Câu chuyện sắp kể lại sau đáng lẽ đã phải được viết nên từ rất lâu, trước biến cố trọng đại 30 tháng Tư, 1975. Nhưng bởi sự kiện 1975 quá đổi lớn lao, nên kỳ tích tưởng như huyền thoại về Người Lính Trương Quang Ân bị chìm lấp giữa những đau thương của toàn dân tộc. Nay nhân mùa Hè, mùa oanh liệt của quân đội Miền Nam năm 1972, cũng là ngày Tướng Quân vị quốc vong thân ba mươi - hai năm trước, 1970 nơi chiến trường Tây Nguyên. Và quả như cuộc sống khiêm tốn, giản dị của Người, báo chí Sài Gòn, kể cả báo quân đội thuở ấy đã chỉ loan tin một cách sơ lược về cái chết của vị tướng lãnh đầu tiên của Miền Nam gửi xác thân tại trận địa do đạn bắn thẳng của kẻ nghịch...
Chúng ta hôm nay phải viết lại đoạn đời kiệt liệt kết thúc bởi cái chết bi hùng của một cựu Thiếu Sinh Quân cũng là Người Lính Lớn Nhất: Cố Thiếu Tướng Trương Quang Aân - Bởi nếu không sẽ là một thiếu sót vô cùng nghiêm trọng đối với vong linh liệt sĩ tiền nhân, những người đã dâng hiến trọn đời cho quân ngũ, chấp nhận phần thiệt hại cuối cùng, lớn lao nhất với sinh mệnh của chính mình để Tổ Quốc và Dân Tộc tồn sinh.
Bài viết cũng có phần giải thích vì sao đã có sự kiện, trong trận chiến cuối cùng khởi từ 10 tháng Ba, 1975 ở Tây Nguyên, đơn vị đầu tiên hứng chịu ngọn cuồng phong khốc liệt của cuộc tấn công cường tập do bốn sư đoàn bộ binh cộng sản có chiến xa và đại pháo yểm trợ: Sư Đoàn 23 Bộ Binh, trách nhiệm vùng thủ phủ cao nguyên Ban Mê Thuộc đã có sức chống cự bi tráng bền bĩ với những người lính cơ hữu từ hàng binh sĩ, đến cấp chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn. Tất cả đồng đã nêu gương trung dũng quyết liệt, đánh đến viên đạn cuối cùng, mà người viết đã tận mắt chứng kiến, trực tiếp tham dự qua cuộc đỗ quân của các tiểu đoàn thuộc các Trung Đoàn 44 và 46 Bộ Binh từ sân bay Hàm Rồng (Pleiku) trong hai ngày 14, 15 tháng Ba xuống Phước An, Tây-Nam Ban Mê Thuộc để từ đây lập đầu cầu giải toả phần đất bị bộ đội Miền Bắc xâm chiếm từ đêm mồng 10 cùng tháng...
Cuộc đổ quân có lần tham dự với những "người lính không vũ khí" mà chỉ với con nhỏ bế trên tay, hoặc buộc chặt vào thân - những người vợ lính nhảy trực thăng cùng chồng trong chiến dịch tái chiếm Ban Mê Thuộc với lời thề sinh tử: "Trở về Trại Gia Binh của đơn vị hay là chết"; hoặc lời nguyền quyết liệt của Đại Tá Võ Aân, thay mặt toàn thể binh sĩ thuộc Trung Đoàn 53 thề chiến đấu đến giờ phút cuối ở mặt trận Phi Trường Phụng Dực, bên trong thị xã đang bị quân cộng sản chiếm đóng hầu hết những vị trí xung yếu. Tinh thần hào hùng kiên trì nầy không thể hình thành trong một lúc bất ngờ, do tác động ngẫu nhiên mà phải là kết quả của một khởi đầu sâu xa bền bĩ.. Ở đâu? Từ những ai?
Chuyện kể tiếp theo cũng có mục đích tìm hiểu, giải đáp tại sao Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã nên hiển thánh với cái chết làm sông núi phải quặn mình đau thắt cùng lần với hổ tướng Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, và vô vàn anh linh tử sĩ khác, những Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ... trong giờ phút thiên thu uất hận của quê hương năm 75. Tất cả gương trung liệt nầy xuất phát từ một nguyên nhân, có chung một động lực: Đất Nước Phương Nam không hề thiếu hào kiệt mà Tướng Quân Trương Quang Aân là một ngọn nguồn ánh sáng vinh hiển dẫn đầu. Khởi nguồn anh linh rực sáng nầy đã thể hiện gần như toàn hảo nơi vị Tư Lệnh của đơn vị Sư Đoàn 23 Bộ Binh trên vừa nhắc đến; Người cũng là Cấp Chỉ Huy của vị Anh Hùng sống mãi với quê hương, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh Quân Đoàn IV, hay là nguyên Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhẩy Dù, đơn vị thống thuộc hành quân của Chiến Đoàn 2 Dù do Trung Tá Trương Quang Ân hằng trực tiếp chỉ huy. Và vị sĩ quan kỳ tài, đứng đầu quân lực do công nghiệp dựng nên tại chiến trường, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn chính là đàn em của Người nơi Trường Thiếu Sinh Quân. Chiếc nôi nuôi dưỡng, phát triển lòng yêu nước vô vàn của Người Lính Việt. Đơn vị cuối cùng, quyết liệt chiến đấu với bộ đội cộng sản khi tiến chiếm Vũng Tàu sáng 30 thángTư, 1975 với những Người Lính Cuối Cùng thề chết chiến đấu cho Miền Nam, Những Người Lính chưa đến tuổi thành niên: Thiếu Sinh Quân Quân LựcViệt Nam Cộng Hòa.
Cũng cần nói thêm chi tiết, câu chuyện được ghi nhận từ buổi người viết vừa qua tuổi hai mươi, số tuổi nhìn cuộc sống, chiến tranh với ý niệm trong sáng, sắc son dẫu đang phải chịu đựng những hoàn cảnh tận cùng khó nhọc tân toan. Bởi viên sĩ quan cấp nhỏ nhất ấy tin rằng, đã đi đúng đường của một Người Lính với những Cấp Chỉ Huy xứng đáng để trao gởi hết lòng thành. Buổi chiều cuối năm 1963, anh đưa trung đội đến trình diện Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù, giữ nhiệm vụ tăng phái bảo vệ bộ chỉ huy chiến đoàn do Trung Tá Trương Quang Ân chỉ huy.
Khu rừng vùng hành quân chìm mau trong lớp sương dày đục khi buổi chiều tới, trung đội tăng phái của Tiểu Đoàn 7 Dù cùng với trung đội công vụ chiến đoàn làm thành vòng đai phòng thủ bao quanh bộ chỉ huy hành quân gồm các thành phần tham mưu, chuyên môn đóng trong những lều nhỏ do những tấm poncho ghép sát vào nhau. Anh đi đến chỗ đóng quân của viên sĩ quan Ban 3 (Ban Hành Quân) để nhận những tiêu lệnh đặc biệt cần thiết cho việc phòng thủ đêm, Đại Úy Hợp đang bận rộn nhận những lệnh chuyển tới, và truyền đi qua một giàn máy truyền tin; ông nói nhanh với anh:
- Thiếu úy ở đây, đợi tôi đưa đến gặp trung tá, ông đang bận liên lạc với khu chiến thuật để nhận lệnh hoạt động ngày mai.
Bóng người đứng lên từ chiếc võng, chui ra mái lều, đứng thẳng nghiêm chào tay trả lại khi anh trình diện..
- Trình trung tá, trung đội của thiếu úy nầy từ Tiểu Đoàn 7 tăng phái cho mình bảo vệ bộ chỉ huy hành quân. Đại úy Hợp giới thiệu. Bàn tay tương đối nhỏ nhưng ấm, chắc, bắt tay anh chặt chẽ, Trung Tá Ân nói chậm, ân cần:
- Cám ơn thiếu úy, thiếu úy liên lạc với đại úy Hợp để biết tiêu lệnh riêng và các vị trí tác xạ cận phòng trong đêm khi cần thiết!
Anh chào tay, vừa bước đi thì người hạ sĩ quan truyền tin đưa bản văn đã mã hóa trước khi gởi đi đến..
