Thursday, July 16, 2020

32 Năm Người Mỹ Và Tôi

26/11/2002
Người viết: Trương Ngọc Bảo Xuân Abbott
Bài tham dự số 108\VBST

Bà Trương Ngọc Bảo Xuân Abbott, 52 tuổi, hiện cư trú tại Boat City, Marina del Rey, California, là giám khảo ngành Barbering & Cosmetology tại State Board, nơi tổ chức thi bằng hành nghề thẩm mỹ của tiểu bang California.
Trong đợt II Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ, bà Bảo Xuân đã góp loạt bài đặc biệt về ngành thẩm mỹ tại Hoa Kỳ: một ngày chấm thi, một ngày đi dạy, một ngày đi học nghề thẩm mỹ.
Hàng ngày theo dõi bài tham dự giải thưởng, bà Xuân viết: “Thấy thương người, thương mình. Thương tới muốn khóc.” và quyết định “đến phiên tôi kể chuyện nhà cho bạn nghe...”
Đây là chuyện kể 32 năm của một cô dâu Việt, về một chàng Mỹ 17 tuổi, bắt Mẹ ký tên cho đi lính trước tuổi, để sang tận bên kia trái đất “mang tui về trả nợ”, như tác giả Bảo Xuân Abbott nói đùa.
Việt Báo trân trọng cám ơn tác giả và ông Dave Abbott đã cho phép sử dụng một số hình ảnh gia đình kèm theo bài viết này.
Hàng ngàn người. Có thể cả chục ngàn, trăm ngàn, rồi cả triệu không chừng. Những người Việt tan tác khắp nơi, chưa gặp, chưa quen... Lạ thay, khi không bỗng thấy nhau thân thiết. Thân tới mức mang cả chuyện nhà của mình ra kể cho nhau nghe. Toàn những chuyện khổ đau, oan ức, tang thương đã bao năm nuốt xuống. Giải Thưởng Việt BáoViết Về Nước Mỹ hàng ngày cho tôi cảm giác ấy. Khi viết, khi đọc, thấy thương người, thương mình. Thương tới muốn khóc.
Và bây giờ, bạn thân mến,
Đến phiên tôi kể chuyện nhà cho bạn nghe.
Viết về nước Mỹ, được rồi, đang sống ở Mỹ mà. Viết về người Mỹ, tìm đâu cho xa. Tôi muốn nói về người đi bên cạnh tôi 32 năm qua: David, chồng tôi.
Cuộc đời giống như cuốn sách dán hình kỷ niệm. Mấy chục năm gom vô vài trang giấy. Ngược giòng thời gian. Giở lại từng trang...
1968, Năm Mậu Thân
Ngày 28 tháng 5, cư xá Cảnh Sát Phú Lâm A đường Lục Tỉnh quận 6 Chợ Lớn.
Cộng sản tấn công Sài Gòn lần thứ hai, đặt bộ tư lịnh tại khu cư xá Phú Lâm A. Gia đình tôi cư trú tại đây. Ba tôi là Cảnh sát, tùng sự tại phòng Giảo Nghiệm, Tổng nha Cảnh Sát Quốc Gia ở đường Vỏ Tánh, Sài Gòn.
Ba tôi bị cộng quân chận bắt, bắn chết tại chổ. Một viên đứt yết hầu, một viên xuyên bao tử.
Hai chị em tôi chứng kiến cảnh Ba bị bắn chết. Tôi nâng đầu, máu nóng vọt ra. Ngọc Anh đở chân, máu nhểu dài xuống đất. Hai chị em lệt bệt, khiêng, rớt... khiêng, rớt... vừa khóc vừa khiêng thây Ba tôi về nhà. Em tôi mới 15 tuổi, mặt đầy nước mắt, hai bím tóc, bộ đồ trắng loang máu.
Khoảng đường gần 100 thước đó dài, nặng, đau đớn, uất ức, hận thù, khắc sâu vô tim, vô óc, vô suốt cuộc đời chúng tôi.
1969, Giã Từ Các Bạn
Một ngày tháng giêng anh rể tôi đem về giới thiệu người bạn vừa ra lính Hải quân, David. Mới 20 tuổi, mắt sáng, tóc đen xanh, ốm gọn, nhanh nhẹn, rất lịch sự, đàng hoàng. Tôi thấy cảm tình.
Những người bạn học đã vô lính. Mấy đứa bạn gái vừa có chồng, chồng chết trận, tay bồng con thơ; tôi làm việc lương tháng ngàn mấy không đủ may áo dài bận đi làm, lấy đâu giúp mẹ nuôi đám em"
Khi Ba chết, đám em tuổi từ 15,13,10,7,5 và đứa em út (Thúy Phương) chưa đầy 3 tuổi. Má tôi vợ công chức chỉ biết nội trợ. Người chồng tốt, người cha hiền đã bị bắn chết. Con không cha như nhà không nóc. Là chị lớn của lũ em, thân con gái, biết làm sao đây"
Tôi đã nguyện với lòng sẽ tìm đủ cách để đi khỏi nước Việt Nam, khỏi nơi đầy thù hận, đầy bất công, đầy tủi nhục. Và đó, David tới đúng lúc. Chính y sẽ đem tôi ra khỏi vùng u tối và nhờ đó tôi sẽ tìm cách đem gia đình đi luôn. Thôi, giã từ các bạn, tôi rẽ qua ngả khác từ đây.
Tôi nhận lời làm đám cưới với y.
Đang để tang ba. Đám tang với đám cưới, gần quá. Tôi chọn đúng ngày Ba bị bắn làm ngày cưới. 28 tháng 5. Cho trộn lẫn vô nhau, trong tim, trong óc.
Đâu phải lúc tiệc tùng. Tất cả tại nhà, giản dị trước bàn thờ tổ tiên. Không hột xoàn, không vàng bạc, chỉ có lời vái hương hồn Ba. Xin Ba phù hộ cho ước nguyện của con: đem được Má và mấy đứa em ra khỏi địa ngục nầy. Tôi tự hứa sẽ là người vợ tốt suốt đời.
Chúng tôi ở chung với gia đình, trên căn gác nhỏ. David làm việc cho một ông bầu chuyên đem những dàn nhạc hát cho lính Mỹ nghe.
1970, Lần Đầu Tới Mỹ
Tháng 3, tôi sanh đứa con trai đầu lòng, tuổi Tuất , tên Lawrence Long .
Tội nghiệp đứa con so, 7 tháng đã ra đời. Cân nặng có 1 kí 700 gram, nhà thương Đức Chính (đường Cao Thắng) giữ trong lồng kiếng 24 giờ. Giao lại tôi, cô y tá cho hay "bé không biết bú". Trời đất ơi, tôi biết làm sao"
Má tôi dạy "con nặn sữa ra, lấy cái ống nhỏ thuốc, hút sữa lên rồi nhỏ từng giọt vô miệng nó. Thấy hông, cái miệng nó nhỏ hơn đầu vú, làm sao mà bú bình thường được."
Nhờ kinh nghiệm và sáng kiến của Má, con tôi qua khỏi mấy tháng đầu hung hiểm.
Lúc đó David làm lương tháng khoảng 3, 4 trăm đô. Một hôm đi làm về, say nhừ, vừa khóc vừa kể:
- Bạn tôi mới bị quân khủng bố liệng lựu đạn, chết rồi. Sống ở đây lúc nầy nguy hiễm quá.
Tháng 11 vừa hết giao kèo y đòi trở về Mỹ.
Chúng tôi đi lo thủ tục đem đứa em trai duy nhứt của tôi theo mà không được. Bởi tôi còn ngây thơ, không biết là đút tiền thì tới đâu củng tới. Đành cắn răng, gạt nước mắt, ôm con theo chồng. Tôi hẹn ngày trở về vì bỗn phận đối với gia đình chưa tròn. Tôi phải tin bên kia đám mây đen vẫn là ánh mặt trời.
Tôi tới Mỹ lần đầu ngày 22 tháng 11 năm 1970, bụng mang thai 5 tháng
Mẹ chồng, chị chồng tên Elaine ra tận phi trường Portland thuộc tiểu bang Oregon đón. Bước xuống phi trường, đèn sáng trưng, rực rỡ. Không khí tưng bừng nhộn nhịp, tôi như con ngáo, thấy mình càng nhỏ bé. Rồi, phố lớn, nhà to, cây đầy trái, rụng đầy sân. Ngồi trong xe hơi rộng rãi tôi cứ lấy mắt mà ngó, mà ước thầm, "phải chi Má với mấy đứa nhỏ qua được!"
Con người ta chỉ một lần sống, tại sao dân Mỹ quá sung sướng , dân mình thì nghèo khổ chiến tranh"
Cầm chùm nho lên ăn, nhớ tới mấy đứa em mà ứa nước mắt !
Cô chồng đãi bữa ăn lễ Tạ Ơn lần đầu tiên. Thịt gà lôi sao mà ngon, ngọt.
Bên chồng thay phiên ẵm Lawrence. Suốt ngày tôi ở ngoài sân sau, hái quít hái bom, vừa hái vừa tiếc hùi hụi mấy trái rụng đầy dưới đất.
Nhà chồng thấy tôi nhỏ xíu, ai cũng thương.
Qua lễ, lái xe xuống thị trấn Coquille thăm người cô thứ nhì. (David có 5 người cô, 5 người chị). Trên đường đi, David ngừng lại thăm mộ của cha; kế bên là miếng đất má chồng đã mua sẵn, dành cho bà.
Ông bà dì dượng chồng cho ở tạm trong cái nhà xe một phòng khoảng hai tuần. Mỗi đêm, leo lên cái giường rộng, không có mùng, trống lốc, trùm liền cái mền điện. Cái ấm nhân tạo không đủ sức ngăn cái lạnh cắt da, cắt thịt.
Nửa đêm nhớ nhà quá, tôi khóc. David ngồi dậy, gởi con cho bà nội, chở tôi ra bờ biển. Biển nầy là biển gì tôi cũng không biết, nhớ nhà quá đâm ra ngu ngơ. Vậy mà y kiên nhẫn, không nói gì, chỉ đem tôi ra biển. Có lẽ y muốn tôi nhìn về hướng Đông"
Một hôm mỏ ác trên đầu con tôi tự dưng nổi phồng lên. Đem vô nhà thương, khi bác sĩ vừa cho biết phải thử nước trong tủy xương sống của nó để định bịnh, tôi ngã cái đùng bất tỉnh. Rốt cuộc cũng không biết bịnh gì. Có thể nó chịu lạnh không quen, cơ thể phản ứng tự nhiên, xương sọ phồng lên để bảo vệ bộ óc bên trong. Báo hại mang cái nợ gần trăm bạc.
Người anh chồng kêu qua Tucson, tiểu bang Arizona, hứa sẽ giúp cho việc làm.
Nghe nói đó là xứ nóng, tụi tôi đi liền.
Gom va ly quần áo, thùng sách tiếng Việt, hình ảnh ,mấy cái nón lá.....gọn gàng trong chiếc xe Uhaul loại nhỏ nhứt, còn rộng rinh. Mùa đông trời lạnh thấu xương, quần áo không đủ ấm, ngầy ngật vì phải vặn máy sưởi suốt đoạn đường dài .
Bụng nặng nề, ngồi triền miên, phải để Lawrence nằm dưới sàn xe.
Tội nghiệp con tôi, tới nơi mình mẩy nó nổi đầy phong đỏ.
1971, Sanh Con Tại Mỹ
Ở tạm nhà cháu Maria, David phải đi làm nghề đổ xăng, lau kiếng xe hết hai tuần rồi mới được vô làm trong hầm mỏ lộ thiên đào chất đồng đỏ, tên Anaconda Copper Mine.
Mổi sáng đi làm, y vừa tra chìa khóa mở máy xe vừa khấn thầm "Nổ máy. Nổ máy. Nổ máy!" Trời còn tối mò, y mặc bộ đồ đồng phục màu xám đen, đầu đội nón sắt, tay xách hộp đồ ăn trưa, mặt mày còn sáng sủa. Buổi chiều về, sau một ngày trộn lẫn với bụi đất cùng mồ hôi, chồng tôi da trắng trở thành da đen!
Việc làm nầy cứ mổi tuần là đổi ca sáng tối. Nhiều đêm y phải bận bộ đồ lót giữ nhiệt (thermal underwear) vậy mà vẩn còn lạnh run. Y lái xe đào và đổ đất, thứ xe có cả chục cái cần sang số, y giải thích nhưng, ngôn ngữ bất đồng tôi cũng không hiểu gì mấy.
Lương một tuần 93 đô, mướn cái nhà hết 90 một tháng. Đây là nghe lời bà má chồng, tiền mướn nhà chỉ nên bằng một phần tư tiền lương tháng thì mới đủ sống.
Tôi đang mang thai, thèm cá kho tiêu, một chai nước mắm kiếm không ra, có khi chảy nước mắt
Chị chồng tên Pat đưa tôi đi thăm thai. Chị phải ẵm thằng lớn ngồi đợi ở ngoài, một mình tôi vô với cô y tá. Cô ta chỉ qua phòng restroom, nói một hơi một tràng. Tôi đoán mò, nghĩ là cổ hỏi mình có mắc đi tiểu hông, tôi liền lắc đầu. Cô ta không chịu, cứ vừa chỉ vừa nói, càng nói tôi càng không hiểu. Khớp quá, tiếng Mỹ văng đâu mất hết trơn. Sau cùng, cô ta chịu thua. Chừng về nhà, bà chị chồng vừa cười ngất vừa kể, David "dịch" lại, tôi mới hiểu ra. Thì ra cô y tá kêu tôi vô tiểu trong cái ly để sẵn, dán giâý lên rồi đề tên mình, đưa cho cổ đặng cổ thử. Quê một cục! Thôi, lần sau.
