Wednesday, April 7, 2021

 

Rời Việt Nam

Đọc bài để thấy những xứ Á Châu khốn nạn... Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương (Indonesia). Chỉ có Phi Luật Tân (Philippines), Hồng Kông là những quốc gia tương đối giúp đở người tỵ nạn VN.


Rời Việt Nam
Phi Nga



Đã nhiều lần tôi muốn viết nhưng rồi lại chẳng thể hoàn tất, câu chuyện vượt biên tháng 4 năm 1979. Cứ thảo được vài giòng rồi xóa bỏ.

Không phải vì đã có nhiều câu chuyện về chuyến ra khơi, nhiều hoàn cảnh đi rồi không đến sau tháng Tư năm 75 mà tôi từng được đọc mà vì mỗi lần nhớ về chuyện vượt biên tôi lại bị cơn ác mộng. Đến nay là đúng 41 năm rời Việt Nam, thế mà tôi vẫn thỉnh thoảng nằm mơ về ngày ấy.

Gia đình chồng ở ngay đường Nguyễn Trung Trực, trước chợ nhà lồng Rạch Giá. Căn nhà còn sót lại sau những căn mà họ đã trưng dụng để làm Ty Giáo dục, làm Bưu điện thành phố và làm Đồn trú Công an.

Sau khi chồng đi tù về chúng tôi không được ở Sài Gòn. Tổ dân phố gạch xóa hộ khẩu và yêu cầu chồng tôi về nguyên quán. Tôi về lại nhà cha mẹ ruột, thỉnh thoảng xài tờ giấy của phòng Tổ Chức trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn điều về trình diện ty giáo dục Kiên Giang để có tờ giấy đi đường và để mua vé xe đò đi lên đi xuống.

Khi anh về Rạch Giá theo quy chế quản thúc, công an khu vực là tên công an có hai cái răng cửa bọc vàng nên dân chúng gọi tên Năm Răng Vàng. Sáng nào cũng đến viếng rồi bắt anh đi xuống vùng có tên là Miệt Thứ Chín để lao động vinh quang với gói lương khô vài ba ngày tự túc. Lao động cả năm ngày, cuối tuần anh mới được về nhà mẹ ruột. Về đó anh phải viết báo cáo: ngày nào, làm gì, giờ nào gặp ai, nguyên tuần luôn và phải thành thật khai báo mọi chi tiết.

Khi tôi xuống, mục đích là thăm chồng và tìm đường vượt biên, má chồng tôi khai tôi là cán bộ nhà nước với đầy đủ giấy tờ công tác nên tôi được yên thân. Tôi xử dụng tờ giấy của phòng Tổ Chức trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn đi nhận cộng tác tại Ty Giáo dục tỉnh Kiên Giang để ra phường khóm xin giấy đi đường. Cứ đi lên đi xuống nhưng tôi không trình diện và cứ thế cho đến ngày tìm được chổ vượt biên.

Năm 1979, cao trào người Hoa bị đuổi khỏi VN. Phong trào bán chánh thức vượt biên hầu như chánh thức. Dưới Rạch Giá, người Hoa xí xô xí xào và đi lềnh cả khu trung tâm Rạch Giá. Tôi băn khoăn nghi ngờ về chuyện vượt biên bán chánh thức này, cho là bị gạt và những người Hoa này đang chui đầu vào rọ. Một hôm, tôi thấy trong căn nhà bên chồng mình đầy người lạ. Thì ra chủ tàu người Hoa thuê bao những căn phố lớn gần chợ để đổ người từ Sài Gòn xuống. Căn nhà của má chồng tôi được bà chủ (bà vợ thứ ba) cùng người nhà là mười người đến ở. Bà chủ vợ thứ ba lại là người Việt Nam, bà ấy gần năm mươi tuổi, đẹp người và nom sang trọng với phong cách của người Hà Nội 54. Bà trọng người có học nên khi biết vợ chồng tôi có trình độ đại học và biết sinh ngữ Anh Pháp, bà rất quý.

Tôi nhìn thiên hạ chuẩn bị vượt biên, thấy họ vui tươi mua sắm ăn uống dạo phố công khai mà vui theo. Thật khác hẳn với chuyến vượt biên đi vào sông ông Đốc của chúng tôi cách đó không lâu: chèo xuồng suốt đêm, ngủ trong rừng với bầy muỗi nổi tiếng của rừng Cà Mau, lội sình ngập gối rồi sau đó hối hả thối lui trong đói khát và sợ hãi.

