(Viết theo tài liệu của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, nhân dịp tưởng niệm Ngày Quốc Hận, 30 tháng Tư, 2017)
Ngày mùng 3 tháng 5/ 1974, thiếu tướng Homer D. Smith, tùy viên quân sự của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam -ông Graham Martin- viết văn thư chính thức cho Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, tư lệnh trận “đánh bứng gốc” Sư Đoàn 5 Việt Cộng, ca ngợi chiến thắng của tướng Khôi.
Trong văn thư đó có câu, “Nhân danh ông Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin, và cả cá nhân tôi nữa, tôi xin ca ngợi chiến công lẫy lừng Chuẩn Tướng vừa đoạt được trong cuộc hành quân mới rồi. Đây là lần đầu tiên sau Hòa Ước Ba Lê, tôi chứng kiến một cuộc hành quân được thiết kế tuyệt hảo, và được thực hiện cũng tuyệt hảo.”
Tướng Homer D. Smith
Tướng Trần Quang Khôi
Cuộc “hành quân tuyệt hảo” đó là trận đánh tróc gốc Sư Đoàn 5 Việt Cộng - trận đánh này thường được gọi là trận Đức Huệ, mặc dù cả hai giai đoạn giao tranh và chiến thắng đều không thực sự diễn ra tại Đức Huệ.
Đồn Đức Huệ nằm về phía Tây Bắc và cách Sài Gòn 56 cây số, do Tiểu Đoàn 83 Biệt Động Quân phòng thủ với quân số trên dưới 420 người.
Đồn chỉ cách biên giới có 6 cây số, khoảng cách lý tưởng để thực hiện chiến thuật “công đồn đả viện” cho những tiểu đoàn pháo binh Việt Cộng đặt cách biên giới 5, 7 cây số, vừa an toàn lại vừa đúng tầm pháo để đánh trận địa pháo trên những tọa độ chúng đã điều chỉnh, và cắt cử tiền sát viên pháo binh theo dõi.
|
Nguồn : From Cease-fire to Capitulation by Le Gro |
Vị trí của đồn Đức Huệ và của pháo binh Bắc Việt
Đêm 27 tháng Ba, 1974, một đại đội Đặc Công CS xâm nhập được vào bên trong Căn Cứ Đức Huệ; vào lúc 2 giờ sáng ngày 28 tháng Ba, chúng chiếm được một góc trong căn cứ. Ngay từ những phát súng nổ đầu tiên, Thiếu Tá Bảo bị thương ở chân, nhưng ông vẫn sử dụng máy truyền tin, gọi được 3 Đại Đội tác chiến bên ngoài gấp rút trở về. Tiểu Đoàn tập trung lại phản công quyết liệt.
Bên ngoài căn cứ, Sư Đoàn 5 CS (Công Trường 5) bao vây Đức Huệ bằng hỏa lực; pháo binh địch tập trung pháo kích vào căn cứ dữ dội. Bên trong căn cứ Biệt Động Quân và Đặc Công CS cận chiến giành nhau từng vị trí một, đánh nhau bằng lưỡi lê và lựu đạn. Đến sáng thì đại đội Đặc công CS bị quân ta tiêu diệt hết.
Tiểu Đoàn 83 BĐQ làm chủ tình hình bên, tổ chức lại phòng thủ chặt chẽ và sử dụng Pháo Binh của Tiểu Khu Hậu Nghĩa bắn yểm trợ hỏa lực chung quanh căn cứ. Trong khi đó, các Đại Đội tác chiến BĐQ bố phòng chặn đứng các đợt xung phong của các đơn vị bộ binh thuộc Sư Đoàn 5 CS. Hai bên giao chiến ác liệt ngày đêm không ngừng nghỉ.
Tiểu Đoàn 36 BĐQ do Thiếu Tá Lê Quang Giai chỉ huy, tăng phái cho Tiểu Khu Hậu Nghĩa, vượt sông Vàm Cỏ Đông ở Đức Hòa tiến về hướng Căn Cứ Đức Huệ, nhưng bị phục binh của các đơn vị thuộc Sư Đoàn 5 CS ở Giồng Thổ Địa thuộc xã Đức Huệ tấn công buộc Tiểu Đoàn phải thối lui lại gần bờ sông Vàm Cỏ.
Bộ Tư lệnh Quân Đoàn III điều động Bộ Chỉ huy Liên Đoàn 33 BĐQ do Trung Tá Lê Tất Biên phụ trách sang Đức Hòa cùng với Tiểu Đoàn 64 BĐQ do Thiếu Tá Nguyễn Chiêu Minh chỉ huy. Ngày 31-3-1974, Đại Đội 3 thuộc Tiểu Đoàn 64 BĐQ (khoảng 50 người) do Trung Úy Anh chỉ huy được trực thăng vận xuống Căn Cứ Đức Huệ tăng cường cho Tiểu Đoàn 83 BĐQ, đồng thời Tiểu Đoàn 64 BĐQ (-) vượt sông Vàm Cỏ Đông ở gần nhà máy đường Hiệp Hòa, nhập với Tiểu Đoàn 36 BĐQ làm hai cánh quân tiến song song về hướng Căn Cứ Đức Huệ, cách đó chừng 10 cây số đường chim bay.
