Bến Giằng, một địa danh đã đi vào lịch sử và văn học, ngày nay là huyện Nam Giang, phía tây tỉnh Quảng Nam. Đi theo đường Hồ Chí Minh hoặc QL14E từ QL1A lên, là ta đã đi xuyên qua nhiều di tích, thắng cảnh của vùng đất này.
Cuối đường 14E là cửa khẩu Đắc Óoc sang huyện Đắc Chưng, thuộc tỉnh Sê Công của nước Lào, nơi nổi tiếng với cây sa nhân và giống ngựa thồ. Trong Bài thơ về hạnh phúc, nhà thơ Dương Hương Lý từng viết: “Con sông Giằng gầm réo miên man”, nhà thơ Tố Hữu cũng có câu “Ôi làng Rô nhỏ của tôi”, chính là khu vực mà trước đó nhà văn Nguyễn Chí Trung đã có bút ký nổi tiếng Bức thư làng Mực… Ngày nay, Bến Giằng đã được thay thế bằng chiếc cầu sắt của hãng Effel chế tạo được tháo từ cây cầu De Lattre ở Đà Nẵng đưa lên… Qua cầu để lên biên giới, qua khỏi các làng Tà Bhing, Chà Vàl , làng Ving, Dốc Thờ, Bót Xít… ta sẽ bước vào những vùng đất mà Chu Cẩm Phong từng lăn lộn thời chiến tranh và ghi lại sinh động trong Nhật ký Chiến tranh của anh.
Ở Bến Giằng có các thác đẹp như thác Monica dọc đường Hồ Chí Minh (tương tuyền hoàng hậu Monique của cựu hoàng Sihanouk từng dừng chân và tắm ở đây trong chiến tranh), hay thác Gờ răng (cá Chiêng) ở làng Tà Bhing, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh nước trong xanh bốn mùa giữa đại ngàn.
Thăm thú vùng Bến Giằng ngày nay, có thể ghé ăn những món cơm lam nấu ống tre ở Chà vàl, uống rượu Tà vạt (rượu đoát), với món mồi cá Chiêng ở Tà Bhing trong những ngôi nhà gươl cùng các cô gái người Cơ tu luôn nở nụ cười tươi như hoa rừng. Trong men Tà Vạt ngây ngây, có thể xem những vũ điệu Đinh tuk, Ya ya… dưới ánh lửa bập bùng hoặc nghe các già làng hát lý. “Ngực em tròn như vầng trăng, chân em trắng như chiếc ngà voi” là những câu hát lý nghe từ hơn 20 năm trước, giờ tôi vẫn còn nhớ…
Từ Đà Nẵng đi Bến Giằng với đường dài khoảng 100 cây số và có thể về trong ngày. Nhưng để uống Tà Vạt hoặc hưởng cái hơi lạnh ở biên giới Cổng Trời trên độ cao hơn ngàn mét, tốt hơn là nên ở lại qua đêm.
Đi lại nhiều lần qua Bến Giằng, nhưng tôi tiếc vì chưa thấy đơn vị lữ hành nào thiết kế một tour du lịch đến đây, kết hợp với việc khám phá đường mòn Trường Sơn vẫn còn nhiều dấu vết giữa các khu rừng nguyên sinh.
Nguyễn Sông Hàn
No comments:
Post a Comment