Lúc này tôi đã tin vượt biên bán chánh thức là thật. Mỗi đầu người từ Sài Gòn xuống là 12 đến 15 cây vàng. Số tiền khổng lồ và niềm ao ước được đi bán chánh thức khiến đêm đến tôi cứ nằm mà mơ không ngủ được. Vậy mà chúng tôi bỗng nhiên trúng số khi có vài người Hoa trong thời gian ăn dầm nằm dề chờ ngày xuất trận bỗng bỏ cuộc, bỏ tiền bỏ vàng. Họ quay về Sài Gòn hoặc họ nhảy qua chuyến tàu khác được xuất hành sớm hơn? Tôi không biết, chỉ biết bà chủ gọi tôi ra hỏi có chạy được 4 cây vàng để thế chổ? Tôi tức tốc lên Sài Gòn kể cho ba má biết và má tôi đã giúp vàng cho vợ chồng tôi đi. Cái thân tù cải tạo và lý lịch xấu thì một hai ba bốn gì chúng tôi phải rời VN, rời càng sớm càng tốt mà nay lại được đi công khai không lo công an chận bắt! Thế là trong hai chuyến vượt biên ba má tôi đã hy sinh gần hết vốn liếng của gia đình cho con gái. Công ơn trời biển!

Vợ chồng tôi trước ngày xuống tàu phải di chuyển từ khu chợ nhà lồng ra khu nhà sát con sông lớn, nơi tàu bè được đóng và đậu ở đó để xuất hành. Kể từ hôm đó, tôi phải ráng nhớ tên trên giấy tờ là Wồng A Muối, còn chồng tôi mang tên Pánh Pao hay bánh chà cháo quẩy gì đó thật tình tôi không nhớ nổi.

Khách của bà chủ thứ ba toàn là người Việt giả dạng người Hoa, tập trung vào căn nhà lớn, còn lại toàn người Tàu Chợ Lớn. Chúng tôi, nhập vào đoàn khách này, phải nói tiếng Việt lơ lớ che dấu thân phận. Họ bao thuê những căn nhà của dân ở hai bên đường, dĩ nhiên phải qua mối lái của công an. Chúng tôi chờ đợi trong phập phồng vì ngày nào còn nằm chờ trong tay công an, ngày đó còn hiểm nguy chào đón.

Rồi ngày lên đường đã đến. Ba má tôi ở Sài Gòn còn ba má chồng ở cách đó năm mười cây số nhưng không ai dám lộ diện sợ lòi đuôi không phải gốc Hoa nên khi bước lên cây cầu gỗ, lên tàu rời VN vĩnh viễn, không người thân đưa tiễn, tôi thật buồn thật nhớ cha mẹ anh em. Lúc đó tâm trạng tôi hướng về cha mẹ, anh em nên tôi không phập phồng lo sợ bị bại lộ giả người Tàu khi hai tên công an kiểm soát gấy tờ trước khi đi vào bến cảng.

Lao vào thân tàu chúng tôi được cho vào tầng lửng, bên dưới đã đầy nghẹt người. Chao ơi, tôi không ngờ nhiều người đi như vậy. Mới đầu còn duỗi cặp chân, chiều tối xuống thì tôi chỉ còn ngồi bó gối. Vài tiếng đồng hồ chờ đổ người xuống thôi mà tôi thấy dài như không bao giờ chấm dứt. Cuối cùng khi trời sập tối, tàu dần dần di chuyển, nhiều người khóc trong đó có cả tôi vì nghĩ không bao giờ gặp lại người thân.

Tàu chạy từ sông ra biển, có công an hộ tống dẫn đường bằng ghe nhỏ. Khoảng một tiếng đồng hồ thì tàu dừng lại, nhiều người với hành lý lao vào khoang tàu. Hóa ra công an khu vực họ vớt thêm người, gom một số tiền bỏ túi riêng ngoài danh sách. Những chuyến ghe nhỏ gắn máy đuôi tôm cặp sát tàu lớn, công an chuyền vào tàu thêm năm bảy chục người nữa, sau đó tàu mới được đi. Theo thỏa thuận, công an bảo kê tàu bán chính thức vượt biên, kè theo tàu cho đến lúc ra hải phận quốc tế; tôi đoán vậy khi nghe các gia đình chủ tàu lao xao reo vui, vỗ tay bye bye. Công an biên phòng làm xong nhiệm vụ, theo lệnh chủ tàu, ai còn tiền VN trong túi dốc tặng đám công an.

Tàu chạy tiếp thêm một lúc, ông bà Trương chủ tàu khui sâm banh ăn mừng, nghe tiếng “bóc bóc“ nổ thì cùng lúc đó tiếng động cơ tắt lịm. Máy hư!

