Giải Tỏa Thường Đức
Văn Lan
Đầu năm 1974, CSVN chọn Thường Đức làm thí điểm để đo lường khả năng phản công của QLVNCH.
Sau gần nửa năm chuẩn bị cả người lẫn vủ khí, theo lời của cộng quân, bọn chúng đã huy động một lực lượng gồm "11 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, 1 đại đội tên lửa B72, 1 tiểu đoàn pháo phòng không 37mm, 1 đại đội tên lửa vác vai A72, 2 tiểu đoàn công binh và một số đơn vị không bảo đảm chiến đấu khác.” (Khi đề cập đến “một số đơn vị không bảo đảm chiến đấu khác”, chắc là cộng quân không muốn nhắc đến 2 tiểu đoàn đặc công Quãng đà và những lực lượng du kích trong vùng được xử dụng như những lao công dùng để khiêng súng đại bác và tải đạn lên núi cho những đơn vị chính quy CSBV.).
Về phía QLVNCH, ngoài một số đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát đồn trú rải rác chung quanh Thường Đức còn có TĐ79/BĐQ trấn đóng đồi Thường Đức. Trong trận Thường Đức, quân số tham chiến của TĐ79/BĐQ gồm có: Đại đội 1 khoảng 30 người, Đại đội 3 khoảng 50 người, Đại đội 4 khoảng 50 người, kể cả BCH Tiẻu đoàn, và một đơn vị Nhảy Toán khoảng 20 người.
Sau 38 năm dấu kín về con số thương vong trong trận Thường Đức, vào ngày 1 tháng 8 năm 2012, cộng quân đã tổ chức buổi lể cầu siêu kéo dài 3 ngày tại Thường Đức. Cũng trong dịp nầy, lần đầu tiên, CSVN đã thừa nhận sư đoàn 304 đã để lại chiến trường hơn 1,300 người bị tử thương tại trận Thường Đức trong khoảng thời gian từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 7 tháng 8 năm 1974, theo lời phóng viên H. Chung thuộc TTXVN thuật lại, (TTXVN là cái loa chính thức của Cộng sãn). Mặc dầu con số 1,300 là do cộng quân đưa ra, nhưng với bản chất gian dối cố hữu của người cộng sãn, con số thật sự chắc hẳn còn cao hơn nhiều. Cũng trong bài, phóng viên H. Chung có đề cập đến sự tham chiến của sư đoàn 324 trong trận Thường Đức, tuy nhiên bài báo đã không đá động gì tới con số chết chóc của sư đoàn này.
Nếu tính theo tỷ lệ thấp nhứt (5.21 - 9.76) là cứ 1 người bị chết thì có 5 người bị thương, thì nếu con số tử vong là 1,300 người thì con số bị thương sẽ là 6,500 người. Tổng cộng, TĐ79/BĐQ và những đơn vị bạn cùng với Không Quân đã loại 7,800 địch quân ra khỏi vòng chiến trong vòng 10 ngày giao tranh. Ấy là chưa nói đến con số thương vong thuộc sư đoàn 324. Nếu có, con số địch quân bị loại ra khỏi vòng chiến còn cao hơn nữa.
Mặc dầu TĐ79/BĐQ đã gây thiệt hại cho cộng quân một tổn thất lớn lao, nhưng đến khi tất cả những tài vật và nhân sự đều kiệt quệ, Thường Đức đã lọt vào tay cộng sãn. Sau đó, nhận thấy QLVNCH không có ý định lấy lại Thường Đức, cộng quân nhận ra hỏa lực của QLVNCH đã sút giảm xuống chỉ còn ở mức tự vệ đến cầm chân, 6 tháng sau đó, bọn chúng bèn đồng loạt tung ra những trận tấn công, quy mô hơn, có tính cách dứt điểm, vào những địa điểm chiến lược quan trọng trên khắp lảnh thổ Miền Nam, và cuối cùng ông Tông Tông Dương văn Minh ra lệnh buông súng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
=<>=
Đà Nẵng - Một ngày tháng 9 năm 1974
Trung sĩ Việt chở tôi qua Đà Nẳng gặp Trung sĩ Khâm. Tôi hỏi nó có chuyện gì quan trọng không thì nó một mực không chịu hé môi. Đến trước một ngôi nhà gạch nho nhỏ, xinh xắn như một biệt thự con, nằm trên một con đường cách bãi biển Thanh Bình không xa lắm thì nó ngừng xe lại.
