Friday, May 3, 2019



QLVNCH: (Những Trận Đánh) – Đồi 1062 – SĐ Nhảy dù – Tướng Ngô Quang Trưởng & TT. Nguyễn Văn Thiệu



Đồi 1062 – SĐ Nhảy dù – Tướng Ngô Quang Trưởng & TT. Nguyễn Văn Thiệu
Vũ Linh Châu
 Inline image 1
Đồi 1062 là ngọn đồi án ngữ quận lỵ Thượng Đức gần ngã ba Thạnh Mỹ. Đây là một địa điểm chiến lược vô cùng quan trọng trên con đường Trường Sơn Đông. Tại vì dẫy núi Bạch Mã cắt ngang VN từ bờ biển tới tận Hạ Lào, Cộng Sản BV chỉ có thể vượt qua dẫy núi hiểm trở này tại hai địa điểm là đèo Hải Vân ở sát bờ biển và quận lị Thường Đức ở sát biên giới Lào-Việt.(Địa điển này còn được gọi là ngã ba Thạnh Mỹ vì đây lả giao điểm của QL 14 và QL 14B. QL 14 tức là xa lộ HCM, còn QL 14B chạy về hướng Đông, ven theo sườn phía nam của dẫy Bạch Mã để xuống Hội An, Đà Nẵng. (Xin xem bản đồ trong attachment).
1-   Vị trí chiến lược của Thường Đức:
Trong khi quân đội Mỹ còn tham chiến tại Việt Nam, với những phương tiện tối tân và dồi dào, như trực thăng võ trang, máy bay oanh tạc, nhất là với B52 trải thảm, biên giới Việt-Lào đã được khống chế chặt chẽ, quân đội Bắc Việt đã phải sử dụng đất Lào để chuyển quân vào Miền Nam, vừa xa xôi vừa khó khăn cực khổ. Nhưng từ ngày Việt Nam hóa chiến tranh, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã không còn đủ phương tiện để kiểm soát và chế ngự vùng biên giới xa xôi hiểm trở này nữa, cho nên Cộng quân đã tự do tung hoành, như chỗ không người. Chúng đã xây dựng một đường chuyển quân mới cho các đoàn xe tăng T54, xe vận tải Molotova, và cả các đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam nữa. Con đường này hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Cái gọi là con đường HCM này bắt đầu từ hải cảng Vinh, chạy sang lãnh thổ Lào, khi gặp QL 9 thì vào Miền Nam VN tại cửa khẩu Lao Bảo. Sau khi đi qua Khe Sanh thì gặp QL 14 để vào thung lũng A Shau, A Lưới. Tới A Dớt, con đường sẽ băng ngang qua dẫy Bạch Mã tại A Tép, rồi thị trấn Hiên (P’rao), để tới sườn núi phía Nam tại ngã ba Thành Mỹ (hay Thường Đức là chỗ chúng ta đang đề cập tới). Sau đó, tiếp tục xuôi Nam, con đường này sẽ gặp Khâm Đức, Dak Sut, Tân Cảnh, Đắc Tô rồi chạy sang đất Lào để vào các tỉnh QĐ III vì từ Đắc Tô, Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột là vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa. (Xin xem bản đồ trong attachment.
Nhưng muốn cho xe cộ thông suốt được đoạn đường từ Bắc tới Đắc Tô, Tân Cảnh, quân đội Miền Bắc phải giải tỏa được một cái nút chặn gần ngã ba Thạnh Mỹ, đó là quận lỵ Thường Đức.
2-   Việc phòng thủ Thường Đức:
Cho đến đầu tháng 8, 1974, nghĩa là chỉ ít tháng trước ngày mất nước, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn chiếm giữ được cái nút chặn chiến lược này. Nếu giải tỏa được Thường Đức, không những VC sẽ khai thông được con đường HCM mà còn dễ dàng chuyển quân uy hiếp Hội An, Đà Nẵng nữa. (Xin xem bản đồ)
Vì Thường Đức (gần ngã ba Thạnh Mỹ) giữ một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng như vậy, nên nơi đây đã là một bãi chiến trường đẫm máu nhất trong những tháng sau cùng của cuộc chiến Việt Nam. Và đó cũng là một chiến trường quyết định cho vận mệnh của Miền Nam VN chúng ta.
Lúc đầu, Thường đức do 1 Tiểu đoàn Địa Phương Quân trấn giữ, khi biết Cộng quân sắp đánh chiếm Thường Đức, khoảng cuối tháng 6 năm 1974, TĐ 79 Biệt Động Quân đã được điều động từ Quảng Ngãi ra tăng cường phòng thủ Thường Đức. Các tướng lãnh Miền Bắc đánh giá rằng “Đánh Thường Đức còn khó hơn đánh Quảng Trị” vì địa thế của Thường Đức rất hiểm trở. Nên vào giữa năm 1974, VC đã huy động tới 3 Sư đoàn để quyết giải tỏa cái nút chặn chiến lược này. Riêng ngày cuối cùng, 7/8/1974, địch đã pháo vào quận lỵ nhỏ bé này 1200 trái hỏa tiễn 120 ly.
  1. Tái chiếm Thường Đức – Đồi 1062.
Sau khi Quận lỵ Thường Đức bị tràn ngập, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã điều động Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 3 Dù để quyết tái chiếm Thường Đức. Sau nhiều trận đánh khủng khiếp, lực lượng Nhảy Dù mới kiểm soát được ngọn đồi chiến lược 1062 án ngữ thung lũng Thường Đức và chế ngự con đường giao thông với quận Đại Lộc. Những ngày sau đó, địch quân đã nhiều lần tràn lên quyết chiếm lại ngọn đồi sinh tử này, nhưng đều bị lực lượng Dù đẩy lui, các Thiên Thần Mũ đỏ vẫn ngự trị trên đồi 1062. Sau hơn một tháng, với những cuộc phản công thất bại liên tiếp, tổn thất vô cùng to lớn, ngày 29/10/1974, Cộng quân dùng súng phun lửa, phóng hỏa đốt đồi 1062, khiến các chiến sĩ Dù phải rút khỏi đỉnh đồi. Tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh cho Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh Sư Đoàn Dù phải tái chiếm đồi 1062 bằng bất cứ giá nào. Ngày 8.11.1974, các chiến sĩ Dù đã phải dành từng tấc đất, sử dụng chủ yếu là lựu đạn, chiếm từng hố cá nhân, diệt từng cái chốt, suốt 3 ngày 3 đêm mới làm chủ được đồi 1062 trở lại.
