THÁNG BA NGHIỆT NGÃ – Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi
Đầu năm 1974 đơn vị của tôi, một Pháo Đội Đại Bác 105 ly được tăng phái cho mặt trận Lệ Minh khi đang bùng nổ lớn. Đơn vị đang đóng rãi khắp miền duyên hải từ Tuy Hoà Đồng Xuân cho đến Bồng Sơn Bình Định thì phải kéo nhau lên vùng Đất Đỏ Tây Bắc Pleiku. Ngay cả vào thời điểm này tôi đang được nghỉ phép cưới vợ cũng phải bị triệu hồi vào cuộc chiến.
Xong chiến dịch Lệ Minh, một vùng đất mà 80% quân nhân tham chiến của cả hai chiến đoàn đều bị sốt rét nặng, bệnh viện 2 Dã Chiến Pleiku không còn chỗ nằm. Các Pháo Thủ của đơn vị tôi cũng bị sốt rét gần như muốn kiệt quệ, đơn vị không hoạt động được. Thế rồi cũng qua khỏi và vẫn tiếp tục ở lại trên vùng đất Pleiku – Kontum đến trọn năm.
Đúng ngày Giáng Sinh 1974 được lệnh của Pháo Binh Sư Đoàn 22 cho kéo về Quy Nhơn dưỡng quân một tháng khi một Pháo đội khác lên thay thế nhiệm vụ. Nói là dưỡng quân nhưng lại cực khổ hơn đi hành quân vì luôn tiếp đón nhiều phái đoàn thăm viếng, thanh tra. Binh sĩ lúc nào cũng tươm tất áo quần thẳng nếp, súng đạn bong loáng, chưa hết còn phải thực tập để trình diễn Pháo Đội Mẫu cho cả Sư Đoàn.
Một Sư Đoàn Bộ Binh có 4 Tiểu Đoàn Pháo Binh, một Tiểu Đoàn Pháo Binh có 3 Pháo Đội Tác xạ nghĩa là Pháo Đội có súng Đại Bác và một Pháo Đội Chỉ Huy. Như vậy có cả thảy 12 pháo đội Tác Xạ, mỗi pháo đội tác xạ có 6 khẩu Đại Bác, vị chi Sư Đoàn có 72 khẩu Đại Bác. Nghe thấy nhiều nhưng được rãi đều khắp hai miền Duyên Hải và Cao Nguyên của một vùng rộng lớn cũng như địa thế hiểm trở.
Đầu tháng Giêng 1975 vừa được Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm, Tư Lệnh Sư Đoàn khen thưởng vì Pháo Đội được đứng đầu trong 12 Pháo Đội thi đua. Đang còn “say men“ trong sung sướng được khen thì bỗng nhận lệnh đưa một Trung Đội Pháo Binh từ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn tại An Sơn đi lên Vĩnh Thạnh, một địa danh nằm gần Đèo Mang Giang, phía Tây Bắc Quận Phú Phong quê Hương Anh Hùng Nguyễn Huệ Tây Sơn.
Trung đội có nhiệm vụ bắn trực xạ vào một căn cứ Đại Đội Địa Phương Quân vừa bị thất thủ ba đêm rồi, nhưng một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 47 Bộ Binh không làm sao chọc thủng phòng tuyến. Trực xạ bằng Đại Bác ắt hẳn phải đặt rất gần mục tiêu thì mới gọi là trực xạ, Có thể nhìn xuyên qua khối cơ bẩm và nòng súng để có thể thấy mục tiệu dễ dàng vì chỉ cách súng không trên một cây số.
Mục tiêu được thanh toán dễ dàng dù địch quân có cố tình chống cự và chui rúc dưới hầm kiên cố nhờ những loại đạn với đầu đạn CHẬM NỔ, Chậm nổ tức là chạm mặt đất vẫn chưa nổ mà phải chui vào lòng đất 5 giây sau mới nổ. Hơn nữa kèm theo một loại đạn Hơi Ngạt sẽ làm quân địch hết thở được mà phải chui ra khỏi hầm hố sâu xin đầu hàng.
Cuộc sống lính chiến đấu tuy có nhiêu gian truân vất vả, nhưng hun đúc một sức sống mãnh liệt khiến yêu đời lính, chính những lúc xảy ra trận chiến là thời điểm tự thấy hãnh diện đã góp phần bảo vệ Non Sông hơn cả.
Mặt trận tại Vĩnh Thạnh ấy đã thu lượm được chiến thắng với nhiều xác địch bỏ lại và 47 cây súng cả cá nhân lẫn cộng đồng của địch bị tịch thu. Không hiểu Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn muốn khoe chiến thắng cho Tổng Thống hay do Tổng Thống muốn đến thăm vùng chiến trận vừa xãy ra mà đã ra lệnh cho tôi đưa Pháo Đội còn lại đang dưỡng quân tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đến chiếm đóng vị trí trên Quốc Lộ 19 gần ngay cạnh chân đèo Mang Giang để làm Pháo Đội “mẫu“ chuẫn bị đón Tổng Thống.
