Wednesday, April 7, 2021

CÁC CHIẾN SĨ ĐPQ VÀ NQ NÀY ĐÃ ANH DŨNG ĐÁNH TRẬN CUỐI CÙNG ĐỂ BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG

Trong tinh thần “luôn luôn nhớ ơn những người lính đã ngả xuống để bảo vệ cho chế độ VNCH”, hôm nay tôi xin giới thiệu chiến công anh dũng của ĐPQ và NQ của quận lỵ Trị Tâm và Bến Cầu thuộc tỉnh Tây Ninh. Hai chiến công này dễ đi vào quên lãng vì nó xảy ra vào lúc Ban Mê Thuột đã bị tấn công và thất thủ—đã thu hút dư luận trong nước và quốc tế. Hai chiến công này đáng ghi nhớ khi ở BMT, sau hơn một ngày, mọi chống cự có tổ chức đều chấm dứt dù vẫn có những ổ kháng cự lẻ tẻ; trong khi đó tại hai quận lỵ này cuộc kháng cự của người lính ĐPQ và NQ kéo dài BA NGÀY.

Sau đây là phần chuyển ngữ từ trang 243-252 của quyển Black April.

 . . . 

“Ở phía Bắc, sđ 9 CSBV với ba trung đoàn cơ hữu sẽ tấn công quận lỵ Trị Tâm, nằm trên TL-239 ở rìa của đồn điền cao su Michelin rộng mênh mông. Sau đó họ sẽ quét sạch các vị trí của ĐPQ ở đông quận lỵ này cho tới sông Sài Gòn. CSBV đã chọn Trị Tâm thay vì An Lộc hay Chơn Thành vì nơi đây phòng thủ bởi ĐPQ, trong khi An Lộc và Chơn Thành được bảo vệ bởi các đv thiện chiến BĐQ. Họ cũng hy vọng nếu chiếm Trị Tâm sẽ cô lập hai TP kể trên và sau cùng VNCH sẽ bỏ hai TP này. Ở phía nam, sđ 303 CSBV sẽ chiếm quận lỵ Bến Cầu và sẽ quét sạch mọi tiền đồn ĐPQ từ sông Vàm Cỏ Đông tới biên giới Cambodia. Ba tiểu đoàn du kích tỉnh Tây Ninh sẽ cắt đứt (sever) TL-22, chạy từ QL-1 vào tỉnh lỵ Tây Ninh, để ngăn quân VNCH dùng đường này để tăng viện hay rút lui. Nếu thành công, phần lớn của tỉnh này sẽ lọt vào tay CSBV. Tỉnh lỵ Tây Ninh, một địa điểm có tính biểu tượng cao của VNCH sẽ bị bao vây. 

Trung Ương Cục Miền Nam (COSVN) có những lý do rõ ràng để chọn những mục tiêu này. Trị Tâm ở một vị trí quan trọng gần TL-22. Nếu ai chiếm nó sẽ ngăn việc chuyển quân từ Tây Ninh đến tỉnh Bình Dương hay chuyển quân về nam dọc sông Sài Gòn xuống vùng Tam Giác Sắt ở bắc của Củ Chi. Bến Cầu khống chế con đường đi vào khu vực đầm lầy. Các tiểu đoàn ĐPQ và trung đội NQ đã phòng thủ kỹ lưỡng hai quận lỵ này với xạ trường thuận lợi và nhiều lớp hàng rào phòng thủ. Do vị trí, Trị Tâm đã được phòng thủ mạnh mẻ nhứt. Trị Tâm đã có ba tiểu đoàn ĐPQ và chín trung đội NQ với hàng chục tiền đồn và nút chận trên các lộ và rải rác chung quanh. Tóm lại cả hai là những cứ điểm quan trọng của Nam VN.

Theo kế hoạch của tướng Trà, một lực lượng hùng hậu gồm sđ 9 csbv tăng cường bởi trung đoàn 16 biệt lập, vài đại đội xe tăng, hai tiểu đoàn phòng không, và hàng chục đại bác, bao gồm ba khẫu 130 ly, chẳng bao lâu đã bắt đầu tập trung ở Bắc Trị Tâm. Ngày 10/3, cùng ngày nổ súng vào Ban Mê Thuột, ba tiểu đoàn quân du kích Tây Ninh mở màn trận đánh. Họ đã tấn công suốt chiều dài của TL-22 từ giao điểm ở Gò Dầu Hạ, nơi QL-1 và TL-22 gặp nhau ở nam tỉnh lỵ tới gần Tây Ninh. Trong khi ĐPQ đẩy lui quân CS ở nhiều chỗ, một đoạn của TL này gần tỉnh lỵ bị chiếm giữ trong vài ngày.

Sau đó là tới Trị Tâm. Lúc 5:00 sáng ngày 11/3, hai trung đoàn của sđ 9 CSBV mở cuộc tấn công chính. Với ba xe tăng dẫn đầu, dù bắc quân đã xuyên thủng hàng rào ngoài cùng, nhưng với yểm trợ của pháo binh, ĐPQ đã chống trả dữ dội. ĐPQ đã mở các cống nước gần đó để gây lụt lội, tạo khó khăn cho xe tăng. 

Bị chống trả dữ dội, sđ 9 đã rút lui và tấn công mạnh hơn vào ngày 12/3. Quân sử của sđ này đã viết: “Các chiến sĩ đã chiến đấu giành giựt từng nhà và từng bờ mương. Sđ đã gửi thêm xe tăng ... và súng 85 ly để yểm trợ trực tiếp cho bộ binh. Cùng lúc sđ đã dùng pháo binh do quân đoàn tăng phái để trấn áp các vị trí pháo của địch. Lúc 9 giờ sáng chúng ta đã chiếm hầm truyền tin, và đã dùng chất nổ để phá hủy hầm ngầm ở đó, vị trí cố thủ cuối cùng của địch. Chiến sĩ trung đoàn 2 đã treo cờ trên BCH chi khu lúc 9:40 sáng. Trong khu vực của đồn hình tam giác, địch quân yểm trợ bởi M-113 và pháo đã tiếp tục chống cự. Vào sáng ngày 13/3, sau khi nhận thêm viện binh, trung đoàn 2 mở cuộc tấn công mới đã tràn ngập phòng tuyến cuối cùng của địch...Mọi lính tráng trong khu vực, trên 2.000 người, đã bị tiêu diệt hay tan rả tại chỗ. Chúng ta bắt 929 tù binh.”

Dù quân CSBV khoe khoang (boast), tổn thất cả hai phía đều cao. Theo nam VN, họ đã bắn cháy 10 tăng và hàng trăm Bắc quân chết hay bị thương. Tuy nhiên 1/2 lính phòng thủ bị chết, bắt sống hay mất tích. 1.000 người khác thoát được. Trị Tâm là quận lỵ THỨ NĂM bị mất trong năm ngày. Nằm ở 43.5 km tây bắc của Sài Gòn, đây cũng là quận lỵ gần SG nhứt bị mất.

Chẳng bao lâu sau Trị Tâm, quận lỵ Bến Cầu bị tấn công bởi sđ 303 gồm các trung đoàn 201, 205, và 271 và tăng cường bởi trung đoàn 3 của sđ 5 CSBV, một tiểu đoàn phòng không và bảy xe M-113 mới chiếm được. Khác với Trị Tâm, địa thế ở Bến Cầu bằng phẳng trống trải, với nhiều kinh mương ngang dọc, lợi thế cho phòng thủ. Tại quận lỵ có 600 lính ĐPQ, trong khi 500 quân bảo vệ vòng ngoài của quận. 

Lúc hừng đông của ngày 12/3, pháo của quân CSBV đã bắn tập trung vào Bến Cầu. Sau đó bộ binh xung phong. Tuy nhiên các người lính ĐPQ đã chống trả với yểm trợ của pháo binh và không quân, và Bắc quân đã ko thể xuyên thủng phòng tuyến. Họ đã rút lui để tập trung vào việc quét sạch mọi vị trí ở vòng ngoài và mang súng 85 ly về phía trước để chống bộ binh. Lúc 2 giờ chiều, vài trung đội NQ của nam VN  đã buộc phải rút lui, và thòng lọng đã thắt chặt quanh Bến Cầu. Lúc 5 giờ chiều, bắc quân đã mở đợt pháo mới nặng nề vào quận lỵ này, và lần nữa Bắc quân xung phong.Lần nữa họ đã ko đẩy lui ĐPQ anh dũng. Quân sử của sđ 303 sau này viết: “ Địch đã chống trả điên cuồng (insane). Pháo địch đã bắn dữ dội vào đội hình chúng ta, và bộ binh địch đã tung ra những đợt phản công quyết tử (deaf-defying). Khi trời hoàn toàn tối, các đv đã buộc phải tạm thời ngừng tấn công.” Những cuộc tấn công của sđ 303 vào ngày 13/3 đã ngừng do hỏa lực yểm trợ và chống trả ngoan cường của ĐPQ. 

Đối diện với những trở ngại (setback) này, trong tối 13/3, tư lịnh của sđ 303 đã buộc phải suy nghĩ lại về chiến lược của ông: “ Trong tất cả các khu vực được chỉ định, các đv của chúng ta đã chiếm một số tiền đồn và giết và bắt sống nhiều lính địch, nhưng chúng ta đã ko thể chiếm các mục tiêu chánh. Đối diện với thực tế của tình hình này, ban lãnh đạo sđ đã gặp các trung đoàn trưởng. . . và đã quyết định rằng mỗi khu vực nên để lại một lực lượng đủ để bao vây và tạo áp lực lên địch quân còn chủ lực của sđ sẽ rút về phía sau để học tập kinh nghiệm và chỉnh trang quân số và nhận tiếp liệu cho trận tấn công tới.”

Vào sáng ngày 14/3, sđ 303 đã tung ra đợt tấn công thứ tư vào Bến Cầu và các tiền đồn trên QL-1. Vượt trội về quân số và hỏa lực cuối cùng đã làm suy yếu (wear down) lực lượng phòng thủ, và vào xế chiều sđ 303 đã kiểm soát Bến Cầu. Chiến đấu suốt đêm đó, Bắc quân đã quét sạch những tiền đồn cuối cùng của ĐPQ trong khu vực. Sau ba ngày chiến đấu ác liệt (brutal), “Nhiệm vụ này của sđ trong giai đoạn một của chiến dịch đã hoàn tất. Các căn cứ địch từ bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông tới biên giới Việt-Miên đã bị nghiền nát. Một vùng đất bao la từ Tây Ninh xuống châu thổ sông Cửu Long đã được giải phóng.”

Sau khi phân tách những tấn công ban đầu này, trung tướng Toàn đã kết luận rằng CS đã có ý chiếm thị xã Tây Ninh hay bao vây TP này bằng cách chiếm Gò Dầu Hạ để ngăn chận viện quân hay tiếp tế. Toàn đã buộc phải chọn một trong hai giải pháp: rút sđ 25 bộ binh khỏi thị xã Tây Ninh để tái chiếm các quận lỵ đã mất —có thể khiến TP ko được bảo vệ và nguy cơ bị mất—hay tập trung quân để bảo vệ TP này. 

Toàn đã chọn giải pháp 2: ông triển khai ba trung đoàn 46, 49, và 50 của sđ 25 chung quanh TP. Ông cũng tăng cường một đại đội của liên đoàn 81 biệt cách dù cho thị xã này. Toàn đã ko hoàn toàn bị trói tay (not totally boxed in). Việc điều quân trước đây của ông đã giúp ông có được một số linh hoạt. Ông đã ko ngồi yên (sit idly by) và nhìn Bắc quân tiêu diệt hai phòng tuyến quan trọng. Việc yểm trợ hỏa lực cho Trị Tâm và Bến Cầu rất lớn lao, theo báo cáo của cơ quan DAO. Trong tuần lễ từ 8-14/3, pháo binh VNCH đã bắn 26.000 đạn đại bác và không quân thực hiện 320 phi xuất trong quân khu III, bị rơi một A-37 vì SA-7 ngày 12/3. Toàn cũng dùng trừ bị của quân đoàn để đối phó đe dọa ở Tây Ninh. Ngày 11/3, Toàn đã ra lịnh cho lữ đoàn 3 thiết kỵ và liên đoàn 33 BĐQ lập tức tới Gò Dầu Hạ để giữ giao điểm huyết mạch này. Ông cũng chỉ định một tiểu đoàn của trung đoàn 7 sđ 5 bộ binh  tăng cường cho Thiết kỵ 3. Lực lượng kết hợp của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi gồm thiết giáp, BĐQ và bộ binh sẽ phản công, với mục tiêu tối hậu là tái chiếm quận lỵ Trị Tâm. Toàn cũng cho trực thăng bốc trung đoàn 48 của sđ 18 xuống Gò Dầu Hạ với nhiệm vụ thông thương QL-1 tới biên giới Việt-Miên.

