. Về làm đại đội phó Hắc Báo được chừng hai tháng thì Tướng Trưởng bổ nhiệm Huế làm đại đội trưởng, thay vào chỗ của Ðính. Một lần nữa, Huế và Ðính lại làm việc chung cho một ông thầy, cùng ở chung một sư đoàn. Sự liên hệ, quen biết liên tục đó làm tăng thêm ngỡ ngàng về sau, sau khi hai người trở thành kẻ thù - dù kẻ thù trong yên lặng.
Trong hai năm 1968 và 1969, phục vụ ở Sư Ðoàn 1BB, đường binh nghiệp của Trung Tá Ðính và Thiếu Tá Huế được thăng hoa. Hai đơn vị của Huế và Ðính có công tiếp cứu Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 BB của Tướng Trưởng, và một phần nào đó, có công giải tỏa thành nội và dựng lại lá cờ VNCH ở kỳ đài Ðại Nội vào trận Mậu Thân 1968. Dựa vào những gì hai nhân vật chánh trong tác phẩm kể lại, TÐ2/ 3 của Ðính là đơn vị triệt tiêu những điểm kháng cự cuối cùng của cộng sản ở kỳ đài; và đại đội Hắc Báo là đơn vị bảo vệ bộ tư lệnh Sư Ðoàn 1 BB trong giờ phút kịch liệt nhất của trận Mậu Thân. Cũng trong trận này, liên hệ của hai người gắn chặt nhau hơn khi tiểu đoàn 2/3 và đại đội Hắc Báo cùng được giao nhiệm vụ chung là giải tỏa một góc chiến trường của thành nội Huế.
Năm 1969, Trần Ngọc Huế bây giờ mang thiếu tá, rời đại đội Hắc Báo về coi tiểu đoàn 2/2; trong khi đó Ðính đã là trung tá, vẫn còn coi tiểu đoàn 2/3. Năm 1969 tiểu đoàn của Trung Tá Ðính liên quan đến một trận đánh mãnh liệt, nhưng không được bao nhiêu báo chí nhắc đến: Trận Ðộng Ấp Bia - mà báo chí và các quân nhân tham dự đặt cho một tên rất biểu tượng là Ðồi Hamburger Hill (Thịt Bằm). Theo báo chí và phần lớn sách sử về chiến tranh Việt Nam, trận Hamburger Hill kết thúc khi lính của một trong ba tiểu đoàn Nhảy Dù Mỹ - sau hơn 10 ngày giao chiến ác liệt - triệt tiêu những lô cốt cuối cùng của trung đoàn 29 CSBV trên đỉnh đồi cao 937 thước và làm làm chủ ngọn đồi.
Nhưng theo tác giả Wiest, và theo một số sử liệu chúng ta có thể tìm được, thì tiểu đoàn 2/ trung đoàn 3 của Trung Tá Ðính là đơn vị lên được đỉnh đồi trước nhất. Trận đánh này, lúc khởi đầu, chỉ có một tiểu đoàn Nhảy Dù Mỹ phụ trách, nhưng sau hơn một tuần quần thảo, bộ tư lệnh Sư Ðoàn 101 Nhảy Dù quyết định lấy ngọn đồi bằng mọi giá. Tướng Trưởng, trong tinh thần hợp tác Việt-Mỹ, gởi tiểu đoàn 2/3 của Trung Tá Ðính để phụ lực vào cuộc tấn công cuối cùng. Bốn tiểu đoàn đánh bốn hướng từ chân đồi lên, và lính của tiểu đoàn 2/3 có mặt trên cao điểm của đỉnh đồi trước nhất. Trong tác phẩm, tác giả Wiest trích lời của Ðại Tướng Abrams trong buổi họp tham mưu ở MACV ngày 24 tháng 5-1969. Tướng Abrams nói tuy các cơ quan truyền thông nói là lính Dù Mỹ chiến được ngọn đồi, nhưng ông có tin riêng nói lính VNCH là đơn vị được vinh dự đó (Tác giả Wiest trích lời của Abrams trong The Abrams Tapes của tác giả Lewis Sorley).
Cũng trong buổi họp đó, Tướng Abrams có nhắc lại chuyện đại đội Hắc Báo và trận đánh chung quanh kỳ đài thành nội Huế năm 1968). Ðiều đáng tiếc, tác giả Wiest kết luận, là đơn vị VNCH không được tuyên dương như sự thật đã xảy ra.
Sau trận Hamburger Hill, Trung Tá Ðính về làm sĩ quan hành quân cho bộ tư lệnh Sư Ðoàn 1BB Tiền Phương (Ðây là một đơn vị gồm trung đoàn 2/ SÐ1BB và một lữ đoàn TQLC VNCH, được lập ra để trám vào chỗ của những đơn vị TQLC Mỹ rút đi trong chương trình Việt Nam Hóa. Ðơn vị này nằm dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Vũ Văn Giai, tư lệnh phó sư đoàn). Thiếu Tá Huế thì vẫn coi tiểu đoàn 2, trung đoàn 2, đóng quân sát vùng giới tuyến. Là một đơn vị nằm dưới quyền điều khiển của SÐ1 BB Tiền Phương, con đường binh nghiệp của Huế và Ðính lại gặp nhau. Tháng 5-1970, Tướng Trưởng yêu cầu Ðại Tá Giai đưa Trung Tá Ðính về trung đoàn 54/ SÐ1BB với chức vụ trung đoàn phó. Trong khi đó Huế và tiểu đoàn 2/2 vẫn hoạt động ở hướng Bắc Ðông Hà.
Ở chương 4 của tác phẩm, chương nói về thành tích của Huế và Ðính trong năm 1968, tác giả Andrew Wiest đặt tên là, “Thời Của Những Người Hùng.” Chương 4 ghi lại một số dữ kiện để đưa độc giả đến hai chương nòng cốt 8 và 9, làm tiền đề cho quyển sách: anh hùng và bội phản. Chương 8 “Shattered Lives and Broken Dreams: Operation Lam Son 719,” nói về giấc mơ chiến thắng của Huế bị tan vỡ - và những mảnh vụn của cuộc đời theo sau đó. Và chương 9, “The Making of a Traitor,” nói về sự phản bội của Trung Tá Ðính khi ông đầu hàng cộng sản vào năm 1972 trong trận Mùa Hè Ðỏ Lửa. Ở chương này, tác giả Wiest đã cố gắng giải thích những sự kiện và hoàn cảnh chung quanh quyết định đầu hàng của Trung Tá Ðính.
Giấc mơ chiến thắng của Thiếu Tá Trần Ngọc Huế tan vỡ vào Mùa Xuân năm 1971 ở Hạ Lào. Ðầu tháng 2-1971, khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua những căn cứ hậu cần của CSBV trên đường xâm nhập Hồ Chí Minh xảy ra, đơn vị của Thiếu Tá Huế vẫn còn hoạt động ở vùng phi quân sự, và trung đoàn 54 của Trung Tá Ðính vẫn lo an ninh ở phía Nam cố đô Huế. Mặc dù Sư Ðoàn 1BB là một trong ba lực lượng chính của cuộc hành quân, trong thời gian đầu BTL Sư Ðoàn 1BB chỉ sử dụng hai trung đoàn. Nhưng đến cuối tháng 2, tình hình thay đổi bất lợi ở mặt trận Hạ Lào.
Sau cuộc hội thảo với Tổng Thống Thiệu ở Sài Gòn ngày 28 tháng 2, Tướng Hoàng Xuân Lãm quyết định thay Sư Ðoàn Nhảy Dù bằng Sư Ðoàn 1BB, làm đơn vị chính đánh vào Tchepone. Ngày 2 tháng 3 đơn vị của Huế, TÐ 2/2; TÐ 3/2; và một ban tiền trạm của trung đoàn 4 được trục thăng vận đến Khe Sanh để chuẩn bị nhảy vào Tchepone. Sau khi các tiểu đoàn của trung đoàn 1 liên tiếp thiết lập các cứ điểm dây chuyền Lolo, Liz và Sophia ở hướng Nam dẫn về Tchepone để chuẩn bị cho mục tiêu chánh. Ngày 6 tháng 3, TÐ 2 và 3 của trung đoàn 2 nhảy vào Tchepone theo đúng lịch trình của kế hoạch. Hơn 120 trực thăng đưa hai tiểu đoàn 2/2 và 3/2 vào cứ điểm - một bãi đáp trực thăng - có tên là Hope ở hướng Bắc của Tchepone. Chỉ gặp một vài kháng cự nhỏ sau khi đổ quân, tiểu đoàn của 2/2 của Thiếu Tá Huế bung ra lục soát và tiến vào Tchepone. Ðến ngày 8, tiểu đoàn 2/2 báo cáo họ đã nằm bên trong thị trấn. Sau hai ngày lục soát, thay vì hai tiểu đoàn sẽ được trực thăng vận ra khỏi Tchepone như kế hoạch nguyên thủy, Tướng Lãm ra lệnh cho tiểu đoàn của Huế tiến sâu về phía nam, vượt qua sông Xe Pone, rồi hành quân lục soát về hướng các cứ điểm Sophia, Liz, và LoLo.
