N.C.M. - SÁU NĂM Ở LÍNH hay ca đở đẻ tại trại Dak Seang
PHẦN 1: NHẬP CUỘC
Tờ giấy chứng nhận được hoãn dịch vì học vấn không còn hữu hạn nữa , có vài sự chọn lựa cho những chàng trai sinh ra trong buổi nước nhà loạn ly là “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, mình nằm trên cái gác trọ đốt thuốc ,nghĩ nhiều lắm, thương cha mẹ bao năm lo cho mình ăn học,ở cái làng quê nhỏ bé mà cho con đi lên tận Sài- Gòn ăn học là cả một hy sinh lớn trong thời gian ấy.
Về lại quê nhà gần như vùng “xôi đậu”,làm một anh nhân dân tự vệ ư ? Làm một lính nghĩa quân dưới sự chỉ huy của những người vì điều kiện không tiếp tục được học nên nghỉ học sớm ư? Làm anh lính địa phương quân “chạy chọt” gần nhà liệu có chịu được, có “nín” được khi mình mang cá tính “máu Trương Phi” nước non đang binh lửa, làm anh con trai phải “gánh vác”.
Tháng tám Sài gòn vẫn còn mưa, đêm nghe tiếng ễnh ương kêu, buồn và nhớ ngày nào mới ở quê nhà lên đây, bốn năm trước nghe cái tiếng” uồm oang” từ những ao rau muống (Khu Xóm Mới năm 1969 vẫn còn vắng vẻ lắm ), mình cứ muốn khóc,rồi nghe tiếng gầm rú của các loại máy bay trong phi trường Tân Sơn Nhất, ôi Sài Gòn nóng nực và ồn ào quá, vậy mà giờ đây trên căn gác gỗ này mình sắp xa rời nơi chốn thân thương , mình lẩm nhẩm câu hát mà mình và người bạn thân lớp đệ nhị A 4 trường Lê Bảo Tịnh rất thích, bài “biển mặn” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, có lời nhạc hợp với tâm trạng mình lúc này: “nên năm hăm mốt tuổi tôi đi vào quân-đội mà lòng thì chưa hề yêu ai”… câu hát nghe nặng tình “cải lương Nam bộ” nhưng cũng rất “hoàn cảnh ” này, có điều năm ấy mình vừa tròn hai mươi tuổi.
Tất cả khóa sinh dự bị sĩ quan trừ bị sau khi qua sát hạch và thi bắn nếu không bị rớt sẽ trở lại trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ chờ nhập trường Sĩ Quan Bộ Binh .
Chúng tôi chờ khoảng gần 2 tuần lễ thì nhận được lệnh lên xe ra phi trường Tân Sơn Nhất đi Nha Trang, một bất ngờ lớn với chúng tôi, bên Trường Bộ Binh Thủ Đức đã nhận đủ khóa sinh của khóa 6/69, xa Sài Gòn sẽ buồn lắm, giấc mơ sau khi gắn Alfa đi phép ra lượn phố Lê Lợi đã đi vào “cõi vô thường ” Tôi không còn nhớ là bao nhiêu người cùng lên vận tải cơ C 130 do phi công Mỹ lái, dù sao xa Sài Gòn cũng rất buồn, vì vẫn mơ chiều thứ bảy được về thăm Sài Gòn sau khi gắn alfa , khi phi cơ nghiêng cánh, nhìn ra cửa “tò vò” thấy biển thẫm đen tự nhiên nhớ nhà quá chừng, rồi lên xe “cam nhông” rời phi trường quân sự Nha Trang xe chạy về quân trường Đồng Đế , những năm đi học tôi thường nghe câu hát : Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ, dây tử thần không làm sờn chí nam nhi, Đây là quân trường huấn luyện Hạ Sĩ Quan , nhưng trong tình hình đất nước chiến tranh nên cũng đã có vài khóa Sĩ Quan Bộ Binh được huấn luyện tại đây.
Viên sĩ quan trường Đồng Đế đón tiếp cũng rất “trọng thị” ông phán một câu xanh dờn: Trường S.Q. Đồng Đế trân trọng đón tiếp các anh , việc đầu tiên các anh tự tìm chỗ ngủ qua đêm nay,ông ta đảo mắt qua các dãy doanh trại như ngầm bảo: các chú bé, doanh trại này bao la, tìm lấy một chỗ ngủ qua đêm là khôn ngoan đấy … ,tôi nhìn hai bông mai vàng chóe trên cổ áo ông ta (khác với sĩ quan tác chiến ở mặt trận phải đeo bông mai màu đen)rồi liếc nhìn cái phù hiệu bên cánh tay trái ông ta: thanh kiếm bạc với mặt trời màu đỏ rực,phía dưới là màu xanh của biển, tôi chạy vội ra câu lạc bộ mua nước và gói thuốc lá Winston . Đốt điếu thuốc cho vơi nỗi nhớ Sài Gòn, rồi thiếp đi trong đêm đầu tiên ở Nha Trang , quân trường sát bờ biển đêm nghe sóng vỗ bờ rì rào, mùi hương biển nồng vị mặn, những cây phi lao ven giao thông hào cũng lao xao ru giấc cho bọn lính mới chúng tôi.
Tôi và bạn bè nhập Đại Đội 513 thuộc Tiểu đoàn 1 SVSQ . Đại Đội Trưởng : Đại Úy Nguyễn Trung QUÝ , Đại Đội Phó Ch.Úy Lý Tiến+ Quang.
Khẩu Garant M1 là cây súng “gối đầu” của đời sinh viên sĩ quan, luôn được chăm sóc sạch sẽ bóng loáng nếu không muốn nhận vài “đêm dã chiến”, trong thời gian huấn nhục, khác rất nhiều với “huấn nhục” ở trung tâm huấn luyện Quang Trung thời gian huấn nhục ở trường Đồng Đế rất “bài bản” và đúng “lễ nghi quân cách ” nó biến người khóa sinh thành con người có thần kinh “thép nguội” sự chịu đựng không “giới hạn”,cái may của chúng tôi là không có khóa đàn anh nên chỉ có các sĩ quan cán bộ ,các sĩ quan thuộc khối giảng huấn ” săn sóc “mà thôi, nhưng cũng mặn nồng không thua gì nước biển Nha Trang… Sau này khi trở thành một sĩ quan tác chiến trong quân đội, trong binh chủng Biệt Động Quân tôi thấy nó rất “ổn”,nó tôi luyện chúng tôi biết chấp nhận những nghiệt ngã mà chỉ có trong quân đội,nhất là trong binh chủng được gọi là thiên thần mũ nâu.
Rồi cũng đến ngày gắn ALPHA đây là mơ ước của đời khóa sinh, nó “đặc cách” cho chúng tôi được làm người sinh viên sĩ quan chính thức. Trong đêm thiêng liêng ấy pho Tượng Trắng trên đỉnh Hòn Khô rực sáng, dưới Vũ Đình Trường hơn một ngàn khóa sinh được gắn “con cá vàng” mới tinh, lấp lánh trên cầu vai của bộ Đại Lễ .
Niềm vui lớn nhất là được đi phép, dạo phố Nha Trang, dạo con đường Độc Lập, ngắm nhìn người qua lại vì trong quân trường quay qua quay lại chỉ có màu áo nhà binh , xuống phố mua cái quẹt zippo đem lại chỗ khắc tên và phù hiệu “thanh kiếm bạc với mặt trời trên nền biển xanh” để nhớ những ngày tháng quân trường, mặc bộ kaki vàng với dây biểu chương đeo vai, ,mũ kép pi vành nâu, vào quán nước ngồi nhìn những bạn bè có “đào” đi kèm và ngồi bên rất tình tứ , 4 giờ chiều đón xe “lam” trở lại trường, thay bộ” trellis” chuẩn bị tập “diễn hành” , sáng thứ hai chào cờ đầu tuần, khách thăm trường thường là tướng Nguyễn Cao Kỳ, mấy vị dân biểu quốc hội … ,mục này sinh viên ghét nhất ,vì quần áo,súng diễn hành phải sạch sẽ ,phẳng phiu … tập trên vũ đình trường nóng bức,cây garant M1 trên vai như cái cùm…. hay bị phạt vì có nhiều bạn “vừa đi vừa ngủ”…
Chúng tôi được đào tạo căn bản để khi “ra lò” sẽ là một :chuẩn úy trung đội trưởng bộ binh, tháng 7 năm 1970 hơn một ngàn tân sĩ quan mang cấp chuẩn úy tung cánh khắp mọi miền đất nước .