Không hãnh diện không sung sướng chút nào, mới nghe đã muốn “rụng rời tay chân” vì đón ai cũng khổ huống chi đón Tổng Thống khổ gấp trăm lần dù rằng đang trên vùng chiến trận. Đó là “cái bệnh” của quan lớn muốn kiếm điểm với quan lớn hơn mà chỉ làm khổ binh lính.
Giờ chót Tổng Thống không đến Căn Cứ Hoả Lực của tôi mà đổi ý bay về Phù Cát, tôi đoán vì lý do an ninh nguy hiểm cho bản thân Tổng Thống. Mọi sự đã yên bề, tình hình đánh nhau lắng dịu, Tổng Thống hết đến tôi bèn lợi dụng thời cơ xin phép vị Tiểu Đoàn Trưỡng của tôi cho nghỉ phép thường niên vì suốt năm qua bận hành quân trên Cao Nguyên chưa được nghỉ.
Tôi bàn giao đơn vị cho người Pháo Đội Phó trông coi Pháo Đội vẫn đang chiếm đóng như lúc chuẩn bị đón Tổng Thống. Cầm tờ giấy phép thường niên 15 ngày tôi bay về Sài Gòn và coi như trút hết “nợ đời sau lưng“.
Đang mới nghỉ được có một nửa thời gian, Đài Phát Thanh loan tin Cộng Quân tấn công Thành Phố Banmêthuột trong đêm 10 tháng 3 năm 1975. Cùng lúc tôi nhận được điện tín từ Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn cho biết “Pháo Đội của tôi bị tấn công tràn ngập và tan hết một nửa gồm có quân sĩ và chiến cụ trong đó có một Sĩ Quan Trung Đội Trưởng mà tôi rất yêu mến”.
Tôi thay đồ trận vội vàng vào Bộ Chỉ Huy Pháo Binh nằm trong Biệt Khu Thủ Đô để hỏi diễn tiến xảy ra rõ ràng hơn. Cùng lúc tôi đón quan tài của người Hạ Sĩ Quan Khẩu Trưởng vừa chết trong trận ấy được đưa về Sài Gòn. Đến an ủi chia buồn cùng gia đình và tôi quyết định mua vé máy bay để trở lại đơn vị mặc dầu tôi còn bảy ngày phép thường niên chưa hết.
Cả nhà vợ ai cũng ngăn cản không cho tôi ra đơn vị sớm, nhưng tôi không thể ở lại và tâm hồn bình thản được khi đơn vị của tôi vừa tan nát. Chuyến bay muộn từ Sài Gòn đến Qui Nhơn đã chiều tối.
Không khí phố xá Qui Nhơn đang bị bao trùm bằng không khí chiến tranh chết chóc thật buồn thảm vì đang lúc này các mặt trận đang diễn ra lung tung cùng một lúc với Cộng Quân đang cố tấn công và chiếm giữ BanMêThuột.
Các giường bệnh nhân trong Quân Y Viện Qui Nhơn đã đầy ấp các thương binh từ các mặt trận đưa về. Tinh thần dân chúng như có phần xôn xao chạy ngược chạy xuôi mặc dù bây giờ chỉ đúng vào giữa tháng ba /1975.
Tôi trình diện đơn vị trong niềm tự hào “tinh thần lo cho đơn vị hơn là cho riêng mình”, Vị Tiểu Đoàn Trưỡng cũng biết tôi còn phép nhưng về đơn vị sớm hơn. Nhưng ông ta nói một câu nghe chán phèo ”Chắc tôi không bao giờ cho anh đi phép nữa đâu“ Tôi hỏi tại sao, ông ta trả lời ”mỗi lần anh rời đơn vị là đơn vị có chuyện không lành xảy ra“. Rõ ràng đúng như vậy, đã ba lần tôi vắng mặt là ba lần xui xẻo, chết chóc lại mò về, còn có tôi thì tứ bề may mắn. Ngưòi ta bảo là có cái số cầm quân và không “sát quân”.
Tôi bảo “Tháng Ba Nghiệt Ngã” bởi vì tất cả ngày, giờ của Tháng Ba đều khiến tinh thần tôi căng thẳng, vật lộn với cái chết và sự sống. Sau khi trở lại đơn vị tôi chỉnh đốn đơn vị cấp tốc về nhân sự và nhận lãnh vũ khí đạn dược khí cụ xe cộ mới chưa xong đâu vào đâu thì Lệnh từ Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn đưa xuống, đêm nay lúc 10 giờ phải “Thế Lên Đường đến chân Đèo Mang Giang thay thế cho một đơn vị Pháo Binh của Tiểu Đoàn bạn vừa bị cháy 12 khẩu đại bác.”
