Nửa đêm chờ giặc
Bảo Định
Lúc đó là mùa Hè năm 1971, đơn vị tôi đang hành quân vượt biên Kampuchea. Kể từ ngày QLVNCH mở những cuộc hành quân truy lùng và tiêu diệt quân CSBV tận sào huyệt của chúng đặt trên lãnh thổ quốc gia bạn, các Chiến đoàn 43, 48 và 52 thuộc Sư đoàn 18BB, và các Chiến đoàn BĐQ/QK3 có nhiệm vụ thay nhau mở những cuộc hành quân tảo trừ quân CSBV dọc theo QL7, từ ngã ba Krek lên đến vùng đồn điền cao su Chup. Chup là đồn điền cao su lớn nhất của người Pháp ở xứ Đông Dương thuộc địa. Nơi đây có một làng người Việt sinh sống biệt lập trong khu rừng cây cao su, làm phu đồn điền. Họ là những người dân miền Bắc Việt Nam, được thực dân Pháp mộ đến đây, có lẽ từ thập niên 1930.
Những căn cứ Hành quân được xây dựng rải rác dọc theo hai bên đường QL7 để bảo vệ trục lộ lưu thông huyết mạch này. Các đơn vị của quân đội Lon Nol thành lập đến cấp Tiểu đoàn, nhưng trang bị nghèo nàn, trình độ tác chiến thấp kém, còn thua cả các Trung đội Nghĩa quân VNCH, nên hoàn toàn lệ thuộc vào quân ta. Khi QLVNCH thôi mở những cuộc hành quân sang Kampuchea, các Tiểu đoàn quân Lon Nol đành phải “di tản chiến thuật”. Một số chạy đến cửa biên giới Xa Mát, qua vùng Thiện Ngôn, được đưa về Gò Dầu Hạ để quay trở lại Phnom Penh; một số vượt sông lên thủ phủ Kompong Cham. Họ đã bỏ lại một vùng đất rộng lớn cho quân Khmers Đỏ và quân CSBV.
Sau khi Tướng Đổ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Vùng 3 Chiến thuật bay trực thăng đi thi sát chiến trường bị tử nạn trên vùng trời căn cứ Trảng Lớn, thuộc tỉnh Tây Ninh, hoạt động của các đơn vị thuộc Quân đoàn đang từ thế công đã trở về thế thủ. Đó là một điều đại kỵ trong binh pháp. (Có tin đồn ông bị thanh toán. Nhưng do thế lực nào? Một sĩ quan thuộc Phòng 7/BTTM cho tôi biết chính anh đã trông thấy một sĩ quan cố vấn Mỹ, tay cầm một cái hộp nhỏ, vội vàng chạy ra LZ trao chiếc hộp đó cho một sĩ quan cố vấn Mỹ khác đang ngồi trên trực thăng. Và khi trực thăng cất cánh được một lúc thì nghe một tiếng nổ lớn. Trực thăng tan nát và Tướng Trí tử nạn). Trước kia quân ta đánh đuổi địch lên phía Bắc, qua khỏi Dambe, Chhlong, đến tận Kratie. Bây giờ các hoạt động của quân ta chỉ quanh quẩn hai bên QL7.
Vào một đêm tối trời của mùa Hè năm 1971, lối 1 giờ sáng, quân CSBV mở cuộc tấn công dữ dội vào căn cứ Hành quân Tiểu đoàn 2/43 của Thiếu tá Đỗ Văn Tân, tức Tân Đen, danh hiệu truyền tin của ông là Hắc Long, K.7 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (sau này ông là Trung tá Trung đoàn Phó Trung đoàn 52BB, đi tù về, lập hồ sơ đi diện HO, một buổi chiều, bị VC bắt vào đồn công an gần ngã tư Hàng Xanh, khi xe đạp của ông bị xe honda của tên công an đụng phải. Bị bắt vào đồn, bị đánh hội đồng nhừ tử, nhờ đồng bào tụ tập trước đồn, la ó phản đối, chúng đành phải thả ông về. Nhưng sau vài ngày thì chết, do những cú đòn hiểm ác của các tên CA. Lúc đó ông đã được phỏng vấn, đã khám sức khoẻ, đang chờ đi Mỹ theo diện HO).
