51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Sáng ngày 26 tháng tư, 1975, như đã hẹn trước với ông Hampton, Đại diện Tổng lãnh sự Mỹ tại tỉnh Biên Hòa, tôi đưa ông xuống thăm đồng bào tị nạn chiến cuộc tại Làng Cô nhi Long Thành, để ông khoản đải bia cho toán khoan giếng vì đã khoan giếng xong trước thời hạn dự liệu.Tiển ông về, tôi di chuyển thẳng xuống khu khẩn hoang, lập ấpThái Thiện, Long Thành để xem xét việc tiếp nhận và phân phối gạo cho hai vạn đồng bào di dân tại nơi đây. Vì trên danh nghĩa, tôi là chỉ huy trưởng Khu Khẩn Hoang, Lập Ấp nầy nên Thiếu tá Lợi, Liên đoàn trưởng LĐ Địa phương quân, chịu trách nhiệm yếu điểm quân sự nơi đây trình bày: “... Liên đoàn hiện nay đóng cheo leo nơi đây. Nếu Việt Cộng đánh bứt ngang Quận Long Thành thì 2 tiểu đoàn của ông đứt mất đường về...” Vì vậy, ông nhờ tôi trình với Đai tá Tỉnh trưởng cho LĐ rút về tăng cường bảo vệ Quận lỵ Long Thành phải hơn.Tôi nghe ông nói là hiểu liền, có điều có hai điều nan giải:
Một là, nếu Liên đoàn mà rút đi, bọn du kích địa phương tràn vô tàn phá, sát hại dồng bào thì làm thế nào?
Hai là, nếu LĐ mà rút thì 20 ngàn đồng bào sẽ kéo theo, sự thể sẽ giống như Lưu Bị rút binh khỏi thành Tân Dã, vừa rút quân vừa đèo theo hai vạn dân, lếch thếch tràn vào quận lỵ Long Thành hiện cũng đã tràn ngập đồng bào tị nạn thì nơi đó chắc chắn sẽ hỗn loạn.
Cho nên tôi cũng ừ ào cho ông bạn Lợi yên lòng, chớ trong bụng thì cũng đành coi hai tiểu đoàn của ông giống như tình trạng chiếc đồn côi Dân vệ ngày trước ở tỉnh Chương Thiện, tự lực cánh sinh khi đêm bị vc tấn công, ngoài tầm pháo cũng không phi yểm!
Về sau, đúng y như vậy, ngày 30 tháng tư, hai tiểu đoàn dựa lưng, giá súng tan hàng!Xế chiều, nhìn lực lượng Dù từ phía Bà Rịa lũ lượt kéo pháo rút về, thấy lời nói của Thiếu tá Lợi càng thêm xác đáng.
Về tới nhà, cơm nước vừa xong, chưa được nghỉ ngơi thì điện thoại lại reo. Tin báo, một số đồng bào tị nạn từ Trảng Bôm mới kéo về tới trụ sở xã Bình Trước. Lại phải ra tới nơi lo thu xếp. Vừa về tới nhà đã nghe điện thoại reo inh ỏi. Trung tâm hành quân Tiểu khu báo: Xe tăng vc đã vào Quận lỵ Long Thành.Tỉnh trưởng triệu tập phiên họp khẩn cấp, ban hành lệnh thiết quân luật 24/24, rồi ông đi bay để lo giải cứu Quận lỵ Long Thành đang bị xe tăng cs tràn ngập. Kéo hai ông cựu quận trưởng Công Thanh, lúc nầy là Tham mưu phó Tiểu khu và Đại úy Trưởng Ty NDTV qua nhà ngồi nhấm nháp chút thức ăn vừa bàn bạc tình hình. Hỏi: Liệu xe tăng cs xông vào được tỉnh lỵ không? TMP đáp: TK đã bố trí rào cản và commando car tại các yếu điểm, bọn nó có vào cũng phải đổ máu.Sáng 27/4, ông Tỉnh trưởng gọi qua, bảo: Quận trưởng Long Thành và toán nghĩa quân cố thủ Dinh quận, dùng ống phóng M72 mà hạ được 5 chiến xa vc, rồi bị thương, rút vào căn cứ ĐPQ cầm cự. Ông đã cho trực thăng bốc được mấy thầy trò bị thương về Tổng y viện cộng hòa rồi. Bây giờ ông yêu cầu tôi cho xuất quỷ ứng trước 500 ngàn để lo công việc và ra thông cáo bãi bỏ lệnh thiết quân luật cũng như kêu gọi công chức đi làm việc bình thường vào sáng thứ hai 28/4/75.