Tiến được chừng 2 cây số, khoảng hơn 1 trung đoàn Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 5 CS từ những vị trí hầm hào đào sẵn, xông lên tấn công mạnh, đồng thời pháo binh địch cũng bắn xối xả vào đội hình của hai cánh quân này gây tổn thất nặng. Cuối cùng Tiểu Đoàn 64 BĐQ (-) và Tiểu Đoàn 36 BĐQ buộc phải gom quân rút lui về lại bên này bờ sông Vàm Cỏ.
Bộ Tư lệnh QĐ III giao nhiệm vụ giải cứu Đức Huệ cho Sư Đoàn 25 BB do Đại Tá Nguyễn Hữu Toán chỉ huy. Đại Tá Toán điều động các đơn vị thuộc Sư Đoàn đang hành quân trong vùng lân cận biên giới từ phía Bắc đến giải tỏa. Một căn cứ hỏa lực được thành lập tại làng Phước Chỉ thuộc tỉnh Tây Ninh. Căn cứ này nằm cách biên giới khoảng 2 cây số về phía Nam đồn biên giới An Hòa và cách Căn Cứ Đức Huệ khoảng 13 cây số về phía Bắc. Ngoài Tiểu Đoàn Pháo Binh 105 ly cơ hữu Sư Đoàn phối trí trong căn cứ Phước Chỉ, còn có Trung đoàn 46/SĐ25 BB được tăng cường Chi đoàn 3/10 Thiết kỵ. Chi đoàn trưởng Chi đoàn này là Đại Úy Trần Văn Hiền. Tất cả lực lượng liên binh này được đặt dưới quyền điều động của Trung Tá Cao Xuân Nhuận, trung đoàn trưởng Trung đoàn 46 BB và được giám sát chỉ huy bởi Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 25 BB ở Củ Chi.
Để đối phó với đoàn quân giải tỏa của Sư Đoàn 25 BB, quân địch đã chủ động tổ chức địa thế, bố trí chờ đánh quân tiếp viện. Chúng đặt các chốt chặn trên trục tiến quân của ta, đồng thời pháo binh tầm xa của chúng nằm sâu bên kia biên giới mở những trận địa pháo chính xác, liên tục và ác liệt gây nhiều thương vong cho Trung đoàn 46 BB, làm các cánh quân không điều động được, nên kế hoạch giải tỏa của Sư Đoàn 25 BB thất bại.
Một phi cơ quan sát L19 bị phòng không địch bắn rơi gần đó, Trung đoàn cũng không tiếp cứu nổi phi hành đoàn. Sau đó quân địch pháo kích tập trung hỏa lực thẳng vào căn cứ Phước Chỉ bằng hỏa tiễn 107 ly và 122 ly khiến Trung Tá Cao Xuân Nhuận, trung đoàn trưởng Trung đoàn 46/SĐ25 BB bị tử thương.
Trong suốt thời gian gần một tháng trời, quân bạn không đem lại một kết quả khả quan nào, hàng ngày vẫn bị pháo kích dồn dập, trực thăng tản thương và tiếp tế bị bắn rớt ngay trong căn cứ, 1 khu trục cơ Skyraider yểm trợ hành quân và 1 phi cơ DC3 thả dù tiếp tế bị hỏa tiễn SA 7 bắn rớt; những cánh dù mang lương thực và đạn dược cho Căn Cứ Đức Huệ thường bay ra ngoài vòng rào và lọt vào tay quân địch. Như vậy là cả hai nỗ lực từ phía sông Vàm Cỏ Đông của BĐQ đánh qua và từ phía Bắc của Sư Đoàn 25 BB đánh xuống đều bị thất bại trong việc tiếp cứu Tiểu Đoàn 83 BĐQ.
Vấn đề vô cùng khẩn trương lúc đó là tản thương, cứu thương và tiếp tế lương thực, nước uống, đạn dược cho Căn Cứ Đức Huệ, trong lúc mọi đường giao thông liên lạc vào căn cứ đều bị Sư Đoàn 5 CS hoàn toàn cắt đứt nhiều ngày. Căn cứ bị cô lập và bị bao vây chặt chẽ. Tình hình bên trong căn cứ rất căng thẳng.
Ngày 17 tháng Tư, 1974, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, tư lệnh Quân Đoàn III, cho gọi chuẩn tướng Khôi trở về bộ tư lệnh Quân Đoàn, trong lúc tướng Khôi đang chỉ huy Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh hành quân thám sát “Khu Tam Giác Sắt” và “Vùng Hố Bò.”
Tướng Thuần cho tướng Khôi biết thêm về tình hình giao tranh tại Đức Huệ, ra lệnh cho tướng Khôi bay vào vùng giao tranh, nhận xét tình hình rồi trở về trình bày cho ông biết quan điểm của mình.
Dù không trực tiếp liên quan đến chiến tình Đức Huệ, nhưng là một tướng lãnh chỉ huy đại đơn vị tại Quân Khu III, tướng Khôi đã có sẵn một khái niệm về trận đánh này; ông lại biết rõ sở trường của Việt Cộng là chiến thuật “công đồn đả viện”; ngay trong trận Đức Huệ các đơn vị Việt Nam tiếp cứu Đức Huệ đã chịu đựng nhiều tổn thất hơn là lực lượng đồn trú trong căn cứ.