Thấy tôi gần ngày sanh, chị dặn David sáng trước khi đi làm, đem mẹ con tôi qua nhà, con gái chị, Linda sẽ nấu cho tụi tôi ăn luôn, vừa canh chừng, sợ tôi chuyển bụng bất tử.
Tháng 3 sanh đứa con trai thứ nhì, tuổi Hợi, đặt tên Tommy Phương.
Chỉ sanh thiếu một tháng mà nhà thương giữ nó lại hơn 30 ngày. Nuôi từ 5 pound 3 ounce cho tới đúng 6 pound mới cho về. Thiệt là khác biệt quá đáng giữa nước nghèo với nước giàu. Ở Saigòn mẹ nằm 1 tuần, trả tiền phòng, về là xong. Ở Mỹ, 2 ngày mẹ bị đuổi về, con giữ lại. Sanh xong mắc cái nợ hơn 4000 ngàn đô, trả góp gần 6 năm mới hết.
Được một chuyện hi hữu là hai anh em nó sanh cùng ngày cùng tháng, đứa lớn 11 giờ rưỡi sáng, đứa nhỏ 9 giờ 45 sáng, cách nhau 1 năm. Sau nầy, năm nào làm sinh nhựt hai anh em chỉ tốn một cái bánh, đứa phân nửa .
Không biết có phải lúc mang bầu tôi quá buồn phiền, thèm ăn thèm uống, ảnh hưỡng tới bào thai hay không mà Tommy bụng dạ rất yếu. Cứ bú vô là ọc ra.
Má chồng tôi từ tiễu bang Nevada tới nuôi cho hai tuần. David làm lương ít, chỉ đủ sức mua loại tã bằng vải, xài xong bà má chồng tiếp giặt giũ. Bà cũng chỉ tôi mua loại sữa bột tự pha rẻ hơn.
Nhờ bà mà tôi học được cách làm bánh mì, mứt dâu mứt cam. Bà là người rất khéo nấu ăn.. Khi chồng chết (lúc David mới có 9 tuổi ) bà phải mở một quán ăn nhỏ để sinh sống. Bà dạy:
- Con cần nên học một nghề, nghề gì cũng được. Lỡ chồng có chết bất tử mình còn có thể đi làm nuôi thân và nuôi con. Đừng như má đây, chỉ biết nấu ăn cho nên phải làm nghề đứng nấu bếp, cực lắm.
Tôi thấy lời bà rất đúng vì cứ phải khòm lưng ở cái lò nướng mà lưng bà còng hẵn đi.
Khi Tommy được 4 tháng mấy, thấy chồng cực khổ quá sức, chịu không nổi , tôi bàn nên dọn qua thành phố Reno, tiểu bang Nevada. Thành phố cờ bạc, việc làm có lẻ đở cực hơn ở đây; vả lại, có mẹ có dì dầu sao cũng không đến đổi.
Trên đường đi, đồi non, đồi già, núi đồi đầy sỏi đá mà vương lên hằng hà sa số, ngàn trùng rừng xương rồng. Bông đủ màu trắng toát, đỏ tươi, vàng chói, tím ngát, đẹp quá trời là đẹp. Tôi lính quính kêu :
- Ngừng ngừng ngừng Ngừng cho tôi xuống đào một bụi đem theo.
- Cây của tiểu bang. Đào một cây là bị phạt 500 đô !
- Trời ơi, cây cả đồi mà hổng cho đào một cây. Vậy ngừng cho tôi hái một cái bông.
David tỉnh bơ.
- Bông cũng không được hái.
- Ở đây giữa sa mạc ai mà biết.
- Tôi biết, mình biết. Nhiều người cứ tưỡng nhân viên kiễm lâm không thấy, chừng bị phạt rồi mới nói sao xui quá.
Anh chồng Mỹ biết tánh cô vợ Việt. Y đánh đòn tâm lý là tôi thua liền. Nghe giá 500 đô là tôi làm toán. (500 mua được nhiều thứ. Mua đồ củ đầy đủ : tủ+giường, + chén bát, .....tội gì vì cái bông để bị chính phủ ăn.) Vậy là tôi im.
Thiệt xứ sở gì mà luật lệ quá gắt gao. Nhưng, phải đụng vô túi tiền thì thiên hạ mới sợ. Với lại, nếu ai cũng như tôi, thấy bông thì hái, thấy cây thì đào, rừng nào chịu thấu, lấy đâu để lại hậu thế chiêm ngưỡng"
Tới nơi, chúng tôi phải ở tạm dinh thự của nhà triệu phú, Mr. Hardy, nơi má chồng tôi đang làm quản gia cho ông. Ông là người hết sức tử tế. Ngày xưa ông là kỹ sư ngành hỏa xa. Trong phòng khách còn treo một chùm đèn bằng pha lê hình dạng giống như chùm đèn ở Tòa Bạch ốc nhưng kích thước nhỏ hơn, đã được ông cựu tổng thống Roosevelt trao tặng.
Đi xin việc làm, ngày nào về David cũng vừa lo lắng, vừa buồn vừa tức tối. Thời buổi đó, dân Mỷ đang cơn sôi động, chống chiến tranh, đòi chồng đòi con . Họ nhìn chúng tôi, một cựu quân nhân về từ Việt Nam và người đàn bà Việt đã chiếm chổ một công dân của họ bằng những con mắt lãnh đạm. Sự thù hằn, ghét bỏ đó là chuyện thường tình của thế gian. Tôi thường khuyên chồng:
- Tôi hiểu người Mỷ lắm. Họ mất chồng, mất cha, mất con, mất người yêu, sự đau khổ ở nước nào cũng ngang nhau. Đừng nên để tâm. Cứ kiên nhẫn đi xin, thế nào cũng có việc làm.
Đúng như vậy, David được nhận làm người giữ an ninh cho casino tên Nevada Club .
Vài tháng sau tôi kiếm người giử con, cũng đi làm trong casino The Nugget, nhiệm vụ đổi tiền cho khách. Nếu có sự hiểu biết như bây giờ, tôi đã không bỏ con đi làm như vậy. Tiền kiếm ra có giữ được đâu. Thời gian qua rồi là không trở lại. Các con lớn lên mình không gần gũi nhiều, tiếc thay!
Tuy cả hai cùng có công ăn việc làm, chúng tôi sống như chân không chấm đất. David thường hay uống rượu say sưa, tôi vô cùng buồn bã. Lúc đó, David coi tôi như... không khí, hổng cần giử cũng chẵng mất đi đâu. Trong vòng mười mấy tháng, dọn nhà mấy lần. Và cũng mấy lần, tôi muốn bồng con đi. Rồi tôi nhớ lời nguyền của tôi trước bàn thờ ngày cưới. Rồi tôi nhớ lời Má tôi hay nói:
- Ba năm là tình, ba chục năm là nghĩa.
- Đồng vợ đồng chồng, chuyện gì củng xong.
Rồi tôi nhớ lời Ba tôi khi còn sống:
- Nhịn đi con ơi (Thôi được, nhịn một chút cho con có cha có mẹ)
Rồi tôi nhớ lời thầy tôi (soạn giả Lê Hoài Nở, dạy ở trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ , đường Nguyễn Du, Saigòn). Thầy đã dạy:
Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm......rằng anh giận gì "...
Chồng bước tới, vợ bước lui,
Bước lui một bước, êm xuôi cả nhà.
Tôi tự nghĩ: "Không có trường dạy làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ. Ai cũng phải tự học cho nên cần một thời gian hơi...lâu.
1973, Trởà Lại Việt Nam
Tháng 2 năm đó, một buổi chiều đi làm về, David hớn hở hỏi:
- Muốn về Việt nam không"
- Muốn chớ, mà sao hỏi vậy"
- Hiệp định Paris. Việt Nam hóa chiến tranh. Không coi tin tức à"
- Tôi coi chương trình Seeseam Street. Đang học tiếng Mỷ mà. Tin hồi nào"
- Mới đây. Mình sửa soạn về Việt Nam.
Mượn tiền má chồng đủ mua ba vé máy bay rưỡi (phải đi trước khi Tommy hai tuổi vì trên hai tuổi phải mua nguyên vé).
Về lại Việt Nam, đọc báo, tôi biết đây là thời gian nhà báo văn nghệ sĩ "xuống đường". Tôi không hiểu rỏ nghĩa "xuống đường" là gì. Đây cũng là lúc tôi đọc được những sách "Giaỉ khăn sô cho Huế" của nhà văn Nhã Ca và cuốn "Mùa Hè Đỏ Lửa" của Phan Nhật Nam.
Theo lời con em Ngọc Anh, đang là thời gian thi hành hiệp định bốn bên: gồm Mỹ, Nam Việt Nam , Bắc Việt, Mặt trận giải phóng. Mỹ đang từ từ giãm viện trợ, rút cố vấn, rút quân Mỹ, thu xếp trả tù binh.
Vì mừng quá, chúng tôi không cần biết gì về tin tức chiến tranh. Sống gần gia đình ngày nào hay ngày đó.
David được nhận làm cố vấn cho binh chủng Hãi quân, ngành truyền tin, với tính cách công tra dân sự, đóng ở vịnh Cam Ranh. Tôi gởi hai đứa nhỏ cho mấy em, theo chồng kiếm nhà ở. Đi mà tôi đã quên một điều: gia đình tôi, chỉ là những người xa lạ đối với hai đứa nhỏ. Tommy vì nhớ cha nhớ mẹ, nó bịnh nặng, nằm thoi thóp, tưởng đâu tiêu rồi. Lúc đó má tôi theo mấy dì buôn bán quần áo con nít ở chợ Cầu Ông Lảnh. Buổi chiều về , má bồng nó đi bác sĩ liền, nó mới còn tới ngày nay. Thiệt tình, tôi làm mẹ quá dở.
Mới đầu, ở sau nhà đại úy Đương ( chủ cây xăng gần cây số 9 ngoài cổng căn cứ Cam Ranh) Vài tháng sau dọn vô ở khu đài thu sát bãi biển, và cuối cùng ở Trung tâm Hãi quân (Market Time).
Đây là thời gian vui nhứt của đại gia đình. Má với mấy đứa em thay phiên nhau lên chơi. Bãi biễn Cam Ranh đẹp vô cùng. Có đảo Bình Ba có chợ Đá Bạc . Nhờ ở đây tôi mới biết và thấy những con rùa biển lớn bằng cái bàn ( dân địa phương kêu là con Vích ). Cam Ranh cũng là một trong ba chổ trên trái đất giống rùa nầy lên đẽ trứng. Có một đêm theo mấy người lính rình coi . Nó đào lỗ, rặn một hơi cả trăm cái trứng, móp móp, ướt ướt, rồi dùng hai cái chân lấp đất , dấu xong, bò trở xuống biễn. Mấy người lính đào lên đem về. Đôi khi, họ bắt luôn con rùa.
David hay nói :
- Sao người ta không chừa vài cái trứng. Ăn hết như vậy làm mất giống rùa !
Ngoài con rùa biển lớn còn có con kỳ nhông màu đỏ . Sau nầy về Mỷ tôi mới biết người Mỷ khám phá ra loại nầy dùng để chữa bịnh. (bịnh gì quên rồi )
Đám em tôi theo mấy người lính, nói thịt rùa đỏ tươi ăn như thịt bò,kỳ nhông cũng ăn thử, khen ,như thịt gà!. Thiệt, mấy đứa em tôi ăn uống " dã man".Tôi sợ, không dám ăn. Ở đây, nghe nói cũng là xứ nhiều cọp. Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận mà. Trong khu căn cứ còn có một cái hồ cọp thường xuống uống nước. Mỹ đặt tên là Tiger Lake.
Ngày 9 tháng 8 Tổng Thống Nixon từ chức.
Chúng tôi ngày nào cũng vùng vẫy dưới biển. Ăn món gì cũng ngon. Lúc đó David làm lương tháng chỉ trên 400 đô. Đâu có sao. Cha mẹ vui thì con cái cũng vui.
1974, Rút Hết Về Mỹ
Cuối năm, tháng 12, một ngày sửng sốt. David về, hối hả:
- Sửõa soạn về Mỹ.
- Cái gì " Sao vậy"
- Mỹ phải rút hết. Mình có nghe đài Hoa Kỳ không" Nó đệm bãn nhạc White Christmas suốt ngày là hiệu báo Mỹ dân sự phải rút hết.
- Trời đất ơi, đi liền sao"
- Đi liền. Về Sài gòn làm thông hành cho con.
Thử thời vận lần thứ nhì, tôi ra bộ nội vụ hỏi cách thức đem thằng em trai duy nhứt theo. Họ cho biết đem em không được, nhứt là con trai, con riêng thì được.
Vậy là, tự nhiên tôi có hai đứa con gái riêng ( xin chính phủ Mỹtha thứ cho tôi) .
Tin chiến sự cho hay quân Trung Cộng dùng đầu đạn hỏa tiển ( Guided missle ) bắn chìm một chiến hạm Mỹviện trợ cho Việt Nam ( chiếc Destroyer Escort), chỉ sống sót một quân nhân . Trung Cộng ỷ mạnh hiếp yếu chiếm đoạt đảo Hoàng Sa, một cái một!
Ngày 24 tháng 12 năm 1974 chúng tôi trỡ về Mỹ.
Tới Louisana ở tạm nhà bà chị.
David xin được việc làm, tài xế lái xe đào đất cho hãng thầu xây cất nhà cửa, loại nhà 25.000 đô một căn . Những tưỡng cuộc sống tạm yên, nào ngờ, nền móng xây xong, David bị layoff.