Mọi chuyện tưởng im xuôi, nào ngờ chập tối ngày 27/4 lại có chuyện. Phòng viển thông gọi báo: Tỉnh đoàn cán bộ XDNT phụ trách cứu trợ đồng bào tị nạn chiến cuộc ở Làng Cô nhi Long Thành kêu cứu. Tôi vẫn đặt chiếc máy truyền tin TR20 trên xe nên mở liên lạc trực tiếp. Tỉnh đoàn phó tường trình: Đại úy Tỉnh đoàn trưởng lái xe ra bên ngoài quan sát, bị chiến xa vc ủi lật bên đường không biết tình trạng ra sao? Lực lương Dù đóng chặn ở ngả ba cầu Nước Trong đã rút đi. Bây giờ Tỉnh đoàn nằm chơ vơ không ai bảo vệ, lại thêm xe tăng vc chạy ào ào bên ngoài vòng rào.
Tỉnh đoàn gồm trên 150 cán bô, trước tình cảnh như vậy, tôi quyết đoán không kịp chờ xin lịnh tỉnh trưởng:
Lệnh cho tỉnh đoàn cuốn súng, tuần tự len lỏi vào đám đông đồng bào tị nạn rút về tỉnh. Để tránh ngộ nhận lại phải phái một toán cảnh sát dã chiến và xe cộ ra ngã ba Vũng Tàu đón nhận, tập họp đoàn cán bộ di chuyển về tỉnh.Mười giờ đêm hôm ấy, toàn bộ tỉnh đoàn cán bộ XDNT về tới trụ sở còn nguyên vẹn!
Mười một giờ đêm, vừa về đến nhà đã nghe điện thoại reo. Phòng viển thông báo: Trung đội Nghĩa quân xã Phước Tân lại kêu cứu. Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao anh em đó không gọi chi khu Đức Tu. Đáp: Không liên lạc được chi khu.Tôi gọi trung tâm hành quân Tiểu khu, yêu cầu liên lạc, xin lịnh Tiểu khu trưởng thì nơi đây cũng không liên lạc được. Lại gọi Tham mưu rưởng Tiểu khu thì ông nầy vừa rên khừ khừ vừa bảo ông bịnh quá rồi, lại không dám quyết định việc gì. Trước sự thể như vậy, vì sinh mạng của trên ba chục Nghĩa quân, tôi cắn răng làm liều, mở máy liên lạc thẳng, hỏi: Tình trạng các cậu bây giờ ra sao rồi? Đáp: Xe tăng T54 vc đang chạy rì rầm trên đầu dốc 47. Nó mà đổ xuống thì tụi em tiêu, xin thẩm quyền cứu giúp! Tôi từ tồn bảo: Được rồi, bây giờ nghe tôi nói cho rõ đây. Gở máy truyền tin, cho trung đội di chuyển cặp theo quốc lộ, nhưng không quá gần đám đông đồng bào tị nạn đang kéo đi trên mặt lộ. Ra tới ngả ba Bến Gỗ phải quẹo vô đồn An Hòa Hưng tạm trú. Tuyệt đối không được đi thẳng ra ngả ba Vũng Tàu. Lực lượng Dù ngộ nhận bắn chết đó. Nghe rõ chưa? Đáp nhận rõ. Rồi, thi hành đi!Sáng ngày 28/4, từ văn phòng nhìn về phía núi Châu Thới, chiếc trực thăng đang quần đảo, phóng rocket ì ầm, yểm trợ lực lượng dù đánh dẹp chốt đặc công vc ở chân núi. Xế trưa, chợt thấy anh Phụ tá hành chánh, hớt ha, hớt hải bước vô, chẳng nói, chẳng rằng, lấy bloc note viết: Đại tá bảo ông Phó đi gấp qua Dĩ An, xe tăng vc đã vượt qua phòng tuyến Trảng Bôm rồi! Tôi lặng lẽ lên xe rời khỏi nhiệm sở, đâu biết rằng đây là lần cuối cùng bước ra khỏi chỗ làm việc từ hai năm qua.
