HÀNH QUÂN HAWTHORNE: TRÔNG ĐỢI NHIỀU HƠN CÁC CHIẾN THẮNG Ở BIÊN GIỚI.
- Hành quân Hawthorne là một hoạt động quân sự năm 1966 của liên quân Việt Mỹ, gồm giai đoạn đầu có 2 tiểu đoàn VNCH và một tiểu đoàn Mỹ tham dự nhằm giải tỏa áp lực chung quanh tiền đồn Tou Morong, xem bản đồ, ở bắc Dak To, tỉnh Kontum. Trung đoàn 24 csbv đã chuẩn bị chiến trường rất kỹ để dụ liên quân. Nhưng giờ chót, trung đoàn này (2.000 bộ đội) lại bị liên quân bao vây và bị giã nát bởi B-52 với thiệt hại 60/100 và năm sau đó (1967), đã ko có hoạt động quân sự đáng kể.
I/Lời mở đầu.
"Trong năm 1965, quận csbv đã tung ra một chiến dịch được thiết kế để cắt Việt Nam làm hai và đánh bại quân VNCH theo chiến tranh cổ điển hay qui ước.
Trong chiến dịch đông xuân 1964-65, VC đã hướng về cao nguyên trung phần. Cường độ của cuộc tấn công của VC tại An Lão bắc Bình Định trong tháng 12/1964 đã chỉ rõ rằng đối phương đã chuẩn bị đẩy mạnh nhịp độ (tempo) các hoạt động từ hoạt động du kích qui mô nhỏ thành chiến tranh di động. Trong hoạt động này, họ đã dùng lực lượng cấp trung đoàn hay một lực lượng gồm ít nhứt 3 hay 4 tiểu đoàn. Quân VC đã giữ trận địa và chỉ rút lui trước áp lực mạnh của quân VNCH. Đây là một thay đổi từ lối đánh trước đây là tấn công, phục kích, và rút lui khi quân VNCH tới gần.
Vào tháng 2/1965, đồng thời với các tấn công vào doanh trại (billet) của toán cố vấn quân đoàn II và sân bay của tiểu đoàn 52 không quân Mỹ tại Plei Ku, VC đã tung ra một loạt các tấn công quy mô lớn ở bắc Bình Định. Các trận này được thiết kế để nắm quyền kiểm soát phần phía bắc của tỉnh này và đã thành công. Chúng đã tràn ngập vài vị trí cấp trung đoàn (regimental force) của VNCH, khiến những lực lượng VNCH còn lại biến thành những nội phận (vẫn do VNCH kiểm soát nhưng chung quanh là VC.--người dịch) tại quận Bồng Sơn và Phù Mỹ và phải tiếp tế bằng máy bay. Chiến dịch được nhanh chóng nối tiếp bởi một tấn công vào quốc lộ (QL) 19, giữa Bình Định, nhằm cắt con đường tiếp tế chánh giữa hải cảng Qui Nhơn và cao nguyên. Nếu thành công, nó sẽ cô lập các tỉnh cao nguyên như Kontum và Pleiku, khi đó hai tỉnh này phải tiếp tế bằng máy bay. Điều này sẽ làm suy yếu tinh thần của quân VNCH và tạo cho VC một ưu thế cho một tổng tấn công sau này, vào mùa mưa tại Kontum và Pleiku.
Điều đáng quan tâm là làm thế nào VC áp dụng chiến thuật của kẻ đi trước, là Việt Minh CS, để di chuyển nhanh chóng từ khu này sang khu khác trong một kế hoạch toàn diện. Nên nhớ rằng, khả năng đi bộ của họ từng có thể đối phó với chuyển quân bằng xe tải của Pháp, chắc chắn phải gặp khó khăn khi đối phó với di chuyển nhanh lẹ bằng trực thăng của quân VNCH ngày nay. (Theo bài Attack and Counter-Attack on highway 19 của đại tá Theodore C. Mataxis).
II/ Sau đây là chuyển ngữ từ trang 275 - 288 trong quyển Stemming The Tide của John Carland do Trung tâm Quân sử của Lục quân Mỹ in.
Trước khi bắt đầu đọc, xin các bạn làm quen với một số chữ viết tắt như:
- đv: đơn vị
- TĐ: tiểu đoàn
- sđ: sư đoàn
- BCH: bộ chỉ huy
- HQ: hành quân
- CSBV: Cộng sản Bắc Việt.