Sau gần nửa tiếng bay, trực thăng đáp xuống sân bay Đức Hòa, và lập tức tướng Khôi được Việt Cộng chào đón bằng một loạt pháo kích. Ông xuống đất và bảo phi công cất cánh để tránh đạn, rồi dùng xe đến nhà máy đường Hiệp Hòa là nơi Bộ Chỉ huy Liên Đoàn 33 BĐQ đang tạm đóng. Leo lên tầng cao nhất của nhà máy, ông quan sát con sông Vàm Cỏ Đông uốn khúc bên dưới, bên kia sông là một dãy đất trải dài xa tắp đến tận biên giới Việt Miên.
Trung Tá Lê Tất Biên, Liên Đoàn trưởng Liên Đoàn 33 BĐQ, thuyết trình với tướng Khôi về những nỗ lực của Liên Đoàn vượt sông để giải tỏa căn cứ Đức Huệ, và hỏa lực pháo binh địch gây tổn thất cho 2 tiểu đoàn 36 và 64 BĐQ.
Biết tình hình Đức Huệ và biết rõ những cố gắng vô vọng để giải cứu căn cứ này, tướng Khôi trở ra trực thăng, ra lệnh cho phi công bay về hướng biên giới: ông đi tìm cội nguồn của những thất bại trong nỗ lực giải cứu Đức Huệ.
Ông bảo phi công bay thật cao để có cái nhìn tổng quát và cũng để đề phòng phòng không của địch bố trí dày đặc ở bên dưới. Bay qua khỏi sông Vàm Cỏ Đông là đến vùng biên giới Việt Miên. Bên này biên giới là một dãy đất bằng phẳng sình lầy, chi chít những kinh lạch gần giống như vùng Đồng Tháp Mười ở Miền Tây. Xa xa trên đất Miên là những làng mạc rải rác vắng vẻ. Nằm xa tít về hướng Nam bên lãnh thổ Việt Nam là Căn Cứ Đức Huệ lẻ loi, cô độc.
Tướng Khôi cho trực thăng bay sâu vào đất Miên, để thấy thị trấn ChiPu của Campuchia xuất hiện ở phía trước. Về phía Nam một chút, có một khu rừng rộng khoảng 10 mẫu Tây gây sự chú ý cho Khôi. Ông chợt nhớ lại cách đó 4 năm, trong cuộc hành quân “Toàn Thắng 42” cuối tháng Tư 1970, ông đã đi qua khu rừng này và biết rất rõ địa thế phía Nam của Thị trấn ChiPu.
Hiểu biết đó giúp ông tìm ra cái gốc của bài toán Đức Huệ: Việt Cộng đặt pháo tại khu rừng phía Nam ChiPu, và pháo vào mọi đơn vị Việt Nam đến giải cứu Đức Huệ.
Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi đã viết lại trong một bài báo:
“Trong chớp mắt, tôi thấy ngay là phải hành động như thế nào để đánh bại Sư Đoàn 5 CS, cứu Tiểu Đoàn 83 BĐQ trong Căn Cứ Đức Huệ. Trở về hậu cứ của Lữ Đoàn ở Biên Hòa, tôi phác họa ra kế hoạch phản công trong vòng 20 phút. Đặc điểm của kế hoạch này là sự giản dị tối đa và bất ngờ hoàn toàn: Toàn bộ LLXKQĐ III sẽ cùng tôi vượt biên ban đêm và bí mật tiến sâu vô lãnh thổ Campuchia về hướng ChiPu. Nỗ lực chính là đột kích đêm vào hậu tuyến của Sư Đoàn 5 CS từ hướng Nam ChiPu. Phải hết sức bí mật và hành động thật nhanh, tập trung toàn bộ sức mạnh của Thiết Giáp, khai thác tối đa tốc độ và Shock Action trên trận địa, không cho địch trở tay kịp.
Trung Tướng Phạm Quốc Thuần chăm chú nghe tướng Khôi trình bày đề nghị sử dụng LLXKQĐ III (Lực Lượng Xung Kích QD III) phản công để giải tỏa Căn Cứ Đức Huệ. Kế hoạch phản công của tướng Khôi có hai giai đoạn.
Ông Khôi viết:
- Giai đoạn 1: Hành quân lừa địch: Từ ngày N-6 đến ngày N: Rút LLXKQĐ III đang hành quân thám sát trong tỉnh Tây Ninh về khu Comi ở Lái Thiêu (Thủ Đầu Một). Tôi sẽ tung tin là LLXKQĐ III di chuyển lên Xuân Lộc (Long Khánh). Mục đích của cuộc điều quân này là làm cho quân địch tưởng là lực lượng Thiết Giáp sẽ rút đi đến một nơi khác.
- Giai đoạn 2: Hành quân phản công: Từ ngày N: Xuất quân đêm, trở lên Gò Dầu Hạ, vượt biên giới tiến sâu vào lãnh thổ Campuchia về hướng ChiPu. Sau đó chuyển sang hướng Nam ChiPu, dựa vào đêm tối tấn công toàn lực vào hậu tuyến của Sư Đoàn 5 CS bố trí ở phía Tây Căn Cứ Đức Huệ.
Nghe xong kế hoạch của tướng Khôi, tướng Thuần tỏ ra ngần ngại; ông bảo Khôi, "Tôi lo kế hoạch này của anh sẽ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng về chính trị. Vì như thế là chúng ta xâm phạm vào lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Chính phủ Campuchia sẽ có phản ứng và Liên Hiệp Quốc chắc chắn sẽ lên tiếng phản đối. Tôi sẽ gặp khó khăn."