Tại đây họ sẽ nhập chung với quân của trung đoàn 1, rồi cả hai trung đoàn sẽ được trực thăng vận về khu vục đường 914 ở để phá hủy binh trạm 33. Sau khi hành quân ở đó từ bảy đến mười ngày, Sư Ðoàn 1 BB sẽ theo thứ tự rút về biên giới Việt Nam. Tại sao lại có sự thay đổi trái ngược như vậy? Tại sao không “nhảy vào Tchepone... đái một cái rồi nhảy ra...” như những gì báo chí đã viết về mục đích của cuộc đột kích vào Tchepone như chúng ta thường đọc qua? Theo tác giả Wiest, phấn khởi vì những chống trả yếu ớt của địch ở chung quanh Tchepone, Tướng Lãm quyết định kéo dài nhiệm vụ của trung đoàn 1 và 2 thêm 10 ngày nữa. Ðây không phải là ý kiến riêng của Tướng Lãm. Những tài liệu giải mật sau này cho thấy, ba ngày sau khi quân VNCH đặt chân xuống Tchepone, Tướng Lãm bay về Sài Gòn họp với Tổng Thống Thiệu và Ðại Tướng Cao Văn Viên. Trong buổi họp ngày 9 tháng 3, Tổng Thống Thiệu muốn TQLC và Sư Ðoàn 1BB bỏ ra bảy đến 10 ngày hành quân ở khu vực đường 914/ binh trạm 33, một vị trí khoảng chín cây số Tây Nam căn cứ Bản Ðông/ A Loui trên đường 9 (Ðiện văn, Top Secret MAC 02455 Eyes Only, Ðại Tướng Abarms gởi Trung Tướng Sutherland, 9 March 1971; điện văn, Top Secret QTR 0306 Eyes Only, Trung Tướng Sutherland gởi Ðại Tướng Abarms, 10 March 1971).
Ngày 11, từ bãi đáp Liz, tiểu đoàn 2/2 của Huế được trực thăng vận đến bãi đáp Brown ở khu vực đường 914. Tại đây tiểu đoàn lục soát về phía Nam cho đến ngày 14. Nhưng ngày 14 tháng 3 cũng là ngày địch quân đồng loạt phản công trên mọi hướng. Ðến hôm đó, CSBV đã tụ đủ quân để tấn công liên tục vào tất cả căn cứ hỏa lực hay bãi đáp ở phía Nam đường 9. Ở phía Nam đường 9 - mặt trận của Sư Ðoàn 1 BB và Lữ Ðoàn 147 TQLC - Cộng quân có Sư Ðoàn 2 và 324B, cộng với hai binh trạm (một binh trạm tương đương một trung đoàn), một số quân hơn là đủ để ngăn chận mọi kế hoạch rút quân của VNCH. Từ sáu giờ sáng ngày 14, cứ điểm LoLo và chung quanh phía Nam Tchepone, bốn tiểu đoàn của trung đoàn 1 bị CSBV tấn công liên tục.
Ðến ngày 17, trung đoàn quyết định phải di tản. Tiểu đoàn 4/1 ở lại chận hậu cho ba tiểu đoàn kia được trực thăng vận khỏi mặt trận. Khi đến lượt TÐ 4/1 di tản, trung đoàn phải yêu cầu B-52 đánh bom cách vị trí tiểu đoàn chừng 500 mét (so với khoảng an toàn thông thường là 1,000-1,500 mét) để ngăn chận những đợt tấn công của Cộng quân, hầu có thì giờ lên trực thăng. Nhưng tiểu đoàn chỉ có 83 quân nhân thoát khỏi LoLo; tiểu đoàn phó và tiểu đoàn trưởng thì ở lại LoLo vĩnh viễn. Cùng ngày, ở khu vực đường 914, bốn tiểu đoàn của trung đoàn 2 cũng chuẩn bị rời mặt trận. Ngày 18, TÐ 5/2 được bốc về Khe Sanh trước, trong khi ba tiểu đoàn 2, 3, và 4 được lệnh di chuyển theo hướng Ðông về cứ điểm Delta I để tiếp tục được di tản. Trên đường về Delta I, ba tiểu đoàn chạm địch liên tục. Khi biết không thể tiến về điểm hẹn ở Delta I, Huế cho tiểu đoàn nằm lại tại một cao điểm và dàn quân ra chuẩn bị tử thủ.
Ðêm 19, Cộng quân tấn công bằng pháo và hỏa tiễn trước, tiếp theo đó là quân bộ binh có trang bị súng phun lửa ồ ạt xung phong. Trưa ngày 20, trung đoàn xin Bộ Tư Lệnh Tiền Phương ở Khe Sanh, bằng mọi cách phải cho trực thăng phải hạ cánh di tản ba tiểu đoàn còn lại trước khi họ bị tiêu diệt. Nhưng với gần 1,400 phi vụ trực thăng võ trang; 11 phi vụ B-52; và 270 phi vụ oanh tạc chiến thuật trong ngày, hỏa lực đó chỉ đủ giảm áp lực của địch đủ để trực thăng đáp xuống bốc được tiểu đoàn 3. Tiểu đoàn 2 và 4 phải chờ những phi vụ di tản ngày hôm sau. Nhưng ngày ngày hôm sau là một ngày quá trễ cho Huế và những quân nhân còn lại.
Trong cao điểm của những cuộc tấn công đêm đó, Huế bị trúng đạn súng cối và ngất lịm. Trong lúc loa phóng thanh của địch vang dội những lời kêu gọi đầu hàng, Bộ Chỉ Huy Sư Ðoàn ra lệnh cho tiểu đoàn 2/2 phải đánh mở đường máu để di tản. Khi lính của Huế chuẩn bị đến khiêng ông đi, Thiếu Tá Huế từ chối, biết rằng mình sẽ là một gánh nặng cho toán quân rút đi. Huế ra lệnh cho họ đánh mở đường máu rời mặt trận. Tiểu Ðoàn Phó Nguyễn Hữu Cước chào vĩnh biệt Huế trước khi dẫn toán quân 60 người còn lại đánh mở đường máu rút quân. Vài phút sau, Huế trở thành một trong những tù binh cao cấp bị bắt tại mặt trận Hạ Lào. (Theo lời Thiếu Tá Huế kể lại, sau khi thành công nhảy vào Tchepone, ông được đặc cách vinh thăng trung tá. Chuẩn Tướng Phạm Văn Phú trực tiếp chuyển tin đó dến ông. Sau khi bi bắt làm tù binh, Thiếu Tá Huế khai chức vụ ông là thiếu tá. Nhưng sĩ quan thẩm vấn của CSBV nói ông đã là trung tá, theo những gì họ nghe được trên hệ thống truyền tin của loan truyền ngoài mặt trận của VNCH)
Ở bên kia biên giới, Trung Tá Ðính theo dõi tất cả diễn biến. Trong những ngày cuối cùng của hành quân Lam Sơn 719, Ðính đưa tiểu đoàn 2 của trung đoàn 54 đến Khe Sanh để yểm trợ và dóng cửa căn cứ Khe Sanh. Nhìn những chiến tích - và chiến bại - của Lam Sơn 719, Ðính suy nghĩ nhiều về một cuộc chiến không tương lai, và thân phận của những quân nhân trong cuộc chiến. Cảm nghĩ đó, tác giả Wiest thuật lại theo những gì Trung Tá Ðính kể.