- TĐ 1/327 là tiểu đoàn 1 của trung đoàn 327; hay TĐ 2/327 là tiểu đoàn 2 của trung đoàn 327; hay TĐ 2/502 là TĐ 2 của trung đoàn 502. Cả ba TĐ này thuộc lữ đoàn 1 sđ 101 nhảy dù Mỹ của tướng Pearson. Lữ đoàn này là nỗ lục chánh trong trận Tou Morong.
======
"Mặc dù gặt hái nhiều thắng lợi quanh Sài Gòn và các đồng bằng ven biển của Quân khu II, tính tới những tháng đầu năm 1966, quân Mỹ chỉ có tiến bộ (headway) hạn chế tại Cao nguyên Trung phần. Những núi non và thung lũng hiểm trở này vẫn là hành lang quan trọng dùng để chuyển người, vũ khí và tiếp liệu của Hà Nội vào Nam Việt Nam. Tướng Westmoreland đã lý luận như sau vào năm ngoái (1965): Nếu địch quân được phép dùng cao nguyên mà ko bị trừng phạt, chúng sẽ dễ dàng di chuyển đến những vùng đông dân xa hơn ở phía nam và cũng dùng cao nguyên là đường rút lui khi thất bại. Thất bại của quân Đồng Minh trong vùng này sẽ là "bước đầu tiên trong việc sói mòn toàn bộ sức mạnh của chúng ta trong đất nước này," tư lịnh của bộ tư lịnh yễm trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam, gọi tắt là MAC-V, đã kết luận, và ông ta có ý định sẽ đối đầu (contest) mọi tấn công của đối phương tại cao nguyên này.
Cán cân quân sự này giữa hai bên tại Cao nguyên Trung phần sẽ ko thay đổi cho tới khi lữ đoàn 2, sư đoàn (sđ) 4 bộ binh Mỹ tới TP Plei Ku vào tháng 7. Dù ko có thêm quân trong vài tháng, nhưng tướng quân quan niệm ko muốn xin thêm hỏa lực một khi ông tấn công. Ngoài căn cứ không quân Phan Rang ở bờ biển, căn cứ Plei Ku cũng đang mở rộng, giờ đây tiếp đón các máy bay A-1 Skyraider (một loại khu trục cánh quạt, sản xuất từ 1946, qua nhiều cải tiến, và chấm dứt xử dụng vào đầu thập niên 1980.--người dịch) của không quân Mỹ và Việt Nam, và những máy bay Hỏa Long mới (như AC-47, AC-119, thời điểm 1966 chưa có AC-130.-- người dịch). Hơn nữa, sự xuất hiện vào tháng Sáu tại Plei Ku của trung đoàn 52 pháo binh (52d Artillery Group) và tiểu đoàn 3/6 pháo binh của trung đoàn này, đã gia tăng hỏa lực mà Westmoreland cần cho chiến lược của ông.
Để làm tốt chiến lược này, các đơn vị (đv) Nam Hàn và Nam Việt Nam sẽ tiếp tục bảo vệ các căn cứ dọc theo bờ biển trong khi sđ 1 không kỵ lục soát đồng bằng và đồi núi để tìm những đv chính quy của đối phương. (Thời điểm 1966, sđ 1 không kỵ chỉ hành quân trong tỉnh Bình Định, và đặt căn cứ ở An Khê trên quốc lộ 9 trong tỉnh này.--người dịch). Bất cứ đe dọa nào xuất hiện ở Cao nguyên Trung phần sẽ được giải quyết bởi lữ đoàn 3, sđ 25 bộ binh Mỹ, và khi cần thì có lữ đoàn 1 của sđ 101 nhảy dù. Khi quân CSBV và VC di chuyển qua khu vực này, quân Mỹ sẽ đối đầu với chúng khi chúng xuất hiện hay--nếu chúng quá mạnh--sẽ cần lực lượng từ nơi khác. Trong trường hợp này, sđ 1 không kỵ, sư đoàn lưu động (swing division) của Quân đoàn II, sẽ được không vận tới chiến trường. Westmoreland đã tin rằng ông phải "ở thế thượng phong" (elusive) so với đối phương và hy vọng cách tiếp cận này sẽ "khiến đối phương ko thể đoán biết ý định điều quân của ông, và ko thể chọn địa điểm và thời gian để mở một mặt trận như họ đã quen làm từ trước đến giờ."