Khôi trả lời, “Thưa Trung Tướng, CSBV có tôn trọng chủ quyền của Campuchia đâu. Chúng đang sử dụng lãnh thổ của Campuchia để tấn công chúng ta.”
"Đúng vậy, nhưng đây là một vấn đề rất tế nhị. Anh có thể làm một kế hoạch khác được không? Khôi đáp, “xem xét kỹ tình hình và địa thế, tôi nghĩ chỉ có kế hoạch bứng gốc Sư Đoàn 5 Việt Cộng, tiêu diệt những họng đại bác chúng đặt trên lãnh thổ Miên chúng ta mới đánh bại chúng và giải cứu Tiểu Đoàn 83 BĐQ ở Căn Cứ Đức Huệ được.”
Dĩ nhiên tướng Khôi có lý, nếu không khóa họng vài chục khẩu đại bác 130 ly đặt an toàn trên lãnh thổ Miên, với hàng kho đạn đầy ắp, được viện trợ thỏa thích chứ không giới hạn như đạn Mỹ cho Việt Nam, thì bao nhiêu ngàn quân tiếp viện cũng chỉ là thịt đưa vào lò giết người của Việt Cộng.
Ông quyết liệt trong đề nghị đánh một “trận bứng gốc” để tiêu diệt mọi tiềm năng hỏa lực đang tàn sát chiến sĩ Việt Nam bên trong và bên ngoài căn cứ Đức Huệ.
Tướng Thuần cũng thấy không có giải pháp nào khác hơn là phải tấn công sư đoàn 5 Việt Cộng đang an nhàn pháo kích sang trận địa pháo Đức Huệ.
Ông bảo tướng Khôi, "Thôi được, tôi sẽ trình kế hoạch của anh lên Tổng Thống để ổng quyết định. Nếu được chấp thuận, anh sẽ chỉ huy cuộc hành quân này. Hãy về chuẩn bị lực lượng."
Khôi viết, “Trên đường về Lữ Đoàn, tôi nghĩ chắc rồi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng sẽ chấp thuận; chúng ta không thể vì lo ngại Liên Hiệp Quốc mà hy sinh tính mạng của hơn 500 chiến sĩ BĐQ và gia đình họ bên trong Căn Cứ Đức Huệ.
Ông Khôi viết:
[ITALIC]
Trong lòng tôi rất vui mừng vì đây là lần đầu tiên tôi sắp có trong tay một lực lượng Thiết Giáp lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tôi được toàn quyền hành động để đương đầu trực diện với một Sư Đoàn CS.
Ngày 20-4-1974, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chấp thuận Kế hoạch Hành quân của tôi, đồng thời ra lệnh cho Không lực VNCH trực tiếp yểm trợ tác chiến cho Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh 120 phi xuất (Tactical Air Support) từ ngày N đến ngày N+3 theo yêu cầu của tôi.
Tôi chọn ngày N là ngày 28-4-1974.
Theo nhu cầu hành quân của tôi, các đơn vị sau đây được Trung Tướng tư lệnh Quân Đoàn III chỉ định tăng phái cho Lữ Đoàn 3 KB để nằm trong tổ chức của LLXKQĐ III:
- Tiểu Đoàn 64 BĐQ đi với Thiết Đoàn 15 KB, thành phần nòng cốt của Chiến Đoàn 315 do Trung Tá Dư Ngọc Thanh chỉ huy;
- Tiểu Đoàn 36 BĐQ đi với Thiết Đoàn 18 KB, thành phần nòng cốt của Chiến Đoàn 318 do Trung Tá Phan Văn Sĩ chỉ huy;
- 1 Đại Đội Bộ binh thuộc Tiểu Đoàn 1/43 (Sư Đoàn 18 BB) đi với Thiết Đoàn 22 Chiến xa, thành phần nòng cốt của Chiến Đoàn 322 do Trung Tá Nguyễn Văn Liên chỉ huy;
- Thiết Đoàn 10 KB (Sư Đoàn 25 BB) + Tiểu Đoàn 1/43 BB (-) (Sư Đoàn 18 BB) + 1 Chi đội Chiến xa M48 thuộc Thiết Đoàn 22 Chiến xa do Trung Tá Trần Văn Nhuận chỉ huy;
- Tiểu Đoàn 61 Pháo Binh 105 ly + 1 Pháo đội 155 ly thuộc Tiểu Đoàn 46 Pháo Binh do Thiếu Tá Hoa Vạn Thọ chỉ huy;
- Tiểu Đoàn 302 thuộc Liên Đoàn 30 Công binh do Thiếu Tá Lâm Hồng Sơn chỉ huy; một Trung đội Điện tử (Quân Đoàn) do Thiếu Tá Hiển, Trưởng phòng 2 Lữ Đoàn kiểm soát;
- 1 Trung đội Truyền Tin Siêu tần số (Quân Đoàn) do Trung Úy Bùi Đình Lộ Trưởng phòng Truyền tin Lữ Đoàn giám sát;
- 1 Đại Đội yểm trợ Tiếp Vận thuộc Bộ chỉ huy 3 Tiếp vận do thượng sĩ Nhất Phan Thanh Nhàn (Quân cụ) chỉ huy.
Ngoài ra Trung Tướng Thuần còn ra lệnh cho 3 tư lệnh Sư Đoàn Bộ Binh cho tôi mượn 6 giàn hỏa tiễn TOW chống xe tăng để phân phối cho mỗi Chiến Đoàn Thiết Giáp vượt biên 2 giàn hỏa tiễn TOW gắn trên xe Thiết vận xa M113 đề phòng trường hợp có chiến xa T 54 của địch xuất hiện trên chiến trường Campuchia.