Cả tàu ngơ ngác nhìn nhau không tin được. Tàu mới đóng, máy động cơ mới toanh, mới ráp mà! Chúng tôi mon men leo lên trên, thấy chung quanh biển êm như mặt hồ. Anh tài công và mấy người thợ đang hò hét chửi thề liên tục. Tàu lắc nhẹ trên nước và theo gió trở mũi tàu hướng đất VN. Xa xa có vài chiếc ghe đánh cá của người Việt. Khi họ tò mò ghé vô, chủ tàu liền đưa tiền nhờ họ vào đất liền báo với công an là tàu đi bán chánh thức mang số VNKG 009 bị chết máy và xin giúp đỡ.

Cuối cùng chúng tôi được công an cho ghe đánh cá loại lớn ra kéo trở vô bờ. Chủ ghe thương thảo và chúng tôi được đổ bộ xuống vùng Tà Niên. Lại tạm trú nhà dân chúng. Chủ nhà có nhiệm vụ nấu cơm ngày ba bữa cho chúng tôi và chúng tôi tiếp tục đóng tiền ăn và chờ. Tôi thuê ghe khách đi về chợ Rạch Giá, báo tin cho bên chồng hay tự sự và ra bưu điên đánh điện tín về Sài Gòn cho ba má tôi hay.

Khu Tà Niên nơi chúng tôi ở nổi tiếng về khóm. Khóm Tắc Cậu Tà Niên ngọt như ăn cục đường nên thời gian ở đó chúng tôi mượn chủ nhà làm cho mấy lon ghi gô khóm đặng mang theo, đúng là cứ tưởng như đi du lịch! Chủ nhà là người Tiều nên sáng nào tôi cũng ăn cháo trắng với chao với cải xá bấu. Trưa chiều ông xào cho thịt ba rọi với rau, toàn là mỡ với mỡ! Ngày nào cũng ăn giống ngày nào, thật ớn!

Sau một tháng ở đó chờ sửa máy, chúng tôi mừng thật mừng khi nghe tin sẽ được ra đi. Trong thời gian tại Tà Niên, ghe lại tiếp nhận thêm vài chục người mới. Vào ở chung với chúng tôi là vợ chồng anh Ba bụng bự người Việt trăm phần trăm nhưng phong cách rất Ba Tàu, cỡi trần suốt ngày khoe chiếc bụng to như bà bầu năm tháng. Anh có rất nhiều tin tức về chuyện tàu bè bán chánh thức. Năm đứa con đã đi trước, giờ hai vợ chồng đi với một đứa con nhỏ. Anh cho biết một tin nóng hổi là các chuyến tàu bán chính thức, sau chuyến của chúng tôi ra khơi, bị đình chỉ vì lệnh từ Hà Nội. Người ta bán nhà cửa để đi nay phải lếch thếch trở lại Sài Gòn, tiền mất nhà bay! Vợ chồng anh Ba lanh lợi, đút lót công an nên nhẩy qua được chiếc ghe của chúng tôi, thuộc loại ghe đã có giấy phép ra khơi. Sau này gia đình bên chồng tôi xác nhận đúng là mấy ngàn gia đình đóng vàng chờ ra khơi đi vượt biên bán chánh thức tại chợ Rạch Giá phải đi ngược về Sài Gòn hay nơi khác vì không một chiếc nào được rời bến nữa! Thê thảm và khốn khổ! Anh Ba có năm đứa con cho vượt biên bán chính thức trước đó nửa năm khi anh đến Nam Dương có nhờ chúng tôi hỏi thăm Cao Ủy Liên Hiệp Quốc nhưng tìm không ra tông tích.

Lần hai ra khơi, không một ai nhỏ lệ và khi ra đến hải phận quốc tế, ông bà chủ không reo hò khui rượu mừng như lần trước. Tàu cứ lầm lũi chạy. Chạy đến ngày thứ Hai thì chúng tôi gặp một ghe đánh cá Thái Lan, họ mời vài người qua ghe họ, cho nước đá đem về tàu. Tôi cũng lanh chanh xuống hốt một thau nước đá lên phát cho bà con ngồi cạnh, lòng hớn hở vui chờ ngày tàu cặp bến đến Thái Lan, không hề biết là đang đi vào nguy hiểm.

Khi trời nhá nhem tối, tàu hải tặc bắt đầu xuất hiện. Họ đến một lượt bốn năm ghe vì biết tàu chúng tôi khá đông và tàu khá lớn. Nhóm lên tàu còn rất trẻ, đứa cầm dao, đứa cầm búa và bắt đầu lục lọi cướp bóc. Tôi nhìn thấy cô thư ký của ông Trương, người đại diện ông bà chủ để truyền tin tức cho chúng tôi khi còn trên đất liền, đang xoay vòng vòng vì bị hải tặc rút cái ruột tượng chêm đầy vàng lá mà cô quấn quanh bụng. Cuộc vơ vét kéo dài mấy tiếng với thắng lợi không ngờ qua những gương mặt hớn hở mừng vui của họ. Đợt hải tặc thứ hai kéo tới sau đó chừng một tiếng, tôi có cảm tưởng họ đã chia phiên với nhau và báo cáo tình hình khi biết trên tàu không hề chống cự và không hề có súng.

