970) anh và em có mặt ở đó. Nhưng ở đây anh chỉ nhặt ra vài ba điểm quá ư ngu xuẩn của tác giả mà một người đã dám cầm bút viết nên sách dù kém tài đến đâu cũng không thể có được . Ví dụ họ viết rằng anh Tám Lê và vợ là Thị Thắm mổ xẻ thương binh dưới địa đạo. Xin hỏi: “Làm cách nào để đem thương binh xuống đó ? ” Nên biết rằng miệng địa đạo chỉ hẹp bằng cái khay trầu thôi. Người thường tuột xuống đó còn phải lách chứ không dễ dàng. Thương binh, nếu nặng thì nằm trên cáng, còn nhẹ thì băng bó đầy mình làm sao tụt xuống được? Và nếu có tụt xuống được thì nằm ở đâu, dụng cụ gì, đèn đóm nào dùng cho cuộc giải phẫu. Đó là chưa nói đến cái không khí ác độc ở dưới địa đạo. Người khỏe mạnh bất đắc dĩ phải xuống địa đạo thì chỉ trong vài tiếng đồng hồ là đã mệt ngất ngư rồi: vì không đủ dưỡng khí! Nếu bị kẹt vài giờ dưới đó thì con người đã trở thành miếng giẻ rách, còn khi bò lên được thì đã quên hết tên họ mình. Vậy sau khi được giải phẫu, thương binh phải sống dưới đó làm sao? Đó là chưa kể những việc lặt vặt khác như thương binh phóng uế hoặc thủ tiêu những băng đầy máu me. Những người chưa từng ở địa đạo nghe mấy vị này mô tả chắc sẽ nghĩ rằng cuộc sống dưới địa đạo khỏe khoắn như ở trong nhà lầu có máy điều hòa không khí. Xin thưa câu chuyện không đẹp tai cho lắm: Một lần nọ khi chui xuống địa đạo chúng tôi bị quân Việt Nam Cộng hòa chốt trên đầu không lên được. Rủi thay một nữ cán bộ có đường kinh. Nếu ở trên mặt đất thì dù không kịp dùng băng vệ sinh người đàn bà vẫn không toát ra mùi gì (xin lỗi) nhưng ở dưới địa đạo gặp trường hợp này mọi người đều ngặt mình như sắp chết vì cái mùi uế tạp kia. Người chưa từng ở địa đạo không thể biết rằng đánh một cái rắm dưới đó chẳng khác nào bỏ một trái bom nguyên tử.
Vậy ông anh hùng Tám Lê có lẽ là một Tề Thiên Đại Thánh mới có thể biến thương binh nhỏ lại bằng cái tăm để đem xuống địa đạo và nhổ lông khỉ của mình biến thành dụng cụ đèn đóm để giải phẫu chăng ? Ông Tám Lê quân y sĩ giải phẫu thương binh thì có, nhưng bảo rằng ông ta giải phẫu thương binh dưới địa đạo là một chuyện nói láo bỏ sách vở và coi khoa học là một bãi phân chuồng cũng như ông đại tướng bần cố nông Nguyễn Chí Thanh đem hầm đất ra chống B52 để rồi bị chết thảm thương như vậy. Sức khoan phá của một quả bom đìa là mười một thước bề sâu.
Đây anh xin nhắc lại một câu chuyện mà hai anh em mình cùng chứng kiến: Lần đó anh bị thương miểng đạn M79, em và tổ nữ “dũng sĩ” của em đưa anh vào quân y của ông Tám Lê. Vừa tới nơi anh hết sức ngạc nhiên vì thấy một toán bộ đội rượt đánh hai vợ chồng Tám Lê chạy bò càn trong rừng. Kể cũng tội cho ông. Tiểu đoàn Quyết Thắng đánh ở Lộ 6 Gò Nổi bị thương nhiều quá. Chờ đến sáng mới đem thương binh về tới Rừng Lộc Thuận tức là căn cứ của ông Tám Lê thì bị ông từ chối. May có anh ở đó, anh rầy lính tráng và năn nỉ Tám Lê rán giúp dùm, hòa giải xích mích.
Năm 1967, trong cuộc càn Cedar Falls của Mỹ anh phải điều động một đại đội tới khiêng thương binh chạy dưới mưa bom B52 sau trận đánh Cây Trắc đường I làng Phú Hoà Đông về tới Bến Chùa. Trên một trăm thương binh nằm dầy đặc một khu rừng như củi mục. Tiếng la ó, rên rỉ, chửi bới vang trời. Thương binh nằm phơi bụng dưới bóng cây. Những người may mắn thì được đặt dưới hầm giống như cái huyệt cạn, chờ họ chết là lấp đất rất gọn gàng chứ nào xuống được địa đạo địa điếc gì.
Chiến dịch đó vô cùng khủng khiếp phải không em? Nội vùng tam giác sắt trong vòng một tháng có đến 576 cán binh ra hồi chánh. Nếu có địa đạo như kiểu ông tác giả trên nói thì họ cứ rút xuống đó ăn hút chừng nào Mỹ đi thì bò lên chống Mỹ, lựa là hồi chánh chi cho mệt phải không em?
Những người chưa hề đào một tấc địa đạo nào cứ tưởng rằng đào địa đạo dễ như đào hang bắt chuột vậy. Đào một chốc là có cả chục thước ngay. Than ôi! Nào phải như vậy. Những vùng đất có thể đào địa đạo được phải là vùng đất cao để không bị ngập nước và đất phải cứng để không bị sụp lở cho nên đào một thước địa đạo phải hộc ra máu cục, phải mờ cả con mắt chứ đâu có dễ như ông tác giả vẽ trên giấy. Củ Chi có mười lăm xã, nhưng chỉ có năm xã đào được địa đạo mà thôi. Đó là các xã: Phú Mỹ Hưng, Anh Phú, An Nhơn, Nhuận Đức và Phú Hoà. Năm xã này nằm dọc theo bờ sông Sàigon, có lớp đất cao có thể trồng cây cao su mới đào được địa đạo. Ngoài ra mười xã kia là đồng ruộng làm hầm bí mật đã khó rồi.
Anh và em đã từng đào nên từng biết mỗi tấc địa đạo phải tưới bao nhiêu mồ hôi. Mười thanh niên khoẻ mạnh đào trong một đêm chỉ được chừng vài thước là cùng. Vậy muốn hoàn thành hai trăm dậm địa đạo phải mất bao nhiêu công? Và họ đào ở đâu, lúc nào mà được hai trăm miles. Ông tác giả lại còn phịa ra những chuyện ly kỳ là: địa đạo hai tầng (như nhà lầu) và dưới đáy địa đạo lại có giếng để múc nước (nấu nước trà uống chắc!). Chưa hết, ông ta lại còn bịa thêm rằng dưới địa đạo có kho chứa hàng, có nơi nghỉ ngơỉ, có chỗ chứa thương binh, và còn tài ba hơn nữa, tài nói láo, lại còn có bếp Hoàng Cầm theo kiểu Điện Biên Phủ (có đường dẫn khói luồng trong đất) và nào là đường địa đạo thông ra bờ sông Sàigon…?
Đây là một chuyện phản khoa học tại sao họ có thể viết được. Muốn cho một làn địa đạo có thể chui ra chui vào được và không sợ xe tăng cán sập thì nóc địa đạo phải cách mặt đất ít nhất chín tấc tây nghĩa là khỏi rễ cây ăn luồng , lòng địa đạo phải cao chín tấc và hình chóp nón nghĩa là đáy rộng chín tấc, nóc chỉ bảy, tám tấc, nếu địa đạo rộng hơn sẽ bi lở , sụp. Đôi khi rễ cây làm trở ngại rất nhiều, chặt đứt một cái rễ cây bằng cườm tay phải mất cả giờ đồng hồ. Như vậy muốn đào tầng địa đạo thứ hai ở dưới địa đạo thử nhất phải theo công thức trên nghĩa là phải đào sâu xuống một mét tám tấc nữa rồi mới trổ ngang đào lòng địa đạo cao chín tấc. Như vậy từ mặt đất xuống tới đáy địa đạo thứ hai phải là : chín tấc cho nóc địa đạo I, chín tấc cho lòng địa đạo I, chín tấc cho nóc địa đạo II, chín tấc cho lòng địa đạo II, tổng cộng là ba mét sáu tấc. Tôi nói chi li ra như vậy để thấy rằng sự đào địa đạo không có dễ dàng, đơn sơ như ông tác giả kia tưởng tượng hoặc đã được Võ Văn Kiệt cho xem những hầm đào bằng máy để khoe với các ông ký giả ngây thơ. Nên nhớ rằng đào đất cứng dưới hầm nó khó khăn như gọt gỗ lim chớ không phải giang thẳng cánh mà cuốc như trên mặt đất.
Em đã từng đào địa đạo chung với anh, nhưng em nhớ lại thử xem chúng ta đã xuống đó bao nhiêu lần và mỗi lần ở dưới đó mấy giờ đồng hồ, ngoại trừ lần anh chết ngạt ở địa đạo Bến Mương khi anh được lôi lên, cô y tá Thu ở H6 ban Pháo Binh phải cứu cấp anh bằng nước tiểu. Anh không thể tưởng tượng được rằng họ đã bịa đặt đến thế được.