Tuy nhiên, địch quân đã thiết lập được một phòng tuyến vô cùng kiên cố để bảo vệ con đường HCM, nên mặc dầu đã tận dụng mọi khả năng, quân đội ta cũng không thể tái chiếm quận lỵ Thường Đức được. Những trận đánh ác liệt quanh quận lỵ Thường Đức gần Ngã ba Thạnh Mỹ này đã kéo dài trong gần 4 tháng, riêng binh chủng Nhảy Dù, số chiến sĩ hy sinh và bị thương lên đến gần 50% quân số tham chiến.
Để hiểu rõ hơn về những hy sinh vô cùng to lớn, những gian lao vô bờ bến và những tấm gương can trường không bút mực nào có thể mô tả được, xin mời quí vị đọc lại lời tường thuật của hai sỹ quan Nhảy Dù, Đại Úy Võ Trung Tín và Đại Úy Nguyễn Hữu Viên trong tác phẩm “33 Năm Nhớ Về Mặt Trận Thường Đức”:
Sau khi tường thuật chi tiết về các trận đột kích và tử thủ vô cùng can trường gan dạ của các Thiên Thần Mũ Đỏ tại ngọn đồi 1062, tác phẩm đã viết:
“ …Đỉnh đồi 1062 là một nấm mồ tập thể khổng lồ, chôn sống không biết bao nhiêu sinh mạng của cả hai bên. Một khi quân ta vừa chiến được Đồi 1062, thì lâp tức địch giội pháo, điên cuồng xông lên quyết chiếm lại cho bằng được. Cả hai bên mất đi giành lại đỉnh đồi 1062 nhiều lần…”Cái giá”để chiếm được Đồi 1062 thực sự là một cái giá rất cao, cao nhất của các chiến trận mà các chiến sỹ Dù đã gặp phải từ trước tới nay… Năm Tiểu Đoàn Dù đã bị tổn thất nặng nề, nặng nhất là Tiểu Đoàn 3 của Thiếu Tá Võ thanh Đồng…”
  ” Từ khi khởi đầu chiến dịch Thường Đức vào ngày 15 tháng 8, 1974, liên tục trong 3 tháng chiến đấu ác liệt quanh khu vực Đồi 1062, các đơn vị Nhảy Dù đã thiệt hại đến 50 phần trăm quân số, với gần 500 chết và 2,000 bị thương. Sư Đoàn Dù sử dụng luân phiên tổng cộng 7 tiểu đoàn trong chiến dịch này và đến giữa tháng 11, có đến 6 tiểu đoàn hoạt động trong khu vực Đồi 1062…”
(Hình như đâu đây cũng đang có những giọt nước mắt tự động trào ra, những giọt nước mắt tiếc thương và thán phục).
Đọc qua vài đoạn tóm lược nêu trên, mọi người sẽ tự hỏi tại sao Các Tướng Lãnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chấp nhận đưa lá bài chủ lực của mình là hai lữ đoàn của Sư Đoàn Nhảy Dù để quyết chiếm một ngọn đồi khô cằn tại một quận lỵ đèo heo hút gió, xa cách những miền dân cư trù phú dưới vùng đồng bằng duyên hải Miền Trung. Tại sao Quân lưc Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh những người con anh dũng và thiện chiến nhất của mình trong một trận đánh khủng khiếp như vậy?
Chắc chắn là vì ngọn đồi 1062 và quận lỵ Thường Đức đã giữ một vị trí chiến lược sinh tử cho vận mệnh của Miền Nam Viêt Nam.
Trước nhất, như đã trình bày ở trên, quận lỵ Thường Đức không những án ngữ trên đường Trường Sơn Đông, đường xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào Miền Nam, mà nó còn là một nút chặn trên quốc lộ số 14B là quốc lộ ven theo sườn phía nam của dẫy núi Bạch Mã, chế ngự đường tiến của Cộng quân từ đường Trường Sơn xuống Đà Nẵng và các quận lỵ thuộc Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi…
(Xin xem bản đồ).
Lý do thứ hai, và có lẽ là lý do chủ yếu khiến cho ngọn đồi 1062 đã nhuộn đỏ máu đào – là vì Thường Đức là một nút chặn duy nhất trên đường Trường Sơn mà chúng ta có thể phòng thủ được vì nó có thể yểm trợ được bằng pháo binh từ các quận lỵ và các cứ điểm lân cận.
Tại các vùng rừng núi doc theo con đường Trường Sơn, mây mù dầy đăc bao phu quanh năm, nhất là vào các tháng mùa mưa, khiến việc yểm trợ bằng không quân rất khó thực hiện. Xin đan cử vài dẫn chứng:
–  Một cứ điểm khác cũng án ngữ trên Đường Trường Sơn là Khâm Đức, nhưng vì quá xa, chỉ có thể yểm trợ bằng không quân, nên chính lực lượng Đặc Biệt của Mỹ cũng đã phải rút bỏ. Đầu năm 1970, Sư Đoàn 2 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa do tướng Nguyễn văn Toàn chỉ huy đã bất ngờ tái chiếm nút chặn chiến lược này. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó ta cũng phải rút lui vì Khâm Đức nằm quá xa, ngoài tầm tác xạ của pháo binh. (Tôi đã may mắn được tham gia trận đánh này cùng với Tiểu đoàn 1, Trung Đoàn 6 của ĐT Phạm văn Nghìn.Và trong chuyến đi dọc theo đường mòn HCM này, tôi đã vô cùng hãnh diện được đứng cạnh Bà Xã tại ngọn đồi Khâm Đức nơi mà tôi đã được thả xuống bằng trực thăng – (Xin xem hình trong attachment)
–  Thung lũng A Sau, A Lưới cũng vì nằm ngoài tầm yểm trợ của pháo binh, nên ngay từ năm 1965, Lực lượng Đặc Biệt của quân đội Hoa Kỳ cũng đã phải di tản khỏi thung lũng chiến lược này. (Xin xem phần “Thung lũng A Shau trang 159 trong Trường Sơn Trường Hận)
– Ngay cả Khe Sanh, một cứ điểm vô cùng quan trọng trên quốc lộ 9, chặn đường xâm nhập của quân đội miền Bắc từ bên Lào qua, nhưng vào cuối năm 1968, sau gần một năm tử thủ, quân đội Mỹ cũng đã phải bỏ ngỏ căn cứ yết hầu này. (Xin xem phần Khe Sanh, Lao Bảo trang 191).
Và sau cùng, phải chăng, nếu tái chiếm và tử thủ được ngọn đồi 1062 và quân lỵ Thường Đức, chúng ta sẽ rút lui khỏi Quảng Trị, Thừa Thiên và sẽ cứu được Miền Nam. Tại vì, như đã nói, dẫy núi Bạch Mã là một chiến lũy thiên nhiên vô cùng hiểm trớ, chạy băng ngang qua lãnh thổ VN, từ bờ biển vào sâu trong nội địa Lào. Chúng ta sẽ chỉ phải phòng thủ tại hai địa điểm là Đèo Hải Vân và Thường Đức mà thôi. (Xem “Nếu bỏ Quảng Trị, Thừa Thiên…” trang 318)
Tuy nhiên, các diễn biến chung quanh biến cố Thường Đức này đã đặt ra nhiều câu hỏi rất khó trả lời. Chẳng hạn:
–      Nếu đã biết Thường Đức giữ một vị trí chiến lược sinh tử cho Miền Nam như vậy, thì sao không quyết tâm phòng thủ từ trước. Như chúng ta đã biết, lúc đầu, Thường Đức chỉ được phòng thủ bởi một tiểu đoàn Địa Phương Quân, khoảng cuối tháng 6, 1974, khi biết Việt cộng sắp đánh chiếm Thường Đức, nhưng Tướng Ngô Quang Trưởng cũng chỉ điều động một tiểu đoàn 79 Biệt Động Quân từ Quảng Ngãi ra tăng cường mà thôi!
– Nhà văn Lữ Giang đã viết…” sau khi cuộc chiến được Việt Nam hóa, các nhà lãnh đạo quân sự của Miền Nam đã không nhận ra được tầm quan trọng của cái chốt Thường Đức, không thấy được chiến lược và chiến thuật của Cộng quân là khai thông con đường Đông Trường Sơn để đưa quân xuống đánh thẳng vào Sài Gòn, nên không quan tâm đến Thường Đức…
 Tướng Ngô Quang Trưởng chẳng những không nhận ra được tầm quan trọng của việc cắt ngang con đường Đông Trường Sơn của Thường Đức, mà còn muốn mở thông con đường này cho Cộng quân chuyển xuống Miền Nam để Vùng I của ông khỏi bị áp lực nặng”
Ngoài ra, một vấn nạn lịch sử còn rất khó tìm câu trả lời hơn nữa. Đó là gần như ngay sau khi quận lỵ Thường Đức vừa thất thủ thì Bộ TTM QLVNCH đã điều động hai Lữ Đoàn Nhảy Dù ra để … tái chiếm. Tất cả chúng ta đều đã biết cái giá phải trả cho một cuộc tái chiếm sẽ to lớn hơn là việc phòng thủ gấp bội. Sự thương vong của hơn 50% quân số tham chiến thuộc Sư Đoàn Dù đã cho chúng ta thấy rõ điều này.
Do đó, nhận xét của nhà văn Lữ Giang trên đây cũng không phải là qúa đáng và vô căn cứ.
Xin được đóng góp một ý kiến cá nhân về các vấn nạn nói trên như sau:
Phải chăng, ngay sau khi Thường Đức vừa thất thủ thì TT Nguyễn Văn Thiệu đã bất ngờ thay đổi một điểm trong chính sách “Bốn Không” của ông. Ông sẽ cắt bỏ vùng đất phía Bắc dẫy Bạch Mã là vùng Quảng Trị, Thừa Thiên. Do đó mà đã có lệnh tái chiếm ngọn đồi 1062 và quận Thường Đức để dùng dẫy núi Bạch Mã như một chiến lũy thiên nhiên để tử thủ Miến Nam từ Đà Nẵng trở vào mà thôi.
Nhưng mà phải chăng chiến lược mới này của TT Nguyễn Văn Thiệu đã được thay đổi và ban hành qúa trễ. Từ chỗ bể vỡ tại Thường Đức này, Làn Sóng Đỏ đã cuồn cuộn ùa vào và toàn bộ Miền Nam VN đã bị nhận chìm trong ngày Quốc Hận 30-4-1975.
Vũ Linh Châu
TRẬN THƯỜNG ĐỨC 1974 
. . . 
Lãnh thổ miền Trung khi đi qua ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên thì thu nhỏ lại, có nơi bề ngang chỉ 50 cây số, nhưng khi qua khỏi đèo Hải Vân đi vào tỉnh Quảng Nam, lãnh thổ bung rộng ra. Vì thế, tỉnh Quảng Nam rất lớn, có diện tích đến 11.043 cây số vuông. Tuy nhiên, 72% lãnh thổ tỉnh này là núi rừng, trong đó có rất nhiều đỉnh núi rất cao như đỉnh Lam Heo 2.045m, đỉnh Tion 2.032m, v.v. Có nhiều khu rừng nguyên sinh chưa khai phá như rừng Phước Sơn. Chỉ khoảng 25% lãnh thổ là đồng bằng. Vì thế, việc bảo vệ Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn.