Những lần sau này, sau khi lục soát vàng vòng, họ bắt đầu kiếm gái. Đang ngồi tầng trên, khi thấy các anh báo động tôi nhảy xuống tầng lửng chen vào đám con nít, ôm ngay một đứa bé vào lòng. Bà mẹ nhìn tôi cảm thông, trấn an nó bằng tiếng Hoa nhưng thằng bé lạ người vừa khóc vừa cắn tôi đau điếng. Đèn pin của hải tặc rọi xuống, tôi hãi sợ quá, gục đầu vào đứa bé chịu trận cho đến khi đèn quay về hướng khác. Năm rời VN tôi 24 tuổi.

Tàu chứa hơn 700 người, bọn hải tặc lùng những cô gái 15, 17 tuổi. Tụi nó bắt cô nào là kéo chiếc xà rông ra, đè lên cô gái, làm tại trận. Tiếng kêu la van lạy và thét rú kéo dài dường như vô tận. Bọn này rút đi thì nửa giờ sau bọn khác kéo đến. Tiếng kêu cha kêu mẹ, kêu anh, kêu người yêu… cứ ám ảnh tôi mãi. Ngay bây giờ khi viết về chuyến vượt biên, tiếng rú nổi lên làm đầu tôi nhức nhối, tôi thấy lại hình dạng các thiếu nữ máu me lê lết trên khoang tàu sau khi bọn hải tặc rút đi!

“Nhưng gió tắt mà sao còn động cỏ

Hoa lung lay vật vả nắm hương tàn

Hay tiếng khóc dâng lên từ đáy mộ

Của muôn đời chưa nín hận lìa tan“

(Vũ Hoàng Chương)

Trong chuyến vượt biên có nhiều lúc cận kề cái chết nhưng đây là khoảnh khắc kinh sợ nhất đời tôi. Chưa bao giờ tôi sợ như lúc đó. Chồng, cha bất lực không cứu được con chứ đừng nói chi những cô gái ra đi không có cha, anh bên cạnh. Điều an ủi duy nhất là họ không bắt các cô gái đi theo tàu họ và về sau mất tích mãi mãi!

Đến ngày thứ ba, chồng tôi lên tiếng kêu đàn bà con nít đi xuống hầm, tất cả các đàn ông lên trên và phải chống cự nếu không sẽ chết nhưng họ không nghe. Có bà Xẩm còn thét lên: "Vụt thằng cha đeo kiếng này xuống biển đi. Muốn hại chết mọi người à". Tôi nhìn quanh, đàn ông và thanh niên Việt Nam, độ hai chục người, có vài người hưởng ứng, còn người Hoa im lìm như điếc.

Mấy ngày trên biển, không một hột cơm, không miếng nước, không thể nhắm mắt ngủ đã làm mọi người không còn sức lực.

Rồi biển động, những ngày biển động làm chúng tôi say sóng, ói mửa và nằm bẹp xuống sàn nhơ nhớp nhưng lại mừng vì ngày biển động lại là những ngày không có hải tặc. Chúng tôi chạy thêm hai ngày trời nữa mà nhìn chung quanh vẫn mênh mông là nước… Ông tài công hình như chạy loanh quanh vịnh Thái Lan gần bờ?

Tới ngày thứ năm, rạng sáng chúng tôi thấy từ xa có bảy hay mười chấm đen nhỏ. Dần dần các chấm đen đó càng to và hiện rõ đó là ghe đánh cá Thái Lan. Hoảng hốt, tôi nhớ đến lá cờ đen trắng kẻ caro mà anh tôi, hải quân, vẽ cho nhét vô hành lý. Thế là bung lên cột cờ, lòng thì thầm khấn nguyện đấng Thượng Đế che chở.

Các chấm đen giờ đã hiện nguyên hình các chiếc ghe Thái, không còn cách chúng tôi bao xa nữa, khoảng 30 phút. Trên tàu, đàn bà con gái đi trốn, boong tàu dành riêng cho các gia đình chủ ghe, tài công trống bóc chỉ có vài thanh niên và tôi như bị thôi miên cứ nhìn các chiếc ghe Thái chân bủn rủn đi không nổi.

