Wednesday, June 26, 2019

TRẬN ĐÁNH CHI KHU CHƠN THÀNH , phần 1


DSCF4644

Phần 1: Trận đánh chốt Chiến đoàn

Khoảng 10 giờ đêm, đang trên đường hành quân về hướng Truông mít- Bàu đồn, đơn vị chúng tôi được lệnh trở lại tiêu diệt cứ điểm chi khu Chơn thành để mở đường cho cánh quân hướng Tây- Bắc tiến về Sài gòn.

Chi khu Chơn thành một cứ điểm quân sự nằm lọt thỏm giữa vùng giải phóng cạnh quốc lộ 13 và cách Sài gòn 100 km, đây là chi khu quân sự được bố phòng hết sức chặt chẽ với hàng chục lớp kẽm gai dày đặc, bãi mìn rộng hàng trăm mét, bờ đê khá cao cùng với hào chống tăng nhiều lớp, về lực lượng địch ngoài lực lượng địa phương quân không đáng quan tâm thì lực lượng Biệt động quân khoảng một chiến đoàn hay liên đoàn ( tuỳ theo cách gọi) đây là lực lượng tinh nhuệ mà đơn vị chúng tôi đã nhiều lần chạm trán và khi nào tổn thất cũng đều cao cho cả hai phía

Sau hai ngày đêm hành quân không nghỉ, khi vừa đến nơi đơn vị nhận lệnh vào ngay vị trí tiếp cận đánh chiếm chốt chiến đoàn, lúc đó khoảng 11 giờ đêm. Lệnh đào hầm được triển khai. Gần cuối mùa khô vùng đất pha cát Chơn thành rắn khủng khiếp, những người có xẻng mỹ (1) mỗi lần cuốc xuôg chỉ sâu được khoảng một hoặc hai cm, vì chỉ có một cái xẻng mỹ nên nhóm của tôi bốn người chỉ tập trung đào một hầm (cách tốt nhất là hai người đào một hầm chử Z như thế sẽ tốt cho việc tác chiến), trong trường hợp này, đào kiểu gì cũng được chúng tôi chỉ mong có nơi ẩn nấp trước khi cuộc cuộc tấn công bắt đầu vì thế bốn người chúng tôi thay nhau đào hầm với mọi sức lực và khả năng có thể, những bài học xương máu đã cho chúng tôi ý thức rằng ở cuộc chiến này chỉ ở dưới mặt đất mới tồn tại sự sống.

Trong khi chúng tôi đang đào hầm thì liên lạc của đại đội đến chơi, anh ta là lính mới, có lẽ là đồng hương hoặc ở cùng đơn vị huấn luyện với một hoặc cả hai đồng đội trong nhóm đang đào hầm với tôi.

– Bạn không phải đào hầm sao? một người hỏi.

– Mệt quá mình qua đây ngồi nghỉ một tí,

Liên lạc ngồi chơi ít phút rồi lăn ra ngủ một cách say sưa, có lẽ ai cũng thế thôi vì hai ngày đêm rồi có ai được ngủ đâu, nhưng lúc này không phải là lúc ngủ.

Khoảng 4 giờ sáng, những tiếng la ó từ trong chốt vọng ra, kèm theo là pháo sáng bắn lên sáng rực bầu trời, trận địa đã bị lộ, pháo, cối các loại, M79, đạn đại liên bắn như mưa về phía chúng tôi, căn hầm của chúng tôi bốn người mới lọt được ba xuống dưới một người còn lại nằm trên chui đầu xuống để tránh đạn. Khi địch chuyển hướng bắn, chúng tôi lại bắt tay ngay vào việc đào hầm, cứ như thế từng mũ cối đất được đưa lên để căn hầm sâu thêm, ở độ sâu khoảng hơn nửa mét, vẫn là đất cát nhưng tương đối mềm và tốc độ đào được nhanh hơn.

Trời sáng rõ nghe tiếng xe tăng vọng lại, chúng tôi nghĩ rằng cuộc tấn công đã bắt đầu và cũng như bao trận đánh trước đó chúng tôi đang chờ lệnh xung phong, ngay lập tức trong chốt địch lại bắn ra với cường độ dữ đội hơn và cứ như thế lập đi lập lại, mỗi khi nghe tiếng xe tăng là một lần mưa bom bảo đạn lại dội xuống trận địa, cùng theo đó số lượng thương vong của ta cũng tăng thêm, có lẽ đối phương đang áp dụng chiến thuật đã từng làm ta tổn thất lớn ở chiến trận An lộc 1972, bom đạn đã làm cho xe tăng và bộ binh không phối hợp được với nhau.

Có thông tin rằng ta đã mở được cửa mở* nhưng địch phát hiện và cho xe tăng ra án ngữ, thông tin này cho chúng tôi tin rằng việc xung phong sẽ bị hoãn lại để chờ thời cơ vì xung phong lúc này là tự sát.

Mặt trời lên cao, nắng nóng như thiêu như đốt, nhóm chúng tôi quần áo ướt đầm mồ hôi, cổ họng khát nước khô cháy, những bình nước mang theo đã hết từ hồi đêm, tôi gom cả 4 bình toong và đi lấy nước, tôi biết có một vũng nước ở phía sau cách hầm chúng tôi khoảng hơn trăm mét, khi địch vừa chuyển hướng bắn tôi nhanh chóng bò trườn về phía sau, ước đoán đã ngoài tầm bắn của M79 và nhờ những bụi cây che khuất tôi mới dám đứng dậy đi lom khom.

Nhìn thấy vũng nước, tôi hết sức thất vọng vì đây là một vũng trâu đầm nhỏ xíu màu nước đen xì đặc sóng sánh cứt trâu, nước này làm sao mà uống, tôi nghĩ thầm. Nhớ lại thuở bé khi chơi đùa ở bờ cát ven sông tôi thường bới những hố nhỏ ven bờ để xem nước thấm vào và thấy nước trong hơn. Tôi chạy quanh tìm một cái gì có khả năng đào được cái lỗ như suy nghĩ, nhìn khẩu súng mang theo tôi ước gì nó còn lưỡi lê. Đi dọc theo sườn đất thấp, băng qua mấy bụi tre gai, tôi thấy một vũng nước tương tự khi đến nơi tôi nhận ra việc mình đang muốn làm đã có ai đó làm rồi, có đến ba cái hố nhỏ đào cạnh vũng nước, màu nước khá là tự nhiên tôi lựa một hố trong nhất uống thử, không có mùi phân trâu chỉ có mùi nước đái trâu khai ngòm xộc lên mũi, uống được, tôi uống cho hết cơn khát rồi múc đầy bình mang về.

Căn hầm lúc này đã đủ sâu cho cả 4 người chen vào mỗi khi chúng bắn rát, những lúc tiếng súng đổi hướng bắn là lúc chúng tôi phải ngoi lên khỏi miệng hầm để quan sát đề phòng địch nống ra. Khoảng hơn hai giờ chiều không biết địch phát hiện thấy gì, chúng bắn điên cuồng vào khu vực chúng tôi ẩn nấp, cát đất hất vào hầm rào rào. Nếu ở Bến cát tôi đã từng chứng kiến sự hủy diệt mặt đất của pháo bầy, pháo chụp, pháo khoan thì ở Chơn thành này tôi lại chứng kiến sự hủy diệt tương tự của vũ khí cá nhân, một chiến sĩ vừa với tay lên miệng hầm lấy bình nước thì bị đạn xẻo mất một miếng thịt nơi cánh tay.

Khi trời nhá nhem tối, cũng là lúc địch chỉ bắn cầm chừng và chuyển sang hướng khác, liên lạc đại đội lại đến, anh nói “mấy tiếng đồng hồ không dám thò đầu ra khỏi hầm chịu không nổi nóng và khát”, anh vừa dứt lời địch lại điên cuồng bắn cối và M79 xuống quanh vị trí hầm của chúng tôi, liên lạc không kịp chạy về, anh ta nhảy xuống nằm đè lên hai người dưới hầm, khi đó tôi đang khoét hàm ếch cho căn hầm nên ngồi ở trong cùng, một tiếng nổ chói tai vang lên, mắt tôi tối sầm lại tiếp đó là không thở được, tôi có cảm giác cái quần mình mặc quá chật, ít phút sau khi tỉnh lại tôi nghe có tiếng ai đó nói “ Liên lạc chết rồi, mảnh cối xuyên từ sau gáy qua cổ”. Trong hầm tối thấy một vật sáng lấp lánh như gương, tôi cầm lên hỏi đồng đội “nó bắn đạn gì mà sáng lấp lánh thế này”? không ai trả lời.

