Chiến dịch Ia Drang 1965
Võ Trung Tín
Trận Ia Drang (từ 28 Tháng Mười, 1965 đến 18 Tháng Mười Một, 1965)
Sau khi liên quân Việt-Mỹ đánh bật Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) ra khỏi vòng đai căn cứ Pleime và giải vây cho đơn vị trú phòng, ngày 27 Tháng Mười, 1965, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 đã phối hợp với Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Quân Khu 2 mở một cuộc hành quân quy mô tổng truy kích ba trung đoàn 32, trung đoàn 33 và trung đoàn 66 CSBV ở vùng núi Chu Prong. Nỗ lực chính trong cuộc hành quân này là một số đơn vị bộ chiến của Sư Đoàn 1 Không Kỵ (1st Air Calvary Division) Hoa Kỳ, trong đó có năm tiểu đoàn của các Trung Đoàn 7, 8, và một thành phần của trung đoàn 9. Cuộc hành quân xuất phát từ Pleiku trải rộng về hướng biên giới Miên Việt. Chỉ huy trực tiếp lực lượng xung kích của cuộc hành quân giai đoạn đầu là Đại Tá Harlow Clark, lữ đoàn trưởng của Lữ Đoàn I thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ. Nhiệm vụ chính của Lữ Đoàn là thực hiện các cuộc hành quân bộ chiến theo phương thức các đơn vị tác chiến được trực thăng vận (không kỵ) nhảy xuống trận địa từ trực thăng của các Đại Đội Trực Thăng cơ hữu để truy lùng và tiêu diệt địch quân.
Giai đoạn I: (All the Way: từ ngày 28 Tháng Mười, 1965 đến ngày 8 Tháng Mười Một, 1965)
Ngày 28 Tháng Mười, 1965, Lữ Đoàn I Không Kỵ được trực thăng vận chở đến phía Tây trận địa Plei Ia Priêng, Quynh Kla và suối Ia Mơ, nơi mà chiến đoàn VNCH trước đây bị phục kích trong trận công đồn đã viện Pleime của CVBV. Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn đóng tại đồn điền trà Catecka, nằm trên quốc lộ 19 và cách quốc lộ 14 độ 4km. Vùng hành quân rộng lớn đến 120 km2 được chia làm 3 khu vực nhỏ mang tên ba vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Hoa Kỳ: Shoe, Jim, Earl.
Ngày 1 Tháng Mười Một, 1965 lúc 7 giờ 30, các trực thăng thám thính phát giác sự hiện diện của cán binh Việt Cộng khoảng một trung đội lẩn khuất trong vùng thung lũng tại 10 cây số Tây Nam của trại Pleime. Lữ Đoàn 1 Không Kỵ ngay lập tức thả xuống một Đại Đội Trinh Sát chận đánh. Sau một cuộc chạm súng, quân Cộng Sản bị bất ngờ nên hốt hoảng bỏ chạy để lại 20 xác chết cùng 19 tên bị bắt sống. Cuộc hành quân tảo thanh liền được khai triển tiếp theo và quân Mỹ đã khám phá một bệnh viện dã chiến cấp Trung Đoàn tại phía Tây của trại Pleime khoảng 9km. LĐIKK đã đột kích bắt gọn toàn thể nhân viên và tịch thu nhiều tấn các trang bị, thuốc men và dụng cụ giải phẫu chế tạo tại các nước Cộng Sản còn mới nguyên tổng cộng trị giá khoảng $40,000.
Đến chiều, trong khi việc di tản chiến lợi phẩm bằng trực thăng tiếp diễn, một đơn vị Cộng quân cấp Tiểu Đoàn thuộc Trung Đoàn 33 âm thầm di chuyển tới gần và mưu toan bao vây và tấn công các vị trí đóng quân của Mỹ ngay tại bệnh viện (CSBV muốn cứu thoát một đại tá Cộng Sản, có thể là Đại Tá Hà Vi Tùng, đang bị thương nằm điều trị tại đây). Lữ Đoàn 1 KBKV tức thời điều động các đơn vị bao vây khu vực. Giao tranh ác liệt kéo dài suốt năm giờ liền. Đến gần sáng Cộng quân rút lui bỏ lại tại trận 250 xác, 44 tù binh, phỏng đoán có đến 200 bị thương rút về hướng biên giới Miên Việt. Trong trận nầy, phía Hoa Kỳ có 12 binh sĩ tử trận, 51 người bị thương, 8 trực thăng bị hư hại. Chiều ngày 2 Tháng Mười Một, các đơn vị Mỹ rút khỏi khu bệnh viện và tiếp tục truy lùng tàn quân Cộng Sản quanh quẩn lẩn khuất đâu đó.
Khu vực hành quân giai đoạn 1 của LĐIKK Hoa Kỳ
Chiếm được bệnh viện dã chiến của địch là một khám phá lớn của Sư Đoàn Không Kỵ, ngoài việc hủy diệt các lực lượng Việt Cộng, nó cũng đã cung cấp các tài liệu tình báo quý giá, đặc biệt là một bản đồ ghi rõ các đường tiếp liệu và tiến quân trong chiến dịch của CSBV.
Ngày 3 Tháng Mười Một, 1965, lúc 9 giờ đêm, Tiểu Đoàn 1/9 KBKV hành quân phục kích ngay trung tâm của vùng Chu Prông – Ia Drang đã chạm địch và tiêu diệt một đơn vị vận chuyển vũ khí cấp Đại Đội của Trung Đoàn 33 CSBV. Đến 9 giờ đêm, Tiểu Đoàn 8 thuộc Trung Đoàn 66 CSBV (Trung đoàn nầy vừa mới xâm nhập vào Nam từ Tỉnh Quảng Ninh sau hai tháng lội bộ) trở lại bao vây và tấn công Tiểu Đoàn 1/9 tại bãi đáp Mary, lực lượng hành quân chống trả mãnh liệt, giao tranh kéo dài đến 4 giờ sáng, Việt Cộng rút lui bỏ lại 112 chết (đếm được xác), hơn 200 khác ước tính chết và bị thương và 30 vũ khí tịch thâu.
