Thursday, October 1, 2020

 

CHUYỆN NGƯỜI KỴ BINH TÊN NẪM

 THIẾU-TÁ HÀNG PHONG CAO

Huy hieu thiet doan 8 ky binh.

Cuộc chiến 30 năm Quốc-Cộng đã tạo ra biết bao anh-hùng lừng danh trên chiến-trường, ở mọi cấp, ở mọi Quân Binh chủng, ở khắp mọi nơi. Hành-động anh-hùng là một truyền-thống của dân-tộc, tiềm-ẩn trong mọi người, nó là sự kết-tụ của bản-chất can-đảm và lòng hy-sinh. Biết bao chiến-sĩ đã biểu-lộ hành-động anh-hùng và đã ra đi trong lòng đất mẹ Việt Nam. Không nói đến họ, không nêu gương sáng của họ là thiếu-sót đối với lịch-sử chiến-tranh đầy lý-tưởng cao-cả của người lính Việt Nam Cộng-Hòa, quyết chiến-đấu để bảo-vệ nền tự-do và dân-chủ cho Miền Nam Việt Nam. Sau nhiều thập-niên, cuộc chiến Quốc-Cộng đã chấm dứt, chúng ta đã xác-minh được với dân-tộc và lịch-sử, sự hy-sinh của người lính Việt Nam Cộng-Hòa là đúng và cao-cả, người lính VNCH là anh-hùng… Tôi xin nêu ra hình-ảnh và hanh-động anh-hùng của một người lính Thiết-giáp, không tầm cỡ, còn quá trẻ, tiêu-biểu cho những người lính trẻ Việt Nam.

***Chi-đoàn 2/8 Thám-thính, hậu-thân của một trong 10 Tiểu-đoàn Thám-thính hoạt-động trên chiến- trường Bắc-Việt, sau di-chuyển vào Nam bởi Hiệp-Định Genève 1954, sau hơn 2 năm được tăng-phái hoạt-động tại tỉnh Lâm-Đồng, được biến-cải và huấn-luyện để đổi thành Chi-đoàn 2/8 Thiết-Kỵ vào cuối tháng 10-1968. Chi đoàn được trang-bị Thiết-quân-vận M113 thay-thế cho các Thám-xa M8, Scout Car và Half-Track đã lỗi thời. Tổ-chức của Chi-đoàn Thiết-Kỵ là hậu-thân của Chi-đoàn Thiết- Vận-Xa M113 và Đại-đội 7 và 21 Cơ-giới M113. Sau khi khai-triển ưu-thế về hỏa-lực và lưu-động tính của loại M113 trên chiến-trường Việt Nam, nhiệm-vụ quân-vận đã được đổi thành xung-kích mục-tiêu, chứ không còn chuyển-quân và yểm-trợ hỏa-lực cho Bộ-binh như trước nữa.

https://i0.wp.com/41.media.tumblr.com/42c214d3acc425ee9efe033a63259508/tumblr_mm1bvo4Nvh1qivon6o1_1280.jpgSau khi huấn-luyện và trang-bị Thiết-Vận-Xa M113. Chi-đoàn được tăng-phái cho Trung-đoàn 44 BB, đồn-trú tại Sông Mao mà vùng hoạt-động là Tiểu-khu Bình-Thuận thuộc Quân-khu 2.

Tháng 9-1969, Chi-đoàn 2/8 Thiết-kỵ được điều-động về Ban-Mê-Thuột, trong kế-hoạch hành- quân, giải-tỏa áp-lực địch, và bảo-vệ an-ninh Quốc-lộ 14, dọc theo biên-giới Cao-Miên, và Quốc-lộ 21 từ quận Khánh-Dương thuộc Khánh-Hòa đến Thị-xã Ban-Mê-Thuột.

Tháng 1-1970, trong chiến-dịch Đông-Xuân của CSBV, Sư-đoàn 320 và F10 CSBV tạo áp-lực nặng- nề dọc theo QL14 thuộc Khu 23 Chiến-thuật, vùng trách-nhiệm của Sư-đoàn 23 BB. Các Trung-đoàn Pháo và Hỏa-tiễn của CSBV, từ bên kia biên-giới Miên, pháo vào quận Đức-Lập và Bộ Chỉ-huy Hành-quân nhẹ của Sư-đoàn 23 BB, đóng cách quận Đức-Lập 5 Km về hướng Đông-Nam. Quốc-lộ 14 bị ngăn-chặn, đoạn từ Núi Lửa đến ngã ba Daksong, tỉnh Quảng-Đức và thị-trấn Gia-Nghĩa bị cô-lập buộc Sư-đoàn 23 BB, với BĐQ tăng-cường, giải-tỏa đoạn Quốc-lộ bị địch quân chiếm giữ.

Tại mặt trận Đức-Lập, Sư-đoàn 23 BB chỉ có hai Tiểu-đoàn thuộc Trung-đoàn 45 BB. Chi-đoàn 1/8 Chiến-xa và 3/8 Thiết-Kỵ được tăng-cường 2 Tiểu-đoàn BĐQ Cọp Ba Đầu Rằn và Tiểu-đoàn 23 BĐQ, 1 Đại-đội Pháo-binh 155 ly. Chi-đoàn 2/8 TK và Tiểu-đoàn 2/45 BB được làm trừ-bị tại Ban-Mê-Thuột và là lực-lượng mở đường tiếp-vận cho mặt trận Đức-Lập và bảo-vệ thị-trấn Ban-Mê-Thuột.

