Câu chuyện bắt đầu là không ai nhớ Tiểu Đoàn 4 thành lập năm nào, người thâm niên nhất là Chuẩn úy Hoàng Đàng khóa 17 Thủ Đức về trình diện TĐ 4/2 vào năm 1965 do Thiếu Tá Lại Văn Khuy là Trung Đoàn Trưởng, Trung Đoàn 2. Năm 1966 Thiếu Tá Vũ Văn Giai là Trung Đoàn Trưởng.
Ngày đó Trung đoàn 2 SĐ1BB có 5 TĐ tác chiến. Với địa thế hiểm trở ở vùng giáp ranh với Lào và miền Bắc VN. Trung Đoàn 2 được giao vùng hoạt động và trách nhiệm tại Quảng Trị nơi tuyến đầu giới tuyến nên mang biệt danh Trung Đoàn Giới Tuyến.
Từ năm 1966 đến năm 1969 dưới quyền chỉ huy tài ba của Đại Tá Vũ văn Giai dẫn dắt Trung Đoàn 2 tạo nhiều chiến thắng trên vùng hỏa tuyến Quảng Trị và trở thành người Trung Đoàn Trưởng sáng giá nhất trong QLVNCH với nhiều lần được đặc cách ngoài mặt trận.
Tiều Đoàn 4/2 được gọi là Tiểu Đoàn Hắc Long đã tham dự hầu hết các cuộc hành quân đẫm máu từ thung lũng Ashau, tiến chiếm những cao điểm tại A Lưới, Khe Sanh và Tchepone trong Hạ Lào (Lam Sơn 719). Những địa danh quen thuộc như Lao Bảo, Cam Lộ, Khe Gió, Đông Hà, Ái Tử, Gio Linh hay những căn cứ Sophia, Fuller, Caroll đều in dấu chân của người lính Hắc Long.
Huy hiệu TĐ 4/2 từ năm 196.. -1971
Trong những trận chiến với quân Cộng Sản, người lính của TĐ 4/2 đã đổ nhiều máu xương trên chiến trận và đã biết bao lần ngậm ngùi chia tay, chào vĩnh biệt các chiến hữu cùng chiến đấu cùng đơn vị đã VỊ QUỐC VONG THÂN.
* Thiếu tá VŨ VĂN PHAO, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 4/2 (19..- 1968)
Trong nghĩa trang Quốc Gia Arlington của Hoa Kỳ, khu mộ số 60 có tấm bia mang số 7898 có tên Thiếu tá Bộ Binh VŨ VĂN PHAO được chôn cất tại đây. Trong hồ sơ lưu trử của Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington chỉ để những dòng như sau:
South Vietnam - Major Phao Van Vu – Army - Section 60 - Grave 7898.
Thiếu tá Vũ Văn Phao nguyên là Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn 4, Trung Đoàn 2,
Theo lời kể của Đại úy Hồ Văn Côn, Thiếu Tá Phao người Bắc xuất thân từ khóa 18 trường VBĐL. Vào đầu năm 1968, TĐ 4/2 đang hành quân tại A Lưới, TĐ đã qua 1 tuần không được tiếp tế lương thực vì thời tiết quá xấu với mưa bão liên tục. Các phi vụ trực thăng tiếp tế cho TĐ phải tạm thời đình chỉ. Trong tình cảnh đó các binh sĩ gần như bị đói phải tìm các cây trong rừng để mưu sinh. Cũng trong thời gian này, Thiếu Tá Phao đi phép, khi trở lại hậu cứ, nghe báo cáo tình trạng trên nên rất nóng lòng, lo lắng cho đơn vị và thuộc cấp. Nhân lúc thời tiêt quang đãng, ông theo chiếc Trực Thăng tiếp tế đến A Lưới và trên đường bay vào A Lưới phi cơ mất tích cùng phi hành đoàn người Mỹ.
Sau năm 1975, phái đoàn MIA trong sứ mạng tìm kiếm các quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, đã tìm thấy chiếc Trực thăng mất tích từ năm 1968 trong đó có xương cốt của phi hành đoàn và Thiếu Tá Vũ Văn Phao ( qua tấm thẻ bài và thử nghiệm DNA). Chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định an táng người chiến sĩ Đồng minh này trong Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington Hoa Kỳ và làm lễ vinh danh cho người chiến sĩ QLVNCH Thiếu tá Vũ Văn Phao đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt Nam tự do chống lại làn sóng xâm lăng của chủ nghĩa Cộng sản miền Bắc.
Vào ngày 8/11/2002 một nghi lể trọng đại được an táng phần hài cốt còn lại của Thiếu tá Bộ Binh Vũ Văn Phao đã được chôn chung với Lieutenant Colonel Donald Parsons, Major David Padgett, Captain Ronaid Briggs, Chief Warrant Officer Charles Stanley, Sergeant 1st Class Eugene Christiansen và Sergeant 1st Class Robert O'Hara tại nghĩa trang Quốc gia Arlington Hoa Kỳ.
*Thiếu Tá HUỲNH VĂN KIÊN, Tiểu Đoàn Trưởng, TĐ 4/2.
Thiếu tá Huỳnh Văn Kiên lên thay Thiếu tá Phao trong chức vụ TĐT Tiểu Đoàn 4/2
Trong cuộc hành quân tại căn cứ FULLER (Tây Bắc Cam Lộ, Đông Hà). ĐĐ3 của Đ/U Tâm, được lệnh của Th Tá Kiên phải thanh toán các ổ phòng không 12ly7 của CSBV đặt trên các cao điểm đối diện với căn cứ FULLER nơi BCH/TĐ đóng quân. Các binh sĩ ĐĐ3 chia nhau từng toán nhỏ tiến lên gở các chốt phòng thủ cho các ổ phòng không và chiếm được mục tiêu thu được khẩu phòng không 12ly7.
Nhận được tin vui, Thiếu tá Kiên vui mừng ra khỏi hầm chỉ huy, đứng quan sát ĐĐ3 thanh toán những mục tiêu khác. Cùng vào thời điểm đó, CSBV pháo kích vào căn cứ, một trái đạn pháo rơi nổ trúng ngay cửa TOC của TĐ. Thiếu tá Huỳnh Văn Kiên bị mãnh pháo cắt ngang trên đầu và tử thương ngay tại chỗ.
HẠ LÀO - LAM SƠN 719 - ĐƯỜNG VỀ TỪ TCHEPONE
Thiếu Tá Nguyễn Văn Thuần từ BTL/SĐ1 về làm TĐT/TĐ 4/2 sau khi Thiếu Tá Huỳnh Văn Kiên tử thương, Đại Úy Lê Văn Thời (K20VBĐL) làm TĐ Phó.
Trung Đoàn 2/ SĐ1BB nhận được lệnh nhảy vào chiếm Tchepone, Hạ Lào. Đại Tá Ngô Văn Chung Trung Đoàn Trưởng đưa Tiểu Đoàn 2/2 của Thiếu Tá Trần Ngọc Huế và Tiểu Đoàn 3/2 của Thiếu Tá Nguyễn Tri Tấn vào chiếm Tchepone. Hai TĐ đổ quân tai bãi đáp Hope ở phía Đông Bắc của thị trấn Tchepone, mở rộng cánh quân xuống phía Nam và chiếm lỉnh các cao điểm chung quanh Thị Trấn.
Trong khi đó TĐ 4/2 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Thuần đổ quân xuống hướng Đông Nam của Thị Trấn và sông Sépone song song với đường số 9. Các Đại Đội của TĐ 4/2 nhanh chóng chiếm các cao điềm và bố trí đội hình phòng thủ, đợi lệnh yểm trợ và bắt tay với cánh quân của TĐ 2/2 và 3/2.
Cánh quân của TĐ 2/2 do Đại Úy Nguyễn Hữu Cước, TĐ Phó (K21ĐL) chỉ huy 2 Đại Đội vượt qua đường 9, vào Tchepone rồi lội qua sông Sépone (nước cạn) di chuyển về hướng Đông Nam và bắt tay với toán quân tiền thám ĐĐ3 của TĐ 4/2 do Thiếu úy Hồ Văn Côn là ĐĐ phó chỉ huy đang chờ yểm trợ cho cánh quân vào Tchepone.
Thiếu tá Cước kể lại: “Sau khi đổ quân tại bãi đáp Hope, tiến quân về phía Nam, khi đến gần thị trấn Tchepone anh lên quan sát thấy xe tăng và binh lính địch quân tụ họp trong đó nên báo cho Th tá Huế, vừa lúc đó OV10 bao vùng vào tần số liên lạc báo có thấy chiến xa và hỏi có muốn xin phi tuần yểm trợ không? Anh hỏi có bao nhiêu phi tuần và Pilot nói có 200 phi tuần sẳn sàng đáp ứng, anh xin luôn 200 phi tuần đánh vào mục tiêu và báo cho biết khoảng cách 500m từ quân bạn đến mục tiêu cho Pilot xác định vị trí quân bạn. Sau 200 phi tuần đánh xong mục tiêu, Pilot trên OV10 nói có B52 đang đến sẽ thả từ điểm này kéo dài đến điểm đó, có trở ngại chi không? Anh nói không trở ngại.
