Vào nơi gió cát
(Riêng tặng bạn Nguyễn Tiến Mão)
Tôi là một sĩ quan nhà nghề, hiểu theo nghiã được đào tạo từ một trường sĩ quan hiện dịch, nhưng không phải là một sĩ quan có tính truyền thống. Bố mẹ, anh em họ hàng nội ngoại duy chỉ có tôi là đi lính. Mãi cho đến những năm sau này, khi chú em trai út của tôi khi bị kêu nhập ngũ cũng ghi danh vào trường sĩ quan hải quân là cả dòng họ có 2 người! Khi còn ở trong trường, tôi đã đựơc học đủ mọi kỹ năng chỉ huy, kỹ thuật tác chiến, và thuật lãnh đạo. Nhưng nói cho ngay tình, kể từ lúc ra trình diện đơn vị, trực tiếp lãnh trách nhiệm chỉ huy trung đội bộ binh đầu tiên thì tôi phát giác ra rằng giữa lý thuyết và thực tế có nhiều khác biệt quá, thậm chí đến mức trái ngựơc nhau nữa.
Tôi trình diện thiếu tá Bách, trung đoàn trưởng trung đoàn 11, tại BCH trung đoàn, ở Phú Lâm lúc 9 giờ sang, thì 3 giờ chiều đựơc đưa lên xe GMC ra tiểu đoàn 3/11 đang hành quân tại quận Ðức Hòa. Trình diện đại úy tiểu đoàn trưởng Huỳnh văn Chính lúc 4 giờ tại BCH Tiểu đoàn đang đóng tại 1 nhà dân bên vệ đường, ngay sau đó tôi được điều về đại đội 1. Tôi tiếp tục lội bộ khoảng nửa cây số đến gặp trung uý Cao để nhận trung đội. Trung úy Cao người nhỏ nhắn, hơi đen, nét mặt hiền, dễ chịu.
Trung úy Cao nói với tôi, “Tôi vưà được biết tiểu đoàn bổ sung cho đại đội 1 sĩ quan mới, thay thế cho thiếu úy Tiến trung đội trưởng trung đội 1 bị thương hồi tuần trước. Thiếu úy qua gặp trung sĩ nhất Mạnh, trung đội phó, để nhận đơn vị.” Theo dấu tay chỉ, tôi tiếp tục lội bộ khoảng 300 thước đến bên một bờ mẫu chờ 1 toán quân đang kéo ra từ phía trong làng. Trung sĩ nhất Mạnh có lẽ cũng đã nhận được lệnh từ vô tuyến, nên khi thấy tôi, ông đã chạy lại, dơ tay chào niềm nở: “Thiếu úy mới về?”
Ðám binh sĩ chạy bu lại, nhìn tọc mạch, tò mò, có tiếng nói vọng từ xa “Thiếu úy mới ra lò chúng mày ơi!” Tôi im lặng không nói (Thực ra là biết nói gì?). Ðó đại khái cuộc bàn giao đơn vị đầu đời cuả tôi là như thế. Nó chẳng giống tí nào với những lễ nghi quân cách trong khi bàn giao các chức vụ chỉ huy mà tôi thường thấy và những thủ tục đựơc học khi còn là SVSQ.
Thời gian đó là giữa tháng 4 năm 63. Tình hình cuộc chiến kể chung không có những trận chạm súng ác liệt lắm, ngoại trừ trận Ấp Bắc mà tôi chỉ đựơc nghe nói lại một cách rất sơ sài. Những tháng ngày tiếp theo là các cuộc hành quân tiễu trừ du kích nằm trong khu vực Hậu Nghiã, Trảng Bàng, Bình Duơng…
Những cuộc hành quân có vẻ lạ đối với tôi trong một vài ngày đầu nhưng rất mau sau đó trở thành tẻ nhạt và tôi phản xạ theo thói quen nhiều hơn. Sáng 4 giờ thức giấc, chuẩn bị cơm nước trong ngày, xe GMC chở đơn vị dọc theo tỉnh lộ chừng vài cây số, dừng lại, dàn quân hàng ngang, đội hình tam giác đáy trứơc, hướng về phiá bià làng thẳng tiến! Cách bià làng chừng 1, 2 trăm thứơc, có tiếng súng bắn báo động từ trong làng, kèm theo là tiếng mõ, tiếng đập nồi niêu phụ họa vang khắp xóm…. Những toán quân tiền sát chạy nhanh tới bám vị trí ven làng, cẩn thận lục soát, ra hiệu cho đại đội tiến vào, rồi tiểu đoàn…
Lại gặp các cụ già, đàn bà, em bé ngồi thu lu trong nhà nhìn ra ánh mắt sợ sệt lo âu khi thấy toán lính băng ngang qua vừơn, qua trước cửa nhà. Buổi chiều dừng quân, tiểu đoàn ấn định vị trí phòng thủ cuả đại đội, đại đội phân công cho trung đội, rồi bố trí, đào hầm hố…. trong đêm vài tiếng súng bắn vu vơ, tiếng gõ nồi niêu, tiếng loa địch vận cuả địch kêu léo nhéo theo hướng gió đưa tới. Có lần toán thám báo tiểu đoàn bò tới bắt gặp một cụ ông nằm dưới hố sau bụi tre gai, gác chiếc loa bằng bià vẩn còn đang hăng hái kêu gọi! Hôm sau, lại cũng từ vị trí đóng quân, tiếp tục cuộc hành trình đi dọc theo các làng xóm sống dài theo các hương tỉnh lộ thuộc quận Đức Huệ. Mỗi cuộc hành quân kéo dài trung bình từ 2 đến 3 ngày, rồi kéo ra lộ nghỉ một đêm một ngày rồi xe quân vận tới chở đi nơi khác! Cuộc chiến tranh tẻ nhạt và mệt mỏi. Tẻ nhạt bởi vì nó không có những màn chạm súng hào hứng, đòi hỏi sư vận dụng trí óc để sát hại nhau, nhưng lại rất mệt mỏi bởi vì ngày nào cũng phải đi bộ trong nắng gắt hàng chục cây số với quân trang, tiếp liệu trên vai.