- Thưa trung tá gọi tôi!
- Phải, ở trên thay đổi hoạt động ngày mai, anh đợi tôi đọc lại để sửa mấy điểm mục tiêu!
Ông cất nón sắt ra khỏi đầu, kẹp sát hông, chui lại vào lều, tiếng nói nhỏ xuống:
- Xin lỗi anh nhá, hôm nay tôi bị sốt, mệt quá, anh để cho tôi nằm nghỉ, và đọc để anh sửa lại!
Viên thiếu úy tưởng như nghe nhầm, đưa mắt dò hỏi... Đại úy Hợp biết ý, giải thích:
- Trung tá, ông bị sốt rét từ ngày đầu hành quân, cứ đến chiều là lên cơn sốt. Nhưng kiểm soát bản văn lệnh hoạt động ngày mai vẫn do chính tay ông duyệt ký trước khi gởi đi. Thật ra, việc ấy để moa làm cũng được!
Anh nhớ ra người chiến đoàn trưởng vẫn còn nguyên bộ giây ba chạc đeo đạn, bi đông nước, túi địa bàn, băng vải cá nhân trên người với thân áo bỏ vào quần tề chỉnh, và tất nhiên, hai ống quần gon thắt gọn trên mép đôi giày trận. Ông ấy bị sốt như thế mà tại sao phải đi hành quân nhỉ? Viên thiếu úy có ý nghĩ thắc mắc khi bước theo cùng người sĩ quan ban hành quân, trở về chỗ lều ngủ..
- Đại úy Hợp trở lại cho tôi nhờ chút việc!
Tiếng gọi nhỏ từ lều trung tá chiến đoàn trưởng với âm sắc quyết định. Viên đại úy ngừng lại, nói vội với anh:
- Đợïi moa chỗ đám truyền tin, moa trở lui xem ông muốn nói thêm điều gì!
Trời sậïp tối mau chóng, khu rừng âm âm chuỗi tiếng động rì rào của muôn vàn côn trùng đâu từ sâu mặt đất. Trước khi kéo tấm mền ni lông đắp lên mặt, người sĩ quan hành quân hỏi gã thiếu úy nằm cách một thân cây giăng võng:
- Toa biết khi chiều ông bảo moa trở lại làm gì không?
- Dạ không!
Gã thiếu úy có ý đoán ra một điều cần thiết về việc phối hợp tác chiến của người chỉ huy và viên sĩ quan tham mưu.
- Ông bảo moa nói thiếu tá cố vấn trình diện ông trong đêm nay về một việc riêng!
Người nầy ngừng một chốc xong nói nhanh..
- Ông không đồng ý việc cố vấn Mỹ gọi thức ăn nóng từ ngoài compound tỉnh đưa vào!
Viên thiếu tá giải thích tiếp, giọng nói bình thường coi như một điều tất nhiên.
Sau buổi hành quân, khi trở về hậu cứ tiểu đoàn, viên thiếu úy đem chuyện trên kể lại với những sĩ quan cùng đơn vị trong buổi cơm, và anh nghe ra điều kết luận:
- Trung Tá Ân luôn đối xử như vậy, với binh sĩ cũng như đối với người chỉ huy, từ lúc mới ra trường thiếu úy, hoặc khi còn là trung úy, đại úy ở phòng ba lữ đoàn, lúc ông Thi làm tư lệnh. Bao giờ ông cũng giữ đúng nguyên tắc, ông đi thiếu sinh quân từ ngày còn nhỏ, nên "nhà binh" là tính chất như máu trong người vậy. Cả bộ tư lệnh ai cũng kính nể ông, nóng tính đến như đến như ông Thi 1 ông Soạn cũng không hề lớn tiếng, xuồng xã với ông bao giờ!
Đại úy Vũ Đạo Ánh, sĩ quan hành quân tiểu đoàn cặn kẽ giải thích, và tiếp lời:
- Câu chuyện cậu vừa kể ra về vụ thiếu tá cố vấn tôi cũng đã biết rõ, vì ngày mình rút ra khỏi vùng hành quân, ông Hợp (sĩ quan hành quân chiến đoàn) đã nói cho tôi nghe. Trung tá Ân đã có ý kiến như sau với thiếu tá cố vấn trưởng:
- Các vị cố vấn đã từ bỏ đời sống tiện nghi, văn minh nhất ở quê hương quý vị để qua đây giúp quân đội chúng tôi trong công cuộc chiến đấu chống cộng sản. Sự hy sinh to lớn nầy không thể nào kể ra được, vì quý vị có thể chết hoặc bị thương trận nguy biến, hiễm nghèo. Người Việt Nam, người lính Việt Nam rất tri ân quý vị, nhưng nếu chỉ vì một chút tiện nghi vật chất về sinh hoạt, ăn uống, mà quý vị cần một loại thực phẩm khác với khẩu phần lương khô quân đội cấp phát, trong khi lính chúng tôi chỉ có phần lương thực tối thiểu để tồn tại, và chiến đấu thì đối với những người lính, sự hy sinh của quý vị đã mất đi phần ý nghĩa cao quý, vì quý vị đã không chia xẻ cùng họ, dẫu quý vị đã chia mạng sống của mình với họ. Vậy tôi xin đề nghị trách nhiệm cung cấp thức ăn khô của quân đội Việt Nam vào những khi quý vị không nhận được khẩu phần hành quân "C" Ration theo hệ thống cố vấn lữ đoàn" 2
Một người nào đấy hỏi lớn:
- Như vậy ông ấy lấy đâu thức ăn khô mà đưa đủ cho toán cố vấn, chi bằng để họ dùng đồ của Mỹ có phải tiện hơn không?
- Thì ông ấy bảo ban 4 (ban tiếp liệu) lãnh thêm khẩu phần cho toán cố vấn, sau đó tính tiền để họ trả lại quầy hàng quân tiếp vụ như chính ông vậy. Mỗi người ai ai cũng chỉ ba bịch cơm sấy, một hộp thịt, một hộp cá, và hộp kẹo cho ba bữa một ngày. Lính ăn sao, quan ăn vậy, tây hay ta gì cũng chỉ ba hộp. Cuối tháng, lãnh lương trả lại không thiếu một đồng. Nếu bà ra tiền trạm hành quân thăm ông cũng chỉ ăn như thế mà thôi, muốn ăn cái gì khác thì đi chợ mua nấu mà ăn, tự biên, tự diễn. Đừng đụng đến nguyên tắc của ông. Trung úy Am, Đại Đội 73 giải thích.
- Rồi bà có phải trả tiền quân tiếp vụ hay không?
Một chuẩn úy hỏi với giọng đùa cợt.
- Ai bảo không phải trả, anh hỏi tôi thì được, chứ nói để ông ấy nghe là vỡ mặt cả đám. Trung úy Trần Trọng Hợp, đại đội chỉ huy tiểu đoàn giật phắt ống tẩu đang ngậm, nói mau như thể vừa bị xúc phạm. Hợp tiếp lời:
- Mấy anh ở khóa tôi (khóa 14 Đà Lạt), năm 1960 lúc mới ra trường, về tiểu đoàn 8 đều phải vác ba lô đi theo trung sĩ, thượng sĩ học nghề trung đội trưởng cả nửa năm mới được chỉ huy trung đội coi hai mươi trự. Thiếu úy trung đội trưởng đi hành quân phải mang ba lô cá nhân, đúng cấp số đạn, lựu đạn như khinh binh, chỉ khỏi phải mang thức ăn vì đã có tà lọt 3, trong túi luôn có cuốn sổ ghi rõ họ, tên binh sĩ, địa chĩ cấp báo, số súng, loại máu của từng người. Làm gì có chuyện miễn trừ đối với Trung Tá Trương Quang Aân bao giờ. Không bao giờ!
Để biết được đầy đủ hơn về cuộc đời kiệt liệt của một Người Lính thuần thành cực lớn, chúng ta phải bắt đầu lại chuyện kể từ thời điểm sớm nhất. Ngày Thiếu Sinh Quân Trương Quang Ân tốt nghiệp Thiếu úy Khóa 7 Sĩ Quan Hiện Dịch Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt với vị thứ thủ khoa, tháng 12, năm 1952.