Chúng tôi giã từ TRƯỜNG MẸ Tên khóa : NGUYỄN VIẾT THANH , đây là tên một vị Tướng tài ba,thao lược và ông cũng được xếp vào hàng một trong 4 vị Tướng trong sạch. ( Nhất Thắng Nhì Thanh Tam Ân Tứ Trưởng )
Mộng ước làm phi công tan vỡ ,còn nhớ hôm Đại-úy (ca sĩ ) Sĩ Phú về trường để dự tuyển phi công ,ông có nói một câu mà tôi nhớ mãi : làm phi công có điều lý thú là không gian sẽ không còn bị giới hạn,buổi sáng các bạn uống cafe ở Saigon,buổi trưa các bạn có thể ăn cơm ở Pleiku, tôi đã ghi danh và khi khám tuyển phi công trực thăng tôi thiếu 5 ký . Còn nhớ ánh mắt của viên sĩ quan tuyển quân cho tôi nhiều hy vọng khi ông quay sang vị bác sĩ quân y và nói : “cu” này đẹp trai là đúng tiêu chuẩn của ” binh chủng hào hoa” đây , có thể vớt cậu ấy được không? ,đáp lại là cái lắc đầu của vị bác sĩ . Mộng bay lên cao tan vỡ …
Khóa tôi binh chủng Nhảy Dù không tuyển vì đã tuyển đủ bên trường sĩ quan Thủ Đức vì Thủ Đức mãn khóa trước Đồng Đế 3 tuần . Khi sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến về tuyển thì số tân sĩ quan tình nguyện cũng dư vì họ lấy những Chuẩn Úy cao to ,vạm vỡ… Tôi và bạn bè :Tiệp, Tuynh, Chưởng, Hoàn cùng giao ước: mặc quân phục “rằn ri” và đội bê-rê màu cho “oai” , vậy thì chỉ còn duy nhất một binh chủng là Biệt Động Quân , riêng Chưởng đã được tuyển vào T.Q.L.C ( sau này cậu ấy về tiểu đoàn 6 T.Q.L.C . và đã hy-sinh trong “mùa hè đỏ lửa” tại Cổ Thành Quảng Trị )
PHẦN 2 : PLEIKU & PHỐ-NÚI
Trình diện Bộ Chỉ Huy Biệt-Động-Quân Trung-Ương tại trại Đào-Bá-Phước ở đường Tô-Hiến-Thành Sài gòn ,hơn 1 tuần chờ đợi , lên phi cơ Hercul C- 130 tại khu bay quân đội trong phi trường Tân-Sơn-Nhất , sau hơn 1 giờ bay chúng tôi đáp xuống phi trường Cù-Hanh PleiKu , một phi trường nhỏ và “buồn hiu hắt” ,đảo mắt nhìn quanh,núi đồi trùng điệp,đất thì đỏ cạch , mưa lất-phất ,lạnh tê-tái ,hỏi thăm bản doanh BCH/BĐQ/QK2 , thì ra nó ở ngay trước phi trường ,là bản doanh cũ của BCH/C2/LLĐB /VN .
Trình diện phòng 1 tôi nhận được lệnh bổ-nhiệm : qua ĐĐ 2 Truyền-Tin /BĐQ. Nằm chờ tại đây, chờ học khóa Sĩ-Quan Truyền-Tin cơ-bản tại phòng 6 Quân-Đoàn 2 trong 2 tháng … những ngày học,đêm nhảy xe ra “phố núi cao,phố núi đầy sương” , mưa lạnh,đất đỏ ,phố lên đồi,phố xuống dốc,phố nhiều sắc áo-lính ,phố có nhiều lính Mỹ,có chợ trời khu Diệp-Kính bán đủ thứ hàng của PX (Quân-tiếp-vụ quân-đội Mỹ dù ra), phố có hàng trăm quán cafe cho lính, những đêm lang thang trong mưa bụi , quanh quẩn rồi cũng đi hết phố,nhớ nhà,nhớ Sài-gòn,nhớ bạn bè…
Rồi cũng học xong khóa sơ-cấp SQTruyền -Tin , mưa cũng cuối mùa. 12 Chuẩn-Úy cho 12 trại (căn-cứ biên-phòng của LLĐB VN gồm 1 toán A LLĐB/VN+ 1 toán A LLĐB Mỹ và 1 tiểu-đoàn “dân-sự chiến-đấu” hầu hết là dân tộc Jarai, Bana, Sedang và một ít người kinh )Tất cả các trại này chuyển giao quyền chỉ huy cho Biệt-Động-Quân quân khu 2 ,và có danh từ “cải tuyển” , tôi được nhận sự vụ lệnh về căn cứ Dakseang hiện của toán A 245 LLĐB VN đang chỉ huy trại chờ chuyển giao lại để thành lập Tiểu Đoàn 90 Biệt Động Quân Biên Phòng.
Với chiếc ba lô gọn ghẽ ,tôi đi xe đò lên Kontum ,trình diện B-+12 để xin phương tiện lên căn cứ Dakseang , tỉnh lỵ nhỏ nhắn sạch sẽ vì đất trắng chứ không đỏ như đất Pleiku .
PHẦN 3: DAKSEANG: TIỂU-ĐOÀN 90 B.Đ.Q/Biên-phòng
Hai ngày sau tại bãi trực-thăng của B12, lần đầu tiên tôi ngồi trực thăng UH 1 , mọi người nhìn tôi với ánh mắt “xa lạ” ,sau này tôi mới hiểu ra ,tất cả binh sĩ không thích chuyển qua B.Đ.Q. họ hỏi tôi không mấy thiện cảm :
trại chưa “cải tuyển” sao chuẩn-úy lên sớm vậy ? Tôi trả lời : tôi lên theo lệnh BCH/ Biệt-động-quân khu 2.
Khi trực thăng lượn vòng hạ cao độ để đáp tôi nghĩ thầm , đây cũng “được” chứ sao,có xe cộ,có nhiều người ,có dãy phố nhỏ dù “hiu hắt”,tôi định bước xuống trong sự hài lòng tạm chỗ của mình sẽ đóng quân ,cánh tay một người lính biệt kích giữ tôi lại và hét vào tai tôi vì tiếng động cơ quá ồn ào :
– Chuẩn-úy ,đây là Tân-Cảnh ,trại mình còn nửa đường nữa . Té ra họ giao giấy tờ gì đó cho chi khu Tân-Cảnh .
Lại bay …và kia rồi một cái sân hình vuông ,và dọc hướng bắc của nó là khúc sân nhỏ ,khi cao độ hạ dần tôi nhận ra cái hình vuông là căn cứ với nhiều hàng rào kẽm gai ,còn cái khúc sân nhỏ là sân bay dã chiến mà vận tải cơ C 130 hercule lên xuống thoải mái .
Vị sĩ quan mà tôi trình diện mang cấp Trung-úy ,ông khóa 21 võ-bị Đà-Lạt , Trung-úy Phạm-Thanh-Liêm (ông tử thương vào năm 1973 tại vùng Thất-Sơn), một SQ/LLĐB còn “trụ” lại vì căn cứ chưa chuyển giao cho BĐQ , bữa cơm đầu tiên tại Đak seang có “bia bọt” và có mặt của toán mũ xanh Mỹ ,họ chúc rượu tôi ,tôi xin lỗi vì không uống được Whisky ,trừ viên trung úy trưởng toán xưng hô với tôi “bình-đẳng” còn 2 hạ sĩ quan Mỹ họ đều gọi tôi là “sir”dù tôi chỉ là “cậu Chuẩn-Úy sữa”. Họ mượn chiếc mũ nâu của tôi đội thử ,và sờ lên huy hiệu con báo đen bên vai trái tôi, tôi cũng “hoa lá cành” may thêm chữ RANGER hình vòng cung trên đầu con báo đen] tôi cũng được họ mời qua “hành-dinh” toán họ , tôi ngạc nhiên vì giữa rừng núi nhưng những “trang-bị” rất “sang cả : quầy rượu ,tủ lạnh với đủ loại bia Mỹ, một giàn AKAI cực kỳ “tân tiến” và lần đầu tiên tôi được nghe và cũng rất thích bài : the ballade of the Green-Berets. Tôi thầm nghĩ đúng là lính nhà giàu …
Căn-cứ nằm trên ngọn đồi thấp ,xa xa là ngọn Ngok -Tiem-Put , con sông Pơ- ko chảy vòng dọc phía nam, những ngày rảnh rỗi tôi thường tập lái xe ,có một jeep mui trần mà buổi chiều chúng tôi chất lên gần 20 người ra tắm suối .
Cái thú thứ hai là tập bắn súng Colt 45 ,tôi cũng trang bị cho mình mang “phong-cách Clint Eastwood ” nghĩa là một cái nón biệt-kích rộng vành ,cái bao súng có sợi dây da cột ống đầu gối ,chỉ thiếu con ngựa nữa là tôi có thể trở thành một Django thứ thiệt ở chốn rừng rú này .