Trước khi kết thúc buổi họp, Trung Tướng tư lệnh Quân Đoàn chúc tôi thành công trong nhiệm vụ giao phó. Tôi đứng lên đáp lời cám ơn. Lúc đó trong lòng tôi có một sự tin tưởng mãnh liệt vào chiến thắng của cuộc hành quân này, nên tự nhiên tôi buột miệng thốt ra:
- Thưa Trung Tướng, chúng tôi sẽ đánh bại Sư Đoàn 5 Cộng Sản!
Trên đường về Lữ Đoàn, tôi giật mình khi nghĩ lại những lời mình vừa nói. Tại sao tôi dám liều lĩnh khẳng định trước hội nghị là sẽ đánh bại Sư Đoàn 5 Cộng Sản? Mặc dù tôi có trong tay LLXKQĐ III là một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ chưa từng bị thất trận và mặc dù tôi đã nắm chặt trong tay những yếu tố có tính cách quyết định thắng lợi, nhưng vẫn còn 2 yếu tố khác ngoài tầm tay của tôi có thể làm tôi bị thất bại trong cuộc hành quân này. Đó là thời tiết và kế hoạch hành quân bị bại lộ.
Thật vậy, nếu đến ngày N là ngày xuất quân trời đổ mưa trong vùng hành quân, địa thế trở nên lầy lội, tôi sẽ không thể điều động lực lượng Thiết Giáp như ý muốn được, hoặc kế hoạch hành quân của tôi trình lên phủ Tổng Thống để xin quyết định, nếu bị tiết lộ ra ngoài, chắc chắn sẽ đưa tôi đến thảm bại. Cứ nghĩ đến 2 yếu tố này là tôi không ăn ngủ được. Tôi thấy hối tiếc đã thốt ra những lời khẳng định trước là sẽ đánh thắng quân địch. Lời khẳng định này cứ ám ảnh tôi ngày đêm. Cuối cùng tôi tự nhủ: phải giữ đúng lời hứa; bằng mọi cách, mọi giá, phải đánh thắng Sư Đoàn 5 Cộng Sản.
Ngày 22-4-1974, tôi ra lệnh cho toàn bộ LLXKQĐ III đang hành quân thám sát trong Chi Khu Khiêm Hanh thuộc tỉnh Tây Ninh rút quân về đóng ở Khu Còmi thuộc quận Lái Thiêu tỉnh Bình Dương (Thủ Đầu Một). Tôi cho phao tin là LLXKQĐ III sẽ di chuyển qua Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh. Mục đích của cuộc rút quân này là để đánh lừa địch, làm cho chúng tưởng là quân Thiết Giáp sẽ rút đi luôn không trở lại. Tôi cho trung đội điện tử thường xuyên nghe lén và theo dõi địch trao đổi tin tức với nhau. Khi LLXKQĐ III vừa rút đi khỏi Gò Dầu Hạ về Lái Thiêu thì đài tình báo của địch ở An Hòa Gò Dầu lên tiếng báo cáo: Quân Thiết Giáp đã rút đi. Tôi biết chúng đã bị mắc lừa.
Từ ngày 22-4-74 đến ngày 28-4-74, trong 6 ngày này đóng quân ở Khu Còmi quận Lái Thiêu, các Chiến Đoàn 315, 318 và 322 theo lệnh tôi ra sức ôn tập hợp đồng tác chiến giữa Thiết Giáp - Biệt Động Quân - Pháo Binh từ cấp Trung đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn, Chiến Đoàn thật nhuần nhuyễn.
Riêng tôi trong 6 ngày đó, tôi tích cực không ngừng làm công tác tư tưởng. Karl Max nói: Nếu tư tưởng được đả thông, mọi người đều giác ngộ thì sức mạnh vật chất sẽ tăng lên gấp đôi.” Kinh nghiệm chiến trường cho tôi thấy tinh thần hăng say làm tăng sức mạnh của đơn vị lên gấp bội. Khơi dậy được tinh thần chiến đấu của toàn quân là yếu tố số một của thắng lợi. “Tôi lần lượt đi xuống họp với các cấp chỉ huy Trung đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn của các binh chủng và với các Chiến Đoàn trưởng, nói rõ tình hình của ta và địch, nói rõ nhiệm vụ và cách đánh của LLXKQĐ III để mọi người đều thông suốt và tin tưởng sự tất thắng của chúng ta.
Tôi thuyết phục họ tin vào sự chỉ huy của tôi và nói rõ sự quyết tâm của tôi là phải chiến thắng bằng mọi giá. Tôi thúc đẩy họ, tôi nói đến tình đồng đội: Chúng ta không thể bỏ rơi đồng đội của mình đang bị địch bao vây và mong chờ chúng ta đến cứu họ.
Ngày N - ngày 28-4-1974 đã đến.
Chiều ngày 28-4-1974, Công Binh đã sẵn sàng; Thiếu Tá Lâm Hồng Sơn, Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 302 CB, theo lệnh tôi, đã kín đáo cho bố trí từ chiều tối ngày hôm trước ở hai bên bờ sông Gò Dầu Hạ các phà cao su để đưa chiến xa M48 qua sông. Lúc 20:00 giờ, tôi cải trang đích thân đến tận 2 bờ sông Gò Dầu Hạ kiểm tra Công Binh làm công tác chuẩn bị cho chiến xa vượt sông.