=======
TRẬN TOU MORONG THÁNG 5 VÀ 6 1966
Trong cuối tháng 5, cộng quân đã tiến gần một tiền đồn của địa phương quân (ĐPQ) ở Tou Morong, bắc của Dak To tỉnh Kontum. Trong vài ngày, chúng chỉ quấy rối bằng súng cối và bắn sẻ, nhưng chẳng bao lâu ý định của chúng đã rõ ràng. Các hồi chánh viên cho biết trung đoàn 88 csbv đã vượt biên giới Lào Việt khoảng 35 km tây bắc của tiền đồn, trong khi những tin tức tình báo khác cho biết các đơn vị (đv) của trung đoàn 24 csbv ở rừng rậm phía bắc và tây nam của tiền đồn. Cuối cùng, một nhật ký tịch thu bởi các đv Mỹ cho thấy các đv Bắc Việt đã lập kế hoạch để mở một chiến trường kiểu Điện Biên Phủ ở nơi nào đó trên cao nguyên, với trục tiến quân chánh trong tỉnh Kontum. Dù nhật ký ko có thời biểu, nhưng mức khả tín của các thông tin khiến quân Mỹ phải đáp ứng.
Thế là hành quân (HQ) Hawthorne được hoạch định và chỉ huy bởi tướng Pearson, tư lịnh lữ đoàn 1 của sđ 101 nhảy dù. Tướng Kinnard, quyền tư lịnh của Lực Lượng 1 Dã Chiến (I Field Force), đã gặp tướng Pearson và Vĩnh Lộc, tư lịnh quân đoàn 2 của VNCH, vào ngày 28/5 để thảo luận sẽ dùng lực lượng nào. Lúc đó, Pearson chỉ có tiểu đoàn (TĐ) 1/327 của đại tá Meinzen đóng tại bộ chỉ huy (BCH) tạm của lữ đoàn ở Cheo Reo thuộc tỉnh Phú Bổn -- còn TĐ 2/327 của đại tá Wasco tại Tuy Hòa và TĐ 2/502 của đại tá Emerson tại Pleiku, cả hai đv dưới sự chỉ huy của lực lượng 1 dã chiến. Tướng Vĩnh Lộc cung cấp TĐ 1/42 bộ binh và TĐ 21 BĐQ, đều thuộc biệt khu 24 của tỉnh Kontum.
TĐ BĐQ sẽ được trực thăng vận đến các vị trí 12 đến 15 km tây bắc tiền đồn và TĐ 1/327 xuống đông bắc. Một khi xuống đất, cả hai đv sẽ tiến về tiền đồn. Cùng lúc, TĐ 1/42 bộ binh sẽ di chuyển đường bộ từ Dak To. Pearson nghĩ rằng TĐ bđq và quân Mỹ sẽ tấn công vào phía bắc của địch, TĐ bộ binh tiến lên từ phía nam. Nếu địch ko giao chiến, tiền đồn sẽ được giải tỏa.
TĐ 1/327 chỡ bằng C-130 từ Cheo Reo lên Dak To. Thiếu tá Hackworth, trưởng ban 3 lữ đoàn, làm quyền tiểu đoàn trưởng của 1/327 vì đại tá Meinzen bị bịnh.
Địa thế và thời tiết ở tỉnh này ko làm ai ngạc nhiên. Những ngọn núi dốc đứng, phủ đầy rừng và bụi rậm, có mặt khắp khu vực. Ngoài quốc lộ 14 là trục lộ nam bắc duy nhứt, còn lại là những đường mòn xuyên rừng rậm rạp. Do ảnh hưởng của gió mùa, vào lúc này trong năm, mây thấp và mưa bắt đầu mỗi ngày vào xế chiều và đôi khi kéo dài đến sáng sớm hôm sau. Sương mù xuất hiện sau khi mưa buổi sáng, vừa che chỡ cho địch và gây trở ngại cho không yễm.