Cái thú thứ ba là “học đòi” sưu tập súng ,tôi mượn của ban 2 mấy khẩu chiến lợi phẩm như AK-47 , CKC, vài cây carbin Mỹ đủ loại, biết tôi thích chơi súng ,trung úy William Hat tặng tôi 1 khẩu M-18 mới tinh (đây là loại mới nhất chỉ có LLĐB Mỹ được trang bị trong thời gian này ), trung sĩ Tùng Là hạ sĩ quan thông dịch viên của toán LLĐB Mỹ người đồng-hương của tôi tặng tôi một cây Flare -gun nhỏ như cây bút máy ,nhưng trái đạn to bằng ngón tay cái trông rất “ngầu” . Mấy ông lính truyền tin cũng rất “điệu” họ biết chắc khi trại chuyển qua mũ nâu ,tôi là “ông thầy” của họ ,họ lễ mễ ôm lên tặng tôi 2 máy truyền tin chiến lợi phẩm,một máy vô tuyến của Nga ,một điện thoại dã chiến của “Trung-cộng” ( đây là những chiến-lợi-phẩm tịch thu trong trận Dakseang 1969 mà khi tiếp nhận trại ,Trung úy LIÊM và toán của ông đã xuống đây bằng phương tiện : nhảy dù từ trên trực thăng) .Vậy là phòng tôi trở thành “viện bảo tàng binh chủng mũ nâu” .
Tôi cũng được vị sĩ quan trưởng trại cho tập tành chỉ huy ,dẫn trung đội đi hành quân mà lần đầu được giao nhiệm vụ”cầm quân” một trung -đội dân sự chiến-đấu( hầu hết là binh sĩ người Ba Na, Ra Đê ,hành-quân lên vùng Dak sut (một làng cũ có từ thời thuộc Pháp ).
Thời kỳ này bình yên lạ lùng ,đêm tôi cho đốt lửa sưởi ấm , cũng lần đầu tôi được ăn “ration biệt-kích” đây là loại thức ăn sấy sẵn ,khẩu vị hợp người Việt do Nhật-Bản đóng gói , vỏ bọc lớp giấy bạc mầu xanh nên lính thường gọi “ration xanh”…
Tôi kể sau đây vài mẩu chuyện lạ mà có thực :
Khi vừa hành quân về trại,chuyến này có trung-úy W.Hat cùng đi ,đang chuẩn bị đi tắm thì tr. úy Hat vội tìm và bảo tôi xin phép trung-úy Liêm đi Kontum chơi, tôi tưởng ông ta đùa , nhưng người thông dịch cho biết đã xin được trực-thăng , tôi tắm vội và thay bộ “cánh” lạ nhất ,một bộ “bệt” đen da báo mà chỉ trang bị cho Mike Force Mỹ (Tr-úy Hat tặng tôi) …Khi tôi ra bãi đáp trực thăng thì có Trung úy W. Hat và con chó “cưng” của ông ta,trong buổi chiều nắng gần tắt , sau khi nói chuyện tôi mới hiểu ra chuyến bay này là đem con chó đi chữa bệnh vì trong 7 ngày Hat đi hành quân cùng trung đội tôi ,con chó bỏ ăn đã 3 ngày, dân “tây” cưng chó là lẽ thường , nhưng đây là con chó cũng mang cấp trung úy (ngang với Hat)nó đã nhiều lần cứu sống cho Hat và toán của ông ta , tôi hay sang toán của Mỹ nghe nhạc nên con chó cũng quen tôi ,tôi sờ đầu nó và lật tấm thẻ bài “inox” trên cổ nó có hàng chữ :bất cứ ai thấy con chó này xin báo tin cho trung-úy W.Hat số quân…. thuộc toán …
Câu chuyện thứ 2 này cũng là chuyện lạ : vợ một người lính Thượng đẻ khó ,y sĩ của 2 toán VN và Mỹ không đủ phương tiện can thiệp , 12 giờ đêm xin 1 trực thăng cấp cứu … Máy bay lên nhưng do gặp sương mù dày đặc ,đâm vô núi phi hành đoàn gồm : 2 phi-công,một y-sĩ quân-y , 2 xạ thủ đại liên tất cả tử nạn.. Tôi chia xẻ nỗi buồn cùng Hat , ông ta nói : cái giá đắt quá ,để cứu người phụ nữ và cháu bé người dân tộc Sedang ra đời nước Mỹ hy sinh 5 quân nhân ưu tú … và Hat vẫn gọi về BCH/LLĐB Mỹ tại Nha-Trang xin tiếp phi cơ cấp cứu . Hơn 2 giờ sáng một trực thăng “cán gáo” (OH-6 , xem hình) đã an toàn đáp xuống và làm tròn nhiệm vụ tản thương , cũng cần nói thêm loại trực thăng này chỉ dành cho những “ca” rất đặc-biệt và nó cũng chỉ dành cho các VIP… Tôi không ca tụng người Mỹ , nhưng với riêng tôi ,những quân nhân Mỹ mà tôi có dịp tiếp-xúc cùng họ trong chiến-cuộc, tôi có nhận xét : tinh thần trách nhiệm là rất cao , họ thượng tôn kỷ luật , sự tự do cá nhân là tiêu chuẩn số 1… Nếu có một trung úy W.Calley đã không còn nhân tính , dã man tàn sát đồng bào tôi tại Mỹ-Lai ,thì tại cái vùng tiền đồn biên giới hẻo-lánh này tôi có một người bạn Mỹ là trung-úy W.Hat đã làm những việc có thể nói trên cả nhiệm vụ của một sĩ quan tác chiến ,vì sinh mạng nhỏ nhoi của 2 con người bản xứ anh đã mất 5 chiến hữu của mình . Một điều cũng xin được nói ra tại sao tôi và W.Hat thân nhau , thứ nhất : số sĩ quan của mũ nâu đưa lên căn cứ trong đợt chờ chuyển giao rất ít , chỉ có tôi và 2 sĩ quan nữa: chuẩn-úy Quý phụ trách ban 2, chuẩn-úy Phước ban 4 thì phải ở hậu-cứ Plei-ku để lo việc tiếp tế .
Tôi chịu khó học thêm tiếng Anh, và “dạy” Trung Úy W.Hat tiếng Việt, những lúc tôi hoặc Tr/Úy Hat bí thì có trung sĩ Tùng ( thông dịch viên cơ hữu của toán Mỹ) phụ trách thông dịch . Có lẽ điều mà ông ấy quí tôi (về sau tôi được người trung sĩ thông dịch viên nói lại là : tôi không hề lợi dụng xin xỏ bất cứ một vật gì, một điều gì) . Trường sĩ quan đã dạy chúng tôi điều cơ bản này khi tiếp xúc với chiến hữu đồng minh. Riêng tôi nghĩ sự tự trọng để bảo vệ nhân cách của một sĩ quan trẻ là rất cần thiết ,vì tôi chưa có kinh nghiệm trận mạc,việc đối nhân xử thế là ở bước đầu, nếu không thể hiện được nhân cách ngay từ buổi đầu tôi sẽ không chỉ huy được những thuộc cấp,có thể họ sẽ “khẩu phục” mà tâm không phục .
Một buổi tiệc nhỏ của toán mũ xanh Việt Nam để tiễn toán Mỹ ra đi Tr.Úy Hat tặng tôi chiếc mũ beret xanh và chiếc quẹt zippo trên đó có khắc dòng chữ :
Dear W.O. MINH : Soldiers never die,we are too .
Ltn WILLIAM HAT A-255/SF/US Army.
Chú-thích: W.O: warrant-officer :chuẩn-úy. Ltn : trung úy . S.F : Special Force ; LLĐB Mỹ A 255 : toán A số 255
Chắc chắn và sẽ không bao giờ người bạn Mỹ của tôi hình dung ra được rằng chính phủ Mỹ vì quyền lợi của mình đã “đi đêm” với bọn tàu Cộng, và bỏ mặc “đồng minh” của mình trong lúc khốn cùng …chỉ có Việt Nam Cộng Hòa là trường hợp duy nhất , oan nghiệt nhất cho số phận hàng nghìn người lính nằm xuống sẽ không bao giờ nhắm mắt được vì sự phản bội hèn hạ nhất của nước Mỹ , lịch sử chiến tranh bảo vệ một THẾ GIỚI TỰ DO mà chính phủ Mỹ phất cao cờ, và cho đến nay khi họ “sáng” ra thì cũng quá muộn …
Và W.Hat sẽ “kinh ngạc” khi biết “giặc Mỹ” lại là “chỗ” mà “kẻ thù cũ” có thể “trông cậy” vào để không bị “đồng chí anh em” dạy cho bài học , và lịch sử công minh sẽ chứng minh ai là kẻ đã “cõng rắn về cắn gà nhà”.
