Phi vụ Tống Lê Chân - Nguyễn Văn Ba
“Tống Lê Chân,” mới nghe qua, như tên người con gái Trung Hoa, có nhan sắc đẹp tuyệt vời, tài danh nổi bật, được ghi trong sử sách lưu truyền cho hậu thế!
Tôi không biết mỹ danh đó có từ lúc nào, xuất xứ từ đâu? Nhưng nó đã chiếm một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong mùa Hè đỏ lửa 1972.
Nhiều sư đoàn chánh quy Bắc Việt được yểm trợ bởi chiến xa và đại pháo hạng nặng, ồ ạt tiến sang từ biên giới Campuchia và Hạ Lào, theo đường mòn Hồ Chí Minh, với mưu đồ đánh chiếm hai tỉnh Bình Long và Phước Long để thành lập chánh phủ gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam,” gây hậu thuẫn quốc tế và đặt áp lực nặng nề cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Sàigòn.
Tống Lê Chân là một địa danh, hay đúng hơn là một ngọn đồi chiến lược, khoảng hơn năm dặm về hướng Tây Nam của thành phố An Lộc. Ngọn đồi này nhờ nằm ở một địa thế cao, được trấn giữ bởi một tiểu đoàn Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa rất tinh nhuệ, nên nó chính là tai và mắt, không những cho thành phố An Lộc mà ngay cho chính thủ đô Sàigòn, vì nó kiểm soát được sự vận chuyển của bộ đội Bắc Việt và cơ giới chiến tranh, về hướng Tây Bắc Sàigòn, đưa quân vào Bình Dương, Lái Thiêu và Biên Hòa, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Vùng III Chiến Thuật. Vì lý do chiến thuật và toàn bộ chiến lược xâm chiếm miền Nam, nên ngọn đồi Tống Lê Chân là cây gai nhọn nhức nhối trong mắt, cộng sản phải nhổ nó đi bằng mọi giá.
Từ một ngọn đồi hiền lành, xung quanh bao bọc bởi rừng xanh bát ngát, dưới chân đồi một con suối uốn khúc quanh co, tô đậm nét như một bức tranh thủy mặc. Nếu không có trận chiến vừa qua, cũng chẳng có ai cần biết nó, như Ben Hét, Đức Cơ, Dakpek, Dakto, v.v...
Những địa danh thật xa lạ với mọi người dân thị thành, nhưng bỗng chốc, nó trở thành những danh xưng được nhắc nhở thường xuyên qua những trận đánh hãi hùng, khiếp đảm, hàng ngày trên báo chí, đài phát thanh, màn ảnh truyền hình, đã làm chấn động lương tâm thế giới.
Đã lâu lắm rồi, những vết tích tàn phá của chiến tranh trong trí nhớ gần như đi vào quên lãng. Nhưng chiều hôm nay nó được hâm nóng và sống lại trong tôi, vì tình cờ đã gặp lại những chiến hữu cùng một đơn vị sau hơn hai mươi năm dài đằng đẵng cách biệt.
Người hùng “Tống Lê Chân,” Đại Úy Lê Văn Cầu, phi tuần trưởng của Phi Đoàn 237 Chinook, tôi không dùng đại danh hay ca tụng anh để lấy lòng, nhưng sự thật đã xảy ra cách đây trên hai thập niên vừa qua. Vẫn dáng người gầy gầy như ngày nào, nhưng không bao giờ thiếu nụ cười cởi mở, buông thả trên gương mặt để đón chào anh em chiến hữu.Gặp lại anh trong bữa tiệc họp mặt tại thành phố San Jose, California, với một số anh em cựu Lôi Thanh như: Nguyễn Mai, Trần Duy Tôn, Lưu Thế Ngọc, Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Vũ, Nguyễn Văn Mai (Đà Nẵng), cùng hai phu nhân của hai anh Vũ và Mai. Thật sung sướng và hãnh diện, tôi được may mắn gặp lại anh em đã có một thời chiến đấu vào sinh ra tử có nhau, chia sẻ từ bịch gạo sấy, lon thịt heo ba lát, cùng ngồi ăn trưa dưới bụng tàu, trong những buổi trưa Hè nắng cháy của vùng hỏa tuyến Tây Ninh.
Bây giờ gặp lại các anh em ở vùng đất xa lạ này, chúng ta tuy có già thêm đôi chút, cuộc sống nhiều thay đổi hơn xưa, tuy vậy tình anh em vẫn nổng nàn, ấm áp như thuở nào.