Khi vượt qua đường 9 đi đến khu nhà Thờ nhìn thấy Thị trấn hoang tàn đổ nát không còn gì, xe tăng bị phá hủy, quân trang quân dụng và súng đạn bị trúng bom văng ra trên mặt đất, binh lính không muốn thu lượm vì không đủ sức mang theo. Khi đó có lệnh từ TĐ nói có mấy phóng viên báo chí người Úc, Nhật tới chụp hình. Anh tiếp tục làm nhiệm vụ theo Đại Đội đi đầu mở đường đến bắt tay ĐĐ3 do Đại úy Tâm cùng khóa 21ĐL đang đóng trên đồi.
Sau khi bắt tay với TĐ 4/2 di chuyễn về đóng quân tại căn cứ Sophia. Tối hôm đó anh lại được lệnh của Đại tá Chung mở đường về bãi đáp Liz, nhờ có ánh trăng nên mới thấy đường đi, chuyến di hành gian nan, khổ cực và tình thần không được thoải mái khi biêt tin Trung Đoàn 1 BB bị cộng quân bao vây thiệt hại nặng. Khi đến được bãi đáp Liz, các TĐ bố trí đến sáng hôm sau trực thăng đến bốc và thả xuống bãi đáp Brown, anh lại là người lên trực thăng sau cùng với trung đội cuối khi rời bãi đáp Liz.”
Về cánh quân TĐ 4/2 Thiếu Tá Hoàng Đàng thuật lại “Tháng 3/1971, TĐ 4/2 được lệnh tham dự hành quân Hạ Lào, tôi ra nắm ĐĐT/ĐĐ1. Sau khi bắt tay với cánh quân của TĐ 2/2, TĐ 4/2 đoạn hậu cho các TĐ khác lần lượt di chuyển về căn cứ Sophia. Tại căn cứ Sophia, BCH/TRĐ 2 có kế hoạch lui quân vào ban đêm, nên ra lệnh cho ĐĐ1 của tôi trụ lại căn cứ và binh lính phải hoạt động bình thường như cho máy điện nổ máy làm kế nghi binh cho BCH/TRĐ2 và các TĐ khác di chuyển về bãi đáp Liz. Cuộc lui quân bằng đường bộ, qua các vách núi cheo leo, những đồi núi gập gềnh khó khăn và khổ cực. Binh sĩ bắt đầu nản chí, mệt mỏi chưa bao giờ hình tượng cảnh viễn chinh lại tệ hại như lần này.”
Từ bãi đáp Liz, các Tiểu Đoàn 2/2, 3/2 và 4/2 được Trực thăng bốc và thả xuống bãi đáp Brown nằm ở hướng Tây-Nam Bản Đông. Khi xuống bãi đáp Brown Tiểu Đoàn 4/2 được lệnh phối trí về hướng Đông bãi đáp. Khi CSBV biết được các TĐ đổ quân tại bãi đáp Brown, bãi đáp này bị cộng quân bao vây và bắn pháo liên tục.
Vài ngày sau, Cộng quân đã huy động thêm binh lính bao vây các cứ điểm đóng quân và các TĐ có lệnh chuẩn bị được trực thăng đến bốc. TĐ 3/2 đóng ở thung lũng dưới chân đồi nên ưu tiên được Trực thăng đến bốc trước về Khe Sanh, trong lúc bốc có nhiều chiếc Trực thăng trúng đạn phòng không. Đến phiên TĐ 4/2 được lệnh ra LZ, khi trực thăng đến bốc một vài chiếc trực thăng trúng đạn phòng không bốc cháy và nổ tung trên không, nên có lệnh ngưng bốc toán quân và 2 TĐ ở lại chờTrực thăng đến bốc ngày hôm sau.
Thiếu Tá Đàng nhớ lại: “Tối hôm đó haiTiểu Đoàn 2 và 4 bị địch quân bao vây nên cùng tủ thủ trên đồi cao 600m. Chúng bắt loa kêu “Hàng sống chống chết” và pháo kích cùng 12ly7 trực xạ bắn vào vị trí đóng quân. Khi đó có lệnh của BCH Trung Đoàn 2 là B52 sẽ đến thả bom cách vị trí 500m, sau đợt bom hai TĐ mở đường máu về Delta1. Hai TĐ trưởng hội ý và giao nhiệm vụ cho ĐĐ1 xuống mở đường máu trước, tôi dẫn ĐĐ1 theo triền núi xuống đánh mở đường và bị đạn AK bắn bị thương, nhờ đánh bất ngờ nên mới thoát vòng vây về đến căn cứ Delta 1. Khi trực thăng bốc về đến Khe Sanh mới biết tin Thiếu tá Huế, Thiếu tá Thuần, Đại Úy Thời và các Sĩ quan khác bị bắt .“
Đại úy Lê Văn Thời TĐ Phó 4/2 viết rằng: “ Ngày 2 tháng 3 năm 1971 lúc 5 giờ sáng, Thiếu Tá Thuần bị bắt sau khi 2 Tiểu Đoàn 2 và 4 tan rả, Tôi cũng bị bắt khoảng 30 phút sau đó… Hai ngày sau, trên đường dẩn giải (Đi bộ) ra Quảng Bình, tôi có gặp lại Thiếu Tá Thuần và các Sĩ quan Tiểu Đoàn: Đại úy Minh, Đ/U Tâm ….Đ/U Đàng thì thoát được. Sau nữa tháng vượt Trường Sơn từ Hạ Lào ra Bắc, tụi tôi bị dẩn giải đi chung nhau và lên xe lửa ở Quảng Bình ra ga Hàng Cỏ, Hà Nội, tổng cộng là 19 ngày.
Sau đó chúng tôi được đưa về Hỏa Lò ở 3 tháng. Trong thời gian ở Hỏa Lò, tháng đầu chúng nhốt tôi trong cùng một dảy ở phòng đầu, phòng kế là Thiếu Tá Thuần, phòng thứ 3 là Đại Tá Nguyễn Văn Thọ (LĐ3ND), phòng thứ 4 là Trung Tá Bùi Văn Châu Tiểu Đoàn Trưởng pháo binh Dù cùng Thiếu Tá Đức Trưởng phòng 3 của Lữ Đoàn 3 Dù…Thiếu tá Thuần được thả về cùng một lúc với tôi, ngày 17/02/1977…Thiếu tá Thuần về Huế, còn tôi vào trại Suối Máu ở tạm hết 3 ngày đêm mới cho về…”
Một sự thật đau lòng cho các chiến sĩ bị bắt tại Hạ Lào là sau khi Hiệp Định Paris 1973 ký kết đa số các Tù Binh VNCH được trao trả, nhưng các chiến sĩ VNCH bị bắt tại Hạ Lào đều bị Cộng Sản lưu giữ lại. Chương trình HO sau này cũng không ưu đãi cho những người Tù Binh Hạ Lào.
Những mưu tính Chính Trị của Phù thủy Henry Kissinger và Cộng Sản hiếu chiến trên bàn hội nghị đã được trao đổi trong nước cờ Hạ Lào được giải mật sau này. Câu chuyện của người lính Hắc Long trôi dạt theo những biến chuyển của bàn cờ Chính trị dành cho miền Nam Việt Nam.
*Trung Tá HUỲNH BÁ AN. (Tiểu Đoàn Trưởng từ 4/1971 đến 1/1975)
Trung tá An kể lại:‘Thời gian HQ LAM SƠN 719, Tôi đang là Thiếu Tá Tiểu Đoàn phó ở TĐ 5/2 và bị thương vì bom napalm thả lầm tại bãi đáp SOPHIA. Sau khi hai TĐ 2/2 và 3/2 vào Tchepone và hai TĐT bị bắt (Th tá Huế 2/2 và Th tá Thuần 4/2) bị bao vây tan rã, Trung Đoàn 2 phải thành lập Tiểu Đoàn lại. Đại tá Ngô Văn Chung Trung Đoàn Trưởng có gọi tôi vào nói “Tôi muốn đưa An cầm TĐ 2/2 là đơn vị quen thuộc, còn Thiếu Tá Tích nắm TĐ 4/2, nhưng Tích nói TĐ 4 " sát TĐT" nên xin cho nắm TĐ 2/2. Vậy An nghỉ sao”.Tôi trả lời “Con người có số, Đại Tá chỉ định đâu thì tôi làm đó”.
Khi nhìn huy hiệu Hắc Long của TĐ 4/2 có con rồng đen uốn quanh và mủi tên đỏ trên đầu con rồng nên nhiều người đồn đoán là có số sát TĐT qua 3 vị TĐT tiền nhiệm trước đó. Để trấn an đơn vị và thay đổi cấp chỉ huy Thiếu Tá An tự tay ngồi vẽ huy hiệu Tê Giác mới cho TĐ 4/2 và hủy bỏ huy hiệu Hắc Long mở đầu cho giai đoạn mới của TĐ 4/2.
