Em trai tôi và Tiểu đoàn 424 Địa phương quân
Uyên Sơn
Khi Pháo đội trở lại chiếm đóng căn cứ Long Định lần thứ hai thì Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Chiến thuật Tiền Giang là Trung trá Tri. Dù tên tuổi ông cũng vang lừng, tuy nhiên ông không được cái tướng oai phong như Đại tá Biết, ốm yếu hơn, hiền hậu hơn, trông ông có vẻ nho nhã như một nhà giáo. Khi được biết tôi là dân Mỹ Tho và ba tôi là Chủ tịch Hội đồng tỉnh Định Tường, ông vui vẻ xưng anh với tôi và gọi tôi bằng tên:
– Thỉnh thoảng anh hay ghé thăm bác Học – ba tôi – Bác có kể về Sơn, hôm nay anh mới biết em, mấy lần bác Bửu về Mỹ Tho anh cũng có đến thăm (ông Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam).
Cũng giống như trước đây, bộ chỉ huy của Trung tá Tri cũng buồn tẻ vắng tanh, riêng Trung tá Tri thì lại không vui vẻ ồn ào như Đại tá Biết, nên không khí còn có vẻ ảm đạm hơn.
Một hôm lái xe qua thăm ông, ông cho biết đang trông coi một thằng con lớn đang hoạt động trong vùng do sự điều động của Tiểu khu Định Tường: Tiểu đoàn 424 Địa phương quân.
Ông có vẻ bực bội:
– Thả quân vào cả hai ngày rồi mới giao lại cho Bộ chỉ huy Chiến thuật trông coi, giống như trên trời rớt xuống !
Nghe tên Tiểu đoàn Địa phương quân, tôi hỏi lại ông cho rõ:
– Trung tá nói Tiểu đoàn 424 phải không ?
– Đúng 424 đóng ở bót Phủ Phát Chợ Cũ.
Lòng tôi rộn lên một chút lo âu:
– Tiểu đoàn của thằng em tôi đó Trung tá, nó là đại đội trưởng Đại đội 2.
– Có phải thằng gì ở Sư đoàn 5 mới đổi về không ?
– Dạ đúng Trung tá, tên nó là Tốt em trai kế tôi.
– Anh có nghe bác Học nói về cậu đó, cũng lì lắm !
Em trai tôi sinh năm 1945, lúc gia đình tôi rời thành phố Mỹ Tho tản cư vô xã Đạo Thạnh bên kia rạch Bảo Định – khi đó còn có tên Arroyome de la Poste – để tránh máy bay Đồng minh oanh tạc các căn cứ Nhật chung quanh thành phố và tàu bè Nhật trên sông Cửu Long. Khi Tốt sinh được vài ngày thì ba tôi từ giã gia đình theo tiếng gọi của Phong Trào Thanh Niên Tiền Phong vô bưng theo kháng chiến. Chính vì sinh ra trong thời điểm đó nên Tốt không có được những cái may mắn như những anh chị em khác, nội cái tên thôi cũng đã là một cái thua thiệt rồi. Má tôi kể lại, chưa đầy tháng Tốt đã lên cơn cử sốt rét, rên ư ử như con chó con trong nôi, không có sữa nên uống toàn nước cháo quậy với bột “ký ninh”…
Tôi không nhớ em tôi đi khóa mấy Thủ Đức, chỉ biết lúc đó Thủ Đức chật cứng nên chuyển một số sinh viên sĩ quan ra Nha Trang học. Ra trường, Tốt về Sư đoàn 5 Bộ binh, ngày Tốt lập gia đình với một cô giáo người Huế tại Phước Long chỉ có ba má tôi và một đứa em gái đi máy bay vô thị xã Phước Bình để lo đám cưới, ngoài ra anh em bà con họ hàng không có lấy một ai.