Địch quân muốn cắt đứt con đường Quốc lộ 19 từ Qui Nhơn đi Pleiku một cách quyết liệt. Tôi biết nếu 6 khẩu đại bác của tôi thay thế số đại bác vừa bị cháy bằng trận pháo kích chính xác của địch cũng trên vị trí này thì hoá ra mình tự sát. Tôi cho chiếm đóng vị trí ban đêm khi địch chưa biết tôi đến. Nhưng phải tác xạ yểm trợ quân bạn ngay thì làm sao giấu được tông tích vị trí đóng quân của mình.
Sau khi cả 6 khẩu đồng loạt bắn yểm trợ quân bạn chừng hai giờ đồng hồ, tôi tự ý cho di chuyển một nửa Pháo đội đến chiếm đóng vị trí ở một chỗ khác. Ba khẩu này sau khi sẵn sàng tác xạ thì tôi cho di chuyển ba khẩu còn lại đến một chỗ mới. Di chuyển để làm cho địch không theo kịp dấu vết vị trí đóng quân của tôi.
Bộ Binh mỗi khi di chuyển chỉ cần cái Balô và cây súng, còn Pháo Binh rất nhiêu khê tốn nhiều công sức vì phải dọn dẹp vác đạn, dụng cụ mỗi khi có “Thế Lên Đường“. Pháo Thủ lúc này mệt ứ hơi không nói thành lời và muốn ngất xỉu.
Đến sáng ra có lẽ bọn quan sát viên của địch đã bám theo được đơn vị tôi và bắt đầu pháo kích, trút lên đầu vô số đạn pháo địch các loại. Đơn vị của tôi có hai ngàn quả đạn đại bác luôn luôn đi theo sáu khẩu súng không kể các loại đạn cơ hữu phòng thủ cho riêng mình, cho nên mỗi lần di chuyển rời vị trí là việc khá cực nhọc, đổ nhiều mồ hôi cho nhân viên pháo đội. Được một điều lính rất tuân hành lệnh răm rắp và hăng hái chiến đấu trong niềm vui dẫu từng trái đạn địch rớt xung quanh. Trong giây phút này câu nói rất đúng ý nghĩa “Trời kêu ai nấy dạ“ và hoàn toàn không còn sợ chết.
Ban ngày tôi vẫn phải cho lệnh chia đôi đơn vị và thay nhau yểm trợ thay nhau di chuyển chiếm đóng vị trí khác để địch không theo và tìm ra chỗ đóng quân kịp. Một lần trong lúc đang tác xạ , đoàn xe của Tiếp Vận chở đạn Pháo Binh đến, có tới ba ngàn quả đạn còn trong thùng gỗ. Đích thân tôi leo lên xe GMC đứng trên đống thùng đạn để quan sát số lượng đạn vừa tiếp tế có đúng như loại đạn yêu cầu hay không.
Địch tức tốc pháo kích đến ngay và điều kỳ diệu tuyệt vời là một quả 82 ly của địch rớt ngay dưới chân tôi ngay trên những thùng gỗ đựng đạn 105 ly MÀ KHÔNG NỔ. Nếu nổ thì chuyện gì xảy ra ? Chiếc xe chở đạn cũng nổ tung và ba ngàn quả đạn vừa chở đến cũng nổ giây chuyền theo cùng với đạn dược khí cụ của cả Pháo đội cũng tan tành, và nhất là thân xác tôi cũng tan nát thành mảnh vụn không thể tìm ra vì tôi đứng trên xe đạn.
Chuyện gì đã làm cho quả đạn của địch không nổ? chỉ có hồn thiêng sông núi, chỉ có vong linh của kẻ khuất mặt đã che chở và làm nên chuyện ấy. Tôi rất tin vào CÁI SỐ CHƯA CHẾT của tôi.
Lệnh ở trên bảo tôi chiếm đóng ở đây và yểm trợ cho quân bạn ở đây. Đang giành giựt cái sống và sự chết cho cả quân nhân trong đơn vị và cho cả riêng mình vì phải vừa tác xạ yểm trợ vừa di chuyển chiếm đóng vị trí nguỵ trang cho quân địch khó “đi theo“. Bất ngờ lại nhận lệnh di chuyển ra Căn Cứ Thiết Đính tuốt ngoài quận Hoài Nhơn, Bồng Sơn.
Vậy là phải khăn gói lên đường, vẫn phải mang theo đạn cho đủ để bắn cho nên thấy lính vác đạn lên xe cực kinh khủng. Nhưng khi đến chỗ mới cũng phải vác xuống và bắt buộc cất giấu trong hầm đạn có nấp đậy. Lệnh rõ ràng rằng “không được để đạn phơi ngoài trời chỉ vì sợ bị pháo kích bị nổ. Người ra lệnh không có làm nên không mệt, chỉ có người thi hành mới mệt.