Cách điều quân này là điển hình (typical) của Toàn: ông dùng trừ bị của quân đoàn, rút những đv ít đụng độ để đối phó với đe dọa bất ngờ, và tăng phái lẫn nhau (cross-attached) khi cần. Khi những động thái này là một đáp ứng quyết định cho một tấn công gồm nhiều sđ của Bắc quân trên sườn phía Tây của quân khu III, những động thái này đã làm suy yếu trầm trọng khu vực phía đông của quân khu III, vì giai đoạn thứ hai, có lẽ quan trọng hơn của các cuộc tấn công của quân đoàn 4 CSBV đã bắt đầu. Mặt khác, Toàn đã có ít chọn lựa: Nam VN hầu như ko còn lực lượng trừ bị, và Tây Ninh đã luôn luôn được xem là bàn đạp chánh cho mọi tấn công vào Sài Gòn. Hậu quả là, Toàn đã quyết định dùng trừ bị tại khu vực Tây Ninh và hy vọng điều tốt đẹp cho khu vực đông bắc của quân khu 3. 

Trong khu vực này, tướng Trà đã tìm cách sói mòn kiểm soát của VNCH tại tỉnh Long Khánh, chiếm QL-20 từ SG đi Đà Lạt, và cầm chân (pin down) sđ 18 để ngăn ko cho sđ này triển khai nơi khác trong quân khu 3. Mục tiêu của y là lập một “hành lang giải phóng” dọc biên giới của quân khu 2 và 3. Nhiệm vụ khó khăn nhứt là chiếm QL-20 chạy từ QL-1 trong tỉnh Long Khánh về phía Bắc xuyên qua tỉnh Lâm Đồng tới Đà Lạt. Trong đầu tháng 2, sđ 7 gồm các trung đoàn 141, 165, và 209 được lịnh thám sát làng Định Quán trên QL này. Quận lỵ này cách Xuân Lộc 22.5 km về phía Tây Bắc là một vị trí quan trọng trong phòng tuyến bảo vệ đường này. Một khi chiếm được quận lỵ, sđ 7 CSBV có thể đồng thời tấn công hai hướng khác nhau trên QL-20: về Tây nam chiếm cây cầu quan trọng trên sông La Ngà gần đó, và về đông Bắc chiếm Đà Lạt. Cắt đường này sẽ cắt Cao Nguyên khỏi quân khu 3, cũng như chiếm Ban Mê Thuột và Quảng Đức sẽ cô lập Cao Nguyên với phần phía Tây của quân đoàn 3.

Khi sđ 7 tấn công QL-20, sđ 6 CSBV, đang ở phía đông của tỉnh Long Khánh, sẽ chiếm tỉnh lộ 2, đi từ nam Xuân Lộc tới QL-15--con đường SG đi Vũng Tàu. (Sđ 18 khi di tản, đã theo TL-2 này để về Bà Rịa). Sđ 6 csbv sau đó quay về phía Bắc và tấn công từ Xuân Lộc về phía đông dọc QL-1 tới tỉnh Bình Tuy. Trung đoàn 812 của quân khu 6 sẽ chiếm quận lỵ Hoài Đức và quét sạch phía đông bắc của tỉnh Long Khánh và bắt tay với sđ 6, do đó cô lập các tỉnh ven biển với phía đông của quân đoàn 3 VNCH. Với các phần phía Tây, ở giữa, và giờ đây là phía đông của biên giới giữa quân đoàn 2 và 3 bị mất, các lực lượng nam VN ở quân đoàn 2 ko thể rút về phía nam. Đất nước này sẽ bị cắt làm hai. 

Cuối tháng 2, các đv trưởng của sđ 7 CSBV trở về sau khi thám sát khu vực. Ngày 5/3, phó của tướng Trà, trung tướng tân thăng Lê Đức Anh, đã ra lịnh sđ này đi xuyên rừng từ Phước Long tới những tiền đồn VNCH dọc QL-20 với nhiệm vụ mở màn chiến dịch bằng cách tấn công quận lỵ Định Quán. Dù CS cố gắng che đậy việc chuyển quân, tình báo Mỹ-Việt lại lần nữa khám phá kế hoạch của họ khi bắt được hai lính của sđ 7 CSBV hồi chánh khai báo ý định của Bắc quân. 

Biết được tin này, ngày 16/3 Toàn ra lịnh cho tướng Đảo của sđ 18 gửi hai TĐ của trung đoàn 43 tới Định Quán. TĐ 2/43 tới trong ngày và triển khai ở tây Bắc của TP. TĐ 1/43 và BCH trung đoàn đóng ở  cầu La Ngà. Đảo để TĐ 3/43 gần quận lỵ Hoài Đức để giúp ĐPQ trong khu vực này chống lại tấn công có thể từ trung đoàn 812. Trung đoàn 52 giữ Xuân Lộc và Dầu Giây—giao điểm huyết mạch của QL-1 và QL-20. Với trung đoàn 48 đã tăng phái cho Tây Ninh, Đảo giờ đây ko còn quân, như phần còn lại của quân đoàn 3. Các lực lượng ĐPQ và NQ đóng trên đường số 2 nam Xuân Lộc dẫn tới Bà Rịa và phía đông dọc QL1— là các mục tiêu của sđ 6 và trung đoàn 812–phải tự lo lấy thân.”


Định Quán và cầu La Ngà thất thủ.

Ngày 6/3, sđ 7 CSBV đã xuất phát từ Phước Long để hành quân xa tới QL-20. Tuy nhiên, sông Đồng Nai, nằm giữa Phước Long và QL này lại ko có chỗ nào cạn (ford) hay cầu có thể dùng để vượt sông. TĐ công binh của sđ đã làm việc ngày đêm (diligently) để dựng một cầu cho phép bộ binh và cơ giới nặng có thể vượt qua. Đây là một công việc khó khăn. “Nhiều vấn đề và khó khăn ko thể kể hết mà chúng tôi đã gặp khi di chuyển. . . qua sông này, nhưng. . . chỉ trong ba đêm, toàn sđ và những đv tăng phái đã vượt thành công sông Đồng Nai trong hoàn toàn bí mật.” 

Tuy nhiên, sự chậm trể này khi vượt sông, đã làm thay đổi kế hoạch của tướng Trà là tấn công Trị Tâm và QL-20 cùng lúc. Ngày 12/3, tư lịnh quân đoàn 4 CSBV, thiếu tướng Hoàng Cầm đã gửi mật điện ra lịnh cho Bùi Cát Vũ, tư lịnh phó người lãnh đạo cuộc tấn công QL-20, hãy tấn công càng sớm càng tốt. Mặt dù yếu tố bất ngờ ko còn, sau khi nhận lịnh này, Vũ đã ra lịnh cho sđ 7 tấn công lập tức. Vào sáng sớm của ngày 17/3, trung đoàn 141 đã tấn công Định Quán. Những trận đánh ác liệt đã nổ trên đỉnh đồi (ridgeline) mà TĐ 2/43 chiếm giữ. Sau hơn 24 giờ, cuối cùng bắc quân đã làm chủ cao điểm này--từ đó dễ dàng khống chế quận lỵ. TĐ 2/43 rút về phía nam đến Núi Tran gần đó và lập công sự trên một cao điểm gần cầu La Ngà. Trung đoàn 141 đã nhanh chóng tấn công Định quán và TP này đã mất vào ngày 18/3.

Mục tiêu tới là cầu La Ngà. Do sông chảy theo chiều đông tây nên TĐ 1 và 2 của 43 đóng ở bờ bắc và nam của sông. Cây cầu được bảo vệ bởi một đại đội ĐPQ. Theo kế hoạch ban đầu, chẳng bao lâu bắc quân đã tiến quân theo QL-20. Trong buổi sáng 20/3, các chỉ huy của họ đã tung ra hai TĐ mới tinh từ trung đoàn 209 chống lại TĐ này trên núi Tran. Trung đoàn 141 vẫn ở Định Quán để dưỡng quân. Bắc quân đã tấn công các vị trí của TĐ này vài lần, nhưng bị đẩy lui. Ở đợt xung phong thứ ba, chỉ huy của TĐ 2 này, thiếu tá Nguyễn hữu Chế, đã ra lịnh hai khẫu 105-ly nạp đạn chống biển người và bắn thẳng vào địch quân. Những phát đạn này đã khiến bắc quân ngừng tấn công.

Bất chấp thiệt hại này,  vào xế chiều csbv đã tấn công lần nữa. Để đối phó với đe doạ mới mày, thiếu tá Chế gọi không quân. Bất hạnh thay, một máy bay F-5 đã thả bom lầm các vị trí của TĐ này, gây nhiều thương vong. Sau vụ bom lầm, tình trạng của TĐ này ngày càng mong manh (tenuous). Trong vòng BỐN NGÀY chiến đấu chống HAI TRUNG ĐOÀN CSBV này, TĐ 2/43 của thiếu tá đã thương vong trên 80 người. Do các cuộc tấn công khác của CSBV trong tỉnh Long Khánh, chuẩn tướng Đảo ko thể tiếp viện TĐ này. Không còn chọn lựa nào khác là rút lui hay bị tràn ngập, vào giữa đêm Đảo đã ra lịnh cho TĐ rút về Xuân Lộc. Vào lúc hừng đông, trung đoàn này đã tiến về cầu La Ngà. Vì ko thể giữ được trước bước tiến của địch, vị đại đội trưởng ĐPQ đã gọi pháo binh bắn trực tiếp lên vị trí của ông ở kế đầu cầu (abutment). Trong một cố gắng để ngăn bắc quân chiếm cầu, ông đã anh dũng hy sinh—dù vô ích: mặc dù đã giết hàng chục bắc quân, cầu vẫn lọt vào tay bắc quân. Giờ đây cạnh sườn bị hở (unhinged), TĐ 1/43 cũng rút lui. Sư đoàn 7 đã thành công trong nhiệm vụ đầu tiên. 

Trong khi đó, cuối tháng hai, sđ 341 CSBV từ Bắc VN đã bí mật xâm nhập vào Mặt trận B-2 và đã chính thức đặt dưới quyền của quân đoàn 4 CSBV. Ngày 2/3, sau khi tăng phái trung đoàn 273 cho sđ 9, trung ương cục miền nam đã ra lịnh cho tư lịnh cho sđ 341 “Nghiên cứu khu vực QL-20 từ cầu La Ngà tới Dầu Giây—giao điểm của QL-20 và QL-1. Hãy thực hiện mọi chuẩn bị cần thiết để tiến hành một trận đánh qui mô lớn khi có lệnh.” Tư lịnh của sđ và bộ tham mưu đã đích thân thám sát khu vực này. Vào cuối tháng ba, quân đoàn 4 CSBV đã ra lịnh cho hai trung đoàn mới tới, 266 và 270, của sđ 341 nhận trách nhiệm cho khu vực Định Quán từ sđ 7 CSBV. Trung đoàn 270 sẽ bảo vệ khu vực mới chiếm, trong khi trung đoàn 266 sẽ tấn công theo QL-20 về phía tây nam để chiếm quận lỵ kế, Kiệm Tân.

Đảo đã biết rõ nhu cầu ngăn ko cho bắc quân tiến thêm trên QL-20. Ngày 28/3, ông gửi TĐ 2/53 tái chiếm lãnh thổ đã mất. Trong khi TĐ này chậm chạp tiến về phía bắc, họ đã tiến vào phòng tuyến của trung đoàn 207. Đây là trận đánh đầu tiên của trung đoàn này vì mới xâm nhập từ bắc. Trận chiến đã ác liệt từ sáng sớm 29/3 tới cuối ngày kế, và bất phân thắng bại (stalemate). 

mặt trận thứ hai của Đảo, sđ 6 CSBV đã chọn thời điểm (timed) cho cuộc hành quân quét sạch mọi tiền đồn của VNCH để trùng hợp với tấn công của sđ 7 CSBV. Giữa 15 và 18/3, sđ 6 tấn công về phía bắc dọc tỉnh lộ 2 (đường từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, mà sau này cũng là đường lui quân của sđ 18 ra khỏi Xuân Lộc—người dịch). Kế đó sđ 6 sẽ đánh phía đông của Xuân Lộc, chiếm núi Chứa Chan, cao điểm quan trọng khống chế phía đông của TP này. Ngày 28/3, sđ 6 CSBV kiểm soát một đoạn dài 48 km từ núi Chứa Chan tới Bình Tuy. QL huyết mạch từ SG đến miền trung đã bị cắt, khiến nam quân ko thể dùng Ql-1 để trợ giúp QĐ-2.

