Monday, March 15, 2021

 NGUYỄN TRƯỜNG TOẠI

(Thiếu úy Sư đoàn 23)
“Hầu hết đã hy sinh”
Tai Tran: NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California. Phỏng vấn bắt đầu:
"Tôi sinh năm 1943 lúc gia đình tản cư trong cuộc chiến tranh chống Nhật. Mẹ tôi người miền Bắc, cha tôi người miền Trung. Vào năm 1951, giữa cuộc chiến tranh chống Pháp, một hôm đi học về tôi thấy mẹ tôi đang khóc. Mẹ tôi bảo cha tôi đã chết ở ngoài Bắc, tại Hà Nội. Lúc ấy tôi mới lên tám. Sau này chúng tôi biết được cha tôi bị Cộng sản giết, vứt xác dưới sông Hồng.
Khi nhận tin cha chết, tôi hãy còn nhỏ. Tôi đau buồn nhưng cũng chóng quên rồi lại tiếp tục đến trường. Năm 1954, tôi nhớ vào thời Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, dưới chế độ Bảo Đại, nhiều người nhà cửa bị đốt cháy, một số đã đến ở với gia đình chúng tôi. Tôi thương xót cho cảnh ngộ của họ, tôi cảm thấy buồn vì những biến cố ấy, nhưng vì ít tuổi, nỗi buồn cũng chóng qua.
Năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, bấy giờ tôi đang học đại học. Lúc này tôi đã có ý niệm thế nào là thế giới tự do, thế nào là thế giới Cộng sản. Càng được đọc nhiều, tôi càng ý thức về tình thế.
Cho đến khi gia nhập quân đội vào tháng sáu năm 1968, tôi đã có những tư tưởng phân minh về sự khác biệt giữa Tự do và Cộng sản. Đến khi đọc sách Cộng sản, tôi càng bắt đầu hiểu rõ Cộng sản là ai, họ đã làm gì.
Những người vào lứa tuổi tôi nhập ngũ vì chúng tôi có một lý tưởng, chúng tôi hiểu rõ cuộc sống dưới chế độ Tự do thế nào, cuộc sống dưới chế độ Cộng sản ra sao. Không phải như người ta vẫn cho rằng những người nhập ngũ chỉ vì đến tuổi phải đi quân dịch, không có được một ý tưởng bản thân. Nhưng điều này, hình như người Mỹ chưa bao giờ hiểu thấu.
Một trong những điều đáng buồn và đau đớn nhất mà tôi thấy trước khi nhập ngũ, đó là lúc báo chí đăng tải hình ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu tên tù Việt Cộng, trong cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân 1968. Đọc những bài báo của các phóng viên người Mỹ, tôi có cảm tưởng họ không hiểu biết gì về thực tế chiến cuộc, về sự thực diễn ra ở Việt Nam.
Chính tôi là người đã chứng kiến việc tướng Loan bắn tên Cộng sản. Tôi có mặt ở đấy. Tôi biết tên Cộng sản ấy, tôi biết hắn đã làm những gì. Ông có biết hắn đã làm gì không? Năm 1968 ở Sàigòn, giữa cuộc chạm súng, hắn đẩy trẻ thơ vô tội ra như một làn sóng người, để đồng bọn tẩu thoát. Trong trận đánh khốc liệt này, hắn sử dụng trẻ con làm lá chắn, để các binh sĩ phải thôi bắn. Và tướng Loan không thể chịu đựng được. Ông nổi giận về hành vi đê tiện này, nên khi bắt được tên Việt Cộng đang cố tẩu thoát bằng cách núp sau đám trẻ, ông nổ súng bắn ngay tên này tại chỗ. Chính tôi cũng cảm thấy như vậy. Tôi cũng có thể hành động y như vậy. Bản thân tôi trong trường hợp bắt được một tên như vậy, tôi cũng sẽ nổ súng kết liễu ngay loại người ghê tởm ấy.