Tôi nhớ ngày đó, sự thất vọng và tức tối hiện rỏ trên mặt, nước mắt muốn trào ra của y.
Anh rể còn trong Hãi quân, chị tôi theo chồng. Chúng tôi trơ trọi.
“Giải pháp Reno” là có nhiều hy vọng. Lại kêu gọi tới má chồng gởi xuống 500 đô.
Bạn hãy tưỡng tượng hai người lớn, bốn đứa nhỏ cùng quần áo đồ đạc chen nhau trong chiếc xe nhỏ xíu, trong tay có khoảng 675 đô, vượt hơn 1,500 miles. Nửa chừng xe bị gảy nhíp ngừng sửa, tiêu hơn trăm rưỡi. Dọc đường chỉ đậu ở chổ bải xe hàng , nghỉ đở 1, 2 tiếng. Ăn uống luôn trong xe, David lái một mạch 72 tiếng đồng hồ, xuyên qua mấy tiểu bang,giửa trời bảo tuyết!
Tới Reno 1 giờ trưa.
Đậu xe bên lề đường David đi bộ tới Casino để tìm việc. Ngồi lâu nóng ruột dặn hai đứa em coi chừng cháu , tôi cũng xuống xe đi lòng vòng coi có việc gì làm đại hay không. May mắn tôi được nhận liền chân bồi phòng ở nhà trọ tên Caravan.
Khi trỡ lại xe đã quá 3 giờ. David đi tới đi lui, tức tối:
- Đi đâu vậy" Tôi có việc làm, phải bắt đầu lúc 2 giờ, bây giờ trể rồi, ai mà cho vô nữa.
- Không sao, tôi có việc, ngày mai bắt đầu.
Tìm chổ ở. Motel Atlas, một phòng ngủ, có bếp nhỏ, tủ lạnh
Chiều hôm sau tôi đi làm về, David mặt mày một đống:
- Hôm nay tôi đi nộp đơn lảnh tiền thất nghiệp. Nó làm như mình đi xin vậy. Tôi không trở lại đó nữa đâu.
- Thì cũng phải ráng chớ sao. Lảnh tiền đó trong khi chờ kiếm việc. Chẳng lẽ để mấy đứa nhỏ đói"
Chúng tôi sống chật vật như vậy hết một lúc. Bạn ơi, đây là thời gian khủng hoảng, xuống tinh thần nhứt. Lương tôi một tuần 63 đô, trả tiền phòng hết 60, còn lại bao nhiêu" Mổi ngày dọn phòng, khách để lại cho mấy chục cents, một đô là mừng lắm.
Tôi bán đầu tiên cái kiềng trơn hơn một lượng chưa từng đeo, rồi cặp nhẩn vàng Má tôi cho trước khi đi, rồi cặp nhẩn xoàn má chồng cho.
Mổi tuần mua hai hộp cereal hiệu Captain crunch loại hột tròn tròn có đậu phọng ( thằng con lớn tới bây giờ vẩn còn nhớ mùi vị đó) 1 đô 10 ổ bánh mì, loại bánh mì gần ngày hết hạn , nhưng vì ăn trừ cơm cho nên mau hết, không sợ hư ! hai hộp mức, hai keo đậu phọng nát, hai hộp cacao pha sửa, một bịt gạo hai cân ( chỉ nấu cháo ) nhiều bắp cải, có khi 1, 2 con gà là món ăn của 6 người. Củng may, hai đứa em đi học , được ăn uống đầy đủ, mỗi ngày để dành đem về cho hai đứa cháu mấy trái cam trái bom , vài cái bánh !
Còn nhớ một ngày bà dì chồng mời ăn bửa tối. Thiệt là một bửa ăn nhớ đời, đang đói mà!
Chồng tôi, người Mỹ, sống trên đất Mỹ mà cũng trãi qua thời gian đói khổ, cũng như quí vị sau tháng 4 năm 1975 .
Tôi lại mắc thêm một lời thề nữa. Tôi thề sẽ không để con tôi đói khổ...
Từ đây, tôi tập nhìn đời bằng con mắt khôi hài, chuyện gì cũng thấy nhẹ bớt đi. Và rồi cái đói khổ không kéo dài lâu.
Tôi xin được việc làm trong một hãng may màn, tấm trãi giường, áo gối, đồ làm bếp...
Có biết may vá gì đâu. Có lẻ họ nhận vì cái mặt Á Đông của tôi. Ngày đầu tập sự tôi hỏi việc cho chồng , gặp ông giám đốc tử tế, y đắn đo một hồi rồi nói:
- Thông thường chúng tôi không nhận vợ chồng làm việc chung, nhưng lần nầy tôi phá lệ. Việc gì cũng đủ người rồi nếu chồng you muốn thì vô làm việc sắp đặt máy may,dọn dẹp hãng.
- Thiệt là.... Đội ơn ông.
Mổi ngày tôi ngồi vật lộn với cái máy. Máy gì chạy lẹ quá trời ! Vừa đặt miếng vải vô nó làm một cái rẹt níu không kịp.
Mổi ngày nhìn anh chồng Mỹ cầm cây chổi quét hãng mà ứa nước mắt.
Sau một tháng đi làm khi trời còn tối, về nhà thì trời đã tối rồi!, hết việc dọn hãng.
David hỏi ông giám đốc :
- Trong hãng việc nào làm lương cao nhứt "
- Trừ việc quản lý, chỉ còn việc làm sữa máy may là lương cao.
David nói:
- Tôi có kinh nghiệm sửa máy kéo tiền trong Casino. Ông cho tôi thử nghề sửa máy may trong hai tháng, nếu làm không xong tôi sẽ tự động xin thôi.
Ông Harvy, người ân nhân đã mất năm 1977. Chúng tôi không bao giờ quên ơn ông. Ông biết nhìn người, ông đã khởi đầu, hướng dẫn nghề nghiệp, cho chồng tôi có cơ hội xữ dụng khã năng ,vượt qua cảnh nghèo.
1975, Thắt Ruột, Thắt Gan
David được lên chức phụ tá quản lý.
Bắt đầu từ tháng ba Ngọc Anh gởi thơ với tin tức chiến sự, càng ngày càng sôi động Miền Nam thật sự trong cơn dầu sôi lửa bỏng. Qua tháng tư , mổi ngày coi tin tức, thấy bãn đồ chử S bị màu đỏ nhuộm lần lần từ vỉ tuyến 17 xuống miền Nam, ngày nào ba chị em tôi cũng khóc. Sự lo sợ, nóng ruột nóng gan không còn nghi ngờ gì nữa, màu đỏ xuống tới Xuân Lộc, rồi Long Khánh, miền Nam lọt vô tay cộng sãn là cái chắc.
Ngồi may mà nước mắt tuôn ra, tới nổi cô bạn nhỏ người Hong Kong, tên Siu Woo, chịu không thấu. Sẵn máy sẵn vải dư, nó may liền một cái túi, đi vòng vòng hãng xin tiền đồng nghiệp cho tôi. Thiệt có gặp cảnh khổ mới thấy người có lòng, nhứt là người nghèo. Nó xin được hơn trăm bạc. Rồi bà má chồng và ông giám đốc tốt bụng, cho chúng tôi mượn tiền gởi chị tôi cùng chồng trở về Việt Nam tìm cách rước gia đình. Nhưng, máy bay chỉ hạ cánh ở Thái Lan vì đã được lịnh không thể đáp xuống Việt Nam. Vậy là hết đường !
Đài truyền hình loan báo chiến hạm My õneo ngoài khơi, ai ra tới sẽ được vớt. Lộ trình di tãn, người ta chết trên đường lộ, chết chưa ra khơi, chết từ trên không trung rớt xuống. Một máy bay di tãn trẻ mồ côi bị Cộng quân bắn hạ, mấy trăm trẻ chết hết.
Đau đớn biết bao cho những người lính Cộng hòa đã bị bỏ lại. Càng coi càng thắt ruột thắt gan.
Cuối tháng Tư, trong tình trạng vô cùng tuyệt vọng, kể như sẽ không còn nhìn thấy mẹ và mấy đứa em nữa. Thình lình, đêm 29, khoãng 2, 3 giờ sáng, má chồng tôi kêu, nói, có người nào từ phi trường Hawaii cho hay má và mấy em đã rời Việt Nam.
Thủy quân Lục Chiến Mỹ làm hàng rào nhân sự, cầu không vận giờ chót đã bốc gia đình tôi ra khỏi địa ngục. Mừng quính, David liên lạc được với phi trường, nghe tiếng
thằng em tôi:
- Cả nhà đi đuợc, chưa biết chắc đi đâu, họ nói Wake gì đó, em hổng hiểu, sợ quá.
David nói :
- Rồi, nó đưa qua đảo Wake , căn cứ quân sự.
Mừng thôi là mừng. Sau cơn mưa, trời sáng sủa hơn..
Mấy ngày sau, biết chắc những người trong chuyến bay đó đang ở trại Pendleton, California. Chúng tôi đi rước về. Gia đình tôi ở trại chỉ có vài ngày.
Về Reno, đài truyền hình Eye Witness New và đài số 2 tới tận nhà phỏng vấn.
Qua ngày sau, má và ba đứa em tôi vô hãng may làm, đài truyền hình lại tới quay phim, báo chí đăng hình, viết bài chúc mừng, gia đình tị nạn đầu tiên. Thiệt đúng là báo có đăng đài có nói đàng hoàng.
David nói với tôi:
- Tôi không tin tôn giáo nhưng đây là lần đầu tôi đã cầu nguyện.
Lúc đó vì mừng quá, đem gia đình ra khỏi trại sớm quá, chúng tôi không hiểu gì về quyền lợi mà chính phủ Mỹdành cho dân tị nạn. Chúng tôi chỉ biết có một điều là qua được rồi thì đi làm nuôi thân và trả nợ. Tội nghiệp Ngọc Anh, Kim Loan và Tấn Long thằng em trai mới có 17 tuổi là tuổi có thể trở vô trường, phải đi làm. Chỉ có Kim Phượng, Hoàng Thư và Thúy Phương được tiếp tục đi học.
Dân chúng Mỹ, chồng con về rồi, lòng nhân đạo họ củng mở ra.
Thời gian nầy là lúc người Việt tị nạn có đủ chuyện vui về việc tự dịch tiếng Mỷ. Hiểu sao dịch vậy, giãn dị gọn gàng.
Đưa tay chỉ vợ, chàng giới thiệu với người Mỷ:
- This is my house (đây là nhà tôi)
Ai làm gì sai, lắc đầu, xí xóa :
- No star where (không sao đâu)
- The wind hit him (nó bị trúng gió)
Bạn còn nhớ hôn"
1976, Sợ Cái Nghèo Đeo Đuổi
Sanh đứa con gái út, tuổi Thìn, tên Elizabeth Xuân. Hơn hai thằng anh, con rồng nầy ở đủ tháng đủ ngày. Nó uốn éo, nó vùng vẫy, nó nhào lộn, nó cân nặng 6 pound 12 ounce, sanh 6 giờ sáng.
Được chuyện nầy mất chuyện kia. Sợ con đói khổ, sợ cái nghèo đeo đuổi, sanh mới hai tuần tôi mướn người giữ con, đi làm lại.
Hai đứa rồi, thêm đứa thứ ba, đứa con gái mà David từ lâu mong đợi, tôi cũng đã bỏ bê nó cho người giữ.
Có phải vì lý do đó mà sau nầy lớn lên có chuyện gì buồn nó chỉ tâm sự với bạn mà thôi. Bây giờ nghĩ lại tôi vô cùng hối tiếc.
Sang năm 1977, dọn qua California. David làm Giám đốc hãng Barth&Dreyfus.
1978, làn sóng thuyền nhân
Sang năm 1978, Việt Mỹ được thư từ qua lại.
Làn sóng thuyền nhân tràn ngập các đảo nước lân cận. Cuối năm, cả đại gia đình dọn xuống North Carolyna mở thêm chi nhánh. Làm ra tiền mà chổ ở quá buồn.
Cuối năm, dì Năm cho hay chính quyền giải toả nghĩa trang Phú Thọ Hòa , phải lấy cốt Ba. Má tôi dặn đem đốt rồi gởi vô chùa. Dì Năm cho đứa con trai vượt biên, qua đảo Bulabidong an toàn.
1979, Trận Cuồng Phong David
Năm nầy, dì Năm cho hay cha con tụi tôi sẽ gặp nhau. Đó chỉ là cách nói bóng gió cho biết dì sẽ mang theo tro cốt của ba tôi đi vượt biên. Chừng không nghe tin tức của dì mà chỉ nghe tin thời tiết về trận bão chúng tôi lo lắng vô cùng.
Trận cuồng phong (hurricane ) trớ trêu thay lại có tên là David, khủng khiếp, tàn phá, giết hơn 1,100 dân vùng duyên hải đảo Caribbean. Bão dữ sóng thành nhận chìm biết bao thuyền nhân.
David liên lạc với hội Hồng Thập Tự, họ cho biết tin dữ : chiếc tàu Minh Hãi khởi từ Cà Mau đã không tới bến. Hơn 20 người bà con cùng dì Năm ôm bình tro cốt ba tôi, chìm sâu đáy biển. Ba tôi chết lần thứ hai! Một lần vì chiến tranh. Một lần vượt biên.
Nghe tin, không biết phải làm gì. Thấy tôi ngồi chết lặng cả buổi trong xó nhà, David ra xe lái đi. Y đi tìm chỗ làm thủ tục đứng tên bảo lãnh hai gia đình thuyền nhân Việt Nam.