Khi thuyên chuyển về Tiểu khu Định Tường, vì biết Tốt là con của ba tôi – Chủ tịch Hội Đồng Tỉnh – nên Tiểu khu giữ lại làm Sĩ quan Phụ tá phòng 4, chưa được hơn tháng thì Tốt xin ra tác chiến lại, làm Đại đội trưởng Đại đội 2 Tiểu đoàn 424 mà trong gia đình không ai hay biết…
Sau khi nghe Trung tá Tri nói có Tiểu đoàn của em tôi hoạt động bình định trong vùng, tôi lại bản đồ phối trí hành quân treo trên tường thấy vùng hoạt động của Tiểu đoàn 424 ngoài tầm tác xạ pháo binh tại căn cứ Long Định, kể cả tầm 15 cây số của Trung đội 155 ly Tiểu đoàn 70 Pháo binh.
Tôi nói với Trung tá Tri:
– Sao để Tiểu đoàn này hoạt động xa quá vậy Trung tá, ngoài tầm tác xạ pháo binh, lỡ bị chạm địch lấy gì yểm trợ hỏa lực.
– Tiểu khu chỉ nó đi đó chớ có phải anh đâu !
Tôi ngao ngán và lo âu.
Đêm đó tình hình trong đêm các nơi đều vô sự.
Sáng hôm sau tôi lại lái xe qua Bộ chỉ Huy Chiến thuật để theo dõi Tiểu đoàn 424 hoạt động, tới gần trưa thì Tiểu đoàn báo cáo bắt đầu chạm địch lai rai. Tiếng của Thiếu tá Tường Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 424 nói với Trung tá Tri đại khái:
– Có dấu hiệu địch đang bám sát và bao vây, xin Bộ chỉ huy Chiến thuật báo cáo với Tiểu khu Định Tường để xin không yểm.
Trung tá Tri dùng điện thoại nói chuyện với
Trung tâm hành quân Tiểu khu để xin yểm trợ, Tiểu khu nói sẽ trình lên Quân đoàn.
Khoảng giữa trưa thì Tiểu đoàn báo chạm địch mạnh ở nhiều hướng và chắc chắn đang bị bao vây, xin yểm trợ và tiếp viện gấp. Tiếng báo cáo xen lẫn với tiếng súng nổ vang dội trong máy truyền tin làm tôi muốn run lên, tôi lo cho em trai tôi đang lọt trong vòng lửa đạn, trong khi trong tay tôi đang chỉ huy một căn cứ hỏa lực hùng hậu mà đành bó tay không yểm trợ được cho em mình.
Nhìn lên bản đồ tôi thấy căn cứ Pháo binh Cai Lậy hiện do một Pháo đội của Tiểu đoàn 93 Pháo binh chiếm đóng có thể bắn với tới vị trí của Tiểu đoàn thằng em tôi, một ý nghĩ lóe sáng trong đầu, tôi cầm điện thoại xin tổng đài Sư đoàn, rồi xin Bộ chỉ huy Trung đoàn 14 Hành quân và xin nói chuyện với Đại tá Lê Trung Thành, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14. Thật may mắn lúc đó ông có mặt tại Bộ chỉ huy Hành quân, tôi trình bày với ông là em ruột tôi đang làm Đại đội trưởng của Tiểu đoàn 424 mà Tiểu đoàn đang đụng địch mạnh mà ngoài tầm tác xạ của căn cứ Long Định, xin ông giúp cho Pháo đội 93 Pháo binh tại Cai Lậy (đang yểm trợ trực tiếp Trung đoàn 14) tác xạ yểm trợ giúp Tiểu đoàn 424 vì còn trong tầm. Vẫn với giọng nói ngọt ngào lịch sự cố hữu, ông vui vẻ chấp thuận liền và bảo sẽ ra lệnh Sĩ quan Liên lạc báo cho Pháo đội 93 Pháo binh lên máy yểm trợ ngay cho Tiểu đoàn 424 Địa phương quân.