Gần hai tháng trời lang thang hành quân theo kiểu ấy, ngoại trừ vài cuộc chạm súng lẻ tẻ với dăm ba tên du kích vào loại điếc không sợ súng, kết quả cũng chẳng có gì đáng kể. Riêng tôi thì có nhiều suy tư hơn. Từ giã quân trừơng mới hơn 3 tháng, bỏ bút nghiên, trực tiếp cầm súng tiếp mặt với quân thù, cuộc sống thực tế đã mang đến cho tôi bao hoang mang. Cuộc sống cam go, vất vả cuả người lính khác hẳn những gì tôi tưởng tựơng ra trước đây, nó chẳng có tí thơ mộng nào như những phim ảnh, bài ca mà tôi từng đựơc xem qua hay đựơc nghe tới. Cuộc sống ấy hào hùng thật nhưng cơ cực quá đỗi. Bữa ăn, giấc ngủ chỉ là những khoảng thời gian tạm dừng để đổ đầy nhiên liệu, hoặc xả hơi chờ khởi động trở lại.
Cuộc sống cuả ngừơi lính gắn liền với sự chuyển động. Họ đi tìm cái gì, tôi chẳng biết, nhưng chắc chắn không phải là đi tìm niềm vinh quang như nhiều chính trị gia từng lừa mị họ. Cái chết treo trên ngọn cây, phủ kín dưới bãi cỏ xanh non trong trái lựu đạn gài, quả mìn nội hóa. Cái chết rình trong gốc rạ, bờ đê, trên cánh đồng ngập lúa vàng giữa 2 con mắt cuả những sát thủ đang nằm phục kích sẵn sàng khai hoả. Cái chết có cả ở trên trời, dưới nước, khi những trái hoả tiễn, thuỷ lôi phát nổ. Cái chết có từ mọi phía, mọi nơi, mọi lúc… nhưng ngừơi lính chiến thì chỉ có một và duy nhất! Người lính chiến ấy có tên gọi, một số quân riêng biệt không thể có người trùng lập. Cuộc chiến tranh nào cũng là nỗi đau chung cuả con người. Cái trớ trêu chính là mọi cuộc chiến thường luôn khởi đi từ các quyết định của các vị ăn mặc sang trọng ngồi họp bàn thoải mái trong các phòng họp đầy đủ tiện nghi!
Cuối tháng 5 đơn vị chúng tôi di chuyển đi Kiến phong.Tôi nhớ lại những ngày bảo vệ chiếc sáng múc đất khơi kinh Ðồng Tiến tại Hồng Ngự. Lúc chúng tôi có mặt tại kinh, sáng xúc bùn thổi lên hai bên bờ kinh nằm cách Ngã năm Tràm Chim hai cây số. Sở dĩ Ngã năm có tên như vậy vì là nơi giao nhau của hai con kinh Đồng Tiến và Rạch Đường Gao và một nhánh bắt từ ngã tư giao lộ này một kinh đào khác chạy ngược lên lên hướng tây bắc đi về hướng Tân phú, Tràm Dơi.Hành quân tại vùng IV
Tiểu đoàn 3/11 là tiểu đoàn nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho công tác đào kinh, trực tiếp canh gác an ninh cho tầu sáng xúc đất. Mỗi đại đội của tiểu đoàn đựơc phối trí trên 10 chiếc xuồng công binh, nằm toả nan quạt hai bên chiếc tàu sáng chừng non cây số. Ở đây muỗi đòn sóc nhiều vô kể số. Mỗi buổi chiều về, khi mặt trời vưà khuất, bóng từng đàn muỗi bay từ chung quanh đồng cỏ tới như những đám sương mù. Mọi sinh hoạt như tạm ngưng lại vì mọi người phải chui vào trong mùng tránh muỗi. Trâu bò cũng phải ngủ trong mùng! Buổi sáng, buổi trưa, lính tráng quan quyền đi lang thang trên những cánh đồng cỏ năn cỏ lác, từ Kinh Hương Quản Tân, tới Giòng Các, Đồng Cộ… một giải đồng cỏ thẳng cánh cò bay để tìm vũng tát cá. Cá cũng nhiều vô kể, cá rô, cá lóc, cá sặt tát vũng đem về phơi khô chất đầy cả xuồng. Có cái thú nào bằng nằm giữa cánh đồng bao la, gió thổi mà suy ngẫm chuyện đời, hoặc kể lể chuyện riêng tư cho nhau nghe?