Sáng ngày 4 Tháng Mười Một, 1965, hai Đại Đội B và D của Tiểu Đoàn 1/8 KBKV được trực thăng vận đến thay thế các đơn vị chạm địch từ hôm qua để truy kích địch quân và thu dọn chiến trường tìm thấy 22 xác Việt Cộng thuộc Trung Đoàn 33 chính quy.
Trong khi đó, Đại Đội B của TĐ2/12 KBKV cũng chạm địch tại gần vị trí bệnh viện đã khám phá một kho chôn giấu vũ khí quân trang quân dụng và thực phẩm tại 5 cây số phía Tây của Trại Pleime, gần cạnh sông Ia Meur. Việt Cộng bỏ lại tại trận địa 72 xác chết và một tù binh thuộc Trung Đoàn 66/SĐ304 chính quy CSBV vừa vượt biên giới vào Nam. Về phía Mỹ có 4 tử thương, 25 bị thương.
Lực lượng hành quân tiếp tục truy kích địch qua phía Bắc của bệnh viện dã chiến của Việc Cộng, các cuộc đụng độ gia tăng, Việc Cộng bắn sẻ vào các đơn vị của Tiểu Đoàn 2/8. KBKV, chiến sự giảm cường độ khi trời tối. Trong khi đó các tù binh bắt được khai báo Trung Đoàn 33 đang di chuyển về núi Chu Prong.
Ngày 5 Tháng Mười Một, 1965, Tiểu Đoàn 2/8 Cavalry được lịnh hành quân chận địch và Pháo binh yểm trợ được di chuyển từ Cavalair đến Falcon. Nhiều trận đụng độ đẫm máu xảy ra tại phía Bắc của sông Ia Meur giữa các đơn vị của Tiểu Đoàn 2/8 KBKV với Tiểu Đoàn 6 Trung đoàn 33 Cộng Sản kéo dài tới ngày 7 Tháng Mười Một mới chấm dứt. Tiểu Đoàn 6 thuộc Trung Đoàn 33 gần như bị tiêu diệt với 77 xác bỏ lại chiến trường (đếm được xác) gần 400 khác ước tính bị giết và bị thương. Mỹ phải dùng đến 3 chiếc Chinook để chở chiến lợi phẩm.
Từ ngày 6 Tháng Mười Một, 1965, Lữ Đoàn 1 KBKV tập trung cả 3 Tiểu Đoàn trực thuộc càn quét vùng chạm địch có diện tích khoảng 2,500 km2 trong ba ngày liên tiếp, hy vọng tiêu diệt các Trung Đoàn 32 và Trung Đoàn 33 CSBV, nhưng trong các cuộc đụng độ thực hiện trên, không thấy tăm hơi Trung Đoàn 32. Mặc dù con số tổn thương Việt Cộng, gồm cả số trong đợt đầu lên tới 1,500 người, lại tìm thấy thêm một trung đoàn – Trung Đoàn 66 – đã được đưa thêm vào thế trận.
Giai đoạn II: (Silver Bayonet: từ ngày 9 Tháng Mười Một, 1965, đến 17 Tháng Mười Một, 1965)
Cuộc hành quân của Lữ Đoàn I Không Kỵ không đánh trúng được tâm điểm trú ẩn của lực lượng CSBV, BTL lực lượng tham chiến Hoa Kỳ dựa vào các thông tin tình báo thiếu sót nên đánh giá có thể là các đơn vị của Trung Đoàn 32 đã chuồn mất về hướng Đông, do đó Tướng Kinnard cho các đơn vị thuộc SĐIKBKV tiến về phía Đông và Nam của Trại LLĐB Pleime để truy lùng quân địch. Ngày 9 Tháng Mười Một, 1965, LĐ3KBKV do Đại Tá Thomas “Tim” Brown chỉ huy được lịnh không vận vào vùng để thay thế LĐ1 của Đại Tá H.Clark và cuộc hành quân của LĐ3KBKV được chuyển trọng tâm từ Tây sang Đông bắt đầu vào ngày 10 Tháng Mười Một, 1965.
Trong khi tin tức tình báo VN của Quân Đoàn II thì cho biết Trung đoàn 66 CSBV gồm 3 Tiểu Đoàn 7, 8 & 9 vừa mới từ Bắc Việt xâm nhập vào Tây Nguyên đang ém quân đóng thành hàng dọc theo sông Ia Drang (làng Tung, phía Tây của Plei Me) mà chờ lệnh sẽ rùng rùng ào ra. – Trung Đoàn 32 đang ở phía Bắc sông Ia Drang trong cùng vùng – Trung Đoàn 33 cũng đang ém quân tại các vị trì kế cận làng Anta (theo danh xưng Việt Cộng), các cánh quân nầy đều đang ở vị trí phía Đông của rặng núi Chu Prông (tức là phía Tây của Plei Me).
Theo cung từ của một sĩ quan chính trị viên hàng binh (Thiếu Úy CSBV Bùi Văn Cường – đã đầu hàng lúc 8 giờ 44 ngày 7 Tháng Mười Một): Sáng ngày 11 Tháng Mười Một, Bộ Tư Lệnh Tiền Phương B3 của CSBV sẽ triệu tập một buổi họp các trung đoàn trưởng, kể cả chỉ huy trưởng của Trung Đoàn 66 mới đặt chân tới chiến trường để điều nghiên kế hoạch cho một cuộc tái tân công một mặt trận mới. Mục tiêu chính của cuộc tấn công nầy là hủy diệt trại LLĐB Plei Me. Vì tin chắc các lực lượng hành quân của Mỹ và VNCH đã đánh mất vết tích của các đơn vị của họ, Mặt Trận CSBV của Chu Huy Mân khởi động thế trận nầy để lấy lại ưu thế bằng một cuộc tập kích lần thứ hai vào trại LLĐB Pleime được ấn định vào ngày 16 Tháng Mười Một với sự tham dự của cả ba Trung đoàn cũng như một tiểu đoàn pháo 120 ly và một Tiểu đoàn súng phòng không hai nòng 14.5 ly. Cả hai đơn vị này đang trên đường xâm nhập và dự tính sẽ tới nơi kịp thời.
