Saturday, March 30, 2019

Đêm nhớ về thời chinh chiến - Truyện ngắn của Nguyễn Thế Thăng | Nghe Tr...

Kỷ niệm với Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp

Đầu năm 2017, tôi vào Buôn Ma Thuột, đến thăm ông Huỳnh Văn Cần, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (khóa Vl, Vll), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (1971-1997). Khi biết tôi là người thể hiện cuốn Ký ức Tây Nguyên của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, ông rất vui.
Đồng chí Trần Thế Môn bàn giao chức Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên cho đồng chí Đặng Vũ Hiệp (20/11/1973).
Tôi muốn ghi lại kỷ niệm của ông với Tướng Hiệp một thời gian dài hai người cùng ở một chiến trường gian khổ, khó khăn nhất ở miền Nam. Mấy năm nay sức khỏe ông Cần suy giảm nhiều do bị ung thư tiền liệt tuyến, nên ông kể không liền mạch. Nhưng qua đó tôi cũng có thể biết được tình cảm của ông dành cho Tướng Hiệp...Lần đầu tiên tôi được gặp anh Đặng Vũ Hiệp vào cuối năm 1967, sau khi ta giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Đắk Tô 1. Lúc này, tôi làm Chính trị viên Tỉnh đội Đắk Lắk, anh Hiệp làm Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Tây Nguyên. Ấn tượng đầu tiên gặp anh: dáng người dong dỏng, gương mặt thanh tú, nho nhã như một trí thức, lúc nào cũng đeo cặp kính cận sẫm màu, tính tình cởi mở, thẳng thắn. Gặp tôi anh hỏi:
- Anh Cần quê ở đâu?
- Quê tôi ở Phổ Ninh, Đức Phổ, Quảng Ngãi.
- Ở Tây Nguyên, nhiều cán bộ quê Quảng Ngãi phải không?
- Quảng Ngãi cũng có, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam và cả Thừa Thiên Huế cũng có nữa anh ạ.
Rồi anh hỏi tình hình của tỉnh, anh đặc biệt quan tâm đến các cháu người dân tộc thiểu số:
- Tỉnh đã có chủ trương gì đối với mấy trăm cháu con em dân tộc chưa?
- Điều kiện của tỉnh anh biết rồi đó, muốn tổ chức cho các cháu học tập cũng rất khó khăn.
Suy nghĩ một lát rồi anh nói:
- Thế này nhé, anh về lựa chọn 30 đến 40 cháu tuổi 14, 15 có sức khỏe gửi về Bộ Tư lệnh. Trên này có trường sẽ mở lớp dạy văn hóa cho các cháu. Số còn lại các anh phải tổ chức để các cháu có cái chữ. Khó khăn mà làm được thì mới quý, anh Cần ạ.
Năm 1968, tỉnh Đắk Lắk lựa chọn 50 cháu tuổi từ 13 đến 16, cả nam lẫn nữ, gửi về Mặt trận học văn hóa. Số này về sau có người trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, một số trở thành ca sĩ như R'Chăm Peng, Y Mau…
Năm 1969, tôi bị bệnh, được trên cho ra Bắc điều trị. Trước khi ra Bắc, tôi qua Bộ Tư lệnh, gặp anh Hiệp, anh em nói chuyện cả một buổi tối, anh viết thư cho chị Quý - vợ anh và các con. Trong thời gian điều trị tại Viện quân y 108, tôi đến nhà riêng của anh tại số 7 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội. Chị Quý, người Đình Bảng, Bắc Ninh là một nhà giáo đôn hậu. Anh chị có hai người con trai và một cô con gái. Các cháu đều ngoan, học giỏi. 
Chiến dịch Tây Nguyên, tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, được tham gia một số cuộc họp với Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên mà anh Hiệp được cử làm Chính ủy.
Tháng 2/1975, Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk quyết định chọn những cán bộ các ngành ở tỉnh và thị xã để thành lập một Đội vận động chính trị gồm 81 người, có Ban Chỉ huy chung, do anh A Ma Oanh - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột trực tiếp chỉ huy. Nhiệm vụ chính trị của đội này là lãnh đạo nổi dậy giành quyền làm chủ tiếp sau đòn quân sự, theo bốn yêu cầu: "Ổn định tư tưởng quần chúng; động viên quyết tâm giải phóng trọn vẹn thị xã; động viên quần chúng nhân dân không chạy theo địch mà phải bám lại nhà; tham gia xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở, huy động một bộ phận thanh niên tham gia chiến đấu". Thường vụ Tỉnh ủy đã bàn cụ thể các mặt về công tác đánh địch, mở dân tiếp quản thị xã Buôn Ma Thuột, đồng thời quyết định thành lập Ủy ban Quân quản do anh Y Blốc E Ban - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk làm Chủ tịch, anh Lê Chí Quyết - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Bí thư Đảng ủy Quân quản.
Sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi gặp anh Hiệp, anh nói: “Một thị xã đông dân vừa được giải phóng với bao công việc bộn bề, nhưng Tỉnh ủy đã nắm chắc nhiệm vụ nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, đó là việc làm rất tốt. Về hướng phát triển của chiến dịch, tỉnh đã huy động hàng trăm lái xe và 250 xe tải, xe ca phục vụ bộ đội chủ lực tiến công về vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vào Nam Bộ. Thay mặt Bộ Tư lệnh chiến dịch xin cảm ơn Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, cảm ơn anh Cần”.
