Saturday, April 24, 2021

 Tôi trở thành thày giáo tại Mỹ để trả nợ tiền kiếp

- Nhất ẩm nhất trác, giai do tiền định (một miếng uống, một miếng ăn đều đã định trươc). 

Tôi hay viết, những gì xảy đến chúng ta không phải là NGẪU NHIÊN (randomly), mà đều có sắp xếp trước. Nếu ta có cảm tình với ai (dù chỉ gặp mặt lần đầu) là do ta đã có cảm tình với họ từ KIẾP TRƯỚC; nếu có ai thường xuyên giúp ta dù ta giúp họ rất ít là do kiếp trước ta giúp họ, nay họ trả ơn; nếu ta bị ai ghét, thù oán, hay làm khổ một cách vô cớ là do kiếp trước ta đã gây đau khổ cho y nên nay y trả thù. Nếu có những cặp vợ chồng (vc) đến với nhau để làm khổ cho nhau thì cũng có những vc cuộc sống rất hài hòa, v.v...Và nhiều ví dụ khác: ta chỉ có thể giải thích những điều trên bằng LUÂN HỒI NHÂN QUẢ. 

Khoảng cuối năm 1998, do sự khẩn hoãn yêu cầu - mà lúc đầu tôi từ chối mạnh mẻ, nhưng vì chủ nhà năn nỉ hết mức - tôi đã ở lại nhà họ và dạy học cho một gia đình ở VN mới qua. Gia đình này gồm một người đàn ông góa vợ (cậu ruột của chủ nhà) và bảy đứa con, gồm bốn gái* và ba trai--trừ đứa anh cả và chị kế, năm đứa còn lại đều là học trò của tôi. Tôi còn dạy thêm bạn bè của chúng nó, thành ra lớp học có lúc trên 15 người. Mỗi ngày, tôi dạy mấy đứa học tiểu học trước, sau đó dạy mấy đứa lớn. 

Tôi vừa dạy học, thỉnh thoảng còn dẫn mấy đứa nhỏ đi học bằng xe bus hay đi bộ, đi khám bịnh, đi bơi ở hồ tắm trong cư xá ,v.v... Do bố chúng kém Anh văn, tôi còn phải đi họp phụ huynh cho bố chúng. Thật là lạ, tôi mến chúng hơn cả cháu tôi ở Việt Nam dù tôi không hợp với bố chúng, thỉnh thoảng có cãi vã. Gần như mỗi lần đi shopping, tôi đều mua quà; vì chúng và học trò quá đông mà quà không đủ nên tôi tổ chức bốc thăm: đứa nào bốc trúng lá thăm có tên món quà nào thì lấy món đó; rất là vui.

Bố chúng nó, đi làm từ 5 giờ sáng, đôi khi tới 10 giờ đêm mới về. Lúc đó ông vội vàng nấu nướng để ngày mai đem theo cũng như để cho chúng ở nhà hâm lên mà ăn. Vì nhà trước đó đã có sẵn 3 người, gồm vợ chồng chủ nhà và tôi, nay thêm 8 người thành 11 người. (Nhà dạng condo, có ba phòng ngủ (một lớn và hai nhỏ) và một toa-lét; nếu ở tối đa 6 người thì còn chịu được, nay lại gần gấp đôi. Mỗi buổi sáng tôi chờ gia đình này dùng restroom xong tôi mới dậy). Hai vợ chồng anh chủ nhà ở phòng lớn, tôi và một thằng nhỏ ở phòng thứ hai; còn lại ở phòng thứ ba và phòng khách.

Nhà bếp rất chật chội và tủ lạnh không đủ chỗ chứa. Do nước mắm hay đổ xuống đồ ăn của tôi trong tủ lạnh nên sau đó tôi ko nấu nướng và gần như ăn toàn mì ly Maruchan của Nhựt TRONG BA NĂM; cuối tuần ra tiệm ăn hamburger. Mỗi ngày tôi dạy từ 5 g chiều đến 9 g tối; về tới phòng là mệt đừ lăn ra ngủ; cũng may lúc đó răng giả còn khít với nướu nên ăn uống bình thường, ăn được cả pistachio (sic).