Căn cứ thiết lập trên cánh đồng trống trải, phía Bắc QL7, cách thị trấn Suong vài cây số về hướng Tây. Đây là căn cứ cấp Tiểu đoàn, được thiết lập khá vững chắc, với vòng đai đất cao lối 1 mét. Bên ngoài vòng đai phòng thủ là bãi mìn claymore, lựu đạn với những vòng rào bằng kẽm gai concertina. Ở thời điểm này, QLVNCH hành quân vượt biên Kampuchea được trang bị khá đầy đủ. Quân đội của Lon Nol rất ngưỡng mộ sự hùng mạnh và trang bị tối tân của quân ta.
Đêm mùa Hè trời nóng, nhưng căn cứ nằm giữa đồng trống, nên cũng thoáng mát. Đêm đen bao phủ vạn vật. Ngoài những toán đi phục kích, tiền đồn, và những người lính canh, và đốc canh; tất cả đều say sưa trong giấc ngủ mệt nhọc, vì những ngày hành quân gian khổ mà tinh thần luôn luôn trong tình trạng căng thẳng. Đêm nay là đêm cuối, ngày mai đơn vị sẽ được di chuyển trở về Việt nam sau gần ba tháng hành quân xa nhà. Mọi sự đã sẳn sàng.
Dù đã quá nửa đêm, nhưng tôi và Đức, Đại úy Lương Văn Đức, K.18 Sĩ quan Trừ bị Thủ đức, Đại đội trưởng Đại đội 3/2 vẫn còn thức chuyện trò trong căn hầm chỉ huy. Chúng tôi là đôi bạn thân, cùng một lớp tuổi, nhưng tôi vào lính sớm hơn, trước Đức 5 khóa. Tôi từ Sư đoàn 25BB thuyên chuyển về đơn vị vào cuối năm 1970, sau một thời gian giải ngũ, và trôi nổi qua binh chủng BĐQ khi mới tái ngũ. Tôi nắm Đại đội 2/2, thay thế Đại úy Dư về Trung đoàn làm Trưởng ban 2 (ngày tan hàng, Dư là Thiếu tá TĐT Tiểu đoàn 3/43, trở về nhà ở Vũng Tàu, bị bọn cách mạng 30 sát hại bằng búa chết). Chúng tôi đều được thăng cấp Đại úy một lần, trong một buổi lễ gắn “lon” tại sân cờ Hậu cứ Trung đoàn 43 ở Xuân Lộc vào ngày đầu năm 1971. Chính Đức đã mua cặp lon Đại úy tặng tôi khi cùng về BCH Trung đoàn dự lễ.
Đức quê ở quận Long Định, tỉnh Định Tường. Từ nhỏ Đức đã đi tu vào nhà Dòng. Khi sắp sửa chịu chức Linh Mục thì hoàn tục. Đức vào Thủ Đức, ra trường làm người lính chiến. Nhưng đối với gia đình, bà con, và làng xã thì anh bị đi quân dịch, hay thi hành quân dịch, vì “Đi Quân Dịch là thương nòi giống”. Không ai biết anh là một sĩ quan, kể cả người thân, đừng nói là một sĩ quan gan dạ trên chiến trường. Khi Đức tử trận trong một cuộc hành quân sang Kampuchea sau đó, khi quan tài của anh được đưa về quê quán, được phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ, được Đơn vị đọc bản tuyên dương công trạng, được truy tặng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với Ngành Dương Liễu, và được truy thăng cấp Thiếu tá thì người nhà mới biết. Người dân ở Long Định, quê của anh, lâu nay vẫn nghĩ rằng anh chỉ là một lính trơn, tức là Binh Nhì !
Cuộc sống của Đức rất giản dị. Anh ăn bận xuề xòa đến độ lười biếng. Tôi chưa bao giờ thấy anh bận đồ ủi hồ, lại ít khi mang phù hiệu cấp bậc. Anh rất dễ dãi với lính. Lương anh lãnh ra chỉ có thể dính túi được vài ngày, dù anh không bao giờ cờ bạc. Đúng là “tiền lính, tính liền”. Vào những ngày đầu tháng, nếu không phải bận hành quân, anh rủ bạn bè, và bao lính đi nhậu. Nhậu để quên đi nổi sầu nhân thế, quên đi nỗi buồn chiến tranh, quên đi những tháng ngày gian khổ phải băng rừng lội suối. Túi tiền rủng rỉnh chỉ được vài ngày rồi lại cạn túi. Sau đó lại ăn cơm lính với khẩu phần đạm bạc.
