Saturday, February 9, 2019

Bản đồ vùng 3 và 4 chiến thuật .






BẢN đồ cao nguyên trung phần , tỉnh quảng đức , tỉnh darlac , tỉnh phú bổn , tỉnh phú yên , tỉnh bình định , tỉnh kontum , tỉnh pleiku ,






https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3036573929689746&set=a.197514143595753&type=3&eid=ARCx4rjJnBx_k0iAtBymZj2XVcHv0kckJT2c52AliJtdmTv4wd7ouBKC7vfw-L4hNl24-qc6oa-N3Dzd

Trận Chiến Cuối Cùng (Nguyễn Quốc Khuê)

PHAN RANG:
TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG CỦA LĐ 31/BĐQ
(13 – 04 -1975 đến 16 – 04 – 1975)
BĐQ Nguyễn Quốc Khuê
Trong những ngày cuối tháng 3 năm nay, thời tiết bang Cali thật đẹp, bầu trời xanh tươi, không một cụm mây, nắng ấm với gíó thoảng man mát.  Thấm thoát đã 29 năm trôi qua, tháng tư đen lại sắp đến – Phải – Ngày 30-4-75 là ngày đen tối của lịch sử Việt Nam cận đại, ngày đã ghi vào lòng dân Việt một dấu ấn khó phai, nhất là những người lưu vong ở hải ngoại, trong đó có tôi – Bao luyến tiếc mỗi khi nhớ tới những kỷ niệm oanh liệt hay đau buồn trong cuộc đời trận mạc mà tôi đã trải qua .
Là một cựu chiến sĩ của binh chủng BĐQ mà thời gian quân ngũ lại ít hơn thời gian bị Việt cộng cầm tù khổ sai, ở các trại tù từ Nam ra Bắc.  Vì trong suốt thời gian phục vụ quân đội, tôi chỉ phục vụ ở một đơn vị duy nhất, đó là Liên Đoàn 3 BĐQ (đến năm 1973 thì cải danh là LĐ 31 BĐQ).  Đó là một đơn vị đã gặt hái được nhiều chiến tích lẫy lừng, với các chiến thắng qua các cuộc hành quân cấp Liên Đoàn và Chiến Đoàn.  Ở ngoại biên như những cuộc hành quân “Quang Trung” hay “Toàn Thắng”, càn quét tiêu diệt địch ở Kampuchia năm 1969-1970-1971, ở các địa danh Svay Riêng, Konponcham, Snoul, Krek và hành quân lùng, diệt địch ở các mật khu như Ba Thu, Mỏ Vẹt tỉnh Tây Ninh, tử thủ kháng địch ở Bình Long, An Lộc rồi Chơn Thành.  Rồi cuối cùng trong trận chiến ở Phan Rang từ 13-4-75 đến 16-4-75, Liên Đoàn đã hoàn toàn tan rã, một cách tức tưởi trong một bàn cờ quốc tế, giữa hai chủ thuyết “Tự Do Dân Chủ” và “Cộng sản”.
Cuối tháng 3-1975, Liên Đoàn đã trải qua một trận đánh vô cùng khốc liệt, đẩy lui hàng sư đoàn địch tấn công quận lỵ Chơn Thành, bẻ gãy âm mưu của địch định chiếm Chơn Thành để làm bàn đạp tấn công thủ đô Sàigòn – Tuy vậy để đáp ứng nhu cầu chiến trường có những biến chuyển hàng ngày, theo lệnh điều động của Quân Đoàn, Liên Đoàn phải rút quân khỏi Chơn Thành để nhận nhiệm vụ khác – Cuộc rút quân thật gian nan, nguy hiểm.  Ba ngày đêm ròng rã trong rừng, vừa di chuyển, vừa chiến đấu với địch – Trong một trận quyết tử với địch vào ngày cuối, hàng trăm lá cờ vàng ba sọc đỏ đã thôi thúc sức chiến đấu can trường của toàn thể quân nhân các cấp – Tất cả cùng quyết tâm tìm sự sống trong cái chết, họ đột nhiên đồng loạt đứng dậy, miệng hô “xung phong” “Biệt động quân sát”, vừa bắn xối xả,vừa càn qua tuyến địch đang bao vây chặn đánh Liên đoàn.  Địch hốt hoảng, luống cuống và đoàn quân đã thoát khỏi sự kềm chế của địch .
Đầu tháng 4-75, toàn bộ Liên đoàn di chuyển về hậu cứ, trại Phan Hạnh, để bổ sung quân số và quân trang, quân dụng, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới – Thời gian ngắn ngủi này, tinh thần binh sĩ chưa được ổn định, trang bị chưa được đầy đủ, nhưng đơn vị vẫn được đặt trong tình trạng ứng chiến 100%, sãn sàng di chuyển khi có lệnh .
rvntg2
Rồi chuyện đến phải đến, toàn bộ Liên Đoàn được không vận bằng phi cơ vận tải C.130, từ phi trường Biên Hòa ra phi trường Phan Rang để tăng cường cho Bộ Tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn III &QK3 đặt ở tỉnh Phan Rang, do Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn chỉ huy.  Cuộc không vận bắt đầu từ 10 giờ sáng và diễn ra rất nhanh chóng, liên tục – Khoảng gần 12 giờ trưa, tất cả BCH/LĐ và Tiểu Đoàn 52/ BĐQ đã được đổ xuống phi trường Phan Rang dưới trời nắng gắt.  Theo lệnh Bộ Tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn, BCH/LĐ di chuyển đến 1 nhà vòm cuối phi đạo, đóng quân bên cạnh BTL/Tiền Phương. Tiểu Đoàn 52/BĐQ tạm thời di chuyển đến vòng đai nội vi phi trường ở hướng đông bắc BCH/LĐ đóng quân chờ lệnh kế tiếp .
