Friday, April 16, 2021

 Phạm Gia Cổn: ra mắt CD, kể chuyện cũ, mừng sinh nhật 75+


LITTLE SAIGON - Ông Phạm Gia Cổn, một bác sĩ y khoa chuyên về gây mê nổi tiếng và cũng là giáo sư tại Đại học UCLA vừa tổ chức một dạ tiệc thân mật với thân hữu vào tối Chủ Nhật 3/4/16 tại nhà hàng Diamond Seafood Restaurant.

Nhưng buổi dạ tiệc gặp gỡ thân hữu không để nói chuyện về gây mê hay về y học. Bs Cổn đã làm ngạc nhiên nhiều người. Chủ đề do chính ông đặt: Đêm nhạc Phạm Gia Cổn.

image059

Thân hữu Bùi Đường cho biết Phạm Gia Cổn hay nhạc sĩ Mạc Vũ nổi lên từ thập niên 1960. Ca khúc đầu tay của Mạc Vũ là bản "Tiếng Mưa". Mạc Vũ đêm nay kể chuyện tình chiến hữu, chiếu slide show về hình ảnh kỷ niệm xa xưa với bạn bè, sẽ hát và thổi kèn, và vui nhất: cắt bánh mừng sinh nhật 75 +. Niềm vui òa đến với bạn bè, hoa thơm, vợ con và lời chúc ngây thơ của cháu nội.

image061

Không ít thân hữu không hề biết Phạm Gia Cổn chính là nhạc sĩ sáng tác với bút hiệu Mạc Vũ. Có lẽ đây là buổi trình làng đầu tiên CD "Hẹn Ước", Mạc Vũ phổ nhạc từ thơ của các nhà thơ  Hà Huyền Chi, Du Tử Lê, Định Nguyên, Trần Đức Tường, Phan Xuân Hiệp, Sương Mai, Phạm Kim Khôi, Như Thường, Amy Hồ, Vĩnh Ninh, Ngọc Diệp.

image063

Một số thân hữu mà bổn báo thường gặp như MC ký giả Hồng Vân, Chủ nhiệm Khánh Hòa, Ts Trình Drum, Nhà văn Phạm Quốc Bảo, Nhà báo Nguyễn Chí Khả, Nhà báo Ngọc Hoài Phương, Bs Nguyễn Vũ Vượng, Bs Phạm Đức Vượng, ông bà Nha sĩ Lý Văn Quý, ông Hà Huyền Thanh, ông Lý Hoàng Tùng, ông Thế Lê chủ tiệm phở Tàu Bay nổi tiếng, ... và nhất là hội viên hội Hoàng Hạc Thể Dục Khí Công hầu như ai cũng đều chung vui góp mặt và ai cũng nhận được món quà CD "Hẹn Ước" trong dịp sinh nhật Mạc Vũ Phạm Gia Cổn 75+.

Nhà thơ Du Tử Lê, thân hữu phát biểu duy nhất nói về Mạc Vũ Phạm Gia Cổn như sau:

"Nói về một nhân vật đặc biệt, một nhân vật mà ở lãnh vực nào, ông cũng xuất hiện như một thành tựu chói gắt: Từ âm nhạc, y học tới võ học như bạn tôi, Phạm Gia Cổn, thực sự là một khó khăn lớn. Rất lớn đối với tôi.

Mặc dù ban tổ chức không giới hạn thời gian để tôi được phép nói về người bạn đặc biệt, họ Phạm này; nhưng tôi tự thấy, tôi không thể lạm dụng tính bao dung, lòng ưu ái của ban tổ chức, để… “tra tấn” quý vị và các bạn trong ngày sinh nhật ấm áp tình thân như thế này.

Vì thế, tôi chỉ xin nói về thời sinh viên, một giai đoạn, tôi lập lại, một giai đoạn có thể nhiều vị hiện diện ở đây, hôm nay, không rõ lắm. Những giai đoạn khác, của họ Phạm, tôi không dám lạm bàn vì, tôi biết nhiều quý vị có thẩm quyền hơn tôi…

Kính thưa quý vị và, các bạn,

Nhắc tới thời kỳ sinh viên của bạn tôi, là nhắc tới những năm đầu thập niên 1960. Khi đó, chúng tôi còn rất trẻ. Khi chưa một ai trong chúng tôi có định hướng rõ rệt hay, tạo được cho cá nhân mình, một chỗ đứng, một vị trí dù, khiêm tốn trong xã hội, thì bạn tôi, Phạm Gia Cổn với bút hiệu Mạc Vũ, đã nổi bật, đã như một đường bay ấn tượng trong vòm trời nghệ thuật. Tôi muốn nói, ngay tự những năm tháng đó, ông đã sáng tác ca khúc “Tiếng Mưa” – Lời của Nguyên Vũ (một nhà văn nổi tiếng sau này).

Bằng vào kinh nghiệm cá nhân, tôi xin nhấn mạnh, hầu hết sáng tác đầu tay của những người làm VHNT, thường không được biết tới. Rất nhiều người (trong đó, có chúng tôi), phải kiên nhẫn, trì chí qua nhiều năm, tháng, sáng tác của họ mới được phổ biến, hiểu theo nghĩa, được giới thưởng ngoạn biết tới.

Nhưng, bạn tôi, Phạm Gia Cổn là một biệt lệ.

Ca khúc đầu tay “Tiếng Mưa” của ông đã được nữ ca sĩ Hoàng Oanh, chọn hát, trên dài phát thanh Quân Đội cho hằng trăm ngàn người nghe.

Thành tựu này, của bạn tôi, khiến chúng tôi, những người bạn thân thời đó, của họ Phạm, như Nguyên Vũ, Mai Trung Tĩnh, Nhật Trường, Ngọc Hoài Phương, Tâm chung, Nguyễn Chí Khả, Sao Biển, Phan Diên, Điền Bích… hãnh diện, ngây ngất như thể chính mình là tác giả của ca khúc “Tiếng Mưa” vậy.

Với khởi đầu tốt đẹp như vậy, cá nhân tôi không chút ngạc nhiên khi sau này, bạn tôi lần lượt cho ra đời những ca khúc khác, như “ Một ngày mũ đỏ, một đời mũ đỏ”, phổ thơ của Hà Huyền Chi; “Buổi chiều, nhớ”, phổ thơ của Như Thường; “Hẹn ước” và, “Lệ hoa”, phổ thơ của Phan Xuân Hiệp; “Đã một lần” tức “Cổ tích tôi” phổ thơ của Định Nguyên”; “Buổi sáng” phổ thơ của Long Ân; hay “Nhớ”, phổ thơ của Sương Mai; và “Một lá thư” phổ thơ của Phạm Kim Khôi, v.v…

(Như tôi biết, nhà thơ Sương Mai - về từ San Francisco , và nhà thơ Phạm Kim Khôi, hiện có mặt trong hội trường này).

Hãnh diện với một loạt sáng tác của họ Phạm, tôi tự tin hỏi một vài nhạc sĩ lão thành về cõi-giới âm nhạc mang tên Phạm Gia Cổn, thì, những nhạc sĩ ấy, đã có cùng một nhận định giống nhau, đó là:

- Thứ nhất: Hầu hết các ca khúc của bạn tôi, đều có nhiều tố chất Blue hoặc Jazz - - Hai nét đặc thù của âm nhạc Mỹ -

- Thứ nhì: Đặc biệt hơn nữa, những ca khúc tôi vừa kể đều đi ra từ thơ, nên hồn tính Việt Nam cũng là điểm son lớn của ca khúc mang tên Phạm Gia Cổn vậy.

Nói cách khác, thì cõi nhạc Phạm Gia Cổn là một gặp gỡ, hài hòa của hồn nhạc Mỹ, qua giai điệu và, hồn tính Việt Nam qua ca từ.

Một trong những nhạc sĩ tôi đã hỏi, còn nhắc nhở tôi rằng:

“Đừng quên, không phải nhạc sĩ nào của chúng ta, cũng có được cùng một lúc,  2 ưu điểm đặc biệt đó.” 

.

Nhưng  thưa quý vị và các bạn,

Bạn tôi, Phạm Gia Cổn không chỉ giới hạn tài năng mình trong lãnh vực âm nhạc. Ông còn lấn qua cả lãnh vực thơ / văn, mà hai nhân chứng sống hiện có mặt ở đây, giữa quý vị là, nhà báo Nguyễn Chí Khả, bút hiệu Vương Hồng Anh, và nhà báo Ngọc Hoài Phương.

Kính thưa quý vị và các bạn, tôi xin được lập lại rằng, với một tài năng đặc biệt, thành tựu ở rất nhiều lãnh vực, những tưởng đối chọi nhau, như tài năng Phạm Gia Cổn, tôi trộm nghĩ, tôi cần phải có nhiều, rất nhiều giờ, họa may (tôi lập lại) họa may, mới có thể thấu đáo những thành tựu mà, bạn tôi đã một đời, cống hiến  cho tập thể.

.

Nhưng, bây giờ, ngay lúc này, đứng trước một cử tọa chọn lọc như quý vị và, các bạn, tôi bỗng thấy, chỉ cần nhắc tới ba chữ “Phạm Gia Cổn” không thôi, cũng đã đủ mà, không cần phải thêm một lời nào khác nữa.

Tôi muốn nói, ngay những gì tôi mới gửi tới quý vị, có thể cũng không thực sự cần thiết!!! 

Trân trọng cảm ơn và kính chào quý vị cùng, các bạn.

Du Tử Lê,

(Calif. April 2016) 

 

NGUYỄN = 7

ĐÌNH = 4155 = 15 = 6

BẢO = 217 = 10 = 1

PHẠM = 8514 = 18 = 9

SỸ = 31 = 4 

HIỆP = 5158 = 19 = 10 = 1

BÙI ĐỨC LẠC -- ÔI CHARLIE 


Nguyễn Đình Bảo, chúng tôi quen nhau thật tình cờ tại Camp Leautey đường Pavie Sài Gòn năm 1955, lúc đó Bình Xuyên vẫn còn làm mưa, làm gió tại Sài Gòn-Chợ Lớn, chúng tôi có chơi với nhau nhưng không thân cho lắm, Bảo nhập ngũ vào trường Võ Bị Đà Lạt, tôi ở lại nhưng không bao lâu rồi cũng nhập ngũ vào Thủ Đức, truân chuyên trong Quân Đội nhưng không gặp mặt nhau một lần, mãi tới năm 1966 chúng tôi mới có dịp gặp nhau, vì cùng nhảy dù bồi dưỡng tại Ấp Đồn.


Vẫn với dáng đi vất vưởng, không cần nhìn mặt, chỉ cần nhìn tướng đi là nhận ra Bảo ngay, tôi không rành về tướng số, nhưng tôi đã nghe chính Bảo nói:


“Thầy tướng nó bảo tao, vì tướng đi của tao mà cuộc đời tao sẽ không khá được”, tôi nói rất tự nhiên như mình rành tướng số, sự thực chẳng hiểu gì về tướng số, cái chuyện trông mặt mà bắt hình dong, đâu có thể phán bừa bãi như vậy được! Nên tôi trấn an ngay:


– “Đừng tin nhảm nhí” đó là chuyện đã qua, hôm nay vừa thấy tôi, Bảo mừng rỡ lên tiếng trước.


-Ê , mày về đây hồi nào vậy, mày có biết tao ở đây không? Tại sao không kiếm tao? Anh hỏi mà không cho tôi trả lời; Bảo vồn vã nắm chặt tay tôi. Tôi thật xúc động trước cử chỉ thân mật của Bảo, tôi không ngờ Bảo nhiệt tình như vậy, trước khi nhập ngũ chúng tôi có giao du với nhau, nhưng ít khi hàn huyên tâm sự, khi Bảo rủ tôi thi vào khóa 14 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, tôi bỏ cuộc Bảo buồn lắm, chúng tôi đều chung hoàn cảnh không có tiền, tiễn nhau lên đường nhập ngũ không bằng chén ly bôi, mà bằng hai đứa uống chung một ly đậu đỏ bánh lọc tại chợ Bến Thành, tôi tình nguyện về phục vụ tại binh chủng Nhảy Dù, tôi không hề biết có Bảo và Tuyển đang ở đây, nhưng khi tôi cầm lệnh thuyên chuyển tôi mới biết là có một số bạn cũ, kể cả các bạn cùng khóa đang phục tại đây, tôi chưa kiếm Bảo có lẽ tôi ngại, không hiểu Bảo có còn nhận ra tôi hay không, những ý nghĩ kỳ quái đó cho nên tôi dứt khoát không đi kiếm Bảo, cũng như những bạn cùng khóa tôi không đi kiếm ai, nhưng bây giờ tôi thật sự hơi ân hận:


-Tao có nghe tụi thằng Tân (là bạn chúng tôi, Đỗ văn Tân cũng ở trại Phú Thọ, Tân vào khóa 8 Thủ Đức, hình như sau này là Trung Tá trung đoàn phó tại SĐ18BB, Tân mất khi mới ra tù) nó nói mày ở đây, nhưng chưa kịp đi kiếm mày, mày biết đó, đơn vị tân lập trăm chuyện phải lo, tao có hỏi thăm biết đơn vị mày đang hành quân, nên chưa kiếm mày, đây là saut bồi dưỡng đầu đời của tao, lính mới tò te mà.


