Nguyễn Văn Việt – Pháo thủ 46 kể chuyện cũ…
Posted on October 23, 2019 by dongsongcu
huy-hieu-tieu-doan-46-phao-binh
Tôi nhớ ngày 17/4/75 tôi đến Trảng Bom (Biên Hòa) thay Đại úy Đặng Văn Hùng nhận chức sỉ quan liên lạc Chiến đoàn 318 XK, là một trong ba đơn vị xung kích thuộc LLXKQĐ3-LĐ3KB do Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi làm Tư Lệnh.
Chiến đoàn trưởng là Trung Tá Nguyễn Đức Dương, ông đã thay người tiền nhiệm là Trung Tá Phan Văn Sỹ lúc nào tôi không được biết, còn Trưởng Ban 3 vẩn là người “quen”, Đại úy Nguyễn Tẩn. Tôi đã “đi” với Chiến đoàn này nhiều lần rồi kể từ sau mùa hè đỏ lửa 72 khi Thiết đoàn 18KB trở về Quân Khu 3 từ chiền trường Quân Khu 1, vì vậy dù phải làm việc với ông Chiến đòan trưởng mới, tôi vẩn cảm thấy being at home như mình là lính thiết giáp vừa hết phép trở về đơn vị.
Tôi có môt kỹ niệm thật “đẹp” với Trung Tá “Thái Tử” Phan Văn Sỹ muốn nhắc lại vì nó đã từng làm cho tôi “mừng hết lớn”.
Đó là vào một ngày của tháng tư năm 74, tôi được “hân hạnh” theo Chiến đoàn “rền tiếng xích sắc thét vang” trực chỉ Gò Dầu Hạ , rẻ trái qua cầu nổi do công binh “ta” vừa bắt xong, tiến thẳng qua bên kia tỉnh Khet Svay Rieng rồi bẻ góc về hướng Nam. Nhiệm vụ của Chiến đoàn 318 là cùng các Chiền đòan 315, 322 giải tỏa áp lực địch đang đè nặng lên tiểu đoàn 83 BĐQ ở căn cứ Đức Huệ.
Đoàn xe tăng lăn xích ào ào đi trong đêm, qua những cánh đồng khô ráo và trống trải không có một sự ngăn cản nào của quân địch, thỉnh thoảng Thái Tử hỏi Đại úy Tẩn và tôi điểm đứng, so sánh 2 tọa tôi thấy ông gật đầu “happy” tin tưởng.
Khoảng 6 giờ sáng thì địch phát hiện “họ” pháo 3 hay 4 quả gì đó vào đội hình đang tiến quân của chúng tôi. Xác định mục tiêu thật nhanh (vì trước đó ít phút tôi được Thái Tử hỏi “tới đâu rồi?”).
Tôi đề nghị dùng đạn nổ thay vì khói để có yếu tố bất ngờ.Thái Tử đồng ý, lúc gửi điện văn tác xạ tôi hơi “teo” vì từ lúc vượt tuyến xuất phát cho đến giờ tôi không có liên lạc gì với pháo đội, giờ này cần mà bên kia im re là “chết”.
Nhưng, đầu “mai” bên kia có người …nghe!
-Địch tập trung tọa độ …pháo đội một tràng “non nước” báo cáo khi sẳn sàng.
Các pháo thủ 46 và 61 thật “tuyệt” vì chỉ vài ba phút chuẩn bị là.
Tiếng đạn xé gió bay đi và nổ ầm, ầm đúng vào mục tiêu, có nhiều tiếng nổ phụ nửa. Là mai mắn thôi! Vậy mà trong lúc bắn hiệu quả Thái Tử lại tặng tôi một gói quà giá trị nghe thiệt “sướng nhĩ”
-Lần này mày được cái nhành dương liểu.
