Biệt Kích Lôi Hổ Huỳnh Ngọc Thương và những lần tham chiến
Lâm Hoài Thạch
(NV) – Cuối năm 1969, Chuẩn Úy Huỳnh Ngọc Thương được nhậm chức trưởng toán Bắc Bình của đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ, trong đó có những toán khác như Thăng Long, Lê Lợi, Lê Lai, Bạch Đằng… Mỗi toán gồm một sĩ quan chỉ huy, một hạ sĩ quan phụ tá và khoảng bốn quân nhân Xung Kích Lôi Hổ. Song song đó cũng có những toán Biệt Kích Mũ Xanh của Hoa Kỳ.
Cuối năm 1970, ông Thương được thăng cấp thiếu úy và vẫn giữ chức vụ trưởng toán Bắc Bình.
Ông Thương kể: “Sở Liên Lạc có ba chiến đoàn đều nằm dưới sự chỉ huy của Nha Kỹ Thuật, mà Nha Kỹ Thuật lại nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Đại Tướng Cao Văn Viên, tư lệnh Bộ Tổng Tham Mưu, và tư lệnh đã thường xuyên báo cáo tình hình quân sự với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Các toán Xung Kích Lôi Hổ của Nha Kỹ Thuật đều có ám số đặc biệt khi hành quân, trong đó có những toán viên bị thất lạc hoặc bị Cộng Sản bắt giữ. Vì thế, một số những ám số danh hiệu của các toán và những tổ chức của các đơn vị hành quân bị bại lộ.”
Ông Thương kể tiếp: “Tổng thống mới ký sắc lệnh cho đơn vị của chúng tôi là đơn vị ‘Hành Quân Tác Chiến Ngoại Lệ,’ cũng có nghĩa là những toán Xung Kích Lôi Hổ thuộc Nha Kỹ Thuộc không tác chiến trong lãnh thổ miền Nam, mà chỉ hành quân vượt biên giới của miền Nam. Cho nên những cuộc hành quân của Lôi Hổ được giữ kín hơn, sau khi công tác được hoàn tất cũng không được tiết lộ ra ngoài truyền thông báo chí để đăng tải. Vì thế sự mất còn, sự thành công hay thất bại đối với các chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ đều không ai biết được, ngoại trừ cấp chỉ huy của họ.”
Tham chiến trận Lam Sơn 719, Hạ Lào
Những ngày đầu Tháng Hai, 1971, mặt trận Hạ Lào bắt đầu khởi động qua cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, dưới sự chỉ huy của Tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I. Mục đích của cuộc hành quân này, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với trọng trách hành quân sang Lào để cắt đứt đường tiếp liệu đạn dược, lương thực của địch quân đang hiện diện tại Tchepone, Lào. Và đây cũng là điểm xuất phát của những sư đoàn chính quy Bắc Việt để xâm nhập vào miền Nam Việt Nam.
Cũng từ nhiệm vụ đó, Quân Đoàn I mới đem hết lực lượng sang Hạ Lào và có thêm lực lượng của tổng trừ bị như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn 1, Thiết Giáp, Pháo Binh kể cả Không Quân VNCH và Không Quân Hoa Kỳ sang Hạ Lào để tham chiến mặt trận này. Riêng các chiến sĩ của ba chiến đoàn Biệt Kích Lô Hổ có nhiệm vụ phá hủy các đường ống dẫn dầu của địch.
Thiếu Úy Thương kể: “Toán Biệt Kích Lôi Hổ của chúng tôi được lệnh nhảy từ sông Tchepone rồi vượt qua Cánh Đồng Chum để đến điểm hành quân. Lúc đó, Lữ Đoàn 3 Dù dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Nguyễn Văn Thọ đóng quân tại đồi 30 và đồi 31. Điểm của hai ngọn đồi này là từ Quảng Trị đi xuống đường 9 Nam Lào được cắt đứt tại Bản Đôn, tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị.”
“Lúc đó, đơn vị của chúng dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Thế Nhã. Chúng tôi nhảy xuống một đỉnh cao cách đồi 31 khoảng sáu cây số. Nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ quan sát tình hình của địch để báo cáo về Bộ Tổng Tham Mưu, rồi sau đó, họ mới báo lại cho Đại Tá Thọ,” ông cho biết thêm.
Cũng theo Thiếu Úy Thương, toán Biệt Kích Lôi Hổ của ông lúc đó chỉ có sáu người, nên không thể chạm địch quân đang di chuyển, và họ đã phát giác có chiến xa quân Bắc Việt đang xâm nhập vào vùng này. Khi mặt trận Hạ Lào bắt đầu khởi chiến, toán của ông Thương được lệnh rút về doanh trại Non Nước, Đà Nẵng.
Vài ngày sau, mặt trận Hạ Lào trở nên khốc liệt, trận đánh được kéo dài trên một tháng rưỡi. Quân Lực VNCH coi như đã thành công mặt trận này. Nhưng, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Trung Tá Phạm Văn Đính bị quân Cộng Sản bắt làm tù bình; Đại Úy Pháo Binh Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương và nhiều vị sĩ quan khác đã hy sinh.
Tham chiến trận Quảng Trị 1972
Vào khoảng gần cuối Tháng Ba, 1972, trước khi trận Quảng Trị khởi động, toán của ông Thương được lệnh nhảy xuống vùng phi quân sự tại Cửa Việt bên kia sông Bến Hải, để khảo sát lực lượng xâm nhập của quân Bắc Việt nhiều ít như thế nào. Vì phải nhảy xuống vùng phi quân sự thì mới phát hiện quân Bắc Việt vượt tuyến đến Lao Bảo, Gio Linh, Làng Vei…, và nhiều nơi khác để tấn công Cổ Thành Quảng Trị.