Nhiều khi hứng chí, tôi cùng chú lính truyền tin, hai thầy trò lội bộ về BCH tiểu đoàn đóng cách đó 3 cây số, nơi đây có một ít hàng quán cuả gia đình công nhân viên trên tầu sáng tổ chức buôn bán đủ thứ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cùng rượu nếp đồ khô để nhậu. Cặp nách lít đế được nấu từ Kiến Phong mang vào, mua thêm vài ba bao thuốc Ruby Qeen rồi hai thầy trò trở lại cùng đám đệ tử đang chờ sẵn tại xuồng chén chú chén anh. Quan với lính làm sao phân biệt đựơc khi cứ chia bình quân 6 người một cái xuồng công binh, để làm căn cứ vưà ngủ vưà phòng thủ? Bước xuống khỏi xuồng là cả một cánh đồng cỏ năn cỏ lác rộng mút đường chân trời lúc nào cũng xâm xấp nước! Mọi thứ huấn thị điều hành về canh gác đều bị bỏ quên một cách cố ý. Mổi xuồng là một vọng gác và người lính gác giặc cũng gác từ trong mùng cá nhân cuã mình! Gần hai tháng đi theo con kinh đào làm làn da khô đen vì đất bùn và phèn, tôi trông ra đã có vẻ là một người lính chính hiệu! Thời gian êm đềm dễ chịu giữa trời mây đồng cỏ với những người dân quê mộc mạc bình dị tôi thường gặp lúc lang thang trên đồng. Cuộc chiến hình như ở nơi nào xa lắm, mơ hồ… Nơi đây bình yên và lặng lẽ quá. Những thành phố ồn ào náo nhiệt thoảng qua trong trí nhớ rồi mờ dần trong khung cảnh bao la mây nước và trời xanh của nơi đây.
o O o
Ðến đầu tháng 7, tiểu đoàn được lệnh di chuyển đi Trà Vinh. Lại một chuỗi những ngày di hành tìm địch trong các sóc thôn với những cái tên nghe rất ngộ: Cầu ngang, Cầu Kè, Long Hữu, Long Toàn, Ô lắc… Tháng 8, chuẩn úy Mậu, trung đội trửơng trung đội 1 đại đội 2, chết tại trận Sóc Ruộng ở đây. Trận đánh kéo dài từ 10 giờ sáng cho đến tối mịt, giữa tiểu đoàn 307 VC nổi tiếng cuả Trà Vinh với đơn vị chúng tôi. Ðây cũng là cuộc chạm súng qui mô đầu tiên cuả tôi kể từ ngày ra trừơng tới giờ.
Chiến trường là một vồng đất pha cát hiện đang trồng khoai và mì. Khi đơn vị tiền sát cuả đại đội 2 vưà lú ra khỏi bờ rẫy để di chuyển qua một trảng trống thì địch khai hoả. Ðại đội 2 bố trí bắn trả và kêu pháo binh hỗ trợ, trong khi đại đội tôi nhận lệnh di chuyển lên ngang tuyến với đại đội 2 để chờ lệnh xung phong tiến chiếm mục tiêu. Hai trung đội pháo binh 105 li từ BCH / Trung đoàn bắn yểm trợ nổ ạch đùng, lúc xa lúc gần rõ rệt không có hiệu quả cao. Súng cối 81 li cuả tiểu đoàn yểm trợ thêm vào nhưng số lựơng đạn dược mang theo hành quân đâu có nhiều.
Đến khoảng gần 2 giờ chiều, chúng tôi đựơc lệnh mở hoả lực cá nhân để xung kích. Ðợt xung phong đầu tiên ra tới giữa khoảng đồng trống thì bị dội ngựơc vì hoả lực đại liên cuả địch. Súng cuả địch và ta nổ tứ tán. Tiếng la, tiếng hét, tiếng chửi thề vang lên khắp 4 phía. Trong cái hỗn loạn ồn ào đó, tôi nghe thấy có tiếng quen hỏi: “Ðại đội 1 đó phải không?”
Tôi nhận ra tiếng cuã Mậu. Tôi lên tiếng “Ðúng rồi, Vũ đây”. Cả hai chúng tôi đều nằm áp sát xuống nền ruộng đất pha cát, dùng tay moi cào lấy 1 cái hố tạm bợ hòng núp đạn địch đang từ hướng trước mặt bắn sang xối xả.
Trong lúc còn đang lùng bùng với mọi phản xạ cấp thời của một người lính thì tôi nghe tiếng kêu thất thanh từ phía chỗ nằm của Mậu ‘’Chuẩn úy Mậu bị thương rồi!“. Rồi có những bóng người trườn tới làm nhiệm vụ cứu thương và tản thương. Tôi ngước nhìn từ chỗ một bụi dứa dại nằm chếch bên phía phải, nơi có cây trung liên đang nổ liên hồi về phía chúng tôi. Những tiếng đạn xé không khí bay xèo xèo trên đầu thật khó chịu. Hạ sĩ Phương cầm cây phóng lựu của trung đội tôi đang nhắm vào nó. Tôi quay sang nói với Phương “Chú mày nhắm vào bụi dứa kia kìa, thấy nó chưa?“ Phương gật gù cái đầu, “Thấy rồi ông thày.” Một tiếng “bụp” nghe khô khốc, quả lựu đạn bay thẳng vào bụi dứa nổ tung, cả trung đội ào lên vừa bắn vừa la chạy thẳng vào mục tiêu…