Nhưng khi tướng Loan bắn tên tội phạm, một phóng viên nhiếp ảnh đã chụp hình. Điều mà người phóng viên làm, điều mà mọi người trên khắp thế giới thấy không phải là tất cả những gì đã thực sự xảy ra. Đó chỉ là một phần nhỏ của những gì xảy ra. Và rồi các cảm xúc tiêu cực sau đó triệt hạ cả cuộc đời sự nghiệp của tướng Loan, như thế thật không công bằng. Lợi dụng trẻ thơ vô tội trong trận chiến, tên Việt cộng xứng đáng bị bắn vì hành vi đồi bại của hắn. Hắn và đồng bọn đã gài mìn, đốt nhà trong khu xóm. Rồi khi lực lượng cảnh sát đến, hắn cưỡng bách trẻ con trong xóm ra làm áo giáp đỡ đạn.
Lúc ấy mọi chuyện đang hỗn loạn. Là tư lệnh cảnh sát, tướng Loan khi nhìn xác trẻ con chết, ông hỏi: “Tại sao vậy? Chuyện gì vậy?” Đến khi biết tại sao mấy đứa bé chết, biết ai chịu trách nhiệm về hành động này, tướng Loan nổ súng hạ tên thủ phạm. Ông đã nhìn thấy tấm hình trên tờ tạp chí Time và tờ Newsweeks chưa? Tấm hình ấy triệt hạ cả cuộc đời và sự nghiệp của tướng Loan. Tôi nghĩ dân chúng Mỹ đã không bao giờ có thể thực hiểu rõ những gì xảy ra ở Việt Nam.
Vào mùa Xuân 1975 tôi là thiếu úy Sư đoàn 23 quân lực Việt Nam Cộng Hoà, đóng ở Pleiku và Ban Mê Thuột. Khoảng tháng Ba, tiểu đoàn tôi tiến vào mật khu Quang Nhiêu, cách Ban Mê Thuột chừng mười bảy cây số. Trong chiến dịch này, chạm trán một nhóm trinh sát Bắc Việt, chúng tôi khai hỏa, giết chết bảy, bắt sống hai. Một trong hai tên bị bắt là sĩ quan. Phía chúng tôi tổn thất bốn. Cùng với việc bắt tù binh, chúng tôi cũng tìm được nhiều tài liệu và tin tức quan hệ. Hai tiểu đoàn 153 và 353 chúng tôi nhận lệnh tiếp tục tiến vào, chúng tôi cho gửi ngay các tài liệu và tù binh về bộ Chỉ huy. Nhưng khi tiến thêm chừng một cây số, chúng tôi có lệnh ngừng và rút quân, vì an ninh quân đội khai thác tù binh, biết được có nhiều đơn vị quân đội Bắc Việt lúc ấy chỉ đóng cách chúng tôi hai ngày đường bộ. Nhưng sự thực, chúng chỉ cách địa điểm chúng tôi có hai cây số, nếu tiến thêm chúng tôi đã bị quét gọn rồi. Vì thế chúng tôi rút về Quang Nhiêu, ở lại bảo vệ địa điểm này.
Như vậy chúng tôi đã biết thực lực quân Bắc Việt. Chúng tôi hiểu tình hình nghiêm trọng, nhưng tôi không nghĩ các sĩ quan ở tỉnh và Tư lệnh vùng biết được tình hình nghiêm trọng là đã có nhiều quân Bắc Việt như vậy ở trong vùng.
Tình trạng rất phức tạp. Tiểu đoàn chúng tôi gồm bốn đại đội. Đại đội tôi là đại đội 1, nhận lệnh trở lại Ban Mê Thuột, vào giữa thành phố để yểm trợ các xe dầu của Sư đoàn 8. Đại đội 2 đến đóng tại bộ Chỉ huy Sư đoàn 23. Một đại đội khác được gửi đến yểm trợ các căn cứ nhẹ của quân đoàn, nhưng đã bị tiêu diệt toàn bộ.