Năm 1962, để bảo vệ an ninh lãnh thổ và phát triển, chính phủ Ngộ Đình Diệm đã ban hành sắc lệnh chia tỉnh Quảng Nam ra thành hai tỉnh: tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Tín. Tỉnh Quảng Nam từ đèo Hải Vân đến sông Rù Rì và tỉnh Quảng Tín là phần đất còn lại.


* Quảng Tín gồm 6 quận: Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Hiệp Đức, Hậu Đức và Lý Tín.
* Quảng Nam được chia ra 9 quận: Đức Dục, Quế Sơn, Thường Đức, Hiếu Đức, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang và Hiếu Nhơn.

Thường Đức là một quận mới được thành lập năm 1962, tách ra khỏi quận Đức Dục cũ, nằm sâu vào trong núi. Từ quận Điện Bàn nằm trên Quốc lộ 1 có Liên tỉnh lộ 4 chạy nép theo sông Vu Gia dẫn vào Thường Đức dài khoảng 40 cây số, nhưng đường sá rất hiểm trở. Thường Đức nằm ở ngã tư Liên tỉnh lộ 4 và Quốc lộ 14. Sở dĩ chính phủ Ngô Đình Diệm cho thành lập quận này là để cắt đứt con đường 14, không cho Cộng quân di chuyển vào Nam. Vùng chung quanh đường 14 có bộ lạc Katu sinh sống.

Con đường 14, khi qua khỏi phía sau đèo Hải Văn thì gặp Hiên, người Pháp gọi là Prao, nằm cách Đà Nẵng khoảng 90 cây số, sau đó đi xuống thung lũng sông Vu Gia, nơi có bến Giằng nằm trên nhánh sông Cái và quốc lộ 14. Thung lũng này không rộng lắm. Tại đây có một đồn biên giới của Pháp ngày xưa và có một số làng Việt Nam sống bên ngoài thung lũng. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã dùng nơi đây làm quận lỵ Thường Đức.

Qua khỏi Thường Đức, đường 14 đi vào mật khu Hiệp Đức của Cộng quân, chạy dọc phía trên các quận Đức Dục, Tiên Phước, Hiệp Đức và Hậu Đức, vào đến Khâm Đức thuộc Phước Sơn rồi quẹo lên Kontum.


DỨT ĐIỂM THƯỜNG ĐỨC
Tỉnh Quảng Nam là vùng xôi đậu. Dựa trên tài liệu “Việtnam from Cease-Fire to Capitulation” 
(Từ Đình Chiến đến Đầu Hàng) của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ do Đại Tá William E. Le Gro biên soạn, và dựa trên sự tường thuật của nhiều nhân chứng, chúng tôi xin tóm lược về trận Thường Đức như sau:Trong thời gian 1973 và 1974, phía Việt Nam Cộng Hòa có Sư Đoàn 3 Bộ Binh trấn giữ tỉnh Quảng Nam và một phần tỉnh Quảng Tín. Sư đoàn này có ba trung đoàn cơ hữu là Trung Đoàn 2, Trung Đoàn 56 và Trung Đoàn 57. Trung Đoàn 2 phụ trách khu vực Gò Nồi và quận Đức Dục. Trung Đoàn 56 chịu trách nhiệm về hai quận Quế Sơn và Thăng Bình. Trung Đoàn 57 là trung đoàn trừ bị.
Hai nơi hiểm yếu và chịu áp lực nặng nhất là Nông Sơn và Thường Đức, được giao cho Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân. Liên đoàn này có 3 tiểu đoàn là 77, 78 và 79. Tiểu Đoàn 78 đóng ở Nông Sơn và Tiểu Đoàn 79 đóng ở Thường Đức. Quận lỵ Thường Đức vốn do một tiểu đoàn Địa Phương Quân bảo vệ. Vào giữa tháng 6 năm 1974, khi được tin Cộng quân có thể tấn công Thường Đức, Tiểu Đoàn 79 mới được đưa từ Quảng Ngãi về trấn giữ vị trí này.