Thiếu Uùy Trương Quang Ân có đủ tất cả điều kiện thuận lợi để được thuyên chuyển đến một văn phòng bình yên tránh nơi lửa đạn, hoặc một đơn vị tham mưu, chuyên môn (mới thật sự đúng với khả năng tham mưu sắc xảo của ông sẽ được chứng thực ở thời gian sau). Nhưng không, ông đã chọn binh chủng Nhảy Dù, đơn vị tổng trừ bị sẵn cho những chiến trận lớn nổ rộng suốt miền châu thổ Bắc Việt Nam, nơi những đỉnh núi cao lẫn trong mây vùng Bắc Trường Sơn, dọc biên giới Lào - Việt.
Trận Bản Hiu Siu cuối năm 1953 bùng nổ trên vùng Cánh Đồng Chum nơi cao nguyên Trấn Ninh, vị trí xung trí xung yếu của miền Trung Lào, đầu nguồn sông Nậm Ngung, do Tướng Cogny, tư lệnh quân đội Pháp miền Bắc Đông Dương chỉ huy có mục đích bẻ gãy mũi tiến công của trung đoàn cộng sản có ý hướng tiến về Thủ Đô Vạn Tượng của Lào (nhưng sau nầy hồ sơ trận liệt giải thích, và giải thích đúng, đấy là ý niệm điều quân của phía bộ đội cộng sản cố đánh lạc hướng, hoặc là cách nhử quân đội Pháp chiếm đóng Điện Biên Phủ). Bộ phận địa phương giữ Bản Hiu Siu xin quân tăng viện, Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù Hải Ngoại (BEP- Bataillon Étranger Parachutiste) đơn vị đầu đời của Thiếu úy Trương Quang Ân nhảy xuống trận địa với hai đại đội Tiểu Đoàn 7 Dù tăng phái (Lưu ý, tất cả các tiểu đoàn Dù vào giai đoạn nầy mang phiên hiệu BEP hoặc BPC - Battaillon Parachustiste Colonial, thuộc Liên Đoàn Không Vận Số 3 (GAP/3è- Groupe Aéroporté) của Quân Đội Liên Hiệp Pháp; chỉ mỗi Tiểu Đoàn 5 Dù nơi Miền Nam mới có danh hiệu Tiểu Đoàn Nhảy Dù Việt Nam (BPVN).
Trận đánh không cân sức diễn ra ngay từ phút đầu tiên vì bộ đội Việt Minh sẵn có ưu thế quân số vượt trội, chuẩn bị, chọn lựa, và chiếm giữ trận địa, nhưng dần dần thắng lợi nghiêng về phía quân Nhẩy Dù bởi sức chiến đấu quá đổi kiên cường, lập lại thế phản công, giữ vững, kiểm soát được những vị trí xung yếu của vùng Cánh Đồng Chum, đẩy quân đội cộng sản trở về hướng Bắc. Thành quả chiến trận không phải là điều bất ngờ, bởi Tiểu Đoàn 3 Dù là một đơn vị ngoại hạng của 17 tiểu đoàn tổng trừ bị mặt trận phía Bắc Việt Nam, như trường hợp một đơn vị bạn khác, Tiểu Đoàn 6 Dù (6è BEP) đã từng chận đứng một sư đoàn cộng sản (SĐ320) để những đồn bót thuộc tả ngạn Sông Đà có thời gian triệt thoái trong chiến dịch rút bỏ Na Sản, Nghĩa Lộ (cùng năm 1953). Kết quả trận đánh đồng thời đã chứng minh cho thành phần lãnh đạo Pháp -Việt thấy rõ một yếu tố mới: Những sĩ quan trẻ, những hạ sĩ quan, binh sĩ người Việt (tình nguyện) trong đơn vị chính là nhân tố kết nên thắng lợi.
Quân đội chỉ mới khai sinh trong vài năm qua (1951) nay đã dần trở nên là đạo quân chính quy của một quốc gia đang trong giai đoạn lịch sử quyết định về bản lãnh và giá trị của mình. Chiến sử dài theo những năm sau đã chứng thật đánh giá buổi ban đầu nầy: Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên của quân lực Cộng Hòa được tuyên công Bảo Quốc Huân Chương - Kỳ hiệu đơn vị mang "Giây Biểu Chương Tam Hợp Vàng - Xanh - Đỏ" do công trận chỉ huy bởi những những thiếu úy, trung úy của năm 1953 nầy, những sĩ quan có tên Trương Quang Ân, Phan Trọng Chinh...
Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn Viễn Chinh Pháp với cấp cán bộ nhà nghề cũng nhận ra khả năng lãnh đạo tiềm ẩn nơi viên thiếu úy trẻ tuổi mà họa hằm lắm mới biểu lộ ra đối với những sĩ quan trẻ tuổi cực kỳ xuất sắc, như những thiếu úy de Gaulle, de Lattre của Học Viện Quân Sự Saint Cyr, những người đã từng nắm giữ vận mệnh quốc gia, quân đội Pháp, nên họ mau chóng đưa Trung úy Ân vào trường tham mưu quân sự tại Pháp vào năm sau, 1954 khi ông vừa được đặc cách vinh thăng trung úy mặt trận.
Những sĩ quan chỉ huy Trường Sĩ Quan Đà Lạt, ở Bộ Tham Mưu Liên Đoàn Không Vận Số 3 quả thật đã không lầm khi đánh giá như trên, hơn thế nữa, họ còn có dự định chọn viên trung úy ngoại hạng nầy vào chức vụ chỉ huy Đại Đội Xung Kích Lê - Dương Đầm San cho chiến trường Algérie bắt đầu có dấu hiệu sôi động. Khóa sĩ quan tham mưu tại Pháp cốt để làm đầu cầu cho dự định nầy. Thêm một lần nữa, ông lại đỗ thủ khoa khóa học, trên cao hơn toàn thể những học viên có 75 quốc tịch của khối Liên Hiệp Pháp, đa số là người Tây Âu. Trung úy Trương Quang Ân đậu thứ hạng thủ khoa mà không hề có tỵ hiềm từ những học viên, bởi qua bản Tự Đánh Giá, khóa học đồng ý hầu như toàn thể về người sĩ quan Việt Nam tài năng xuất sắc nầy.
Sau thất bại Điện Biên Phủ, tháng 5, 1954, Bộ Tư Lệnh Quân Đội Viễn Chinh Pháp cố gắng tập trung những tiểu đoàn nhảy dù còn lại ở Miền Bắc, đưa gấp vào Đà Nẵng, Nha Trang, để từ đây có kế hoặch tái trang bị, bổ sung họ sang chiến trường Bắc Phi. Tiểu Đoàn 3 Nhẩy Dù biên chế trở nên đơn vị trụ cột đầu tiên của Liên Đoàn Nhảy Dù Việt Nam, thành lập ngày 29 tháng 9, 1954, và Trung úùy Trương Quang Ân ở lại với quân đội Việt Nam với phiên hiệu đơn vị mới như một điều tất nhiên, nhưng cũng do lời kêu gọi từ một thiếu sinh quân khác, Người Anh Cả của toàn quân, Thiếu Tướng Lê Văn Tỵ, vị Tổng Tham Trưởng đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mở đầu kỳ độc lập, tự chủ nơi Miền Nam, 29 tháng 11, năm 1954.
Ngày 1 tháng 1, 1955 bắt đầu năm mới với những biến động chính trị nghiêm trọng xẩy ra tại Thủ Đô Sài Gòn từ những mầm mống va chạm sẳn có giữa các lực lượng giáo phái, tổ chức vũ trang với chính phủ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vừa được thành lập ngày 20 Tháng 7, 1954. Chính phủ mới mang đủ tất cả gánh nặng của quá khứ gần 100 năm lệ thuộc người Pháp, tình thế quân sự suy sụp hỗn loạn sau thất trận Điện Biên Phủ của quân đội Pháp, và công cuộc định cư hơn triệu người di cư từ Miền Bắc vào Nam. Các lực lượng chống đối kết hợp thành Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia yêu cầu Thủ Tướng Ngô Đình Diệm giải tán nội cát, cải tổ chính phủ và chấp thuận để họ duy trì tình trạng cát cứ của những tổ chức quân sự tại những địa phương riêng biệt. Chính phủ Sài Gòn giữ nguyên lập trường: Thống nhất quân đội trước khi bàn đến những cải tổ chính trị.