Hạ sĩ nhất Lâm Phương là người Sóc trăng, gốc Campuchia, người thấp, nhỏ con, lính tình nguyện có thâm niên quân ngũ 5 năm. Tính anh hiền lành ít nói nhưng lỳ lợm nhất trong trung đội. Từ hôm tôi về làm trung đội trưởng thay cho niên trưởng đàn anh của tôi là thiếu úy Ngô gia Tiến, Khoá 16, được anh dặn dò “Trung đội này là trung đội ngon nhất của đại đội đấy”. Tiến vừa là trung đội trưởng vừa là đại đội phó. Đại đội trưởng là trung úy Ngô văn cao, khóa 4 Thủ Đức, vốn gốc công chức bị động viên. Trung đội trưởng gồm tôi cũng họ Ngô, còn một chuẩn úy Ngô văn Hách gốc quân cảnh tư pháp nữa thành ra đại đội có hỗn danh “Gia đình trị!“
Khi lục soát xong mục tiêu chúng tôi mới phát hiện ra đơn vị địch là một đại đội thuộc tiểu đoàn 307, một tiểu đoàn nổi tiếng của địch trong vùng này. Cuộc chạm súng kết thúc trong ngày nhưng máy bay tản thương phải đến gần chiều tối mới tới. Chuẩn úy Mậu, trung đội trưởng trung đội 2 thuộc đại đội 2, chết trước khi được đưa lên trực thăng ít phút. Đại đội hai là đại đội duy nhất trong tiểu đoàn lúc đó được trang bị thử nghiệm súng AR15. Thành ra mỗi khi đụng độ, đại đội này luôn là mũi xung kích càn quét chủ lực. Đại đội có niên trưởng Hoàng lê Cường, Khóa 16, trung đội trưởng kiêm đại đội phó, và một bạn đồng khóa với tôi Nguyễn tiến Mão và chuẩn úy Mậu là trung đội trưởng. Đại đội trưởng là đại úy Nghiêm “đầu bạc “. Cuộc hành quân kéo dài thêm hai ngày tiếp tục truy kích tìm dấu vết địch nhưng không có trận đụng độ nào sau đó nữa. Ngày thứ tư, cả tiểu đoàn kéo nhau ra lộ, lên xe trở về nghỉ quân tại tỉnh lỵ Vĩnh Bình khu ao Bà Om. Hai ngày sau đó chúng tôi di chuyển về lại Mỹ tho.
Lúc đó là cuối tháng 10. Tính từ ngày ra trường, tôi cũng đã có mặt tại đơn vị hành quân này gần nửa năm. Tiến bị thương, chuyển đơn vị khác, tôi thay thế làm đại đội phó. Tống văn Vinh là trung đội trưởng với Hách. Mang tiếng là đại đội tác chiến nhưng quân số chưa bao giờ lên tới trên 70 người khi tham gia hành quân. Thành ra đại đội chỉ có hai trung đội khinh binh và một trung đội vũ khí nặng gồm một cây đại liên 30 và một cây súng cối 60 ly yểm trợ hỏa lực. Tình hình chiến trường kể từ ngày tôi về đơn vị, trận Sóc Ruộng là trận đánh có vẻ là “ác liệt“ nhất!
Ngày 8 tháng 11, tiểu đoàn đang hành quân vùng Cổ Cò thuộc tỉnh Mỹ Tho thì được lệnh kéo trở ra quốc lộ 4. Buổi chiều mới tới nơi, lật đật lên xe di chuyển đi ngã ba Thủ Thừa. Quen với kiểu di động liên tục này, chẳng ai trong chúng tôi thắc mắc ngày mai sẽ làm gì, ở đâu. Cả một khu chiến Tiền Giang gồm các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Long An, Kiến Phong, Kiến tường, Kiến Hòa bao la này chỉ có 3 tiểu đoàn của 3 trung đoàn tác chiến 10, 11, 12 luân phiên nhau đi “tìm diệt địch“. Chuyện sáng Mỹ Tho chiều Long An, Gò Công đâu có gì là khó hiểu. Khi đoàn xe dừng trên quốc lộ 4, tiểu đoàn kéo vào Thủ Thừa trú quân chờ lệnh. Bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng gần ngã ba gần quốc lộ còn đại đội tôi di chuyển vào phía xóm gần chợ. Nghỉ ngơi được 3 ngày, chiều ngày 11 tiểu đoàn lên xe trực chỉ Sài gòn tham gia “đảo chánh“! Đại đội tôi kéo vào trú quân chờ lệnh tại trường Petrus Ký.
Sáng ngày 12, khi cả Sài Gòn dân chúng đổ ra đường mừng “cách mạng“ thắng lợi cũng là lúc em trai chở mẹ tôi đến tìm tôi tại cổng trường. Tính ra cũng đả gần nửa năm tôi chưa về phép thăm gia đình, mẹ tôi già và ốm đi nhiều qúa. Tôi hỏi mẹ căn bịnh phổi của mẹ ra sao mẹ tôi chỉ cười bảo:“Mẹ khoẻ nhiều và bớt ho nhiều rồi!” Tôi biết tính bà, không bao giờ bà muốn tạo ra nỗi lo cho các con. Biết nhưng làm gì cho điều mình biết ấy? Hai mẹ con nhìn nhau ngậm ngùi. Mẹ bảo “Nhìn thấy con đen nhưng khỏe là mẹ mừng rồi”. Hai mẹ con ngồi trên chiếc ghế đá công viên gần cổng trường Petrus Ký trò chuyện cho đến chiều bà mới về. Tôi nói với mẹ,”Sau cuộc hành quân này con sẽ được nghỉ phép 3 ngày về thăm mẹ.” Mắt bà ánh lên niềm vui.
Ngày 13 tiểu đoàn lên xe trở về vùng hành quân. Sư đoàn lúc này do tướng Phạm văn Đỗng là tư lệnh. Đoàn xe dừng lại tại ngã ba Trung Lương, đại úy Huỳnh văn Chính tiểu đoàn trưởng vào BTL/SĐ tại Mỹ Tho nhận lệnh hành quân. Mười một giờ, đoàn xe lại chuyển bánh lần này dừng tại ngã ba Dưỡng Điềm. Tiểu đoàn chia làm hai cánh lục soát dọc theo hai bên Rạch Thuộc Nhiêu đi về hướng Vĩnh Kim.
