ố phận của viên Cố vấn John Paul Vann
16:55 30/04/2014
Theo Lý Tòng Bá, trước khi trực thăng bị bắn, Vann đã liên lạc với Bá, cho biết khoảng 10 phút nữa sẽ hạ cánh xuống sân tư dinh của Bá, và Bá đã ra lệnh cho lính đốt lửa đánh dấu vị trí bãi đáp. Lý Tòng Bá kể: "Tôi nghe thấy một tiếng nổ rồi sau đó tần số truyền tin giữa tôi và cố vấn Vann mất hẳn, lúc đó là 9h20 tối".
>> Tướng John Paul Vann và cái giá phải trả của sự hiếu thắng
>> Tướng John Paul Vann và cái giá phải trả của sự hiếu thắng
Gậy ông đập lưng ông
Một tuần lễ sau khi Lê Đức Đạt nắm quyền tư lệnh Sư 22 thì Quân Giải phóng bắt đầu có những đợt tiến công thăm dò tại Tân Cảnh. Theo tin tình báo của Quân đoàn 2, lực lượng Quân Giải phóng gồm hai sư đoàn là Sư đoàn 2 có nhiệm vụ cầm chân Sư 22 ở Tân Cảnh để Sư 320 đánh vào Kontum. Lúc này, tướng Cao Văn Viên tăng cường Lữ đoàn 2 Dù cho đại tá Đạt.
Ngay lập tức, Ngô Dzu ra lệnh cho lữ đoàn này thành lập 2 căn cứ hỏa lực với mật danh Charlie và Delta - mỗi căn cứ là một tiểu đoàn ở dãy núi phía tây sông Pô Cô nhằm ngăn chặn bước tiến công của Quân Giải phóng.
4h sáng ngày 3/4/1972, Sư 320 Quân Giải phóng nổ súng đánh căn cứ Delta. Đến chiều, lính dù hết đạn, hết thuốc men và nước uống. Trực thăng vào tiếp tế liên tục bị bắn rơi, thương binh và xác chết không mang ra được. Ngày 14/4, Sư 320 mở tiếp cuộc tiến công vào căn cứ Charlie.
Ngay những phút đầu tiên, một quả pháo 122 ly đã bắn trúng hầm chỉ huy của trung tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Dù khiến Bảo và một số sĩ quan chết tại chỗ. Những người còn lại không kịp lấy xác Bảo, bỏ chạy về căn cứ Võ Định.
Cái tin Charlie thất thủ, trung tá Nguyễn Đình Bảo cùng nhiều sĩ quan tử trận đã khiến Trần Quốc Lịch, đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Dù điếng người. Điện thoại cho Vann, Lịch lắp bắp: "Ông Vann, chúng tôi mất Charlie rồi". Đầu dây bên kia, Vann cười ha hả: "Đừng lo".
Vài phút sau, "ông cố vấn" xách chai whisky qua sở chỉ huy của Trần Quốc Lịch: "Lính của ông đã chiến đấu rất tốt. Tôi sẽ đề nghị ông Thiệu cho ông lên chuẩn tướng. Bây giờ ông hãy xem hiệu quả "bẫy B-52" của tôi".
Bên cạnh đó, Vann nói với các sĩ quan chỉ huy Quân đoàn 2: "Đấy, quý vị thấy chưa? Bây giờ Sư 320 Bắc Việt đã lộ diện rồi. Các ông hãy ra lệnh cho binh lính nếu nghe bom B-52 nổ gần thì đừng sợ mà chỉ cần bịt chặt hai tai, không hít vào, chỉ thở ra để tránh vỡ phổi".
Ngày 14/4, Vann cho 9 máy bay B-52 ném bom hủy diệt căn cứ Charlie khiến số sĩ quan, binh lính của Tiểu đoàn 11 Dù bị thương còn nằm lại, chết tan xác. Một bộ phận thuộc Sư 22 ở gần đó không chạy kịp cũng chịu chung số phận trong lúc Sư 320 Quân Giải phóng sau khi đập tan căn cứ Charlie, đã rút hết ra ngoài. Cái “bẫy B-52" của John Paul Van trở thành gậy ông đập lưng ông!
Ngày 20/4, ở phía bắc, Quân Giải phóng uy hiếp nặng nề mặt trận Quảng Trị nên tướng Cao Văn Viên ra lệnh rút Lữ đoàn 2 Dù để tăng cường cho Quảng Trị khiến Ngô Dzu lúng túng, nhất là khi những toán viễn thám, biệt kích báo về, rằng hàng đêm họ nghe rất rõ tiếng xe tăng của đối phương di chuyển.