Vài giờ trước khi sđ 7 csbv tấn công Định Quán, trung đoàn 812 đã nổ súng vào mặt trận thứ ba của Đảo, bằng cách tấn công Võ Đắc, quận lỵ của quận Hoài Đức. Các chiến sĩ ĐPQ kiên cường của Võ Đắc, đã sống sót sau cuộc vây hãm 30 ngày của các cuộc tấn công của Giai Đoạn Một, đã liên tục chống trả trong ba ngày. Mất kiên nhẩn khi không thể chiếm quận lỵ này, Trà đã yêu cầu trong đêm 19/3 rằng 812 phải nhanh chóng dứt điểm quận lỵ này. Trong những giờ của sáng sớm 20/3, sau khi pháo binh ồ ạt dọn đường, trung đoàn đã tấn công Võ Đắc. Sau khi chiếm làng này, trung đoàn 812 quay sang tấn công đv cuối cùng của vnch trong khu vực, đó là tđ 3/43 đang bảo vệ vài cao điểm gần đó. Sau hai ngày chiến đấu, Đảo ra lịnh cho tđ này rút về Xuân Lộc. Thời gian ngắn sau đó, trung đoàn 812 đã bắt tay với một đv trinh sát của sđ 6. Trung đoàn 812 hoàn thành nhiệm vụ, và Hoài Đức đã được "giải phóng" như Tánh Linh. Dù chậm so với kế hoạch, trung đoàn 812 nay tiếp tục hoàn thành phần hai của nhiệm vụ: giúp sđ 7 csbv dọn sạch QL-20 và chiếm tỉnh Lâm đồng và Tuyên đức. 

Dịch từ 243-252 của Black April 

San Jose ngày 7 tháng 4 năm 2021

Tài Trần

 

Rời Việt Nam

Đọc bài để thấy những xứ Á Châu khốn nạn... Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương (Indonesia). Chỉ có Phi Luật Tân (Philippines), Hồng Kông là những quốc gia tương đối giúp đở người tỵ nạn VN.


Rời Việt Nam
Phi Nga



Đã nhiều lần tôi muốn viết nhưng rồi lại chẳng thể hoàn tất, câu chuyện vượt biên tháng 4 năm 1979. Cứ thảo được vài giòng rồi xóa bỏ.

Không phải vì đã có nhiều câu chuyện về chuyến ra khơi, nhiều hoàn cảnh đi rồi không đến sau tháng Tư năm 75 mà tôi từng được đọc mà vì mỗi lần nhớ về chuyện vượt biên tôi lại bị cơn ác mộng. Đến nay là đúng 41 năm rời Việt Nam, thế mà tôi vẫn thỉnh thoảng nằm mơ về ngày ấy.

Gia đình chồng ở ngay đường Nguyễn Trung Trực, trước chợ nhà lồng Rạch Giá. Căn nhà còn sót lại sau những căn mà họ đã trưng dụng để làm Ty Giáo dục, làm Bưu điện thành phố và làm Đồn trú Công an.

Sau khi chồng đi tù về chúng tôi không được ở Sài Gòn. Tổ dân phố gạch xóa hộ khẩu và yêu cầu chồng tôi về nguyên quán. Tôi về lại nhà cha mẹ ruột, thỉnh thoảng xài tờ giấy của phòng Tổ Chức trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn điều về trình diện ty giáo dục Kiên Giang để có tờ giấy đi đường và để mua vé xe đò đi lên đi xuống.

Khi anh về Rạch Giá theo quy chế quản thúc, công an khu vực là tên công an có hai cái răng cửa bọc vàng nên dân chúng gọi tên Năm Răng Vàng. Sáng nào cũng đến viếng rồi bắt anh đi xuống vùng có tên là Miệt Thứ Chín để lao động vinh quang với gói lương khô vài ba ngày tự túc. Lao động cả năm ngày, cuối tuần anh mới được về nhà mẹ ruột. Về đó anh phải viết báo cáo: ngày nào, làm gì, giờ nào gặp ai, nguyên tuần luôn và phải thành thật khai báo mọi chi tiết.

Khi tôi xuống, mục đích là thăm chồng và tìm đường vượt biên, má chồng tôi khai tôi là cán bộ nhà nước với đầy đủ giấy tờ công tác nên tôi được yên thân. Tôi xử dụng tờ giấy của phòng Tổ Chức trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn đi nhận cộng tác tại Ty Giáo dục tỉnh Kiên Giang để ra phường khóm xin giấy đi đường. Cứ đi lên đi xuống nhưng tôi không trình diện và cứ thế cho đến ngày tìm được chổ vượt biên.

Năm 1979, cao trào người Hoa bị đuổi khỏi VN. Phong trào bán chánh thức vượt biên hầu như chánh thức. Dưới Rạch Giá, người Hoa xí xô xí xào và đi lềnh cả khu trung tâm Rạch Giá. Tôi băn khoăn nghi ngờ về chuyện vượt biên bán chánh thức này, cho là bị gạt và những người Hoa này đang chui đầu vào rọ. Một hôm, tôi thấy trong căn nhà bên chồng mình đầy người lạ. Thì ra chủ tàu người Hoa thuê bao những căn phố lớn gần chợ để đổ người từ Sài Gòn xuống. Căn nhà của má chồng tôi được bà chủ (bà vợ thứ ba) cùng người nhà là mười người đến ở. Bà chủ vợ thứ ba lại là người Việt Nam, bà ấy gần năm mươi tuổi, đẹp người và nom sang trọng với phong cách của người Hà Nội 54. Bà trọng người có học nên khi biết vợ chồng tôi có trình độ đại học và biết sinh ngữ Anh Pháp, bà rất quý.

Tôi nhìn thiên hạ chuẩn bị vượt biên, thấy họ vui tươi mua sắm ăn uống dạo phố công khai mà vui theo. Thật khác hẳn với chuyến vượt biên đi vào sông ông Đốc của chúng tôi cách đó không lâu: chèo xuồng suốt đêm, ngủ trong rừng với bầy muỗi nổi tiếng của rừng Cà Mau, lội sình ngập gối rồi sau đó hối hả thối lui trong đói khát và sợ hãi.

Lúc này tôi đã tin vượt biên bán chánh thức là thật. Mỗi đầu người từ Sài Gòn xuống là 12 đến 15 cây vàng. Số tiền khổng lồ và niềm ao ước được đi bán chánh thức khiến đêm đến tôi cứ nằm mà mơ không ngủ được. Vậy mà chúng tôi bỗng nhiên trúng số khi có vài người Hoa trong thời gian ăn dầm nằm dề chờ ngày xuất trận bỗng bỏ cuộc, bỏ tiền bỏ vàng. Họ quay về Sài Gòn hoặc họ nhảy qua chuyến tàu khác được xuất hành sớm hơn? Tôi không biết, chỉ biết bà chủ gọi tôi ra hỏi có chạy được 4 cây vàng để thế chổ? Tôi tức tốc lên Sài Gòn kể cho ba má biết và má tôi đã giúp vàng cho vợ chồng tôi đi. Cái thân tù cải tạo và lý lịch xấu thì một hai ba bốn gì chúng tôi phải rời VN, rời càng sớm càng tốt mà nay lại được đi công khai không lo công an chận bắt! Thế là trong hai chuyến vượt biên ba má tôi đã hy sinh gần hết vốn liếng của gia đình cho con gái. Công ơn trời biển!

Vợ chồng tôi trước ngày xuống tàu phải di chuyển từ khu chợ nhà lồng ra khu nhà sát con sông lớn, nơi tàu bè được đóng và đậu ở đó để xuất hành. Kể từ hôm đó, tôi phải ráng nhớ tên trên giấy tờ là Wồng A Muối, còn chồng tôi mang tên Pánh Pao hay bánh chà cháo quẩy gì đó thật tình tôi không nhớ nổi.

Khách của bà chủ thứ ba toàn là người Việt giả dạng người Hoa, tập trung vào căn nhà lớn, còn lại toàn người Tàu Chợ Lớn. Chúng tôi, nhập vào đoàn khách này, phải nói tiếng Việt lơ lớ che dấu thân phận. Họ bao thuê những căn nhà của dân ở hai bên đường, dĩ nhiên phải qua mối lái của công an. Chúng tôi chờ đợi trong phập phồng vì ngày nào còn nằm chờ trong tay công an, ngày đó còn hiểm nguy chào đón.

Rồi ngày lên đường đã đến. Ba má tôi ở Sài Gòn còn ba má chồng ở cách đó năm mười cây số nhưng không ai dám lộ diện sợ lòi đuôi không phải gốc Hoa nên khi bước lên cây cầu gỗ, lên tàu rời VN vĩnh viễn, không người thân đưa tiễn, tôi thật buồn thật nhớ cha mẹ anh em. Lúc đó tâm trạng tôi hướng về cha mẹ, anh em nên tôi không phập phồng lo sợ bị bại lộ giả người Tàu khi hai tên công an kiểm soát gấy tờ trước khi đi vào bến cảng.

Lao vào thân tàu chúng tôi được cho vào tầng lửng, bên dưới đã đầy nghẹt người. Chao ơi, tôi không ngờ nhiều người đi như vậy. Mới đầu còn duỗi cặp chân, chiều tối xuống thì tôi chỉ còn ngồi bó gối. Vài tiếng đồng hồ chờ đổ người xuống thôi mà tôi thấy dài như không bao giờ chấm dứt. Cuối cùng khi trời sập tối, tàu dần dần di chuyển, nhiều người khóc trong đó có cả tôi vì nghĩ không bao giờ gặp lại người thân.

Tàu chạy từ sông ra biển, có công an hộ tống dẫn đường bằng ghe nhỏ. Khoảng một tiếng đồng hồ thì tàu dừng lại, nhiều người với hành lý lao vào khoang tàu. Hóa ra công an khu vực họ vớt thêm người, gom một số tiền bỏ túi riêng ngoài danh sách. Những chuyến ghe nhỏ gắn máy đuôi tôm cặp sát tàu lớn, công an chuyền vào tàu thêm năm bảy chục người nữa, sau đó tàu mới được đi. Theo thỏa thuận, công an bảo kê tàu bán chính thức vượt biên, kè theo tàu cho đến lúc ra hải phận quốc tế; tôi đoán vậy khi nghe các gia đình chủ tàu lao xao reo vui, vỗ tay bye bye. Công an biên phòng làm xong nhiệm vụ, theo lệnh chủ tàu, ai còn tiền VN trong túi dốc tặng đám công an.

Tàu chạy tiếp thêm một lúc, ông bà Trương chủ tàu khui sâm banh ăn mừng, nghe tiếng “bóc bóc“ nổ thì cùng lúc đó tiếng động cơ tắt lịm. Máy hư!

Cả tàu ngơ ngác nhìn nhau không tin được. Tàu mới đóng, máy động cơ mới toanh, mới ráp mà! Chúng tôi mon men leo lên trên, thấy chung quanh biển êm như mặt hồ. Anh tài công và mấy người thợ đang hò hét chửi thề liên tục. Tàu lắc nhẹ trên nước và theo gió trở mũi tàu hướng đất VN. Xa xa có vài chiếc ghe đánh cá của người Việt. Khi họ tò mò ghé vô, chủ tàu liền đưa tiền nhờ họ vào đất liền báo với công an là tàu đi bán chánh thức mang số VNKG 009 bị chết máy và xin giúp đỡ.