Thằng Việt thản nhiên dắt xe đi vào bên trong y như là nhà của nó. Tôi theo nó bước vào trong sân ngôi nhà. Vừa đi, tôi vừa nhìn quanh ngôi nhà vừa khẽ hỏi thằng Việt:
- Nhà ai vậy mậy?
Dựng chiếc xe lên, nó nói:
- Nhà Thiếu tá Đáp.
Tôi thắc mắc trong lòng:
"Thiếu tá Đáp ...Thiếu tá Đáp? Không lẽ Thiếu tá Đáp, Tiểu đoàn Trưởng trước đây?"
Thằng Việt thấy tôi cỏ vẻ nghĩ ngợi lung tung, nó bèn dục:
- Thiếu tá Đáp hồi xưa đó. Không có gì đâu, vô gặp ổng với thằng Khâm một chút.
=<>=
Trong phòng khách, ngồi sẵn trên chiếc ghế sa-lông là Trung sĩ Khâm. Đối diện Trung sĩ Khâm là một người mặc quân phục theo kiểu bộ binh, mang cấp bậc Thiếu Tá. Ông đúng là Thiếu tá Đáp, vị Tiểu đoàn trưởng vào ngày tôi được bổ sung về cho Tiểu đoàn đầu năm 1972. Cả hai có vẻ như đang bàn tán về một đề tài nào đó có vẻ gây cấn và quan trọng.
Thấy Trung sĩ Việt và tôi đến, họ cùng ngưng lại đồng nhìn về phía chúng tôi.
Tôi khẽ gật đầu chào hai người.
Thiếu tá Đáp nhìn tôi gật đầu, rồi ra dấu cho thằng Việt và tôi ngồi xuống hai chiếc ghế trống bên cạnh đó.
Trước đây, Thiếu tá Đáp là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 79 Biệt Động Quân. Sau Tết năm 1973, nghe kể rằng ông cãi lại lệnh cấp trên nên bị thuyên chuyển qua bên Địa Phương Quân.
Tôi ngồi xuống bâng khuâng không biết chuyện gì đang xảy ra.
Trung sĩ Khâm lên tiếng đi thẳng vô vấn đề, hỏi tôi:
- Nghe thằng Việt nói mày thoát được về qua chổ Ba Khe?
Tôi trả lời:
- Ờ, thì đi theo cái con đường cái đó.
Trung sĩ Khâm bèn hỏi tiếp:
- Bây giờ mày có thể vẽ lại con đường mày thoát về, được không?
Tôi thở nhẹ một hơi dài hú vía, nhìn qua thằng Việt cười như nói:
- Chỉ có vẽ cái bản đồ không mà mày làm bí mật giống như đi hành quân.
Tưởng chuyện gì quan trọng chớ vẽ cái nầy thì đâu có khó gì, bởi vì đó là cái lối thoát do tôi vạch ra tước kia. Tôi hý hửng đáp không cần suy nghĩ:
- Được chớ sao không.
Đến đây, Trung sĩ Khâm đưa mắt về hướng Thiếu tá Đáp, từ nãy giờ theo dỏi câu chuyện chứ không nói.
- Mày nhớ Thiếu tá Đáp không ?
Tôi gật đầu.
Trung sĩ Khâm nói tiếp:
- Ổng bây giờ làm Tiểu đoàn trưởng của một tiểu đoàn Địa Phương Quân.
Ngưng một chút như để sắp xếp ý tưởng, Trung sĩ Khâm hỏi tôi:
- Khi dọt về, mày có đi qua cái đồi Gò Cấm không?
Tôi không rành lắm về những địa danh chung quanh Thường Đức nên hỏi lại:
- Đồi Gò Cấm? Chỗ nào?
- Mày còn nhớ cái đồn Nghĩa Quân ở trên Ba Khe một chút không? Chỗ mà có cái cầu chút xíu đó. Trên đó là cái đồi Gò Cấm.