Phía Cộng quân có Sư đoàn 711 và Trung Đoàn 52 biệt lập. Sư đoàn 711 có các trung đoàn 31, 38 và 270. Ngoài ra, Cộng quân còn có Tiểu Đoàn 10 Đặc Công. Sư Đoàn 711 đặt bản doanh tại mật khu Hiệp Đức nằm khoảng giữa Nông Sơn và Hậu Đức thuộc tỉnh Quảng Tín, và khống chế toàn bộ con đường 14 trong lãnh thổ tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, vì kẹt đồn Thường Đức, Cộng quân không thể khai thông đường 14 được. Tháng 6 năm 1974, Hà Nội ra lệnh dứt điểm Thường Đức, trước là để khai thông con đường Đông Trường Sơn, sau là thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ.

Trong năm 1972, Sư Đoàn 711 đã chiếm quận Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam và Tiên Phước của tỉnh Quảng Tín. Tháng 7 năm 1972, Sư Đoàn 3 VNCH và Biệt Động Quân đã chiếm lại hai quận này, sau đó mở cuộc hành quân Quang Trung 81 tiến từ Quế Sơn vào mật khu Hiệp Đức. Sư Đoàn 711 bị thiệt hại nặng, Trung Đoàn 270 của sư đoàn này phải bị giải thể. Đến năm 1974, Sư Đoàn 711 được đổi tên thành Sư Đoàn 2 và bắt đầu hoạt động trở lại với ba Trung Đoàn 1, 31 và 38.
 (Xin đừng lầm lẫn Sư Đoàn 2 này với Sư Đoàn 2 Sao Vàng đã bị B-52 tiêu diệt trong trận Kontum năm 1972 và sau đó phải giải thể).

Vào khoảng tháng 6 năm 1974, kẻ viết bài nầy có đi với một phái đoàn báo chí ra Đà Nẵng và được đưa lên Thường Đức bằng trực thăng để quan sát mặt trận. Chúng tôi được nghe thuyết trình về các hoạt động của Cộng quân chung quanh quận Thường Đức và cho biết Cộng quân sắp tấn công Thường Đức. Như vậy Quân Đoàn I đã nắm rất vững kế hoạch tấn công của địch và sau đó đã đưa Tiểu Đoàn 79 BĐQ về trấn giữ ở đây.

Tuy Thường Đức chỉ do Tiểu Đoàn 79 BĐQ và một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân trấn giữ, nhưng các Tướng của Cộng quân đã cho rằng “đánh Thường Đức còn khó hơn đánh Quảng Trị”, vì vị thế của Thường Đức rất hiểm trở. Vì thế, Bắc Việt phải huy động gần 3 sư đoàn để đánh Thường Đức: Sư Đoàn 2, Sư Đoàn 304, Trung Đoàn 29 của Sư Đoàn 324B và Trung Đoàn 36 của Sư Đoàn 308.

Ở đây chúng tôi cũng xin mở một dấu ngoặc: Sư Đoàn 308 là một sư đoàn thiện chiến của Bắc Việt, đã từng gây kinh hoàng cho Sư Đoàn 3 VNCH trong Mùa Hè Đỏ Lữa ở Quảng Trị. Nhưng trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào, Sư Đoàn 308 đã bị B-52 tiêu diệt, chỉ còn lại khoảng một trung đoàn, tập hợp là thành Trung Đoàn 36. Phải chăng trong trận này, Cộng quân muốn dùng cái tên Sư Đoàn 308 để uy hiếp tinh thần của Sư Đoàn 3 VNCH?

Sư Đoàn 2 CQ và Trung Đoàn 36 của Sư Đoàn 308 có nhiệm vụ chận các đường tiếp viện. Trung Đoàn 29 thuộc Sư Đoàn 324B và Sư Đoàn 304, một sư đoàn thiện chiến của Bắc Việt, mở cuộc tấn công thẳng vào Thường Đức. Mặt trận do Tướng Hoàng Đan, Quân Đoàn Phó Quân Đoàn 2 của Cộng Quân làm Tư Lệnh.

