THẢM SÁT MAN RỢ Ở XUÂN LỘC: BAO GIỜ CÔNG KHAI XIN LỖI NẠN NHÂN, TRỪNG PHẠT KẺ GÂY TỘI ÁC?
Posted by adminbasam trên 05/06/2016
Đôi lời: Nhân sự kiện Bob Kerry, xin được đăng lại một bài viết cũ… mà không cũ. Facebooker Tuấn Khanhbình luận: “Các loại gọi là trí thức XHCN vẫn thích đập đùi bôm bốp đòi người khác xin lỗi mình, trong khi mắt liếc xem trên cao có lưu tâm phận nô tài báo công của mình không. Thực tế và lịch sử vẫn có những thứ cần phải dập đầu xin lỗi thì họ làm ngơ. Sự đê tiện ấy không sao gột rửa sạch, dù đó là công thần chế độ, quan lại hay chỉ là thứ dân đen tập tành sống đời điếm nhục. Hèn hạ, ghê tởm không kể xiết!”
____
30-9-2015
Ngày 27-9-2015, hơn 40 năm sau vụ thảm sát đẫm máu sáng 21-4-1975 (9 ngày trước khi Sài Gòn thất thủ) tại ấp Phú Mỹ, xã Tân Lập, huyện Xuân Lộc (nay là ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh), làm hơn hai trăm thường dân thiệt mạng oan khốc, nhà thơ cựu tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch (Diễn Châu, Nghệ An; cựu phân đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 QĐNDVN) mới có cơ hội thăm lại người xưa, cảnh cũ, thắp nén nhang tạ tội cùng đồng bào.
Rưng rưng lệ, nghẹn ngào, cựu chiến binh Trần Đức Thạch cùng nhân chứng sống là ông Đàn, hiện là Ấp trưởng Phú Mỹ (kiêm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Xuân Lập, 34 tuổi đảng) hồi tưởng vụ thảm sát kinh hoàng. Vụ việc kinh hoàng hiện về như mới xảy ra hôm qua. Ngày ấy, ông Đàn 18 tuổi, cũng suýt thiệt mạng oan uổng.
Vụ thảm sát xảy ra trong bối cảnh Sư đoàn bộ binh số 18 QLVNCH vừa rút khỏi Phú Mỹ, đơn vị ông Thạch tràn vô ấp làm nhiệm vụ chốt chặn đối phương. Trước đó, trong một cuộc giao tranh khốc liệt tại Xuân Lộc, Trung đoàn 266 có hơn hai trăm rưỡi bộ đội tử trận. Cấp trên tuyên truyền: dân chúng vùng Xuân Lộc, Long Khánh, Hố Nai, Biên Hòa… đa số là công giáo di cư, chống cộng khét tiếng (thực tế tuyệt đại bộ phận dân Phú Mỹ theo đạo Phật)… Trên đường vô ấp, một bộ đội bị tàn quân phía VNCH (địa phương quân) bắn chết. Lập tức, bộ đội lùa dân chúng già trẻ, trai gái trong các nhà dân hai bên đường ra mặt đường, điên cuồng xả súng.
Từ bìa rừng cao su, nghe tiếng súng nổ, nhanh chóng tiếp cận hiện trường, trinh sát Thạch phát hiện vô số thường dân bị giết hại, máu chảy như suối ven đường, người bị thương, người còn sống rên la thảm thiết… lập tức yêu cầu đồng đội dừng bắn và chỉ huy dân ấp chở người bị thương ra Bệnh viện Suối Tre cấp cứu; di tản phụ nữ và trẻ em vô rừng để tránh bị sốc do hiện trường rùng rợn khủng khiếp; đàn ông 18-45 tuổi trong ấp tập trung đào hố chôn các tử thi ngay chiều cùng ngày (đào hố và chuyển tử thi ra hố trong chiều 21-4, trưa 22-4 lấp hố), dọn dẹp hiện trường. Không có máy đào máy xúc, phải dùng máy xới và người dùng xẻng đào chiếc hố sâu cỡ 0,7m để chôn lấp tập thể các nạn nhân. Trừ hơn một chục tử thi được người nhà sống sót nhận diện và mai táng riêng biệt ở chỗ khác, còn lại đều lấp trong hố này.