Bấy giờ thì tôi mới nhớ ra. Đi ngang qua đó cả trăm bận. Tôi thấy ở đó có một cái đồn của lính mình, đóng trên một cái đồi cao khoảng cỡ 100 thước. Thấy thì biết vậy, chớ tôi có bao giờ bận tâm tìm hiểu cái đồi đó tên gì. Tôi gật đầu:
- Nhớ rồi.
Trung Sĩ Khâm hỏi tiếp:
- Rồi mày có đi ngang qua đó không?
- Có.
- Mày có thấy tụi nó đóng quân ở đó không?
- Có.
- Nhiều không?
Tôi nhớ lại, tại chỗ này, có 2 cánh quân xuất hiện truy kích chúng tôi, nên đáp lại:
- Chắc khoảng cở 1 đại đội.
- Rồi từ chỗ đó cho đến chỗ Ba Khe, mày có thấy tụi nó đóng ở đâu nữa không?
- Không biết được. Đến chổ này thì tụi tui đi ban đêm nên không thấy.
Có vẻ như cũng tạm đủ, Trung sĩ Khâm đẩy vài tờ giấy với cây bút chì sang tôi, giục:
- Được rồi, mày vẽ đi.
Tôi bắt đầu cặm cụi loay hoay vẽ lại con đường tẩu thoát của mình trước đây.
Trong khi tôi đang ngệch ngoạc vẽ thì Trung sĩ Khâm quay sang Thiếu tá Đáp nói:
- Thiếu tá biết, từ cái đồi Gò Cấm cho tới chổ Ba Khe còn có mấy cái đồi nho nhỏ gần đó. Được một cái là mấy cái chổ nầy rất trống trải, chỉ toàn là cỏ tranh, nên tôi nghĩ là tụi nó không đóng quân ở đó mà đóng ở đằng sau, bên trong bìa rừng.
Đang vẽ, nghe hai người nói chuyện như vậy, tôi tò mò hỏi:
- Bộ mấy ông tính nhãy vô Thường Đức hở?
Trung sĩ Khâm cười:
- Ờ.
Rồi ông nhìn tôi với ánh mắt nghiêm nghị:
- Đây là chuyện bí mật. Mày không được hó hé với ai hết, nghe không?
Thấy tôi gật đầu. Ông tiếp tục:
- Trong tiểu đoàn của Thiếu tá Đáp, có một số lính cùng quê ở Thường Đức với tao. Tụi nó chờ lính Dù giải tỏa Thường Đức để tụi nó gặp lại gia đình, nhưng chờ hoài không được. Tụi nó nghĩ lính Dù không có lệnh giải tỏa Thường Đức, mà chỉ cầm chân tụi việt cộng ở Đại Lộc. Cho nên tụi nó muốn quậy lên, để buộc Quân Đoàn vào thế chẳng đặng đừng, mà phải để cho Dù giải tỏa Thường Đức.
Ngưng một tý rồi ông tiếp:
- Tụi tao tính là, nếu tụi tao chiếm được cái đồi Gò Cấm. thì lính Dù có thể đưa quân theo con lộ, qua cái khe đó để yểm trợ, thì Quân Đoàn không làm sao khác hơn là phải chấp nhận.
Nói tới đây Trung sĩ Khâm chậm rãi:
- Cái kẹt là làm sao tụi tao qua được cái khe đó một cách êm thắm. Cái khoảng đường này dài hơn một cây số. Một bên là bờ sông lọt tỏm phía dưới, một bên là núi. Có khúc, vách núi gần như là thẳng đứng. Nghe nói mày vượt về qua cái ngã này, nên kêu mày tới đây để mày vẽ lại đường đi nước bước cho tụi tao.
Tôi nghĩ bộ mấy ông này nói giỡn chơi hay sao mà dám làm một chuyện động trời như vậy. Tại sao lại không ráng đợi thêm một thời gian nữa. Sớm muộn gì thì Dù cũng lấy lại Thường Đức ngay. Nghĩ vậy, tôi liền nói:
- Sao mấy ông không đợi thêm một chút nữa? Từ từ, lính Dù cũng sẽ đánh lên Thường Đức.
