Sunday, March 29, 2020

Chiến dịch "bài trừ văn hóa đồi trụy" sau ngày 30.4 .
. . .
"Sau ngày 30/4/75, một ủy ban gọi là “ủy ban bài trừ văn hóa đồi trụy” ra đời. Thành phần gồm một cán bộ Đảng CSVN và sinh viên học sinh chít khăn đỏ trên tay (mà người dân Sài Gòn gọi là mấy con “cọp 30”), tại Sài Gòn Chợ Lớn thì mỗi quận một tiểu ban, ở các tỉnh thì mỗi tỉnh một tiểu ban.
“Văn hóa đồi trụy” được định nghĩa là tất cả những ấn phẩm thuộc mọi lãnh vực chánh trị, kinh tế, lịch sử (nhất là lịch sử), giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ, phim, ảnh. v.v… đang được lưu hành và sử dụng tại Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 30/4/1975 trở về trước, được in, chép hay thu vào băng nhựa, bằng tiếng Việt Nam hay bất cứ loại sinh ngữ ngoại quốc nào (trừ chữ Tàu và chữ Nga).
Mục tiêu mà các “ông cọp 30” nhắm vào trước tiên là Thư viện quốc gia (national library) ở đường Gia Long. Tất cả sách bìa cứng bìa mềm, gáy tím gáy vàng, dày mỏng gì cũng đều được mang ra đường xé nát và đốt hết. Tội nghiệp cho mấy bộ tự điển và Encyclopédia chữ Anh chữ Pháp (trên 100 cuốn), và rất nhiều bộ sách quý thuộc các ngành Công Pháp quốc tế, Khoa Học Kỹ Thuật, Hàng Không và cả khoa học Không Gian,v.v… mà anh Hữu đã tốn công sưu tầm trên 10 năm dài để làm giàu cho thư viện của Đất Nước, trong phút chốc bị “cọp 30” xơi tái hết! Chúng tôi đến gần lượm từng tờ của bộ Encyclopedia lên xem mà ứa nước mắt… nhưng không dám hỏi thêm vì bị ngay một “cọp 3O” khoảng 16 tuổi tới đuổi:
“Đi đi, tiếc gì mà coi, xé bỏ hết, đốt bỏ hết, nó là tiếng nước ngoài, của thực dân, của đế quốc đồi trụy, ru ngủ đầu độc dân tộc. Ta Độc lập rồi thì Ta cần gì ba cái thứ nầy nữa!!”
Tội nghiệp! Thật là tội nghiệp!!!
(Về sau mãi cho đến 1992 lúc chúng tôi sắp rời khòi VN, thì thư viện quốc gia nầy vẫn còn được cộng sản dùng làm “mặt bằng” cho mướn làm tiệc cưới và tiệc “liên hoan” của cán bộ công nhân viên các cấp).
Mục tiêu kế tiếp của bọn “cọp 30” là Thư Viện Bộ Giáo Dục, các nhà sách ở khu chợ Bến Thành và dài dài vô đến Chợ Lớn… sau đó tiểu ban đi xét từng nhà khắp đô thành Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định, ai sợ thì cứ tự mình đốt, bỏ… nếu xét gặp thì chắc chắn phải gặp khó khăn với mấy “ông cọp 30 trẻ” nầy.
Về văn nghệ thì tất cả các bản nhạc in hoặc thu vào băng nhựa, nếu không phải loại nhạc lai căn (lai nhạc Tàu) từ nhóm văn công miền Bắc mang vào, đều được liệt vào loại “nhạc vàng của đế quốc Mỹ và tay sai”, cấm lưu hành, xé đốt, hủy bỏ, ai lưu giữ sẽ có tội. Các kịch bản hay các vở tuồng cải lương, hát bộ v.v.. cũng phải được duyệt xếp loại lại (Bà Thiếu tá Cách Mạng đào hát Kim Cương phụ trách phần nầy).
Nói tóm lại Bắc Việt chủ trương hủy bỏ tất cả những gì mà họ cho là tàng tích của Mỹ Ngụy từ 75 trở về trước, để đem thay thế vào đó những gì mà miền Bắc đang có và đang áp dụng, không cần biết có hợp với dân tộc Việt Nam hay không và cũng không cần lượng xét hậu quả sẽ như thế nào (có nghĩa là thay vì đẩy Miền Bắc tiến lên để theo kịp đà phát triển của Miền Nam, họ làm mọi cách nhằm kéo lùi Miền Nam thụt lùi lại vài chục năm, sao cho trình độ văn minh tiến bộ của hai miền Nam Bắc phải ở cùng nằm ở một trình độ kém phát triển như nhau… nhằm đưa đất nước Việt Nam vào con đường xã hội chủ nghĩa đúng theo lệnh của các quan thầy Liên Xô và Trung Cộng. Mãi cho đến cuối thập niên 80, lúc tôi ra khỏi trại tù cải tạo, lãnh đạo đảng Nguyễn Văn Linh nhờ chạy theo phong trào “đổi mới” của Liên Xô, mới chịu mở mắt ra và chừng đó mới thấy được là đảng cộng sản đã kéo cả đất nước và dân tộc Việt Nam đi lùi vào thời kỳ đồ đá… từ sau ngày cướp được chánh quyền mùa thu năm 1945 và nhất là để mất đi một cơ hội và một thời gian quá dài từ sau ngày nhuộm đỏ Miền Nam Việt Nam 30 tháng 4 1975.) . . . .
Ảnh 1-2 : cảnh đốt sách , ảnh 3-4 : chợ sách Đặng thị Nhu ở quận 1 , cách nhà tôi khoảng 5 phút đi bộ .





No comments:

Post a Comment