Đêm mùng 9 rạng ngày 10 tháng 3, đại đội tôi có lệnh đến phòng vệ cây cầu trên đường 14 để giữ khai thông con lộ. Nhưng đêm ấy, quân Bắc Việt pháo rất dữ, chúng tôi lâm tình trạng hết sức khẩn trương. Tôi dẫn lính trở ra, nhưng quân cảnh yêu cầu chúng tôi trở lại vị trí để chuẩn bị vì tình hình nghiêm trọng. Mọi việc có vẻ không khá. Tôi nghĩ lúc ấy ai nấy đều biết trước một cuộc tấn công sẽ phải xảy ra.
Quân Bắc Việt xoay trở để chiếm Ban Mê Thuột trong vòng có hai ngày. Tôi đã chứng kiến câu chuyện thất thủ Ban Mê Thuột với tư cách một quân nhân chiến đấu. Và sau đây, tôi xin kể những gì đã xảy ra:
– Đêm mùng 9 tháng Ba, một đoàn xe vận tải chở vũ khí đạn dược tiến đến Ban Mê Thuột. Trước đấy, chúng tôi nghe tin đường Nha Trang – Ban Mê Thuột đã nghẽn, xe cộ không chạy được, tại sao đoàn xe vận tải này đi lọt? Nhưng đoàn xe đến từ Nha Trang vẫn làm chúng tôi yên lòng. Chúng tôi cảm thấy dễ chịu vì tưởng quân đội đã đánh bật được Cộng sản, mở lại đường, cho đến khi khám phá đoàn xe này là của Bắc Việt chứ không phải xe chúng tôi. Đã có địch xâm nhập vào hàng ngũ chúng tôi.
Chúng tôi không bao giờ biết nguồn gốc những chiếc xe vận tải này từ đâu. Nhưng đến chiều mùng 9 tháng Ba, đoàn xe tới Ban Mê Thuật chở đầy võ khí. Rồi có một chuyện gì, vài người biết được, do đó khi tôi dẫn lính ra thì được yêu cầu quay lại. Cũng đêm đó, Bộ Chỉ huy Sư đoàn ra lệnh cho đại đội tôi vào lúc ba giờ sáng để di chuyển lên Bang Dao, nhưng hai giờ sáng thì địch bắt đầu pháo, chúng tôi không cách gì nhúc nhích nổi. Vào khoảng tám cho đến mười giờ sáng, thì kho đạn – không cách chúng tôi bao xa – phát nổ. Cả một nghĩa địa và đồn kiểm lâm gần đấy biến mất, trống trơn. Chúng tôi nhận tin địch có chiến xa T-54 đang tiến đến tỉnh. Tiểu đội chúng tôi vừa ló ra thì đụng ngay nhóm địch gào thét inh ỏi. Chúng nã đạn M72 vào chúng tôi. Lúc ấy, nghe động cơ ầm ĩ, chúng tôi cứ tưởng chiến xa T-54, nhưng sau mới biết là không phải. Thật ra đấy là tiếng động cơ của những chiếc xe be kéo gỗ trong rừng. Địch đã mưu mô đưa xe be vào tỉnh, chúng đặt xe một chỗ, rồi cho nổ máy. Tiếng động cơ xe be rất giống tiếng động cơ T-54 làm lính Việt Nam Cộng Hoà mất tinh thần. Chúng tôi chỉ là một đơn vị nhỏ. Tinh trạng hỗn loạn xảy ra chính vì lầm tưởng quân Bắc Việt đã mang nhiều xe tăng tiến đến.