Di chuyển chưa bao xa, tôi ước lượng cách quốc lộ 4 mới chừng hơn hai cây số trung đội đi đầu của cánh quân bên phía tây con rạch báo cáo dân chúng đang chạy túa ra ngoài lộ. Một chỉ dấu có đơn vị địch đang hiện diện trong đó. Kể từ ngày ra trường, trong các cuộc hành quân kiều tìm diệt này cho chúng tôi một kinh nghiệm lý thú: Khi nào có dân trong vùng chạy ra ngược chiều với trục tiến quân thì thế nào đơn vị cũng phải chuẩn bị sẵn sàng chạm địch. Thường thì ngay tại chỗ trú quân của địch, dân bị giữ lại trong nhà vì sợ ra báo cho chính quyền địa phương; nhưng khi cuộc hành quân xẩy đến thì những ai sống gần khu có địch thường tháo thân ra ngoài lộ vì sợ tên bay đạn lạc.
Tiếng trung úy Cao nhắc nhở đại đội cẩn thận sẵn sàng tác chiến vang lên trong máy truyền tin. Tôi cho trung đội dừng lại, mở rộng đội hình vào các vườn cây và thận trọng tiến quân lục soát. Chẳng cần chờ đợi lâu, mới di chuyển chưa đầy năm trăm thước là súng nổ như bắp rang. Cũng may nhờ có chuẩn bị trước nên loạt đạn đầu của địch không gây nhiều tổn thất cho chúng tôi. Cùng lúc, phía bên kia bờ rạch tiếng súng cũng dòn dã không kém. Tiếng đạn bay cheo chéo trên đầu, tiếng súng phóng lựu, tiếng súng cối ì ầm. Chúng tôi nấp dưới đường mương cạn quan sát và bắn trả. Đây là vùng đất trồng cây trái, đa phần là mận, gần như mọi khu vườn đều giống nhau. Các cây ăn trái trồng theo từng hàng trên một luống đất cao, xen kẽ là các mương nước cạn. Chiều chiều khi nước trong rạch theo triều sông Mỹ dâng lên đổ thẳng vào các mương này, chủ vườn dùng một cây gáo dài múc nước tưới cho cây. Cuộc sống thong thả và bình an giờ đây chẳng còn nữa. Súng đạn đã lấy đi hết sự bình lặng ấy, và trả lại bằng máu đổ thịt rơi và lòng hận thù.
Cuộc chiến ác liệt hơn khi các phi cơ khu trục được kêu tới vần vũ oanh tạc, rồi pháo binh bắn yểm trợ ngay sau khi phi cơ ra khỏi mục tiêu. Bụi đất, cây cối trốc gốc, nhà cửa cháy, súng lớn súng nhỏ thi nhau nổ. Chiến trường nồng mùi thuốc súng và mùi khói của nhà cháy…
Chiều đến rất nhanh, thời gian ở chiến trường thường nhanh hơn đời thường có lẽ vì tất cả mọi người đang đối mặt nhau đều mong nó đi cho thật nhanh hơn để thoát ra khỏi nó an toàn. Tiếng trung úy Cao gọi tôi quay trở về đại đội nhận lệnh. Tôi nương theo các đường mương quay trở về phía sau. Trung úy Cao nói nhỏ cho tôi biết Tống văn Vinh, trung đội trưởng trung đội hai, đã tử thương. Phía bên kia sông cánh quân chính gồm đại đội hai và ba cũng đang chạm rất nặng. Đại úy Chính bị thương vào ngực đang chờ di tản, thiếu úy Thuận, đại đội trưởng chỉ huy, thiếu úy Cầu, sĩ quan hành quân của tiểu đoàn, cũng bị thương. Tình hình có vẻ không mấy thuận lợi. Sau đó TĐT tăng phái cho tôi tiểu đội súng máy và dặn dò tôi tổ chức phòng thủ chặt đề phòng địch có thể phản công. Tôi lặng lẽ nhận lệnh và trở về trung đội của mình.
Trời về đêm, chiến trường chìm trong yên lặng. Chỉ còn nghe tiếng nổ lách tách của tre nứa từ những căn nhà đang cháy dở vang tới. Đại đội tôi cũng có vài người bị thương và một người chết. Tất cả được gom vào căn nhà phía sau nơi bộ chỉ huy đại đội bố trí. Tôi dời đường mương leo lên nằm sau một gốc cây mận già nhìn mông lung qua phía trước cách tôi chừng vài chục thước, nơi có tuyến phòng thủ của đơn vị địch.
Nhìn lên bầu trời vầng trăng mỏng như một chiếc liềm không đủ sáng, tôi chực nhớ tới lời trung úy Khiết, ông thày dạy địa hình ngày nào. Thầy Khiết bảo, “Các anh có biết cách nào để nhìn trăng biết là ngày cuối tháng hay đầu tháng không?“ Dĩ nhiên là mấy tên học trò chúng tôi mới bước chân vào lính làm sao mà biết được một điều “lãng nhách“ như thế! Cần thì dở lịch ra mà xem, ai nhọc công nhìn trăng mà đoán. Trung úy Khiết bảo, “Thực ra, trong lúc bình yên, kinh nghiệm này có lẽ chỉ là một thú vui, nhưng đời người lính, sự hiểu biết này rất có ích. Bởi vì khi lạc trong rừng rậm, các anh cần phải biết tìm lấy hướng mà đi, phải biết mình đang ở khoảng thời gian nào trong tháng.” Trước các khuôn mặt nghệt ra vì… lạ của đám tân khóa sinh chúng tôi, trung úy Khiết bắt đầu bài giảng địa hình về cách tìm phương hướng trong rừng rậm mà không cần địa bàn. Riêng về trăng thày Khiết bảo, “Các anh chỉ cần nối hai đầu lưỡi liềm của vầng trăng lại. Nếu vòng cong của trăng và đường cung nối hai đầu là hình chữa D, trăng cuối tháng Nhớ D là dernière và chữ P là đầu tháng, P là première.” bây giờ khi tôi nhìn lên vầng trăng kia, đúng là trăng cuối tháng. Tôi nhớ tới Trường, ngôi trường mẹ thân yêu của tôi. Mới đó mà cũng hơn nửa năm từ ngày ra trường.