Ở North Carolyna, tôi đã gặp nhiều cựu quân nhân, thương phế binh Mỹ trở về từ Việt Nam. Một người da trắng, mặt mày bị cháy bởi bom napaln, không còn hình dạng mắt, mũi nữa... Một người da đen, tay chống nạng, ông nói:
- Tôi để lại một chân bên xứ của cô.
Bạn nghe đau lòng không"
1984, dọn hẳn về California
David nhảy từ hãng nầy qua hãng nọ, chổ vài tháng, không hài lòng với việc làm. Hùn hạp với một người Đại Hàn mở hãng in vải, lổ vốn, đóng cửa .
Thất nghiệp. Y bỏ uống rượu. Nhất định không chịu xin tiền thất nghiệp. Năm nầy là năm thất thời thất chí của y. Ngồi trước TiVi, không đổi đài, hồn lạc đâu mất tiêu. Nhiều đêm, y ngồi dậy, lâu lắm, không nói gì. (Sau nầy nghe người ta nói cựu quân nhân Mỹ tại Việt Nam thường bị flashback, có nghĩa bị hình ảnh quá khứ ám ảnh, hổng biết dịch tiếng Việt là gì.)
Tôi cũng không khá hơn. Ở nhà lãnh tiền thất nghiệp. Vừa may em tôi, Thúy Phương, đem cuốn sách dạy về ngành Thẫm Mỹ cho tôi dịch mướn, kiếm thêm chút đỉnh!
1987, Má Chồng Mất
Việt kiều bắt đầu trở về Việt Nam thăm nhà.
David làm cho hãng Design Collection (DC) chuyên mua bán, xuất nhập cảng hàng vải.
Tôi đậu bằng thẩm mỹ, ở lại dạy cho trường.
Giữa năm, má chồng tôi mất. Trước khi chết bà dặn không được mở nắp hòm.Bà muốn con cháu nhớ lúc bà còn sống chớ không nhớ tới cái xác vô hồn. Thôi rồi!
Bà đi trước khi được thấy sự nghiệp thành công của con trai. Cũng không kịp cho tôi nói lời cám ơn, thưa với bà là đứa con dâu Việt Nam của bà đã có nghề nghiệp chuyên môn, khỏi phải lo đứng bếp như lời bà từng dặn.
Còn đâu nữa những buổi ăn ngon lành thuần túy thức ăn Mỹ. Những ngày lễ lớn, nếu tụi tôi không đi thăm được, bà luôn luôn gởi thùng bánh trái tự tay làm cho con cháu. Tôi nhớ những lúc túng quẫn, bao giờ tụi tôi cũng kêu gọi tới bà. Lòng mẹ thương con dân tộc nào cũng như nhau. Từ đây, bà đã nằm kế bên ngôi mộ người chồng yêu dấu.
1988 - 1990
David lao đầu vô việc làm. Mổi tháng đi Nửu Ước hoặc South Carolina một tuần. Tôi cũng lo việc của tôi.
Hai đứa con trai tới tuổi vị thành niên, tuổi nguy hiểm. Bắt đầu nếm mùi lo buồn vì con cái. Lỗåi chúng tôi phần nào vì đã không biết dạy dổ tụi nó đúng cách.
1990. Bà chị thứ tư của David mất vì bịnh đứng tim.
1991, David Bị Kích Tim
David bị heart attack (kích tim) vô nhà thương mấy tuần. Hậu quả của gần 30 năm hút thuốc. Hút càng ngày càng nhiều. Việc làm càng khó khăn, căng thẳng, y càng cố gắng.
Chưa từng biết gì về computer nhưng với kinh nghiệm làm việc, y đã điều hành, kiểm chứng cho chuyên viên lập ra một chương trình để xử dụng trong hãng. Từ lúc hãng mới mở cửa năm 1986, việc ít, người ít, mọi sự đều làm bằng tay. Cơ sở phát triển lên hàng trăm nhân viên, phải điều hành bằng hệ thống điện toán.
Vì trách nhiệm, vì việc làm đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên, y đã quên thân mình. Một ngày hai bình cà phê, ba gói thuốc thì thân nào chịu nổi. Bác sĩ cho biết nếu không tự săn sóc lấy mình thì y sẽ không sống tới ngày có cháu!
Sợ chết ,y bỏ hút thuốc. Một cái một. (y nói nhỏ không muốn bỏ tôi lại một mình)
Tôi làm giám khảo ngành thẩm mỹ.
Chiến tranh giữa Kuwai và Iraq bùng nổ.
Hai đứa con trai nói "khi quốc gia cần tụi con sẽ đi lính " dù ba nó đã cho biết sự sai lầm của chính bản thân. Tôi quá lo sợ, sợ cho tới ngày Tổng Thống Bush rút quân về.
Con gái tôi bắt đầu cãi cha ghét mẹ. Khi buồn nó chỉ tâm sự với bạn mà thôi. Lỗi tại tôi, ham làm việc, ít gần gụi nó.
Diện con lai, gia đình HO bắt đầu qua Mỹ.
1992 - 1993
Lawrence vừa đi học vừa đi làm. Đứa con trưởng có tánh tự lập từ nhỏ. Có em sớm, nó cũng sớm biết nhường nhịn, thường ngồi chơi một mình.
Còn nhớ Tommy, lúc mới mấy tháng biết nhìn ai là mẹ rồi, tối nào tôi cũng phải ẵm nó từ 8 tới 9 giờ rồi bỏ vô giường thì nó mới chịu ngủ.
Vậy mà vù một cái, năm 1993, tôi cưới dâu trưởng, gốc Quảng Đông, tên Elaine.
1994 - 1996
Hảng DC chia ra chi nhánh lấy tên DIVION 92, David đươc một phần trong bốn phần hùn. Y vừa làm chủ hãng DIV 92, vừa làm phó giám đốc cho hãng chính DC.
Cuối 1994, Tommy vô hãng làm việc cho cha.
Sang năm 1995, con dâu có bầu. Đứa đầu không giữ được.
Tôi cứ suy nghĩ hoài. Có thể nào, vì Agen Orange (chất độc mầu da cam từng xài quanh các căn cứ Mỹ ở Việt Nam thời chiến) ảnh hưởng máu ông nội, qua tới đời cháu" Chẳng lẽ hậu quả của chiến tranh đeo đẳng theo phá hoại tới đời con cháu"
1996, Thêm Công Dân Hợp Chủng
Elaine có bầu lần thứ nhì. Lần nầy thì mẹ tròn con vuông. Chúng tôi có cháu nội gái tên Emily.
Vậy là, xứ sở có tên Hợp chủng quốc thêm một công dân hợp chủng. Emily có 3/4 máu Á Đông, máu Mỹ còn có 1 phần. Nếu theo cái đà nầy, vài thế hệ tới nước Mỹ sẽ không còn da trắng, đen, vàng, đỏ, nâu nữa mà sẽ có cùng chung một màu ...lờ lợ. Với cháu nội, tôi muốn sửa lại những sai lầm, thiếu sót cũa tôi khi nuôi con, tất cả thì giờ rảnh tôi dành cho nó.
1997, xuống tàu, “ra riêng”
Elizabeth vô hãng làm phụ tá cho David.
Tụi tôi để nhà lại cho vợ chồng Lawrence. Mua chiếc tàu dài 28 feet, "ra riêng", sống luôn trên tàu. Kể như chúng tôi ăn trái do mình trồng, bây giờ có dư chút đỉnh tiền, y dụ tôi mua chiếc tàu để thỉnh thoãng đi câu cá. Tôi chìu theo dù không biết lội.
Ai mà ngờ ngày ký tên nhận tàu, cũng là ngày tụi tôi ở luôn trên con tàu neo giữa Boat City tại Marina del Rey.... Không khí mát mẻ, tôi dứt chứng bịnh dị ứng mũi kinh niên. Từ ngày ở trên tàu không còn phải xài thuốc thông mũi nữa.
Sang năm 1998, con tim của David có vẻ chịu gió biển, không thấy lên cơn bất tử nữa. Công việc "xuôi chèo mát mái" y đòi đổi chiếc tầu 38 feet. Tôi lại phải gật. Sống trên mặt nước là ước muốn từ lâu của y. Có con tầu riêng đúng ý, David vui vẻ coi là "mộng đã thành."
Nhìn y vui, tôi nhớ đủ thứ. Chẳng có giấc mộng nào tự nhiên mà thành. May mắn không đủ. Núi cao có núi cao hơn. Lúc nào chúng tôi cũng tự hỏi "Mình có làm đầy đủ nhiệm vụ chưa" để khỏi phụ công ơn của những người trên đường đời đã một lần nào đó, giúp mình.
1999, Vĩnh Biệt Elaine
Trước ngày lễ Tạ Ơn, nhận tin chị Elaine đang hấp hối. Tới nhà chị, tụi tôi quẩn quanh trong 4 ngày. Đây là lần thứ hai tôi chứng kiến mạng người chênh vênh giữa sự sống và chết.
Khi Ba tôi bị bắn, cái chết thời chiến đến thình lình, tức tưởi, tê dại. Chị Elaine chết trong cảnh an bình. Đứng lặng bên giường chị, tôi thấy sự hấp hối, lấy hơi lên, hớp từng hớp không khí mà không nghe hơi thở ra, cho tới hớp không khí cuối cùng. Thình lình, tim ngừng đập.
Chị mất, tuổi mới 53. Tro tàn chị dặn hãy đem rải trên ngọn núi Table Rock ở Medford, nơi chôn nhau cắt rún. Một cuộc đời, chỉ sống loanh quanh nơi thị trấn nghèo nàn, buồn thiu. Sống giản dị, chết cũng giản dị.
Còn nhớ mới ngày nào chị cùng má chồng ra sân bay rước tụi tôi, năm 1970. Tôi gặp chị vào lể Tạ Ơn, nay chị xa tôi cũng vào dịp lể nầy! Thoắt cái. Ba mươi năm. Thôi rồi, xong một đời người. Vĩnh biệt Elaine.
2000, Sau 32 Năm
Ngày 28 tháng 5 năm 2000, ngày giỗ Ba tôi.
Sau 32 năm, nhìn đám con nguyên vẹn 7 đứa (chị tôi đi xa không về kịp) cùng gia đình sum họp, có lẽ Má tôi, chen lẫn trong buồn nhớ là sự hài lòng. Bàø đã không uổng công ở vậy nuôi con. Mấy chị em tôi, dù con cháu đầy đàn, vẫn luôn luôn quẩn quanh bên Má. Tôi không đủ chử nghiã để viết về người mẹ. Bà là người đã tạo cho tôi lòng tin và sự cứng rắn. Chính bà là chỗ dựa để tôi đứng lên vững hơn mổi lần bị đời đạp xuống. Má tôi đã lên chức Bà Cố từ lâu.
Tháng 6, tôi có thêm đứa cháu nội gái tên Charlotte. Đứa lớn giống mẹ đứa nầy giống cha. Đứa cháu lớn nói tiếng Tàu thiệt là giỏi. Tiếng Mỹ khỏi học cũng biết. Tiếng Việt nói gì nó cũng hiểu, mà còn mắc cở miệng. Năm nay tôi cho nó 2 cuốn băng học tiếng Việt, má nó cùng học luôn thể. Mới 4 tuổi rưởi mà nó ma le lắm. Khi nào muốn tôi chơi với nó, nó sẽ giở giọng nhõng nhẽo ra " bà nội, lại đây" bằng tiếng Việt có bỏ dấu đàng hoàng (giỏi hơn ông nội) lòng tôi mềm nhũn liền.
Khi nhận tin người anh rể chết bất thình lình, tôi nhớ ngày anh mang David về ngôi nhà cũ ở Phú Lâm giới thiệu. Anh chính là "ông mai" của chúng tôi. Tôi biết ơn anh.
Cho tới ngày nay, David cũng chỉ nói được vài tiếng Việt không bỏ dấu.
Tôi xào đồ ăn, y nhắc:
- Put alot of Cu Hanh ( để nhiều củ hành).
Mỗi lần ai hỏi về "Chuyện gì xảy ra ở 'Nam'" y trả lời:
- Mình rút, mình thua. Vinh hạnh gì mà khai" Tôi thấy xấu hổ...
Tôi không nhìn người đàn ông đi bên tôi là người ngoại chủng, chỉ thấy một người chồng, người cha, lòng tốt lấp đi tật xấu. Y bắt buộc ba đứa con phải nói tiếng Việt để tỏ lòng kính trọng người mẹ Việt và gia đình bên ngoại.
Đó bạn, "chuyện nhà" chúng tôi, cũng ba chìm bảy nổi như bao câu chuyện khác.
Qua kinh nghiệm sống hơn ba chục năm, tôi thấy nước Mỹ chuộng người siêng năng, cầu tiến, cố gắng và biết chụp cơ hội. "Ngồi mà chờ thời, đời nào mà thành."
Tôi hay chọc David :
- Nước Mỹ nợ nước Việt Nam, cho nên phải cưu mang người Việt. Má tôi hơn 75 tuổi còn sáng suốt, ăn uống đầy đủ, bịnh hoạn đã có bác sĩ, nhà thương lo. Các em tôi có công ăn việc làm đàng hoàng. Còn you, you nợ tôi, you tình nguyện vô lính lúc chưa tới 17 tuổi, bắt mẹ phải đi ký tên, đi tuốt qua bên kia trái đất, rước tôi về đây để trả nợ.
Y nịnh:.
- Nợ tình. "I love you từ kiếp trước". Nợ tiền trả lần lần cũng hết. Nợ tình thì anh trả suốt đời. Kiếp nầy không xong trả thêm kiếp sau.
