Chưa đúng hẳn 10 giờ các đơn vị đã lên đường, ào về phía Nam, gặp nút chặn của địch quân ta tác xạ tối đa và vượt nhanh về phía trước. Không còn đội hình gì nữa hàng ngang 10, 20 dựa theo địa thế có thể tránh được đạn từ cồn cát cao bắn xuống.
Cam Ranh
Trong bóng đêm phủ kín đầm Thủy Tú, một chiếc ghe máy đang xuôi về hướng Ðông Nam. Văng vẳng tiếng súng nổ rải rác ở Thôn Kế Sung nơi phòng thủ tạm thời của Lữ Ðoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến từ chiều ngày 24 tháng 3 năm 1975.
Khoảng cách hai bên bờ rộng trên một cây số nên Ðại úy Nguyên Thảo sĩ quan Hành quân Huấn luyện Tiểu đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến chăm chú lái ghe ở giửa dòng cho an toàn đồng thời quan sát lắng nghe động tỉnh. Những tiếng súng nổ làm tim Thảo như se thắt lại, một cảm giác đau đớn, tủi buồn cho thân phận một Lữ Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến trên hai ngàn quân nhân, được lệnh lui về thôn Cư Laị, bốn ngày hết thực phẩm, đạn dược cạn dần, để rồi bị bỏ rơi trong chiếc rọ không lối thoát. Phải chăng tiếng nổ đó là những phát súng, hay quả lựu đạn cưa đôi sau cùng của anh em chọn con đường vinh quang nhất.
Trong khoang ghe mọi người đã ngủ vùi sau bao ngày thức trắng, Thiếu tá Phạm văn Tiền, Tiểu đoànTtrưởng Tiểu đoàn 5, Ðại úy Lê Tấn Ngọc sĩ quan An Ninh Tình Báo, Trung sĩ Ðức Hạ sĩ quan Tiếp liệu Hành quân, Hạ sĩ nhất Nguyễn văn Thi tự Thi Chín Ngón, Hạ sĩ A Ty và 2 quân nhân tiểu đoàn. Trong giờ phút này bổng dưng Thảo cảm thấy sự mệt mỏi như tan biến, hình ảnh những ngày giải toả áp lực địch tại Tây Ðô sau Tết Mậu Thân chợt bừng sống,
Binh nhất Phạm văn Bảnh, người Rạch Giá bơi xuồng cùng Thảo dọc theo sông Rạch Ngổng, từ Cầu Ðôi Mới, thị xã Cần Thơ trở về vị trí đóng quân tại vườn Thầy Cầu. Khi còn cách bờ 15 thước, Bảnh phóng người xuống sông lội vào. Thảo cố gắng cầm dầm bơi, cậu học trò ở thành phố Sàigòn lúc nhìn thì tưởng rất dễ mà sao cái ghe cứ xoay vòng vòng. Trên bờ tiếng cười của cô gái cùng binh nhất Bảnh
- Ðể tôi lội ra lật xuồng cho ổng uống nước chơi.
- Không được đâu cô Nhàn, ổng cự tôi chết.
Thế là Bảnh lội ra kéo xuồng vào bờ. Ðêm đó hai thầy trò tâm sự. Thảo đùa cùng Bảnh
- Cô Nhàn mà lật xuồng thì tôi sẽ ôm cứng cho cô ta uống nước luôn một thể.
- Thiếu úy, ngày mai em sẽ dạy ông cho cô Nhàn phải phục mới được
Trong hai ba ngày nghỉ quân, buổi sáng cô gái đi học trường trung học Bồ Ðề Cần Thơ, Bảnh bơi xuồng và dạy Thảo, quan trọng là bẻ cái dầm để lái chiếc xuồng đi thẳng. Sau cuộc hành quân ở Cầu kè Vĩnh Bình. Trung đội Thảo may mắn ở Vườn Thầy Cầu. Bảnh dạy Thảo chèo một mái dầm, rồi hai mái dầm. Buổi chiều trước ngày hành quân bình định vùng Rạch Ông Vựa, Miễu Ông ở Bình Thủy, Thảo chèo xuồng hai mái một mình trên sông, trong tầm mắt Thảo, Bảnh đang tươi cười hai tay linh hoạt có lẽ đang diển tả cùng cô gái về sự thành công của ông thầy mình.
Thời gian sống ở trung đội, Bảnh còn dạy Thào nói tiếng Miên, kinh nghiệm sống của người nông dân thuần túy bổ túc cho bài học thoát hiểm mưu sinh mà Thảo đã học và thực tập ở Trung tâm Huấn luyện Biệt Ðộng Quân Dục Mỹ
Cuối năm 1969, Thảo theo Ðại úy Dương văn Hưng thành lập đại đội 4, hạ sĩ Bảnh vẫn ở đại đội 1 và bị thương khi hành quân chiến thuật Diều Hâu tại vùng Kinh Sáu Sanh, Ðại đội 4 tiếp ứng tại sân bay quận Kiên Long U Minh Thượng. Bảnh ra hội đồng phân loại và thuyên chuyển về Trung tâm 4 quản trị Cần Thơ.
Thảo giữ vững tay lái, mắt nhìn trên bản đồ liên hợp tới Ðà Nẳng. Thảo ước tính khoảng hai giờ nữa sẽ đến Ðầm Cầu Hai, nếu cập bờ bên trái để ra cửa Tư Hiền với đoạn đường ngắn nhất thì sẽ bị trở ngại vì cát, còn nếu cập bờ phải vào đầm Cầu Hai để tránh bị mắc cạn thì phải đi đoạn đường thật dài. Thảo chọn cách thứ nhì, nếu không ra được sẽ cập vào bờ và tùy cơ ứng biến tìm đường vô Ðà Nẳng
Gần tới Trung Phương,tiếng động cơ rộn rã, Thảo đánh thức mọi người để cùng quan sát và đối phó. Làn nước mặn tạo ra bởi số ghe di động phản chiếu ánh sáng các vì sao, bóng dáng lố nhố xuồng máy chở cán binh Cộng Sản sang phần quận Vĩnh Lộc để chận đoàn quân Thủy Quân Lục Chiến hiện rõ dần trước mắt Thảo. Mọi người nằm sát xuống sàn ghe, khẩu M.79 của Trung sĩ Ðức, 4 khẩu M.16 mở khoá an toàn. Ðại úy Ngọc kèm chặt chủ ghe tránh phản ứng bất lợi. Thảo tăng tốc độ, lái ghe vượt qua phía sau nên thoát được sự chú ý của địch quân.
Gió biển và những hạt nước mặn làm Thảo cảm thấy lạnh, Thảo biết rằng mình đã đi xa thôn Kế Sung, Thiếu tá Nguyễn trí Nam và Ðại úy Tô thanh Chiêu tiểu đoàn 4 cùng một số anh em Lữ Ðoàn đã hy sinh trong sự chiến đấu dũng cảm, số phận trên hai ngàn quân nhân giờ này ra sao? Chiếc ghe của Thảo đang trong vùng đất mà các anh Bộ Binh và Ðịa Phương Quân chạy về Cư Lại cho biết địch đã chiếm đóng.
Thảo không tin vào bói toán nhưng có sự trùng hợp chợt đến trong cuộc sống
Những ngày còn là khoá sinh trong quân trường, Thảo được người chị nuôi giới thiệu cho cô em gái ở Lái Thiêu. Sau mấy lần cánh thư qua lại, người em gái ngỏ ý xin hình. Hình gởi đi thì một hôm người chị nuôi nói nhỏ bên tai
- Nhan (tên cô em gái) biết bói toán, nhìn hình em nó nói yểu tướng, nó yếu đuối nên không kham nổi sự khổ đau.
Trước cuộc chiến phá hoại và nhuộm đỏ của chủ nghĩa vô thần, Thảo đã tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ quê hương. Xông pha nơi trận mạc, đạn kẻ thù do cả khối Cộng đưa đến, nếu có phải da ngựa bọc thây ngoài chiến địa, cũng ngậm cười cùng tổ tiên đã trả xong nợ nước.
Thảo đầu quân về binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, một đơn vị Tổng Trừ Bị hành quân để bảo vệ thôn xóm khắp 4 vùng chiến thuật thỏa chí tang bồng hồ thỉ của nam nhi.
Mùa Xuân năm 1970, đơn vị đang hoạt động ở Ðầm Dơi, Thảo gặp lại bạn cùng khoá Nguyễn văn Tưng trên tàu Hải Quân vừa cập bến. Lâu ngày gặp nhau, nhắc chuyện xưa ở quân trường, quên đi vùng đất muỗi mòng và đỉa lềnh như bánh canh của tỉnh Cà Mau. Trước giờ tạm biệt, Tưng cầm bàn tay Thảo làm một quẻ lốc cốc tử
- Chỉ tay cho thấy bạn vượt qua bao tai nạn là nhờ hồng phúc, tuy nhiên năm 30 tuổi bạn sẽ giả từ vũ khí, mình chỉ biết như vậy thôi. Bọn mình là lính hiện dịch, nên giả từ vũ khí có thể hiểu là hy sinh hay giải ngũ vì thương tích nặng.