Em Mô thân mến,
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp em chưa ra đời, nhưng anh đã đi bộ đội. Năm 1950, anh xuống Miền Tây để học trường Lục Quân. ở dưới đó anh cũng bị mê hoặc về những đường địa đạo chống giặc ở quê nhà : Nào là cả làng, cả nhiều làng xuống địa đạo. Hơn nữa, dân lùa cả trâu bò xuống địa đạo, giặc Pháp có biết được miệng hầm cũng không làm gì nổi. Ra Hà Nội, anh có gặp anh hùng Nguyễn Văn Song. Anh ta trở thành anh hùng quân đội với huyền thoại “Với một chiếc lưỡi hái cùn, anh ta đã đào hàng ngàn thước địa đạo và cất giấu cả tiểu đoàn. ” Anh vẫn tin như thế. Và cho tới khi đặt chân trở lại Củ Chi năm 1965 anh vẫn còn tin như thế. Nhưng chỉ sau khi đi với em đào một đêm, thì anh mới dội ngửa ra. Anh nghĩ rằng với cái liềm cùn đó, anh Song phải chết đi sống lại mười lần mới có thể đào xong hàng ngàn thước địa đạo kể trên. Anh Song ra Bắc ở Sư Đoàn 338, trốn về Nam rồi biệt tích.
Tác giả quyển sách này đã không biết rằng từ sau khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam ta, hầm bí mật và địa đạo ở Củ Chi nói riêng và ở khu IV nói chung hoàn toàn mất tác dụng. Anh nhắc lại em nghe, nếu em quên, hồi đầu năm 1967, Mỹ mở một cuộc càn lớn vô An Nhơn. B52 vùi lấp cả một khúc địa đạo gần xóm trại Bà Huệ. Những kẻ sống sót không biết đâu mà moi móc, đành để nguyên như thế cho các nạn nhân yên lòng nơi chín sưối với nấm mồ tập thể trên hai chục người của văn phòng Tham Mưu quận.
Sau đó, một cuộc hội nghị Tham mưu gồm có Tư Hải, Sáu Phấn ở H6 và tiểu đoàn 8 Pháo Binh, bàn việc vận tải hỏa tiễn HI2/ĐKB để pháo kích Đồng Dù. Biệt kích tìm được miệng địa đạo, quăng lưu đạn chết không còn một mống. May mắn lần đó anh bận họp chấn chỉnh tiểu đoàn, nếu không, anh đến họp thì đã tiêu tùng rồi.
Còn ở Bến Súc, tại bờ Rạch Xuy Nô, biệt kích Mỹ tìm ra miệng địa đạo của Ban Mật Mã điện đài Quân Khu. Chúng tóm trọn ổ trên hai chục mạng, lấy vô số tài liệu và hai chiếc máy thông tin.
Kể từ đó địa đạo trở thành nỗi sợ hãi khủng khiếp đối với cán bộ và bộ đội. Ông Trần Đình Xu, tức Ba Định, Tư lệnh Quân Khu thấy tình hình giao động của cán bộ, bộ đội nên đã ra lệnh cho bộ đội không được xuống địa đạo nữa. Vì xuống dưới đó là bị động hoàn toàn không còn tinh thần đâu mà chiến đấu nữa. Kẻ nào bất tuân sẽ bị kỷ luật nặng.
Tuy ra lệnh gắt gao như vậy nhưng chính ông trong lúc cùng đường mạt lộ ông cùng ban tham mưu khu cũng phải chui xuống địa đạo. Chẳng may, Mỹ đóng chốt trên đầu. Cô Là, xã đội phó Phú Mỹ Hưng chạy vắt giò lên Trảng Cỏ tìm anh và yêu cầu anh đem quân về đánh giải vây cho ông ở Bàu Đưng Nếu không có anh lần đó ông và cả ban tham mưu đã an giấc ngàn thu dưới lòng đất rồi. Nhưng thoát chết kỳ đó, sau mấy tháng, ông lại đạp mìn mà tan xác với chức Thứ trưởng Quốc phòng của Chánh phủ ông Phát.
Trong những người “anh hùng” mà ông tác giả kể ra, có ông “Thiếu tá Năm Thuận” nguyên là một tên du kích sọc dưa đã bỏ làng chạy qua Phú An (Bình Dương) để làm nghề câu tôm chờ ngày rước vợ ở Ấp Chiến Lược ra sống chung. Ông “Thiếu tá” này đã giác ngộ cách mạng cao nên đã trở lại Tiểu đoàn II thuộc Trung đoàn Quyết Thắng của anh. Lúc đó quân số Tiểu đoàn chỉ còn trên một đại đội nên Thuận mừng húm khi được anh nhận cho làm lính lãi.
Bên cạnh đó còn có một ông thiếu tá khác đặc sắc hơn. Đó là “Thiếu Tá Quợt” chính ông này bị B52 vùi lấp còn ló cổ lên và chính anh với em cứu sống ở rừng Bàu Nổ xã Thanh Tuyền. Ông ta chưa hề đào một nhát cuốc địa đạo thế mà được ông tác giả đề cao là “Anh hùng đã chiến đấu mười năm ở Củ Chi bằng địa đạo.” Chiến đấu bằng cách nào? Cái ông này nổi tiếng nhờ cái tật ỉa chảy và mang chứng binh mắc thằng bố nói nhãm kinh niên, người xanh mét gầy nhom như khỉ già, ngồi đâu chếtt đó. Mỗi lần xuống hầm hoặc xuống địa đạo là ông ta són trong quần. Mọi người rất sợ phải chui chung với ông.
Còn nhân vật “chiến đấu” dũng cảm hơn hết. Đó là ông Võ văn Kiệt, tức là Tư Kiệt Chính ủy Quân khu. Ông được Năm Ngố bí thư Huyện ủy Nam Chi nhường cho một khúc địa đạo để nương náu qua ngày tại Phú Hòa Đông. Nhắc tới việc này, chắc em không khỏi nhớ tới em Lệ tức Tám Lệ, một nữ công tác thành của Ban Quân báo quân khu.
Lệ thường ra vào Sài gòn, Tây Ninh… và về báo cáo các công tác, ăn ở nhờ địa đạo của ông Năm Ngô. Do đó Lệ lọt vào mắt ông Chính ủy khu. Ông ta bèn biến cô Lệ thành liên lạc riêng của ông ta, rồi trở thành “bạn ” thân thiết dưới địa đạo. Chuyện này chắc em không biết đâu. Để chốc nữa anh nói lý do tại sao anh biết cái chuyện ly kỳ này.
Em MÔ thân mến,
Anh hiện nay là kẻ lưu vong, lòng luôn luôn hướng về đất nước . Nhưng không bao giờ mơ trở về đất nước, họa chăng có một biến thiên vĩ đại bất ngờ. Viết đến đây anh không cầm được nước mắt. Nếu như anh với em có duyên phần với nhau nhỉ? Nếu thế thì cuộc đời chúng mình sẽ không biết ra sao…
Thôi chuyện đã qua lâu rồi. Em đã có chồng có con cả bầy, còn anh cũng sắp sữa làm ông nội. Nhưng những kỷ niệm lửa máu thật khó quên. Anh không khỏi xót xa ngậm ngùi khi nhìn thấy hình em trên trang sách. Sao trông em sầu não tang thương quá đổi. Có chuyện gì không vui trong đời em sao vậy? Đôi mắt buồn thảm của em đang ngó tới nhưng chính tâm tư của em lại nhìn ngược về dĩ vãng xa vời phải không ? Một cái dĩ vãng còn loe lói trong đầu một đứa con gái mười tám tuổi được tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ” toàn Miền Nam và cô nữ “Dũng sĩ” ấy đã yêu một chàng .. nhưng chuyện lại không thành mặc dù cả hai người vẫn yêu nhau.
Có một lần ở đâu đó trên đất Củ Chi rực lửa vào một buổi chiều, anh có nói với em một câu và trước đó em đã tặng anh một bài thơ lục bát. Đến nay anh còn nhớ bài thơ này. Anh vốn là một người nhận được rất nhiều tình yêu, từ Hà Nội đến Mã Đà, từ Suối Cụt, suối Tha La đến Củ Chi Trảng Bàng nhưng để rồi chẳng giữ được mối tình nào cả. Bởi vì anh đâu có đứng lại lâu ở một nơi nào để mà nhận lấy. Cái chết đối với anh như bỡn như đùa. Đánh cả trăm trận, bị thương ngót chục lần, chết đi sống lại vài ba lượt. Cái Tiểu đoàn mà anh chỉ huy đã mất ít nhất là ba Tiểu đoàn trưởng. Anh là người thử tư. Nhưng anh là kẻ “thọ” nhất trong các vị Chỉ huy và với anh, nó được mệnh danh là Tiểu đoàn Thép. Bây giờ nhớ lại anh mới thấy rằng cả anh lẫn em đều bị bọn Bắc Kỳ lợi dụng mà không biết. Chúng thí mình như những con chốt lót đường.
Chiến thắng xong rồi, dân Nam kỳ mình được gì ?
Là một người dân lưu vong anh hằng mong đất nước phồn vinh, dân tộc Tự do và những bạn bè cũ của anh, trong đó có em, được hạnh phúc. Nếu như không nhìn nét mặt của em trong sách thì anh đã có thể quên hết Hai Ngàn Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi của anh, nhưng khổ nổi là anh đã gặp lại em quá ư đột ngột.