Sau đó tôi dùng máy truyền tin của Trung tá Tri nói chuyện với Thiếu tá Tường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 424 báo sẽ có Pháo binh tại Cai Lậy yểm trợ ngay cho anh, và tôi cho biết tần số và chỉ danh của Pháo binh Cai Lậy để hai bên liên lạc trực tiếp.
Vì Tiểu đoàn Địa Phương Quân không có Tiền sát viên Pháo binh đi theo nên đích thân Thiếu tá Tường vừa chỉ huy các đứa con mình vừa điều chỉnh tác xạ Pháo binh. Khi Pháo binh căn cứ Cai Lậy bắt đầu tác xạ yểm trợ, lòng tôi rộn lên một niềm vui khôn tả, hy vọng em trai tôi sẽ được an toàn.
Độ một tiếng đồng hồ sau, Tiểu khu Định Tường cho Trung tá Tri biết đã xin được Chi đoàn 3/2 Thiết quân vận vào vùng để tiếp ứng cho Tiểu đoàn 424 Địa phương quân, đồng thời mấy phi tuần khu trục cũng sắp sửa vào vùng để yểm trợ, tôi muốn rớt nước mắt trước những tin vui trên.
Khoảng 3 giờ chiều, trước hỏa lực yểm trợ của Pháo binh căn cứ Cai Lậy và các phi tuần khu trục, Việt cộng bắt đầu đoạn chiến và rút lui khi thấy Chi đoàn 3/2 Thiết quân vận hùng hổ tiếp ứng vào chiến trường.
Đến 6 giờ chiều Chi đoàn 3/2 với Tiểu đoàn 424 tùng thiết ra đến Quốc lộ gần Cai Lậy, từ Long Định tôi lái xe lên đón em trai tôi, anh em gặp nhau mừng vui trong nước mắt. Dù được yểm trợ và tiếp ứng kịp thời, Tiểu đoàn 424 cũng thiệt mất một Đại đội trưởng và mười mấy binh sĩ.
Tối đó tôi chở Tốt về thẳng hậu cứ Tiểu đoàn 424 dưới chợ cũ Mỹ Tho, sau khi sắp xếp công việc Đại đội, tôi cùng Tốt quành về nhà ba má tôi ở đường Đinh Bộ Lĩnh. Sau đó tôi gọi máy về Pháo đội ở Long Định bảo làm Công điện về Tiểu đoàn báo tôi đi phép đặc biệt 4 ngày, giao công việc Pháo đội cho Trung úy Tòng, Pháo đội phó, đồng thời tôi gọi máy về hậu cứ Vĩnh Long nhờ chở bà xã tôi cùng các con qua Mỹ Tho thăm ông bà nội ngay ngày hôm sau.
Cả nhà mở tiệc ăn mừng em trai tôi thoát nạn, tuy nhiên nhìn khuôn mặt của Tốt có một vẻ gì làm tôi không yên tâm. Tôi đem điều đó nói cho nhà tôi biết, bà xã tôi trấn an:
– Tại anh thương Tốt rồi lo vậy thôi, chớ không có gì đâu. Gia đình mình ăn ở hiền lành cả tỉnh ai cũng thương, Trời Phật ông bà sẽ phù hộ che chở cho tất cả.
Khi hai anh em gặp riêng, tôi nói với Tốt:
– Vùng này Việt cộng nó đánh hỗn lắm, nhất là địa thế chằng chịt ruộng vườn kinh rạch, em phải thật cẩn thận khi đi hành quân.
Tốt cười nhẹ:
– Đừng lo anh, hồi ở Sư đoàn 5, em đối đầu với tụi chính quy Bắc Việt hung dữ gấp nhiều lần còn chưa sao. Có điều ở Địa phương quân thì phương tiện yểm trợ yếu quá, kỳ này cũng may có anh lo nên Pháo binh Cai Lậy tác xạ yểm trợ kịp thời cho Tiểu đoàn em.