Lý-do chính mà Chi-đoàn 2/8 TK được giữ làm trừ-bị tại Ban-Mê-Thuột là bởi Chi-đoàn được xuất- phái hành-quân xa Thiết-đoàn trong một thời-gian khá lâu nên nhiều quân-dụng và Thiết-vận-xa cần được tu-bổ và thay-thế, kể cả quân-số cũng phải bổ-sung để nâng-cao khả-năng tác-chiến của Chi-đoàn.

Tôi còn nhớ rất rõ vào một buổi chiều, sau giấc ngủ trưa chưa đã giấc, tuy là ngoài trời đang nắng gắt, nhưng tôi vẫn cảm thấy ớn lạnh, cái ớn lạnh như muốn khởi đầu cho một cơn sốt rét ngã nước mà tôi đã từng chịu đựng vào năm 1967 khi cùng Thiết-đoàn 8 KB khai-thông Quốc-lộ 20, từ Bảo-Lộc xuống đến ranh-giới Vùng 3 Chiến-thuật.

Tiếng gõ cửa văn-phòng làm tôi giật mình bật dậy, thì ra thượng-sĩ Kiên, thường-vụ Chi-đoàn, trình tôi qua Thiết-đoàn nhận bổ-sung quân-số:

– Thưa đại-úy, mình xin 26 người mà Thiết-đoàn chỉ cho mình 14 tân-binh trong đợt này.

Nghe vậy, tôi liền bảo thượng-sĩ Kiên theo tôi qua Bộ Chỉ-huy Thiết-đoàn. Vừa xuyên qua hàng rào kẽm gai, tôi đã nhìn thấy lố-nhố một toán tân-binh xếp hàng hai đứng ở thế nghỉ, đang nghe sĩ quan trưởng-ban quân-số Thiết-đoàn hướng-dẫn. Ngay sau khi nhìn thấy tôi lại gần, anh dơ tay chào và vội giải-thích với tôi:

– Thưa đại-úy, theo lệnh của trung-tá Thiết-đoàn-trưỏng, vì phải bổ-sung cho Chi-đoàn 1 và 3 nên đợt này chỉ có thể bổ-sung 14 tân-binh cho Chi-đoàn 2 của đại-úy. Đến kỳ tới, tôi sẽ trình xin trung-tá dành ưu-tiên bổ-sung cho Chi-đoàn 2. Vậy xin đại-úy thông-cảm cho.

– Không sao, miễn anh lưu-tâm đến vấn-đề thiếu hụt của 2/8 là được.

Nhìn qua hai hàng tân-binh đang đứng, tôi hỏi:

– Sao các đợt tân-binh bổ-sung gần đây lại quá trẻ và non choẹt vậy?

Sở-dĩ tôi hỏi như vậy là vì tôi thấy trong nhóm tân-binh này, có em khuôn mặt quá trẻ so với vóc dáng của một người lính. Tôi đặc-biệt chú-ý đến một tân-binh ở cuối hàng, dù đã sạm nắng quân trường, nhưng vẫn không che dấu được cái dáng dấp của một trẻ thơ. Tôi liền tiến lại gần em và hỏi:

– Em tên gì? Bao nhiêu tuổi mà đăng lính vậy?

Em nhoẻn miệng cười, với một nụ cười rất hồn- nhiên và hãnh-diện, em trả lời:

– Em tên Nẫm, Nguyễn-Văn-Nẫm.

Nói tới đây, Nam chợt nhớ đến quân-kỷ bèn chụm chân lại theo thế Nghiêm và dõng-dạc đáp:

– Tân-binh Nguyễn-Văn-Nẫm, số-quân … trình-diện đại-úy và chờ lệnh.

Dáng-dấp, vẻ mặt ngộ của em làm tôi bật cười đầy thiện-cảm, và nói:

– Em chưa trả lời vào câu-hỏi về tuổi?

– Dạ thưa đại-úy, em 18 tuổi, em sinh ngày .. tháng .. năm ..

Nam nói rõ ngày sinh tháng đẻ cốt là để xác-định với tôi tuổi-tác của em là thật. Tôi cười thầm, nói với thượng-sĩ Kiên, HSQ thường-vụ:

– Anh Kiên à! Rất may là Chi-đoàn đã được trang-bị súng trường M16, nếu không tôi nghĩ cậu lính này không vác nổi khẩu Garant M1.

Kiên nhìn tôi, gật đầu ngỏ ý tán-thành và đáp:

– Cậu ta không thể làm xạ-thủ đại-liên 50 được đâu! Nhưng nó có thể là xạ-thủ đại-liên 30 với đíều-kiện là trưởng-xa phải đóng cho anh ta một cái thùng gỗ để đứng cao lên mà nhắm biểu-xích. Nếu không tầm nhìn của nó không cao hơn nắp cửa vuông, làm sao mà bắn được.

Tôi đồng-ý với Kiên. Thực lòng, tôi không muốn nhận Nẫm về Chi-đoàn của tôi, nhưng khi đếm lại toán tân-binh này, vừa vặn chỉ có 14 trự, tôi không còn sự lựa chọn nào khác hơn. Còn các tân-binh bổ-sung cho Chi-đoàn 1/8 CX và 3/8 TK đã được đưa xuống Đức-Lập bằng trực-thăng vào trưa hôm đó. Tôi lệnh cho thượng-sĩ Kiên đưa tân-binh về Chi-đoàn và mời các Chi-đội-trưởng lên họp để nhận tân-binh bổ-sung. Phần tôi vào văn-phòng Thiết-đoàn có chút việc rồi sẽ trở về Chi-đoàn ngay.

https://i2.wp.com/www.combatreform.org/tookers106blaster.jpgKhi trở về Chi-đoàn, Kiên vội chặn tôi lại từ xa để báo-cáo:

– Các ông Chi-đội-trưỏng đang giành tân-binh. Người nào cũng có lý-do chính-đáng để được ưu-tiên bổ-sung. Ông Đệ không giải-quyết được, mọi người đang chờ đại-úy về phân-phối.

