Monday, August 1, 2022

 

Trần Yên Hạ: Những chặng đường chông gai

Share on facebook
 
Share on twitter
 
Share on whatsapp
 
Share on email
 
Share on print

                                          

Âm Vang – Tranh: Thanh Châu

 Lại một lần nữa nghe lời Hảo, bỏ đơn vị đang biệt phái là Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 4 để về Vĩnh Long với hắn. Bạn bè chinh chiến hai năm mới gặp lại. Thằng gầy, thằng đen, thằng nào cũng “bụi” như lính đào binh, nhưng mặt mày vẫn non choẹt với lon Trung uý chưa kịp rửa. Gặp nhau, nhậu một trận đã đời rồi chia tay vội vã vì cơn lũ Tháng Tư  75 uà đến … cho đến hôm nay, ba mươi năm sau, vẫn có người chưa gặp lại!

Cái quyết định ngu dại nhất trong đời “bại binh” cuả tôi là đem theo một tháng gạo, cùng Lý Phước Hồng đón xe lôi đi ở tù! Có lẽ trên thế gian nầy, chưa có đoạn quân sử quốc gia nào ghi chép những điều kỳ quái như thế.  Sau một tháng “học tập” tại trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, mấy tên tù binh lơ láo như tôi tưởng được thả về, không ngờ lại bị đưa thẳng vào trại Chi Lăng, nhốt ở đó một năm sáu tháng, không cho thư từ, thăm viếng. Bài học thuộc lòng đầu tiên là đói… Đói đến nỗi không dám cười, thân hình chỉ còn da bọc xương. Bài học thứ hai là ăn cây cỏ dại, chuột cống lang … thoi thóp qua ngày!

Ở Chi lăng một năm, tôi đã có ý nghĩ phải tìm cách trốn thoát. Đây là vùng núi và biên giới, mà tiểu đoàn tôi đã quần nát dấu chân, tôi nghĩ sẽ dễ dàng vượt qua biên giới. Biết đâu, ở đó có quân kháng chiến.

Năm thứ hai (1976) … mới sáu giờ sáng, tôi còn nằm nướng trên manh vải bố dưới đất thì Nguyễn Văn Sáu ở phòng cạnh bên bước vào, nằm xuống cạnh tôi. Thoáng chút ngạc nhiên “Mầy làm gì dậy sớm vậy?”. Tôi cất giọng nhừa nhựa trong cơn lười biếng. Sáu không trả lời, kéo tấm mền của tôi đắp ké. Tôi lơ mơ trong giấc ngủ chập chờn, vì bắt đầu có nhiều người thức dậy nói chuyện, đùa giỡn. Sáu nằm bên tôi khoảng một tiếng rồi lặng lẽ bỏ đi. Tôi cũng quên đi nhanh chóng việc nầy. Cho đến ba hôm sau thì có tin một toán bốn người đã chui rào vượt trại, trong đó có Sáu! Chừng đó, tôi mới nhớ lại và hối tiếc, tại sao mình lại vô tâm đến thế? Có thể Sáu muốn nói điều gì? Một lời trối trăn vì con đường đi muôn vàn nguy hiểm?  Toán cuả Sáu đi ngay con đường có bãi mìn ngập nước từ lâu. Đây cũng chính là con đường tôi đã gỉa vờ đi hái rau muống dại và có ý định sẽ trốn thoát bằng lối đó.

Hai ngày sau, bọn cán bộ thông báo đã bắt được ba trong bốn tên vượt trại. Tôi và Hồng lo sợ có Sáu trong đó, tìm cách dò hỏi nhưng không có tin gì. Cầu mong cho Sáu được bình yên! Mãi đến gần mười tám năm sau, khi đến Mỹ, tôi mới được tin  Sáu đã thật sự bình yên ở nơi nào đó, qua cái chết trên đường vượt biên, sau khi trở về với người vợ thân yêu một thời gian ngắn.

***

Hai tháng sau khi Sáu trốn đi, lòng tôi buồn nao nao. Nhìn đỉnh Thiên Cấm Sơn mù mù trong sương chiều, nơi tôi đã từng thức trắng đêm canh giặc để giữ yên thành phố. Cũng nơi đó, biết bao chàng trai trẻ với lý tưởng kiêu hùng đã bỏ lại thịt xương. Thế mà xương trắng, máu đào và những hy sinh, những chiến tích lừng lẫy cũng tan loãng như mây trời. Tôi bỗng nghe thèm quá một khẩu súng – Súng xưa đâu, thép lạnh lùng (1*)-  Bởi tôi muốn rời khỏi trại tù nầy, đi về Thiên Cấm Sơn, về bên kia biên giới. Có lẽ, những chiến sĩ, những đồng đội của tôi còn đâu đó!  Rồi tôi nghe se thắt cả cõi lòng khi nhớ đến mẹ và đứa em gái nhỏ vừa mới xong trung học, không biết sẽ sống bằng cách nào. Tôi nhớ đến người yêu ở Sài Gòn chưa biết tin. Giờ nầy, chắc em đang ngỡ ngàng với cuộc đổi đời đầy cay đắng!

Một buổi sáng, tiếng gọi tập họp của tên cán bộ đầy hách dịch:

-Đội 5, cho năm người đi lao động. Từ tên nầy, một, hai, ba, bốn, năm – có tôi trong đó.

Tên vệ binh chừng mười bảy tuổi, mang khệ nệ khẩu AK dẫn đầu cùng năm tên tù ra khỏi cổng rào chừng một, hai cây số.

