Sunday, April 19, 2020

CHIẾN TRƯỜNG K
Đường lên biên giới Thái Lan - Con đường máu, của mìn và tử thần
---------------
Sư đoàn 339 chốt sát biên giới Thái lan bị Kh’mer Đỏ liên tục đánh cắt đường tiếp vận. Anh em sư đoàn bạn quân số hao hụt, phải bám chốt ngày đêm nên không đủ lực lượng thông đường lấy đạn dược lương thực, đưa thương binh tử sỹ ra ngoài.
Không thể bỏ anh em đồng đội thiếu đạn đói gạo, Sư đoàn 9 bộ binh chúng tôi nhận nhiệm vụ tải gạo, đạn dược, hậu cần… bằng cơ giới từ thị xã Pursat theo đường 56 vào sư đoàn bộ, và bằng sức người ra tận chiến hào biên giới cho đơn vị bạn. Toàn bộ trang bị để lại căn cứ, mang theo vũ khí nhẹ, ba người một khẩu AK.
Sư đoàn quán triệt đến từng người lính thủ đoạn phục kích của kẻ địch trên con đường 56, con đường mà nhiều anh em gọi là con đường máu, con đường của mìn và tử thần. Cán bộ phổ biến thêm các loại mìn chúng hay dùng, thời gian tác chiến và các cung đoạn hành quân áp tải.
Buổi sáng, quân áp tải chúng tôi lên xe hậu cần tại Pursat. Thùng xe xếp đầy các bao gạo. Từ Pursat vào đến thị trấn Leach khoảng 30km, đi tiếp khoảng 140 km là đến biên giới Thái Lan. Thị trấn Leach buồn tẻ.
Những ngôi nhà sàn nhỏ vách gỗ dầu mái ngói cùng kiểu, giống nhau như đúc nằm xếp hàng bên tay trái đường. Đây là cứ của trung đoàn 8, sư đoàn 339.
Đoàn xe vượt sông Pursat qua một chiếc ngầm ngay rìa thị trấn. Bên bờ sông thành dựng đứng do nước lũ xói, người ta xẻ vách ta luy để lấy lối xuống ngầm. Ngầm trải đá khá sâu, ngập quá nửa bánh xe.
Bắt đầu đường 56, con đường đất xuyên sâu vào rừng già. Đường này không biết được làm từ bao giờ. Nghe nói hồi đầu là con đường chuyên chở hồng ngọc từ Tà sanh, Pai lin về biển Hồ của bọn buôn lậu.
Rừng khộp lúc thưa lúc dày. Thỉnh thoảng gặp những tổ chốt đường của đơn vị bạn. Lính chốt đường mỗi tổ năm sáu người ôm súng ngồi tản từng gốc cây. Khoảng bảy tám trăm mét lại gặp một tổ như thế. Đoàn xe chạy qua, anh em vẫy tay ra hiệu chào rồi chăm chú làm nhiệm vụ của mình.
Bắt đầu thấy những xác xe tải bị địch phục kích, hoen gỉ bên vệ đường, những hố mìn chống tăng lấp vội, dăm quả mìn đĩa công binh mới rà còn lẳng lổng chổng trên miệng hố, chưa kịp mang đi.
Chúng tôi biết đã đến những cung đường nguy hiểm. Giữa mênh mông hoang vu ẩn chứa rất nhiều bất trắc, trông mấy tổ chốt đường thật mỏng manh và bé nhỏ. Nhiều anh em, nói không ngoa khẩu B.41 dài gần bằng người.
Lâu lâu không gặp tổ chốt nào lòng lại thấy bồn chồn. Những câu chuyện bá láp đang mặn trên thùng xe tự nhiên nhạt dần rồi im bặt. Ai cũng rờ rờ tay vào khẩu súng.
Khi nhìn thấy bóng họ từ xa, tất cả lại thở phào như trút đi được gánh nặng. Lắc lư gầm gừ 15km/h trên con đường bụi nghẹt mũi, từ sáng đến chiều tà mới đi được gần trăm cây số.
Đoàn xe chở khẳm nhíp, đường xấu, phải chạy chậm nhiều nên máy nóng. Thỉnh thoảng đến chỗ có suối, có chốt của lính ta lại dừng đổ két nước. Chúng tôi dừng nghỉ ở chốt bảo vệ một cây cầu. Lán chốt ở đây họ cũng làm nửa nổi nửa chìm, bên ngoài đắp một vách lũy dày chống đạn. Rừng thấp cây bụi lấn vào sát cái sân nho nhỏ.
Tôi ra sau cái lũy, định đi thêm chục bước, bị giật giọng quát ngăn lại. Lính sư đoàn bạn chỉ vào mấy gốc cây xung quanh. Toàn mìn! Dây mìn xanh lét cái nọ nhằng vào cái kia như mạng nhện. Đây là mìn địch anh em gỡ được mang về cài lại quanh khu ở để chống đột nhập. Những trái mìn được cài chằng dây với nhau như thế để chống gỡ.