Vậy là sau bao năm coi vợ như... không khí, y bắt đầu hiểu ra là không khí cũng có chút giá trị.
Vợ chồng, khi hiểu được điều nầy, thường đã...quá đát. David nay không còn ốm gọn, mà y như cái thùng phuy. Tôi cũng đã tròn như cái gối ôm, đâu còn nhỏ xíu, mỏng manh như khi đứng bên y trước bàn thờ Ba tôi năm nào.
Trong trận cuồng phong David năm 1979, mạng sống hàng ngàn người và thuyền nhân đã bị nhận chìm, trong đó có dì Năm và tro cốt Ba tôi. Tất cả chìm tan nhưng biển vẫn còn đó.
Hàng ngày, tôi đang là "tàu nhân" sống ngay trên biển.
Đứng bên David, người chồng Mỹ cùng tên với trận cuồng phong, nhìn biển, nghe tiếng sóng xô, lớp sau đùa lớp trước, tôi hiểu điều tôi khấn nguyện và tự hứa năm xưa vẫn được Ba tôi liên tiếp nhắc nhở và phù hộ.
Giao thừa 2001
TRƯƠNG NGỌC BẢO XUÂN ABBOTT

30 Tháng Tư trên Quốc Lộ 4 – Từ Mỹ Thuận đến Trung Lương

Kỳ Ngọc Thanh Vân
“…Câu chuyện sắp kể, dù tôi vẫn chưa thể xác quyết, đã liên quan đến việc sống chết của 2 người lính thuộc bộ chỉ huy Thiết Đoàn 2, Sư đoàn 9 Bộ binh. Hy vọng thân nhân của các anh sẽ đọc được câu chuyện này..”
“…Ngày đó có những anh hùng, những tên hèn và kẻ chịu hèn. Tôi là loại người sau cùng…”
Trước 75, đoạn Mỹ Thuận Trung Lương thuộc về Quốc Lộ 4 chỉ có 60 km, chạy qua các quận Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành của tỉnh Định Tường. Tuy ngắn nhưng đây là đoạn huyết mạch nối thủ đô Saigon với các tỉnh Miền Tây. Do đó, khi Cộng quân bao vây Saigon trong những ngày cuối, Sư đoàn 9 đã di chuyển Bộ Chỉ Huy nhẹ về thị xã Mỹ Tho, Phối hợp với Sư đoàn 7 để bảo vệ mạn nam của Saigon. Sáng hôm định mệnh, tôi được lệnh rời Bộ Tư Lịnh ở Vĩnh Long để đi Mỹ Tho. Như thế, tôi sẽ phải vượt qua đoạn đường vừa nói.

Nguồn: Google Earth
Từng năm từng năm cứ đến 30 Tháng Tư, tôi lại trăn trở với những điều đã mục kích. Nay có hai lý do khiến tôi quyết định phải viết ra: Trước tiên, câu chuyện sắp kể, dù tôi vẫn chưa thể xác quyết, đã liên quan đến việc sống chết của 2 người lính thuộc bộ chỉ huy Thiết Đoàn 2, Sư đoàn 9 Bộ Binh. Hy vọng thân nhân của các anh sẽ đọc được câu chuyện này, và xin tha thứ cho sự chậm trễ của tôi, nếu như một rủi ro tận cùng đã đến với các anh. Sau là, đã bao tháng đợi năm chờ, tôi chưa nghe ai kể điều gì xảy ra trên đoạn Quốc Lộ 4, từ Mỹ Thuận đến Trung Lương ngắn ngủi này, dù chắc chắn không thiếu gì nhân chứng.
Ngày đó có những anh hùng, những tên hèn và kẻ chịu hèn. Tôi là loại người sau cùng, mang nặng món nợ làm chứng nhân, nay trung thực kể lại sự kiện được nhìn thấy. Xin đọc với trái tim rộng lòng chia sẻ, không phải bằng khát khao thưởng thức một áng văn chương. Và bất cứ ai nhận ra mình có mặt trong bài viết này, tôi tha thiết xin cho được một lần tái ngộ.
Rời Vĩnh Long bằng phương tiện của Thiết đoàn 2. Cả xe GMC 7 người: ngồi buồng lái gồm tài xế và trưởng xa là bên thiết giáp; ngồi khoang sau 5 người, kể cả tôi, thuộc Bộ Tư Lịnh Sư đoàn 9. Cấp sĩ quan: chỉ có mình tôi. Vũ khí: súng trường M16, với cấp số đạn gấp đôi, cùng một ít lựu đạn. Ngoài nón sắt, chúng tôi đều mặc áo giáp. Đêm hôm trước theo dõi đài VOA và BBC, tình hình đã rất bi đát.
Xe đến ngã ba quẹo vào Bắc Mỹ Thuận phải chậm dần lại, vì đầy chật đủ loại xe đò cùng hành khách. Những người buôn bán rong vẫn hối hả tới lui réo gọi rao bán. Sinh hoạt không khác chi ngày thường, ngoại trừ gương mặt mọi người đều đậm nét lo lắng hoang mang. Quân xa chúng tôi được ưu tiên qua phà. Nước sông lúc này đục trắng; phải sang giữa mùa mưa, nước phèn từ ruộng đồng đổ ra mới làm nước sông trong lắng hơn. Nhìn Lục bình trôi nổi, tôi bồi hồi nhớ lại kỷ niêm 3 năm trước, lần đầu tiên trong đời qua khúc sông này lúc cận tết, để về trình diện Sư đoàn ở Sadec. Khi đứng trên phà, nhìn những đài hoa Lục Bình màu tím nhạt, trôi nổi trên sông nước mênh mông, rồi nghĩ lại hoàn cảnh phiêu bạt, sau bao năm sớm rời ghế nhà trường, mà không khỏi chạnh lòng..
“Có buổi nào về bên kia sông,”
“Thấy thương hoa tím Lục Bình không?..”
“Để lòng chạnh nhớ người xưa ấy,”
“Duyên kiếp phận đời cũng long đong.”
Tạm biệt Lục Bình, tạm biệt hoài niệm. Bây giờ xe đã rời phà, bắt đầu lăn bánh vào Quốc lộ 4. Tình hình bến bắc bên này hoàn toàn khác hẳn. Dân chúng xôn xao, hành khách nháo nhác, đủ các loại xe nằm ụ lại bên đưòng tắt máy chờ đợi. Chiều ngược lại, không một bóng xe. Thình thoảng tiếng súng và đạn pháo nổ đâu đó vọng đến, lại làm mọi người chộn rộn chỉ trỏ bàn tán. Hỏi ra thì biết rằng phía trưóc bị đắp mô, phải chờ công binh giải tỏa. Xe dân sự không được phép di chuyển.
Khá xa, qua khỏi cầu và ngã ba An Hữu thì gặp đơn vị Công Binh lập rào cản ngăn chận. Khúc này nhà cửa dân cư thưa thớt, căn cứ quân sự cũng không. Thỉnh thoảng một chiếc xe Jeep trang bị máy truyền tin, được đích thân một viên Đai úy Công Binh cầm lái chạy tới lui lăn xăng. Hình ảnh này nói lên một tình huống nghiêm trọng bất thường. Lần cuối khi dừng lại bên cạnh xe chúng tôi, gương mặt ông đầy vẽ căng thẳng với ống nghe áp chặc trên tai. Rồi đột nhiên với dáng vẻ đầy hối hả, ông bấm còi inh ỏi vừa ra dấu vừa hét to cho chiếc xe công binh ủi đất, khoảng trăm mét phía trước, quay đầu cùng chạy về phía bắc Mỹ Thuận. Tôi gọi với theo hỏi, nhưng không kịp. Chẳng hiểu mô đã phá xong chưa, và tại sao lại hối hả rút về. Chúng tôi bỗng dưng lạc lõng giữa đất trời. Nhìn tới nhìn lui, phía nào cũng ruộng đồng hoang vắng giống nhau.
Lách qua “con ngựa gổ” làm rào chắn tượng trưng, xe liều lỉnh tiếp tục hành trình. Đến xã Mỹ Đức Tây, xe phải dừng ngay trước dốc cầu, vì đang có chuyện ở phía trước. một vài xe đò nằm ụ bên đường tự bao giờ, khách tản lạc đi đâu cả, trên xe chỉ vài chị bạn hàng, căng võng nằm, ra dấu và nói cho biết “các ổng” đang cắm cờ chận đường phía trước. Các em bán rong chạy tới chào mời chúng tôi mua trái cây, giá rẻ như đem cho! Xuống xe, rảo bộ vào chợ xã, nằm trên một vùng gò đất. Người buôn kẻ bán chỉ hơi hối hả một chút. Trong các quán ăn uống, cũng có vài anh lính đia phương ngồi sẵn. Tôi vào một quán, gọi tô mì. Xem lại, chỉ là mì gói bột nêm trụng nước sôi, thêm vài miêng thịt luộc thái mõng!
Ăn xong, trên đường trở ra xe, vừa bước xuống lòng đường thì bên kia một chiếc lam ba bánh chạy trờ qua mặt vội vàng. Trên xe đầy tiếng ồn ào ngưòi lớn con nít kêu khóc. Người tài xế mặt mày hớt hơ hớt hãi xanh lè, nhảy bắn ra khỏi xe đứng thở hổn hển quên cả việc thu tiền. Hành khách tuôn chạy tứ tán. Một bà chị cứ vừa đi vừa chấp tay bái lậy tứ phía, miệng líu ríu lầm rầm gì không rỏ. Một bác gái lớn tuổi ngồi té bệt dưới đất, vừa khóc vừa gào “trời ơi tội nghiệp người ta quá mà! Người ta có làm gì đâu mà bắn người ta!” Tôi đến gặp anh tài hỏi chuyện. Đi theo hướng tay anh, tôi nhìn thấy trên cản và kính chắn phía trước còn nhiều những vệt máu và óc trắng chưa khô. Anh run rẩy kể lại, một người lính ngồi ngay bên tay phải của anh trên băng ghế lái bị “mấy ông” chận lại kêu bước xuống, rồi không hỏi không gì bắn luôn vô đầu. Tôi cũng biết thêm, bà cụ gào khóc kia không liên quan thân thích gì với người lính bị bắn.
Bưóc về đến xe của mình, quay lại thấy những người lính ở đồn Địa Phương Quân gần đấy chạy tới xôn xao thăm hỏi những khách đi xe và anh tài. Một chốc sau, còn đang nghĩ ngợi về cái chết của người lính và tình huống tiến thoái lưỡng nan, thì bất chợt tiếng radio từ một nhà dân bên đường được mở lên thật lớn. Lệnh “bàn giao” từ Tổng Thống Dương Văn Minh đang được phát đi. Mọi người trên xe đều lộ vẽ ngỡ ngàng căng thẳng. Đoạn băng phát đi phát lại không thể nghe nhầm lẫn được. Chữ nghĩa “bàn giao” tuy còn đầy sĩ diện, nhưng không che dấu được hàm ý “đầu hàng”. Biết chữ nghĩa nào diễn tả cho hết nỗi buồn và đau xót cùng cực trong lòng tôi, và mọi người khi ấy trên nét mặt.
Thời gian trôi qua khá lâu. Bây giờ thì tiếng radio đã được nhiều nhà nối tiếp nhau mở lớn, vang vọng cả khu chợ. Dân chúng gọi nhau báo tin và xôn xao bàn tán. Những người lính địa phương cũng đã chạy hết về đồn trại. Nơi đây, chúng tôi đã xa bắc Mỹ Thuận 10km, còn 50km mới đến Trung Lương. Nơi an toàn gần nhất có thể đến được là quận Cai Lậy, cũng phải 25km. Mọi người đang phân vân, bất chợt nhiều tràng súng nổ ròn rả từ phía đồn trại, tiếng la báo động inh ỏi, và những người lính lúp xúp cầm súng dàn ra bờ công sự phòng thủ. Trên khu nhà chợ, hàng quán xầm xập đóng cửa, dân chúng tán loạn, có người vừa chạy vừa hô “Mấy ổng tới! Mấy ổng tới!’ Chị bạn hàng nhảy tháo khỏi xe, luống cuống nhặt dép lên vừa khóc lóc than van vừa chạy trốn vào một nhà bên đường “Chết rồi! hàng họ của tôi sao nè trời!” Rồi trong phút chốc, sự ồn ào náo loạn biến mất; kể cả tiếng radio cũng tắt ngúm. Trên quốc lộ chỉ còn trơ trọi bảy người chúng tôi! Còn “mấy ổng”, theo cách người dân Miền Tây gọi VC (việt cộng), thì chưa thấy đâu cả.
Không chần chừ thêm, người tài xế cho nổ máy và đạp ga lút tới. Xe nhảy chồm lên cầu rồi đổ dốc; qua cầu không xa, chúng tôi đã ra khỏi khu dân cư. Bắt đầu từ đây, hai bên đồng ruộng tít tắp. Chúng tôi 5 người sau xe ghìm súng ra hai bên, sẵn sàng với mọi tình huống bất ngờ. thỉnh thoảng xe phải chậm lại vì những ổ gà hoặc mô gò do VC đào đắp, cố gắng theo dấu của một xe nào trước đó đã qua, để tránh mìn. Có những đoạn bị cắm cờ VC xanh đỏ, dù là xa lề cả trăm mét, để chứng tỏ chủ quyền. Có lúc đạn bắn ra đâu đó từ những bờ vườn, đành nhờ ơn phúc ông bà. “Đường ta.. ta cứ đi.”