Anh đã có lần nói với em về Lệ rồi. Lệ yêu anh cũng đột ngột như em. Rồi xa anh cũng đột ngột như em xa anh vậy. Lệ làm liên lạc thành rồi bị ông Tư Kiệt bắt về làm thư ký cho ông ta. Thủ trưởng và nhân viên lại ở chung một hầm. Ông ta quá ư ẩu tả. Để đề phòng việc tệ hại nhất rất có thể xảy ra, Lệ đã dùng giấy pơ luya để bịt cửa mình. Lệ đã nói hết với anh ở Suối Cụt. Lúc đó anh cũng đã chán nản trước tình hình càng ngày càng xấu ra. Lệ bảo thật với anh đây là lần gặp anh cuối cùng. Và Lệ đã cùng anh sống một đêm vợ chồng bên bờ suối… Một trái pháo mồ côi đã nổ rất gần lều, suýt chút nữa là hai đứa rửa chân lên bàn thờ. Hôm sau Lệ đi công tác và không về nữa.
Chuyện Lệ đi, dù anh biết trước nhưng không cản ngăn một lời. Ông ta đã thế thì nàng phải thế. Và anh nữa, anh cũng phải thế. Chứ còn biết làm thế nào ? Anh nói vậy chắc em hiểu mà. Và từ chuyện này em hiểu ra những chuyện khác.
Sau khi Lệ đi rất lâu, em theo du kích quận đánh đồn Thái Mỹ. Trước khi xuất quân, đáng lẽ em phải hỏi ý kiến “Tiểu đoàn trưởng ” chứ. Nhưng em đã đi đánh liều. Nghe súng trận nổ anh lập tức dắt tổ trinh sát chạy đến. Cũng vừa lúc du kích võng em về. Anh đã biết trước các em không đánh nổi mà. Anh chỉ còn biết băng vết thương trên ngực của em bằng tấm áo của anh và cả tấm lòng xót xa quặn thắt của anh nữa. Ngày nay mỗi lần nhìn tại vết sẹo trên da thịt em, chắc em nhớ lại lúc băng bó cho em, anh đã nói với em câu gì.
Sau đó ít lâu anh nghe tin em bị du kích Bàu Me ở Trảng Bàng bắt trói vì em đang mang AK trên đường ra Ấp Chiến Lược hồi chánh. (thì cũng như anh hùng Nguyễn văn Song trốn về Nam. ) Thế nhưng trong chương sách kể lể chiến công của “Nữ dũng sĩ gan góc” Bảy Mô ông tác giả đã giao cho nàng một “Công tác quan trọng ở vùng biên giới Việt Miên” cho đến khi hòa bình.
Đúng ra, em có đi công tác ở biên giới thật, nhưng là công tác cấp dưỡng đặc biệt cho Bà Phó Tư lệnh Ba Định. (Vì là một “Dũng sĩ” nên du kích không dám đụng tới em, chứ nếu là ai khác thì chúng đã bắn chết ngay rồi.) Chuyện Củ Chi dài quá em nhỉ! Định ngưng mấy lần nhưng ngưng chưa được.
Còn một ông anh hùng khác cũng bị nêu tên trong sách này. Đó là Nguyễn Thành Linh. Một tên Bắc Kỳ vô Củ Chi và chiến đấu bằng địa đạo trong vòng năm năm liền. Hắn được tác giả mô tả như một kiến trúc sư của địa đạo chiến. Vậy ra trước khi hắn vác mặt vô đây, dân Củ Chi không biết đào hầm hố hết? Nhưng địa đạo hay hầm bí mật đâu cần phải kiến trúc sư mới làm được. Cuộc sinh tồn mọi người đẻ ra sáng kiến để tự bảo vệ thôi:Anh ở Củ Chi năm năm có thấy tên nào Nguyễn Thành Linh đâu! Nhưng anh biết hầu hết tất cả địa đạo Củ Chi. Chỗ nào anh cũng biết miệng địa đạo, hoặc đã xuống địa đạo thử trước rồi. Anh đã lội nát Củ Chi không sót một mảnh rừng nào mà. Tất cả những tên làng, tên ấp tên người trong quyển sách này là thật. Đây là sự trần truồng không tiểu thuyết hóa một chút nào. Anh có thể điểm qua tất cả địa đạo trong quận Củ Chi cho em nghe: Bến Dược 200m, đồn điền Sinna 500m, Hố Bò 200m, Phú Hòa 200m, Lộc Thuận 200m. Gần đồn điền Sinna 150m, Trà Dơi 150m, Xóm Trại Giàn Bầu 100m, Xóm Bàu Hưng 300m, Xóm Thuốc 200m, 200m, Xóm Chùa 200m, ấp Bến Mương 100m, Góc Chàng 500m, Cây Điệp 150m, Nhuận Đức 100m, 100m, Bầu Tròn 100m. Bào Cạp 100m, 50m, Bầu Diều 100m, Ba Gia 100m, Bên Cỏ 100m, Đường làng II 100m, 50m. Hoàn toàn không có cái vòng đai sắt nào chung quanh hoặc dưới đít Đồng Dù cả. Ông Phạm Sang chỉ có thể nghe Bob Hope hát ở Đồng Dù từ trong hang ếch của ông ta và trong trí tưởng tượng thôi.
Sở dĩ có danh từ vòng đai thép bao bọc Đồng Dù, như em đã biết là do ông Tám Quang, trưởng phòng chính tri quân khu bịa báo cáo về R cùng với sự thành lập đội nữ du kích Củ Chi của tụi em với Bảy Nê, Út Nhớ chẳng qua để quay phim, chụp hình và đài giải phóng tuyên truyền mà em đã cười khi ngồi tâm sự với anh lúc mới quen nhau. Chớ đội nữ có đánh chát cái gì. Toàn do ông Tám Quang sáng tác và đài giải phóng phóng đại.
Nếu như có một hệ thống địa đạo Củ Chi thôn liền thôn, xã liền xã thì tại sao khu ủy khu IV chạy tuột lên tận Preyveng để ăn hút. Me xừ Tư Kiệt còn sống sờ sờ đó hãy bớt nói phéc để khỏi bị cô Tám Lệ nhét mồm bằng giấy… pơ luya.
Chúng ta hãy cùng nhau cúi hôn mảnh đất Củ Chi đau khổ của chúng ta hiện nay đang nhục nhã vì bị bọn Cộng Sản đem ra làm trò bịp thế gian.
Cộng Sản nghĩa là đại bịp. Chúng bịp nhân dân, bịp thế giới và tự bịp chính mình. Anh muốn tự ngưng bút ở đây nhưng thấy còn nhiều sự thực bị bưng bít nên viết tiếp. Hai ngàn trang sách mà anh viết ra đây sẽ vạch trần bộ mặt láo toét kinh hoàng của bọn Cộng Sản Hà Nội mà cả anh lẫn em đều là nạn nhân. Anh muốn nhắc chúng nó rằng thời kỳ Mỹ đóng chốt Đồng Dù, Củ Chi chỉ là một bãi tha ma không một bóng người thấp thoáng, không một gốc cây còn đứng nguyên, không một tiếng chó sủa gà gáy. Tất cả xã ủy đều chết, bị bắt, hồi chánh hoặc ngưng hoạt động. Ông Út Một Sơn bí thư đầu tiên Củ Chi bị pháo Đồng Dù bắn lắp hầm chết ở Bàu Lách Nhuận Đức năm 1966. Chắc em còn nhớ chớ? Nếu địa đạo Củ Chi nối liền thôn xã (theo ông tác giả ngốc này mô tả thì nó chỉ kém đường xe điện ngầm ở Mạc Tư Khoa chút thôi) thì sao quận Củ Chi lại cắt ra làm hai: Nam Chi, Bắc Chi ? Là vì cán bộ không đi lại được giữa hai phần đất này. Người ở đâu nằm chết ở đó. Mỗi sáng lóng ngóng chờ “chụp dù, nhảy dò, xe tăng càn” để lũi. Nhưng cũng không có đất lũi. Chỉ còn một cách độc nhất là làm hầm. Mỗi ông bà có một cái hầm bí mật (nên nhớ hầm bí mật chỉ là một cái hang ếch chứ không phải địa đạo và không có hầm bí mật nào ăn thông ra địa đạo cả ) Sư sợ hãi chết chóc làm tê liệt mọi ý chí. Cán bộ chỉ mong bị bắt sống cho khỏe thân. Cho nên họ ngồi trên miệng hầm ngụy trang với vài cành lá sơ sài như những người câu tôm câu cá ở bờ sông vậy. Do đó có danh từ “ngồi thum. ” Nhưng ngồi thum trong vùng căn cứ cũng không an toàn vì bị máy bay trực thắng cá rô hay quạt hoặc bị ăn pháo bầy dọn bãi trước khi Mỹ đổ chụp. Nên các bà Năm Đang, Hai Xót, khu ủy, quận ủy mới ra tá túc nhà dân ở Ấp Chiến Lược để “chạy lan” như chuột mất hang. Chạy lan có ngày cũng chết như trường hợp của cô Tư Bé, quận đội phó bị lính Mỹ bắn chết ở Đồng Lớn. Hay ông Tám Châu bí thư quận bị pháo bắn mất đầu ở Bố Heo.