Trong lán tranh tối tranh sáng, xâu mìn KP2 gỡ được của địch hàng chục trái đã tháo kíp tróc sơn loang lổ, xỏ qua khuyên trụ bởi một sợi dây võng ngắn vứt nhong nhóc trên nền. Ở đây tôi mới sờ tận tay thủ phạm đã giết chết thằng Tuý, thằng Nhĩ, anh Quang, anh Cáp…
Chúng tôi ở một đơn vị chuyên vận động tấn công, nay nhìn nanh vuốt vũ khí của kẻ phòng ngự thụ động với nhiều ác cảm và ghê rợn. Và cũng ở đây, khi nghe lính chốt đường kể, chúng tôi mới hiểu thêm về các thủ đoạn cài mìn.
Liên hoàn là kiểu cài đôi, còn gọi là căng chùng nổ. Hai quả mìn giăng ngang, nối với nhau bằng sợi dây mìn mảnh. Kỹ thuật quan trọng nhất là phải khéo léo giăng sao cho dây thật căng. Hai đầu dây là hai cái ghim cài trơn bóng, cắm mớm vào hai cái chốt mìn.
Trường hợp phát hiện, thực hiện động tác gỡ, bao giờ cũng phải co dây mìn chùng mới an toàn để bấm chốt ghim. Khi co dây, đầu chốt quả mìn giấu bên kia tụt, đưa kẻ gỡ về trời.
Thủ đoạn khác là lối cài kèm. Quả KP.2 cài vướng nổ xong, cài thêm đôi quả đạp nổ tại các vị trí mà người gỡ mìn buộc phải chọn. Đôi khi tụi Kh’mer Đỏ cài trái vướng nổ khá lộ liễu để bẫy anh em công binh bằng những quả đạp nổ này.
Mìn địch còn cài trên cây, nằm ẩn đâu đó. Khi đang đi lên dốc, vô tình kéo một sợi dây rừng hờ hững chắn lối coi như giật chốt diểm hoả. Dây mìn có khi xanh lét như một cọng cỏ đậm, có khi nâu mốc như một sợi dây rừng.
Có đến cả chục kiểu cài khác nhau, kiểu nào cũng tinh vi chết chóc. Tử thần hoá trang giấu mặt bao giờ cũng nguy hiểm và đáng sợ. Một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, một thiên nhiên thật thà hoang dã đã bội nhiễm bởi những trái mìn dày đặc. Mìn dày như những cái gai độc cắm vào lòng trái đất.
Chớ nên tin một khóm lan rừng đang ra hoa, một bụi sâm tươi tốt, một bãi nghỉ râm mát, một bờ suối trong lành…Tất cả có thể đã bị cài mìn.
Cho đến bây giờ, hình ảnh xâu mìn lạnh ngắt dẫu đã bị vặn bẻ nanh vuốt, nằm lỏng chỏng trên nền nhà lính chốt đường sư đoàn 339 sáng hôm ấy vẫn còn trĩu nặng trong tâm trí.
Chúng tôi chuẩn bị lên xe đi tiếp. Chợt nghe một tiếng nổ lớn khá gần, tiếp sau có tiếng đạn nhọn rộ lên phía trước. Cột khói đen bung dần phía bên kia trảng dầu thưa. Nhớn nhác nhìn trước ngó sau, thấy hai anh lính chốt đường chạy ngược về. Họ thông báo đường an toàn, nhắc chúng tôi không được chạy sâu vào hai bên đường và giục tất cả lên xe.
Tiếng súng đã dứt trong không gian khét nồng mùi thuốc phóng đen. Một đám lính xuất hiện ra hiệu dừng xe xin thuốc rê.
Chúng tôi hỏi thăm, được biết tụi địch đi phục xe chúng tôi, vừa bị dính trái mìn định hướng DH10 ta gài trên cây phía sâu mé trong. Trái mìn đã kích nổ luôn giá B.40 thằng địch đeo trên lưng nên mới dày khói đen liều phóng như thế.
Trên con đường của tử thần, mìn ta với mìn địch cài nhau lẫn lộn. Một cuộc đấu trí chết chóc mà kẻ thua không bao giờ còn cơ hội ngồi rút kinh nghiệm.
Và cũng cho đến bây giờ, tôi vẫn tin vùng rừng đó vẫn còn mìn, nếu như không được xem các tài liệu, bản đồ giao thông của đất nước Campuchia mới.
--------------------
* Tác giả : Xuân Tùng (Trung Sỹ) - Nguyên trung sỹ D4E2F9, QĐ 4

No comments:

Post a Comment