Chạy độ chừng 10km đến địa hạt của một xã kế tiếp. Tình hình ở đây hoàn toàn khác hẳn, hàng quán mở cửa xôn xao, dân chúng đi lại trên đường tấp nập, không thấy bóng dáng một người lính nào. Từ những căn nhà bên lề, radio được mở thật lớn, có cả đài VC, phát đi bằng giọng nữ xướng ngôn viên miền Bắc, và những bài “nhạc đỏ”. Chưa hết nỗi ngỡ ngàng, thì xe đã dừng lại ở một ngã ba đường rẻ lên trụ sở Xã, cách hơn trăm mét. Tôi thấy dân chúng quần áo mới đủ màu, nhộn nhịp như hội chợ, và cờ VC lớn nhỏ treo đầy quanh trụ sở. Thì ra xã này đã được “bàn giao”! Đúng lúc ấy, một anh du kích gầy gò nhỏ thó trong bộ bà ba đen và chiếc mũ tai bèo từ một quán bên lề bước ra, trên tay khẩu AK chúc xuống, chậm chạp đi quanh xe nhìn chúng tôi với dáng vẻ bất ngờ và tò mò. Chúng tôi đứng trên xe, cũng súng cầm tay trong tư thế tương tự. Cảm giác lạ lùng, cứ như thật như mơ. Một vài phụ nữ ngang qua nói lớn “hòa bình rồi mấy anh ơi! Hết đánh nhau rồi!” Sợ tình thế này kéo dài không biết có điều gì xảy ra, người tài xế vội vã cho xe chạy. Anh du kích chỉ lặng lẽ nhìn theo không phản ứng.
Suốt đoạn đường sau đó, không có tiếng súng tấn kích, hoặc dấu vết lửa đạn trên những vùng đất đi qua. Ngoài chuyện đào hố đắp mô và treo cờ xa xa, tuyệt nhiên không một chốt ngăn chận được thiết lập, mà lẽ ra phải có. Xét ra, áp lực quân sự của đối phưong không lớn, chỉ ở mức quấy rối, vậy mà quốc lộ đã bị cắt đứt từng đoạn, do bởi áp lực tâm lý của tình hình chung. Cái không khí “chiến tranh và hòa bình” thay nhau ẩn hiện, vì thỉnh thoảng lại gặp một khu phố chợ đã “bàn giao” treo cờ xanh đỏ lác đác. Gần đến ngã tư thị trấn Quận Cai Lậy, các căn cứ đồn trú hai bên vẫn còn phất phới cờ vàng.
Dừng ở ngã tư rẻ vào thị trấn, đường phố vắng tanh dân chúng, nhà cửa đóng im ỉm. Nhưng đằng sau công sự chiến đấu, những người lính địa phương vẫn sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Tiếng đạn nhỏ và đạn pháo binh bắn đi xa gần còn nghe thấy vang vọng bầu trời. Bây giờ đã vài giờ sau lệnh bàn giao. Cai Lậy chưa đầu hàng! Lòng tôi dâng lên một niềm cảm xúc. Có lẽ cũng cần nhắc lại một việc, thị trấn Cai Lậy đã được biết đến rất nhiều trong vụ VC pháo kích vào một trường Tiểu Học ngày 9 tháng 3 năm 1974, đã khiến 32 học sinh tử vong và 55 học sinh khác bị thương. Và hơn 2 năm trước, tôi cũng đã đồn trú và hành quân vùng này hơn 3 tháng.
Sau suy tính, anh trưởng xa lại quyết định chạy tiếp. Chỉ còn 25km là sẽ an toàn hơn, nếu về đến được ngã ba Trung Lương, thị xã Mỹ Tho. Đường đi bây giờ êm ả, không còn thấy màu cờ xanh đỏ. Nhưng nhìn bên phải, các trụ điện cao thế tròn dài cả chục mét, đúc bằng xi măng cốt sắt, bị đặt chất nổ nằm ngã gục, thậm chí có nơi đến 3 trụ nằm xếp kề nhau, vì cứ thay cái mới là lại bị cho nổ phá tiếp. Tỉ lệ trụ điện bị hủy hoại cũng phải 1/3, nhiều hơn rất nhiều so với cách đây một tuần tôi cũng đã qua đây. Chạy 8km thì xe ngang qua đồn bảo vệ xã Điềm Hy, anh em bính sĩ trong đồn đang lố nhố trên tuyến chiến đấu nhìn ra. Cột cờ giữa sân vẫn lồng lộng lá cờ vàng. Xe chạy thêm chừng 1/2km, từ xa chúng tôi đã nghe tiêng súng nổ, và trông thấy một chiếc xe đò dài nằm lật ngửa đưa tất cả các bánh lên trời tự bao giờ. May mắn chiếc xe chỉ nằm ngửa dài gọn về bên phải, nên người tài xế xe chúng tôi vẫn giữ nguyên tốc độ với toan tính vượt qua. Nhưng vừa khỏi tầm che khuất bởi căn lầu gạch bên phải, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng diễn ra mà suốt đời không bao giờ quên được…
Bên phải Quốc Lộ nơi chiếc xe đò lật ngửa là một thửa ruộng trơ trụi. Cách lề độ 50m là một Thiết vận xa M113 nằm quay mặt vào một bìa vườn nằm cách đường khoảng 200m. Đạn 12ly8 từ trong vườn bắn ra từng nhịp, âm thanh nặng nề chát chúa. Nhờ chen lẩn với đạn lửa mà tôi có thể thấy rỏ những tia đạn phóng đi găm nhắm vào thân chiếc thiết vận, và vút cả ngang qua mặt lộ. Cứ theo vũ khí sử dụng, tôi đoán chừng đây phải là đơn vị lớn của cộng quân. Quanh xe M113, không thấy một đơn vị Bộ Binh tùng thiết nào cả, duy nhất một người lính thiết giáp đơn độc trên nóc xe, đầu đội nón sắt, cúi ôm khẩu đại liên ngồi sau hai tấm thép chắn đạn, đang từng nhịp bắn trả về phía bờ vườn. Hai bên cứ thay phiên bắn “giao hữu” qua lại rất bình tỉnh từ tốn. Hình ảnh người lính Thiết Giáp ấy đẹp và hào hùng làm sao. Sau này tôi mới biết, giờ đó bao nhiêu tướng lĩnh công chức cao cấp đã ra nằm yên ngoài hạm đội rồi!
https://i.pinimg.com/originals/38/50/18/38501822421bb7b27805836d42c4f7a0.jpg
Đang phóng nhanh đột nhiên trưởng xa khẩn cấp cho dừng lại, rồi cả hai người nơi buồng lái đồng loạt nhảy ra khỏi xe. Mọi người ở khoang sau vừa bị ngã chúi vì bất ngờ, cũng nhất tề xốc dậy ôm súng nhảy theo, tấp xuống bờ đường bên trái. Quân trang tài vật vẫn còn nguyên vẹn trên xe. Nằm trên bờ ghìm súng nhìn qua, cuộc so đạn giữa hai khẩu đại liên đang tiếp tục. Cố quan sát bìa vườn, tôi vẫn không thể nhìn thấy ra quân đối phương. Bây giờ tôi mới thật sự quyết định nắm lấy quyền điều động. Cần nói thêm ở đây, các anh em quân nhân tuy là lính Thiết Giáp và Sư Đoàn nhưng toàn là dân hậu cứ văn phòng, người của các phòng ban, lại vốn không trực thuộc quyền chỉ huy của tôi.
Dặn dò hai người lính Thiết Giáp ở lại coi chừng xe, tôi dẫn bốn người còn lại đi vòng dãy nhà lá thưa thớt sau lưng để quan sát địa thế. Phía sau này chỉ toàn đồng trống. Quan sát xa hơn về bên phải, khoảng ba bốn trăm mét, tôi nhận ra có một đơn vị bạn đang đóng các chốt trên bờ ruộng nằm cặp sau nhà dân. Nhìn theo cách đóng quân trong tình huống và khu vực này, tôi đoán chắc đó phải là tiểu đoàn của Sư Đoàn 7. Bây giờ thì hiểu ra, tại sao Cộng quân đã không dám tấn công một chiếc thiết vận xa đơn độc bên kia, nằm tênh hênh như một chiếc mồi nhử. Và giờ tôi có thể đoán biết, người lính và chiếc M113 kia phải thuộc về đơn vị Thiết Đoàn 6 Kỵ Binh, SĐ7BB. Cài hết bốn người ở lại dàn ra canh chừng mặt sau, tôi quay lại cận thận vỗ vào liếp cửa sau của căn nhà lá.
Một sự im lặng tuyệt đối, tôi ghé mắt nhìn qua khe. Căn nhà xơ xác nghèo quá, chỉ có một cái kệ tre đựng chén đũa, vài cái nồi đen đúa móp méo treo trên vách, và một nồi cơm lớn nằm trơ trỏng giữa nhà. Một cái hầm nổi, vừa làm nơi trú ẩn vừa làm giường bên trên, chiếm mất gần nửa căn. Chợt nghe tiếng động bên trong, tôi lên tiếng lần nữa và quyết định gở cọng dây kẽm cột cánh cửa. Từ trong hầm tiếng rục rịch lao xao, và vài đứa con nít khóc ré lên. Một bà cụ nhô đầu ra sợ hải “súng đâu mà bắn quá chú ơi!” Tôi mĩm cười trấn an “xa xa thôi bác ơi, ở đây lính tụi con không hà! Tội nghiệp quá, bác cho mọi người ra đi, mấy đứa nhỏ trong đó ngộp chết!” Tử tế bà cụ chỉ vào nồi cơm mời tôi và quyết giữ mọi người ở lại trong hầm. Tôi dùng cái gáo dừa, múc nưóc từ trong lu đổ đầy một cái nồi, rồi cầm cái rá đựng chén đũa, tất cả cùng nồi cơm nguội đóng cục, lần lượt đưa đến ngoài miệng hầm dặn dò “bác và cả nhà ăn đi nghe! Thôi con đi!” Bước ra, tôi lo lắng không cột cửa lại vì nhớ đến mấy loạt đạn lửa bên kia bờ vườn, biết đâu có thể làm cháy nhà.
Quay về bờ đường phía trước, chợt đâu bên phải, một chiếc Jeep bất ngờ từ xa phóng nhanh tới, bên trên là hai quân nhân. Nhưng chỉ vừa qua khỏi chiếc GMC của chúng tôi, trước khi đến chiếc xe đò lật ngửa, thì họ vội vã dừng xe, phóng nhảy xuống bờ lề, khi trông thấy cuộc đọ súng giữa hai khẩu đại liên, với những tia đạn chạy quét lên cả mặt lộ. Bây giờ đối phương đổi trò chơi mới. Khẩu 12ly8 chuyển hướng nhắm vào chiếc Jeep và GMC. Đạn bắt đầu bay ngay trên đầu chúng tôi, từng nhịp ngắn hai ba viên. Tiếng đạn đi xé gió cùng với tiếng nổ đùng đùng đầy uy hiếp. Chỉ trong vòng mười phút, cả hai xe đều bị bể hết một bên bánh, sau những tiếng xì hơi như tiếng thở dài áo nảo. Riêng chiếc zeep bị trúng đạn làm chập điện, khiến còi xe rú vang kéo dài cái âm thanh rú rít thê lương cho đến khi yếu dần ngèn nghẹn và tắt hẳn. Đột nhiên, một người lum khum rón rén quay lại, chồm nửa người vào xe, bới lấy khẩu M16 và dây đựng băng đạn trong lúc vội vã không kịp cầm theo, rồi nhảy trở ra thật nhanh gọn.
Thời gian lại cứ từ từ trôi qua, cho đến lúc bất chợt có một chiếc M113 thứ hai từ phía xã Điềm Hy xuất hiện, chạy rầm rập qua chỗ chúng tôi. Có tiếng súng bắn và tiếng réo gọi vang dội. Chiếc Thiết vận dưói ruộng bắn một loạt đạn cuối cùng về phía bìa vườn, rồi lui lại quay chạy theo chiếc kia về phía Long Định. Tôi cho tập họp tất cả lại và đưa ra ý định: quay trở lại xã Điềm Hy. Tôi trình bày qua kế hoạch và được mọi người tán thành. Chúng tôi 5 người dàn ra nằm trên bờ lộ, ghìm súng về phía bìa vườn nơi có khẩu 12ly8. Hai người trưởng xa, và tài xế nhanh chóng nhảy lên xe cho nổ máy chạy lùi lại một đoạn khá xa rồi quay đầu xe. Chiếc xe chạy lệt bệt xiêu vẹo thiệt tội nghiêp, tuy nhiên sự việc diễn ra suôn sẻ. Khi đã qua tới chỗ che khuất bởi căn lầu gạch bên kia đường, theo kế hoạch họ phải dừng lại chờ đón chúng tôi. Nhưng không, họ cho xe chạy đi luôn! Mọi người đều ngỡ ngàng rồi quay nhìn tôi chờ đợi. Nhanh chóng tôi quyết định cần phải đi tránh xa ngay địa điểm này. Theo chiến thuật “di động và hỏa lực”, chúng tôi thay phiên di chuyển dần về xã Điềm Hy. Khi gần đến đồn, tôi mới biết còn có một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến phòng thủ ngay trong khu vườn thưa bên ngoài.
