Friday, October 2, 2020

 Miền Bắc Việt Nam cũng có phong trào chống chiến tranh

Tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng

Gửi cho BBC Tiếng Việt

18 tháng 9 2017

Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và Đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam Maxwell Taylor năm 1965

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và Đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam Maxwell Taylor năm 1965


Khi nghĩ về các sự kiện tiêu biểu của phong trào chống chiến tranh năm 1967, chúng ta gợi về bài diễn thuyết lên án chiến tranh đầy sức mạnh của Mục sư, TS. Martin Luther King Jr. vào ngày 4 tháng 4, hàng ngàn người trả lại thẻ động viên trong tuần lễ đấu tranh "ngừng việc động viên" (Stop the Draft), và cuộc diễu hành đến Lầu Năm Góc mang theo số lượng kỷ lục người tuần hành đến thủ đô Washington.


Cùng năm đó cũng chứng kiến làn sóng biểu tình toàn cầu lên án chiến tranh, như các cuộc biểu tình tại các thủ đô ở Châu Âu; và Tòa Án Tội Ác Chiến Tranh Quốc Tế thông qua lời tuyên cáo lên án sự can dự của Mỹ ở Đông Nam Á. Các hãng tin tức cập nhật về cuộc chiến cũng bắt đầu thay đổi, bao gồm lời kêu gọi đầu tiên từ tờ New York Times về việc tạm dừng ném bom và khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình.


Vietnam War: 'Cuộc chiến day dứt tất cả chúng tôi'


Ký ức về thời miền Bắc chống bom Mỹ


VNCH: thuộc địa kiểu mới hay nước có chủ quyền?


Không nổi tiếng bằng, nhưng không kém phần quan trọng là "phong trào" phản chiến ở miền Bắc Việt Nam. Không giống như một phong trào mà là một tập hợp không thống nhất của các tiếng nói đa dạng, nó tập hợp rộng rãi nhiều thành phần xã hội từ miền Bắc Việt Nam, trong chính quyền, và công chúng nói chung.


Một vài trong số này chưa bao giờ muốn tham gia vào chiến tranh giải phóng miền Nam ngay từ đầu, thay vào đó tìm cách xây dựng miền Bắc và thống nhất đất nước thông qua con đường chính trị. Được đào tạo ở Liên Xô, một vài cá nhân trong số này thậm chí nắm giữ vị trí quan trọng trong Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vào năm 1967, các cán bộ này kêu gọi chính quyền bắt đầu đàm phán và chấm dứt cuộc chiến tranh thảm khốc. Khi một trong số các đảng viên như thế trình bày quan điểm chính trị của mình trong bài viết "Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam", ông trở thành kẻ thù số một của chính quyền.


Ông Lê Duẩn ngày 15/5/1975

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ông Lê Duẩn ngày 15/5/1975


Các Đảng viên không phải là những người duy nhất thể hiện thái độ chỉ trích đối với cuộc chiến. Các họa sĩ và nhà văn cũng đã trong thời gian dài sử dụng tài năng của mình để đưa ra các thông điệp chính trị, đặt mình trong sự kiểm soát ngặt nghèo của công an văn hóa. Học thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, thống trị ở miền Bắc Việt Nam như nó đã từng ở Đông Âu, yêu cầu tất cả các loại hình nghệ thuật ngợi ca chính sách của Đảng. Khi đạo diễn phim, nhà văn hay nhà thơ mô tả sự thảm khốc của chiến tranh hay sắc thái của các trận đánh, nghệ thuật của họ phải khơi dậy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc. Khi Vũ Thư Hiên, một nhà biên kịch và con trai của thư ký của chủ tịch Hồ Chí Minh, viết về tình bạn giữa một người lính Việt Nam và binh lính thuộc địa Pháp trong kịch bản "Đêm cuối cùng, ngày đầu tiên", ông đã xóa nhòa gianh giới "bạn và thù".


Trong khi một số nghệ sĩ chống lại một cách mạnh mẽ sự trói buộc của tư tưởng hiện thực xã hội chủ nghĩa, những người khác chỉ là từ chối sự hiện diện của chính trị khi từ chối can dự vào các liên hệ ý thức hệ. Trong môi trường âm nhạc Hà Nội, hình thức được cấp phép duy nhất là các bài hát hay bản ballad phản ánh tinh thần cách mạng hay nhạc chiến trận, chơi bất cứ loại nhạc nào khác trong thời chiến là bất hợp pháp. Cái gọi là nhạc vàng (đối lập với nhạc đỏ của cách mạng) bị cấm vì sự suy đồi, ủy mị, và ảnh hưởng ngoại lai. Khi các nhạc sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phan Thắng Toán (người được biết đến như là Hairy Toán), và Trần Văn Thành thành lập một ban nhạc và bắt đầu chơi các bản tình ca tiền chiến hay các bản nhạc lãng mạn khác ở đám cưới và các bữa tiệc, họ biết rằng họ đang phạm pháp. Nhưng trong tư duy của họ, họ không "làm chính trị"; chỉ đơn giản là họ chơi thứ nhạc mình thích.


Cũng giống như chính quyền Johnson, Đảng dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí Thư Lê Duẩn không khoan nhượng đối với các hình thức chống đối công khai. Trong khi Washington tiến hành Operation Chaos, một chiến dịch bí mật nhằm làm suy yếu phong trào phản chiến ở Mỹ, Hà Nội tiến hành các nỗ lực đàn áp của riêng mình nhằm đập tan đối lập trong nước. Bắt đầu từ mùa hè năm 1967, Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức TW, Trần Quốc Hoàn, bộ trưởng bộ công an tiến hành bắt bớ hàng loạt những thế lực được cho là "phản động" và những "kẻ phản động", những người được dán nhãn "bọn xét lại".


