MỘNG BAY BỔNG
Mệ
Các quân nhân khi trở thành nhân viên phi hành, do cơ may rất ít, nhưng đa số đều đã có ý định từ trước khi gia nhập Không Quân. Nếu ý định quá cao siêu xa vời, quá khả năng tầm tay, không thể gì thực hiện được, người ta gọi là mộng tưởng. Tuy nhiên, nếu ai chịu khó trau dồi kiến thức, tức là tạo khả năng cho mình và cố gắng tìm thời cơ thuận lợi, thì sự mộng tưởng kia sẽ trở thành ước vọng. Mà hễ ước muốn tức là có thể được, như câu châm ngôn của Pháp.
Mộng bay bổng của tôi đã nhen nhúm trong lòng từ khi tôi còn đi học. Đúng là mộng tưởng vì hồi đó tôi đang còn nhỏ, lại con nhà nghèo; đất nước đang bị Pháp đô hộ, làm sao sau này có thể trở thành phi công được. Nhớ năm xưa vào đầu thập niên 40, tôi học trường Pellerin, vì nhà ở xa, nên trưa nào cũng ở lại tại các vườn hoa trước mặt Trường Khải Định và Đồng Khánh, nơi đây có tấm bia khắc tên các anh hùng liệt sĩ, trong đó có Capitaine Đỗ Hữu Vị là phi công Việt Nam đầu tiên tham chiến Đệ Nhứt Thế Chiến trong hàng ngũ Pháp Quốc, làm tôi hết sức ngưởng mộ. Tôi nhớ hồi đó tôi cố mua cho được tem và truyện bằng hình vẻ của vị phi công tài ba này.
Và cũng hồi đó, tôi nghĩ rằng, chỉ có vua Bảo Đại là một phi công xuất thần với lối nhào lộn trên không bằng chiếc tàu bay hai cánh. Thông thường phi cơ từ trong Thành Nội bay ra sát bờ thành, ngang Thương Bạc bay thẳng đứng lên, rồi chúi đầu xuống gần sát mặt nước Sông Hương mới kéo lên, bay là là dọc theo Sông Hương từ Cầu Trường Tiền lên đến cầu Bạch Hổ, sau đó phi cơ biến mất sau các rặng núi Ngự Bình và Thiên Thai. Gặp giờ ra chơi, bọn học trò chúng tôi nhìn thấy những pha nhào lộn và bay bổng ngoạn mục này, dẩu đang đấu banh đến hồi gay cấn cũng ngưng lại, ngước mắt theo dỏi với bao lời khen ngợi và bàn tán xôn xao cho đến khi phi cơ khuất dạng.
Nhưng điều làm cho tôi chóa mắt hơn cả, là những lúc có phi cơ đáp trên Sông Hương. Hồi đó nghe người ta gọi phi cơ hai động cơ và có hai phao hai bên này là Thủy Phi Thoàn, cho đến bây giờ tôi cũng không biết rỏ danh tánh là gì. Khi nào nhìn thấy hoạt cảnh trên Sông Hương náo nhiệt, là báo hiệu có phi cơ sắp đáp, đó là lúc mấy chiếc canô chở mấy ông Sơn Đầm Tây (Gendarme) chạy đuổi các ghé thuyền đang lưu thông trên sông phải ghé tấp vào bờ. Ngay bọn học trò chúng tôi có hôm đang tắm lội, bơi từ bờ này sang bờ kia sông, bị mấy ông Sơn Đầm dẹp đường bay sông này, dùng đùi cui đánh vào đầu. Tức hết chỗ nói, chúng tôi chỉ còn cách vừa bơi vừa chửi thề hay văng tục mà thôi.
Phi cơ đáp và neo xong tại những phao nổi có sẳn ở lòng sông. Rồi các canô kia cặp lại, rước những người trên phi cơ về Tòa Khâm Sứ Pháp. Gặp lúc giờ nghỉ trưa, chúng tôi vì hiếu kỳ, muốn chiêm ngưởng các ông phi công kia, nên ba chân bốn cẳng chạy lại bến tàu của Tòa Khâm Sứ Pháp, mong được nhìn tận mặt, nhưng nào đâu có được toại nguyện, vì không được phép đến gần, nên chỉ thấy mấy ông phi công trong bộ quân phục màu trắng tinh, thật oai hùng.