Nhưng kế hoạch của Chu Huy Mân sẽ chẳng bao giờ có dịp được đem ra thực hiện vì chỉ vài ngày sau đó, ngày 13 Tháng Mười Một, 1965, BTL Sư Đoàn KBKV đã sử dụng tin tức tình báo của VNCH cung cấp về vị trí của quân Việt Cộng ẩn nấp tại rặng núi Chu Prong và quyết định đánh vào nơi mà quân CSBV đang nằm phục kích chờ đó. Rặng Chư Prong cao độ 720 mét có thể quan sát kiểm soát quanh vùng Ia-Drang. Lữ Đoàn 3 KBKV đã đánh thốc trở lại hướng Tây
Ngày 12 Tháng Mười Một, 1965, lúc 1 giờ 15, một đơn vị đặc công CSBV gồm 26 bộ đội trong toán tiền kích trang bị 4 súng cối có du kích địa phương hướng dẫn, đột kích thử sức vào hậu cứ Lữ Đoàn 3 tại đồn điền trà Catekca, (mặc dầu có một thiếu tá Dù VNCH đã cảnh cáo là quân của CSBV thường đánh sau lưng Bộ Chỉ Huy trong lúc đơn vị vừa hoán đổi). Nhưng nhờ có chó canh phòng quân khuyển nên cuộc đột kích này không thành công. Kết quả địch quân đã bỏ xác tại trận 6 tên, bên Hoa Kỳ chết 7 người và bị thương 23 người. Tìm được hơn 100 gói bánh chất nổ bộc phá của địch bỏ lại để liệng vào trực thăng và bồn nhiên liệu quanh đó.
Phóng đồ trận đánh tại Lz Xray
Bãi đáp X-Ray ngày 14 Tháng Mười Một, 1965
Chu Prong với địa thế núi rừng trùng điệp, căn cứ của bộ tư lệnh B3 tiền phương gần sát biên giới Miên-Việt có các đơn vị yểm trợ với nhiều kho tiếp liệu. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 66 và Tiểu Đoàn 7 chiếm một khu lều trại nối tiếp nhau ở mặt phía Đông, Tiểu Đoàn 8 đóng ngay trong thung lũng Ia Drang cách đó 8km. Mặc dù mỏi mệt và đói khát vì đoạn đường bôn tập, bộ đội CSBV phải làm ngay lều trại, đào công sư phòng thủ, chuyên chở gạo nước đạn dược từ các hầm tiếp vận của mặt trận B3. Trung đoàn nầy được coi là đầy đủ quân số.
Mỗi tiểu đoàn CSBV có khoảng 500 bộ đội, mỗi đại đội có từ 100 đến 120 người, trang bị súng trường tự động AK-47, SKS, tiểu liên, trung liên, súng phóng lựu RPG, súng cối 82 ly và súng không giật. Phần lớn các bộ đội chưa quen với địa thế.
Sáng sớm ngày 14 Tháng Mười Một, vào lúc 4 giờ rưỡi sáng, Sư Đoàn 1 KBKV đã phát giác ra vị trí của Tiểu Đoàn 9 thuộc Trung Đoàn 66 tại sườn núi Chu Prông. Do đó , Tiểu Đoàn 1/7 KK với quân số khoảng 450 người, do Trung Tá Harold G. Moore chỉ huy được trực thăng vận vào vị trí bãi đáp X-Ray dưới chân rặng núi Chu Prong với nhiệm vụ tìm và diệt địch. (Trung Tá Harold G.Moore, 42 tuổi, xuất thân trường võ bị West Point lớp 1945)
Địa thế vùng này không nhiều cây to nhưng khá um tùm và đặc biệt nhiều cỏ voi cao ngang đầu người bao quanh nhiều gò mối khổng lồ, to như một căn nhà chòi.
Sau 30 phút, hỏa lực pháo binh, hỏa tiễn, không quân cày nát bãi đáp, 16 chiếc trực thăng chuyển quân được trực thăng võ trang hộ tống bắt đầu đổ Đại Đội B/1/7 (quân số 109 người) xuống bãi đáp Xray, cách Pleime khoảng 14km về phía Tây. Bãi đáp chỉ tiếp nhận mỗi đợt bốn chiếc trực thăng đổ quân, đến 2 giờ chiều, sau hơn 3 tiếng chỉ chuyển vận được 3/4 tiểu đoàn. Tiểu Đoàn Trưởng, Trung Tá Harold G. Moore, thân chinh cùng Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, đại đội xung kích – Đại Đội B – đổ bộ đúng 10 giờ 48. Đại Đội Trưởng Đại Đội B, Captain John Herren lo thiết lập an ninh bãi đáp, ra lệnh các Trung Đội lục soát các khu vực chung quanh và đã tập kích bất ngờ vào vị trí Tiểu Đoàn 9/66 trong thế chưa sẵn sàng ứng chiến. Vào khoảng 11 giờ 20, Tiểu Đội của Trung Sĩ John Mingo bất ngờ bắt được một tù binh CSBV (không võ trang), tên này khai là chỉ ăn chuối thay cơm trong năm ngày qua và cho biết có ba Tiểu Đoàn thuộc Trung đoàn 66 CSBV hiện đóng quanh núi Chu Prong.
Lúc 12 giờ 10, các Đại Đội A, quân số 106 người do Đại Úy Tony Nadal chỉ huy, và C Captain Bob Edwards chỉ huy, cũng lần lượt được thả xuống. Sau khi đổ quân các đơn vị được bung rộng ra lục soát chung quanh bãi đáp X-ray. Trung Tá Moore điều động Đại Đội C (Charlie) thủ mặt Tây, ĐĐ A (Alfa) thủ phía Tây Bắc, và ĐĐB (Braovo) thủ mặt Đông Bắc. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn trấn thủ phía Đông Nam. Một dòng suối cạn chạy dài từ Tây Nam ôm sát bãi đáp lên hướng Đông Bắc gần tới bãi đáp Albany xa khoảng 3 dặm.