Sau những tràng hiệu quả tôi chuyển xạ ra xa, Tiểu đoàn 36 BĐQ (TĐT là Thiếu tá Giai) với hỏa lực hùng hậu của thiết giáp đồng loạt xung phong và tràn ngập mục tiêu, bắt sống vài chục VC tịch thu được nhiều súng đạn có cả đại bác 4 nòng, chúng tôi “đụng” với một đơn vị pháo thuộc Công trường 5 VC. Chiến lợi phẩm được gom lại một chổ. Tôi “hân hoan” đứng cạnh Thái Tử, Trí Dũng (Trưởng ban 3) cùng nhiều SQ và Binh sỉ Mủ Đen, Mũ Nâu khác chụp vài tấm hình trước đống chiến lơị phẩm ngổn ngang này.
Bên cạnh súng, đạn phe ta còn tịch thu được nhiều lúa của VC nửa, xe M-548 chở lúa về Gò Dầu 2, 3 ngày gì đó mới xong. Ngoài cái nhành dương liểu “hàm thụ” (Thật ra là Thái tử cho tôi thật, nhưng vì một lý do “tế nhị” tôi đã không nhận được cái mề đai nầy) Tôi còn được Thái tử lì xì ba chục ngàn đồng gọi là để “uống lade chơi” khi Chiến đoàn về đóng quân cạnh nhà máy xay lúa bên này phần đất VN.
Cũng ở nơi này tôi missed một cái trip “du lịch” Nam Vang, bây giờ nhớ lại còn hơi tiêng tiếc…
Chuyện là: một ngày đẹp trời, một chiếc trực thăng được biệt phái cho Thái Tử xử dụng, ông phi công ham vui đề nghị đi Nam Vang chơi, Thái Tử said “yes” vậy là con chuồn chuồn lạch xạch hướng về Thủ Đô xứ Chùa Tháp …on board, ngoài Phi hành đoàn ra có Thái Tử, Trí Dủng, vài SQ Kỵ Binh nửa mà tôi không nhớ tên và tôi, cũng “ké” được một chổ ngồi trên đó nửa hì hì! Tôi vui quá trời, tưởng tượng lung tung, nhưng mà chừng năm hay mười phút bay gì đó thôi, máy vô tuyến điện cho biết có “mặt giời” tới thăm. Con chuồn chuồn vòng trở lại rồi landing xuống nhà máy xay lúa …thiệt là “buồn vào hồn không tên”!
Đến tháng 6/74 Ở An Điền (Bến Cát) trong khi Công binh “ta” còn đang bắt cầu nổi, bờ bên này sông Thị Tính tôi là một trong số vài quân nhân trực thuộc LLXKQĐ3-LĐ3KB “thấy” bằng mắt, 2 chiếc T54 lù lù hướng về Bến Cát, từ lúc nó xuất hiện trên đồi cho dến lúc nó lăn kềnh xuống ruộng lúa. Hai chiếc T54 này nhiều người nhắc đến, nhưng trong Thép và Máu trang 423 Đại tá Hà Mai Việt viết là gần với sự thật nhất “ …Tướng Khôi chỉ huy LLXKQD3-LD3KB đánh bại sư đoàn 9 CS ở An điền – Bến cát, yểm trợ sư đoàn 5 BB tái chiếm căn cứ 81 và căn cứ Rạch bắp vào tháng 7 /74. Trong thời gian này, 1 chiến xa M48 của thiết đoàn 22CX đã bắn lật chiến xa T54CS ở An điền- Bến cát. Một đơn vị BB của sư đoàn 18 BB đã tịch thu chiếc chiến xa này”
Sự thật thì 2 chiếc T54 này rơi xuống ruộng không do M48 bắn lật, mà do “hỏa lực” của một đơn vị cũng thuộc quyền chỉ huy của Tướng Khôi loại khỏi vòng chiến.
Tại đây, Chiến Đòan Trưởng 315XK Đại Tá Dư Ngọc Thanh bị thương hỏng một mắt, còn TĐ46PB một SQLL hy sinh đó là Thiếu Úy Đổ Do.