Trong chương 9, “The Making of A Traitor,” tác giả Wiest viết sơ qua về cuộc tổng tấn công của CSBV vào mùa Hè năm 1972, nhưng tác giả viết sâu hơn khi nói về hoàn cảnh chung quanh việc Trung Tá Ðính đầu hàng. Dựa vào những cuộc phỏng vấn với các cố vấn của trung đoàn và sư đoàn có mặt tại chiến trường; dựa vào các nhân vật - những sĩ quan trong ban tham mưu của trung đoàn 56/SÐ 3BB - còn sống, như Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Trung Tá Trung Ðoàn Phó Vĩnh Phong; Ðại Úy Nguyễn Ðình Nhu, trung đoàn 56; Trung Úy Mai Xuân Tiểm, ban 3 trung đoàn; Thiếu Tá Tôn Thất Mãn, tiểu đoàn trưởng TÐ 1/56... Với những lời kể của nhân chứng, Andrew Wiest viết lại hoàn cảnh đưa đến quyết định đầu hàng tập thể của trung đoàn 56 tại căn cứ Carroll. Nhưng những gì Trung Tá Ðính thuật lại sau cuộc chiến có phải là những lý do để chạy tội? Ðính và hơn 600 quân nhân của trung đoàn 56/ SÐ3BB phải đầu hàng vì không còn lối thoát, vì bị bỏ rơi, hay chính Trung Tá Ðính là người đã vẽ cho họ một bức tranh bi đát, rồi thuyết phục họ đầu hàng? Mỗi độc giả sẽ là một chánh án đối với Trung Tá Ðính, sau khi thẩm định sự kiện và hoàn cảnh được trình bày trong sách.
Người điểm sách này xin nói trước: trước khi đọc tác phẩm Vietnam's Forgotten Army, người viết đã có một định kiến về hành động đầu hàng của Trung Tá Ðính: đó là hành động của một sĩ quan chủ bại, chưa đánh đã chạy. Và sau khi đọc tác phẩm, người viết vẫn không hoàn toàn đồng ý với lý do đầu hàng của ông trung tá: Thông cảm? Có. Chấp nhận? Không!
Gần nửa năm sau cuộc hành quân Lam Sơn 719, để gia tăng quân số thay vào khoảng trống của các đơn vị Mỹ rút quân, tháng 10-1971 Bộ Tổng Tham Mưu thành lập Sư Ðoàn 3 Bộ Binh. Sư đoàn tân lập này chỉ có một trung đoàn làm rường cột chánh, hai trung đoàn còn lại là lính thuyên chuyển từ các đơn vị khác, tân binh tuyển mộ từ các lực lượng Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ, hay một đôi khi là những quân nhân tòng phạm được ân xá để trở lại quân ngũ. Trong ba trung đoàn 2, 56 và 57 của Sư Ðoàn 3BB, chỉ có trung đoàn 2 lấy ra từ Sư Ðoàn 1BB, là đơn vị có kinh nghiệm chiến trường lâu nhất. Với một sư đoàn như vậy, không vị sĩ quan nào muốn nhận chức sư đoàn trưởng.
Sau cùng, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai nhận chức tư lệnh sư đoàn. Theo lời ông kể, ông là một “tư lệnh kém may mắn của một sư đoàn không không ai muốn nhận.” Và khi tìm sĩ quan về chỉ huy trung đoàn, Tướng Giai tìm những thuộc viên cũ đã làm việc chung với ông: Trung Tá Ðính được mời về làm chỉ huy trưởng trung đoàn 56.
Cuối năm 1971 đầu năm 1972, quân đội Hoa Kỳ đã rút khỏi Vùng I. Còn lại chỉ là những đơn vị tiếp liệu và cố vấn. Hơn 80 ngàn lính TQLC Hoa Kỳ có mặt ở Vùng I vào giữa năm 1969, bây giờ chỉ còn khoảng 500. Ðể phòng thủ năm tỉnh của Vùng I, Tướng Hoàng Xuân Lãm cho SÐ 1BB giữ phía Tây thành phố Huế; SÐ 2BB giữ ba tỉnh ở phía Nam; và sư đoàn yếu nhất, SÐ 3 BB, được giao nhiệm vụ trấn giữ hai hướng Bắc và Tây Quảng Trị. Trung đoàn 57 phụ trách bên phải quốc lộ 1, hướng Bắc Cửa Việt; trung đoàn 2, bên trái quốc lộ 1, Bắc Cam Lộ; và, trung đoàn 56, phía Nam đường 9, gần những căn cứ Khe Gió, Carrol, Mai Lộc. Ðể yểm trợ và phụ giúp thêm cho SÐ 3BB, Vùng I cho hai lữ đoàn TQLC đóng ở những tiền đồn dọc theo vòng cung Tây Nam đường 9, gần biên giới Lào, như là vòng đai phòng thủ đầu tiên cho trung đoàn 56. Vì trung đoàn 56 còn mới, để tiếp tục huấn luyện các tiểu đoàn tân lập của Tr./ Ð 56, và tránh tình trạng đóng quân ù lì một chỗ, Tướng Giai cho thay đổi vị trí của hai trung đoàn 2 và 56 theo chu kỳ: trung đoàn này đến vùng trách nhiệm của trung đoàn kia, và ngược lại. Ðó là lối bày binh và trận liệt ở Vùng I khi CSBV đồng loạt tấn công - và CSBV tấn công vào ngay thời điểm bất ngờ và nguy hiểm nhất.
Chín giờ sáng ngày 30 tháng 3-1972 Tr./ Ð 2 và 56 hoán chuyển trại và vùng trách nhiệm. Tr./ Ð 56 của Ðính từ căn cứ C2 ở Bắc Cam Lộ di chuyển về hướng Nam, thay thế Tr./ Ð 2 ở căn cứ Carroll, căn cứ hỏa lực Fuller và Khe Gió. Mười một giờ ba mươi, khi đoàn quân còn đang di chuyển, một số chưa kịp qua sông (sông Cam Lộ, trên đầu đường 9), chỉ có một đại đội tác chiến và đại chỉ huy vừa vào trong căn cứ Carroll thì địch quân tấn công. Pháo 130 ly của địch bắn tràn ngập các mục tiêu. Không phải chỉ có Tr./ Ð 2 và 56 bị tấn công, tất cả các căn cứ trên toàn Quảng Trị bị tấn công. Ở hướng Bắc SÐ 308 CSBV chia làm bốn mũi vượt qua vĩ tuyến 17 đánh thẳng vào Tr./ Ð 57; ở hướng Tây từ biên giời Lào, SÐ 304 và một trung đoàn thiết giáp đánh vào các tiền đồn của lữ đoàn 147 TQLC ở Núi Ba Hô và Sarge. Ngày hôm đó, mặt trận Bắc và Tây Bắc Quảng Trị hoàn toàn trong biển lửa: CSBV bắn 2,000 quả đạn chung quanh căn cứ Fuller, Khe Gió, Carroll trong tổng số 11,000 trái trong 24 tiếng đầu của chiến dịch.
Với cuộc hoán chuyển vị trí đang diễn ra khi cộng sản tấn công, ba tiểu đoàn của Tr./ Ð 56 chỉ có một phần bên trong những căn cứ đã được chỉ định. Hai tiểu đoàn 1/56 và 2/56 vẫn còn kẹt giữa đường và đang bị pháo của địch quân kèm lại một chỗ; tiểu đoàn 3/56 ở Khe Gió và 1/2 (tiểu đoàn 1 của trung đoàn 2, chưa rời trại khi Cộng quân tấn công) ở Fuller cũng không di chuyển được vì bị pháo. Bộ binh CSBV tấn công hai căn cứ suốt ngày 30. Trưa 31, Khe Gió và Fuller thất thủ. Lực lượng ở hai căn cứ này mở đường máu rút về hướng đông nam, về căn cứ Carroll. Với hệ thống truyền tin bị phá hủy, Ðính gần như hoàn toàn bất lực trong việc điều động các cánh quân đang phân tán. Không phải chỉ có trung đoàn 56 của Ðính là nằm trong hoàn cảnh ngặt nghèo: bên trái của căn cứ Carroll, ở hướng Tây và Tây Nam, hai căn cứ hỏa lực Núi Ba Hô và Sarge - vòng đai bảo vệ của Carroll - sắp bị tràn ngập. Mười giờ rưởi đêm 31, tiểu đoàn 4 TQLC ở căn cứ hỏa lực Núi Ba Hô di tản. Khi Núi Ba Hồ di tản thì căn cứ Sarge ở phía Nam cũng không thể giữ được. Bốn giờ sáng đêm đó, sau khi khẳng định được tình hình ở hướng Bắc, bộ chỉ huy TÐ 4 TQLC ở Sarge cũng rút đi. Hai toán quân TQLC đều di tản về căn cứ Mai Lộc, ba cây số hướng Nam căn cứ Carroll, nơi có bản doanh của lữ đoàn 147 TQLC. Bây giờ chỉ còn Carroll và Mai Lộc nằm trên hướng tiến quân của SÐ 304 về Quảng Trị.