Trung-úy N. P. Đệ là chi-đoàn-phó của tôi, vóc dáng tuy nhỏ thó nhưng lại là một cây húc, tính-tình hiền-hòa và cả nể nên thường bị các chi-đội-trưởng vòi-vĩnh. Anh từng chứng-tỏ là một sĩ-quan có đảm-lược trong các trận Bầu Ốc, Cây Táo, Đồi Hồi Tâm, Chiến-khu Lê Hồng Phong trong thời-gian Chi-đoàn và Trung-đoàn 44 BB hoạt-động tại Bình-Thuận, anh đã góp công trong nhiều chiến-thắng của đơn-vị.

Khi tôi vừa bước vào, trung-úy Đệ vội lên tiếng:

– Đó, đại-úy đã về rồi, ai muốn gì thì nói đi. Ai cũng đòi ưu-tiên hết! Thưa đại-úy, mình chỉ được bổ-sung có 14 ngoe, tôi chia cho Chi-đội 1 của thiếu-úy Thành 5 người vì thiếu 9; Chi-đội 2 thiếu 3 được bổ-sung 1; Chi-đội 3 của thiếu-úy Vân thiếu 6, tôi bổ-sung 3. Còn lại 5 người tôi ưu-tiên cho Chi-đội yểm-trợ của thiếu-úy Bổn. Nhưng vấn-đề được đặt ra là không ai chịu nhận cái thằng lính sữa này. (Đoạn Đệ chỉ vào tân-binh tên Nẫm). Người nào cũng đòi đổi nó lấy người khác, vậy xin tùy đại-úy quyết-định.

Tôi nhìn về Nẫm đang ở thế nghiêm, đứng lẻ-loi ngoài hàng, còn các người khác đã được Chi-đội tiếp nhận. Gặp ánh mắt của tôi, Nẫm cúi mặt nhìn xuống đôi giầy bóng loáng với nét mặt trầm-tư nhưng xúc-động. Tôi không hiểu Nẫm đang bất-mãn hay tủi-thân vì mọi người chế-diễu dáng-dấp quá non trẻ của em. Tôi hỏi Nẫm:

– Em thích vê Chi-đội nào?

Nẫm e-dè nhìn tôi chậm đáp:

– Thưa đại-úy, Em muôn về Chi-đội nào đi đầu. Em không muôn đi đằng sau.

Tôi và mọi người đều rất ngạc-nhiên về câu trả lời của Nẫm. Tôi thầm nghĩ, có thể em chưa biết gì về Thiết-giáp nên thuộc loại điếc không sợ súng, và cũng có thể Nẫm là người can-đảm. Trung-úy Đệ nói vào:

– Chi-đội nào rồi cũng đi đầu hết, vì mỗi Chi-đội đi đầu một lần. Chỉ riêng có Chi-đội Yểm-trợ là không đi đầu mà thôi, nhưng rất cực nhọc và phải được huấn-luyện thuần-thục về việc tiếp đạn cho súng cối và đại-bác 106 ly, sức em sao vác nổi?

Nẫm ngước mắt nhìn Đệ và nói:

– Em vác nổi… Trung-úy cho em vác thử, em sẽ vác nổi cho trung-úy coi. Nẫm khẳng-định như vậy.

– Nó vác một bình sữa để bú còn nổi nữa là vác đạn!

Câu nói đùa của một tân-binh đứng trong hàng làm mọi người cười rộ lên khiến Nẫm đỏ mặt. Nẫm hướng về chỗ vừa diễu nó mà nói:

– Đễ rồi coi, khi đụng trận mới biết ai can-đảm hơn ai!

Câu trả lời của Nẫm đã khiến tôi và các sĩ-quan có mặt đều ngạc-nhiên và hứng-thú. Tôi thầm nghĩ quả Nẫm thuộc loại can-đảm chứ không phải loại điếc không sợ súng. Tới đây bỗng trung-sĩ Ngô bước vào. Ngô còn độc-thân, thuộc loại to con, dáng đi hùng-dũng, có tập Thái-Cực-Đạo. Tôi chợt nảy ra ý-kiến giao Nẫm cho Chi-đội Yểm-trợ và đặc-biệt để trung-sĩ Ngô chăm nom và huấn-luyện Nẫm. Như vậy Nẫm sẽ có cơ-hội học hỏi kinh-nghiệm tác-chiến và khỏi bị đồng-đội ăn hiếp. Do đó tôi tuyên-bố:

– Tôi quyết-định cho tân-binh Nẫm về Chi-đội Yểm-trợ của thiếu-úy Bổn. Yêu-câu anh Bổn cho Nẫm về xa-đội của trung-sĩ Ngô để Ngô huấn-luyện và bao-bọc.

Trung-sĩ Ngô là trưởng-xa kiêm xạ- thủ đại-bác không giật 106 ly gắn trên M113. Đoạn tôi hướng về Ngô, và nói tiếp:

– Tôi giao em bé này cho cậu, cậu nhận nó làm con nuôi đi (tôi nói đùa), huấn-luyện và bảo bọc nó. Nó thuộc loại gà con háu đá lắm đó. Tôi thấy đỡm-lực nó không tệ đâu.

