Xin Có Ý Kiến:
Cần xét lại cuốn sách
của Alan Dawson về
“55 Ngày Đêm Miền Nam Sụp Đổ”
Ngọc Hoài Phương
Ký giả Alan Dawson, trưởng phòng Thông Tấn UPI ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông đã viết quyển “55 Days: The Fall of South Vietnam”, Prentice Hall xuất bản năm 1977, dày 366 trang, giá 12.50 Mỹ kim. Quyển sách đó có những điểm sai lầm nhưng hình như chưa có bài viết nào phân tích trên báo chí Việt ngữ tại hải ngoại nên nó đã chìm vào quên lãng.
Nhân bài dịch của ông Hoàng Long Hải, đăng tải trên nhật báo Người Việt số 6698 (Thứ Sáu 9 tháng 4-2004) trong một đoạn trích dẫn cuốn sách “55 Ngày Ðêm Miền Nam Sụp Ðổ” của Alan Dawson, hình ảnh của Chiến Hữu Vương Văn Trổ được nhắc lại. Trung tá Vương Văn Trổ nổi danh người hùng của Quân Lực VNCH trong Ngũ Hổ Miền Tây. Sau ngày 30-4-1975, ông trải qua 13 năm trong lao tù Cộng Sản, hiện định cư tại Houston, Texas; trong khi đó, ký giả Alan Dawson cho khai tử.
Ký giả Ngọc Hoài Phương, Chủ Nhiệm tờ Hồn Việt, liên lạc với nhân chứng – cựu Trung tá Vương Văn Trổ, người đã bị Alan Dawson khai tử – dẫn chứng sự kiện cụ thể mà nhà báo kỳ cựu của UPI đã viết sai lệch. KBC Hải Ngoại)
Sau 13 năm tù cải tạo, và khi đặt chân tới Hoa Kỳ (HO-16 năm 1993) mới chợt khám phá ra là mình đã bị ông nhà báo Alan Dawson khai tử một cách nhục nhã từ cuối tháng 4 – 1975 trong cuốn sách mang tựa đề “55 Ngày Ðêm Miền Nam Sụp Ðổ”. Người bị nhà báo Alan Dawson “giết chết” một cách lãng nhách trên đây là Trung Tá Vương Văn Trổ, nguyên Tỉnh trưởng Kiên Giang kiêm Thị trưởng Rạch Giá.
Mặc dù đã gần ba mươi năm trôi qua, nhưng đối với ngày Quốc Hận 30 tháng 4-1975 vẫn còn là một vết thương nhức nhối không thể xóa mờ được trong tâm trí của người Việt tỵ nạn. Do đó hàng năm, cứ vào dịp này, cộng đồng người Việt ở khắp nơi thường tổ chức những buổi họp mặt để tưởng niệm ngày đau thương của dân tộc, ngày mà Miền Nam Việt Nam đã bị đồng minh bỏ rơi, bán đứng cho Cộng Sản.
Các cơ quan truyền thông, nhất là các báo Việt ngữ trong dịp này cũng thường có những bài đặc biệt liên quan đến biến cố lịch sử đó. Không phải chỉ riêng sách báo của Cộng Sản nặng phần trình diễn tuyên truyền, thiếu trung thực, còn cố tình xuyên tạc mà ngay cả một số nhà báo ngoại quốc khi viết về biến cố 30-4-75 cũng đã đưa ra nhiều chi tiết sai lạc, và tệ hại hơn nữa là có nhiều chi tiết cho người đọc có cảm tưởng là tác giả đã cố tình dựng đứng câu chuyện để bôi nhọ nhân vật được nhắc tới nói riêng và cả tập thể người lính Việt Nam Cộng Hòa nói chung như trương hợp ông Tỉnh trưởng Kiên Giang là một thí dụ điển hình.
Ðọc báo Người Việt số 6698 (Thứ Sáu 9 tháng 4-2004) trong một trích đoạn cuốn sách “55 Ngày Ðêm Miền Nam Sụp Ðổ” của Alan Dawson do Hoàng Long Hải dịch có đoạn ghi như sau:
“Tướng Nam ra lệnh cấm binh sĩ dưới quyền ông rời bỏ vị trí. Ông đến từng nơi lúc bấy giờ được coi như là “tuyến đầu” ra lệnh cho sĩ quan ở ngay vị trí. Ông ta bắn chết viên đầu tỉnh ở Sadec, phía Tây Cần Thơ vì ông nầy bỏ tỉnh di tản theo người Mỹ. Viên tỉnh trưởng tỉnh Kiên Giang ở trong vịnh Xiêm La không tuân lệnh cố thủ của ông, đã bỏ đơn vị lên thuyền chạy về phía Nam. Tướng Nam ra lệnh cho trực thăng đuổi theo và bắn chìm những tàu nầy”.