Trong khi chờ 2 Tiểu đoàn còn lại đến nơi, Đại Tá Biết, LĐT và tôi đi bộ qua BTL/Tiền Phương, để trình diện tướng Nghi và để nhận lệnh – Tướng Nghi trông vẫn còn đẹp trai, ông luôn đeo cặp kính mát đắt tiền, ông niềm nở bắt tay Đại Tá LĐT, miệng nở nụ cười nói nhanh : “Liên Đoàn các anh ra đúng lúc”.  Vừa nói ông vừa chỉ trên giá bản đồ phòng thủ của mặt trận Phan Rang, ông nói tiếp như để chỉ thị cho Đại Tá Biết : “Liên Đoàn 31/BĐQ ra thay thế cho Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, đang chuẩn bị để rút về Sàigon”, tay ông chỉ lên các vị trí của Lữ Đoàn 2 Dù mà Liên Đoàn sẽ phải thay thế , ông nói thêm : “Lực lượng Dù họ vừa chuẩn bị rút, nhưng họ vẫn còn chờ các anh đến để bàn giao vị trí đó”.  Ông quay sang giới thiệu Đại Tá Lương, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Dù và Chuẩn Tướng Sang, Tư Lệnh Sư đoàn 6 Không quân, đang đứng cạnh ông.  Đại Tá Biết nghiêm chỉnh chào hai vị rồi trình lên Tướng Nghi phối trí lực lượng như sau :
1/ BCH/LĐ đặt vị trí tại phi trường Phan Rang, trong 1 nhà vòm cuối phi đạo, bên cạnh Bộ Tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn .
2/ Tiểu Đoàn 52/BĐQ phòng thủ vòng đai phi trường, hướng Đông và Đông Bắc, thay thế vị trí của Tiểu Đoàn 7 Dù – BCH/TĐ nằm ở đầu phi đạo hướng Bắc, với 2 ĐĐ làm lực lượng trừ bị, để hành quân tiếp ứng khi có lệnh, đồng thời cùng với ĐĐ/Trinh sát 3 bảo vệ BCH/LĐ .
3/ Tiểu Đoàn 36/BĐQ, thay thế vị trí TĐ 3 Dù, BCH/Tiểu Đoàn đặt tại đồn Đại Hàn, vòng đai ngoài phi trường Phan Rang về hướng Bắc, cùng 2 ĐĐ bảo vệ căn cứ và chiếm lĩnh các cao điểm hướng Bắc và Đông Bắc căn cứ để làm tiền đồn – Còn lại 2 ĐĐ lần lượt trám vào vị trí lực lượng Dù ở xã Ba Tháp và Ba Râu dọc quốc lộ 1, hướng Bắc thị xã Phan Rang .
4/ Tiểu Đoàn 31/BĐQ xuống sau cùng trong ngày 13-4-75 sẽ di chuyển bộ, đến thay thế Tiểu Đoàn 11 Dù, từ quận Du Long trở xuống xã Ba Râu, dọc theo quốc lộ 1, nhiệm vụ phòng thủ quận Du Long và bảo vệ đoạn quốc lộ 1 này .
Sự phối hợp của Liên Đoàn được Tướng Nghi chấp thuận ngay và trước khi trở về BCH/LĐ, tôi được phòng 3 cấp thêm một số bản đồ vùng hành quân và bản đồ chi tiết phòng thủ phi trường Phan Rang.  Đồng thời ngay sau đó, Trung Tá Bút, Không đoàn Trưởng trực thăng, người cùng quê và là bạn từ hồi nhỏ của Đại Tá Biết cho Đại Tá hay là sẽ biệt phái hẳn 1 trực thăng chỉ huy, xuống BCH/LĐ, túc trực ngày đêm để Đại Tá xử dụng bay chỉ huy hành quân hay quan sát vùng trách nhiệm .
Khi chúng tôi trở về BCH/LĐ thì thấy trực thăng đã đậu sẵn ở bãi đáp bên cạnh.  Đại úy Toàn, phi công trưởng đã trình diện để đặt dưới quyền sử dụng của Đại Tá LĐT .
Tại BCH/LĐ lúc này, các Ban Tham mưu đã vào vị trí đóng quân và làm việc theo sự điều động của Thiếu Tá Lê Quang Giai – Theo lệnh Đại Tá LĐT, Thiếu Tá Giai tạm thời xử lý thường vụ chức vụ Liên Đoàn Phó, thay thế trung Tá Hồng Khắc Trân đang theo học khóa Chỉ huy & Tham Mưu ở Long Bình.  Có sự phụ tá đắc lực của Thiếu tá Giai, các Ban thuộc BCH/LĐ đã vào vị trí sẵn sàng làm việc một cách nhanh gọn .