Từ ngày hôm sau, Nẫm và Ngô như bóng với hình. Nơi nào có Ngô là có Nẫm. Ngoài thời-gian xuất- trại mỗi đêm để ứng-chiến và phòng-thủ thị-xã Ban-Mê-Thuột, khi ở trại, Nẫm luôn-luôn quanh-quẩn chung quanh chiếc xe M113 có gắn Đại-bác 106 của Ngô. Phần Ngô đã hết lòng huấn-luyện Nẫm, từ cách tháo đạn 106 ly trong hộp giấy đến cách chuyền đạn cho xạ-thủ nạp vào súng. Cách tháo ráp Đại-liên 50, cách nối dây đạn DL50 và chuyển đạn cho xạ-thủ, cách thay nòng DL50 khẩn-cấp trong lúc giao-tranh, cách leo lên pháo-tháp. Ngô cũng đóng cho Nẫm 1 thùng gỗ nhỏ dùng để leo lên nắp cửa vuông M113 hay đứng để sử-dụng DL50 khi cần.

Mỗi khi có dịp đi ngang qua, tôi thấy Nẫm leo lên, leo xuống M113 thoăn-thoắt như một con sóc, có vẻ thuần-thục và hứng-thú lắm. Lúc nào tôi cũng thấy Nẫm cười. Còn trung-sĩ Ngô thì rất thân-thiết với Nẫm. Lúc rảnh Ngô còn truyền cho Nẫm mấy miếng võ Đại-Hàn. Nhân lúc thấy Nẫm đang chùi khối cơ-bẩm của SKZ106, tôi hỏi Ngô:

– Sao? Cậu con nuôi của anh đã học được những gì rồi, liệu đã ra trận được chưa?

Ngô đáp:

– Thưa đại-úy, nó coi nhỏ thó như vậy đó, nhưng lại khỏe, thông-minh và lanh-lẹ lắm. Em đã tập cho nó đứng trong xe, bịt mắt nó lại mà biểu nó lấy cái gì là nó lấy được ngay, rất thuần-thục.

Đoạn Ngô nói tiếp:

– Các nhân-viên xa-đội mới được bổ-sung đối với Chi-đội yêm-trợ là đã được huấn-luyện xong rồi đó đại-úy. Còn các Chi-đội khác, tôi không biết ra sao.

Tôi nhìn Ngô rồi nhìn Nẫm, gật đầu tỏ vẻ hài lòng về sự nổ-lực siêng năng của họ, rồi tôi nói:

– Nếu có dịp mở đường, tôi sẽ ra lệnh cho các Chi-đội cho tân kỵ-binh thực tập tác-xạ đại-liên 50 để làm quen với cách kềm giữ đạn-đạo.

Vừa dứt lời thì có tiếng của trung-úy Đệ từ sau vọng lại:

– Đại-úy, Thiết-đoàn mời đại-úy qua họp, tôi đã lấy sẵn bản-đồ cho đại-úy đây rồi.

Tiện dịp tôi hỏi Đệ:

– Tân-binh của các Chi-đội khác đã được huấn-luyện xong chưa?

– Thưa đại-úy đã xong, riêng phần thực-hành tác-xạ đại-liên 50 thì chưa, phải chờ dịp mở đường rồi thực tập là hoàn tất.

– Tôi nghĩ là ngày mai có thể Chi-đoàn mình phải mở đường tiếp-tế cho Đức-Lập và triệt-thoái quân-dụng bị hư-hỏng. Vào buổi trưa, anh cho tập-trung tân-binh để tập bắn DL50. Tôi sẽ xin Bộ Chỉ-huy Hành-quân chấp-thuận cho mình thực-tập, chắc không trở-ngại.

Khi vào phòng họp, tôi thấy sĩ-quan đại-diện các đơn-vị Bộ-binh, Pháo-binh và tiểu-đoàn- trưởng Biệt-động-quân đã có mặt. Chi-đoàn 2/8 TK do tôi chỉ-huy và 1 Tiểu-đoàn thuộc Trung-đoàn 45 BB có nhiệm-vụ mở đoạn đường từ Ban-Mê-Thuột xuống quận Đức-Lập khoảng hơn 30 cây-số cho đoàn xe chở BĐQ vào Đức-Lập. Trung-tá N. X. Hường, thiết-đoàn-trưởng Thiết-đoàn 8 Kỵ-Binh, chỉ-huy tổng-quát. Bộ Chỉ-huy cuộc Hành-quân đóng tại đầu đèo với 1 Trung-đội Pháo-binh 105 ly, được 1 Chi-đội V100 và Thiết-vận-xa M113 thuộc Chi-đội Chỉ-huy của Thiết-đoàn bảo-vệ tiếp-cận và 1 Đại-đội Thám-kích người Thượng an-ninh xa.

Khi qua cầu 14, nằm về phía Nam thị-trấn Ban-Mê-Thuột 7 cây-số thì QL14 biến thành một đoạn đường đèo nằm giữa đồi cao, suối sâu, ngoằn-ngoèo, hiểm-trở, chạy dài khoảng gần 10 cây-số. Đặc- biệt về phía bên phải, sau những đồi núi cao là một con suối không sâu, nước chảy nhẹ, có đoạn cặp sát vào dãy đồi nằm dọc theo QL14. Con suối này chính là ranh-giới giữa hai nước Việt-Nam và Cao- Miên. Nằm giữa đoạn đường đèo nay là một làng Thượng, tức buôn Dak Giăng, hoang-phế từ lâu. Theo tin tình-báo cho biết thì vào chiều 2 hôm trước, có khoảng 1 Trung-đội CSBV xuất-hiện khá lâu rồi rút về đất Miên. Ngoài ra tin-tức còn cho biết tại bên kia biên-giới có khoảng 2 Trung-đoàn Bộ-chiến và 1 Tiểu-đoàn Đặc-công CSBV đang thụ-huấn hay dưỡng quân.