– Địch chiếm toàn tỉnh trong vòng có hai ngày. Sau đó, tại hậu cứ chúng tôi, khu phi trường Phụng Dực cách Ban Mê Thuột mười cây số, nơi đóng căn cứ của Trung đoàn 53 và Trung đoàn 54, chúng tôi đã chiến đấu ròng rã gần mười ngày. Tỉ số tổn thất của địch nặng hơn chúng tôi. Tỉ số thương vong của địch là bảy so với chúng tôi là hai. Chúng tôi chiến đấu đến khi hết đạn, phải gọi trực thăng tiếp tế. Nhưng đạn bắn quá khốc liệt, các phi công sợ, đã bay quá cao, thả không trúng đích. Họ thả thùng đạn xuống gần phía Cộng quân hơn phía chúng tôi, chúng tôi không thể lấy đạn được. Vì thế chúng tôi đành chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng, rồi hầu hết chúng tôi đều tử trận. Sau, chỉ còn Trung đoàn trưởng là Trung tá An và hai quân nhân sống sót trong cuộc tàn sát này. Tôi là một trong những người sống sót ấy.
Sau này tôi nghe lính nói Cộng quân chặt đầu tất cả những binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà nào hình dáng to lớn hoặc có để râu mép hay râu hàm. Tôi không chứng kiến những chuyện ấy, nhưng nhiều người đã chứng kiến, tôi cũng được nghe lính kể lại. Thực ra, ở Châu Sơn, việc này đã xảy ra. Địch chặt đầu nhiều người, gồm cả một số linh mục Công giáo.
Ngay sau đó, địch truy lùng các binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà. Chúng bắt được tôi trong một thời gian ngắn. Tôi rất may mắn vì không để râu mà cũng không lớn con. Chúng lùa nhiều người vào một ngôi nhà, tôi ở trong đám người đông đảo này nhưng tôi vuột chạy. Tôi không quen đường trong thị xã Ban Mê Thuột. Mặc dầu đã ở vùng này khá lâu nhưng ít khi tôi ra tỉnh. Tôi là một người lính chiến, hầu hết thì giờ dành cho các cuộc di hành và các chiến dịch. Chúng tôi không ra tỉnh nhiều.
– Việc thất thủ Ban Mê Thuột là việc không tránh khỏi. Ở đây chỉ có mỗi một tiểu đoàn phòng vệ tỉnh, tức là bốn đại đội, mà một đại đội đã được đưa đi chỗ khác, nên chỉ có ba Đại đội ở nơi này. Cũng có một số quân nhân nữa, nhưng họ đều là lính văn phòng. Nói rằng Ban Mê Thuột mất trong hai ngày là không hoàn toàn đúng. Chính ra Ban Mê Thuột đã mất trong vòng một ngày. Tuy nhiên, thưa ông, ông phải biết đã có một trận đánh lớn diễn ra cách Ban Mê Thuột mười cây số, tại phi trường. Chính nơi đây chúng tôi đã thực sự chiến đấu mãnh liệt với địch quân, chúng tôi đã cầm chân chúng suốt một tuần lễ.
Sau đấy đã có một cố gắng tái chiếm Ban Mê Thuột. Ông nhớ chứ, tôi thuộc trung đoàn 53 và trong trận đánh đã kể, hầu hết đã hy sinh. Việc cố tái chiếm Ban Mê Thuột là do trung đoàn 44, bấy giờ đóng ở Pleiku. Nhưng khi trung đoàn này đến vùng Tinh Thương cách Ban Mê Thuột chừng mười cây số thì vừa lúc các binh sĩ gặp gia đình họ từ Ban Mê Thuột chạy ra. Thấy gia đình chạy, binh sĩ cũng bỏ súng ống chạy theo gia đình. Các cấp chỉ huy không thể điều khiển họ nữa. Có lẽ, đấy là lý do tại sao chúng tôi thất trận. Binh sĩ không còn muốn chiến đấu nên chúng tôi đã thua. Cũng có vài cuộc đụng độ của những binh sĩ ở lại, nhưng không lâu, vì làm sao đánh được nữa. Chúng tôi chỉ còn một số người ít ỏi. Và những người ở lại chiến đấu cũng không thể tin chúng tôi có thể thắng để lấy lại thành phố. Lý do đã mất rồi.