Trung Tá HUỲNH BÁ AN xuất thân từ khóa 20 VBĐL, ra trường cuối năm 1965 và về phục vụ tại TĐ 2/2, SĐ1BB. Sau 5 năm chiến chinh trên vùng hỏa tuyến từ Thiếu Úy lên Thiếu Tá nay nhận lãnh trách nhiệm chi huy Tiểu Đoàn là nơi dụng vỏ cho người trai đất Quảng Nam chọn binh nghiệp cho đường tiến thân. Trong khóa 20VBĐL Trung Tá An là một trong 5 người của khóa mang cấp bậc Trung Tá và cũng là niềm tự hào cho TĐ Tê Giác.
Khi nhận đơn vị mới, với những thiệt hại sau trận Hạ Lào, Thiếu Tá An phải bỏ nhiều công sức để gây dựng lại với thành phần Cán Bộ nòng cốt từ Tiểu Đội Trưởng đến Đại Đội Trưởng. Sau thời gian bổ xung quân số và tái trang bị TĐ 4/2 rời TTHL tham gia vào các cuộc hành quân đang tiếp diển trong vùng địa đầu giới tuyến.
Phương cách vừa Hành quân vừa huấn luyện, người lính củ tận tình đem kinh nghiệm chiến trường hướng dẫn cho các tân binh đã đem lại các chiến thắng cho Tiểu Đoàn qua các cuộc hành quân được giao phó.
Khi TĐ hành quân tại Khe Gió, ĐĐ4 của Trung úy Nguyễn Thanh Nhạc (K22ĐL) trong lúc lục soát bất ngờ đụng độ với Đại đội vũ khí nặng của Cộng quân, binh lính ĐĐ4 phải tháo lui. Thiếu tá An ra lệnh cho Đại úy Cước TĐP cùng ĐĐ1 của Tr úy Trần Phả đến tiếp viện. Trong lúc đó chi đội Thiết Giáp của Mỹ có 2 chiếc M42 (Duster) đóng chung với BCH/TĐ tại tiền đồn Khe Gió đã dùng súng phòng không 40mm bắn yểm trợ. Đ/úy Cước cũng đã xin Cobra yểm trợ để tiêu diệt các ổ kháng cự của địch quân. Kết quả thu 4 cây súng cối 82 ly cùng đạn dược và một số vủ khí cá nhân AK 47, B40 bên ta có 2 binh sĩ bị thương.
Sau khi quân đội Mỹ ban giao căn cứ Fuller cho Tiểu Đoàn 1/2, Cộng quân mở cuộc tấn công và chiếm căn cứ này. TĐ 4/2 đang đóng tai Khe Gió nhận lệnh lên tái chiếm và khi chiếm lại căn cứ này, các binh sĩ của TĐ phải chịu hàng trăm trái đạn pháo của Cộng quân bắn vào căn cứ mổi lần không kể ngày đêm.
Sư Đoàn 3 BB.
Ngày 1 tháng 10 năm 1971, Sư Đoàn 3BB được thành lâp với Trung Đoàn 2 BB làm nòng côt và thêm 2 Trung Đoàn mới là TRĐ 56 và TRĐ 57. Chuần Tướng Vũ Văn Giai làm Tư Lệnh SĐ3BB và Đại Tá Ngô Văn Chung làm Tư lệnh phó.
Theo cấp số mới của BTTM, Tiểu Đoàn 4 từ Trung Đoàn 2 được chuyễn sang Trung Đoàn 57 làm Tiểu Đoàn nòng cốt cho Trung Đoàn 57 tân lập này với tên mới là Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 57, SĐ 3BB. Thiếu tá Huỳnh Bá An là Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Úy Nguyễn Hữu Cước là TĐ phó.
Quảng Trị, mùa hè 1972 và di tản chiến thuật.
Mùa hè 1972, chiến trường Quảng Trị sôi động với các cuộc tấn công trên toàn lãnh thổ VNCH. SĐ3BB mới thành lập với quân số hổn tạp đủ mọi thành phần từ các nơi thải về và áp lực của quân CSBV xóa bỏ ranh giới Bến Hải đã tung nhiều Sư Đoàn, chiến xa và trọng pháo tấn công vào Thị xã Quảng Trị. Trước áp lực của CSBV và bảo toàn lực lượng, Tướng Giai ban lệnh di chuyển các đơn vị đến vị trí an toàn hơn.
Khi đó Tiểu Đoàn 1/57 vừa thắng lớn tại Phước Sa, Phước Thị về phía Đông Bắc căn cứ C1(Quán Ngang). TĐ bắt sống gần 30 tù binh VC, đa số ở lứa tuổi 13,14 tịch thu trên 50 vũ khí cá nhân và cộng đồng.
Trung đoàn 57BB được lệnh rút về phòng thủ tuyến phía Nam cầu Đông Hà. TĐ1/57 bố trí từ bên trái cầu hướng Tây cho đến chùa Áo Vàng nằm trên QL9, giáp danh với TĐ/BĐQ, bên phải cầu do một TĐ/TQLC đảm trách. Cộng quân cùng chiến xa T54 tiến qua cầu Đông Hà. BTL/SĐ cho lệnh TĐ/TQLC dùng chất nổ cũng như gọi JETS của Hải quân Mỹ đánh sập cầu Đông Hà.
Đến buổi chiều cùng ngày Bắc quân cùng chiến xa theo hướng QL9 tiến vào thị trấn Đông Hà, trong khi đó TĐ/BĐQ và TĐ/TQLC đã được lệnh rút về tuyến phòng thủ ở phía sau. Trung úy Côn ĐĐT/ĐĐ3 báo cáo địch quân xuất hiện và hướng tiến của địch quân. Thiếu tá An báo cáo tình hình về bạn, địch và xin yểm trợ pháo binh cùng tăng cường chiến xa M48 lên tiếp chiến. Trung tá Cương Trung Đoàn Trưởng không đáp ứng mà còn bảo đó là chiến xa bạn. Thiếu tá An nói nếu là bạn thì cho tần số đơn vị bạn để liên lạc. Trung Đoàn im lặng vô tuyến từ đó.
Trước áp lực của địch quá mạnh, TĐ buộc phải vừa chống trả vừa rút về hướng làng Lập Thạch nằm phía Đông QL1. Địch quân có vẻ không có ý định giao chiến với TĐ khi chuyển hướng tiến theo QL1 tiến chiếm cầu Lập Thạch. Đại Úy Hoàng Đàng (xử lý thường vụ TĐT /TĐ2/57) khi Th tá Nguyễn Long Châu (K22ĐL) bị thương, đã liên lạc xin di chuyển cùng với TĐ1/57 vì mất liên lạc với BCH/Trung Đoàn.
Sáng hôm sau, 2 TĐ tiến về bờ sông trong tình trạng bị lực lượng địa phương địch bám đuôi đánh phá và pháo binh địch bắn truy kích. Trung tá Thuật Sáng Trung Đoàn Phó lên máy ra lệnh cho Th tá An bằng mọi cách phải vượt sông Lập Thạch và tìm về cầu Mỹ Chánh nơi BCH/TRĐ đang tại vị trí này, nhớ không di chuyển qua cầu Lập Thạch vì chiến xa địch ở đó, QL1 cũng gián đoạn nhiều nơi.
Thiếu tá An trách tại sao BCH triệt thoái mà không ra lệnh rút cho hai TĐ1&2. Trung tá Sáng cho biết chính ông ta định báo cho Th tá An lệnh rút nhưng Phượng Hoàng không cho liên lạc. Thật không hiểu Trung tá Nguyễn Hữu Cương nghĩ gì khi bỏ lại hai TĐ chiến đấu, không lương thực, thiếu đạn dược và không có một nguồn yểm trợ nào.
Th tá An cho lệnh hai TĐ tự lo an ninh và vượt sông tập thể bằng phương tiện tự túc. Binh sĩ dùng poncho, thân cây chuối để vượt sông dưới hỏa lực của pháo binh địch đang bắn phá ác liệt dọc hai bờ sông nơi hai đơn vị đang vượt sông khiến nhiều quân nhân chết cùng quân trang quân dụng chìm vào lòng sông … thật là một thảm cảnh đau lòng !
Những quân nhân còn lại của 2 TĐ về đến hậu cứ La Vang, chứng kiến cảnh thành phố Quảng Trị hoang tàn, không còn ai, khói lữa cháy nhiều nơi do pháo binh địch bắn phá gây ra. Binh sĩ đi tìm thực phẩm còn sót lại và tự bổ sung đạn dược cho vũ khí cá nhân.
Các ĐĐT đến hỏi TĐT tính sao, Th tá An phân tích là tình hình như thế này nên đi hướng Nam tìm đường vào Huế, chứ kéo theo một block như thế này không được vì TĐ đâu có ai yểm trợ mà đoạn đường quốc lộ 1 đã bị pháo binh và Cộng quân chiếm giử mấy ngày trước rồi. Sau đó các ĐĐT về phân tán binh sĩ từng toán nhỏ tìm về tuyến Mỹ Chánh.
Thành lập lại SĐ 3 BB.
Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh nhận quyền chỉ huy SĐ3BB từ ngày 9/6/1972 và di chuyển SĐ3 vào vùng trách nhiệm 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín. Sư Đoàn 3 thay đổi huy hiệu từ 3 ngôi sao thành số 3. TĐ 1/57 sau thời gian bổ xung quân số và huấn luyện tại TTHL Đống Đa đã di chuyển vào Quảng Nam cùng BCH TRĐ 57 do Trung Tá Đổ Hữu Giới là Trung Đoàn Trưởng tham gia hành quân tại Quế Sơn vào tháng 9/1972.