Trước khi đánh Thường Đức, ngày 18.7.1974 Cộng quân cho Trung Đoàn 36 của Sư Đoàn 308 đánh chiếm Nông Sơn, nơi đang do Tiểu Đoàn 78 BĐQ trấn giữ. Cụm phòng thủ Nông Sơn “ Trung Phước nằm hai bên bờ sông Tỉnh Yên, cách quận lỵ Đại Lộc chỉ 16 cây số. Với sự tăng cường của 2 tiểu đoàn thuộc Sư Đoàn 2 CQ và Tiểu Đoàn 10 Đặc Công, vào trưa 18.7.1974, Cộng quân đã tràn ngập căn cứ Nông Sơn. Sư Đoàn 3 VNCH liền đưa Trung Đoàn 2, một pháo đội 155 ly, một pháo đội 175 ly và một chi đoàn của Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh đánh chiếm lại, nhưng không tái chiếm được và bị thiệt hại nặng. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 VNCH phải huy động Liên Đoàn 12 BĐQ (gồm ba tiểu đoàn 21, 37 và 39) vào thay Trung Đoàn 2 mới tái chiếm được.

Ngày 29.7.1974, Cộng Quân mở cuộc tấn công vào quận Đức Dục do Tiểu Đoàn 21 BĐQ trấn giữ và bắn pháo vào phi trường Đà Nẵng, đồng thời cho Trung Đoàn 29 tấn công vào Chi Khu Thường Đức do Địa Phương Quân trấn giữ. Thông tin với Chi Khu bị mất liên lạc. Từ Đồi 52 gần Đại Lộc, Cộng quân đã pháo kích rất chính xác vào các vị trí phòng thủ của Tiểu Đoàn 79 BĐQ. Hai tiền đồn BĐQ ở phía tây bị mất liên lạc.

Sáng 30.7.1974, Chi Khu Phó Chi Khu Thường Đức bị thương do pháo kích, nhưng các cuộc tấn công của Cộng quân đều bị đẩy lui. Sau đó, phi cơ quan sát của Không Quân nhìn thấy một đoàn xe của Cộng quân đang di chuyển trên Liên tỉnh lộ 4 ở phía tây Thường Đức, liền gọi phi cơ đến oanh tạc, phá hủy được 3 chiến xa của Cộng quân và nhiều xe vận tải khác. Cũng trong ngày 30.7.1974, Biệt Động Quân đã bắt được một tù binh của Cộng quân và biết được lực lượng của Cộng quân đang mở cuộc tấn công là Trung Đoàn 29 của Sư Đoàn 324B.

Ngày 31.7.1974, Cộng quân bắt đầu cho bộ đội tấn công vào Thường Đức. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 79 BĐQ gọi pháo binh bắn trọng pháo vào ngay Bộ Chĩ Huy của tiểu đoàn. Điều này chứng tỏ Công quân đã tràn ngập Bộ Chỉ Huy của tiểu đoàn. Được tin này, Tướng Nguyễn Duy Hinh quyết định cho Trung Đoàn 2 thuộc Sư Đoàn 3 đang ở phía tây Đại Lộc tiến theo LTL 4 đến giải cứu Thường Đức, nhưng không tiến được. Tướng Hinh phải đưa đại bác 175 ly vào Hiếu Đức để bắn yểm trợ cho Thượng Đức, trong khi đó Không Quân đến oanh tạc vòng đai quanh Thượng Đức, gây tử thương cho 13 Cộng quân và 45 bị thương.

Tiểu đoàn 79 BĐQ có nhiều người bị thương nên đã yêu cầu cho trực thăng đến chuyển thương, nhưng Không Quân trả lời rằng chỉ khi nào diệt xong các ổ súng phòng không của Cộng quân quanh Thường Đức, trực thăng mới có thể hạ cánh được.

Khi thấy tình hình nguy ngập, Tướng Ngô Quang Trưởng đã ra lệnh cho một Chi Đội Thiết Giáp M-48 đang đóng ở Tân Mỹ, Thừa Thiên, di chuyển ngay vào Đà Nẵng để giải cứu Thường Đức. Ngày 1.8.1974, khi Chi Đội M-48 vừa đến Đà Nẵng, Tướng Hinh liền cho thiết lập một lực lượng đặc nhiệm gồm có Trung Đoàn 2 Bộ Binh và Thiết đoàn 11 Kỵ Binh đi tái chiếm Thường Đức, nhưng lực lượng này không tiến lên được.

Ngày 4.8.1954, Biệt Động Quân tìm thấy 53 xác Cộng quân bị máy bay oanh tạc chết ở những ngọn đồi phía tây nam Thường Đức.

Ngày 5.8.1974, Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 2 bắt được một tù binh. Tù binh này khai thuộc Trung Đoàn 29 và cho biết trung đoàn này đang đóng giữa Thường Đức và Đồi 52. Tướng Hinh liền cho Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 2 và Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 57 tiến chiếm Đồi 52, nhưng khi còn cách đồi này khoảng 4 cây số thì phải dừng lại vì pháo của Cộng quân quá mạnh.

Trong khi đó, Trung đoàn 66 của Sư Đoàn 304 bắt đầu tấn công vào Thường Đức. Tiểu đoàn 79 BĐQ cho biết đạn dược và lương thực bắt đầu cạn. Máy bay đã đến thả đạn dược và lương thực xuống cho Tiểu Đoàn 79, nhưng không may tất cả đã rơi ngoài vòng rào, vì máy bay không dám bay thấp.

Ngày 6 và đêm 7.8.1974, Cộng quân pháo khoảng 1200 trái pháo vào căn cứ Thường Đức, sau đó cho bộ binh tràn vào. Lúc 8 giờ 30 sáng ngày 7.8.1974, Tiểu Đoàn 79 BĐQ thông báo không còn giữ căn cứ được, phải rút lui và cắt đứt liên lạc. Thường Đức hoàn toàn bị thất thủ.