Đúng 22:00 giờ đêm, toàn bộ LLXKQĐ III gồm 3 Chiến Đoàn 315, 318 và 322 cùng Bộ Chỉ huy nhẹ Lữ Đoàn và Pháo Binh Lữ Đoàn bắt đầu rời vùng tập trung ở Lái Thiêu (Thủ Đầu Một) di chuyển bằng đèn mắt mèo và im lặng truyền tin trực chỉ Gò Dầu Hạ.
Ngày 29-4-1974, lúc 00:00 giờ, các chiến xa M48 bắt đầu xuống phà qua sông Gò Dầu Hạ. Các loại xe xích khác và xe chạy bánh qua cầu Gò Dầu Hạ theo Quốc lộ 1 trực chỉ ra hướng biên giới Việt Miên.
Từ 01:00 giờ sáng đến 03:00 giờ sáng, các Chiến Đoàn, Bộ Chỉ huy nhẹ Lữ Đoàn và Pháo Binh Lữ Đoàn lần lượt vượt biên sang lãnh thổ Campuchia và vào vùng tập trung nằm sâu trong đất Miên về hướng Đông Nam thị trấn Chipu.
Đến 03:15 giờ, tất cả các đơn vị đã bố trí xong, trong vùng tập trung, sẵn sàng chờ lệnh xuất phát. Trung đội điện tử theo dõi nghe địch, không thấy chỉ dấu gì chúng nghi ngờ.
Đúng 03:30 giờ, tôi ra lệnh cho hai Chiến Đoàn 315 và 318 vượt tuyến xuất phát, tấn công song song tiến xuống phía Nam, Chiến Đoàn 315 bên phải, Chiến Đoàn 318 bên trái, Bộ Chỉ huy của tôi theo sau Chiến Đoàn 315; Chiến Đoàn 322 trừ bị, bố trí phía Nam Quốc lộ 1 chờ lệnh.
Đúng 04:30 giờ, Pháo Binh Lữ Đoàn bắt đầu khai hỏa, tác xạ đồng loạt tập trung vào các mục tiêu của địch nằm phía Tây Căn Cứ Đức Huệ, đồng thời Thiết Đoàn 10 Kỵ Binh và Tiểu Đoàn 1/43 BB(-) vượt tuyến xuất phát mở đường từ căn cứ Phước Chỉ xuống Căn Cứ Đức Huệ.
Đến 05:00 giờ sáng ngày 29-4-74, các cánh quân của Chiến Đoàn 315 và 318 báo cáo chạm địch. Quân ta điều động bao vây, chia cắt, tấn công liên tục. Quân địch bị đánh bất ngờ tháo chạy, quân ta truy đuổi chặn bắt. Các Bộ Chỉ huy Trung đoàn, Sư Đoàn, Bộ Chỉ huy Hậu cần và các căn cứ Pháo Binh của quân địch bị quân ta tràn ngập và lần lượt bị quét sạch. Nhiều dàn pháo các loại 4 ống, 8 ống và 12 ống, và hàng ngàn hỏa tiễn 107 ly và 122 ly bị quân ta tịch thu và tiêu hủy tại chỗ . Đặc biệt hơn cả có hơn 30 hỏa tiễn chống xe tăng AT 3 của Liên Xô nằm trên giàn phóng, chưa kịp khai hỏa bị quân ta chiếm đoạt.
Đến 08:00 giờ sáng, Không Quân Chiến Thuật lên vùng; Đại Tá Trần Văn Thoàn, tư lệnh phó Lữ Đoàn bay trực thăng chỉ huy, điều khiển Không Lực liên tục oanh kích và oanh tạc địch từ sáng đến chiều tối. Đến 19:00 giờ ngày 29 tháng Tu 1974, đại quân của Sư Đoàn 5 CS bị đánh tan rã rút chạy về hướng Mộc Hóa thuộc Vùng 4 Chiến Thuật. Tôi liền tung cả ba Chiến Đoàn đồng loạt truy đuổi địch và cho Không Quân Chiến Thuật tập trung truy kích chúng sâu trong lãnh thổ Vùng 4 Chiến Thuật. Hàng ngàn quân địch bị giết và bị thương và hàng trăm tên bị quân ta bắt sống.
Sáng ngày 30-4-74, các đơn vị địch còn kẹt lại chung quanh Căn Cứ Đức Huệ chống trả yếu ớt, lần lượt bị quân ta tiêu diệt. Đến trưa, một cánh quân của Thiết Đoàn 10 đã bắt tay được với Biệt Động Quân trong Căn Cứ Đức Huệ và đến chiều toàn bộ Sư Đoàn 5 CS hoàn toàn bị quân ta quét sạch.
Bộ Chỉ huy của tôi nằm sâu trong lãnh thổ Campuchia về phía Đông Nam Chipu trong một làng nhỏ hoang vắng. Tin chiến thắng làm nức lòng mọi người. Màn đêm xuống, tiếng súng im bặt. Đêm hôm đó thật êm ả, trời trong vắt, đầy sao, lòng tôi tràn ngập một niềm sung sướng khó tả. Có lẽ đây là đêm đẹp nhất trong đời tôi. Tôi đã khẳng định trước với Quân Đoàn là chúng tôi sẽ đánh bại Sư Đoàn 5 CS và bây giờ chúng tôi đã đánh bại chúng. Tôi đã nói trước khi xuất quân với thuộc cấp là nếu thất bại thì sẽ không một ai trở về Việt Nam và bây giờ chúng tôi đã chiến thắng để có thể trở về. Đối với tôi trận đánh này cũng giống như một canh bạc mà tôi đã lấy mạng sống của tôi ra đánh và bây giờ tôi đã thắng. Cho tới ngày hôm đó trong đời tôi, thật không có một niềm hạnh phúc nào lớn hơn được.