Bình minh ló dạng. Một ngày mới bắt đầu. Chúng tôi được lệnh tiếp tục lục soát mục tiêu. Khi tiến vào khu vực trú quân và phòng thủ của địch chúng tôi phát giác ra dấu vết đơn vị địch đã rút chạy về phía tây qua khu Long Mỹ sau đó nương theo mương rạch băng qua quốc lộ 4 chạy ngược lên hướng Bắc vào vùng Đồng Tháp. Tiểu đoàn được lệnh kéo quân ra lộ rồi theo xe về lại chợ Bến Tranh. Tiểu đoàn có nhiều thay đồi sau tổn thất vừa qua. Trung úy Cao có nghị định thăng cấp đại úy từ đầu tháng 11 nay chính thức được gắn cấp bực và giữ chức tiểu đoàn phó. Đại úy Dương văn Tư vốn là cựu quận trưởng Cần Giuộc về làm tiểu đoàn trưởng thay thế đại úy Chính bị thương. Tôi thay thế đại úy Cao giữ chức đại đội trưởng đại đội một. Thiếu úy Hoàng Lê Cường, Khóa 16, thay thế đại úy Nghiêm giữa chức vụ đại đội trưởng đại đội hai. Nhiệm vụ của tiểu đoàn lúc này là yểm trợ các toán xây dựng nông thôn. Hành quân giữ an ninh tỉnh lộ từ chợ Bến Tranh đi Phú Kiết và ngã ba Mỹ Tịnh An.Trực thăng vận
Từ sau trận Sóc ruộng ở Vĩnh bình đây là trận đánh thứ hai có quy mô tôi tham dự. Sau này tôi được biết đơn vị địch hôm ấy là tiểu đoàn 514 cơ động tỉnh Mỹ Tho của địch. Duy chỉ có điều lạ là tại sao một đơn vị cấp tiểu đoàn của địch lại có thể tiến đến gần tỉnh lỵ Mỹ Tho như thế. Từ Dưỡng Điềm đi xuôi theo rạch Thuộc Nhiêu, qua ngã ba rạch sông Cù, rạch Chà Là là tới Vĩnh Thạnh, quận Vĩnh Kim nằm sát nách Mỹ tho! Có một điều thật đơn giản mà tôi không nghĩ ra, khi các đơn vị quân đội canh chừng nhau làm đảo chính và binh biến, địch lớn lên rất nhanh và họ đang cố gắng lợi dụng tình hình đó để áp sát các tỉnh lỵ quan trọng chờ thời cơ. Những chính trị gia và các tướng lãnh quân đội đang ngày đêm tính toán chuyện tranh bá đồ vương đã quên đi kẻ thù thực của mình. Chỉ có những đơn vị đang lặn lội ngày đêm như chúng tôi là không có cơ hội nghỉ ngơi luôn phải đối phó và đề phòng địch. Cuộc chiến được đặt nặng trên vai những người lính. Cả hậu phương lo chuyện tranh giành. Nay đảo chính, mai binh biến, mốt chỉnh lý… Chúng tôi đang chiến đấu cho ai? Kẻ thù của chúng tôi ngày càng tàn ác và hung hãn quỷ quyệt hơn. Cuộc chiến ngày thêm khốc liệt. Các đơn vị của địch được trang bị tốt hơn, những đơn vị chính quy miền bắc xâm nhập ngày càng đông hơn. Chẳng bù cho trước đây các đơn vị chủ lực địa phương chúng tôi gặp thường là tiểu đoàn 514 thuộc tỉnh Định Tường, tiểu đoàn 516 của Bến Tre thì giờ đây có bóng dáng thành lập các trung đoàn Đồng Tháp 1 và 2 từ các tiểu đoàn “cơ động” miền 261, 262, 263 và 265. Vũ khí của chúng tôi mới được trang bị AR15 kèm với Garant M1, carbin, trong khi đối phương có AK 47. Nếu so về mức độ tiện dụng và hỏng hóc thì sung cuả bọn chúng có vẻ khá hơn vũ khí của chúng tôi trong địa thế sình lầy nước phèn.