Khi chiếc trực thăng đầu tiên bay đến, các tay chỉ huy Trung Đoàn 66 và Tiểu Đoàn 9 CSBV đang đi điều nghiên địa thế ở bờ Sông Ia Drang, cách nơi đóng quân hàng chục cây số. Chính ủy trung đoàn 66 là Nguyễn Ngọc Châu và tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 9 cũng không có mặt ở Bộ Chỉ Huy.
Từ Bộ Tư Lệnh mới thiết lập trên đỉnh Chu Prong, Nguyễn Hữu An chỉ huy mặt trận B3 tiền phương tỏ ra mất tinh thần khi thấy máy bay và pháo binh Mỹ tàn phá nơi đóng quân Tiểu Đoàn 9 với những đợt trực thăng nhào xuống phía bên kia núi.
Dưới trận mưa bom, các trạm tiền tiêu của tiểu đoàn nầy đã bị tiêu diệt gọn, Tiểu Đoàn 9 không phát hiện ra là lính Mỹ đang tiến tới, cho đến khi còn cách độ 100 mét họ mới biết. Quân Mỹ chia thành hai cánh, một tiến thẳng vào đại đội 11 của Tiểu Đoàn 9 và một đánh thẳng vào bộ chỉ huy tiểu đoàn.
Khoảng 12 giờ 45, các trung đội tiền đồn của Đại đội B (1st Platoon, Lieutenant Al Devney; 2nd Platoon Lieutenant Henry Herrick and the 3rd Platoon, Lieutenant Dennis Deal) bắt đầu chạm địch trong một cuộc đọ súng với tầm mức tương đối nhẹ và Cộng quân cũng bắt đầu pháo vào vị trí đóng quân.
Cuộc nổ súng bắt đầu, Tiểu Đoàn 9 CSBV gần như bị tê liệt. Riêng đại đội trưởng Đại Đội 11 cố gắng chống đỡ cuộc tấn công, nhưng chính trị viên tiểu đoàn hoảng sợ, người tạm thay tiểu đoàn trưởng chỉ huy, hắn chôn chân dưới hầm, tiểu đoàn coi như không có người chỉ huy. Tiểu đoàn trưởng từ bờ Sông Ia Drang chạy trở về đơn vị, gặp Đại Đội 11 khoảng một giờ sau, nhưng không liên lạc được với ai trong đơn vị.
Trung Tá H.G. Moore
(Trận đánh tại bãi đáp X-Ray là trận đánh kinh hoàng nhất cho đời Trung Tá H.G. Moore mà sau nầy ông thăng lên cấp thiếu tướng vẫn không tài nào quên được, Tiểu Đoàn 1/7 mà ông là tiểu đoàn trưởng, đơn vị chủ yếu trong trận đánh X-Ray mà phim ảnh Hollywood gọi là “We were Soldiers” sau 37 năm họ dựng lại một đoạn đánh để đời của Trung Tướng H.G Moore.)
Vào lúc 2 giờ chiều, Nguyễn Hữu An ra lịnh cho hai tiểu đoàn 7 & 9 của Trung Đoàn 66 đồng loạt tấn công ba mặt vào bãi đáp X-Ray. Ngay lúc đó, Đại Đội Trưởng Đại đội B báo cáo bị ít nhất hai đại đội địch tấn công. Cộng quân tập trung hỏa lực bắn xối xả vào hai trung đội đi đầu và đã gây thiệt hại khá nặng cho hai trung đội này và Trung Đội 2B1/7 của Trung Úy Henry Herrick bên cánh phải đả đuổi theo một đám địch quân ẩn hiện phía cạnh sườn phải và đã tiến xa hơn 100 thước, nên bị tách rời khỏi đại đội. Khi tới một khoảng trống, trung đội bất ngờ chạm trán hơn 50 địch quân. Herrick bình tĩnh chỉ huy trung đội tấn công và gây thương vong cho hơn phân nửa số địch mà không bị tổn thất nào đáng kể. Cộng quân sau đó bu lại bao vây và chia cắt Trung Đội 2B1/7 cách xa tiểu đoàn bởi một lực lượng Việt Cộng đông đảo. Cuộc chạm súng gia tăng cường độ, Herrick cấp tốc liên lạc với đại đội, đồng thời thiết lập chu vi phòng thủ tại một gò đất. Trong vòng 25 phút giao tranh, đã có 5 quân Mỹ bị tử thương trong đó có Trung Đội Trưởng Herrick. Trước khi hy sinh viên thiếu úy này còn đủ bình tĩnh báo cáo số anh em bị thương vong cho đại đội, trao quyền chỉ huy lại cho Trung Sĩ Palmer, và ra lệnh phá hủy mật mã, đồng thời vẫn còn tỉnh táo gọi pháo binh bắn yểm trợ rồi buông máy ra đi. Nhưng cũng không lâu sau đó cả hai Trung Sĩ Palmer và người phụ tá là Trung Sĩ Stoke cũng bị đạn địch đốn ngã. Trung Sĩ Nhất Savage lên chỉ huy và liên tục kêu pháo binh nhả đạn chính xác vào quân địch đang bao vây tứ bề. Tới lúc này trung đội đã có tám người chết, 13 người bị thương. Nhưng nhờ sự bình tĩnh chỉ huy của Savage cũng như lòng can trường của y tá Charlie Lose, liều chết bò trườn dưới lằn đạn của địch để băng bó thương tích cho đồng đội. Trung đội được mệnh danh là “xé lẻ” đã giữ vững vị trí chiến đấu trong suốt thời gian bị Cộng quân Bắc Việt bao vây và tấn công.