Đại Úy Trần Văn Làm Chi Đoàn Trưởng 2/18KB cũng hy sinh sau đó ở mặt trận này.
Thời gian này, tôi chờ đợi để được “bốc” ra khỏi An Điền vì “Niên trưởng” Nguyễn Văn Khương (nạn nhân của một cuộc tảo hôn…) đã “hứa” cho đi Nhatrang học khóa Quan sát viên phi cơ, nhưng vào giờ chót Đại Bàng cho biết “Toa quen nước quen cái ở trong đó rồi, thôi ráng ở với 318 cho đến khi xong nhiệm vụ, toa sẽ đi khóa sau”
Và tôi đã “ở” với “Thái Tử” cho đến khi bàn giao vùng trách nhiệm lại cho một đơn vị của Sư Đoàn 5BB.
Trở lại với những ngày cuối của tháng 4/75 ở mằt trận Dầu giây Trảng Bom
Chiều ngày 17/4 VC tấn công mạnh vào vị trí của một chi đoàn thuộc Chiến Đoàn 318XK, Thiếu úy Thành SQ tiền sát (TĐ46PB) xin tác xạ thật gần (150m), địch bị đẩy lui nhưng Thành bị thương nặng ở mắt, tôi có gặp Thành nằm trên băng ca trong rừng cao su trước khi được tản thương. Anh rất tỉnh táo không chút buồn bả hay sợ hải nào, dù một con mắt đã bị hư.
Chiều ngày 18/4 tôi còn nhớ Thiết giáp báo là có tiếp nhận một Đại Tá Pháo Binh thuộc Quân đoàn 2 về được tới ngả ba Dầu Giây. Tôi không biết tên vị Đại Tá PB này.
Sau ngày Tổng thống Thiệu từ chức, Trung Tá Trần Duy Lượng (Tiểu đoàn trưởng TĐ46PB) có đến thăm tôi ở BCHCh.Đ318XK, và ông muốn tôi cùng đi với ông thăm các đơn vị pháo thuộc TĐ46PB đóng quanh quẩn trong các vườn cao su ở Trảng Bom. Trên đường đưa tôi trở lại Ch.Đoàn ông buồn hiu chúc tôi mai mắn. Đó là lần sau cùng tôi gặp Trung Tá Lượng. Mới đây qua Đại úy Hùng tôi biết Trung Tá đã mất vì bệnh ở Bidong hồi năm 88 hay 89 gì đó rồi.
Ngày 25/4 Sư đoàn 18BB lên thay. Là đơn vị cơ giới nên theo dự trù toàn bộ LĐ3KB sẽ về Long Bình nghỉ ngơi, để xe pháo được sửa chửa, bảo trì. Rời Trảng Bom về đến Long Bình thì trời đã tối lòng thấy vui vui vì sẽ có một hoặc hai ngày phè phởn.
Nhưng lệnh là không được vào cổng mà phải giử yên vị trí chờ lệnh mới. Không lâu lắm, tiếng Alpha 5 (Tướng Khôi) ban lệnh (bạch văn):
-Nhà của Đại Tá Tám cháy, các anh qua bên đó chửa lửa (nguyên văn).
Đại úy Tẩn “dịch” ra cho tôi hiểu là trường thiết giáp đang bị VC tấn công (Đại tá Huỳnh Văn Tám là chỉ huy trưởng trường)
Đoàn tăng ầm ầm tiến về ngã ba Long Bình, rẻ trái ở QL15 hướng về Long thành đến dốc 47 thì chiếm đóng vị trí và qua đêm ở đây.
Sáng ngày 26/4 tin tức hết sức phấn khởi từ Chiến đoàn 322 đang tiến về trường Thiết Giáp hạ được nhiều T54 gây tổn thất nặng cho VC.