Bỗng bên trái tàu chúng tôi, lừng lững một chiếc tàu sắt, họ tiến về phía chúng tôi và bọn hải tặc bắt đầu giãn dần ra hướng khác. Thì ra từ giàn khoan dầu ngoài khơi, họ đặt ống dòm và đã nhìn thấy lá cờ kêu cứu. Tàu chúng tôi được kéo vào cặp sát giàn khoan, nằm đó chờ đợi quyết định của cấp trên. The American Big Tide Tanker này đã cứu thoát chúng tôi khỏi đám hải tặc Thái Lan, nếu không có họ chắc chắn chúng tôi đã chìm vào địa ngục trước khi chìm vào lòng biển cả.

Năm tiếng đồng hồ trôi qua, không động tịnh. Bên dưới tàu, anh giáo sư người Việt, sau này là trưởng và phó trại tỵ nạn của chúng tôi, tên Trương Minh Tiến và anh Ngô Trung Trọng ngồi góp ý viết một lá thư tường trình sự việc để kêu cứu và đưa lên ban chỉ huy giàn khoan. Chúng tôi vô cùng đội ơn giàn khoan dầu ngoài khơi Malaysia đã cho chiếc tàu chở xăng của Captain Eddie Hagensen và thủy thủ đoàn giúp 732 người tỵ nạn chúng tôi vượt tiếp đại dương trên chiếc tàu sắt này để đi vào phía Nam Malaysia, đến thành phố Mersing Johor.

Suốt một đêm ngồi chờ kết quả, nhờ lá thơ và nhờ lòng tốt của các vị có thẩm quyền trong giàn khoan, qua hôm sau chúng tôi được lên giàn khoan nhưng chúng tôi phải đục hư chiếc ghe này. Chiếc ghe mang biển số VNKG 009 từ từ chìm xuống đại dương. Hành lý mang theo chỉ là một xắc tay nhỏ, chúng tôi lần lượt leo thang bằng dây thừng lên tàu.

Từ trên nhìn xuống tôi thấy trên mặt biển, những thùng phi đựng dầu chạy máy, nghe nói là dưới đáy các thùng phi này có rất nhiều vàng của chủ ghe, cùng với các vật dụng hành trang nổi bập bềnh trên mặt nước trong xanh.

Bình minh lên và sự sống đã về…

Biển lúc nào cũng đẹp khi biển yên, chúng tôi dù trong tâm trạng lo âu vẫn thưởng thức được cảnh mặt trời lên xuống. Hai bên tàu, từng đàn cá heo giỡn sóng phóng lên cao rồi lặn xuống. Thật là những hình ảnh đặc biệt, độc nhất trong đời.

Phải mất mấy ngày chúng tôi mới đến Mersing Johor, một vùng du lịch xinh đẹp của Mã Lai. Đoàn dân tỵ nạn lếch thếch lôi thôi, bẩn thỉu và hôi hám, xếp hàng dưới cặp mắt quan sát của những du khách đang nghỉ mát tại đó. Năm 1979, thành phố này đã sang trọng, sạch sẽ và xinh đẹp với những đại lộ có hai bên hai hàng cây to bóng mát.

Sau gần mười ngày trên biển, chúng tôi đi đứng loạng choạng, được chia ra làm hai nhóm bên nam bên nữ bèn ngồi bệt trên mặt đất để cảnh sát Mã Lai đếm số. Trong hoàn cảnh còn sống, được lên đất liền ở quê người, tâm trạng mất quê hương hôm nay hiện rõ khiến lòng tôi chua chát và đau khổ cùng cực dầu rằng đây là điều mình quyết định và mong muốn.

Chúng tôi được các xe nhà binh đưa đến một sân đá banh được trưng dụng làm nơi tạm trú cho dân tỵ nạn đến từ VN. Tại đó đã có hơn ngàn người và chúng tôi tự động mạnh ai nấy lo tìm chỗ trống để cắm dùi. Đó là đêm màn trời chiếu đất đầu tiên trên đất Mã Lai.

Mỗi ngày quân đội chở cá rau và gạo đến phân phát. Họ cấm chúng tôi rời khuôn viên đá banh này nhưng vẫn có vài người Hoa bị đánh vì vi phạm nội quy, lẻn trốn ra phố.

Ai còn vàng, còn đô-la thì bán cho những người Mã Lai, sau đó đưa tiền nhờ lính Mã Lai mua những gì mình cần. Cách sân banh, phía nơi chúng tôi cắm dùi, là một con kinh nhỏ làm biên giới với các căn phố đối diện. Họ đều là người Hoa nói tiếng Quảng Đông, trong thời gian ở đây tôi thấy những người Hoa này rất tốt. Họ vứt qua cho chúng tôi những túi quần áo cũ hoăc khi chúng tôi muốn mua gì thì buộctiền vô cục gạch ném qua, họ ném đồ dùng trở lại, rất sòng phẳng.