Tối hôm đó chúng tôi đi chơi với nhau khá khuya, nếu sáng sớm hôm sau tôi không phải huấn luyện đơn vị, chắc chúng tôi đi thâu đêm; Bảo cho tôi biết có Tuyển cùng ở Nhảy Dù và đang du học Hoa Kỳ, tôi cùng ở Gia Long với Tuyển, Bảo biết chuyện đó, tôi ngắt lời Bảo.


-Tuyển nó có khá không?


-Nó cũng lằng nhằng như tao vậy thôi. Cầm ly rượu trên tay Bảo nói.


-Mày có biết là Nhảy Dù có luật, nếu ngang nhau thằng nào có bằng Nhảy Dù trước là anh, thằng nào có bằng Nhảy Dù sau là em; vậy ngay từ bây giờ mày phải gọi tao là anh; với tư cách là thằng anh của mày, tao sẽ tặng mày một thứ mà ai trong binh chủng Nhảy Dù cũng thích, tôi nhìn Bảo cười đáp trong hững hờ.


-Bây giờ cấp bậc và chức vụ tao đều kém mày, gọi mày là anh có sao đâu, nhưng tao cũng có cái luật của tao, thằng nào muốn tao gọi bằng anh phải chi địa cho tao.


-Tiểu đoàn phó nghèo lắm em ơi, còn thua mày nữa, nhưng tao sẽ tặng mày thứ khác quí hơn là địa.


Sáng sớm hôm sau, Bảo mang đến cho tôi hai bộ quân phục, dành riêng cho binh chủng Nhảy Dù, một bộ hoa đỏ và một bộ hoa huyết dụ, hai bộ này quí thật, vì không còn phát nữa, tuy vậy dù với chức vụ Pháo Đội Trưởng Pháo Đội tân lập, chuyên môn đi dẹp biểu tình, tôi cũng tự nhiên phải có dễ dàng, lúc đó Sư Đoàn Nhảy Dù mới có hai pháo đội, tôi thành lập pháo đội thứ ba là Pháo Đội C Nhảy Dù, Pháo Đội A Nhảy Dù do Trung Úy Nguyễn văn Nghi thành lập, Pháo Đội B Nhảy Dù do Trung Úy Hà minh Phương thành lập.


Nhận hai bộ quân phục này tôi quí nó vô cùng, vì cách cho của Bảo, tôi trân trọng nhận nó, coi nó như một bảo vật, hiện tới giờ phút này tôi vẫn còn giữ được bộ quân phục mầu huyết dụ, tôi dự trù sẽ tặng bộ quân phục này cho một người bạn dùng để triển lãm, để nó còn được nhiều người chiêm ngưỡng. Tôi quí Bảo ở tính tình thật đôn hậu, lúc nào cũng thật tình với bạn bè, đi chơi với Bảo tôi có cảm tưởng như luôn luôn được bao bọc, anh sãn sàng hy sinh mọi quyền lợi cho bạn bè, ngày còn giang hồ chưa vào quân đội, Bảo quen một cô đầm lai (do tôi giới thiệu, cô này là bạn Hướng Đạo với tôi, khi tôi học bách nghệ tại Camphamine, Hòn Gay, Quảng Yên; vì vậy tôi quen một số đông trong Camp Leautey) nhưng Lợi móm cũng thích cô đó, Bảo nhường ngay cho Lợi móm, không so đo kèn cựa, không bao giờ anh đối xử xấu với ai, cho dù người đó đối thật tệ bạc với anh, anh thật độ lượng, anh tha thứ lỗi lầm cho cả người trên lẫn kẻ dưới, không bằng lòng chuyện gì, anh đối đáp liền, sau đó anh quên ngay và tha thứ, nhưng anh có biết đâu chẳng bao giờ họ tha thứ cho anh.


Khi Bảo lên Trung Tá, cũng vẫn chưa được làm Tiểu Đoàn Trưởng, giữa chiến trường Hạ Lào,(chúng tôi cùng đóng chung với nhau tại căn cứ lấy tên ngụy danh là A Lưới, nhưng tên địa danh trên bản đồ đúng tên là Bản Đông tại đường số 9 Nam Lào, cách Tchépon khoảng 15 cây số, lúc đó Bảo là Phụ Tá Hành Quân cho Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, chức vụ ngồi chơi xơi pháo, không có một người thuộc cấp, như vậy có thảm hay không) mừng Bảo thăng cấp, dưới cơn mưa pháo của địch, tôi và Bảo có thói quen hễ có pháo kích, là hai thằng chạy ra hai hố cá nhân trên tuyến phòng thủ, ngay cạnh đài trung ương tác xạ của tôi, nên tôi mang theo chai rượu martell hai chữ “VS” ngồi dưới hai hố cá nhân, vừa đếm Pháo vừa nhâm nhi, ấy vậy mà có lúc chúng tôi có đại tiệc ngay tại chiến hào, một nhúm tôm khô, một nhúm củ kiệu, bữa tiệc linh đình dưới lằn đạn pháo thú vị chừng nào, chúng tôi nâng ly, tôi chúc Bảo may mắn với cấp bậc mới, mấy ai được uống rượu bên người tri kỷ dưới cơn mưa pháo như chúng tôi, tiếng đạn pháo 130 ly, hòa nhịp cùng hỏa tiễn 120 ly năm nòng, tiếng đạn réo trước khi chạm nổ như xé không gian, cũng không làm cho chúng tôi mất hứng thú, nhưng lại là liều thuốc làm bớt đi suy tư không đâu, thấy đời binh nghiệp của Bảo lận đận tôi ái ngại nói, vu vơ nói trong suy tưởng công bằng :


-Rồi cũng tới phiên mày được làm Tiểu Đoàn Trưởng nay mai,”với thói quen cẩn thận, dù là chúng tôi đang thưởng thức đủ loại tiếng nổ, đủ loại đạn, mới được đem từ Liên Sô qua, nên dù có nói lớn cũng không ai nghe” nhưng Bảo cũng nhoài người trên mặt đất, ghé sát tai tôi nói:


-Mẹ kiếp! Rồi cũng phải tới phiên chúng mình không lẽ cù nhầy thế này mãi sao ?


Đúng ra Bảo phải được làm Tiểu Đoàn Trưởng lâu rồi, có người về Nhảy Dù sau Bảo cả bốn, hay năm năm gì đó, khóa sau Bảo, lên lon sau Bảo, làm tiểu đoàn phó sau Bảo, nay cũng đã nắm Tiểu Đoàn Trưởng cả năm rồi; ôi ! ! ! quả thật Bảo kém may mắn, thời gian làm Tiểu Đoàn Phó, chiến công của Bảo nhiều khi đến với người khác, nhiều chuyện oan của Bảo, tôi chứng kiến tận mắt, tận tai, nhưng bây giờ mọi việc đã qua rồi, mong sao Bảo hiểu cho tôi, lúc đó tôi không nói hết những chuyện đê hèn này với Bảo, tôi muốn chúng tôi ở trên mọi người, hãy tha thứ cho họ………Bảo nhé ! ! !


Bảo khoái nhất chức vụ mới của Bảo, do tôi bổ nhiệm chức vụ này là: Ngồi Chơi Xơi Pháo. Tại Hạ Lào Trung Tá Trí Tiểu Đoàn Trưởng TĐ9ND bị thương rất nặng vì pháo kích, ngay trong căn cứ A Lưới, cùng trong một Lữ Đoàn, cùng một vị trí, hơn thế nữa Bảo đã làm Tiểu Đoàn Phó TĐ9ND rồi, sau khi Trung Tá Trí tản thương, Bảo vẫn ngồi chơi xơi pháo, chẳng ai ngó ngàng tới, trên lại chỉ định Trung Tá Lê văn Ngọc đang làm Lữ Đoàn Phó LĐ1ND ra chỉ huy TĐ9ND, đúng ra để Bảo chỉ huy TĐ9ND cũng là muộn màng rồi, nhất là nay Bảo đã lên Trung Tá, vậy mà cơ hội làm Tiểu Đoàn Trưởng vẫn chưa đến với Bảo; thế là thế nào? Bảo có làm tiểu đoàn trưởng lúc đó cũng chỉ là người cũ việc cũ, thuận lợi hơn, quen thuộc hơn, tại sao bất công như vậy? Tại sao ? Tại sao? Sau này tôi mới biết vì không có ai đề nghị, cũng như lon Trung Tá của Bảo là do máy điện toán cho lên lon, thật quá hẩm hiu? Tới phiên tôi cũng không hơn gì Bảo cũng máy điện toán cho lên, không thằng Tây nào nó muốn cho lên cả.


Tôi chính thức được làm Tiểu Đoàn Trưởng trước Bảo, anh vui mừng nói như reo lên:


-Mẹ kiếp, tụi mình thân cô thế cô, dân Pavie-Lamothe thằng nào lên là mừng.


Một hôm từ đồi Long Bình về căn cứ Hoang Hoa Thám, tôi đón Bảo đi chơi, cũng lúc ly rượu trong tay, tôi mỉm cười nhắc Bảo:


-Mày có biết Nhảy Dù có luật gì hay không ? Bảo trợn mắt không hiểu gì cả, nét ngây thơ cụ làm tôi bật cười, :


-Ở Nhảy Dù có luật chắc mày phải biết chứ ?


-Tao biết chó gì đâu.


-Tao cho mày biết cái luật cổ điển này của Nhảy Dù…….mắt Bảo nhìn tôi chăm chăm, tai lắng nghe trông thật dễ thương, tôi không giám đùa nữa, thật sự tôi không muốn nói nữa, nhưng Bảo thôi thúc.


-Luật gì mày nói đi, tôi đành nghiêm chỉnh nói:


-Thằng nào làm Tiểu Đoàn Trưởng trước, thằng đó làm anh. Tôi vừa nói đến đó, Bảo la làng “cha” anh đập nhẹ tay lên bàn, rồi vừa cười vừa nói:


-Thằng này xỏ lá, nó nhắc khéo mình, Bảo đứng lên khoanh tay nhìn tôi mỉm cười và nói rất tếu:


-Thôi cũng được, thưa anh; anh cho em xin anh một trăm. Chúng tôi cùng cười lớn hòa nhịp với nhau, tôi vội vàng móc túi đưa Bảo một trăm, Bảo biết mình hố đính chính ngay:


-Tao xin một ngàn cưa.


-Bỏ đi tám, quân tử nhất ngôn.


Thế rồi Bảo cũng phải làm Tiểu Đoàn Trưởng trong muộn màng, hôm Bảo nhận bàn giao chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ11ND với Trung Tá Ngô Lê Tĩnh tại đồi Long Bình, tôi ngồi trên khán đài (ngay phía sau vị anh cả của đơn vị), để chứng kiến cuộc bàn giao, câu chuyện cấp trên nói với nhau, tôi nghe được mới hiểu Bảo bị chậm trễ là do không ai đề nghị cả, ông nhiều việc nên quên Bảo, ông tỏ ra ân hận về việc chậm trễ này.


Vừa nhận chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng ngồi chưa nóng ghế, ngay trận đầu xuất quân, khi giải tỏa quốc lộ 22, Bảo bị thương nơi mắt vì mảnh đạn súng cối của địch. Trong trận Dambe, Campuchia, khi tấn công địch, cũng như khi rút lui, Bảo đã chứng tỏ cho thuộc cấp, đơn vị bạn cùng binh chủng, đơn vị bạn khác binh chủng, đều thán phục khả năng của một Tiểu Đoàn Trưởng, đầy kinh nghiệm chiến trường, khả năng xử dụng hỏa lực, khả năng điều quân, phối hợp liên quân Thiết Giáp-Bộ Binh thật tuyệt vời.


Bạn thân trong binh chủng cũng đông, cùng khóa cũng lắm, nhưng khi đi hoạt động chung, lúc nào tôi cũng lưu tâm đến cánh quân của Bảo hơn những cánh quân khác, anh chỉ huy ngoài chiến trường rất bén nhậy, anh biết tiến thối đúng lúc, nhưng không hiểu vì sao? Dù thắng trận vẻ vang, nhưng quân số của anh cũng bị hao hụt hơn các đơn vị khác, mặc dầu anh điều quân rất dè dặt, không bao giờ húc bậy. Người ta ác miệng nói anh chỉ huy sát quân, tôi không tin như vậy. Đó là lý do nếu có hành quân chung, tôi thường ưu tiên hỏa lực cho Bảo, năm 1969 lúc đó tôi còn làm Tiểu Đoàn Phó TĐ1PBND, Bảo làm Tiểu Đoàn Phó TĐ9BBND, chúng tôi hoạt động chung, lúc nào tôi cũng ưu tiên hỏa lực cho Bảo, có người biết được một nửa chuyện, cho rằng tôi thân với Bảo nên mới ưu tiên như vậy.


Những trận nhỏ không kể, tính trận chính thì trận mùa hè đỏ lửa tại Tân Cảnh là trận thứ Ba trong đời làm Tiểu Đoàn Trưởng của anh.


Charlie. Ai nhận lãnh lấy cái búa này cũng phải lãnh hậu quả tai hại như nhau, ngồi đón pháo địch, như một cuộc xổ số để nhận thương đau cho mọi người, cuộc xổ số không phân biệt cấp bậc hay chức vụ, không phân biệt mầu da hay chủng tộc, một lúc nào đó phải đến phiên mình, không lẽ cuộc xổ số không có người trúng, nếu không có người trúng, cuộc xổ số sẽ không có hồi kết, cuộc chơi như vậy!!!!!!!!!!! Làm gì có cuộc hành quân nào trên thế gian này ngớ ngẩn hơn thế, hay không nhỉ?