Thành phần mặt trận gồm ba khuynh hướng: Phe ôn hòa muốn trở về hợp tác với chính phủ; phe trung lập không có ý kiến, và thành phần quá khích nhất quyết tổ chức nổi loạn quân sự. Lực lượng Bình Xuyên dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Lê Văn Viễn (quân hàm do chính phủ Pháp trao gắn theo nguyên tắc đồng hóa) thuộc nhóm thứ ba. Ngày 1 tháng 1, 1955 Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đóng cửa các cơ sở kinh tài quan trọng của Bình Xuyên, sòng bạc Đại Thế Giới, Kinh Chung và nhà chứa Bình Khang; ngày 26 tháng Tư, cách chức Tổng Giám Đốc Cảnh Sát và Công An của Lai Văn Sang, một người thân tín đắc lực của Thiếu Tướng Viễn.. Cuối cùng việc phải đến, ngày 28 tháng 4, lực lượng Bình Xuyên nổ súng tấn công quân chính phủ, nhưng Liên Đoàn Nhảy Dù với bốn Tiểu Đoàn 1, 3, 5, 6 đã hình thành những trụ cột chống đở nền móng quốc gia, nên chỉ một ngày sau, quân Nhảy Dù đã làm chủ tình hình toàn bộ đô thành Sài Gòn, Chợ Lớn. Ngày 30 tháng 4 Nhẩy Dù và Bình Xuyên dàn trận đối diện dọc Kinh Đôi, bên kia cầu chữ Y. Dù đã được người Pháp ngấm ngầm hỗ trợ nhưng Bình Xuyên không thể nào là địch thủ đối với những tiểu đoàn Nhẩy Dù thiện chiến, nên mặt trận Sài Gòn mau chóng kết thúc vào ngày 5 tháng 5, tàn binh Bình Xuyên rút về Rừng Sát, vùng sình lầy dọc theo sông Sài Gòn và Đồng Nai lập thế chống cự.
Tháng 9, lực lượng chính phủ mở Hành Quân Hoàng Diệu truy quyét đám phản loạn, cũng với lực lượng Nhảy Dù làm thành phần xung kích. Ngày 24 tháng 10 kết thúc chiến dịch, nơi khuôn viên Dinh Dộc Lập lần đầu tiên diễn ra khung cảnh đại hội ân thưởng toàn quân kể từ ngày mở nước về phương Nam, cũng là lần đầu tiên, quân, quốc kỳ cùng bay rạng rỡ trên kỳ đài tòa dinh thự báo hiệu thống nhất quân đội, chủ quyền quốc gia quy về một mối.
Trung úy Trương Quang Ân đứng hàng đầu giữa những chiến binh của quân đội Cộng Hòa được tuyên công. Ông được trao gắn một lần hai Anh Dũng Bội Tinh với Ngành Dương Liễu. Hiện tượng độc nhất đã xẩy ra trong các quá trình nghi lễ trao gắn huy chương, cho dù về sau nầy khi chiến trường trở nên nặng độ, và có những chiến công lớn lao với những nhân vật xuất chúng khác như Lưu Trọng Kiệt, Hồ Ngọc Cẩn... cũng không hề được lập lại thêm lần thứ hai.
Năm 1957, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi thay thế Đại Tá Đỗ Cao Trí giữ chức Tư Lệnh Liên Đoàn Nhảy Dù, Đại úy Trương Quang Ân cùng lần với viên tiểu đoàn trưởng, Thiếu Tá Phan Trọng Chinh rời Tiểu Đoàn 3 Dù về Bộ Tư Lệnh với chức vụ mới, Trưởng Phòng Ba (Phòng Hành Quân, Huấn Luyện) và Tham Mưu Trưởng Liên Đoàn. Bộ Tư Lệnh Liên Đoàn Nhảy Dù với thành phần sĩ quan chỉ huy, tham mưu tài năng mới mẻ nầy đã nhanh chóng canh tân trở nên một đại đơn vị mẫu mực đối với toàn quân, có phẩm, lượng cao về khả năng hành quân tác chiến lẫn tổ chức tham mưu.
Một sự kiện quan trọng xẩy ra trong đời sống cá nhân Đại úy Trương Quang Ân, đồng thời cũng là một biễu tượng đặc thù của binh chủng nếu không nói của toàn quân đội. Ông làm lễ thành hôn với Chuẩn úy Dương Thị Thanh, một trong những nữ quân nhân đầu tiên của Binh Chủng Nhẩy Dù. Cuộc kết ước được chính vị tư lệnh làm chủ hôn, và hôn lễ được thực hiện theo nghi thức thuần túy quân đội: Đại úy Trương Quang Ân trao nhân đính hôn cho Nữ Chuẩn úy Dương Thị Thanh từ nơi cửa máy bay, xong hai người cùng nắm tay điều khiển dù 4 nhảy xuống đất nơi bãi đáp Ấp Đồn, Củ Chi. Cảnh tượng cảm xúc trên chắc hẳn không phải là màn trình diễn của đôi vợ chồng trẻ muốn làm nên sự kiện độc đáo ngoạn mục, nhưng đấy là hành vi biểu hiện lòng sắc son của Hai Người Lính muốn kết hợp lời nguyền hiến dâng đời sống bản thân, gia đình cho Quân Đội và Tổ Quốc.
Chúng ta không nói điều ước đoán theo cảm tính, bởi cuộc sống đầy chiến đấu tính của hai người suốt quảng đời tiếp theo đã hiện thực nghi lễ cao thượng của buổi thanh xuân nầy trong bầu trời và trên mặt đất quê hương.
Năm 1959, Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù được thành lập, Đại Uùy Trương Quang Ân nhận lãnh chức vụ tiểu đoàn trưởng đầu tiên của đơn vị. Lần xuất quân của Tiểu Đoàn 8 Nhẩy Dù cũng là dịp phá vỡ huyền thoại về mật khu Bời Lời (vùng Tây - Bắc ven đô nằm dọc sông Sài Gòn), căn cứ địa đã được lực lượng quân sự cộng sản thành hình từ chiến tranh 1945 - 54, nay đang được củng cố cho cuộc chiến mới với nhiệm vụ chiến thuật quan trọng, từ đây làm khu vực bản lề tiếp vận của ba tỉnh Gia Định, Bình Dương, Hậu Nghĩa, hình thành đầu cầu để tiến chiếm Sài Gòn (Chiến dịch Mậu Thân 1968 chứng thực cho quan điểm chiến thuật nầy).
Tiểu Đoàn 8 Dù đã truy kích địch dài theo con sông, phá vỡ toàn thể những địa đạo vừa được xây dựng, đánh bật tất cả các cụm, tổ du kích, đuổi sạch đám cán bộ vừa trở lại từ Miền Bắc, nay được gài chặt với cơ sở địa phương để hình thành lớp cán bộ hạ tầng của mặt trận giải phóng Miền Nam. Công trận nầy cùng lần với những đơn vị quân đội khác đã kiến tạo nên một thời hưng thịnh bình yên từ 1954 đến 1960 nơi Miền Nam, dân chúng từ Sài Gòn có thể ra đi bất cứ nơi nào trong đêm, và trở lại thủ đô vào giờ rạng sáng để làm việc. Có mấy ai trong thuở ấy và sau nầy nhớ lại buổi bình an kia để nhắc nhở đến gian khổ của mỗi người lính, những người không ai biết đến tính danh. Người hiến dâng đời sống mình cho quê hương, đồng bào nhưng không hề nói lên lời, dù tiếng lời đơn giản, khiêm nhượng.