Hành quân ở vùng Quảng Nam, TĐ 1/57 làm quen với địa thế đồng bằng nhiều hơn rừng núi, là Tiểu Đoàn nòng cốt của TRĐ 57 nên những mục tiêu khó khăn đều giao cho TĐ lãnh trách nhiệm. Hơn 3 tháng quần thảo với Cộng quân tại Quế Sơn, TĐ 1/57 đã nhiều lần tái chiếm quận Quế Sơn lại và bàn giao lại cho đơn vị bạn.
Gần cuối năm 1972 tình hình chính trị thay đổi tại Hội đàm ở Paris, các Trung Đoàn 2, 56, 57của SĐ3 thay nhau quần thảo với Cộng quân, mở rộng khu hoạt động do Cộng quân chiếm đóng trước đây đến núi Liệt Kiểm, Lạc Sơn tại Quế Sơn và mở đường vào Hiệp Đức trước khi Hiệp Định Paris công bố.
Ngày 27/01/1973 Hiệp Định Hòa Bình được ký kết, TĐ 1/57 đang hành quân tại Thanh Quýt, Điện Bàn đến sáng ngày 28/1/1973, khu đóng quân của ĐĐ1, 4 và BCH nhẹ của Đại Úy Cước TĐ Phó nằm trong tình trạng ngưng bắn da beo, dân chúng bị Cộng Sản thúc dục kéo đến cắm cờ Mặt trận xen lẩn cờ VNCH, chúng cầm loa kêu gọi Hòa Bình ngưng bắn. Đ/U Cước dùng mưu thoát khỏi vòng vây, di chuyển binh lính ra khỏi địa thế da beo bất lợi và lấy con sông làm ranh giới nói để chờ Ủy ban giám sát Quốc Tế đến giải quyêt.
Trong khi đó tại các quận lỵ khác, Cộng quân lợi dụng ngưng bắn đem quân lấn chiếm đóng chốt tại nhiều nơi, giao tranh hai bên vẫn tiếp diển dù đã ký Hiệp Định, BTL/SĐ3 ban lệnh giải tỏa các khu vực Cộng quân chiếm đóng. Thiếu Tá An ra lệnh các ĐĐ giải tỏa các chốt, và đẩy lui Cộng quân ra khỏi những vị trí quan trọng và mở rộng tiến chiếm thêm các vùng hoạt động của Cộng quân. Tại đây tên tuổi của Thiếu tá ngụy Huỳnh Bá An được Cộng Sản kết án và sau ngày mất Đà Nẵng bọn du kích ở Thanh Quýt tìm đến nhà của thân sinh Trung tá An tính sổ nợ máu.
Mật khu Gò Nổi, Lộc Hiệp, Quế Sơn.
Sau khi vùng Thanh Quýt, Điện Bàn tạm yên, TĐ 1/57 được lệnh hành quân vào mật khu Gò Nổi có chi đoàn chiến xa M113 của Thiết Đoàn 11 yểm trợ. Khu vực Gò Nổi là nơi Cộng quân chiếm đóng bấy lâu nay, chúng có những khu vực canh tác xen lẩn lau sậy cao hơn đầu người và mìn bẫy cài đặt khắp nơi. Sau những ngày giao tranh TĐ 1/57 đã đẩy lui Cộng quân ra khỏi mật khu và kiềm soát khu vực Gò Nổi nhưng cũng mất đi Trung Úy Trần Phả ĐĐT/ ĐĐ1.
Đại tá Phạm Thế Vinh (K9VBĐL) thay thế Trung tá Đỗ Hữu Giới trong chức vụ Trung Đoàn Trưởng TRĐ 57. TĐ 1/57 giao trách nhiệm vùng đồng bằng Lộc Hiệp, trong thời gian này 5/1973 tình hình trở nên yên tỉnh và TĐ xây dựng căn cứ Lộc An và tuần thám trong vùng. TĐ 1/57 có vài thay đổi là Thiếu tá Nguyễn Hữu Cước qua chỉ huy TĐ 2/57 và Thiếu tá Hoàng Đàng về làm TĐ phó 1/57.
Từ vị thế của Tiểu Đoàn cơ động, nay Tiểu Đoàn trở thành phòng thủ các phòng tuyến tại vùng đất chiếm đóng theo chính sách dành dân giữ đất của Tổng Thống Thiệu không để một tấc đất cho Cộng Sản. Với chủ trương như vậy, các Tiểu Đoàn thay nhau trấn giữ các phòng tuyến và TĐ 1/57 trở thành người lính “trấn thủ luu đồn”. TĐ 1/57 giao trọng trách trấn giử căn cứ Lạc Sơn, Lion và đồi 85 tại Quế Sơn cho đến tháng 6/1974.
*Thiếu tá Hoàng Đàng Quyền Tiểu Đoàn Trưởng 1/57.
Tháng 6/1974 Thiếu tá Hoàng Đàng quyền TĐT thay thế cho Thiếu tá Huỳnh Bá An đi học Bộ Binh Cao cấp tại Long Thành.
Thiếu tá Hoàng Đàng ra trường khóa 17 Thủ Đức, là người lính lâu năm nhất phục vụ trong TĐ từ lúc là Trung Đội Trưởng lên quyền Tiểu Đoàn Trưởng. Thiếu tá Đàng được ân thưởng Bảo Quốc Huân Chương khi còn là ĐĐT và tổ chức toán Biệt Kích 6 người cho Đại Đội 1, tổ BK này là mũi tiến công vào mục tiêu, tạo nhiều chiến công cho TĐ và “ngựa chứng” mổi khi về dưỡng quân. Từ TĐ 1/57 Thiếu tá Đàng qua làm TĐ phó cho các TĐ khác và trở lại TĐ 1/57. Được trui luyện trên các trận địa khốc liệt ở vùng Hỏa tuyến đến thoát hiểm Hạ Lào, Quảng Trị, Thiếu tá Đàng được giao nhiệm vụ mở cửa vào chi khu Thường Đức tiếp ứng cho TĐ 79 BĐQ đang bị bao vây trong mùa hè 1974.
Đường vào giải vây quận Thường Đức.
Thiếu úy Lê Trịnh Thanh ban 2 TĐ ghi lại diễn tiến về trận tiếp viện cho quận Thường Đức trong câu chuyện nối tiếp.
Ngày 29/7 có lệnh từ BTL/Sư Đoàn 3 gởi công điện xuống Trung Đoàn 57 tại Quế Sơn đưa Tiểu Đoàn 1/57 tăng phái cho Trung Đoàn 2 đang hành quân tại Đại Lộc. Thiếu tá Đàng cho lệnh ĐĐ1 và ĐĐ3 cùng BCH nhẹ do Đại úy Hòa (TĐ Phó) và Thiếu úy Tú phụ tá ban 3 đi trước.
Ngày 30/7 toàn thể Tiểu Đoàn 1/57 vào vùng giao tranh. Thiếu tá Đàng và Trung úy Hiện Trưởng ban 3 ghé vào BCH Trung Đoàn 2 lấy phóng đồ hành quân và mục tiêu. Đoàn xe đổ quân ở phía trước đồi 65 (núi Đất) khoảng 2 Km để tránh pháo, các Đại Đội 2, 4 và Đại Đội chỉ huy đi dọc theo tỉnh lộ 4 tiến vào Thường Đức. Các Đại Đội 1 và 3 hôm qua đã đến, đang đóng quân gần khu định cư Hà Nha 2. Một cuộc họp khẩn cấp với các Đại Đội Trưởng tại BCH/Tiểu Đoàn.
Địa thế vào quận Thường Đức rất hiểm trở, trên đường di chuyển vào quận bên phải là dãy núi Đồng Lâm ở phía Bắc trải dài đến Ba Khe, bên trái là dòng sông Vu Gia, bên kia sông là vùng Lộc Hiệp mà trước đây TĐ đã từng đóng quân với những dãy núi bao quanh quận Thường Đức.
Nhìn vào trận địa, các cao điểm ở khu Ba Khe đã do CSBV chiếm giữ, muốn giải tỏa quận Thường Đức phải chiếm các cao điểm này. Cộng quân có lợi thế là chuẩn bị trận địa, đem pháo và mở đường vận chuyển vào gần chi khu. Chúng quyết định thời gian tấn công cùng tình báo nhân dân cung cấp cho chúng các đơn vị VNCH đến tham chiến.
Điều bất lợi cho Sư Đoàn 3 là tin tức tình báo không biết rỏ đang đụng độ với các Sư Đoàn Bắc Việt nào, và các đơn vị cộng quân ở cấp nào tham gia, trong lúc quân CSBV mở nhiều cuộc tấn công trên khắp tỉnh Quảng Nam từ Nông Sơn, Đức Dục, Thường Đức và Quế Sơn. Không biết đâu là Điểm đâu là Diện và chiến thuật Công đồn đả viện là bài học quen thuộc của địch quân thường áp dụng trên chiến trường.