Đại úy Lâm, Trưởng ban Truyền tin và nhân viên đã thiết lập xong hệ thống liên lạc hàng ngang và hàng dọc cũng như nội bộ đều thông suốt .  Đại úy Tài, Trưởng ban 2, người dù chỉ còn một mắt sau trận An Lộc 1972, vẫn trở lại Liên đoàn để tiếp tục phục vụ và chiến đấu trên mặt trận tình báo và phòng thủ của BCH/LĐ – Anh đã nhanh nhẹn phổ biến các tin tức tình báo về địch đến các Tiểu đoàn, đồng thời tại vị trí đóng quân Liên đoàn, anh rất linh động phối hợp với Thượng sĩ Thường vụ / LĐ , điều động các toán lao công và binh sĩ tu bổ các vị trí phòng thủ và chiến đấu trong BCH/LĐ .
Bác sĩ Đức, Trưởng Ban Quân Y, người thay thế BS Cảnh sau 1972 – Ông cũng bạo dạn và gan lì không thua ai, cũng xông xáo trong lằn đạn pháo hay tấn công của địch cùng với các binh sĩ quân y thuộc quyền lo cứu thương và tản thương – Trong thời gian kỷ lục, ban quân y của ông đã sẵn sàng ở cuối nhà vòm của BCH.   Loáng thoáng tôi vẫn còn nghe tiếng ông chỉ huy thuộc cấp chuẩn bị các y cụ và thuốc men sẵn sàng hành nghề, lý do ban quân y nhộn nhịp vì lúc này phi trường cũng đang bị địch pháo lai rai, vu vơ, từ xa rớt vào trong vòng đai, mỗi lần như vậy, tôi thấy mọi người bên hướng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn chạy nhốn nháo vào các nhà vòm để tránh pháo.  Vì một số phòng của BTL làm việc trong các nhà bạt ngoài trời, không có an toàn, nên mỗi lần có trái pháo rớt gần đâu đó là họ ù té chạy vào nhà vòm, với hy vọng được an toàn hơn chút đỉnh, mặc dù trên nóc các mái nhà vòm này chỉ có một lớp bao cát mỏng mà thôi .
Cuộc không vận của Liên đoàn liên tục tiếp diễn, ngay khi Tiểu đoàn 52 báo đã vào vị trí vô sự thì Tiểu Đoàn 36 xuống đến nơi.  Thiếu Tá Minh, Tiểu đoàn Trưởng vào BCH/LĐ gặp Đại Tá / LĐT để nhận lệnh vào vị trí được ấn định.  BCH/Tiểu đoàn và hai ĐĐ di chuyển bộ về đồn Đại Hàn, hai ĐĐ còn lại về hướng xã Ba Tháp và Ba Râu.  Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, Tiểu Đoàn 36 báo cáo đã vào vị trí vô sự, đã thay thế cho lực lượng Dù xong, mặc dầu tại mỗi vị trí chỉ còn lại một lực lượng nhỏ của đơn vị Dù ở lại bàn giao thôi, còn số lớn họ đã rút đi rồi qua lời báo cáo của Thiếu Tá Minh .
Đúng lúc này, Tiểu đoàn 31 cũng đã xuống đến nơi, Thiếu Tá Tú vào gặp Đại Tá nhận lệnh – Ông chỉ thị Tiểu đoàn 31 di chuyển lên xã Ba Râu, bắt tay với ĐĐ của Tiểu đoàn 36 ở đó để dừng quân nghỉ đêm tại đây.   Từ đó, sáng hôm sau 14-4-75, bắt đầu xuất phát tiến lên quận Du Long dọc theo quốc lộ 1, để trám vào các vị trí của Tiểu đoàn 11 Dù đang đóng quân trong vùng.  Đại Tá LĐT còn dặn thêm Thiếu Tá Tú cố gắng phòng thủ và bảo vệ quận Du Long vì đây là tuyến đầu của mặt trận tiền phương Phan Rang .
Mỗi lần các đơn vị đến nơi, các vị Tiểu đoàn Trưởng đều nhận được thêm bản đồ và đặc lệnh truyền tin, hệ thống liên quân, để liên lạc hàng ngang khi chuyển quân và thay quân.  Tiểu đoàn 31 là đơn vị xuống sau cùng, trời đã về chiều nên TĐ cũng thận trọng di chuyển đến vùng trách nhiệm một cách chậm chạp, mãi đến gần 8 giờ tối mới báo cáo về BCH/LĐ vị trí đóng quân của TĐ và các ĐĐ trực thuộc trong vùng xã Ba Râu .  Đúng 10 giờ tối ngày 13-4-75, toàn bộ kết quả cuộc không vận và phối trí lực lượng của Liên đoàn đã được báo cáo đầy đủ về BCH/BĐQ/Quân Đoàn III .
Sáng sớm ngày 14-4-75, lúc tờ mờ sáng, Tiểu đoàn 31 BĐQ báo cáo bắt đầu tung 1 ĐĐ di chuyển về hướng Bắc, dọc quốc lộ 1 và xin thông báo cho lực lượng Dù tránh ngộ nhận.  Tôi đề nghị thiếu Tá Tú liên lạc hàng ngang với TĐ 11 Dù ở vùng này – Sau đó được biết TĐ 31/BĐQ đã liên lạc hàng ngang tốt với TĐ 11/ Dù và đang trám vào vị trí Dù trong vùng dọc theo quốc lộ 1.  Lúc này, trong vùng Bắc Ba Râu, TĐ31/BĐQ đã thay thế TĐ11/Dù ở đây, Thiếu Tá Tú cho biết là ở trên Du Long, Tiểu đoàn Dù chỉ có 1 ĐĐ mà thôi, ngoài ra Thiếu Tá Tú còn cho biết thêm là bàn giao vị trí đóng quân, chớ sự thực vị trí đóng quân không có hệ thống phòng thủ gì cả, chỉ có chăng là những hầm hố cá nhân mà thôi – Tôi nói với ông là họ chuẩn bị rút, nên đã cuốn chiếu hết rồi, đến phiên mình phải lo củng cố, làm lại theo ý mình thôi .