Chúng tôi tập-trung trên QL14, từ nhà thờ Quân-đội tới làng Công-giáo ngang đài Phát-thanh. Đúng 6 giờ sáng thì xuất-phát. Sau khi Pháo-binh 105 ly vào vị-trí, họ sẽ bao vùng tới khỏi buôn Dak Giăng 3 cây-số về hướng Nam, đồng-thời Pháo-binh 155 ly tại Đức-Lập cũng bắn khỏi buôn Dak Giăng 4 cây-số về hướng Bắc. Tóm lại, Chi-đoàn sẽ được Pháo-binh cả 2 chiều yểm-trợ hữu-hiệu khi qua đèo.

Khi đoàn xe dẫn đầu vừa qua khỏi cầu 14, tôi nghe trong hệ-thống âm-thoại nội-bộ có tiếng của thiếu-úy Thành gọi:

– Chuyên-ân, đây Một gọi, mình chưa vào đèo nhưng sương mù quá dầy đặc. Đứa con dẫn đầu không thấy gì! Có nên mở đèn không? Hết.

-Một, đây Chuyên-ân, cứ tiếp-tục như trước. Khi vào Đống-Đa (đèo) thì chậm lại, cho Bê-bối (Bộ- binh) hạ-chiến. Nó sẽ Lam-Sơn (lục-soát) rộng ra theo Con rắn (Quốc-lộ), hãy bám sát họ. Hết.

Thiếu-tá Anh, tiểu-đoàn-trưởng BB, ngồi trên nắp cửa vuông, bên cạnh tôi, cũng vào hệ-thống truyền-tin nội-bộ lập lại ý tôi vừa nói.

Phải hơn 30 phút sau, Chi-đội dẫn đầu mới chớm vào đèo. Lúc này vừng Đông hửng sáng, ánh trăng cũng nhòe dần. Tôi quay sang hỏi Tiền-sát-viên Pháo-binh ở bên phải tôi:

-Anh đã cho mấy anh lớn (155ly) và anh nhỏ (105 ly) sẵn-sàng chưa?

– Dạ, tất cả đã sẵn sàng. Họ đang theo sát chúng ta.

Dọc theo trục tiến quân, tôi đã cho Pháo-binh lấy sẵn yếu-tố tác-xạ vào các điểm trọng-yếu và nghi- ngờ địch xuất-hiện, mã-hóa bằng chữ.

https://s-media-cache-ak0.pinimg.com/564x/b5/44/98/b544980d875655d47b13413dcde03d20.jpgTrời bắt đầu sáng tỏ, sương mù cũng tan dần. Theo đúng dự-trù, Chi-đội 2 đã trấn giữ 2 vị-trí ở đầu đèo. Chi-đội 3 cũng đã chế-ngự 2 đỉnh-đồi, có thể quan-sát và yểm-trợ trực-xạ cho Chi-đội 2 ở phía sau. Bộ-binh đã trải-dài và trấn giữ các yếu-điểm từ đầu đèo đến chiếc xe cuối của Chi-đội 3. Nhờ trời đã sáng tỏ nên nhịp tiến cũng nhanh hơn. Cứ với đà này, chỉ trong vòng 30 phút nữa là chúng tôi sẽ bắt tay được với cánh quân từ Đức-Lập tiến ra.

Đoàn quân di-chuyển đã tiến qua khúc quẹo hình chữ chi, Chi-đội 1 và BB dẫn đầu, đang tiến gần đến Buôn Dak Giăng. Theo sau là Phân-đội Chỉ-huy của Chi-đoàn gồm 2 M113, kế tiếp là Chi-đội 4 Yểm-trợ gồm 2 SKZ 106 ly và 3 súng cối 81 ly gắn trên M113. Sau cùng là 3 xe GMC chở Đại-đội BB, trừ-bị của đoàn xe trên QL14. Riêng Chi-đội 4 Yểm-trợ được điều-động lên đỉnh 488 nằm bên phải trục tiến quân như sau: Tôi cho 1 xe SKZ 106 ly và 1 xe SC81 ly lên đỉnh đồi 488 cùng với 1 Tiểu-đội BB an-ninh tiếp-cận. Phân-đội này có nhiệm-vụ quan-sát và sẵn-sàng yểm trợ Chi-đội 3 ở phía sau và Chi-đội 1 ở phía trước.

Khi Phân-đội Chỉ-huy của Chi-đoàn vừa vượt khuất cánh chỏ của chữ Chi thì bất thần nhiều tiếng súng Đại-Liên 50 khai-hỏa rồi một tiếng nổ thật lớn phát ra từ phía sau. Tiếp theo là tiếng DL50 nổ liên hồi, rồi tiếng nổ giòn-giã của AK và tiếng xé gió của B40 phóng ra hòa thành âm-thanh sôi-sục của chiến-trường. Chi-đội 4 báo-cáo:

– Địch quân trên triền dốc đồi 488 đang bắn ra và tràn xuống.