Những Binh Sĩ của Đại Đội B/1/7th Cavalry lục soát khu vực quanh X-Ray
Khoảng 2 giờ 30, Đại Đội D (Delta) do Đại Úy Ray Lefebvre chỉ huy với quân số đầy đủ được trực thăng vận đổ xuống, như vậy là TĐ 1/7 đã có mặt cả 4 đơn vị cấp đại đội A, B, C, D. Đại Đội D đã nhanh chóng xen vào cùng 3 đại đội kia lập tuyến phòng thủ. Trong khi đó pháo cối 60 và 81 ly của địch tiếp tục rót xuống bãi đáp, Cộng quân ngày càng tấn tới từ phía núi. Đại Đội A liền được điều động di chuyển sang bên cánh trái của Đại Đội B để bảo vệ cạnh sườn. Đại Đội C được lệnh chiếm một vị trí ngăn chận bên ngoài bãi đáp về phía Nam và Tây Nam để tránh cho bãi đáp khỏi bị tràn ngập và cũng để bảo vệ cạnh sườn trái của Đại Đội A. Tiểu Đoàn Trưởng Moore cũng đã gọi pháo binh và không quân yểm trợ tối đa. Hỏa lực không yểm và pháo yểm được lệnh bắn phá vào phần ven triền núi và tiến dần lên núi để chận đường viện quân của địch tới bãi đáp từ hướng Tây và Nam.
Đợt dội bom của không quân vừa dứt, Cộng quân với khoảng 400 tên từ Chu Prong tràn xuống dọc theo dòng suối cạn, chia làm hai cánh tấn công trực diện Đại Đội A và đánh thốc vào cạnh sườn Đại Đội C với ý định chẻ lực lượng Mỹ ra làm hai.
Một lực lượng Việt Cộng ít nhất cũng một đại đội tiến dọc theo ven phía Tây của bãi đáp tấn công trực diện vào Đại Đội A. Giao tranh bùng nổ dữ dội, nhờ hai khẩu đại liên M.60 do các binh nhất Ladner và Adams là xạ thủ, cách nhau không quá 10 thước.
Ngay khi cuộc giao tranh với Đại Đội A bùng nổ, một lực lượng khác gồm từ 175-200 địch quân tiến tới bãi đáp và đánh thẳng vào Đại Đội C. Địch quân bị chận đứng và nhiều bộ đội đã bị ngã gục dưới hỏa lực của các khẩu đại liên khi cố xông tới chiếm cứ bãi đáp. Cuộc giao tranh kéo dài khoảng một tiếng rưỡi cho đến khi địch bị rối loạn đội hình buộc phải tháo lui dưới hỏa lực không kích và pháo kich, lôi theo nhiều xác chết và quân sĩ bị thương.
Trận đánh tại bãi đáp X-Ray
Lúc 3 giờ 30 chiều, hỏa lực địch bắt đầu thuyên giảm dưới sức phản công của hai đại đội C và D. Cuộc tấn công của họ bị khựng lại vì tổn thất khá nhiều. Chúng rút lui về phía rừng cây sau những đám cỏ voi.
Rảnh tay, Tiểu Đoàn Trưởng Moore ra lệnh các đơn vị lo di tản thương binh tu sửa vị trí phòng thủ và tái phối trí lực lượng. Sau đó, điều động một cuộc tấn công để tiến tới giải cứu Trung Đội 2B1/7 của Herrick đang vị bao vây. Hai đại đội tiến quân được chừng 70 thước dọc theo bờ suối thì bị một tổ đại liên của địch bố trí sau một gò mối, khai hỏa ồ ạt, gây nhiều tử thương cho binh sĩ. Thiếu Úy Marm, một mình lẻn ra phía sau gò mối, tung từng đợt lựu đạn và bắn rỉa M.16 vào tổ đại liên địch, hạ sát tại chỗ 12 tên, trong đó có tên sĩ quan chỉ huy của chúng.
Tới lúc này khoảng 5 giờ 40, chiều núi rừng đổ xuống thật mau. Trung Tá Moore ra lệnh cho hai đại đội quay trở lại vị trí xuất phát cố thủ qua đêm. Tạm thời kiểm điểm quân số thì Đại Đội B thiệt hại 47 (kể cả 1 Sĩ Quan), Đại Đội A bị 34 (3 Sĩ Quan), Đại Đội C bị tấn công nặng nhất nhưng chỉ bị thiệt hại có 4 người. Về phía Cộng quân thiệt hại rất lớn, xác địch ngổn ngang chung quanh vị trí của tiểu đoàn không kịp đếm.
Khoảng 6 giờ chiều, Đại Đội B thuộc Tiểu Đoàn 2/7 đổ bộ để tăng cường cho Tiểu Đoàn 1/7. Pháo Binh tác xạ bảo vệ tuyến phòng thủ cho các đơn vị suốt đêm kể cả trung đội đang bị bao vây. Lợi dụng bóng đêm, cộng quân đã tấn công trung đội nầy ba lần, nhưng đều bị đẩy lui vì súng, lựu đạn mặc dù quân số trung đội nầy chỉ còn bảy người khỏe mạnh với 13 bị thương và 9 tử trận. Cộng quân đã dùng “Tù Và” thổi để thúc quân, hòng uy hiếp tinh thần và mong dứt điểm đối phương. Từ nơi xa, pháo đội bạn đã bắn đến viên đạn thứ 4 ngàn trong đêm.
Ngày 15 Tháng Mười Một, 1965
Vì bị tổn thất nặng vào buổi chiều, địch chỉ đánh dạm nhẹ xung quanh chu vi phòng thủ vào ban đêm. Còn trung đội bị cô lập thì bị ba đợt tấn công riêng rẽ nhưng nhờ vào hỏa lực pháo cận phòng liên tục, khi trời sáng, nhiều xác địch nằm ngổn ngang xung quanh trung đội.