Tôi không hiểu nổi tình hình ra sao mà thay đổi căn cứ hoả lực liên tục. Họ đã cho tôi “thế lên đường” chỉ sau hai đêm ở Thiết Đính (một địa danh nằm cạnh con đường từ Bồng Sơn đi đến Quận An Lão, một quận đã bị bỏ và di dời dân lâu rồi)
Tôi kéo Pháo Đội vào đóng sau lưng Quận Đường Hoài Nhơn (Bồng Sơn) và yễm trợ cho các cánh quân của Trung Đoàn 47 đang chịu trách nhiệm cho vùng lãnh thổ này. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn đóng trên đồi Phù Cũ, xếp lớn chỉ huy trực tiếp về Pháo Binh của tôi cũng đang tại Phù Cũ và lệnh nào tôi cũng nhận trực tiếp từ đây.
Bắn yểm trợ cho các cánh quân Trung Đoàn và các Đại Đội, Liên Đội Địa Phương Quân quanh vùng, mới đầu dùng thuốc nạp 5 tức là quân bạn chạm địch chỉ cách súng chừng tối đa 7 cây số, sau cứ rút dần rút dần ngắn lại, như vậy có nghĩa quân ta đang lui dần về gần với đại bác, cuối cùng chỉ bắn với nạp 1. loại thuốc bồi tối thiểu có tầm xa nhất ba ngàn mét và gần nhất một trăm mét. Tôi đã cảm thấy quân địch đã đến rất gần mình.
Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn biết được sự nguy hiểm khi địch tiến quá gần căn cứ hoả lực cho nên lệnh cho tôi di chuyển về phía nam cầu Bồng Sơn. Lại một phen “ Thế Lên Đường “ nữa, tôi không phải vác đạn như lính nhưng tôi cũng thấy mệt đừ ống điếu như lính. Không muốn thi hành lệnh cũng không được, và thi hành nhưng không vác đạn lên xe cũng không dám làm trưóc sự chứng kiến cái vất vã của binh sĩ.
Tôi chọn một chỗ có địa thế khả dĩ đóng được cho 6 khẩu bên bờ sông Lại Giang, chỗ này người ta gọi là Ngã Ba Cầu Vợi. Tôi rành lắm biết rất rõ với địa danh này vì bốn năm trước đây tôi đã đóng quân tại Quân Hoài Ân hai năm trường. Từ ngã ba Cầu Vợi đi bằng con đường đất đỏ chạy dọc ngoằn ngoèo theo con sông Lại Giang chừng 10 cây số sẽ đến Quận Hoài Ân. Giờ này Hoài Ân cũng đã do địch chiếm rồi.
Tại Cầu Vợi cũng chỉ được một ngày chưa trọn thì được lệnh di chuyển về hướng Nam. Trước khi lên đường tôi nhận lệnh “Phải Bắn Sập Cầu Bồng Sơn” để ngăn chận sự tiến quân của quân phương Bắc.
Pháo Binh sau khi “tác xạ chuẩn định chính xác” có thể bắn gãy một cành cây cách xa 10 cây số. Rất chính xác, đúng với sách vở và quân trường với điều kiện Giải Điện Văn Khí Tượng Nato, biết hướng gió, biết tốc độ gió, biết tỷ trọng không khí, loại trừ yếu tố sự quay của trái đất cũng như nhệt độ không khí thì đưa một quả đạn xa trên 10 cây số đến trúng một cục đá một cành cây là điều dễ dàng.
Nhưng trong điều kiện đang đánh nhau như bây giờ để làm sập một chiếc cầu thì hoàn toàn không dễ chút nào. Tôi nói rất rõ ràng trong ống liên hợp “cần mộ Sĩ Quan Đề Lô điều chỉnh thật chính xác” của một trong các cánh quân gần Cầu nhất. Đơn vị tôi vừa tác xạ vừa dọn dẹp chuẩn bị Thế Lên Đường ngay sau đó. Cũng phải vất vã và tốn nhiều loạt điều chỉnh mới có thể trúng mục tiêu. Tôi đã nghe tiếng hét lớn trong sự vui mừng là “trúng rồi trúng rồi. Nó gãy một nhịp rồi”.
Coi như nhiệm vụ đã hoàn thành và chúng tôi cuốn gói lên đường di chuyển về Đèo Phù Cũ. Hỏi rõ đến Đèo Phù Cũ chờ lệnh hay chiếm đóng vị trí? Không ai quyết định lệnh này nhưng nguyên tắc vẫn phải “gióng” hướng súng và quay nòng súng về hướng Bắc để yểm trợ cho các cánh quân còn ngoài đó. Gióng hướng súng thì gióng nhưng tôi không cho lệnh vác đạn hết xuống xe vì e lát nữa lại phải vác lên xe tội nghiệp cho lính.