Cuộc hành quân không có hay, không có dở, không có can đảm, không có mưu lược, không có thắng không có bại, không có cao không có thấp, không có danh dự, tất cả chỉ là không, thì làm gì có kết luận. Nói rằng cần nút chặn không cho địch quân băng qua, càng điên rồ hơn, bằng cớ rằng sau khi Charlie không còn, địch quân vẫn không băng qua con hẻm đó, để đánh Tân Cảnh hay Kontum. khi đánh Tân Cảnh lực lượng chính của chúng là chiến xa, chúng xuất phát quân từ Darkto tới đánh Tân Cảnh, hơn nữa con sông Pô Cơ là một chướng ngại thiên nhiên đáng kể, nên không thể xuất phát từ Charlie để đánh Tân Cảnh, hay Võ Định, chúng phải đánh Charlie, Delta, Alpha vì đó là cái gai trước mắt, hơn nữa miếng mồi ngon dễ đánh hơn, phòng thủ không kiên cố bằng Tân Cảnh, ngoài ra những vị trí này là tay chân của Tân Cảnh, nên nếu muốn dứt Tân Cảnh phải chặt chân tay trước, mà cái nào dễ thì làm trước! ! ! Có người cho rằng cần Charlie là đài quan sát, nên địch phải tấn công, cũng ngụy biện, vì đỉnh Yankee ngay sát bên cạnh cao hơn nhiều.




Thế rồi cứ nằm nhận mọi hình phạt cho nát tan, một tiểu đoàn phải đương đầu với nguyên một sư đoàn Cộng quân, thêm một sư đoàn trừ bị, thêm trận đòn pháo, không tiến không lùi, một võ sĩ hạng nặng như Mike Tyson, khi lên đài anh có thể hạ một địch thủ to như con bò mộng trong vòng không đầy một phút, nhưng nếu anh đi lạc vào khu cấm kỵ New York cũng chỉ không đầy một phút anh phải đo ván ngay, biết rõ tình hình bất lợi cho ta như vậy, Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng đã nhất mực trình bầy cùng Sư Đoàn 22 Bộ Binh, Quân Đoàn II tình hình tại chỗ, theo như tình hình này, nếu đóng quân một chỗ, sẽ hoàn toàn bất lợi cho TĐ11ND, ông đề nghị cho TĐ11ND được tự do hoạt động, đừng bắt một đơn vị năng động phải đóng quân tại chỗ, nhưng đều đón nhận câu trả lời, như một học sinh lớp đồng ấu trả bài “trên không chấp thuận” mà trên là ai vậy? Đây là một cuộc hành quân hay đây là một cuộc hành hình? Hay là cuộc sổ số, bắt những tử tù, nhốt vào một sân vận động, mỗi người đào một hố cách nhau 5 mét, rồi bắt đầu dội pháo vào đó, bắt buộc kẻ trước người sau phải nhận lãnh pháo, phải nát thây là một chuyện đương nhiên, không khôn không dại, không nhanh không chậm, lúc nào đến phải nhận, không một ai tính toán, cho mình hay cho cấp dưới của mình, mà là từ trên xuống dưới giống nhau, cùng đón nhận lệnh như nhau là nằm đó chờ chết.


Charlie là tiếng gọi chữ C của quân đội đồng minh, quân lực Việt Nam Cộng Hòa gọi là Cải Cách, tiếng học vỡ lòng là Xê, tên căn cứ quân sự không có một ý nghĩa thâm sâu, mà là theo thứ tự A, B, C, D cũng như 1, 2, 3, 4 nó đơn giản và thẳng thắn như tính tình của Bảo vậy, anh không thuộc loại người ồn ào, anh vui vẻ, chịu đựng mọi chèn ép tầm thường, ê chề nhất là những ngày anh làm tiểu đoàn phó; sức chịu đựng của tôi quả thật kém anh xa.


Ngày1 tháng 4 năm 1972, trong lúc căn cứ Delta bị áp lực quá mạnh, thì căn cứ Charlie hoàn toàn yên lặng, Đại Tá LĐT biết rằng địch quân không giám mở hai mặt trận cùng một lúc, khi chúng thất bại nặng nề tại Delta I, Delta II và Alpha ….Chúng biết rằng chúng đang gặp phải một đối thủ lợi hại, cả tinh thần cũng như khả năng tác chiến, đều trên chân chúng, chúng phải đổi chiến thuật mới, dùng pháo để tiêu hao lực lượng của ta. Biết địch, biết ta nhưng LĐ2ND phải bó tay. Phải đón nhận chua cay, lúc đó đã có những phản ứng…….là phải chặt ngay những lệnh điên rồ đo,ù từ nơi phát xuất…nhiều cách có thể làm được……..mọi việc đã lên khuôn……nhưng rồi đành để Charlie an bài ! ! ! đau thay. Địch quân như biết được sự bất lực này, nhất là Charlie ta khó phòng thủ hơn, đương nhiên chúng phải dễ đánh hơn, Charlie không phải là một đỉnh quân sự, nên dễ pháo hơn, dễ điều chỉnh pháo binh hơn, khi LĐ2ND xuống thám sát theo chỉ định của Quân Đoàn phải thiết lập một căn cứ tại đây (mặc dù lúc đó đang dưới quyền chỉ huy của SĐ22BB), không hiểu sao Charlie đã có chỗ ủi bằng để làm căn cứ, vết ủi đất mới trước đó ít ngày, sau này chúng tôi mới biết công binh của SĐ22BB đã ủi sẵn như vậy, cho nên có thể địch quân đã thám sát trước LĐ2ND cũng không chừng? Bởi vậy chúng thỏa thuê thi hành ý định mới của chúng, nên đã bắt đầu điều chỉnh pháo 130 ly từ dẫy Big Mama vào Charlie, ngay cả những lúc CNC của Đại Tá LĐT và tôi còn bay trên trời, chúng không sợ bị quan sát thấy vị trí súng, đủ chứng tỏ vị trí súng không quan sát thấy máy bay, và máy bay cũng không thấy vị trí súng, vì khoảng cách quá xa (trên 20 cây số). Cũng chính lúc đó Đại Tá LĐT cho lệnh Bảo thiết lập căn cứ Charlie, đây là một lệnh ông không muốn ban cho thuộc cấp của ông, một lệnh điên rồ, nhưng ông bất lực, nên tôi biết ông lo cho Bảo nhiều, ông thấy rõ những điều bất lợi cho Bảo, ông rất ân cần dặn dò những việc phải làm, mặc dầu ông dư biết Bảo thừa khả năng hiểu việc gì phải làm để đối đáp với tình thế này, chẳng hạn ông nhắc nhở phải làm hai TOC, đây là việc đương nhiên một cấp chỉ huy như Bảo phải biết; tôi cũng không quên nhắc, sĩ quan liên lạc của tiểu đoàn và các tiền sát viên của các đại đội, phải diều chỉnh ngay tác xạ cận phòng, hoạch định ngay tác xạ tiên liệu, tác xạ tiêu hủy ngay trên điểm đóng quân, căn cứ vào những tác xạ cận phòng đã được điều chỉnh kỹ càng, tôi dặn dò các Pháo Đội Trưởng, Sĩ Quan Liên Lạc Pháo Binh của TĐ11ND phải thận trọng, trong các tác xạ qua đầu về hướng Tây Bắc của Charlie, đây là những mục tiêu bên sườn đối diện, nên phải bắn góc cao, không thể bắn góc xà được.


Trước khi ra về tôi bàn thảo thật kỹ với Bảo, chúng tôi trao đổi một vài kinh nghiệm về pháo của địch, chúng tôi thông cảm nhau hơn, sự hiểu biết của chúng tôi cùng một cung đàn, buổi nói chuyện không bị lạc điệu, nên rất dễ nói chuyện, trước khi ra về tôi còn nói đùa với Bảo.


-Căn cứ này giống căn cứ A Lưới ở Hạ Lào quá, (tôi và Bảo cùng ở căn cứ A Lưới) mày cứ tưởng tượng, hướng tây ở đây là hướng bắc của A Lưới là đúng ngay boong.


-Ừ nhỉ, tiếng bắn của 130 ly cũng xa như vậy, nhưng ở đây ít súng hơn, nó chỉ có hai khẩu mà thôi.


-Hai khẩu cũng đủ nát người rồi, phải cẩn thận, ở đây tiền sát viên của nó bám mình dễ dàng, nó điều chỉnh là mệt đó, theo tao hiểu nó đang điều chỉnh vào đây.


-Ê mày, mày có biết tụi nó bắn thằng Mạnh (Mạnh là tên của sĩ quan tiểu đoàn trưởng TĐ2ND) loại súng gì mà nó vừa bắn một cái là đạn tới mình ngay?


-Đó là 75 ly (sơn pháo) loại nòng dài, nó cũng được xe kéo như súng 105 ly của mình, hay súng 130 ly của nó, nhưng nó có sơ tốc cao nên đạn tới nhanh vậy thôi, sức công phá của nó yếu, không chính xác như các loại súng có nòng lớn hơn, mày nhớ hôm mình vừa tới A Lưới, ngay ngày đầu nó dùng hai khẩu bên kia sông chơi mình đó, súng này khó nhận ra vị trí của nó, khi tác xạ nó nhả ra rất ít khói, tầm bắn của nó cũng ngắn mà thôi, ngắn hơn 105 của mình.


-Nhớ rồi,sau đó nó bị mình dập tắt ngay. Phải công nhận pháo binh của mình còn trên chân nó xa.


-Thì có đơn vị nào của mình dưới chân tụi nó đâu.


Ngày 7 tháng 4 năm 1972, toàn bộ TĐ7ND vào thay TĐ2ND. Chúng tôi đáp xuống Delta khi hai đơn vị vừa hoán đổi xong, rồi đáp xuống Charlie và Alpha. Hôm đó là lần cuối cùng tôi và Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng có thể đáp xuống Charlie, ông biết sức công phá của pháo binh địch, ông biết là nhờ vào kinh nghiệm, chính BCH/LĐ2ND bị 130 ly hỏi thăm tại chiến trường Hạ Lào, ông cũng biết vật liệu làm hầm của các đơn vị dưới quyền ông, không đơn vị nào có vật liệu làm hầm chỉ huy (TOC) chống nổi các loại đạn pháo nổ chậm(Delay), hay các loại hỏa tiễn 120 ly, ngay cả hỏa tiễn 107 ly với đầu nổ chậm cũng vậy mà thôi, nên ông nhắc lại Bảo là phải có hai TOC và phải phân tán các cấp chỉ huy, không nên ở gần nhau, các hầm không nên làm lớn, cho các con cái bung rộng ra để tránh tổn thất vì Pháo.