Ông Đàn nghẹn ngào kể, dân ấp có khoảng hơn một trăm rưỡi người thiệt mạng, còn lại là đồng bào chạy giặc từ thị xã Long Khánh, Sài Gòn… Có gia đình bị giết gần hết, chỉ may mắn sống sót duy nhất bé gái 3 tháng tuổi (hiện sống ở Sài Gòn). Có 3 gia đình 6-7 người/hộ, bị giết 4-5 người/hộ. Có gia đình đang núp trong hầm tránh đạn lạc tên bay, bộ đội kêu ra, chưa kịp ra thì bị quăng lựu đạn vô hầm. Sư cô già trụ trì ngôi chùa trước nhà ông Đàn chỉ vì xưng hô, gọi bộ đội là “ngài”, bị bắn xuyên từ ngực trái ra ngực phải. Một người đàn ông trên 50 tuổi, đang quỳ lạy van xin, vẫn bị kê AK bắn giữa trán. Một bé gái sát bên nhà ông Đàn, chừng hơn một chục tuổi, hoảng hốt kêu la thất thanh, bị bắn vỡ hàm (hiện ở Phú Mỹ). Anh du kích tên Nghê (hiện ở rẫy cách nhà ông Đàn 3km), đưa bộ đội về “giải phóng” quê hương, rụng rời khi biết cha đẻ cũng vừa bị sát hại. Có bà mẹ đang cho con bú, bị bắn chết, bé rơi từ ngực mẹ…
Trong cuộc hàn huyên cùng ông Đàn sáng 27-9-2015, ông Thạch nhờ ông Đàn điện mời ông Nghê đến nhà ông Đàn hội ngộ sau hơn 40 năm (sau vụ thảm sát, ông Nghê có cùng ông Thạch tổ chức khắc phục hậu quả và đưa ông Thạch về nhà nấu cơm ăn. Nhưng họ không còn tâm trí đâu để ăn), nhưng ông Nghê nói mắc đi đám cưới, cũng không đề nghị ông Thạch ở lại chờ hàn huyên.
Ông Đàn cho biết thêm, khi ông chạy đến ngã tư trong ấp, nơi xác người chất thành từng đống, cha Nghê chưa tắt thở. Liền đó, xã đội lệnh Nghê nộp lại súng, vì sợ Nghê trả thù.
Trong hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” (viết 2008), cũng như trong cuộc hàn huyên với ông Đàn, ông Thạch đều bộc bạch: lúc ấy, ngoài mục đích chôn lấp để tránh sốc tâm lý và ô nhiễm, còn có ý phi tang nhanh để bảo vệ danh dự “Bộ đội cụ Hồ”.
Hơn 40 năm đã qua kể từ buổi sáng kinh hoàng đẫm máu ấy, dân ấp chưa nhận được một lời xin lỗi, bồi thường từ phía quân đội cũng như nhà nước. Họ cũng chẳng biết (và chẳng dám) kêu oan ở đâu. Đặt vấn đề hỏi chuyện tổn thất của gia đình, họ sợ hãi lảng tránh…
Thảm sát tàn ác là điều khó tránh trong chiến tranh ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, tội ác quân đội Đức, Nhật, Liên Xô trong Thế chiến 2 đều đã được nguyên thủ các nước nọ lên tiếng thừa nhận và nói lời xin lỗi nạn nhân cùng hậu duệ họ. Một trong những kẻ trực tiếp chỉ huy vụ thảm sát thường dân ở Mỹ Lai (Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã bị tòa án Mỹ kết án.
Hơn 40 năm qua, vụ thảm sát đẫm máu man rợ ở Phú Mỹ vẫn trong bóng tối. Bao giờ hơn 200 oan hồn thường dân vô tội mới siêu thoát?