HQ Hawthorne đã bắt đầu ngày 2/6, với TĐ 1/42 di chuyển bằng xe từ Dak to. Đi được 4 km, họ chạm súng nhỏ với khoảng một đại đội địch. Tối hôm đó, một thành phần của tđ 1/327 của thiếu tá Hackworth được trực thăng chỡ tới khoảng 9 km đông bắc Tou Morong. Phần còn lại của TĐ sẽ tới sáng ngày kế, cùng lúc với tđ BĐQ tới bãi đáp của họ. Mọi việc theo kế hoạch, trừ quân VNCH tiến chậm so với dự trù. Vào ngày thứ ba của HQ, để yễm trợ cuộc tiến quân, pháo đội B của TĐ 2/320 pháo binh được chỡ tới một đồn cũ của Pháp có tên Dak Pha, nằm trên đường từ Dak To đi Tou Morong. Đại đội A của tđ 2/502, chỉ huy bởi đại úy Walter Brown, bảo vệ pháo đội này, xem bản đồ.
Ba tđ đã đến Tou Morong ngày 5/6, giải tỏa tiền đồn này. Quân VNCH đã hộ tống đv ĐPQ này về Dak To. Vì bắc quân né tránh đụng độ, bộ tham mưu của tướng Pearson đã gặp Hackworth tại Tou Morong. Thiếu tá Hackworth xin lục soát phía bắc, tây bắc, và tây của tiền đồn này; tướng quân đồng ý.
Vào buổi chiều cùng ngày, một đại đội của ông khi lục soát phía tây bắc đã đụng độ một đại đội cộng của csbv (vì quân số nhiều hơn một đại đội). Một quả đại bác bắn yễm trợ đã rơi lầm làm chết 5 lính Mỹ và bị thương 5. Họ cầm cự để chờ phần còn lại của tđ sẽ đến sáng hôm sau.
Nhưng đụng độ lớn lại xảy ra ở Dak Pha. Bắc quân đã quấy rối căn cứ này từ 3/6. Lúc 2 g sáng ngày 7/6, sau khi pháo bằng cối, bắc quân thăm dò chu vi phòng thủ. Tám lính csbv chết so với 3 lính Mỹ. Tấn công ồ ạt bắt đầu khoảng 0320 sáng, khi một thành phần, sau này được biết là của trung đoàn 24 csbv tấn công từ hướng bắc, tây, và đông. Đợt đầu tiên bằng B-40, thẳng vào khẩu số 6, nằm ở phía tây của đồn hình ngôi sao này, khiến các pháo thủ bỏ chạy về giữa căn cứ. Lúc 0400 sáng, một tấn công khác từ tây bắc, khiến một số lính của pháo đội này chạy về trung tâm của căn cứ. Một lát sau lính Mỹ phản công và đẩy lui địch.
Khoảng cùng lúc đó, pháo đội B của tđ 1/30 pháo binh, đóng gần căn cứ Dak To 1 nổ súng để yễm trợ Dak Pha. (Đừng lầm với Dak To 2 ở tây nam cách đó 3 km là một trại lực lượng đặc biệt.--người dịch). Những loạt đạn 155 ly, nổ sát bên ngoài chu vi, khiến bắc quân bỏ khẩu số 6, và vài giờ sau đó, hỏa lực liên thanh và cối của địch giảm đáng kể.
Việc hưu chiến này chỉ tạm thời vì ngay sau hừng đông, pháo kích gia tăng, và lúc 0640 sáng, quân cs mở tấn công mới, lần này tập trung vào khẩu 6. Hai tiểu đội bắc quân đã chiếm khẩu này. Thay vì phản công, lính Mỹ ở trong hố cá nhân, nhường cho pháo binh tấn công địch trong 2 giờ. Trực thăng võ trang và máy bay tham chiến tới khi địch ngừng tấn công Dak Pha.
Khoảng 0730 sáng, thiếu tá Hackworth và đại đội B và C của ông được trực thăng từ Tou Morong tới Dak Pha, khoảng cách 4 km. Ông chỉ huy luôn đại đội A (của đại úy Brown)và ra lịnh cho đại đội này, đang bảo vệ căn cứ, phải tiến về phía bắc. Ông ra lịnh cho đại đội B và C giữ sườn trái của A để ngăn địch rút về hướng đó. Sau đó, đại đội A của Hackworth và trung đội viễn thám, cũng rời Tou Morong để vào khu vực. Giờ đây Hackworth có 3 đại đội và một trung đội viễn thám tiến về phía bắc của Dak Pha. Mọi dấu hiệu cho thấy bắc quân ở gần đó nhưng họ đang rút sâu vào rừng núi bắc của Tou Morong.