Cuối cùng chúng tôi được công an cho ghe đánh cá loại lớn ra kéo trở vô bờ. Chủ ghe thương thảo và chúng tôi được đổ bộ xuống vùng Tà Niên. Lại tạm trú nhà dân chúng. Chủ nhà có nhiệm vụ nấu cơm ngày ba bữa cho chúng tôi và chúng tôi tiếp tục đóng tiền ăn và chờ. Tôi thuê ghe khách đi về chợ Rạch Giá, báo tin cho bên chồng hay tự sự và ra bưu điên đánh điện tín về Sài Gòn cho ba má tôi hay.

Khu Tà Niên nơi chúng tôi ở nổi tiếng về khóm. Khóm Tắc Cậu Tà Niên ngọt như ăn cục đường nên thời gian ở đó chúng tôi mượn chủ nhà làm cho mấy lon ghi gô khóm đặng mang theo, đúng là cứ tưởng như đi du lịch! Chủ nhà là người Tiều nên sáng nào tôi cũng ăn cháo trắng với chao với cải xá bấu. Trưa chiều ông xào cho thịt ba rọi với rau, toàn là mỡ với mỡ! Ngày nào cũng ăn giống ngày nào, thật ớn!

Sau một tháng ở đó chờ sửa máy, chúng tôi mừng thật mừng khi nghe tin sẽ được ra đi. Trong thời gian tại Tà Niên, ghe lại tiếp nhận thêm vài chục người mới. Vào ở chung với chúng tôi là vợ chồng anh Ba bụng bự người Việt trăm phần trăm nhưng phong cách rất Ba Tàu, cỡi trần suốt ngày khoe chiếc bụng to như bà bầu năm tháng. Anh có rất nhiều tin tức về chuyện tàu bè bán chánh thức. Năm đứa con đã đi trước, giờ hai vợ chồng đi với một đứa con nhỏ. Anh cho biết một tin nóng hổi là các chuyến tàu bán chính thức, sau chuyến của chúng tôi ra khơi, bị đình chỉ vì lệnh từ Hà Nội. Người ta bán nhà cửa để đi nay phải lếch thếch trở lại Sài Gòn, tiền mất nhà bay! Vợ chồng anh Ba lanh lợi, đút lót công an nên nhẩy qua được chiếc ghe của chúng tôi, thuộc loại ghe đã có giấy phép ra khơi. Sau này gia đình bên chồng tôi xác nhận đúng là mấy ngàn gia đình đóng vàng chờ ra khơi đi vượt biên bán chánh thức tại chợ Rạch Giá phải đi ngược về Sài Gòn hay nơi khác vì không một chiếc nào được rời bến nữa! Thê thảm và khốn khổ! Anh Ba có năm đứa con cho vượt biên bán chính thức trước đó nửa năm khi anh đến Nam Dương có nhờ chúng tôi hỏi thăm Cao Ủy Liên Hiệp Quốc nhưng tìm không ra tông tích.

Lần hai ra khơi, không một ai nhỏ lệ và khi ra đến hải phận quốc tế, ông bà chủ không reo hò khui rượu mừng như lần trước. Tàu cứ lầm lũi chạy. Chạy đến ngày thứ Hai thì chúng tôi gặp một ghe đánh cá Thái Lan, họ mời vài người qua ghe họ, cho nước đá đem về tàu. Tôi cũng lanh chanh xuống hốt một thau nước đá lên phát cho bà con ngồi cạnh, lòng hớn hở vui chờ ngày tàu cặp bến đến Thái Lan, không hề biết là đang đi vào nguy hiểm.

Khi trời nhá nhem tối, tàu hải tặc bắt đầu xuất hiện. Họ đến một lượt bốn năm ghe vì biết tàu chúng tôi khá đông và tàu khá lớn. Nhóm lên tàu còn rất trẻ, đứa cầm dao, đứa cầm búa và bắt đầu lục lọi cướp bóc. Tôi nhìn thấy cô thư ký của ông Trương, người đại diện ông bà chủ để truyền tin tức cho chúng tôi khi còn trên đất liền, đang xoay vòng vòng vì bị hải tặc rút cái ruột tượng chêm đầy vàng lá mà cô quấn quanh bụng. Cuộc vơ vét kéo dài mấy tiếng với thắng lợi không ngờ qua những gương mặt hớn hở mừng vui của họ. Đợt hải tặc thứ hai kéo tới sau đó chừng một tiếng, tôi có cảm tưởng họ đã chia phiên với nhau và báo cáo tình hình khi biết trên tàu không hề chống cự và không hề có súng.

Những lần sau này, sau khi lục soát vàng vòng, họ bắt đầu kiếm gái. Đang ngồi tầng trên, khi thấy các anh báo động tôi nhảy xuống tầng lửng chen vào đám con nít, ôm ngay một đứa bé vào lòng. Bà mẹ nhìn tôi cảm thông, trấn an nó bằng tiếng Hoa nhưng thằng bé lạ người vừa khóc vừa cắn tôi đau điếng. Đèn pin của hải tặc rọi xuống, tôi hãi sợ quá, gục đầu vào đứa bé chịu trận cho đến khi đèn quay về hướng khác. Năm rời VN tôi 24 tuổi.

Tàu chứa hơn 700 người, bọn hải tặc lùng những cô gái 15, 17 tuổi. Tụi nó bắt cô nào là kéo chiếc xà rông ra, đè lên cô gái, làm tại trận. Tiếng kêu la van lạy và thét rú kéo dài dường như vô tận. Bọn này rút đi thì nửa giờ sau bọn khác kéo đến. Tiếng kêu cha kêu mẹ, kêu anh, kêu người yêu… cứ ám ảnh tôi mãi. Ngay bây giờ khi viết về chuyến vượt biên, tiếng rú nổi lên làm đầu tôi nhức nhối, tôi thấy lại hình dạng các thiếu nữ máu me lê lết trên khoang tàu sau khi bọn hải tặc rút đi!

“Nhưng gió tắt mà sao còn động cỏ

Hoa lung lay vật vả nắm hương tàn

Hay tiếng khóc dâng lên từ đáy mộ

Của muôn đời chưa nín hận lìa tan“

(Vũ Hoàng Chương)

Trong chuyến vượt biên có nhiều lúc cận kề cái chết nhưng đây là khoảnh khắc kinh sợ nhất đời tôi. Chưa bao giờ tôi sợ như lúc đó. Chồng, cha bất lực không cứu được con chứ đừng nói chi những cô gái ra đi không có cha, anh bên cạnh. Điều an ủi duy nhất là họ không bắt các cô gái đi theo tàu họ và về sau mất tích mãi mãi!

Đến ngày thứ ba, chồng tôi lên tiếng kêu đàn bà con nít đi xuống hầm, tất cả các đàn ông lên trên và phải chống cự nếu không sẽ chết nhưng họ không nghe. Có bà Xẩm còn thét lên: "Vụt thằng cha đeo kiếng này xuống biển đi. Muốn hại chết mọi người à". Tôi nhìn quanh, đàn ông và thanh niên Việt Nam, độ hai chục người, có vài người hưởng ứng, còn người Hoa im lìm như điếc.

Mấy ngày trên biển, không một hột cơm, không miếng nước, không thể nhắm mắt ngủ đã làm mọi người không còn sức lực.

Rồi biển động, những ngày biển động làm chúng tôi say sóng, ói mửa và nằm bẹp xuống sàn nhơ nhớp nhưng lại mừng vì ngày biển động lại là những ngày không có hải tặc. Chúng tôi chạy thêm hai ngày trời nữa mà nhìn chung quanh vẫn mênh mông là nước… Ông tài công hình như chạy loanh quanh vịnh Thái Lan gần bờ?

Tới ngày thứ năm, rạng sáng chúng tôi thấy từ xa có bảy hay mười chấm đen nhỏ. Dần dần các chấm đen đó càng to và hiện rõ đó là ghe đánh cá Thái Lan. Hoảng hốt, tôi nhớ đến lá cờ đen trắng kẻ caro mà anh tôi, hải quân, vẽ cho nhét vô hành lý. Thế là bung lên cột cờ, lòng thì thầm khấn nguyện đấng Thượng Đế che chở.

Các chấm đen giờ đã hiện nguyên hình các chiếc ghe Thái, không còn cách chúng tôi bao xa nữa, khoảng 30 phút. Trên tàu, đàn bà con gái đi trốn, boong tàu dành riêng cho các gia đình chủ ghe, tài công trống bóc chỉ có vài thanh niên và tôi như bị thôi miên cứ nhìn các chiếc ghe Thái chân bủn rủn đi không nổi.

Bỗng bên trái tàu chúng tôi, lừng lững một chiếc tàu sắt, họ tiến về phía chúng tôi và bọn hải tặc bắt đầu giãn dần ra hướng khác. Thì ra từ giàn khoan dầu ngoài khơi, họ đặt ống dòm và đã nhìn thấy lá cờ kêu cứu. Tàu chúng tôi được kéo vào cặp sát giàn khoan, nằm đó chờ đợi quyết định của cấp trên. The American Big Tide Tanker này đã cứu thoát chúng tôi khỏi đám hải tặc Thái Lan, nếu không có họ chắc chắn chúng tôi đã chìm vào địa ngục trước khi chìm vào lòng biển cả.

Năm tiếng đồng hồ trôi qua, không động tịnh. Bên dưới tàu, anh giáo sư người Việt, sau này là trưởng và phó trại tỵ nạn của chúng tôi, tên Trương Minh Tiến và anh Ngô Trung Trọng ngồi góp ý viết một lá thư tường trình sự việc để kêu cứu và đưa lên ban chỉ huy giàn khoan. Chúng tôi vô cùng đội ơn giàn khoan dầu ngoài khơi Malaysia đã cho chiếc tàu chở xăng của Captain Eddie Hagensen và thủy thủ đoàn giúp 732 người tỵ nạn chúng tôi vượt tiếp đại dương trên chiếc tàu sắt này để đi vào phía Nam Malaysia, đến thành phố Mersing Johor.

Suốt một đêm ngồi chờ kết quả, nhờ lá thơ và nhờ lòng tốt của các vị có thẩm quyền trong giàn khoan, qua hôm sau chúng tôi được lên giàn khoan nhưng chúng tôi phải đục hư chiếc ghe này. Chiếc ghe mang biển số VNKG 009 từ từ chìm xuống đại dương. Hành lý mang theo chỉ là một xắc tay nhỏ, chúng tôi lần lượt leo thang bằng dây thừng lên tàu.

Từ trên nhìn xuống tôi thấy trên mặt biển, những thùng phi đựng dầu chạy máy, nghe nói là dưới đáy các thùng phi này có rất nhiều vàng của chủ ghe, cùng với các vật dụng hành trang nổi bập bềnh trên mặt nước trong xanh.

Bình minh lên và sự sống đã về…

Biển lúc nào cũng đẹp khi biển yên, chúng tôi dù trong tâm trạng lo âu vẫn thưởng thức được cảnh mặt trời lên xuống. Hai bên tàu, từng đàn cá heo giỡn sóng phóng lên cao rồi lặn xuống. Thật là những hình ảnh đặc biệt, độc nhất trong đời.

Phải mất mấy ngày chúng tôi mới đến Mersing Johor, một vùng du lịch xinh đẹp của Mã Lai. Đoàn dân tỵ nạn lếch thếch lôi thôi, bẩn thỉu và hôi hám, xếp hàng dưới cặp mắt quan sát của những du khách đang nghỉ mát tại đó. Năm 1979, thành phố này đã sang trọng, sạch sẽ và xinh đẹp với những đại lộ có hai bên hai hàng cây to bóng mát.

Sau gần mười ngày trên biển, chúng tôi đi đứng loạng choạng, được chia ra làm hai nhóm bên nam bên nữ bèn ngồi bệt trên mặt đất để cảnh sát Mã Lai đếm số. Trong hoàn cảnh còn sống, được lên đất liền ở quê người, tâm trạng mất quê hương hôm nay hiện rõ khiến lòng tôi chua chát và đau khổ cùng cực dầu rằng đây là điều mình quyết định và mong muốn.

Chúng tôi được các xe nhà binh đưa đến một sân đá banh được trưng dụng làm nơi tạm trú cho dân tỵ nạn đến từ VN. Tại đó đã có hơn ngàn người và chúng tôi tự động mạnh ai nấy lo tìm chỗ trống để cắm dùi. Đó là đêm màn trời chiếu đất đầu tiên trên đất Mã Lai.

Mỗi ngày quân đội chở cá rau và gạo đến phân phát. Họ cấm chúng tôi rời khuôn viên đá banh này nhưng vẫn có vài người Hoa bị đánh vì vi phạm nội quy, lẻn trốn ra phố.