Kể từ ngày 7 tháng 4 năm 1972 các vị trí của ta đều bị pháo địch quấy phá, nhưng cường độ pháo không cao, tôi trình bầy trong buổi họp hành quân là: Chúng đang điều chỉnh các loại pháo của chúng, vào tất cả các vị trí đóng quân của ta, tôi cũng trinh bầy tầm xa của pháo 130 ly, hiện tại chúng đang đóng pháo tại dẫy núi Big Mama, chúng chỉ có khả năng pháo tới dẫy đồi không tên, tức là các căn cứ 5, căn cứ 6, căn cứ Yankee, Charlie, Delta, Alpha đều trong tầm pháo 130 ly của chúng, còn các căn cứ khác ngoài tầm, kể cả Tân Cảnh, chúng sẽ đánh Charlie nay mai, việc chuyển quân của chúng rất dễ, vì Delta quá gần với Charlie, chúng ta cần phải bung ra diệt các toán tiền sát viên. Nhưng có vị trí không làm được điều này, có vị trí thành công mỹ mãn, thành công nhất phải kể đến ĐĐ2TSND, ban đêm đã cho các toán trinh sát, xuất phát hoạt động chung quanh căn cứ Võ Định, đã tiêu diệt các toán tiền sát viên, cũng như các toán tiền thám của địch, nhờ vậy địch quân ít pháo trúng Võ Định, trong thời điểm này pháo 130 ly của địch bắn, nhiều người cho rằng chúng pháo quấy rối, thật sự chúng đang điều chỉnh cho những loạt đạn vào trúng các căn cứ của ta, nên một hai ngày nay chúng vẫn chưa điều chỉnh xong, chính vì hệ thống liên lạc của chúng bị gián đoạn, cũng chư kỹ thuật của chúng còn non kém, chúng đang khai thác các sơ hở của ta trên hệ thống liên lạc, để giúp chúng có thể đưa các loạt đạn pháo như ý muốn của chúng, cho nên không bao giờ chúng tôi giám báo cáo thật với BTL của SĐ22BB hay QĐII về vị trí các điểm chạm của pháo địch, chúng tôi sợ nhất là nội tuyến của địch sẽ cung cấp tin tức các điểm chạm này cho địch, căn cứ vào đó địch quân sẽ cho chúng tôi lãnh trọn tang thương, kinh nghiệm xương máu của các hành quân trước đã dậy chúng tôi như vậy, quân đoàn muốn chúng tôi trưng bằng cớ (mảnh đạn) các loại đạn pháo binh mà địch đang xử dụng, lúc này quả thật chưa có thể lấy mảnh đạn hay đầu nổ được, vì các loạt đạn vẫn còn trúng ngoài căn cứ, họ không tin có pháo 130 ly, quân đoàn nói rằng: Đường xấu chúng chưa kéo hai loại pháo binh này vào chiến trường Vùng II Chiến Thuật được, có lẽ tin của phòng 2 như thế, mà phòng 2 của ta thì lúc nào cũng nghèo nàn, chỉ dựa vào tin cố vấn Mỹ cung cấp, họ không chịu hiểu rằng chiến xa đi tới đâu, thì pháo có thể đi tới đó được, kinh nghiệm chịu pháo của trận Ha ỉLào, nên chúng tôi không có thể lầm lẫn được, mà lầm lẫn cái nỗi gì, khi tiếng súng bắn đi từ dẫy núi Big Mama, làm gì có loại súng nào khác, ta chỉ có súng 175 ly của ta mới bắn xa được như vậy, còn địch thì chỉ có súng 130 ly mới có tầm xa này, cái đau của chúng tôi là tất cả các cấp chỉ huy của Quân Đoàn, kể cả Cố Vấn Hoa Kỳ chưa một ai biết Pháo 130 ly ra làm sao, nội việc cho lệnh chúng tôi phải lấy mảnh đạn để xác nhận là 130 ly, cũng chứng tỏ là cấp chỉ huy chưa có kinh nghiệm chiến trường, chưa có kinh nghiệm về cách xác định các loại pháo, vì xác định chính xác nhất là đầu nổ của viên đạn hay đầu nổ của hỏa tiễn, vì đầu nổ nó sẽ nằm ngay tại điểm nổ, đất đã bị viên đạn nổ làm cho tan dễ đào, còn mảnh đạn thì (tìm em như thể tìm chim); dãy núi chúng đặt vị trí pháo trên bản đồ cách Charlie trên 20 cây số đường chim bay, chúng ta suy đoán cũng biết là súng gì rồi, lúc này lấy đầu nổ tại điểm nổ, thì không thể lấy được, vì chúng đang điều chỉnh đạn chưa trúng vào trong vị trí của ta, nên lấy mãnh đạn lại càng vu vơ hơn nữa “ khi pháo binh xử dụng đầu nổ nhanh, thì đầu đạn còn nguyên và ghim xuống ngay tại điểm nổ, chỉ cần dùng xẻng cá nhân bới nhẹ là thấy đầu đạn của loại súng nào bắn đến ta, đầu nổ tuy bị trầy sát nhưng các chữ cũng như số in chìm đọc vẫn được, hơn thế nữa theo chiều đầu nổ ghim xuống đất, ta có thể biết được hướng súng tới, nếu từ ba vị trí trở lên cùng bị pháo kích, nhờ phương pháp đo hố đạn, ta có thể xác định được vị trí pháo địch, đây là phương pháp tốt để kiếm ra vị trí pháo địch, nhưng cần phải có kinh nghiệm, phải có kiến thức cao, hiểu kỹ thuật mới làm được, nếu chỉ đo hố đạn ở một vị trí thì không thể xác định vị trị pháo của địch được, trong chiến tranh Việt Nam nhiều vị chỉ huy Pháo Binh lần đầu tiên đo hố đạn rồi cũng cho phản pháo để bịp, đó chỉ là hành động bịp điên rồ, nếu địch dùng đầu nổ chậm thì khó có thể lấy đầu nổ được, vì đầu nổ bị chôn khá sâu, chúng chỉ dùng đầu nổ chậm khi phá hầm hố kiên cố mà thôi, trong thời gian điều chỉnh, cũng như khi bắn tiêu diệt quân đi ngoài trời, hay hầm hố không có nắp thì pháo binh dùng đầu nổ nhanh, hay đầu nổ cao” , đến khi TĐ11ND có thể lấy được đầu nổ thì tiếp tế, tản thương đều khó khăn, rồi không còn tải thương cũng như tiếp tế được nữa, thì làm sao ai đưa đầu nổ ra ngoài đây, hơn nữa địch pháo liên tục, không pháo thì tấn công, làm sao có thì giờ nào đi kiếm đầu nổ, nhưng trên hơi ngớ ngẩn, lúc nào bị pháo cũng muốn đơn vị bị pháo lấy mảnh đạn, họ không hiểu lấy đầu nổ chính xác hơn, trong khi tiếp tế tản thương không được, thì dù có lấy được mảnh đạn hay đầu nổ cũng bằng thừa mà thôi.



Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng cùng Đại Uý Đoàn Phương Hải, sĩ quan hành quân, thuộc tiểu đoàn 11 Nhảy Dù


Ngày 8 tháng 4 năm 1972 một biến cố vô cùng quan trọng, một rừng phòng không chung quanh Charlie, ngày hôm trước không có một cây phòng không nào xuất hiện, SQLLPB/TĐ11ND cho tôi biết anh đã đếm được 10 vị trí phòng không chung quanh Charlie, tôi cho lệnh điều chỉnh pháo binh để tiêu diệt chúng, nhưng không có hiệu quả cho lắm, vì ta ở dưới thấp hơn, nên không nhận rõ vị trí của chúng, khi CNC vào vùng tôi xác định được một vị trí phòng không, tôi đã điều chỉnh một khẩu đội khóa họng chúng, nhưng không có quân tới lục soát, sau đó khi nào CNC của chúng tôi vào vùng chúng không khai hỏa nên không sao nhận diện được thêm một vị trí nào nữa. Chúng chỉ khai hỏa khi chúng tôi vừa qua đầu chúng, hay những lúc bay vòng lại, những lúc như vậy tôi không thể nào thấy chúng được, CNC không giám xuống thấp vì trực thăng bay chậm làm mồi cho phòng không dễ dàng. Khi các oanh tạc cơ vào vùng là chúng khai hỏa ngay lập tức, tôi đã cho Đại Úy Thạnh Sĩ Quan Liên Lạc Không Quân bên cạnh Lữ Đoàn biết tình hình phòng không, thông báo cho các Quan Sát Viên Phi Cơ, cùng các Phi Công khu trục phải thận trọng kẻo bị rớt, nhưng các phi công lì lợm cất cánh từ phi trường Pleiku, coi sống chết như không, lúc nào cũng xuống thấp để oanh tạc cho đúng mục tiêu, như đùa dỡn với những dàn phòng không, dấu hiệu rõ ràng cho chúng ta thấy Delta không nuốt được nữa, địch nhả Delta và dồn quân về Charlie, địa thế Charlie dễ pháo và dễ đánh bằng bộ binh hơn, charlie không phải là một điểm quân sự tốt, khi không chúng ta đóng quân tại Charlie là dâng một mục tiêu tốt cho địch, chúng không muốn thất bại thêm, chúng cần phải chiến thắng sau bốn lần thất bại liên tiếp, tình thế bắt buộc chúng phải thay đổi chiến thuật, không thể dùng mưu trí hay sức ngưởi để thắng đoàn quân trên chân chúng mọi mặt.


Dù ngu ngơ đến đâu chăng nữa, chúng ta cũng phải nhận thấy rằng Charlie khó có thể cầm cự lâu dài, vì Charlie không phải là điểm quân sự có lợi thế như Delta, những lần chạm địch cấp tiểu đoàn đã nhận thấy tình hình tồi tệ hơn, nhất là buổi sáng ngày 8 tháng 4 năm 1972, khi cánh quân hai đại đội do Thiếu Tá Lê văn Mễ tiểu đoàn phó TĐ11ND chỉ huy, cố gắng chiếm những cao địa hướng đông đông nam, cách Charlie không đầy một cây số, thì đụng phải lực lượng địch, địch có sẵn trận địa pháo, địch đông quân số hơn, cố nhử ta vào bẫy, dù ta có cố gắng bám sát nhưng không sao làm chủ tình hình, nên đành bỏ lại những cao địa này. Tối hôm đó lúc uống trà vói Đại Tá LĐT, nghĩ tới Bảo, tôi đã buột miệng nói nhảm, mà đúng ra tôi nghĩ sao nói vậy:


-Tôi sợ Bảo nó không qua nổi trận này, giặc thì mỗi ngày được tăng cường thêm, còn ta thì mỗi ngày yểm trợ kém đi.


Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng nghiêm mặt nhìn tôi:


-Này, ăn mắm muối gì không đó, mà ăn nói bậy bạ vậy, đừng nói bậy.


Ông có biết đâu tôi là người lo cho Bảo ngày đêm, không lúc nào tôi yên tâm khi thấy Charlie khó thoát nổi đắng cay, không phải tiên tri, nhưng nhìn vào tình hình ai cũng nhận thấy như vậy, tội nghiệp trên sáu trăm sinh mạng, khi không làm vật tế thần hay sao đây? Nỗi đắng cay này ai phải chịu trách nhiệm, cô nhi tử sĩ nào ai hay.


Bất giác như linh cảm được một điều gì không hay đến với Bảo, tôi kể cho ông nghe từ việc tại nhà Bảo, tự nhiên anh cho đóng bộ ghế tại phòng khách, một chiếc giống như chiếc quan tài, tôi thấy như vậy nhưng không giám nói cái ý nghĩ quái gở của mình với Bảo, rồi Bảo cho làm Câu Lạc Bộ mới cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, anh tổ chức buổi lễ khánh thành câu lạc bộ, nhà văn Nguyễn đạt Thịnh được mời tham dự, anh Thịnh tặng ngay bức tượng mẹ bồng con, nên những việc đó nó cứ ám ảnh tôi. “Sang tới Hoa Kỳ năm 1987 tôi mới gặp anh Thịnh, tôi vẫn còn thắc mắc và hỏi tại sao anh lại tặng cho Bảo bức tượng Mẹ Bồng Con, tôi được anh trả lời như sau:


-Tôi xin món quà đó từ một người bạn thương gia ở Sài Gòn, tôi cho họ biết là tặng cho một người bạn khác, tổ chức lễ khánh thành câu lạc bộ, tôi dặn họ gói hộ tôi, nên khi tặng món quà này tôi không biết có gì ở bên trong, bây giờ tôi mới biết………….xong anh thở dài”. Tôi hoàn toàn không tin dị đoan, nhưng nó như những điềm báo trước.


Ngay trong buổi họp đầu tiên với Quân Đoàn, có đủ các cấp liên hệ, Trung Tướng Ngô Du Tư Lệnh Quân Đoàn II có nói:


-Hiện nay theo tin tức tình báo thì Sư Đoàn 320 của Cộng Quân có mặt tại vùng II, nhưng chưa kiểm chứng được. Anh em Nhảy Dù cố gắng chạm địch, làm sao có bằng cớ xác nhận được đơn vị địch, chẳng hạn như tịch thu được tài liệu, bắt sống được tù binh, nếu anh em làm được thì công của anh em rất lớn. Cố vấn của Quân Đoàn II sẽ xin B52 để tiêu diệt đơn vị này và anh em sẽ có thưởng.


Nhưng từ ngày ĐĐ2TSND bắt sống được tù binh, xác nhận rõ đơn vị cho đến nay chưa có một box B52 nào xin được chấp thuận, lại thêm một chiếc bánh vẽ nữa, trận giặc sinh tử nhưng cấp trên thờ ơ quá, chúng tôi đâu có cần thưởng, thưởng nhiều quá rồi, chúng tôi cần cấp trên nhìn thấy chúng tôi đang làm gì và đang cần gì, không biết ngôi sao nào trong tử vi chiếu vào chúng tôi mà tệ hại quá vậy.


Lúc này không có cách nào TĐ11ND tránh khỏi tổn thất, xử dụng không quân chiến lược ư, lời hứa của Quân Đoàn như mây như khói, không quân chiến thuật ư, có nhưng hạn chế, quân tăng cường càng không thể được, càng đông quân càng làm mồi cho pháo địch mà thôi, xin cho TĐ11ND tự do hoạt động trong vùng không được chấp thuận, với lý do “trên không chấp thuận” Đại Tá LĐT thấy rõ nguy cơ, nhất là từ khi tất cả các Box B52, các kế hoạch hành quân của ông đều bị bác bỏ, chúng tôi đành dùng pháo binh cơ hữu của mình để thay thế những box B52 đã xin, nhưng đạn dược cũng không được dư dả, vì đường tiếp tế duy nhất từ Pleiku đến Kontum bị trở ngại tại Chu Pao, lúc thông lúc tắc.

Tôi tháp tùng trên máy bay CNC, dàn hỏa tiễn 120 ly khai hỏa vào căn cứ Non Nước, tức vị trí của Pháo Đội C1 của Đại Úy Nguyễn cẩn Ngọc ( sau này là Thiếu Tá, nay đang ở Houston, Texas), ngay lúc chúng tôi trên vùng và nhận rất rõ vị trí, chỉ cách Charlie không đầy 5 cây số về hướng đông bắc, tôi điều chỉnh ngay hai pháo đội B1 và C1 phản pháo trúng đích, có tiếng nổ phụ rất nhiều, chúng tôi cũng hiểu rằng tại vị trí này chỉ có ba dàn phóng và một số đạn dược mà thôi, không có quân, chúng đã pháo bằng thời chỉnh, tức là chúng đặt dàn hỏa tiễn, ghi sẵn mọi yếu tố xong, chúng chỉnh giờ khai hỏa rồi bỏ trốn, khi đúng giờ đã định trước là khai hỏa, nếu có người ở vị trí chúng không giám khai hỏa khi chúng tôi đang có mặt trên vùng, chúng thuộc tên tôi và cả giọng nói của tôi, chúng biết nếu khai hỏa mà tôi biết được vị trí là tự sát, do đó chúng tôi nghĩ tại đó không có quân, cũng như không có BCH nào gần, sau đó chúng tôi thỉnh thoảng bắn một viên đạn pháo binh vào đó, hầu như vị trí này cho tới cuối cuộc hành quân, chúng không xử dụng nữa.