Tháng 8 năm 1965 tôi được lệnh về nắm đại đội Trinh sát 11. Cũng cần phải nói đôi dòng về đơn vị này. Từ ngày về làm tư lệnh sư đoàn 7, tướng Nguyễn Bảo Trị mang ý tưởng thành lập mỗi trung đoàn một đại đội trinh sát theo mô hình của sư đoàn 22 ông làm tư lệnh trước đó. Theo bảng cấp số của Bộ TTM thông lệ, mỗi sư đoàn chỉ có một đại đội trinh sát của Sư đoàn. Nhưng kinh nghiệm hành quân tại khu chiến Tiền Giang cho thấy chiến thuật sử dụng nguyên tiểu đoàn vừa đi tìm vừa đi diệt mà các cuộc hành quân thực hiện có tới hơn nửa chẳng có kết quả gì cụ thể. Điều này khiến cho binh sĩ vừa mệt vừa không hoạt động bao trùm khu vực trách nhiệm. Và nguy hiểm hơn, địch thường nắm thế chủ động, chọn thời gian và địa điểm thích hợp để giao chiến, trong khi các đơn vị của ta mệt mỏi vì di chuyển liên tục, chủ quan. Hầu hết các cuộc hành quân tảo thanh chúng ta thường ít chạm địch nên mỗi lần thực sự giao chiến, địch được bố trí sẵn trên điạ thế có lợi cho họ. Chúng ta luôn bị thất thế hơn.
Có lẽ cũng phải nói thêm một yếu tố thời cơ nữa, đó là các trực thăng trước đây sử dụng, cụ thể như trong trận Ấp bắc, loại trực thăng chở quân vừa nặng nề vừa khó xoay trở kiểu HU 21 đã khiến cho địch, bằng yếu tố bất ngờ đã tạo nên một trận Ấp bắc có lợi cho địch. Bây giờ với loại phi cơ Huey 1D vừa gọn nhẹ vừa xoay trở nhanh rất dễ thực hiện các cuộc hành quân đột kích chớp nhoáng vào hang ổ hậu cần của địch. Từ đó chiến thuật “Đom đóm Diều hâu” ra đời. Tên của chiến thuật gợi lên hình ảnh của từng đoàn trực thăng chở quân bay lập loè trong buổi chiều chạng vạng hoặc sáng tinh sương như những con đom đóm lấp lóa trong đêm. Trên đó là một đại đội trinh sát. Chỉ huy trực tiếp cuộc hành quân bay trên một chiết trực thăng Chỉ huy và Kiểm soát. Một hợp đoàn máy bay như vậy thường bao gồm từ 14 đến 15 chiếc trực thăng, gồm 10 chở quân, 4 võ trang và một chỉ huy. Khu vực hành quân cũng không hạn chế đánh dấu bằng các mục tiêu ước định trước. Máy bay quan sát L19 bay thám thính báo cáo các hoạt động khả nghi của địch, máy bay chỉ huy tới xác định mục tiêu, lập tức đơn vị trinh sát trú quân từ một bãi đáp gần đó lên máy bay bay thẳng tới mục tiêu. Các phi cơn võ trang dùng hỏa tiễn và đại liên càn quét tiêu diệt mục tiêu. Sau đó đơn vị trinh sát đổ xuống thanh toán chiến trường.
Vùng Đồng Tháp mênh mông ruộng nước, ngoài các con kinh nhỏ đào để thoát nước và lấy đất làm nền nhà làm nên các xóm nhỏ thưa thớt trên cánh đồng. Phần còn lại là kinh rạch hoang đầy cỏ lác, hoặc cây đước, tràm, so đũa. Những di chuyển của địch thường xẩy ra vào các thời điểm sáng sớm hoặc trời chập choạng. Từ khi thành lập thêm 3 đại đội trinh sát cho 3 trung đoàn vào khoảng đầu năm 1965, chiến thuật này đã mang đến nhiều chiến công cho SĐ. Đặc biệt kể từ khi tướng Nguyễn viết Thanh về thay tướng Trị. Chiến thuật ‘Đom đóm Diều hâu” trở thành những cuộc hành quân chủ chốt của sư đoàn. Các chiến công Sông trăng và Hốt Hỏa nhằm đánh thẳng vào các bộ chỉ huy đầu não của địch đã mang đến những kết qủa rực rỡ.
Tôi về thay thế cho trung úy Trương văn Ba bị tử thương trong trận đánh Cái Nứa trước đó hai ngày. Đại đội bị thiệt hại nặng sau trận đánh quy mô cấp trung đoàn ấy. Khi tôi về cả đại đội trên tám chục nay chỉ còn 61. Đa phần bị thương đang nằm điều trị tại quân y viện của sư đoàn. Thượng sĩ Tuyền ra đón tôi và tập họp đơn vị chờ trung tá Nguyễn văn Lộc, trung đoàn trưởng, tới tham dự cuộc bàn giao. Sau khi quan sát và kiểm tra đơn vị, tôi làm phiếu trình xin bổ xung quân trang dụng và quân số. Mọi thủ tục và công việc được thực hiện suông sẻ trong tuần.
Sau hơn một tuần chỉnh trang và bổ xung đơn vị, trung tá Lộc kêu tôi lên trình diện để xác định còn cần điều gì thêm. Sĩ quan ngoài tôi là đại đội trưởng, còn hai chuẩn úy trung đội trưởng là Trí và Thiết. Hai ngày sau đại đội có lệnh di chuyển về Mỹ tho đồn trú tại một căn cứ của một đơn vị công binh cũ của SĐ. Ngoài đại đội 10 Trinh sát của trung úy Phan thái Gia đồn trú tại Kiến Hoà, 3 đại đội còn lại là 11 của tôi, 12 của thiếu úy Lã văn Tiêu và 7 của trung úy Lê hữu Cừ, khóa đàn anh của tôi, đều đồn trú tại Mỹ Tho. Các đại đội có khả năng hoạt động riêng rẽ, khi nào có cuộc hành quân quy mô lớn hơn do SĐ tổ chức, lúc đó Phòng hai SĐ sẽ cử một sĩ quan đóng vai chỉ huy và điều hợp. Thường là đại úy Hoàng trung Hiền sĩ quan tình báo của phòng 2 lúc đó.