Ngày 31 tháng 3-1972 Trung Tá Ðính liên lạc với Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai để xin tiếp viện. “Nếu không được tiếp viện, căn cứ chỉ có thể giữ được vài ngày nữa thôi.” Ðính báo cáo với Tướng Giai. “Ráng chờ, sẽ có tiếp viện,” Tướng Giai trả lời. Hôm sau, 1 tháng 4, Tướng Lãm đích thân gọi Ðính. Lạc quan vì nghĩ rằng mình sẽ có tin vui, nhưng Tướng Lãm chỉ ra lệnh vắn tắt, là Sư Ðoàn 3BB và Quân Ðoàn I không còn gì để tiếp viện. Trung đoàn 56 phải giữ căn cứ Carroll bằng mọi giá! Chỉ có vậy, chỉ có vậy từ người tư lệnh quân đoàn. Cùng ngày, những cánh quân di tản hay những cánh quân bị kẹt vì pháo kích lần lượt về được bên trong căn cứ Carroll, trong đó có cánh quân dưới quyền chỉ huy của trung đoàn phó Vĩnh Phong.
Tường trình của Trung Tá Phong làm cho Ðính bi quan thêm: Sư Ðoàn 308 CSBV đang truy kích họ. Sự bi quan trở thành thất vọng khi tin tức qua hệ thống truyền tin cho biết hai trung đoàn 2 và 57 trên đường di tản về Ðông Hà; và Bộ Chỉ Huy Sư Ðoàn 3BB sẽ rời căn cứ Ái Tử về Quảng Trị để tránh tầm đại bác 130 ly của Cộng quân từ bên kia sông Bến Hải bắn qua. Tối ngày 1 tháng 4, với tất cả quân di tản tụ về, căn cứ Carroll bay giờ có khoảng 1,500 tay súng trong vòng đai phòng thủ (có tường trình nói quân số bên trong căn cứ trước giờ đầu hàng là 1,800 quân).
Ðọc đến đoạn này trong Vietnam's Forgotten Army, không ít đọc giả sẽ có chút thông cảm cho hoàn cảnh Trung Tá Ðính, như tác giả Wiest ít nhiều đã có - theo sự nhận xét của người điểm sách. Chúng ta có thể thấy được sự lo sợ và hoang mang của Trung Tá Ðính: Ðường tiếp viện toàn bị cắt đứt; đối diện với một lực lượng của địch lớn hơn ba đến bốn lần về nhân lực cũng như hỏa lực; và bộ chỉ huy hình như đã bỏ trung đoàn, hay sẽ dùng trung đoàn như một lực lượng tế thần để đình trệ đường tiến quân của đối phương. Trong ý nghĩ của Ðính, quân lệnh cuối cùng của Trung Tướng Lãm có hàm ý như vậy.
Nhưng nhìn lại địa hình và tình hình của mặt trận ở hướng Tây và Tây Bắc Quảng Trị, quân lệnh của Tướng Giai và Tướng Lãm không phải không có ý nghĩa. Những căn cứ nhỏ như Núi Ba Hô, Sarge, C2, C3, hay Mai Lộc có thể di tản được vì đó là những căn cứ nhỏ, không có địa hình thuận lợi để phòng thủ. Nhưng căn cứ Carrol thì hoàn toàn khác. Ðây là một căn cứ có thể cầm cự một hay là hai trung đoàn địch dễ dàng.
Tên chánh thức của căn cứ là Camp James J. Carroll. Tên căn cứ đến từ tên một đại úy TQLC Hoa Kỳ tử trận trong cuộc hành quân Prarie ở khu vực đó vào năm 1966. Trong cao điểm của cuộc chiến Việt Nam, căn cứ Carroll là căn cứ pháo binh quan trọng của TQLC Hoa Kỳ ở Bắc đường 9. Từ căn cứ Carrol, đại bác 175 ly của Lục Quân và đại bác nòng 8 inches của TQLC bắn yểm trợ cho căn cứ Khe Sanh (cách đó 20 cây số về hướng Tây Nam) và thường xuyên đấu súng với những pháo đội 130 ly của CSBV Ớ bên kia sông Bến Hải (20-22 cây số hướng Bắc). Trước khi trao lại cho quân lực VNCH, căn cứ là nơi đóng quân của bốn tiểu đoàn pháo binh Hoa Kỳ (hai tiểu đoàn của trung đoàn 12 pháo binh TQLC; hai tiểu đoàn của liên đoàn 94 pháo binh Lục Quân). Căn cứ rộng đủ để chứa hơn 2,000 quân và một vòng đai phòng thủ qui mô. Ðịa hình của căn cứ rất lý tưởng để phòng thủ: Xây theo hình bát giác trên một ngọn đồi trống, quân phòng thủ bên trong Carroll có thể quan sát bốn hướng: địch quân không thể tấn công bằng bộ binh mà không bị phác giác từ xa 500-1,000 mét.
Ðịch quân có thể pháo kích - như họ đang làm - nhưng tấn công bằng quân bộ bịnh thì lại là một chuyện khó khăn nếu quân trú phòng quyết định tử thủ. Ngày 1 tháng 4, như đã nói ở trên, căn cứ Carroll có 1,500-1,800 tay súng bên trong và một lực lượng pháo binh gồm 26 khẩu đại bác từ 105 cho đến 175 ly, với vài chiến xa hạng nhẹ có trang bị đại bác 40 ly (loại thiết giáp tương tự như M41, gọi là “Duster,” trang bị hai khẩu 40mm và một đại liên 30 trên pháo tháp). Nhìn từ quan điểm phòng ngự, lực lượng này có thể gây thiệt hại đáng kể cho mọi cuộc tấn công - hay ít nhất có thể cầm chân một lực không nhỏ của CSBV.
Sáng Chủ Nhật ngày 2 tháng 4, Vùng I được một phi tuần B-52 yểm trợ. Bom bỏ hướng Tây Bắc vòng đai bên ngoài của căn cứ. Liền sau cuộc giội bom, CSBV tấn công căn cứ từ ba hướng. Nhưng với địa hình kiên cố của căn cứ, CSBV bỏ cuộc vài tiếng tấn công biển người. Tác giả Wiest viết, cuộc tấn công biển người bị đẩy ngoài công sự một cách dễ dàng bằng mìn và súng cá nhân. Cuộc tấn công bị coi thường đến độ vị trung tá cố vấn Mỹ đang có mặt bên trong căn cứ, trả lời với tiền sát viên không quân là ông chưa cần yểm trợ không lực trong lúc đó vì không có mục tiêu nào thích đáng (đọc, Trial By Fire: the 1972 Easter Offensive, Americas Last Vietnam Battle, của Dale Andradé). Sau cuộc tấn công vào buổi sáng, Ðính gọi về bộ tư lệnh sư đoàn xin yểm trợ. Trung Tá Cường, sư đoàn phó, trả lời là ông không thể trả lời cho Ðính được; và Chuẩn Tướng Giai thì đang ở Ðông Hà thị sát tình hình. Cũng như lần nói chuyện trước, không ai có một câu trả lời rõ ràng về số phận của Trung Ðoàn 56.
Hai giờ trưa, Cộng quân tấn công lần thứ nhì: lần này địch tiến gần được hàng rào phòng thủ hơn lần trước, nhưng vẫn không làm được gì. Trong khi cuộc tấn công đang diễn ra, Ðính nghe trên hệ thống truyền tin một sĩ quan CSBV muốn nói chuyện với ông. Người trên hệ thống truyền tin nói ông ta đang quan sát mặt trận. Ông nói số phận của Ðính và quân lính dưới quyền đang nằm trong tình trạng nguy hiểm. Nếu Ðính và quân của trung đoàn đầu hàng thì họ sẽ được đón tiếp và bảo vệ an toàn. Nếu không tất cả sẽ bị tiêu diệt. Chưa đầy một tiếng sau, một tư lệnh mặt trận lên máy truyền tin nói chuyện với Ðính một lần nữa. Người tự nhận là tư lệnh mặt trận cho biết đây là lần đề nghị cuối cùng trước khi họ tấn công. Ðính yêu cầu CSBV ngưng bắn và cho thêm giờ để quyết định. Ba giờ trưa, Ðính tập hợp 13 sĩ quan chỉ huy của trung đoàn trong hầm chỉ huy để quyết định.
