Đỗ Văn Phúc – Minh Thạnh
Posted on September 18, 2013 by minhhieu854
Trung đội 2 do Chuẩn Úy Chiêu chỉ huy đã nhảy xuống và bung ra ngay làm an ninh cho các đợt đổ quân sau của cả đại đội. Bãi đáp không phải là một khoảng trống hiếm hoi giữa rừng mà là ngay trên con đường do xe công binh Hoa Kỳ đã cày trước đây vài năm.
Vì rừng Long Nguyên bạt ngàn, quân Cộng Sản di chuyển ngày đêm nườm nượp như đi chợ. Công binh Hoa Kỳ đã dùng xe cày cực mạnh ủi thành những đường ngang dọc, chia khu rừng thành từng ô như bàn cờ. Mỗi ô vuông vức 100 x 100 mét vuông. Sau đó, họ dùng phi cơ nhỏ hay các toán Thám Báo của bộ binh rải la liệt những máy ghi tiếng động, máy dò hơi người vào các ô. Các sensors trong chiếc máy chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá sẽ chuyển tín hiệu về Trung Tâm Tác Chiến Điện Tử đặt trong Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn ở Lai Khê một khi có người di chuyển qua. Từ đây, chỉ một cú điện thoại là cả hàng trăm trái đạn pháo sẽ rót vào đó. Vừa nhanh, vừa gọn, đỡ hao xương máu quân bạn.
Các đơn vị hành quân, từ cấp Trung Đội Trưởng trở lên đều phải có bản đồ, địa bàn để định hướng. Khi xuất phát, đơn vị trưởng đo phương giác từ điểm xuất phát đến mục tiêu đã chấm sẵn trên bản đồ. Tiểu đội trưởng tiểu dội đi đầu sẽ hướng dẫn lính mình cứ thế mà xẻ rừng đi, cố gắng giữ đúng hướng. Vì theo như ông bà nói :”Sai một li, đi một dặm.” Dĩ nhiên, có nhiều chướng ngại làm cho hướng đi bị lệch. Vì thế, cấp chỉ huy cao hơn phải thường xuyên theo dõi và điều chỉnh bằng cách so sánh thưc địa với bản đồ, hoặc nếu ước lương mức sai lệnh xa, thì phải xin bắn trái khói để xác định nơi mình đang đứng.
Cũng thế, khi dừng và đóng quân, việc đầu tiên là xác định điểm đứng. Việc xác định này cần ít lắm là hai điểm chuẩn trên bản đồ và ngoài thực điạ. Có thể là một đỉnh núi, một ngả ba sông, ngả ba đường … Trong trường hợp hành quân sâu trong rừng mà không có điểm chuẩn, đơn vị trưởng sẽ phải chọn hai điểm trên bản đồ và kêu pháo binh bắn cho hai trái đạn khói nổ vừa đủ cao để dễ thấy và dễ đo phương giác. Điểm đứng của đơn vị là giao điểm của hai đường thẳng nối từ người đo đến hai điểm chuẩn.
Các đơn vị hành quân cấp Tiểu Đoàn trở xuống dùng bản đồ tiêu chuẩn là 1/50000. Trên bản đồ có những đường ngang, dọc cách nhau từng 2 cm một. Khoảng cách 2 cm tương ứng với một cây số trong thực địa. Như thế, mỗi ô trên bản đồ vuông vức 2 x 2 cm, thì ngoài thực điạ là một cây số vuông. Ở các Phòng 3, Ban 3 còn thêm bản đồ 1/100000 để theo dõi một vùng hành quân rộng lớn hơn. Tỷ lệ bản đồ càng cao (mẫu số càng nhỏ) thì bản đồ càng bao trùm khu vực lớn, càng ít chi tiết. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng kiếm được bản đồ tỷ lệ 1/25000 từ các bạn Mỹ, thì việc chấm tọa độ chính xác hơn. Đường ngang dọc trên bản đồ (grids) cũng như hai trục x và y trong toán học. Việc đọc điểm đứng là theo thứ tự x rồi đến y. Đơn vị là hàng trăm mét với sai số hàng chục mét. Khi chạm súng cần xin pháo yểm, thì thường bắn từ xa rồi điều chỉnh lại gần cho an toàn. Tuy nhiên việc pháo lầm vào quân bạn đôi lúc cũng xảy ra, do ảnh hưởng của gió, do sức giật hậu của súng, hoặc do thiếu thừa một chút thuốc bồi.
Qua giữa ngày N+1, sau khi di hành qua hai mục tiêu thì đã xế trưa. Đại đội dừng quân. Vẫn giữ đội hình hành quân, quân sĩ chia nhau ra bố trí tạm để nghỉ và chờ lệnh. Trung sĩ Minh bỗng chỉ tay lên trời nói: “B-52 trải bom anh em ơi!”