Chắc em biết rõ sự chia cắt của các xã trong quận vì tình trạng “ngồi thum” và “chạy lan”. Xã Trung Lập đẻ ra Trung Lập thượng, Trung Lập hạ, An Nhơn nứt thành An Nhơn Đông, An Nhơn Tây, Phú Hòa cắt thành Phú Hòa Đông, Phú Hòa Tây v. v. . .
Tội nghiệp cho Madeleine Riffaud, Wilfred Burchett và mấy ông Giáo sư Liên Xô đã vượt hiểm nguy vô tận đất Củ Chi và rừng Con Mên để coi giải phóng đánh Mỹ! Tội nghiệp, vô tới đây họ chỉ ăn bom và lũi như chuột đến nổi đòi về ngay không biết cái địa đạo là gì. Cũng may cho bọn anh lúc đó. Nếu cặp ký giả ba sồn này ở lại lâu hơn và họ đòi đi nghỉ mát dưới địa đạo ngay ở đít Đồng Dù thì rắc rối to cho các anh rồi.
Đến nay mụ đầm già không biết gì kia đang ở đâu, sao không trở lại xem địa đạo Củ Chi do kiến trúc sư Nguyễn Thành Linh mới vừa xây dựng năm 1985 ? Nhớ tới W. Burchett anh không khỏi phì cười. Lão ta nằng nặc đòi xuống địa đạo và xem các dũng sĩ bố trí địa đạo chiến cho hắn quay phim. Anh và Tư Linh hồn vía lên mây. Địa đạo ở đâu mà coi? Kể từ năm 1965 trở đi, sau khi Củ Chi ăn dưa hấu B52 vài trận, ai cũng thấy những lỗ bom sâu từ sáu thước đến mười một thước cho nên không ai dám cho rằng địa đạo là bất khả xâm phạm nữa. Cực chẳng đã mới chui hầm bí mật thôi.
Tư Linh vốn là cán bộ địch vận, nhanh trí bảo Burchett: “Người đồng chí hơi to, vậy để chờ vài hôm tôi cho làm nắp rộng để đồng chí xuống mới lọt. ” Sau đó khất lần rồi cho qua luôn. Còn vụ xem địa đạo chiến thì anh cho đội dũng sĩ của em bịp hắn một cú thần tình, nhớ không? Hắn rất phục đội dũng sĩ. Đến nay hắn đã chết rồi, hắn vẫn chưa biết địa đạo là cái gì.
Em Mô thân,
Chuyện Củ Chi, chuyện anh và em nhiều vô số kể. Nhắc chuyện này lại nhớ chuyện kia. Nhắc Hố Bò nhớ Góc Chàng, nhắc Bến Mương nhớ Suối Cụt, nhắc Thái Mỹ nhớ Đồng Dù, toàn những kỷ niệm máu lửa không thể quên được. Nhớ cảnh nhớ người khôn xiết. Ba bốn lần anh bị thương ở Củ Chi đều có em băng bó hoặc tới y xá săn sóc. Anh đã tựa đầu vào vai em, anh đã nằm trên xuồng do em bơi qua sông Sài gòn, anh đã cùng em ngồi ở rừng Lộc Thuận ngắm pháo sáng tua tủa trên nền trời Củ Chi. Anh và em đã từng hái những trái sầu riêng trong vườn sau nhà em và ngồi ở bậc đá bên con suối nhỏ. anh thì ăn sầu riêng còn em đàn bản Đứt Đường Tơ cho anh nghe. Anh bảo em: “Tơ đâu có đứt mà đàn bản ấy. “
duongdinhloiChẳng ngờ đó là bản đàn định mệnh của chúng ta. Bây giờ “Tơ đã đứt” và không phương nối lại, đàn một nơi dây đàn một ngả.
Anh chúc em hạnh phúc. Hy vọng một ngày rất gần, chúng ta sẽ gặp lại nhau và sẽ về thăm lại Củ Chi dưới một khung trời mới.
Viết xong lúc tượng con quỷ chúa Lenin bị giật sập ở Mút-cu-oa
Dương Đình Lôi
Hoa Kỳ, ngày 24 tháng 8 năm 1991
Chương 1
Người liên lạc đi rồi tôi cảm thấy bơ vơ. Lạ người lạ cảnh. Bốn bề hoang lạnh. Ngôi nhà mà anh ta bảo với tôi là “Trạm thường trực I/4” chỉ là một cái chòi trống hốc, gió lọt bốn bề. Nó chỉ có cái nóc, gió thổi xước lên như lông chim còn vách thì lưa thưa, đôi tấm lá cũng rung rẩy như răng rung mỗi khi bị luồng gió mạnh đập vào. Theo thói quen đã có từ lâu như một quán tính, tôi ngó quanh một hồi để tìm đường ẩn trú nếu có gì bất trắc xảy ra thì khỏi lụp chụp rồi tôi vô nhà ngồi trên một tấm ván mà gầm ván là một cái hầm. Trong nhà không có bàn ghế gì đáng kể. Tôi biết tất cả gia tài đều dồn xuống đó. Vốn con nhà pháo nên tôi đi đâu cũng có bản đồ để xác định tọa độ và ước lượng lằn đạn của pháo địch, tôi bèn mở nó ra trải trên bộ ván có vài vết đạn như tự dựng lên cho mình một cái bàn giấy. Tấm bản đồ này do Phòng Tham Mưu vẽ lại căn cứ trên những tấm bản đồ cũ của thời Pháp và những thực tế thu lượm được qua cửa miệng đồng bào đi ra đi vào khu giải phóng và tạm chiếm. Sự thực có thể chính xác bảy tám chục phần trăm. Nhưng như thế cũng đã là quí lắm. Vì nếu không có nó, người chân ướt chân ráo như tôi, nhất là pháo binh, cũng như mù.
Quận Củ Chi này, cũng không xa lạ gì với tôi lắm. Thời kháng chiến chống Pháp tôi cũng thường đóng quân ở đây, khi đó mới mười ba tuổi. Bây giờ đã trên ba mươi. Có cái gì giữ nguyên vẻ cũ ? Nhất là đường sá bị bom đạn tàn phá, làng mạc bị san bằng. Từ ngày Mỹ vô đây, không còn một con đường nào còn nguyên vẹn. Dân công, bộ đội, cán bộ và dân chúng toàn cắt đường mới xuyên qua rừng cao su, rừng tràm, trong cỏ mà đi để tránh làn đạn bộ binh pháo binh địch và sự theo dõi của phi cơ Mỹ.
Củ Chi là một quận lớn của tỉnh Hậu Nghĩa, phía Bắc chạy dọc là con sông Sài Gòn, phía bên kia sông là quận Bến Cát tỉnh Bình Dương, phía Nam lấy ranh giới Cầu Bông thuộc quận Hốc Môn tỉnh Gia Định. Còn phía Tây Nam và Tây Bắc thuộc địa phận Đức Hòa và quận Trảng Bàng thuộc Hậu Nghĩa. Củ Chi gồm có mười lăm xả: Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Trung Lập, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Trung An, Phước Vĩnh Ninh, Phước Thạnh, Phước Hiệp, Thái Mỹ, Tân An Hội, Tân Thông Hội và Tân Phú Trung.
Củ Chi mang trên mình nó một đoạn Quốc lộ 1 chạy từ Suối Sâu (quận Trảng Bàng) tới Cầu Bông (quận Hốc Môn) và tỉnh lộ 15 chạy cặp sông Sài Gòn từ Bến Dược tới Ngả Ba Tân Qui. Tỉnh lộ 7A nằm vắt ngang từ chợ An Nhơn Tây ra tận Suối Cục đến làng Thái Mỹ. Tỉnh lộ 8A chạy từ Bào Trai qua thị trấn Củ Chi nối liền với thị xả Bình Dương. Ngoài ra trên giữa mình của quận có con lộ đất, dân địa phương gọi hương lộ 2, rộng đủ hai chiếc xe bò đánh ngược chiều hay qua mặt nhau, chạy từ Bố Heo (quận Trảng Bàng) xuống Trung Hưng rồi thẳng tới chợ Tân Phú Trung. Ngay tại ngả tư góc đường số 2 và tỉnh lộ 8A là cửa ra vào của một căn cứ Sư Đoàn Bộ Binh 25 Hoa Kỳ, cũng còn gọi Sư đoàn Tia Chớp Nhiệt Đới. Căn cứ hoàn thành vào giữa năm 1966 trên một cánh đồng rộng khoảng một ngàn năm trăm mẫu tây. Trước kia quân đội Pháp dùng bãi đất trống này để tập nhảy dù, nên có tên gọi Đồng Dù. Ban đêm ra lộ số 8 nhìn thì căn cứ Đồng Dù với hàng nghìn ánh neon điện phủ vòng quanh hơn mười cây số, y hệt một thành phố lớn. Một tiền đồn của quân lực Việt Nam Cộng Hòa tợ lưỡi lê thọc vào giữa rún Củ Chi Việt Cộng, nằm trên chóp một ngọn đồi cao trên tỉnh lộ 7A, là đồn Trung Hòa có chuồng cu cao quan sát đến vùng Hố Bò, An Nhơn Tây và tận sông Sàigòn có có bãi pháo 105 ly, súng cối, và sân bay. Đồn này bị bọn Việt Cộng căm ghét nhứt vì như cây kim thọc vào mắt Củ Chi, cả quân khu 4 của chúng. Ngoài ra trên mình Củ Chi còn hàng trăm đồn bót lớn nhỏ đóng thành hệ thống chằng chịt có liên lạc với nhau bằng mọi thứ phương tiện truyền thông nhanh chóng. Bên ngoài quận Củ Chi về phía Tây Nam là thị trấn Đức Hòa, nơi thiết lập căn cứ Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa. Và về phía Bắc, trong tầm đại bác 175 ly phía bên kia sông Sàgòn trên quốc lộ 13 là chi khu Bến Cát và căn cứ Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa tại Lai Khê. Còn ở phía Tây trên quốc lộ 1 thì có chi khu Trảng Bàng, bốn nòng pháo 105 ly thường xuyên hướng về vùng Cầu Xe, Trảng Cỏ và các xã phía Bắc của quận Củ Chi. Trong lúc đó có một vùng được khoanh ở giữa nằm cạnh bờ sông Sàigòn, thuộc xã An Phú là căn cứ lưu động của Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 Việt Cộng và trên bờ của con Rạch Sơn, một ấp được gọi tên ấp Bến Mương, thuộc xã An Nhơn là căn cứ của quận ủy và quận đội Củ Chi Việt Cộng, nằm giữa chừng đón làn đạn pháo binh từ bốn phía của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh Hoa Kỳ.