Biến cố 11 tháng 11, 1960 lần đầu tiên đẩy quân đội trực tiếp tham dự vào diễn trường chính trị, Liên Đoàn Nhảy Dù lại là thành phần nòng cốt quyết định để thực hiện việc dứt điểm chế độ và người lãnh đạo. Nhưng Đại úy Trương Quang  đã vô cùng tinh tế để nhận rõ nguyên do lẫn hậu quả của lần bạo loạn tranh chấp, ông từ nhiệm cáo bịnh lánh mặt khỏi cảnh huống khốc liệt, vị tiểu đoàn phó được chỉ định tạm thời thay thế ông trong tình thế khẩn cấp. Cuộc đảo chính 11 tháng 11 thất bại, những giới chức cao cấp của Liên Đoàn Dù phải chịu cảnh chạy trốn, lưu vong ra khỏi nước, hoặc bị bắt giữ; các đơn vị phải tái biên chế, xáo trộn, thay đổi cấp chỉ huy. Chỉ riêng Tiểu Đoàn 8 Nhẩy Dù vẫn giữ nguyên phong độ, khả năng chiến đấu truyền thống bởi Thiếu Tá Trương Quang Ân lại trở về, giữ vững đơn vị tồn tại, phát triển sau cơn hỗn loạn.
Năm 1962, ông di chuyển từ Trại Trần Quý Mại của Tiểu Đoàn 8 nơi khuôn viên Căn Cứ Hoàng Hoa Thám của Lữ Đoàn Nhảy Dù, trong phi cảng Tân Sơn Nhất về Trại Quang Trung, Tam Hiệp, Biên Hòa, bản doanh Tiểu Đoàn 5 Dù, cũng là của Chiến Đoàn 2 Dù, đơn vị chỉ huy chiến thuật vừa được thành lập gồm các Tiểu Đoàn 5, 6, 7. Doanh trại xây trên một ngọn đồi hùng vĩ bên cạnh sông Đồng Nai, và người chỉ huy đầu tiên của đơn vị tân lập đã thực hiện những nền tảng vô cùng kiến hiệu để các tiểu đoàn thuộc quyền có điều kiện thuận lợi khai triển tối đa năng lực chiến đấu với tầm vóc mới. Thiếu Tá Trương Quang Ân đã chứng thực một khả năng lãnh đạo lớn trong cương vị mới, với kích thước của người chỉ huy tài năng, đạo đức tưởng chừng chỉ có trong những huyền thoại về những con người của lịch sử phương Đông xưa cũ.
Vào một buổi hội của toàn thể sĩ quan thuộc các tiểu đoàn trực thuộc và bộ tham mưu chiến đoàn, mọi người đã vào ghế ngồi để đợi vị chỉ huy trưởng. Cây kim chỉ phút của chiếc đồng hồ ở phòng hội sắp sửa chập vào số 12 để chỉ đúng 12 Giờ. Giờ bắt đầu buổi họp, nhiều người sửa soạn đứng lên để chào đón chiến đoàn trưởng, họ nhìn cửa, hướng về phía văn phòng của Thiếu Tá Ân, cách hội trường một khoảng đồi khá xa, trống trải nằm phơi dưới nắng hạ chí Miền Nam. Bỗng một bóng người xuất hiện từ khung cửa căn phòng, gỡ chiếc nón đỏ cầm tay, và chạy về phía hội trường với tốc độ cực nhanh. Thiếu Tá Chiến Đoàn Trưởng Trương Quang Ân bước vào hội trường, sau khi đội lại chiếc mũ, chào tay trả lại lệnh chào kính của toàn thể sĩ quan. Ông nói gấp:
- Xin lỗi quý vị sĩ quan, tôi bị trễ gần một phút vì phải trả lời điện thoại với đại tá tư lệnh, nên anh em phải ngồi đợi!
Thiếu Tá Ân nhìn lên kim đồng hồ vừa nhếch quá chữ số 12. Tính chính xác, hành vi nghiêm chỉnh, sự kính trọng đối với tất cả các cấp quân đội là cách xử thế thường hằng mà Người Chỉ Huy Trương Quang Ân luôn thực hiện, tổng hợp tấm lòng của Kẻ Sĩ khiêm cung, nhân ái và tính nguyên tắc, tinh thần trách nhiệm cao của Người Lính.
Hằng tháng, nếu không phải bận hành quân, ông soạn lịch trình đến thăm viếng, kiểm soát những tiểu đoàn thuộc quyền. Tiểu Đoàn 6 Nhẩy Dù của Thiếu Tá Nguyễn Văn Minh, người bạn cũ cùng trường Thiếu Sinh Quân là đơn vị ông lưu tâm nhất vì ở nơi xa xôi (Vũng Tầu) so với hai tiểu đoàn 5, 7 cùng trong trong vùng Biên Hòa của chiến đoàn.
Mỗi lần thăm viếng đều được ông chuẩn bị nghiêm chỉnh như một cuộc thanh tra đơn vị, mà bản thân ông là người trước tiên phải hội đủ khả năng, tư cách, phẩm chất của một giới chức chỉ huy, thanh tra. Trước ngày đi, ông nói cùng Đại úy Nguyễn Thái Hợp, nay đã kiêm nhiệm chức vụ Tham Mưu Trưởng Chiến Đoàn:
- Đại úy nhớ nhắc nhở, kiểm soát anh em mình phải mang đủ bi đông nước, lương khô để khỏi làm phiền dưới tiểu đoàn 6 nghe!
- Nhưng thiếu tá Minh đã báo cho tôi bằng 106 (Máy truyền tin siêu tần số dùng bạch thoại để chuyển những nội dung không cần phải mã hóa) là dưới đó đã chuẩn bị bữa ăn cho chiến đoàn mình rồi thiếu tá!
Đại úy Hợp vội vã trả lời.
- Cơm thân mật trong tiểu đoàn hay tiệm ngoài phố?
Thiếu Tá Ân hỏi gấp.
- Vâng, ở một tiệm nơi Bãi Sau!
Vậy đại úy phải nói liền với thiếu tá Minh là tôi không nhận. Mình đi thanh tra tiểu đoàn chứ đâu phải đi Vũng Tàu tắm biển, ăn tiệc!
Cuối cùng, ông lên xe với nón sắt hai lớp, súng colt nơi thắt lưng có bi đông nước đầy, gói lương khô, và ngồi thẳng trong suốt chặng đường đi từ Tam Hiệp, Biên Hòa về đến Tiểu Đoàn 6 ở Vũng Tàu..
- Đường đi xa hơn trăm cây số, thiếu tá dựa lưng một chút cho đỡ mõi!
Người tài xế ái ngại nhắc nhở.
- Không được đâu, mình tới thăm viếng, thanh tra mà lưng áo bị nhăn như thế trông thấy có vẻ thiếu kính trọng đơn vị và anh em!
Thiếu Tá Ân giải thích với người tài xế, không quên hỏi thêm:
- Mà anh có đem đủ bi đông nước dùng cho cả ngày, và nhớ bỏ thuốc lọc nước vào chưa?
Cũng liên quan đến người tài xế, chiếc xe, một hôm ông gọi bà vào văn phòng với vẻ nghiêm trọng, và sau đó có những lời:
- Mình là sĩ quan nữ quân nhân, mình biết cũng rõ quân kỷ như tôi; thế nên, chiếc jeep là của chiến đoàn cấp cho chiến đoàn trưởng, chứ không phải cho riêng cá nhân tôi. Vậy khi nào mình đi thăm gia đình binh sĩ với tư cách Chủ Tịch Gia Đình Binh Sĩ Chiến Đoàn 2 thì mình xử dụng, và ngồi vào ghế trưởng xa (bên cạnh tài xế). Nhưng ngoài giờ làm việc, nếu cần chú tài xế đưa đi đâu thì mình phải ngồi băng sau, vì xe đó là của quân đội chứ đâu phải của riêng gia đình mình. Tôi đã dặn chú ấy, khi nào không có mặt tôi thì lưng ghế trưởng xa phải gập xuống, vậy mình đừng bảo chú ấy làm trái lời tôi!
Bà im lặng nghe, và tuân theo lời ông không một phản ứng nhỏ tỵ hiềm, khó chịu dẫu bà chỉ thua ông một cấp bậc.