Khi địch chuyển hướng bắn, tôi ngoi lên miệng hầm cho dễ thở, thấy thân thể của anh liên lạc thỉnh thoảng lại giật lên, “anh ta còn sống sao không gọi cáng thương? tôi hỏi, “ nó chết rồi” một người trả lời. Tôi kiểm tra lại thấy liên lạc không còn thở nữa và tim đã ngưng đập.

Khoảng 10 giờ đêm nhận lệnh rút lui, không còn thấy chiếc bồng** của mình để sát miệng hầm tôi chợt nhớ đến mảnh vỡ sáng như gương khi nãy, không nghi ngờ gì nữa địch đã bắn trúng cái bồng của tôi và miếng sáng kia là mảnh vỡ của pha đèn pin, một chiếc đèn pin nhật là chiến lợi phẩm tôi thu được trong trận đánh chi khu Dầu tiếng.

Chúng tôi chỉ rút lui một khoảng không xa ngoài tầm súng bộ binh của địch thì dừng lại triển khai công sự, dưới ánh sáng mờ mờ tôi thấy hầm chiến đấu được đào khắp đó đây, tôi đoán nơi này là vị trí của đơn vị trù bị cho chúng tôi. Tìm một hồi tôi cũng ưng ý một cái hầm có độ sâu khoảng 40cm, các hầm khác chỉ khoảng sâu khoảng 15 đến 20cm, tôi nói với người đi cùng “hầm hố thế này làm sao chống được bom đạn”. Hai chúng tôi không có xẻng mỹ nên việc đào hầm sâu hơn là rất khó khăn, tôi nhớ đến cái hầm chữ A tránh bom ở Miền bắc, hay ít nhất cũng phải có một cái gì đó để đậy lên trên miệng hầm, trong bóng tối, tôi mò mẩm, quờ quạng một hồi lâu cũng chỉ kiếm được vài cành cây mục và một cái tăng còn nguyên vẹn, cái tăng như có nhựa dính vào tay lằng nhằng khi tôi cầm lên, tôi đoán đó là máu của thương binh hoặc tử sĩ. Hồi chiều có nguồn tin rằng: đơn vị dự bị phía sau bị tổn thất nặng nề vì pháo địch, một quả đạn pháo đã làm gọn cả ban chỉ huy trung đoàn khi họ đang họp … Ít phút sau chúng tôi được lệnh rút ra xa hơn.

Sau khoảng một giờ hành quân, đơn vị chúng tôi dừng lại đóng trại bên cạnh một con suối nhỏ, đã mấy ngày đêm rồi, tôi mới được nghỉ ngơi, một cảm giác lâng lâng trong người khi mà bên tai không còn nghe tiếng nổ của bom đạn. Tôi nằm trên thảm cỏ ngửa mặt nhìn lên “bầu trời trong cao lồng lộng đầy sao của Miền đông gian lao mà anh dũng” có lẽ tác giả của câu văn trên hẳn cũng nằm ngắm sao như tôi bây giờ.