Trong thời gian theo học Bộ Binh Cao Cấp ở Trường Bộ Binh Long Thành năm 1974, Thảo thăm người bạn ở dốc Cầu Bông đối diện bên kia đường của trường Trung Học Lê Văn Duyệt và gần nơi ngâm gỗ súc của trại hòm Vạn Thọ. Mẹ của người bạn xem bài Tarot nổi tiếng ở khu vực này. Bà Sáu (chồng bà thứ sáu trong gia đình) đề nghị
- Cháu có muốn Bác xem cho một quẻ bài Tarot không?
Bói bài Tarot tương đối mới mẽ và tâm lý ai cũng muốn biết về tương lai
- Thưa Bác, cháu thích lắm, cháu thấy báo chí đề cập nhiều về bài Tarot.
Sau khi chia những lá bài với hình ảnh lạ kỳ, Bà Sáu trầm ngâm
- Theo quẻ bài này, cháu sẽ ở giữa bầy lang sói, vậy cháu nên cẩn thận..
Những buổi chiều rời trường Long Thành, chiếc xe đò thuê bao của khoá sinh thường ngang qua Nghĩa Trang Biên Hoà. Thảo hay đùa giởn
- Tôi đã có chổ trong đó rồi, đừng có ai giành với tôi
Lớp học không có sĩ quan đơn vị Nhảy Dù, Biệt Ðộng Quân nơi chiến trận, phần đông sĩ quan từ các phòng sở nhìn Thảo với ánh mắt khác lạ. Một vài sĩ quan từ đơn vị tác chiến, Ðại úy Nguyễn văn Bi Sư đoàn 1, Niên trưởng Quách tinh Cần thủ khoa khóa 20 Ðà Lạt mỉm cười như ngầm bảo
“Là người lính tác chiến, phải thừa nhận cái chết để tìm cái sống, nắm vững tư tưởng này sẽ cảm thấy bình thản mà đối phó mọi tình huống.”
Nhìn bản đồ Thảo đắn đo, bờ Nam của cửa biển là núi, chỉ có con đường này để tìm lẽ sống.
Theo dự tính Thảo biết gần tới đầm Cầu Hai, Thảo trình bày kế hoạch cùng Thiếu Tá Tiền Tiểu đoàn Trưởng.
- Sao anh không đi dọc theo bờ bên trái để ra biển cho nhanh
- Thiếu Tá đi đường này sẽ bị mắc cạn, tôi không thể làm như vậy được với 8 anh em trên ghe
Thiếu Tá Tiền bực tức
- ....Anh không lái được, giao ngay cho Đại úy Ngọc.
Thảo chui vào khoan với tâm trạng chán nản, cơn mệt mỏi kéo sụp bờ mắt.
Tiếng nổ làm Thảo tỉnh giấc, chiếc ghe nằm mắc cạn, một chiếc mang cờ mặt trận giải phóng cập vào bên hông. Cuộc đời tù Cộng sản của Thảo và các anh em Tiểu đoàn 5 TQLC bắt đầu tại vùng đất của quận Vĩnh Lộc tỉnh Thừa Thiên lúc Thảo vừa tròn 30 tuổi ta.
Hai ngày sau Thảo và các quân nhân bị giải giao về căn cứ La Sơn của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh. Thảo gặp lại anh em Lữ Ðoàn 147. Một số quân nhân đại đội 2 tiểu đoàn 3 tìm Thảo, Hạ sĩ Lê Hà xuất thân Cô nhi viện Gò Vấp trao cho Thảo miếng thịt ba rọi lớn hơn bàn tay
- Gặp lại ông thầy, em mừng lắm, gởi ông thầy, xin ông thầy giử gìn sức khoẻ.
Ngày nào cũng có ít nhất 2 hoặc 3 anh em qua đời vì bệnh không có thuốc lại đói và lạnh, những bạn đồng ngũ chôn cất người quá cố tử tế trong căn cứ. Tính trạng này sẽ không tránh khỏi bệnh dịch vì chuột rất nhiều mà anh em lại bắt chuột làm thực phẩm .
Tuần lễ sau tất cả tù binh chia làm đôi, sĩ quan từ cấp chuẩn úy đưa ra cây số 23, số còn lại bị dẫn theo đường núi vào Nam Ðông, Khe Tre, Khu trù Mật thời Tổng Thống Ngô đình Diệm. Đây là đoạn đường máu của người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Cán binh Cộng Sản dã tâm bắn chết những anh em bệnh tật không theo kịp đoàn tù, những anh em bất khuất chống cự lại lệnh của chúng, có những anh em đang đi trong hàng bị bắn chết mà không biết lý do tại sao.
Trong xóm nhà ở cây số 23, cán binh Cộng Sản Bắc Việt đã đánh ngũ trụ (đánh bốn phía và đu trên xà ngang đạp xuống) đại úy Nguyễn trung Việt Thủy quân lục chiến và đại úy Trinh sư đoàn 1 Bộ Binh, Những ai bị kêu vào làm việc đều mang thương tích.
Ðoàn xe kéo hòa tiễn Sam của Liên Sô chạy ngày đêm trên quốc lộ 1 xuôi vô Nam. Những chiếc xe đò, xe Molotova, ngược ra Bắc chở đầy ấp những vật dụng mà người dân di tản bỏ lại. Chiến đấu cơ Mig và trực thăng Liên Sô xuất hiện trên bầu trời Huế. Thảo buồn cho thân phận miền Nam, quân đội không được trang bị hiện đại, thiếu đạn dược để chiến đấu với đối phương có cả khối Cộng Sản yểm trợ đầy đủ.
Về đêm trời trở lạnh, Thảo đưa tấm thân làm bạn cùng muỗi, ngủ không tròn giấc. Thảo lục lạo các căn nhà bỏ trống, tìm được tấm vải lều che ngoài mái hiên đã mục, Thảo dùng chỉ bố tạm khâu vá lại. Lần đầu trùm kín cả người, vải lều không thông hơi nên ngột ngạt và nóng, nhưng quá mệt mỏi và thiếp trong ác mộng.
Thảo không bao giờ quên hình ảnh của hai quân nhân tiểu đoàn 3, Hạ sĩ Ðặng thế Chớ bị đạn gãy chân ở đại đội 4, Thượng sĩ Nhất Nguyễn văn Máy bị đạn vào bụng ở đại đội chỉ huy đã từng sống với Thảo. Họ rất cần thuốc trụ sinh.. Thời gian đi học, Thảo lãnh trước 4 tháng lương để đóng tiền ăn trọn khóa. Ra đơn vị còn một ít thì đã đưa hết cho đại úy Ngô hữu Ðức đầu bếp ở La Sơn. Thảo buồn bả không làm sao giúp họ được với hai bàn tay trắng trong hoàn cảnh này.
Những sĩ quan từ cấp Trung úy trở xuống đã lên đường từ khuya bằng đôi chân trần băng đồi vuợt suối, theo Quốc lộ 9 đến Khe Sanh. Vài ngày sau, mấy chiếc molotova bít bùng đưa các sĩ quan từ cấp Ðại úy vào Trại 5 tù binh hơn ba giờ đường từ Tà Cơn phía Bắc quận Hương Hóa Khe Sanh. Thủ tục vào trại bị khám xét vật dụng và những gì có trên thân thể. Một anh bộ đội hét to giận dữ vào Ðại úy Trần văn Loan TÐ5 TQLC,
- Hình này là thằng nào vậy. Nói khẩn trương (danh từ cộng sản có nghĩa là nhanh) lên.
Hắn thấy hình tài tử Lý tiểu Long trong bóp của anh Loan nên tưởng là nhân vật nào quan trọng như lảnh tụ mà chúng tôn thờ. Mọi người có được nụ cười và cố giử không phát ra tiếng.
Trong thời gian ở đây, anh Loan gạ mua gà luộc sẵn của các anh tù cũ để chia hương vị cuối cho các bạn đồng cảnh. Còn gì nữa đâu, ngày mai bên con đường mòn cạnh những mô đất thấp với tên viết vội lên miếng gỗ vụn, có tấm đã mục nát.