Ðính mở lời trước, cho biết tình thế rất tuyệt vọng. Căn cứ không thể cầm cự trước sự tấn công liên tục của địch quân. Sau đó Ðính nói ra ý nghĩ thật của mình, là “Nếu tiếp tục chiến đấu, nhiều người sẽ chết. Và nếu chúng ta có bị thương, có chết, để có được một chiến thắng, thì cũng không ai lo cho chúng ta sau đó. Chúng ta bây giờ phải tự lo lấy thân.” Tiếp theo Ðính nói về đề nghị của địch. Sau đó ông hỏi tất cả muốn tử thủ, đánh mở đường máu, hay đầu hàng? Nếu tất cả các sĩ quan có mặt đồng ý tiếp tục đánh thì ông sẽ nghe chiều theo ý họ. Trong số sĩ quan hiện diện, chỉ có Thiếu Tá Tôn Thất Mãn (khóa 12 Thủ Ðức, TÐT 1/56) lên tiếng đòi đánh đến cùng. Số sĩ quan còn lại yên lặng không ý kiến.
Trước sự yên lặng của các sĩ quan, Ðính nói về gia đình của họ, về viễn ảnh những vui mừng khi họ được sống sót trở về. Sau đó - theo tác giả Wiest viết - họ bỏ phiếu để quyết định: tất cả đều đồng ý đầu hàng, chỉ có Thiết Tá Tôn Thất Mãn không bỏ phiếu. Với quyết định đã được đồng thuận, Ðính đi qua lô cốt của hai sĩ quan cố vấn Mỹ để thông báo. Nhưng Thiếu Tá Joseph Brown và Trung Tá William Camper không đồng ý. Camper đề nghị trung đoàn dùng những chiếc thiết giáp có trong căn cứ đánh bung ra vòng đai mở đường máu. Ðính không chịu, nói vô ích. “Tôi muốn giết ông trung tá [Ðính] ngay tại chỗ,” Trung Tá Camper kể lại sự tức giận của ông khi Ðính nằng nặc đòi đầu hàng. Sau khi nói với Trung Tá Ðính là nếu ông ta đầu hàng thì trách nhiệm của hai người cố vấn đã hết. Camper gọi về trung tâm hành quân của Sư Ðoàn 3BB cho biết “nhiệm vụ của ông ta không còn cần ở căn cứ Carroll nữa, và xin được di tản.” May mắn, một trực thăng C-47 trên đường tiếp tế đạn cho căn cứ Mai Lộc bay ngang qua đó, ghé lại bốc hai sĩ quan Hoa Kỳ và 30 người lính không chịu đầu hàng và muốn đi theo hai sĩ quan Mỹ.
Khi chiếc trực thăng cất cánh thì cờ đầu hàng đã bay trên căn cứ Carroll. Trung Tá Ðính dẫn toán quân 600 người ra khỏi trại đi đến điểm hẹn với địch. Bên trong, số quân không chịu đầu hàng còn lại rút đi về hướng Ðông. Trong nhóm quân không chịu theo Trung Tá Ðính là Pháo Ðội B của TÐ 1 Pháo Binh TQLC. Ðây là pháo binh đi kèm TÐ 4 TQLC, họ đóng nhờ trong căn cứ Carroll. Theo tường trình của cố vấn Mỹ sau này, Pháo Ðội B nòng đại bác xuống bắn thẳng cho đến khi bị tràn ngập. Tất cả toán quân rút đi, về đến phòng tuyến VNCH được khoảng 1,000 người, trong đó có một tiểu đoàn còn nguyên vẹn. Tối đêm đó Ðính và 600 quân đến một địa điểm gần căn cứ Khe Gió. Ở đây một sĩ quan CSBV ra đón họ.
Ngày hôm sau, 3 tháng 4, Ðính lên đài phát thanh CSBV đọc lời kêu gọi quân nhân VNCH đầu hàng như ông đã làm.
Thiếu Tá Huế bị đưa về Bắc được hơn một năm thì Trung Tá Ðính cũng được CSBV đem ra Bắc để tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyên truyền của họ. CSBV đề nghị Ðính gia nhập quân đội CSBV thì sẽ được phục hồi chức vụ trung tá trong quân đội của họ. Ðính đồng ý. Ðính làm như vậy chỉ để - theo lời Ðính kể - giúp đỡ 600 quân nhân đầu hàng bị đưa về miền Bắc. Những quân nhân này đang phục vụ công tác lao động ở các đơn vị hậu cần CSBV. Trở thành một sĩ quan cộng sản, Ðính có lương và nhà ở, và làm việc như một sĩ quan văn phòng ở Hà Nội. Sau này, sau khi VNCH thất thủ, Ðính đã phục vụ trong công tác tuyên truyền cho CSBV. Một trong những công tác là làm giảng viên ở những trại tập trung quân đội VNCH.
Về phần Huế, sau sáu tháng bị nhốt ở Hỏa Lò, ông bị đưa về trại tù Sơn Tây. Trong thời gian ở Sơn Tây, CSBV đưa Ðính và Trung Tá Vĩnh Phong vào nói chuyện với một số tù binh. Trong buổi gặp mặt đó, bên phía tù binh VNCH ngoài Huế còn có Ðại Tá Nguyễn Văn Thọ và Thiếu Tá Trần Văn Ðức của lữ đoàn 3 Nhảy Dù. Trong lần nói đó, chuyện phía bên kia không thẳng lời chiêu dụ Huế và hai sĩ quan Nhảy Dù. Nhưng họ có hàm ý là nếu ba người sĩ quan đầu hàng thì sẽ có được một đời sống thoải mái hơn là đời sống của tù binh. Sau đó, Huế và một số sĩ quan được đưa về Hà Nội để chiêu dụ thêm một lần nữa. Nhưng một lần nữa Huế từ chối không theo về bên kia. Hai năm sau, cuộc đời của Thiếu Tá Huế bị thêm một “tai nạn” nữa.
Sau khi Hiệp Ðịnh Paris 1973 được ký kết: Là một tù binh, tên của ông được nằm trong bản trao trả tù binh chính thức. Nhưng chỉ vài giờ trước khi được giao trả về miền Nam, CSBV giữ ông lại. Vì ông bị bắt ở Hạ Lào, nên nói “một cách kỹ thuật,” ông là tù binh của Pathet Lào! Huế bị giam đến năm 1983 mới được trả tự do. Theo lời kể của Huế, trước khi gia đình ông được phép rời Việt Nam sang Mỹ, Trung Tá Ðính có tìm vào Sài Gòn gặp Huế. Ðính muốn khi Huế đến Mỹ và khi gặp lại những sĩ quan cố vấn, nên giải thích hoàn cảnh đã làm cho ông phải đầu hàng - Những hoàn cảnh mà Thiếu Tá Huế cho là không chính đáng để đầu hàng.
Tài liệu căn bản của Vietnam's Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN đến từ phỏng vấn những nhân vật có liên quan đến sự kiện. Sử liệu trong tác phẩm không quan trọng hay mới lạ trên quan điểm sử học. Nhưng đó là sự lôi kéo của tác phẩm: tác giả tạo được một tác phẩm lý thú dựa trên những gì rất ít ông đã tìm được. Andrew Wiest là giáo sư sử học tại Ðại Học Southern Mississippi. Ông đã có một thời gian giảng dạy tại trường Cao Ðẳng Không Quân (Air War College), nơi đào tạo sĩ quan cấp tướng tương lai cho Không Quân Hoa Kỳ. Vietnam's Forgotten Army là tác phẩm thứ ba về chiến tranh Việt Nam của tác giả.
Nguyễn Kỳ Phong
manhhai 9y
Trên đây là Nguyễn Kỳ Phong điểm sách Vietnam's Forgotten Army, còn dưới đây là GS Andrew Wiest, University of Southern Mississippi, nói về cuốn sách của mình nhân ngày 30.4.2008. Bản dịch của GS Trần Thủy Tiên
Bài Diễn Văn của Giáo sư Sử học Andrew Wiest
Trước hết, xin cho phép tôi được cám ơn Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt ở Dallas, Fort Worth và Các Vùng Phụ Cận, và ông Cung Nhật Thành, đã mời tôi đến đây để trình bầy trước một tập thể khán giả tuyệt vời như hôm nay.