Rồi vì thời cuộc và hoàn cảnh, năm 1948 tôi nhập ngũ. Sau ba năm phục vụ bên Lục Quân, từ khi tốt nghiệp Trường Sĩ Quan Huế, tôi đã từng đảm trách chức vụ Trung Đội Trưởng của một Đại Đội Tiếp Viện, tôi dẩn lính đi hành quân khắp hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Sau đó vì óc mạo hiểm và tính tò mò, tôi theo học Khóa Súng Nặng và Mìn Bẩy và trở thành Sĩ Quan Mìn Bẩy của hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Chức vụ nghe thật kêu, nhưng quá nguy hiểm, nên khi có lệnh đề cử tôi làm Đồn Trưởng, tôi rất vui mừng, bàn giao ngay công tác đặt mìn cho người bạn đồng khóa sĩ quan với tôi, trở về Tiểu Đoàn để nhận nhiệm vụ mới.
Tôi đã từng là Đồn Trưởng đồn Hương Cần, đồn Hạ Lang và đồn Phò Trạch năm 1951, đồn này nằm trên quốc lộ 1 cách Huế đúng 30 cây số về phía Bắc, có một đường bay nhỏ nằm cạnh đồn. Tuy vậy vấn đề giao thông bằng đường bộ vẫn bị trở ngại vì thiếu an ninh, địch quân hay đặt mìn dọc theo đường bộ và đường sắt. Làm đồn trưởng ở một vùng mà đường giao thông bị cắt đứt, nên nổi vui mừng và sung sướng nhứt là khi có cuộc hành quân ở trong vùng trách nhiệm. Thời gian đó, đêm ngày ăn ngủ ngon giấc, khỏi phải khổ tâm lo âu về vấn đề an ninh, thứ đến là các đoàn xe chở quân và đạn dưọc qua lại tấp nập nhộn nhịp rất vui mắt. Trái lại, trong những ngày hiu quạnh, vì chung quanh đồn trống trải không có nhà cửa của dân chúng, nên tất cả quân nhân trong đồn ai cũng mong đợi chuyến tàu lửa Quảng Trị - Huế vào buổi chiều lúc 3 giờ, ghé lại chừng 15 phút để cho hành khách lên xuống. Đây là dịp các quân nhân trong đồn có thể gặp được người quen, để nhắn gửi lời thăm hỏi hay nhờ trao thư cho người thân ở những nơi khác.
Ngoài ra, riêng tôi mỗi khi nghe tiếng phi cơ bay qua trên đồn, phần nhiều là phi cơ quan sát bay rất thấp, dầu bận đến đâu tôi cũng chạy ra ngoài ngước mắt theo dỏi phi cơ cho tới khi khuất bóng, đôi khi mãi mê, dẩu đang ăn uống dở dang, tôi cũng bỏ ngang luôn. Vì tiếng phi cơ đã dấy trong lòng tôi sự rộn rã rất khó diển tả, nhưng có điều chắc chắn là tôi hết sức khâm phục người phi công đang điều khiển con tàu kia lướt trên không trung. Và tôi ước gì sẽ là người phi công đó, đây thật là điều không tưởng, vì thời gian này năm 1951 chưa có Không Quân Việt Nam, lại nữa, hoàn cảnh hiện tại tôi đang là một người lính Bộ Binh trấn đóng đồn ải, làm sao có thể trở thành một phi công được, hay ít ra được ngồi bay trong lòng phi cơ đó.
Mãi cho đến một hôm, tôi đang ngồi trong văn phòng của đồn, bổng nghe tiếng máy bay thật gần, tôi liền ra ngoài xem như thường lệ, thấy một máy bay quan sát, bay đi liệng lại mấy vòng thật thấp, làm tôi chợt hiểu và nhớ tới trách vụ của một vị đồn trưởng phải làm, là phi cơ muốn đáp và đồn phải trải các băng vải (panneaux) để phi công nhận biết hướng đáp, vì sân bay Phò Trạch không có ống gió và lúc này đang còn sớm, trong đồn chưa nấu ăn nên không có khói tỏa ra. Chính tôi đích thân điều khiển các quân nhân trải chữ T bằng các băng vải trắng.
Phi cơ đáp xong, phi công vừa bước xuống cũng là lúc tôi tới nơi. Chúng tôi bắt tay chào mừng và giới thiệu. Sau một hồi chuyện trò xã giao, viên phi công yêu cầu tôi cùng bay. Tôi hết sức vui mừng vì lời mời quá đột ngột này, nên rất lúng túng khi bước lên phi cơ, đến nổi viên phi công phải dìu tôi vào trong lòng phi cơ. Đây là chiếc MS-500, sau này tôi mới biết và anh em Không Quân thường gọi là máy bay Bà Già.