Bị bắt trên vùng Cao Nguyên sau hiệp định Ba Lê năm 1973, Cộng sản đã tạo anh quân nhân tên Nở trở thành người đồ tể trong trại 5 tù binh ở Tà Cơn Khe Sanh, hạch sách tù cũ, khủng bố tinh thần, nhục mạ, cắt đặt việc làm khó khăn cho tù binh bị bệnh cần thuốc và tịnh dưỡng. Nở là cựu Trung sĩ Y tá Biệt Ðộng Quân có biệt danh “Nở Lác” vì có lác từ cổ xuống lưng. được y sĩ việt cộng Trần hải Ðằng giao cho trông coi bộ phận thuốc Nam và chỉ huy luôn đám Bác Sĩ tù binh mới đến.. Nhìn cách chữa bệnh, Bác sĩ Trương ngọc Hiền Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 5 TQLC đã trao đổi với Nở
- Người ta đang tiêu chảy mà anh không chịu cầm, lại còn cho uống nhiều nước, mà uống nhiều nước thì càng bị nữa
Nở trơ trẽn báo cáo lên trại và sau đó bác sĩ Hiền bị đẩy ra khỏi bộ phận y tế, đi lao động khổ sai. Nở và số anh em tù cũ được tha vào cuối tháng 5,
Ngày đánh vồng trồng khoai, gieo bắp, hoặc đi rừng lấy mây. Học kinh nghiệm của anh em binh sĩ nên Thảo tìm được những bụi mây Rắc, nhỏ hơn ngón tay út, chặt gốc rồi kéo mây. Ðúng là người xưa nói bứt mây thì động rừng. Ở gốc khi uốn cọng mây thì tự động lá khô rời ra, chỉ róc lá tươi gần tới ngọn, tuy vậy vẫn bị gai mây đâm dính đầy người. Người bạn cùng khoá chặt thân những cây cau rừng bằng ngón tay cái vì tưởng lầm là mây nước.
Ðảng Cộng sản ăn mừng chiến thắng cưỡng chiếm là ngày tang tóc cho mấy chục triệu đồng bào miền Nam yêu tự do. Họ tự hào anh hùng nhưng thật sự là ma đầu chính trị đã bức tử miền Nam, thỏa hiệp bán đứng cho Nga Tàu, chua xót cho những nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà đặt hết tin tưởng vào người bạn Ðồng Minh, lo tranh giành địa vị, thay vì dùng tài đức để an bang tế thế. Trại mổ lợn ăn mừng, người tù được bát cháo lỏng và một miếng mỡ bằng hai lóng tay nổi lềnh bềnh trên nước. Cả tháng trời thưởng thức gạo mục dự trữ trên đường Trường Sơn (lúc vo gạo, phân nửa hoà theo dòng nước) và canh rau tàu bay, có hôm được tí cá hố hộp quá hạn của Trung quốc. Ðêm đặt lưng trên sạp bằng những cây rui cong quẹo có nhiều mắt. Nhà lợp lá rừng (dùng chằm nón) khi mưa đến, người tù hứng được giọt lệ của trời cao như thương cảm cho thân phận người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Môt anh tắm dưới dòng suối vớt được vài miếng mở vụn bị biệt giam, cùm hai chân trên lưng chừng đồi, làm mồi nhử ông ba mươi (cọp rừng) và hiến máu nuôi muỗi.
Buổi chiều đoàn tù trở về trại trong chiếc áo lỗ chỗ những đốm trắng, đó là muối kết tinh từ mồ hôi và ánh nắng thiêu đốt, mệt mõi ngang qua hội trường trại. Những ánh mắt xa lạ của nhóm người mới đến đang bám chặc theo từng bước đi.
Bữa ăn một chén cơm từ gạo mục và nước muối được thanh toán nhanh, Thảo và các bạn lẻn vào hội trường
- Chào Anh, anh mới ở đâu tới vậy
- Tôi ở Huế, còn các anh chỗ mô?
- Tụi này bị bắt ở Huế, biển Thuận An, cửa Tư Hiền...
- Vậy các anh là Tù Binh, chúng tôi là Tàn Binh.
Một số các Tàn Binh xa lánh chúng tôi, những người này học nằm lòng 12 điều của Chính quyền cộng sản. Họ dấu kỷ trong túi xách thỉnh thoảng lấy ra đọc nghiền ngẫm không cho bất kỳ ai nhìn.
Mấy ngày đầu họ được sinh hoạt ở hội trường và làm việc vụn vặt trong trại. Tuần lễ sau trại chia họ về lán (danh từ cộng sản) và phải đi làm việc khổ sai với nhóm Tù Binh. Các anh Tàn Binh khiếu nại với ban chỉ huy.
- Chúng tôi là Tàn Binh, tại sao trại cho chúng tôi ở chung và làm việc với nhóm Tù Binh?
Tội nghiệp cho những người bạn cùng chiến đấu bên nhau ngày xưa. Trong sinh hoạt tối thứ Sáu, cán bộ chính trị viên đã làm các bạn Tàn Binh vỡ lẽ
Cộng sản tuyên truyền để chiêu dụ quân cán chính miền Nam ra trình diện, chánh sách khoan hồng nhân đạo gồm 12 điều cho các tàn binh Việt Nam Cộng Hoà mà chúng bôi nhọ là Ngụy, được người dân hưởng ứng. Chúng tạo ấn tượng là được đi học “Cải Tạo”, bới xách cơm gạo vài ngày. Có người lầm tưởng tàn binh khác tù binh, mong đi học trước để trở về nhà sớm, nhưng bước đi rồi chẳng còn Tù Binh hay Tàn Binh, mà là nhửng người tù cộng sản, đi học vài ngày trở thành khổ sai vài năm tới hai chục năm không bản án.
Thỉnh thoảng phải lên Ðoàn nhận thực phẩm cùng vật dụng cần thiết, chúng tôi vượt qua 3 con suối, xuyên qua một buôn Thượng và đi trên hệ thống đường mòn Hồ chí Minh. Ðoạn đường chết của những người con trai miền Bắc bị Nhà Nước và Ðảng Cộng sản lùa vào Nam. Phi cơ oanh kích trúng ngay vào molotova, xác xe bị ủi vất dọc theo hai bên rìa, bên trong lúp xúp những mô đất đầy cỏ dại, nơi an nghỉ của người Sinh Bắc Tử trên đất Lào. Tù bị bệnh nặng nằm võng do anh em gánh cũng phải hơn một khắc (hai tiếng đồng hồ) mới tới trạm xá. Chúng tôi gặp lại Ðại úy Lực Viễn Thám TQLC bị đạn vào phổi tại Cự Lại, nhờ anh em Viễn Thám gom góp tài sản đổi thuốc trụ sinh ở cây số 23, cứu anh khỏi tay thần chết.
Trong đêm sinh hoạt ở hội trường vào tháng 7, chánh trị viên tự hào về quân đội cộng sản
- Quân đội chúng tôi từ nhân dân mà ra, chúng tôi không phân biệt đơn vị, cấp bậc, mọi người thương nhau như anh em.... Với chính sách khoan hồng nhân đạo của Ðảng và Nhà nước, chúng tôi sẽ di chuyển các anh về đồng bằng, giúp cho việc học tập cải tạo dễ dàng hơn. Ngày mai sẽ không lao động, mọi người chuẩn bị ngày mốt lên đường.
Buổi sáng vai mang, tay xách, anh em tù rán nhét khoai lang cho đầy túi. Ði ba ngày, mỗi người nhận một lon gạo, hai bánh lương khô Trung quốc, người tù ai cũng suy tính, bao tử phải đầy mới vượt trọn đoạn đường non trăm cây số. Từ biên giới Lào, đoàn tù cặp theo phi trường Khe Sanh đổ dốc xuống Hương Hóa, dọc theo quốc lộ 9 về hướng Ðông. Không biết lý do gì người vệ binh áp giải tù cướp cò, súng nổ hướng lên trời đúng lúc một chiếc molotova chạy ngang qua. Anh bộ đội tài xế dừng xe ngay lập tức, vội vã mở cửa phóng xuống, xắn tay áo xông thẳng vào anh vệ binh sẵn giọng.
- Chúng mày muốn bắn ông hả?
- Tớ xin lỗi, tớ cướp cò
- Chúng mày mà cướp cò, định bắn dọa ông phải không?
Mấy chiếc Molotova chạy trên đường cũng dừng lại nhập cuộc. Mặc dù chính trị viên cố gắng năn nỉ, xin lỗi, các anh tài xế vẫn chỉ vào mặt chính trị viên cảnh cáo trước khi quay trở về xe.
- Chúng mày mà cướp cò lần nữa với các ông là rồi đời, chúng ông không tha đâu nhé..
Trong chiến tranh xâm lược miền Nam, Bộ đội vận tải được tuyên dương anh hùng do đó mới có những câu nói làm đảo ngược tuyên truyền sai sự thật của người chính trị viên về quân đội nhân dân.
Màn trời chiếu đất qua đêm tại Nguốn Rào, mọi người chân sưng đỏ, một số có bọng nước. Theo yêu cầu, năm giờ sáng thức dậy đi ngay tới mười giờ ngừng nghỉ lót dạ qua loa, nấu tí gạo trộn lẫn thật nhiều khoai lang xắt nhỏ cho buổi tối và luộc khoai điểm tâm buổi sáng. Những bụi cây có bóng mát che chở người tù trước cơn gió Nam Lào khô và nóng cháy da. Năm giờ chiều tiếp tục về hướng Ðông và mười giờ đêm dừng chân tại Khe Gió. Nuốt vội phần ăn tối, Thảo ngả mình trên đám mắc cỡ, gai mắc cỡ mơn man làn da sạm nắng như không còn cảm giác, gió thổi mạnh xua đuổi muỗi ru người tù trong khoảng tối mênh mông.