Nhận được những báo cáo này, Trịnh Tiếu trình lên Ngô Dzu và Vann. Ông Tiếu kể: "Tướng Dzu tin vào lời trình bày của tôi nhưng Vann lại hoài nghi. Ông ta cho rằng đó chỉ là những xe bọc thép hạng nhẹ, loại PT76 vì chiến xa T54 không thể nào đi từ miền Bắc vào đây được".
John Paull Vann trên trực thăng OH58, 3 ngày trước khi bị bắn rơi. |
Tuy nhiên "ông cố vấn" đã lầm. Khi biết tuyến phòng thủ phía tây bị bỏ trống thì ngay lập tức, Sư 2 và Sư 320 Quân Giải phóng áp sát Tân Cảnh với xe tăng T54 cùng tên lửa vác vai chống tăng AT3. Đây là hai loại vũ khí lần đầu tiên Quân Giải phóng sử dụng ở chiến trường miền Nam. Biết được tin này, Trịnh Tiếu đề nghị Ngô Dzu áp dụng ngay kế hoạch "bẫy B-52" mà Vann đã vạch ra.
Tiếu kể: "Khi tướng Dzu xin B-52 ném bom rải thảm, Vann từ chối vì trước kia, Lê Đức Đạt là người do tướng Dzu đưa lên làm Tư lệnh Sư 22 chứ không phải là đại tá Lê Minh Đảo như Vann yêu cầu". Thấy "ông cố vấn" lật kèo, Ngô Dzu nổi giận hét lớn: "Ông Vann, ông là bạn hay là kẻ thù của tôi?". "Ông cố vấn" chẳng nói chẳng rằng, quay lưng bước ra khỏi phòng họp rồi gọi phi công riêng, lấy máy bay đưa ông ta đi thị sát mặt trận bắc Bình Định.
Thời gian này, mặt trận bắc Bình Định cũng phải chịu những áp lực nặng nề. Đại tá Trần Hiếu Đức, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 40 thuộc Sư 22 được Ngô Dzu chỉ định làm Tư lệnh chiến trường, chịu trách nhiệm bảo vệ 3 quận Hoài Ân, Bồng Sơn và Tam Quan.
Khi Sư đoàn 3 Quân Giải phóng bao vây quận Hoài Ân, John Paul Vann đã từ chối lời yêu cầu yểm trợ hỏa lực của đại tá Đức vì Vann cho rằng Quân Giải phóng chỉ "rung cây nhát khỉ". Chịu không nổi sức ép của Sư 3, Trần Hiếu Đức ra lệnh bỏ quận Hoài Ân để dồn về cố thủ quận Bồng Sơn.
Phải coi chừng “Nixon ở Việt Nam”
Ngày 21/4/1972, John Paul Vann bay lên Tân Cảnh thăm đại tá Philip Kaplan, cố vấn cho Lê Đức Đạt. Tại hầm chỉ huy, mặc dù biết Vann không ưa mình, Đạt vẫn trình bày chi tiết về tình hình chiến trường với Vann, đồng thời xin Vann cho một tiểu đoàn dù vào nằm chung vành đai phòng thủ với bộ tư lệnh.
Nghe xong, "ông cố vấn" chọc cây gậy chỉ huy vào tấm bản đồ, nói bằng giọng mũi: "Chuyện tiểu đoàn dù là chuyện không bao giờ có. Đại tá Đạt, ông sẽ là tư lệnh đầu tiên làm mất sư đoàn vì bại trận, ông sẽ bị cách chức". Giận điên người, Đạt không thèm đếm xỉa đến lễ nghi quân cách gì nữa, ông ta ném điếu thuốc lá Craven A đang hút dở xuống đất, dùng mũi giày gí nát rồi cười khẩy: "Thưa ông cố vấn, việc đó sẽ không bao giờ xảy ra".
Ngày 23/4/1972, ngay từ sáng sớm, một tiểu đoàn của Sư 22 chạm súng với Quân Giải phóng, chỉ cách Bộ tư lệnh Sư 22 hơn 1km, đồng thời căn cứ Tân Cảnh bị pháo dồn dập bằng đủ loại hỏa lực. Theo lệnh của Lê Đức Đạt, 10 chiếc xe tăng M41 xông ra nhưng chỉ vài chục phút sau đó, 8 chiếc bị tên lửa vác vai AT3 bắn cháy, 2 chiếc còn lại đứt xích.