(1) Loại xẻng được trang bị cho quân đội Mỹ hoặc quân lực VNCH có hai đầu, một đầu gập lại thành cái cuốc, đầu còn lại nhỏ nhọn như cuốc chim, bẻ thẳng ra là xẻng, rất bén .
TRẬN CHI KHU CHƠN THÀNH , phần 2-3 . 
Phần 2: Trận đánh chốt đại đội
Không thể xâm nhập được chốt chiến đoàn, ba ngày sau đơn vị chúng tôi được lệnh nhổ (đánh chiếm) chốt đại đội một tiền đồn từ xa của chi khu Chơn thành cũng cạnh quốc lộ 13, đây là một chốt bảo an dân vệ nên đơn vị chỉ sử dụng một đại đội tấn công vào chốt. Khác với lần trước trận đánh này chúng tôi áp dụng chiến thuật bí mật bất ngờ vận động tấn công. Có thể nói chỉ huy của chúng tôi hơi coi thường đối phương khi mà chỉ sử dụng một đối một trong điều kiện đối phương trong công sự vững chắc. Ở trận đánh này chúng tôi được biết: hỏa lực yểm trợ có pháo 85mm bắn thẳng, cối 120mm và cối 81mm.
Khoảng hơn một giờ sáng cả đơn vị đã vào vị trí tiếp cận từ phía đông của chốt, cả một vùng trống trải chỉ duy nhất có 3 bụi tầm vông và đại đội trưởng đã dùng vị trí đó làm nơi chỉ huy. Tôi thì thầm hỏi ông: “ở vị trí này ta sẽ trở thành tiêu điểm cho pháo địch”. “Đừng lo chúng nó chưa kịp bắn thì ta đã ở trong chốt rồi” ông trấn an tôi. Đêm khuya thanh vắng, âm thanh dù nhỏ vẫn có thể lọt đến tai địch vì vậy không ai nói gì nữa, mọi người nằm tại chỗ có lẽ họ đang theo đuổi một suy nghĩ riêng tư nào đó. Trải qua nhiều trận đánh, khẩu súng của tôi vẫn chưa nổ phát nào vì thế chiều qua, khi đơn vị kêu gọi nhường súng đạn cho bộ binh tôi đã không ngần ngại giao ngay, tôi chỉ mang theo hai quả lựu đạn cầu và một quả gia láng ( lựu đạn mỹ) để phòng thân.
Còn lâu lắm mới đến giờ nổ súng, tôi nhắm mắt lại cố gắng không suy nghĩ, chẳng biết tôi đã ngủ thiếp đi từ lúc nào, khi tỉnh giấc tôi thấy ở phía đông đã ửng hồng nơi chân trời, không bao lâu sau đó mọi cảnh vật hiện dần ra, chốt địch lù lù ngay trước mặt với hàng rào kẽm gai, chuồng cu, bờ đê, lô cốt. Phía trước tôi bộ đội nằm trơ trọi trên mặt đất theo từng cụm 4 hoặc 5 người, tôi đoán đó là đội hình chiến đấu của từng tiểu đội.
Trời sáng quá nhanh, cảm giác lo bị lộ trước khi nổ súng đã nhen nhóm trong người tôi. Làm thơ là một cách tốt nhất để giết thời gian và quên đi sự sợ hải mà người lính thường làm vì nó không cần giấy bút, nhẩm qua nhẩm lại một hồi là thuộc lòng, những hình ảnh sống động trước mắt đã cho tôi cảm hứng nên bài thơ “Trước giờ nổ súng” xin đăng :
TRƯỚC GIỜ NỔ SÚNG
Hồi hộp đợi chờ giờ nổ súng,
Đêm đã qua, trời sáng dần lên,
Phía đàng đông, rạng rỡ ánh hồng,
Lớp sương sớm tan dần đây đó.
Xa trăm mét người nằm thấy rõ,
Chim bay lên mừng rỡ đón bình minh.
Nhìn chốt giặc sau mấy lớp kẽm gai,
Những lô cốt, lỗ châu mai đen trũi,
Một dãy tường thành bờ đê cao vời vợi
Chuồng cu chênh vênh không có lính canh.
Chốt địch nằm đây trên một khoảng đồi,
Cây không có, cỏ tranh cháy rụi,
Khắp bốn phía, mênh mông trống trải
Chỉ có vài ụ mối con con.
Nơi tiếp cận đêm qua không đào hố, đào hầm,
Các chiến sĩ nằm trơ bãi rạ*,
Trời càng sáng càng lo bị lộ,
Đồng đội nằm bên, tim đập thình thình,
Thời gian ơi sao mà chậm chạp .
Đoàng, chíu, đoàng,
Phát pháo 85 mở đầu trận đánh,
Đạn súng cối thi nhau trút xuống,
Chốt giặc chìm trong bụi, khói đen.
Đã qua giờ thấp thỏm lo toan.
Có đến hai hoặc ba phát đạn đại bác đã bắn trúng lô cốt đầu cầu, khói bụi mù mịt nên tôi không biết nó đã sập chưa, một mãng lớn của bờ đê bị pháo 85 bắn vỡ toang, cả chốt địch chìm trong khói bụi, tiếng nổ lớn nhỏ đủ loại liên tục vang lên, không một phát đạn nào của địch chống cự lại.
– Báo cáo bộc phá sào không nổ,
– Thê đội dự bị tiến lên,
– Rõ,
Tôi thấy nét mặt đại đội trưởng lo lắng, bởi ai cũng biết nếu bộ binh không vào được trong chốt thì thất bại là điều không tránh khỏi.
– Báo cáo đã mở được cửa mở.
– Ngưng bắn để bộ binh sung phong, đại đội trưởng lệnh cho bộ đàm truyền tin về tiểu đoàn.
Tiếng súng lớn bổng đột ngột ngừng lại. Xung phong, ông ra lệnh, rồi lăm lăm khẩu K54 trên tay ông lao về phía trước. Tiếng súng A.K, tiếng lựu đạn nổ nghe chắc nịch át hẳn tiếng nổ lẹt đẹt của súng AR15.
Sau khi lọt vào trong chốt, tôi vẫn bám theo đại đội trưởng và dừng lại ở một giao thông hào chỉ sâu chưa đến thắt lưng, trước mắt tôi, khoảng 15m, một lô cốt khá to, tôi đoán là lô cốt trung tâm, một chiến sĩ lao lên tống lựu đạn vào lỗ châu mai rồi lùi về giao thông hào cách đó ít mét, lựu đạn nổ khói đen từ lổ châu mai tuôn ra ngoài, nhưng chỉ ít giây sau cũng từ lỗ châu mai đó, một trái lựu đạn gia láng được tung ra, tiếng nổ vừa dứt, anh bộ đội lại lao lên ấn lựu đạn vào lỗ châu mai, lựu đạn nổ và địch lại đáp trả, tôi không đoán được thằng địch nó nấp ở đâu mà không bị diệt, anh bộ đội lại lao lên lần nữa, lựu đạn nổ, năm giây, mười giây trôi qua không thấy địch đáp trả, “báo cáo đã diệt xong lô cốt trung tâm”, anh vừa dứt lời, ngay lập tức một tên lính từ phía kia hầm lao ra chạy vượt qua đầu anh bộ đội và chéo ngay trước mặt tôi, tên giặc không có súng, tôi la lên “tên Ngụy” đồng thời rút trái lựu đạn ra khỏi thắt lưng để ném theo nhưng tôi kịp dừng lại vì dưới giao thông hào nơi tên địch vừa nhảy xuống có mấy bộ đội ta đang tránh đạn. Một số tên địch chạy thoát được sang bên kia lộ 13 liền tập trung hỏa lực bắn như mưa vào vào nơi tôi nấp có vẻ như chúng bắn giải vây cho đồng đội. Khi tiếng nổ vừa ngớt tôi hỏi “ thằng Ngụy đâu rồi” tiếng một người từ cuối chiến hào trả lời “nó hàng đây rồi”.
Trận chiến đấu vẫn tiếp diễn ở phía cuối chốt, nơi mà quân địch dồn lại hòng chạy thoát sang bên kia đường, nhưng bị bộ binh ta bắn áp đảo nên chúng không dám rời khỏi hầm.
“Báo cáo giặc xin hàng”, một chỉ huy trung đội báo về “Ngưng bắn đế giặc ra hàng”, đại trưởng ra lệnh. Tiếng súng đang nổ đùng đùng tự nhiên tắt ngấm. Gần bốn mươi tên địch lóp ngóp từ trong các hầm hào chui ra hai tay giơ lên cao xin hàng, ngay lập tức họ được giải về tuyến sau. Trận đánh chiếm chốt kết thúc, phía ta không nghe báo cáo thương vong, phía địch có hai tên bị giết nằm sát bên nhau dưới giao thông hào, xác chúng bị xé tưa như hoa dừa, hoa cau mới nở, có lẽ viên đạn cối 120mm đã tạo ra “tác phẩm nghệ thuật” thấy ớn này.
Khoảng mười phút sau, pháo và cối hạng nặng của địch bắn tới tấp vào chốt nơi ta vừa chiếm được, khi pháo ngưng bắn là đến lượt máy bay nhào xuống thả bom, cứ như thế hết pháo lại bom từng đợt, từng đợt dội vào chốt. Có tiếng pháo cao xạ 37mm nổ trên bầu trời, nhờ thế mà máy bay không thể thả bom trúng mục tiêu.
Khoảng hai giờ chiều, khi tôi và ba người nữa đang trú ẩn trong một hầm khá lớn và chắc chắn thì một tiếng nổ khủng khiếp vang lên mắt tôi tối sầm lại, tai điếc đặc và tôi không biết gì nữa. Khi tôi tỉnh lại thấy căn hầm sáng choang bụi vẫn chưa tan hết, một lỗ thủng trên nóc hầm to bằng cái nia (đường kính khoảng 1,2m), tôi hỏi có ai việc gì không? Có ba tiếng trả lời cùng lúc ở ba góc hầm vọng lại “ không”.
