Sau ngày 30.4.75 , rất nhiều dân miền Nam đã hành động như cô gái này .
. . .
" 2. Học tập tinh thần bônsevich Đỗ Mười, nữ đoàn viên Lý Mỹ đã vận động thuyết phục cha mẹ kê khai tài sản, cha mẹ chần chừ, cô trực tiếp đứng ra kê khai. Cô theo dõi bố mẹ cất giấu vàng bạc, của cải, báo cho tổ kê khai moi móc ra bằng hết. Lý Mỹ phát biểu trên báo: “Tinh thần Pavel Corsaghin sáng chói trong trái tim tôi! Tôi không cần vàng bạc, của cải, cha mẹ tôi bóc lột của nhân dân. Từ hôm nay tôi từ bỏ giai cấp bóc lột, bước sang cuộc sống mới, hòa vào dòng người lao động vinh quang xây dựng xã hội chủ nghĩa” (Báo Tiền Phong số 40,1978).
Khi cha mẹ vật vã than khóc, và dọa ra nước ngoài, Lý Mỹ tuyên bố nếu cha mẹ xuất cảnh, cô sẽ ở lại một mình, chấp nhận cuộc sống cô đơn để cống hiến cho lý tưởng cộng sản!
Nhật ký Lý Mỹ khép lại vào 3h sáng ngày 25/3/1978 như sau: "Má đã yên tâm rồi. Còn mình lại càng yên tâm hơn khi gia đình mình đã chấm dứt quá khứ từ ngày hôm qua để chuẩn bị bước vào tương lai. Mình không còn mặc cảm với bạn bè, nhân dân lao động vì gia đình mình không còn sống bằng nghề bất chính. Mình đã đấu tranh, đã thực hiện được lý tưởng, mơ ước của mình. Hãy cất cao tiếng hát, hãy tiến lên. Không có gì ngăn cản được bước tiến của mình. Mình trở lại phấn khởi rồi, vui quá..."
. . .
5. Về số phận của nữ Đoàn viên điển hình Lý Mỹ:
Cũng năm 1978, Lý Tích Chương, cha của Lý Mỹ bị bắt vì tội trốn đi nước ngoài, lúc đó, Lý Mỹ đang được đi Cu Ba dự Liên hoan thanh niên Thế giới. Khi về đến Sài Gòn, cô được vào trại giam thăm ba và ông được thả do sức khỏe suy sụp. Gia đình ông quyết định "ra đi". Ông Lý Tích Chương gửi lại một người Hoa 10 lượng vàng, dặn cứ để Lý Mỹ nếm cực khổ, khi không chịu nổi nữa hãy đưa cô số tiền ấy để cô vượt biên.
Sau 1975, đêm nào Lý Mỹ cũng phải sống trong nước mắt, cảnh đời quay quắt, bị đòi nợ. Ngôi nhà cha mẹ để lại bị chiếm mất, thay vì phải đấu tranh để trả lại tài sản cho cô, Lý Mỹ lại được động viên, “lý tưởng Đoàn không cần tài sản”.
Năm 1985, không thấy Lý Mỹ vượt biên, người bạn của gia đình mới trao lại 10 cây vàng cho cô làm ăn. Đến lúc ấy, Lý Mỹ mới biết, chuyến vượt biên của gia đình thành công. Nhưng trong thời gian ở trại tị nạn Malaysia, ông Lý Tích Chương lâm bệnh. Vào đúng hôm gia đình được chấp nhận đi định cư ở Úc, ông Chương mất. Tuy Lý Mỹ đã không bỏ Việt Nam ra đi như gia đình cô tiên liệu, nhưng cô cũng không trở thành một Pavel Korchagin như ước mơ. Như một thanh thép đã được tôi, Lý Mỹ tự chọn lấy con đường cho mình. Cô nữ sinh điển hình trong chiến dịch cải tạo tư sảnnăm 1978, 30 năm sau, lại trở thành một nhà tư sản. Lý Mỹ hiện cùng chồng, hoạ sỹ Nguyễn Văn Vinh, sở hữu bốn công ty kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông và xuất nhập khẩu. Cô đã làm những hành động "của tư sản mại bản" mà chiến dịch X-1, X-2, X-3 diệt trừ sạch bách trước đây!"
(Trích Bên Thắng Cuộc của Huy Đức)
No comments:
Post a Comment