Wednesday, April 7, 2021

 

Ôi! Nguyễn Cao Kỳ!

Trước '75 ở VN, tôi chỉ là 1 sỉ quan KQ "cắc ké", chỉ biết Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ qua báo chí, TV... Sau này ở Mỹ, đọc bài viết của những người Không Quân mới biết thêm. Tôi không theo phe ủng hộ hay chống đối ông NC Kỳ. Thấy bài viết lạ lạ, tôi post lên cho độc giả KQ đọc cho biết, hoàn toàn không có ý kiến đúng hay sai gì cả.
KiwiTeTua
Ôi! Nguyễn Cao Kỳ!
Trần Đỗ Cung

Tôi biết anh ta hồi tôi mới ở Pháp về năm 1953 khi được Thiếu tá Hổ cho làm phụ tá kỹ thuật. Lúc ấy Không Quân Việt Nam còn trong giai đoạn phôi thai, mới có loe ngoe vài đơn vị máy bay bà già và còn các cố vấn Pháp mọi nơi. Nguyễn Cao Kỳ cũng mới hồi hương được ông Hổ chỉ định vào làm việc trong Groupe Sénégal của Pháp để nhận đơn vị vận tải này khi Pháp chuyển giao. Trong một phi vụ huấn luyện trên đường bay Sài Gòn-Clark Field-Okinawa- Tokyo và trở lại trong 5 ngày tôi được chỉ định tháp tùng và gập Kỳ làm phi công phụ cho một Đại Úy Pháp là phi trưởng chỉ huy. Tôi thấy Kỳ ít nói, chăm chú theo chỉ dẫn của viên Đại Úy Pháp, sắc mặt bì bì, nước da ngăm đen xám, người dong dỏng cao và đặc biệt có bàn tay nhỏ nhắn với ngón thuôn dài và khẳng khiu luôn kẹp điếu thuốc lá và cặp mắt bít có người gọi là mắt lươn.

Trong hành trình đến phi trường quân sự Mỹ Clark Field khi lo với căn cứ Mỹ này để dành chỗ nghỉ qua đêm thì tôi đứng ra thu xếp vì vốn Anh ngữ của tôi tuy nghèo nàn nhưng còn hơn mọi người đến nỗi viên Đại Úy Pháp quay nói với Kỳ, “Il parle Anglais comme père et mère”! Trong suốt chuyến bay mọi việc liên lạc với không lưu đều do Đại Úy Tây làm hết, nhất là khi đến Okinawa với thời tiết xấu thì các thể thức khẩn cấp và đáp đều do anh này thực hiện. Tới Tokyo ở lại ba ngày tại Akasaka Price Hotel, khi đi ra phố cả nhóm tôi mới có dịp chuyện trò đôi chút với Kỳ để thấy anh ta ít nói, giọng trầm và nét mặt không bao giờ thay đổi.

Trong công việc phụ tá Kỹ Thuật cho Thiếu Tá Hổ có vài lần tôi qua Phi Đoàn Vận Tải đã chuyển giao cho ta và Kỳ được giao chỉ huy. Buổi trưa khi mọi người đều nghỉ tôi leo lên vài chiếc Dakota khám xét các giây cáp điều khiển bánh lái. Tôi rút chiếc mù xoa trắng tinh trong túi ra và lúi húi tuốt từng sợi cáp thì thấy chỗ nào cũng vướng dính các sợi bông trắng của khăn tay, nghĩa là những sơi cáp nhỏ hơn ngón út một chút đã có những sợi con bện lại bị tưa đứt. Các phi cơ do Pháp xử dụng trong chiến trường Bắc Việt đã quá lâu không được chăm nom đầy đủ vì chiến trường cấp bách. Vì an toàn tôi liền đề nghị Thiếu Tá Hổ cho lệnh ngưng bay các C-47 để chờ các cơ phận cáp mới thay thế. Trong một buổi họp tham mưu dưới quyền Thiếu Tá Hổ, Đại Úy Kỳ hùng hổ chỉ mặt tôi và nói, “Từ nay tôi không muốn Đại Úy Cung mò sang đơn vi tôi, leo lên phi cơ mà không có phép của tôi”! Thiếu Tá Hổ ôn tồn trả lời, “Đại Úy Cung làm việc là thay mặt tôi” và Kỳ im bặt.