(Sau mới biết là 2 Sư Đoàn CSBV 304 Điện Biên và 324. Một Trung Đoàn Pháo Phòng không và các Đại Đội hỏa tiễn SA-7 phòng không, 12 ly7 đã bố trí trận địa, ém quân bao vây mang pháo lên các cao điểm tại khu vực Hà Nha và Thường Đức, Sư Đoàn 304 vây đánh chi khu Thường Đức, SĐ 324 ém quân chờ đánh quân tiếp viện SĐ3 và SĐ Dù.)
Các điểm đóng quân của Cộng quân tại Ba Khe
Thiếu tá Đàng nhanh chóng phối trí các Đại Đội để chuẩn bị ngày mai sẽ phối hợp với Tiểu Đoàn 2/2 của Thiếu tá Châu Đức Thảo cùng tấn công lên các mục tiêu. BCH nhẹ do Đại úy Hòa cùng đi với Đại Đội 2 của Trung úy Điểu lên đóng quân ở đồi 52.
Trong lúc các Đại Đội di chuyển vào vị trí đã được phối trí, tại khu nhà Thờ gần chợ Hà Nha có một pháo đội 105 ly của Tiểu Đoàn 31 Pháo Binh đang bắn yểm trợ cho quận Thường Đức. Theo tin tức, quận Thường Đức đã bị bao vây, trong đó có Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân, Địa Phương Quân trú phòng, đặc biệt là có những toán thám sát của Sở công tác thuộc Phòng 7 Bộ TTM ở lại trong quận Thường Đức. Tối nay BCH/Tiểu Đoàn đóng quân ở khu vườn trái cây gần đồi 52 và khu trồng mía.
Ngày 31/7, Đại Đội 1 và 3 tấn công vào các mục tiêu, trước đó Pháo Binh đã bắn hàng loạt đạn pháo vào mục tiêu, sau đó là các phi tuần A 37 vào vùng dưới sự hướng dẩn của máy bay quan sát L19 thả bom vào vị trí đóng quân của CSBV ở cao điềm phía trước Đại Đội 1 và 3. Những dàn cao xạ 12 ly 7 đã được CSBV bố trí trên cao điểm bắn lên tưới tấp và hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 nổ tung trên bầu trời của mùa Hè làm nhiệt độ càng thêm nóng hơn.
Rời Đại Đội chỉ huy, Thiếu tá Đàng, Trung úy Hiện và Thiếu úy Thanh cùng toán Biệt Kích di chuyển lên tuyến phía trước, theo sau Đại Đội 1 đến gần trận địa. Các Trung Đội của Đại Đội 1 và 3 đến sát mục tiêu nhưng không lên nổi, vì Cộng quân đã bố trí các hệ thống phòng thủ, hầm hố vững chắc, các dàn pháo SKZ 85 ly bắn yểm trợ cho các chốt của CSBV.
Trận chiến vẫn tiếp diển, các Trung Đội của Đại Đội 1 và 3 cố gắng tấn công chiếm mục tiêu nhưng trở ngại vì bị pháo và súng phòng không của CSBV từ các cao điểm yểm trợ bắn trực xạ, không thể tiến gần được. Trong lúc pháo yểm trợ cho TĐ nhỏ giọt từng tràng rồi ngưng vì các Pháo đội của Tiểu Đoàn 31PB đặt ở Đại Lộc bị các toán đề lô của CSBV phát hiện và phản pháo vào các vị trí này.
Các Trung Đội trên mục tiêu chỉ được yểm trợ bằng cối 81 ly cơ hửu của Tiểu Đoàn. Sau một ngày giao tranh gần đến chiều tối, nhận thấy hỏa lực yểm trợ của Cộng quân rất mạnh, TĐ ra lệnh các Đại Đội tạm ngưng, bố trí lại vị trí phòng thủ cho ban đêm. BCH/Tiểu Đoàn trở lại nơi đóng quân của Đại Đội chỉ huy.
Tối nay trời quang đẳng, nhìn về hướng Tây nơi quận Thường Đức bị bao vây, phi cơ Hỏa Long (AC 119) đang bay vòng phía trên, nhìn thấy những làn đạn của Hỏa Long bắn xuống và những đốm lửa của súng phòng không CSBV từ dưới bắn lên. Số phận của bao nhiêu người lính đang tử thủ trong quận đang tính từng ngày, từng giờ trong khi đoàn quân tiếp viện đang bị các chốt cản trở bước tiến.
Ngày 1/8 các Đại Đội phòng thủ tại chổ, để thăm dò tình hình địch sau một ngày chạm trán, và các Đại Đội bố trí lại hầm hố. Tin cho biết ngày 30/7 khi Tiểu Đoàn 1/57 rời căn cứ Đá Tịnh, tăng phái cho Trung Đoàn 2, ngay sáng sớm hôm sau 31/7, CSBV đã pháo kích vào Lion do Tiểu Đoàn 2/57 của Thiếu Tá Cước trấn giữ và tấn công chiếm Lạc Sơn, đồi 85 và Gia Mộc Xa tại quận Quế Sơn.
Trung Đoàn 2 có kế hoạch tấn công mới, tăng cường thêm Tiểu Đoàn 2/56 của Trung tá Võ Văn Đạt lên phối hợp với Tiểu Đoàn 2/2 và Tiểu Đoàn 1/57 đánh dứt điểm các chốt ở Ba Khe để mở đường vào cứu quận Thường Đức. Đến trưa, Cộng quân pháo đạn 130 ly vào BCH/Tiểu Đoàn đang đóng chung với pháo đội 105 ly. Khi dứt tiếng pháo địch, Pháo đội 105 ly vội vàng kéo 4 cây súng chạy về hướng Đại Lộc, tìm địa điểm khác đặt pháo. Kể từ ngày đó, BCH/Tiểu Đoàn luôn luôn thay đổi vị trí.
Ngày 4/8 theo kế hoạch Tiểu Đoàn 2/56 đánh gở chốt ở Ba Khe, Tiểu Đoàn 2/2 và 1/57 cùng tấn công mục tiêu phía Bắc. Sáng nay Thiếu tá Đàng được Đại tá Ngô Văn Chung (TLP/SĐ3) gặp trên máy và đang ở TOC Trung Đoàn 2, theo dõi trận đánh. Như những ngày trước Đại Đội 1 của Trung Úy Mến và ĐĐ3 của Trung Úy Em tấn công sau những đợt Pháo 105 ly và phi tuần A37 tăng cường oanh tạc các mục tiêu từ Ba Khe đến các cao điểm ở phía Bắc
Các binh lính Đại Đội 1 và 3 với những kinh nghiệm gở chốt đã thay đổi nhiều cách đánh cũng không thể nào tấn công lên các mục tiêu đã chỉ định. Các hỏa lực yểm trợ của CSBV phối hợp rất nhịp nhàng đã gây cho một số binh sĩ bị thương do pháo và súng phòng không bắn trực xạ vào các Trung đội của Đại Đội 1 có Thiếu úy Tuế bị thương và các binh sĩ khác. Thiếu úy Đắc (Ban 4) và ĐĐCH của Trung úy Quan Xuân Thắng mấy ngày nay ở phía sau chăm lo cho các binh sĩ bị thương từ các Đại Đội đưa về, và chuyển các binh sĩ bị thương lên xe tản thương của Trung Đoàn 2 về quận Đại Lộc.
Ngày 5/8, Các Tiểu Đoàn không thể nào chiếm được mục tiêu vì hỏa lực yểm trợ của địch quân. Các phi vụ của oanh tạc cơ A37 ưu tiên đến yểm trợ cho các đơn vị tại quận Thường Đức. Thiếu úy Thanh theo dõi phi tuần 2 chiếc A37 đang nhào lộn trên bầu trời tránh đạn phòng không và SA7 để lao xuống thả bom, một chiếc A37 luôn xuống thấp để thả bom và không may bị trúng hỏa tiển tầm nhiệt của CSBV, không thấy pilot nhảy dù ra.(Pilot là Thiếu tá Nguyễn Hữu Thiệt).
Ngày 6/8, Thiếu tá Đàng cho Đại Đội 2 từ đồi 52 đánh sang mục tiêu khác, nhưng cũng không đạt được kết quả gì, có một số binh lính của Đại Đội 2 bị thương trong đó có Thiếu úy Trần Kim Thành. Buổi tối, phi cơ Hỏa Long lại bay quần thảo trên khu vực quận Thường Đức, những tiếng súng nổ như bò hống của AC119 và súng phòng không của quân Bắc Việt nổ như pháo bông trên bầu trời. Hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi Tiểu Đoàn 1/57 tham chiến, tại con đường liên tỉnh lộ 4 đã bị quân CSBV chốt kiềng và bao vây, mọi cố gắng của người lính SĐ3 vào tiếp cứu không thực hiện được.
Ngày 7/8 Tiểu Đoàn 2/56 được lệnh rút khỏi mặt trận Thường Đức. Chỉ còn lại 2 Tiểu Đoàn 2/2 và 1/57 bố trí từ Ba Khe cho đến chợ Hà Nha, song song với liên tỉnh lộ 4, Đại Đội 2 đóng quân trên đồi 52 với BCH nhẹ, Đại Đội 3 đóng quân ngang khu định cư Hà Nha, Đại Đội 1 đóng quân về hướng Bắc, Đại Đội 4 đóng quân tại chợ Hà Nha. BCH/Tiểu Đoàn và Đại Đội chỉ huy lưu động.