Lúc 0920 sáng, phần còn lại của tđ 2/502 của đại tá Emerson được bốc từ Dak To 1 đến 10 km bắc Dak Pha. Emerson ra lịnh cho đại đội C lục soát phía bắc của bãi đáp và đại đội B phía đông.
Khi tiến về phía bắc, lính của Hackworth thấy hàng ngũ địch rối loạn, chúng chạy ngờ ngờ giữa đồng trống, nên quyết tâm đuổi theo. Họ ko ngờ họ đã sập bẫy vì lọt vào một hệ thống công sự vững chắc mà trung đoàn 24 csbv đang chủ động chờ đợi họ -- mở màn cho trận đánh 3 ngày của lữ đoàn này.
Trận đánh này đã bắt đầu với một loạt chạm súng rất sớm vào ngày 8/6. Một trong những chạm súng đó là của trung đội viễn thám của đại úy Lewis Higinbotham có phóng viên Ward Just của báo Washington Post đi theo làm phóng sự. Ngày trước đó, trung đội này đi theo đường mòn cũ về phía tây bắc và đổi về phía bắc. Họ đã lần lượt tìm thấy hai nơi đóng quân mà địch đã rút. "Rừng hoàn toàn yên tỉnh, trừ vài con bướm đầy màu sắc," phóng viên Just sau này mô tả lại. Khi trời tối, trung đội đào hố.
Ngày kế, 8/6, họ tiếp tục truy kích. Hầu như ngay sau đó, họ đã gặp một nơi đóng quân bỏ hoang của địch, rất lớn đủ chứa ít nhứt là một TĐ, hay cả một trung đoàn. Tất cả vẫn yên tỉnh, nhưng lúc 1315 chiều, lính Mỹ bị phục kích. Ít nhứt 200 lính csbv nổ súng bằng súng nhỏ và B-40. Trung đội của Higinbotham bắn trả, vội vàng lập phòng tuyến và gọi phi pháo. Đạn pháo Mỹ rơi sát phòng tuyến. Dù vậy đạn súng nhỏ và B-40 rơi tới tấp vào phòng tuyến Mỹ. Sợ rằng có thể bị tràn ngập trước khi được tiếp viện, Higinbotham cho thu hẹp phòng tuyến.
Thiếu tá Hackworth phản ứng lập tức, gửi đại đội A và hai trung đội của C tăng viện cho trung đội viễn thám. Dựa vào tiếng súng, đại đội C chạy nhanh về phía trước, và đụng địch. Họ bị cầm chân trong giây lát và sau đó lúc 1700 chiều hai đại đội đã tới gần mục tiêu. Lính của trung đội viễn thám la hét ầm ỉ để hướng dẫn quân tiếp viện tìm thấy họ. Bắc quân có lẽ ko để ý điều này nên tiếp tục rút về phía bắc. Lợi dụng tình hình này, Higinbotham di tản người chết và bị thương và nhận tiếp tế. Trung đội viễn thám của ông chết 5 và 17 bị thương, nghĩa là gần nửa quân số. Không biết tổn thất địch.
Các ngày kế, Hackworth tiếp tục tìm kiếm địch. Ngày 9/6, đại đội C được trực thăng đổ xuống tây bắc và đại đội B tìm địch ở bắc Dak Pha. Đại đội A và trung đội viễn thám vẫn ở chỗ chạm súng cũ của ngày 8/6.
Trong khi đó, ở phía bắc, tđ 2/502 của Emerson đã ko đụng độ đáng kể trong hai ngày đầu, có lẽ họ ở xa đường rút lui của địch. Tuy nhiên ngày 9/6, tình hình đã thay đổi. Trong khi đại đội A của Brown trở về với TĐ 2/502 của Emerson, và bảo vệ BCH TĐ này, đại đội B của trung úy Louis Sill lục soát hướng đông theo nhiều trục và đại đội C của đại úy William Carpenter chuyển về nam và đông cho tới khi họ tới ranh giới trách nhiệm của tđ của Emerson và Hackworth. Chẳng bao lâu họ đều chạm súng.