Kể từ ngày tôi về đơn vị, những lúc có dịp hành quân chung, hay lúc ở Hậu cứ, Đức thường đến dùng cơm chung với tôi. Sự thân thiện cũng có thể bắt nguồn từ sự việc bà xã tôi cùng quê Mỹ Tho với Đức. Thời gian này tôi đã có cháu gái đầu lòng. Mỗi lần hai mẹ con có dịp ra đơn vị thăm tôi, Đức thường giành bồng ẵm cháu bé. Đức rất thương cháu. Đã trên 30, anh vẫn sống độc thân, mà cũng không ái tình lăng nhăng. Một vài lần lãnh lương, anh đã đưa trọn số lương nhờ Chuẩn úy Đức, Phát hướng viên Tiểu đoàn đưa về cho bà xã tôi. Tôi biết việc này, nhưng Đức bảo không cần để ý, còn nói rằng khi nào có thì trả lại. Tính Đức rộng rãi, tốt với bạn bè. Anh thuộc loại “gia ân bất cầu báo”.
Ly cà phê đen dở dang, những điếu thuốc Ara rẻ tiền, do người Miên sản xuất, cháy chưa hết đã dụi tắt. Thật ra chúng tôi đều không ai nghiện thuốc lá, mà chỉ phì phà khói thuốc cho qua thời gian, trong lúc chờ sáng. Những điếu thuốc nối tiếp theo nhau lập lòe trong đêm tối, trong căn hầm chỉ huy chật hẹp. Đêm nơi chiến địa đến thật nhanh, nhưng đêm nơi chiến địa cũng dài bất tận ! Đức thèm chai bia 33 lạnh, còn tôi thì thèm tô phở gà nóng Hiền Vương. Ước muốn của chúng tôi thật tầm thường, nhưng khó thực hiện. Bên ngoài vẫn yên tĩnh. Màn đêm dày đặc. Thỉnh thoảng trái sáng pháo binh thắp sáng một vùng. Thời gian chầm chậm trôi qua. Chứ không phải “thời gian ơi chầm chậm chờ ta với”, hay “Thời giờ thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mãi, chẳng chờ đợi ai”.
Đêm đen đang dần trôi. Bỗng một tiếng ầm vang dội, phá tan bầu không khí tĩnh mịch. Đó là tiếng mìn Claymore, vài tiếng nổ khác tiếp theo, sau đó là những loạt đạn M16 nổ dòn chen lẫn những tràn đạn AK chát chúa. Toán phục kích tiền đồn đã chạm địch. Có lẽ cộng quân đang xuất hiện gần căn cứ. Chúng định tấn công chăng? Các toán phục kích và tiền đồn khác được gọi về. Toàn căn cứ báo động. Tất cả ra tuyến phòng thủ. Pháo binh được gọi bắn vào các điểm hỏa tập tiên liêu. Bầu trời được thắp sáng. Nhưng chúng tôi không phải chờ lâu. Một loạt, hai loạt, rồi hằng loạt đạn pháo đủ loại, đủ cỡ, ào ào rót vào căn cứ. Đạn nổ dồn dập và rất dữ dội, cũng giống như cơn mưa rào thịnh nộ vùng nhiệt đới. Tiếng nổ sấm chớp của đạn pháo chỉ chấm dứt khi những tên bộ đội “cụ Hồ”, như những con thiêu thân tiến sát vào căn cứ. Tiếng kèn thúc quân và những tiếng la xung phong dậy trời. Những bóng đen cứ lù lù lăn xả trước lằn đạn của quân trú phòng. Súng nổ rền vang. Căn cứ đã bị VC tấn công! Chúng áp dụng chiến thuật cố hữu quen thuộc: “Tiền Pháo, Hậu Xung”. Tuyến phòng thủ bị địch tấn công mạnh nhất là nơi Đại đội 2 của tôi và Đại đội 3 của Đức. Bên ngoài tuyến, xa về hướng Tây và Bắc, cách vài thửa ruộng là khu rừng chồi, là nơi tiến sát của địch quân. Tuyến phòng thủ của Đại đội 1 và Chỉ huy về hướng Đông và hướng Nam thì chỉ bị ăn đạn pháo. Với chiến thuật biển người, chúng đã mở đợt tấn công như vũ bão. Lớp trước bị đốn ngã, lớp sau lại lao lên, như sóng biển, sóng sau dồn sóng trước. Nhưng vô vọng và chỉ chuốc lấy thảm bại! Chúng không thể nào chọc thủng được phòng tuyến. Những chiến sĩ can trường của Tiểu đoàn 2/43 cương quyết giữ vững vị trí. Dù là một chọi ba hay chọi bốn. Quân trú phòng có công sự phòng thủ kiên cố, có chiến hào, có những bãi mìn, có những vòng rào kẽm gai chướng ngại bao quanh, lại có hỏa lực dồi dào, yểm trợ pháo binh chính xác, nên đã ngăn chận được những làn sóng dữ liên tiếp vỗ vào bờ.