Tôi tặng lại anh chiếc “bi đông “chiến lợi phẩm, một “bi đông” Trung Cộng trên lớp sơn màu ô liu có dòng khắc bằng mũi kim 2 câu thơ rất “hoành tráng” :
Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ,
Mà lòng phơi phới dậy tương lai…
Tôi nhờ trung sĩ Tùng dịch lại, nhưng Tùng cứ lấn cấn ở cái từ ” phơi phới” … tôi mỉm cười nói với Tr-Úy Hat : ngôn ngữ chúng tôi giầu có và “bao la” lắm đấy, hãy ghi nhớ nhé về nước khoe vợ câu này và đố cô ấy dịch cho chuẩn(vợ Trung Úy Hat là giảng viên khoa “Đông Á” đại học YALE) sau đó tôi nghĩ cứ dịch là happy ,tất cả ok và thật vậy có ai ngờ chỉ 5 năm sau , vào tháng tư ,ngày 30 thì họ rât happy,một sự happy “vĩ đại” …
Ngày tháng trôi mau , thân phận lính thú vùng cao buồn lắm :
Ở đây lâu riết ta thành “thượng”,
Giống thượng lai căng chẳng thích rừng
Giống “thượng” bỏ gùi ,mang súng ống,
Xuân về nhớ gốc,nhớ bâng khuâng…
Tôi vẫn thường ngâm cho lính nghe :
Chiều chiều quanh quẩn bên nồi sắt,
Cơm cháy chia nhau buồn rưng rưng..
Giao thông hào căn cứ Dakseang ( hình trích )
Tôi nhớ không lầm mấy câu thơ này của nhà thơ Trần-Hoài-Thư, ông vô trường bộ binh trước chúng tôi 1 khóa ,ra trường chọn binh chủng Biệt Kích
Niềm vui lớn chúng tôi vẫn mong hàng ngày là những cánh thư từ “hậu-phương”, cứ 2 ngày có trực thăng liên lạc mang thư ,báo, công văn… thư thì thường đọc cho nhau nghe ,cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn…
Hạnh phúc đầu tiên của tôi là được cầm tờ phép “thường-niên”, phải về Pleiku ,nhận phép từ phòng 1 /BCH/QK2,ra air VN lấy vé về sân bay Liên-Khương … Về nhà ,đêm phải đi ngủ nhờ dưới xã , vùng quê tôi lúc này cũng nhuốm mùi chiến tranh , cũng có vài anh,chú người làng bị tử thương do giao tranh ngay trong làng ,bạn cùng trang lứa tôi hầu hết vào “nghĩa-quân”, “n.d.tự-vệ” có người chạy chọt làm cảnh sát áo trắng ,hoặc cảnh-sát dã-chiến…
Tôi về Sài-gòn để thăm lại chốn cũ nơi còn bao kỷ niệm của thời học trung học đệ nhị cấp , để có những chiều”vàng” là những chiều dạo phố Lê-Lợi, ngồi mấy quán cafe nơi trung tâm của ” Hòn ngọc Viễn đông” ngắm người qua lại, ra sạp báo bên góc phố mua vài tờ báo ,có mấy cô nữ sinh hỏi tôi khi nhìn bảng tên đơn vị trên vai áo : Đắc Sing là ở đâu vậy anh ?(Các cô phát âm từ Dakseang theo tiếng ăng lê) ,tôi đáp lại : nó ở gần thiên đàng . Những đôi mắt mở to và sau đó họ cũng xin địa chỉ của tôi , có lẽ đây là cái “mốt” thời thượng của các nữ sinh thành phố … họ thích làm “người yêu của lính “,nhưng khi lấy chồng thì “rinh” một ông không dính dáng gì tới chiến tranh cho chắc ăn…,
Tôi cũng trở lại khu Đakao để ăn món bò viên của chú Tàu Xửng mà ngày còn đi học rất thích, ghé quán cafe của ông “râu kẽm” trên vùng Ông Tạ uống ly cà phê , ăn phở 79 , vào rạp Vĩnh Lợi coi lại phim cũ, thường là phim Pháp, Mỹ với những diễn viên mà tôi rât thích như Alain Delon. Jean Gavin, Anthony Quinn… Tôi tham lam thăm tất cả chốn cũ để mai đây trở lại đồn biên phòng sẽ không còn tiếc, không còn nói : mình quên đến chỗ này, chỗ kia …mỗi con đường, mỗi góc phố , từng chỗ ngồi trong những quán quen ,phố đêm Sài Gòn sao quá đầm ấm,tôi tham lam bởi vì chỉ có 7 ngày chót của 15 ngày trong tờ phép, những năm tháng này phố vẫn ít kẹt xe trong giờ cao điểm, vẫn còn những chiếc velo solex ,nữ sinh chạy xe này thấy hiền và đẹp, honda dame 50 phân khối nhiều người dùng , thành phố rộn rịp từ sáng sớm cho tới khuya .
Tôi mượn honda chạy hết các đường phố khu trung tâm ,để mai mốt có chuyện kể trên đồn biên trấn… thăm vài người bạn còn được làm lính thành phố vì lý do “gia cảnh”…
Rồi cũng phải ra đi khi hết phép,đeo ba lô ra phi trường Tân Sơn Nhất đi máy bay dân sự của air V.N (tôi nhớ tiền vé là khoảng hơn 1000 đồng ,lương chuẩn úy gần 2 chục ngàn đã lâu quá sự chính xác chắc là không có).
Trở lại phố núi, buồn hiu hắt, lại chờ máy bay lên trại ,thường trong tuần có vài chuyến trực thăng liên lạc đem văn thư, báo cho căn cứ biên phòng, còn thì cứ 10 ngày có vận tải cơ caribu hoặc trực thăng chinook tiếp tế lương thực,các quân nhân trở lại trại đi theo những chuyến bay đó . Những ngày chờphi cơ lang thang các quán cà phê như Hoàng Lan,Tuyết, Mimosa… có những ngày mưa bão hết tiền mà chưa tới kỳ lương tôi vô hậu cứ Tiểu Đoàn xin vài bịch gạo sấy,vài lon đồ hộp,ăn qua ngày chờ có chuyến bay.
Căn cứ có sân bóng chuyền , bóng bàn trong căn nhà Bộ chỉ huy trại , nơi vách mặt trước căn nhà bộ chỉ huy Tiểu Đoàn đích thân trung úy Phạm Thanh Liêm nắn nót kẻ và tô dòng chữ : Đường Dakseang đi khó , không khó vì ngăn sông cách núi ,mà khó vì lòng người ngại núi e sông . -Những toán văn nghệ “tâm lý chiến” của quân đoàn,quân khu, và của trung ương khi đến trại đều đến chỗ này chụp hình kỷ niệm..
Có một “lô cốt” do Chuẩn Úy Quý đặt tên : “Tuyệt tình cốc”, sau giờ làm việc, Quí đã ” trụ trì ” tại đây , cậu ấy cạo đầu ,làm thơ,”sống ẩn dật” trên cái lô cốt mà khi đúc nó tốn trên 100 bao xi măng , nó mát mẻ trong mùa nắng và rất “Đàlạt” khi mùa đông , có tất cả những “đạo cụ thiền” trên ấy như sách báo , băng nhạc , trà,cafe, thuốc lá … Quý đun nước nhanh cực kỳ ,cậu ấy dùng C4 (chất nổ) ,véo 1 cục bằng ngón tay cái ,bật lửa chỉ 3 phút sau là cái ca U.S đã sôi ùng ục,chúng tôi pha ,trà.cafe và chuyện gẫu ,một cây guitar thường thiếu một hai sợi dây đàn ai có khiếu hoặc không cứ việc vỗ đàn hát nghêu ngao cho vui đời “lính thú”
Ngày còn đi học tôi nghe nhiều “huyền thoại về lính mũ nâu “, những chuyện kể về binh chủng qua hình ảnh những thiên thần cũng có , mà qua hình ảnh những người lính dị kì cũng có , nhưng khi ở trong binh chủng này tôi mới thấy những người lính gan dạ, sống chết vì tình đồng đội,chiến đấu dũng mãnh , tôi nhớ những người không may đã vĩnh viễn ra đi , có những người thân xác còn nằm lại những địa danh nghe rất xa lạ với người hậu phương ., có những đồng đội tôi may mắn hơn được chôn cất trong nghĩa trang quân đội thì lại phải chịu cảnh khói lạnh nhang tàn… Dân phương đông có một nét văn hóa rất đáng quí ; đối với người đã chết ,không còn biên giới,không còn hận thù , tôi vẫn ao ước chính phủ ,nhà nước Việt Nam nên có sự “mở” trong việc này , còn hàng triệu vành khăn tang ,còn hàng triệu nỗi ngậm ngùi ,oan-khuất, sao nỡ để cho đồng loại mình,dân tộc mình chịu cảnh :khấn chui , tử sĩ nào cũng là máu thịt Lạc-Hồng ,khi nhắm mắt xuôi tay được bình yên nằm vĩnh hằng trong lòng đất mẹ, những xác thân nằm trong nghĩa trang ấy ,dân Á-Đông tin có linh hồn ,có sự sống vô hình ,có linh thiêng quấn quít với gia tiên … Làm một nghĩa cử đẹp mà an được lòng muôn dân dù có là chiêu sách “mị dân” thì cũng tỏ đượcTÀI và ĐỨC của người lãnh-đạo… .Nhà nước Việt Nam đã trao trả tù binh Mỹ trong chính sách “nhân đạo” ,rồi còn tìm hài cốt cho họ , với Tổng-Thống Mỹ như Bill Clinton thảm đỏ được trải trang trọng đón tiếp tại phi trường Gia Lâm,Tân Sơn Nhất và các lãnh tụ cao nhất nước cũng đã từng nói :trong cuộc chiến vừa qua chỉ có 1 kẻ thù duy nhất là “đế quốc Mỹ” , cuộc chiến qua đi hơn 30 năm ,nhưng “di chứng” còn dai dẳng, hàng trăm ngàn cô-nhi,quả-phụ, thương phế binh của Quân Lực V.N.Cộng Hoà ,suy cho cùng cũng giống da vàng máu đỏ ,người Việt-Nam có một truyền thống cao quí là rộng lượng,bao dung nhất là qua lịch sử giữ nước đã tha mạng ,còn cấp lương thực cho kẻ thù đi về cố hương …với tình anh em ,với nghĩa đồng bào ,sao vẫn còn “lấn-cấn”…
PHẦN 4 : VŨNG-TÀU,BIỂN-MẶN .