Nhưng ông cũng cần phải biết: Không phải tất cả các binh sĩ đều bỏ chạy. Một số đã ở lại, đã chiến đấu với Việt Cộng ở mọi nơi. Tại khu trung tâm. Tại nhiều nơi khác. Dẫu chỉ là những trận nhỏ, nhưng vẫn là những trận đánh. Những người chiến đấu đã chiến đấu với tất cả nhiệt tình, họ không phải đánh chỉ vì phải đánh. Họ mãnh liệt đấu tranh với Bắc quân.
Vào ngày 10 tháng Ba khi địch quân đang tấn công chúng tôi, lúc Ban Mê Thuột chưa mất, lúc những trận đánh còn đang diễn ra, thì khi mở máy truyền tin, chúng tôi đã nghe một cuộc điện đàm giữa bộ Chỉ huy Sư đoàn với tướng Phú ở Pleiku. Tướng Phú bay trên trực thăng nói chuyện với Tư lệnh Phó Sư đoàn là đại tá Quang. Tôi có một người bạn, là đại úy Truyền tin của Trung đoàn cũng đã mở cùng một tần số và cũng nghe được những gì tôi đã nghe.
Tướng Phú nói: “Được rồi! Với bất cứ giá nào ông cũng phải giữ Ban Mê Thuột. Tôi sẽ cho ông bất cứ cái gì ông cần – Tôi sẽ tiếp vận vũ khí, binh sĩ nếu ông muốn. Nhưng phải giữ Ban Mê Thuột bằng mọi giá.” Đó là những gì rõ ràng tôi đã nghe.
Nhưng tôi phải nói: Đại tá Quang không phải là một cấp chỉ huy tốt. Không, ông ấy không phải là một cấp chỉ huy tốt. Ông ấy đã nói dối. Ông bảo chúng tôi đủ sức tiếp tục chiến đấu. Nhưng thử nhìn thực tế xem. Chúng tôi chỉ có hai tiểu đoàn, một tiểu đoàn đã đưa đi Phước An, còn lại một ở Ban Mê Thuột, trong tiểu đoàn ấy, một đại đội đã bị tận diệt ngày 10 tháng Ba.
Tôi bị bắt ở Ban Mê Thuột. Chúng chặn những người bỏ chaỵ, cô lập một số vùng. Rồi chúng bao vây không cho thoát. Tình trạng lúc ấy quá hỗn loạn, tôi bị kẹt ở đấy.
Tuy bị bắt, nhưng tôi tìm cách lẩn tránh. Tôi không báo cáo quân số của tôi. Tôi né đi. Những người khai báo đều bị Cộng sản dẫn đi mất: Có trời mới biết họ đi đâu. Người ta chỉ thấy họ biến mất, không bao giờ còn ai gặp lại nữa. Tôi cứ né tránh không khai báo gì cho đến ngày 25 tháng Ba, 1975 thì gặp được hai giáo sư trung học. Hai người này biết tôi, họ dạy cùng trường với người bạn của tôi. Họ giúp tôi trốn. Nhờ vậy tôi thoát Cộng sản mà sống sót.
Đầu tháng Tư tôi chạy khỏi Ban Mê Thuột, đến được Nha Trang. Lúc ấy Nha Trang cũng đã bị Cộng sản chiếm. Tôi đến được nhà những người bà con bên ngoại, nhưng vợ chồng mấy người chị tôi đều đã chạy vào Sàigòn rồi.