Biết TĐ11ND sẽ bị nguy khốn mà không làm gì được, phải bay điều quân suốt ngày, vừa lao tâm vừa lao lực, bệnh cao máu hoành hành trở lại, cho nên Đại Tá Lịch cáo bệnh với BTL/SĐND xin người thay thế, tuy nhiên ông xin được trị bệnh ngay tại vị trí hành quân, ông nói với tôi trong bực dọc:”thằng 11 sẽ thất bại,sức người chỉ có hạn”, tôi biết việc cáo bệnh của ông đúng ra chưa cần, trong ngày 8 tháng 4, Trung-Tá Nguyễn Thu Lương trưởng phòng III SĐND ra thay thế. Kể tứ ngày 8 tháng 4, ban ngày cũng như ban đêm cứ khi nào hết pháo là chúng tấn công vào Charlie, có khi địch tấn công bằng cấp tiểu đoàn, có khi bằng cấp trung đoàn, không còn cấp đại đội nữa, địch bắt đầu xài toàn giấy năm trăm, canh bạc phé này địch quân có nhiều vốn hơn chúng tôi, cũng may đêm nay sẽ có Box. B52 yểm trợ cho Charlie, đây là box B52 đầu tiên cho Charlie, món quà sinh tử đó, tôi thầm nghĩ nếu chỉ có vậy thôi cũng không cứu được Charlie, có còn hơn không, nhưng rồi không có B52 nào đến, đó chỉ là thông báo vu vơ; đêm nào căn cứ 5, căn cứ 6 cũng báo cáo đoàn xe tiếp tế của địch ban đêm đèn sáng như xa lộ Sài Gòn; cho nên đạn dược, quân số chúng dồi dào hơn mình, canh bạc này phải thua thôi. Các toán viễn thám của ĐĐ2TSND nhận nhiệm vụ vào phá hoại trục giao thông của chúng, nhưng cũng chỉ được một vài lần mà thôi. Tôi cố gắng dùng hỏa lực cơ hữu của mình, may ra có giúp được phần nào cho Charlie hay không, vùng này tôi bay nhiều cho nên tôi nắm vững địa thế, những chỗ khả nghi tôi đều có những hỏa tập bất thường, cho nên trung tâm phối hợp hỏa lực của TĐ1PBND bận rộn suốt ngày đêm, sĩ quan liên lạc Không Quân bên cạnh LĐ2ND làm việc thật giỏi, nhiều kinh nghiệm nhưng cũng khó khăn lắm mới xin được một phi tuần Hoa Kỳ, may mắn là Không Quân Việt Nam lúc nào cũng hết lòng với Nhảy Dù, chính những Phi Công không may gẫy cánh trong trận này như Thặng..Kỳ…là vì quá tận tình với chúng tôi, Hà cũng bị rơi nhưng may mắn Trinh Sát của chúng ta cứu kịp.

Ngày 9 tháng 4 năm 1972 mới sáng sớm, trung đoàn địch được lùa vào trận tuyến, chúng như những con thiêu thân, muốn chiến thắng đầu tay đến với chúng, thây chết ngập sườn đồi, ta thu gần hai trăm súng, lúc này súng đạn của địch rất cần cho các chiến sĩ Mũ Đỏ 11 Nhảy Dù, không tiếp tế không tản thương, nguồn tiếp tế đạn dược chính là địch, con cháu bác lại có dịp được thưởng thức bắp chuối B41, cùng ngô rang AK47. Các cấp chỉ huy của mặt trận B3 và Sư Đoàn 320 sư đoàn mệnh danh là sư đoàn thép, lần này hẳn chúng phải nhận ra rằng chúng đang húc phải một bức tường cứng hơn “thép” của chúng, bằng mọi giá chúng phải thắng trận này để lấy danh dự lại cho quân đội miền bắc, chúng phải thắng một trận cho dù thiệt hại quân số bao nhiêu không kể, nếu không thắng trận này, ngay các đơn vị của chúng tại đây không còn tinh thần chiến đấu nữa, chúng ta coi trọng mạng sống của thuộc cấp, còn cấp chỉ huy của miền bắc cần thắng, thuộc cấp chết không đếm xỉa đến, đó chính là hai quan niệm về chiến tranh khác hẳn nhau, tôi chợt nhớ tới câu nói cũa tướng Westmoreland, khi ông được một phóng viên hỏi về tướng Võ Nguyên Giáp, ông thẳng thắn trả lời : “Tướng Võ Nguyên Giáp là một tướng tài, nhưng nếu để ông chỉ huy quân đội của chúng ta, thì chỉ cần một trận là ông phải triệu hồi, ra tòa án quân sự vể tội thí quân vô ích, tội sát nhân” địch quân phải thắng, vì chúng đang được cấp trên của chúng tôi phụ họa theo, Bảo ơi hãy đón nhận pháo cho rách đơn vị, để rồi lúc sức cùng lực kiệt đón nhận thêm trận biển người của nguyên Sư Đoàn Bùn, lúc đó sẽ có B52 giúp anh trộn lẫn xương thịt của đôi bên trở thành phân bón cho núi rừng Charlie. Đúng 23:30, Box B52 đầu tiên xuống phía đông nam Charlie, núi rừng chuyển động như sóng cồn, người lính Nhảy Dù gác giặc quên cả tiêu lệnh của một lính gác, la lớn tay ôm lấy ngực để máu trong lồng ngực khỏi trào ra, sau đó bị té hất ngược trở lại.


Ngày 10 tháng 4 năm 1972, địch không còn sức tấn công nữa, mũi tấn công nặng nề và thường xuyên nhất mỗi ngày, mỗi giờ, bây giờ im lặng, tất cả im lặng, thân xác của chúng đã bị B52 cuốn trôi, nhường cho tiếng pháo của súng 130 ly, hỏa tiễn 120 ly năm nòng, không còn đếm nổi mỗi ngày chúng trút tới Charlie bao nhiêu đạn nữa, mà phải ước lượng bằng con số hàng ngàn, từ Võ Định lúc nào cũng nghe tiếng pháo địch nổ, nếu trời trong thì thấy bụi đất bay mù mịt suốt ngày, lần đầu tiên hai đài quan sát của ta thấy đoàn xe địch di chuyển ban ngày, tôi cho lệnh pháo đội tại Yankee có vị trí cao nhất, tính yếu tố bắn ở tầm xa dài nhất, nhắm cho đúng hướng thử bắn một viên đạn khói, rồi quan sát xem sao, mặc dầu chúng tôi đã biết trước kết quả, Pháo Đội Trưởng báo cáo: Còn cách quá xa mới tới đoàn xe; khi phi cơ quan sát lên vùng, chúng vẫn di chuyển, nhưng chỉ di chuyển ít xe một, phi cơ quan sát bay quá cao không thấy rõ, khi oanh tạc cơ lên vùng thì chúng chui vào bụi rậm mất hút, hơn nữa lúc đó xử dụng các phi vụ oanh tạc cũng hạn hẹp, không có phi vụ nào bao vùng cả, ban đêm chúng hoàn toàn tự do, các toán Viễn Thám của ĐĐ2TSND có làm cho chúng phải e dè; sức người có hạn làm sao đây.


Chúng tôi tuy không nói với nhau nhưng cũng cùng một ý nghĩ oán hận, tiếp tục nhận những lệnh tồi tệ nhất, lo cho số phận Charlie việc đến sẽ phải đến thôi, chỉ có tất cả đều là Phù Đổng Thiên Vương thân hình bằng sắt thép pháo không hề hấn, mới qua khỏi trận này, còn bất cứ đơn vị nào vào thế TĐ11ND cũng không thể có đáp số khác, pháo của địch ngày đêm, địch được tiếp tế đạn dược đầy đủ, chưa bao giờ địch quân được ưu đãi như lúc này, không bị nhòm ngó, tự do điều chỉnh, bắn một quả không trúng, thì trăm quả phải trúng, xin nhấn mạnh là Charlie không phải là đỉnh quân sự tốt, nên là mục tiêu tốt cho pháo binh, tôi khẽ ca bản nhạc Mấy Dặm Sơn Khê của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông:


Anh đến đây rồi anh như bóng mây………

Mấy ai ra đi………hẹn ngày về dệt thắm tơ vương.


Đang lúc mải mê suy tư, địch pháo hỏa tiễn 120 ly ba nòng vào Võ Định với đầu nổ chậm, ngồi trong hầm chỉ huy, sức đạn nổ làm hầm phải rung ring, sức nổ gần hầm như những nhát búa bổ lên đầu, bước ra khỏi hầm tôi chẳng thèm núp dưới căn hầm nữa, tự nhiên nước mắt tôi lưng tròng, thương Bảo và thương cho chính mình, tại sao chúng tôi phải hy sinh vô lý như thế này nhỉ ?


Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt

Xếp bút nghiên theo việc đao cung .


Chàng tuổi trẻ ngày xưa, có bị hy sinh vô lý như thế này hay không? Tại sao bây giờ chúng tôi lại phải hy sinh vô lý như thế này? Sau này khi Đại Tá Đạt hy sinh, tôi hoàn toàn đồng ý với ý nghĩ, phải diệt nguồn gốc những thủ đoạn cấu tạo nên sự hy sinh vô lý này.


Tại sao cấp trên lại muốn TĐ11ND phải chịu đau thương như thế này? Nếu không tại sao không dồn hỏa lực khi đã biết rõ đơn vị, lực lượng địch và có khi còn biết rõ điểm đóng quân của chúng nữa. Lời hứa ban đầu sẽ dùng B52 khi biết đơn vị địch nay đã biến đâu rồi? Cấp chỉ huy gì mà thấy địch không muốn giết, lại muốn lấy quân mình làm mồi cho địch tiêu diệt, hay ở một khâu nào đó có địch làm nội tuyến. Tôi rùng mình với những ý nghĩ như vậy, rồ dại hay nghiêm chỉnh đây? Sau khi địch pháo BCH chắc chắn chúng sẽ tấn công các đơn vị ở ngoài, tôi trở vào Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực, quả đúng như vậy, hai pháo đội đang hoạt động yểm trợ cho Chatlie, hôm nay chắc địch quân có quân tăng cường sau khi tổn thất vì B52, mấy ngày nay lúc nào địch quân cũng muốn chọc thủng hướng tây bắc, hướng này rất khó yểm trợ, vì bắn qua đầu bạn, tôi cho lệnh các pháo đội trong tầm, kể cả pháo đội 155 ly, bắn góc cao, khi đã được điều chỉnh cẩn trọng, sau đó dội đủ loại đạn thay B52, quả nhiên sau gần nửa tiếng TOT, địch quân nhả ra không tấn công nữa, sau đó TTPHHL/TĐ1PBND nhận được sĩ quan TSV báo cáo như sau:


-Bạch Hùng đây Thanh Hùng 133


-Thanh Hùng 133 đây Bạch Hùng


-Báo cáo với Bạch Hùng, tụi nó chết nhiều lắm, súng vất như củi, nhưng con cái chỉ thu đạn mà thôi, không còn chỗ chất súng nữa. Lúc này tin chiến thắng đến với chúng tôi, không hứng thú bằng tin ta vô sư,ỉ tôi cho lệnh hỏi tin tức của ta, ngay tức thì được báo cáo ta chỉ có ba bị thương nhẹ, đó mới chính là niềm vui của chúng tôi, không may bị thương nặng thì chỉ có nằm đó chờ chết, mấy ngày nay không tiếp tế không tản thương. Chúng biết là khi chúng tôi đã đóng quân, thì chúng phải dùng quân số gấp 5 lần tấn công, may ra mới hy vọng báo tin mừng cho Bác, nhưng nay không có một ngày nào chúng làm như vậy, chúng biết rằng Thép mà gặp các Thiên Thần, mà Thiên Thần có sức làm lò luyện thép, nên sư đoàn thép cũng bị chảy thành Bùn, nên lúc nào chúng cũng dùng 10 chọi một, chúng tôi biết canh phé này địch quân nhiều vốn hơn chúng tôi, chúng tôi thận trọng từng nước đi không một sơ hở, dù là sơ hở cỏn con, chúng đi tiền mười lần phải có một lần thắng, dầu sao chăng nữa sức người cũng chỉ có hạn, chúng pháo một ngàn trái không trúng, một vài chục ngàn trái bắt buộc phải trúng, thê thảm ở chỗ đó.


Sau khi họp hành quân cuối mỗi ngày với Trung Tá Lương xử lý thường vụ chức vụ LĐT, tôi vẫn phải trình bầy riêng với Đại Tá Lịch, khi nghe tôi trình bầy xong, tình hình hiện tại của Charlie, Đại Tá Lịch thở dài và nói bâng quơ một mình:


-Cao lắm một tuần nữa thôi ! ! !