Hình chụp khi thăm lại Vũng tàu năm 2009.
Cuối tháng 9 / 1971 tôi nhận được sự vụ lệnh đi học khóa 11 Sĩ quan truyền tin lục quân , giã từ tiểu đoàn 90 Biệt Động Quân , rời căn cứ biên phòng Dakseang.
Trường Truyền Tin Vũng Tàu là trường đào tạo chuyên môn cho ngành Truyền Tin trong quân đội cả nước, tọa lạc vùng Rạch Dừa của thành phố Vũng Tàu , đây là thời gian VÀNG của những người lính tác chiến, nhất là khi đang tác chiến trên những tọa độ “nóng” , nhiệm vụ chúng tôi là học kiến thức căn bản của một sĩ quan truyền tin để có khả năng đảm đương phân đội ,trung đội truyền tin bộ binh nằm trực thuộc cấp tiểu đoàn, trung đoàn ,liên đoàn. Khóa học có thời gian 6 tháng , nội trú tại trường,chiều thứ bảy có phép ra phố đến chiều chủ nhật . Nhưng thực tế cứ cơm chiều xong là chúng tôi (dân tác chiến về nên cũng được thông cảm) ra dạo phố không phép,tối lại vô trường, những nơi được xếp loại thắng cảnh của miền biển này như Bãi trước,Bãi sau , Đồi Vọng nguyệt, Dinh Bảo Đại … hôm nào lãnh lương thì “dù” về Sài gòn vì Sài Gòn vẫn đông vui hơn.
Tôi có người bạn học cũ ở Sài Gòn,vô tình gặp lại trong trường Truyền Tin ,anh đang chuẩn bị nhập khóa phóng viên chiến trường , tôi mê cái nghiệp này lắm ,tôi làm đủ mọi cách để có tài liệu học tập , chủ nhật thường theo toán thực tập này để được đi thực hành, bấm máy , viết bài … viên sĩ quan phụ trách lớp học này biết tôi yêu thích nghề ông cũng thông cảm và tạo mọi giúp đỡ , cuối khóa tôi có thêm tấm bằng làm kỷ niệm ,
Thành phố Vũng Tàu hiền hòa , có lính Úc ,Tân Tây Lan, Mỹ nên có nhiều quán bar, vũ trường ,nhưng không xô bồ như Cam Ranh hay Pleiku, Saigon …Những ngày được ra phố chúng tôi được “hưởng” cái thú rất “nghệ sĩ” là tìm các quán nước dọc bờ biển ngồi uống cafe ngắm mưa trên biển , đẹp,thơ mộng, bình yên nhưng cũng là lúc nhớ bạn bè đồng đội mình đang “nằm gai nếm mật” trên cao nguyên mà mùa mưa thì dầm dề, mùa nắng thì lạnh thấu xương, bữa ăn thường là rau rừng,măng le, thịt hộp ,những lúc đó tôi biết mình đang hạnh phúc ,không có nỗi chết rình chờ ,không có chiến trận …nhưng nó cũng trôi qua rất mau , có vùng trời riêng đang chờ chúng tôi vì tình hình chiến trận ngày thêm khốc liệt , mỗi sáng thức dậy cái cảm nhận đầu tiên là vị mặn ,hơi ấm của biển như phà lên người mình , những ly cafe vội uống trong câu lạc bộ , tập họp lớp lên giảng đường , học, thực-tập , mỗi tuần có 4 giờ tiếng Anh do giảng viên Mỹ dạy , về qua chỗ khu Điện ảnh lấy bài học thêm, xếp lịch đi thực tập quay ,chụp … thời gian trôi vèo vèo , 20 tháng chạp mãn khóa ,dù phải học 2 ngành nhưng tôi vẫn “đậu” bằng truyền-tin hạng xuất -sắc .
Đã đến lúc phải giã từ cái” Vũng” thân yêu này sao ? buồn quá, khóa chúng tôi 6/69 cũng nhận được quyết định thăng cấp thiếu -úy , có vài anh bạn mà người nhà làm trong phòng Tổng-quản-trị thuộc bộ tổng tham mưu đã sao chép cho anh em chúng tôi quyết định thăng cấp, vui sướng lắm vì ai cũng muốn “cắt cu” (cu : viết tắt chuẩn úy) . Hồi đó có được quyết định in ra từ hệ thống I.B.M của quân đội là “le lói hào quang” lắm .Các “quyết định ” của tổng tham mưu về thăng cấp có sớm lắm cũng là 2 tháng mới về tới đơn vị,chúng tôi vẫn gọi đùa việc này là “hệ thống quần dài” đúng ra nó là “hệ thống quân giai” Tâm lý anh nào cũng muốn giã từ “quai chảo ” (lon chuẩn úy có hình OMEGA giống cái quai chảo ), đeo bông mai có vẻ “trận mạc”và chín chắn” kinh nghiệm chiến trường” hơn .
Lần đầu trong đời lính tôi được ăn tết ởquê nhà ,mặc thường phục ( quê tôi thường bất an vì có du kích về làng ) cho đến mồng 4 lên sân bay Liên Khương đi máy bay dân sự của hãng Air Việt Nam , chiều mồng 4 tết có mặt trên “phố núi”, không khí “nóng” hơn dù tháng giêng Pleiku lạnh lắm ,nóng vì tin chiến sự , có 2 tiền đồn đã mất là Dakpek,sau là Dakseang … Đức cơ bị “đe dọa “liên tục” những toán trinh sát của phòng 7 TổngThamMưu đã phát hiện dấu vết xe tăng T 54 ,xe Molotova chuyển quân,lương tiếp vận , sắp có “trình diễn show hoành tráng rồi đây…”
Tôi nhận “sự vụ lệnh” từ Đại đội 2 Truyền Tin Biệt Động Quân : Bổ sung chức vụ Sĩ QuanTruyền Tin tiểu đoàn cho TĐ 82 BĐQ/Biên Phòng (Căn Cứ Pleime).
Từ trên trực thăng UH 1 nhìn xuống, giữa màu xanh bạt ngàn của vùng biên giới Việt Miên là một khuông đất hình lục giác đỏ cạch, đáp xuống bãi đáp đất bụi đỏ mù trời, tôi vào trình diện Tiểu đoàn Trưởng Đại úy Phan Bát Giác (tôi đã làm sĩ quan truyền tin dưới quyền chỉ huy của ông ở căn cứ Dakseang khi ông lên xử lý chức vụ tiểu đoàn trưởng thay cho Đại Úy Nguyễn Văn Lộc đi phép).
Trung sĩ Tần phó ban truyền tin được gọi lên dẫn tôi về khu truyền tin , nhận “hành dinh mới” một hầm T..O.C (trung tâm hành quân) nằm trong lòng đất ,kiên cố,rộng rãi , (được xây dựng sau trân Pleime lịch-sử vào năm 1965) Pleime “nổi tiếng” lần thứ 2 vào năm 1974 với 33 ngày đêm tôi sẽ kể sau .
Điện thắp sáng trong căn cứ sử dụng máy nổ chạy từ sập tối đến 21 giờ thì tắt . Tôi ăn cơm với toán sĩ quan trên “nhà bàn” ,nhận 1 phòng trong trại sĩ quan gần phòng trưởng ban 3 thiếu úy Vũ Đình Khanh.