Ai còn vàng, còn đô-la thì bán cho những người Mã Lai, sau đó đưa tiền nhờ lính Mã Lai mua những gì mình cần. Cách sân banh, phía nơi chúng tôi cắm dùi, là một con kinh nhỏ làm biên giới với các căn phố đối diện. Họ đều là người Hoa nói tiếng Quảng Đông, trong thời gian ở đây tôi thấy những người Hoa này rất tốt. Họ vứt qua cho chúng tôi những túi quần áo cũ hoăc khi chúng tôi muốn mua gì thì buộctiền vô cục gạch ném qua, họ ném đồ dùng trở lại, rất sòng phẳng.

Sau đợt chúng tôi nhập vào sân đá banh này, lại có thêm vài trăm người đến sau, khiến con số người Việt tỵ nạn tại đây lên đến hơn hai ngàn người. Trong thời gian ở đây, chúng tôi không hề biết tin tức bên ngoài, mãi cho đến gần một tháng sau, có hai người Mỹ đi lén vào và báo cho chúng tôi hay là Mã Lai đang làm áp lực với Liên Hiệp Quốc và có thể chúng tôi sẽ bị ép buộc quay về VN. Khi cảnh sát Mã Lai nhìn thấy hai người Mỹ thì họ bị đuổi ra và tôi chỉ có thể nhờ họ đánh điện về Pháp cho anh tôi hay là chúng tôi đang ở Mã Lai. Họ đã làm giùm.

Tôi gặp lại vài người bạn cũ, mừng hội ngộ nơi xứ người sau cuộc hải hành nguy hiểm chưa được bao lâu thì có tin di chuyển qua trại chánh thức là Poulo Bidong, nơi có Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi chuẩn bị đồ đạc để đi ra bến tàu ngay sau đó. Lần này chúng tôi lội bộ. Trên đường đi chúng tôi thấy một số dân bản xứ gốc Hoa chạy xe đạp len sát vào và với gương mặt sầu bi, họ cho biết là chúng tôi sẽ bị đem bỏ ra biển. Tôi chợt nhớ đến hai người Mỹ đã lén vào sân banh báo tin. Chúng tôi không bao giờ ngờ là Mã Lai sẽ đem mình ra bỏ ngoài biển! Chúng tôi không còn đường thoát!

Đoàn tỵ nạn bắt phải leo xuống những chiếc ghe nhỏ chèo tay, mỗi ghe được chèo bởi hai thanh niên Việt, hình như họ ở trại tỵ nạn đã lâu vì tôi thấy tóc tai họ để dài xõa ngang vai và vẻ mặt lầm lỳ. Họ im lặng chèo chúng tôi ra tàu, từng tốp người được chuyển qua tàu. Tổng cộng có 5 chiếc tàu, hơn hai ngàn người chia cho 5 chiếc tàu. Những chiếc tàu mà người vượt biển tới trước, tới tận nơi này bỏ lại. Tôi bước qua một chiếc tàu, dòm nước sơn còn khá mới, có đề chữ VT-268. Như vậy từ khi rời Rạch Giá, đây là chiếc tàu thứ ba tôi bước xuống. Tàu hải quân Mã Lai xâu mũi năm chiếc tàu này vào một chùm và kéo chúng tôi đi, chúng tôi vẫn đinh ninh họ đưa mình qua đảo Poulo Bidong nên không ai chuẩn bị nước uống vì sang đó chỉ cần vài tiếng đồng hồ như họ nói. Dù được những người Hoa người Mỹ báo động, tôi vẫn không tin. Làm sao họ dám làm vậy trước Cao Ủy Liên Hiệp Quốc! Vậy mà họ bỏ chúng tôi ra biển thật!

Đến ranh giới mấp mé biển Nam Dương, chúng tôi nghe tiếng động cơ trực thăng bay trên đầu. Tàu hải quân Mã Lai, mang số P-3144, thấy trên không trung có một chiếc máy bay của nước Singapore đang quay phim cảnh tượng năm chiếc tàu đầy nhóc người tỵ nạn bị xâu thành một bó và bị tàu hải quân của Mã Lại kéo đi, họ bắn! Để che dấu hành vi man rợ này, họ đã bắn cảnh cáo và sau khi chiếc trực thăng bay xa, họ chặt đứt chùm 5 sợi dây. Tàu Mã Lai tách ra, quay ngược đầu trở lại, năm chiếc tàu tỵ nạn tròng trành trên biển. Chúng tôi lúc đó hiểu ra và ai cũng thất kinh, tiếng kêu khóc vang trời. Các anh mò mẫn xem trên tàu có những gì thì khám phá ra tàu không còn động cơ, máy móc đã bị gỡ ra, chỉ còn bánh lái.

Khi đó tôi chỉ sợ tàu này bị lủng lỗ, nước vô từ từ thì xem như chết. Mọi người đem khăn, chăn mỏng ra làm thành cột buồm, bọc gió thổi xuôi tàu xuống phương nam theo sự tính toán của lính Mã Lai về hướng gió. Khoảng ba mươi phút sau, chúng tôi đã vào lãnh hải Nam Dương. Tàu cứ trôi theo giòng nước… Qua hai ngày trên sóng nước thì bỗng tàu đứng hẳn không trôi nữa, cứ dùng dằng nhấp tới nhấp lui. May mắn cho chúng tôi là có một nhóm chuyên nghề đánh cá ở Phan Thiết trên tàu này, anh yêu cầu mọi người kiếm cho anh một con dao và anh phải uống một chén nước mắm giữ ấm thân nhiệt trước khi lặn xuống phía đáy tàu… Anh trồi lên cho biết chân vịt ghe vướng vào lưới giăng của ngư dân, chứng tỏ gần đâu đây có người ở, chứng tỏ chúng tôi không xa đất liền. Hy vọng vươn lên!

Thoát mớ lưới giăng, tàu lại tiếp tục trôi vô phương hướng!

Hai ngày một đêm đã trôi qua trên con tàu vô định, chúng tôi không đói chỉ thấy khát… Nắng chang chang trên khoang tàu nhưng làm sao yên tâm mà chui xuống hầm cho được. Lúc đó số người Việt ít ỏi trên tàu biến thành bộ chỉ huy, giống như lúc chiếc tàu thứ nhất gặp được giàn khoan. Bộ chỉ huy gồm tám người Việt biết sinh ngữ đã viết thư và sắp xếp chuyện đục tàu để mọi người được cho lên trên giàn khoan giữa biển. Các anh nhìn sao nhìn trăng cầu mong một trận mưa để có nước uống và chỉ biết phó thác con tàu cùng sinh mạng những tàu nhân cho Thượng Đế.

Sáng ngày kế tiếp, chúng tôi gặp tàu tuần dương hạm Nam Dương, lính Nam Dương bắc loa kêu chúng tôi là Cộng Sản và yêu cầu chúng tôi quay về với Cộng Sản. Thấy tàu chúng tôi vẫn nhích tới theo sóng nước, họ cho hai chiếc tàu nhỏ chạy đến, súng ống chỉa về phía chúng tôi. Sau đó sợi giây thừng được thảy qua tàu tỵ nạn, hai người lính Nam Dương buộc dây vào mũi tàu và kéo ngược tàu chúng tôi về hướng Bắc, hướng nước Mã Lai, nơi mới vừa tàn nhẫn xua đuổi chúng tôi ra biển!

Trên tàu lúc đó đã có một bé gái 10 tuổi, con của một người trong nhóm đi từ làng đánh cá tại Phan Thiết đã chết vì khát nước. Anh cho phép chúng tôi ẵm xác đứa bé đứng trước mũi tàu, giơ cao lên cho lính hải quân Nam Dương thấy sau đó thả xuống biển thủy táng. Với tình trạng có người đã chết trên tàu, chúng tôi hy vọng tàu hải quân Nam Dương sẽ cho chúng tôi tỵ nạn. Xác cháu bé cứ trôi dật dờ theo con tàu chúng tôi đến hơn 15 phút mới chìm trong lòng biển.

Tuy nhiên, lính Nam Dương không động lòng, tàu vẫn bị kéo, mỗi lúc một nhanh dù ngược gió. Sóng vỗ vào mạn tàu ầm ầm và lúc này mũi tàu kêu răng rắc như sắp gãy. Bộ chỉ huy trên tàu chúng tôi quyết định hoặc chặt dây hoặc chết.

Thanh Mai, cô gái đi một mình, năm đó 16 tuổi, xung phong lên mũi tàu chặt dây với lý luận của em là đàn ông lên nó bắn, đàn bà con gái lên nó nương tay. Em cầm búa lên chặt mạnh vào sợi dây thừng. Tàu Nam Dương nổ súng, đạn bay chéo chéo sát mạn tàu. Mặc họ bắn, Mai vẫn đều đặn nện búa xuống, không có gì ngăn cản được ý chí của em!

Sợi dây đứt và bên kia đạn cũng ngừng bay. Im lặng hoàn toàn… Cái loa inh ỏi đuổi về cũng im tiếng như sững sờ trước sự can đãm liều mình không sợ chết của cô gái trẻ. Cô là đại diện cho đám tàu nhân đòi quyền được sống trong tự do trong nhân ái. Cô đã cứu mấy trăm mạng trên chiếc tàu tàn phế đó.

Vị tàu trưởng nhìn qua ống dòm và ông đã động lòng không xua đuổi nữa. Sau này khi lên đất liền, quân đội đến lập khu trại cho chúng tôi xong, tàu trưởng và các sĩ quan đã đến thăm Mai, tỏ lòng kính phục.

Sau 3, 4 tiếng chờ đợi lịnh, vị tàu trưởng cho ca nô chạy đến báo tin vui là các vị có thẩm quyền trong đất liền, cho phép chúng tôi lên bờ. Mọi người chấp hai tay lạy cám ơn chiếc tàu nhân ái đó.

Khi lên đất liền chúng tôi chôn thêm hai bác lớn tuổi người Hoa, chết trên tàu nhưng các người con cố dấu không muốn làm thủy táng như cháu bé lên mười. Cái chết thủy táng của cháu bé đã giúp cho hơn bốn trăm người trên chiếc tàu không máy móc, không xăng dầu đến được bờ. Chuyến đi của chúng tôi đã có nhiều sự hy sinh và sự cưu mang nhân ái.

Tôi bước đi không vững sau những ngày ngồi trên tàu, lên tới đất tôi nằm xấp xuống hôn mặt đất tạ ơn Thượng Đế đã cho chúng tôi sống sót. Trong đầu thoáng hiện lên câu hỏi bốn chiếc ghe từng cột chùm với ghe chúng tôi nay trôi dạt về đâu. Có đến được bến bờ? Đến nay những người bạn cũ từng gặp lại trên sân banh Mã Lai ngày đó tôi vẫn chưa liên lạc được.

Chuyến đi tìm tự do của tôi tổng cộng đi trên ba chiếc tàu, qua hai đất nước và di chuyển nhiều trại tỵ nạn. Tôi sống sót đến ngày nay là tôi đã thọ ơn biết bao nhiêu người, bao nhiêu sắc dân xa lạ.

Vùng đất chúng tôi được hải quân Nam Dương cho lên là một làng đánh cá tên Teluk Dalam. Bãi cát mịn và trắng phau, nổi bật những cây dừa cong xanh biếc, trên đảo có một giòng suối đẹp. Sau này tôi mới biết Teluk Dalam là địa điểm du lịch thần tiên. Tôi đã sống những ngày tại đó mà không biết thưởng thức vì lòng ngổn ngang những lo lắng tương lai, những lo buồn cho người còn ở lại.

Mấy ngày sau đó, một vị linh mục người Pháp lặn lội đến thăm chúng tôi. Cha nói tiếng Việt rất lưu loát và qua cha, các phái đoàn cứu trợ đã nhanh chóng đến giúp đỡ chúng tôi, trong số đó có Hội Hồng Thập Tự và Hội Tere des Homes.