Buộc dây an toàn xong, phi cơ lăn bánh, rồi từ từ nhấc bổng khỏi mặt đất, tôi cảm thấy lâng lâng và thích thú, vì lần đầu tiên tôi được chứng kiến tận mắt cảnh vật bên ngoài khi ngồi trong lòng phi cơ đang cất cánh. Sau đó viên phi công hỏi tôi muốn bay đi đâu, dỉ nhiên là tôi muốn bay vòng quanh đồn để có dịp quan sát những vùng lân cận, và bay dọc theo quốc lộ 1, để ngắm những rừng tràm quí giá hai bên đường. Dầu Khuynh Diệp nổi tiếng nấu bởi lá tràm này. Rồi bay đến An Lổ là Bản Doanh của Tiểu Đoàn. Đến đây, tôi yêu cầu liệng mấy vòng thật thấp, tôi ngồi bên trong nhìn qua cửa kiếng, vẩy tay như có ý khoe cùng các bạn bè tôi ở dưới đất, rằng có thằng tôi đang bay đây, oai phong lẩm liệt. Khi trở về, phi cơ bay dọc theo đường sắt; đây cùng với đoạn đường quốc lộ 1 song song dài trên 10 cây số, do đồn Phò Trạch chúng tôi trách nhiệm về an ninh giao thông.
Khi phi cơ đáp xuống, tôi hết lời cám ơn viên phi công và ngỏ lời mời ông ta ghé vào đồn để uống chén rượu mừng. Ông ta từ chối vì bận công tác, xin hẹn lần sau. Chúng tôi xiết chặt tay nhau giã từ. Tôi vẩy tay chào và viên phi công đáp lại khi phi cơ đang lăn bánh, rồi khuất dạng trong lúc tôi đang còn ngẩn ngơ hướng mắt về phương trời xa vì đang còn luyến tiếc chuyện vừa mới xảy ra. Đây là chuyến bay mở lòng của đời tôi. Các ngày sau đó, đêm nào ngủ tôi cũng mỉm cười khoái chí mỗi lúc nhớ tới chuyến bay hi hữu kia. Khi còn là học trò, tôi chỉ cầu mong được nhìn thấy tận mặt các phi công và bắt tay "bonjour". Nay không những đã thực hiện được mà còn trò chuyện và bay bổng nữa, quá sự mơ ước của tôi. Nhưng lạ thay, nay tôi vẫn còn cảm thấy khao khát, mong làm sao trở thành phi công mới thỏa mãn. Và đây là khúc quanh của đời binh nghiệp tôi.
Năm sau 1952, tôi được đổi về Tiểu Đoàn Bộ, giử chức vụ Đại Đội Trưởng - Đại Đội Chỉ Huy, đóng tại Mỹ Chánh, cạnh con sông và cây cầu sắt dài, nơi đây cũng có một đường bay ngắn cho phi cơ quan sát. Thời gian phục vụ tại đây, phi cơ có đáp mấy lần, nhưng tôi không được bay, vì viên phi công lạ. Tôi hơi thất vọng, nhưng ngược lại, tôi có dịp biết được nhiều tin tức liên quan đến việc tuyển chọn quân nhân Không Quân qua các văn thư từ Bộ Tư Lệnh Quân Khu gửi tới.
Vào giữa năm 1952 có lệnh tuyển sĩ quan cấp Thiếu Úy và Trung Úy theo học Khóa Quan Sát Viên. Vì hồi đó cấp Đại Úy là lớn lắm rồi, toàn là những cấp Tiểu Đoàn Trưởng hay Tiểu Khu Trưởng. Tôi mừng hết lớn vì nhận thấy mình đủ điều kiện, bèn nộp đơn xin theo học. Nhưng tôi hết sức lo ngại khi trình bày với Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng về ý định của mình, để đơn của tôi được chuyển lên thượng cấp với ý kiến thuận lợi. Nếu như lời phê "vì nhu cầu công vụ" thì kể như không chấp thuận. Sau khi nộp đơn, tôi đã trải qua những ngày tháng chờ đợi phập phòng.
May thay, đến tháng 10 tôi nhận được giấy khám sức khoẻ. Việc đầu tiên là tôi cám ơn Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng. Sau khi bàn giao công vụ xong, tôi nhận lệnh về trình diện Quân Khu 1 ở Huế, trình diện Phòng Không Quân (Département Air) ở Saigon, để nhận giấy tờ đi khám sức khoẻ cùng với 5 sĩ quan khác, tại đường Hai Bà Trưng (Galliéni xưa). Tiêu chuẩn khám sức khoẻ đối với khóa sinh Quan Sát Viên có phần dể dải, nên mọi người đều vượt qua được.