Khoảng bốn giờ chiều, cấp trên nhận định: địch sẽ không tái chiếm chốt, chúng tôi được lệnh rút về căn cứ, những tiếng nổ đì đùng vọng lại từ phía sau, không cần nhìn lại tôi cũng biết địch đang bắn vào cái chốt không người.
Ngày 03 tháng 9 năm 2013
==
Phần 3 .
Phần 3; Trận đánh chốt Chi khu
DSCF3351
Những ngày cuối tháng ba, tin chiến thắng, từ khắp nơi liên tiếp báo về. Ở Miền trung hầu như mỗi ngày một tỉnh được giải phóng, đơn vị chúng tôi mang tiếng là lực lượng chủ lực của Miền đông nam bộ mà loai hoai mãi không dứt điểm được một chi khu nhỏ xíu của địch đã bị cô lập giữa vùng giải phóng, điều này có thể khiến chỉ huy của chúng tôi sẽ phải đưa ra quyết định táo bạo hoặc liều lĩnh hơn và đánh chiếm chốt chi khu là một sự lựa chọn.
Khác với những trận đánh trước đó, ta thường nổ súng tấn công vào đối phương lúc trời vừa hửng sáng, lần này chúng tôi sẽ đánh chiếm chi khu vào ban đêm. Theo kế hoạch ta sẽ bắn một nghìn trái pháo vào chi khu và bộ binh sẽ tấn công vào lúc bảy giờ tối. Một nghìn trái pháo bắn vào chốt địch, nghe mà xướng lỗ tai, vì hiếm khi ta sử dụng một hoả lực mạnh như vậy, tự nhiên tôi lại có ý nghĩ ta sẽ bớt được một nghìn người thương vong. Còn nhớ từ trước đến nay mỗi khi gặp đơn vị pháo binh, bộ binh ta thường hô lên “ba trái cấp tập”, ( do thiếu đạn nên hô bắn cấp tập nhưng đạn thì chỉ có quả thôi).
Sau gần ba giờ hành quân, trời vừa sẩm tối, cả đơn vị đã vào vị trí tiếp cận, tôi quan sát thấy mình đang ở trong khu vực hào chống tăng được đào nhiều lớp. Không lâu sau đó pháo ta bắt đầu dội đạn vào chốt chi khu, những tiếng nổ lụp bụp vang lên liên hồi, thỉnh thoảng lại thấy một vầng lửa bùng lên, kể từ lúc khai hoả đến khi kết thúc chỉ khoảng 15 phút. 7 giờ tối đơn vị chúng tôi vẫn án binh bất động, 8 giờ rồi 9 giờ vẫn không có lệnh tấn công, 9 giờ 30 phút trinh sát về báo chốt chi khu bị bắn sập hoàn toàn, toàn bộ quân địch đã tháo chạy khỏi chi khu.
Đến 10 giờ đêm đơn vị chúng tôi được lệnh truy kích địch. “Đối phương đã rút chạy trước chúng ta ít nhất là 3 tiếng đồng hồ, trừ khi ta di chuyển bằng cơ giới còn không thì khó mà theo kịp”, những chiến binh kỳ cựu nhận định như vậy.
Phần 4 Rừng xanh vang tiếng súng
Tiểu đoàn chúng tôi thần tốc hành quân suốt đêm theo các lối mòn trong rừng. Khoảng 6 giờ sáng bộ phận tiền quân của ta đã gặp đối phương, có lẽ là đội hình chính của địch, cuộc đọ súng diễn ra ác liệt tại một cánh rừng chồi, cây, dây chằng chịt, rừng rậm đến nỗi có chỗ chỉ cách xa 3m là không nhìn thấy gì nữa. Một xạ thủ B41 phát hiện địch ở khoảng cách gần anh vội nổ súng ngay mà quên đi góc bắn cần thiết của súng B41, một luồng lửa da cam phụt về phía sau đốt hai bắp chân của anh đen thui như hai cục than.
Đạn cầu vòng là ưu thế tuyệt vời ở địa hình rừng thế này, những chiến binh dũng cảm của ta đã bò lên gần đội hình địch quan sát rồi lui về điều chỉnh cối 61, chỉ sau ít phát bắn tiếng súng AR15 đã thưa hẳn, sau đó chỉ còn nghe tiếng súng đại liên chống cự quyết liệt với những tràng điểm xạ ngắn, điểm xạ dài. Nghe tiếng súng nổ chúng tôi nhận định rằng tên địch này là một xạ thủ dày dạn kinh nghiệm, vì thế không ai dám xông lên, thêm nhiều phát đạn cối 61 nữa bắn đi nhưng vẫn không diệt được hoả lực địch, bộ binh ta vẫn nhích dần về phía trước, nhưng nhiều lần phải lùi lại vì đạn địch quét sát mặt đất.
Mặt trời gần đứng bóng tiếng súng đại liên ngưng hẳn, lệnh của chỉ huy xông lên, tôi xách súng chạy theo tiểu đoàn phó, người trực tiếp xuống chỉ huy trận đánh cùng đại đội, khi lên đến nơi tôi thấy có một số xác chết, tên giặc đứng cạnh khẩu súng đại liên giơ tay xin hàng, tay phải của nó bị xích vào thân cây nhỏ (1), sợi xích nhỏ khá dài đủ cho nó có thể xoay sở được nhiều hướng bắn và nó đã chống cự đến viên đạn cuối cùng.
– Tại sao mày bắn hoài?
– Chỉ huy xích lại và bắt em phải bắn,
– Bắn này, muốn làm anh hùng hả?
Không chờ trả lời, anh chiến sĩ trở báng súng dộng một cái thật mạnh vào bụng tên lính, mặt nó nhăn lại vì đau đớn, một tiếng nổ đanh gọn vang lên, sợi xích bị bắn đứt.
– Báo cáo tiểu đoàn phó có 16 xác chết.
– Cho kiểm tra từng tên một,
Nói xong vị tiểu đoàn phó cuối xuống xác chết gần nhất, tay trái lăm lăm khẩu súng K54, tay phải ông sờ vào túi áo ngực của “cái xác”, bổng nhiên mắt của “xác chết” mở ra, đầu ngẩng lên, miệng nó kêu hộc hộc như heo bị chọc tiết, ông tiểu đoàn phó giật mình rụt tay phải lại nhưng tay trái của ông nó lại làm việc theo phản xạ, một tiếng nổ nghe cái đẹt, tôi thấy cái đầu của “xác chết” từ từ hạ xuống, một ít máu trào ra nơi lỗ tai.
Sự việc diễn ra quá nhanh ngay trước mặt mấy người, tiểu đoàn phó không nói gì ông đi thẳng về tuyến sau. các chiến sĩ bộ binh thu nhặt vũ khí rồi nhanh chóng rút đi, không ai kiểm tra xác chết nữa.
Tôi đưa mắt nhìn các xác chết còn lại tất cả đều nguyên vẹn không thấy máu, biết đâu trong số đó vẫn còn những tên sợ quá mà chết ngất, nếu còn thì hãy để cho nó được sống, tôi vội vã chạy theo đoàn quân.
Lúc này là thời cơ thuận lợi nhất để tiêu diệt đội quân tinh nhuệ này của địch, không cho chúng co cụm về Sài gòn. Theo sự hướng dẫn của trinh sát, chúng tôi đi lối tắt đón đầu toán quân lớn nhất của địch đã tham chiến với ta sáng nay. Dọc đường hành quân chúng tôi luôn phải dừng lại chiến đấu với từng nhóm nhỏ lẻ tàn quân địch rải rác khắp rừng nên khi đến được vị trí đã định thì địch đã đi qua rồi. Đơn vị chúng tôi tiếp tục bám theo, nhìn dấu vết dập nát đám cỏ tranh nơi chúng đi qua, tôi đoán rằng đối phương chỉ còn khoảng hơn 300 quân. Các loại vũ khí nặng như đại liên, súng cối, địch tháo rời ra từng bộ phận vứt lại dọc lối đi.
Hơn bốn giờ chiều, chúng tôi đuổi theo địch đến một trảng cỏ tranh rất lớn, chỉ huy ra lệnh dừng lại, tìm lối đi khác vì băng qua sợ bị phục kích .
Khi mặt trời sắp lặn chúng tôi đến một nơi có vẻ như là rừng già vì có nhiều cây to, phía trước có tiếng hô lớn “có địch” cả đại đội nằm rạp xuống hai bên lối đi, một loạt súng AK vang lên, ngay lập tức chúng tôi cũng nhận được sự đáp trả bằng một loạt súng AK tương tự. Khi nghe tiếng súng nổ hai bên nằm im trong giây lát.
– Đơn vị nào đấy?
– K …
– Thế còn bên đấy là đơn vị nào?
– S 9,
– Có ai trúng đạn không?
– Không
– Bên này cũng không.
– Hướng này không còn địch,
– Hướng này cũng không còn
Hai đoàn quân tiến lại gặp nhau, họ ôm lấy nhau vui mừng như những người thân ở xa mới về.
Trận đánh chi khu Chơn thành kết thúc sau 10 (2) ngày giao tranh ác liệt, một chiến thắng hết sức nhọc nhằn cho đơn vị chúng tôi, một trong hai sư đoàn thiện chiến nhất Miền đông nam bộ. Còn số quân đội VNCH khi tháo chạy khỏi Chơn thành thì ngoài chúng tôi ra, còn bị quân và dân các tỉnh Bình long, Tây ninh, Bình dương chặn đánh dọc đường nên bị tổn thất nặng nề, những tên sống sót cũng không còn tinh thần chiến đấu nữa.
Ngày 10 tháng 9 năm 2013