Phái đoàn Canada, Úc đến phỏng vấn trước. Một số được nhận vui mừng, một số bị từ chối buồn ủ rũ. Tôi muốn đi Mỹ nhưng chờ hoài không thấy. Đến khi trên đảo xảy ra bịnh dịch tả, tôi hoảng sợ muốn rời nơi này càng nhanh càng tốt thì đúng lúc phái đoàn Đức đến. Họ cho biết họ không cần phỏng vấn, ai muốn đi thì ghi tên ngay và hai tuần sau sẽ có chuyến bay qua Đức. Yếu tố nhận người dễ dãi không qua thanh lọc một cách nhân đạo và nhanh chóng của Đức đã khiến tôi quyết định đi Đức và đúng như lời nói của đại diện lãnh sự quán Đức, chỉ hai tuần sau khi ghi tên, đầu tháng 10 năm 1979 tôi có mặt trên nước Đức.

Cô bé chặt dây thừng đi Canada. Nhóm các anh chị em làng đánh cá Phan Thiết trong đó có cha cháu bé bị thủy táng trong lòng biển Nam Dương cũng cùng chúng tôi sang Đức. Hai giáo sư ,viết lá thư tiếng Anh gửi lên các ông Mỹ trên giàn khoan, định cư tại Mỹ. Chúng tôi vẫn liên lạc và có dịp gặp lại. Gần đây nhiều anh chị đã ra đi. Những anh chị đó có người chưa hề một lần trở lại Việt Nam.

Biết bao người bỏ xác trên đường vượt biển. Chúng tôi may mắn sống sót. Tôi tâm nguyện sống sao cho xứng đáng với công ơn những người đã cưu mang giúp đỡ, sống sao cho đúng tư cách một người tỵ nạn Cộng Sản. Các cháu bé ngày xưa và cháu bé đã cắn tay tôi đau điếng nay cũng đã thành gia thất. Những người con gái bị hãm hiếp trên tàu ngày ấy đều định cư bên Mỹ, hy vọng thời gian và cuộc sống mới đã nguôi ngoai vết thương đau đớn đó.

Chúng tôi không liên lạc được hết nhưng hy vọng mọi người đều có cuộc sống an bình, thịnh vượng sau chuyến hải hành gian truân và đầy sóng gió.

Đến nay, bốn mươi lăm năm rồi người Việt tại quê hương vẫn tìm mọi cách để ra đi. Vì sao? Bởi lẽ gì?

Đất nước VN giờ đối với tôi chỉ là mảnh đất của những ngày thơ ấu. Quê hương tôi bây giờ là nơi đây, đất nước bao dung Đức Quốc. Nơi tôi đã sống gần gấp đôi số năm tôi sống nơi đất Việt.

Phi Nga (tháng 3.2021)

 

Ôi! Nguyễn Cao Kỳ!

Trước '75 ở VN, tôi chỉ là 1 sỉ quan KQ "cắc ké", chỉ biết Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ qua báo chí, TV... Sau này ở Mỹ, đọc bài viết của những người Không Quân mới biết thêm. Tôi không theo phe ủng hộ hay chống đối ông NC Kỳ. Thấy bài viết lạ lạ, tôi post lên cho độc giả KQ đọc cho biết, hoàn toàn không có ý kiến đúng hay sai gì cả.
KiwiTeTua
Ôi! Nguyễn Cao Kỳ!
Trần Đỗ Cung

Tôi biết anh ta hồi tôi mới ở Pháp về năm 1953 khi được Thiếu tá Hổ cho làm phụ tá kỹ thuật. Lúc ấy Không Quân Việt Nam còn trong giai đoạn phôi thai, mới có loe ngoe vài đơn vị máy bay bà già và còn các cố vấn Pháp mọi nơi. Nguyễn Cao Kỳ cũng mới hồi hương được ông Hổ chỉ định vào làm việc trong Groupe Sénégal của Pháp để nhận đơn vị vận tải này khi Pháp chuyển giao. Trong một phi vụ huấn luyện trên đường bay Sài Gòn-Clark Field-Okinawa- Tokyo và trở lại trong 5 ngày tôi được chỉ định tháp tùng và gập Kỳ làm phi công phụ cho một Đại Úy Pháp là phi trưởng chỉ huy. Tôi thấy Kỳ ít nói, chăm chú theo chỉ dẫn của viên Đại Úy Pháp, sắc mặt bì bì, nước da ngăm đen xám, người dong dỏng cao và đặc biệt có bàn tay nhỏ nhắn với ngón thuôn dài và khẳng khiu luôn kẹp điếu thuốc lá và cặp mắt bít có người gọi là mắt lươn.

Trong hành trình đến phi trường quân sự Mỹ Clark Field khi lo với căn cứ Mỹ này để dành chỗ nghỉ qua đêm thì tôi đứng ra thu xếp vì vốn Anh ngữ của tôi tuy nghèo nàn nhưng còn hơn mọi người đến nỗi viên Đại Úy Pháp quay nói với Kỳ, “Il parle Anglais comme père et mère”! Trong suốt chuyến bay mọi việc liên lạc với không lưu đều do Đại Úy Tây làm hết, nhất là khi đến Okinawa với thời tiết xấu thì các thể thức khẩn cấp và đáp đều do anh này thực hiện. Tới Tokyo ở lại ba ngày tại Akasaka Price Hotel, khi đi ra phố cả nhóm tôi mới có dịp chuyện trò đôi chút với Kỳ để thấy anh ta ít nói, giọng trầm và nét mặt không bao giờ thay đổi.

Trong công việc phụ tá Kỹ Thuật cho Thiếu Tá Hổ có vài lần tôi qua Phi Đoàn Vận Tải đã chuyển giao cho ta và Kỳ được giao chỉ huy. Buổi trưa khi mọi người đều nghỉ tôi leo lên vài chiếc Dakota khám xét các giây cáp điều khiển bánh lái. Tôi rút chiếc mù xoa trắng tinh trong túi ra và lúi húi tuốt từng sợi cáp thì thấy chỗ nào cũng vướng dính các sợi bông trắng của khăn tay, nghĩa là những sơi cáp nhỏ hơn ngón út một chút đã có những sợi con bện lại bị tưa đứt. Các phi cơ do Pháp xử dụng trong chiến trường Bắc Việt đã quá lâu không được chăm nom đầy đủ vì chiến trường cấp bách. Vì an toàn tôi liền đề nghị Thiếu Tá Hổ cho lệnh ngưng bay các C-47 để chờ các cơ phận cáp mới thay thế. Trong một buổi họp tham mưu dưới quyền Thiếu Tá Hổ, Đại Úy Kỳ hùng hổ chỉ mặt tôi và nói, “Từ nay tôi không muốn Đại Úy Cung mò sang đơn vi tôi, leo lên phi cơ mà không có phép của tôi”! Thiếu Tá Hổ ôn tồn trả lời, “Đại Úy Cung làm việc là thay mặt tôi” và Kỳ im bặt.

Một lần nữa dưới sư chủ tọa của Tư Lệnh mới Trung Tá Nguyễn Xuân Vinh khi mọi người đang chăm chú họp bàn thì Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ bỗng nhiên rút khẩu Colt 45 đặt cái phịch xuống bàn và ngang nhiên tuyên bố, “Tôi không đồng ý đưa chính trị vào Không Quân. Nếu quanh ta mọi sỉ quan đều thăng thưởng và sắp xếp chỉ huy vì vào đảng nào đó thì chẳng mấy chốc mà quanh ta chỉ còn lại một lũ điếu đóm bất tài thôi”! Tư Lệnh Vinh xa xầm nét mặt từ đỏ xuống xám xanh rồi cuộc họp chấm dứt sau đó một cách hết sức vô duyên. Nhắc lại hồi ấy là đầu 1960 khi quan sát phi hành Đỗ Khắc Mai là Cần Lao Ủy Không Quân làm việc tại Trung tâm Huấn luyện Nha Trang đã giới thiệu Vinh với Ngô Đình Cẩn để được đề bạt thăng cấp nhanh chóng về thay ông Hổ. Công việc đầu tiên của tư lệnh mới là đưa Đỗ Khắc Mai về làm Tham Mưu Trưởng để thiết lập bàn tại Phi Đoàn Liên Lạc của Thiếu Tá Phạm Ngọc Sang gọi các sỉ quan đến ký gia nhập đảng Cần Lao Nhân Vị.

Bẵng đi khá lâu, sau khi đi thụ huấn Tham Mưu ở Mỹ về và được chỉ định vào chức Tham Mưu Phó vô thưởng vô phạt thì Nguyễn Cao Kỳ bị thất sủng mất chức chỉ huy Liên Phi Đoàn Vận Tải để chờ đi làm huấn luyện viên phi hành ở Nha Trang. Tôi được Trung Tá Phạm Ngoc Thảo móc nối vào vụ đảo chính Ngô Đình Diệm với mục đích lôi Không Quân vào nội vụ. Sau khi tôi đề nghị nên kéo Kỳ đang bất mãn vào công việc thì họ yêu cầu tôi liên lạc việc này. Tôi liên lạc với Kỳ tại văn phòng chỉ huy và nhận thấy anh ta mất hẳn cái sắc khí tự đắc thường nhật rồi xiết tay tôi chặt chẽ đồng ý. Đêm đảo chính xẩy ra, tôi vẫn ngồi tại bàn giấy nghe tin tức thì khoảng ba giờ sáng Kỳ hùng hổ đi qua kéo theo bốn năm người thủ túc súng ống đầy mình đi bắt Tư Lệnh Huỳnh Hữu Hiền và Trung Tá Phạm Ngọc Sang là phi công riêng của Tổng Thống.

Thế rồi viên sỉ quan vô danh bỗng chốc trở nên xông xáo trong cái Hội Đồng Quân Lực bát nháo, thăng cấp nhanh chóng lên Thiếu Tướng Tư Lệnh Không Quân, đóng vai chủ động trong các cuộc chỉnh lý và đảo chính liên tiếp, ăn nói xàm xỡ như đùa Nguyễn Văn Thiệu “mắc bệnh teo chim”! Khi được cử đi bái yết Vua Thái Lan trên một phi cơ C-47 Không Quân, có nữ tiếp viên Hàng Không Việt Nam qua phục dịch, Kỳ đã nham nhở tán tỉnh mặc dầu biết là cô Đặng Tuyết Mai đã hứa hôn với một phi công dưới quyền. Rồi anh ta lấy trực thăng bay là là trên không phận thủ đô dọc đường Bonard để cua đào khiến cho Thủ Tướng Trần Văn Hương tức, bảo tên phi công nào hỗn láo dám bay trên địa bàn Sài Gòn?


Tên phi công này chính là Bộ Trưởng Thanh Niên trong chính phủ Hương, giao cho tôi làm Đổng Lý Văn Phòng và chỉ đến Bộ có một lần bằng trực thăng đáp xuống sân cỏ phô trương với các công chức nam nữ vỗ tay tán thưởng.

Sau khi chính phủ dân sự Phan Huy Quát từ chức giao lại công việc cho Hội Đồng Quân Lực thì cái hội đồng vô phèng nầy đề nghị Tướng Phạm Xuân Chiểu lãnh trách nhiệm lập chính phủ. Tướng Chiểu khiêm tốn chối từ và anh Xuân-Tóc-Đỏ Nguyễn Cao Kỳ hăng hái đứng lên thành lập chính phủ của dân nghèo dưới Đảng Ka Ki. Mặt Trận Giải Phóng gia tăng áp lực kinh tế phong toả gạo nước và thực phẩm bóp nghẹt đời sống thủ đô làm cho dân chúng nhốn nháo. Nội các lập ra Tổng Cuộc Tiếp Tế lo đương đầu tình thế giải tỏa sức ép đối phương. Khi tôi đưa chương trình năm điểm mù mờ lên Thủ Tướng thì không ngờ Kỳ chẳng cần hỏi han cặn kẽ lý do, phóng bút ký toẹt Thuận bên lề bằng một chữ ký mà chữ y kéo dài xuống hết trang giấy. Anh ta chỉ nói vẻn vẹn một câu vắn tắt, “Tôi giao cho ông Cung và Đô Trưởng Văn Của lo công việc thịt heo mà nếu không xong thì nhốt cả hai ông vào kho đông lạnh của BGI”!

Năm 1975 vài ngày trước khi Việt Cộng tiến chiếm Sài Gòn, Tướng Kỳ còn ra nhà thờ Tân Sa Châu hăng hái tuyên bố, “Mọi người cùng tôi ở lại chiến đấu đến phút chót”. Thế rồi chỉ ít lâu sau y trở vào căn cứ Tân Sơn Nhứt, lỉnh lên trực thăng riêng bay ra Hạm đội 7, để lại cả bọn bạn bè ngơ ngác. Ta đã thấy cảnh Tướng Kỳ buồn xo bước chân xuống sàn chiến hạm Mỹ, tháo bỏ chiếc súng lục ném xuống biển mà mặt mày tiều tụy.