Thượng Tá Nguyễn Hữu An tức giận hai Tiểu Đoàn tấn công quân Mỹ khi chưa kịp tổ chức phòng thủ mà không làm gì được nên tung thêm một tiểu đoàn của Trung Đoàn 33 tập kích gấp rút để tấn công vào quân Mỹ lúc 2 giờ sáng, nhưng đơn vị nầy ờ khoảng cách xa, đi lạc đường và lộ mục tiêu vì dùng đèn pin chiếu sáng khi di chuyển nên bị phi cơ Mỹ phát giác và oanh kích.
Khi mặt trời vừa ló dạng, địch quân tái xuất hiện và đồng loạt tấn công từ ba phía Nam, Tây Nam và Đông Nam. Vào khoảng 7 giờ 30, hai Tiểu Đoàn 7/66 CSBV và H15 tấn công vào tuyến phòng thủ của các Đại Đội A, C & D. Địch quân đã di chuyển gần sát chu vi phòng thủ mặc dù bị pháo binh, bích kích pháo và không kích tiếp cận gây tổn thất nặng nề. Có nhiều cuộc đánh xáp lá cà xảy ra. Lúc 8 giờ hơn, hai phản lực cơ F-100 bay đến yểm trợ, oanh tạc lầm vào đơn vị bạn làm chết thêm một số người.
Vào khoảng 9 giờ 10, theo lời yêu cầu của Trung Tá Moore Đại Đội A /TĐ 2/7do Đại Úy Joel Sugdinis chỉ huy được trực thăng vận tới tiếp viện. Đại đội nầy được điều động trám vào khoảng trống tiếp theo Đại Đội C.
Sau gần 2 tiếng rưỡi giao tranh, quân Cộng Sản rút lui. Xác địch, vũ khí và quân cụ nằm ngổn ngang đầy ven bờ và phía trước chu vi phòng thủ. Có dấu vết chỉ cho thấy nhiều xác địch và thương binh địch được lôi kéo ra khỏi khu vực giao tranh.
Đơn vị thiệt hại nhất thuộc quyền Trung Tá Moore là Đại Đội Cộng quân số tại hàng khi chưa đụng trận thì đại đội C nầy gồm có năm sĩ quan và 106 binh sĩ. Đến 2 giờ trưa ngày 15 Tháng Mười Một, khi kiểm điểm tình hình thì toàn thể sĩ quan Đại Đội C đều hy sinh, binh sĩ 42 tử thương và 20 bị thương.
Lúc 11 giờ 30, Lữ Đoàn 3 tung Tiểu Đoàn 2/5 do Trung Tá Bob Tully chỉ huy đổ bộ từ bãi đáp Victor rồi tiến sát tới bãi đáp X-ray lúc 12 giờ 5 để giải cứu Trung Đội 2B 1/7 đang vị bao vây. Địch quân chỉ kháng cự nhẹ và trung đội được giải thoát lúc 3 giờ 10. Đơn vị nầy gồm 29 người còn lại 7 người khỏe mạnh 13 người bị thương, tình thần còn tốt và chỉ bị 9 chết kể cả trung đội trưởng và trung đội phó. Tất cả những người bị thương và chết đều được di tản.
Đêm đến, lực lượng Mỹ lại bố trí phòng thủ qua đêm thứ nhì. Tiểu Đoàn 2/5 CAV được giao cho phòng thủ một nửa chu vi cứ điểm.
Ngày 16 Tháng Mười Một, 1965
Ngày nầy lực lượng phòng thủ đã có hai tiểu đoàn, những tưởng địch quân sẽ tháo lui vì thiệt hại quá nhiều, yếu tố bất ngờ, lấy nhiều đánh ít đã thất bại… Nhưng Chu Huy Mân ra lệnh đánh tiếp.
Đêm trải qua yên tĩnh đến 4 giờ sáng, hệ thống mìn tự động và trái sáng quanh vị trí phòng thủ bị kích hỏa, pháo binh bắn cận phòng suốt đêm cũng không ngăn được địch quân với một lực lượng gồm 250-300 người len qua màng lưới thép tấn công từ phía Đông Nam. Phi cơ thả trái sáng được gọi đến. Địch quân liên tục tấn công bốn đợt, giao tranh cận chiến đẫm máu cho đến 7 giờ sáng. Trung Tá H.G Moore yêu cầu pháo binh bắn vào khu vực hàng rào kẽm gai quanh trại. Loạt đạn nổ chụp quanh rào làm tất cả các địch quân đang tiến vào doanh trại đều bị tử thương cách hàng rào phòng thủ không đầy 3 mét. Như vậy pháo binh đã bẻ gãy cuộc đột kích và gây tổn thất nặng nề cho đối phương.
Lúc 8 giờ sáng, công cuộc tìm và càn quét quanh căn cứ được thực hiện bởi tất cả các đơn vị trong phạm vi phòng thủ. Xác địch bỏ tại trận trên 200 nằm la liệt khắp cùng khu vực và thu lượm được vô số vũ khí. Đại Đội B/1/7 có chín binh sĩ bị thương.
Tổng kết toàn trận đánh kéo dài liên tục trong 48 tiếng đồng hồ, địch quân tổn thất tại X-Ray gồm:
Chết đếm được xác: 634 . Chết xác mang đi (ước tính): 1215
Bị bắt: 6
Vũ khí bị tịch thu: 141
Vũ khí bị phá hủy: 100
Về phía Tiểu Đoàn 1/7 CAV thì 79 quân sĩ bị thiệt mạng và 121 bị thương được lịnh lui về Pleiku để chỉnh trang. Lúc 3 giờ chiều, Tiểu Đoàn 1/7 bàn giao X-Ray lại cho Tiểu Đoàn 2/7 do Trung Tá Robert Mac Dade và Tiểu Đoàn 2/5 được gởi đến thay thế.