Trung sĩ Khâm cười nhẹ ôn tồn giải thích:
- Dù không có đánh lên để lấy lại Thường Đức đâu.
Tôi ngạc nhiên với lời giải thích của Tr/S Khâm:
- Nếu mà Dù không có lịnh giải tỏa Thường Đức, thì tại sao đi đâu cũng nghe nói là Dù đánh ở Thường Đức? Báo biết cũng nói là Dù đánh ở Thường Đức. Mà chính mấy người lính Dù cũng nói là họ đánh nhau ở Thường Đức?
Trông lên trần nhà như thả hồn về Thường Đức, Trung sĩ Khâm, với ánh mắt xa xôi, giọng trầm xuống, tiếp tục nói như cho cả chính mình :
- Tao thấy nó cũng kỳ kỳ nhưng không hiểu tại sao. Nếu Dù mà có lệnh lấy lại Thường Đức thì nó lấy lâu rồi. Mày thấy? Cả tháng nay nó chỉ đánh loanh quanh ở mấy cái đồi nằm ở bên quận Hiếu Đức, bên ngoài quận Đại Lộc. Mày có thấy Dù nó đánh chỗ nào ở bên quận Thường Đức không? - Không! - Mày có thấy Dù có chủ trương, hành quân, đánh đấm, tấn công chỗ nào khác không? - Không!
Như chợt nhớ ra điều gì khá quan trọng:
- Mày còn nhớ hồi mình đánh ở Thường Đức không? Sau lần thả dù tiếp tế bị lọt ra ngoài hết, mày có thấy, có ai ráng sức cố gẳng tiếp tế cho mình lần khác không? - Không! - Mà nếu như không tiếp tế được bằng máy bay đi, mày có thấy Sư đoàn 3 đánh mở đường lên tiếp viện cho mình không? - Cũng không luôn!
Ông buông thỏng:
- (vt) Không có một thằng nào nhúc nhích hết. Tụi nó để cho mình chết luôn mà.
Tôi phụ họa thêm với một vài nhận xét khác:
- Ờ, mà tôi thấy cũng ngộ. Yểm trợ gì mà từ khi chiếc A-37 bị bắn rớt thì từ đó về sau, không thấy một khứa nào lao xuống nữa. Cứ mỗi lần mình xin máy bay yểm trợ thì nó cũng bay lên, nhưng nó bay cao tuốt trên mây xanh, trút hết bom vô trong núi rồi bay về. Lâu lâu, mới có một trự động lòng, xâm mình lao xuống. Còn pháo binh của Sư đoàn 3 cũng vậy. Mỗi lần xin pháo thì nó chỉ cho có 5 trái. Kéo chưa tới mục tiêu thì hết mẹ nó rồi. Còn pháo 175 cũng vậy. Suốt từ đầu cho tới cuối, nó bắn cho mình, hình như chừng 3 trái hay 5 trái thì phải? Sau đó thì nó bảo súng hư!
Bổng một ý nghĩ thoáng qua làm tôi lạnh người:
- Hay là Quân Đoàn, hay Sư đoàn 3, bán đứng Thường Đức cho việt cộng?
Trung sĩ Khâm trố mắt nhìn tôi ngập ngừng:
- Mày nói nghe có lý à. (vt) Hổng chừng tụi nó bán mình cho việt cộng.
Rồi ông có vẻ trầm ngâm:
- Tao không muốn tin như vậy. Nhưng chớ làm sao, mà mình đánh đấm gần hai tuần lể, mà chẳng thấy Quân đoàn hay Sư đoàn 3 tiếp hơi mình chút nào?
Như chợt thấy mình đi hơi xa ra ngoài đề tài, Trung sĩ Khâm quay trở lại câu chuyện:
- Như mày thấy đó, thành ra, tao nghĩ Dù chỉ có lệnh cầm chân cái tụi việt cộng ở quận Đại Lộc mà thôi.
Rồi Trung sĩ Khâm nhìn tôi, nhỏ giọng, quan trọng, thủng thẳng nói:
- Nếu Dù mà muốn lấy Thường Đức thì họ đã lùng kiếm mày từ xưa rồi.