Tôi xin kể ông nghe về chuyến đi từ Ban Mê Thuột đến Nha Trang. Không thể tin nổi. Trên đường có nhiều xe buýt chở người, mấy chiếc xe này cũng tựa những chiếc buýt Greyhound ở Mỹ, nhưng không đẹp bằng. Mấy chiếc xe này đã bị Cộng sát bắn suốt chuyến đi. Chúng bắn, bất kể quân đội hay thường dân. Sống sót được sau chuyến đi này thật là đại hồng phúc.
Xe tôi bị bọn du kích địa phương chặn. Chúng bảo “Trên xe chắc chắn phải có lính ngụy. Bước xuống ngay, nếu không chúng tao bắn tất cả mọi người trên xe.” Cái từ ngữ mà chúng gọi bọn tôi là “Ngụy quân”, chúng dọa bắn tất cả mọi người trên xe nên tôi và vài người nữa bước xuống. Nhưng thật quá may mắn. Vừa lúc chúng tôi ra khỏi xe, có hai oanh tạc cơ A-37 chợt bay đến dội bom trong vùng. Bọn du kích chạy. Chúng tôi chạy. Chiếc xe buýt cũng rồ máy chạy. Nhưng tài xế là một người có tấm lòng thật tử tế, nhân hậu. Qua khỏi một chặng đường ngắn, ông ta dừng lại, đón chúng tôi lên.
Có một cảnh tượng đã chứng kiến làm xót xa thắt ruột. Đó là cảnh hai đại đội nhảy dù bị Cộng sản bắt. Chúng ra lệnh cho họ di chuyển trên đường, lê bước không giầy, không đồng phục. Trông họ thật đau buồn. Những người ngồi trong xe buýt nhìn ra đều thấy cảnh tượng đó. Chúng tôi muốn bật khóc. Cảnh tượng ấy làm chúng tôi đau lòng, tức giận xiết bao. Một điều nữa cũng làm chúng tôi xót xa là khi nhìn thấy xác chết của những người lính nhảy dù ngổn ngang khắp hai bên đường. Quá nhiều xác chết. Cũng có xác của quân Cộng sản, nhưng chúng đã chuyển đi, chỉ vứt lại thi hài những người lính dù, nhất là tại khu Phượng Hoàng. Đường Phượng Hoàng là đường dẫn từ Ban Mê Thụôt xuống Nha Trang, rất gần Nha Trang.
Tôi kẹt ở Nha Trang, bị bọn Cộng sản phường gọi trình diện. Lúc đó nếu có dịp vào được Sàigòn thì tôi đã đi rồi, có thể đã ra khỏi nước rồi. Nhưng tôi bị kẹt. Vì Sàigòn chưa mất, nên bọn chúng đối xử với tôi có thể nói là tử tế. Phần lớn những người ra trình diện ở Nha Trang đều được Cộng sản đối xử tử tế, cho đến khi Sàigòn sụp đổ.
Ngay sau khi Sàigòn mất, bọn chúng trở mặt. Chúng bắt đầu đối xử khác hẳn. Chúng tôi đã bị đưa vào các trại học tập. Bọn chúng loan tin
Sàigòn mất cho chúng tôi tại trại.
Trước đây, chưa từng một giây phút nào chúng tôi nghĩ Sàigòn có thể sụp đổ. Chúng tôi chưa bao giờ tin được như vậy.
Chúng tôi đã từng hy vọng có ngày các bạn tôi và tôi sẽ vượt thoát khỏi trại. Cho nên đầu tiên, vì tin này đến quá bất ngờ, chúng tôi sửng sốt xúc động. Nhưng sau đó là tiếp đến một giai đoạn khuây khoả, với cảm giác rằng: ừ cũng tốt thôi, cuối cùng chiến tranh đã chấm dứt. Cộng sản cũng là người Việt, chúng tôi đều là người Việt cả, nên chúng tôi nghĩ mọi việc cũng xong? Chẳng có mất mát lớn lao nào. Và có lẽ, chúng tôi với Cộng sản có thể cùng nhau chung sống. Nhưng những ngưòi có tuổi ở trong trại, từng sống dưới chế độ Cộng sản từ ngoài Bắc, họ lập tức phủ nhận ý nghĩ đó. Họ bảo: “Các cậu còn trẻ quá. Đừng lạc quan lắm về viễn tượng sống chung hoà bình với Cộng sản.” Họ cảnh cáo. Vì thế chúng tôi đôi phần trở nên hoài nghi. Những nỗi buồn dữ dội dần dà xâm chiếm. Tất cả chúng tôi đều trở nên buồn bã.