Tôn vẫn tính nào tật nấy, hào hoa quá mức, Ngọc ăn chơi công tử, Vũ vẫn hoạt bát trẻ trung, Mai cứ ngỡ là tài tử Henry Chúc, Tiên mới sang nên còn nhiều ưu tư bỡ ngỡ. Niên trưởng Mai cựu phi đoàn trưởng Đà Nẵng, mới về hưu ở hãng IBM, trông đạo mạo như cụ non, cần nhiều chất tươi để để tóc bớt rụng!
Chúng tôi chia nhau chén tới chén lui, chén qua chén lại, từ ba giờ trưa mãi đến gần bảy giờ chiều, vì có nhiều anh em phải đi đám cưới chiều hôm đó nên chúng tôi tạm chia tay nhau, và hẹn sẽ gặp lại ở vũ trường Mini vào lúc chín giờ ba mươi tối. Niên trưởng Mai đưa tôi về để thăm gia đình anh chị. Còn “chú Tư Cầu” về nhà rước vợ con sẽ tới sau.
Thật hạnh phúc và sung sướng không ai bằng, “chú Tư Cầu” được thím Tư vừa trẻ, vừa đẹp, về để giúp chú “nâng cằm sửa mũi...” và tặng cho chú hai cháu thật ngoan hiền, kháu khỉnh dễ thương. Lúc này niên trưởng Mai, có lẽ muốn dành sức lực để phục vụ bà xã tối nay, nên xin vào nghỉ lưng một tí, cón tôi với “chú Tư Cầu” ngồi lai rai nhậu tiếp dài dài, kể chuyện rên trời dưới biển, rồi đến chuyện hành quân ly kỳ, hấp dẫn của một thời “Dốc Sỏi” Biên Hòa. Tôi biết Cầu từ ngày thành lập đệ nhất Phi Đoàn Chinook Lôi Thanh 237, vào giữa khoảng năm 1970-1971, anh thuộc vào nhóm sĩ quan hoa tiêu trẻ, mới ra trường, chưa vợ con, rất hăng say hoạt động trong mọi công tác. Còn chúng tôi, lúc đó không đến nỗi già lắm, tuy nhiên đối với anh em thì được xếp vào lớp “lão làng.”
Vào khoảng mùa Hè năm 1972, chiến trận ở Vùng III Chiến Thuật càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn, thành phố An Lộc chịu đựng hàng ngàn quả đạn pháo ngày đêm, nhà cửa, phố xá nát tan từng mảnh vụn, dân chúng đã bồng bế, dẫn dắt nhau, bỏ hết tài sản theo quốc lộ chạy về hướng Chơn Thành, về gần Sàigòn.
Tiền đồn Tống Lê Chân được tử thủ bởi khoảng một tiểu đoàn Biệt Động Quân, đã bị cô lập nhiều tuần bởi cả trung đoàn chính quy Bắc Việt, đang rình rập sát dưới chân đồi, trực thăng tải thương và tiếp tế bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 và súng phòng không đe dọa trầm trọng, không thể đáp được trong ban ngày, phi cơ vận tải C-130 thả dù thực phẩm, thuốc men, phần lớn đều bị gió đưa ra ngoài, vào vùng kiểm soát của địch.
Việt Cộng thường xuyên pháo kích, đại pháo cày nát gần trọc hết ngọn đồi, những chiến sĩ Mũ Nâu gan lì của Việt Nam Cộng Hòa, núp trong những giao thông hào, sâu trong lòng đất như những con rắn độc, đã oai hùng, mãnh liệt đốn ngã những đợt tấn công biển người của Việt Cộng. Trung Tá Ngôn, chỉ huy trưởng tiền đồn kêu gọi Không Quân cho trực thăng đưa quân vào tăng viện và chuyển bớt thương binh về bệnh viện để ông rảnh tay chiến đấu.