Tôi ở với họ tới khi họ tìm được nhà rộng hơn và dọn đi. (Năm 1999, khi quận hạt mở CT trợ cấp tiền nhà, tôi apply cho họ và họ đã được housing trước tôi dù là diện bảo lãnh: họ được một căn nhà có vườn rộng, có hai từng, từng dưới làm phòng khách, nhà bếp và một toilet, trên lầu có một master-bedroom, ba phòng nhỏ và hai toilet). 

Lắm lúc ngồi suy nghĩ, có lẽ kiếp trước tôi có thể là người thân (bố hay mẹ chúng) nên kiếp này khi gặp lại đã thương yêu và hết lòng dạy học cho chúng.

Hay nói rõ hơn, trong kiếp trước, tôi đã “mắc nợ” gia đình này thì cũng đúng. Vì tôi đã ở nhà này trước đó mấy năm với vợ chồng anh L. chủ nhà, một ông già, và bạn tôi (anh S.) -- tổng cộng 5 người. Tôi và anh S. cùng share một phòng; khi nghe anh chủ nhà nói gia đình cậu anh ta (từ VN mới qua) sẽ đến ở chung, tôi và anh S. đã kiếm nhà khác để dọn đi; đồ đạc đã sắp sẵn để dọn đi nhưng trong đêm trước ngày dọn sang chỗ mới, do thân nhân của họ ở Mỹ năn nỉ quá, nói “anh Tài giỏi tiếng Anh, ở lại dạy cho các cháu. . . “. Thế là tôi phải gọi phone cho nơi sắp đến và xin đình hoãn; họ cự nự đòi bồi thường nhưng sau đó bỏ qua. Nói như vậy cho thấy tôi mắc nợ gia đình này nên không thể trốn nợ được.

* Cập nhật: Con chị cả sau này làm nghề bảo hiểm, nói tiếng Anh như gió, dù qua Mỹ ở tuổi 16-17. Giai đoạn đầu, trường phái một HS đến nhà mỗi ngày để kềm cặp về Anh văn và Toán. Đứa kế, sau khi tốt nghiệp high school, học y tá nhưng bỏ ngang và học nail, sau đó trông coi một tiệm nail ở khu Mỹ trắng vì chủ có nhiều tiệm nên giao cho nó. Thời điểm đó mà hớt tóc lấy của khách trên 20 đô (cuối TN 2000). Con em kế, lúc mới qua, nhiễm lao từ VN, gầy như que củi, tôi phải dẫn đi đến bv lao của TP để khám bịnh và lãnh thuốc ngừa lao. Sau này trổ mã, lấy chồng Mỹ. Con út, rất giỏi từ nhỏ, sau này tốt nghiệp bs y khoa ở ĐH California tại San Francisco (USSF). 

Lúc ở VN, gia đình tụi nó làm rẫy ở gần Đơn Dương (Dran), nằm trên QL-20 từ Đà Lạt đi Phan Rang, đi học về là trai gái đều vác cuốc ra đồng. Bạn bè hay đùa, tụi bây còn ở VN sẽ lấy Thượng! Nay nhờ em ruột của ba nó (làm y tá ở bv của Cơ đốc Phục lâm ở Phú Nhuận, di tản năm 75) bảo lãnh nên qua Mỹ năm 1998. Bà này tuy nhỏ con, xấu xí nhưng lấy chống Mỹ đẹp trai. Bà khoái ăn đồ VN nên tuần nào cũng nhờ chị ruột ở SJ làm một nồi bún riu mắm ruốc để vợ chồng và hai thằng Mỹ con ăn rất ngon lành!




No comments:

Post a Comment