Con đường từ Cam Lộ đến Cồn Thiên quá quen thuộc với đơn vị Thảo như mạch máu luân lưu trong cơ thể, những gương mặt thân thương bên chiến hào chắc không bao giờ gặp lại nhau nữa. Tạm trú trong các căn nhà cũ lụp sụp của bộ đội, ngày ngày khai phá đất rẫy trồng sắn khoai, đi rừng chặt cột, bứt mây, cắt tranh nghĩa là làm đủ mọi công việc. Trong hoàn cảnh này mới thấy giá trị của người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà thích nghi mọi hoàn cảnh. Ðại úy Bùi Bảy đan rổ rá rất đẹp, Ðại úy Nguyễn Ðôn vẽ họa đồ dựng láng trại, hội trường mới, đại úy Toại cưa xẻ rành rỏi, Ðại úy Ðổ văn Chánh sư đoàn 1 phục vụ đầu bếp (anh nuôi) chuyên nghiệp...Cộng sản có dạy gì đâu, họ ra định mức (chỉ tiêu) làm việc, những ngày thứ sáu họp lán để mọi người đấu tố lẫn nhau, một hình thức cán bộ cộng sản lắng nghe và biết rõ việc làm của từng người tù. Họ đặt ra bình bầu cá nhân xuất sắc và xướng danh tánh trên loa phát thanh mỗi tối thứ bảy. Việc làm này chỉ lừa bịp trong thời gian đầu, đại úy G (xin dấu tên) ở đội mộc khi nghe xướng tên mình đã nói
- Anh em không bầu tôi, nhưng cán bộ sáng suốt biết tất cả.
Tuần lễ thứ nhì, cỏ tranh khô dưới ánh nắng chói chan và gió Nam Lào tác động gây nên đám cháy, tàn lửa theo gió bay về trại tù của Thảo. Tàn rơi trên mái nhà là lửa bùng lên, căn nhà tiêu hủy trong nháy mắt. May mắn con suối đã chận được lửa, vài căn nhà còn lại nền nứt nẻ, đồ đạc và vật dụng được đem kịp ra ngoài sân. Thảo được chuyển về toán đánh tranh lợp nhà thuộc đội mộc ngay ngày hôm sau.
Sáu tháng trôi qua trong sự mong đợi mỏi mòn vào chính sách khoan hồng 12 điều của Chính phủ cộng sản, một số anh Tàn Binh thắc mắc và đã được giải đáp trong buổi họp bất thường
- Các anh đừng có trông mong gì cả, hãy coi như đã chết ở cửa biển Thuận An hay một nơi nào đó. Rõ chưa. Chúng tôi nhân đạo để các anh sống là may mắn rồi, trước kia các anh khi bắt được các đồng chí của chúng tôi đã giết ngay tại chổ (vu khống trắng trợn)
Người cộng sản mưu lược, tạo viễn ảnh chết lần mòn trong đường hầm không lối thoát, bằng lời hứa hẹn đã từng bước gài đặt tai mắt bằng chính những người tù, đó là số người nhỏ nhoi muốn sống để trở về, nhẫn tâm bước lên sinh mạng anh em cùng chiến đấu ngày xưa.
Thảo vẫn ngở mình trong mơ thoáng nhìn thấy Sầu Ðông nơi cổng nhà thăm nuôi ngày 10 tháng 8 năm 1975. Người con gái Huế mỉm cười.
- Anh Thảo, gặp anh em thấy vui nhiều nhưng trông anh hơi tiều tụy
- Sầu Ðông, anh không tưởng tượng lại được gặp Sầu Ðông trong hoàn cảnh này.
- Nghe chị Gái nói, nên vừa xuất viện, em tháp tùng chị Vi thăm anh.
Sầu Ðông kể những việc xảy ra trên chiếc tàu di tản vô Nam, trong làn sóng người hỗn loạn, Sầu Ðông bị ép gảy tay trái.
- Anh là Thủy quân lục chiến tại sao để mất Huế của em.
Sầu Ðông như hờn trách. Thảo chua xót thân phận người quân nhân tuân hành lệnh lui binh từ thượng cấp. Biết trả lời sao đây?
Buổi tối trong lán làm nhà, Ðại úy T (xin dấu tên) mỉa mai
- Thủy Quân Lục Chiến chỉ có gái dưới đò đi thăm mà thôi.
Người cộng sản mọi cấp (nói như vẹt) đều khẳng định thành phố Huế có trên hai vạn gái mãi dâm, họ cho rằng tất cả những em nữ sinh từ Tiểu Học đến Ðại Học, tất cả phái nử có liên hệ hoặc kết nghĩa ủy lạo quân đội Việt Nam Cộng Hoà đều là gái điếm.
Thảo bất bình anh T, nhưng chỉ biết phân trần cùng Thiếu Tá Nguyện và Thiếu Tá Lý Ðăng, bậc đàn anh khả kính trong lán đang ngồi bên kia sạp đối diện.
- Các anh làm chứng cho tôi, anh T bội nhọ tất cả những người gái Huế, Tôi xin tạ lổi cô bạn đến thăm và tất cả em gái hậu phương Huế.
Một buổi chiều Thảo đến đội nhà bếp cạnh dòng suối xin nước uống rồi lội qua bên kia bờ đặt bẫy, Thảo nhặt được khúc gỗ Ngấn dưới lòng suối, loại gỗ ròng màu đỏ pha chút hồng, ngâm trong nước không biết bao lâu. Tác phẩm điêu khắc hình thành thể hiện tình cảm và ý nghĩ của người tù không bản án để làm quà cho bạn
Ðược thăm nuôi, mọi người hớn hở, riêng Thảo xót xa, ngổn ngang trăm mối khi nghe gọi tên mình. Thảo từ chối nhắn tin trên đài giải phóng ở Khe Sanh mục đích để những người thân ra đi không chút quyến luyến . Lệnh Tổng Thống bỏ Vùng II, rút lui khỏi Vùng I, trong khi vũ khí đạn dược địch tải ngày đêm trên Quốc lộ 1, dày đặc trên đường Trường Sơn, và đường mòn Hồ chí Minh...sự chống trả dũng mãnh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn không thay đổi ván cờ chính trị sắp đặt sẵn của cường quốc nên chỉ còn là giai đoạn. Quyết định trên giúp Thảo cảm thấy thoải mái không vướng bận với hy vọng thân nhân đã tìm đường ra khỏi nước, còn riêng mình cũng đã thỏa mộng làm trai bốn vùng ngang dọc.
Thảo và Sầu Ðông nhìn nhau cười qua câu nói dí dỏm của một chị lên thăm chồng đang "Cải Tạo"
- Chỉ có chồng, tôi mới bới xách lặn lội đến đây, nếu là cha, chắc tôi phải đành mang tội bất hiếu.
Sự mâu thuẩn âm ĩ tâm hồn Thảo, chợt vui, thoáng buồn trong khoảnh khắc.
- Mẹ anh mừng trong nước mắt, chỉ di ảnh của anh trên bàn thờ nhỏ ở góc nhà. Bác gởi ít quà và sẽ thu xếp ra thăm anh.
Trước mắt Thảo, Sầu Ðông rực sáng như một Thiên Thần, hiện ra ban cho Thảo những điều ngoài dự tưởng. Thiên thần có đôi cánh trắng, một khoảng cách linh thiêng, mà kẻ phàm trần sùng kính, dám đâu mà mơ với ước. Tác phẩm “Ngày Mai” do sự cảm xúc chân thật diển tả trạng thái con người tù được Thảo giữ lại trong lán. Thiên Thần xong sứ mạng đã ra đi để lại khoảng trống trong lòng Thảo, Ngày mai đó Mẹ Thảo đã đến, trong vũng tối nội tâm, tình Mẫu Tử chan hoà ánh sáng, thiêng liêng như gà Mẹ che chở, ấp ủ gà con dưới cánh, Tác phẩm “Ngày Mai” an toàn về nơi Thảo trưởng thành, đời tù ai biết được những gì sẽ đến, “Ngày Mai” còn đó mãi mãi sẽ là một trong những hình ảnh đẹp nhất của người tù cộng sản.
Toán đánh tranh bị chỉ định góp nhặt kẽm gai cho trại, mọi người lo lắng vì tìm đâu ra kẽm gai, chỉ còn vào các căn cứ cũ mà cứ tháo gỡ, người dân bỏ mạng và thương tật tại vòng rào các căn cứ. Thảo mỉm cười đề nghị với anh tổ trưởng Lê quang Bút
- Tôi đã từng hành quân vùng này, lục soát vòng ngoài cũng như bảo vệ căn cứ Cồn Thiên, tôi hy vọng sẽ không có gì xảy ra.