Ngoài ra Thiếu Tá Tú còn cho biết thêm là ĐĐ đầu, tiến lên Du Long, thỉnh thoảng cũng gặp một tốp lính Địa phương quân, hay một vài lính Dù, hơ hải, hốt hoảng đi bộ trên quốc lộ 1, ngược về hướng Nam.  Lính 31/BĐQ có hỏi gì họ cũng không nói mà còn bỏ chạy cho lẹ, hoặc im lặng lắc đầu bỏ đi. Mãi đến chiều ngày 15-4-75, Thiếu Tá Tú bất thần báo về BCH/LĐ là quận Du Long đã bị địch chiếm rồi, qua lời  khai của một lính Dù và hai lính Địa phương quân ở hướng Du Long chạy về và gặp TĐ/31BĐQ giữa đường.  Họ còn cho biết là địch đã vây Du Long từ sáng sớm, tấn công mạnh bằng chiến xa và bộ binh cùng với pháo nặng, nên ĐĐ Dù ở đây cùng Địa phương quân và các lực lượng Quận đều đã bỏ chạy và bị địch bắt sống một số lớn .
Qua báo cáo của Thiếu Tá Tú như vậy, nên Đại Tá LĐT bảo tôi gọi điện thoại qua Trung Tâm Hành quân Quân đoàn Tiền phương để xác nhận lại xem Du Long còn hay mất và lực lượng Dù có còn ở đó hay không?  Quân Đoàn trả lời và xác nhận quận Du Long vẫn còn.  Quân đoàn vẫn còn liên lạc tốt với quận và lực lượng Dù ở đây.  Quân đoàn cũng chỉ thị phải nhanh chóng đưa Tiểu đoàn 31/BĐQ lên Du Long.  Theo lệnh này, Đại Tá Biết đích thân chỉ thị Thiếu Tá Tú để lại 1 ĐĐ nằm đường từ Ba Râu lên – Còn lại dồn toàn lực do đích thân Thiếu Tá Tú chỉ huy, đánh thăm dò lên Du Long.  Sau đó, ông chỉ thị tôi xin phi cơ L.19 và phi cụ oanh kích, để sẵn sàng yểm trợ cho TĐ31/BĐQ .
Thiếu Tá Tú thi hành lệnh nghiêm chỉnh, trên đường tiến quân, các cánh quân chỉ chạm địch lẻ tẻ ở khoảng giữa đường Du Long xuống Ba Râu, rồi địch bỏ chạy.  Thiếu Tá Tú cho 2 ĐĐ chia làm 2 cánh, tiến thận trọng hai bên hướng Tây và Đông quốc lộ 1.  Bất thần khoảng gần 4 giờ chiều cùng ngày, cánh quân hướng Tây quốc lộ 1, cách Du Long gần 1 cây số bị chạm địch mạnh.  Thiếu Tá Tú xin Pháo binh yểm trợ, pháo binh Dù yểm trợ yếu ớt và không hiệu quả (có lẽ họ lo cuốn chiếu) có tính cách cầm chừng.  Tôi báo L.19 xin phi tuần yểm trợ.  Sau vài phút A .37 lên đánh mục tiêu theo hướng dẫn của L.19, qua chỉ điểm của TĐ 31/ BĐQ   Nhưng A .37 đánh 1 loạt bom, tới loạt thứ 2 thì bị trúng SA 7 của địch bắn lên, trúng đuôi phi cơ bốc cháy và rớt trên vùng Du Long.  Sau khi chiếc A .37 bị bắn cháy, thì không yểm chẳng hiểu sao, bị gián đoạn, tôi hỏi L.19 được biết là kho xăng và kho đạn ở phi trường bị pháo trúng, nên phi cơ không lên vùng được, còn phi cơ ở Biên Hòa thì không lên kịp .
Sau cùng gần 5 giờ chiều, Đại Tá Liên Đoàn Trưởng lệnh cho Tiểu đoàn 31/BĐQ, tìm vị trí tốt tại chỗ, tổ chức phòng thủ qua đêm, rồi sáng mai tiến tiếp.  Thì ngay sau đó, Thiếu Tá Tú báo về, cánh quân bên hướng Tây quốc lộ 1 đã bị địch tấn công mạnh, bằng pháo trực xạ và xe tăng, nên đã tan rã, một số chạy thoát được về hướng Tiểu đoàn, và Tiểu đoàn đang rút lên sườn núi hướng đông quốc lộ, để tổ chức phòng thủ.  Tại đây, nhờ vào những vách núi đá và các miệng hang đá rất tốt để cố thủ .
Tình hình Tiểu đoàn 31/BĐQ đang bi đát như vậy, mà phi trường Phan Rang lúc này địch lại gia tăng nhịp độ pháo vào, gây cảnh chạy hỗn loạn tránh pháo, do một số lớn quân nhân làm việc trong các căn nhà lều dựng lên ngoài trống trong phi trường .