Khi gia đình chúng tôi tạm trú tại Fort Chaffee chưa biết tương lai ra sao thì ngày 10 tháng Sáu bỗng thấy Kỳ xuất hiện, ăn mặc chải chuốt một bộ quần áo da lộn mầu nâu nhạt loại đắt tiền của các minh tinh Hollywood, nói năng thăm hỏi và khuyên nhủ mọi người như thể nắm vững tình hình! Sau khi ra trại ngày 3 tháng 7 1975 về Monterey, với sự bảo trợ của nhà thờ Saint Timothy Lutheran Church, chúng tôi đã ổn định đời sống và vào được hệ thống franchise 7-Eleven cuối năm 1976. Bỗng một hôm vào tháng 9 1977, Kỳ điện thoại liên lạc muốn lên gặp. Kỳ và vợ đi cùng cô con gái Kỳ Duyên 12 tuổi, kéo theo một đoàn tùy tùng như xưa ở Sài Gòn. Tôi đưa họ đến El Rancho Motel cũng lịch sự ngay đường chính Fremont. Nhung khi cùng đi ra thì bà Kỳ nói riêng với tôi, “Con nhỏ hôm nay buồn lắm vì nó quen đi với bố mẹ ở những chỗ sang trọng rồi”! Tôi thấy nóng mặt nên ra Motel Office đòi lại thẻ Visa.

Chiều tôi mời về nhà ăn cơm với canh chua cá bể. Trong lúc ngồi ăn vui vẻ thì bỗng nhiên Kỳ chỉ mặt vợ nói to, “Moa cho toa biết nếu toa lộn xộn thì moa bắn bể óc”! Mọi người xững xờ và bà Kỳ sửng sốt nói, “Sao anh nói năng kỳ vậy trước mặt anh chị Cung”? Và ăn uống tiếp diễn trong bầu không khí lạnh nhạt, khi Kỳ đề nghị tôi chung vốn mua tàu đánh cá. Tôi trả lời, đâu có tiền mà chung với đụng và Kỳ nói tôi không cần tiền mà chỉ cần khả năng quản trị của tôi thôi.

Thế rồi Kỳ về Nam mua một tầu đánh cá giao cho một cựu phi công chỉ huy và bị chìm mất cả vốn cũng như vụ liquor store trước đó. Kỳ qua New Orleans đi đánh tôm gập bà Kim là vợ một Trung Tá Không Quân mở nhà hàng ăn ở đó và lang bang thế nào lại chôm luôn bà này, cũng là vợ một chiến hữu. Đó là bước đầu cho một sự nghiệp mới, trong khi rách nát không còn ai muốn tennis cá độ với mình vì được thì lấy tiền cá mà thua thì chỉ ký sổ. Nghe nói bà Kim có liên hệ với Phan Văn Khải qua cô con gái, khi mở bar cho khách Mỹ ở Cam Ranh cho nên đã có cửa hàng nouveautés tại Hà Nội. Vì vậy mà tên Nguyễn Đình Bin móc nối đưa Kỳ về thần phục, môi giới xây dựng sân golf gần Đồ Sơn ăn hoa hồng với nhóm tư bản Mỹ.

Năm 2004, sau khi họp hội Không Quân dưới Westminster, về sớm vì việc nhà thì tôi được cựu Chuẩn tướng Đặng Đình Linh điện thoại cho biết, “Anh không ở lại đi ăn cơm với Tướng Kỳ”. Hỏi ra mới biết là ngay hôm sau ngày hội ngộ 7-3-2004 (Kỳ tránh không đi họp), Kỳ cho liên lạc mời một số Không Quân đi ăn cơm trưa tại một nhà hàng ăn Tây. Có cả thẩy độ hai chục người dự. Mở đầu Kỳ nói, “Tôi muốn báo để các bạn mừng cho tôi là tình hình kinh tế của tôi bây giờ đã dễ thở rồi”. Vừa ngồi bàn được chừng nửa giờ thì có một thanh niên cỡ ba chục tuổi, ăn mặc diêm dúa sang trọng, veston cravatte lịch sự bước vào. Anh ta nói, “Cháu xin kính chào các chú các bác”. Kỳ giới thiệu ngay, “Đây là con nuôi tôi”. Cậu này tiếp tục nói, “Khi nào các chú các bác muốn về thăm quê hương thì cho cháu biết để thu xếp mọi viêc cho đàng hoàng đón tiếp”.

Mọi người ăn uống thoải mái khi chàng này chào từ biệt. Có lời xầm xì nói đó là con trai Phan Văn Khải và mục đích của Kỳ mời ăn là chứng tỏ cho phe bên kia biết là ta có hậu thuẫn đây.

Kỳ đi về Sài Gòn như cơm bữa, được đảng cho ở Hotel Sheraton, có Bác sỉ săn sóc, mỗi ngày chi phí cả ngàn dollars. Anh ta tuyên bố lăng nhăng về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, hòa hợp hòa giải với người chết trước. Được trọng đãi ngập mặt, anh phải trả ơn. Đó là dịp Nguyễn Minh Triết qua Hoa Kỳ gọi cò mồi về săn đón tại phi trường. Trong bữa tiệc tại Dana Point, Kỳ phải muối mặt đứng đọc vài lời bất hạnh, tự nhận là đại diện cho đồng bào hải ngoại ở Mỹ, ăn nói hết sức ti tiểu, bẩm báo với “Ngài Chủ Tịch” rất hạ cấp. Trên màn hình TV ai cũng thấy một gương mặt chuột kẹp, trán hói lên đến đỉnh đầu, đôi mắt lươn lờ đờ, làm cho mọi người ngỡ ngàng sao mà có thể xuống cấp nhục nhằn thô bỉ đến như vậy! Tôi sực nghĩ đến danh hiệu Don Quichote, tôi đã đặt cho y trong buổi họp tiền đảo chính với Trung Tá Phạm Ngọc Thảo và Trung Tá Phạm Đăng Tấn tại căn nhà của Đại Tá Đỗ Mậu hồi tháng Tám 1962, như là một người liều mạng mà trí đoản, tôi bây giờ mới thấy là một cái tên quá sang đối với một người quá bần tiện.

Trần Đỗ Cung
______________________________________________


Tiểu sử Trần Đỗ Cung

- Sinh ngày 28 tháng Ba năm 1922 tại Nho Lâm, Nghệ An.
Chính quán tại Nhị Khê, Hà Đông. Trưởng thành ở Thanh Hóa.

- Tốt nghiệp Thành Chung tại Collège de Thanh Hóa, nhập học trường Quốc Học Khải Định Huế và tốt nghiệp Tú Tài toàn phần Toán năm 1942.

- Ra Hà Nội học môn Toán Chuyên Biệt (Mathématiques Spéciales) ở trường Albert Sarraut và đậu các bằng Toán Học Tổng Quát (Mathématiques Générales), bằng Cơ Học Lý Tưởng (Mécaniques Rationelles) năm 1944 và 1945.

- Trong thời kỳ này hoạt động tích cực với Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương, Tráng Đoàn Hướng Đạo Lam Sơn của Hoàng Đạo Thúy. Và tham gia phong trào Ái Quốc Việt Minh chống Pháp cho đến khi trở về Hà Nội năm 1947, làm gián điệp đột nhập đầu não của Pháp ở Thành Pháo Thủ. Năm 1949 thành hôn với cô Nguyễn thị Bảo, là con cụ Phủ Nguyễn Đình Tại. Nhận làm Giám Đốc Thể Dục Thể Thao cho Bộ Trưởng Nguyễn Tôn Hoàn và di chuyển vào SàiGòn.

- Động viên nhập ngũ năm 1953, du học Pháp Quốc tại trường Không Quân Salon de Provence và tốt nghiệp cuối năm 1955 với bằng Kỹ Sư Cơ Khí Hàng Không.

- Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thanh Niên năm 1964, rồi Tổng Cuộc Trưởng Tổng Cuộc Tiếp Tế 1965-67, ngang hàng Thứ Ủy trong chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, đương đầu và phá vỡ sự phong tỏa kinh tế Thủ Đô của Việt Cộng.

- Về hưu quân đội Tháng Mười 1972 với cấp bậc Trung Tá và vào thương trường cho đến khi mất nước thì may mắn di tản qua Mỹ Tháng Tư 1975 rồi được bảo trợ về định cư tại Monterey California cho đến nay, 2007.

10 năm sau ông qua đời tại San Jose.

 Theo hồi ký của Trung úy D. (Biệt Động Quân): “Những trang sử bi thảm của một quân đội kiêu hùng”


Đoàn xe GMC của Trường Bộ binh Thủ Đức ngừng lại tại ngã tư Trương Minh Giảng-Tú Xương; trên đoàn xe là những sinh viên sĩ quan khóa 1/72 trừ bị. Họ đã nhập ngũ theo lịnh “Tổng động viên” sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Tất cả vội vàng nhảy xuống xe rồi tản mát đi khắp hướng của Saigon. Hôm nay cũng là ngày Hiệp định Ba-Lê có hiệu lực trên toàn cõi VN; tôi là một trong những sinh viên sĩ quan ấy. Tôi lững thững tản bộ về nhà để tận hưởng cái cảm giác thoải mái sau những ngày ép mình với kỷ luật của Quân trường. Trời Saigon đã sẫm tối, từ dốc cầu Trương Minh Giảng về hướng phi trường Tân Sơn Nhất, cả một rừng cờ treo trước cửa của nhà dọc hai bên đường, trên những cao ốc. Tiếng hát ca sĩ Khánh Ly vọng ra hè phố từ một quán càfé bên cạnh khu Đại học Vạn Hạnh “Ta đã thấy gì trong đêm nay, cờ bay trăm ngọn cờ bay... Mặt đất rung rinh, tin hòa bình bay về khắp hướng”. Nghe những điệu nhạc này tôi lâng lâng thoáng chút hy vọng khi nghĩ đến hai chữ Hoà Bình.


Chút thoáng hy vọng về Hoà Bình ấy thực sự đã tiêu tan khi tôi đặt chân lên đất Pleiku. Pleiku, thành phố của lính. Pleiku với thơ mộng trong một bài hát “Em Pleiku má đỏ môi hồng”. Chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt trên lãnh thổ Quân Khu. Đặc biệt tại vùng Pleiku-Kontum và Phân Khu Bắc Bình Định-Bồng Sơn-Tam Quan. Từ Bộ chỉ huy Biệt Động Quân, tôi nhận sự vụ lệnh trình diện Tiểu đoàn 42 Biệt Động do Thiếu Tá Phạm Văn Tiến làm Tiểu đoàn trưởng. Lúc này Tiểu đoàn đang trách nhiệm tại vùng sở trà Kafeka, quận Thạnh An. Trong một lần dẫn Trung đội đánh chiếm cao điểm 30, tôi bị thương khá nặng, xuất viện tôi được thuyên chuyển về Bộ chỉ huy Biệt Động Quân (BĐQ) Quân khu 2 và nhận nhiệm vụ Sĩ quan Hành quân tại Trung tâm hành quân cho đến ngày cuối cùng khi Quân doàn II di tản trên Liên tỉnh lộ 7B.


Tháng 12/1974, Đại tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng BĐQ Quân khu 2 đuợc chỉ định làm Tư lịnh mặt trận Kontum, do đó tất cả quân nhân thuộc Phòng 2, Phòng 3 và Trung tâm hành quân được điều động lên Kontum để thành lập Bộ tư lịnh Mặt Trận.


Những tháng cuối năm 1974, Mặt trận Kontum không có những trận đánh lớn, tình hình tương đối yên tĩnh một cách không bình thường. Nhân dịp gần đến cuối năm, phòng Chiến tranh chánh trị (CTCT) đã mời một số ca sĩ như Khánh Ly, Ngọc Minh lên Kontum hát tại những tuyến đầu của Mặt trận. Những ngày Tết đã êm đềm trôi qua, Cộng quân không pháo kích vào thị xã và Bộ tư lịnh.