So với thời gian trước đây khi còn là một đại đội trưởng trong khuôn khổ tiểu đoàn, thời gian làm đại đội trưởng trinh sát của tôi là thời gian tôi thoải mái nhất. Ít ra sau mỗi lần hành quân dài là một tuần, ngắn là trong ngày, đơn vị lại trở về hậu cứ tại thành phố để nghỉ ngơi. Tôi không còn sống cảnh lang thang ngất ngư như trước. Cứ hết hành quân lại sống vạ vật ven quốc lộ hoặc một thôn xóm bán an ninh nào đó để đóng vai nhân dân tự vệ.
Các cuộc hành quân giờ đây có hiểm nguy hơn nhưng lại đỡ vất vả hơn. Nơi nào nghi ngờ có địch, chúng tôi được “quăng“ xuống đó săn lùng. Nếu có các đơn vị địch quân cấp lớn hơn, các đơn vị bạn sẽ đổ xuống hỗ trợ thanh toán. Khi không có địch, lại leo lên máy bay trở lại phi trường chờ đợi nhiệm vụ khác, mục tiêu khác. Cuộc sống bầm dập tả tơi trong súng đạn đã tập cho tôi thói quen tìm cách bằng lòng với hiện tại. Tôi bớt mơ mộng về một tương lai xa xôi nào đó. Cuộc chiến này thực sự là một tai họa cho dân tộc tôi do những người cộng sản mang đến. Cuộc chiến này chúng tôi không mong có và lại càng không mong muốn nương theo nó mà lên. Sống chết luôn kề bên làm sao mà tính được. Tháng 6 năm 1966 tôi được thăng cấp đặc cách đại úy sau chiến thắng Hốt hỏa -một mật khu của cộng sản tại Thạnh Phú Kiến hoà. Gần đúng một năm sau, tháng 6 1967, nhà tôi sinh cháu trai thứ hai trước một tuần khi tôi bị thương lần thứ hai. Vết thương do một viên đạn xuyên qua đùi phải phần mềm. Vết thương không năng nhưng cũng cho tôi được 2 tuần nghỉ phép tại đại đội 7 Quân Y và một tuần nghỉ dưỡng thương tại đơn vị.
Ngày vợ tôi sinh cháu trai thứ hai, mẹ tôi xuống Mỹ Tho thăm cháu nội. Tôi dẫn mẹ vào căn phòng nhỏ dùng làm chỗ ở, một nửa ngoài là phòng làm việc được đóng vách ngăn. Nhìn thấy những chú lính trong đại đội quần áo bạc màu óng lên ánh phèn vàng trên ống quần, mẹ tôi hỏi sao kỳ lạ thế? Tôi cười, “Nước phèn Đồng Tháp làm ố màu.” Mẹ nhìn tôi lặng lẽ chẳng nói gì thêm vì bà biết rằng có hỏi tôi cũng lại sẽ kiếm ra một lời nói dấu mẹ. Cuộc chiến này kỳ lạ lắm, ai cũng dấu riêng cho mình một nỗi buồn phiền, bởi vì nếu mở nỗi buồn đó ra, nỗi buồn đó sẽ lan tỏa rất nhanh không thể kìm hãm lại được. Cho nên nhiều người cứ thắc mắc tại sao lính tác chiến ba gai, ăn nhậu và chơi bời, mà họ quên đi ở nơi cùng cực của cuộc sống ấy người lính không còn gì để mất nữa. Gặp nhau lúc này đây không biết có còn nguyên vẹn để tiếp tục gặp nhau nữa không? Thần chết chỉ đáng sợ khi người ta nghe tên nó mà không thấy hình dáng nó. Còn khi cứ giáp mặt nhau luôn thì nó trở thành một thứ ngưòi quen. Những người lính sống rất thật ít ra là với chính mình và đồng đội. Chỉ có những ai làm lính chỉ bằng bộ quân phục thì mới không sống một đời sống thực của lính. Những người ấy mới có thời gian suy ngẫm chuyện tranh giành thu vén tư riêng cho mình bất cần người chung quanh.
Ở chơi với con cháu ba ngày, mẹ tôi về lại sài Gòn. Khi đưa mẹ ra bến xe đò Mỹ Tho, mẹ bảo, “Nhìn thấy vợ chồng con cái bay cơ cực quá mà mẹ chẳng giúp gì được”. Còn tôi thì nghĩ thầm trong long, “Thực ra trong lúc tuổi già của mẹ, con phải nghĩ tới giúp đỡ mẹ mới đúng. Cuộc chiến này đã lấy hết của con mọi thời gian và cơ hội để đỡ đần cho mẹ lúc tuổi già.”
Sau khi đưa mẹ lên xe đò về lại Sài Gòn.Tôi lái xe chạy theo con đường dọc bờ sông Mỹ trở về đơn vị. Những quán giải khát và quán ăn giờ đây đông nghẹt lính tráng. Trên sông những chiếc thuyền ghe lớn nhỏ xuôi ngược đan chen nhau. Bầu trời về đêm chỉ còn những ánh sao yếu ớt lập loè cùng những ngọn đèn dầu tù mù treo trên các ghe xuồng. Một vài chiếc trực thăng bay ngang qua bầu trời, ánh đèn đỏ quạch sau đuôi lập lòe như một con đom đóm; bất giác tôi lại nghĩ tới chính bản thân mình. Khi cả đại đội ngồi thu mình trên các chuyến bay đó bay đi tìm địch, nếu quan sát từ dưới đất, chúng tôi cũng chỉ là một đám đom đóm bay.
(Lễ Tạ Ơn 2011)