Sư đoàn 22 Bộ binh và huyền thoại người anh hùng Cố Đại tá Nguyễn Hữu Thông.
Sư đoàn 22 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa là một đơn vị cấp sư đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, là một trong 2 đơn vị chủ lực thuộc Quân đoàn II. Phù hiệu của Sư đoàn có hình biểu tượng 3 ngọn núi và 2 dòng sông nên còn được gọi một cách hoa mỹ là "Tam sơn Nhị hà". Địa bàn của Sư đoàn phụ trách 3 tỉnh bắc cao nguyên Trung phần và 2 tỉnh bắc duyên hải Trung phần gồm Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Bình Định và Phú Yên. Sư đoàn 22 BB gồm có 4 Trung đoàn tác chiến BB, Trung đoàn 40,41,42 và 47.
Nhắc đến biến cố tháng 3-1975, khi Ban Mê Thuột thất thủ, Sư đoàn 22 Bộ binh chỉ còn 3 Trung đoàn để phòng thủ Bình Định vì Trung đòan 40 đã phải tăng phái cho SĐ23 BB tại tuyến bắc Khánh Dương. Tại Bình Định, Trung đoàn 47 của Đại tá Lê Cầu được giao khu vực bắc Bình Định, lo trấn giữ Bồng Sơn, cửa ngõ ra vào thung lũng An Lão. Trung đoàn 41 của Đại tá Nguyễn Thiều giữ Quốc lộ 19 từ Bình Khê đến An Khê trong khi Trung đoàn 42 của Đại tá Nguyễn Hữu Thông giữ Quốc lộ 19 phía nam Bình Khê và phần lãnh thổ còn lại của Bình Định. Trong lúc Trung đoàn 42 đang cầm cự một cách anh dũng với Sư đoàn 3 Sao vàng của Bắc Việt ở mặt trận Bình-khê thì được lệnh phải di tản về Nha trang để yểm trợ cho Lữ đoàn 3 Nhảy Dù đang cầm chân Cộng quân ở Khánh-dương.
Nhưng lui binh bao giờ cũng là vấn đề khó khăn của các nhà quân sự từ Đông Tây kim cổ. Tài ba và mưu lược như Gia-cát Lượng mấy lần vào Kỳ sơn như chỗ không người, oai dũng kiêu hùng như Napoléon cùng đoàn quân viễn chinh dưới chân Kim Tự tháp tự hào rằng lịch sử đang chiêm ngưỡng tài danh vẫn không khỏi khốn đốn khi phải rút lui khi trận địa không còn ưu đãi.
Viết đến đây Hậu duệ VNCH xin được phép viết đôi hàng tiểu sử và thành tích hào hùng để vinh danh người anh hùng Cố Đại tá Nguyễn Hữu Thông, người đã tự sát vào những ngày cuối trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam tự do:
Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông sinh năm 1937, nguyên quán tại Thạch Hãn, Quảng Trị, tốt nghiệp khóa 16 Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Ông được vinh thăng đại tá năm 1972. Ông là một trong những quân nhân xuất sắc, được trao tặng huy chương nhiều nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung, của Binh Chủng Bộ binh nói riêng, và của Trung Đoàn 42 Bộ Binh, nói ngắn gọn.
Quân nghiệp lẫy lừng nhưng đầy bi hùng của Đại tá Thông bắt đầu từ cuối năm 1971 khi ông còn là Trung tá, được chỉ định về làm Giám đốc TTHQ/TKBĐ, nhưng chỉ chừng 3 tháng sau, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42/SĐ 22BB để trực chiến ngay với Bắc quân trong một trận chiến kinh hoàng nhất trong mùa hè đỏ lửa, tháng tư năm 1972, trận DAKTO-TÂN CẢNH.
Sinh thời còn là Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 42, Đại tá thông luôn luôn sống gần gũi, sát với chiến hữu thuộc cấp. Đại tá Thông lo chu đáo cho đời sống của từng người lính và gia đình. Ông đi sát từng tiểu đội để lo về sức khoẻ cho họ. Hỏi về các tiêu chuẩn quân trang, quân dụng như giày trận, poncho. Ai đã lãnh ai, chưa đuợc lãnh? Ai đã đi phép, ai chưa có phép? Lương hướng của từng chiến binh lãnh ra chi tiêu bao nhiêu, còn gởi về cho vợ con được bao nhiêu? Ông buộc lính phải tiêu hạn chế, và gởi lương về cho vợ con từng tháng trông chờ.
Có lẽ đây là một cách an dân của cấp chỉ huy để người lính thuộc quyền yên tâm mà đánh giặc. Có lẽ vì cách sống có nghĩa có tình với thuộc cấp của ông đã khiến những người lính suốt đời thương mến ông.