Long Thành đã bị VC chiếm, Trung Tá Dương muốn tôi tiêu hủy các khu rừng cao su dẩn về Long thành vì VC tập trung quân đông đảo ở những nơi này, dĩ nhiên là tôi chấp hành lệnh của Trung Tá Dương, các pháo thủ 46 và 61 hết sức tích cực thỏa mản 100% yêu cầu của tôi. Liên lạc với phi cơ quan sát tôi được viên phi công cho biết như thế này:
-Pháo binh của bạn bắn rất là chính xác, nhưng tụi nó đông lắm bạn ơi!
Gần trưa, một chiếc phản lực bay qua đầu chúng tôi (ở dốc 47) rồi nhào xuống thả một trái bom, rơi trúng phía bên kia đường cách BCH Ch.Đoàn chừng 200m gây thương vong cho dân đang đông đảo di tản từ Long Thành hướng về Saigòn.
Các đêm 26,27,28/4, Chiến đoàn 318XK vì là thành phần trừ bị cho LĐ3KB nên đóng quân ở trước trại Nguyễn Tuấn, là Bộ Tư Lệnh LĐ3KB nơi đây có 1 Pháo đội 105 ly của TĐ61PB chỉ huy bởi Trung Úy Thân, vì ở cạnh bên nên tôi có sang thức binh sập sám chờ sáng.
Trong các ngày 27, 28/4 chiến đoàn di chuyển liên tục từ Long Bình đến Hố Nai, Suối Đĩa, để yểm trợ cho các đơn vị bạn đang tiếp địch ở đây. Dân chúng thưa thớt, nhà thì cửa đóng im lìm, có khá nhiều người tỵ nạn ở nhà thờ Hố Nai.
Ngày 28/4 tôi về Trung tâm phối hợp hỏa lực cạnh Bộ Tư Lệnh LĐ3KB, nhận tiền của “Kỹ thương ngân hàng” tặng cho toán SQLL chúng tôi; gồm 3 phong bì mổi cái có 40,000 đồng, một tờ giấy nhỏ với dòng chử in rất đẹp “Toàn dân ngưởng mộ chiến sĩ anh hùng…” còn gì gì nửa? tôi quên rồi, chỉ nhớ được như thế thôi!
Chiều ngày 29/4 Chiến đoàn di chuyển về giữ an ninh mặt Tây TP Biên Hòa , BCH thì qua bên kia sông Đồng Nai đóng trong một sân banh dưới chân Núi Châu Thới không xa Cầu Hang lắm.
Cách nơi đóng quân của Chiến đoàn chừng 400m, VC có trang bị đại bác không giật, đóng chốt trong những hầm hố được đào sâu dưới một bờ tre. Ta và địch “án binh bất động” chưa ai chịu “đi tiền” trước cả.
Khoảng 4 giờ chiều, một đoàn xe đông đảo, đa số thuộc tiểu khu Biên Hoà di chuyển nhanh về hướng Sài Gòn. Khi chạy ngang qua đây VC khai quả. Những chiếc đi đầu thoát nạn chạy luôn, 1,2 chiêc bị trúng đạn rơi xuống ruộng, một số bỏ xe chạy trở lại phía sau, có nhiều quân nhân vào “tá túc” với Chiến đoàn 318KB trong số này có Đại úy Huỳnh Văn Huỳnh trước là Pháo đội trưởng Pháo Đội C/46PB bây giờ thì thuộc TĐ61PB.
Tôi xin pháo tác xạ vào mục tiêu, rồi thì thiết giáp và 1 Trung Đội thuộc TĐ2 PB phòng không (vừa di chuyển đến đây cùng tình nguyện tham chiến) dàn hàng ngang xối xả yểm trợ cho các Binh sĩ thuộc Tiểu đoàn 92 BĐQ xung phong lục xoát, cái chốt được nhổ dể dàng, con đường được thông, đoàn xe lại tiếp tục “đường trường xa”. Đại úy Huỳnh hớn hở vẩy tay, chào tôi một lần cuối…rồi cho đến nay không biết tin gì của Đại úy cả. Đại bàng ơi! Có còn mạnh khỏe lên “mai” nói chuyện với đàn em cho dzui!