Đầu năm 1965 để chuẩn bị đưa ông vào những chức vụ cao hơn, Bộ Tổng Tham Mưu tuyển chọn Trung Tá Ân theo học Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ. Vào thời điểm nầy, tiếng Anh vẫn còn là một ngôn ngữ xa lạ đối với những sĩ quan xuất thân từ quân đội Liên Hiệp Pháp, nhưng ông đã vượt qua khỏi trở ngại kia bằng biện pháp: Luôn luôn trên tay, trước mặt, trong tầm với có những sách tự học Anh ngữ. Ông vào Trường Sinh Ngữ Quân Đội với thái độ chuyên cần của một sinh viên chuyên khoa, và xử dụng toàn bộ thời giờ vào công việc đọc, viết, học tài liệu khóa học và tài liệu nghiên cứu. Và cũng như hai mươi năm trước, Trung Tá Trương Quang Ân lại tốt nghiệp khóa học với vị thứ thủ khoa kèm lời khen ngợi nồng nhiệt kính phục từ ban giám đốc trường: Đây là học viên tốt nghiệp với số điểm cao nhất từ trước đến nay. Ông đứng đầu trên 45 sĩ quan cao cấp của quân đội toàn thế giới, kể cả những tướng lãnh, cấp tá thuộc quân lực Mỹ.
Năm 1966, trong buổi tiệc tiễn ông đi làm Tỉnh Trưởng Gia Định, binh sĩ, hạ sĩ quan của bộ chỉ huy chiến đoàn, và sĩ quan của những tiểu đoàn trực thuộc trong vùng Biên Hòa đều được mời tham dự. Mỗi người có một hộp giấy gồm hai pâté-chaud, hai bánh ngọt và một xăng-wích; thức uống gồm một chai bia và nước ngọt Quân Tiếp Vụ. Trung Sĩ Đâu, Ban 2 Chiến Đoàn (Ban Tình Báo, Trận Liệt) vốn là tay ưa ăn nhậu, cất tiếng rỗn rãng:
- Trung Tá đi làm tỉnh trưởng cái tỉnh to nhất nước mà không cho tụi em uống một bữa cho đã!
Trung Tá Ân nghiêm sắc mặt, nhưng từ tốn nói với Đâu:
- Trung Sĩ Đâu nói như vậy là phụ lòng tôi, bữa tiệc nầy là do tiền lương tôi xin lãnh trước để đãi anh em. Chứ còn như trong Chợ Lớn đã có mấy tiệm ăn, tửu lầu gì đó, nghe tin tôi về làm tỉnh trưởng, họ đã đưa đề nghị đãi hết người của chiến đoàn mình. Nhưng đó là của họ, mình ăn làm chi anh Đâu!
Căn phòng im lặng, lắng xuống, Đâu cười cười:
- Em nói giỡn cho vui thôi, tụi em biết ông thầy nghèo mà, ông thầy cho uống chi tụi em cũng chịu hết. Vì được ở với ông thầy là vui rồi, nay ông thầy đi tụi em buồn lắm!
Vô tình, Đâu đã nói lời tiễn biệt chính xác, hàm xúc nhất với tấm lòng đơn giản trung hậu của người lính đối với một cấp chỉ huy hằng sống với đơn vị mà âm hưởng luôn bền chặt tồn tại.
Nhưng nếu có một lần Người Chỉ Huy Trương Quang Ân phải chịu nhận phần tiêu cực thất bại trong toàn bộ sự nghiệp của mình lại là chính với chức vụ không tiếng súng, tại văn phòng bình yên nơi tòa Tỉnh Trưởng Gia Định.
Vào một ngày của năm 1967, Đại Tá Tỉnh Trưởng Gia Định nhận danh thiếp Thiếu Tá Chánh Văn Phòng của vị phu nhân một viên tướng cao cấp nhất của quân lực. Viên thiếu tá đặt lên bàn giấy ông tỉnh trưởng tập hồ sơ thổ trạch đứng tên bà tướng với lời yêu cầu ông phê chuẩn sự hợp thức hoá tình trạng sỡ hữu phần đất của bà. Sau khi xem xét kỹ hồ sơ và những quy định hành chánh về thủ tục hợp thức hóa đất đai thuộc phạm vi tỉnh, Đại Tá Tỉnh Trưởng Trương Quang Ân có lời quyết định:
- Thiếu tá có thể trở về trình với bà tướng như thế nầy: "Tôi đã xem xét kỹ càng về thủ tục hợp thức hóa thổ cư, điền thổ theo như các quy định hành chánh cho phép một tỉnh trưởng, nhưng, lô đất nầy dẫu thuộc về Tỉnh Gia Định, nhưng cũng là công thổ quốc gia nên tôi không thể hợp thức hóa quyền sỡ hữu của bà đối với phần đất đó được!"
Khoảng một thời gian ngắn sau, viên thiếu tá trở lại với lá thư viết tay của bà tướng cũng với yêu cầu như đã kể với lời lẽ quyết liệt dứt khoát hơn, kèm theo ý nghĩa đe dọa, chức vụ ông có thể bị ảnh hưởng xấu nếu tiếp tục đường lối cũ. Và Đại Tá Tỉnh Trưởng Gia Định cũng trả lời dứt khoát với nội dung minh bạch như đã nói một lần:
Công Thổ, Công Điền không thể bị chiếm đoạt, sang nhượng cho bất cứ ai.
Kết quả.Đại Tá Tỉnh Trưỏng Gia Định bàn giao chức vụ lại cho một viên đại tá sau nầy phải ra tòa vì tội buôn lậu, và tham nhũng.
Đại Tá Trương Quang Ân rời Tỉnh Gia Định với luyến tiếc của mọi tầng lớp thân hào, nhân sĩ cùng binh sĩ, đồng bào các quận ven đô. Hãy nghe anh Heo, Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân Ấp Vĩnh Lộc, Xã Tân Sơn Nhì, Quận Tân Bình nói với chúng tôi (Tiểu Đoàn 9 Dù đang giữ an ninh vòng đai Biệt Khu Thủ Đô vào thời điểm 1966-1967):
- Từ khi có ông tỉnh với mấy anh về đây, ban đêm tui ngủ ở nhà và đi nhậu như ở Sài Gòn!
Nếu Đại Tá Tỉnh Trưởng Trương Quang Ân còn ở Gia Định vị tất các đơn vị Việt cộng có thể ngang nhiên tập trung nơi những chỗ ém quân ở Nhị Bình, Thạnh Lộc (Gò Vấp), hoặc Bà Điểm, Bà Hom (Hóc Môn), hay Phú Lâm, An Lạc (Bình Chánh).. để tấn công vào Sài Gòn trong những ngày đầu năm 1968. Và nếu điều nầy không xẩy ra thì chắc rằng mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ắt sẽ có những hình thái khác. Đau thương của dân chúng, sinh mạng người lính hẳn sẽ bớt phần khốc liệt oan khiên hơn. Nhưng bởi Người Lính đã ra đi. Vị Tỉnh Trưởng thanh liêm phải rời bỏ nhiệm sở.
Phi Trường Phụng Dục Ban Mê Thuộc hôm ấy có một sinh hoạt khác hơn ngày thường với đoàn quân nhạc của Sư Đoàn 23 Bộ Binh đứng xếp hàng nhiêm chỉnh, phòng khách phi trường được quét dọn sạch sẽ, có mặt gần như đầy đủ thành phần sĩ quan cao cấp của đơn vị và Tiểu Khu Darlac, đơn vị hành chính cùng có chung một địa bàn hoạt động với sư đoàn, lực lượng diện địa quan yếu của Khu 23 Chiến Thuật. Chiếc máy bay C47 hàng không quân sự đáp xuống, lố nhố những hành khách quân nhân và gia đình ào ra từ cửa máy bay. Giàn quân nhạc chuẩn bị nhạc cụ, sửa soạn trình tấu khúc Thượng Cấp Võ; đám sĩ quan vội vã xếp đội hình: Tất cả chờ đợi viên tân tư lệnh xuất hiện. Họ chờ một tướng lãnh mặt trận có uy danh với những chiến công nơi trận địa mà ông đã thâu đạt từ binh chủng Nhảy Dù qua những chức vụ sĩ quan chỉ huy những đơn vị tác chiến. Nhưng vị tướng với vóc dáng, y phục, cách thế như chờ đợi ấy đã không xuất hiện. Người ta chỉ thấy một người lính với nón sắc hai lớp, lưới ngụy trang, quân phục tác chiến xanh của bộ binh, vai mang ba lô, tay xách sac-marin (túi đựng quân trang, quân dụng của binh sĩ) đi lẫn vào cùng đám quân nhân hành khách.