Nam Bắc Hàn và Cuộc chiến Việt Nam


30/04: Những xui xẻo định mệnh của VNCH


'Lực lượng thứ Ba mong có hòa bình cho Việt Nam'


Lực lượng công an đáng sợ này đã câu lưu hàng trăm công dân Bắc Việt Nam, bao gồm cán bộ đảng, viên chức quân sự cao cấp, nhà báo, luật sư, nhà văn và nghệ sĩ. Một khi bị bắt, Thọ và Hoàn buộc tội họ "phá hoại chính sách đối ngoại của Đảng và chính sách chống Mỹ cứu nước của Đảng", và "thay vào đó cổ vũ chủ nghĩa hữu khuynh thỏa hiệp và nhân nhượng". Chiến dịch năm 1967 được biết đến như là "Vụ án xét lại chống Đảng" cũng được biết đến như là "Vụ Hoàng Minh Chính", theo tên nhân vật đầu tiên bị bắt.


Nghệ sĩ và "nhạc sĩ nhạc vàng" cho thấy họ không hề ít hiểm nguy hơn. Việc dựng phim kịch bản của ông Hiên, "Đêm cuối cùng, ngày đầu tiên" không bao giờ được thực hiện; nhà biên kịch bị quy cho là "trắng trợn tuyên truyền cho chủ nghĩa nhân đạo chung chung, tính người chung chung bên ngoài tính giai cấp". Ông Hiên bị bắt vào cuối tháng 12 năm 1967.


Các nhạc sĩ nhạc vàng cũng bị quy cho "đầu độc tuổi trẻ với những bản nhạc bi quan ủy mị và phản dộng, khuyến khích một lối sống thoái hóa đồi bại". Nguyễn Văn Lộc và các thành viên của ban nhạc phi chính trị của ông bị bắt năm 1968.


Việc làm cho những tiếng nói "chống chiến tranh" này ở miền Bắc Việt Nam có liên hệ mật thiết với chiến lược thận trọng cho cuộc tiến công quân sự vào năm 1968.


Trong một nỗ lực nhằm thoát khỏi tình thế bế tắc và giành chiến thắng trong cuộc chiến, Lê Duẩn kêu gọi các lực lượng cộng sản tiến hành cuộc tiến công phối hợp bất ngờ vào các thành phố và thị xã ở miền Nam, đủ mạnh để thúc đẩy cuộc nổi dậy của quần chúng lật đổ chính quyền Sài Gòn. Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ trưởng quốc phòng Võ Nguyên Giáp chống lại cuộc nổi dậy dịp tết đầy tham vọng của Lê Duẩn, tuyên bố rằng các lực lượng cộng sản thiếu sức mạnh cần thiết để thúc đẩy một cuộc nổi dậy trên cả nước. Họ đã trả một giá đắt cho quan điểm khác biệt của mình.


Trong khi ông Hồ và ông Giáp bị đưa đi lần lượt Bắc Kinh và Hungary, lực lượng an ninh tập hợp để câu lưu và bỏ tù các thư ký và trợ lý cá nhân của họ, tất cả đều dưới chiêu bài đàn áp các phần từ phản chiến. Tổng số có 30 đảng viên và sĩ quan thân cận với ông Hồ và Giáp bị bắt, thậm chí có cả những người tham gia chuẩn bị tích cực cho cuộc nổi dậy Tết. Khi Đại tá Lê Trọng Nghĩa, người tham gia xây dựng kế hoạch cho cuộc tấn công Tết, nhưng trung thành với Tướng Giáp, bị bắt vào đầu năm 1968, ông ta lo ngại rằng sự vắng mặt của mình có thể ảnh hưởng đến thành công của chiến dịch. Trong khi đó, người bắt giữ ông ta thì quan tâm đến vấn đề khác: tìm ra mối liên hệ giữa các ông Hồ, Giáp, và các "thế lực phản động" trong Vụ Án Xét Lại Chống Đảng đang đe dọa đến cuộc chiến tranh của Lê Duẩn.


Phong trào chống chiến tranh ở Mỹ và Bắc Việt Nam không tương đồng, nhưng có những điểm chung. Trong cả hai trường hợp, phong trào phản chiến bao gồm thành phần tham gia đa dạng. Trong khi các sử gia bắt đầu chú ý đến sự không thống nhất và hiểu rõ hơn về tương tác giữa nhiều nhóm và các tổ chức khác nhau bên phía Mỹ, chúng ta vẫn chưa bắt đầu vén màn về vô số những tiếng nói và sự tương tác lẫn nhau của chúng ở bên phía Việt Nam.


Một sự so sánh thú vị khác nằm ở sự phản ứng của chính quyền đối với phong trào phản chiến ở nước mình. Cả Hà Nội và Washington tăng cường các biện pháp vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật để làm suy yếu và dập tắt sự đối lập.


Trong khi Johnson mở rộng quyền lực của C.I.A để tiến hành chiến dịch do thám trong nước, Lê Duẩn tiến hành chiến dịch "chống phản cách mạng" dưới sự chỉ đạo của Ban tổ chức TW và Bộ công an. Trong con mắt của cả hai chính quyền này, trong chiến tranh thì không hề có sự bất đồng chính kiến nào có ý nghĩa tích cực.


Tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng đang dạy ở Đại học Columbia, New York. Bài viết đăng lần đầu ở báo New York Times, và được ông Vũ Đức Liêm dịch sang tiếng Việt.

No comments:

Post a Comment