Chúng tôi bắt đầu cảm thấy tương lai thật mờ mịt. Trong trại học tập, họ bắt chúng tôi học mười bài về việc: “Tại sao nhân dân Việt Nam phải chiến đấu chống chính phủ và quân đội Mỹ,” “Tại sao Mỹ muốn can thiệp ở Việt Nam.” Rồi họ bắt chúng tôi viết lời khai cá nhân, đại loại như tiểu sử, lý lịch mỗi người. Họ bắt chúng tôi làm những chuyện ấy vào buổi sáng, bắt làm lại vào buổi trưa. Rồi đến tối, bắt làm lại nữa. Hầu như suốt thời gian, chúng tôi đều phải viết lý lịch từ ba cho đến bốn lần mỗi ngày. Đầu tiên, mọi người tưởng họ chỉ bắt viết một lần thôi. Nào ngờ họ bắt viết đi viết lại, viết đi viết lại mãi cho đến nỗi chúng tôi quên cả những gì đã viết trước. Họ có thể đem những bản khai lý lịch khác nhau ra so chiếu, rồi gọi chúng tôi ra hạch hỏi.
Tôi xin kể ông nghe thế này: Họ đã nói với chúng tôi nhiều chuyện cực kỳ quái gở, toàn chuyện sai quấy, không thể tin nổi. Nhưng họ cứ nói với chúng tôi cùng những chuyện ấy, nhắc đi nhắc lại, riết rồi đến nỗi tôi chợt nhận ra chính tôi cũng đã bắt đầu tin những điều họ nói. Tôi bắt đầu cảm thấy chính tôi là một tội phạm khi chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Tôi cảm thấy có tội về nhiều thứ cáo trạng mà họ dồn dập đổ vào đầu óc chúng tôi. Nhưng may mắn cho những sĩ quan trẻ trong những năm còn là sinh viên đại học, chúng tôi đã học thiền. Nhờ áp dụng phương pháp thiền định, chúng tôi vẫn giữ được sự quân bình, lành mạnh cho tâm trí. Còn nếu không, họ đã làm chúng tôi phát điên được với những hành động của họ. Những gì họ bắt chúng tôi làm, những gì họ lập đi lập lại một cách rất vô lý: Ngày đêm cùng nói một thứ. Suốt thời gian. Và những tờ khai lý lịch cá nhân họ bắt viết đi viết lại mỗi ngày vài lần.
Ban đêm, khoảng mười giờ tối, dưới ánh nến hay một ngọn đèn dầu nhỏ, họ bắt chúng tôi viết lý lịch cá nhân. Rồi ba giờ sáng, họ bắt chúng tôi thức dậy, lại viết lý lịch cá nhân nữa. Chuyện này thật khắc nghiệt khủng khiếp.
Tôi rất may mắn. Tôi chỉ bị ở cải tạo có hơn ba tháng rồi được thả. Những người ở các đơn vị chiến tranh chính trị của quân đội Việt Nam Cộng Hoà mới là những người mà họ chú trọng. Nhưng cũng còn vấn đề may mắn, bởi vì tôi có những người bạn cũng là sĩ quan đơn vị chiến đấu, cùng cấp bậc với tôi, bị họ bắt và tôi đã không bao giờ gặp lại nữa.