Đúng y như rằng chỉ bắn được vài tác xạ là phải di chuyển vào hướng Nam nữa. Lần này di chuyển ban đêm nhưng lệnh không cho mở đèn xe. Mỗi xe có một người lính cầm đèn pin đi bộ phía trước xe mà đi lui để hướng dẫn từng chiếc xe chạy rất chậm. Y chang một cuộc triệt thoái “âm thầm len lén” thiệt là ngộ.
Đến Căn Cứ Vạn An. một căn cứ thấp đơn sơ của đơn vị Địa Phương Quân đã bỏ trống, cho lệnh dừng lại và ngủ qua đêm. Tôi liều mạng không cho tất cả đạn xuống xe mà chỉ một ít để phòng thủ và bắn yễm trợ cho Bộ Binh ngoài hướng Bắc khi cần. Nếu đêm nay Địch ào ạt tấn công đơn vị tôi, coi như bị nướng hết vì tất cả đều rã rời và “ngay đơ cán cuốc” vì quá mệt và mất ngủ từ nhiều ngày… Rất may mắn qua một đêm vô sự.
Sáng sớm Pháo Đội di chuyển vào Đèo Nhông, khi vừa lên gần hết dốc đèo thì bị loạt đạn đại liên hay phòng không địch chận lại. Tất cả tỉnh người và tháo súng ra khỏi xe hạ nòng quay càng trực xạ. Sáu khẩu đại bác trực xạ cùng một lúc thì có giun dế cũng đi đời huống chi mấy người “ngậm ống đu đủ”
Tuy nhiên bên phía hưóng tây, một lực lượng địch quân khá mạnh đã trấn áp chúng tôi tức khắc, họ từ một ngọn núi khác. Có thể vuợt qua cái nút chận này để tiếp tục di chuyển dễ dàng như phía trước Bộ Binh đang đánh đấm tưng bừng. dường như có một nút chặn phía trước thì phải nên đoàn xe dậm chân tại chỗ. Pháo Binh vừa lo tự tác xạ phòng thủ vừa Bắn Yểm trợ quân bạn cho nên cũng mệt đừ.
Điều đặc biệt tại đỉnh Đèo Nhông có vô số người dân đã di tản, họ bỏ thành Phố Tam Quan, Bồng Sơn lánh nạn Cộng Sản, đến đây thì bị kẹi lại vì khoảng đường từ đây đến gần Phù Mỹ đã bị địch chiếm làm nút chặn khá lớn.
Cuối cùng cũng đã giải tỏa được nút chặn ấy do sự quyết tử can đảm của Trung Đoàn. Đoàn xe lăn bánh, khắc nghiệt thay tất cả xe đều bị ngưòi dân leo lên đầy nghẹt thậm chí có xe không còn chạy được. Bỏ Đồng Bào lại không được, tội nghiệp quá chừng, mà chở đi cũng không hết. Tôi chỉ cho chở đủ số người hết mức, còn bao nhiêu phải đi bộ theo sau xe, chạy ban đêm rất chậm.
Khoảng 10 giờ đoàn xe vào được Căn Cứ Trà Quang, một căn cứ của Trung Đoàn 41 Bộ Binh đồn trú bấy lâu, nhưng nay hoàn toàn trống vắng. Đoàn xe vừa quẹo vào ngang cổng trại thì bị Địch phát giác và chào đón bằng 82 ly. Một bánh xe của khẩu đại bác bị xep, vẫn tiếp tục vào bên trong.
Tìm một khoảng đất trống để hạ càng, chiếm đóng vị trí gióng hướng súng ngay tức thì để yểm trợ cho các cánh quân còn ngoài xa đang chạm địch. Vào được trong căn cứ Trà Quang cũng thấy yên tâm đêm nay.
Sáng ra không đóng súng trong căn cứ mà kéo ra ruộng gióng huớng súng bắn yểm trợ cho quân bạn, cũng với chiến thuật di động không đóng một chỗ lâu, chiều tối rút về trong Căn Cứ Trà Quang. Tôi lái xe đi vòng quanh phố thị Phù Mỹ, thiệt là tang thương thảm nảo làm sao, có lẽ chỉ còn lại những ngưòi dân nào của phía bên kia mới còn đang ở lại. Đa số cửa đóng then cài và đã ra đi. Cảnh hoang tàn trông thật thê lương. Nhưng ông Quận Trưởng kiệm c hi Khu Trưởng thì vẫn còn ở lại. Ông thấy chúng tôi đến chiếm đóng thì mừng lắm.