Chưa bao giờ trong lịch sử của hai cuộc chiến tranh Việt Nam có một trận vận động chiến nào mà quân ta hoặc quân Đồng Minh chiến thắng một đại đơn vị CS nhanh chóng như thế, tuyệt đối như thế. Tôi lấy một mẫu giấy nhỏ, tự tay thảo ngay bức công điện ngắn báo cáo chiến thắng về Bộ Tư lệnh Quân Đoàn III.
Trân trọng báo cáo:
- Ngày 28-4-74: Xuất quân
- Ngày 29-4-74: Phản công
- Ngày 30-4-74: Tiêu diệt địch
- Ngày 1-5-74: Hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 2-5-1974, tại Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Lữ Đoàn ở Gò Dầu Hạ, phóng viên đài VOA phỏng vấn hỏi tôi: “Có phải Thiếu Tướng đã đưa quân sang lãnh thổ Campuchia không?”
Tôi đáp, "Không, tôi chỉ hành quân dọc theo biên giới bên trong lãnh thổ Việt Nam. Chính Cộng Sản Việt Nam mới có quân trên lãnh thổ Campuchia.”
Tối đến, đài VOA và đài BBC loan tin chiến thắng của Quân Lực ta ở Căn Cứ Đức Huệ. Riêng đài BBC nói thêm: “Tướng Trần Quang Khôi nói không hề đưa quân sang lãnh thổ Campuchia, nhưng theo tin tức riêng của chúng tôi thì Quân lực VNCH có truy đuổi quân Cộng Sản Bắc Việt trên lãnh thổ Campuchia.”
Ngày 3-5-1974, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi trực thăng đến Gò Dầu Hạ thị sát chiến trường. Trung Tướng Phạm Quốc Thuần và tôi tiếp đón Tổng Thống. Ông vui vẻ bắt tay chúng tôi rồi đi đến xem chiến lợi phẩm tịch thu của quân địch: Rất nhiều vũ khí cộng đồng các loại. Nổi bật là các giàn phóng hỏa tiễn 4 ống, 8 ống và 12 ống cùng hàng trăm hỏa tiễn 107 và 122 ly.
Đặc biệt hơn cả là hơn 30 hỏa tiễn AT-3, loại mới nhất của Liên Sô có hệ thống điều khiển chống tăng, lần đầu tiên bị quân ta tịch thu trên chiến trường Nam Việt. Nhiều tùy viên quân sự Tây phương mỗi người xin một quả nói để đem về nước nghiên cứu. Nhìn số vũ khí khổng lồ của địch bị quân ta tịch thu mới hiểu được sự tàn phá khủng khiếp trong Căn Cứ Đức Huệ và sự chiến đấu anh hùng của Tiểu Đoàn 83 BĐQ.
Tiếp đến, Tổng Thống đi thăm Bộ Tham Mưu Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh và các đơn vị trưởng của các binh chủng trong tổ chức LLXKQĐ III, ông bắt tay khen ngợi từng người và gắn cấp bậc Đại Tá cho Trung Tá Thiết Giáp Dư Ngọc Thanh, Chiến Đoàn trưởng Chiến Đoàn 315. Sau đó Tổng Thống lên trực thăng chỉ huy cùng tôi bay qua Đức Huệ. Các trực thăng của Trung Tướng Phạm Quốc Thuần và phái đoàn Phủ Tổng Thống bay theo sau.
Trên đường bay, Tổng Thống bảo tôi, "Tôi rất thích tính táo bạo liều lĩnh trong kế hoạch hành quân của anh."
"Thưa Tổng Thống, đây là sự liều lĩnh có tính toán," tôi đáp lại.
Trực thăng đáp xuống Căn Cứ Đức Huệ. Các chiến sĩ Tiểu Đoàn 83 BĐQ và Đại Đội 3 thuộc Tiểu Đoàn 64 BĐQ hân hoan tiếp đón Tổng Thống. Ông đi bộ một vòng viếng thăm, ủy lạo và ban thưởng. Doanh trại trong căn cứ bị Pháo Binh địch tàn phá đổ sập gần hết, nhưng sự hãnh diện giữ vững được đồn hiện ra trong đôi mắt của mỗi chiến sĩ BĐQ.
Một chuẩn úy BĐQ còn rất trẻ đến gặp tôi, đứng nghiêm chào, rồi thình lình anh bước tới gần tôi, hai tay nắm chặt lấy tay tôi bật khóc và nói: “Cám ơn Thiếu tướng đã cứu mạng chúng em.”
Tôi cảm động ôn tồn đáp lại: "Chính anh phải cám ơn các em mới đúng. Sự chiến đấu vô cùng dũng cảm của các em là một tấm gương sáng chói, là niềm hãnh diện chung của Quân lực chúng ta. Các em mới thật sự là những anh hùng của Quân đội mà mọi người Việt Nam Tự do phải mang ơn các em."