Lệnh từ tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng Hòa đưa xuống Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân, yêu cầu cho trực thăng Chinook CH-47-Phi đoàn 237- thi hành phi vụ cảm tử này. Lôi Thanh I, phi đoàn trưởng, Phi Đoàn 237 nhận được mật lệnh, ông cho mở một cuộc họp kín, với sự có mặt đầy đủ một số anh em phi hành đã có nhiều kinh nghiệm chiến trận, để chọn người tình nguyện. Sau khi Lôi Thanh I tuyên bố lý do và cho biết mật lệnh, không khí trong phòng họp lúc đó trở nên cực kỳ im lặng, nặng nề và khó thở, không ai có một lời thêm bớt hay bình luận gì cả. Tôi nhìn tất cả các anh em hoa tiêu và anh em hạ sĩ quan phi hành lòng chùng xuống, mắt mờ đi, tâm não hoàn toàn như tê dại, tự nhủ thầm:
“Người ta sắp bắt chúng tôi làm vật tế thần.”
Thật ra tất cả anh em chúng tôi không phải là những người sợ chết hay muốn tránh né những phi vụ hiểm nguy, nhưng cái bực tức không nói lên được lúc đó là cấp chỉ huy đã không hiểu khả năng kỹ thuật cơ giới của một chiếc Chinook, hay vì sợ trách nhiệm nên sử dụng chúng tôi một cách sai lầm?... Cũng không thể dựa vào các yếu tố chiến tranh chính trị hay tâm lý chiến thuật nào khác để bào chữa cho phi vụ, vì nó có thể thực hiện được bằng trực thăng loại nhỏ UH-1, chở mỗi lần mười quân nhân và chọn thời gian đáp trong năm lần khác nhau. Loại trực thăng UH-1 được chế tạo dùng trong chiến thuật đạt yếu tố bất ngờ trong lòng địch, như chiến thuật “Diều Hâu,” nó có khả năng xoay trở rất nhanh nhẹn, chỉ cần một thời gian, trong khảng năm giây đồng hồ, là có thể đổ được quân và đem được thương binh lên dễ dàng.
Chinook lao vào trận địa.
Ta có thể ước đoán tông số thời gian kể như nguy hiểm nhất, từ lúc vào bãi đáp cho đến khi rời khỏi vị trí một cách tương đối an toàn, chỉ tốn vào khoảng hai mươi giây đồng hồ là tối đa. So với một chiếc Chinook CH-47, thật to lớn kềnh càng, chở năm chục binh sĩ, khi hạ cánh với một tốc độ rất chậm, vào một tiền đồn trên đồi, không chỗ ẩn núp, diện tích bãi đáp không lớn hơn khuôn viên một căn nhà, xung quanh triền đồi toàn là quân chính quy Bắc Việt, núp dưới giao thông hào chằng chịt, với những đại liên phòng không tối tân của Nga Xô và Tiệp Khắc, hỏa tiễn SA-7, súng cối 82 ly, và đại pháo 122 ly, đã lấy tọa độ bãi đáp chính xác.
Tôi giả sử binh lính Việt Cộng có mù mắt, điếc tai, ngủ gục hết cả lũ, tính theo thời gian nhanh nhất, khi tàu giảm tốc độ vào cận tiến để chuẩn bị đáp an toàn cho năm mươi quân nhân chạy ra phía cửa sau đuôi và chờ khiêng thương binh đưa vào, xong xuôi cất cánh, ra tới vị trí tương đối an toàn, ít ra cũng phải mất hết khoảng hai trăm giây đồng hồ. Nếu ta thử so sánh thời gian nguy hiểm trên vùng với chiếc phản lực cơ F-5, khi chúi xuống thả bom, xong kéo lên rời vị trí, chỉ trong tích tắc vài giây đồng hồ mà đôi khi còn bị bắn hạ bởi SA-7 hay đạn phòng không một cách dễ dàng, còn chiếc Chinook, to lớn gấp hai, ba lần, xoay trở rất chậm chạp, hai bên hông tàu mang cả chục ngàn lít xăng JP-4, chỉ cần một phát súng nhỏ, nhạy lửa là nó trở thành một cây đuốc khổng lồ, soi đường cho thần chết, không những thiêu mạng phi hành đoàn mà nó còn đốt cháy năm mươi quân nhân ngồi phía sau nữa.
Trong phạm vi bài này, tôi không có ý gián tiếp chỉ trích cá nhân bất cứ một cấp chỉ huy thừa hành nào cả, vì tôi biết lệnh từ trên tối cao đưa xuống, tôi chỉ đưa ra những dẫn chứng sai lầm về sự sử dụng kỹ thuật tác chiến cơ giới. Nhưng quân đội, lệnh là phải thi hành, nếu may mắn còn sống sót không tật nguyền hoặc sứt tay, gãy gọng là điều đáng mừng, phước đức ông bà để lại.