Trung Đoàn 66 CSBV bị tổn thất nặng nề trong trận đánh X-Ray là vì họ bị Tiểu Đoàn 1/7 tấn công bất ngờ (pháo binh tác xạ ngoài rào phòng thủ) và các cán bộ chỉ huy đã không khéo sử dụng địa thế. Các chiến thuật của họ hầu như dựa vào “biển người” và họ quá tự tin là cuộc tấn công của họ sẽ làm cho Tiểu Đoàn 1/7 rã ngũ rất mau chóng. Họ đã không sử dụng các vũ khí cộng đồng trong khi tấn công (Thật ra các khẩu súng cộng đồng và 18 khẩu súng phòng không của họ đều đã bị chiến đoàn QL-VNCH giải vây Pleime tiêu diệt).
Trận đánh Ia Drang của SĐ1 Kỵ Binh Không Vân
Ngày 17 Tháng Mười Một, 1965
Từ chiều ngày 15 Tháng Mười Một, các phóng pháo cơ B52 đã tham gia vào trận đánh với ít nhất năm phi vụ oanh tạc mỗi ngày tại rặng núi Chu Prông. Ngày 17 Tháng Mười Một, các mục tiêu oanh tạc trải thảm của pháo đài bay B52 cũng bao gồm quanh khu vực núi Chu Prong luôn cả bãi đáp X-ray. Hai tiểu đoàn 2/7 và 2/5 được lệnh di chuyển ra cách bãi đáp 3 cây số về hướng Bắc và hướng Đông Bắc tới hai bãi đáp khác gọi là LZ Albany và LZ Columbus .
Việc di chuyển cũng dựa trên ước tính là địch đã rút lui về hướng đó. Vào buổi chiều ngày hôm trước, một trực thăng đã bị bắn rớt trên vùng đó, sự di chuyển của địch cũng nhắm tấn công vị trí pháo binh nằm phía Đông bãi đáp X-Ray, đã từng yểm trợ hữu hiệu cho tiểu đoàn 1/7 trong hai ngày chót. Vào khoảng 9 giờ sáng, hai tiểu đoàn bắt đầu di chuyển theo hai hướng khác nhau, TĐ2nd/7th dưới sự chỉ huy của Trung Tá Robert McDade di chuyển đến LZ Albany khoảng 3km về hướng Bắc-Đông Bắc và TĐ2nd/5th do Trung Tá Bob Tully chỉ huy di chuyển về LZ Columbus khoảng 3km hướng Đông Bắc.
Sau khoảng 3 giờ di chuyển TĐ2/5 đến được mục tiêu LZ Columbus. Trong khi đó, Tiểu Đoàn 2/7 do Trung Tá McDade chỉ huy cũng vừa đến vị trí Albany vào lúc 1 giờ 30 trưa thì bị lọt vào ổ phục kích của các đơn vị Cộng Sản rất đông quân số đang nằm chờ nơi đó từ lâu. Các đơn vị Cộng Sản nầy gồm có Tiểu Đoàn 1/Trung Đoàn 33 CSBV, BCH/Trung Đoàn 33 cùng với TĐ8/Trung Đoàn 66 một đơn vị trừ bị còn sung sức của Chu Huy Mân.
Bộ chỉ huy của TĐ2/7 đi đầu cùng với trung đội Trinh Sát bảo vệ, khi tới nơi, toán trinh sát bắt được 2 tên Việt Cộng đóng chốt đang nằm ngủ. Bắt được tù binh Trung Tá Mc Dade cho lệnh đoàn quân dừng chân nghỉ mệt rồi ông đích thân thẩm vấn hai tên Việt Cộng. Chúng khai rằng Tiểu Đoàn 8/66 hiện đang có mặt quanh đây. Trung Tá Mc. Dade gọi các Đại Đội Trưởng đến họp để ban lệnh. Ngay khi tiểu đoàn đang họp thì Cộng quân nhất loạt xung phong tấn công vào quân Mỹ.
Lợi dụng lúc quân Mỹ đang nằm ngồi ngổn ngang nghỉ mệt, Cộng Quân hàng trăm tên đồng loạt xung phong. Một cánh đánh trực diện đơn vị dẫn đầu của Tiểu Đoàn 2/7 và cánh khác đánh vào cạnh sườn phía bên phải hay phía Đông trong một đội hình phục kích chữ L. Cộng quân tấn công dữ dội vào phòng tuyến Mỹ bằng đủ loại vũ khí và luôn cả đánh xáp lá cà.
Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 2/7 hoàn toàn bị tê liệt, bị cả một lực lượng đông đảo địch quân tấn công. Trong giờ phút đầu tiên bị tấn công, Lữ Đoàn hay tin nhưng không thể liên lạc được.
Trận chiến kéo dài cho đến trời tối, địch quân đã cắt Tiểu Đoàn 2/7 ra thành từng mảng. Các Binh Sĩ Hoa Kỳ phải ẩn mình trong các vị trí kín đáo để tự chiến đấu. Cộng quân đã gây thiệt hại 50% quân số cho Tiểu Đoàn 2/7. Lúc này quân sĩ Hoa Kỳ gần hết đạn vì hầu hết tất cả quân nhân Hoa Kỳ khi mới đụng trận vào giờ phút đầu thì họ bắn hết phân nửa số đạn mang theo. Quân sĩ Hoa Kỳ thường ỷ y khi đánh trận, bắn cho hết ga, bắn cho sướng tay, càng bắn nhiều thì địch càng chết nhiều. Rồi trực thăng sẽ chở đạn dược đến không cần phải lo. Nhưng khi trực thăng bị lưới phòng không phủ chụp xuống thì việc tiếp tế không thể thực hiện được.
Lúc 3 giờ chiều, Đại Đội B của Tiểu đoàn 1/5 Kỵ Binh do Đại Úy Buse Tully được lịnh di chuyển từ LZ Columbus vào phía sau của Tiểu Đoàn 2/7 cách đó khoảng hai dặm (3km). Lúc 4 giờ 30 chiều, họ đã tiếp cận được với Đại Đội A/2/7 của Đại Úy George Forrest. Một trực thăng tản thương đã hạ cánh an toàn và những thương binh đã được sơ tán. Lúc 6 giờ 25 chiều, các đơn vị nầy đã nhận được lệnh tổ chức vị trí phòng thủ đêm chu vi hai đại đội.