LỰC LƯỢNG DÙ THAM CHIẾN
Năm 1973, sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, cuộc chiến Việt Nam tạm ngưng, nhưng hai sư đoàn tổng trừ bị là Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến vẫn còn được Tướng Ngô Quang Trưởng lưu giữ tại Quân khu I.

Ngày 7.8.1974, sau khi Thường Đức bị chiếm và áp lực của Cộng quân đè nặng ở phía tây Đà Nẵng, Tướng Ngô Quang Trưởng quyết định đưa Lữ Đoàn 1 và Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù từ Thừa Thiên vào Đà Nẵng để tái chiếm Thường Đức.

Ngày 8.8.1974, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù gồm 3 tiểu đoàn trực thuộc đã được vận chuyển đến Đại Lộc ở phía đông Thường Đức. Ngày 11.8.1974, Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù được di chuyển bằng phi cơ xuống phi trường Đà Nẵng sau khi bàn giao khu vực trách nhiệm cho Liên Đoàn 15 BĐQ. Sau đó, Tướng Lê Quang Lưởng cho di chuyển Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù vào đặt bản doanh gần bờ biển Non Nước, phía đông nam thành phố Đà Nẵng để chỉ huy.

Biết Quân Lực VNCH sẽ tìm cách chiến lại Thường Đức, Cộng quân cho Trung đoàn 29 chiếm giữ những ngọn đồi thấp ở phía nam của dãy núi núi cao chạy dọc theo sông Vu Gia và Liên tỉnh lộ 4, ngăn chận con đường gồ ghề và ngoẳn nghèo đi vào Thường Đức. Điểm cao nhất của dãy núi nầy là đỉnh 1235 cách Liên tỉnh lộ 4 khoảng 6 cây số về phía bắc. Đỉnh thứ hai là đỉnh 1062 nằm ở phía nam cách đỉnh 1235 khoảng 2 cây số. Cộng quân đã chiếm đỉnh 1062 để có thể kiểm soát đoạn đường từ Đại Lộc đến Thường Đức. Cộng quân cũng cho các tiền sát viên điều chỉnh pháo binh bắn chính xác vào các đơn vị của VNCH ở Đại Lộc. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của hai Lữ Đoàn Dù là phải chiếm đỉnh 1062 bằng mọi giá.

Trước hết, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù được giao phó nhiệm vụ ngăn chận địch xâm nhập vùng quận Hiếu Đức. Ngày 18.8.1974, khi ba Tiểu đoàn 1, 8, và 9 Nhảy Dù vừa tiến quân thì đụng đầu ngay với các đơn vị của Trung đoàn 29 ở phía đông đồi 52 gần xã Hà Nha. Sau một tháng đánh nhau, hai bên đều bị thiệt hại nặng. Cộng quân phải điều Trung đoàn 31 thuộc Sư Đoàn 2 vào Thường Đức thay thế Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 để Trung Đoàn 66 phụ lực với Trung đoàn 29 chống lại các đơn vị Nhảy Dù.

Vì Cộng quân đã cho làm các hầm hố kiên cố quanh đỉnh 1062 bằng những thân cây rừng to lớn nên pháo binh và không quân của VNCH không thể phá vỡ được. Do đó, Lữ Đoàn Dù đã phải quyết định phóng lựu đạn cay và bình E8 để buộc địch phải chui ra khỏi các hầm trú ẩn rồi xin máy bay thả bom lửa Napalm đốt. Nhưng Lữ Đoàn Dù vừa chiếm được các vị trí quan trọng quanh đỉnh 1062 được ít lâu, Cộng quân đã dùng một lực lượng đông đảo hơn để chiếm lại. Hai bên bị tiêu hao rất nặng.

Vào đầu tháng 9/1974, Cộng quân cho thêm Trung Đoàn 24 của Sư Đoàn 304 đến trợ chiến với Trung Đoàn 29 và Trung Đoàn 66. Nhưng vào chiều ngày 19.9.1974, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù báo cáo đã chiếm được đỉnh 1062.

Ngày 2.10.1974, Tiểu đoàn 2 và Thiểu Đoàn 9 Nhảy Dù mở cuộc lục soát ở khu vực quanh đồi 1062 và dãy Sơn Gà, khám phá ra khoảng 300 xác địch và bắt sống được 7 tù binh thuộc Sư Đoàn 304. Một tuần sau, Sư Đoàn 304 lại mở cuộc tấn công tái chiếm đỉnh 1062. Nhưng nhờ pháo binh và phi cơ yểm trợ, các đơn vị Dù vẫn giữ vững đồi 1062.

Tính đến trung tuần tháng 10/1974, sau gần 2 tháng quần thảo với Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 304 của Cộng Quân, Lữ Đoàn 1 Dù gồm 4 tiểu đoàn đã bị tổn thất khoảng 500 chiến sĩ vừa chết vừa bị thương. Phía Cộng quân bị thiệt mất trên 1200 người và 14 người bị bắt làm tù binh.

Ngày 29 tháng 10 năm 1974, Trung đoàn 24 của Sư Đoàn 304 đã dùng súng phóng hỏa đốt đồi 1062 khiến các lực lượng Dù phải rút khỏi đỉnh đồi. Ngày 1.11.1974 Cộng quân lại chiếm giữ đồi 1062 một lần nữa.