Với những kỳ tài điều quân, ông đã để lại những trang sử hào hùng hiếm có trong Quân sử cận đại, điển hình là sự tái chiếm Đèo Nhông năm 1974. Theo lời của Phóng viên chiến trường Phạm Huấn ” Đây là cuộc chuyển quân thần tốc của một Trung đoàn – Trung đoàn 42 Bộ Binh – từ Tây Nguyên trở về Bình Định tái chiếm đèo Nhông – đây cũng là một chiến thắng kỳ diệu nhất của Trung đoàn 42 trong năm 1974. Trung đoàn 42 Bộ Binh đang hành quân tại vùng Pleime, Tây Nam Pleiku, trong một buổi chiều, được lệnh về giải tỏa áp lực của địch tại mặt trận Bình Định. Cuộc chuyển quân tưởng rằng phải được thực hiện trong vòng 2 hay 3 ngày. Nhưng, ngay đêm ấy, toàn bộ Trung đoàn đã về tới Bắc Phù Cát. Và từ đó, dùng bàn đạp, đánh thẳng vào hậu phương địch, khiến Bắc quân trở tay không kịp. Những trận đánh đẫm máu dòng dã suốt 3 ngày sau. Trung đoàn 42 BB đã tiêu diệt gần 1 Trung đoàn CSBV của Sư đoàn 3 Sao Vàng, dựng nên «Chiến Thắng Đèo Nhông».
Trước khi mặt trận Ban Mê Thuột bùng nổ, một lần nữa, Trung đoàn 42 Bộ Binh cũng đã tái chiếm và biến 2 ngọn đồi vô danh từ Tây Tây Nam quận Hoài Nhơn, Bình Định thành những «di tích» của chiến sử, nói lên tinh thần chiến đấu chống Cộng phi thường của người quân nhân QLVNCH. Ngày 31 tháng 3 năm 1975, trước đó, và sau đó suốt 22 tiếng đồng hồ, các Trung đoàn 41, 42, 47, trên chặng đường rút quân này, đã phải đương đầu một trận tuyến dài hơn 30 cây số, từng đơn vị bị phục kích, bị «chặt đứt» ra từng đọan nhỏ. Họ phải trực diện một cuộc trả thù tàn ác, man rợ nhất trong trận chiến sau cùng của chiến tranh Việt Nam. Trên 30 cây số đường máu, chiến đấu không yểm trợ, không tiếp tế, không tản thương và một «Hậu phương» rã ngũ, bỏ súng.
Trước mặt, sau lưng, đều là địch.
«Đối thủ» lần này tuy vẫn là Sư đoàn 3 Sao Vàng, và những Tiểu đoàn đặc công CSBV. Nhưng Bắc quân ở thế thượng phong, có pháo, chiến xa yểm trợ. Những người cộng sản đã không cần biết đến quy luật của chiến tranh. Chúng thẳng tay tàn sát «kẻ thù» mà trước đây đã gây cho chúng những tổn thất lớn lao, những thất bại đau đớn. Trên 30 cây số đường máu, các chiến sĩ Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã chiến đấu trong tình trạng tuyệt vọng, nhưng vẫn dũng cảm, anh hùng.
Theo lời của Đại tá Nguyễn Thiều, Đại tá Thông cùng với vài binh sĩ đã đi ngược lại về phía Những Ngọn Ðồi Vô Danh tức cao điểm 82-174 phía Tây Tây Nam Quận Hoài Nhơn tỉnh Bình Ðịnh, có lẽ ông đã tự sát cùng chết với những binh sĩ sau cùng của ông vừa mới tử trận trên những ngọn đồi lịch sử này. Dư luận Tỉnh Bình Định thì cho là Đại tá Nguyễn Hữu Thông đã theo gương Danh tướng Võ Tánh cùng mất với Qui Nhơn. Khi vị Đại tá nầy nằm xuống ngày 2 tháng 4-1975, ông chỉ mới 38 tuổi đời nhưng đã đi vào huyền thoại của của dân chúng Miền Trung kể từ đó.
Ông là một tấm gương anh hùng bất khuất của người lính VNCH: Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm. Thế hệ Hậu duệ VNCH và hậu thế mãi mãi vinh danh và tri ân ông, Cố Đại tá Nguyễn Hữu Thông .
* Ghi chú:
Hình 1: Đại Tá Thông được Tướng Toàn khen gợi tại chiến trường mặt trận Dakto - Tân Cảnh - 1972
Hình 2: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (quay lưng) và 3 Trung Đoàn Trưởng SĐ22 thuộc K16 Võ Bị Đà Lạt (hàng ngang từ trái qua): Tr/Tá Đinh Văn Mễ Tr/Đ Trưởng Tr/Đ 47, Đ/Tá Nguyễn Hữu Thông Tr/Đ Trưởng Tr/Đ 42, Đ/Tá Nguyễn Thiều Tr/Đ Trưởng Tr/Đ 41.
Hình 3: Đây là những huy hiệu nguyên thuỷ chính gốc các đơn vị Sư đoàn 22 Bộ binh mà Ông đã phục vụ gắn liền trong cuộc đời binh nghiệp của ông mà Hậu duệ VNCH đã có duyên thừa kế cất giữ những kỷ vật quí báu này.
Hình 4: Hậu cứ Trung đoàn 42 Bộ Binh tại Bình Định 1974.
***Mời xem phóng sự tại Học Viện West Point trong 5 Sĩ Quan tốt nghiệp năm 2019 có một Sĩ Quan là cháu ngoại của Đại Tá Nguyễn Hữu Thông
No comments:
Post a Comment