(1) Người lính này hẳn còn sống đâu đó, chỉ có anh ta mới biết được là bị xích hay tự xích để chặn đường cho đồng đội thoát thân.

(2) Thời gian có thể chênh lệch một hoặc hai ngày.
Chương 5: Bắt đầu của Một Kết Thúc
Trong hai năm 1973 và 1974, CSBV không chiếm được một tỉnh hay phần đất nào của VNCH. Có lúc CSBV nghĩ đến chuyện đánh Tây Ninh hay Kontum, nhưng phòng thủ của hai tỉnh đó nằm ngoài khả năng quân sự của cộng sản. Không còn mục tiêu nào, cộng sản chuyển hướng về Phước Long, một tỉnh lỵ nằm cực bắc của Vùng III. CSBV tấn công Phước Long với một lực lượng mạnh: hai sư đoàn rưỡi bộ binh, ba trung đoàn phòng không, thiết giáp, và pháo binh, cộng thêm vài đơn vị đặc công.
Đầu tháng 10-1974, qua tin tức thâu thập từ tình báo, phản gián, hồi chánh viên và tù binh, BTTM biết được kế hoạch CSBV chuẩn bị đánh chiếm Phước Long. Tin tức được BTTM chuyển đến bộ tư lệnh Quân Đoàn III, và bộ chỉ huy tiểu khu Phước Long. Tin tức về hoạt động của địch được bổ túc hàng ngày theo tình hình thay đổi. Cuộc tấn công của CSBV vào Phước Long không phải là một bất ngờ, ngoài ước đoán của chúng ta.
Phước Long nằm hướng đông bắc, cách Saigon 150 cây số đường bay. Biên giới ở hướng bắc của Phước Long nằm giáp giới với Cam Bốt. Phước Long gồm có bốn quận: Đức Phong, Phước Bình, Bố Đức và Đôn Luân. Phước Long có khoảng 30 ngàn dân, phần lớn là dân gốc Thượng, Stieng (Ma), và Mnong. Các dân thiểu số sống bằng nghề đốn cây và cạo mủ cao su. Dân gốc Kinh (Việt) còn lại là công chức hành chánh, buôn bán, hay phu đồn điền. Địa hình của Phước Long có nhiều đồi núi, rừng dầy, khó quan sát từ trên phi cơ. Từ lâu một phần của Phước Long là căn cứ hậu cần, tiếp liệu của cộng sản.(1) Phước Long nối với Saigon qua liên tỉnh lộ 1A và quốc lộ 14. Qua khỏi Phước Long, quốc lộ 14, theo hướng đông bắc, sẽ dẫn lên Quảng Đức và Ban Mê Thuột. Sông Bé là phi trường chánh của tỉnh, có khả năng tiếp nhận tất cả các lọai phi cơ từ hạng nhẹ cho đến loại vận tải cơ hạng nặng C-130. Thời tiết Phước Long có sương mù phủ kín từ 8 đến 9 giờ sáng; vào mùa mưa sương mù bao phủ cho đến 10, 11 giờ sáng.
Phước Long nhận tiếp tế qua hai đường 1A và 14. Một tuần sau ngày ngưng bắn CSBV cắt đứt liên tỉnh lộ 1A và quốc lộ 14 ở nhiều nơi. Sau khi hai đường tiếp tế chánh bị cắt đứt, Phước Long và bốn quận của tỉnh chỉ có thể nhận đồ tiếp tế bằng phi cơ và trực thăng. Hàng tháng Phước Long cần từ 400 đến 500 tấn nhu yếu phẩm cho dân và quân như gạo, muối, đường, đạn và nhiên liệu. Tháng 8-1974, quân đoàn III và II phối hợp hành quân, giải tỏa được quốc lộ 14. Thành công này tạm thời lấy đi gánh nặng về không vận bây giờ chỉ dùng vào những chuyến tiếp tế quân sự cần thiết như y dược, đạn và nhiên liệu.
Ngày 14 tháng 12-1974, CSBV đánh chiếm quận Đức Phong, nằm ngang quốc lộ 14. Một lần nữa Phước Long phải sống nhờ vào không vận. Tiếp tế bằng không vận cho Phước Long rất tốn kém và thất thường vì hỏa lực phòng không địch bố trí chung quanh.
Lực lượng bảo vệ Phước Long gồm năm tiểu đoàn Địa Phương Quân, với cấp số 750 đến 900 mỗi tiểu đoàn, và 48 trung đội Nghĩa Quân tổng cộng khoảng 1000 người. Pháo binh yểm trợ đến từ 4 pháo đội của tiểu khu. Khi thấy một số tiền đồn của chúng ta rơi vào tay địch, quân đoàn III tăng viện cho Phước Long tiểu đoàn 2 (trung đoàn7/sư đoàn 5 BB), và hai pháo đội gồm 6 đại bác 105 ly và 4 đại bác 155 ly. Thêm vào đó, quân đoàn còn cho thêm ba đại đội trinh sát của các sư đoàn 5, 7, và 25BB.
Trận Phước Long bắt đầu vào cuối tháng 12-1974, kết thúc ngày 6 tháng 1-1975.(2)
Ngày 13 tháng 12-1974 CSBV tấn công thăm dò vào quận lỵ Đôn Luân nhưng cuộc tấn công bị các đơn vị dũng cảm Địa Phương Quân bẻ gẫy. Đêm hôm sau, ngày 14, cộng sản cùng lúc tấn công chớp nhoáng vào hai quận Đức Phong và Bố Đức. Hai cứ điểm rơi vào tay cộng sản với không một chống cự nào đáng kể. Những cuộc điều tra sau này không tìm ra nguyên nhân tại sao hai quận mất quá nhanh, vì tất cả cấp chỉ huy đều bị mất tích khi hai tiền đồn rơi vào tay địch. Đêm kế tiếp, 15 tháng 12, một căn cứ hỏa lực do một đơn vị Địa Phương Quân bảo vệ, bị tấn công và tràn ngập. Chúng ta mất hai pháo đội đại bác tại căn cứ hỏa lực này.
Trước những tấn công tới tấp của CSBV, quân đoàn III không vận vào Phước Long tiểu đoàn 2 (trung đoàn 7/sư đoàn 5 BB) từ căn cứ Lai Khê. Được tăng viện, tiểu khu Phước Long mở cuộc hành quân phản công, chiếm lại được quận Bố Đức vào ngày 16. Nếu nói về khả năng tác chiến của các đơn vị địa phương trong giai đoạn này, Phước Long chỉ còn tiểu đoàn 2 bộ binh (thuộc trung đoàn 7 nói trên) và hai tiểu đoàn Địa Phương Quân của tiểu khu là còn khả năng tác chiến. Các đơn vị còn lại tổng số hơn ba ngàn quân di tản về từ các tiền đồn cần được tái trang bị và tổ chức để có thể xử dụng lại. Tiểu đoàn 2 bộ binh được chỉ định giữ vai trò chánh trong nỗ lực phòng thủ quận lỵ Phước Bình, một phần tỉnh lỵ Phước Long, và phi trường Sông Bé. Bản doanh của Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận cũng đóng ở phi trường này.
Với sự hỗ trợ đầy đủ của BTTM, Quân Đoàn III xử dụng phi cơ vận tải và trực thăng CH-47 để tiếp tế đạn, vũ khí và quân dụng cho quân phòng thủ, và cũng để tái trang bị các đơn vị đã di tản từ tiền đồn về đang tụ lại tỉnh lỵ. Những chuyến bay tiếp tế trên đường trở về, đem ra Phước Long gia đình và thân nhân binh sĩ, công chức và cán bộ dân sự. Thẩm quyền tiểu khu muốn di tản dân đi để không phải lo lắng về tiếp tế và an ninh cho dân chúng.
Trong thời gian đó, áp lực của CSBV càng lúc càng gia tăng chung quanh thành phố. Phi trường Sông Bé bị pháo kích nặng. Các chuyến bay tiếp tế bị phòng không bắn chận ở hai hướng bắc và tây bắc của phi trường. Một vận tải cơ C-130 bị bắn cháy khi còn nằm trong ụ. Ngày hôm sau một C-130 hạ cánh với đồ tiếp tế và một toán chuyên viên không quân sửa chữa. Khi cất cánh chiếc này bị trúng đạn phá hủy. Lợi dụng phi trường tê liệt, địch di chuyển các ổ cao xạ sát vào vòng đai, canh chừng các ngõ tiếp tế bằng không vận của chúng ta. Lai Khê, bản doanh của sư đoàn 5, nơi các trực thăng ngừng lại để đổ xăng trên đường đi đến Phước Long, cũng bị áp lực pháo kích và phòng không của cộng sản.
Cùng lúc pháo kích áp đảo phi trường, đêm 22 tháng 12-1974, địch tấn công quận Bố Đức lần thứ hai. Lần này Bố Đức mất vào tay địch. Bốn ngày sau, hai sư đoàn 7 và 3 CSBV (sư đoàn 3 này mới thành lập ở miền nam, khác với sư đoàn 3 đang hoạt động ở Bình Định) đánh vào quận Đôn Luân, và Đôn Luân thất thủ. Khi mất Đôn Luân vào tay địch, trừ quận lỵ Phước Bình và thành phố Phước Long nằm trong ranh giới quận, tất cả tỉnh Phước Long hoàn toàn nằm trong tay CSBV.
