Monday, May 4, 2020

Đập tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột
Buôn Ma Thuột thất thủ đã làm chấn động toàn miền Nam, lan tới Nhà Trắng và Lầu Năm Góc Mỹ. Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn và Đại tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng ký lệnh “tử thủ Buôn Ma Thuột” và ra lệnh cho tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu 2 phải “tái chiếm Buôn Ma Thuột” bằng mọi giá. Tuy nhiên, ý đồ của quân ngụy đã bị đập tan trong chiến dịch chống phản kích tại Phước An - Nông Trại - Chư Cúc từ ngày 12 đến 18-3-1975, mở đầu bước suy sụp không thể cứu vãn nổi của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
Sau khi ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, lực lượng Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy ở Bắc Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ tuy còn đông nhưng mọi con đường đổ về Buôn Ma Thuột đã bị cắt đứt, buộc phải đổ bộ bằng trực thăng. Chuẩn tướng Lê Trung Tường - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 tình nguyện nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng phản kích buộc phải đổ quân xuống khu vực không xác định trước ở Nông Trại - Phước An trên quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 30 km về phía đông.
Từ chiều ngày 12 đến hết ngày 13-3-1975, địch huy động máy bay ném bom dọn bãi, dùng trực thăng đổ bộ Trung đoàn 45 và Pháo đội 232 xuống trục đường 21 từ điểm cao 581, Nông Trại đến Phước An, Chư Cúc. Tiếp đó, chúng lại đổ thêm Trung đoàn 44 và dựng Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 xuống vùng này. Địch hy vọng với lực lượng Sư đoàn 23 con cưng “Nam bình, Bắc phạt, Tây Nguyên trấn” và bọn tàn quân Liên đoàn 21 biệt động quân có thể “đánh một trận đẹp mắt với quân Bắc Việt Nam” (Theo lời đại sứ Mỹ Martin) ở phía đông Buôn Ma Thuột để xin viện trợ Mỹ, tiếp tục kéo dài chiến tranh.
Bộ binh và xe tăng Mặt trận Tây Nguyên tiến công tiêu diệt địch trong Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh Tư liệu Bảo tàng BĐTN
Chủ động đón đầu và nắm chắc thời cơ, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên kịp thời đưa Trung đoàn 24, Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) và lực lượng xe tăng, pháo binh, phòng không vào chiến đấu trên hướng đường 21. Đêm 13 rạng ngày 14-3, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24 có xe tăng phối thuộc lợi dụng ánh sáng đèn dù vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công. Đúng 7 giờ 7 phút ngày 14, trận tiến công địch ở điểm cao 581 mở màn.
Ngay từ phút đầu, pháo chiến dịch bắn dồn dập, chính xác vào các mục tiêu. 8 giờ 45 phút, bộ binh và xe tăng đồng loạt xung phong và làm chủ hoàn toàn trận địa sau hai giờ tiến công. Thấy Tiểu đoàn 2 ở phía trước bị tiêu diệt, lực lượng còn lại của Trung đoàn 45 ngụy co về khu vực đồn điền cà phê ngã ba Nông Trại nhập với tàn quân của Liên đoàn 21 bảo vệ mặt phía tây quận lỵ Phước An. Ngày hôm sau, địch đổ bộ tiếp Trung đoàn 44 xuống khu vực này, nâng quân số của chúng ở Nông Trại - Phước An lên 5600 tên.
Địch tuy đông, nhưng công sự sơ sài, hỏa lực chi viện hạn chế, tinh thần quân lính rệu rã. Nhận thấy thời cơ thuận lợi, Trung đoàn 24 được lệnh phát triển tiến công ở Nông Trại - Phước An, đồng thời Trung đoàn 28 cơ động về hướng này đánh địch. Sau một đêm chuẩn bị, sáng ngày 16-3, pháo cối của ta bắn dồn dập vào các mục tiêu địch trong vòng 25 phút. Hỏa lực chuyển làn, lập tức bộ binh, xe tăng, xe thiết giáp dũng mãnh tiến công, nhanh chóng đập tan sự kháng cự của Tiểu đoàn 3, rồi chọc thẳng vào Sở Chỉ huy Trung đoàn 45 ngụy. Đúng 8 giờ 15 phút, ta làm chủ hoàn toàn khu vực Nông Trại.
Sáng 17-3, Trung đoàn 24 làm chủ Phước An, Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy đã rút về Chư Cúc. Sau bốn ngày tiến công, Trung đoàn 24 và lực lượng tăng cường đã đánh tan Trung đoàn 45 ngụy, loại khỏi vòng chiến gần 1000 tên địch, thu nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng một vùng rộng lớn dọc trục đường 21, tạo điều kiện cho đơn vị bạn tiếp tục phát triển tiến công.