Hai tuần sau, tôi nhận được một thư của Đại Tá Raymond Battreall nguyên Cố Vấn Trưởng của Bộ Chỉ huy Thiết Giáp Binh QLVNCH. Battreall cho rằng đây là một chiến thắng ngoạn mục và xuất sắc nhất trong Chiến tranh Việt Nam. Cuối thư ông viết bằng chữ Việt Nam: Kỵ Binh Việt Nam Muôn Năm.
Đúng một năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân Đoàn 4 CSBV do Thượng tướng Hoàng Cầm chỉ huy đã thất bại trong kế hoạch đánh chiếm tỉnh Biên Hòa, và Sư Đoàn 341 CSBV bị LLXKQĐ III đánh bại ở Biên Hòa buộc phải rút đi sau khi chịu nhiều tổn thất to lớn.
Ngay sau đó, LLXKQĐ III kéo quân về tiếp cứu Thủ Đô Sài Gòn thì được lệnh buông vũ khí đầu hàng lúc 10:25 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ai là người chịu trách nhiệm làm mất Miền Nam Việt Nam? Ai là thủ phạm đưa QLVNCH đến chỗ thua trận?
Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh kể từ ngày thành lập 7-11-1970 đến ngày 30-4-1975 do tôi chỉ huy, luôn luôn chiến thắng hết trận này đến trận khác cho đến phút chót. Không một ai trong chúng tôi lùi bước trước quân thù. Không một ai trong chúng tôi bỏ trốn ra nước ngoài. Tất cả có mặt tại hàng và chấp nhận định mệnh không than van kêu khóc.
Tháng Giêng 2009
Trần Quang Khôi
* Chuẩn tướng Trần Quang Khôi xuất thân từ khóa 6 TVBQG Đà Lạt 1952 .
* Tốt nghiệp:
- Trường Kỵ Binh SAUMUR, Pháp 1955.
- Trường Thiết Giáp Lục Quân Hoa Kỳ FORT KNOX, Kentucky 1959.
- Trường Đại Học Chỉ Huy và Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ FORT LEAVENWORTH, Kansas 1973.
* Cấp bậc và chức vụ sau cùng: Chuẩn Tướng, tư lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh thuộc Quân Đoàn III/QLVNCH.
* Sau chiến tranh Việt Nam, tướng Khôi bị bắt và bị tù Cộng Sản 17 năm.
* Định cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ năm 1993.
* Tốt nghiệp Trường Đại Học George Mason University, Hoa Kỳ với cấp bằng MA Văn Chương Pháp 1998.
Phần nhận xét của Nguyễn Đạt Thịnh
Tướng Smith sai khi ông viết, “Đây là lần đầu tiên sau Hòa Ước Ba Lê, tôi chứng kiến một cuộc hành quân được thiết kế tuyệt hảo, và được thực hiện cũng tuyệt hảo.”
Sai vì 5 chữ “sau Hòa Ước Ba Lê”; nếu bỏ 5 chữ đó, câu văn của ông gửi tướng Khôi sẽ chỉ còn “Đây là lần đầu tiên, tôi chứng kiến một cuộc hành quân được thiết kế tuyệt hảo, và được thực hiện cũng tuyệt hảo.” Đó là sự thật đáng buồn mà người Mỹ không bao giờ có đủ can đảm để nhìn nhận.
Ngụ ý của 5 chữ “sau Hòa Ước Ba Lê” là, sau khi người Mỹ tháo chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam, không còn một cuộc hành quân nào được thiết kế tuyệt hảo, và được thực hiện cũng tuyệt hảo nữa; chứ trước kia, ngày các tướng lãnh Mỹ còn cầm quân trên chiến trường Việt Nam là còn có những cuộc hành quân được thiết kế tuyệt hảo, và được thực hiện cũng tuyệt hảo.
Tướng Smith đã qua đời từ năm 2011, tại San Antonio, Texas, nhưng dù còn sống, ông hay bất cứ tướng lãnh Mỹ nào khác cũng không chứng minh được là Mỹ có một chiến thuật hay một chiến lược nào tại Việt Nam cả.
Tướng Westmoreland nói chiến lược của ông là Search and Destroy (Tìm và Diệt Địch)! Thật là thảm hại; điều mà ông gọi là “chiến lược,” chỉ là việc người lính Việt Nam phải làm hàng ngày. Trên thực tế 1 triệu quân Việt Nam và nửa triệu quân Mỹ bị các “chiến lược gia” Mỹ nhốt vào những đồn binh như đồn Đức Huệ, nằm đó chờ địch tới tấn công. Những cuộc hành quân “tìm và diệt địch” cũng chỉ là một hình thức bị động khác, không đủ tác dụng chống du kích, tệ trạng đó còn kéo dài nhiều năm trên chiến trường Trung Đông.
CHIẾN THUẬT BỨNG GỐC của tướng Khôi là chiến thuật kiến hiệu phá vỡ chiến thuật “công đồn đả viện” của Việt Cộng. Ông giải tỏa đồn Đức Huệ mà không cần bắn một viên đạn, không cần gửi một chiếc thiết giáp vào Đức Huệ.
Ông thắng hai trận 30 tháng Tư, trong hai năm 1974 và 1975, năm 74 ông thắng tại ChiPu, và năm 75, ông thắng tại Biên Hòa. Tôi viết bài báo nhỏ này để ca tụng ông, nhân ngày 30 tháng Tư năm nay.
Nguyễn Đạt Thịnh