Đêm qua, vừa ký cái thông cáo gọi công chức di làm việc, bây giờ lại lặng lẽ ra đi nên không đành dạ, đành một lần nữa làm liều: Gọi máy lệnh cho công chức các Ty sở trở về nhà “chờ lệnh mới?!”Đường ra xa lộ kẹt cứng vì đồng bào tị nạn kéo đi lũ lượt về phía tỉnh lỵ, lại thêm pháo vc nỗ ì ầm về phía văn phòng Quận Đức Tu. Mãi mới ra tới ngả ba Vũng Tàu. Nhìn về Bộ chỉ huy vùng 3 sông ngòi ở bên dưới cầu Đồng Nai, pháo vc đang nỗ dập tưng bừng. Hỏi anh em quân cảnh đang làm nút chặn ở ngả ba Vũng Tàu thì được biết: Từ nửa đêm tới giờ vc tiền pháo, hậu xung hai, ba bận mà BCH vùng 3 sông ngòi vẫn còn giữ vững được. Đang phân vân chưa biết tính sao để vượt qua cầu thì may sao một chiếc M113 ở phía Trảng Bôm đang chạy tới, bèn cho xe dọt kè theo qua cầu. Từ trên cầu Đông Nai nhìn xuống: Trên nóc bằng văn phòng VP/BCH/V3SN, một anh lính hải quân, đầu không nón sắt, mình không áo giáp, không công sự che chắn, không người tiếp đạn, một mình đơn côi, ghìm khẩu đại liên 12ly7, mắt đăm đăm nhìn về phía quân thù trong khi đạn pháo địch nỗ tung gạch ngói trước mặt. Trông anh lẫm liệt, quyết ý đem dây đạn cuối cùng đổi mạng với quân thù, bảo vệ danh dư người lính QLVNCH thế thôi!Về tới Quận Dĩ An đã quá trưa, nhờ Chi khu gọi máy liên lạc Tỉnh trưởng mãi mà không được. Đợi đến xế chiều đành ra xã Bình An, định bụng đánh liều quay về tỉnh xem sao?
Ra tới nơi, thấy Trung úy cuộc trưởng, cuộc cảnh sát Bình An đang đứng bên rào cản, chận xe dừng lại, báo: Chốt đặc công vc mới được đơn vị Dù càn quét còn chưa xong, ông Phó một mình đi qua thật nguy hiểm. Xin chờ xem xét kỹ rồi sẽ liệu.
Những người lính Phước Long chạy lên Quảng Đức về tới phi trường Biên Hòa ngày 12/1/1975
Đứng trên đầu dốc Châu Thới, nhìn về phía phi trường Biên Hòa, pháo vc nỗ ùng oằn, khói lửa tuôn cuồn cuộn! Nhìn về phía tỉnh lỵ, ánh nắng chiều tà thoi thóp trên thành phố thân yêu bên kia sông Đồng Nai đang trong cơn hấp hối, thật não lòng!
Mười một năm về trước, khi đến xứ nầy là một thanh niên 27 tuổi, hăm hở với ước mơ góp phần xây dựng nơi đây là một vùng đất vốn trù phú và thịnh vượng, ngày càng thêm thịnh vượng. Ngày nay, ở tuổi trung niên, chịu trách nhiệm điều hánh công việc hành chánh trong vùng, đành bất lực nhìn về tỉnh lỵ đang chìm dần vào tăm tối.
Lần nầy, quay lưng đi là bỏ lại đàng sau bao nhiêu mộng ước chưa thành! Lòng buồn bã mường tượng tình cảnh ngày xưa, giặc Pháp đánh chiếm ba tỉnh Miền Đông:
“Bến Nghé, của tiền tan bọt nước
Đồng Nai, tranh, ngói nhuộm màu mây“Nguyễn Nhơn(Tháng Tư, nhớ Quê hương Biên Hòa, thời lập nghiệp )