Có một sĩ quan mà tôi thân và mến là anh Phan-Gia-Khương xuất thân khóa 2 Đại học chiến tranh chính trị Đà Lạt ,đây là sĩ quan trẻ dễ mến ,anh hơn dân “trừ bị” chúng tôi 2 tuổi , và “cốt cách” cư xử thì chúng tôi vẫn tôn anh là đàn anh , xin hiểu danh từ này dùng trong quân đội là sự nể trọng hoàn toàn khác với từ dùng trong thế giới “anh chị giang hồ”…
Trại Pleime vào mùa gió thì bụi đỏ bám mọi nơi, mọi thứ như được “tô son”, gió mang bụi đỏ phủ lên mọi thứ ,quần áo ,chăn , mùng, bàn ghế… lại một cuộc sống “lính thú” tân thời , lại những ngày vui khi có trực thăng mang thư báo… dù Pleime cách thị xã Plei ku trên 50 km đường bộ ,nhưng đi qua 50km này cái giá phải trả rất cao có khi là “vô giá” bởi mìn bẫy , một trận phục kích v.v… , mỗi lần tiếp tế đường bộ chúng tôi thích lắm vì có buổi chiều được ghé Pleiku :
Mai ta đụng trận may còn sống,
Về ghé Pleiku phá phách chơi,
Chia sớt nỗi buồn cùng góc phố
Đốt tiền mua vội một ngày vui .
những dòng thơ của Nguyễn Đức Sơn xin phép tác giả thay tên Pleiku mà nguyên gốc là Sông Mao cho hợp hoàn cảnh .
Bắt đầu vào mùa mưa có những trận đụng độ nhỏ với địch ,tôi theo chân tiểu đoàn hành quân vùng YaMeur có dòng suối trong vắt , trực thăng vận xuống thung lũng Y A Dran nơi mà năm 1965 sư đoàn không kỵ Mỹ thiệt hại nặng vì tin tình báo sai lạc , xuống vùng ranh với Đức Cơ thuộc vùng biên trấn của tiểu đoàn 81 B.Đ.Q. Vùng chi khu Thanh An …
Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng Phan Bát Giác nhận lệnh rời đơn vị chúng tôi thay ông là Thiếu Tá Nguyễn Đỗ Tước cũng xuất thân trường võ bị Đà Lạt khóa 16 .
Mùa hè 1973 chúng tôi được lệnh đi tái chiếm Chư Pao và giải tỏa KonTum thay cho Lữ đoàn 1 Nhảy Dù sẽ nhận nhiệm vụ mới ở Quảng Trị .Nhảy Dù rút đi những người lính địa phương quân đang đỏ mắt chờ chúng tôi, dân chúng Kontum chờ những “thiên thần mũ nâu” đến với họ…
Trước khi xuất quân có ban văn nghệ trung ương từ Sài Gòn đến diễn cho những người lính mũ nâu sắp bước vào những vùng “nóng” ,chiến tranh mùa hè 1973 là chảo lửa nó “rang” tất cả chúng tôi nóng lên từng ngày….
Tiểu đoàn 82 B..Đ.Q cộng thêm tiểu đoàn 63 B.Đ.Q thành lập chiến đoàn 21 B.Đ.Q Tiểu Đoàn Trưởng chúng tôi là Thiếu-Tá Nguyễn-Đỗ-Tước ( khóa 16 VBQGVN) , Tiểu-đoàn-Trưởng 63 là Thiếu Tá Huỳnh Châu Báo, Liên Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Lang ,tôi không nhớ họ của ông ,nhưng trong gia đình mũ nâu hay gọi ông là Lang “trọc” dĩ nhiên chỉ những sĩ quan trên cấp và cùng cấp với ông mới dám gọi như vậy ,vì ông có cái đầu mà các nhà sư “thèm” ,vì luôn trọc và láng bóng ,rồi lâu ngày ông chết cái tên này ,chúng tôi những sĩ quan trẻ ,tuổi tác chỉ là hàng con ,cháu ông đâu dám gọi kiểu “sách mé ” và vô lễ được.
Xuất phát từ căn cứ Pleime ron , thẳng hướng Kontum…khi qua khỏi làng Pleite ,một trận kịch chiến diễn ra có thương vong và tử sĩ ngay buổi xuất quân ,tôi biết “gay cấn ” mở màn , qua khỏi làng Pleite 2 ngày sau chạm với một “căn cứ hỏa tiễn 122 ly ” à thì ra những trái đạn ở đây vẫn làm “quà” cho Pleiku đây , trời mưa dầm ,ngày đi đêm dừng quân ,người sũng ướt , cơm sấy chế nước mưa ,ăn sao ngon lạ , gần 4 ngày đêm “thần-tốc” chúng tôi có mặt dưới “ngọn” Chư pao . Chỉ là khúc đèo nhỏ trên đường Pleiku đi Kontum , trên đỉnh có vài tảng đá rất to đặt công sự phòng thủ rất an toàn mấy toán xạ thủ bắn tỉa ,pháo kích bộ binh đối phương bị xích vô nơi đặt súng , cối của đối phương khống chế bộ binh ta , phòng không 12li7 và hỏa tiễn của Trung Cộng, Nga như SA 7 ,AT 3 làm việc yểm trợ của không quân rất khó vì mùa này thường xuyên có mây mù , đạn dược địch được trang bị kỹ tới mức lúc nào cũng “trên cơ” ta , máy bay KQVN ,cả của Mỹ từ đệ thất hạm đội vô yểm trợ nhưng vô hiệu vì núi không có triền mà là vách dựng đứng và hầm chữ A 2 lớp của địch chịu được bom ,chỉ trừ bom rải thảm của B 52 , trung đội trinh sát thiện chiến của tiểu-đoàn 82 B.Đ.Q thường đánh ban đêm , chớp nhoáng , táo bạo…
khúc xương khó nuốt , tử thương của 2 bên là không nhỏ ,xin nhắc 2 câu thơ của nhà thơ quân-đội : Lâm Hảo Dũng: nó nói lên ít nhiều “bi thương ” của trận mạc trong mùa hè 1973 trên cái khúc đèo bé con nhưng nuốt gọn nhiều sinh mạng cả Nam lẫn Bắc quân
CHƯ PAO AI OÁN HỜN TRONG GIÓ,
MỖI CHIẾC KHĂN TANG MỘT TẤC ĐƯỜNG…
Chỉ có khúc đèo ngắn nhưng đầy oan nghiệt ấy ,nó giết chết bao niềm hy vọng trong những “trái tim hồng ” của cô nữ sinh ở ngôi trường tỉnh lẻ , của cô sinh viên lên giảng đường hay ghé sạp báo tìm đọc “tin chiến sự ” ,của bà mẹ già quê ở Thái Bình ngóng tin con từ chiến trường ” B” , nó không từ ai hết ,nó lừng lững đến từng nhà ,thăm từng người ,trao cho họ những giấy báo tử , có bao vành khăn sô chít lên đầu xanh ,đầu bạc mỗi ngày … Nhạc Trịnh qua giọng Khánh Ly : ôi quê hương đã lầm than sao còn còn chiến tranh…
Một mùa hè mà nhà văn đại úy Phan Nhật Nam của binh chủng Nhảy Dù đã khai sinh tên : MÙA HÈ ĐỎ LỬA, nó đỏ và nóng rực lên với những “đồ chơi rất tối tân” là chỗ thử các loại vũ khí của Nga, Mỹ, Trung Cộng … những SA7, AT 3 , SKZ , trực thăng Apache trong một cái bấm nút phóng xuống hàng trăm quả M 79 … âm thanh C130 bay đêm trên vùng giao tranh bắn đại liên “điện tử” như vãi thóc xuống giống hệt tiếng rống của con bò khi bị đập đầu ,cắt tiết… tôi đã trải qua một mùa hè như vậy, ( hơn 30 năm sau , mở các hồ sơ chiến tranh giải mã thì số phận của chúng tôi đã được quyết định từ khi ký kết hiệp định Paris ) tội nghiệp cho chúng tôi , lớp sĩ quan trẻ ,lòng không hận thù ra đi mà cứ nghĩ mình là “tráng-sĩ” :xin mượn thơ Nguyễn Đức Sơn :
Ta vốn hiền khô ,ta là lính “cậu”
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo,
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo,
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước,
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi,
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi,
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí.