Đúng 7 giờ tối ngày 15-4-75, Tiểu đoàn 31/BĐQ báo cáo, TĐ đang cố thủ trên sườn núi đá, bên hướng đông quốc lộ 1, cách Du Long khoảng 800 mét về hướng đông nam.  Sau những đợt xung phong của địch bị đẩy lui, Tiểu đoàn xin tiếp tế đạn dược, nhất là lựu đạn và đạn M.79 đã gần cạn, không thể thủ lâu được nữa, nếu địch vẫn tiếp tục tấn công .
Lúc này, nhìn nét mặt Đại Tá LĐT, tôi thấy ông rất bối rối.  Tôi hiểu được ngay tình hình thế này, khó lòng mà tiếp tế cho TĐ 31/BĐQ được, huống chi trời đang bắt đầu về chiều.  Ngay sau thoáng suy nghĩ đó, tôi nghe tiếng Thiếu Tá Tú trong máy muốn gặp tôi – Tôi nghe ngay và ông cho biết là trước mặt ông bây giờ là 2 binh sĩ Dù và 2 người lính trong quận Du Long, đã chạy lên đến đây trốn từ chiều, họ cho biết quận Du Long đã bị địch tràn ngập, ĐĐ Dù ở đây đã tháo chạy, một số nhân viên quận đường bị địch bắt sống, cùng với toàn bộ chỉ huy ĐĐ Dù ở đây.  Bởi vậy tụi địch mới dùng số người này liên lạc với Trung Tâm hành quân Quân Đoàn như bình thường, làm sao họ không xác nhận với mình là Du Long còn !!??
Thiếu Tá Tú nói tiếp, bảo tôi trình với Đại Tá là nếu đêm nay địch tấn công mạnh lên, có lẽ anh phải “bung” thôi, chịu không nổi pháo 100 ly và 75 ly trực xạ.  Tôi quay qua nhìn Đại Tá, ông nhìn lại tôi im lặng lắc đầu như đã hiểu.  Sau đó ông lệnh cho tôi cứ báo cáo thẳng tất cả lên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn Tiền Phương .
Cũng ngay chiều hôm 15-4-75, lúc hơn 6 giờ, TĐ 36/BĐQ báo cáo, các tiền đồn ngoài căn cứ Đại Hàn đều chạm địch, mỗi lúc một mạnh thêm và các tiền đồn phải rút vào căn cứ để tăng cường phòng thủ – Thiếu Tá Minh báo đã thấy địch đang áp sát căn cứ, bắt đầu pháo vào bằng hỏa tiễn 122 ly và súng cối 82 ly liên tục.  TĐ đang chiến đấu và đã đẩy lui được đợt tấn công đầu tiên của địch – Lúc này đã hơn 7 giờ tối, Thiếu Tá Minh xin phi cơ soi sáng và phi tuần oanh kích địch – Tôi xin về BTL Quân đoàn, mãi đến gần 8 giờ tối mới có C.47 lên soi sáng với danh hiệu Hỏa Long 1.  Tôi bàn giao HL.1 cho TT Minh sử dụng, vừa soi sáng vừa tác xạ vào địch quân, yểm trợ cho TĐ36 – Tôi nghe qua hệ thống không trợ, TT Minh điều chỉnh mục tiêu rất chính xác và nhanh nhẹn – Hỏa Long 1 vừa soi sáng vừa tác xạ rất chính xác vào quân địch, với những khẩu đại liên 6 nòng trên phi cơ khạc đạn liên tục xuống đầu địch, đốn ngã bọn chúng đợt này qua đợt khác, trong khi chúng vẫn điên cuồng xung phong vào phòng tuyến phòng thủ của TĐ 36/BĐQ trong đồn Đại Hàn này – Nhờ sự yểm trợ hữu hiệu của Hỏa Long, địch quân đã chùn bước, chúng ngưng tấn công, nhưng vẫn tiếp tục pháo vào đều đặn để cầm chân – Căn cứ này là một cái gai chúng phải nhổ, để thẳng cánh tiến vào chiếm phi trường, nên chúng đã dùng một số lớn lực lượng, mong san bằng cứ điểm này, không ngờ gặp sức kháng cự mãnh liệt và liều lĩnh của TĐ 36/BĐQ, cùng với sự yểm trợ đắc lực của C.47, nên đã đẩy lui được những đợt xung phong ác liệt của địch, gây tổn thất rất lớn cho chúng về nhân mạng, xác địch chết ngổn ngang ngoài vòng đai căn cứ.  Có xác nằm vắt ngang lên vòng rào kẽm gai, do sự tác xạ chính xác của M.79 đạn chày mà LĐ được cấp phát sau trận An Lộc 1972 – Loại đạn này chống tấn công biển người rất hữu hiệu .
Sau hơn 1 giờ quần thảo, địch rút lui không tấn công nữa, HL 1 báo sắp rời vùng. TT Minh gọi tôi xin tiếp tục cho soi sáng lên vùng, vì nghi ngờ địch rút để chuẩn bị tiếp tục tấn công nữa. T ôi xin Quân đoàn và được thỏa mãn ngay vì Hỏa Long 2 đang trên đường lên vùng – Tôi báo cho TT Minh biết để yên tâm đồng thời Đại Tá LĐT cũng bảo anh cố gắng phòng thủ cho vững. Quân Đoàn sẽ yểm trợ tối đa cho anh .
