Chiến thắng cứ điểm 711-601 năm 1974: Xứng đáng là di tích lịch sử cấp tỉnh
(GLO)- Cuối tháng 4 vừa qua, các cựu chiến binh của Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 đã tham gia hội thảo khoa học về di tích “Chiến thắng cứ điểm 711-601 năm 1974” do UBND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) tổ chức. Ý nghĩa của chiến thắng cũng như ký ức về một thời chiến đấu được các cựu chiến binh chia sẻ với mong muốn cứ điểm này sớm được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nơi ghi dấu ấn lịch sử
Di tích “Chiến thắng cứ điểm 711-601 năm 1974” ở khu vực làng Siêu (nay là thôn 4, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) ghi dấu thắng lợi trận đánh ngày 15 và 16-4-1974 của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320). Đại tá Nguyễn Thế Tân-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320-cho biết: “Trận đánh cứ điểm 711-601 năm 1974 là trận đánh tiêu biểu cho tinh thần tiêu diệt gọn, làm chủ chiến trường của Trung đoàn 48. Trận đánh đã làm phá sản âm mưu chiếm lại Chư Nghé-Đức Cơ của Quân đoàn 2 ngụy. Đây là đòn trừng phạt thích đáng cho hành động cố tình phá hoại Hiệp định Paris của chúng”.
Trung tướng Khuất Duy Tiến (bìa phải)-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Trưởng ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng thông tin về diễn biến trận tiến công cứ điểm 711-601 với các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Phan Lài |
Tháng 11-1973, địch củng cố và xây dựng khu vực phòng ngự ở phía Tây Nam Pleiku bao gồm cứ điểm Lệ Ngọc (nay thuộc làng Pó, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) án ngữ trục đường 20 (nay là tỉnh lộ 663). Trên trục đường 21 từ căn cứ ở Phú Mỹ đến đồn Plei Me, địch xây thêm cứ điểm 711-601 để tạo thành tuyến bảo vệ khu vực Tây Nam Pleiku và đường 14. Cứ điểm 711-601 có vị trí khá lợi hại, cắt huyện 5 (cũ) của tỉnh Gia Lai thành 2 vùng Nam-Bắc. Tại cứ điểm này, trên 4 hướng, địch có thể phát hiện, ngăn chặn mọi hoạt động của ta, đặc biệt là vào ban ngày. Hai bên sườn của cứ điểm có 2 con suối: suối Ia Muen chạy từ ngã ba Phú Mỹ, dọc phía Tây đường 21 (cách mặt đường 200-2.000 m, mặt suối rộng 3-5 m, sâu 0,4-0,8 m) và suối Ia Thyoa ở phía Đông đường 21, chạy từ Bắc xuống Nam (cách mặt đường khoảng 1.000-2.000 m). Đây là 2 vật cản tự nhiên vô cùng lợi hại cho cứ điểm của địch.
Nhận rõ vị trí chiến lược của cứ điểm, quân ta quyết tâm đánh chiếm để bảo vệ an toàn vùng căn cứ và mở rộng vùng giải phóng. Trung đoàn 48 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm này. Thời gian chuẩn bị cho trận đánh chỉ trong 3 ngày (từ 12 đến 14-4). Trung đoàn quyết định tổ chức thành 5 bộ phận tiến công đột phá, chặn viện từ xa, nghi binh dương công, hỏa lực và dự bị; tăng cường súng chống tăng B40, B41 cho các đơn vị, đề nghị pháo 85 mm bắn xe thiết giáp từ xa; các tổ diệt xe thiết giáp được tăng cường thêm mìn chống tăng, sẵn sàng đặt mìn chống tăng ở các vị trí mà xe thiết giáp chuyển vị trí hoặc rút chạy.