Thiếu-tá Anh, tiểu-đoàn-trưởng BB cho biết Đại-đội BB trên GMC đã hạ-chiến và đang tiến lên đồi phía phải. Từ đỉnh đồi 488, đại-liên địch bắn rát. Thiếu-úy Bổn, Chi-đội-trưởng 4 cho biết khi 2 TVX của Ngô và Rọ vừa vượt qua lùm cây gai mắc cỡ bên đường thì địch quân phục sẵn trong bụi bỏ chạy tán-loạn. Ngay sau khi phát-giác địch, hai xe của Ngô và Rọ liền bắn và cán dọc theo luống cây gai. Sau đó xạ-thủ đại-liên 50 của Ngô bị trúng đạn nên Nẫm thay thế tiếp-tục bắn DL50 yểm-trợ cho Ngô có thời-giờ tự lo tiếp và nạp đạn vào SKZ 106 ly để bắn.

Cũng vào lúc này, bất-ngờ 2 trực-thăng võ-trang, trên đường về hướng Đức-Lập, xuất-hiện trên vòm trời lửa đạn, họ vào tần-số của cánh quân mở đường để biết rõ tình-hình. Nhân dịp này, phi-hành đoàn cho biết quân VC ở về phía trái đang tiến lên Quốc-Lộ, tôi liền ra lệnh cho Chi-đội 1, để BB tùng-thiết nằm tại chỗ, chạy ngược vê điểm tôi đang đứng và bắn dọc theo 2 bên bờ suối, không cho địch-quân xung-phong lên Quốc-Lộ.

Đồng thời, trên TVX của Ngô, Nẫm như một con sóc, nhảy xuống sàn xe lấy đạn SKZ 106 ly chuyền lên cho Ngô nạp và bắn. Nẫm cũng chuyền lên thành xe 2 thùng đạn DL50 rồi tự nạp và bắn yểm-trợ cho BB tiến lên đồi. Sau khi khẩu SKZ vừa khai-hỏa xong, Nẫm lại nhảy xuống sàn xe tiếp đạn cho Ngô, rồi lại nhảy thót lên pháo-tháp bắn DL50, Nẫm cứ tiếp-tục liên hồi như vậy cho đến khi Đại-đội BB của đại-úy Tài chiếm được đồi 488 và địch quân phải rút về biên-giới Việt-Miên.

Để thanh-toán những tên VC còn sót lại của toán địch phục-kích dọc bên đường, Ngô dùng SKZ106 ly trực-xạ làm bể đôi những tảng đá bên vệ đường, 3 VC trang-bị B40 nấp đằng sau bị bất-tỉnh. Sau khi xuống xe để quan-sát mục-tiêu và bắt trói tù-binh trở về, Ngô giật mình không thấy Nẫm ngồi trên pháo-tháp DL50 nữa, nhìn xuống dưới sàn xe thì thấy Nẫm đã chết tự bao giờ bởi 1 viên đạn xuyên qua đầu. Ngô hốt-hoảng lấy máy gọi cho tôi, run-rẩy nói:

– Đại-úy ơi! Thằng Nẫm bị rồi!

Như tiếng sét đánh bên tai, tôi bủn-rủn cả người, lòng dạ tôi tơi-bời, tâm-tư tôi chùng xuống, tôi vội vã bỏ chạy đến xe của Ngô, cách đó khoảng 150 mét. Lúc tôi tới, Ngô nước mắt lưng tròng đang vực Nẫm từ trong xe ra. Trong khi tôi đang bùi ngùi, xúc-động, không cầm nổi hai dòng lệ chan-hòa thì Ngô lẫm-nhẩm nói:

– Tội nghiệp thằng nhỏ! Nó gan-dạ quá chừng. Em chưa thấy ai gan dạ như nó. Súng tụi địch bắn ra như vãi cát vậy mà nó lanh như con sóc, thoăn-thoắt nhảy lên, nhảy xuống, tự tiếp đạn cho nó rồi tiếp đạn cho em. Đạn đại-bác đâu phải là nhẹ, vậy mà nó nâng đạn lên như đồ chơi vậy. Em có biểu nó, lên xuống hãy khom người để tránh đạn, vậy mà nó cứ đứng khơi-khơi trên pháo-tháp Đại-liên. Chắc nó bị loạt đạn cuối cùng từ phía đôi bắn ra trước khi tụi chúng rút vê biên-giới.

Ngô vừa nói vừa nấc nghẹn-ngào.

Khi thông báo về hậu-cứ danh-tánh kỵ-binh tử-trận trên đầu máy, tôi được thượng-sĩ Kiên, Hạ-sĩ-quan thường-vụ, cho biết cha của Nẫm vừa lên Ban-Mê-Thuột thăm con và hiện đang chờ ở hậu-cứ. Tôi thở dài và càng bồi-hồi xúc động hơn.

Tổng-kết cuộc hành-quân này, chúng tôi ghi nhận như sau:

– Địch có 16 bị loại khỏi vòng chiến, 3 bị bắt, bị tịch thu toàn-bộ vũ khí trang-bị cho số quân tổn-thất như AK, B40, và B41.

– Chi-đoàn của tôi có 1 chết, 2 bị thương. 1 M113 trúng đạn B40 nhưng vẫn còn chạy tốt.

– Bộ-Binh có 2 chết và 11 bị thương.