Năm 1985, kỷ niệm 10 năm giải phóng Buôn Ma Thuột, mấy ngày này, Buôn Ma Thuột tưng bừng trong ngày hội lớn chưa từng có trên cao nguyên này. 30 nghìn người đã tham gia một cuộc diễu hành lớn, hơn 17 nghìn nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã kéo về Buôn Ma Thuột. Sau đó là cuộc đua voi, cuộc liên hoan văn nghệ dân gian có hàng trăm ghè rượu cần… Buổi tối, pháo hoa đã nổ bung trên bầu trời thị xã.
Đêm trước ngày lễ chính thức, tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk có cuộc gặp gỡ, hầu như có gần đủ mặt các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 và nhiều đồng chí cựu chiến binh của chiến trường Tây Nguyên. Anh Đặng Vũ Hiệp giới thiệu từng người trong Bộ Chỉ huy chiến dịch năm xưa và các vị khách theo phong cách của lính "B3", nghĩa là mọi người được giới thiệu với cả tên và những biệt danh của họ. Đồng chí Trương Cao Dũng - lão thành cách mạng từ những năm kháng chiến chống Pháp, được bộ đội Tây Nguyên thân mật gọi là "Book Dũng" – được anh Đặng Vũ Hiệp giới thiệu: “Khi chúng tôi vào Tây Nguyên, đi tới các làng bản cứ phải tự xưng là bộ đội của Book Dũng mới được chén”. Đến lượt anh Phạm Hàm, khi anh Đặng Vũ Hiệp nhắc lại cái biệt hiệu "Hàm trên" và nói thêm: "Khi thấy anh Hàm xuất hiện thì cả Bộ Tư lệnh chiến dịch yên tâm, vì anh Hàm lo việc bảo đảm vật chất cho chiến dịch và anh có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Vì thế chúng tôi gọi anh là "Hàm trên" để phân biệt với anh Phí Triệu Hàm - Phó Chính ủy chiến dịch. "Hàm trên" mà vững thì bộ đội ta cứ việc yên tâm ăn no đánh thắng"...
Mọi người lặng đi đôi chút khi nghe anh Hiệp nhắc đến sự vắng mặt của một số đồng chí, trong đó có anh Kim Tuấn - nguyên Phó Tư lệnh chiến dịch, Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên. Những người đã hy sinh lần lượt được anh Hiệp nhắc tới với tất cả nỗi nhớ thương và biết ơn.
Không khí buổi họp mặt đang có vẻ lắng xuống thì anh Nguyễn Tuyến -Văn phòng Bộ Quốc phòng - liền đứng dậy với một chiếc máy ghi âm trên tay. “Thưa các anh, - anh Tuyến trịnh trọng mở đầu: - Hôm nay nhân có cuộc họp mặt đông đủ của các đồng chí nhiều năm chiến đấu ở Tây Nguyên và có mặt gần đủ các anh trong Bộ Chỉ huy chiến dịch, được sự đồng ý của Đại tướng Văn Tiến Dũng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi xin mời các anh nghe lại một đoạn băng ghi âm ghi tại Sở Chỉ huy chiến dịch vào buổi sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975”.
Từ trong máy bắt đầu vang lên cuộc đàm thoại giữa Đại tướng Văn Tiến Dũng - Đại diện Bộ Chính trị tại Chiến trường với Trung tướng Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh chiến dịch. Đó là lúc trận đánh đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất, bộ đội ta đã tiến vào thị xã nhưng chưa chiếm được những mục tiêu quan trọng. Ở Bộ Chỉ huy chiến dịch hẳn mọi người nghe rõ tiếng súng, vậy mà giọng nói hai người vẫn bình thản, tự tin. Đến khi chiếc máy trên tay anh Tuyến ngừng phát mà mọi người vẫn ngồi lặng đi.
Một lát sau anh Hồng Hà - Tổng biên tập Báo Nhân dân quay lại với anh Hoàng Minh Thảo: "Đây là một tài liệu quý, một bằng chứng sống về trận Buôn Ma Thuột đấy anh Thảo ạ! Tôi không ngờ các anh còn giữ được những hiện vật quý giá đến thế".
Anh Đặng Vũ Hiệp quay sang tôi nói:
- Nói đến hiện vật quý về Buôn Ma Thuột, phải kể đến chiếc xe tăng 945 mà các anh đã đưa lên tượng đài đặt ở Ngã Sáu. Một đài kỷ niệm như vậy vừa giản dị, vừa sống động và có sức gợi nhớ kỷ niệm. Thú thực, khi nhìn chiếc xe tăng ấy, tôi vô cùng xúc động.
Tôi nói với anh Hiệp:
- Còn một khu di tích nữa chúng tôi chưa làm được, đó là Sở Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên.
- Anh cứ yên trí, - anh Hiệp đáp. - Chúng tôi đã bố trí chương trình rồi. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi đối với lịch sử...
Tôi gặp anh Đặng Vũ Hiệp lần cuối cùng vào trung tuần tháng 3 năm 2008, khi anh nằm điều trị ở Bệnh viện 108. Anh bị căn bệnh hiểm nghèo. Bao giờ cũng vậy, cứ gặp là anh nhắc lại những kỷ niệm ở Tây Nguyên.
Anh kể với tôi, những lúc rảnh rỗi anh thường lấy cuốn hồi ký Ký ức Tây Nguyên ra đọc.
Ngày 11/4/2008, anh Đặng Vũ Hiệp, trái tim vị Tướng trân mạc lẫy lừng ở Tây Nguyên đã ngừng đập.
Để ghi nhớ công lao của anh, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã lấy một con đường mang tên Đặng Vũ Hiệp.
Huỳnh Văn Cần (kể) - Lê Hải Triều(ghi)