Một phút im lặng nghẹt thở trôi qua, như dò xét sự phản ứng của tất cả đoàn viên phi hành. Lôi Thanh I cho biết rằng đây là lệnh của thượng cấp đưa xuống, nếu không có người tình nguyện ông sẽ chỉ định người để thi hành phi vụ tối quan trọng này. Thời gian chậm chạp như muốn ngừng lại, tôi lên tiếng hỏi để biết nhiệm vụ chính của phi vụ dùng vào công việc gì?... Mặc dù tôi là trưởng phòng Hành Quân của Phi Đoàn lúc đó, nhưng ông ta cũng từ chối, cốt ý để bảo toàn bí mật cho bãi đáp. Khi Lôi Thanh I vừa dứt lời, tôi nhận thấy Đại Úy Lê Văn Cầu, phi đội trưởng Phi Đội 1 ngồi bên ghế trái của tôi, đưa tay lên xin tình nguyện, tiếp theo là Đại Úy Huỳnh Bá Hùng, phi đội trưởng Phi Đội 2 cũng đưa tay tình nguyện.
Xạ thủ phi hành trên Chinook. Bây giờ cần một cơ phi, xạ thủ và áp tải. Thượng Sĩ Nguyễn Văn Tranh, Trung Sĩ Nguyễn Văn Hoàng cũng đưa tay tình nguyện. Tôi nhớ cũng còn nhiều anh em sĩ quan và hạ sĩ quan khác nữa cũng xin tình nguyện, nhưng sau cùng chỉ chọn được phi hành đoàn có đầy đủ khả năng như sau: Trưởng phi cơ cho phi vụ Đại Úy Cầu, hoa tiêu phụ Đại Úy Hùng, cơ phi Thượng Sĩ Tranh, xạ thủ Trung Sĩ Hoàng và áp tải viên tôi rất tiếc là không còn nhớ rõ tên anh. Phiên họp kết thúc vào khoảng bốn giờ chiều, để bảo toàn bí mật phi vụ, lệnh phi đoàn cấm trại 100% cho tới khi nào công tác thi hành xong. Tôi đưa các anh em trong phi hành đoàn tình nguyện vào khu quán ăn của cư xá hạ sĩ quan trong căn cứ Không Quân để dùng cơm chiều.
Bảy giờ chiều ngày 26 tháng 12, 1972, phi cơ được lệnh cất cánh từ phi trường Biên Hòa, liên lạc với C&C qua tần số vô tuyến FM, để đáp vào An Lộc nghe thuyết trình và nhận lệnh từ đơn vị bạn. Trời cuối tháng vào mùa lễ Noel nên có vẻ tối sớm hơn thường lệ, những tia nắng hanh vàng đã bắt đầu nhạt dần, ở phía bên kia đầu phi đạo, sân bay đã vắng người qua lại, chỉ còn mình tôi lẻ loi đang ngồi đây để tiễn đưa anh em. Trong trận thế chiến vừa qua, phi đội Thần Phong cảm tử của Nhật Hoàng trước khi cất cánh ra trận, được vinh dự đứng trước hàng quân uống cạn ly rượu “Sake” hâm nóng, trao tặng từ một tướng lãnh cao cấp để rồi bay vào tử địa. Còn các anh bây giờ được ai tiễn, ai đưa? Hàng quân vinh dự nào đứng dàn chào để tiễn biệt các anh? Tôi biết các anh cũng chẳng cần những thứ rườm rà, màu mè đó, nhưng với ý chí và lòng dạ sắt son nguyện dâng hiến đời mình cho quê mẹ Việt Nam, nên các anh đã hy sinh tình nguyện chấp nhận phi vụ, đáp vào một nơi được gọi là “địa ngục trần gian.” Phi cơ đã mất hút, chìm vào bóng hoàng hôn về hướng Tây Bắt chân trời. Tôi lặng lẽ lái xe trở về phòng Hành Quân phi đoàn để theo dõi tin tức phi vụ, lòng lâm râm khấn vái cầu nguyện cho các anh đi được bình an...