Mồ hôi trán tôi chợt rịn ra. Tôi bèn làm một màn liệt kê cấp tốc trong đầu xem thử mình có chọc giận ai bên đó mà đến nỗi họ phải đi lùng mình. Xét mình không tội lỗi gì nên tôi có phần phân vân hỏi:
- Kiếm tôi làm chi?
Trung sĩ Khâm dịu giọng giải thích:
- Thì cũng giống như tao kêu mày tới đây vậy. Kiếm mày để tìm hiểu xem mày đi cách nào mà lọt qua được cái khe đó. Rồi tụi việt cộng đóng quân ở chổ nào? Bao nhiêu? Chỉ có mày mới có thể cho được những tin tức chính xác, bảo đảm về tình hình của tụi việt cộng.
Rồi ông hỏi tôi:
- Thế mày có thấy tụi Dù đi kiếm những người như mày hay không?
Tôi chưa kịp nói “Không” thì ông đã nói tiếp:
- Thấy chưa? Như vậy là Dù nó đâu có màng đánh lên Thường Đức. Nó đâu có lịnh giải tỏa Thường Đức.
Tôi nghe qua nghĩ cũng có lý. Thấy tôi có vẻ như đồng tình, Trung sĩ Khâm nói thêm:
- Có hàng chục cách giải tỏa Thường Đức. Nhưng nếu muốn đánh lên Thường Đức cho lẹ thì phải đưa quân qua ngã Ba Khe. Mà qua Ba Khe, thì bị cái bất lợi ở chổ một bên là sông, một bên là núi. Nếu mà tụi nó dàn quân trên núi, dọc theo con lộ đánh chận mình,thì mình sẽ bị trì trệ, chết chóc nhiều, mà không biết có qua được hay không.
Cách tốt nhất là đi vào ban đêm, mà phải đi cho thiệt lẹ để tụi nó không có đủ thì giờ ra chận đánh. Mà muốn đi cho lẹ thì phải kiếm những người thoát về được như mầy, đặng tìm hiểu thêm chi tiết để di chuyển nhanh chóng hơn.
Đến đây, Trung sĩ Khâm chậm rải kết luận:
- Nếu mày đi ra được, thì tụi tao vào được.
Tôi chợt nhớ ra Tr/s Khâm cũng thoát về được trước đây:
- Ông cũng dọt về được vậy, sao không dùng con đường của ông cho chắc ăn mà lại kêu tôi làm gì?
Trung sĩ Khâm đáp:
- Tao biết. Nhưng mà con đường tao đi chỉ tiện cho một người, hay hai người là cùng. Nhiều hơn nửa thì khó di chuyển cho êm thắm. Còn mày, mày dẩn được cả đám trót lọt. Tao thấy đi cái ngỏ của mày bảo đảm hơn.
“Rồi lại làm sao mà lôi kéo lính Dù vô trong chuyện này?”. Tôi bèn nêu cái thắc mắc đó lên.
- Cho rằng mấy ông chiếm được cái đồi Gò Cấm đó đi. Nhưng mà nó nằm chơ vơ một mình. Nếu tụi việt cộng cũng bao vây chiếm lại, thì làm sao lính Dù nhảy vô tiếp kịp?
Thiếu tá Đáp bây giờ mới lên tiếng:
- Chú mày khỏi lo. Khi tụi nó bắt đầu đụng nhau thì lính Dù sẽ tiếp ứng ngay lập tức.
Thấy tôi có vẻ còn băn khoăn, Trung sĩ Khâm bèn giải thích:
- Hồi trước ổng ở bên Lực Lượng Đặc Biệt. Ổng có nhiều bạn bè ở bên Dù. Để ổng lo chuyện đó.
Thấy như thế cũng đã đủ để thỏa mãn cho cái tò mò của tôi. Thế là tôi chăm chú vẽ lại con đường tôi vượt thoát trước đây. Tôi liệt kê từng chi tiết, mô hình, nơi tụi nó đóng quân. Chổ nào phải đi trên bờ. Chổ nào phải đi dưới nước.