Sau khi đi khoảng 1.000 mét, quân của trung úy Sill bị tấn công bằng súng liên thanh. Đại úy Carpenter cũng bị tấn công nhưng chiếm một cao điểm. Vào lúc đó, với Hackworth trên đường giúp đại đội B, Carpenter được lịnh chuyển về phía bắc và đông để ngăn đường rút lui có thể của địch. Do địa thế tre gai chằng chịt khiến tiến quân rất chậm, nên Carpenter cho đại đội đi hàng một. Trung đội viễn thám đi đầu, kế là trung đội 1, BCH đại đội, trung đội 3, và cuối là trung đội vũ khí nặng. Mỗi trung đội cách nhau khoảng 200 m.
Khi đoàn quân vượt qua một chõm núi nhỏ, toán viễn thám nghe giọng người khoảng 200 m phía trái. Carpenter ra lịnh cho đại đội dừng lại để phía sau bắt kịp. Ông có 2 chọn lựa: đổi hướng để tránh địch; hay vượt qua chõm núi để tìm địch. Ông chọn cách thứ hai. Ông cho trung đội 1 tấn công, hai trung đội kia chuẩn bị tiếp cứu.
Lúc 1530 chiều, tiểu đội đầu của trung đội 1 bò về hướng có tiếng người--khoảng 10 tới 15 lính csbv đang tắm và nấu ăn. Quân Mỹ nổ súng, giết và làm bị thương số quân này, và tiếp tục tiến. Chỉ trong vài phút, bắc quân phản công. Ít nhứt là hai khẩu đại liên ở trước và bên trái của quân Mỹ nổ súng, chận đứng trung đội 1. Trung đội 3 tiến đến cách sườn trái của trung đội một 50 mét, hy vọng bọc hông (outflank) địch, nhưng bị bắn trả dữ dội và bị cầm chân.
Chẳng bao lâu cả đại đội của Carpenter bị tấn công. Ngay cả BCH đại đội và trung đội vũ khí nặng, dù ở xa phía sau, cũng bị tấn công bằng đại liên. Hỏa lực mạnh nhứt đến từ ngọn đồi khoảng 200 mét hướng đông. Trung đội vũ khí nặng được lịnh bắn yễm trợ. Nhưng quân Mỹ chỉ tiến 1/3 đường thì phải ngừng lại vì hỏa lực mạnh.
Tình hình của trung đội 3 rất bi đát. Địch ném lựu đạn để đánh bọc hông lính Mỹ. Trung đội trưởng trúng đạn chết và một tiểu đội trưởng chết vì lựu đạn. Một tiểu đội trưởng khác hoảng hốt gọi máy báo Carpenter rằng vị trí của y bị tràn ngập và y là người duy nhứt trong tiểu đội còn sống và sau đó tắt máy.
Thông thường phi pháo giúp ích cho bộ binh nhưng ở đây là rừng tre gai khiến phi pháo ko hiệu quả vì người lính ko thể thấy nơi đạn đại bác hay bom rơi để điều chỉnh. Họ chỉ có thể dựa vào âm thanh để biết hướng bom hay đại bác rơi. Trong tình hình thất lợi như vậy, địch lại tấn công dồn dập khiến đại đội của Carpenter có nguy cơ bị tràn ngập. Lúc 1615 chiều, đại đội bắt đầu rối loạn hàng ngũ. Carpenter có thể rút nhưng địch bao vây ít nhứt 3 mặt, nhiều lính Mỹ bị thương và bất cứ người nào của trung đội 3 đang trốn trong rừng có thể bị bỏ lại.
Trong tuyệt vọng, đại úy Carpenter mở một lựu đạn khói và ném về rìa phía bắc của chu vi phòng thủ nhỏ bé của ông và gọi máy bay ném bom xuống chỗ đó. Một F-4 Phantom ném 2 bom napalm lúc 1645. Một quả rơi xa quân Mỹ, trúng địch quân; quả sau rơi cách quả trước 30 - 50 mét, rất gần quân Mỹ. Theo trung sĩ thường vụ đại đội Walter Sabalauski, "quả này rơi cách phòng tuyến vài mét". Theo Carpenter, "bom rơi giữa trung đội vũ khí nặng và trung đội 1 và cách phòng tuyến khoảng 15 mét". Ít nhứt một tá lính Mỹ bị phỏng -- một người chết sau đó. "Quả bom trở thành quả cầu màu vàng và nóng khủng khiếp ", một y tá kể lại. Các tường trình sau đó nói rằng Carpenter đã xin napalm, nhưng đại úy phủ nhận, nói rằng "Tôi đã ko biết vũ khí nào mà máy bay đang có."