Trách nhiệm phi vụ các anh chia đều cho nhau, Đại Úy Cầu chỉ huy toàn diện, cũng như lo phần bay và điều khiển các cơ phận phi cơ. Đại Úy Hùng lo phần vô tuyến, truyền tin liên lạc với C&C và đơn vị bạn, cũng như kiểm soát bản đồ, hướng bay và tọa độ hành quân, các anh em cơ phi, xạ thủ và áp tải giữ an ninh phía trong tàu và đồng thời kiểm soát, báo cáo các vị trí phòng không, SA-7 của Việt Cộng từ dưới bắn lên, để phi cơ tránh né cùng lúc sử dụng hỏa lực tối đa của hai khẩu đại liên, gắn hai bên thân tàu để làm áp lực địch. Kim đồng hồ chỉ hơn tám giờ tối, phi cơ đã đến vùng chỉ định, bên ngoài chỉ còn lại là một màu đen, xung quanh là rừng núi âm u của đêm sau ngày Chúa Giáng Sinh. Thành phố An Lộc hoàn toàn như một bóng ma trong đêm, không còn một ngọn đèn đường nào đứng vững hay được cháy sáng để ghi nhận là vị trí của một khu phố. Ngọn đồi Tống Lê Chân cách đó không xa lắm, nghe tiếng phi cơ bèn chớp đèn hiệu, không liên lạc được với C&C hai anh cứ ngỡ đó là thành phố An Lộc, nên cho phi cơ bay thẳng vào hướng có ánh đèn hiệu.
Một phút sau, những tia chớp sáng không ngừng của đại liên phòng không từ dưới đất bắn lên như pháo bông ngày Tết, các anh mới nhận ra là đang bay hơi chệch về hướng Tống Lê Chân. Đại Úy Cầu bình tĩnh kéo nhanh cần lái về phía phải cho con tàu lướt nhanh ra khỏi tầm hỏa lực địch, cũng trong lúc đó Thượng Sĩ Tranh báo cáo nhìn thấy đèn hiệu về hướng một giờ cách đó không xa lắm. Sau khi quan sát thật kỹ và liên lạc được với quân bạn, Đại Úy Hùng OK, đưa ngón tay cái lên trời đồng ý cho Đại Úy Cầu chuẩn bị cho phi cơ đáp xuống phía Nam của An Lộc.
Sau khi kiểm soát lại phi cơ, mọi sự đều an toàn, anh em phi hành đoàn được đưa vào Bộ Chỉ Huy Hành Quân tiền phương để nghe thuyết trình phi vụ. Sĩ quan tình báo cho biết quân chính quy Bắc Việt được trang bị với đại liên phòng không đủ loại đang ẩn núp dưới các hầm hố xung quanh chân đồi, tin cũng cho biết thêm là chúng cũng có thể đã được trang bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 để chống lại các loại phi cơ chiến đấu của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhiệm vụ chính của phi vụ là chở năm chục lính Biệt Động Quân để tăng viện và thay thế những người ở quá lâu trong đó, đồng thời rước về một số thương binh, phi vụ rất giản dị có thế thôi, nếu ở một vị trí nào khác thì công việc không có gì quan trọng hay đáng nói cả.
Giờ hẹn tại bãi đáp là đúng 12 giờ khuya. Trung Tá Ngôn, tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân phải chuẩn bị sẵn sàng tại bãi đáp, đèn hiệu phải đặt dưới hầm trú ẩn để Việt Cộng khỏi nhìn thấy. Phi hành đoàn họp nhau để bàn về kỹ thuật đáp và phân chia công việc cho mọi người. Tàu sẽ chở năm chục quân nhân với trang bị vũ khí đầy đủ, là một việc khó khăn cho hoa tiêu điều khiển phi cơ để tránh né đạn phòng không vì quá nặng nề, không xoay sở nhanh chóng được. Nếu bay sát ngọn cây với tốc độ thật nhanh, đột ngột từ phía chân đồi nhảy lên thẳng bãi đáp quá nhỏ, xung quanh là ụ súng của tiền đồn, thì là một chuyện không thể thực hiện được nhất là về ban đêm như tối hôm nay, chỉ có loại phi cơ nhỏ một cánh quạt như UH-1 hay H-34 là có thể thực hiện được lối bay nguy hiểm tránh phòng không này; như vậy chỉ còn lại một giải pháp cuối cùng là kỹ thuật đáp 360 độ. Cầu và Hùng đều đồng ý với lối bay này tuy nó rất là nguy hiểm, vì sẽ làm mồi cho súng phòng không, nhưng còn có cơ hội sống sót nhiều hơn là kỹ thuật bay “nhảy bổ” vào lúc ban đêm.