Ngày 12/3/75, Thiếu tá Khôi, Trung tâm trưởng Trung tâm hành quân ra lịnh cho chúng tôi thu dọn gấp để kịp dời Kontum ngày hôm sau về lại Pleiku. Bộ Tư lịnh hành quân sẽ đóng tại Hàm Rồng nơi đặt Bộ Tư lịnh Mặt trận Nam Pleiku của Tư lịnh Sư đoàn 23 Bộ binh. Tướng Tất kiêm nhiệm Tư lịnh Mặt trận Nam Pleiku.


Đoàn xe chỡ chúng tôi cùng với Liên đoàn 4 BĐQ di chuyển ngang qua thị xã, dân chúng ngơ ngác nhìn với ánh mắt lo âu. Dân chúng ở đây đã quen nhiều với chiến tranh, họ thường vui mừng khi thấy quân vào Kontum và thoáng lo âu khi thấy bất cứ một đơn vị quân chủ lực nào rút đi. Thực sự giờ phút đó tôi cũng không hiểu tại sao mà toàn bộ BĐQ chúng tôi lại hối hả rút đi như thế lại không có đơn vị nào hoán đổi vùng trách nhiệm như thường lệ từ trước đến nay. Kontum đã bỏ ngỏ từ ngày hôm ấy khi toàn bộ quân chủ lực được rút đi.


Đơn vị chúng tôi về tới Hàm Rồng chưa đầy 5 ngày thì ngày 17/3/75 Quân đoàn II bắt đầu di tản theo Liên tỉnh lộ 7B về Tuy Hòa. Bộ Tư lịnh Quân đoàn được không vận về Nha Trang. Nhưng Bộ Tư lịnh Mặt trận của Tướng Tất chúng tôi vẫn làm việc kỷ luật và bình thường. Những ngày này Tướng Tất luôn luôn hỏi đến hai Liên đoàn 4 và 25 rút các đứa con khỏi trận địa vùng Thạnh An và Pleiku. Tướng Tất chỉ huy Đoàn quân trên liên tỉnh lộ vào trưa về Bộ tư lịnh; vào chiều đó, ông lại bay trên đoàn quân di tản để chỉ huy.


Chín giờ sáng ngày 20/3/75, những quân nhân cuối cùng của Bộ Tư lịnh Mặt trận băt đầu rút khỏi căn cứ Hàm Rồng. Tôi được lịnh đi trên chiêc xe tăng M113 chỉ huy của Tướng Tất. Đoàn xe dời Hàm Rồng chạy qua phố chính của thị xã Pleiku phố xá vắng tanh. Những cửa tiệm bị cướp phá tan hoang. Một thành phố chết. Tôi ngồi trên xe đưa mắt nhìn về hướng Bộ Tư lịnh Quân đoàn và phi trường Cù Hanh thấy những cột khói đang bốc cao tại hai nơi này.


Tướng Tất hằn rõ nét ưu tư trên khuông mặt đen xạm của ông. Ông là vị tướng mới nhất của QLVNCH và cũng là vị tướng duy nhất của Quân đoàn II cùng Bộ Tham mưu triệt thoái bằng đường bộ. Các cuộc điện đàm liên tiếp giữa Tướng Tất và các Đơn vị trưởng đang di chuyển trên Liên tỉnh lộ 7B cho tôi hiểu lệnh của ông đã không được thi hành đúng. Thực sự đến ngày hôm nay 20/3/75, lệnh của ông chỉ còn hữu hiệu với các đơn vị BĐQ mà thôi. Tướng Tất đã dùng các Tiểu đoàn BĐQ thiện chiến nhất của Liên đoàn 4 (một Liên đoàn nổi danh đã làm VC phải khiếp sợ tại vùng châu thổ sông Cửu Long -Tiểu đoàn 42 “Cọp Ba Đầu Rằn”). Hành quân bọc hậu, đây là một trong những cố gắng sau cùng của Tướng Tất nhưng sự hỗn độn vô cùng của quân và dân xen kẽ nhau, tắc nghẽn xe cộ đã làm tiêu tan mọi hy vọng của vị Tướng chỉ huy đoàn quân triệt thoái này.


Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi đến được tỉnh lỵ Phú Bổn. Tướng Tất ngồi trên mũi trước chiếc M113 cho xe chạy vòng quanh phố tỉnh nhỏ xíu này rồi đậu trong sân trường tiểu học. Từ chiếc máy truyền tin trong xe Đại tá Hồng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn II Kỵ binh, và Đại tá Tây, Liên đoàn trưởng Liên đoàn BĐQ đang liên tiếp báo cáo với Tướng Tất diễn tiến đánh diệt các chốt chận cấp Tiểu đoàn của địch gồm các Tiểu đoàn K13, K9, K2 và các Tiểu đoàn chủ lực miền của Cộng quân. Tiếp sau là một phi tuần A39 đánh bom lầm vào đơn vị bạn, vụ đánh lầm này đã gây bất hòa về chỉ huy giữa hai Đại tá.


Ánh nắng lại gần tắt, mặt trời đã xuống tới đỉnh núi ở xa xa thì tin từ Nha Trang cho biết sư đoàn 320 do tên Đại tá Bắc Việt Vũ Lăng làm Tư lệnh đang gấp rút bôn tập về Phú Bổn để chặn đánh quân ta. Trên khuôn mặt đã xạm đen vì nắng cháy, Tướng Tất nén tiếng thở dài. Ông đang nghĩ gì...??


Trong gần hai năm làm việc tại Trung tâm Hành quân, tôi thường được tiếp xúc với ông khi chiến trường sôi bỏng. Tại Bộ Tư lịnh tiền phương trên đồi 37 Pháo binh (Pleiku), ông đoán quyết với Thiếu tá Long, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82 Biệt Động, bằng mọi giá phải giữ vững căn cứ Pleime khi bị 3 Trung đoàn quân chính quy Cộng sản Bắc Việt vây hãm. Cùng thời gian khi căn cứ Pleime đang bị địch xung phong biển người, chúng hy vọng dứt điểm căn cứ này thì 3 căn cứ hỏa lực khác là 522-433-711 bị cộng quân tràn ngập trong đêm. Tướng Tất đã điều Tiểu đoàn 90 với Thiếu tá Phan Bát Giác, người Tiểu đoàn trưởng tài bà này đã dùng quân theo lối đánh của “Tổ Tam Tam” lấy lại ba căn cứ hỏa lực trên ngay trong ngày hôm sau. Pleime vẫn đứng vững ngạo nghễ sau đợt tấn công biển người. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được ở ông nỗi thất vọng chua chát như trong tiếng thở dài của buổi chiều hôm đó...


Ánh nắng chiều đã tắt hẳn, Tướng Tất ngã mình trên chiếc võng căng trong xe. Tôi trực máy truyền tin trong xe. Khoảng 5 giờ chiều, tiếng máy truyền tin gọi rè rè “Trường An - Hiệp Tình”. Trường An là ám danh đàm thoại của Tướng Tất, Hiệp Tình là Tướng Phú, Tư lịnh Quân đoàn. Tôi cầm máy trả lời “Trình Mặt Trời - Trường An nghe”, tôi chưa kịp lên tiếng gọi Tướng Tất vì lúc đó ông vừa như thiếp đi trên võng thì tiếp theo một vọng nói thật nhanh “Anh nói với Trường An - Đạp lên mà đi”. Là một sĩ quan hành quân, tôi hiểu đó là lệnh sau cùng khi không còn cách nào khác để cứu vãn tình thế hiện tại, giờ khai tử của đoàn quân bị tắc nghẽn tại Phú Bổn này đã điểm, tôi xúc động lặng đi trong giây phút thì Tướng Tất chợt tỉnh. Ông hỏi :”Có gì không?”. Tôi trả lời cho ông nguyên văn lệnh của Quân đoàn. Tướng Tất ngồi dậy bước ra khỏi chiếc M113. Ông cho gọi tất cả đến rồi dặn dò với chúng tôi một câu ngắn gọn “Các anh theo Trung tá Huấn, Tôi sẽ cho C&C bốc các anh”.


Trời lúc này đã xẫm tối khoảng 17 giờ 30, một trực thăng đáp xuống sân trường Tiểu học Phú Bổn bốc Tướng Tất, Đại tá Hoàng Thọ Nhu, Tỉnh trưởng Pleiku. Chiếc trực thăng cất cánh mang theo điểm tựa và niềm hy vọng sau cùng của chúng tôi.


Tướng Tất đi rồi, Trung tá Huấn, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 22 BĐQ nói với chúng tôi là phải gấp rút dời xa Phú Bổn càng nhanh càng tốt vì sau đó sẽ có những phi tuần phá hủy những quân và chiến cụ đang kẹt ứ tại đây. Chúng tôi tạt vào rừng nhắm hướng Tuy Hòa mà đi, trong số này tôi còn nhớ có Trung tá Lộc, Tham mưu trưởng, Thiếu tá Khôi, Trưởng phòng 3, Trung úy Thành của Phòng 2, Thiếu úy Chương phòng CTCT, tôi, Thiếu úy Chúc, Chuẩn úy Phước của Trung tâm Hành quân... Từ lúc này tôi không còn nhớ tới giờ giấc của thời gian nữa. Khi đi sâu vào rừng núi Phú Bổn được 2-3 giờ lúc vượt qua một đỉnh đồi cao nhìn lại Phú Bổn những cột lửa loé sáng rực, trên trời là 2 chiếc A37 đang nhào lộn bắn phá.


Đêm xuống thật nhanh với núi rừng, Trung tá Huấn và Lộc nói là không thể đi đông như thế này vì dễ bị lộ nên tách ra làm hai. Các quân nhân của Liên đoàn theo Trung Tá Huấn, Ban Tham mưu BĐQ theo Trung tá Lộc. Qua đêm trời hừng sáng, tôi thật vô cùng ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều đoàn quân cũng tạt vào rừng theo đoàn quân chúng tôi hôm qua. Thật tội nghiệp cho họ, vợ chồng, con cái cha mẹ anh em dắt dìu nhau. Họ không mang theo được bất cứ một thứ gì cả, là dân của phố thị, họ hoàn toàn không hiểu được sự khắc nghiệt ghê gớm của thời tiết tháng 4 trong cánh rừng già bạt ngàn như thế này. Những đám dân tội nghiệp ấy cứ lếch thếch đi theo hướng chúng tôi đi. Họ sẽ không theo kịp những quân nhân chuyên nghiệp như chúng tôi.


Sau ba bốn lần bị truy kích qua mấy ngày tôi không còn nhớ nữa, chỉ thấy sức đã kiệt vì đói và khát. Chúng tôi còn lại 5 người đến bên một con sông (có lẽ đó là sông Ba). Trong đêm tối trời, tôi đã hoàn toàn kiệt sức nhìn bên kia bờ sông hy vọng gặp quân bạn. Ba người trong chúng tôi đã bơi được qua bờ bên kia con sông dâng cuồn cuộn nước chảy. Tôi không nhớ rõ 3 người ấy là ai vì chúng tôi vừa bị truy kích chạy tán loạn trong lúc đó Cộng quân lại bắn xối xả vào đoàn người chúng tôi.


Bên này con sông chỉ còn lại tôi và Trung sĩ Thành Phòng 2. Thành còn rất trẻ khoảng 21-22. Thành bảo tôi “Cố gắng bơi qua đi Trung úy”. Nhìn sông tôi hiểu sức mình không thể qua nổi. Tôi bảo với Thành :”Tôi ở lại bên này”. Thành nói :”Vậy tui qua nhe”. Thành xuống nước; khi ra tới dòng nước cuồn cuộn tôi thấy Thành chới với rồi chìm hẳn. Chứng kiến Thành chết chìm trong đêm tịch mịch của núi rừng, tôi đứng lên vô tri vô giác lê từng bước bên con sông ấy. Trên người tôi không còn cái gì ngoài bộ đồ trận tả tơi đang mặc. Tôi cứ đi đi mãi khi nắng loé lên sau những ngọn cây cao. Một tiếng quát giọng Bắc đặt sệt :”Biệt Động Ngụy giơ tay nên”, tôi thẩn thờ quay ngang nhìn “Lính chính quy Bắc Việt”.


Tại Trại Đào Bá Phước, Bộ chỉ huy BĐQ ở Saigon đã trả lời mẹ tôi khi bà đến hỏi tin của tôi “Trung úy D. được ghi nhận mất tích trên Liên tỉnh lộ 7B”.


Liên Tinh Lo 7B (Khuyet Danh) (orgfree.com)