*
Tôi chỉ có 14 tuổi khi Saigon thất thủ vào năm 1975, và vì vậy, tôi còn quá nhỏ nên đã không thể tham dự vào Cuộc Chiến Việt Nam của nước Mỹ.
Tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy cuộc chiến qua ti vi, và những người anh lớn tuổi của các bạn tôi, đã thực sự chiến đấu trong cuộc chiến. Mặc dù lúc đó còn quá nhỏ, Chiến Tranh Việt Nam đã là cuộc chiến của thế hệ tôi về nhiều phương diện.
Sau bậc trung học, tôi đã lên đại học để nghiên cứu về lịch sử quân đội, nhưng lúc đó, không có ai giảng dạy các lớp học về Cuộc Chiến Việt Nam. Hậu quả là, tôi đã trở thành người viết lịch sử về Cuộc Thế Chiến Thứ I - nhưng việc tìm hiểu về Cuộc Chiến Việt Nam vẫn là niềm khát vọng sâu kín trong lòng tôi.
Năm 1997, tôi đã bắt đầu dạy các lớp ở trường đại học nơi tôi cư ngụ, Đại Học Miền Nam Mississippi, về Chiến Tranh Việt Nam. Trong khi chuẩn bị dạy lớp, tôi đã đọc rất nhiều về cuộc chiến, và cố gắng hết sức để quán triệt đề tài nầy, nhưng dường như vẫn còn điều gì đó thiếu sót về Cuộc Chiến Việt Nam. Để tiếp tục tìm kiếm giải đáp, tôi đã quyết định mang một nhóm sinh viên của tôi và các cựu chiến binh Hoa Kỳ, tới Việt Nam, để hiểu biết về Cuộc Chiến.
Chúng tôi đã đi từ Saigon tới Cần Thơ và Hà Nội, tôi đã học được rất nhiều, nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó thiếu sót.
Rồi chúng tôi đi đến Huế, nơi đó, tôi đã gặp ông Phạm văn Đính (PVĐ), người đã làm được nhiều việc rất tài giỏi, với vị trí của một chỉ huy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tuy nhiên, tôi lại biết được rằng PVĐ đã mang nguyên cả Trung Đoàn của ông đến gia nhập quân đội của kẻ thù trong Trận Đánh vào Lễ Phục Sinh Tháng Tư 1972 *.
Khi trở về Hoa Kỳ, tôi gặp ông Trần Ngọc Huế, người đã từng là bạn và chiến hữu của Đính, và cũng đã thực hiện được nhiều chiến công đáng kể với vị trí chỉ huy trong quân đội VNCH. Nhưng khác với Đính, ông Huệ đã chiến đấu cho đến phút cuối cùng, dù lúc đó ông đang bị thương trầm trọng và bị bắt trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào của Quân Đội VNCH vào năm 1971, và đã bị tù 13 năm trong các ngục tù của quân Cộng Sản Bắc Việt.
Các câu chuyện về Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế đã thu hút và chiếm trọn tâm hồn tôi; tôi muốn những câu chuyện nầy cần phải được kể ra cho mọi người biết.
Tôi đã đi tới Việt Nam để cố ý tìm hiểu về Cuộc Chiến Của Người Mỹ. Nhưng điều mà tôi đã tìm thấy được, lại là Cuộc Chiến Của Người Việt Nam.
Tôi đã lập tức khởi sự nghiên cứu tất cả mọi thứ mọi việc mà tôi có thể tìm được về Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Thật là ngạc nhiên, tôi tìm thấy quá ít. Cũng thật là nhanh chóng để cho tôi thấy rõ ràng là, Miền Nam Việt Nam và quân đội Miền Nam chỉ được kể đến trong những phần ghi chú ở cuối trang sách của các sách lịch sử của phương tây và người Mỹ khi viết về Chiến Tranh Việt Nam.
Lúc đó, tôi đã nhận thấy rằng; viết một quyển sách về Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế không những sẽ là một niềm vui thích thú mãnh liệt cho cá nhân tôi, mà ngoài ra, khi xử dụng nghề nghiệp chuyên môn của họ như một bối cảnh văn chương cho việc mô tả, thì sau cùng, tôi có thể viết về Miền Nam Việt Nam và Quân Đội VNCH, vào trong phần lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam.
Các quan điểm duy nhất về quân đội Việt Nam mà tôi đã tìm thấy trong văn chương Hoa Kỳ khi viết về quân đội Miền Nam Việt Nam, là một quân đội đầy khuyết điểm và đã bị tiền định cho sự thất bại vào tay quân cộng sản. Tuy nhiên, những sự kiện có thật mà tôi khai phá được, đã bác bỏ cái lối nhìn cổ điển nầy về Quân Đội VNCH.
Tôi đã khám phá được là, Quân Đội VNCH đã tranh đấu can trường, vật vã trong gian - khổ, chống lại quân cộng sản trong 25 năm, và đã tử trận trên 200,000 người. Để làm sáng tỏ sự kiện nầy, hai trọng tâm chính trong công việc nghiên cứu của tôi là Phạm văn Đính và Trần Ngọc Huế, mỗi người đã chiến đấu trong một thập niên để phục vụ xứ sở của họ, trước khi binh nghiệp của mỗi người dẫn họ đến hai điểm kết thúc hoàn toàn khác nhau.
Thật quá hiển nhiên là, đã đến lúc câu chuyện về Quân Lực VNCH phải được viết lại cho đúng. Cuốn sách của tôi, Quân Đội Việt Nam Bị Lãng Quên: Tính Cách Anh Hùng và Sự Phản Bội Trong Quân Đội VNCH, tập trung vào hai cuộc đời của hai người đàn ông trong khu vực Quân Đoàn I & Quân Khu I của Miền Nam Việt Nam.
Vì vậy, cuốn sách không thể trình bầy toàn thể lịch sử của một cơ cấu phức tạp như Quân Đội VNCH. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng, cuốn sách là một sự khởi đầu tốt đẹp, một bước tiến đến gần để giải thoát Quân Đội VNCH ra khỏi vị trí vô hình vô tâm của lịch sử.
Trong vài phút tới đây, tôi sẽ cố gắng phác họa đại cương những kết luận cơ bản của công việc nghiên cứu của tôi. Tôi muốn bầy tỏ ý kiến của tôi, là Quân Đội VNCH đã bị chiến đấu trong một cơ cấu có kế hoạch sai trái, lỗi lầm. Kế đó, giống như nhiều người khác ngày hôm nay, nhiều người Mỹ đã xem Chiến Tranh Việt Nam như là một sự tập luyện quân đội với một giải pháp quân sự của người Mỹ.
Thay vì đoàn kết làm việc chung với Quân Đội VNCH, các lực lượng mạnh mẽ của người Mỹ đã có khuynh hướng xô Quân Đội VNCH sang một bên, với ý muốn dành phần thắng trận về một phía cho người Mỹ mà thôi. Do đó, nỗ lực quân sự của người Mỹ, dù có ý định tốt, đã gây hậu quả áp đặt, làm mất sự độc lập của Quân Đội VNCH và trói buộc Miền Nam Việt Nam vào cái kiểu tác chiến của người Mỹ, không phải của người Miền Nam Việt Nam.
Có thể nói, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, vị chỉ huy nổi tiếng và đáng kính của Sư Đoàn I, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã diễn tả đúng nhất, khi ông nhận định như sau:
Bước vào cuộc chiến tranh nầy với vị thế và cách bố trí dàn quân của một đội lính cứu hỏa, người Mỹ đã hối hả chạy đến để cứu giúp căn nhà Việt Nam khỏi bị tàn phá, nhưng lại ít quan tâm tới việc chăm sóc cho các nạn nhân đang bị cháy ở trong nhà. Chỉ sau khi người Mỹ nhận biết rằng các nạn nhân cũng cần được chữa trị và tập luyện trở thành những người lính chữa lửa để tự cứu lấy những căn nhà của chính họ, thì đến lúc đó, người Mỹ mới bắt đầu thực sự quan tâm chăm sóc cho họ. Nhưng thời gian quý báu đã trôi qua mất rồi, đợi đến lúc các nạn nhân cố gắng đứng lên và vừa mới bắt đầu đi được vài bước sau khi hồi phục, thì đội lính cứu hỏa lại nhận được mệnh lệnh phải trở về trụ sở cứu hỏa.