Đúng ngay lúc này, TĐ 31 báo về, địch đã không tấn công vào TĐ nữa mà chỉ pháo cầm chân họ ở đây thôi.  Nhưng TT Tú cho biết ngoài quốc lộ, từng đoàn xe chở đại quân của địch đang di chuyển công khai trên quốc lộ và có xe tăng chạy song song hai bên quốc lộ để bảo vệ nữa.  Đoàn quân xa này còn kéo theo đại pháo trên đường, chúng đang xuôi Nam.  TT Tú cho biết ông nghi ngờ địch tập trung lực lượng đánh phi trường và chiếm tỉnh Phan Rang .
Tuy địch bỏ ý định tấn công TĐ 31, nhưng vẫn cầm chân TĐ này bằng chiến xa và pháo để chúng dễ dàng di chuyển đại quân ở ngoài quốc lộ, do đó TT Tú báo cáo về là anh vẫn còn tại vị trí cũ hồi chiều tối .
Trở lại với TĐ 36/BĐQ, suốt đêm đó, Hỏa Long 2 bao vùng, soi sáng và yểm trợ cho TĐ này, địch nhúc nhích định tấn công là bị phát giác và bị hỏa lực của phi cơ, của lực lượng phòng thủ tiêu diệt, đẩy lui ngay.  Tuy nhiên, lúc này TĐ 36 báo cáo đã mất liên lạc với ĐĐ trú đóng ở xã Ba Râu và cho biết, địch đang rầm rộ di chuyển quân xa, kéo theo pháo, hướng vào thị xã Phan Rang, có chiến xa hộ tống, bảo vệ – Tin này do ĐĐ ở Ba Râu báo về Tiểu Đoàn trước khi rút chạy .
Ngay khi đó, TT Tú gọi xin gặp đích thân Đại Tá, ông bắt máy nghe TT Tú báo là vẫn ở vị trí cũ.  TĐ tổn thất khá sau các đợt tấn công và pháo địch, nhưng hiện nay địch không tấn công nữa mà chỉ pháo cầm chân.  TĐ hiện nay không nhúc nhích gì được, xin Đại Tá quyết định và chỉ thị. Đại Tá cũng chỉ biết bảo TT Tú cố cầm cự ở đó qua đêm, tới sáng rồi ông sẽ trình Quân đoàn, để có giải pháp .
Đúng 8 giờ sáng hôm sau, tức ngày 16-4-75, Đại Tá được Quân Đoàn mời sang họp duyệt xét tình hình.  Đại Tá bảo tôi đi theo, mang bản đồ hành quân để ông báo cáo tình hình hành quân lên Quân đoàn.  Trong buổi duyệt xét tình hình này, ngoài Tướng Nghi, Tướng Sang, Đại Tá Lương, còn có cả Tướng Nhựt, Sư đoàn 2/BB mới đến cùng với Đại Tá Tư, Tỉnh Trưởng Phan Rang – Sau khi chào hỏi, Tướng Nghi hỏi ngay Đại Tá Biết mà không chờ ông thuyết trình :  “Đêm qua anh báo cáo là quận Du Long đã mất, trong khi đó hai anh Đại Tá Lương và Tư, Tỉnh Trưởng vẫn nói là còn và vẫn liên lạc tốt bằng vô tuyến với quận Du Long mà”. Nghe đến đây, Đại Tá Biết tức đến xám cả mặt, vì ông biết rằng Tướng Nghi đã không tin những gì ông báo cáo, qua sự khai báo của lính quận và lính Dù ở Du Long chạy thoát, đang ở chung với TT Tú – Cho tới cuộc họp sáng nay, các ông vẫn cứ khẳng định với Tướng Nghi là còn liên lạc tốt vơi Du Long – Sau cùng, vẫn không tin những gì BĐQ báo cáo, Tướng Nghi trong buổi họp, đã quay qua Đại Tá Biết ra lệnh :  “Anh lấy ngay trực thăng bay lên Du Long quan sát và coi lại TĐ 31 của anh trên đó ra sao, nếu cần, tôi sẽ cho TĐ 52 lên tăng cường để giữ Du Long . Dưới này tôi sẽ cho Sư Đoàn 2 thế chỗ TĐ 52 của anh sau” – Nói xong ông bắt tay Đại Tá Biết, như thúc dục Đại Tá về làm ngay – Ông quay qua hỏi Tướng Nhựt, như để muốn ra lệnh gì đó, nhưng lúc này tôi không thấy Tướng Nhựt còn ở trong phòng họp nữa, mà ông đã lánh mặt lúc nào không ai biết – Sau cùng ông bảo sĩ quan Phòng 3 ra lệnh cho Sư đoàn 2 chuẩn bị 1 lực lượng để trám vào chỗ TĐ52, sẽ được điều động đi .