- Hay là ông chưa tới? Có thể ông đi máy bay Air Việt Nam để được sạch sẽ, lịch sự hơn chăng?!
Đám sĩ quan nghi lễ bàn tán. Bỗng một người nhác thấy người lính đi hàng cuối mang bảng tên màu trắng kẻ chữ "ÂN" đen trên nắp túi áo, và ngôi sao huy hiệu cấp tướng màu đen may tiệp vào cổ áo tác chiến... Không một chiếc huy chương ở phần ngực áo. Người nầy vội vã, hốt hoảng..
- Vào hàng... vào hàng! Vào hàng! Phắc!
Hành khách quân nhân cuối cùng kia vội đi nhanh đến chỗ viên sĩ quan trưởng toán chào kính, và nói nhanh, dẫu tiếng nhỏ nhưng dứt khoát:
- Trung tá cho anh em nghỉ, tôi không thể nhận!
Và khi đứng hẳn trước đoàn người, Tướng Trương Quang Ân khiêm tốn giải thích:
- Cám ơn anh em đã đón tôi với đủ lễ nghi quân cách, nhưng tôi không được phép nhận vì chưa bàn giao đơn vị. Vậy chỉ cho tôi một xe jeep cũng như những sĩ quan vừa đáo nhậm đơn vị mới, và chờ cho tôi bàn giao với vị chỉ huy trưởng xong, các anh em hẳn giành cho tôi quân lễ đối với một tân tư lệnh!
Ông lên một chiếc jeep trần trụi, sửa lại thế ngồi, bi-đông nước, khẩu súng colt, chiếc nón sắt hai lớp đội thẳng, sát xuống mí mắt đúng quân phong, quân kỷ ấn định. Đoàn xe ra khỏi phi trường, hướng khu dân cư nơi có đặt những cơ sở quân sự của khu chiến thuật và tòa tỉnh trưởng. Sau chiếc jeep cũ kỷ chở vị tân tư lệnh, một chiếc khác bóng loáng mới tinh khôi cắm cờ hiệu cấp tướng, không người ngồi chạy theo giữa bụi mù.
Ngay sau khi nhậm chức, Tướng Quân được dịp chứng nghiệm khả năng chỉ huy vào dịp Tết Mậu Thân, 1968 khi quân cộng sản tổng tấn công Miền Nam mà Thị Xã Ban Mê Thuộc với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 là mục tiêu đầu tiên bị những tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 33 cộng sản Bắc Việt tập trung dứt điểm. Liền sau giờ Giao Thừa, lúc 1 giờ 35 đêm 29 rạng 30 tháng 1, 1968 bốn tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 33 tăng cường hai Tiểu Đoàn 401 và 301 cơ động tỉnh, và bốn đại đội địa phương, cùng du kích đồng loạt tấn công những mục tiêu của thị xã cần phải chiếm lãnh, tràn ngập.
Sở Hành Chánh Tài Chánh, Tòa Hành Chánh, Dinh Tỉnh Trưởng, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Đại Đội 514 Vận Tải, mà trại gia binh đại đội trinh sát, cư xá sĩ quan, và bản doanh bộ tư lệnh sư đoàn là những vị trí phải được chiếm cứ trước hết. Bởi phía chỉ huy quân sự đối phương hiểu rõ rằng, nếu đập vỡ được cơ quan chỉ huy (bộ tư lệnh), khốâng chế được thành phần nhân sự hoặc thân nhân, gia đình của lực lượng trừ bị tiếp ứng (đại đội trinh sát, thành phần sĩ quan chỉ huy, tham mưu sư đoàn) thì cuộc tấn công ắt chiếm giữ phần ưu thắng.
Nhưng tất cả mũi tấn công đồng bị chận đứng trước cổng các doanh trại, và âm mưu lùa dân vào thị xã biễu tình thực hiện bước tổng nổi dậy tiếp theo hoàn toàn bị thất bại. Bởi từ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, Tướng Quân đã điều động ngay trong đêm cuộc phản công với Thiết Đoàn 8 Kỵ Binh, các Tiểu Đoàn 2, và 3 thuộc Trung Đoàn 45 Bộ Binh, và Đại Đội 45 Trinh Sát đang hành quân bên ngoài thị xã. Lực lượng tấn công cộng sản hóa thành bị bao vây, chia cắt bởi đoàn quân tiếp ứng.
Sáng ngày 30 (mồng Một Tết Âm Lịch) lực lượng Thiết kỵ và Bộ binh của sư đoàn đã hoàn toàn giữ vững những vị trí, cơ quan quân sự, hành chánh trọng yếu của tỉnh và thị xã.
Về mặt chiến thuật, chúng ta có thể nói rằng âm mưu tiến chiếm Ban Mê thuộc bị đập tắt từ giờ phút đầu tiên chỉ trừ những cơ sở như Ty Ngân Khố, Sở Hành Chánh Tài Chánh số 3 còn bị những tiểu tổ du kích chiếm đóng mà vì cốt tránh thiệt hại về nhân mạng cũng như tài sản chung nên phía tiểu khu, bộ tư lệnh sư đoàn chưa cho lệnh phản kích, lấy lại.
Tính đến ngày mồng 6 Tết, mặt trận Ban Mê Thuộc hoàn toàn được giải tỏa, Trung Đoàn 33 và các đơn vị địa phương, du kích bị đánh bật ra khỏi vành đai thị xã để lại 924 xác trên hiện trường, và 143 bị bắt sống.
Nhưng mĩa mai thay, có một (1)Vào hàng... Phắc!: Khẩu lệnh chào kính sĩ quan cao cấp "lạnh nhạt cố ý" rất đáng chê trách: Suốt chiến dịch ca ngợi thắng lợi kiên trì giữ vững Miền Nam sau biến cố lớn lao nầy, công trận thủ thắng ở mặt trận Ban Mê Thuộc "hình như" được cố ý loại bỏ. Điều nầy càng thấy được cụ thể qua tập quân sử tổng kết "Cuộc Tổng Công Kích- Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968", danh tính vị Tướng Quân Tư Lệnh Sư Đoàn 23, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân hoàn toàn không được nhắc tới một lần, cho dù có hình ảnh của Người cùng viên tư lệnh quân khu đi xem xét chiến lợi phẩm sau khi mặt trận im tiếng súng và quân địch đã toàn phần bị đánh bại (Trang 264 TCK-TKN, Khối Quân Sử Phòng 5/ Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, 1968).
Khi những người cầm quyền quốc gia, lãnh đạo quân đội xem nhẹ kẻ sĩ, bạc đãi chiến sĩ, danh tướng thì chỉ dấu suy thoái của quốc gia, quân đội đó ắt đã phát hiện. Nếu những Người Lính mang tên Trương Quang Ân, Nguyễn Viết Thanh, Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng.. nắm quyền thống lĩnh quân đội, trọng trách vận mệnh quốc gia từ thập niên 60, đầu những năm 70 thì đâu có ngày đau thương oan nghiệt 30 Tháng Tư, 1975.
Chúng ta phải kêu lên tiếng uất hận vỡ trời cùng Anh Linh Chiến Sĩ-Tướng Quân
Một ngày Hè giữa năm 1970 sau buổi thuyết trình buổi sáng tại Trung Tâm Hành Quân, Chuẩn Tướng Tư Lệnh cùng cố vấn sư đoàn, vị sĩ quan Phòng Ba ra bãi đáp trực thăng cạnh Bộ Tư Lệnh để đi thanh tra, kiểm soát những đơn vị thuộc quyền đang hành quân trong phạm vi quận Đức Lập. Theo thường lệ, Tướng Quân đi cùng những giới chức trên bằng trực thăng H::22a147:: của hệ thống cố vấn Mỹ, nhưng bởi sáng nay có bà tháp tùng theo cùng để đến thăm gia đình binh sĩ của đơn vị có hậu cứ tại quận lỵ, nên hai người quyết định xử dụng trực thăng H 34 của Không Quân Việt Nam, cũng cốt để chở được nhiều nhu yếu phẩm, quà tặng cho binh sĩ và gia đình của họ. Hai vợ chồng Người Lính lớn nhất của đơn vị thăm hỏi đến mỗi gia đình binh sĩ, bà ngồi xuống giữa những người vợ lính, những em bé xao xác do thiếu dinh dưỡng, trú ngụ nơi những lều trại dã chiến mà người lính tạm dựng lên tại tiền trạm vùng hành quân.. Bà bối rối, băn khoăn về nỗi khổ của từng người, bà ôm không hết những em nhỏ với nước mắt rưng rưng thương cảm. Ông yên lặng đi đến tại mỗi vị trí phòng thủ, xem xét những khẩu pháo, hỏi kỹ về nhu cầu của đơn vị, và luôn nhắc nhở cán bộ sĩ quan:
- "Phải luôn cố gắng chăm sóc đời sống anh em, họ đã quá thiếu thốn, quá gian khổ, bổn phận của cấp chỉ huy là phải tận tụy hết lòng với mỗi người lính của mình. Ai cũng có thể có khuyết điểm nhưng cần nhất là biết phục thiện, sửa chửa."