Thảo dẫn đường, quan sát tỉ mỉ, xông xáo đạp lên kẽm gai gãy đổ phủ lối vào căn cứ. Ðây là đường tiến thoái, đơn vị phòng thủ không bao giờ gài mìn, ban đêm cài gần chục con ngựa sắt kẽm gai cùng mìn chiếu sáng. Các vòng rào thứ nhất, thứ nhì và thứ ba từ phía trong căn cứ không có bẫy lựu đạn vì sát cận tuyến phòng thủ. Cả tuần tháo gỡ an toàn, toán mang về gần 50 vòng kẽm gai. Cộng sản dã tâm cắt đặt công việc nhưng không ý kiến hoặc dặn dò, nếu các anh trong toán như người dân thuần túy tức là tháo gở từ vòng ngoài của căn cứ, bảo đảm sẽ đúng như lời cán bộ chính trị viên lên lớp
- Các anh đừng có trông mong gì cả, hãy coi như đã chết ở cửa biển Thuận An hay một nơi nào đó. Rõ chưa.
Một số trại, người tù bị đưa đi tháo gở mìn bẫy, người tù bị giết hại bằng mọi thủ đoạn thâm độc của cộng sản. Ðể làm việc này tất cả các nước trên thế giới kể cả khối cộng sản đều có toán chuyên viên đặc biệt, được huấn luyện thuần thục về sự vận hành từng loại mìn bẫy, dụng cụ dò tìm...Phải chăng đó là sự nhân đạo của chính quyền cộng sản dành cho Quân Cán Chính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Mọi người trong lán Ðội 5 đang ngồi nói chuyện và suy gẫm về đêm Giáng Sinh 1975, chợt Mục Sư Tín xuất hiện với rổ đựng sắn luộc, mục sư phân phát từng người kèm theo lời chúc lành. Mục Sư Tín nhặt sắn (khoai mì) đã đào từ lâu nhưng còn sót trong đất, dấu trong bao cát đem về lán. Một số củ đã sượng vì không còn tinh bột. Anh em xúc động việc làm ý nghĩa đó. Sáng hôm sau Mục sư bị kêu lên trại làm việc về tội đào sắn của trại, phá hủy tài sản nhà nước.
Tám bài học về chính trị đã được đào sâu từng chi tiết qua những ngày thảo luận và đúc kết bằng kiểm điểm, phải chứng tỏ sự tiến bộ qua khai báo thêm những thiếu sót. Trong nhà tù Thào thông cảm hoàn cảnh mỗi người. Tất cả đều là những kịch sĩ, sống nhẫn nhục cho qua ngày tháng, cộng sản cũng biết rằng không thể nào tẩy nảo được thế hệ đã trưởng thành của miền Nam. Cộng sản chủ trương những ai làm việc trong các cơ quan của chính phủ miền Nam là ngụy quyền, là tay sai của đế quốc Mỹ, họ cho rằng đó là thực chất (bản chất) xấu xa. Quân Lực Việt Nam là công cụ của ngụy quyền đàn áp dân chúng, dù chính quyền và quân đội có làm tốt cho dân thì đó chỉ là điều chỉ nhận thấy được (hiện tượng) bề ngoài mà thôi. Cộng sản tuyên truyền rằng bản chất của họ là do dân, vì dân, vì giai cấp vô sản đánh đổ giai cấp bốc lột, đuổi ngoại bang. nếu họ có pháo kích bắn giết người dân vô tội thì đó chỉ là hiện tượng. Cộng sản quan niệm nếu ai không theo họ tức là kẻ thù cần tiêu diệt, họ không chấp nhận thành phần lập lững. Tội nghiệp cho ai phản bội lương tâm, phục vụ thầm lén và hãm hại bạn đồng cảnh ngộ để chứng tỏ mình đã học tập tốt, đâu biết rằng cộng sản cho việc làm đó chỉ là hiện tượng và bản chất kẻ hại bạn vẫn xấu xa nhơ nhớp.
Trong thời gian này có một ít được tha về. Họ lao động Tốt? chắc là không vì ngày hôm trước họp bình bầu bị đấu tố lười biếng (trây lười) lao động Họ có thân nhân là nhân viên cao cấp cộng sản? Phải là đảng viên kỳ cựu mới là cán bộ cao cấp, và dĩ nhiên họ không muốn ảnh hưởng đến đảng tịch của họ. Hay gia đình họ biết chạy đúng thầy? Ðiều này không ai dám hé môi.
Trại nỗ lực khai phá thêm đất mới, làm việc quá định mức thời gian (không tầm) hoặc làm việc ngày chúa nhật (lao động xã hội chủ nghĩa). Thảo trong toán dùng lưởi cuốc lật đất lên, rồi xoay phần lưng đập vỡ vụn ra, một toán khác cào cỏ và đem đốt. Ngọn lửa đang nhảy múa trong ánh nắng bỗng bung ra tứ phía theo sau tiếng nổ. Thảo nhói nơi ngực, bựt nhanh dây áo tù, máu nóng phún ra từ ngực phải. Ý nghĩ thoáng qua trong trí, bàn tay trái Thảo chạm vào cây thánh giá trong túi áo trái, phản ứng tự nhiên, bàn tay phải dính đầy đất bẩn bịt kín vết thương rồi ngã nhào xuống. Thảo được đưa về lán và trại cho khiêng thẳng trạm xá cùng Ðại úy Xuân đơn vị Truyền Tin và hai anh em khác bị vào tay, chân. Ðổ văn Chánh người bạn cùng khóa khiêng đầu vỏng kéo người phía sau như chạy nhanh đến Ðoàn.
Thảo được đặt nằm trên bàn, anh bộ đội y tá bỏ mùng phủ kín bốn phía. Mùng có kích thước to nên vài con ruồi cố tìm lối thoát nhưng bị anh chàng này đập chết. Người y sĩ vén mùng bước vào, anh y tá dùng nước pha muối (thay cồn sát trùng) rửa sạch vết thương rồi chích thuốc giảm đau. Vị y sĩ dùng dao mổ khoét rộng vết thương, từ từ đưa cái gắp nhỏ vào để dò tìm miểng. Mặc dù đau đớn, Thảo vẫn nhớ ca mổ nửa đêm của Bác sĩ Nguyễn văn Dỏng Y Sĩ bệnh viện Lê hữu Sanh, dùng thuốc tê làm mất cảm giác trong 15 phút đã gắp được mảnh đạn 82 không giật, may mắn to bằng đầu lóng tay áp út, xuyên qua mông và dừng lại bên cạnh bàng quang. Nhờ chụp quang tuyến với nhiều góc cạnh, Bác sĩ Dỏng xác định vị trí và thành công trong lần mổ thứ nhì. Thảo nhận mảnh đạn và hình quang tuyến như món quà kỷ niệm của Bác sĩ Dỏng.
Người y sĩ nhíu mày
- Mảnh xuyên qua xương lồng ngực, không thể lấy ra được.
Anh bộ đội y tá lau sạch máu rồi để bông gòn và dùng băng keo phủ kín.
Tuần lể sau mọi người rời trạm xá Ðoàn để chuẩn bị theo trại di chuyển bộ vô Ái Tử. Ðoạn đường dài ba mươi cây số khá vất vả. Thảo cùng mấy anh em trong láng ngừa lây bệnh (cách ly) được theo xe chở vật dụng trại đến Ái Tử ngày hôm trước. Trại Ái Tử tập trung những quân cán chính trình diện đi “Cải Tạo”, nhờ gần thành phố và căn cứ cũ của quân đội Ðồng Minh nên có vẻ khác lạ nhưng kiểu cách cổng trại, hội trường vẫn mang sắc thái của miền Nam. Quả đúng vậy, các ông Công Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã vẽ đồ án và anh em tù nai lưng đi tháo vật liệu ở sân bay, doanh trại của căn cứ. Không biết đây là sự bắt buộc hay do tình nguyện. Trại tổ chức đầy đủ các bộ phận như: đội Mộc làm giường, rương (hòm), bàn ghế, toán Rèn dao rựa, toán kiểm soát định mức làm việc (cân, đo, đong, đếm), toán nấu ăn (anh nuôi), nhà kho cấp phát dao rựa, đội chăn nuôi,.... Mỗi đội tự túc trong việc xây cất và bảo trì lán của mình, trồng trọt ngủ cốc và cung cấp rau xanh cho nhà bếp.Trại tách rời các sĩ quan cấp Tá và cấp Úy, mọi việc làm đều tính giờ từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành.