Từ sáng sớm phi cơ quan sát L19 đã bao vùng và các phi tuần A 37 thay nhau đến thả bom yểm trợ cho Tiểu đoàn 79 BĐQ. Mọi ưu tiên hỏa lực đều dành cho Chi khu Thường Đức. Khoảng 10 sáng, những phi vụ oanh tạc A 37 đã ra khỏi vùng và những loạt đạn TOT nổ vang ở hướng Tây tỉnh lộ 4 sau đó im lặng hoàn toàn. Chi khu Thường Đức đã thất thủ, có thể những tràng pháo TOT này các quân nhân tử thủ xin bắn phủ đầu để 2 bên cùng chết.
Quận Thường Đức lọt vào tay CSBV, những áp lực của Trung Đoàn 2 cũng bớt đè nặng lên TĐ 1/57. Tiểu đoàn 2/2 lui về phía sau như vậy chỉ còn Tiểu Đoàn 1/57 trấn giữ đồi 52 và phía Bắc khu định cư Hà Nha, trách nhiệm một khu vực quá dài và rộng cho Tiểu Đoàn tăng phái.
Có một số binh lính BĐQ và ĐPQ đã chạy thoát về đến tuyến của Đại Đội 2. Thiếu úy Thanh tiếp nhận một Thiếu úy của toán Lôi Hổ, thoát thân chạy về kể lại sau 10 ngày bị bao vây, và chống trả nhiều đợt xung phong của Cộng quân miền Bắc, các cứ điểm tiền đồn của BĐQ ở xa đã rút về chi khu Thường Đức để tử thủ. Chi khu đã hứng chịu hằng trăm trái đạn hỏa tiễn 122 ly và 130 ly pháo hàng ngày và binh sĩ của Tiểu đoàn 79 BĐQ phải chống trả những đợt tấn công của CSBV.
Ngày 9/8 - Các Đại Đội 1 và 3 báo cáo có chạm súng và bị pháo kích vào các nơi đóng quân. Trung sĩ 1 Hà (HSQ/B2) đã bị thương khi trúng đạn pháo kích của địch quân. Đại úy Hòa báo về Tiểu Đoàn có Thiếu tá Bùi Văn Thiện Chi huy Đoàn 71 của sở Công Tác, Phòng 7 TTM thoát vòng vây đã về đến BCH nhẹ. Thiếu tá Đàng cho Thiếu Úy Thanh dẫn 2 binh sĩ BK theo tỉnh lộ 4 để đón người Sĩ quan dũng cảm này. Thiếu tá Thiện với hai túi quần chứa đẩy trái cây, nét mệt mỏi không che khuất vẻ hào hùng trên khuôn mặt. Một tô mì gói được mang đến chúc mừng Thiếu tá Thiện trở về sau hơn một tuần mưu sinh thoát hiểm.
Ngày 13/8, BCH/Trung Đoàn 2 thông báo cho Thiếu tá Đàng biết là có toán tiền trạm của Sư Đoàn Nhảy Dù đến gặp Tiểu Đoàn 1/57. Một toán sĩ quan gồm 1 Trung Tá Lữ Đoàn Phó của Lữ Đoàn 1 Nhảy dù và các Đại úy tham mưu lữ đoàn. Sau khi lấy các điểm đóng quân các Đại Đội của Tiểu Đoàn 1/57 và các vị trí đóng quân của CSBV các Sĩ quan nhảy dù cho biết là sẽ thay thế nay mai. Hiện giờ các Tiểu Đoàn Dù đang được đưa vào Đà Nẵng. Với quân số đầy đủ và yểm trợ không hạn chế của Pháo binh Dù, hy vọng sẽ tái chiếm lại Chi khu Thường Đức.
Sau khi chiếm được Chi khu Thường Đức được 1 tuần, CSBV đã có đủ thời gian chỉnh đốn lại hàng ngũ, phối trí trận địa và tăng cường quân số cùng những vũ khí tối tân được khối Cộng Sản viện trợ. Bây giờ là lúc CSBV dồn mọi nổ lực để lấn chiếm xuống khu vực đồng bằng của quận Đại Lộc. Lợi dụng lúc Sư Đoàn 3 phải đối phó với nhiều mặt trận từ Quế Sơn, Đức Dục, Thường Đức và tình báo CSBV được tin Sư Đoàn Nhảy Dù đến tham chiến tại mặt trận Thường Đức và đối đầu với lực lượng hùng hậu nhất của QLVNCH, vì thế CSBV phải thay đổi chiến thuật là tấn công chia cắt Tiểu Đoàn 1/57 chiếm thượng phong trước khi Lữ Đoàn Dù đến thay thế.
Ngay từ sáng sớm, CSBV đã dùng hỏa lực pháo binh bắn vào các địa điểm đóng quân của Đại Đội 3 và Đại Đội 4. Sau đợt pháo yểm trợ, Cộng quân tấn công vào Đại Đội 3 do Trung úy Em chỉ huy. Bị tấn công, các binh sĩ của Đại Đội 3 đã chống trả đợt tấn công của Cộng quân, đồng thời xin Pháo binh bắn yểm trợ. Với hỏa lực yểm trợ là khẩu SKZ 85 ly, phòng không 12 ly7 từ các cao điểm của Cộng quân, bắn trực xạ vào vị trí bố phòng của Đại Đội 3 gây thiệt hại một số lớn nhân mạng. Thiếu úy Quyết bị tử thương khi Cộng quân tràn vào vị trí phòng thủ của Trung Đội. Pháo binh của Tiểu đoàn 31 đã can thiệp kịp thời chận đứng các đợt xung phong của Cộng quân tại Đại Đội 3.
Cùng thời gian, Đại Đội 4 do Trung úy Nghĩa chỉ huy đóng ở chợ Hà Nha cũng bị CSBV bất ngờ tấn công sau những đợt pháo yểm trợ, lợi dụng những khu nhà dân ở gần khu chợ Hà Nha, Cộng quân đã chia cắt Đại Đội 4 ra từng mảnh nhỏ, các binh sĩ phải tháo lui chạy về tuyến phòng thủ của Đại Đội chỉ huy. Có Thiếu úy Lê Chí Phương Đại Đội Phó (K26ĐL) chạy về băng kín đẩu và một mắt.
Đại Đội 3 của Trung úy Em lui về phòng thủ chung tuyến với Đại Đội chi huy. Đại Đội 1 của Trung úy Mến nằm xa ở phía Bắc, được lệnh kéo về bố trí gần tỉnh lộ 4. Một khó khăn cho Thiếu tá Đàng là BCH nhẹ do Đại úy Hòa và Đại Đội 2 của Trung úy Điểu còn đóng quân ở đổi 52.
Thiếu tá Đàng cho Trung Đội quân báo lên thám sát khu chợ Hà Nha với hy vọng mở đường đến BCH nhẹ và Đại Đội 2. Toán thám sát của Đại Đội chỉ huy trở về báo cáo Cộng quân đang đào hố và bố phòng tại khu chợ Hà Nha nhằm mục đích bao vây, chia cắt với khu đồi 52. Hiện giờ, trong tay của Thiếu tá Đàng chỉ còn Đại Đội 1 của Trung úy Mến tương đối ít thiệt hại dù hơn 2 tuần nay, Đại Đội 1 đã tấn công vào mục tiêu nhiều lần và cũng hứng chịu pháo của Cộng quân.
Có lệnh từ Trung Đoàn 2 là ngày mai Tiểu Đoàn 1/57 về chỉnh trang, Lữ Đoàn Dù đến thay thế. Một thói quen của các Chỉ Huy Trưởng là khi có đơn vị tăng phái đến thường xử dụng đơn vị tăng phái một cách triệt để, nếu có tổn thất đơn vị chính của đơn vị tăng phái chịu thiệt hại và nếu thành công thì đó là Công của đơn vị mình. Chính vì vậy mà Thiếu Tá Đàng đã chịu áp lực của cấp trên và một phần là mới được bổ nhiệm là Quyền Tiểu Đoàn Trưởng nên đã không hành xử một cách nhiều kinh nghiệm như Thiếu tá Huỳnh Bá An hay Trung Tá Võ Văn Đạt ở TĐ 2/56.
Ngày 16/8. Lệnh từ BTL/ Sư Đoàn cho Tiểu Đoàn 1/57 rời khỏi vùng đóng quân để về TTHL. Sau khi bàn giao vùng trách nhiệm cho TĐ 8 Dù, ngược với hướng về của TĐ 1/57 là các binh lính của TĐ8 Dù đi lên ở 2 bên đường, Cộng quân bắt đầu pháo kích dọc theo đường tỉnh lộ 4, nơi các binh sĩ Dù đang tiến lên.