Nhưng điều này cũng xấu cho bắc quân. Trung đội trưởng vũ khí nặng kể lại, "rất nhiều bắc quân trúng bom...tôi thấy một lính csbv, như bó đuốc, chạy lên chõm núi." Sửng sốt (staggering) vì bom napalm, bắc quân đã ngừng bắn trong hơn 1/2 giờ để tái tổ chức, khiến quân Mỹ có thì giờ rút về sau và lập chu vi mới. Từ lúc này, họ giữ vững vị trí suốt đêm, dù địch tiếp tục thăm dò.
Trong khi đó, các tư lịnh Mỹ đã làm mọi thứ để giúp Carpenter. Đại tá Emerson ra lịnh các đại đội còn lại của TĐ đi tiếp cứu. Lúc 1710 chiều, đại đội B của Emerson chỉ còn dưới 3km đông bắc của Carpenter khi họ gặp một TĐ csbv. Hai bên đã giao chiến suốt đêm, khiến đại đội B khó tiếp cứu Carpenter kịp thời. Đại đội A của 1/327, giờ đây cũng do Emerson chỉ huy, cũng bị chận đánh. Sau ba đợt xung phong để phá phòng tuyến địch, đại úy Willis, đại đội trưởng, cố gắng đi vòng quanh nhưng thất bại. Cuối cùng, đại úy cho đóng quân tại chỗ. Trước khi hừng sáng, bắc quân đã giết 8 và làm bị thương 20 lính của Willis.
Tuy nhiên, các đv khác đều ko phải như vậy. Lúc 1715 chiều, đại đội A của 2/502 của đại úy Brown, hoạt động chưa tới 2 km tây của Carpenter, đã bắt đầu đi bộ tới chiến trường. Suốt đêm, những lính này di chuyển về đông nam trong lúc mưa nặng hạt, lúc mưa lúc tạnh. Trời rất tối đến độ có lúc họ phải nắm tay để khỏi lạc. Khi họ đến khoảng 500 m cách đại đội của Carpenter, họ nghe giọng nói Việt Nam. Brown lập tức gọi Carpenter, yêu cầu bắn một loạt đạn để ông biết vị trí của đại đội của Carpenter. Lính của ông vượt qua vòng dây của địch, và toán đi đầu đã gặp Carpenter lúc 2135 tối và phần còn lại của đại đội của Brown đến sau nửa đêm.
Từ đó, lính của trung đội 3 của Carpenter, như những bóng ma, đã lần mò trở về đại đội của mình. Đối với phần còn lại của đại đội của Carpenter, mà trước đây đã nghĩ rằng trung đội 3 đã bị tiêu diệt, nay trung đội đã về gần đủ trừ ba người. Sau khi kiểm kê quân số, Carpenter thấy đại đội chỉ chết 3, bị thương 34, và 3 mất tích.
Quyết tâm chiến đấu này của bắc quân đã khiến tướng Pearson mở rộng HQ Hawthorne. Đầu tiên, ông chuyển TĐ 1/42 bộ binh VNCH về hướng tây, ngăn cản địch rút về hướng này. Lực lượng 1 Dã chiến rút một đại đội của 2/327 để tăng phải cho TĐ của Emerson. Sư đoàn 1 không kỵ tăng phái TĐ 1/5 không kỵ đến phía đông của chiến trường. Với TĐ của Hackworth tấn công từ bắc, và Emerson từ nam, tướng Pearson nghĩ rằng đã bao vây 4 mặt bắc quân.
Nhưng Pearson muốn chắc chắn rằng ông sẽ giã nát bắc quân, do vậy ngày 10/6, ông đã yêu cầu B-52 ném bom trước khi quân của ông tấn công. Khi yêu cầu được chấp thuận, ông nói các đại đội phải rút về sau ít nhứt 3km, và đừng để bắc quân biết.
Việc di tản thương binh về nơi an toàn gặp khó khăn vì trực thăng bị bắn khi đáp xuống. Quân Mỹ phải đợi trời tối để khiêng vác thương binh. Dù trực thăng đã thả cáng tải thương (litter) cho 2 đại đội, nhưng vì mưa lớn, trời quá tối, và rừng quá rậm, họ phải đợi trời sáng mới di chuyển.