Cũng cần nên nhớ từ Sàigòn đến Củ Chi, tính đường chim bay thì chỉ là một khoảng ngắn chừng hai mươi lăm cây số cách sân bay Tân Sơn Nhứt và khoảng ba mươi lăm cây số cách sân bay Biên Hòa, nên phi cơ từ đó đến chỉ trong vài giây đồng hồ. Tưởng nên biết thêm quận Củ Chi Việt Cộng, theo sự phân chia lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa có quận Phú Hòa, thuộc tỉnh Bình Dương lại nằm trong phần đất của quận Củ Chi, vì vậy ngoài Sư đoàn 25 Hoa Kỳ, đơn vị chính yếu phụ trách chiến đấu ở vùng lảnh thổ này, còn có các đơn vị của hai Sư Đoàn Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa là Sư Đoàn 5 và Sư Đoàn 25 liên đới phụ trách an ninh của vùng quốc gia hiểm hóc này.
Bạn đọc theo dõi chiến trường này thường xuyên xem bản đồ và chịu khó nhớ địa danh quen thuộc như Hố Bò, Bời Lời, Bến Dược, Bến Súc, Cầu Xe, Nhuận Đức, Phú Hòa, An Nhơn, Phước Hiệp, Đồng Dù, Thái Mỹ, Bùng Binh…Toàn những tên làng tên xóm, không như ở Trường Sơn cả ngàn cây số mà mà không có một cái tên. Với màu đất đỏ, hình thể Củ Chi như một miếng bít-tết cắt vụng. Ở xã Thái Mỹ, mỏm đất nhô ra như mũi Cà Mau. Theo bước chân chúng tôi dần dần bạn sẽ làm quen với vùng lửa đạn ngút trời này. Để xúi dục người dân Nam Kỳ xô nhau nhào vào cái chết, bọn Hà Nội đã kê nó lên thành hình tượng phi thường, nào “Đất Thép Thành Đồng” nào “Dũng sĩ Diệt Mỹ” … Ai không biết vừa nghe mấy tiếng đó thì vô cùng thán phục, nhưng sự thực đó chẳng qua là sự hi sinh phí uổng được thêu dệt thành thần thoại để lừa bịp toàn quốc và cả thế giới, trong đó cả nhân dân Hoa Kỳ, đặc biệt nữa là nhân dân Việt Nam.
Tôi xếp bản đồ và nhanh nhẹn đút nó vào ba lô vì nghe hình như có tiếng động tới gần. Tôi ngó ra tứ phía. Đó chỉ là cái cảm tính, cái cảm tính của một kẻ luôn luôn tránh né đám đông nên lúc nào cũng sợ người khác nhìn thấy mình, chứ thực sự thì chẳng có ai tới cả.
Hố Bò của chin năm kháng chiến không còn giữ một nét quen nào, cả người lẩn cảnh. Hồi năm 1949, 1950 Hố Bò này là nơi ăn dầm nằm dề của anh Ba Tô Tý và đàn em là Đào Sơn Tây, Hồ Thị Bi. Họ đã nổi danh vì tàn sát đạo Cao Đài, chặt đầu lấp các giếng mủ cao su ở Bàu Lách, Phú Hòa, Rừng Làng, Đồng Chà Dơ.
Mới đây mà đã ngót hai mươi năm. Hồi đó anh Ba còn trẻ lắm, mới suýt soát năm mươi tuổi. Tuổi đó được các em gái cháu gái gọi là chú, bác, dễ gì cưa sừng làm nghé, nhung nhờ Hội Phụ Nữ Cứu Quốc Thủ Dầu Một làm ông tơ bà nguyệt khéo xe duyên nên một cô em chưa đầy hai mươi đã khăn áo băng sông Sàigòn qua làm lễ đại tuyên hôn tại rừng Hố Bò này, dưới ánh sáng mấy chục cây đèn măng-xông. Lính tráng tha hồ chén chú chén anh, vật ngã ba con bò và uống không bị “điên đầu” mà hay nổi khùng đập lính, đánh dân, diệt đạo như đồ bỏ nữa. Có lẻ biết cái tính quân phiệt của anh Ba mình nên ngoài Trung Ương gởi vô một ông chính trị gia già dơ để kềm anh Ba lại. Ông ta tên là Đào Công Tâm. Nhưng vừa mới chân ướt chân ráo vô đến đất thành Đồng, ông Tâm đã chui vô mùng cô Thắm con gái ông chủ nhà đóng quân. Việc này vở lở ra làm ông “Công Tâm” hóa ra ông “Vô Lương Tâm” và mất luôn chức vụ Trung Đoàn Trưởng vừa mới lảnh.
(Sau này 1952, tôi xuống khu 9, lại gặp ông Tâm bất lương làm trưởng ban chính trị Cần Thơ. Không biết ông ta còn nhớ tôi không, hay làm bộ quên đi cho đỡ thẹn ? Còn tôi thì làm sao quên được ông Trung Đoàn Trưởng vào cái đêm đó bị chủ nhà bắt được lôi đầu ra, mặt mày tái ngắt, tiếng nói lắp bắp và cặp mắt chớp lia dưới ánh đèn dầu? Ở Cần Thơ ông lại tiếp tục làm chính trị. Lúc đó thấy ông có ghe mui ống, dưới ghe có mười một nường và hai nhóc con. Con đường chính trị của ông xem mòi khá phát đạt).
Tôi không muốn nhớ lại những ngày Hố Bò xưa nên chui ra ngoài đi loanh quanh căn chòi. Ngay sau nhà có một lỗ giếng sâu hun hút. Đáy giếng là một mảng trời sáng chiếu ngược lên .Tôi ngó quanh tìm chiếc gàu, chợt nhớ ra cả ngày nay, bi-đông cạn nên không uống nước. Bây giờ thấy nước mới nhớ ra mình cần nước. Cạnh giếng có một giàn mướp xơ xác với mấy trái đèo cong quắp như lưng đàn ông vác gạo. Trên đầu giàn một chiếc gàu làm bằng nhôm trắng , dễ thường nhặt từ một vỏ bom napalm đâu đây. Chung quanh miệng giếng không thấy nước nhiều ướt đất, sợi giây cuốn chung quanh gàu rất vén khéo, chứng tỏ chủ nhà không có ở đây ít ra là từ sáng tới giờ. Tôi tháo giây chiếc gàu và ném nó vào lòng giếng. Đếm năm, sáu đếm mới nghe nhẹ nhỏm bàn tay: chiếc gàu đã đụng mặt nước, tiếng dội lên thanh thanh.
Tôi múc nước lên rửa mặt gội đầu. Tóc dang ngoài nắng suốt buổi, bụi đỏ bây giờ được gội, nước chảy xuống hồng hồng hòa lẩn trên mặt đất đỏ. Đất bụi lại trở về bụi đất. Tôi múc một gàu uống thỏa thuê rồi đem tưới vào gốc mướp. Chắc nó cũng khát như mình. Bụng tôi no óc nóc, mỗi bước đi nghe khua như trái dừa khô. Với mấy chén cơm lua vội cùng mấy hạt đậu phọng rang ở trạm quân báo, tôi ngồi xe đạp vượt qua khu Bời Lời, vọt nhanh qua vùng Trảng Cỏ, qua cánh đồng cập lộ số 6 đến xóm Cầu Xe theo dọc con lộ 15 mới đến Suối Hố Bò. Bây giờ đói như cào. Mặc dù vậy vẩn nhớ chỉnh trang sắc đẹp tí ti. Tôi móc chiếc gương con gắn trên dây bầu soi mặt và chậm rãi “bừa” lại mái tóc bằng chiếc lược sừng mang từ Bắc về đến đây chưa mất. Tôi nhận thấy cặp mắt có quần đen và sâu hút như hai cái vỏ ốc bưu.