Tôi thầm nghĩ trận giặc này chúng tôi thua từ trong thua ra, tôi vô cùng bực bội bất mãn, một mình vừa đi vừa văng tục đủ loại, nhưng khi về đến TTPHHL/TĐ1PBND, tôi vẫn làm ra vui vẻ cho lệnh T/T Tấn ban 3 Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù, cho lệnh các TSV và các Pháo Đội thi hành các tác xạ TOT có điều chỉnh, có quan sát thay thế các Box B52. Chúng tôi lại còn phải quan tâm đến đường tiếp tế đạn dược. May mắn cho chúng tôi là sau nhiều lần chúng dùng Sư Đoàn 2 Sao Vàng cố gắng cắt đứt trục giao thông từ Kontum tới Tân Cảnh, nhưng đều bị các đơn vị thuộc Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù chặn đứng dễ dàng, nay LĐ3ND đã về hoạt động tại chiến trường An Lộc, cùng với LĐ1ND và Bộ Tư Lệnh SĐND/VN, một Liên Đoàn BĐQ vào thay thế nhiệm vụ này.


Trời bỗng dưng u ám, cỏ cây mới tháng tư mà như đã sang Thu, sau khi ban 3 trình bầy tình hình trong đêm, tình hình đạn dược, tôi an tâm vì tình hình đạn dược của các Pháo Đội, hôm nay không ngờ đây là chuyến bay chót trong đời tôi trên vùng trời Charlie còn Bảo ở dưới nói vọng lên, tôi gắng gượng điện đàm ngắn với Bảo, tôi biết lúc này Bảo đang để tâm tới đơn vị của anh, bao nỗi khó khăn đang làm anh phải nhức đầu không ít, không hiểu sao các Mũ Đỏ 11 không ai ra điên vì bất mãn, tôi chuẩn bị trước là nếu có thể được tôi sẽ ném xuống cho Bảo chai Hennessy, nhưng không, ân huệ này không đến với chúng tôi, thời tiết xấu cũng có, rừng phòng không đang rình rập chúng tôi nếu xuống thấp là đi đứt, Bảo cố nhắc tôi đừng có dại làm việc điên rồ, nếu tôi có yêu cầu thì Phi Công cũng chẳng làm, tôi nhìn đồng hồ hôm nay ngày 11 tháng 4 năm 1972, Charlie mờ mờ ảo ảo dưới bụng máy bay, tôi dặn dò các anh em TSV những việc phải làm, sự thực các điều dặn của tôi cũng là thừa, vì các điều này tôi đã nhắc quá nhiều lần, tôi muốn anh em dưới quyền tôi hiểu rằng: Lúc nào tôi cũng quan tâm đến họ, mà thực lòng như vậy.


Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II, cố vấn J.P. Vann, Đại Tá Tư Lệnh SĐ22BB và phái đoàn tới thăm chúng tôi tại Võ Định. Sau khi chúng tôi trình bầy tình hình dịch, kế hoạch hành quân của chúng tôi, Đại Tá Lịch dù đang bịnh, ông cũng cố gắng gặp phái đoàn, dù không được khỏe cho lắm, nhưng TĐ11ND đang hứng pháo để chịu đau thương làm ông không sao yên lòng cho được; trước mặt phái đoàn ông trình bầy kế hoạch cản địch, tiêu diệt địch mà không cần phải đóng trụ tại Charlie, TĐ11ND nếu lưu động còn có thể khám phá ra nhiều điều có lợi cho ta nhiều hơn, kể cả có thể len lỏi phục kích đoàn xe của địch, nhưng câu trả lời chắc nịch của J.P. Vann: Trên không thuận, trên đây là ai vậy, tại sao Trung Tướng Tư Lệnh không trả lời. Ngay lúc đó TĐ11ND báo cáo đang bị pháo bằng 130 ly và các loại hỏa tiễn, súng cối 82 ly, ngay cả các loại súng không giật như 57 ly, 75 ly.. v..v ..vì phòng làm việc ngay sát với phòng thuyết trình cho nên mọi người đều nghe rõ tình hình, lập tức J.P. Van và TT/TL/QĐ II đều nói với TT Nguyễn Trọng Nhi là cho lệnh TĐ11ND phải lấy mảnh đạn pháo binh địch chứng minh là 130 ly, Nhi nhăn mặt vì không muốn chuyển cái lệnh kỳ khôi này, nhưng rồi cũng phải chuyển: Giọng TT Đoàn Phương Hải ban 3 TĐ11ND oang oang trên loa của máy truyền tin:


-Nếu không phải là 130 ly của địch, thì từ dẫy Big Mama tới đây trên 25 cây số, súng nào có tầm xa như vậy? Bây giờ ra lấy để tự sát hay sao?


Nhưng lệnh là lệnh, Nhi nhăn mặt như anh chàng mắc bệnh trĩ, phải lập lại lệnh lượm vỏ đạn; Hải như điên lên, không còn bình tĩnh


-Bảo họ vào đây mà lấy, không tiếp tế, không tản thương, cứ đòi chuyện trên trời. “đúng ra là lệnh lấy đầu nổ của pháo địch thì hợp lý hơn, vì lúc này lấy đầu nổ dễ hơn, chúng đang pháo trúng vị trí, không như những ngày chúng tôi còn đáp xuống căn cứ, lúc đó địch còn đang điều chỉnh vu vơ xa căn cứ, không thể nào lấy đầu nổ cũng như mảnh đạn được, trên đầu nổ lại có ghi rõ ràng loại đầu nổ nào, dùng cho súng nào, còn mảnh đạn, đôi khi cũng hơi khó phân biệt”, những cuộc đàm thoại trên được ngụy thoại hoàn toàn, hơn nữa lúc này ra lấy đầu nổ, hay mảnh đạn đều có cơ nguy là thêm một quân nhân bị thương, việc làm vô ích. Việc Charlie bị pháo là đúng vì ai cũng có thể nhìn thấy, còn loại pháo nào không phải là việc chính yếu để quyết định nhiệm vụ chiến thuật cho TĐ11ND lúc này, nhưng cấp trên nại những lý do không đâu để lấp liếm, khi LĐ2ND xin cho TĐ11ND được tự do hoạt động.


Quân Đoàn cứ nói là cấp cao hơn không thuận, làm sao hài lòng cho được, không có chứng cớ, nhất là cả Vùng II Chiến Thuật này chưa một ai được nghe tiếng nổ của đạn pháo 130 ly bao giờ, J.P. Vann chỉ là một Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, những ngày 1965 TQLC/HK vào vùng hành quân Quảng Trị, do bạn bè của Hắn kể lại rằng tại vùng DMZ nơi chịu pháo cũng nhiều, nơi địch quân có thể kéo pháo dễ dàng, tuyệt nhiên không có 130 ly, hắn đâu có hiểu rằng ngày đó địch quân chưa có pháo 130 ly, cũng như ngày đó chỉ có B40 chưa có B41 như ngày nay, còn nhiều thứ võ khí khác tối tân hơn nhiều, như phòng không, vũ khí cộng đồng, vũ khí cá nhân đều khác xa, không hiểu vì lý do nào đó, có thể vì tự ái lỡ phủ nhận rồi, hắn ngoan cố không chịu hiểu, rồi cả Quân Đoàn đều như vậy,Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II quả quyết rằng, vì đường xá khó khăn nên chúng chưa thể kéo súng 130 ly vào vùng 2 được, thấy không khí có vẻ không vui, tôi trình diện theo đúng quân kỷ và trình bầy như sau:


-Thưa Trung Tướng, tôi xác nhận địch pháo 130 ly, thứ nhất do tiếng đạn nổ mà chúng tôi đã chịu pháo tại Hạ Lào, nên chúng tôi không thể lầm lẫn được, thứ hai súng đặt tại dẫy núi Big mama từ đó đến Charlie trên 20 cây số, không có súng nào của địch có tầm xa này, chúng ta không thể mang miểng đạn ra đây, vì chúng pháo liên tục, ngưng pháo là tấn công, rất ít quân nhân di chuyển trên mặt đất lúc này vì sợ bị thương không tản thương được, không lẽ bây giờ đi kiếm miểng đạn để bị thương hay tử thương hay sao? Nếu có sẵn miểng đạn rồi làm sao mang ra đây? Thứ ba địch có thể kéo pháo đến bất cứ chỗ nào, nếu ở đó chiến xa có thể tới được, tôi tin chắc là TĐ11ND báo cáo đúng, hơn nữa chính tôi đã đứng tại Charlie nhận pháo 130 ly của địch, nhưng lúc đó địch đang điều chỉnh chưa trúng vị trí của ta, vì vậy thời gian này không có thể lấy miểng đạn được, báo cáo sai để làm gì, đâu có lợi gì cho chúng tôi đâu? Chúng tôi, những quân nhân Nhảy Dù chưa bao giờ báo cáo sai, quan niệm báo cáo tăng khả năng địch, đối với chúng tôi cũng là một hành động khiếp nhược.


-Anh nói sao chứ phía Cố Vấn Mỹ họ không tin như vậy.


Tôi im lặng, tại sao cấp Quân Đoàn lại có thể lập lại lệnh của Cố Vấn, như cấp Trung Đội Trưởng vậy, thời thế này còn nói gì hơn được nữa, và thầm nghĩ chỉ trừ những quân nhân đã tham dự trận Lam Sơn 719 tại Hạ Lào năm 1971 thì mới biết pháo 130 ly của địch quân, còn lại kể cả cố vấn Mỹ cũng chưa ai biết pháo 130ly ra làm sao? Bây giờ chúng tôi phải nói cho ai hiểu đây? Chúng tôi đã chịu chỉ huy bởi những người chưa đủ kinh nghiệm chiến trường, do đó chúng tôi phải chịu nhận những lệnh thiếu kinh nghiệm chiến trường, là điều đương nhiên phải đến mà thôi, các cấp chỉ huy của quân đội Pháp cũng tin là Việt Cộng không thể mang pháo lên dẫy núi chung quanh Diện Biên Phủ, các cấp chỉ huy như vậy làm sao có khả năng đương đầu với địch quân, quân đội Pháp không may có cấp chỉ huy tiên đoán địch tình như vậy, cho nên mới phải đầu hàng nhục nhã tại Điện Biên Phủ, bây giờ không lẽ chúng tôi phải chịu nhục nhã tương tự hay sao đây?


Bác thang lên hỏi ông trời

Trao thân cho ác….biết đời nào hay. ( láo)


Tối hôm đó tuy rất mệt mỏi, nhưng tôi không giám lơ là, tôi cho lệnh tác xạ TOT trên những mục tiêu mà chắc chắn địch quân đang ở đó, vì chúng đang chờ úp hụi TĐ11ND, tất cả những điểm này đều chung quanh Charlie, không có điểm nào xa quá 2 cây số, nhất là tôi được báo cáo, địch đang pháo vào Charlie dữ dội, sau đợt pháo này chúng sẽ tấn công, kế hoạch tiền pháo hậu xung chúng áp dụng suốt ngày đêm, nhưng những loạt TOT làm chúng không còn tấn công Charlie được sau các đợt pháo như chúng thường làm, chúng trả đũa bằng cách pháo dữ dội vào tất cả các vị trí của ta, lúc đó là 01:00G sáng ngày 12-4-1972. Không ngờ rằng lần TOT đó chính là lần mà tôi tạ từ với Bảo.

Ngày 12-4-1972, ngày quí dậu, tức 19 tháng 2 năm Nhâm Tý lúc 09:00G sáng tôi nhận điện thoại của TT Nguyễn Trọng Nhi Trưởng ban 3 của LĐ2ND cho tôi biết Bảo đã tử thương vì pháo của địch, hầm ngủ của Bảo đã nhận nguyên một trái 130 ly delay, tôi lặng người thầm nghĩ, trước sau cũng phải như vậy, hôm nay chưa xẩy ra thì ngày mai phải đến có vậy thôi, chính tôi cũng lo ngại việc gì sẽ xẩy ra ! ! ! Tôi im lặng, buông ống liên hợp rớt xuống đất, không nói một lời với TT Thông tiểu đoàn phó, TT Tấn ban 3 tiểu đoàn đang đứng bên tôi, còn gì để nói nữa đây, nhưng mọi người trong trung tâm phối hợp hỏa lực cũng hiểu phần nào câu chuyện.


Tôi lững thững ra ngoài hầm nhìn lên Charlie, khuôn mặt Bảo độ lượng hiện ra trong đám sương mù trắng xóa, ánh mắt anh vẫn trong sáng, không cười không nói, không oán than, không phân bua, khuôn mặt anh linh hiển như thánh thần, anh xứng đáng được như vậy, một lằn nước mắt tự nhiên tuôn tràn, tôi nghĩ tới vợ con Bảo lúc này: Chị Bảo chắc đã đi làm, các cháu chắc đang ngồi ngoan ngoãn trong lớp học, màn khăn tang sao sớm vấn trên đầu trẻ thơ, tôi nghĩ tới anh em bạn bè còn đang kiên cường trên Charlie, không hiểu họ còn đủ viên đạn cuối cùng để vinh danh hay không? Hay đành dơ tay chịu nhục đầu hàng, từ ngày 7-4-1972 họ không có tiếp tế lương thực, không có tiếp tế đạn dược, lấy tay không để đỡ đạn, lấy trí dũng hiên ngang che dấu hình hài, làm thân lính chiến mà không được chiến đấu, phải đưa lưng chịu đạn quân thù, huấn luyện một đơn vị xung kích tổng trừ bị để làm công việc này hay saoTại sao chúng tôi vẫn hiên ngang chấp nhận đau thương, trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã này, tại sao những anh em Mũ Đỏ 11 Nhảy Dù vẫn chiến đấu không tan hàng, để hấng chịu sự độc ác của cả bạn lẫn thù.