Đêm 30 tháng 12-1974 hai sư đoàn 7 và 3, với sự hỗ trợ của một trung đoàn xe tăng, pháo binh của quân đoàn, tấn công Phước Bình đây là vòng đai phòng thủ của tỉnh Phước Long. Trận đánh kéo dài từ nửa đêm cho đến chiều hôm sau thì bộ chỉ huy của chi khu và trung tâm hành quân bị pháo địch bắn phá hủy. Lính của tiểu khu và của tiểu đoàn 2/trung đoàn 7 rút về phòng tuyến mới ở phi trường Sông Bé. Tại đây lính VNCH bắn cháy 4 xe tăng ở đầu một phi đạo, gây tử thương và bắt sống 50 cán binh CSBV. Trong lúc đó, một lực lượng khác của địch tiến về núi Bà Rá, một địa hình nổi bật nhất của tỉnh, với ý định chận đường rút lui của tiểu đoàn 2. Sau một ngày chiến đấu ác liệt, quân chúng ta rút vào phòng tuyến của tỉnh và sát nhập vào các đơn vị địa phương quân ở đó. Sau khi cô lập được quân VNCH, địch chỉ tấn công quân ta vào ban ngày; ban đêm địch bắn quấy phá vào phòng tuyến của chúng ta.
Ngày hôm đó không quân VNCH bay hơn 100 phi vụ yểm trợ cho các lượng ở Phước Long. Không quân dùng đủ loại bom đánh địch, kể luôn loại bom CBU chống biển người. Không quân có thể tập trung hỏa lực mạnh như vậy để yểm trợ cho Phước Long vì BTTM đã huy động không lực từ quân đoàn II và IV về. Nhưng để làm gián đoạn nỗ lực yểm trợ của không quân từ Sư Đoàn 3 Không Quân, 6 giờ sáng ngày 1 tháng 1-1975, cộng quân pháo kích mạnh vào phi trường Biên Hòa. Pháo của địch phá hủy một vài đoạn phi đạo và làm cháy nhà, văn phòng trong chung cư của phi trường. Tất cả phi vụ xuất phát từ phi trường Biên Hòa bị gián đoạn đến 1 giờ chiều cùng ngày.
Bảy giờ sáng ngày phi trường Biên Hòa bị pháo kích, cộng quân mở cuộc tấn công đánh thẳng vào thành phố Phước Long từ hướng nam. Nhưng cuộc tấn công của địch bị chận đứng ngay chân đồi dẫn lên phố. Trong khi đó địch lấy được cao điểm của ta ở núi Bà Rá. Chiếm xong, địch dùng núi làm đài quan sát và kéo đại pháo 130 ly lên bắn trực xạ vào hệ thống phòng thủ của Phước Long.
Đến ngày 3 tháng 1, pháo của địch phá hủy pháo binh của chúng ta trong thành phố, gồm 8 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155 ly. Để ngăn cản các cuộc tiếp viện bằng không lực, cộng sản thiết lập nhiều dàn phòng không chung quanh thành phố, gây nhiều trở ngại cho các chuyến tiếp vận và yểm trợ của không quân. Ngày 2 tháng 1, nhờ vào yểm trợ tối đa và hệ thống địa hình phòng thủ vững chắc, quân trú phòng đẩy lui nhiều đợt tấn công của đối phương. 15 xe tăng của địch bị không quân và quân trú phòng bắn cháy từ lúc đầu cuộc tấn công. Ngày 2 tháng 1, tỉnh trưởng Phước Long xin phương tiện tải thương, tiếp viện và quân bổ sung. Tuy nhiên vì đài chuyển vận truyền tin duy nhất còn lại trên núi Bà Rá bị phá hủy, tất cả liên lạc từ Phước Long ra ngoài bị cắt đứt.
Một buổi họp khẩn cấp được triệu tập tại dinh Độc Lập. Tổng thống Thiệu chủ toạ như thường lệ, với sự tham dự của phó tổng thống Trần Văn Hương, thủ tướng Trần Thiện Khiêm, phụ tá an ninh quốc phòng Đặng Văn Quang, tư lệnh không quân Trần Văn Minh, tư lệnh quân đoàn III Dư Quốc Đống, trung tướng tham mưu trưởng BTTM kiêm tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận Đồng Văn Khuyên, và tác giả (Dương Văn Minh), Tổng Tham Mưu Trưởng BTTM. Đề tài của buổi họp là có nên tăng viện cho Phước Long hay không, và nếu tăng viện, thì tăng viện như thế nào về quân nhu, nhân sự.
Tướng Dư Quốc Đống, tư lệnh quân đoàn III, trình bày về tình hình của Phước Long nói riêng và của quân đoàn, nói chung. Để giải cứu Phước Long, tướng Đống đề nghị xin một sư đoàn bộ binh, hay sư đoàn Nhảy Dù. Quân tăng viện sẽ đổ bộ xuống hướng bắc Phước Long bằng trực thăng dưới sự yểm trợ tối đa của không quân. Trình bày xong ý kiến, tướng Đống xin được từ chức, viện cớ là từ khi nhậm chức tư lệnh quân đoàn, ông đã không đủ khả năng giải quyết được tình hình quân sự của vùng.
Tổng thống Thiệu bác bỏ lời xin từ chức của tướng Dư Quốc Đống, vấn đề hệ trọng ngay trong lúc này, theo tổng thống Thiệu, là giải quyết vấn đề Phước Long trước. Sau khi nghiên cứu tình hình, kế hoạch tiếp viện thêm quân cho Phước Long bị hủy bỏ dựa vào các lý do sau:
Bộ Tổng Tham Mưu không còn quân tổng trừ bị: hai sư đoàn Dù và TQLC đang được xử dụng cho vùng I và tình hình không cho phép hai đơn vị rời khỏi mặt trận. Tình hình chiến sự ở hai vùng II và IV cũng không cho phép giảm thiểu quân số nếu muốn cán cân quân sự được quân bình và an ninh được bảo đảm. Riêng tại vùng III, hai sư đoàn cơ hữu của quân đoàn là sư đoàn 18 và 25BB được dùng án ngữ khu vực Tây Ninh, cản áp lực của Công Trường (sư đoàn) 5 và 9 CSBV đang hướng về Saigon.
Trong trường hợp tìm được quân để tiếp viện, lực lượng tiếp viện này phải được di chuyển bằng không vận vì đường bộ dẫn về Phước Long bị cắt. Ngoài các đơn vị không quân cơ hữu của quân đoàn III, lực lượng không vận cần có thêm là 2 phi đoàn trực thăng UH-1, 1 phi đoàn trực thăng CH-47, kèm thêm một số phi cơ khác để yểm trợ và oanh tạc. Bộ Tổng Tham Mưu có thể trưng dụng các phi đoàn trực thăng UH-1 từ Vùng II và IV, nhưng các phi đoàn trực thăng CH-47 thì không tìm được đâu ra. Các phi đoàn CH-47 tân lập ở Vùng II và IV có khả năng hoạt động rất giới hạn: mỗi phi đoàn chỉ cung cấp được từ bốn đến sáu phi cơ mỗi ngày và đó là con số tối thiểu quân đoàn cần phải có cho các phi vụ khẩn cấp ở mặt trận của họ. Ngoài ra, trực thăng UH-1 không thể bay thẳng từ Biên Hòa đến Phước Long, và trực thăng CH-47 thì không thể bốc chở đại bác 155 ly được. 
Về tiếp tế: Không quân có thể thả 60 đến 100 tấn đồ tiếp tế cho quân phòng thủ từ bảy đến mười ngày, với điều kiện họ kiểm soát an ninh cho một vùng nhận hàng lớn. Nhưng nếu không quân phải tiếp tục thả viện trợ trên mười ngày thì các quân khu khác phải hy sinh khả năng không vận của họ cho cuộc tiếp tế ở Phước Long. Bộ Tổng Tham Mưu phỏng định không quân sẽ bị thiệt hại cao trước hỏa lực phòng không của địch đang có mặt chung quanh Phước Long. Sự thiệt hại về không lực sẽ không được thay thế vì ngân quỹ dành cho không quân không còn nữa.
Thời gian tính của chiến trường: Dù có được một vị trí phòng thủ kiên cố, quân trú phòng Phước Long không thể chống cự lâu trước sự tấn công của hai sư đoàn cộng sản. Trong điều kiện quân tiếp viện được gởi đến giải vây, lực lượng này phải có mặt ở Phước Long cấp tốc trong vòng hai, ba ngày trước khi quân trú phòng bị tràn ngập. Giả định sư đoàn Nhảy Dù đảm nhiệm cuộc hành quân giải vây, thời gian qui động, trang bị và chuyên chở sẽ mất từ năm đến bảy ngày. Nếu gởi một sư đoàn Bộ Binh từ Vùng IV, thời gian cần thiết để chuẩn bị cho sư đoàn ra mặt trận là ba ngày năm 1972, sư đoàn 21 Bộ Binh cần một thời gian tương đương khi được gởi đến Chơn Thành để tiếp viện cho mặt trận An Lộc.
Tính cách chiến lược của Phước Long: Nếu so sánh toàn diện, Phước Long không quan trọng bằng Tây Ninh, Pleiku, hay Huế về phương diện kinh tế, chính trị và dân số. Theo BTTM, trong thời điểm ngặt nghèo về ngân quỹ quốc phòng đang đối diện, nếu phải giữ đất thì chúng ta nên củng cố lực lượng để giữ Tây Ninh hay Huế hơn là Phước Long.