Ngày 11/6, khi trời sáng rõ của, hai đại đội đã bắt đầu đi bộ về phía tây tới một bãi đáp mới lập. Họ chỉ thiệt 1 người vì bắn sẻ. Họ tới bãi đáp sau 1100 sáng, lên máy bay, và đi hết lúc 1230 trưa. Suốt ngày kế, họ nghỉ ngơi và tái trang bị và chờ B-52 oanh kích trước khi trở lại chiến trường.
Trong khi đó, tướng Pearson nhanh chóng chuẩn bị cho B-52. Để địch quân nghĩ rằng quân Mỹ vẫn còn trong khu vực, ông ra lịnh cho phi pháo tấn công địch từ 11 - 13/6. Cùng lúc, các thành phần của TĐ của Hackworth tích cực lục soát nhưng các đv này từ từ rút lui, chỉ để lại trung đội viễn thám của Higinbotham. Trung đội này cũng rút lui vào sáng sớm 13/6, vài giờ trước khi oanh kích bắt đầu. Hơn nữa, các lực lượng ngăn chặn đường rút lui của địch phải vào vị trí.
Ngày ném bom có thời tiết rất tốt. Lúc 0750 sáng các chiến đấu cơ nhào lộn và ném 900 hộp đựng (canister) hơi cay vào khu vực mục tiêu. Pearson hy vọng rằng hơi cay này sẽ khiến bắc quân ra khỏi hầm hố trước khi B-52 ném bom. Ba mươi phút sau, B-52 có mặt bên trên mục tiêu và thả bom -- 648 tấn bom sắt.
Ngay sau oanh kích chấm dứt, lính Mỹ đổ quân xuống. Kinh nghiệm cho thấy địch đã nhanh chóng tập họp lại sau một oanh kích và biến mất trước khi bụi khói tan, do đó Emerson và Hackworth đã cho các đại đội tới khu vực này ngay lập tức. Phản ứng nhanh này cho kết quả tốt. Những người lính CSBV mất hồn (stunned) vì sốc sau cơn mưa bom. Một đại đội của Emerson bắt sống 20 tên. Những kẻ khác chống cự yếu ớt.
Dựa vào quan sát của trực thăng và tra hỏi 22 tù binh, bộ tham mưu của Pearson kết luận có ít nhứt 200 tên bị giết và có lẽ thêm 250 tên khác bị giết. Quân Mỹ ko có ai thiệt hại trong ngày này.
Cuộc ném bom đã tàn phá trung đoàn 24 csbv. Từng năng nổ đánh với quân Mỹ từ 6 - 12/6, nay họ bắt đầu né tránh và HQ Hawthorne đã nhanh chóng trở thành HQ đánh giá thiệt hại (mop-up) của địch. Hai TĐ của Emerson và Hackworth đã lục soát khu vực mà họ đã làm trước oanh kích. Các đv có nhiệm vụ án ngữ cũng tham gia việc săn lùng này. Bốn TĐ đã lục soát suốt một tuần nhưng ko gặp gì hết. Vào ngày 20/6, Pearson chấm dứt HQ và rút lữ đoàn về Dak To 1.
Tổng kết, lực lượng của Pearson tiêu diệt 479 quân địch và không quân giết thêm 52. Con số quân địch chết được ước lượng cao hơn. Phe bộ binh cho biết có thêm 506 địch chết và không quân 209. Cộng lại là 1.246 tên địch.
Nếu đây là sự thực thì trung đoàn 24 csbv với quân số 2.000 đã thiệt hại 60/100 quân số, ko còn khả năng chiến đấu. Theo sĩ quan tình báo của Pearson, trung đoàn 24 đã ko tham gia một hoạt động đáng kể trong hầu hết năm kế là 1967. Thiệt hại của Mỹ là 48 chết và 239 bị thương - 25 của TĐ 1/327 của Hackworth và 16 của 2/502 của Emerson.
Tướng Pearson nghĩ rằng lực lượng đặc nhiệm của ông chẳng những đã bẻ gẫy cuộc tấn công của địch ở Tou Morong nhưng cũng ngăn ngừa bắc quân thực hiện các mục tiêu khác ở tỉnh Kontum. Tướng Westmoreland đồng ý. Ông gọi Hawthorn là "một cuộc tấn công phá hỏng ý định của đối phương" và là khuôn mẫu của một cuộc HQ thành công./."
San Jose ngày 20/8/2022.
Tài Trần.
No comments:
Post a Comment