Sau đợt chúng tôi nhập vào sân đá banh này, lại có thêm vài trăm người đến sau, khiến con số người Việt tỵ nạn tại đây lên đến hơn hai ngàn người. Trong thời gian ở đây, chúng tôi không hề biết tin tức bên ngoài, mãi cho đến gần một tháng sau, có hai người Mỹ đi lén vào và báo cho chúng tôi hay là Mã Lai đang làm áp lực với Liên Hiệp Quốc và có thể chúng tôi sẽ bị ép buộc quay về VN. Khi cảnh sát Mã Lai nhìn thấy hai người Mỹ thì họ bị đuổi ra và tôi chỉ có thể nhờ họ đánh điện về Pháp cho anh tôi hay là chúng tôi đang ở Mã Lai. Họ đã làm giùm.

Tôi gặp lại vài người bạn cũ, mừng hội ngộ nơi xứ người sau cuộc hải hành nguy hiểm chưa được bao lâu thì có tin di chuyển qua trại chánh thức là Poulo Bidong, nơi có Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi chuẩn bị đồ đạc để đi ra bến tàu ngay sau đó. Lần này chúng tôi lội bộ. Trên đường đi chúng tôi thấy một số dân bản xứ gốc Hoa chạy xe đạp len sát vào và với gương mặt sầu bi, họ cho biết là chúng tôi sẽ bị đem bỏ ra biển. Tôi chợt nhớ đến hai người Mỹ đã lén vào sân banh báo tin. Chúng tôi không bao giờ ngờ là Mã Lai sẽ đem mình ra bỏ ngoài biển! Chúng tôi không còn đường thoát!

Đoàn tỵ nạn bắt phải leo xuống những chiếc ghe nhỏ chèo tay, mỗi ghe được chèo bởi hai thanh niên Việt, hình như họ ở trại tỵ nạn đã lâu vì tôi thấy tóc tai họ để dài xõa ngang vai và vẻ mặt lầm lỳ. Họ im lặng chèo chúng tôi ra tàu, từng tốp người được chuyển qua tàu. Tổng cộng có 5 chiếc tàu, hơn hai ngàn người chia cho 5 chiếc tàu. Những chiếc tàu mà người vượt biển tới trước, tới tận nơi này bỏ lại. Tôi bước qua một chiếc tàu, dòm nước sơn còn khá mới, có đề chữ VT-268. Như vậy từ khi rời Rạch Giá, đây là chiếc tàu thứ ba tôi bước xuống. Tàu hải quân Mã Lai xâu mũi năm chiếc tàu này vào một chùm và kéo chúng tôi đi, chúng tôi vẫn đinh ninh họ đưa mình qua đảo Poulo Bidong nên không ai chuẩn bị nước uống vì sang đó chỉ cần vài tiếng đồng hồ như họ nói. Dù được những người Hoa người Mỹ báo động, tôi vẫn không tin. Làm sao họ dám làm vậy trước Cao Ủy Liên Hiệp Quốc! Vậy mà họ bỏ chúng tôi ra biển thật!

Đến ranh giới mấp mé biển Nam Dương, chúng tôi nghe tiếng động cơ trực thăng bay trên đầu. Tàu hải quân Mã Lai, mang số P-3144, thấy trên không trung có một chiếc máy bay của nước Singapore đang quay phim cảnh tượng năm chiếc tàu đầy nhóc người tỵ nạn bị xâu thành một bó và bị tàu hải quân của Mã Lại kéo đi, họ bắn! Để che dấu hành vi man rợ này, họ đã bắn cảnh cáo và sau khi chiếc trực thăng bay xa, họ chặt đứt chùm 5 sợi dây. Tàu Mã Lai tách ra, quay ngược đầu trở lại, năm chiếc tàu tỵ nạn tròng trành trên biển. Chúng tôi lúc đó hiểu ra và ai cũng thất kinh, tiếng kêu khóc vang trời. Các anh mò mẫn xem trên tàu có những gì thì khám phá ra tàu không còn động cơ, máy móc đã bị gỡ ra, chỉ còn bánh lái.

Khi đó tôi chỉ sợ tàu này bị lủng lỗ, nước vô từ từ thì xem như chết. Mọi người đem khăn, chăn mỏng ra làm thành cột buồm, bọc gió thổi xuôi tàu xuống phương nam theo sự tính toán của lính Mã Lai về hướng gió. Khoảng ba mươi phút sau, chúng tôi đã vào lãnh hải Nam Dương. Tàu cứ trôi theo giòng nước… Qua hai ngày trên sóng nước thì bỗng tàu đứng hẳn không trôi nữa, cứ dùng dằng nhấp tới nhấp lui. May mắn cho chúng tôi là có một nhóm chuyên nghề đánh cá ở Phan Thiết trên tàu này, anh yêu cầu mọi người kiếm cho anh một con dao và anh phải uống một chén nước mắm giữ ấm thân nhiệt trước khi lặn xuống phía đáy tàu… Anh trồi lên cho biết chân vịt ghe vướng vào lưới giăng của ngư dân, chứng tỏ gần đâu đây có người ở, chứng tỏ chúng tôi không xa đất liền. Hy vọng vươn lên!