Đồi 52 thất thủ, chỉ có Chuẩn úy On và Thiếu úy Tú chạy thoát về. Sau cuộc hành quân tại Hà Nha Tiểu Đoàn 1/57 đã bị thiệt hại Đại úy Hòa, Trung úy Ngọc mất tích, Trung úy Điểu bị bắt, Thiếu úy Quyết chết. và một số binh sĩ. Thiếu tá An và Trung Tá Nguyễn Tri Tấn đang học tại Long Thành, được lệnh của Sư Đoàn 3 phải về trình diện gấp sau khi mãn khóa học. Thiếu tá An nhận lại Tiểu Đoàn và Thiếu tá Đàng Tiểu Đoàn Phó.
Thiếu tá Đàng tâm sự “Khi được lệnh bàn giao cho LĐ 1 Dù và về đến TTHL. Tôi có lên trên đồi Hòa Khánh liên lạc với Đ/Úy Hòa đang bị bao vây và tử thủ tại đồi 52, là cấp chỉ huy trực tiếp tôi có trách nhiệm với tổn thất mà đơn vị phải gánh chịu. Tôi đã cố gắng xin các cấp trên can thiệp để đưa ĐĐ2 còn kẹt lại thoát khỏi vòng vây nhưng cố gắng đó không thực hiện được. Khi về đến nhà trong Trại gia binh, nhìn những gia đình thân nhân binh sĩ kéo đến nhà thăm hỏi, tôi có nổi đau của riêng mình.”
Trong chiến sử của Sư Đoàn Dù, với những trận đánh đẩm máu ở cao điềm 1062, các TĐ Dù và Cộng quân thay nhau làm chủ cao điểm 1062, nhưng ngọn đồi 52 vẫn nằm trong tay giặc sau khi ĐĐ2 bị bao vây, thất thủ và cái bẫy nhử mồi ở chốt Ba Khe cửa ngỏ vào quận Thường Đức bị khóa lại. Con đường từ Hà Nha vào quận Thường Đức chưa đến 8 Km sao nhiều gian nan, đắng cay và xương máu người lính đổ xuống.
Thiếu tá An lại một lần nữa xây dựng lại Tiểu Đoàn với quân số mới bổ xung cho ĐĐ2. Sau 1 tuần chỉnh trang TĐ lên đường hành quân tái chiếm lại đồi 85 tại Quế Sơn. Thêm trận chiến cho người lính Tê giác tham gia trong mùa hè 1974.
Hành quân tại Đức Dục.
Trung Đoàn 56 bị thiệt hại nặng ở Đức Dục, BTL/Sư Đoàn 3 đưa Trung Đoàn 57 do Đại Tá Phạm Thế Vinh là Trung Đoàn Trưởng và Trung Tá Lê Khắc Kha Tr Đ Phó (K19ĐL) vào thay thế Trung Đoàn 56 về chỉnh trang.
Tiểu Đoàn 1/57 được lệnh rời vùng Thanh Quýt để vào mặt trận Đức Dục. TĐ lên núi Dương Thông để nhận bàn giao các vị trí đóng quân và các chốt của một Tiểu Đoàn thuộc Trung Đoàn 54, Sư Đoàn 1 vào tăng phái cho Sư Đoàn 3. Sau một thời gian đóng quân tại núi Dương Thông, Tiểu Đoàn bàn giao tuyến Dương Thông cho Tiểu Đoàn 2/57 về TTHL Sư Đoàn chỉnh trang 2 tuần.
Tại đây TĐ nhận lệnh đón Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra thăm SĐ3BB. Sau khi đọc diển văn Tổng Thống Thiệu đi đến hàng quân của TĐ 1/57, Tiểu Đoàn Dù và TĐ Địa Phương Quân. Buổi lễ kết thúc, Tiểu Đoàn di chuyển về đến TTHL, tập họp lại cho buổi lể bàn giao chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng của Trung tá Huỳnh Bá An và Đại úy Đổ Ngọc Nuôi.
Sau 4 năm làm Tiểu Đoàn Trưởng, Trung Tá Huỳnh Bá An người anh cả của TĐ tiến thân lên chức vụ cao hơn và là lúc mở cửa cho các đàn em có cơ hội nhận thêm trách nhiệm trong TĐ. Các Sĩ quan đàn em xuất thân từ Tê Giác được tiến cử sang làm TĐT hay TĐ phó cho các TĐ khác như Thiếu Tá Cước, Thiếu tá Đàng, Đại Úy Nhạc, Đại úy Hiếu. Trung tá An đã tận tình nâng đở các đàn em và các Sĩ quan ba gai từ các đơn vị khác thải về. Đức tính khiêm tốn, đạo đức và bao dung của Trung tá An được thể hiện là những tờ giấy phạt Trọng cấm từ các ĐĐ đến TĐ không bao giờ được gởi đi mà âm thầm nằm trong ngăn chứa hồ sơ trong bàn làm việc của TĐT tại Hậu Cứ TĐ.
Đại úy Đổ Ngọc Nuôi, Tiểu Đoàn Trưởng (từ 1/1975- 29/3/1975).
Đại úy Đổ Ngọc Nuôi (K20ĐL), gia nhập binh chủng Nhảy Dù năm 1966, về Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù. Năm 1968, Trung Tá Nguyễn Viết Cần (em Tướng Nguyễn Viết Thanh) và các Sĩ quan trong Tiểu Đoàn 9 Dù đến vui chơi tại nhà hàng Moulin Rouge đường Trần Hưng Đạo SàiGòn và bắn chết 2 MP Mỹ, Đại úy Nuôi bị kết án tù.
Năm 1971, Sư Đoàn 3 thành lập ở Quảng Trị, để có đủ quân số cung ứng cho Sư Đoàn 3. Bộ TTM ban lệnh ân xá cho các quân phạm đang thụ án, và đưa ra bổ xung quân số cho Sư Đoàn 3. Đại úy Nuôi về Trung Đoàn 2 Bộ Binh. Sau được giao làm Đại Đội Trưởng Trinh Sát 2 và năm 1974 là Tiểu Đoàn Phó của Tiểu Đoàn 1/2 cho Thiếu Tá Nguyễn Tâm Miên (K20ĐL). Được Trung Tá An đề cử với Thiếu Tướng Hinh khi được Tư lệnh hỏi ý kiến.
BCH của Tiểu Đoàn 1/57 có những thay đổi Đại úy Đổ Ngọc Nuôi Tiểu Đoàn Trưởng, Đại úy Hồ Văn Côn TĐ Phó, Trung úy Hiện Trưởng ban 3, Thiếu úy Thanh ban 2, Thiếu úy Đắc ban 4, Trung úy Võ Văn Em chi huy ĐĐ2.
Hành Quân tại Lộc Hiệp, tiếp cứu Tiểu Đoàn 3/56.
Tiểu Đoàn được lệnh khẩn cấp phải đi Hành Quân tiếp cứu Tiểu Đoàn 3/56 bị CSBV đánh tan tại Lộc Hiệp vào ngày 26 Tết (6/2/75). Tiểu Đoàn chuyển quân đến Đại Lộc, Đại úy Côn chi huy 2 Đại Đội 1 và 3 lội qua sông Thu Bổn tiến nhanh vào các mục tiêu ngay trong đêm 27 Tết, có thiết vận xa M113 theo sau yểm trợ. Các Đại Đội 2, Chỉ huy và 4 lần lượt tiếp nối đi qua sông và dàn quân theo đội hình chiếm các vị trí thuận lợi.
Các ĐĐ1 của Trung úy Mến và ĐĐ3 của Trung úy Dực đã nhanh chóng tấn công, tiếng súng và tiếng lựu đạn nổ vang dội tại các mục tiêu. Những viên đạn lửa M60 của bộ binh và đại liên 50 trên thiết vận xa M113 bắn vào mục tiêu như những vệt sáng dài bất tận trong màn đêm và chiếc dù hỏa châu của cối 81 ly soi sáng cho binh lính Đại Đội 1 và 3 nhanh chóng thanh toán các mục tiêu và thu lượm vũ khí của địch quân. Các Đại Đội 1 và 3 tiếp tục tiến về mục tiêu phía trước và chiếm lại hẩu hết các vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 3/56 trước khi bị Cộng quân tấn công.
Sau 2 ngày phản công, trưa 30 Tết Tiểu Đoàn 1/57 chiếm lại các phần đất đã mất. Khu định cư bỏ hoang, không có bóng dáng người dân, vườn rau canh tác của người dân vẫn xanh tươi. Một số xác của binh sĩ Tiểu Đoàn 3/56 đã bị địch quân bắn chết, còn nằm trong các hố cá nhân. Trung úy Hiện báo lên TOC Trung Đoàn 57 tất cả mục tiêu đã chiếm lại khu Lộc Hiệp. BCH/Tiểu Đoàn và Đại Đội chỉ huy đóng quân ngoài bìa làng đón giao thừa tối nay.
Sáng mùng 1Tết Ất Mão 11/2/1975. TOC thông báo Đại Tá Vinh sẽ bay CNC và đáp xuống BCH/Tiểu Đoàn, chia sẽ với chiến công trước mắt, Đại tá Vinh rút ra phong thơ lì xì cho các ĐĐT nhân dịp đầu năm. Đến chiều có lệnh bàn giao chiến trường cho Tiểu Đoàn 2/56. Tiểu Đoàn 1/57 di chuyển về khu vực quận Đại Lộc trong đêm và tiếp tế thêm đạn dược làm thành phần trừ bị cho Sư Đoàn.