Người Cộng sản muốn mọi việc phải đạt và vượt công khoán có nghĩa là thời gian người tù xong xuôi công việc phải bằng (đạt) hay ít hơn thời gian trại định mức (vượt chỉ tiêu). Anh em trình diện hy vọng chính sách 12 điểm của chính quyền Cộng sản, đặc biệt lưởi cuốc hiệu con gà sắc bén ăn sâu vào đất của Trung Quốc nên lúc nào cũng vượt xa chỉ tiêu. Mỗi lần đi rừng chặt cột, chặt giang chẻ lạt, mọi người rất thích vì đây là dịp để bắt cá, lấy thêm khoai mì của trại. Ði dọc theo các thông thủy (khe suối) để tìm củ chuối, môn rừng, lá vang chua, trái vả (một loại trái to hơn trái sung) may mắn bắt được ễnh ương, chàng hiu hót cổ, nhái mén... món độn thông dụng nhất là rau má non trên các vồng khoai sắn. Cứ đúng năm nhuần âm lịch là anh em vận dụng khứu giác đề tìm Mít Nài. Trái mít chín tỏa mùi thơm xa hàng trăm thước. Loại cây này chỉ đơm trái vào năm nhuần cách nhau ba năm. Những ngày đầu mưa phùn gió Bấc, anh em tìm Nấm Mối, loại nấm này mọc và tàn rất nhanh. Trong rừng có rất nhiều gỗ mục, trời mưa, không khí ẩm thấp, Thảo tìm thêm nấm Mèo. Những vùng nước đọng, gắng sức quậy đục rồi ung dung bỏ lưởi câu móc con trùn đất hy vọng bắt được hết cá trê. Anh em tù không tha bất kỳ sinh thực vật nào, do đó có những anh bị ngộ độc hoặc phản ứng của cơ thể. Anh Trinh đập chết con Trúc (có vảy cứng như áo giáp, phá ổ kiến đề ăn, khi hữu sự cuốn tròn như trái banh), anh bị dị ứng mặt và khắp cơ thể sưng, nổi cục u nhức nhói.
Mỗi lần đi rừng về phải để vật liệu trước đội chờ đội trưởng và cán bộ quản giáo định giá làm việc, anh Trinh từ suối lên, vừa mặc quân đùi phơi khô trong chái nhỏ thì la hoán lên, bò cạp rừng cắn ngay vào chỗ hiểm, anh bị lên cơn sốt ngay. Ðang nằm rên rĩ nhưng khi nghe cán bộ quản giáo đánh giá vật liệu của anh kém phẩm chất, cây không đạt yêu cầu. Anh cố gắng lần theo vách trả lời
- Tôi đã tìm và cố gắng hết khả năng. Cán bộ không tin tôi sao?
Trung úy bộ đội quản giáo dõng dạc giữa đội tù
- Cha Mẹ tôi còn chưa tin được, làm sao tôi tin các anh.
Ông ta dẫn chứng
- Ðồng chí Trường Chinh còn đem cha mẹ là địa chủ ra đấu tố trước nhân dân.
Nằm ngay vị trí hơn nửa đoạn đường từ trại đến rừng, chung quanh là đồi tranh không bóng mát, một chuồng trâu cất ngay ngã ba về vùng kinh tế mới của xã Triệu Tài. Mấy chú trâu nhàn nhã nằm nhai lại trong vũng sình trộn lẫn chất thải của sự tiêu hóa. Ðuôi phe phẩy đuổi ruồi nhặng, mắt lim dim nhìn người tù vội vã dùng cơm, uống ngụm nước, ngả lưng vào song gỗ chuồng trâu, gió hiu hiu tạo cảm giác mát mẻ trên cơ thể tắm ướt mồ hôi.
Anh em nhớ bà mẹ Quảng Trị theo sau con trâu đang cày đất để nhặt sắn đào sót. Những củ này hết tinh bột, ăn sống dòn và ngọt như đường. Năm đầu tiên anh em đi theo sau lễ phép
- Chào Mệ, cho cháu được nhặt củ sắn sót
Bà mẹ trừng mắt
- Ðừng Mệ, chớ Cháu , đừng Khoai, chớ Sắn
Từ đó anh em khi gặp bà đều gọi là bà mẹ cộng sản.
Thỉnh thoảng Thảo đi về hướng Triệu Tài, đường tuy xa nhưng người dân có tình cảm. Một chị luộc sắn khoai và nấu nước với lá ngái đặc biệt cho anh em tù Thủy Quân Lục Chiến, chị nhớ đến người con được cứu sống nhờ đơn vị anh Trần văn Loan đã tản thương kịp thời trong trận phản công tái chiếm thị xã Quảng Trị. Một vài anh xấu miệng nhưng chị vẫn khẳng định lòng biết ơn không quên đó. Thảo gặp lại dân hồi cư Nại Cửu năm 1974 như anh thư ký xã, chị bán vải, các em gia đình Phật tử...Nhìn Thảo họ mở lời trong nước mắt
- Chào Ðại úy, chúng tôi không tưởng tượng được
Ðêm Mùng Một Tết Ðinh Tỵ năm 1977, các anh Thiếu Tá Châu đức Thảo, Ðại úy Lê văn Cang, Ðại úy Mai văn Hòa và Ðại úy Trần văn Loan đã vượt trại. Toán này đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả một năm trước khi hành động từ la bàn (địa bàn) cho đến lương thực. Họ xuyên qua Trường Sơn đến Nam Lào, mục đích vượt sông Cữu Long đến miền Ðông Bắc Thái Lan. Cuộc vượt thoát bị trở ngại vì thời tiết xấu, mưa gió. Chân của anh Châu đức Thảo sưng to nên phải dìu dắt nên di chuyển chậm lại. Anh Hòa gom lương thực, la bàn mong tách rời để nhanh đến mục tiêu, nhưng vì sợ cọp, anh đi dọc theo Quôc lộ 9 và bị Pathet Lào bắt. Theo lời khai của anh, Pathet Lào và Bộ đội biên phòng truy kích và bắt số còn lại khi lần trong bóng đêm xuống khe suối lấy nước. Các anh bị tra tấn dã man, và bị nhốt riêng trong những nhà ri do trại viên dùng các tấm PSP cao hai thước (2 m), chôn sâu trong lòng đất một thước (1m), rộng nửa thước (1/2 m) và dài một thước. Hai chân giữ chặt bằng cùm gỗ, hai cổ tay bị khóa kín bằng còng sắt. Ngày một bửa ăn với phân nửa tiêu chuẩn.
Ðại úy Ðổ Rạ đơn vị Ðịa Phương Quan chuyên viên gò ống nhôm, nồi nầu cơm, tẩu thuốc lào bị nổ chết khi cưa ống đạn. Thiếu Tá An Trưởng phòng 2 Sư Ðoàn bị liên tục thẩm vấn, hành hạ tâm trí ngày đêm, thần kinh căng thẳng, tự quyết định cuộc đời mình. Thiếu tá Bửu Kế cùng chung số phận vì không muốn bọn người ngu xuẩn làm nhục danh dự mình. Thời gian này, Bác Sĩ Giang Y sĩ Truởng Tiểu đoàn 4 TQLC bị say sắn quá độ, tim ngừng đập. Thiếu úy Lê đình Lời Trưởng ban Tình Báo Tiểu đoàn 3 TQLC bị tai nạn lao động chết. Trung úy Nguyễn văn San Ðại đội Phó Tiểu đoàn 3 TQLC bị đem vào rừng thủ tiêu. Biết bao thảm cảnh mà người tù cộng sản phải gánh chịu.
Ðã có nhiều cuộc đào thoát tại các trại tù, Ðại úy Hồ văn Chạnh, Trung Tá Không Quân Nguyễn ngọc Thức, Thiếu Tá Phù hồng Văn, Ðại úy Trần Biên, Ðại úy Trần trọng Truồi và một số người lại vượt trại . Trần trọng Truồi làm cò mồi chỉ điểm nên toàn bộ bị bắt gọn.
Trước mùa mưa lủ năm 1977, Ðoàn tù cấp đại úy lên đường đào đấp dẫn thủy nhập điền (thủy lợi), họ xuyên qua thành phố Quảng trị, qua cầu Ba Bến xã Triệu Tài, thẳng về Ngô xá Ðông. Những người tù tại mặt trận hoặc ra trình diện bị đưa vào trại tập trung “Cải Tạo” không ai có thể hình dung cái xã hội mà thân nhân, vợ con phải gánh chịu. . Chính quyền đã cướp đoạt tài sản qua lần đổi tiền đầu tiên mà mỗi gia đình (hộ khẩu) chỉ đổi được tối đa 200 đồng tiền cộng sản. Ðồ đạt bán dần để xoay trở trong cảnh đời đen tối. Người phụ nữ miền Nam chân yếu tay mềm bỗng trở rắn chắc, đôi tay trần vật lộn với cuộc sống chăn dắt đàn con, vai gồng gánh lo chồng đang tù tội. mà xã hội cộng sản mưu mô cố dìm họ xuống đáy vực sâu. Họ can đảm chiến đấu trong cảnh đơn chiếc, không người ủi an. Họ không than van, đêm mỏi mòn bên ngọn đèn dầu hắt hiu, và khóc thầm nhìn ánh trăng qua song cửa.