Buổi thăm viếng đã quá lâu, cố vấn Mỹ, đoàn sĩ quan tham mưu, cũng như cá nhân tướng tư lệnh phải trở về Ban Mê Thuộc; những người vợ binh sĩ vây quanh bà, bà bước đi ngập ngừng.. - Về mình ạ, mình còn trở lại nhiều lần nữa, mình nói với các chị, các cháu như thế!
Ông bắt tay từng sĩ quan, ân cần đáp lại ánh mắt lưu luyến của binh sĩ. Cánh quạt chiếc H. 34 bắt đầu quay, Tướng Quân đỡ Phu Nhân, chiến hữu sắc son của Người suốt đời dài binh đao, bước lên cửa máy bay vì sức gió mạnh xô đẩy. Hai Người Lính nhìn lại những bóng người dưới đất bắt đầu mờ dần.. Do nước mắt của bà đã thấm nhòa cảm xúc. Người dưới đất đưa tay ngoắt từ biệt... Bỗng như tia chớp cực mạnh loé sáng... Con tàu bùng vỡ khối lửa hung hản ác độc và lao nhanh xuống như một mũi tên. Khu trại gia binh đồng la lớn kinh hoàng.. Chết rồi...Chết rồi trời ơi.. Ông bà tướng chết rồi trời ơi.. Trời ơi là trời ơi!! Những người vợ lính bật khóc cùng với những đứa con gào ngất trong tay bởi ánh lửa đỏ rực loáng sáng khoảng trời.
Tướng Quân Trương Quang Ân cùng Phu Nhân Dương Thị Thanh trở về cùng mặt Đất Quê Hương như trong tuổi thanh xuân Hai Người Lính đã kết hợp giữa bầu Trời Tổ Quốc.
Trong buổi phát tang nhị liệt vị, sĩ quan nghi lễ kê khai phần tài sản để lại gồm:
53.000 Đồng, tiền lương tháng cuối cùng của Tướng Quân, và tám chiếc áo dài nội hóa của Phu Nhân.
Chúng ta hôm nay cùng sông núi kính cẩn nghiêng mình trước Anh Linh Người Lính Thanh Cao, Trung Liệt đã vô vàn tận hiến với Nước Việt Miền Nam:
Thiếu Sinh Quân Người Lính Cộng Hòa Trương Quang Aân.
Để nhớ Ngày Hè Lẫm Liệt Ba mươi năm trước trên Quê Hương, MÙA HÈ ĐỎ LỬA - 1972.
BẮC MỸ, Tháng 6, 2002 Phan Nhật Nam ° ° ° Date: Wed, 11 Dec 2002 01:49:24 – 0800 ( PST) From: "tu y duc bo"/NSVN..@yahoo.com Subject: Thu VN To: nsvietnam@yahoo.com
NSVN vàđích thân PNNam thân mến
Khi tôi gọi PNNam là đích thân thì chă‘c hẳn các bạn biết tôi là ai rồi. Đã 27 năm qua, lưng chúng ta đã còng đi, tóc chúng ta đ~a bạc, nhu +ng những gì chúng ta đã mất sao vẫn chưa tìm lại được, nơi đây, quê hương như anh Nam nói, những người phế binh vẫn bao lâu nay rách nát đợi chờ, ngày ngày vẫn khổ nhọc mưu sinh, những đứa con của những người lính VNCH ở lại và bị 'tru di tam tộc'. Cha mẹ chúng nó vẫn sống lặng căm trong tủi hờn của những người bị mất nước. Đất nước nghèo đói và tụt hậu không tượng dược, những đe dọa vẫn lơ lững trước mă‘t bọn tôi, những người đã từng đánh trận QTrị kiêu hùng va tan thưon+g, Đồng Ông DO,căn cứ Met Moi Ra[barbara],đồn điền cao su An lộc. Những người lính mũ đỏ ngày xưa gan lì và dũng cảm mà bây giờ ngồi viết cho các bạn mà tâm trạng vẫn lo, lo thì vẫn lo nhưng viết cho các bạn được nối kết với các bạn dù chưa biết mặt nhau vẫn thấy lòng mình vui sướng và thỏa lòng vì mình biết bọn mình chưa... chết, như những ngày xưa mình còn như nhau vậy.
Anh Nam thân mến. Ngày tôi gặp anh, nếu tôi nhớ không lầm thì lúc đó anh chỉ có 3 hot thôi, lúc đó ở tiền trạm cây số 17 thì phải năm 1972, tôi rất thích anh, yêu những bài viết của anh, gan nhu không có quyển sách nào của anh mà tôi không có, hiện nay tôi còn Tua lung vao noi chet. Dau binh luạ Mua he do luạ Tôi vẫn hằng đọc đi đoc lại hoài [nhung den ngay hom nay toi khong dam coi tiep lai nua vi sach da vang va muc nhieu so xem tiep se pha hong sach mau chong thoi]. Phải nói hỏa tiển Tow ngày xưa tụi này bă‘n xe tăng cs nó không cháy nòng bằng giọng văn của xếp Nam tôi. Bởi thế, sau cái ngày tai ương 30/4/75 khi biết anh bị đưa ra Bă‘c, thú thật tôi lo lă‘ng quá, không biết anh có còn về nữa không? Mãi một thời gian sau khá lâu mới biết anh đã về và 'di tan' qua Mỹ tôi rất mừng, sợ mất anh lấy đâu ra ai để chơi bọn này hay như anh đâu... Thôi vài hàng thăm các bạn. Có nhiều điều muốn nói, muốn tâm sự với các bạn lă‘m nhưng lai sợ, do 27 năm trong chế độ cs đã làm bọn này còn ở lại như thế đó các bạn ơi! Nhưng trái tim chúng tôi vẫn còn đầy nhiệt huyết ...
Thân thương. Cựu SQ TD3DU
Ghi chú:
Bức thư cảm động của một người lính Dù miền Nam, gửi ra từ trong nước qua Nguyệt San Việt Nam, nhờ chuyển đến Phan Nhận Nam, nhân khi anh đọc thông báo của NSVN về tập truyện "Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử" trên hệ thống internet. Thư được anh em forward/chuyển tiếp đến PNN sau đó.
Chúng tôi chạy thư anh như một phụ chú sau bài PNN trong tập truyện, để anh em hiểu là những người lính miền Nam bất hạnh còn lại trong nước của chúng ta vẫn nhìn và mong đợi chúng ta, những người lính lưu vong còn viết cho quê hương, xuyên qua đại dương.
Thư viết từ VN đa phần không bỏ dấu. Nhóm chủ trương NSVN đã thực hiện việc bỏ dấu để mạch văn của thư được đọc và hiểu dễ dàng/ LKAH --------------------------------
1 | Trung Tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Liên Đoàn NDø (1957-1960) Đại Uùy Ngô Xuân Soạn, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 ND (1957-1960) | 2 | Thời điểm 1963-1965, phiên hiệu của đơn vị nhảy dù là "Lữ Đoàn Nhẩy Dù" | 3 | Lính cần vụ: Nói trại từ chữ "lạc đà"- do mang qua nhiều đồ trên lưng. | 4 | Nhẩy dù điều khiển: Kỹ thuật nhẩy dù cao cấp, người nhẩy tự quyết định thời điểm mở dù.
|
|
No comments:
Post a Comment