Ông “Tuấn tim” và cái túi áo bác sĩ bị khâu kín
Một bác sĩ giỏi, một nhà quản lý tồi, và hôm qua là một bị can trong vụ thổi giá thiết bị y tế.
Ông “Tuấn tim” là cách người trong “ngành” gọi Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn.
Tuấn tim - một nickname như sự thừa nhận một đôi tay vàng trong làng phẫu thuật tim - chứ không phải chỉ vì chức danh Giám đốc Viện Tim Hà Nội.
Từng tốt nghiệp xuất sắc tại trường Đại học Toulouse (Pháp) và từ chối lời mời ở lại để về nước, để cống hiến. Từng giành giải nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực y tế với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent)”. Chuyên gia đầu ngành tim mạch, biến Viện Tim trở thành một trong những cơ sở y tế mà chuyên môn có thể sánh tầm châu lục, thế giới... Nếu là một bác sĩ, và chỉ là một bác sĩ - ông Tuấn tim đúng là một bác sĩ tài giỏi. Và đúng đứng trước người bệnh, chúng ta không có gì phải nghi ngờ về sự lựa chọn duy nhất mà ông Tuấn từng nói tới, đó là “làm thế nào để mang tới niềm hạnh phúc cho bệnh nhân, là khỏi bệnh, là kéo dài sự sống”.
Nhưng với những cái sai, những vi phạm các quy định về đấu thầu với hậu quả nghiêm trọng, ông Tuấn vẫn đương nhiên phải chịu trách nhiệm, dẫu từng được trao danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô, dẫu từng đại diện cho dân ở Quốc hội.
Với pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng thôi.
Nhưng điều gì đã khiến chúng ta mất đi một bác sĩ giỏi?
Báo Pháp luật Việt Nam năm 2016, thời điểm ông Tuấn được trao danh hiệu công dân ưu tú Thủ đô, từng dẫn lời nói về y đức, rằng: Nếu chỉ hô khẩu hiệu không nhận phong bì chung chung, hoặc giải pháp cực đoan ở một số nơi (khâu kín túi áo của bác sĩ) vừa không kết quả, vừa rất phản cảm. Rằng: Y đức phải ở trong cái tâm, trong suy nghĩ, trong hành động của mỗi người thầy thuốc, nó phải “tự nhiên như hơi thở”, chứ không thể giáo điều răn đe, áp đặt, hay ép buộc từng người phải thế này hay thế khác.
Vị bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, khi ở cương vị quản lý cũng nói nhiều đến cái tâm: Nếu cái tâm không có sẽ lái cuộc đời theo hướng khác.
Ở Viện Tim Hà Nội dưới thời ông Tuấn, từng có một phương châm 3H (Head, Hand, Heart) - làm việc với trí tuệ, kỹ năng và cái tâm.
Chưa rõ cái tâm ấy, cái túi áo bác sĩ ấy có liên quan gì không, đến con số 40 tỉ thiệt hại kia. Chuyện đó cơ quan pháp luật sẽ làm rõ. Nhưng dưới góc độ y học, nhiều người vẫn mong ông Tuấn - một giáo sư, tiến sĩ đầu ngành sẽ không phạm phải những lỗi lầm nghiêm trọng để sớm trở về với gía trị thực của ông- bàn tay vàng trong làng phẫu thuật tim mạch.