Đúng 11 giờ 45 khuya, trời bên ngoài tối om như mực, năm mươi quân nhân Biệt Động đã ngồi yên lặng trong lòng tàu. Đại Úy Cầu cho quay máy chuẩn bị cất cánh, âm thanh phản lực của hai động cơ gắn phía sau hòa lẫn với tiếng cánh quạt quay đều trong gió, nghe như tiếng rống phẫn nộ của rừng xanh vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch. Đại Úy Hùng kiểm soát lại các tần số liên lạc với C&C và các danh hiệu đơn vị lần cuối, Thượng Sĩ Tranh báo cáo cho trưởng phi cơ tình trạng tàu tốt sẵn sàng cất cánh.
Hơn 11 giờ 50, C&C cho lệnh cất cánh lấy cao độ khoảng hai ngàn bộ, trực chỉ hướng Tây Nam vào thẳng Tống Lê Chân. Đại Úy Cầu ra lệnh cho Trung Sĩ Hoàng lên đạn hai khẩu đại liên để sẵn sàng tác xạ. Đèn Navigation bên ngoài phi cơ đã tắt, chiếc phi cơ hiên ngang như một dũng tướng ngày xưa đơn thương độc mã tiến vào trận địa. Đại Úy Hùng chỉ về phía trước mặt đèn báo hiệu bãi đáp đã nhấp nháy dưới hầm, tiền đồn Tống Lê Chân gần kề trước mặt.
- OK! “Pitch down”!
Toàn thân phi cơ như hụp xuống khỏi mặt nước, xoay tròn thật gắt 360 độ về phía trái như muốn vỡ tung, hết sức khó chịu vì sức rơi lúc đáp quá nhanh từ trên cao độ. “Rầm... Rầm...!!!”
Nhiều khối lửa to lớn đang chớp nhoáng phía dưới, chúng đang pháo kích vào bãi đáp. Địa ngục trần gian bắt đầu cơn bão lửa! Đạn phòng không dưới chân đồi đã tập trung giăng chằng chịt cả màn đêm, những viên đạn đỏ tươi như màu máu vọt lên đan vào nhau thành những tia sáng như hình rẻ quạt quét cả trọn vùng trời, nhắm về hướng phi cơ đang lơ lửng xoay tròn giữa không gian; vì trời quá tối nên nhiều trái sáng được địch quân bắn lên để cho chúng dễ dàng nhận diện phi cơ.
Dưới sức sáng nhân tạo của các trái hỏa châu, con tàu thật lẻ loi đơn độc không thể giấu mình trong màn đêm được nữa, đã gánh chịu hàng trăm viên đạn của loài quỷ đỏ hung hăng ghim vào thân xác như một con đại bàng bị tên trúng vào tử huyệt, nhưng oai hùng dang cánh thản nhiên đáp trên đầu địch.
Đại Úy Hùng không còn liên lạc qua tần số vô tuyến với C&C được nữa, cơ phận phát điện bị trúng đạn phát hỏa, hệ thống thủy điều bị bể ống hoàn toàn ngưng hoạt động, cần lái bị “locked” chặt cứng không còn điều khiển được. Đại Úy Cầu như tê dại nhìn thẳng phía trước, dùng hết sức còn lại với phản ứng tự nhiên của mình, cố điều khiển để cho con tàu rơi từ trên cao hơn 30 bộ xuống bãi đáp. Thân phi cơ chạm mạnh trên đất nhảy dựng trở lên, uốn mình như con khủng long hung hăng giãy chết, những cánh quạt phía trước chặt mạnh vào ụ súng của tiền đồn tan nát văng từng mảnh vụn. Lửa khói đã cuồn cuộn cháy ở phía sau đuôi, đạn súng cối, hỏa tiễn địch quân liên tiếp pháo vào, những chuỗi dài nối tiếp nhau chớp sáng của tạc đạn nổ long trời, cát bụi tung bay mù mịt cả bốn bề.