Lũ chúng ta sống một đời vô vị ,
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau ,
Mượn khoảng trời làm nơi đốt hỏa châu,
Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc ,
Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết,
Và máu xương làm phân bón rừng hoang
Cũng trên khúc đèo này chúng tôi “nếm mùi” bom đạn Mỹ (bom đạn của “đồng minh”), một pháo đội 155 ly “tác xạ nhầm” lên đơn vị chúng tôi , lại một phi vụ B 52 “rải thảm” lên ngay điểm đóng quân của chúng tôi ,cũng may hầu hết những hầm chữ A của” bên kia “bỏ lại sau khi rút nên thương vong và tử thương là ” chấp nhận được”. Mấy tháng sau qua bản tin do phòng 2 Quân đoàn 2 phổ biến ,chúng tôi được biết người pháo đội trưởng 155 ly đã dùng đạn Mỹ “nã” lên đầu chúng tôi là “người bên kia ” gài vô . Còn cái vụ B 52 rải bom lên chúng tôi là do “nhầm lẫn đáng tiếc” , mãi sau này khi đọc các “giải-mã của ngũ giác đài ” và lịch sử “chiến tranh tình báo” của Phạm Xuân Ẩn (Thiếu Tướng cục phản gián của đối phương ,ông này gần gũi với các phóng viên ,các giới truyền thông có tầm cỡ của quốc tế đang săn tin chiến sự ngay trên Sài-gòn ) tôi mới thấy về quân báo , quân đội V.N.C.H bị đối phương “gài” tới tận những cơ quan trọng yếu được niêm dấu :Tuyệt mật và miền Nam cũng đã rất “hào phóng” khi nuôi sau lưng một đội quân sẽ phản chủ khi có dịp , Tôi lại nhớ câu nói bất hủ, khó hiểu (lúc bấy giờ) của ông tướng độc nhãn người Do Thái là Moshe Dayan : miền Nam muốn thắng trước tiên hãy thua họ ( miền Bắc ).
Chiến tranh trên quê hương nghèo nàn , đổ nát của chúng tôi cho lũ lái súng thế giới thử nghiệm vũ khí , cho các “học thuyết” không dính dáng gì tới cuộc sống của một dân tộc hiếu hòa ,một dân tộc “ẩn nhẫn” chịu đựng qua bao cuộc chiến tranh khốc liệt rồi ,những khẩu hiệu,những ý thức hệ trá hình ,máu đổ trên mảnh đất hình chữ S nhưng những hiệp ước,những hội nghị bàn tròn ,bầu dục lại diễn ra nơi nào đó trên đất nước xa lạ nào đó,của những con người LÀM ra chiến tranh nhưng lại nhìn cuộc chiến từ xa , tội nghiệp cho lũ chúng tôi , cổng trường đại hoc hé mở thì đã đóng sập lại bởi lệnh “tổng-động-viên” , cầm tay người yêu chưa ấm thì đã phải cầm súng , cha mẹ già nua ,lưng còng phải đưa tiễn xác con về từ Chương-Thiện, Đức-Cơ, Đồng-Xoài …
Tôi khâm phục chính phủ 2 miền Đông và Tây Đức ( Germany ) họ nhân văn ,yêu hòa bình, coi trọng XƯƠNG MÁU đồng loại ,đã phá bức tường ô nhục ,còn nước ta…
Tôi cũng khâm phục cách đối xử nhau đầy nghĩa tình ,tình người của người nước MỸ trong cuộc nội chiến Bắc Nam và cứ thắc mắc sao người phương tây họ KHÔN NGOAN và QUÂN TỬ thế nhỉ , chạnh lòng nghĩ đến đất nước mình , dân tộc mình …
Giã từ KonTum “kiêu-hùng” chúng tôi về dưỡng quân ở Pleiku , chưa nóng chỗ có lệnh ra miền Bồng-Sơn ,Tam-Quan .
Tôi về qua vùng “quê nội ” mà đâu dám vô ,quê ba tôi ở Đập-Đá , quận An-Nhơn, Bình-Định , tiểu đoàn tôi giải tỏa từ khu Đèo-Nhông ra tới xứ dừa Tam-Quan , hãy nghe những câu thơ của Lâm-Hảo-Dũng :
Hỏi tôi ngày ở Tam-Quan,
Có ăn mè xửng em làm hay chưa ?
Súng ai bắn nát ngọn dừa,
Thương cây thánh giá nhà thờ gẫy đôi.
Em dệt chiếu dưới đồi mười ,
Mà buồn cháy đỏ hai mươi năm rồi,
Về Bà-Di chỉ mình tôi,
Bỗng yêu chết được ma Hời tháp Chăm…
Chiếm lại đèo Nhông , ra Tam-Quan giao tranh trong xứ dừa này rất “kinh-dị” như coi phim Hitchcock đây là vùng là đất “xôi đậu”, súng đối phương có thể từ trên ngọn dừa bắn tỉa xuống , quả lựu đạn Nga có thể nổ khi người lính nhấc cái gàu thò xuống giếng múc nước , pháo của 2 bên chạm đọt dừa sẽ nổ và rải thảm đều khắp , chỉ một chút sai lầm nhỏ người lính có thể hứng trọn dây đạn đại liên 60 nhiều nòng từ trực thăng gunship của không quân bạn bắn xuống , tốc độ ,nhịp bắn được vận hành bằng điện ,trước đó vài giây người lính còn nói cười , chỉ sau cái bấm nút của người xạ thủ đại liên ngồi trên gunship thì điều “oan-nghiệt” sẽ đến : chết chẳng hẹn hò ,nằm chết như mơ…như hình ảnh trong lời nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Tôi được biết “màu tím hoa sim” trong rừng ” An Lão” của tỉnh Bình Định ,cuối hạ rồi nên màu tím đẹp quá , nó tím “để chiều đi không hết” như tiếng hát ca sĩ Phương Dung trong bài Những đồi Hoa Sim của nhạc sĩ quân đội Dũng Chinh . Tôi và toán trinh sát lên một slick (trực thăng có võ trang) đi “bốc” 2 phi công của không quân V.N bị bắn rớt ,tôi đi phối hợp vì vùng hành quân này thuộc trách nhiệm Tiểu Đoàn 82 B.Đ.Q chúng tôi,thứ nữa tôi biết sử dụng Rada Beacon . chuyến cứu bạn an toàn ,trong túi áo bay của 2 phi công A 37 là những trái ổi xanh , tôi hơi ngạc nhiên nhưng rồi được họ giải thích :để dành ăn cho đỡ đói …
Qua mùa hè nơi vùng duyên hải , chúng tôi giao vùng hành quân lại cho địa phương , trở về cao nguyên đất đỏ, nhóm sĩ quan trẻ chúng tôi ra phố,uống vài ly rượu , ngồi quán nước nghe nhạc ,cũng gật gù hát nho nhỏ cho vơi nhiều nỗi nhớ,nhớ bạn bè mình không may mắn trở về ,những cái ly không chủ cũng đầy rượu … khi nào thì đến lượt chúng tôi , lửa đạn không chừa ai … có mấy ai hiểu được :
Sáng nay về tới rừng BanHet .
Còn nhớ đồi cao dốc tử-thần ,
Ta đã một thời đi chiến-đấu,
Một thời lữ khách rất cô đơn .
( thơ Kim Tuấn)
Rồi cũng chẳng nghỉ ngơi được bao lâu , chúng tôi nhận lệnh : tiếp ứng và giải vây cho căn cứ Đức Cơ nơi Tiểu Đoàn 81 BĐQ đã bị bao vây 3 tuần lễ .