***

Trời vừa tắt nắng, Chi-đội cuối của Chi-đoàn đã qua cầu 14 để vào Thị-trấn Ban-Mê-Thuột, thượng- sĩ Kiên đem xe Jeep ra đón tôi ở đầu cầu. Vừa lên xe, Kiên cho tôi biết:

– Thưa đại-úy, tên thật của tân kỵ-binh vừa tử-trận không phải là Nẫm. Nó đã dùng khai-sinh của anh nó để đăng lính. Ba nó lên đây có đem theo giấy tờ xuất-ngũ để nhận nó về. Bây giờ Ba nó đang ở Chi-đoàn đợi đại-úy. Tôi chưa dám báo cho ông ta biết là nó vừa tử-trận. Theo đại-úy thì mình phải xử trí thế nào đây?

Kiên hỏi làm tôi phải suy nghĩ, phân-vân và khó trả lời. Tôi chỉ nói:

– Tại mệnh-số của nó như vậy, mình đâu có biết để mà tránh cho nó!

Vừa nói xong, nước mắt tôi đã lưng tròng, trong tôi đang tìm lại những hình ảnh, sinh-hoạt của nó trong mấy ngày qua. Bỗng tôi buột miệng:

– Thằng bé dễ thương chi lạ!

Tôi bảo tài-xế cho tôi về thẳng hậu-cứ Chi-đoàn thay vì về nhà xác. Tôi muốn đích-thân báo tin và thưa chuyện với cha của Nẫm, sau đó tôi sẽ đưa ông đi viếng Nẫm và lo việc tẩm-liệm.

Bước chân vào văn-phòng, tôi thấy Ba của Nẫm đang nghẹo đầu trên thành ghế ngồi, khép mắt ngủ gật với vẻ mặt cực nhọc, nhưng có nhiều nét rất giống Nẫm. Lòng tôi lại chùng xuống, chan- hòa nước mắt. Tôi lấy bình-tĩnh, đánh thức ông dậy trong tiếng nấc nghẹn-ngào:

– Bác ơi!

Ông giật mình tỉnh giấc nhìn tôi. Tôi khóc và nói tiếp:

– Thằng Nẫm đã tử-trận sáng nay rồi, Bác ơi!

Ông vừa nghe vậy, bật đứng dậy, tôi bước tới ôm choàng lấy ông, tiếng khóc của tôi đã kéo theo tiếng khóc của ông. Tôi và ông đều khóc nức-nở. Tôi khóc như khóc cho chính đứa con ruột thịt của mình. Nức-nở cùng tôi ông nói:

– Tội nghiệp cho con tôi quá đại-úy ơi! Sao lại có thể như vậy được! Trời ơi!.. Đất ơi!. .Khổ cho tôi quá…

Tôi chỉ còn biết an-ủi ông:

– Thằng bé dễ thương quá Bác ơi! Nó thật là anh-hùng, gan-dạ hết chỗ nói!

Bỗng tiếng nói của thượng-sĩ Kiên kéo tôi về thực-tế:

– Đại-úy đưa Bác ấy qua nhà Vĩnh-biệt để Trung-đội chung-sự còn tẩm-liệm cho nó. Họ chờ đã lâu rồi và trời cũng đã tối.

Tôi nhìn ra ngoài thì trời đã vào đêm, tôi mời Ba của Nẫm:

– Để tôi đưa Bác ra xe, qua nhà Vmh-biệt tẩm-liệm cho cháu.

Trên đường đến Quân-Y-Viện, nơi quàn Nẫm, ông nói:

– Đai-úy có biết không? Gần 3 tháng nay, tôi mất ăn, mất ngủ vì nó, tôi tìm nó khắp mọi nơi! Tôi đâu có ngờ nó đã đăng lính! Vì nó mới có 16 tuổi, đăng lính mà ai nhận. Rồi ông xuống giọng nói tiếp:

– Tôi chỉ sợ mấy ông trong bưng rủ-rê nó hay bắt ép nó vào bưng. Tôi tìm hỏi riết rồi một thằng bạn nó thấy tôi đau buồn quá nỗi nên mới xì ra cho tôi hay là thằng Nam đã đăng lính Thiết-Giáp. Nó lấy khai-sinh của anh nó là thằng Nẫm, đủ 18 tuổi.

Rồi ông tiếp:

– Mà cũng ác đức thật, ai đời mặt non choẹt như vậy mà mấy ông tuyển-mộ cũng tin nó đủ 18 tuổi! Thật tội-nghiệp cho con tôi, nó mê gì mà mê Thiết-Giáp dữ-dằn vậy? Mỗi lần Thiết-Giáp về hành-quân trong quận tôi là nó lấy xe đạp chạy rượt theo tít mù cho tới khi xe Thiết-giáp vào bưng nó mới chịu quay vê nhà. Mà tôi cũng tối dạ thật, phải chi tôi biết nó đăng lính Thiết-giáp thì tôi đã sớm xin cho nó xuất-ngũ rồi. Thì nó đâu có bị chết như thế này. Lấy bình-tĩnh ông nói:

– Tôi tên là Nguyễn-Văn-Năm, tôi đã đặt tên cho các con theo vân chữ “N” hết. Hai thằng lớn đã tử- trận tên Nhàn và Nhẫn, rồi tới Nẫm và Nam. Tôi muốn có thêm con trai, nhưng bà nhà tôi sợ đẻ thêm một đứa con trai nữa thành ngũ quỷ, không nên. Và ông kết-thúc:

– Có bao nhiêu con trai mới đủ cho đất nước hở đại-úy?