Ngày 14-4-1972 những trận pháo ghê hồn vẫn tiếp diễn, để nghiền nát hình hài, để trộn lẫn thịt xương với đất cát núi rừng, xác địch không còn chỗ nằm, thân bạn nằm cản lối đi, con sâu cái kiến còn biết tìm sống, không lẽ chúng tôi đành gục mặt nhận cái chết từng người một cho đến người cuối cùng hay sao đây?


Không ! Không thể như vậy được, cho nên Lê Văn Mễ, Đoàn Phương Hải đã phải có quyết định cuối cùng để cứu lấy những người còn may mắn, có thể tự di chuyển được, họ phải sống để làm nhân chứng, chứng tích của một mặt trận thê lương – tồi bại nhất, trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trên thế gian này không một ai chấp nhận sự bất lương này, đơn vị thất bại vì địch quân là chuyện bình thường, nhưng thất bại vì địch và vì bạn nữa là chuyện có một không hai trong quân sử của thế giới bẩn thỉu này.


Vừa ra khỏi lò nhồi xương thịt, toán nhân chứng vừa lấy đội hình tác chiến chưa hoàn hảo, để vĩnh biệt Charlie, thì pháo và quỉ dữ bám sát ngay, ngay tức thì hàng tấn bom do sáu chiếc B52 dội xuống Charlie, địa ngục trần gian bị cầy nát, chỉ có con tạo mới có khả năng giữ Charlie không trở thành đồng ruộng. Ba tiểu đoàn địch tràn vào Charlie, miệng đang hung hãn với kinh kệ “hàng sống chống chết” cấp chỉ huy của chúng chưa kịp báo cáo điểm đứng, thì thân xác chúng đã biến tan cùng cỏ cây. Tử khí ngất trời cao, lòng người nào chịu ngưng tại đó, toán nhân chứng còn không đầy một đại đội, vậy mà một trung đoàn khác được điều động tới bám sát họ, họ bình tĩnh nắm tay nhau, len lỏi cố gắng đánh lạc hướng địch, mỗi người còn không đầy một băng đạn, khi gặp địch quân cản trở khai hỏa từng viên đạn một, họ bị chia cắt, bị phục kích, bị pháo bằng súng cối, cuối cùng đành phân tán mỏng, từng toán một tự mưu sinh.


Ngày 15-4-1972 những người cuối cùng được cứu bằng trực thăng chấm dứt, cùng hẹn nhau phương giác 800, điểm đến là con đường nối dài từ Tân Cảnh đến Võ Định (nơi đặt BCH của LĐ2ND), sức người cộng với sự trợ giúp của Phật, của Thiên Chúa, không có lương thực không có vũ khí vậy mà từng toán nhỏ vần về tới được Võ Định, hay Non Nước nơi đồn trú của Pháo Đội C1 Nhảy Dù ven sông Pôkơ, đang từng năm phút một bắn đi một viên đạn, tiếng đạn bắn đi để định hướng cho những anh em kém may mắn đang mò mẫm nhận hướng tới, tiếng đạn vang vang như tiếng gầm của mãnh hổ lạc đàn, tiếng gầm giúp cho những anh em không có địa bàn, những anh em Mũ Đỏ 11 Nhảy Dù tới ngày 17-4-1972 là những toán sau cùng, an toàn trở về. Tới đây kể như Charlie không còn nữa, những người trở về được là một phép mầu, là một diễm phúc…


Viết xong tháng 4 năm 1996 tại San Jose California,

Viết cho anh em, viết cho bạn bè

Mũ Đỏ Bùi Đức Lạc


Share this:

 Top 10 Dirtiest Wardrobe Malfunctions In The History Of Hollywood (pagalparrot.com)

 Vài ảnh về nội các mới thành lập tại Ý với TT là Matteo Renzi mới 39 t (sinh 11.01.1975) . Trong ảnh 1 là nữ BT Maria Boschi , 33 t , thuộc đảng Dân Chủ , phụ trách bộ Cải Cách Hiến Pháp và Liên lạc với Quốc hội - mặc đồ xanh dương rất sexy đang ký tên vào giấy bổ nhiệm . Nội các được lập bởi đảng cầm quyền (đảng DC) và 1 số đảng khác .

Khi nhận ảnh này từ 1 ng bạn , anh chỉ nói 1 BT Ý đang ký giấy xác nhận được bổ nhiệm , tôi tưởng ảnh photoshop . Sau đó vào mạng tìm hiểu thì đó là sự thật và tìm trên mạng thì thấy nhiều hình khác và thông tin đầy đủ về BT này , vốn là 1 LS .
Ông N.P.Trọng , đã nói sau khi xem ảnh : Tôi đã nói rồi , Tam quyền Phân lập là cực kỳ thoái hóa !




 Nói thêm về LTS.

Thỉnh thoảng khi gặp một ng quá nỗi tiếng hay quá giàu có, tôi dùng LTS để tìm hiểu tại sao họ lại giàu có. Phần lớn những ng này có ngày sanh hay tên cộng lại là những số may mắn. Đây là những tên cúng cơm, có từ lúc mới sinh, do cha mẹ đặt theo TIỀM THỨC, chứ họ ko biết tí gì về LTS để chọn tên hay chọn ngày để sanh con. Những ai CỐ TÌNH chọn ngày tốt để sinh con hay chọn tên tốt để đặt tên cho con; họ đã CAN THIỆP vào định mạng của đứa nhỏ hay nói rõ hơn LUẬT NHƠN QUẢ - đang cai quản cả vũ trụ này. 

Hôm nay nhân tin một nghệ sĩ nỗi tiếng bị "ném đá" khi nói về Covid-19, tôi tìm hiểu về số mạng của cô này.

===

Ellen Lee DeGeneres (/dəˈdʒɛnərəs/ də-JEN-ər-əs; born January 26, 1958) là một nghệ sĩ đồng tính nữ, kết hôn với nữ nghệ sĩ Portia de Rossi, xem hình, có tài sản chưa thuế khoảng 300 triệu đô. 

ELLEN = 5 3 3 5 5 = 21 = 3 

LEE = 3 5 5 = 13 = 4 

DEGENERES = 4 3 3 5 5 5 2 5 3 = 35 = 8 

Công lại: 3 4 8 = 15 .

Sau đây là ý nghĩa của số này.

NHÀ ẢO THUẬT (THE MAGICIAN)

15 là số có ý nghĩa huyền bí (esoteric) sâu xa , của sự rung động của thuật giả kim (alchemy) qua đó tất cả ma thuật được bày tỏ (all magic is manifested) . Số này cực kỳ may mắn và mang theo nó đặc tính làm say mê kẻ khác (essence of enchantment) . 15 đi đôi với tài hùng biện , sự khéo ăn khéo nói , và những tài năng về âm nhạc , nghệ thuật , và kịch nghệ . Số này ban cho (bestows upon) người mang số này một tính khí bất ngờ/đầy kịch tính (dramatic temperament) và sự hấp dẫn/thu hút (charisma) cá nhân mạnh mẽ và kỳ lạ . Số 15 đặc biệt may mắn vì nhận được tiền , quà tặng , những giúp đỡ từ những kẻ khác , vì số này có sự thu hút mạnh mẽ đối với tính vị tha của người khác . Tuy nhiên , không hoa hồng nào lại không có gai , và người xưa cảnh báo rằng số 15 sẽ điều khiển những mức thấp của khoa huyền bí học (lower level of occultism) khi nó liên kết với số 4 hoặc 8 . Những người như thế sẽ có thể dùng ma thuật (black magic) , thôi miên , và sự dẫn dụ về tinh thần – để thực hiện mục tiêu của họ . Do đó , nếu 15 là ngày sanh , là tên cộng là 4 , 13 , 22 , hoặc 31 , thì bạn nên đổi tên sao cho nó bằng một số có thể thu nhỏ bằng 1 , như số 10 hoặc 19 . Nếu ngày sanh là 15 , và tên bằng 8 , 17 , hoặc 26 , thì bạn nên đổi tên sao cho nó bằng 6 hay 24 . Nếu tên bằng 15 , và bạn lại sanh ngày 4 , 13 , 22 , và 31 , bạn nên đổi tên thành 6 hay 24 .Nếu tên bằng 15 , và bạn sanh ngày 8 , 17 , hoặc 26 , bạn nên đổi tên bằng 6 hay 24 .

Ngoài sự cảnh báo trên , số 15 rất may mắn . Nếu bạn sanh ngày 15 , và tên cũng bằng 15 , bạn được ban cho khả năng mang hạnh phúc đến kẻ khác và đưa ánh sáng vào nơi tối tăm , với điều kiện là bạn không dùng tác động kỳ diệu và may mắn này cho các mục đích vị kỷ . / .

Ảnh 2: ngôi nhà 15 triệu của Ellen DeGeneres.


 Cuộc đời BS NGUYỄN HUY CUNG qua lăng kính LTS.

- " Có một quyền lực độc đáo của thân ái/tử tế (kind power) , (quyền này) đặt căn bản trên lòng nhân đạo (compassion) và sự không ích kỷ , với khả năng giúp đỡ những nguời khác , nhưng không luôn luôn giúp đuợc bản thân mình".

1/ Mấy hôm nay tôi đã say mê đọc "Đời y sĩ trong cuộc chiến tương tàn" của bs này, trong đó ông kể lại: sau khi tốt nghiệp bs y khoa, theo lịnh trưng tập của chính phủ VNCH ông phục vụ tại một trung đoàn bộ binh ở Kontum với chức vụ bs điều trị tại đại đội quân y của tr.đ. này. Dù ko vi phạm điều gì, và cứu chữa thành công biết bao bịnh nhân, dân cũng như lính, ông vẫn bị y sĩ trưởng của tr.đ. GANH GHÉT VÀ ĐÌ ông, và ông đã gặp TL để xin về trung đoàn khác ở Dakto. Sau đó, được gửi đi học về gây mê hồi sức tại bang Cali Mỹ. Tử vi của ông viết rằng "Số kép nầy sẽ rung động , bằng một cách lạ kỳ , đưa tới một quyền lực độc đáo của thân ái/tử tế (kind power) , (quyền này) đặt căn bản trên lòng nhân đạo (compassion) và sự không ích kỷ , với khả năng giúp đỡ những nguời khác , nhưng không luôn luôn giúp đuợc bản thân mình".

Sau khi đi Mỹ, ông về phục vụ tại một quân y viện ở Đà Nẳng, cứu chữa rất nhiều ng. Về nước, ông tình nguyện về một tỉnh - mà ít bs nào thích là Phước Long. Sau một thời gian phục vụ ở tỉnh này, ông được cử đi học về giải phẩu lồng ngực tại Nhật. Về nước, ông phục vụ tại Trung tâm Thực tập Y khoa ở đường Nguyễn văn Học, tỉnh Gia Định. Trong những ngày cuối tháng tư, dù nhiều bs bỏ BN để di tản; nhưng VÌ THẤY BN QUÁ NHIỀU NÊN ÔNG NỞ LÒNG LÀM ĐIỀU ĐÓ, dẫn đến việc ông và khoảng 3-4 bs khác đã ở lại để chịu KHỔ NAN là đi tù mấy năm trong đói lạnh trong đó có trại Suối máu ở Biên Hòa. Sau đó được cho phục vụ tại BV Nhân Dân (trung tâm thực tập y khoa cũ) cho tới ngày ông vượt biên. Qua Mỹ, ông học lại bs và có bằng bs thẩm mỹ và hành nghề tới khi hồi hưu. 

Những gì xảy ra với ông đã ứng với lời mô tả trên đây: ". . . khả năng giúp đỡ những nguời khác , nhưng không luôn luôn giúp đuợc bản thân mình."

2/ Sau đây là phần phân tách về tên họ của ông dựa theo LTS.

Dựa vào Numerology, tôi phân tách tên của bs này.

NGUYỄN = 5 3 6 1 5 5 = 25 = 7

DUY = 4 6 1 = 11 = giữ nguyên, ko thể rút gọn. 

CUNG = 3 6 5 3 = 17 = 8 

Cộng lại : 7 11 8 = 26.

Sau đây là ý nghĩa của số này.

SỰ HÙN HẠP LÀM ĂN (PARTNERSHIPS)

Số kép nầy sẽ rung động , bằng một cách lạ kỳ , đưa tới một quyền lực độc đáo của thân ái/tử tế (kind power) , (quyền này) đặt căn bản trên lòng nhân đạo (compassion) và sự không ích kỷ , với khả năng giúp đỡ những nguời khác , nhưng không luôn luôn giúp đuợc bản thân mình . Số 26 thì đầy mâu thuẫn . Nó cảnh báo về những nguy hiểm , thất vọng (disappointments) , và thất bại , đặc biệt liên quan đến những tham vọng , gây ra (brought about) thông qua sự cố vấn sai lầm , liên kết với những kẻ khác , và những sự hùn hạp làm ăn không khéo chọn/ /không thích hợp (unhappy) dù lớn hay nhỏ . Nếu 26 là số kép của tên , điều tốt nhứt là đổi tên để có một ảnh huởng may mắn hơn . Nếu 26 là ngày sanh , và vì vậy không thể thay đổi , nguời này nên tránh hùn hạp làm ăn , và nên đeo đuổi nghề nghiệp một mình , không nghe theo sự cố vấn dù cho đầy thiện ý (well-intended) từ những kẻ khác , nhưng chỉ theo những linh cảm (hunches) và trực giác cá nhân – mặc dù những điều này nên đuợc tìm hiểu cẩn thận truớc khi hành động . Nguời số 26 nên ngay lập tức bắt đầu ổn định lợi tức , tiết kiệm tiền , không nên có thói quen tiêu xài hoang phí (behave in a extravagant manner) hoặc đầu tư dựa vào ý kẻ khác . Hãy đầu tư vào chính tuơng lai của bạn , hãy rộng luợng với kẻ khác , đặc biệt là nguời đang hoạn nạn (in need) , nhưng cũng xây dựng một nền tảng vững chắc cho tuơng lai của chính bạn . Nếu tên cộng lại bằng 26 ,và nếu bạn lại sanh vào ngày 26 , bạn hãy đọc cẩn thận đoạn nói về các số 4 và 8 ở cuối chuơng này . (2 cộng 6 bằng 8 , do vậy 26 = 8 ) . Đây là lời khuyên quan trọng nhứt đối với bạn – hay cho bất cứ ai mà tên bằng 4 hay 8 , hay ai sanh vào ngày 8 tây – hay bất cứ ngày nào , sau khi thu nhỏ bằng 4 hay 8 , như ngày 13 , 17 , 22 . 26 , và 31 .