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng liền ra lệnh cho Tướng Lê quang Lưỡng, Tư Lệnh Sư Đoàn Dù, phải lấy lại đồi 1062 với bất cứ giá nào. Ngày 8.11.1974, lực lượng Dù lại bắt đầu mở cuộc phản công và 3 ngày sau đã chiếm lại được đồi 1062,

Kể từ ngày 11.11.1974, Lực Lượng Dù đã ngự trị trên toàn ngọn đồi máu 1062 ở phía đông Thường Đức và thành lập tuyến phòng thủ trên các triền núi quanh đồi này. Công quân bị tiêu hao quá nhiều, không dám trở lại tấn công nữa. Tuy nhiên, Sư Đoàn 304 và Trung Đoàn 29 của Cộng quân đã thành lập một hệ thống phòng thủ vững chắc quanh Thường Đức để bảo vệ con đường 14, Quân Lực VNCH không thể tái chiếm Thường Đức được.

Vào cuối năm 1974, Lực Lượng Dù chỉ để lại trên đồi 1062 Tiểu Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 7, và đặt Bộ Chỉ Huy tại đỉnh Đông Lâm cách đồi 1062 khoảng 4 cây số về phía đông, để ngăn chận không cho Cộng quân tái chiếm đồi 1062.

KẾT QUẢ TRẬN CHIẾN THƯỜNG ĐỨC

Những trận đánh ác liệt quanh Thường Đức kéo dài từ ngày 18.7.1974 đến ngày 11.11.1974 đã đem lại những kết quả như sau:

Về nhân mạng: Theo sự ước tính của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, khoảng 2000 Cộng quân đã bị thiệt mạng và 5000 bị thương. Về phía VNCH, Tiểu Đoàn 79 BĐQ không còn nữa. Lực lược Nhảy Dũ cả chết lẫn bị thương gần đến 50%.

Về lãnh thổ: Lực Lượng Nhảy Dù đã chiếm lại được đồi 1062 ở phía đông Thường Đức, nhưng không tái chiếm được Thường Đức.

Năm 1965 cũng đã xẩy ra một trận đánh lớn ở đây. Cộng quân đã tập trung một lực lượng khá lớn để mở cuộc tấn công vào quận Thường Đức. Lực lượng này gồm có Mặt Trận 44 Quảng Đà, Trung Đoàn Q.82 và Nông Trường 2 Sao Vàng. Trận đánh diễn ra tại Ba Khe, Hà Nha và đồi Tétonon (1062). Trung Đoàn 51 Bộ Binh biệt lập của Việt Nam Cộng Hòa phải chiến đấu một cách anh dũng và vất vả mới có thể giữ được phần đất này. Sau trận đánh đó, hầu hết nhà cửa trong quận đều bị thiêu rụi, xác chết trôi đầy sông. Những trận đánh lớn như thế lại tiếp diễn vào tháng 1 năm 1972. Nhưng chưa lần nào Thường Đức bị mất hẵn vào tay Cộng quân như lần này.

KHÔNG TRI BỈ TRI KỶ
Ngày xưa, khi đến cai trị Đông Dương, người Pháp đã nhận ra ngay tầm quan trọng của cái chốt Thường Đức trên đường 14, nên đã lập một đồn tại đó để kiểm soát. Chính phủ Ngô Đình Diệm cũng đã nhận ra tầm quan trọng của Thường Đức trên đường tiến quân của Bắc Việt, nên đã biến Thường Đức thành một quận và hình thành Chi Khu Thường Đức để trấn giữ. Mỹ can thiệp vào Đông Dương cũng đã đánh giá cao tầm quan trọng của Thường Đức, nên đã tìm cách khóa chặt chốt này, không cho Cộng quân di chuyển xuống miền Nam. Cộng quân phải xử dụng con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào rất vất vã.

Điều đáng tiếc là sau khi cuộc chiến được “Việt Nam hóa”, các nhà lãnh đạo quân sự của miền Nam đã không nhận ra được tầm quan trọng của cái chốt Thường Đức, không thấy được chiến lược và chiến thuật của Cộng quân là khai thông đường Đông Trường Sơn để đưa quân xuống đánh thẳng vào Sài Gòn, nên không quan tâm đến Thường Đức.

Nếu các tướng lãnh VNCH nhận ra được tầm quan trọng của Thường Đức, đưa khoảng một Liên Đoàn Biệt Động Quân đến thiết lập những nút chặn quanh Thường Đức, Cộng quân khó có thể khai thông con đường Đông Trường Sơn được.

Tướng Ngô Quang Trưởng chẳng những không nhận ra được tầm quan trọng của việc cắt ngang con đường Đông Trường Sơn ở Thường Đức mà còn muốn mở thông con đường này cho Cộng quân chuyển xuống miền Nam để Vùng I của ông khỏi bị áp lực nặng!

 http://www.maplandia.com/vietnam/quang-nam-da-nang/dai-loc/thuong-duc/
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2436369526376859&set=a.197514143595753&type=3&eid=ARCGDVu1o1mSzz6TZV112ldGguDeFOcV1XfIVdKPJQ6gCVh_H0y8UrMFBX8t8uHuxR8ad8rEWmxOexiv