Bên trong cái cơ cấu sai lầm toàn diện nầy, Quân Đội VNCH đã chiến đấu lâu dài và can trường -- đã hoàn thành được rất nhiều chiến công hơn cả những gì mà các sách lịch sử Mỹ ghi nhận về cuộc chiến nầy.
Từ các năm 1965 - 1969, các lực lượng Hoa Kỳ và VNCH đã tham dự nhiều trận chiến nổi tiếng và vài trận mang tiếng xấu, trong Chiến Tranh Việt Nam.
Từ cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng, tới các cuộc đụng độ trong thung lũng A Shau (gần Quảng Trị), những trận đánh nầy được nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các sách lịch sử của người Mỹ đã sai lầm qua cách nhìn của họ, vì trong những sách nầy, Quân Đội VNCH thường xuyên bị bỏ quên trong các trận đánh.
Như vậy tôi tin rằng, để có một sự hiểu biết đầy đủ hơn về cuộc chiến nầy, lịch sử phải bắt đầu tường thuật về Quân Đội VNCH.
Công việc nghiên cứu của tôi đã mở rộng ra để mô tả toàn thể cuộc chiến. Tuy nhiên, tôi sẽ đưa ra hai thí dụ vững chắc làm đại diện cho lý do tại sao Quân Đội VNCH phải được viết vào lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam.
Thử cầm lên bất cứ cuốn sách nào về cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của Cộng quân từ Miền Bắc tràn vào Miền Nam, các bạn sẽ đọc thấy rằng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã nắm giữ vai trò chính trong việc chiếm lại Thành Nội Huế nổi tiếng (ở Miền Trung) vào năm 1968. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sâu rộng hơn, sẽ thấy, mặc dù Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã chiến đấu rất gan dạ, nhưng thực ra chính những người lính của Quân Đội VNCH thuộc Sư Đoàn I, dẫn đầu bởi Đại Đội Hắc Báo, được chỉ huy bởi Trần Ngọc Huế, đã bảo vệ và chiến đấu mãnh liệt nhất để chiếm lại Cố Đô Huế.
Trong một thí dụ khác, đa số người tây phương đã nghe về Ngọn Đồi Hamburger, một trận đánh trong đó lực lượng Nhẩy Dù Hoa Kỳ đã chiếm giữ được một ngọn đồi hẻo lánh trong rừng từ sự chống trả ác liệt của quân Việt Cộng. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không biết là chính Phạm Văn Đính và Tiểu Đoàn Bộ Binh VNCH của ông ta mới là những người đầu tiên đã tiến lên tới đỉnh Ngọn Đồi Hamburger trong trận đánh then chốt đó.
Do vậy, ý tôi muốn nói là, ngay trong những vấn đề nhỏ về chiến thuật như trên, chỉ bằng cách viết về Quân Đội VNCH vào trong lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam, chúng ta sẽ thực sự hiểu được cách thức diễn tiến của cuộc chiến ra sao.
Một sự kiện đáng chú ý khác nữa là đa số sách vở tây phương viết về Chiến Tranh Việt Nam chỉ viết sơ sài vắn tắt về bất cứ những gì xẩy ra sau năm 1968. Lúc đó, sau năm 1968, mối quan tâm quyền lợi của người Mỹ trong cuộc chiến đã suy giảm, và phương sách tách rời khỏi Việt Nam đã bắt đầu.
Thật là một khuyết điểm trầm trọng trong việc tường thuật về lịch sử của chiến tranh Việt Nam, vì trong khi tấn bi kịch quốc gia của nước Mỹ lúc đó đang tiến đến hồi kết thúc, thì bi kịch quốc gia của Miền Nam Việt Nam đã chỉ mới bắt đầu.
Trong khi được huấn luyện và trang bị để sinh tồn là một phần quan trọng trong cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam, thì Quân Đội VNCH bất thình lình thấy hầu như chỉ còn một mình lẻ loi trong những trận đánh quan trọng nhất của toàn thể cuộc chiến, nhưng lại không được thông báo trước.
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào năm 1971 giữ vị trí khá quan trọng trong cuốn sách của tôi. Đó là một trận chiến chứng minh rằng Quân Đội VNCH đã có những sức mạnh kỳ diệu. Quân Đội VNCH đã chiến đấu can đảm trên các vùng đất của kẻ thù với các lực lượng đông hơn và mạnh hơn nhiều.
Tuy nhiên, đó cũng là một trận đánh đã chứng minh rằng Quân Đội VNCH vẫn cần sự ủng hộ của người Mỹ trong một thời gian nào đó, trước khi trở nên độc lập hoàn toàn.
Nhưng thay vì tạm ngưng để học hỏi từ các bài học của cuộc hành quân Lam Sơn 719 rồi tiếp tục, người Mỹ chỉ muốn rút lui ra khỏi chiến tranh Việt Nam cho nhanh.
Kế đến là Trận Chiến Mùa Hè Đỏ Lửa (Tháng Tư, 1972), một cuộc công kích ồ ạt và bất thình lình của quân Cộng Sản Bắc Việt, đã chờ đợi để tấn công, sau khi tất cả các lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ đã thực sự rời khỏi Việt Nam.
Trong các giai đoạn đầu của trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa nầy, một vài đơn vị của Quân Đội VNCH đã tỏ ra yếu ớt không vững mạnh, đáng kể là đơn vị đầu hàng của Phạm văn Đính ở Trại Carroll.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của không lực Hoa Kỳ, Quân Đội VNCH đã trấn giữ vững chắc trong những trận tranh hùng ác liệt tại chỗ như Cổ Thành Quảng Trị và An Lộc - những trận quyết chiến can đảm như trong các bài anh hùng ca, hầu như đã bị bỏ quên trong nhiều sách lịch sử tây phương viết về Chiến Tranh Việt Nam.
Lịch sử của cuộc chiến nầy, một khi Quân Đội VNCH được lưu tâm chú ý, phải tạo lập nên một câu chuyện khác hẳn với những gì đã tìm thấy trong nhiều sách.
Quân Đội VNCH, mặc dù có khuyết điểm, đã chiến đấu dai dẳng và can trường, đã có thể thắng trận và xứng đáng với sự chiến thắng. Tuy nhiên, Quân Đội VNCH đã bị hiện hữu quá lâu như một thành phần phụ thuộc bổ túc do một định nghĩa sai lầm của người Mỹ về Chiến Tranh Việt Nam.
Bên trong cái cơ cấu của cuộc chiến tranh của người Mỹ ở Việt Nam, Quân Đội VNCH đã hoạt động hữu hiệu trong các trận đánh, nhưng lại bị bỏ quên quá thường xuyên bởi lịch sử, từ Trận Tết Mậu Thân đến Đồi Hamburger.
Tuy nhiên, các cuộc giao tranh với quân Việt Cộng ở Hạ Lào và Mùa Hè Đỏ Lửa Tháng Tư, đã xác định rằng Quân Đội VNCH vẫn cần có thờì gian để xem lại cuộc chiến của mình và để trở nên tự lập -- điều mà Quân Đội VNCH xứng đáng được hưởng.
Nhưng, buồn thay, sự kiên nhẫn của nước Mỹ đối với Chiến Tranh Việt Nam đã suy giảm, và sự rút lui của người Mỹ ra khỏi cuộc chiến đã diễn ra quá nhanh và quá ồ ạt nên Quân Đội VNCH đã không thể tồn tại một cách độc lập kịp thời.
*
Đã đến lúc phải viết lịch sử của Quân Đội VNCH vào lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam. Chỉ bằng cách tìm hiểu Quân Đội VNCH, chúng ta mới có thể hiểu được lịch sử thật sự của chiến tranh Việt Nam, và có thể học hỏi được từ kinh nghiệm nầy.
Một điều tôi hy vọng nơi cuốn sách của tôi là nó phải chứng minh được rằng, Quân Đội VNCH đã quyết chiến lâu dài và quả cảm vì lý tưởng Tự Do, và Quân Đội VNCH xứng đáng có một sinh mệnh tốt đẹp hơn.