8 giờ sáng đã bắt đầu trực thăng vận , tôi theo BCH/TĐ nhảy xuống trong slick đầu tiên , bãi đáp đã được pháo và những phi tuần phản lực “dọn kỹ “, sau này tôi mới hiểu đây là “sự im lặng đầy chết chóc đang rình chờ” ,quân thả xong an toàn , phi cơ cuối là chiếc L 19 làm nhiệm vụ quan sát cũng chào bãi chúng tôi rồi đi về , khi núi rừng sẫm màu hoàng hôn chúng tôi bắt đầu ăn pháo ,một trận pháo “chào đón” ra trò , pháo vòng cầu , pháo trực xạ nổ như rang bắp ,hầm hố chưa đào sâu , thiệt hại lớn , không quân hẹn tối mới có phi cơ soi sáng , tôi ngạc nhiên vì chuyện này ,nhưng bây giờ “ngộ” ra lúc đó xăng và đạn dược tiếp cho quân đội rất cầm chừng,rất hạn chế… ,số phận chúng tôi đã được “ngả giá” bởi những “bàn tay lông lá” ,tội nghiệp chúng tôi , những kẻ ra sân đấu mà bị trói tay, chỉ có đôi chân để ” CHẠY LÀNG”, để “di-tản chiến-thuật”
Tổng thống Thiệu đã nói như muốn khóc : làm sao đánh lại cộng sản ,họ tiêu tốn cho phương tiện chiến tranh bằng cả núi vũ khí tối tân,của Nga Sô,Trung Cộng ,xăng dầu của Việt Cộng chảy tới Tây Ninh …còn quân đội Cộng Hòa chúng tôi chỉ với vài đô la lẻ ,làm sao…Có sức mạnh để đánh giặc để làm nhiệm vụ tiền đồn cho vùng Đông Nam Á ,trong hội nghị “thượng đỉnh” ở Honolulu lần chót vào năm 1973 . Ông đâu hay được “đồng-minh” đã bán đứng ông và một quân-đội còn non trẻ ấy, lại nữa người Mỹ, công dân Mỹ họ có quyền “lên giọng ” với tổng thống của họ nhất là chẳng bao lâu nữa là bầu cử tổng thống ,T.T. Thiệu đâu nghĩ tới điều : vì quá dân chủ nên dân Mỹ họ rất “dị-ứng” với hình ảnh con em,chồng cha họ lủi thủi xếp hàng lãnh cơm ở nhà tù “khách sạn Hillton” Hà Nội , họ muốn con em họ trở về ngay tức khắc , một lợi thế rất thuận cho “bên kia”, chúng tôi ở vào hoàn cảnh cùng trên một con tàu không có bản đồ,hải bàn , thuyền trưởng tuyệt vọng vì hải-trình còn xa mà nhiên liệu thì cạn kiệt …
Lãnh pháo liên tục 2 ngày đêm ,chiều ngày sau đột nhiên ngưng pháo , suốt 48 giờ căng thẳng chúng tôi mệt nhoài ,mắt như có ai kéo lại ,ai cũng ngủ như chưa bao giờ được ngủ …
Chúng tôi chợt tỉnh trong tiếng kèn thúc quân của địch , những lằn đạn AK xanh lè quét sát chúng tôi , bộ binh đối phương đông như kiến ,tôi nghe nói “tấn công biển người ” đã lâu ,nay được chứng kiến, tham chiến thì đúng hơn , tôi cầm cây M 16 của người lính trinh sát bảo vệ cho BCH/Tiểu-đoànđã gục chết, qua lỗ châu mai lố nhố những chiếc mũ cối , địch tiến gần lắm rồi , tôi chụp handset của máy PRC 25 , người lính hỏi tôi : trung úy kêu chỗ nào ,chỉ còn cái này đang liên lạc với thằng 1 (đại đội 1 ) Thiếu Tá T.Đ.Trưởng và trưởng ban 3 tai bị ù vì góc hầm bị sập do pháo đối phương , tôi bảo : cậu qua tần số liên đoàn ; tôi nghe giọng sĩ quan trực ban 3 liên đoàn tỉnh rụi : tụi nó ghẹo sơ đó mà … tôi đòi cho gặp Alfa (liên đoàn trưởng ) , tôi biết sĩ quan trực liên đoàn không đánh giá được tình hình chính xác , tôi nói luôn , anh trình alfa cho pháo hay phi tuần đánh ngay lên đầu chúng tôi .
– Bộ tới mức này sao . Ráng đi để tui cho pháo chớ fighter giờ này chắc gì có . Ráng cầm cự .
– Tụi tôi hết tiền (đạn) rồi làm sao “tố” được .
– Cũng không có pháo , chúng tôi bắt đầu cận chiến , khẩu colt 45 của tôi còn 1 băng với 6 viên đạn đã lên nòng.
– Tôi nghĩ không thoát ra hầm sẽ chết chùm vì khi áp sát được địch sẽ đánh lựu đạn hoặc bộc phá, chúng tôi lao ra ,tôi cũng quét 1 băng M 16 và cùng tụt con dốc xuống chân đồi theo 1 hướng không thể có chọn lựa nào khác hơn , địch dành cho chúng tôi con đường này và cái giá chúng tôi phải trả cũng quá đắt, toán lính truyền tin và tiểu đội trinh sát còn được 6 người kể cả tôi ,với vài cây súng ,một máy Prc 25 , không còn đơn vị nào trong hệ thống liên lạc , tôi biết “thiệt hại ” là rất lớn , tôi nhắm hướng ,cho Kpui-Thup một hạ sĩ tr/tin rất to con, mở lối ,rừng rậm không thấy mặt trời ,chúng tôi theo hướng địa bàn đi về chi khu Thanh An , sang ngày thứ 2 chạm súng với 1 tổ du kích mà thoạt đầu tôi cứ tưởng quân bạn vì địchche mấy khẩu AK quá kỹ ,khi họ lia 1 băng AK 47 về phía chúng tôi làm cho một người lính Biệt-Động trong toán chết ngay tại chỗ , lần đầu trong cuộc đời tôi phải quyết định một chuyện : để lại tử sĩ trên đường rút lui, không có cuốc xẻng để chôn , không thể mang thi hài theo vì chính tôi cũng chưa biết sẽ đưa được toán tới chi khu Thanh-An hay không ,qua các làng dân tộc hầu hết là vùng kiểm soát của “bên kia”, súng đạn và quân số địch rất dồi dào … ,cứ chạm thì né, ngày thứ 3 mọi người bủn rủn vì đói , chúng tôi đâu có ý định “di-tản” nên tất cả quân lương vẫn còn trong các ụ chiến đấu, tôi bảo Thup trèo lên cây cao coi có làng nào để tìm đồ lót dạ , định hướng xong chúng tôi đi trong cái đói cồn cào ,mắt thường bị hoa lên ,vậy mà tới xế chiều mới tới 1 làng nhỏ , gọi là làng nhưng thực ra chỉ có chừng 5 cái nhà sàn bé tí , sau khi đã quan sát kỹ ,tiến vô làng có 2 bà cụ già người Thượng đang vắt khoai mì thành nắm [có khi họ tiếp tế cho du kích ] tôi cho tản ra ,Thup là người “đồng hương “tiếp xúc thương lượng , còn tiền trong túi tôi móc ra trả , bảo Thup “thông dịch” và gói lẹ chỗ khoai mì thành 5 gói , có lẽ chưa lần nào được ăn ngon như vậy , trên đường đi chúng tôi nghe tiếng máy bay L 19 , tôi dò mọi tần số để kêu giúp đỡ nhưng vô vọng ,buổi chiều lại “chạm” nhỏ với du kích , cũng may vô sự , 2 ngày sau chúng tôi tới được chi khu Thanh An ,tôi được đại tá Võ Hữu Hạnh chỉ huy trung đoàn 53 /Sư Đoàn 23 BB chuẩn bị tiếp cứu cho Đức Cơ ,ông đãi tôi bữa cơm chiều sau khi nghe tôi “tường thuật di tản”khỏi Đức Cơ cho ông nhà văn mang lon Đại Tá.
Đơn vị tôi thay chỉ huy mới : Đại-Úy Nguyễn Ngọc Lân ,ông về thay cho Thiếu Tá Nguyễn Đỗ Tước nhận nhiệm vụ mới , thời gian này khu vực căn cứ Pleime im ắng một cách bình an, thường cứ có “dấu lặng” là sẽ có “màn” mới .
Không bao lâu chúng tôi lại được thay Tiểu Đoàn Trưởng mới : Thiếu Tá Vương Mộng Long , vị chỉ huy trực tính, tài ba , kiên cường ( về điểm này tôi biết qua những anh em còn lại sau 1975 Họ kể cho tôi nghe lòng bất khuất của ông vào những giờ hấp hối của một quân đội, của một miền Nam,một trận để đời tại Xuân Lộc,Long Khánh, người Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân mà Thiếu Tướng Lê Minh Đảo trong nhiệm vụ chỉ huy có thẩm quyền cao nhất giữ phòng tuyến Xuân Lộc khâm phục…Có nhiều tank 54 của đối phương còn vết sơn “xịt” nơi pháo tháp : T.Đ 82 B.Đ.Q, nhưng giờ thứ 25 của vận mệnh một Quốc Gia quá oan nghiệt từ lệnh đầu hàng của một tên tướng nội tuyến cho địch , quân lực VNCH đã “nuôi ong tay áo” vài tên tướng như vậy …
Với riêng tôi trong trận 33 ngày đêm trấn giữ Pleime mà Tiểu Đoàn chúng tôi với quân số một “chọi” với mười đã chiến đấu trong tháng mưa dầm dề (hầu như sự yểm trợ của Không Quân bị hạn chế tối đa , hạn chế vì thời tiết , hạn chế vì ngân sách viện trợ cho Quân Đội bị cắt giảm tối đa ). Nếu không phải là Thiếu Tá Vương Mộng Long chỉ huy thì căn cứ Pleime có lẽ đã mang số phận khác, một số phận mà không người lính mũ nâu Biên Phòng nào mong muốn : di tản chiến thuật…Ông đã “làm bàn thắng” ngoạn mục , đưa Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân về sân vận động thị xã Pleiku để khao quân ,mừng chiến thắng do đồng bào và chính quyền thị xã Pleiku tổ chức đón tiếp.