Một sĩ quan Mỹ là đại úy Kenneth Yonan cùng một lính của Sư 22 leo lên tháp nước trong căn cứ, dùng đại liên 12,7 ly chống trả cũng bị AT3 bắn khiến bồn nước nổ tung, cả hai chết tại chỗ. Đến 10 giờ tối, đơn vị địa phương quân ở một chốt phòng vệ cách Tân Cảnh 2 km về phía bắc, báo là đã đếm được 15 xe tăng T54 tiến về quận Đắc Tô.
2h sáng ngày 24/4/1972, đội hình xe tăng Quân Giải phóng từng bước bao vây Tân Cảnh. Nhận định Tân Cảnh sẽ thất thủ trước 7h sáng, Philip Kaplan liên lạc với John Paul Vann qua bộ đàm, yêu cầu trực thăng lên cứu. Nhằm tạo yếu tố bất ngờ, bãi đáp mà Kaplan đề nghị là một bãi đất nhỏ nằm sát cạnh bãi mìn phòng thủ. Khi trực thăng hạ cánh, Kaplan rủ Lê Đức Đạt cùng chạy nhưng viên đại tá này nhớ đến câu nhục mạ của John Paul Vann và phản ứng của mình nên Đạt từ chối bởi lẽ Đạt biết nếu thoát khỏi tay Quân Giải phóng thì cũng sẽ sa vào tay John Paul Vann - nghĩa là sẽ ra Tòa án Quân sự mặt trận vì tội bỏ chạy!
Một xe tăng M41 bị Quân Giải phóng tiêu diệt. |
4h20 sáng, trực thăng đưa Kaplan đi khỏi Tân Cảnh an toàn. Đến 6h, hai chiếc xe tăng T54 lọt vào trung tâm phòng thủ căn cứ Tân Cảnh. Một trong hai xe này bằng 3 phát đạn, đã bắn cháy hai xe tăng M41 của Lê Đức Đạt. Biết là không chống cự nổi, Đạt ra lệnh cho các sĩ quan và binh sĩ còn lại tìm cách thoát thân.
Hưng, một người lính mang máy truyền tin cho Đạt kể lại: "Khi chạy đến hàng rào thì bất ngờ một quả đạn pháo nổ gần ông Đạt. Xác ông bị dây thép gai cuốn mấy vòng vào người nên tôi không gỡ ra được".
Sau khi Tân Cảnh thất thủ, Tư lệnh Sư 22 mất xác, hầu hết bộ tham mưu sư đoàn và chỉ huy trưởng các cấp cũng như lính tráng hoặc chết, hoặc bị Quân Giải phóng bắt làm tù binh, chỉ một số rất ít chạy được về Kontum nên phòng tuyến kiên cố nhất để bảo vệ thị xã Kontum không còn nữạ.
Và thế là Ngô Dzu lăn ra ốm. Niềm tin vào cái "bẫy B-52" với chiến thắng vinh quang giờ biến thành thảm bại cay đắng bởi cú "lật kèo" của "ông cố vấn". Trong cơn tuyệt vọng, Dzu điều đại tá Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư 23 lên làm tư lệnh mặt trận Kontum rồi điện thoại cho Nguyễn Văn Thiệu, đề nghị cử người thay thế mình.
Theo Trịnh Tiếu thì: "Tại Sài Gòn, ông Thiệu và tướng Cao Văn Viên đã hỏi ý kiến nhiều tướng nhưng không ai chịu làm Tư lệnh Quân đoàn 2 vì họ biết đó là cửa tử. Cuối cùng, Thiệu phải dùng áp lực, buộc thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn lên Kontum".
Vẫn theo Trịnh Tiếu: "Tôi thấy tướng Toàn rất lo âu, mồ hôi nhễ nhại mặc dù khí hậu cao nguyên không nóng. Ông hỏi tôi: "Chúng ta có đủ khả năng giữ được Kontum không?". Căn cứ vào tình hình đã xảy ra tại Tân Cảnh, Trịnh Tiếu nói: "Thưa thiếu tướng, mặc dù địch có 3 sư đoàn gồm Sư 320, Sư 2 và Sư 968, ta chỉ có một Sư 23 nhưng nếu cố vấn John Paul Vann và thiếu tướng "hợp" nhau thì hy vọng giữ được".