Trung sĩ Khâm chăm chú quan sát bản đồ tôi vẽ. Thỉnh thoảng, ông hỏi tôi một vài nơi trên bản đồ. Khi tôi vẽ xong, Trung sĩ Khâm quay sang Thiếu tá Đáp nói:
- Tôi nghĩ mình làm được lúc ban đêm đó, Thiếu tá.
Ngẫm nghĩ thêm một hồi, Trung sĩ Khâm nhìn thẳng vào mặt tôi hỏi:
- Mày muốn đi theo không?
Tôi chợt cảm thấy một luồng khí lạnh chạy dọc theo xương sống. Tôi không biết cái quyển sách hay bản nhạc nào, có cái tựa đề na ná như là “Người về từ địa ngục” do ai soạn ra, tả về nỗi kinh hoàng, ở một căn cứ hỏa lực nào đó bị việt cộng tấn công, nó ghê gớm như thế nào. Có thể người viết chưa nói hết nổi trần ai thống khổ, nhưng qua những gì tôi đọc được, nghe được, về những trận đánh từ trước tới nay, tôi đoan chắc rằng, không có cái chỗ nào mà có thể gọi là địa ngục bằng cái đồi Thường Đức mà tôi mới vừa thoát ra.
Cho vàng, tôi cũng không ngu dại gì chui lại vô đó. Tôi đánh ở đó rồi. Bây giờ để cái hân hạnh đó cho thằng nào cũng được, ngoài tôi ra.
Tôi cười ruồi cầu tài, khẩn khoản tán ra:
- Tôi mà đánh đấm cái gì. Có tôi mà đi theo thì chỉ được cái phá đám thôi.
Trung sĩ Khâm chỉ vào một điểm trên bản đồ.
- Có một cái chỗ đằng sau cái chốt này vó vẻ khó khăn. Tao nghĩ nếu có mày dẫn đi thì chắc di chuyển bảo đảm hơn, có nhiều cơ may thành công hơn.
Tôi nhìn vào nơi bản đồ mà ngón tay ông chỉ xuống. Quả thật, chỗ này hơi khó vượt. Nếu không có người đã từng đi qua hướng dẫn thì khó lòng có thể di chuyển êm thắm trong đêm tối.
Ba cặp mắt chong chong nhìn vào tôi. Tôi cũng đăm đăm hậm hực nhìn lại vào họ. Trong đầu tôi, đủ loại ý nghĩ nhãy múa lung tung. Cái nào cái nấy cũng đều răn tôi đừng có dại dột đi theo. Nhưng ông Trời hình như đặt để cái duyên của tôi nhầm chổ. Cái chỗ tôi mong ước nhất là được gần gũi với các cô hoa hậu hoa khôi, thì lại bị nguýt bị xí, mỗi khi xáp tới. Còn cái chổ đạn bay súng nổ, ma tránh quỷ nhường, thì dù tôi có nhắm mắt, quờ quạng chỗ nào cũng đụng.
Suy nghĩ mãi, tôi thấy mình không còn lựa chọn nào khác hơn nên chặc lưởi buông thỏng:
- Được rồi. Tôi đi theo.
Trung sĩ Việt ngồi kế bên tôi nhoẽn miệng cười. Quen nó bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ thấy nó cười đểu như lúc này. Rõ ràng là nó đã đồng lõa với ông Khâm, âm mưu rủ rê tôi trong chuyện này.
=<>=
Trên đường về hậu cứ của Tiểu Đoàn tạm đặt bên trong BCH/BĐQ/QĐ1 tại Non Nước, tôi hỏi thằng Việt:
- Hê! ... Sao ông Đáp gan cùng mình vậy mậy? Tao nghĩ, chơi kỳ nầy xong, được hay không, đằng nào ổng cũng vô quân lao.
Trung sĩ Việt có vẻ trầm ngâm xa vắng:
- Ông Đáp mà. Ổng đâu ngán ai. Tao đoán là ổng ấm ức vì thấy Thường Đức bị để cho mất. Dù sao, Thường Đức, một thời cũng là vùng trách nhiệm của ổng.
Tôi thở dài ái ngại, suy tư:
- Nhưng mà hy sinh cả cái binh nghiệp của mình?