Các Đại Đội C và A bị mất 70 người ngay trong những phút đầu. Đại Đội C thiệt hại nặng nhất, 45 người chết và hơn 50 người bị thương. Các phóng pháo cơ A-1E Skyraider được gởi đến yểm trợ thả bom napalm. Tuy nhiên, do sương mù và sự xen kẽ của quân hai bên đánh xáp lá cà, nên cuộc không kích kém hiệu quả.
Tiểu Đoàn 2, Lữ Đoàn 7 đã gom lại một chu vi nhỏ tại Albany bao gồm những người sống sót của Đại Đội A, trung đội Trinh Sát, Đại Đội C, Đại Đội D và BCH Tiểu Đoàn. Cách xa khoảng 500m về phía Nam là Đại Đội A/2/7 của Đại Úy George Forrest, và Tiểu Đoàn 1/5 Kỵ Binh. Vào khoảng 10 giờ đêm, các trực thăng tản thương đã đáp được xuống Albany để di tản Những thương binh mặc dù đạn phòng không của địch quân dầy đặc.
Đêm về toán địch quân đi thanh toán chiến trường. Tất cả tử thi đều bị địch quân đâm suốt từ tim ra sau lưng, dù tử thi đã chết từ lâu. Thiếu Úy G.A. Custer bị miểng pháo cắt ngang chân, đang nằm chờ chết. Xung quanh anh toàn là người chết xếp lớp. Anh diễn tả khi nghe địch quân “đi thanh toán chiến trường” như sau:
“Họ đi hàng ngang, lưỡi lê kéo dài rất nhọn từ súng AK-47, họ đến từng người lật ngửa xác ra và chĩa lưỡi lê vào ngay tim rồi ấn xuống. Có xác chết từ lâu thì tiếng lưỡi lê hay cây sắt nhọn đâm vào tim, tiếng nghe rất giòn: “Sụt sụt… Ọt ọt,” có nạn nhân đang hấp hối bị đâm suốt vào tim thì người sẽ cong lên và hét lớn lần cuối.” Tiếng thét này đeo đẳng theo Thiếu Úy G.A. Custer suốt đời, từ Ia-Drang đến tận Chicago nơi mà thiếu úy về an dưỡng cuộc đời phế binh 37 năm sau.
Khi đến cách thiếu úy chừng vài mét thì có cuộc trải thảm của B-52 nên Thiếu Úy Custer nghe tiếng kèn thổi lui quân của địch. Và từ đó ông không còn nghe gì nữa cho đến ba tuần sau tại phòng Hồi Sinh của bệnh viện Hoa Kỳ đóng tại phi trường Cù Hanh Pleiku.
Ngày hôm sau, 18 Tháng Mười Một, các đơn vị Mỹ bắt đầu kiểm kê lại trận đánh tại LZ Albany, xác chết đôi bên nằm la liệt trên chiến địa. Tổng kết phía Mỹ thiệt hại 155 tử thương, 124 bị thương và còn lại 171.
Về phía địch quân 403 xác đếm được, tịch thu 147 súng đủ loại. Và sau hết lực lượng Mỹ rút khỏi LZ Albany.
Trận đánh Ia-Drang từng được xưng tụng là chiến thắng ngoạn mục của quân đội Hoa kỳ, nhưng theo nhiều nhà bình luận cho là một thảm họa mà trong đó khoảng 300 bộ binh Mỹ thiệt mạng vì cấp chỉ huy quờ quạng vụng về. Với hỏa lực yểm trợ hùng hậu từ B52, khu trục, phản lực cơ và pháo binh cộng với tốc độ chuyển quân thần tốc của trực thăng vận và lòng dũng cảm chiến đấu kiên cường của người lính, từng ấy ưu điểm đáng lý phải đè bẹp đối phương. Vậy mà để rồi cứ bốn lính Mỹ tham chiến tại IA Drang thì có 1 người bỏ mạng, thế chủ động chiến trường tan theo mây khói và niềm tin vào một thế thượng phong của Hoa Kỳ cũng triệt tiêu.
Trở lại phần phân tích trận chiến, nhiều người đồng ý là lỗi lầm đầu tiên của các tiểu đoàn trưởng là đã không thu thập tin tức tình báo về bãi đáp X-Ray và điểm tới LZ Albany. Các ông cần phải biết rõ về địch tình, địa thế và thời tiết. Các ông chỉ lo tìm vị trí bãi đáp và không để ý đến địch quân dù rằng quân số địch ước tính cả trung đoàn. Họ chọn bãi đáp đỗ quân cho cuộc hành quân rất gần nơi địch quân đang ẩn núp trong dãy núi Chư-Prong. Tình báo chiến trường của họ cho biết là chắc chắn quân địch đang ở biên giới Cambodia từ lâu rồi, vì quanh núi Chư-Prong đoàn phi cơ thám thính không thấy dấu hiệu địch quân như: dấu chân trên cát hay cỏ, không có dấu hiệu khói nấu ăn, không có cành cây gãy khi đại quân đi qua, tất cả an toàn cho bãi đổ quân. Nhưng tất cả đã lầm.
Nơi đây tiểu đoàn hành quân đã chạm địch ác liệt, đến nỗi họ phải kêu pháo đài bay B-52 giội bom lửa sát phòng tuyến của họ. Lệnh này được lập lại ba lần thì phi công B-52 mới dám thi hành. Sau đó các phi vụ B52 đánh bom đến 18 lần trong ngày. B-52 được lệnh từ Pleiku trải thảm bom toàn thể núi Chư Prong chận địch quân đánh xuống khu vực Hoa Kỳ vừa đổ quân và đồng thời cũng chận bít con đường rút quân của Tướng Chu Huy Mân chạy trốn sang Cambodia.
Trích trong “Binh Chủng Nhảy Dù – 20 Năm Chiến Sự:” phần Chiến dịch Ia Drang 1965
No comments:
Post a Comment