Và đó cũng là lần tác xạ sau cùng trong đời pháo thủ của tôi.
Đêm 29/4 súng nổ rền khắp mọi nơi, VC pháo kích ào ạt và liên tục suốt cả đêm vào phi trường Biên Hòa, khói lửa mịt mù. Trực thăng lạch xạch vần vủ dầy đặt trên trời Biên Hòa như đàn ong vở tổ.
Ngồi trên mui chiếc xe tăng M577 tôi nghe đài phát thanh Sài Gòn. Tổng trưởng thông tin Lỳ Quí Chung phỏng vấn ông Huỳnh Tấn Mẩm: nghe vậy thôi chứ không biết họ nói chuyện gì?
Rà qua đài VC tôi nghe họ chỉ dẩn binh sĩ “Ngụy” chúng tôi cách thức đầu hàng: Nếu là thiết giáp thì súng phải quay lên trời khi đến gặp Vixi vv…tôi nghe họ ba hoa nghĩ là họ kể chuyện Phong Thần làm gì có?! Hơn nửa là hồi chiều này, Trung Tá Dương có cho biết là lệnh từ một vị Tướng ở Tổng Tham Mưu là “các em cố gắng giử những gì còn lại, ngày mai có giải pháp chính trị” tôi hiểu “giải pháp chính trị” là huề vốn, là “anh em ta cùng mẹ cha” là” cái nhà là nhà của ta, ông cố ông sơ lập ra…” ai mà ngờ mình có người “anh em” gian tà hết chổ nói!
Sáng sớm ngày 30/4 Trung Tá Dương đi họp về phổ biến lệnh HQ là LĐ3KB sẽ di chuyển vế Sài Gòn. Chiến đoàn 318KB giử nguyên vị trí, an ninh cho các Chiến đoàn 315, 322, BCH LĐ3KB thứ tự lần lượt rời Biên Hòa. Khi BCH Lử đoàn đến là chúng tôi nối đuôi và nhập ngay vào dòng xe đang chầm chậm chảy một chiều xuôi vế Thủ Đô thân yêu.
Trời đất ngày hôm đó sao mà ảm đạm, thê lương lạ thường! Trên xa lộ Đại Hàn (con đường chúng tôi đi) chỉ lính với lính, đông vô số kể, đa số mặc quần áo “rằn ri” súng trên vai, di chuyển trong lặng lẻ, kỷ luật và trật tự. Tôi không biết tên đơn vị của những chiến binh này?
Qua khỏi Thủ Đức một chút, có vài người lính Nhảy Dù chạy ngược chiểu hai tay dơ lên đầu. Một anh lính Thiết giáp nào đó giãi nghĩa “như vậy là mình đầu hàng rồi”.
Quả là y như thế! mở radio chúng tôi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi QLVNCH “buông súng đầu hàng vô điều kiện” Vixi. Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhân danh phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng Trung tướng Vỉnh Lộc ra lệnh chúng tôi phải “nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của Tổng Thống”…Và Thủ Tướng Vủ Văn Mẫu, ông kêu gọi các tầng lớp đồng bào “hảy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc”
Thế là ò e cây me đánh đu…
Tôi “ru” tôi ngũ “cũng ô kê thôi mà! Người “anh em bên kia” lucky “đại thắng mùa xuân” thì họ được tiếp tục đội nón cối, mang dép râu, áo bỏ ngoài thùng nhảy lên bàn giấy ngồi chồm hổm làm việc…cộng. Còn mình thua thì về quê “tìm tuổi thơ mất năm nao?”. Nhưng thượng sách có lẻ là qua Vỉnh Long hay xuống Cà Mau gì đó cưới “dợ” (con gái của 2 xứ này có tiếng dịu dàng, hiền lành, đảm đang hơn là gái Sađéc’s Fashion!) tôi sẽ mua trứng gà, vịt về ấp thành gà vịt thiệt, tháng lại ngày qua gà vịt sẽ trở thành heo, bò rồi nhà double storey, xe Toyota RAV4 mấy hồi ?!!!