(Dịch từ trang 203 trong quyển Linda Goodman's Star Signs) .

San Jose ngày 29 tháng 3 năm 2010 .


 NGAY CẢ TRỜI CŨNG KHÓC CHO PHƯỚC LONG (Even the gods were weeping for Phước Long)  

Dịch từ trang 136-37 của quyển Vietnam from Cease-Fire to Capitulation của đại tá William Le Gro.

Những người lính này đã chết cho chúng ta sống khi: 

- Chi khu Đôn Luân (Đồng Xoài) chỉ được bảo vệ bởi TĐ 341 ĐPQ, dù bị bao vây và tấn công bởi bộ binh, đặc công, đại liên 12,8 ly, cối 81 ly , đại bác 130 ly và T-54, nhưng đã cầm cự 13 ngày từ 13-26/12/1974, trước khi bị tràn ngập bởi SĐ 7 CSBV. 

- Với trên 5.400 sq và bs của TĐ 2/7 SĐ 5, hai biệt đội hay đại đội thuộc liên đoàn 81 biệt cách dù (BCD), và bốn TĐ ĐPQ lúc tham chiến, chỉ còn chưa tới 850 người SỐNG SÓT. ĐẶC BIỆT là 2 biệt đội BCD - chỉ còn 85 người sống sót - và TĐ 2/7 chỉ còn dưới 200 người. Khoảng 3.000 dân gồm Thượng và Kinh - của trên 30.000 dân hay nhiều hơn trước đây sống ở Phước Long - đã về được vùng do VNCH kiểm soát (nghĩa là chưa tới 1/10 - người dịch). Một số ít viên chức tỉnh, quận, xã, và ấp bị bắt và cuối cùng (summarily) bị xử tử.

                          


========

. . .

"Quân đoàn 301 của CSBV khi tiến hành chiến dịch này tại Phước Long (PL), đã dùng SĐ 3 CSBV tân lập, SĐ 7 CSBV - từng hoạt động ở phía đông tỉnh Bình Dương, một TĐ xe tăng T-54 từ trung ương cục miền nam (COSVN), một trung đoàn pháo và phòng không, và một số đv đặc công và bộ binh địa phương. Đây là một lực lượng đáng sợ (formidable) để tấn công bốn TĐ địa phương quân VNCH đóng rải rác (để bảo vệ các đoạn đường và vị trí quan trọng) và 45 trung đội NQ. (Chưa kể ba đại đội trinh sát (TS) thuộc SĐ 5, 18 và 25 VNCH được tăng phái từ đầu tháng 11/74 cho công tác mở đường trong tỉnh -- người dịch). Lần lượt các đồn lũy này bị tấn công và tràn ngập.

Quả đấm đầu tiên là vào chi khu ĐÔN LUÂN (tên cũ ĐỒNG XOÀI), xem bản đồ, vào ngày 13/12/74. Ngày 14/12 hai chi khu Đức Phong và Bố Đức Mới bị tấn công đồng loạt và tràn ngập (overrun) trong khi Đôn Luân vẫn GIỮ VỮNG. Kế đó là căn cứ Bù Na có 2 trung đội pháo 105 ly. Thiệt hại của địch rất NẶNG tại Bố Đức Mới, nhưng đây chỉ là lực lượng địa phương, ko phải chính qui. Tuy nhiên pháo CSBV đã phá hủy 2 khẩu 105 ly của Bố Đức Mới trước khi tiểu khu PL phản công tái chiếm Bố Đức Mới vào 16/12. Dù chi khu Phước Bình, gần BCH tiểu khu, bị PHÁO NẶNG, các vị trí của họ có vẻ (appeared) vẫn GIỮ VỮNG. Ba Đ.Đ. trinh sát rất tinh nhuệ thuộc các SĐ 5,18, và 25, được gửi tới đây để hỗ trợ việc mở đường (road-clearing operation) trong tháng 11/74, đã gia tăng sự phòng thủ cho TĐ 340 ĐPQ (nhiệm vụ bảo vệ chi khu), và không quân đã chở 6 đại bác 105 ly, đạn dược, và tiếp liệu khác tới sân bay Sông Bé, đồng thời chở đi người ko chiến đấu và bị thương. Nhưng CSBV ko cho điều này tiếp tục. Pháo 130 ly ngày 21-22/12 đã gây hư nặng một máy bay C-130 vừa đáp xuống và hủy diệt một chiếc C-130 khác. SĐ 3 CSBV, trong khi đó, đã tấn công mạnh lần chót và chiếm Bố Đức Mới.

Trong khi chiến sự ác liệt (rage) chung quanh sân bay Sông Bé và chi khu Bố Đức Mới, TĐ 341 ĐPQ TIẾP TỤC ĐẨY LUI các đợt xung phong liên tục vào Đôn Luân. TĐ mất sân bay nhỏ của chi khu ngày 17 nhưng đã PHẢN CÔNG và CHIẾM LẠI. Tuy nhiên, ở phía bắc, quân VNCH chỉ còn giữ sân bay Sông Bé, chi khu Phước Bình và đỉnh núi (crest) Bà Rá. 

Khủng hoảng tại Phước Long, địch đang tiến gần tỉnh lỵ Tây Ninh, và các cuộc tấn công ở Bình Tuy đã khiến tướng Đống ko có chọn lựa tốt. Ông phải chận địch ở Tây Ninh và bảo vệ Bình Tuy. Mặt khác, ông cũng biết rõ thiệt hại về chính trị và tâm lý nếu để mất Phước Long. Để tăng viện cho tỉnh này, ông ra lịnh cho TĐ 2/7 của sđ 5 trực thăng vận từ Lai Khê đến tỉnh lỵ Sông Bé.

NGÀY 23/12, trong khi TĐ 2/7 đã trực thăng vận đến sân bay Sông Bé, tướng Đống nói với tướng Đặng văn Quang, rằng QĐ 3 cần ít nhứt một phần của sđ Dù từ QK-1 để cứu tỉnh này. TT Thiệu từ chối, nói rằng sđ Dù đang bảo vệ QK-1. Tướng Đống sẽ ưu tiên nhận yểm trợ của không quân và tiếp vận, về bộ binh thì lấy từ QĐ-3 của ông.

Thêm nhiều tin tức xấu đã đến BTTM và QĐ III vào ngày 26/12. Tiếp sau 1.000 đạn pháo dọn đường, SĐ 7 CSBV, tiếp sức bởi những tấn công nghi binh vào chi khu Phú Giáo (thuộc tỉnh Bình Dương, phía nam Đôn Luân), cuối cùng đã TRÀN NGẬP CK ĐÔN LUÂN. (Nghĩa là CK này đã CẦM CỰ trong 13 ngày dù chỉ có TĐ 341 ĐPQ. CK do thiếu tá Phạm Vũ Khoái chỉ huy trong đó có trung úy Đỗ Lệnh Dũng thuộc ban 3. Cả hai đều bị bắt và giải ra bắc, và câu chuyện của hai người đã được kể lại trong hồi ký "Đỗ Lệnh Dũng" -- người dịch).

Trong khi đó, dân tị nạn đổ vào tỉnh lỵ Sông Bé, và không quân đã cố gắng tiếp tế cho cứ điểm này. Máy bay đã THẢ DÙ MƯỜI LẦN từ đầu năm 1975 nhưng ko kiện hàng lọt vào quân trú phòng. Ít nhứt 16 xe tăng địch bị bắn cháy trong các đợt tấn công trước, nhưng ngày 6/1/1975, hơn 10 chiếc đang tiến gần tỉnh lỵ. NGÀY NÀY, tướng Đống TL QĐ III gửi hai biệt đội cảm tử (toàn lính tình nguyện và thiện chiến) của liên đoàn 81 BCD đến tỉnh lỵ. CŨNG NGÀY NÀY máy bay không thám RF-5 của VNCH đã chụp hình được 7 vị trí phòng không 37-ly chung quanh tỉnh lỵ. Chỉ mới tuần đầu của tháng mà số giờ bay giành cho máy bay này đã sắp hết.

Rất ít bộ binh địch tấn công tỉnh lỵ này. Thay vào đó, các tiểu đội đặc công (squads of sapper) đi theo xe tăng trong khi các chiếc này tác xạ vào vị trí VNCH, để thu dọn chiến trường và làm đầu cầu. Phần lớn tăng bị hư hại hay hủy diệt bởi súng M-72 hay không giật 90 ly của VNCH. Thường do tầm bắn quá ngắn nên hỏa tiển M-72 ko thể nổ (vì chưa đủ vòng xoay) và rơi xuống đất sau khi đụng pháo tháp (hull). Lữ đoàn M-26 thiết giáp CSBV đã hàn thêm (weld) những tấm thép bên hông pháo tháp, và cửa pháo tháp được đóng kín khiến lựu đạn ko thể ném vào.

Pháo CSBV tàn phá mạnh mẽ (devastating), đặc biệt sau NGÀY 3 THÁNG 1 khi nhịp bắn gia tăng từ 200 viên lên gần 3.000 viên/ngày. Các cấu trúc, công sự, và giao thông hào sụp đổ, và thương vong VNCH tăng cao. Pháo VNCH bị tê liệt bởi tăng, súng ko giật và pháo 130 ly. Cuối cùng NGÀY 6 THÁNG GIÊNG, vị tỉnh trưởng nhận định rằng ko còn pháo binh và truyền tin bị tan nát (shattered), dưới hỏa lực trực tiếp từ bốn tăng T-54, và bị thương nặng, ông và bộ tham mưu rút khỏi tỉnh lỵ. Thế là tỉnh lỵ ĐẦU TIÊN lọt vào tay CSBV từ ngày ngưng bắn.

Vẫn có một số người sống sót gồm dân và quân từ tỉnh PL. Những nhóm người Thượng đau khổ vượt rừng về tỉnh Quảng Đức, và trực thăng đã cứu khoảng 200 ng thuộc liên đoàn 81 BCD, TĐ 2/7 của SĐ 5 BB, và ĐPQ của PL những ngày sau khi mất tỉnh PL. Không ai thấy ông tỉnh trưởng. (Ông đã chết vì trúng pháo và được chôn cất vội vàng ở gốc cây phía sau dinh bởi trung úy ban 2 tiểu khu có biệt danh 5 Charlie và một Th.U. cận vệ -- người dịch). Một số lính 81 BCD cuối cùng đã tới tiền đồn Bù Binh trên QL14 thuộc tỉnh Quảng Đức.

THIỆT HẠI CỦA QLVNCH GÂY SỬNG SỐT (STAGGERING) 

 Với trên 5.400 sq, hsq và bs của TĐ 2/7 SĐ 5, hai biệt đội 81 BCD, và bốn TĐ ĐPQ tham chiến, chưa tới 850 người SỐNG SÓT. ĐẶC BIỆT là 2 biệt đội BCD - chỉ còn 85 sống sót - và TĐ 2/7 chỉ còn dưới 200. Khoảng 3.000 dân gồm Thượng và Kinh - của trên 30.000 dân hay nhiều hơn trước đây sống ở PL - đã về được vùng do VNCH kiểm soát (nghĩa là chưa tới 1/10 - người dịch). Một số ít viên chức tỉnh, quận, xã, và ấp bị bắt và cuối cùng (summarily) bị xử tử.

Dù cho bấy giờ là gió mùa đông bắc khô khan , những cơn mưa lớn trái mùa (unseasonably) ướt đẫm Sài Gòn. Người tài xế VN của tôi đã nhận xét một cách thương tiếc (dolefully), NGAY CẢ TRỜI CŨNG KHÓC CHO PHƯỚC LONG (even the gods were weeping for Phước Long). 

Ghi chú của ĐT Le Gro: các nguồn chánh của các thông tin này từ sq liên lạc của DAO tại Biên Hòa, đã tiếp xúc hàng ngày với BTL QĐ III, phần lớn với ĐT Lê Đạt Công phòng 2 QĐ III. Các báo cáo này rất đầy đủ, tin cậy và cảm nhận được (perceptible).

Tôi thường xuyên đến Biên Hòa, các ghi chép của tôi được dùng trong chương này. Các báo cáo hàng ngày và tuần của DAO và BTTM là những tham chiếu quan trọng, cũng như các báo cáo khác của ĐSQ Mỹ". 

. . . 

SJ ngày 16/4/2019 lúc 3:45 PM.

Tài Trần