Tôi bỗng giật mình quay lại. Một người con gái. Ờ! Chắc là con gái. Vóc người gọn lẳn. Đầu bịt khăn rằn quấn bít cả cổ, chỉ còn ló cái chót mũi như sợ nắng làm hư hỏng dung nhan. Lưng áo bà ba đen đã bạc mầu, hai ống quần xoắn cao phô đôi ống chân trắng. Đây không phải là nước da nhà nông.
– Chào…. Chị!
Tôi buột miệng nói như máy và hơi gượng gạo vì tiếng “chị” đặt không đúng chỗ. Chị ta không có vẻ xúc động gì với tiếng chào của tôi đã đành, cũng không biểu lộ một sự thay đổi nào trên nét mặt khi đụng đầu một gã đàn ông, loại người tới lui trạm này có lẽ như cơm bữa.
Chị đi thẳng lại lấy gàu múc nước “rửa mặt mèo” qua loa rồi xối lên chân, xong lẳng lặng gác gàu lên giàn mướp và đi vào nhà. À! Ra đây là nhà của chị. Hay chị ta là trạm trưởng? Không rõ. Trạm trưởng gì là đàn bà. Từ trạm 1 Làng Ho tới R, từ R đến đây, có ai là phụ nữ làm trạm trưởng đâu! Trạm viên thì có những chị từ R xuống Củ Chi thôi. Miệt Bình Long Phước Long cũng không có. Điều làm cho tôi thích thú là tôi được gặp được một người con gái của miền quê Nam Bộ thật, nghĩa là người con gái với hai bàn chân đứng trên mảnh ruộng miếng vườn của họ chứ không phải người con gái Nam Bộ bị bốc ra khỏi bản sở ném vào rừng sâu để trở thành người rừng không còn hình hài gì nữa, kể cả dáng vóc dịu dàng lẩn sự nhuần nhị trong ngôn ngữ. Chẳng còn thứ gì trong con người còn nguyên ở những vùng ma thiêng nước độc Trường Sơn, kể cả lối suy nghĩ hằng ngày.
Chị ta có vẻ phớt lờ, không cho sự có mặt của tôi là cái nghĩa gì, nên không hỏi han gì tôi cả. Tôi đứng xớ rớ một hồi lấy cái gương bỏ túi rồi đi theo chị vô nhà.
-Đây là trạm à…chị?
-Phải !
Chỉ vừa đáp vừa chui xuống hầm dưới đít ván lục soạn mấy đồ vật lộp cộp rồi một hồi mới trở lên với cái nồi đất trên tay. Chắc là nồi gạo nấu cơm chiều.Chị ta đã thay chiếc áo bạc màu bằng chiếc áo bà ba màu xám mới hơn, nhung ngắn tay. Chị ta vừa hất hàm vào cái ba lô của tôi để trên góc ván vừa hỏi tôi :
– Đồ đạc của anh đó hả ?
– Dạ. Anh liên lạc quân báo ở Trảng Cỏ chở tôi tới đây.
– Chắc cái anh . …..Ờ! mà bữa nay đâu phải chuyến đi!
– Dạ. Tôi không biết gì hết . Họ dắt đi thì đi, họ bảo nghỉ thì nghỉ. Họ bảo ở đây chờ thì tôi ở đây chờ có biết gì. Chị thứ mấy? Tôi thứ hai. Biết thứ để xưng hô cho dễ ạ!
– Tôi tên Lụa.
Chị ta gạt cơm nguội trong nồi ra và làu bàu:
– Mấy ông nội đó ẩu lắm. Cứ đem bỏ khách ở đây rồi đi. Rủi có chuyện gì ai dắt chạy? Đã xảy ra mấy lần rồi chứ phải chưa đâu.
Tôi hơi bối rối.
– Giao liên ở đâu cũng vô trách nhiệm như nhau. Họ trút khách ra khỏi trạm rồi thì thôi, Không cần cần đếm xĩa tới nữa. Bây giờ chị làm ơn chỉ đường cho tôi về phòng Chính Trị I/4 được không chị?
– Chị gì mà chị! Kêu vậy tội chết. Nhưng tôi đâu có biết chánh trị chánh trọt gì. Ở đây toàn là U60, U80 ..anh ở U nào?
– Tôi cũng không biết U nào là U nào!
– Trời đất ! Vậy anh đi đâu? Ai đưa anh tới đây?
– Cái cậu gì trăng trắng có vẻ học trò.
Lụa có vẻ hơi vui lên, nói huyên thiên”:
– À Chú Lạn. Chú Lạn là người của đường dây. Chú ấy mới lắm! Không biết gì đâu. Học sinh ngoài thành. Ông già công tác trong nầy kêu vô để cho đi Liên Sô học hành gì đó. Rồi không biết tại sao cứ ở đây làm liên lạc chở khách bằng xe đạp! Thôi đã tới đây rồi thì anh cứ ở đây đi, tôi nấu cơm cho anh ăn. Ngày mai sẽ có chuyến giao liên tới móc anh đi. Một người thì tôi giúp được, chớ nếu đông thì tôi chỉ cho ra rừng tìm chỗ nấu cơm lấy.
– Đây là nhà của chị à?
– Biểu đừng kêu chị. Anh còn hơn tuổi anh Hai tôi nữa mà! Nhà của tôi họ lấy làm trạm đó mà!
– Vậy tôi cám ơn cô lắm. Tiền nong tôi tính cả cho
– Hổng sao. Cứ vài ngày thì trạm thanh “tán” cho tôi một lần. Gạo thì tiêu chuẩn mỗi người khách một lít một ngày, còn tiền ăn thì tám cắc nhưng trạm vừa xin lên được đồng hai. Cơm ngày hai bữa. Một cái trứng vịt cũng mất hết sáu cắc rồi, làm sao nấu cho khách ăn ngon. Khó lắm!
– Thời kỳ này có trứng vịt ăn là quí rồi cô ạ.
– Bộ anh là Mùa Thu hả?
– Sao cô biết?
– Gì mà không biết. Thấy tướng là nghe tiếng nói “cả, cả, ạ, ạ. hột vịt lại kêu là trứng vịt”, không lai Bắc là gì. Với cây súng kia nữa. Trong này có súng nhưng khác.
Lụa nói vậy rồi bước ra cửa. Nàng bảo:
– Anh ở nhà coi nồi cơm, đừng cho khói lên khu trục nó phát hiện, nó đến dội bom. Tôi đi xuống xóm mua đồ ăn một chút rồi về.
– Ở đây gọi là gì vậy cô?
– Hố Bò.
– Cũng Hố Bò chứ không đổi tên gì khác. Hồi chin năm (*) tôi cũng có đóng vùng này.
(*) Chín năm: Danh từ để gọi thời gian chiến tranh Việt Pháp từ tháng 9-45 đến tháng 7-54
– Vậy nữa? Nói vậy anh kháng chiến hai mùa à?
– Vậy nữa? Nói vậy anh kháng chiến hai mùa à?
– Cũng đâu đó. Đi mút mùa tưởng hết về xứ chớ!
– Ai biểu đi chi rồi bây giờ than. Ai về tới đây cũng than cái giọng đó hết trơn.
– Đâu phải ham hố gì cho lắm, nhưng ra đi rồi quay lại không được.
Câu chuyện cứ kéo dài làm Lụa không dứt đi được. Bỗng nhiên Lụa bật cười hỏi:
– Anh có thấy Tây ăn mắm sống hồi chín năm chứ?
– Hồi đó cô bao nhiêu tuổi mà hỏi?
– Không bao nhiêu tuổi nên mới hỏi anh cho biết.
– Bộ đội tôi có bắt được Tây chứ chưa thấy tụi nó ăn mắm sống.
Lụa cười khoe hai hàm răng trắng và đều. Nàng úp mặt vào bẹ cửa mà cười cười run run đôi vai, một lúc quay ra, quẹt ngang mắt.
– Cười ra nước mắt anh ạ.
– Cười tôi hả?
– Không, cười mấy ông Liên Xô ăn trứng vịt luộc dầm nước mắm!
Tôi sửng sốt kêu lên:
– Liên Xô gì ở đây?
Lụa gật đầu quả quyết .
– Có chớ ! Không có ai đặt chuyện được.
– Liên Xô tới đây làm gì?
Lụa cười ngặt nghẽo .
– Ai biết đâu. Nhưng làm em phải chạy đi mua đồ ăn quýnh quáng. Bữa đó rủi quá, tàu về trể, Bến Dược không có thức ăn. Em phải mua một chục hột vịt về luộc lột vỏ dầm nước mắm cho mấy ổng ăn cơm.
– Mấy ổng ?
– Có một ông mà lo sản hoàng còn mấy ông nữa? Tức cười quá đi. Ông húp một muổng rồi phun phèo phèo đầy râu ria.
– Sao vậy?
– Chắc mặn quá chớ gì?
– Rồi làm sao?