Đến gần cổng rào của đồn, tôi thấy chiếc GMC giờ vẫn còn tiếp tục chạy cách trước mặt gần 200m. Cũng đúng lúc đó, lố nhố bên lề và dưới ruộng, mười mấy du kích quần áo bà ba đen xuất hiện nhốn nháo với súng ống. Tôi nghe tiếng súng nổ râm ran, nhưng chiếc xe vẫn nghiêng ngã chạy ngang qua đám du kích. Tôi thấy rỏ một người đưa khẩu B40 lên ngang vai, lửa và khói trắng bùng lên ngay bên hông xe trước khi âm thanh đạn nổ đến được tai tôi. Rồi đám người bu bám nhảy lên, quăng ném những ba-lô quân trang trên xe xuống. Bên trong đồn, nhiều người đứng ở công sự cùng chứng kiến. Lúc ấy, một người lính chạy ra mở cổng rào. Len qua những hàng kẽm gai concertina, tôi thấy nhiều cọc cắm gắn mìn claymore. Phải hơn 50m mới vào tới bờ đất phòng thủ bên trong. Những người lính bên trong thấy chúng tôi mang phù hiệu sư đoàn thì có vẻ chăm chú đặc biệt.
Một anh chuẩn úy ra chào đón chúng tôi rất thân tình niềm nở, Sau tự giới thiệu nhau, nay tôi vẫn còn nhớ, anh tên Hòa, Phân Chi Khu trưởng Điềm Hy; gia đình anh sinh sống ở vùng ngã tư Bảy Hiền, Saigon. Chúng tôi trao đổi qua lại với nhau về tình hình trong ngoài căn cứ. Bây giờ chúng tôi có hơn năm mươi tay súng, còn lại cũng bằng số ấy là đàn bà con nít, vợ con của các anh em binh sĩ. Bên ngoài, quân số Cảnh Sát Dã Chiến nhiều hơn. Mọi người cũng đã nghe biết lệnh “bàn giao”. Anh hỏi tôi ý kiến, tôi xác định chỉ tuân hành theo lệnh của cấp chỉ huy trực tiếp. Anh cho biết vẫn còn giữ được liên lạc âm thoại với chi khu, trên Quận vẫn còn tử thủ. Nhưng cũng đúng lúc ấy, anh trung sĩ truyền tin vội vã trao ống nói máy PRC25 cho anh Hòa “Thiếu úy ơi! Tụi nó xâm nhập vào hệ thống mình rồi!”
Gọi các đơn vị bạn, tất cả đêu đã bị cướp tần số. Gọi qua căn cứ Long Đinh, cách đó 8km, thì cũng đã bị xâm nhập, hai bên đang thách đố chửi nhau loạn xạ trên máy. Cũng cần nói rỏ, CC Long Đinh là nơi thiết đặt bộ chỉ huy chiến thuật của Tiểu Khu Định Tường. Gọi trở lại Chi khu lần nữa, thì không còn nghe trả lời. Chi khu đã thất thủ hay đã “bàn giao”!? Cũng lúc ấy, có tiếng súng nổ bên ngoài đồn, rồi tiếng loa gọi “Tên Dương Văn Minh đã đầu hàng! Để bảo vệ sinh mạng, các anh phải buông súng ngay! Miền Nam đã được Cách Mạng hoàn toàn giải phóng! Các anh sẽ được đối xử nhân đạo theo đúng chính sách hòa giải dân tộc của chính phủ cách mạng..” Trên công sự chiến đấu, binh lính vẫn dàn ra cầm súng chờ lệnh. Bên ngoài nhóm du kích ban nảy, giờ thấy đông hơn, đang tự tin đắc thắng ngang nhiên đi tới lui trên mặt lộ, có người tay cầm cây cờ xanh đỏ chạy quơ phất phới. Tình hình đó, nếu chuyện nổ súng xảy ra, tôi cam đoan họ sẽ phải tổn thất nặng ngay trong loạt đạn đầu.
Tình trạng căng thẳng và khẩn cấp, Anh Hòa đích thân cầm máy gọi Chi khu, lần này bên kia có tiếng nạt nộ đe dọa “bọn ‘ngụy’ ở đây đã đầu hàng cả rồi, các anh còn ngoan cố đến chừng nào?” Cùng lúc ấy, một trái đạn B40 bắn vào mái tôn của căn nhà sau lưng chúng tôi. Quay lại tôi còn kịp nhìn thấy khói lửa òa lên. Tiếng đàn bà con nít la khóc inh ỏi. Chúng tôi được báo cáo ngay có vài người bị thương. Anh Trung sĩ nhất truyền tin đứng cạnh tôi nổi máu, lúc này đã bỏ máy, cầm trên tay khẩu M79, anh đưa lên nhắm và bóp cò không chờ lệnh lạc. Trong lúc vội vã anh quên rằng khẩu M79 luôn luôn tự động khóa an toàn sau khi nạp đạn, nên súng không kích hỏa. Đó cũng là một điều định mệnh. Vì nếu không, hy vọng gì bạn được đọc câu chuyện hôm nay!
Tôi vỗ nhanh vào vai anh, ra hiệu không được bắn. Anh Hòa nhìn tôi giọng xúc động “Chi khu mất rồi! Mình tính sao đây Thiếu úy?” Nếu phải đánh nhau, chúng tôi thắng là cái chắc, vì quân số vũ khí áp đảo, đối phương lại khinh địch phơi mình trên mặt quốc lộ. Nhưng sau đó là gì ai cũng biết. Tôi ngậm ngùi nhìn anh Hòa giữ nguyên tắc “căn cứ và sinh mệnh mọi người nơi đây tùy thuộc anh. Anh quyết định thế nào tôi sẽ làm theo” Anh hỏi lại lần cuối “Mình buông súng Thiếu úy?” Tôi gật đầu muốn bật khóc.
Lệnh buông súng được loan ra, một chiếc áo thun làm cờ trắng được cột trên đầu một nhánh tre, khua lên trên nóc lô-cốt chỉ huy. Phía du kích yêu cầu chúng tôi phải hạ cờ Vàng xuống trước. Anh Hòa cho người phụ tá của anh ra tháo dây, hạ cờ. Không ai ra lệnh, nhưng toàn thể mọi người đứng nghiêm lặng lẽ như chào lần vĩnh biệt. Cờ chưa xuống hết, tôi đã cúi mặt để che dấu dòng lệ đang ứa ra. Trong diễn tiến đau lòng ấy, chúng tôi chua xót ý thức rất rỏ thấy mình đang phải đầu hàng, làm gì có chuyện mơ màng hai chữ “bàn giao”! Một du kích xông xáo mở các rào cản chạy vào, vài người nửa vào theo. Số du kích chia ra. Một người chạy đến cột cờ giữa sân, trước lô-cốt chỉ huy nơi chúng tôi đang đứng, tháo hẳn lá cờ Vàng ra khỏi dây, ném bỏ nằm rũ dưới mặt đất, rồi thay vào bằng lá cờ xanh đỏ, kéo lên . Một vài người khác lùng xục reo hò “Súng..! Súng..! Nhiều quá!” Một dãy người đứng ngay trên lối ra vừa dùng mắt dò xét, vừa liên tục nói lời trấn an “Hòa bình rồi, các anh đừng có lo, không có trả thù trả oán gì hết, tất cả sẽ được đối xử đúng theo chính sách nhân đạo..”
Lúc này anh Hòa và vài anh em thân tín đã thay đổi trang phục áo dân sự. Các anh làm như thế là đúng, buông súng thì trước mắt chỉ là cứu sinh mệnh anh em binh sĩ và thân nhân của họ, chứ ai bảo đảm điều gì với chính anh và ban chỉ huy. Phần tôi còn hơi tự ái, nhưng sau này ra đến cổng, nghĩ lại sống còn là trên hết, đành cũng phải chịu hèn thôi. Lợi dụng đông đảo nhốn nháo không ai để ý, tôi cởi áo cuộn lại ném sâu vào lổ cống ngay trên lối ra sát lề đường. Trong túi áo, còn một chiếc máy ảnh Minota chụp phim 8mm, nhỏ gọn bằng gói thuốc lá. Tiếc mà không dám giữ vì sợ bị nghi lầm làm gián điệp. Tội này nặng hơn tội làm quan! Kinh nghiệm Mậu Thân dạy mình phải biết sợ! Vật duy nhất, tôi còn gan giữ lại, là tấm thẻ căn cước quân nhân bọc nhựa, nhét trong vớ giầy.

Thẻ Căn Cước Quân Nhân như đã kể trong chuyện
Đi ra gần sau cùng, qua lá cờ bị bỏ nằm dưới đất ngay trên lối đi, tôi xúc động nhận rỏ một điều, trong lúc tuôn ra cổng, dù vội vã mọi người đêu thận trọng bước tránh một bên, không một ai dẫm đạp lên cờ.
Mọi người nằm dài trên mặt lộ. Tôi bị ép vào một chỗ gần bờ đường. Bình tỉnh quan sát để dự đoán tình huống. Du kích cầm súng chia ra bốn góc, hò hét chỉ chỏ chỗ nằm, không phân biệt lính hay phụ nử trẻ con. Một số du kích lần lượt đi lục soát thân thể từng người, xem còn cất dấu vũ khí gì không. Khi khám xét tới tôi, sờ thấy ở túi quần đầu gối có gói tiền hai tháng lương hơn 40 ngàn, anh ta hỏi lớn dồn dập “cái gì đây? cái gì đây?” Tôi trả lời “Tiền! Tiền! Tôi mới lảnh lương!” Anh ta chỉ bóp nắn thêm bên ngoài và yên tâm nói “Tiền hả? Anh cứ giữ đó để xài nghe!” Rồi lại tiếp tục lục soát qua người khác. Chi tiết này giúp tôi cũng cố thêm phán đoán tình thế. Anh lính nằm cạnh tôi trẻ măng, run lập cập, có thể nghe được tiếng đầu gối của anh va đập trên mặt đường. Lần đầu tiên tôi thấy nổi sợ của con người trước cái chết tưởng rằng sắp tới. Tôi khe khẽ trấn an “Tụi nó đứng bốn góc là chưa bắn được đâu!” Anh lính ngước nhìn tôi rồi hổn hển bất ngờ “chắc nó bắn quá Thiếu úy ơi!” Tôi xấu hổ quá, vì anh lính còn nhận nhớ ra tôi trong tình trạng cấp hiệu đã chạy đi theo chiếc áo ban nảy rồi, chỉ còn áo lót trên người.
Rồi mọi điều diễn ra yên ả. Toàn bộ đàn bà trẻ con được giữ lại. Số anh em quân đội và cảnh sát dã chiến, gộp lại lẫn lộn nhưng vì đông phải chia làm hai nhóm đi trước sau. Chúng tôi xếp hàng hai, đi dọc bờ lộ một đoạn chưa tới chiếc GMC thì bước xuống thửa ruộng khô. Tôi cố quan sát, chỉ thấy xe với lổ chỗ vết đạn, không thấy xác người đâu. Đoàn người lầm lủi đi, tay để xuôi, hai bên là du kích. Chợt một anh du kích nhận diện ra anh Hòa và chạy tới hô lớn “Anh Ba ơi anh Ba! Thằng Hòa Phân Chi Khu nè!” Ngưòi được gọi anh Ba nạt lại “Ngụy quân không có phân biệt, cho đi chung với nhau hết”. Qua dãy nhà dân đầu tiên nằm trên một thửa đất dài, tôi thấy phụ nữ người già trẻ nít đứng lóng ngóng nhìn chỉ trỏ khúc khích kêu gọi du kích. Rỏ ràng hai bên đã từng thân biết nhau. Trong đoàn chúng tôi có những tiếng xì xào, vì họ cũng từng tới lui quen biết những người trong xóm đó, làm sao tránh được nỗi ngỡ ngàng!
Đi khá sâu vào trong, quay lại không còn nhìn thấy Quốc Lộ. Cả đoàn dừng lại ở một xóm nhà chờ đợi. Nơi đó cũng đã có vài người bị bắt tự bao giờ. Lúc này trời cũng đã xế chiều. Một người du kích cao ráo từ xa đi nhanh tới trong bộ bà ba đen ủi phẳng mới tinh, khẩu K54 đeo bên hông, dáng vẻ chỉ huy. Nạt lớn “Thằng xã bắt được chưa?” Và tiến đến một người đứng cách tôi vài mét, nhìn trừng vào mặt và ra lệnh “Trói thằng cảnh sát này lại!” Ngưòi bị trói dáng vẻ khắc khổ, xương xương, đầy chịu đựng chứ không tỏ vẻ sợ hãi. Đứng cạnh anh là một chị phụ nữ, giờ đó vẫn quyết đi theo bên anh. Về sau tôi mới biết, anh là Cành Sát Trưởng của xã, còn chị kia chỉ là bạn gái sống cặp theo anh mà thôi.
Đi theo cùng anh “xếp” du kích, với gương mặt lúc nào cũng hầm hè làm điệu làm dáng, là một người tròn mập bệ vệ hiền lành, với gương mặt như đang cười. Trong anh em có người nhận ra “Trời ơi cha này là Tư Mập, chủ quán cà phê ngoài ngã tư Cai Lậy đây mà! Chắc nó là cán bộ kinh tài rồi!” Trong cái không khí căng thẳng chờ đợi đó, một anh du kích nhỏ tuổi, đảo qua đảo lại trưóc mặt chúng tôi như phụ tuồng. Anh ta đặc biệt chăm chú nhìn tôi từ trên xuống dưới, bước đi rồi bất chợt quay lại chỉ vào tôi “anh này!”. Dù không phải là quát nạt mà tôi giựt thót người, phen này chắc là mình cũng được vào sổ đen. Đầu óc tôi “scan” thật nhanh: có tên nằm vùng nào đã chỉ điểm mình rồi!