Thoát mớ lưới giăng, tàu lại tiếp tục trôi vô phương hướng!

Hai ngày một đêm đã trôi qua trên con tàu vô định, chúng tôi không đói chỉ thấy khát… Nắng chang chang trên khoang tàu nhưng làm sao yên tâm mà chui xuống hầm cho được. Lúc đó số người Việt ít ỏi trên tàu biến thành bộ chỉ huy, giống như lúc chiếc tàu thứ nhất gặp được giàn khoan. Bộ chỉ huy gồm tám người Việt biết sinh ngữ đã viết thư và sắp xếp chuyện đục tàu để mọi người được cho lên trên giàn khoan giữa biển. Các anh nhìn sao nhìn trăng cầu mong một trận mưa để có nước uống và chỉ biết phó thác con tàu cùng sinh mạng những tàu nhân cho Thượng Đế.

Sáng ngày kế tiếp, chúng tôi gặp tàu tuần dương hạm Nam Dương, lính Nam Dương bắc loa kêu chúng tôi là Cộng Sản và yêu cầu chúng tôi quay về với Cộng Sản. Thấy tàu chúng tôi vẫn nhích tới theo sóng nước, họ cho hai chiếc tàu nhỏ chạy đến, súng ống chỉa về phía chúng tôi. Sau đó sợi giây thừng được thảy qua tàu tỵ nạn, hai người lính Nam Dương buộc dây vào mũi tàu và kéo ngược tàu chúng tôi về hướng Bắc, hướng nước Mã Lai, nơi mới vừa tàn nhẫn xua đuổi chúng tôi ra biển!

Trên tàu lúc đó đã có một bé gái 10 tuổi, con của một người trong nhóm đi từ làng đánh cá tại Phan Thiết đã chết vì khát nước. Anh cho phép chúng tôi ẵm xác đứa bé đứng trước mũi tàu, giơ cao lên cho lính hải quân Nam Dương thấy sau đó thả xuống biển thủy táng. Với tình trạng có người đã chết trên tàu, chúng tôi hy vọng tàu hải quân Nam Dương sẽ cho chúng tôi tỵ nạn. Xác cháu bé cứ trôi dật dờ theo con tàu chúng tôi đến hơn 15 phút mới chìm trong lòng biển.

Tuy nhiên, lính Nam Dương không động lòng, tàu vẫn bị kéo, mỗi lúc một nhanh dù ngược gió. Sóng vỗ vào mạn tàu ầm ầm và lúc này mũi tàu kêu răng rắc như sắp gãy. Bộ chỉ huy trên tàu chúng tôi quyết định hoặc chặt dây hoặc chết.

Thanh Mai, cô gái đi một mình, năm đó 16 tuổi, xung phong lên mũi tàu chặt dây với lý luận của em là đàn ông lên nó bắn, đàn bà con gái lên nó nương tay. Em cầm búa lên chặt mạnh vào sợi dây thừng. Tàu Nam Dương nổ súng, đạn bay chéo chéo sát mạn tàu. Mặc họ bắn, Mai vẫn đều đặn nện búa xuống, không có gì ngăn cản được ý chí của em!

Sợi dây đứt và bên kia đạn cũng ngừng bay. Im lặng hoàn toàn… Cái loa inh ỏi đuổi về cũng im tiếng như sững sờ trước sự can đãm liều mình không sợ chết của cô gái trẻ. Cô là đại diện cho đám tàu nhân đòi quyền được sống trong tự do trong nhân ái. Cô đã cứu mấy trăm mạng trên chiếc tàu tàn phế đó.

Vị tàu trưởng nhìn qua ống dòm và ông đã động lòng không xua đuổi nữa. Sau này khi lên đất liền, quân đội đến lập khu trại cho chúng tôi xong, tàu trưởng và các sĩ quan đã đến thăm Mai, tỏ lòng kính phục.

Sau 3, 4 tiếng chờ đợi lịnh, vị tàu trưởng cho ca nô chạy đến báo tin vui là các vị có thẩm quyền trong đất liền, cho phép chúng tôi lên bờ. Mọi người chấp hai tay lạy cám ơn chiếc tàu nhân ái đó.