Ngày thứ ba, buổi sáng sớm nhận lệnh Pháo Đội sẵn sàng di chuyển về hướng nam, nhưng hướng súng vẫn hướng theo bộ binh để sẵn sàng tác xạ. Khi nào có lệnh mới “thế Lên Đường“. Pháo đội được lo cơm nước xong xuôi và túc trực chờ lệnh xin tác xạ từ Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Trung Đoàn hay còn gọi là Trung Tâm Phối hợp Hoả Lực do một ông Trung tá Tiểu Đoàn Trưỡng Pháo Binh chỉ huy.
Chờ mãi hai giờ đồng hồ không thấy lệnh lạc gì hết, tôi gọi Trung Tâm Phối Hợp Hoả Lực hỏi tại sao chưa có lệnh. Bây giờ họ mới ngớ ra là quên ra lệnh cho tôi di chuyển.
Không còn một đơn vị Bộ Binh hay thiết Giáp nào hộ tống cho đơn vị Pháo Binh của tôi khi di chuyển, đó là một sự sai sót không nhỏ không thể tha thứ trong chiến thuật hành quân. Tôi cho lệnh “Thế Lên Đường”.
Vừa chạy ngang qua khu Địa danh Nhà Thờ Đỗ, đoàn xe bị địch từ bên trong bắn ra coi như bị phục kích. Tất cả ngừng lại và binh sĩ nằm hai bên đường bắn trả.
Tôi gọi phía trưóc hỏi có bị gì không, còn tôi bị phục kích, có thể tiếp tục đi được không? Họ bảo cứ tiến về phía trước. Kể từ giờ phút này các tài xế bắt đầu hoảng sợ và tăng tốc độ. Chiếc xe jeep của tôi đi đầu phía sau có ba người lính hộ tống, Khi đến gần chiếc Cầu mà thường gọi là Cầu Cương. Nó đã bị sập từ nhiều năm trước, Công Chánh làm một đường chạy tạm bên tay trái. chiếc cầu cao vài mét và dài chừng hai chục mét, hai bên đường tạm có hai con mương thoát nước dọc theo con đường đất chạy tạm, cỏ lau sây mọc cao gần cả thước. Phía bên kia đầu cầu là một lô cốt của lính Địa Phương Quân gác cầu nhưng hôm nay đã bỏ trống.
Chiếc xe của tôi chạy đến sát đầu cầu mà người tài xế xem ra chưa nhìn thấy cầu đã bị sập. Nếu không nhanh tay có thể chiếc xe lọt xuống cầu và cũng chết là cái chắc vì chiều cao của nó.
Tôi la lớn “ Cầu Sập” và tay tôi tự động nắm tay lái bẻ cua về trái rất mạnh. Một quả B 40 từ đầu cầu bên kia trúng chiếc xe của tôi làm lật nhào. Chiếc nón sắt của tôi văng đâu mất không tìm thấy. Tôi đảo mắt nhìn đã thấy tất cả năm ngưòi trên xe đều bị thương do quả B 40 ấy. Trên người tôi đã thấy nhiều chỗ ra máu nhất là nơi cườm tay ra nhiều nhất. Một mảnh lớn đã lọc sau vào chính giữa cườm tay. Các mảnh khác đa số nằm trên chân và đùi.
Tôi chụp vội cây súng M 16 bò nhanh dọc theo con mương bên đường đất đỏ có lau sậy che khuất. Tôi bò tiến dần về cái lô cố, Chỉ còn cách chừng 7 thước tôi dừng lại. Lúc này là “bò ngữa“ như cách học trong quân trường Bộ Binh.
Tôi nằm sấp ngước đầu lên nhìn cái lô cốt, những tên VC đang trong ấy và nhô ra bắn về hướng đoàn xe đã bị chận lại bởi chiếc xe của rôi nằm giữa đường. Họ chui trốn vào bên trong lổ châu mai mỗi khi bị bắn trả. Một mình tôi nằm đây cũng có thể bắn rất chính xác từng tên một khi họ nhô ra khỏi lô cốt. Tôi đưa cây M 16 lên nhắm bắn thì vết thương rất nặng bên tay trái đang ra máu nhiều làm gục cánh tay xuống, không đỡ nổi cây súng.
Biết là bị bất lực tôi chỉ còn biết nằm im nhìn hai bên bắn nhau, tôi chỉ thấy từng ngưòi lính địch nhô ra bắn mà không hề nhìn thấy lính của tôi vì đang ở xa nhiều. Còn cây rulô tôi cầm tay và nghĩ nếu nó mò tới thì chỉ bắn cho đến khi hết đạn rồi tự sát, tôi nghĩ như vậy.