Nhiều cặp mắt hướng lên trời quan sát. Những vệt khói trắng dài hàng cây số từ những chiếc B-52 gần như vô hình vì bay quá cao trên nền trời xanh lơ mà mắt thường không thể thấy được.
Trong lúc đó, Thiếu Úy Thủy cầm tấm bản đồ xoay lui xoay tới để cho các đường kinh độ trùng hợp với kim la bàn để xác định lại mục tiêu và hướng tiến quân của đại đội. Từ rất xa, những tiếng bom nổ vang rền rung chuyển cả một khu rừng. Người ta kháo nhau rằng sức chấn động của những trái bom B-52 có khả năng sát thương cho những cán binh địch núp dưới các hầm hố trong một phạm vi khoảng 1 cây số đường kính. Từ trên trực thăng quan sát trận địa, có thể thấy các hố bom B-52 cách khoảng đều đặn như những vết lở loét màu vàng nâu giữa nền màu xanh thẩm của rừng già.
Các hố bom B-52 này có miệng hố rộng cả 10, 15, mét, và độ sâu cũng chừng 5, 7 mét. Giữa khu rừng mênh mông ít suối hiếm song này, đó là nguồn cung cấp nước cho binh sĩ dùng để nấu ăn. Dù rằng nước hố bom đục ngầu, đầy rẩy cây lá mục, xác thú rừng và có khi cả xác Việt Cộng đã tan rữa. Phúc nhớ có lần đã uống phải một thứ nước rất trong và sánh do binh sĩ hứng được. Vị nước lợ lợ, tanh tanh. Sau một hồi mới phát giác ra xác một tên Việt Cộng nằm ở trên nguồn lạch và chất nước vàng từ cái xác đang rữa hoà lẫn vào nguồn nước.
Đại đội đang di chuyển sâu vào vùng Minh Thạnh[1], phía tây Quốc lộ 13. Nơi đây, những năm trước chiến tranh là khu vực dân cư trù phú. Nay chỉ còn một quân lỵ nhỏ trơ trọi chừng vài chục nóc gia với một ngôi trường tiểu học nghèo nàn xác xơ. Có hai cô giáo nhỏ nhắn xinh xinh từ Bình Dương lên đây dạy học. Ở cái xóm nhỏ khỉ ho cò gáy này, các cô chắc cô đơn và buồn lằm. Nên mỗi khi lính hành quân ghé qua, mắt các cô sáng lên hướng về những chàng trai trẻ chờ đợi những lời tán tỉnh.
Qua khỏi Minh Thạnh, từ đây đi lên theo hướng Tây Bắc là cả khu rừng già bạt ngàn kéo dài đến biên giới Việt Miên, nơi nhiều đại đơn vị Cộng quân đang ẩn náu. Tuy hoạt động chiến sự có vẻ giảm đi so với những năm trước, nhưng các cuộc pháo kích vào căn cứ Lai Khê và quận lỵ Bến Cát vẫn diễn ra hàng ngày. Mỗi tuần vài ba đợt ngắn chừng chục trái hoả tiễn 107, 122 ly. Sư đoàn đã cho các đơn vị tuần tiểu lục soát nhưng vẫn chưa tìm ra được các vị trí đặt pháo của địch.
Sau ba lần tái khám và được phân loại 1 do vết thương không làm ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu, Phúc được Quân Y Viện trả về đơn vị gốc. Đại Úy Hiền không biết đặt anh vào chỗ nào nên cho ở Ban Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Mỗi khi có Đại Đội Trưởng nào đi phép hay đi học, thì cho Phúc ra xử lý. Lần này, Phúc ra Đại Đội 15 tạm thay thế Trung Úy Nguyễn Hữu Đát trong hai tuần. Quách Kế Nhơn đang làm phó cho anh Đát, thấy Phúc về thì rất mừng dù phải chịu lép vế chút đỉnh. Trước khi xuất quân, Đại Úy Hiền gọi Phúc ra dặn nhỏ:
– Chú cư xử khôn khéo kẻo thằng Nhơn nó buồn. Rán kiếm ra vị trí đặt pháo lập công thì anh Tư lăng xê cho.
Di chuyển đã gần nửa ngày. Mặt trời lên cao trên đỉnh đầu. Cơn nắng mùa hè tuy gay gắt, nhưng nhờ các cây cao lá cành xum xuê nên binh sĩ ít thấy mệt. Phúc cho dừng quân ăn trưa ở một góc rừng cạnh con suối Tàu Ô. Tại một nơi cạnh bờ suối, binh sĩ báo cáo thậy có nhiều dấu vế khả nghi. Trong khi Hạ Sĩ Nhàn chuẩn bị cơm nước, Phúc kéo Nhơn đi một vòng quan sát. Quả thật có nhiều vết dép râu qua lại gần đó. Càng xa bờ suối, dấu dép càng mờ dần và biến mất. Phúc báo cáo về Tiểu đoàn xin dừng lâu nơi đây để lục soát kỹ hơn, rồi cho hai trung đội bung thật rộng ra. Một hồi không lâu, binh nhất Phước chạy lại báo cáo:
– Thẩm quyền, có mấy cái nắp nhựa vung vải đàng kia. Tôi lượm một cái cho Thẩm quyền xem thử.