Có một sĩ quan cấp bực cao hơn tôi đã được thả trước tôi ba ngày. Cộng sản dùng đấy để tuyên truyền. Họ nói: “Thấy chưa, anh ta là sĩ quan cao cấp hơn nhưng đã được trả tự do bởi vì anh ta học tập tốt. Anh đã cải tạo xong.” Và họ nói như thế là chúng tôi không có thiện chí học tập. Gia đình chúng tôi thắc mắc không hiểu tại sao anh ta được thả trước chúng tôi. Nên rồi gia đình chúng tôi đã tin bọn Cộng sản, tin chúng tôi không chịu học tập. Họ tác động tâm lý chúng tôi như thế đó.
Nhiều bạn hữu của tôi vào rừng tham gia các lực lượng kháng chiến. Nhưng tôi đã trở về với gia đình. Lúc ấy tôi không có ý nghĩ gì về việc ra khỏi nước. Tôi nuôi hy vọng liên lạc được với các bạn của tôi, những người không bị Cộng sản bắt. Tôi biết họ vẫn quanh quẩn đâu đây. Tôi muốn liên lạc với họ để xem tôi có thể làm gì. Chẳng bao lâu, Cộng sản bắt đầu nghi ngờ những chuyện đi lại của tôi và mục đích của tôi. Vì họ nghi, nên tôi quyết định đi làm ruộng, nhưng mỗi tuần phải báo cáo cho họ, rồi tiếp tục viết thêm tờ khai lý lịch.
Tôi đến Mỹ năm 1979. Tôi rời Việt Nam bằng tàu, một chiếc tàu rất bé. Người chủ tàu là bạn từ lúc nhỏ. Tôi liên lạc được với anh, anh đã cho tôi cùng đi vượt biên. Chúng tôi đi ở một địa điểm rất gần Nha Trang. Khi ra khơi tôi nhìn lại những hàng dừa mọc trên bãi biển. Tôi nghĩ mình sung sướng xiết bao khi được ngồi trên con tàu bé nhỏ này. Chúng tôi chỉ có một cái địa bàn nhà binh nhỏ để tìm phương hướng. Và chúng tôi đã đến được Phi Luật Tân.
Thời gian đầu ở Mỹ, tôi vẫn nghĩ về Việt nam. Tôi muốn trở về. Đó là một giấc mơ, một hy vọng. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn giấc mơ ấy: Được trở về để chiến đấu, chứ không phải để hưởng thụ như nhiều người khác.
Tất nhiên, tôi đã mơ về quê hương, tôi mơ đến căn nhà tôi. Nhưng trong cơn mơ, tôi sợ hãi không dám bước vào, vì một vài lý do. Có lẽ, bởi tôi sợ Cộng sản bắt lại. Khi thức giấc, tôi bồi hồi luyến tiếc. Tôi nghĩ: “Trong giấc mơ, tôi đã về đến gần nhà như thế, nhưng sao tôi đã không thể bước vào”. Ngay trong giấc mơ, tôi cũng chưa từng có thể bước vào căn nhà của tôi ở Việt Nam mà sống êm đềm trở lại.
Trước khi tôi rời Việt Nam, đã có nhiều dư luận được đồn đãi, chính tôi cũng đã tin. Dư luận đó nói rằng có một Mặt trận giải phóng đã được sắp xếp, tổ chức. Nhiều bạn hữu của tôi đã nghĩ nếu chúng tôi vượt thoát sang được Mỹ, thì sẽ gia nhập lực lượng này rồi trở về chiến đấu chống Cộng sản. Nhưng không phải như thế. Bao nhiêu hy vọng và lý tưởng tan vỡ cả nơi đây. Điều làm chúng tôi đau đớn là đến đây để khám phá một sự thật: Đó là không có kháng chiến thật. Và cuộc chiến đã tàn.
Nhưng tôi vẫn hy vọng sẽ có một ngày trở lại Việt Nam. Chính hy vọng ấy ngày nay đã giữ cho tôi không mất trí.

No comments:

Post a Comment