– Chú Lạn, bày ra sáng kiến nhồi cơm cho ổng chấm vô dĩa trứng vịt. Sau cùng ổng ăn được khá, ổng đói nên ăn hết hai nồi cỡ đang nấu trên bếp đó. Ổng lớn quá trời đi. Chú Lạn đèo không nổi. Phải bổ sung thêm một chú nữa. mỗi chú đèo một khúc là phải thay phiên. Trên pộc-ba-ga phải gắn một cái thùng ổng mới ngồi được, ngồi như mình ổng sẽ té! Chú Lạn là tay chạy xe đạp số một trên đường này. Gặp lúc pháo bắn trên đường chú cũng chạy càn. Gặp những khúc nhiều hố pháo chú đều lao lách qua lại nhanh chống mà khách không té, rễ cây chặn giữa đường chú cũng tránh thật tài, nói chung con đường đâu có thẳng và bằng như con đường hồi mấy năm trước, cỡi xe khó lắm, lơ mơ là lăn xuống hố ngay, nhưng chú chạy rất an toàn nên được đặt tên là Lạn đó.
– Lạn chớ không phải là Lạng à?
– Lạn là lao lách chứ không phải lạng là lượng đâu! Do đó mà chỉ có một chú ấy mới được gọi là Lạn thôi còn mấy chú khác cũng cỡii nổi xe nhưng không được gọi là lạn.
Tôi gật gù tán thưởng:
– Nghe cô nói bây giờ tôi mới nhớ lại. Chú ấy lạn tài thiệt. Đôi khi chỉ mười thước đường mà có đến ba cái hố, chú vẫn lạn nhanh và rất an toàn.
– Chở nhẹ thì lạn còn dễ, chứ chở một ông 150 ký lô mà vẩn lạn được mới là tài chứ anh!
– Ông Liên Xô đi đâu rồi?
– Ai biết! Nhưng nay mai chắc rồi anh sẽ gặp ông ấy trong cơ quan chứ gì. Oái trời đất, nếu ổng đi chung với Tây với Mỹ chắc người ta cũng nói là người Tây hoặc Mỹ.
– Thì họ cũng như Tây với Mỹ chớ gì
– Nếu mấy ổng đi lạc vô xóm chắc du kích khìa mấy ổng quá anh à!
– Ai để mấy ổng đi rời xa
– Ở Hà Nội anh có gặp Liên Xô nhiều không ?
– Có, nhưng ít thôi.
– Nghe nói họ giỏi lắm hả anh?
– Giỏi lắm.
– Tức là sao?
– Tức là giỏi chớ sao nữa.
Cả hai cười với nhau thân mật. Cũng may, nếu Lụa hỏi tới nữa thì tôi không biết trả lời làm sao. Tôi chỉ thấy người Liên Xô thôi chứ không được tiếp xúc với họ như đã gần gủi với người Trung Quốc, những sĩ quan đã dạy cho tôi trong vòng hai năm ở trường pháo binh.
Nhưng mấy lần trông thấy người Liên Xô đều để lại trong lòng tôi những tình cảm khó chịu. Lần đó nghỉ phép, tôi đi Đồ Sơn chơi. Đồ Sơn không xa Hải Phòng. Những thằng bạn quen làm ở Ty Hoa Tiêu cảng Hải Phòng đưa tôi xuống Đồ Sơn. Quả là một phong cảnh hữu tình hiếm có. Chiến đấu cả chục năm chui rúc trong rừng với muỗi mòng vắt đĩa, tập kết ra Bắc thì vùi đầu học tập không có thì giờ xem phong cảnh của chính đất nước mình. Lần đầu tiên nhìn thấy núi non hùng vĩ tiếp giáp với biển xanh và những ngọn núi của Vịnh Hạ Long xa xa đắm mình trong sóng bạc, quả là cảnh Bồng Lai tôi chưa hề trông thấy. Nhưng tình cảm say mê trước cảnh vật lạ lùng chưa dút thì tôi bị chạm trán với một chuyện không hay: Số là ở Đồ Sơn có nhiều khu vực A, B, C. Trong mỗi khu còn phân ra 1, 2, 3. Tức là A1, A2, A3 ….. chỉ khu C là không có cấp 1, 2, 3 mà toàn khu dành cho hạng cán bộ cá kèo và lính 36 đường gian khổ. Chúng tôi chỉ được vào khu C. Nơi đây không có tiện nghi gì hết và chỉ là một bãi cát đầy rác rến và xác thú vật trôi tấp dọc bờ. Khu B khá hơn. Nơi đó có băng đá, có vài ba căn chòi xiêu vẹo và một vòi nước không có .… . nước …. Chúng tôi vừa vào tới cổng thì đụng tấm bảng: KHU DÀNH CHO TRUNG CẤP – “Thôi đi về khỏe hơn ! ” Người ta đồn ở khu A thì có đủ cả: Phòng ăn, phòng tắm, vòi nước ngọt. Anh lính gác bảo “Đó dành cho Bộ, Thứ Trưởng”. Một khu vực bên trong gọi là “Bãi chuyên gia” có cái nhà mát vĩ đại mái đỏ lói trên mỏm núi gọi là Pagodon. Ngày xưa chỉ có Thống sứ Toàn quyền Tây mới được đến, bây giờ thì chỉ chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em có đủ tiêu chuẩn để phơi đùi ưỡn rốn ở vùng cát này.
Một thằng hoa tiêu phát cáu, quát om:
– Đấm b .. ..!Thôi, đi về uống la ve quách. Tắm cái gì thứ nước biển mặn chát đó!
Thấy mấy ông bà “chuyên gia” to xù nằm lăn lóc trên cát tôi cũng muốn nán lại “coi” nhưng thằng bạn cứ la ầm lên làm tôi mất hứng bỏ đi luôn.
Ra thế! Trên đường về Hải Phòng, tôi suy nghĩ lung tung. Chế độ này, chế độ không giai cấp là thế đấy. Cởi truồng tắm biển mà cũng phân chia khu vực nghĩa là cái thá gì.
Từ đó, tự nhiên tôi không có cảm tình với cái danh từ “chuyên gia”. Cho nên hôm nay, nghe Lụa nói với mấy ông Liên Xô gì gì đó tới đây, tôi phát rầu. Lại đặc ân, lại khu A, B, C, lại phục vụ bỏ mẹ. Hồi ở Hà Nội tôi có nghe nói loáng thoáng có một nhà báo Úc tên là Wilfred Burchett đi Nam. Hay là ông này lẻn vào đây? Nếu vậy thì mệt lắm. Ông ta, theo cái hình tôi thấy trên báo và và một anh bạn nhà văn kể lại cho tôi (anh bạn này có gặp hắn ở buổi nói chuyện tại Câu Lạc Bộ Đoàn Kết tại Hà Nội) thì ông ta cân nặng ít nhất cũng một tạ hai. Xe đạp phải lấp đôi mới đèo nổi. Đèo cái cây thịt này sau poọc-ba-ga mà lạn làm sao. Tôi tự nhủ.
Lụa nói:
– Anh ở nhà coi cơm, tôi đi quán mua đồ ăn.
– Quán ở đâu. Tôi đi được không? Nghe nói quán, tôi thèm đi mắc chết. Ở R toàn quán căng-tin bán toàn đồ khô mục và muối.
– Cũng gần đây thôi nhung anh không nên đi. Cán bộ về đây mê hàng hóa thành, cứ đi nhan nhản ở Bến Dược. Ở ngoài tụi nó biết hết rồi.
Tôi móc bóp móc tờ giấy 500, loại giấy bạc Sàigòn đưa cho Lụa và nói:
– Chị ủa cô mua dùm cho tôi vài gói mì, mấy lon cá mòi hộp, một chục trứng vịt, có khô mắm gì mua luôn một ít, còn lại thì mua kẹo đậu phọng, đường tán, trà và thuốc Cáp-Tăng hay Ru-bi cũng được.
– Chà ! Anh xài sang dữ he!
– Không vợ con, có chết, ai ăn mà hà tiện.
Lụa ngó tôi sửng sốt rồi quày quả đi ngay. Có lẽ nàng thấy câu chuyện kéo hơi dài. Nàng đi theo con đường rắc đầy lá cao su vàng trút xuống triền xóm. Tôi ngó theo mút mắt. Mười năm rồi, tôi mới thấy được một người con gái Nam Bộ trên quê hương tôi. Tô nhớ đến những cô bạn gái thời kháng chiến ở Tân Bửu mặc quần áo bà ba, nhớ tiếng nói tiếng cười mộc mạc nhưng chân thật và đầm thắm. Ước gì về lại được nhà vài hôm. Từ đây tới đấy không xa mấy mà ngỡ xa xôi như ngoài vạn lý.
Ra đi ra đi bảo toàn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui. Giải phóng quân anh dũng quá nhưng… ra đi rồi không có ngày về!
Tôi ra gốc cao su nhặt củi khô vừa ngó chừng Lụa. Vừa thèm thuốc vừa ghiền trà lại vừa ham nói chuyện. Con gái họ thính tai thật. Mình nói pha có vài tiếng Bắc mà họ đã nhận ra rồi.
Tôi thấy cuộc sống bình thường hiện giờ có hai điều khác hẳn với thời kháng chiến chống Pháp. Hồi đó họa hoằn lắm mới bị một trận bom lưa thưa như đồ bỡn. Cà-nông thì trong một năm mới nghe được một vài phát xa xa. Còn bây giờ, bom đạn nát đất. Mảnh bom trộn lẩn trong luống cầy, hố bom là những miệng đìa nằm ở ven vườn, ở giữa ruộng. Đặc biệt máy bay không khi nào vắng bóng trên nền trời. Đủ loại: phản lực, khu trục, do thám, trực thăng, B52 v.v.. riêng trực thăng cũng có đến năm, sáu loại. Từ lúc đến đây, tôi thấy liên tiếp những chuyến trực thăng Sâu Rọm hoặc Trái Chuối cứ di động từ Sàigòn ra gần đến thị trấn Củ Chi với những kiện hàng đeo tòng ten dưới bụng nó.