Ví dù đèn tắt thì đã có Trăng
Khổ thì em chịu, chứ bỏ anh biết mần răng mà đặng chừ.
Thượng Ðế đã dùng đốt xương sườn của người nam Adam để tạo ra người nữ Eva., nhưng người phụ nữ, vợ của những quân cán chính miền Nam đã dũng cảm và sức mạnh về tinh thần, sự chịu đựng trong mọi tình huống vượt hẳn nam giới. Là người chưa bận bịu đường thê nhi, nhưng Thảo cũng nhận thấy rõ ràng sự hy sinh đó của các chị có chồng trong các trại tù cộng sản. Thảo thường tự hỏi thầm nếu ngược lại, thử xem bao nhiêu phần trăm đấng trượng phu cáng đáng con cái và lo chu đáo được cho phu nhân mình.
Thỉnh thoảng các trại tập trung về đoàn học tập chính trị, đây là dịp để anh em các cấp gặp lại nhau, thăm hỏi sức khoẻ và những tin tức do thân nhân chuyển vào. Người tù chán ngán giọng điệu của những chính trị viên khi giảng bài (lên lớp) đều theo thứ tự (lớp lang) không sai sót một chử như các con vẹt lập lại lời nói.
- Các anh khát máu, mua thịt người ăn (?)
Cả hội trường cười ồ lên. Người chính trị viên trơ tráo vẫn thao thao bài học thuộc lòng
- Các anh cười gì vậy! Các anh ăn thịt người mà còn cười được à. Chúng tôi không đưa các anh ra tòa án quốc tế, như các nước đế quốc ở Nu e rờ em be (Nuremberg) là chúng tôi nhân đạo.
Người tù trơ như gỗ đá mặc cho chính trị viên tô vẽ hình ảnh quân cán chính miền Nam với những bẩn thỉu nhất. Họ luôn miệng ca tụng cái tình anh em đồng chí của cộng sản
- Chúng ta đang tiến lên xã hội chủ nghĩa, khi quá độ sẽ trở thành xã hội cộng sản như ông Liên Xô
- Ông Trung Quốc trúng mùa 13 năm liền, Trung Quốc Việt Nam như núi liền núi, sông liền sông, môi hở răng lạnh, tình nghĩa anh em keo sơn bền chặt
- Ðồng chí Phi-đen Ca x-tờ rô (Fidel Castro) một mình lái máy bay phản lực qua vĩnh biệt Bác, trời mây mù không xuống sân bay Gia Lâm được, đồng chí bèn nhảy dù xuống.
Một anh tù ngỗ ngáo
- Còn chiếc máy bay rơi ở đâu cán bộ?
Gần cuối năm 1977, các trại tù Ái Tử lên đường ra Bắc lao động xã hội chủ nghĩa chỉ trừ các tù nhân bị kỷ luật và cấp Thiếu Tá. Các Cán bộ chính trị cổ động tinh thần (động viên) anh em
- Ði ra lao động trên mảnh đất xã hội chủ nghĩa, các anh phải lao động thật tốt để trở về trong vinh quang hay các anh muốn trở về trong tủi nhục.
Qua câu nói này các trại tù lập lờ hình ảnh chánh sách khoan hồng nhân đạo 12 điều của chính quyền cộng sản đối với tù tàn binh. Gây ấn tượng đi học “Cải Tạo” trong khoảng thời gian ngắn, tối đa là 3 năm. Ðã gần 3 năm trôi qua như vậy chắc chắn một trăm phần trăm mọi người được tha về sau chuyến đi Bắc này.
Trên mảnh đất xã hội chủ nghĩa, người tù nhìn thấy đầy những khẩu hiệu
Thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn
Tiến mạnh, tiến nhanh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa
Về tình yêu thì có ba (3) khoan: quen khoan yêu, yêu khoan cưới, cưới khoan đẻ con.....
******
Những bài học chính trị, thiên đường cộng sản quá độ của xã hội chủ nghĩa phơi bày trước mặt người tù. Thi đua vét kinh Mụ Bà ở Ðô Lương, ánh mắt ai oán của người dân trên đường người tù di chuyển. Những cái nhìn thương xót trên chuyến xe lửa dừng lại từng ga nhỏ, các bà mẹ già cùng em nhỏ lanh lẹ bán sạch hết hàng cho người tù. Thảo không mơ tưởng những hứa hẹn của Cộng sản, mỗi khi có những việc khó khăn phải giải quyết, họ đều cổ động tinh thần, tuyên truyền nhồi nhét vào trong trí óc với viễn ảnh tốt đẹp khi thành công. Thảo cố nhìn và nhận xét vô tư để tìm hiểu cuộc sống thật sự của người dân cùng dòng máu Việt Nam, cùng tiếng nói khi mới mở mắt chào đời, và hình ảnh quê hương từ lâu Thảo thường ao ước là sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ từ biển Ðông cùng các đơn vị bạn giải cứu miền Bắc, Kế hoạch đã dự trù và hủy bỏ vì phải có sự yểm trợ của cường quốc. Thảo quyết đoán một trò hề đã lổi thời, hai người đàn bà ném đá và dùng lời thoá mạ thô tục, phải chăng đó là lời ai oán hờn trách đoàn quân không làm tròn nhiệm vụ giải phóng cuộc đời cùng khổ của họ trong hai mươi năm với chính quyền cộng sản. Tại lòng hồ Sông Mực huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa, người dân đi lao động Xã hội Chủ nghĩa, công nhân các nông trường và những người tù từ Ái Tử đã trải qua những ngày khổ sai, nụ cười héo hắt nhưng vẫn còn hy vọng ngày trở vế trong vinh quang. Anh Thoại sĩ quan Công Binh, kiểm soát định mức làm việc, sau khi đo đạt khoảng rừng đã bị chặt hạ đã nói với anh Ðạt (lé) đội trưởng
- Chưa đạt chỉ tiêu
Tổ trưởng Ðổ hữu Bê hô hào anh em tiếp tục phát dọn và chặt cây. Anh Bê đúng là đơn vị Thiết Giáp càng húc càng mạnh bạo dùng hết sức còn lại trong ngày giáng lưởi rìu vào gốc cây lim cứng chắc. Miệng anh lầu bầu
- Về trong vinh quang hề, về trong vinh quang hề.
Những cây Lim cuối cùng bổ nhảo xuống, người tù hớn hở đã xong nhiệm vụ, quên đi miếng ăn vừa trôi vào miệng đã tan biến mà cơn đói vẫn cồn cào, gỗ cứng như sắt non và cái lạnh cóng tay của rừng Thanh Hóa.
Người tù xuôi Nam, Ðại úy Lực đơn vị trinh sát Sư Ðoàn 1, anh Trung úy và có lẽ vài người nữa an nghỉ trong núi rừng vùng sông Mực không thấy cái ngày vinh quang như người Cộng sản đã hứa hẹn
Một số trại tù khác về Nam Ðàn, trại tù Thảo đến vùng đất thuộc huyện Nghĩa Ðàn, Nghệ Tỉnh, đào gốc cây cà phê đường kính trên một thước tây, phá đất trồng bắp, dựng lán trại với danh từ Cộng sản là Trại An Dưởng thật ra họ muốn tập trung và ẩn dấu Thương phế Binh đã mất một phần thân thể từ chiến trường Cao Miên (Kampuchia) trong vùng đất hẻo lánh. Người dân trên các xe đò đã thảy vào xe chở tù những trái cây, kẹo bánh trên đoạn đường lên sơn cước. Một niềm an ủi và cũng chua xót sâu xa cho người tù.
Trong thời gian này, một số người tù còn lại của các trại ở Ái Tử được đưa ra Bắc, vào Rào Ðá khai phá cất lán trại. Rừng thiêng nước độc, chỉ vài tuần lễ đã có 3 người thiệt mạng vì sốt rét. Vì một lý do nào đó, dự tính đành phải hủy bỏ.
Ngày trở về thật là vinh quang của người tù. Vét lòng kinh Mụ Bà, nước đẩy trôi cống ở Ðô Lương. Chặt cây phá rừng vùng sông Mực làm hồ nuôi cá trên núi , đấp đập làm thủy điện. Rừng bị phá không cây giử nước, nước lũ tràn xuống hồ, đập đắp bằng đất không chịu nổi sức đẩy cũa nước vỡ tung, nước tràn cuốn trôi các thôn xóm. Tội nghiệp người dân vô tội.
Người tù được săn sóc cẩn thận, đêm ngủ mỗi đội phải có người trực gát, bộ đội thường trực đi tuần tra kiểm soát nhân số. Ban ngày đi làm tập trung đếm số, hạn chế việc đi rừng lấy gỗ vì không cân thiết. Ðầu năm 1979, đoàn xe tuần tự hàng ngày chở tù Ái Tử vô Bình Ðiền, đếm số bàn giao từng người một cho Công An, chấm dứt viễn ảnh hư ảo mà các cấp, các cơ quan cộng sản đã lừa người tù cũng như họ đã từng bịp nhân dân hai miền trong chiến tranh.