***
Mấy ngày phép ngắn ngủi qua mau, tôi trở lại căn cứ Long Định với những cuộc hành quân khác, tháng 9/73 khi Pháo đội vào đóng trong căn cứ khu Trù mật Hậu Mỹ, tôi được lệnh bàn giao Pháo đội cho Tòng vừa thăng cấp Đại úy để đi học khóa Pháo binh Cao cấp.
Đang học giữa khóa, một hôm được điện thoại của anh tôi đang là Liên đoàn trưởng Liên đoàn Khóa sinh của Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang gọi vào báo Tốt đã tử trận! Những gì tôi lo sợ đã đến với em trai tôi.
Được biết Tiểu đoàn 424 đi giải cứu một đồn Nghĩa quân cấp Trung đội đang bị Việt cộng bao vây tấn công tại Ấp Bắc Sơn gần Ngã Ba Cái Bè, Tiểu đoàn 424 đã đánh tan Đại đội Việt cộng này, giải tỏa được đồn Nghĩa quân thu được nhiều vũ khí. Số vũ khí tịch thu đã được trực thăng đến chở về triển lãm ở Mỹ Tho cho đồng bào xem, Tiểu đoàn tiếp tục ở lại để xây dựng lại đồn bị hư hại nặng. Hai đêm sau khoảng một Trung đoàn Việt cộng đến tấn công vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 424, đến sáng thì Tiểu đoàn tan rã, riêng vị trí Đại đội 2 của em trai tôi cùng Bộ chỉ huy Tiểu đoàn đóng bên trong vòng đai đồn, cuối cùng cũng bị đánh bứt, Thiếu tá Tường tử trận, em trai tôi đã ở lại dùng đại liên M60 bắn cản hậu cho những người lính cuối cùng chạy thoát khỏi vòng vây, sau đó đã bắn vào đầu tự sát.
Ngày hôm sau, Sư đoàn 7 Bộ binh mở cuộc hành quân vào giải tỏa, Hương, em dâu tôi, cô giáo Huế ở tỉnh Phước Long ngày nào đã lặn lội theo toán quân vào lấy xác, tìm được em trai tôi đang gục đầu dưới giao thông hào ngập đầy vỏ đạn đại liên, tay phải còn nắm chặt khẩu colt 45…
***
Chiến tranh đã chấm dứt gần ba mươi năm, nhưng những hình ảnh bi thảm lẫn kiêu hùng của cuộc chiến đâu dễ gì nguôi ngoai. Làm sao tôi quên được khuôn mặt rắn rỏi của Thiếu tá Châu Ngọc Sanh, sau trận phản kích tuyệt vời vào căn cứ Long Định thăm Pháo đội tôi, để rồi mấy tháng sau đó vĩnh viễn ra đi bỏ lại chiến hữu bỏ lại bạn bè.
Làm sao tôi quên được nụ cười gắng gượng của em trai tôi sau cuộc hành quân ở Ấp Bắc, lần gặp gỡ sau cùng của hai anh em, để rồi mãi mãi chia lìa, mãi mãi em tôi trở thành người của thiên cổ.
Sanh và em trai tôi chỉ là muôn một trong hàng trăm ngàn anh hùng đã ngã xuống trên mảnh đất thân yêu.
Hỡi những người còn sống sót trong cuộc chiến khốc liệt đã qua, nếu không còn nhớ đến những người đã nằm xuống, những người đã giúp tô thêm sao, đã giúp nở thêm mai vàng mai bạc trên cổ áo, thì cũng xin đừng phản lại họ, đừng phản lại bạn bè, đừng phản lại chiến hữu anh em, đừng phản lại với lý tưởng tự do đã canh cánh mang theo cả một đời người.
Uyên Sơn
Lập Đông 2004
( Trích tuyển tập Cái Chết Của Một Dòng Sông – Xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2009 )