Cuối Tháng Ba, 1972, ba sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt tấn công vào các căn cứ phòng thủ của Quân Lực VNCH ở phía Bắc và phía Tây của tỉnh Quảng Trị.
Nhiệm vụ của toán Biệt Kích Lôi Hổ của ông Thương là bí mật bám theo sự điều quân của Cộng Sản Bắc Việt, và báo cáo về cho Bộ Tổng Tham Mưu. Đây cũng là dự kiến của Bộ Tổng Tham Mưu nhằm có khái niệm để điều quân tái chiếm cổ thành Quảng Trị. Sau đó, toán ông Thương được lệnh trở về căn cứ Non Nước, Đà Nẵng. Cùng lúc sư đoàn Nhảy Dù được lệnh đánh tái chiếm cổ thành Quảng Trị, cùng nhiêu quân binh chủng khác. Đơn vị cuối cùng tham chiến trận này là Thủy Quân Lục Chiến.
Cùng lúc đó, ba sư đoàn khác của Cộng Sản tấn công vào An Lộc, Bình Long ở Vùng 3 Chiến Thuật.
Ông Thương cho biết: “Sau trận Quảng Trị, chúng tôi được lệnh bàn giao doanh trại Non Nước, Đà Nẵng cho Sở Công Tác. Sau đó, Hải Quân đưa chúng tôi đến Bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Lúc đó tôi được thăng cấp Trung Úy.”
Tham chiến trận An Lộc, Bình Long
Cuối năm 1972, toán của ông Thương được lệnh nhảy xuống An Lộc. Nơi đóng quân đầu tiên là phi trường Quảng Lợi, Bình Long. Vì nơi này đã bị nhiều áp lực của địch quân nên đơn vị của ông phải di chuyển về trung tâm huấn luyện Quyết Thắng, Long Thành của Biệt Kích Lôi Hổ.
Ông Thương kể: “Không bao lâu, lệnh của Đại Tướng Cao Văn Viên cho đơn vị của chúng tôi về đóng quân ở bộ chỉ huy của Sở Liên Lạc gần Cổng Phi Long của phi trường Tân Sơn Nhứt để trực chiến ban đêm cho Bộ Tổng Tham Mưu, và ban ngày, toán vẫn tiếp tục đi công tác để thám sát các khu vực từ Đồng Xoài, Bù Gia Mập, Rừng Lạnh, Tống Lê Chân, Phú Riềng, Nha Bích, Bình Long, Phước Long…”
Vì trong năm 1972, đơn vị Biệt Kích Hoa Kỳ không còn nữa, nên đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ không được yểm trợ để hành quân ngoài biên giới, mà chỉ hành quân trong nội địa miền Nam. Lúc đó, các anh em Biệt Kích Quân cũng bị giải tán, có một số được thuyên chuyển về những đơn vị khác. Đơn vị Chiến Đoàn 1 Biệt Kích Lôi Hổ không còn được xem là chiến đoàn mà trở thành Đoàn 1 Biệt Kích Lôi Hổ, vì quân số một đoàn chỉ trên dưới 160 quân nhân của Quân Lực VNCH.
Gần cuối năm 1973, toán của Trung Úy Thương được lệnh nhảy xuống vùng Hậu Nghĩa, Châu Đốc, An Giang, nhiều nhất tại hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
Đầu năm 1974, Đại Tá Lưu Yểm, tỉnh trưởng Biên Hòa, cho Đoàn 1 Biệt Kích Lôi Hổ trú quân tại Suối Máu, Biên Hòa.
Tháng Bảy, 1974, đoàn Đặc Công K-9 của địch đã tấn công đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ tại Suối Máu, đơn vị của ông đã chiến thắng trận này. Sau đó, đoàn của ông được di chuyển về đóng quân tại Chợ Sặc, Biên Hòa.
Tham chiến trận cuối cùng ở Phan Rang
Đầu Tháng Ba, 1975, đơn vị của ông được lệnh ra hành quân tại Phan Rang, dưới sự chỉ huy của Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân Đoàn 3. Ông Thương kể: “Chúng tôi được lệnh theo Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh bộ chỉ huy tiền phương để tham dự mặt trận Phan Rang, với nhiệm vụ lập trận tuyến để ngăn chặn quân Bắc Việt tiến vào Nam từ miền Trung. Nhưng lúc đó quân bố phòng không đủ để thực hiện công tác này, và Lữ Đoàn 2 Dù đang tham chiến trận Khánh Dương bị thất bại, nên đơn vị của tôi được lệnh đi đón những toán quân Nhảy Dù bị thất lạc về phi trường Thanh Sơn, Phan Rang.”
Ông Thương được thăng cấp đại úy vào ngày 8 Tháng Ba, 1975, tại Phan Rang.
Ngày 16 Tháng Tư, 1975, tuyến Phan Rang bị thất thủ! Đây cũng là trận chiến cuối cùng của Đại Úy Huỳnh Ngọc Thương trong suốt hơn 10 năm chiến đấu.
Sau hơn tám năm trong trại “cải tạo” của chính quyền Cộng Sản, ông Thương được về Huế hành nghề Đông y và xem phong thủy, vì đây là nghề gia truyền lâu đời tại Huế của gia đình ông.
Năm 2002, ông được định cư tại Orange County, California cho đến bây giờ và đang sống bằng nghề xem phong thủy. (Lâm Hoài Thạch) [qd]