- Các anh giải phóng lòng hồ Sông Mực, thì lòng hồ Sông Mực sẽ giải phóng cho các anh
Nhưng lòng hồ sông mực bị đổ vở vì sự hiểu biết nông cạn của các công trình sư (danh từ cộng sản). Nước trong lòng hồ cuốn trôi làng mạc giết chết dân lành, và cũng đã đưa người tù qua một khúc quanh khác tàn bạo hơn, sắt máu hơn. Nhưng từ trong sắt máu mới nhận rõ những anh hùng
Công an cộng sản dẫn giải đội tù đào sắn (khoai mì) bên kia Khe Ðiên, vùng đất khô và cứng, xa xa vài mái nhà của người dân bị chính quyền đưa đi kinh tế mới. Người dân Thừa Thiên không lạ gì câu nói
- Cọp Bình Ðiền, nước Khe Ðiên
Ý muốn diễn đạt ở Bình Ðiền có nhiều cọp, và Khe Ðiên là vùng rừng thiêng nước độc, bệnh sốt rét hoành hành.
Sắn đầy thúng, đoàn tù chuẩn bị quang gánh lên vai trở về. Chợt tiếng súng nổ của công an bảo vệ, đất bung mạnh lên, hai bà mẹ già đang nhặt sắn vụt đứng dậy, tay chỉ thẳng vào người công an hét to
- Ngày xưa mẹ không bỏ con đói nên nuôi con bằng gạo trắng, ngày nay mẹ đói, mẹ đi mót sắn mà con lại bắn mẹ.
Rồi hai bà mạt sát bọn cộng sản. Hai bà muốn được bắn chết để thoát khỏi kiếp sống đày ải trái ngang.. Tội nghiệp bà mẹ Huế khi nhận chân sự thật thì đã quá muộn.
Những lúc đi chặt củi cho nhà bếp, Thảo thích đi chung với Ðại úy Sum, hoạ sỉ, tính cảm rất văn nghệ, hai người thường gặp cô thôn nữ vác gàu tát những vũng nước cho mẹ mò tìm bắt cá. Nhìn bạn vui tươi, Thảo cảm tác bức chạm gõ. Rừng bị người tù tàn phá, bạn Sum buồn vì đồng khô nước cạn, cô thôn nữ về đâu? Thảo gởi bức hình vô Huế.
Phục vụ Trung Tâm Huấn Luyện Ðống Ða, Ðại úy Nguyễn văn Châu trực tính, không kiêng nể một ai, bạn thân duy nhất chỉ có Ðại Úy Trần Duy khoá 19 Võ Bị và Thảo. Mọi người cho anh bị chạm điện, nhưng nào ai biết được.
Một hôm bổng nhiên Ðại úy Nguyễn văn Châu khai bệnh và ngày hôm sau không ngừng chưởi rủa lảnh tụ mà Cộng sản tôn thờ, dù bị bỏ đói, trong hai mái tranh che chỉ đủ nằm hoặc bò, bên dưới lót hai tấm ri sắt PSP mà ban ngày nun nóng vì hấp thụ nhiệt của mặt trời, ban đêm lại lạnh cóng, còn bị người bạn tù Ð (dấu tên) ban thi đua dã man bẻ răng, anh vẫn hiên ngang, tiếng chưởi lồng lộng trong đêm vắng như những ngọn lao cắm vào tâm linh Công an Cộng sản. Cuối cùng anh thoát qua ải bằng cách nhảy xuống giếng nước sâu, ăn nói không ai hiểu được. Chỉ mất trí khôn mới có hành động như thế, bạn tù kéo anh lên khỏi giếng. Tuần lễ sau anh được về lán nhưng sún hai răng cửa.
- Nhóm lảnh đạo bạo động gồm các anh: Trung Tá Nguyễn tri Tấn, Thiếu Tá Vũ ngọc Tụng, Thiếu Tá Hoàng Hưng, Thiếu Tá Phan văn Lập, Thiếu Tá Phạm Cang, Thiếu Tá Lê quang Liễn, Ðại úy Trần Biên, Ðại úy Nguyễn thuận Cát, Ðại úy Nguyễn đình Khương.
Ngày 20 tháng 4 năm 1979 trại huy động công an Thừa Thiên bao vây và xâm nhập khủng bố đánh đập dã man người tù, bắt toàn bộ nhóm lảnh đạo.
Thần chết chưa gọi tên Đại úy Trần trọng Truồi, ba người tù tranh nhau đập tên chỉ điểm, Sức mạnh thanh gỗ làm đứt tung dây kẽm giăng ngang để cột mùng, hướng bị lệch, sức mạnh giảm bớt, tên Truồi với một bên đầu chảy máu .
Thời gian khủng bố tinh thần tiếp tục bằng học tập, đấu tố, kê khai lý lịch, thêm một số anh em bị bắt như Thiếu Tá Võ đằng Phương, Ðại úy Lê tự Hào, Ðại úy Nguyễn kim Chung, Ðại úy Hộ,....
Ðại úy Tôn thất H (dấu tên) phục vụ Chi khu Phú Lộc thường hay khoe khoang, nào là ở đơn vị Tổng trừ Bị tại Vũng Tàu, đã bị công an đập dập mỏ (miệng). H tìm cách lập công hãm hại Thảo qua hình chạm Chúa Hài Ðồng với báo cáo định tổ chức đêm Giáng Sinh cùng đội trưởng cà thọt Ðại úy Trần văn H (dấu tên) phục vụ trung tâm huấn luyện Ðống Ða, phỉ báng đức tin, đấu tố Thảo một cách nhiệt tình. Trại trưởng làm việc suốt một tuần với Thảo, và mọi việc đều trôi qua êm ả. Một lần khác H và Ðại úy Lê văn Ðà dùng hai con trâu kéo những khúc súc do toán của Thảo, Ðại úy Bích, Ðại úy Sum (họa sĩ), Ðại úy Hoàng bá Kiệt...chặt hạ, tình cờ thấy bốn cây thuốc lá của Thảo và ba cây ớt của anh Bích, H hớt hãi chạy nhanh về la lớn trong đội và báo cáo Thảo lập mật khu. Công an quản giáo lập tức phóng nhanh vào rừng, nhìn rõ tang chứng.
Ðợi cho anh em đấu tố Thảo xong xuôi, công an quản giáo kết luận
- Trong các anh có người còn cá thể, lén lút trồng thuốc, ớt để hưởng trọn một mình.
Mỗi khi xướng tên người tù được tha về, Thảo không bao giờ chú tâm đến, chấp nhận ngày mai để sống. Mọi người cố gắng lắng nghe, riêng Thảo vô tư trò chuyện cùng các bậc đàn anh cấp Tá.
Bỗng tiếng nói lớn của Thiếu Tá Minh
- Thảo, có tên cậu được về kia.
Ngày lên xe lửa Thông Nhất vô Nam, Thảo không quên hình ảnh chị Tôn thất Phú ngã chúi người khi nghe không có chồng mình, những đồng xu dính đầy dầu mà Thảo từ chối không nhận của chị Nguyễn văn Châu đếm trả lại vì số tiền Mẹ Thảo gởi, anh Châu (được tha về trước) bới xách lên thăm Thảo ngày hôm sau. Những bạn hàng chợ Ðông Ba giúp đở và lời nhắn nhủ mong ngày các anh trở lại. Gia đình chị Gái, gia đình anh Yên, các bạn tù, ân nghĩa Sầu Ðông.
Ðến Quảng Trị năm 1970 và giả biệt vào cuối năm 1982. Bao nhiêu kỷ niệm sẽ theo mãi trong cuộc đời. Cám ơn Mẹ tôi và những người vợ nuôi chồng ở tù không bản án. Ngày xưa khi chiếm lại vùng quận Hải Lăng năm 1972 Thảo được thấy bằng Tiết Hạnh Khả Phong mà Vua ban cho những người vợ thủ tiết nuôi con. Giờ đây trở về cuộc sống hiện thực của cách mạng xã hội chủ nghĩa, không có bằng nào để trao tặng xứng đáng cho những người vợ dạy dỗ con cái và nuôi chồng ở tù cộng sản.
Chúc Ðại úy Thuận và người yêu ở Phú Cam (ròng rã thăm nuôi gần chục năm dài) cùng hứa trọn đời trong ơn phước Chúa
Mong các bạn sớm trở về và gia đình thực sự hạnh phúc trong cảnh đời biến đổi.
(tham khảo về anh Nở và cuộc vượt trại của MX Trần văn Loan)
Mũ Xanh Giang văn Nhân
(trích "Hồi Ký Người Lính Tổng Trừ Bị")