=<>=
Theo kế hoạch, vào giai đoạn 1, thiết lập đầu cầu vào Thường Đức, Trung sĩ Khâm dẫn nhóm lính Địa Phương Quân, trong đó có tôi, có nhiệm vụ chiếm đồi Gò Cấm. Toán chúng tôi xuất phát từ đồi 52, bám theo vách con sông Vu gia, di chuyển ngược lên, vượt qua Ba Khe, tiến chiếm mục tiêu Gò Cấm.
Trong trường hợp toán xung kích của chúng tôi bị lộ trước khi đến được mục tiêu đồi Gò Cấm, toàn thể kế hoạch sẽ bị hủy bỏ. Tất cả những đơn vị Dù trở về ví trí củ của họ. Còn chúng tôi thì tự lo liệu lấy thân.
Sau khi toán chúng tôi vượt qua cái chốt VC ở Ba khe êm thắm, chúng tôi sẽ liên lạc về đơn vị Dù để họ chuẩn bị di chuyển.
Khi được tin chúng tôi đã qua khỏi Ba khe, một Đại đội Dù (tạm gọi ĐĐ1) âm thầm di chuyển đến nằm tại vười chuối, cạnh con lộ, ở hướng Tây bên ngoài chân đồi 52, cách chốt VC ở Ba Khe chừng non cây số về hướng Tây. Khi có súng nổ trên đồi Gò Cấm, Đại đội này, sẽ theo con lộ ào ạt tiến quân qua Ba Khe. Chắc chắn lúc đó tụi việt cộng, nếu không bị triệt tiêu ngay thì cũng phải bỏ chốt chém vè. Lính Dù sẽ có mặt ngay tại chân đồi, và hiệp lực cùng toán chúng tôi chiếm đồi Gò Cấm.
Đồng thời, một Đại đội Dù khác (tạm gọi ĐĐ2), từ hướng Bắc, di chuyển dọc theo triền núi đến gần Ba Khe thì án binh ở đó. Cùng lúc có súng nổ trên đồi Gò Cấm, Đại đội này bắt đầu đi ngược lên, theo chân núi, dàn quân tại đó để yểm trợ cạnh sườn cho ĐĐ1, đồng thời giử an ninh cho những đơn vị Dù sau nầy tiến lên.
Hai Đại đội Dù còn lại (tạm gọi ĐĐ3 và ĐĐ4) với BCH Tiểu đoàn Dù thì nằm trong vườn mía ở phía Bắc đồi 52 đợi giờ tấn công. Khi tiếng súng nổ ở đồi Gò Cấm, toàn bộ đơn vị Dù còn lại di chuyển thần tốc theo con lộ. Đại đội 3 trực chỉ đồi Gò Cấm tiếp sức với chúng tôi thanh toán mục tiêu cho nhanh chóng. Đại đội 4 còn lại cùng BCH TĐ lên chiếm đóng những ngọn đồi chung quanh, bắt tay với ĐĐ2, làm một vòng đai an ninh cho con lộ từ Ba Khe đến đồi Gò Cấm, để cho những đơn vị Dù khác lên Thường Đức được nhanh chóng và an toàn.
Sau đó, khi những lực lượng Dù đã có mặt tại bên này con sông Côn, Thường Đức sẽ được giải tỏa không bao lâu sau đó.
=<>=
Như dự tính, toán xung kích lặng lẻ đi dưới bờ sông, từng người một, bám theo những cây lau sậy mọc theo vách sông, vượt qua được cái chốt của việt cộng ở Ba khe êm thắm.
Qua được rồi, chúng tôi cứ tiếp tục đi theo vách sông cho đến khi đến chỗ khá an toàn mới leo lên bờ. Đến một khoảng đất trống, trước khi băng qua con lộ để đến chân đồi Gò Cấm, chúng tôi bèn dừng lại ngồi xuống quan sát địa thế cũng như phát giác những khả nghi.