Sau này Trịnh Tiếu mới biết câu trả lời của ông ta trùng hợp với lời khuyên của tướng Viên trước khi tướng Toàn nhậm chức: "Ông lên đó phải coi chừng cố vấn Vann. Tay đó là "Nixon đang ngồi ở Việt Nam" đó. Không theo y là không xong đâu".
Tan xác
Trước lúc lên Quân đoàn 2 làm cố vấn, John Paul Vann đã nổi tiếng vì thái độ hiếu thắng, trịch thượng hồi còn ở Quân khu 4. Vì vậy, phần lớn sĩ quan ở Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đều không ưa Vann. Một trong những người "không ưa" là trung tá Lê Bá Định, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 72 không quân chiến thuật.
Khi Vann nhận chức cố vấn Quân đoàn 2, đích thân Lê Bá Định lái trực thăng từ Pleiku xuống Nha Trang đón Vann. Trên máy bay, Định tự giới thiệu mình với Vann và mong rằng trong tương lai, sẽ có dịp cộng tác với "ông cố vấn". Hình như chỉ chờ có vậy, Vann lập tức miệt thị, nào là quân đội VNCH đánh đấm chẳng ra gì, sĩ quan thì ăn chơi, tham nhũng, lính thì chết nhát. Mới đụng địch đã la làng, cầu cứu phi pháo yểm trợ.
Tiếp theo, Vann quay sang công kích cánh không quân vừa bay vừa sợ chết, chỉ giỏi chở hàng lậu và săn bắn thú rừng. Gặp phòng không Việt Cộng là cho máy bay vọt tuốt lên cao, thả bom trật lất, đánh nhầm luôn đơn vị bạn!
Lúc đó, trực thăng đã vào không phận thị xã Pleiku, chuẩn bị hạ cánh xuống sân Bộ tư lệnh Quân đoàn. Dưới đất, quan chức Việt, Mỹ xếp thành hàng rào danh dự chờ đón "ông cố vấn". Lê Bá Định nói nhỏ với người cơ phó: "Ông đáp giùm tôi để tôi trị thằng này" và khi trực thăng vừa chạm đất, John Paul Vann chuẩn bị bước ra thì Lê Bá Định cũng theo sau.
Khi Vann khom người định xuống thì Lê Bá Định co chân, đạp một cú thẳng cánh vào mông "ông cố vấn" khiến Vann té chúi nhủi trước sự chứng kiến của tất cả những người ra đón rồi ngay lập tức, Lê Bá Định giơ tay ra hiệu cho người cơ phó cất cánh. Lúc trực thăng đáp xuống căn cứ không quân Pleiku, Lê Bá Định tháo cặp lon trung tá trên ve áo xuống, coi như tự mình cách chức mình!
Tối ngày 9/6/1972, sau khi dự một buổi tiệc tại Pleiku, John Paul Vann lên chiếc trực thăng OH58 bay về Kontum để gặp Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư 23. Trên máy bay, ngoài Vann và phi công, còn có một sĩ quan Mỹ. Khi bay đến gần đèo Chu Pao, trực thăng chở Vann trúng đạn Quân Giải phóng, nổ tung.
Theo Lý Tòng Bá, trước khi trực thăng bị bắn, Vann đã liên lạc với Bá, cho biết khoảng 10 phút nữa sẽ hạ cánh xuống sân tư dinh của Bá, và Bá đã ra lệnh cho lính đốt lửa đánh dấu vị trí bãi đáp. Lý Tòng Bá kể: "Tôi nghe thấy một tiếng nổ rồi sau đó tần số truyền tin giữa tôi và cố vấn Vann mất hẳn, lúc đó là 9h20 tối".
Ngay trong đêm, một toán lính đang đồn trú ở căn cứ 41, phía nam Kontum được lệnh đi tìm máy bay. Đến sáng, họ thấy xác chiếc trực thăng bị vỡ thành nhiều mảnh và ba tử thi cháy đen. Việc kiểm tra sau đó xác nhận một trong ba người chết là John Paul Vann.
Cũng trong sáng hôm đó, bản tin của Đài Phát thanh Giải phóng cho biết "lực lượng dân quân du kích Chu Pao đã bắn rơi một máy bay lên thẳng của đế quốc Mỹ, tiêu diệt toàn bộ những tên xâm lược Mỹ đi trên máy bay này"
Vũ Cao