Phúc đón lấy cái nắp nhựa màu nâu. Nó lớn gần bằng cái nắp hộp bơ margarine do Quân Tiếp Vụ cung cấp. Anh xòe gang tay ra đo và bỗng phát giác đường kính của nó chừng gần một tấc rưởi. Anh mừng rỡ la lên:
– Hoả tiễn 122[2] ly chứ không chạy vào đâu khác. Lục soát kỹ quanh đây. Thế nào cũng tìm ra dàn phóng.
Thủy dẫn Trung Đội 1 đi một hồi rồi báo về:
– Mời Thẩm quyền ra đây xem ngay.
– Bảo anh em giữ nguyên các thứ. Đừng xê dịch. Chờ tôi.
Phúc kéo Nhơn cùng vài binh sĩ bươn đi ngay về hướng Trung Đội 1. Chỉ một khoảng chừng hơn vài phút là gặp một trảng trống rộng bằng cái sân đá banh. Vài người lính đang đứng quan sát những cái nạng làm bằng cây rừng ghép lại, cột chéo cũng bằng dây rừng. Có 4 cái như thế ở mé rừng chỗ tiếp giáp với trảng trống. Đó là những cái giá tự chế để đặt các ống hoả tiễn 122 ly hướng về căn cứ Lai Khê và quận lỵ Bến Cát. Rải rác trên mặt đất là những nắp nhựa như đã mô tả. Từ các giá phóng, có những sợi dây điện dẫn vào một căn hầm cách đó chừng 10 mét. Trong cái hầm chìm sâu dưới lòng đất và được che phủ bằng cây lá, anh em binh sĩ phát giác những cái thùng nhựa chứa nước và có vòi khoá ở mé đáy thùng. Thì ra đây là sự ứng dụng của nước để dẫn điện. Khi mở khoá vòi, nước sẽ giọt xuống một cái chậu bên dưới có nối với sợi dây điện. Đến một vạch nào đó cũng có một đầu dây điện được tính toán sẵn, thì mạch điện được chập lại, và hoả tiễn bên ngoài được kích hoả, phóng đi. Trong lúc Lai Khê, Bến Cát ăn đạn pháo, thì bọn cán binh Việt Cộng đã cao bay xa chạy hàng cây số nên không lo sợ bị phản pháo hay phi cơ oanh tạc trong trường hợp quân ta dò ra được trận địa pháo. Bắn hoả tiễn theo phương cách đơn giản này, nên dĩ nhiên không thể nào chính xác được. Do đó, phần lớn các trại đạn rơi vô tội vạ ngoài hàng rào, vào chợ, khu nhà dân, vào rừng cao su nên ít gây tổn thất nhân mạng binh lính và làm hư hại doanh trại của Sư Đoàn.
Thu góp hết các dữ kiện xong, Phúc báo cáo về Tiểu Đoàn
– Trình Đại Bàng, chúng tôi tìm ra đúng vị trí đặt pháo của VC.
– Có thu được trái đạn nào không?
– Thưa không có, nhưng có các giàn phóng và nắp đạn.
– Cho an ninh bãi đáp, có Mặt Trời xuống quan sát.
Phúc gọi các Trung Đội cho bung rộng ra, đặt tiền tiêu. Những năm gần đây, sự hoạt động của Cộng Quân chỉ còn ở mức độ quấy nhiễu của du kích lẻ tẻ. Vì thế, các bãi đáp được coí là tương đối an toàn; chỉ lo bắn sẻ chứ không lo bị cường tập.
Khi Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu từ Sư Đoàn 22 Bộ Binh về nắm Sư Đoàn 5 thay thế Thiếu Tướng Phạm Quốc Thuần, ông đã bổ nhiệm Trung Tá Bùi Trạch Dần làm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 thay thế Đại Tá Lê Nguyên Vỹ. Trong khi Đại Tá Vỹ được đánh giá là một sĩ quan đảm lược, thì Trung Tá Bùi Trạch Dần từng nổi tiếng là con mãnh hổ miền Trung. Chúng tôi không mong gì hơn được phục vụ dưới quyền những cấp chỉ huy giỏi. Đối với Đại Tá Vỹ, chúng tôi mến mộ ông nhưng không dám đến gần, vì ông nóng tính và nghiêm khắc quá mức. Còn Trung Tá Dần thì vui vẻ, cởi mở. Mỗi lần về Trung Đoàn Bộ để họp, ông thường tìm đến trò chuyện với các sĩ quan cấp nhỏ rất thân tình. Thiếu Tướng Hiếu thì khỏi nói. Chúng tôi thường gặp ông ra ăn cơm tại câu lạc bộ Sư Đoàn như bất cứ sĩ quan nào khác. Ông giản dị và hiền lành. Tuy ông cao lớn, cường tráng, nhưng lúc nào cũng nói năng nhỏ nhẹ. Có lần đang chạm súng, vừa lo điều quân vừa lo chấm tọa độ cho phi pháo; người âm thoại viên đưa ống liên hợp vào tai tôi mà nói tiếng được tiếng mất:
– Thẩm quyền liên lạc với 54.