Các chiến sỹ Sư đoàn 10 truy kích địch tại Phước An. Ảnh Tư liệu Bảo tàng BĐTN.
Trước diễn biến thuận lợi, Bộ Tư lệnh chiến dịch và Sư đoàn 10 dùng Trung đoàn 28 và một lực lượng xe tăng, pháo phòng không tiếp tục đánh địch trong hành tiến theo dọc trục đường 21 về hướng Khánh Dương.
Từ chiều ngày 18 đến sáng ngày 19-3, Trung đoàn 28 và Tiểu đoàn 2 xe tăng, Trung đoàn 273 hiệp đồng đánh tan Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 44 ngụy, rồi tiếp tục truy kích đến cầu số 13. Tại đây, địch đánh sập cầu và lập tuyến chốt chặn bên bờ đông, kết hợp với máy bay, pháo binh hòng chặn bước tiến quân của ta. Nhưng trước sức tiến công mạnh mẽ của Trung đoàn 28, lực lượng địch chốt chặn nhanh chóng bị quét sạch, thừa thắng đội hình tiến công binh chủng hợp thành đánh chiếm chi khu quân sự Chư Cúc và làm chủ hoàn toàn khu vực thị trấn lúc 12 giờ.
Trong cơn hoảng loạn, Chuẩn tướng Lê Trung Tường chạy tháo thân, song chiếc máy bay trực thăng bị trúng đạn, y được đồng bọn lôi ra khỏi máy bay và đưa đi trốn. Tàn quân địch từ Chư Cúc chạy về hướng đông đã bị Trung đoàn 25 tiêu diệt. Trong khoảng 20 giờ tiến công hành tiến, Trung đoàn 28 và lực lượng tăng cường đã vượt chặng đường dài 40 km, đánh nhiều trận làm tan rã hoàn toàn Trung đoàn 44 ngụy, tàn quân Liên đoàn 21 biệt động quân và lực lượng bảo an, thu được nhiều vũ khí phương tiện chiến tranh, giải phóng một vùng đất rộng lớn dọc trực đường 21, tạo điều kiện cho các lực lượng chiến dịch phát triển về hướng đông.
Trong khi tập trung một lực lượng mạnh đánh bại quân địch phản kích trên đường 21, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10) và Trung đoàn 149 (Sư đoàn 316) tiến công tiêu diệt căn cứ 53. Nằm trên trục đường 27, cách trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột 8 km về phía đông nam, căn cứ 53 có hình chữ nhật chiều dài 1,2 km, rộng 1 km, có hệ thống công sự kiên cố, hầm ngầm chỉ huy ở giữa bằng bê tông, xung quanh có tuyến tường hộp dày 1,5 m, cao 2 m và 4 đến 6 hàng rào thép gai.
Chiến sỹ Trung đoàn 66 đánh chiếm sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuột). Ảnh Tư liệu Bảo tàng BĐTN.
Từ 17 giờ 10 phút ngày 16-3, hai Trung đoàn 66 và 149 tổ chức tiến công. Quân địch ngoan cố chống trả quyết liệt, gọi máy ném bom vào các khu vực cửa mở. Nhưng trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, chúng suy yếu nhanh buộc phải tháo chạy. Đến 8 giờ ngày 30-3, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ 53.
Trong hơn năm ngày tiến công, Sư đoàn 10 và các đơn vị xe tăng, pháo binh, phòng không chiến dịch đã lập chiến công vang dội, hoàn thành xuất sắc trận then chốt thứ hai của chiến dịch Tây Nguyên: Đập tan cuộc phản kích “tái chiếm” Buôn Ma Thuột của Quân đoàn 2 ngụy, xóa sổ Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 biệt động quân; diệt và bắt 5.266 tên, thu 3.718 súng các loại, 305 xe quân sự và 1 máy bay trực thăng; giải phóng hoàn toàn vùng đông bắc tỉnh Đắc Lắk. Chiến thắng trên đường 21 đã góp phần quan trọng thúc đẩy chiến dịch phát triển, tạo thế chia cắt địch về chiến lược, đẩy Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy ở Bắc Tây Nguyên đến nguy cơ tan vỡ và bị tiêu diệt nhanh chóng khi tháo chạy trên đường số 7, mở đầu bước suy sụp không thể cứu vãn nổi của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
Thắng lợi của trận đánh khẳng định sự trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật chỉ huy chiến dịch, về trình độ tổ chức và thực hành tiến công địch trong hành tiến tiêu diệt lực lượng lớn quân địch phản kích bằng đổ bộ đường không và tinh thần chiến đấu rất dũng cảm của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên./.
Source: Danh Hiệp - Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên
13-06-2017


No comments:

Post a Comment