Tiểu Đoàn 2/56 bị tấn công và thiệt hại, Thiếu tá Huệ (TĐT) bị thương nhẹ. BTL/SĐ3 quyết định đưa 2 Tiểu Đoàn 1/57 và 2/57 vào giải vây khu Lộc Hiệp. Tiểu Đoàn 2/57 và chi đoàn 3/11 vượt sông Vu Gia ở gần núi Đất (đồi 65) tấn công các mục tiêu và chiếm lại khu định cư Phú An. BTL/SĐ3 giao trách nhiệm vùng Lộc Hiệp lại cho Trung Đoàn 57. Tiểu Đoàn 1/57 chuyển quân qua sông Thu Bồn tiếp nhận lại khu vực do Tiểu Đoàn 2/56 bàn giao.
Thi hành Kế hoạch Z36.
Quân Đoàn 2 di tản, Đại tá Vinh Trung Đoàn Trưởng đến Đức Dục họp với Đại úy Nuôi và phóng đồ Z36 được kín đáo vẽ các tuyến lui binh trên bản đồ và bảo mật. Đêm ngày 27/3, Đại Tá Vinh trực tiếp gọi máy cho Đại úy Nuôi và đọc ám số thi hành kế hoạch Z36 (lui binh, cho con cái qua sông).
Đại úy Nuôi gọi các Đại Đội Trưởng lên máy và ra lệnh cho Đại Đội 1 và 2 di chuyển về BCH Tiểu Đoàn. Sau đó ra lệnh Thiếu úy Thanh dẫn 1 binh sĩ Truyền tin và 1 BK qua sông trước, vào Chi khu Đức Dục liên lạc với Trung Tá Lạc Chi Khu Trưởng hội ý với Chi khu lui về tuyến trước và lấy tần số liên lạc của các Trung Đội Nghĩa quân. Các Đại Đội lần lượt qua sông bằng ghe thuyền của dân và TĐ theo con đường song song với đường tỉnh lộ và bờ sông Thu Bồn di chuyển về cầu Tự Do. Trên đường các chốt địch quân nằm bắn sẻ không gây thiệt hại cho TĐ.Theo kế hoạch Tiểu Đoàn 1/57 làm tuyến ngăn chận địch quân tại phía Bắc cầu Tự Do cho Tiểu Đoàn 2/57 từ núi Dương Thông kéo về.
Trên đường lui về tuyến Đại Lộc, Đại úy Côn TĐ phó bị bắn trúng chân và Trung sĩ I Cường BK/ ĐĐ3 tử thương khi dẫn toán lính lên gở chốt. Đến chiều tối, TĐ lại được lệnh di chuyển về tuyến Hiếu Đức trong lúc BCH Trung Đoàn nhiều lần không liên lạc được BTL/ SĐ.
Các đoàn xe GMC chở lính TQLC bỏ tuyến từ núi Đồng Lâm chạy về Đà Nẳng, các TQLC nói xuống tàu vào Nam. Nguời lính truyền tin nằm Relay trên đỉnh Hòa Khánh làm nhiệm vụ lần cuối, nói Tướng Hinh vội vàng lên trực thăng bay ra Sơn Chà, BTL/SĐ không còn ai trách nhiệm và hệ thống truyền tin bị phá hủy.
Trước hậu cứ Trung Đoàn 57 tại ngã 3 Hòa Cầm, Đại Tá Phạm Thế Vinh, người Trung Đoàn Trưởng lấy gia đình làm nền tảng đạo đức, bao dung với thuộc cấp, xem sinh mạng người lính quí hơn tư lợi cá nhân, buồn rầu chia tay khi đem các Tiểu Đoàn trực thuộc về đến hậu cứ. Con Tốt thí 57 trên bàn cờ Z36 đã hoàn thành bước Cản cho các Tư Lệnh xuống tàu vào Nam.
Sự thất vọng, nghi kỵ làm hoang mang mọi người, giờ thứ 25 đang điểm, hình ảnh năm 1972 tại Quảng Trị bây giờ lại tái diển. Người lính già Thường vụ trút cơn phẩn nộ, ném mạnh chiếc nón sắt thân yêu sau những lần đội pháo cứu mạng xuống mặt đất. Các binh lính gốc miền Trung chán nản rời đội hình đi tìm thân nhân, còn lại số lính ở miền Nam bơ vơ bám theo Trung Úy Mến, Trung Úy Em, Thiếu úy Tuế, Thiếu úy Thanh ra bến cảng tìm tàu vào Nam.TĐ1/57 tan hàng và không còn nghe âm vang “Cố Gắng” vọng lại từ đây. Căn cứ Hòa Khánh hảnh diện với các dòng chữ: 3 ĐẸP – 3 GIỎI, có lẽ nên thay thế bằng dòng chữ:“ Hãy LÀM những điều TÔI NÓI. Đừng NÓI những điều TÔI LÀM”.
Thành phố Đà Nẳng bỏ ngỏ cho Cộng quân ngày 29/3/1975. Sau bao năm nguời lính đã đổ máu, dành từng tấc đất trên trận địa, giờ đây chỉ sau 36 tiếng đồng hồ lui binh bỏ ngỏ cho địch quân. Bài học lui binh sao học hoài không thuộc.
Trại Tù Cải Tạo
Trong các trại tù cải tạo Hiệp Đức, các sĩ quan của TĐ 1/57 có Trung úy Mến, Nghĩa, Hiện, Thiếu úy Thanh, Tuế, Đắc. Tại Kỳ Sơn có Thiếu tá Cước, Đàng, Thuận, Đại úy Nuôi, Bảy, Hùng. Tại Bình Điền có Đại úy Côn. Trong Nam có Đại úy Thắng và Trung úy Em. Riêng Trung tá An từ Điện Bàn bị giải ra Bắc vài ngày sau đó.
Sau những năm dài trong tù cải tạo, các Sĩ quan của TĐ 1/57 còn nợ máu lại gặp nhau tập trung tại trại Tiên Lãnh có Thiếu tá Cước, Thiếu Tá Đàng, Thiếu tá Thuận, Đại úy Nuôi và Thiếu úy Thanh. Tại đây Đại úy Đổ Ngọc Nuôi tham gia vào vụ án Thiếu Úy Trần Quang Trân, ráp máy radio nghe lén đài VOA, BBC bị kết án 12 năm tù và chuyển vào trại Z30 Hàm Tân.
Hơn 40 năm sau (2014)
Họ là những người lính cống hiến thời trai trẻ, tham gia vào cuộc chiến chống Cộng Sản xâm chiếm miền Nam. Trãi qua bao nhiêu khổ cực nắng cháy, từ vùng giới tuyến cách ngăn đến Hạ Lào gió lạnh tử sinh trong đạn pháo nổ hay những đồi núi cheo leo nằm cạnh tiếng bom nổ. Những lo sợ, tủi nhục, đày đọa thân xác trong cảnh tù đày khi là Tù Binh, Tù Hàng binh, Tù Tàn binh hay Tù Cải tạo. Họ cũng là người thương binh đã cống hiến một phần thân thể cho cuộc chiến hay những nấm mồ không bia mộ trong đồi núi rừng sâu.
Vận nước nổi trôi, họ là kẻ thua cuộc và trả cái giá “Thua Cuộc” trong trại Tù binh, trại Tù Cải tạo. Có người đem lại mạng sống “đánh cuộc“ sau khi đi tù về, hay vượt đại dương để lánh nạn Cộng Sản. Họ may mắn ra đi, làm việc và xây dựng gia đình nơi quê người sau những năm bị tù đày của chế độ Cộng Sản.
Những người lính của Hắc Long & Tê Giác là chứng nhân những trận chiến năm xưa, giờ đây có người vào tuổi Hạc, tuổi ”Cổ lai hy” hoặc có người bắt đầu xếp hàng nhận lại tiền hưu, sau những năm dài đóng góp khi làm việc, an bình trên đất khách quê người. Cũng có người tuổi đã già, không được hưởng nhàn và vẫn đang làm việc để kiếm miếng cơm hàng ngày tại Việt Nam và có người không chết bởi bom đạn, tù đày, biển cả đại dương nhưng ngã gục vì ung thư hoàng hành trong cơ thể.
Tuổi già an nhàn trong cuộc sống, đôi khi những quá khứ một thời chinh chiến được gợi nhớ trong hình ảnh, qua bài viết đọc trên internet, qua điện thoại thăm hỏi sức khỏe và email đã kết nối họ với nhau trong tình chiến hữu của gia đình Hắc Long & Tê Giác.
Mủi tên đỏ trên đầu con rồng đen được đổi thay bằng 9 đường theo vòng Sinh, Lão, Bệnh, Tử và kết thúc bằng chữ Sinh trên sừng Tê Giác.
Ngàn năm chiến sử còn in dấu
Một thuở oai hùng tạc đá ghi
Quê Mẹ từ đây xa cách mãi
Đất lành tạo dựng hướng tương lai.
Untold story by Thanh Trinh Le
Chuyện bây giờ mới kể - Silicon Valley, Mùa Thu 2014.
#hạlào #quảngtrị #thườngđức #sđ1 #sđ3 #lamson719 #tđ157 #têgiác