Khi ấy anh du kích đưa tay chỉ xuống đôi giầy, nói với giọng rầy rà “Bây giờ mà anh còn mang giầy này nửa sao!” Thì ra.. Tôi cũng phải xin vài dòng về “câu chuyện một đôi giầy đã cởi”. Đó là loại “giầy bố Mỹ”, nửa da nửa bố rất đẹp, mang dịu chân, đi bộ nhiều không mỏi. Tôi đã mua lại từ một anh Đai Úy của Chi Khu Cai Lậy cách đấy 2 năm, khi làm việc chung với nhau trong bộ chỉ huy Trung đoàn 16. Như là định mệnh, ngày tàn cuộc chiến đôi giầy “trở về mái nhà xưa”, có chăng là khác chủ đổi phe! Tuy nhiên, khi cởi đôi giầy, tôi còn có nổi lo; vì tấm căn cước quân nhân còn cất dấu trong vớ. Vừa cởi ra là tôi rủ ống quần xuống ngay, cẩn thận đẩy đôi giầy ra xa trước mặt. Nhân tiện tôi gở lại bằng câu hỏi “người bị trói này làm sao vậy anh” Anh ta trả lời dứt khoát, thản nhiên “bọn tề ác ôn như thằng Xã, và cảnh sát sẽ phải tử hình thôi!” Ôi mạng người mong manh làm sao khi thù hận và cái ác lên ngôi!
Đoàn người tiếp tục đi sâu vào trong, gần đến nơi thì đã chạng vạng tối. Chúng tôi phải qua một con kinh nhỏ bằng xuồng thì tới trạm dừng chân cuối cùng. Chưa kịp vẹt mấy cành dừa nước bước chân lên bờ, tôi đã thấy và nghe tiếng năm sáu cô con gái rất nhỏ nhắn xinh đẹp cười khúc khích, chỉ chỏ nói năng xôn xao, nhưng toàn là giọng miền Bắc đặc sệt! “Dù chúng mày ơi!” “Dù ? Dù đâu?” Thực ra thì làm gì có Dù, chỉ có các anh em bên Cảnh Sát Dã Chiến mặt đồ bông thôi. Rồi đưa tay sờ lấy áo, một cô reo lên “vải tốt quá chúng mày ạ!” Lúc ấy một anh bộ đội già xuất hiện hét lớn “Các cô có biết là ai đây không? Đây là ngụy! Yêu cầu tất cả cảnh giác!” Các cô cười rúc rích, lui xa lại một khoảng, tiếp tục bàn tán.
Bây giờ trời đã tối hẳn. Khu dừng chân này là một xóm nhỏ, có duy nhất một quán tạp hóa với đèn măng-xông sáng rực. Tôi vào hỏi và mua thuốc đau bụng để phòng ngừa, vì bụng dạ tôi yếu lắm; chỉ còn một hộp duy nhất chưa đủ 10 ống “Lục Thần Thủy”. Tôi hỏi cả trụ sinh nhưng không có. Sau cùng, mua vài bao mì gói và kẹo bánh. Nhìn ra, mọi người cũng đang lục tục mua sắm này nọ. Biết anh Hòa, người phụ tá, và anh truyền tin không còn bao nhiêu tiền, tôi lấy xấp 40 ngàn chẵn chia đều cho cả tôi, mỗi người 10 ngàn phòng thân. Dò hỏi chị chủ tiệm, tôi biết mình đã gặp Văn Công Miền Bắc, cùng lực lượng bảo vệ.
Nghe có tiếng đài BBC phát ra, tôi và nhóm anh Hòa lân la đi đến. Qua khỏi một khúc quanh tôi thấy một sân phơi lúa được dùng làm chỗ đóng quân của Bộ Đội. Có khoảng chừng hai chục chỗ nằm trên nền đất ngay ngắn. 4 đầu nằm là những ống tre chôn thấp dưới mặt đất, đang được dùng để cắm cọc treo những chiếc mùng nilon ngắn thấp chừng 60cm. Ban ngày mà lấp đất lai, thì hành quân ngang qua cũng không có thể ngờ! Gần đó là mười mấy người bộ đội, nhỏ thó trẻ măng như đám con trai mới lớn, đang ngồi xen lẫn những khẩu AK, xếp chụm đầu từng 3 cây một, trong tư thế nghĩ. Họ quá tự tin vào tình hình và sự đắc thắng của mình đến độ không hề cẩn thận đề phòng.
Thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, anh bộ đội đang cầm máy có vẻ dễ dãi đắc ý “Vào đây! Vào đây!”. Chưa đợi chúng tôi ngồi xuống, anh đi tiếp một bài “Hòa bình rồi! Đất nước đã hoàn toàn được giải phóng. Bắc Nam một nhà, chúng mình là máu thịt Việt Nam cả! Các anh không phải lo lắng, không có việc trả thù. Đường lối Cách Mạng là khoan hồng nhân đạo, trước sau như một. Di chúc của Bác đã dạy rồi, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Chúng tôi bở ngỡ bất ngờ với cách nói bài bản thao thao như vậy, không lẻ đây là chính trị viên cộng sản. Anh trẻ quá, sợ chưa tới tuổi 18. Thấy chúng tôi phân vân, anh hăng hái nói tiếp “Rồi mai này đất nưóc giàu có, kinh tế phát triển, miền Nam không còn bất công xã hội nữa, tiêu chuẩn nhà nhà đều sẽ có một chiếc xe đạp!”
Tôi còn đang nhìn anh Hòa ngụ ý không biết mình có nghe lầm không, anh bộ đội già ở đâu lại chạy tới quát nạt “Các đồng chí chủ quan khinh địch thế này à! Súng vào tay! Phân tán ngay!” Chúng tôi lặng lẽ rời chổ. Ra ngoài xa tôi hỏi lại anh Hòa, xem có đúng mình nghe như thế không. Anh chưa kịp nói thì người Trung sĩ đã buông tiếng chửi thề. Lời cuối cùng của người bộ đội trẻ ám ảnh tôi suốt đêm đó, và nhiều ngày tháng sau này. Tội nghiệp anh, miền Nam những nơi anh và đồng đội đi qua, chỉ là ruộng vườn với đầy kinh rạch, nên không thấy nhà nào có xe đạp cả! Và đó là cái tiêu chuẩn cao nhất mà anh có thể tưởng tượng ra được cho mỗi mái nhà sau sự nghiệp “giải phóng Miền Nam”!
Không lâu sau, lại được lệnh di chuyển; địa điểm cuối cùng chúng tôi đến là một căn nhà lá nhỏ, cửa để mở, ngọn đèn hột vịt bên trong hắt hiu một vũng sáng yếu ớt lù mù. Trước nhà là sân đất rộng. Giữa sân có ổ rơm cao bằng đầu người. Tất cả chúng tôi tập trung nằm nghĩ quanh đó. Nhóm chúng tôi ngồi dựa vào ổ rơm, cái âm ẩm, âm ấm của rơm thấm vào lưng. Cả một ngày căng thẳng và mệt mỏi. Bây giờ chúng tôi mới nhớ ra cái đói. Lặng lẽ chia nhau những bánh kẹo và mì gói vừa mua ra nhai sống. Phần anh Hòa, chạy đi thăm hỏi và chia tiền bạc bánh kẹo cho một số ngưòi. Nhớ ra từ chiều đến giờ không thấy măt mủi mấy ông bạn cùng chuyến xe định mệnh với mình đâu cả. Có lẽ họ đã tấp hết qua bên kia khi đoàn người bị chia hai. Một người lính địa phương nằm gần nhận ra tôi vội nói “Thiếu úy, lấy áo em mặc nè Thiếu úy!” Tôi nghẹn ngào muốn bật khóc. Giữ tay anh lại, không cho cởi áo, tôi lí nhí lời cám ơn.
Về đêm, trăng hạ tuần càng lúc càng lên cao. Mọi người vẫn còn rục rịch, chắc chắn là không một ai ngũ được. Trong đêm tiếng đạn vẫn còn nổ đâu đó lẹt đẹt. Tôi bồi hồi nhìn những pháo sáng xa xa bắn lên từ phía căn cứ Long Định cách đó 8km. Bấy giờ trí nhớ mới bắt đầu đi xa, nhớ đến cha mẹ và các em đang ở Saigon, rồi vợ ở tận Rạch Giá với con gái đầu lòng chưa đầy 4 tháng tuổi. Bất chợt môt góc trời phía Long Định bùng sáng lên, rồi âm vang đạn lớn nhỏ khá lâu sau đó vọng đến. Trận đánh cuối cùng này kéo dài hơn nửa giờ thì tiếng súng bắt đầu thưa thớt rồi tắt hẳn. Tôi cảm thấy tim mình cũng như chậm lại và tắt dần theo. Trời bổng lấm tấm mưa, pha loãng đi dòng lệ vừa ngập ngừng nơi khóe mắt tôi.
Ba ngày sau, chúng tôi mới được cấp giấy đi đường để về. Trong lúc chờ nhận giấy, tôi hỏi các anh em binh lính đi về đâu, rồi tùy theo xa gần tôi chia tiền còn lại cho mọi người. Chỉ giữ vừa đủ đi đường. Phải giơ tay nhiều lần mới đón được một chiếc xe đò dài, một phần vì hành khách đông nghẹt, một phần vì bạc bẻo tình đời, người ta sợ tôi xin quá giang! Lên được xe, anh lơ tử tế móc cái ghế nhỏ dưới gầm ra cho tôi ngồi ngay phía trước, nơi có thể quan sát toàn cảnh. Chạy một đỗi, vẫn không thấy anh nhắc chuyện tiền xe, tôi phải lên tiếng. Anh nhìn tôi trong áo lót, quần nhà binh, và chân không giầy dép, giọng ái ngại “anh cho bao nhiêu cũng được”. Tôi móc túi đưa anh số tiền đã dự trù sẵn. Anh trù trừ rồi cầm, không nói gì thêm. Sau này, về đến Saigon, xuống xe anh nằng nặc trả lại tôi “Gia đình em cũng đi lính mà anh!” Chúng tôi lặng nhìn nhau, chung một nỗi nghẹn ngào.
Trên xe hành khách pha trộn những gương mặt khác nhau. Đa số im lìm lặng lẽ, một số không nhỏ cười nói huyên thuyên. Cứ qua đó mà có thể đoán biết là dân phe nào. Xe chạy qua một đoàn quân miền bắc, đang đóng trò di hành trên đường, người nào cũng chất thật nặng vũ khí và quân trang. Toàn là thanh niên thấp lùn, tuổi trên dưới 17, Trên xe dưới đường dơ tay vẩy nhau. Niềm vui phe “được cuộc” lớn bao nhiêu, thì trong tôi, niềm đau người “bỏ cuộc” cũng không kém. Xe chạy một đoạn thì chầm chậm lại, vì trên đường lổn ngổn quần áo giầy nón mang phù hiệu của Sư Đoàn 7. Rồi cái tôi chờ đợi đã đến.
Vừa đến cầu Long Định, hành khách trên xe nhốn nháo ngó nhìn. Dấu đạn lớn nhỏ lổ trổ trên khắp các tường vách mái tôn và công sự chiến đấu, ghi dấu tích của một trận chiến đấu quyết tử. Đêm đầu tiên đã nghe, nhưng giờ được nhìn, tôi ngậm ngùi không biết bao nhiêu người lính Địa Phương Quân đã nằm xuống trong trận đánh cuối cùng này. Những hành khách im lặng ban nảy đã có người mắt đỏ hoe, người nhẫn nhục lấy khăn che nước mắt. Lúc đó tôi mới thấy mình còn có một nỗi đau lớn hơn cái đau thân phận cá nhân, đó là nỗi đau trong niềm ân hận với đồng bào, đã ủy thác niềm tin nơi những người cầm súng như mình. Đồng bào ơi! Tổ quốc ơi! Xin tha thứ cho tôi đã không tròn trách nhiệm!
Xe chạy còn 200m nữa thì đến ngã ba Trung Lương, bên tay phải là doanh trại đồn trú của Lực Lương Cảnh Sát Dã Chiến, và một đồn Địa Phương Quân nằm kế tiếp. Khung cảnh tan hoang cho thấy đã diễn ra ở đây một trận đánh kiểu đường phố. Không có những bờ đất đắp cao làm công sự phòng thủ. Mặt trưóc doanh trại là bức tường gạch cao ngang ngực, trang trí với khung gạch thưa rộng, đủ để gác súng bắn ra. Cách khoảng là những ụ chiến đấu đắp bằng bao cát. Bên trong là những dãy nhà gạch. Giờ đây tất cả đều tan tác đổ nát. Bảng hiệu đơn vị xụm xuống một chân, Hàng chữ “Cảnh Sát Dã Chiến” còn ẩn hiện dưới những vết đạn li chi. Dãy nhà gạch bên trong không còn treo sót lại được một cánh cửa lớn hay cửa sổ nào, tường vách trong ngoài xụp đổ từng mảng. Đồn lính Địa Phương Quân, cũng cùng số phận tan hoang, kiêu hùng nghiệt ngã. Hai đơn vị khác lề khác gốc, đã sát cánh nhau ở một đầu vào Quốc lộ, cùng đánh một trận cuối cùng trước khi giã từ vũ khí; và không biết có bao nhiêu sinh mệnh đã giã từ luôn cả cuộc sống mà tôi đã cam chịu tiếp tục.
Đã qua 40 mươi năm! Hôm nay, ngồi viết lại nhửng sự kiện ngày ấy, lòng tưởng nhớ thương kính tri ân các đồng đội, những người đã nằm xuống, để lại hào khí cho chúng tôi tiếp tục một cuộc đấu tranh khác. Dòng lệ hôm nay có cạn kiệt hơn, nhưng chắc chắn vẫn ấm mặn như buổi sáng hôm nào.
Kỳ Ngọc Thanh Vân (Liên lạc: kyngocthanhvan@gmail.com)