Một lần nữa, tôi xin được cám ơn quý vị đã cho tôi cơ hội nói chuyện hôm nay, và tôi xin kết thúc bằng cách cúi chào những cựu chiến binh của các Lực Lượng Quân Đội VNCH.
Quý vị, các bạn của tôi đây, là những anh hùng. Và tôi vinh dự được làm người thông tin tường thuật cho quý vị.
Ra mắt sách “Vietnam’s Forgotten Army”: Giáo sư sử học Andrew West và nhân vật chính trong sách, Trung tá Trần Ngọc Huế cùng các đồng đội Việt Mỹ của ông.
Address to The Vietnamese American Community of
Greater Dallas, Fort Worth, and Vicinity April 26, 2008
First please allow me to offer my thanks to The Vietnamese American Community of Greater Dallas and Vicinity, and Mr. Cung Nhat Thanh, for inviting me here to talk today to such a wonderful gathering.
*
I was only 14 years old when Saigon fell in 1975, and was thus too young to take part in Americás Vietnam War. However, I witnessed the war on television, and the older brothers of my friends did fight in the war. Although I was too young, the Vietnam War was in many ways the war of my generation.
After high school I went to university to study military history, but at that time nobody taught courses on the Vietnam War. As a result, I became a historian of World War I - but understanding the Vietnam War remained my secret passion.
In 1997, I first began to teach classes at my home university, the University of Southern Mississippi, on the Vietnam War. In preparation for the class, I read quite widely on the war, and did my best to master the topic. Something, though, seemed to be missing from my understanding of the Vietnam War. Still searching for answers, I decided to take a group of students and US veterans to learn about the Vietnam War in Vietnam.
We traveled from Saigon, to Can Tho to Hanoi, and I learned a great deal, but still something was missing.
Then we journeyed to Hue, where I met Pham Van Dinh, who had achieved great things as a commander within the Army of the Republic of Vietnam (ARVN).
However, I also learned that Pham Van Dinh had surrendered his entire regiment and defected to the enemy during the Easter Offensive of 1972.
Upon returning home I met Tran Ngoc Hue, who had once been Dinh's friend and comrade, and also had achieved great things as an officer in the ARVN.
However, Hue fought until the end, being severely wounded and captured during the Lam Son 719 invasion of Laos in 1971, and then served 13 years in North Vietnamese prisons.
The stories of Pham Van Dinh and Tran Ngoc Hue captivated me; they were stories that needed to be told.
I had gone to Vietnam in search of the American War there. What I found, though, was a Vietnamese War.
I immediately began to research everything I could find on the ARVN. To my surprise, I found very little. It quickly became apparent that South Vietnam and its military were only footnotes in the American and western histories of the Vietnam War.
At that point I realized something; that writing a book about Pham Van Dinh and Tran Ngoc Hue would not only be of great personal interest to me but also, by using their careers as a narrative structure, I would be able finally to write South Vietnam and the ARVN into the history of the Vietnam War.
The only views of the ARVN that I discovered in most American literature characterized the South Vietnamese military as fatally flawed and predestined to failure at the hands of the communists. However, the facts that I was discovering disputed this traditional vision of ARVN.
I discovered that ARVN fought hard, struggling against the communists for 25 years, losing more than 200,000 dead. As a reflection of this fact, the two main focuses of my research, Pham Van Dinh and Tran Ngoc Hue, each fought for a decade in service of their country before their careers came to such different ends. It was obvious that the story of ARVN had to be re written. My book, Vietnam's Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN, focuses on the lives of two men in the I Corps area of South Vietnam.
For that reason it cannot pretend to present the entire history of an institution as complex as the ARVN. However, I hope that it is a good start, a step toward rescuing ARVN from historical invisibility.
In the next few minutes, I will attempt to outline the basic conclusions of my research.
It is my opinion that ARVN fought its war within a flawed strategic structure. Americans then, like so many today, viewed the war in Vietnam as a military exercise with an American military solution.
Instead of working with ARVN, the mighty American forces tended to shove ARVN to one side in an effort to win the war single-handed. The American military effort, though well intentioned, had the effect of stifling ARVN independence and tied South Vietnam to an American style of war.
Perhaps General Ngo Quang Truong, the legendary commander of the 1st ARVN Division, put it best when he stated: Entering the war with the posture and disposition of a fire brigade, the Americans rushed about to save the Vietnamese house from destruction but took little interest in caring for the victims. Only after they realized that the victims, too, should be made firefighters to save their own houses, did Americans set about to really care for them. Valuable time was lost, and by the time the victims could get onto their feet and began to move forward a few steps after recovery, the fire-brigade was called back to the home station. Within this flawed overall structure of the war, ARVN fought long and hard - achieving much more success than most American histories of the conflict indicate. From 1965-1969 US and ARVN forces took part in the most famous, and in some cases infamous, battles of the Vietnam War. From the Tet Offensive 1968 to clashes in the A Shau Valley, these battles are very well known in American history. However, the histories as they stand are wrong, for in these books ARVN is usually absent from those battles. It is my belief that to gain a fuller understanding of the conflict, history must begin to include ARVN in the story.
My research was wide ranging and covered the entire war. However, I will allow two examples to stand as representative of why ARVN must be written into the history of the Vietnam War.
Pick up any book on the Tet Offensive, and you will read that it was the US Marines who played the major role of retaking the famed Hue Citadel in 1968. However, on further reflection, although the US Marines fought bravely, it was the men of the ARVN 1st Division, led by the Hac Bao Company commanded by Tran Ngoc Hue, that first defended and then did the most to recapture the Citadel.
In another example, most westerners will have heard of Hamburger Hill, a battle in which the American airborne seized a forlorn jungle hilltop from fierce communist resistance. However, what most people do not know is that it was Pham Van Dinh and his ARVN battalion of infantry that first reached the top of Hamburger Hill in that pivotal battle. Thus it is my contention, that even in such small matters of tactics only by writing the ARVN into the history of the Vietnam War will we actually understand how the conflict progressed. Another interesting fact is that most western books on the Vietnam War give only cursory coverage of anything that happened after 1968. By that time American interest in the conflict had waned, and the process of disengaging from Vietnam had begun.
It is a great flaw in the historical coverage of the war, for while Americás national tragedy was nearing its end, the national tragedy of South Vietnam had only just begun. Trained and equipped to exist as an important part of an American war in Vietnam, the ARVN suđenly found itself almost alone in some of the most important, but under reported, battles of the entire war.
The Lam Son 719 invasion of Laos in 1971 figures quite prominently in my book. It was a campaign that demonstrated that ARVN had great strengths. ARVN fought bravely on enemy territory against heavy ođs.
However, it was also a campaign that demonstrated that ARVN would still need American support for some time before becoming fully independent. However, instead of pausing to take stock of the lessons of Lam Son 719, the American withdrawal from the conflict only gained speed.
Next came the Easter Offensive, an all out attack by the North Vietnamese, which came after virtually all of the US combat forces had left the country.
In the early stages of the battle, some ARVN units faltered, notably represented by Pham Van Dinh's surrender at Camp Carroll.
However, with the aid of US air power, ARVN held firm in titanic struggles in places like the Quang Tri Citadel and An Loc - epic battles that are almost ignored by most western histories of the Vietnam War.
The history of the war, when ARVN is taken into account, thus makes up a story that is different than what you will find in most books.
ARVN, though it had its faults, fought long and hard and was capable of and deserving of victory. ARVN, though, had too long existed as an adjunct to a flawed American definition of the Vietnam War. Within the structure of the American war in Vietnam, ARVN had performed well, in battles too often ignored by history from Tet to Hamburger Hill.
However, fighting in Laos and in the Easter Offensive indicated that ARVN still needed time to redefine its war and to become independent - something that ARVN deserved. But, sadly Americás patience with the Vietnam War had run out, and the American withdrawal from the conflict was too quick and too total for ARVN to survive on its own. It is time to write the history of ARVN into the history of the Vietnam War.
*
Only by understanding the ARVN will we ever be able to understand the true history of the conflict in Vietnam, and be able to learn from the experience. One thing that I hope that my book does is demonstrate that ARVN fought long and hard in the cause of Freedom, and that ARVN deserved a better fate. Again, I would like to thank you for the opportunity to speak here today, and I would like to close by saluting the veterans of the Republic of Vietnam Armed Forces. You, my friends, are the heroes. And I am honored to be your reporter.
No comments:
Post a Comment