Hơn nữa cụ Nguyễn Khuyến đã dạy rồi:
“Được, thua, hơn, kém lưng bầu rượu.
Hay, dở, khen, chê một trận cười”.
Cụ means cả hai sêm sêm như nhau đó mà!
Ối! vậy thì đâu có gì để ưu tư, phiền muộn!?
Đang mơ màng với giấc mơ gà, vịt, xe bổng dừng lại. Chúng tôi đã về đến cầu Bỉnh Triệu.
Nhảy xuống xe hối hả bước, chúng tôi đi qua vài cây số dầy đặc những xe, pháo, được xếp hàng thật khít khao, đã bị bỏ rơi chỉ một thời gian ngắn trước đây thôi! Có mấy con gà cồ 155ly nửa, chắc là gà của tiệm phở 46? Tôi có vổ nhẹ vào nòng thay lời “hôm nay đây còn dui trông thấy nhau!”
Qua cầu Kinh nhìn lên đài quan sát Pháo Binh OP10 cao sừng sửng trong kho xăng, hồi năm 72 tôi có một tháng nhờ “kế hoạch khói” ở đây, “né” được cái nóng héo người của mùa hè đỏ lửa. Một kỹ niệm “an toàn trong thành phố” của tôi!
Khỏi cầu Kinh chừng vài trăm thước, một người trong bọn (Đại úy Tẩn?) được một bà cụ nắm tay dắt đi nói “Các con vào đây thay đồ, để tụi nó giết các con à!”
Bà đưa chúng tôi đến nơi có một đống quần áo civil củ, trước một ngôi nhà có lẻ là nhà của bà? Và chúng tôi đã giã từ những chiếc áo lính “thân thương” ở đây. Hích! hích! “Thôi rồi còn chi đâu …có còn lại chăng dư âm thôi ?” hích! hích! hích!
Sau khi “Cởi chiến bào giả dạng những thường dân”, chúng tôi lại tiếp tục rảo bước. Đến gần cầu Sơn gặp mấy chiếc xe tăng đang đậu thẳng góc với con đường binh lính đang ăn cơm, Thiếu úy “Châu Báu” Trần Ngọc Báu (cùng TĐ46PB, đang đi tiền sát cho một chi đoàn thuộc Thiết đoàn 15KB đã đến đây trước) kêu tôi.
-Ê! ghé đây ăn chén cơm đi rồi anh (tên ông chi đoàn trưởng, tôi cũng quen với ông chi đoàn trưởng này nửa, mà bây giờ không thể nào nhớ được tên ông) sẽ đưa mình “dề”. Tôi tấp vào.
Cơm nước xong. Nồi, niêu, chén, dĩa, bàn, ghế được thảy hết vô xe.Tài xế nổ máy kéo cánh cửa sau lên đóng lại. Ông Chi đoàn trưởng ngồi vào ghế chỉ huy của ông. Khẩu đại liên được quay lên trời và che bằng một cái áo cho chắc ăn!
Chiếc xe quay đầu ra đường chờ đợị, sau cùng cũng nhập được vào đoàn Molotova cắm đầy cành lá ngụy trang của VC đang ào ào tràn vào thành phố sắp sửa “mang tên người”.