Không chọc thủng được phòng tuyến của quân trú phòng, lại bị thương vong quá lớn, chúng đành phải rút trở lui, để lại nhiều tên bị kẹt trong vòng rào kẽm gai, trên bãi mìn. Quân trú phòng cũng bận rộn lo tản thương, chỉnh đốn lại tuyến phòng thủ. Đêm yên tĩnh trở lại. Hai bên mệt mỏi, đều ngưng tiếng súng, cũng giống như ngầm thỏa thuận hưu chiến. Sau khi đi một vòng kiểm tra phòng tuyến, tôi và Đức trở về hầm chỉ huy. Nhưng chúng tôi đã không được nghỉ ngơi lâu. Địch lại mở đợt tấn công mới. Vẫn là trận mưa pháo dữ dội mở màn, trước khi cho bộ đội xung phong biển người. Pháo của ta từ các căn cứ bạn yểm trợ rất hữu hiệu. Pháo nổ liên tục trên đội hình tấn công của địch. Hai khẩu pháo của Tiểu đoàn có lúc phải trực xạ. Địch đang mở đợt tấn công lần thứ hai. Cũng như lần trước, chúng chỉ chuốc lấy thảm bại, lại phải rút về tuyến sau. Tiếng súng lại tạm ngưng. Chúng tôi lại có dịp nghỉ ngơi.
Dù chỉ là căn cứ dã chiến, nhưng với tinh thần cảnh giác cao độ, quân sĩ đã xây dựng những công sự chiến đấu kiên cố, có hệ thống chiến hào bao quanh, nên đã giảm thiểu được con số thương vong. Phòng tuyến Đại đội 2 của tôi và Đại đôi 3 của Đức là nơi bị địch tấn công nặng nhất thì vẫn đứng vững. Binh lính của chúng tôi vẫn bình tĩnh, và vững vàng trong hố chiến đấu. Tôi và Đức thì sát cánh bên nhau trong suốt trận chiến. Chúng tôi thay nhau tuần tra, đôn đốc quân sĩ. May mà đạn và pháo đã chừa chúng tôi, không đứa nào bị gì.
Sau hai đợt tấn công thất bại, cộng quân vẫn chưa nản chí. Chúng được tăng viện thêm và chuẩn bị đội hình mở cuộc tấn công lần thứ ba. Giữa những trận chiến, những lúc “hưu chiến”, tôi và Đức lại chuyện trò trong đêm chờ địch. Chúng tôi nói bất cứ chuyện gì, đề tài này bắt qua đề tài khác, miễn là có chuyện để nói hầu tránh buồn ngủ. Có khi mệt quá tôi lại thiếp đi một lúc, khi tỉnh lại, thấy Đức vẫn nói với giọng trầm, đều đều. Đức nói mà không cần người đối thoại. Khi địch bắt đầu mở lại đợt pháo thi tôi và Đức lại lao ra chiến hào, ai nấy lo phần trách nhiệm của mình.
Cộng quân lại mở thêm một đợt tấn công nữa trước khi rút lui lúc trời mờ sáng. Một khi bóng đêm tan đi và ánh sáng ban ngày trở lại thì cộng quân như những bóng ma, cũng mờ khuất sau những khu rừng rậm xa xa. Một ngày mới lại bắt đầu. Các Đại đội bung ra lục soát chung quanh căn cứ. Mặc dù địch quân có thì giờ rút lui, có thì giờ mang theo số thương vong của đồng đội, nhưng chúng cũng đã để lại nhiều vũ khí, vài chục tên bộ đội thương vong bị mắc kẹt trong vòng rào kẽm gai. Quân sĩ của tôi đã bắt gặp trong ống cống trên QL7, lối 10 tên bộ đội vừa chết vừa bị thương. Chúng tôi đã bắt sống được vài tên. Chúng còn rất trẻ.
Căn cứ được bàn giao lại cho Chiến đoàn BĐQ của Trung Tá Lê Minh Hồng, Đơn vị tôi di chuyển bộ ra Kandaol Chrum để lên xe trở về Việt Nam.
Michigan, mùa Tuyết trắng 2008
Bảo Định