Từ 5 giờ 23 phút ngày 15 đến 14 giờ ngày 16-4-1974, Trung đoàn 48 và các đơn vị của ta đã chiến đấu liên tục, làm chủ hoàn toàn cứ điểm 711-601. Trong trận này, ta tiêu diệt tại chỗ 341 tên địch, bắt sống 76 tên, bắn cháy và phá hủy 17 xe M113, 12 xe GMC và xe kéo pháo, bắn rơi 6 máy bay địch, thu 1 pháo 155 mm, 1 cối 106,7 mm và nhiều phương tiện chiến tranh. Về lực lượng của ta có 19 đồng chí hy sinh, 118 đồng chí bị thương. Chiến thắng cứ điểm 711-601 của Trung đoàn 48 đã góp phần cổ vũ tinh thần quyết tâm giết giặc lập công, giữ vững vùng giải phóng phía Tây Nam Gia Lai, tạo niềm tin vào ngày thắng lợi.
Công trình tri ân
Trước khi tổ chức hội thảo, đại diện lãnh đạo UBND huyện Chư Prông và Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng đã tham quan thực địa di tích tại thôn 4, xã Ia Tôr. Hiện tại, các lô cốt, hầm, hào giao thông… đã bị hư hỏng, vùi lấp theo thời gian. Toàn bộ đất khu vực này đang được các hộ dân trồng trọt, chăn nuôi. Năm 2021, Ban liên lạc cũng đã khảo sát thực địa và được người dân làm rẫy khu vực này cung cấp một số hiện vật tại di tích như: mảnh vỡ súng chống tăng M72 LAW; 1 viên đạn 12,7 mm còn nguyên đầu đạn; 1 đầu đạn súng ngắn; 1 đầu đạn AK 47 đã bị biến dạng...
Các cán bộ, cựu chiến binh Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng và lãnh đạo UBND huyện Chư Prông trên đường thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Phan Lài |
Là người chỉ huy một mũi tiến công cứ điểm 711-601 năm 1974 (mũi tiến công này đã thu được chiến lợi phẩm là khẩu pháo 155 mm của địch đang được trưng bày ở nhà truyền thống Sư đoàn 320), ông Nguyễn Duy Việt-cựu chiến binh Trung đoàn 48-cho biết: “Năm 2016 và 2018, Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng đã tổ chức chuyến thăm lại chiến trường xưa cho các cựu chiến binh và khảo sát khu vực diễn ra trận đánh này. Lần này, các cựu chiến binh tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn không ngại đường sá xa xôi để về tham gia hội thảo với mong muốn khu vực này có nhà bia di tích để ghi nhớ về trận tiến công và tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh”.
Ở tuổi 91, Trung tướng Khuất Duy Tiến-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Trưởng ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng vẫn luôn đau đáu về việc xây dựng bia di tích. Tại hội thảo, Trung tướng Khuất Duy Tiến cho biết: “Với truyền thống “giúp dân đánh giặc”, Trung đoàn 48 đã đánh thắng nhiều trận trên chiến trường Tây Nguyên. Chiến thắng cứ điểm 711-601 năm 1974 không những đánh dấu bước trưởng thành của các đơn vị mà còn cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết tâm giết giặc của quân và dân ta. Tôi rất vui mừng vì UBND huyện Chư Prông tổ chức hội thảo ý nghĩa này, lấy ý kiến để lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, là cơ hội để cán bộ, cựu chiến binh từng chiến đấu ở cứ điểm được trở về thăm lại chiến trường xưa. Tôi mong lãnh đạo tỉnh và các đơn vị có liên quan tạo điều kiện để di tích lịch sử “Chiến thắng cứ điểm 711-601 năm 1974” sớm được công nhận. Di tích sẽ giúp thế hệ mai sau hiểu và trân trọng quá khứ, nỗ lực trong học tập, lao động để đóng góp cho sự phát triển của quê hương”.
Về phía địa phương, ông Ksor Việt-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-khẳng định: “Ủy ban nhân dân huyện sẽ lập hồ sơ khoa học để đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xem xét trình UBND tỉnh xếp hạng, công nhận “Chiến thắng cứ điểm 711-601 năm 1974” là di tích lịch sử cấp tỉnh”.
No comments:
Post a Comment