Đại Tá Biết và tôi trở về BCH/LĐ, ông bảo tôi gọi Đại úy Toàn cho lệnh quay cánh để bay lên vùng Du Long – Ông cho gọi TT Nga đi theo quan sát địa thế, để sau này dễ dàng trong việc dẫn quân lên tăng cường, giải vây cho TĐ3 .  Khi chúng tôi lên trực thăng, đã có sẵn Đại úy Lâm Trưởng Ban truyền tin và 2 âm thoại viên mang máy PRC.25 sẵn sàng rồi – Ngay lúc đó, Thiếu Tá Giai xin đi theo để quan sát tình hình trên TĐ31, vì ông rất nóng lòng cho TT Tú (hai ông là bạn cùng khóa) – Đại Tá Biết không nói gì và trực thăng bắt đầu cất cánh, lấy cao độ rồi trực chỉ Du Long.  Trên đường bay lên Du Long, tôi gọi báo TĐ 31 là Đại tá đang trên đường bay đến TĐ và hỏi TĐ còn ở vị trí cũ không? – TT Tú đích thân trả lời là vẫn còn ở vị trí đêm qua, vẫn bị địch đang cầm chân , tôi chỉ vô vị trí anh trên bản đồ cho Đại Tá xem, trực thăng lúc này đang ở trên vùng.  Quả nhiên, vị trí TT Tú đang chiếm lĩnh rất chắc chắn, có những vách đá lớn và các cửa hang làm công sự chiến đấu và trú pháo rất tốt.  Chúng tôi nhìn xuống đất, bên quốc lộ 1, khói hay bụi đang bốc cao mịt mù, hỏi TT Tú, anh cho biết quân xa địch đang chuyển quân, xe tăng địch di chuyển dọc hai bên quốc lộ, men theo chân núi.  Đại Tá bảo tôi nói Đại úy Toàn bay qua quận Du Long, trực thăng đảo 1 vòng rồi bay về hướng Du Long.  Gần đến nơi, tôi nghe Toàn la lên trong máy là ở dưới Du Long đầy cờ đỏ sao vàng, mọi nhà đều treo cờ VC rồi.  Vậy rõ ràng Du Long đã mất thật rồi !!  Đại Tá cũng nghe và ông lạnh lùng bảo tôi cho trực thăng quay về Phan Rang, nhưng Đại úy Toàn đã đảo 1 vòng trên Du Long, để Đại Tá được nhìn rõ Du Long với đầy cờ đỏ sao vàng ở dưới.  Đúng lúc TT Tú gọi lên bảo là đừng bay thấp, địch có phòng không và SA 7, hôm qua đã bắn rớt A 37 rồi đó, ngay tức thì, Toàn la lên : “tụi nó bắn lên rồi”, tôi bảo Đại úy Toàn lấy cao độ rồi bay về phi trường Phan Rang.
Trên đường bay trở về, Đại Tá LĐT bảo tôi liên lạc với Trung Tâm hành quân Quân Đoàn để ông gặp Trưởng Phòng 3 báo cáo tình hình.  Nhưng tôi liên lạc mãi không trả lời, Đại úy Lâm sốt ruột, đổi qua tần số giải tỏa gọi, cũng không thấy trả lời – Sau cùng, tôi nói Đại úy Toàn liên lạc hệ thống Không Quân xem sao, khi trực thăng trên bầu trời phi trường Phan Rang thì Đại úy Toàn liên lạc được với Không Quân, anh cho biết là địch đang pháo mạnh vào phi trường, sau đó chiến xa và bộ binh địch đã tràn ngập phi trường rồi, vì thế mất liên lạc với Quân Đoàn là phải, có lẽ BTL/Tiền phương Quân Đoàn đã rút chạy, hoặc địch đã bắt sống tất cả rồi .
Đó là đúng 10 giờ sáng 16-4-75, sau đó Đại Tá bảo Toàn cho trực thăng bay ở độ cao an toàn, vòng vòng vùng trời Phan Rang, để ông trực tiếp liên lạc với các vị Tiểu đoàn Trưởng ở dưới đất và ra lệnh cho họ .  Trước hết, ông gọi TT Minh, TĐT/TĐ36/BĐQ, bảo anh lo thu gom con cái, rồi tìm đường xuôi Nam – Xong, Đại Tá cũng gọi TĐ31/BĐQ, chỉ thị TT Tú tìm cách thoát khỏi vùng này, gom con cái tìm đường xuôi Nam.  Ông cũng cho họ biết, tất cả Phan Rang đã thất thủ thật sự rồi – Ông quay qua định ra lệnh cho TT Nga TĐT/TĐ52/BĐQ thì thấy TT Nga đang liên lạc với TĐ ở dưới đất.  Ông cũng nói với họ y như lời Đại Tá đã nói: “tìm đường xuôi Nam” – Theo lệnh Đại tá, tôi bảo Đại úy Toàn bay về Phan Thiết và tìm một bãi đáp an toàn để chờ ở đó, xem có đơn vị nào của Liên Đoàn về đến đó chưa?  Trước khi bay về Phan Thiết, Toàn bảo phải vứt bỏ bớt các quân trang không cần thiết khỏi trực thăng, để bay được nhanh và an toàn hơn.  Thế là chúng tôi, không ai bảo ai, tất cả từ các anh binh sĩ âm thoại viên đến chúng tôi, đều vứt bỏ hết ba lô – Thiếu Tá Giai cố vớt vát liên lạc với BCH/LĐ ở dưới đất, xem có thể gặp được Đại úy Tài hay không.  Cuối cùng, ông cũng phải lắc đầu chịu thua không gọi nữa .