Xe chưa kịp ngừng hẳn tại nhà Vĩnh-Biệt thì Ba của Nẫm đã nhảy xuống, chạy vào nhà quàn khóc nức-nở. Khi tôi vào thì ông đang săn-sóc cho con, vừa làm vừa kể nỗi nhớ thương của mọi người trong gia-đình khi nó vắng nhà, ông coi như thằng Nẫm đang nằm nghe ông kể chuyện trong nhà. Tôi bước lại gần nhìn Nẫm, tôi thấy nét mặt em vẵn còn tươi như đang ngủ. Miệng em như nở nụ cười mãn- nguyện. Nhìn em, tôi lại nước mắt lưng tròng. Vào ra trận-chiến đã nhiều phen, kẻ ở người đi đã bao lần, mà lần này sao tôi lại quá nhiều thương-cảm.

Trong đêm hôm ấy, đang ở vị-trí phòng-thủ trong thành-phố, tôi được báo-cáo: “Ba của Nẫm muốn đưa con về quê chôn cất cạnh 2 anh của nó, tên Nhàn và Nhẫn, cũng đã tử trận cách đây vài năm. ông Năm yêu-cầu đừng hàn kín hòm kẽm, để ông thấy mặt con thêm một đêm nữa.”

Sáng hôm sau, theo dự-trù thì quan-tài của Nẫm sẽ được đưa ra bến xe, tôi đến nhà quàn để nhìn Nẫm lần chót. Khi bước vào nhà Vĩnh-biệt, ông Năm hãy còn phủ-phục trên xác con. Tôi tiến lại gần Nẫm, nhìn Nẫm lần cuối, rồi nhìn ông Năm.. Tôi chưa biết phải làm gì và an-ủi ông như thế nào, bất-giác tôi nói:

– Thôi, như vậy là đủ cho em Nẫm rồi! Xin Bác vui lòng ra ngồi nghỉ, Bác sẽ thắp nhang và nhìn em lần cuối trước khi đậy nắp quan tài.

Nghe vậy, ông Năm quắc mắt nhìn tôi rồi dằn giọng:

– Nó là thằng Nam. Nó tên Nam. Nẫm là tên anh nó. Nam, con út của tôi chết. Nẫm nó chưa chết.

Thấy tôi ngỡ-ngàng, ông liền hạ giọng:

– Thằng Nam nó mê Thiết-Giáp, nó muốn ở với đồng-đội của nó. Vậy tôi xin giao nó cho đại-úy. Tôi không đưa nó về quê nữa, đại-úy có lo cho nó được không?

Tôi chưa hiểu ý ông muốn gì nên hỏi lại:

– Bác ơi, Thằng Nam không còn nữa, làm sao em có thể ở lại với chúng tôi? Ý Bác muốn gì? Tôi chưa hiểu rõ!

– Ý tôi muốn an-táng thằng Nam tại nghĩa-trang cạnh đơn-vị, để Nam bên các bạn Thiết-giáp của nó. Hôm qua, trong lúc chờ đại-úy về, tôi có đi chung-quanh hàng rào doanh-trại thì tôi thấy mấy chú lính Thiết-giáp đang cắm nhang cho các mộ-phần trong nghĩa-trang. Hỏi ra tôi mới biết đó là mộ-phần của anh em Thiết-giáp tử-trận được mai-táng ở đây, nên tôi có ý-định xin đại-úy cho thằng Nam được chôn ở đây luôn, chứ về dưới quê tôi, phải chôn ở trong xa, vùng mất an-ninh, mấy khi mà vào nhang khói cho nó được!

Tôi mừng cho Nam và nói:

– Bác đã quyết định như vậy, xin để Trung-đội Chung-sự làm phận-sự, và chúng tôi sẽ lo việc an-táng.

Tôi liền gọi về Chi-đoàn, cho người liên-lạc với quản-lý nghĩa-trang để xin một phần mộ, đồng thời chuẩn-bị xe cộ và lo đào huyệt xong trước 9 giờ sáng. Trung-sĩ Ngô dù thức suốt đêm qua với Nam, nhưng khi hay tin ông Năm quyết-định mai táng con mình tại nghĩa-trang cạnh Thiết-đoàn, thì anh đã tình nguyện chỉ-huy và tham-dự việc đào huyệt cho Nam, đứa em nuôi kết-nghĩa. Trước khi hạ huyệt, lúc tôi giới thiệu ông Năm với Trung-sĩ Ngô, anh đã ôm lấy ông Năm mà khóc nức nở.

Lễ hạ-huyệt được cử hành thật trang-nghiêm và xúc-động, khiến những người có mặt không ai khỏi bùi-ngùi, thương-tiếc một kỵ-binh trẻ anh-hùng tên Nẫm tức Nam, con trai út của ông Năm.

Sau lễ mai-táng Kỵ-binh Nguyễn-Văn-Nẫm tên Nam, tôi đích-thân đưa ông Năm ra bến xe đò để rời thị trấn xuôi Nam, ông Năm cám-ơn tôi nhưng xúc-động không nói nên lời. Tôi nhìn theo ông Năm lên xe rời bến. Xe chở ông Năm nhạt-nhòa trong ánh mắt rõi theo của tôi. Lời ca của một bài hát quen thuộc vang-vọng từ quán nước bên đường đã làm cho hồi tôi rung-động khiến tôi không còn nhớ xe của ông Năm đã khuất xa từ bao giờ.

Những sớm mai lửa đạn
Những máu xương chập-chùng
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng Thiên-đường cuối trời thênh-thang

Thiếu-tá Hàng-Phong-Cao
Thiết-đoàn-phó Thiết-đoàn 8 Kỵ-binh

No comments:

Post a Comment