Con tàu sau vài giây đồng hồ mới chịu đứng yên, chấp nhận ngày cuối cùng của đời mãnh long trên ngọn đồi xa lạ này. Lửa đã cháy dữ dội hơn, một số Biệt Động Quân còn sống sót chạy tràn ngập ra phía trước phòng lái, tìm cách thoát ra ngoài. Đại Úy Cầu cảm thấy đau đớn nhức nhối ở gót chân mặt nhưng vì sự sống còn, anh cố gắng lết ra từ phía bên trái cửa sổ phi cơ. Bên ghế phải Đại Úy Hùng đang bị buộc chặt vì dây an toàn bị gãy chốt, ghì chặt anh vào thành ghế với áo giáp, súng đạn mang lỉnh kỉnh bên hông, lại bị lính Biệt Động Quân chen lấn thoát thân đè chặt anh xuống ghế, lửa đã cháy sát bên lưng, sức nóng hừng hực của cả ngàn lít dầu JP-4 táp vào mặt, anh cảm thấy gần như tuyệt vọng.
Trong lúc đó một anh lính Biệt Động sau cùng vừa trèo lên để chui ra thì bị một mảnh đạn pháo kích trúng vào đầu bị thương ngã người lại phía sau, tay anh lính níu chặt lấy chiếc gối nệm phía sau lưng Đại Úy Hùng để khỏi ngã quỵ xuống sàn tàu, chiếc gối sút ra văng xuống theo tay anh lính. Nhờ cơ hội may mắn hiếm hoi này, Đại Úy Hùng lòn mình thoát ra được từ phía lỗ trống trên nóc phòng lái. Trung Sĩ Hoàng nhờ Trời, Phật che chở nên chui ra ngoài được an toàn trước khi phi cơ phát nổ.
Tất cả những anh em thoát chết đều cố gắng bò nhanh xuống hầm trú ẩn gần đó, đạn pháo vẫn tiếp tục rú lên trong gió gây ra những âm thanh thật kỳ dị nghe như tiếng ma tru, quỷ rống rợn cả người. Lửa cháy phi cơ soi sáng cả góc trời, có lẽ giờ phút đó dưới chân đồi trong các hang hóc chằng chịt, loài quỷ đỏ đang ăn mừng nhảy múa bên các vong linh oan hồn mà chúng vừa mới sát hại.
Trung Tá Ngôn cho anh em Biệt Động Quân ra khiêng Đại Úy Cầu vào băng bó, kiểm điểm quân số phi hành đoàn không thấy Thượng Sĩ Tranh, mọi người nghĩ rằng anh đã chết. Sáng hôm sau mọi việc tương đối yên lặng, anh em lần mò bò ra phi cơ để lấy xác vì có rất nhiều quân nhân Biệt Động đã bị súng phòng không của Việt Cộng bắn chết trong lúc đáp, cũng như bị thương chạy ra ngoài không được bị chết cháy trong tàu. Phi hành đoàn nhận diện được dấu tích của Thượng Sĩ Tranh mặc dầu đã bị cháy tan biến, nhưng thẻ bài kim loại và súng đạn anh mang theo, cho biết rằng anh đang đứng gần cửa phía sau thân tàu, có thể anh bị đạn phòng không chết trước khi đáp. Đại Úy Hùng thu nhận cẩn thận tất cả thân xác còn lại của anh chờ ngày mang về để mai táng.
Khoảng ba ngày sau, phi hành đoàn được báo là sẽ có một phi hành đoàn UH-1 vào rước về, mọi người thức suốt đêm chờ đợi sau cùng được báo là phi vụ cứu cấp bị lộ nên bãi bỏ, không thể nào rước các anh ra được. Những giờ phút ở đây thật dài vô tận, những giấc ngủ chập chờn, tử thần luôn luôn rình rập, ranh giới giữa sự sống và chết gần như lẫn lộn không giới tuyến rõ rệt. Các anh lính Mũ Nâu anh hùng chiến đấu thật cô đơn, cam khổ, đạn pháo địch ngày đêm từng chập không ngơi nghỉ, tiếng trống, tiếng loa của loài quỷ đỏ vẫn hò hét, kêu gào dưới triền núi vọng lên như tiếng khóc than từ địa ngục. Những anh lính Biệt Động Việt Nam Cộng Hòa ngày đêm kìm chặt tay súng, núp sâu dưới lòng đất sẵn sàng đứng lên để đập vỡ cái mưu toan của chúng muốn biến nơi này thành mồ chôn tập thể.