Trực thăng trên đường về Phan thiết, chúng tôi nhìn Đại Tá lòng ái ngại, lo lắng.  Chúng tôi thấy nét mặt ông thật buồn, qua đôi kính mát trên mặt, chúng tôi nhận thấy đôi giòng lệ đang tuôn trào, chảy dài trên gò má cao, đen xạm của ông .  Lần đầu tiên tôi thấy ông khóc và ông đã khóc thương cho bao số phận của thuộc cấp.  Ông đã đem họ ra đây, để họ ở lại và rồi sẽ bị địch bắt, giam cầm. Bao binh sĩ đã bỏ mình, phơi xác trên trận tuyến này – Trân chiến cuối cùng mà cuộc đời binh nghiệp của ông, qua bao chiến công hiển hách – ngày hôm nay lại bị thiệt hại thảm khốc, đau đớn là dường nào !
truc-thang-van
Chúng tôi đáp xuống Phan Thiết, tại một bãi đáp an toàn.  Chờ đến 4 giờ chiều, không gặp một đơn vị nào của Liên Đoàn trở về,mà chỉ toàn một dòng người, xe lẫn lộn, dân sự có, quân sự có, họ cùng nhau bỏ Phan Thiết chạy về Sàigon.  Bên Tiểu Khu gần đó, chúng tôi thấy cũng vắng tanh.  Đại úy Toàn, trưởng phi cơ xin Đại Tá cho cất cánh, vì sợ có đoàn quân ô hợp nào đó, lợi dụng tình hình đến cướp trực thăng thì nguy – Đại Tá đồng ý cho cất cánh, trực thăng lên cao dần – Đại úy Lâm theo lệnh Đại Tá, liên lạc BCH/BĐQ/QĐIII/QK3 để báo cáo xin lệnh.  Chúng tôi được lệnh bay thẳng về Sàigon, đáp xuống trường đua Phú Thọ, sẽ có xe Jeep của BCH/BĐQ/TƯ ra đón về Bộ Chỉ Huy .
Khoảng gần 6 giờ chiều ngày 16-4-75, trực thăng đáp xuống trường đua Phú thọ, đã có sẵn xe của BCH chờ đón, chúng tôi chào từ giã phi hành đoàn lên xe về BCH.  Đại Tá vào trình diện Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng, còn chúng tôi qua Câu lạc bộ nghỉ ngơi, ăn uống, lúc này chúng tôi mới cảm thấy đói và nhớ ra rằng từ sáng sớm tới giờ, chúng tôi chưa có một chút gì vào bụng cả – Có lẽ vì quá bận rộn và lo lắng, nên cái đói đã bị bỏ quên chăng ?
Sau khi rời BCH/ Trung Ương, chúng tôi được xe đưa về hậu cứ ở trại Phan Hạnh, Hố Nai, Biên Hòa để nghỉ qua đêm, rồi sáng sớm hôm sau lên trình diện BCH/BĐQ/QK3 ở Biên Hòa.  Trên đường về hậu cứ, Đại Tá bảo tôi tối nay cố làm bản tường trình diễn tiến hành quân của Liên đoàn ở Phan Rang, với mọi chi tiết đầy đủ, kèm phóng đồ hành quân phối trí Liên đoàn, để báo cáo lên trên vào sáng mai ở BCH/BĐQ/QĐIII/QK3 .
Đúng 9 giờ sáng ngày 17-4-75, Đại Tá Liên Đoàn Trưởng và tôi trình diện Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, Chỉ Huy Trưởng BĐQ/QĐIII/QK3 ở Biên Hòa.  Đại Tá thân mật tiếp đón chúng tôi với câu nói ngắn gọn : “Ở đây tôi đã theo dõi tình hình và diễn tiến các anh ngoài đó, tôi rất hiểu và thông cảm cái hậu quả này”.  Chúng tôi vẫn trình ông bản tường trình của Liên đoàn mà tôi đã; hoàn tất trước 12 giờ khuya đêm qua .
Sau cuộc gặp mặt riêng với Đại Tá Biết, Đại Tá CHT/BĐQ/QK3 vui vẻ tiễn chúng tôi ra xe trở về hậu cứ.   Trên đường về, Đại Tá cho tôi biết tin là binh chủng BĐQ sẽ thành lập Sư Đoàn và BCH/BĐQ/QĐIII sẽ thành Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 101/BĐQ, gồm có 3 Liên đoàn 31,32 và 33 – Riêng Sư Đoàn 106/BĐQ đã thành lập xong và sắp ra quân.  Đại Tá còn cho tôi biết thêm một tin vui nữa là ông đã được Đại Tá Chuẩn đề cử làm Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, Trung Tá Tống Viết Lạc, LĐT/LĐ6 BĐQ sẽ làm Tham Mưu Phó hành quân tiếp vận, hay Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn.  Còn tôi sẽ theo ông về Sư Đoàn làm việc với chức vụ Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn và được thăng cấp Thiếu Tá thực thụ luôn .
Tin này đã làm tôi nửa vui, nửa lo.  Vui vì mình được thượng cấp tin tưởng cất nhắc.  Buồn lo vì không biết mình có khả năng để hoàn tất nhiệm vụ mới hay không?  Tuy nhiên với mặt trận Phan Rang vừa rồi, Liên đoàn đã bị tan rã, mà theo giòng lịch sử sau này hiểu ra được, nó cũng chỉ là con chốt đã bị thí trong một ván cờ quốc tế, giữa hai thế lực Tự Do và Cộng Sản, mà VNCH chúng ta chỉ là một con chốt, đã bị chủ nghĩa Tư bản đem thí trong ván cờ với Cộng sản, vì quyền lợi của Mỹ là trên hết .
Tôi viết lại đây những gì chính tôi nghe được và thấy được tại mặt trận Phan Rang, chiến trận cuối cùng của đơn vị tôi mà tôi trực tiếp tham dự.  Một mặt trận đã ghi đậm trong tâm não mà tôi không bao giờ quên được, nhất là vào những dịp tháng 3 và tháng 4 hàng năm .
California những ngày cuối tháng 3/ 2004
BĐQ NGUYỄN QUỐC KHUÊ