Buổi họp đi đến quyết định sau cùng là dùng quân của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (BCND) để giải cứu Phước Long. Liên Đoàn 81, với kinh nghiệm ở An Lộc năm 1972 và khả năng đánh rừng núi sâu trong lòng địch, được chọn cho nhiệm vụ này. Liên Đoàn 81 có nhiệm vụ hỗ trợ quân trú phòng ở phía nam thành phố, hướng tấn công của CSBV. Liên Đoàn còn có nhiệm vụ tái chiếm núi Bà Rá.
Ngày 3 tháng 1-1975, tình hình Phước Long không thay đổi nhiều, trừ những áp lực liên tục của CSBV ở hướng nam. Vòng đai phòng thủ của tỉnh bây giờ thu hẹp lại vào chung quanh chợ, sân bay L-19, và trung tâm hành chánh. Tất cả đại bác của quân trú phòng bị hủy hoại sau khi cộng sản bắn hơn hai ngàn quả đạn vào dinh tỉnh trưởng và bộ chỉ huy tiểu khu. Từ cao độ 12 ngàn bộ, không quân thả hơn hai mươi tấn đạn và đồ tiếp liệu cho quân trú phòng ở hướng bắc của bộ chỉ huy tiểu khu. Những cuộc không trợ được thực hiện chính xác, tuy nhiên vì sự pháo kích dồn dập của cộng quân, quân trú phòng gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận đồ tiếp tế từ trên không. Hơn 300 quân nhân bị thương đang chờ di tản. Bộ tư lệnh dự định dùng các trưc thăng đổ quân Liên Đoàn 81 để di tản họ trên đường bay trở lại. Ngày đổ bộ Liên Đoàn 81 được dự định là ngày 4 tháng 1-1975.
Trong thời gian này, Liên Đoàn 81 đã qui động và trang bị hai đại đội, sẳn sàng hành quân. Tư lệnh của Liên Đoàn dùng trực thăng quan sát và chọn được một bãi đổ quân ở những chân đồi, hướng bắc của bộ chi huy tiểu khu. Ngày 4, mưa và mây thấp làm đình trệ hai dự định đổ quân. Cộng quân gia tăng pháo kích và tấn công, nhưng quân trú phòng giữ vững vị trí phòng thủ của họ. Trung tâm chỉ huy hành quân bị pháo liên tục và cuối cùng bị hủy hoại. Vị chỉ huy phó của tiểu khu tử thương, và trung tá Xuân, tỉnh trưởng Phước Long bị thương nặng. Xe tăng của cộng quân đã xuất hiện ở phía nam và tây thành phố. Sau khi trung tâm hành quân bị phá hủy, liên lạc tiểu khu và bộ tư lệnh quân đoàn III chỉ còn được một băng tầng vô tuyến để gọi nhau.
Tám giờ sáng ngày 5 tháng 1-1975, không quân thực hiện 60 vụ oanh tạc để dọn bãi đổ quân ở phía bắc thành phố. Chín giờ sáng, một đại đội (120 người) BKND nhảy xuống nơi ấn định. Toán quân bắt tay và phối hợp được ngay với quân trú phòng. Mười một giờ, Liên Đoàn 81 đổ bộ thêm một đại đội và bộ chỉ huy của lực lượng xuống hướng bắc dinh tỉnh trưởng. Khoảng ba giờ chiều, sau khi cuộc đổ bộ hoàn tất, hơn 250 quân nhân của Liên Đoàn 81 được thả xuống thành phố dưới những cơn pháo kích mãnh liệt của cộng quân. Quân ta chỉ bị thiệt hại một tiểu đội trong cuộc đổ quân, vài trực thăng bị phòng không địch bắn trúng nhưng bay về được. Tuy nhiên với hỏa lực phòng không mãnh liệt của đối phương, dự định di tản các thương binh không thực hiện được như đã định.
Trong khi đó xe tăng địch chọc thủng phòng tuyến của Địa Phương Quân tại Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận, và trên đường tiến về trung tâm thành phố. Các toán đặc công di chuyển trên xe tăng nhanh chóng thiết lập các chốt phòng thủ trong khi xe tăng tiến về hai hai mục tiêu là dinh tỉnh trưởng và bộ chỉ huy tiểu khu. Dinh tỉnh trưởng đang được xử dụng làm bộ chỉ huy của Biệt Cách Nhảy Dù (BCND). Nhưng cuộc tấn công của cộng quân lúc đó bị chận đứng; BCND phản công đánh chiếm lại các mục tiêu bị mất, nhất là Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận. Mặc dù cuộc phản công của BCND mãnh liệt và gan lì, họ đã không lấy lại được các mục tiêu đã mất vào tay địch. Đến thời gian đó của trận chiến, BCND mất gần 50 phần trăm lực lượng. Súng chống xe tăng loại M-72 do quân ta xử dụng không hữu hiệu để hủy hoại chiến xa địch. Xe tăng của cộng quân trong cuộc tấn công này có gắn thêm chướng ngại vật hai bên hông xe; và xe chỉ đổ phân nửa bình xăng để giãm thiểu thiệt hại trong trường hợp bị trúng đạn. Súng không giật 90 ly hữu hiệu với xe tăng của địch quân hơn. (Còn tiếp...)
Chú thích:
1. Theo William E. Le Gro trong Vietnam from Cease-Fire to Capitulation, trang 133, Phước Long là căn cứ của nhiều bộ chỉ huy chiến thuật, tiếp liệu của CSBV. Đồn điền Bù Đốp-Bố Đức là bản doanh của bộ chỉ huy M-26 Xe Tăng gồm ba tiểu đoàn xe tăng. Bộ chỉ huy nằm cách phi trường Sông Bé 45 cây số. Ngoài bộ chỉ huy xe tăng ở B-2, các bộ chỉ huy của CSBV đóng ở Phước Long gồm có Bộ Tư Lệnh Công Binh (ở Bố Đức) với ba tiểu đoàn công binh, và các bộ chỉ huy Quân Xa, Huấn Luyện, Hậu Cần, đóng ở khoảng Tây Ninh-Bù Gia Mập. Phước Long là đoạn cuối của bốn đường xâm nhập bắc nam tụ về (chú thích dịch giả). 
2. Lực lượng cộng sản đánh vào mặt trận Phước Long là Quân Đoàn 4, (thiếu tướng Hoàng Cầm, tư lệnh; đại tá Bùi Cát Vũ, chính ủy). Các trung đoàn tham dự là 3 trung đoàn 141, 209, 165 của sư đoàn 7; ba trung đoàn 201, 271, 16, và hai trung đoàn cao xạ. Đọc Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, Tập II, Quyển Hai, (nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 1990), trang 193-194 (chú thích của dịch giả).
TRẬN DẦU TIẾNG
Chiến dịch giải phóng Tây nguyên mở màn vào sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975 thì 9 giờ tối cùng ngày đơn vị chúng tôi tập trung tại một khỏang trống trong rừng để nhận lệnh giải phóng chi khu Dầu tiếng. Mệnh lệnh chiến đấu được tiểu đòan trưởng đưa ra ngắn gọn:” Tôi ra lệnh tiêu diệt cứ điểm địch, giải phóng Chi khu Dầu tiếng như kế họach đã định,. tất cả lên đạn, hướng mục tiêu hành quân”. (Chi khu Dầu tiếng một quận lỵ thuộc Miền đông nam bộ cách Sài gòn khỏang 80 km).
Đơn vị hành quân theo sự dẫn đường của lực lượng dân quân, du kích địa phương, khi hành quân được khỏang một giờ, chúng tôi nghe thấy những tiếng đào đất hùynh, hụych, một chiến sỹ la lớn:” Đào huỵệt chôn chúng mày nhé bọn tao không chết đâu”, nhiều tiếng chửi bậy kèm theo, đáp lại những lời lẽ thô tục đó chỉ là những tiếng đào đất dường như mạnh hơn. Thêm vài giờ hành quân nữa, hình như chúng tôi đã đến gần mục tiêu vì mệnh lệnh im lặng, bí mật đưa ra liên tục, có lúc phải đi khom lưng thật sát mặt đất vì gần Chốt đại đội của địch. Khỏang một giờ nữa trôi qua, chúng tôi đã đi cách xa cánh rừng chồi, trước mặt tôi là khỏang trống, lúc này đơn vị vẫn đi thành hàng một, không còn nghe mệnh lệnh từ phía trước truyền về, mọi động tác của người đi sau lặp lại y hệt người phía trước ( đi khom, bò, trườn, nằm chờ…), tôi nhận ra mình đang ở cánh đồng trồng khoai, trồng đậu…Tới đây chúng tôi được lệnh tản ra nằm chờ dưới những luống khoai lang, Từ phía dưới nhìn lên, tôi nhận ra chốt trung đội của địch ( Đã được phổ biến vị trí tiếp cận nằm giữa hai chốt trung đội và tiểu đội địch ) chỉ cách chúng tôi