Mở đầu cho chương trình học tập trên phi cơ là chuyến bay vở lòng. Đối với các sĩ quan khóa sinh khác có thể là chuyến bay vở lòng đầu tiên, có nhiều cảm giác lạ; nhưng tôi đã từng trải qua rồi, nên không mấy nao nức. Sau sáu tháng học tập, mản khóa, đây là Khóa 1 Quan Sát Viên, chúng tôi được thuyên chuyển đến Phi Đoàn 1 Quan Sát (1er G.A.O.) để bay hành quân, với tư cách là một "phó nhòm" chuyên nghiệp, mặc dầu trong chương trình phi huấn có 8 giờ học về bay, chỉ bằng lý thuyết chứ chưa bao giờ chúng tôi được hân hạnh cầm cần lái. Cũng như suốt thời gian làm quan sát viên, khi bay bổng, ngồi đằng sau, còn anh hoa tiêu điều khiển cần lái ngồi đằng trước. Hôm nào thời thiết tốt, anh hoa tiêu vui vẻ, bay bổng đàng hoàng, thì anh quan sát viên cảm thấy dể chịu; nếu ngược lại, thì anh quan sát viên "lảnh đủ". Có hôm tôi mệt đừ người, mửa ra mật xanh mật vàng; lúc đó tôi mới cảm thấy "thấm thía" về ước mơ của tôi lúc trước. Sự kiện này giúp tôi quyết tâm trở thành hoa tiêu, tự cầm cần lái, điều khiển phi cơ mới toại nguyện.
Năm 1955, do một biến cố chính trị xảy ra trong Quân Đội. Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh đương kim Tư Lệnh phải từ nhiệm và qua Pháp. Nhân cơ hội này, hầu hết các nhân viên phi hành của Phi Đoàn 1 Quan Sát, đều xin đi học các khóa phi hành ở bên Pháp hay tại các thuộc địa của Pháp, riêng một mình tôi ở lại. Là một quan sát viên làm Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn với những nhân viên phi hành mới, tôi gặp rất nhiều khó khăn với các hoa tiêu về vấn đề an phi, vì tôi không biết bay. Nhân sự kiện này, tôi xin học khóa hoa tiêu. Lời thỉnh cầu hợp lý của tôi được Phòng Không Quân chấp thuận.
Đầu năm 1956, tôi học Khóa 5 Hoa Tiêu cùng với một số hoa tiêu trực thăng vừa tốt nghiệp ở Pháp về, nhưng vì chưa có trực thăng để bay, nên học lái máy bay quan sát để bổ sung cho các Phi Đoàn Quan Sát, lúc đó đã có ba. Tốt nghiệp xong, trở về lại đơn vị, hiện đang đồn trú ở tại Căn Cứ Không Quân Đà Nẵng. Vùng trách nhiệm hành quân của Phi Đoàn 1 Quan Sát quá rộng lớn, từ Bến Hải đến tận Phú Yên, kể cả Pleiku, nơi đóng quân của Bộ Tư Lệnh Quân Khu 2. Vì thế, nên Phi Đoàn đã cắt cử một Biệt Đội đóng ở sân bay Thành Nội, đặt dưới quyền sử dụng của Quân Khu 1. Sân bay Thành Nội là của Hoàng Gia, nơi đồn trú và xuất phát các phi cơ của vua Bảo Đại xưa kia.
Bởi vậy nay tôi mới có dịp bay bổng thỏa thích. Chúng tôi thường bay hợp đoàn trên thành phố Huế, dọc theo Sông Hương trong những ngày lễ lạc. Và cũng có một vài hoa tiêu trẻ, đùa với tử thần bằng cách bay sát mặt nước, chui dưới gầm cầu Trường Tiền hay rửa bánh xe ở bải biển Thuận An. Chuyện này tôi đã có kể lại ở bài "Biệt Đội Huế". Riêng tôi, hằng tam cá nguyệt, thường bay đi thám sát các phi trường như Phò Trạch, Mỹ Chánh, để thăm lại chốn xưa, khi tôi làm Đồn Trưởng và Đại Đội Trưởng. Tuy đang phục vụ nơi chốn này, nhưng lòng tôi hằng ôm ấp mộng bay bổng; mãi tới tám năm sau ngày nhập ngũ, tôi mới thực hiện được.
Quả là một con đường dài khó khăn, khi so sánh với mọi nhân viên phi hành khác; đa số những người này gia nhập ngay Không Quân, chỉ sau vài ba năm là đã có thể trở thành Quan Sát Viên hay Hoa Tiêu.Trường hợp tôi, nhờ kiên trì nên tôi đã vượt thắng, đạt được chí nguyện: mộng bay bổng, để rồi hôm nay hảnh diện với danh xưng Hoa Tiêu Bà Già.
Ngày14/8/2001
Mệ
No comments:
Post a Comment