– Đ. M. 54, 55 là cái anh nào? Đang rối cả lên đây.
Người lính truyền tin hoảng hồn, vội bịt ống nói, hét vào tai tôi:
– 54 là ám hiệu của Tư Lệnh Sư Đoàn đó Thẩm Quyền.
– Chết cha, chắc ổng nghe hết rồi. Kỳ này hết sống.
Cấp Đại Đội mấy khi liên lạc truyền tin tới tầm cỡ Sư Đoàn mà biết hết các ám hiệu truyền tin của các vị trên đó. Thông thường, các ông Tư Lệnh sử dụng danh hiệu: Mặt Trời, Thái Dương, Sao Mai … Và các ám hiệu này cũng thay đổi luôn.
Ấy vậy mà cả tháng lơ lửng như ngồi trên lửa, nghe ngóng khắp nơi; nhưng tôi chẳng nghe, chẳng thấy gì xảy ra cho thân phận bé nhỏ của mình. Có lẽ Tư Lệnh có nghe thật, nhưng ông thông cảm hoàn cảnh chiến trận mà bỏ qua chăng? Dù sao, tôi vẫn tự coi mình mang một cái tội bất kính mà chỉ có ra sức chiến đấu phục vụ để báo đáp lại sự khoan thứ của ông.
Trong khi hai trực thăng võ trang bay quần trên vùng trời, thì hai chiếc trực thăng trong đó có một chiếc có gắn phù hiệu Sư Đoàn và cấp hiệu hai ngôi sao trắng bên hông cửa nhẹ nhàng đáp xuống. Thiếu Tướng Hiếu và nhiều sĩ quan cao cấp nhanh nhẹn đến quan sát nơi đặt pháo. Xoay qua tôi, ông hỏi:
– Thiếu Úy Phúc phải không? Có bao nhiêu nắp hoả tiễn?
– Thưa Thiếu Tướng, có chừng hơn hai mươi lăm cái. Có cả nắp hoả tiễn 107 ly nữa.
– Có lục soát xa hơn để tìm thêm vị trí nào khác không?
– Thưa, chúng tôi vừa phát hiện ra chỗ này thì báo cáo ngay. Chưa có thì giờ đi xa hơn.
– Nhìn cách đặt các giá này thì biết chắc chúng nhắm vào Lai Khê. Trung Tá Dần góp ý.
– Nói Đại Úy Hiền làm danh sách đề nghị tưởng thưởng xứng đáng cho anh em nhé. Tuy không có chạm súng, nhưng việc khám phá này cũng giúp cho Lai Khê yên ổn một thời gian.
Chúng tôi cho phá hết các “giàn phóng” và đặt mìn giật sập cái hầm rồi di chuyển tiếp về mục tiêu mới.
Chiều tối, Đại Úy Hiền gọi ra bảo đưa tên vài binh sĩ có công trong việc khám phá giàn phóng. Anh nói
– Thằng Nhơn từ ngày ra trường chưa có cái Anh Dũng Bội Tinh nào, chú đề nghị cho nó cái ngôi sao bạc nhé. Sư đoàn cho hai cái đồng nữa cho anh em binh sĩ, hạ sĩ quan. Còn phần chú, còn nhiều dịp, anh Tư lo cho. Đừng buồn.
– Buồn gì anh Tư, Còn ở Tiểu Đoàn là còn khối dịp.
Đại đội còn hành quân thêm cả tuần mới bắt đầu nhận các mục tiêu trở ngược về hướng căn cứ. Đi hành quân mà không chạm súng chẳng khác nào đi trại bay thời còn ở Tráng Đoàn Hướng Đạo. Ngoài những phút gian nguy giữa rừng già, vẫn kiếm được chỗ đóng quân với cảnh sắc nên thơ để thể tìm ra những lúc tạm an bình để thả hồn về với gia đình, nhớ đến người vợ hiền và đàn con bé bỏng.
Chiến tranh sẽ kéo dài đến bao lâu?
Nào ai biết!
No comments:
Post a Comment