Tôi có hỏi chú Lạn. Chú đạp xe đạp mệt nên chỉ nói tắt: “Tụi nó dựng lê cái Đồng Dù”. Tôi không muốn chú phải phí sức vì những câu trả lời cho tôi nên không hỏi nữa. Mặc dù ngồi xe cho người ta thồ, tôi vẫn ngó đường đi của những chiếc máy bay tua tủa từ khắp nơi đáp vào cái mảnh đất gọi là Đồng Dù kia. Nếu không gian là mặt thớt và mỗi đường bay là một nhát dao thì cái mặt thớt kia đã không còn một vùng nào nguyên vẹn.
Tôi vừa ôm củi vào nhà thì có tiếng máy bay đến gần. Tôi đứng nép vào gốc cây và nhìn xuống phía Hố Bò nơi ven sông Sàigòn thưa cây để lộ ra mặt nước loang thoáng. Một chiếc L19 bay rà rà trên ngọn cây. Nó bọc bọc sau lưng tôi vòng qua đường 6 và cứ thế mà đánh thêm mấy vòng nữa. – Thằng này định làm gì? – Tôi vừa tự hỏi thì từ xa xuất hiện hai chiếc Skyraider. Chúng sầm sầm lao tới. Chiếc L 19 vọt lên rồi cắm đầu xuống. Nó bắn tên lửa chỉ điểm cho tụi kia bỏ bom. Tôi dư biết cái thói quen đó của chúng. Bom rơi có thể đếm được từng quả. Tôi nhìn chiếc kim gió trên mặt đồng hồ pháo binh canh tiếng nổ thì biết mình ngồi cách đó chừng năm, sáu cây số nên không lo trốn tránh nữa. Những trận bom như thế này quá xoàng đối với tôi. Tôi nghĩ: cái kiểu này có đại liên 12 ly 8 bắn thì ăn chắc. Bắn máy bay Mỹ thì không khó nhưng bắn hạ nó một chiếc nó sẽ dội hằng trăm tấn bom giết mình cả trăm mạng. Bắn hạ nó rồi chạy đi đâu cho kịp? Nó đến tức thời. Nhiều trận đánh vận động kết thúc nhanh chóng thắng lợi, nhưng lại lại tiêu hao trên đường rút lui vì sự truy kích của không quân Sàigòn. Trực thăng bắn dai như bò đái, ác lắm, ác lắm. Đánh Mỹ không như đánh Tây, đừng có ở Hà Nội kêu dân Nam kỳ thừa thắng xông lên nghe các bố. Tôi đã nghỉ như vậy khi đi vào tới R. Cuộc dội bom chấm dứt, khói bom khói nhà khói rửng cháy chưa tan thì Lụa về tới, tay bưng một rổ quảo, tay dắt một đứa bé gái. Tôi nói:
– Dắt con nít đi đâu vậy bà nội?
– Dắt về đây chớ đi đâu.
– Con cái nhà ai vậy?
– Con tôi chớ con ai.
Tôi ngẩn người ra như Lụa sửng sốt lúc nãy. Thì ra nàng đã có con. Ai mà dè! Không biết có giấc mộng dài nào tan vỡ sau câu nói ngắn ngủi đó không, nhưng tôi cảm thấy hơi buồn. Lụa bảo con:
– Chào cậu đi con.
– Cháu tên gì?
– Tên Rớt.
Tôi xoa đầu đứa bé và hỏi.
– Có đi học không cháu?
– Trường trại cháy rụi hết rồi. Thầy giáo bị thương . Cô giáo hoảng hồn bỏ chạy vô ấp chiến lược rồi ở luôn ngoải.
– Ủa, ở đây có ấp chiến lược nữa sao?
– Có mạnh! Lụa nghênh mặt đáp.
– Vậy hồi còn ở ngoài Bắc tôi nghe đồng bào mình phá hết ấp chiến lược rồi mà. Ba cái ôn binh đó!
– Sao lại ôn binh?
– Tụi nó bắt chước cái lối chống Cộng bên Mã Lai chớ gì. Dân chúng bị lùa vô nhốt trong bốn hàng rào dây chì gai.Trước khi đi ngủ chúng mở cổng lùa ra cho đi đái ỉa rồi lùa vào, đến sáng lại mở cổng lùa ra đồng làm lụng đến tối lại lùa về, hai người xích vào nhau rồi mới được ngủ.
Lụa cười:
– Ai nói với anh cái kiểu ấp chiến lược đó vậy?
– Báo chí nói chớ ai. Tụi tôi cũng học tập nữa mà.
– Xí ! Dóc tổ. Ấp chiến lược ở đây dân sống hơn cha Tây. Bơ sữa, vải sồ dư giã, lại được mua chịu “la-di-ô” nghe vọng cổ có mà tét lổ tai. Ở đó mà còng hai người vô một.
Tôi ngượng quá không biết nói sao. May không chút nữa tôi lại tuyên truyền những cú độc địa cho Lụa rồi. Trước sự hố nặng tôi đành hạ giọng hỏi han thăm dò mong tìm cách “lật” lại.
– Ở ấp chiến lược có cho dân vay tiền làm ăn không cô?
– Có, nhưng trước khi cho vay người ta còn phải coi tài sản của anh.
– Chi vậy?
– Nếu trả không nổi thì người ta xiết trừ nợ chớ sao.
– Tôi nghe không phải vậy!
– Không vậy thì sao?
– Tôi nghe nói hễ chỗ nào quân Mặt Trận sắp giải phóng thì mình xúi dân ra vay tiền thả ga. Tiền dân bỏ túi xong quân giải phóng đến tràn ngập nhổ luôn dồn bót thì coi như “xóa” luôn nợ! Không phải trả mà cũng xong.
– Ai nói với anh cái chuyện khỏe ru vậy he?
– Chịp! Có bài học hẳn hoi mà.
Chiếc L19 cứ bay vòng vòng chung quanh các đám cháy, thỉnh thoảng bấm một quả rốc kết. Lụa nói:
– Bộ nó trông thấy ai ở dưới đất làm cái gì.
– Sao Lụa biết?
– Tụi nó bỏ bom xong thì con đầm già ở lại canh chừng. Cháy thật rụi nó mới đi. Nếu thấy có người thấp thoáng thì nó gọi trực thăng tới bắn hoặc kêu pháo “câu” vào.
– Tụi Mỹ chơi kỹ hơn tụi Tây nhiều.
– Tôi nói để anh cảnh giác! Anh về đây hôm nay thì ngày mốt ở ngoài thị trấn Củ Chi tụi nó biết rồi đấy. Để rồi anh xem, vài ngày nữa sẽ có máy bay rải truyền đơn và kêu gọi trúng phóc tên anh về hồi chánh cho mà coi.
Tôi giật mình:
– Giỡn hoài cô em! Tôi như bị kim đâm một phát nhẹ. Để tránh cặp mắt của Lụa, tôi ngó lên trời theo dõi máy bay.
Lụa cười:
– Bộ hồi nào tới giờ chưa thấy máy bay bỏ bom hây sao mà lạ dữ vậy?
– Xí! Ba cái thứ “dưa chuột đèo” này ăn thua chi! Tôi từng đội “dưa hấu nhứt” kia mà. Mới cách đây vài hôm chứ đâu lâu lắc gì. Tôi và phái đoàn vừa ra khỏi buổi lễ thì ngay tối hôm đó căn cứ bị dội bom như mưa. Thiệt hại chắc ghê gớm lắm. Nhưng không rõ con số cụ thể. Nghe nói cơ quan R đã dời về Lò Gò rồi.
Tôi tốp lại vì thấy mình cao hứng lộ bí mật quân sự có hơi nhiều. Tôi bèn kể sơ qua mấy trận bom ở cầu Cần Đăng và Tà Păng cho Lụa nghe. Nghe xong, Lụa chép miệng:
– Vùng này rồi cũng sẽ ăn bom hằng ngày, anh cứ tin tui đi. Anh có thấy trực thăng Sâu Rọm chở pháo hàng ngày tới Đồng Dù không?
– Có chứ!
– Cả Củ Chi rồi sẽ nát như tương vì những khẩu pháo đó. Anh có bản đổ Củ Chi đó không? Anh mở ra xem chút. Còn em, em nhắm mắt nói cũng đúng trân thôi. Củ Chi giống như bàn tay trái anh xè ra vậy. Ngón tay cái là mũi xã Thái Mỷ, làn chỉ dọc gốc bốn ngón tay là sông Sàigòn. Ba lằn chỉ lớn cắt ngang bàn tay là quốc lộ 1.lộ số 2 và tỉnh lộ 15. Mỗi một khớp xương là một đồn bót lớn nhỏ. giữa gan bàn tay là hai căn cứ lớn. Đó thị trấn Củ Chi và Đồng Dù. Ngoài ra ở phía Đức Hòa thì có căn cứ Sư Đoàn 25 Việt Nam Cộng Hòa, ở phía Bắc tại Lai Khê là căn cứ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Sài Gòn.
Đó là nói theo