Thình lình tôi nhìn thấy ngưòi tài xế Kiều Xuân Ba đang loay hoay chổ chiếc xe lật của tôi chắc là đang tìm kiếm tôi. Kiều Xuân Ba là người tài xế rất trung thành luôn luôn kề cận bên tôi bất kể giờ giấc ngày đêm mỗi khi tôi đi tuần tiểu, Anh ta lái xe Jeep cho tôi nhưng khi biết được Kiều Xuân Ba có máu mê đánh bài thì bị đổi qua lái xe kéo súng.
Tôi cố gắng gọi to “Xuân Ba“, hắn ta quay về phía tôi và phát giác ra tôi đang bị thương. Hắn ném một trái lựu đạn ra phía ruộng và tức tốc chạy về chỗ tôi nằm. KIều Xuân Ba ngồi đưa lưng đối diện với Lô Cốt băng vết thương nơi cườm tay, vừa nhét được đoạn cuối cuộn băng vào trong thì nghe Kiều Xuân Ba ngả xuống một cái “bịch“, hắn chết tức thì mà tôi không kịp nhìn xem bị bắn ở chỗ nào.
Bằng phản xạ tự nhiên tôi lại ngóc đầu lên nhìn xem ai bắn nó. Địch vừa bắn Kiều Xuân Ba xong chắc đang chú ý đến chổ tôi nằm, cho nên tôi vừa ngóc đầu lên tức thì lãnh ba viên AK cùng một lúc. Tôi nghe một tiếng CHAT rất lớn bên tai, chỉ kịp chụp bàn tay vào chỗ vừa bị bắn, tôi cảm nhận bị ướt.
Không hề có cảm giác đau nào hết, ngay lúc này mắt tôi mù hẵn không nghe không thấy ánh sáng mặt trời. Tôi còn kịp biết là mình sẽ chết, tôi hiểu được chết là gì trong cái tích tắc này. Tôi còn kịp nhớ đến người Vợ và Cha Mẹ, tôi nói thầm “anh chết rồi em ơi “. Sau đó tôi bất tĩnh hoàn toàn xem như đã chết. Cũng ngộ lắm ba viên AK bắn từ sau ót có ba lổ khác nhau mỗi lổ cách nhau chừng một centimet, ba lổ đạn tạo hình vòng tròn. Nhưng cả ba viên đạn cùng chui ra phía trước mặt chỉ tạo thành một lổ hỏng lớn bên hàm má trái. Có lẽ ba viên chui ra một chỗ cho nên đã phá xương hàm tạo nên cái lổ ra lớn.
Không biết đã bao lâu, tự nhiên tôi tĩnh lại và nghe tiếng súng nổ, tôi thấy ánh sáng mặt trời, vậy là mình chưa chết. Tôi chợt nghĩ “ tại sao mình phải nằm đây mà không bò về chỗ lính của mình “. Thế là tôi nhớ lại kiểu Bò Hoả Lực từ trong trường Bộ Binh. Tôi bò ngữa và tay vẫn giữ khẩu súng rulô. Khi nào thấy phe địch nhô người ra bắn thì tôi nằm im vì bò nằm ngữa mắt hướng về lô cốt.
Bò cho đến chiếc xe, tôi còn tìm cái ống liên hợp để gọi Trung Đoàn, nhưng máy truyền tin hư rồ, liền ngay đó lính Pháo Đội thấy tôi, họ dồn hoả lực về phía lô cốt tối đa không cho địch nhô người ra để hai người lính chạy đến khiêng tôi về phía sau đặt nằm thấp ra khỏi tầm nhìn của địch quân.
Pháo đội gọi y tá đến băng các vết thương, trong khi tôi hỏi “Trung Uý Sinh đâu?“ Lính nói dạ Trung Uý ở phía sau. Tôi bảo gọi Trung uý Sinh lên đây và mang theo cái máy PRC 25. Tôi nói với Sinh “sao anh không trực xạ cái lô cốt, tụi nó nằm hết trong đó.” Trong khi Sinh đi lo trực xạ thì tôi gọi báo cho Trung Tâm Phối hợp Hoả Lực Trung Đoàn biết đơn vị tôi bị phục kích cần yễm trợ.
Tôi yêu cầu một Pháo Đội đang đi bên cạnh Trung Đoàn quay súng ngược lại bắn yểm trợ cho tôi. Họ hỏi bắn ở đâu, thay vì tôi cho toạ độ , tôi nói bạch văn bắn hai bên Cầu Cương cách 500 mét. Tôi sợ bị địch xung phong nên bắn chận mà không cần biết có địch ở đó hay không. Chỉ vài phút quay càng súng, đạn đã đến bên tôi.