Đột nhiên, tôi nghe có tiếng bước chân tiến dần về hướng chúng tôi. Trong màn đêm, một bóng đen bước những bước chậm chạp có vẻ như nghe ngóng động tĩnh đó đây. Chúng tôi vội vàng nằm rạp mình xuống đất. Cái bóng người tiến dần về hướng nơi tôi đang nằm. Tôi quýnh quá, không biết phải xoay xở làm sao trong lúc này. Tôi muốn bắn nó nhưng không thể bắn được. Tôi không thể làm náo động để đổ vỡ cả một kế hoạch.
Trung sĩ Khâm ra dấu cho tôi đừng làm gì hết. Cái bóng người vẫn tiến dần về phía tôi. Tim tôi đập loạn cào cào. Tôi chợt nhớ lại cái thế khoá chân của võ Vovinam mà tôi học lóm được của thằng A, bạn thân hồi còn bé. Tôi hồi hộp từ từ mở rộng đôi chân ra, đợi cho nó đến gần đưa chân vào thì tôi sẽ khóa lại, quật ngược nó xuống, rồi cầu trời cho mấy thằng chung quanh nhào tới giựt súng khoá miệng nó lại.
Nó vẫn dọ dẩm từng bước một đi từ từ tới. Một chân của nó đặt lọt ngay vào giữa hai chân tôi. Tôi cảm thấy chân nó đụng nhẹ vào chân tôi. Tôi hoãng hồn ngó lên. Tôi thấy nó nhìn xuống. Không chậm trễ, tôi gồng người khép nhanh đôi chân lại, lấy hết sức mình, tôi xoay người quật ngang xuống.
Như không cưởng lại được sức bẻ sống chết của tôi, chân nó rủn ra, nó ngã vật xuống như ý tôi mong muốn. Nó hét lên:
- Anh ơi! Anh bẻ chân em gãy rồi.
Tôi nhỏm người dậy, nhìn thẳng vào mặt nó. Tôi thấy nhà tôi đang ngồi ôm chân thút thít. Tôi hỏi:
- Em sao vậy?
Nhà tôi vẫn còn sụt xùi trả lời:
- Ai biết đâu. Đang ngủ, thấy hơi lạnh, tính đưa chân qua để giữa hai chân anh cho ấm. Ai dè, mới vừa đưa vào thì anh kẹp lại bẻ quặt đau muốn chết luôn.
Nàng vừa xoa chân vừa ấm ức:
- May mà em rút ra kịp chớ không thì chắc bị gãy rồi.
Trong màn đêm, đồi Gò Cấm mờ tan nhường chổ cho căn phòng ngũ. Tôi bần thần xoa bóp chân nàng để làm dịu cơn đau. Lòng bồi hồi nhớ lại giấc mơ không trọn.
=<>=
Ngược lại vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, khi những tin tức về những trại tù cải tạo ra được tới hải ngoại. Nghe qua những hoàn cảnh thiếu thốn cơ cực trong những trại tù cải tạo, lúc đó, như một số người khác, tôi thường nằm mơ thấy mình lái máy bay đi thả những kiện dù chứa đầy thịt gà quay, heo quay, nước ngọt, thuốc lá v.v... xuống những nơi có tù cải tạo. (Lúc ấy, tôi đang đứng bán hàng cho một một quán ăn Tàu nên bị méo mó nghề nghiệp, và tôi không uống bia rượu nên quên bẵng chi tiết quan trọng nầy. Chứ nếu bây giờ thì chắc rượu mười gạo tám. Mong quý vị tù cải tạo thông cảm.).
Thỉnh thoảng, tôi còn nằm mơ thấy mình dẩn những cánh quân đi đột kích những trại tù cải tạo để giải thoát lính mình.
Rồi cũng theo thời gian, những cơn mơ đại loại như vầy từ từ bớt dần, rồi ngưng hẳn từ lúc nào không biết.
Đột nhiên, hôm nay cơn mơ lại trờ đến. Tôi bồi hồi ôn lại. Tôi thấy mình, sao vẫn còn xôn xao, thấy mình sao vẫn còn lưu luyến. Có một cái gì đó không được trọn vẹn, một cái gì ray rứt, một cái gì thôi thúc, một cái gì không cho tâm tư mình được lắng đọng, không cho mình được thanh thản, không cho mình cúi mặt sang trang.
Cho nên, những giấc mơ, cứ thỉnh thoảng trở về.