Sự thật thì đoạn văn trên đây hoàn toàn được viết theo óc tưởng tượng của ông nhà báo Alan Dawson vì ông Tỉnh trưởng Kiên Giang không bỏ đi và nhất là Tướng Nguyễn Khoa Nam, một vị tướng tài ba, một anh hùng của QLVNCH không bao giờ và không thể có những quyết định nông nổi thiếu suy nghĩ như điều Alan Dawson đã gán ghép. Ngay cả đối với địch quân, Tướng Nam cũng mang lòng nhân đạo ra đối xử thì không thể có chuyện ông ra lệnh cho trực thăng đuổi theo bắn chìm những tàu bỏ chạy. Người ta còn nhớ (theo lời kể của Trung Tá Vương Văn Trổ) ngày 25 tháng 2 năm 1975, lực lượng Tiểu khu Kiên Giang đã đánh tan một đơn vị Cộng sản, bắt sống 2 chiến binh CS bị thương nặng hấp hối. Biết chuyện này, Tướng Nam đã ra lệnh cho tiểu khu phải tải thương nhanh để cứu sống địch quân.
Ðể phản bác lại những điều Alan Dawson đã viết liên quan đến thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang ngày cuối tháng 4-1975, qua một cuộc điện đàm, Trung Tá Vương Văn Trổ cho biết: “Khoảng 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4-75, qua điện thoại, Tướng Lê Văn Hưng nhắc tôi rằng Tướng Nam chỉ thị phải cố gắng ngăn chận địch quân ngoài thành phố để tránh gây thiệt hại cho dân chúng. Ðến 6 giờ chiều cùng ngày, Tướng Nam còn chỉ thị tôi phải cố gắng lo cho dân chúng và binh sĩ”.
Với giọng buồn bã, Trung Tá cựu Tỉnh trưởng Kiên Giang nói tiếp: “Nhưng đến 9 giờ tối thì được tin Tướng Lê Văn Hưng đã tự sát và lệnh Quân Ðoàn cho Tiểu Khu buông súng. Tôi cho họp các cấp chỉ huy để thông báo tình hình, và đồng thời cũng loan báo chiến hạm Hải Quân đang chờ thân nhân ngoài khơi. Nhờ thông báo này mà một số cán bộ hành chánh, quân đội, dân chúng tại thị xã đã đem được gia đình ra đi an toàn. Riêng lực lượng Nhân Dân Tự Vệ vì không có hệ thống truyền tin nên đích thân tôi phải dùng xe chạy đi liên lạc. Trong lúc làm nhiệm vụ cuối cùng, tôi bị Cộng sản bắt lúc 12 giờ đêm ngày 30 tháng 4-1975 tại cầu số 2 trong thị xã Rạch Giá…”.
Ðược biết Trung Tá Tỉnh trưởng Kiên Giang vốn xuất thân từ khóa 10 trường Võ Khoa Thủ Ðức. Các chức vụ sau cùng của ông được ghi nhận: Tỉnh trưởng Sa Ðéc (1973-1974), Tỉnh trưởng Kiên Giang kiêm thị trưởng Rạch Giá (1974-1975). Ðầu thập niên 70, năm sĩ quan cấp tá được mệnh danh “Ngũ Hổ Miền Tây” của Quân Lực VNCH: nhất Kiệt, nhì Huy, tam Nam, tứ Trổ, ngũ Cẩn.
Trải qua 13 năm tù từ Nam ra Bắc và cuối cùng chuyển về trại Xuân Lộc (Long Khánh) rồi được phóng thích năm 1988. Ông rời Việt Nam qua Hoa Kỳ theo diện HO 16 và định cư tại Houston, Texas từ 1993 đến nay…
Tháng Tư năm 1999, sau khi đọc bài “Chân Dung Người Lính VNCH” của nhà báo Sơn Tùng trên tờ Diễn Ðàn Hiệp Lực ở Houston, trong đó có nhắc đến Tướng Nguyễn Khoa Nam và ông Tỉnh trưởng Kiên Giang (nhưng lại căn cứ theo sự kiện ghi trong sách của Alan Dawson nên sai lạc), Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường đã cho phổ biến một thư ngỏ gọi là “đóng góp bổ sung với các bài báo đã đăng một vài chi tiết để tinh thần vinh danh anh hùng qua mẩu chuyện trên được giá trị chính xác”. Theo như lời kể của Tướng Trường (nguyên Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Hậu Giang trược thuộc Quân Ðoàn 4) thì đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4-1975 tại miền Tây, Việt Cộng dốc toàn lực tấn công vào các tỉnh lỵ thuộc lãnh thổ QK.4. Riêng tại khu Chiến Thuật Hậu Giang tại An Xuyên, tỉnh lỵ Cà Mau bị hai tiểu đoàn U Minh tấn công; Ðại Tá Nhan Nhựt Chương, Tiểu khu trưởng, cùng lực lượng tiểu khu An Xuyên đã đẩy lui địch và làm chủ tình hình trước trời sáng.