khỏang 100 m, một lính gác đi qua đi lại trên bờ đê, thỉnh thỏang anh ta chui xuống căn hầm ở phía cuối bờ đê ít phút rồi lại lên gác tiếp, anh ta không hề biết rằng có đến hơn 300 quân đối phương đang ở ngay trước mặt, một hồi sau anh lính chui vào hầm và không ra nữa, từ đó đến sáng không có lính gác nên không khí có vẻ bớt căng thẳng hơn, một vài chiến sỹ có vấn đề tai-mũi- họng nên dù đã cố nén hết sức vẫn bật ra tiếng ho hoặc lằng hắng*, có tiếng thì thầm ” nhét đất vào mồm nó, chết cả lũ bây giờ”. Tôi vẫn căng mắt nhìn về hướng chốt địch và cũng thóang có chút lo lắng, lo bị lộ trước khi nổ súng thì kể như thất bại vì hỏa lực cầu vòng của đối phương mạnh hơn ta gấp 10 lần, chưa kể ưu thế máy bay trên không ; điểm lo thứ hai là tổn thất và thương vong vì đơn vị mình là đơn vị có nhiệm vụ thọc sâu chia cắt địch, tiêu diệt trung tâm Chi khu, người ta gọi là chiến thuật đánh nở hoa trong lòng địch, với chiến thuật này thì đơn vị làm nhiệm vụ thọc sâu gần như là đơn vị cảm tử, còn nhớ khi đại đội 7 của tiểu đòan tấn công địch vào đến trung tâm thị xã Phước long tháng 1 năm 1975 đã gặp đại đội 7 một đại đội thọc sâu của đơn vị bạn, sau 3** ngày đêm chiến đấu trong lòng địch họ chỉ còn lại 7 người sống sót, hầu hết đều bị thương. Sự lo lắng của tôi cuối cùng thì cũng qua đi, khi trời chưa sáng hẳn những phát đạn đại bác vang lên mở màn cho cuộc tấn công bắt đầu, cả tiểu đòan nhổm dậy nhắm các cửa mở lao qua chạy thục mạng vào bên trong, những viên đạn pháo vạch đường đỏ lừ bay qua đầu chúng tôi rồi nổ tung ở cánh rừng phía bên phải ( khi trời sáng, tôi nhận ra đó là rừng cao su), tiếng súng bộ binh nổ lọan xạ khắp nơi, tôi không xác định được là nơi nào có địch, tôi và mấy đồng đội cứ nhắm hướng đã định từ khi chưa nổ súng chạy tới. Khi trời sáng rõ nhóm chúng tôi còn lại 4 người, bị mất liên lạc hòan tòan với đội hình, chúng tôi nấp xuống một hố vuông sâu đến ngực, trong số 4 người chỉ tôi là có súng AK còn lại các người khác chỉ trang bị súng ngắn K54, lúc đó tôi phát hiện có hai tên giặc nhắm thẳng nơi chúng tôi đang nấp đi tới khỏang cách chừng hơn hai trăm mét, trông chúng không có gì là vội vã và chắc chắn chúng không biết đã có cả một tiểu đòan lọt vào trong Chi khu rồi. Tôi đặt thước ngắm 2 nhắm giữa bụng đối phương để bắn ở cự ly 150m nhưng ngay lập tức tôi lại thay đổi ý định để diệt mục tiêu ở cự ly 100m nên tôi chuyển về thước ngắm 1 với mục đích phải diệt gọn cả hai tên nếu không chúng tôi sẽ bị lộ. Hai tên địch vẫn đi thẳng vào họng súng, mục tiêu to dần gần như chết***, 180, 150 rồi 140m ( ước lượng) tôi đã xiết hết nấc cò chết, nhưng rồi hai tên địch rẽ phải đi ra hướng hàng rào bất ngờ chạy nhanh, tôi rời tay khỏi cò súng. It phút sau một chiến sỹ đã tìm thấy đường dây hữu tuyến, chúng tôi bám theo đường dây trở về đội hình. Rất đông dân trong Chi khu sơ tán ra khỏi nơi chiến sự, có cả những chiến sỹ bị thương cũng hòa nhập để về tuyến sau (chúng tôi cũng như họ không biết rằng trận chiến bóc vỏ ngòai còn ác liệt gấp nhiều lần so vớ trận đánh chiếm trung tâm). Một trận chiến đấu ác liệt khác diễn ra nơi rừng cao su và đầu sân bay, với ưu thế lô cốt kiên cố, địa hình trống trải, địch đã gây cho ta nhiều thương vong nhưng với đơn vị thiện chiến như hiện tại thì giải quyết cứ điểm này không phải là chuyện khó, nửa giờ sau truyền tin báo về ta đã chiếm được sân bay đang triển khai tiến về hướng Đông nam, khi vừa nhận tin tiểu đòan trưởng ra lệnh đơn vị phải rút ngay vào làng triển khai tiến công về hướng Bắc. ( đơn vị này đã phát triển sai hướng so với kế họach) Khỏang 7 giờ sáng chúng tôi tiến vào Ấp2, ấp trung tâm của Chi khu trước mắt tôi xác trâu bò, heo gà chết ngổn ngang, không thấy người chết, nhà dân hư hại không đáng kể, lúc này chúng tôi chỉ còn cách chốt trung tâm hơn trăm mét, giặc bắn trả điên cuồng bằng súng đại liên, súng cối 61, M79 và pháo tầm xa. Vào khỏang 5 giờ chiều một xe tăng T54 bị trúng đạn bốc cháy ngay giữa đường, sát chốt trung tâm, hai chiến sỹ xe tăng hy sinh, hai người còn lại bị thương rất nặng, bộ binh ta đã phải tập trung mọi hỏa lực hiện có bắn ghìm đầu giặc xuống để đưa hai chiến sỹ bị thương về tuyến sau.
Trận công đồn đã diễn ra suốt ngày hôm sau với sự yểm trợ của xe tăng, đến trưa chúng ta đã mở được cửa vào chốt Trung tâm nhưng phải trả một giá đắt, một chỉ huy cấp đại đội đã hy sinh do vướng phải mìn tại cửa mở, hỏa lực địch từ căn nhà lầu và hầm ngầm chống cự quyết liệt, pháo binh, máy bay địch cũng góp phần đáng kể chặn đứng bước tiến của ta nên phải đến khỏang 5 giờ chiều ta mới chiếm được lô cốt đầu cầu phía Tây nam của chốt, ngay lập tức tiểu đòan trưởng lên lô cốt đầu cầu để chỉ huy trận đánh, lô cốt khá là chắc chắn đủ khả năng chống được sự xuyên thủng của cối 81, chẳng biết là địch có biết sự có mặt của chỉ huy ở lô cốt đầu cầu hay không nhưng một trận pháo hủy diệt đã dập xuống chốt Chi khu, căn hầm rung lên bần bật, bụi bay mù mịt, đạn pháo đã san bằng mọi thứ trừ lô cốt đầu cầu, khi tiếng nổ vừa thưa bớt, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi lô cốt, hàng lọat tiếng nổ lớn vang lên phía sau, tôi nhìn lại thấy lô cốt đầu cầu nơi tôi vừa trú ẩn chỉ còn là một đám bụi trắng mù mịt. Trận bắn pháo hủy diệt này nhằm vào quân Giải phóng nhưng nó cũng san bằng các phần còn lại của chốt Chi khu và tiêu diệt luôn một phần lực lượng địch còn lại tạo thuận lợi cho ta diệt hầm ngầm và hòan tòan làm chủ trận địa vào khỏang 10 giờ sáng hôm sau, nhưng phải thêm một ngày nữa đơn vị bạn mới diệt xong chốt Chiến đòan và Chi khu Dầu tiếng hòan tòan giải phóng. Sau bốn ngày xông pha chiến trận, viên đạn AK đã lên nòng không tìm được địa chỉ cần đến, tôi đành tháo ra và trả nó lại băng đạn.
Ngày 15 tháng 3, trên đường trở về căn cứ, tôi đi qua cánh đồng nơi đơn vị tiếp cận đêm 10 tháng 3, cánh đồng bị bom đạn cày nát, vương vãi khắp đó đây là lựu đạn, thủ pháo, bao đạn, bộc phá sào, v.v…của quân giải phóng rơi rớt khi vận động tấn công, đi thêm khỏang 100 mét nữa, trước mắt tôi hiện ra quang cảnh của một trận chiến thời Trung cổ có đến hơn trăm xác chết của quân đội cả hai bên tham chiến nằm ngổn ngang trong phạm vi khỏang 1000 mét vuông, chẳng biết chúng nó đánh đấm kiểu gì mà chết túm tùm tụm thế này, một đồng đội đi cạnh tôi la lên, xa xa trên đường một chiếc xe buyt bị trúng mìn chống tăng cháy đen thui, chắc chắn là có thương vong cho dân thường .
Trận Dầu tiếng là một trận đánh lớn của Quân và dân Miền đông Nam bộ, chỉ đứng sau chiến thắng Phước long, thế nhưng nó ít được nhắc đến vì tại thời điểm đó cái bóng quá lớn của Trận chiến Buôn Ma Thuột đã bao trùm lên trên.
Tháng 01 năm 2012
Các bài viết của tác giả cùng đề tài :
– Trận Pavet
– Trận đánh phum cây dừa
– Trận đánh chi khu Chơn thành.