Vào khoảng chín giờ tối của đêm thứ năm, Trung Tá Ngôn cho phi hành đoàn biết lệnh mật từ Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân là sẽ có người vào rước anh em trong giờ giao thừa của đầu năm Dương lịch. Mọi trách nhiệm và kế hoạch di tản được chuẩn bị đầy đủ. Trung Sĩ Hoàng sẽ cõng Đại Úy Cầu bị thương chân không đi được, Đại Úy Hùng sẽ ôm xác Thượng Sĩ Tranh cố gắng chạy nhanh ra tàu.
Bây giờ là 23 giờ 55 đêm 31 tháng 12, 1972, chỉ còn năm phút nữa là một năm mới sẽ ra đời. Trong những giây phút thiêng liêng này ở các quốc gia khác, người ta đang hạnh phúc sung sướng bên những ly sâm-banh sùi bọt, những lời chúc an lành, những nụ hôn ấm cúng, những dạ hội, những vũ điệu, những bài ca gần như bất tận trong đêm nay. Còn tại nơi đây, nơi một quốc gia nhỏ bé, một tiền đồn heo hút nằm giữa rừng hoang vắng, nơi mà những căm thù được dựng lên bằng những suy luận vô lý của hai ý thức hệ ngoại lai.Hỡi những người Việt Nam da vàng máu đỏ, tại sao?... Và tại sao?...
Tiếng động cơ trực thăng đã bắt đầu nghe rõ từ hướng Đông Bắc, như một thiên thần từ trời cao đang ngang nhiên tiến vào chiến tuyến giữa đêm trừ tịch để cứu người lâm nạn. Đạn lửa phòng không nổ ròn như pháo Tết, hỏa tiễn ì ầm rơi vào bãi đáp. Cộng sản đang làm lễ đăng quang để tiếp rước thiên thần đang giáng thế. Thật bình tĩnh với nụ cười ngạo mạn, Trung Úy Phát tự “Phát Sứt,” đã nhiều lần vào sinh ra tử khéo léo đặt con tàu vào bãi đáp một cách dễ dàng, bên ghế trái, hoa tiêu phụ là Trung Úy Bằng, một cựu Biệt Động Quân Biên Phòng, một người anh hùng luôn luôn đặt nặng trách nhiệm và bổn phận của tổ quốc giao phó trước sự sống còn của đời mình.
Đạn pháo kích vẫn tiếp tục rơi tới tấp, những cái chớp nhoáng, lập lòe gây ra một thứ ánh sáng cực kỳ man rợ. Trung Sĩ Hoàng hết sức khó khăn vất vả mới đưa được Đại Úy Cầu lên tàu. Đại Úy Hùng nhất quyết ôm chặt tro xác của Thượng Sĩ Tranh lần mò chạy theo sau. Phi hành đoàn đã lên tàu đầy đủ. Trung Úy Bằng đưa ngón tay lên trời ra dấu cho trưởng phi cơ Trung Úy Phát sẵn sàng cất cánh. Như một con chiến mã thật hiên ngang nhảy vọt lên không trung, chỉ trong tích tắc sau đó đã lặng lẽ biến mình trong màn đêm dày đặc.
Xin giã biệt Tống Lệ Chân, giã biệt những anh hùng Mũ Nâu Biệt Động. Qua tần số radio của đài phát thanh Sàigòn, chuông kiểng nhà thờ đã rộn rã khua lên từng hồi để chào đón một năm mới vừa ra đời.
Các anh: Cầu, Hùng, Hoàng và vong linh của Thượng Sĩ Tranh, cũng như phi hành đoàn UH-1 cấp cứu, anh Phát, anh Bằng... Hôm nay tôi viết bài này để nhắc nhở những thành tích oanh liệt, can trường của các anh. Các anh là những anh hùng của Không Quân nói riêng và của quân đội Việt Nam Cộng Hòa nói chung. Vì vận nước không may các anh đã chia tay nhau mỗi người mỗi nẻo khắp nơi trên thế giới, nhưng “tinh thần Tống Lê Chân” của trên hai mươi ba năm về trước các anh đã thể hiện được tình huynh đệ chi binh, quên thân mình để cứu giúp đồng đội, chiến hữu. Tôi cầu nguyện và chúc lành các anh em gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc trong quãng đời còn lại.
Riêng Thượng Sĩ Tranh, tôi xin thành tâm khấn vái và cầu nguyện cho vong linh anh được yên lành trong thế giới vĩnh cửu, hãy vui trong giấc ngủ bình yên...
Nguyễn Văn Ba
Cựu Lôi Thanh II/Phi Đoàn 237