Theo lời kể của Tướng Trường thì tại Tiểu khu Ba Xuyên, tỉnh lỵ Sóc Trăng đã bị hai tiểu đoàn Cợ Ðộng tấn công, nhưng đã bị lực lượng của Tiểu khu dưới quyền Ðại Tá Liêu Quang Nghĩa diệt trọn một tiểu đoàn, và tiểu đoàn còn lại tháo chạy. Trong khi đó đơn vị bạn ở Bạc Liêu dưới quyền Ðại Tá Huỳnh Ngọc Diệp đã đẩy lui cuộc tấn công của một Trung đoàn địch, ta tịch thu nhiều vũ khí. Một Trung đoàn chính quy Bắc Việt cũng mở cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Vỵ Thanh (Chương Thiện). Quân đội VNCH dưới quyền Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã chiến đấu quyết liệt giữ vững vị trí để chờ trời sáng phản công…
Riêng tại Tiểu khu Kiên Giang, tỉnh lỵ Rạch Giá, bị một Trung đoàn Việt Cộng tấn công nhưng đã bị lực lượng bạn dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Vương Văn Trổ đầy lui gây cho địch tổn thất nặng nề. Tại tiều khu Phong Dinh (Bản doanh của Quân Ðoàn 4) vòng đai tỉnh lỵ Cần Thơ do Sư Ðoàn 21 Bộ Binh trách nhiệm phòng thủ, đã bị Sư đoàn 4 Hậu Giang Việt Cộng tấn công nhiều đợt rất ác liệt nhưng đều bị quân ta đẩy lui… Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường cho tập trung báo cáo của các tiểu khu và đúc kết tình hình trình lên Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh Quân Ðoàn 4. Theo lời Tướng Trường thì Tướng Nam rất hài lòng và vững tin nơi khả năng chỉ huy và tinh thần chiến đấu của thuộc cấp. Tướng Nam cũng chỉ thị phải ưu tiên hỏa lực yểm trợ cho Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn phản công tại Chương Thiện. Riêng Tiểu khu Kiên Giang theo tin tức phòng 2 thì còn một tiểu đoàn Việt Cộng nằm ngoài vòng chưa tham chiến, và địch có thể tăng cường tiểu đoàn này để tấn công trong đêm sau. Thiếu Tướng Nam không muốn có giao tranh trong thành phố gây thiệt hại sinh mạng và tài sản của đồng bào, nên đã chỉ thị cho Tướng Trường phải tăng cường cho tiểu khu Kiên Giang một tiểu đoàn thuộc SÐ/21 để chận đánh địch ở ngoài vòng đai tỉnh lỵ.
Về chi tiết này, Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường ghi lại trong thư ngỏ đã được phổ biến, nguyên văn như sau: “Tôi liên lạc với Trung Tá Vương Văn Trổ TKT/KG để duyệt tình hình sau cùng và chọn bãi đổ quân. Chúng tôi đồng ý bãi đáp thả quân dọc bờ biển phía Tây tỉnh lỵ là an toàn nhất. Nhưng cuộc thả quân chưa kịp thực hiện thì có lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh. Quốc gia bị bức tử!!! Cuộc chiến chấm dứt!!! Tại Quân Khu 4, các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng và Trần Văn Hai (Tư Lệnh Sư Ðoàn 7-BB) tự sát. Trung Tá Vương Văn Trổ TKT/KG bị Việt Cộng bắt đêm 30-4-75 tại Rạch Giá. Tôi bị VC bắt ngày 5-5-1975 tại Cần Thơ. Chúng tôi gặp lại nhau trong trại giam VC tại khám Cần Thơ và sau đó bị lưu đày ra miền Bắc. Cựu Trung Tá Vương Văn Trổ được VC phóng thích năm 1988. Tôi được phóng thích năm 1992 (17 năm). Cựu Trung Tá Vương Văn Trổ đi Mỹ diện HO và hiện cư ngụ tại Houston, Texas…”
Trong một buổi tâm tình với ký giả Dương Phục qua làn sóng điện đài phát thanh ở Houston nhân dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH tháng 6 năm 1999, khi nhắc đến Tướng Nam, Trung Tá Trổ đã nhấn mạnh rằng “Cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam là một vị chỉ huy tài đức vẹn toàn, gương mẫu về mọi mặt. Ông chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, và đồng thời còn có lòng nhân đạo đối với cả địch quân…”. Nhân dịp này, cựu tỉnh trưởng Kiên Giang Vương Văn Trổ cũng không khỏi chua chát than rằng “Thương thay người chỉ huy đáng kính trọng đó lại bị giáng thêm một tội để mang theo về thế giới mới…” qua một đoạn văn trong cuốn “55 Ngày Ðêm Miền Nam Sụp Ðổ” của Alan Dawson khi gán ghép Tướng Nam ra lệnh cho trực thăng đuổi theo và bắn chìm đoàn tàu chở tỉnh trưởng Kiên Giang đang bỏ chạy…
Ông cho đây là một sự nhục mạ danh dự Tướng Nguyễn Khoa Nam và cả tập thể Quân Ðội VNCH. Và ông mong rằng sau này các sử gia sẽ có sự công bằng khi ghi lại các sự kiện liên quan đến lịch sử.
Ngọc Hoài Phương
nguồn: Hưng Việt
No comments:
Post a Comment