Chúng tôi vô Sài Gòn bằng ngã cầu Sơn, Hàng Xanh, Thị Nghè, trên cầu Thị Nghè có 2 xác chết của lính BĐQ và vài xác người mặc thường phục. Qua cầu Thị Nghè một đoạn VC họ rẻ trái, xe chúng tôi solo chạy thẳng rồi quẹo trái ở Đường Hồng Thập Tự. Lúc này trên đường có rất nhiều người tay buộc một miếng vải đỏ, cầm súng AK hoặc M16 chạy tới chạy lui bằng đủ các loại phương tiện xe cộ… nổ súng lung tung.
Có nhiều người bị thương hoặc được người khác dìu, hoặc tự mình tay giử chặt vết thương hớt hải trên đường phố.
Xe chúng tôi bị chận lại trên đường Hồng Thập Tự, họ hỏi “nếu có súng ngắn thì giao nạp” chúng tôi lắc đầu. Họ bỏ đi.
Anh tài xế cho xe quẹo phải ở con đường trước cổng vườn Tao Đàn đến đường Phan Đình Phùng. Súng nổ quá xá cở! Thêm vài người bị thương lảo đảo. Anh cho xe leo lên lề tắt máy, nhảy ra khỏi xe.
Chúng tôi cũng nhanh chóng rời “chiến xa” tan hàng, không ai nói được một lời chia tay, hay hẹn ngày tái ngộ gì với nhau cả. (Châu Báu và những Kỵ Binh năm xưa ơi! Cho tôi gửi một lời chào).
Tôi và Báu hướng về đường Nguyễn Thiện Thuật qua đường Cộng Hòa để về nhà.Trên đường chúng tôi bị mấy vị anh hùng đeo băng đỏ chận lại. Chỉ chỏ vào quần kaki đang mặc; nạc nộ, chưởi bới. Thái độ rất hung hăng.Tôi hoang mang chờ đợi những viên đạn, nhưng rồi họ cũng bỏ đi.
Báu đi thẳng về hướng chợ Nancy còn tôi rẻ trái vô đường Vỏ Tánh. Đầu xóm có một VC mặc áo đen, quần đùi đi chân đất, hai vai đeo hai dây đạn , tay cầm súng AK đang đứng gác, xa xa những người hàng xóm của tôi từng nhóm năm, ba ngơ ngác nhìn. Tôi về đến nhà khoảng 3 hay 4 giờ chiều rồi.
Sau cùng tôi muốn nhắc đến một người bạn cùng TĐ46PB. Trung úy Nguyễn Văn Thảo anh là Trung Đội Trưởng Trung Đội 3C/46PB sáng ngày 30/4/75 tại đồn Thái Văn Minh ( Bà Hom) sau những tác xạ ngăn chận địch. Đạn đã hết anh cho binh sĩ dưới quyền rời căn cứ, một mình ở lại phá hủy đại bác rồi tự sát. Tôi biết được cái chết thật “Nguyễn Văn Đương”… của anh qua lời kể đầy hảnh diện của Đại úy Hùng. Xin được “report” cái chết của anh đến với đại gia đình Pháo Thủ và cũng là một nén hương lòng của tôi tưởng nhớ đến anh.
“Trải qua một cuộc bể dâu…” với những… “mặn, ngọt, chua, cay đầy đủ cả ” Người Pháo thủ trẻ ham vui ngày nào, giờ tuổi “thọ” cũng được sắp sỉ 60 “niên”, nhìn lại đoạn trường đã đi qua, rất thành thật là thời gian được làm Pháo thủ 46 là “ngọt”, là “tuyệt vời” nhất của tôi. Tôi “thấy” mình là một người “mai mắn” vì đã có một thời “hạnh phúc” như thế!?
Vì muốn quyển kỹ yếu Pháo Binh được ra đời và để góp phần. Tôi nhớ và ghi lại những kỹ niệm “chưa quên” của mình như trên …
Xin được thông cảm bỏ qua cho, nếu những tiếng “nổ” gây ưu phiền, khó chịu cho quí vị.
Nguồn: http://phaobinhvnch.com/phaothukechuyenxua.htm