Một lần nữa dưới sư chủ tọa của Tư Lệnh mới Trung Tá Nguyễn Xuân Vinh khi mọi người đang chăm chú họp bàn thì Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ bỗng nhiên rút khẩu Colt 45 đặt cái phịch xuống bàn và ngang nhiên tuyên bố, “Tôi không đồng ý đưa chính trị vào Không Quân. Nếu quanh ta mọi sỉ quan đều thăng thưởng và sắp xếp chỉ huy vì vào đảng nào đó thì chẳng mấy chốc mà quanh ta chỉ còn lại một lũ điếu đóm bất tài thôi”! Tư Lệnh Vinh xa xầm nét mặt từ đỏ xuống xám xanh rồi cuộc họp chấm dứt sau đó một cách hết sức vô duyên. Nhắc lại hồi ấy là đầu 1960 khi quan sát phi hành Đỗ Khắc Mai là Cần Lao Ủy Không Quân làm việc tại Trung tâm Huấn luyện Nha Trang đã giới thiệu Vinh với Ngô Đình Cẩn để được đề bạt thăng cấp nhanh chóng về thay ông Hổ. Công việc đầu tiên của tư lệnh mới là đưa Đỗ Khắc Mai về làm Tham Mưu Trưởng để thiết lập bàn tại Phi Đoàn Liên Lạc của Thiếu Tá Phạm Ngọc Sang gọi các sỉ quan đến ký gia nhập đảng Cần Lao Nhân Vị.

Bẵng đi khá lâu, sau khi đi thụ huấn Tham Mưu ở Mỹ về và được chỉ định vào chức Tham Mưu Phó vô thưởng vô phạt thì Nguyễn Cao Kỳ bị thất sủng mất chức chỉ huy Liên Phi Đoàn Vận Tải để chờ đi làm huấn luyện viên phi hành ở Nha Trang. Tôi được Trung Tá Phạm Ngoc Thảo móc nối vào vụ đảo chính Ngô Đình Diệm với mục đích lôi Không Quân vào nội vụ. Sau khi tôi đề nghị nên kéo Kỳ đang bất mãn vào công việc thì họ yêu cầu tôi liên lạc việc này. Tôi liên lạc với Kỳ tại văn phòng chỉ huy và nhận thấy anh ta mất hẳn cái sắc khí tự đắc thường nhật rồi xiết tay tôi chặt chẽ đồng ý. Đêm đảo chính xẩy ra, tôi vẫn ngồi tại bàn giấy nghe tin tức thì khoảng ba giờ sáng Kỳ hùng hổ đi qua kéo theo bốn năm người thủ túc súng ống đầy mình đi bắt Tư Lệnh Huỳnh Hữu Hiền và Trung Tá Phạm Ngọc Sang là phi công riêng của Tổng Thống.

Thế rồi viên sỉ quan vô danh bỗng chốc trở nên xông xáo trong cái Hội Đồng Quân Lực bát nháo, thăng cấp nhanh chóng lên Thiếu Tướng Tư Lệnh Không Quân, đóng vai chủ động trong các cuộc chỉnh lý và đảo chính liên tiếp, ăn nói xàm xỡ như đùa Nguyễn Văn Thiệu “mắc bệnh teo chim”! Khi được cử đi bái yết Vua Thái Lan trên một phi cơ C-47 Không Quân, có nữ tiếp viên Hàng Không Việt Nam qua phục dịch, Kỳ đã nham nhở tán tỉnh mặc dầu biết là cô Đặng Tuyết Mai đã hứa hôn với một phi công dưới quyền. Rồi anh ta lấy trực thăng bay là là trên không phận thủ đô dọc đường Bonard để cua đào khiến cho Thủ Tướng Trần Văn Hương tức, bảo tên phi công nào hỗn láo dám bay trên địa bàn Sài Gòn?


Tên phi công này chính là Bộ Trưởng Thanh Niên trong chính phủ Hương, giao cho tôi làm Đổng Lý Văn Phòng và chỉ đến Bộ có một lần bằng trực thăng đáp xuống sân cỏ phô trương với các công chức nam nữ vỗ tay tán thưởng.

Sau khi chính phủ dân sự Phan Huy Quát từ chức giao lại công việc cho Hội Đồng Quân Lực thì cái hội đồng vô phèng nầy đề nghị Tướng Phạm Xuân Chiểu lãnh trách nhiệm lập chính phủ. Tướng Chiểu khiêm tốn chối từ và anh Xuân-Tóc-Đỏ Nguyễn Cao Kỳ hăng hái đứng lên thành lập chính phủ của dân nghèo dưới Đảng Ka Ki. Mặt Trận Giải Phóng gia tăng áp lực kinh tế phong toả gạo nước và thực phẩm bóp nghẹt đời sống thủ đô làm cho dân chúng nhốn nháo. Nội các lập ra Tổng Cuộc Tiếp Tế lo đương đầu tình thế giải tỏa sức ép đối phương. Khi tôi đưa chương trình năm điểm mù mờ lên Thủ Tướng thì không ngờ Kỳ chẳng cần hỏi han cặn kẽ lý do, phóng bút ký toẹt Thuận bên lề bằng một chữ ký mà chữ y kéo dài xuống hết trang giấy. Anh ta chỉ nói vẻn vẹn một câu vắn tắt, “Tôi giao cho ông Cung và Đô Trưởng Văn Của lo công việc thịt heo mà nếu không xong thì nhốt cả hai ông vào kho đông lạnh của BGI”!