Khi lên đất liền chúng tôi chôn thêm hai bác lớn tuổi người Hoa, chết trên tàu nhưng các người con cố dấu không muốn làm thủy táng như cháu bé lên mười. Cái chết thủy táng của cháu bé đã giúp cho hơn bốn trăm người trên chiếc tàu không máy móc, không xăng dầu đến được bờ. Chuyến đi của chúng tôi đã có nhiều sự hy sinh và sự cưu mang nhân ái.

Tôi bước đi không vững sau những ngày ngồi trên tàu, lên tới đất tôi nằm xấp xuống hôn mặt đất tạ ơn Thượng Đế đã cho chúng tôi sống sót. Trong đầu thoáng hiện lên câu hỏi bốn chiếc ghe từng cột chùm với ghe chúng tôi nay trôi dạt về đâu. Có đến được bến bờ? Đến nay những người bạn cũ từng gặp lại trên sân banh Mã Lai ngày đó tôi vẫn chưa liên lạc được.

Chuyến đi tìm tự do của tôi tổng cộng đi trên ba chiếc tàu, qua hai đất nước và di chuyển nhiều trại tỵ nạn. Tôi sống sót đến ngày nay là tôi đã thọ ơn biết bao nhiêu người, bao nhiêu sắc dân xa lạ.

Vùng đất chúng tôi được hải quân Nam Dương cho lên là một làng đánh cá tên Teluk Dalam. Bãi cát mịn và trắng phau, nổi bật những cây dừa cong xanh biếc, trên đảo có một giòng suối đẹp. Sau này tôi mới biết Teluk Dalam là địa điểm du lịch thần tiên. Tôi đã sống những ngày tại đó mà không biết thưởng thức vì lòng ngổn ngang những lo lắng tương lai, những lo buồn cho người còn ở lại.

Mấy ngày sau đó, một vị linh mục người Pháp lặn lội đến thăm chúng tôi. Cha nói tiếng Việt rất lưu loát và qua cha, các phái đoàn cứu trợ đã nhanh chóng đến giúp đỡ chúng tôi, trong số đó có Hội Hồng Thập Tự và Hội Tere des Homes.

Phái đoàn Canada, Úc đến phỏng vấn trước. Một số được nhận vui mừng, một số bị từ chối buồn ủ rũ. Tôi muốn đi Mỹ nhưng chờ hoài không thấy. Đến khi trên đảo xảy ra bịnh dịch tả, tôi hoảng sợ muốn rời nơi này càng nhanh càng tốt thì đúng lúc phái đoàn Đức đến. Họ cho biết họ không cần phỏng vấn, ai muốn đi thì ghi tên ngay và hai tuần sau sẽ có chuyến bay qua Đức. Yếu tố nhận người dễ dãi không qua thanh lọc một cách nhân đạo và nhanh chóng của Đức đã khiến tôi quyết định đi Đức và đúng như lời nói của đại diện lãnh sự quán Đức, chỉ hai tuần sau khi ghi tên, đầu tháng 10 năm 1979 tôi có mặt trên nước Đức.

Cô bé chặt dây thừng đi Canada. Nhóm các anh chị em làng đánh cá Phan Thiết trong đó có cha cháu bé bị thủy táng trong lòng biển Nam Dương cũng cùng chúng tôi sang Đức. Hai giáo sư ,viết lá thư tiếng Anh gửi lên các ông Mỹ trên giàn khoan, định cư tại Mỹ. Chúng tôi vẫn liên lạc và có dịp gặp lại. Gần đây nhiều anh chị đã ra đi. Những anh chị đó có người chưa hề một lần trở lại Việt Nam.

Biết bao người bỏ xác trên đường vượt biển. Chúng tôi may mắn sống sót. Tôi tâm nguyện sống sao cho xứng đáng với công ơn những người đã cưu mang giúp đỡ, sống sao cho đúng tư cách một người tỵ nạn Cộng Sản. Các cháu bé ngày xưa và cháu bé đã cắn tay tôi đau điếng nay cũng đã thành gia thất. Những người con gái bị hãm hiếp trên tàu ngày ấy đều định cư bên Mỹ, hy vọng thời gian và cuộc sống mới đã nguôi ngoai vết thương đau đớn đó.

Chúng tôi không liên lạc được hết nhưng hy vọng mọi người đều có cuộc sống an bình, thịnh vượng sau chuyến hải hành gian truân và đầy sóng gió.

Đến nay, bốn mươi lăm năm rồi người Việt tại quê hương vẫn tìm mọi cách để ra đi. Vì sao? Bởi lẽ gì?

Đất nước VN giờ đối với tôi chỉ là mảnh đất của những ngày thơ ấu. Quê hương tôi bây giờ là nơi đây, đất nước bao dung Đức Quốc. Nơi tôi đã sống gần gấp đôi số năm tôi sống nơi đất Việt.

Phi Nga (tháng 3.2021)

No comments:

Post a Comment