Trung Sĩ Nhất Linh người Hạ Sĩ Quan văn Phòng tiền cứ cầm một cây AK đến trước mặt tôi và nói “Tuị nó chết hết rồi Đại úý, súng nè Đại uý coi “ . Tôi ừ hử cho qua chuyện. Ngay lúc bấy giờ tiếng người Trung Tá Tiểu Đoàn Trưỡng Pháo Binh Trung Tâm Phối Hợp Hoả lực muốn gặp tôi : “Anh dùng M 14 đi, đằng trước cũng vậy.” Cả một đời lính không bao giờ muốn được nghe cái lệnh này. Tô sa sầm mặt và thở ra buồn chết được. Đó là khẩu lệnh dùng lựu đạn M 14 để đốt cháy nồng súng đại bác.
Tôi hiểu được tình trạng thê thảm phía trưóc ra làm sao rồi. Tôi gọi Trung Uý Sinh truyền lại khẩu lệnh ác quái này: ”Anh thi hành M 14 đi. Và ssau đó anh thu xếp để đưa cả Pháo Đội về tới Tiểu Đoàn nghe anh”. Tôi cầm máy xin trực thăng tản thương. Phía trưóc nói giờ này không có trực thăng gì nữa cả.
Vậy là Sinh ra lệnh tìm một chiếc xe GMC nào còn có thể chạy được mặt dù tất cả đều trúng đạn, tôi nằm trên băng ca 7 người lính nằm dưới sàn xe trong đó có một thiếu uý. Người Y Tá Pháo Đội được giữ lại để đi cùng Pháo Đội sau khi vứt bỏ hết quân trang cho nhẹ chỉ mang theo súng đạn và đi trong đội hình.
Tôi và tất cả đều nghĩ rằng mọi ngưòi đều bằng an về tới hậu cứ còn tôi thì được vào bệnh viện . Nhưng tất cả đều không phải vậy, và lần chia tay ấy coi như vĩnh viễn xa nhau cho đến bây giờ.
Chiếc GMC chở tám người chúng tôi đi trên đường máu ra nhiều quá tôi không còn thấy gì nữa và khát nước chưa từng thấy bao giờ.
Đúng như tựa đề bài viết “Tháng Ba Nghiệt Ngã“, tôi không được may mắn như các Sĩ Quan khác trong cùng đơn vị mà phải trả cái giá quá đắt trước khi kết thúc cuộc đời lính của tôi với ngày 31/3/1975 . Nhưng cái số vẫn còn Sống khi mà bị bắn một quản đạn B 40 có 6 mãnh đạn cắm vào người , sau đó bị bắn ba viên AK vào sau ót. Xe chở đi một đoạn rồi người ta khiêng qua bên kia suối bỏ lên trên một chiếc GMC khác của Bộ Binh. Xe chạy được một lúc, cũng bắn vào xe. Tất cả đều chạy bộ.
Tôi đang tuyệt vọng nằm trên thành xe không nhìn thấy gì nữa khi từng đoàn người mạnh ai nấy chạy ngang qua. Bỗng có tiếng người lính của tôi gọi lớn và bảo tôi lết gần đuôi xe để anh ta cõng tôi đi.
Con đường dài còn những 35 cây số nữa làm sao mà cõng tới Qui Nhơn. Thế mà cũng đến được vào phi trường Phù Cát. Có một chiếc trực thăng đang nổ máy đầy người lính trên ấy. Lính của tôi bỏ tôi lên trực thăng, tôi nằm trên cổ trên vai của những người lính bộ binh. Thế rồi trực thăng có lẽ cất cánh không nỗi hay cánh quạt chặt vào cành cây vì nó đang đậu gần cây cổ thụ.
Trực thăng rớt xuống, cánh quạt chặt đứt đôi hai người lính đã khiêng tôi bỏ lên trực thăng. Khi trực thăng cất cánh họ chỉ xê ra chút xíu, và khi trực thăng rớt đã chặt rất ngọt vào hai cái thân người không còn thấy phần trên cơ thể ở đâu.
Nghiệt Ngã nhưng vẫn có nhiều may mắn vì còn có được người cứu mình cõng mình đi, còn được sống sót khi trực thăng rớt mà mình không chết, trong hai người quân nhân của mình lại xấu số chết không toàn thây.
Suốt cả đời lính hơn chin năm, tôi nghĩ rằng chỉ trong tháng ba này là một dấu ấn đậm nhất của tôi với quá nhiều cực nhọc căng thẳng tinh thần, và gần như đã bị chết. Nhưng sao cái số của tôi còn may mắn không chết vào những giây phút thật nguy hiểm ấy. Có một bài viết “CHẾT CÓ SỐ” đã nói rõ chi tiết hơn. Cả Nước đắm chìm trong đau thương và không ai có thể không đau buồn về một ngày Quốc Hận 30/4. Còn tôi nó sớm hơn một tháng, tôi “lận đận” đúng ngày 31/3, ngày giã từ vũ khí và bị thương nặng.
Nguyễn Trãi
No comments:
Post a Comment