Năm 1975 vài ngày trước khi Việt Cộng tiến chiếm Sài Gòn, Tướng Kỳ còn ra nhà thờ Tân Sa Châu hăng hái tuyên bố, “Mọi người cùng tôi ở lại chiến đấu đến phút chót”. Thế rồi chỉ ít lâu sau y trở vào căn cứ Tân Sơn Nhứt, lỉnh lên trực thăng riêng bay ra Hạm đội 7, để lại cả bọn bạn bè ngơ ngác. Ta đã thấy cảnh Tướng Kỳ buồn xo bước chân xuống sàn chiến hạm Mỹ, tháo bỏ chiếc súng lục ném xuống biển mà mặt mày tiều tụy.


Khi gia đình chúng tôi tạm trú tại Fort Chaffee chưa biết tương lai ra sao thì ngày 10 tháng Sáu bỗng thấy Kỳ xuất hiện, ăn mặc chải chuốt một bộ quần áo da lộn mầu nâu nhạt loại đắt tiền của các minh tinh Hollywood, nói năng thăm hỏi và khuyên nhủ mọi người như thể nắm vững tình hình! Sau khi ra trại ngày 3 tháng 7 1975 về Monterey, với sự bảo trợ của nhà thờ Saint Timothy Lutheran Church, chúng tôi đã ổn định đời sống và vào được hệ thống franchise 7-Eleven cuối năm 1976. Bỗng một hôm vào tháng 9 1977, Kỳ điện thoại liên lạc muốn lên gặp. Kỳ và vợ đi cùng cô con gái Kỳ Duyên 12 tuổi, kéo theo một đoàn tùy tùng như xưa ở Sài Gòn. Tôi đưa họ đến El Rancho Motel cũng lịch sự ngay đường chính Fremont. Nhung khi cùng đi ra thì bà Kỳ nói riêng với tôi, “Con nhỏ hôm nay buồn lắm vì nó quen đi với bố mẹ ở những chỗ sang trọng rồi”! Tôi thấy nóng mặt nên ra Motel Office đòi lại thẻ Visa.

Chiều tôi mời về nhà ăn cơm với canh chua cá bể. Trong lúc ngồi ăn vui vẻ thì bỗng nhiên Kỳ chỉ mặt vợ nói to, “Moa cho toa biết nếu toa lộn xộn thì moa bắn bể óc”! Mọi người xững xờ và bà Kỳ sửng sốt nói, “Sao anh nói năng kỳ vậy trước mặt anh chị Cung”? Và ăn uống tiếp diễn trong bầu không khí lạnh nhạt, khi Kỳ đề nghị tôi chung vốn mua tàu đánh cá. Tôi trả lời, đâu có tiền mà chung với đụng và Kỳ nói tôi không cần tiền mà chỉ cần khả năng quản trị của tôi thôi.

Thế rồi Kỳ về Nam mua một tầu đánh cá giao cho một cựu phi công chỉ huy và bị chìm mất cả vốn cũng như vụ liquor store trước đó. Kỳ qua New Orleans đi đánh tôm gập bà Kim là vợ một Trung Tá Không Quân mở nhà hàng ăn ở đó và lang bang thế nào lại chôm luôn bà này, cũng là vợ một chiến hữu. Đó là bước đầu cho một sự nghiệp mới, trong khi rách nát không còn ai muốn tennis cá độ với mình vì được thì lấy tiền cá mà thua thì chỉ ký sổ. Nghe nói bà Kim có liên hệ với Phan Văn Khải qua cô con gái, khi mở bar cho khách Mỹ ở Cam Ranh cho nên đã có cửa hàng nouveautés tại Hà Nội. Vì vậy mà tên Nguyễn Đình Bin móc nối đưa Kỳ về thần phục, môi giới xây dựng sân golf gần Đồ Sơn ăn hoa hồng với nhóm tư bản Mỹ.

Năm 2004, sau khi họp hội Không Quân dưới Westminster, về sớm vì việc nhà thì tôi được cựu Chuẩn tướng Đặng Đình Linh điện thoại cho biết, “Anh không ở lại đi ăn cơm với Tướng Kỳ”. Hỏi ra mới biết là ngay hôm sau ngày hội ngộ 7-3-2004 (Kỳ tránh không đi họp), Kỳ cho liên lạc mời một số Không Quân đi ăn cơm trưa tại một nhà hàng ăn Tây. Có cả thẩy độ hai chục người dự. Mở đầu Kỳ nói, “Tôi muốn báo để các bạn mừng cho tôi là tình hình kinh tế của tôi bây giờ đã dễ thở rồi”. Vừa ngồi bàn được chừng nửa giờ thì có một thanh niên cỡ ba chục tuổi, ăn mặc diêm dúa sang trọng, veston cravatte lịch sự bước vào. Anh ta nói, “Cháu xin kính chào các chú các bác”. Kỳ giới thiệu ngay, “Đây là con nuôi tôi”. Cậu này tiếp tục nói, “Khi nào các chú các bác muốn về thăm quê hương thì cho cháu biết để thu xếp mọi viêc cho đàng hoàng đón tiếp”.

Mọi người ăn uống thoải mái khi chàng này chào từ biệt. Có lời xầm xì nói đó là con trai Phan Văn Khải và mục đích của Kỳ mời ăn là chứng tỏ cho phe bên kia biết là ta có hậu thuẫn đây.

Kỳ đi về Sài Gòn như cơm bữa, được đảng cho ở Hotel Sheraton, có Bác sỉ săn sóc, mỗi ngày chi phí cả ngàn dollars. Anh ta tuyên bố lăng nhăng về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, hòa hợp hòa giải với người chết trước. Được trọng đãi ngập mặt, anh phải trả ơn. Đó là dịp Nguyễn Minh Triết qua Hoa Kỳ gọi cò mồi về săn đón tại phi trường. Trong bữa tiệc tại Dana Point, Kỳ phải muối mặt đứng đọc vài lời bất hạnh, tự nhận là đại diện cho đồng bào hải ngoại ở Mỹ, ăn nói hết sức ti tiểu, bẩm báo với “Ngài Chủ Tịch” rất hạ cấp. Trên màn hình TV ai cũng thấy một gương mặt chuột kẹp, trán hói lên đến đỉnh đầu, đôi mắt lươn lờ đờ, làm cho mọi người ngỡ ngàng sao mà có thể xuống cấp nhục nhằn thô bỉ đến như vậy! Tôi sực nghĩ đến danh hiệu Don Quichote, tôi đã đặt cho y trong buổi họp tiền đảo chính với Trung Tá Phạm Ngọc Thảo và Trung Tá Phạm Đăng Tấn tại căn nhà của Đại Tá Đỗ Mậu hồi tháng Tám 1962, như là một người liều mạng mà trí đoản, tôi bây giờ mới thấy là một cái tên quá sang đối với một người quá bần tiện.

Trần Đỗ Cung
______________________________________________


Tiểu sử Trần Đỗ Cung

- Sinh ngày 28 tháng Ba năm 1922 tại Nho Lâm, Nghệ An.
Chính quán tại Nhị Khê, Hà Đông. Trưởng thành ở Thanh Hóa.

- Tốt nghiệp Thành Chung tại Collège de Thanh Hóa, nhập học trường Quốc Học Khải Định Huế và tốt nghiệp Tú Tài toàn phần Toán năm 1942.

- Ra Hà Nội học môn Toán Chuyên Biệt (Mathématiques Spéciales) ở trường Albert Sarraut và đậu các bằng Toán Học Tổng Quát (Mathématiques Générales), bằng Cơ Học Lý Tưởng (Mécaniques Rationelles) năm 1944 và 1945.

- Trong thời kỳ này hoạt động tích cực với Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương, Tráng Đoàn Hướng Đạo Lam Sơn của Hoàng Đạo Thúy. Và tham gia phong trào Ái Quốc Việt Minh chống Pháp cho đến khi trở về Hà Nội năm 1947, làm gián điệp đột nhập đầu não của Pháp ở Thành Pháo Thủ. Năm 1949 thành hôn với cô Nguyễn thị Bảo, là con cụ Phủ Nguyễn Đình Tại. Nhận làm Giám Đốc Thể Dục Thể Thao cho Bộ Trưởng Nguyễn Tôn Hoàn và di chuyển vào SàiGòn.

- Động viên nhập ngũ năm 1953, du học Pháp Quốc tại trường Không Quân Salon de Provence và tốt nghiệp cuối năm 1955 với bằng Kỹ Sư Cơ Khí Hàng Không.

- Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thanh Niên năm 1964, rồi Tổng Cuộc Trưởng Tổng Cuộc Tiếp Tế 1965-67, ngang hàng Thứ Ủy trong chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, đương đầu và phá vỡ sự phong tỏa kinh tế Thủ Đô của Việt Cộng.

- Về hưu quân đội Tháng Mười 1972 với cấp bậc Trung Tá và vào thương trường cho đến khi mất nước thì may mắn di tản qua Mỹ Tháng Tư 1975 rồi được bảo trợ về định cư tại Monterey California cho đến nay, 2007.

10 năm sau ông qua đời tại San Jose.

No comments:

Post a Comment