-Các anh ‘nàm’ mỗi người một ‘nuống’ đất trồng khoai, cao 3 tấc, ngang 3 tấc, mỗi ‘nuống’ dài từ hàng cây “lầy” đến hàng cây kia. ‘Nàm’ xong sớm thì nghỉ sớm. Rõ chưa?”

Tôi cuốc đất một cách uể oải vì đói. Ở đây, nhìn dãy núi thật gần. Mây mù vần vũ, trời lại mưa.

-Thưa cán bộ, trời mưa!.

-Đã biết! không cần báo cáo. Nhưng các anh phải ‘nàm’ xong mới  được về.

Tên vệ binh trùm đầu bằng tấm poncho và đến ngồi co ro bên gốc cây, cạnh nơi tôi đang cuốc. Trời sấm sét, mưa mù mịt. Dãy núi đã biến mất trong làn mưa, chỉ còn loé lên những lằn ánh sáng và tiếng nổ chát chúa nơi hướng núi. Tôi nhớ ba năm trước, lần đánh chiếm lại Núi Dài, đạn bom long trời, lở đất, như cơn sấm sét thịnh nộ ngày hôm nay. Nước mưa thấm lạnh cả thân thể gầy gò, vậy mà lòng tôi bỗng nóng ran như lửa đốt. Một ý nghĩ chợt hiện lên “Sao không nắm lấy cơ hội này để trốn thoát?” Một cán cuốc đập mạnh. Chính xác. Quyết liệt. Vào cái đầu đang trùm poncho xoay lưng lại, tước khẩu AK và chạy về phía núi. Không biết mấy người bạn tù đằng kia sẽ phản ứng ra sao? Tôi nghĩ nhanh, bắt bốn người  kia đi theo một khoảng xa, khi đã an toàn,  ai muốn trở lại trại, tuỳ ý.

Nhìn lại cái khối tròn nhô lên trong tấm poncho, tôi cắn chặt răng. Một cú đập đủ kết liễu mạng người hay ít ra cũng làm cho bất tỉnh. Tôi vận dụng sức lực lên đôi tay, giơ cuốc lên … rồi lại cuốc đất. Tại sao thằng vệ binh nầy lại ngồi im? Tại sao nó không lên giọng phách lối đáng ghét?  Tôi cố moi trong đầu óc. Tìm.  Kiếm.  Nhớ… những điều khiến tôi căm thù. Rồi tôi nhớ đến nét mặt và giọng nói đểu giả của tên thiếu tá chính ủy Trần Thâu khi lên lớp “Bọn ngụy các anh chuyên cướp của giết hại dân lành, tội lỗi của các anh biển Đông rửa cũng không sạch”.  Hừ! đúng là cái bọn ngậm máu phun người. Bây giờ, ta mới thật sự là kẻ giết người, ta giết bọn bây, cái bọn vừa ăn cướp, vừa la làng! Tôi giơ cuốc lên. Một ánh chớp và tiếng gầm run chuyển đất trời. Tôi lại nghĩ… nhà thằng nhóc nầy chắc ở miền quê Bắc Việt. Không chừng, mẹ nó cũng đang cuốc đất, trồng khoai, lê lết cuộc sống đói nghèo trong cái xã hội chủ nghĩa. Không chừng, em nó cũng vừa bỏ học để tìm miếng ăn.  Chiếc cuốc chợt run rẩy trong tay tôi.

Tên vệ binh vẫn ngồi co ro bên gốc cây, ôm khẩu súng dựa vai. Hình như nó đang ngủ.  Năm tên tù ướt loi ngoi thất thểu trở về trại. Cái đói vẫn hành hạ bọn tôi một cách tàn nhẫn.

Hai ngày sau, vào một buổi chiều trời vừa sập tối, một loạt AK nổ vang phía Khung 4. Bản tin chuyền nhanh sáng hôm sau, thiếu úy Tuấn bị kiết lỵ, xin đi cầu tiêu, bị tên vệ binh non choẹt  nổ nguyên băng đạn AK vào người khi anh đang quằn mình trong cơn đau bụng vật vã. Tuấn chết tại chỗ, nơi bờ rau muống vừa vượt ngọn. Cán bộ tập họp thông báo, thằng Tuấn cực kỳ phản động, dám giựt khẩu súng của vệ binh để trốn trại, đã đền tội.

Ai cũng biết anh Tuấn có đệ nhị đẳng huyền đai Thái Cực đạo. Nhưng cả tuần nay anh bị kiết lỵ, đi đứng không nổi, nói gì đến chuyện giựt súng, trốn trại! Tôi mở to đôi mắt, nhìn trừng trừng vào tên vệ binh giết người vừa được thăng cấp. Kẻ chiến bại không đủ tàn nhẫn để nện một cán cuốc. Kẻ chiến thắng thì sẵn sàng nhả đạn vào một con người không chút oán thù để lập “chiến tích”. Tôi nhìn hắn, hai tay nắm chặt, tự hứa với lòng “Mai ta đi đòi lại kiếp làm người!”

 

***

Sau khi thoát khỏi nạn đói nhờ liều mạng ăn chuột cống lang, tôi thấy khoẻ ra, nên bắt đầu luyện tập thể lực để chờ thời cơ. Sáng nào cũng chạy mấy chục vòng sân. Tôi gặp Hồ cũng chạy (sau nầy khi qua đảo, nghe Hồ trốn trại ở Xuyên Mộc, mới nhớ lại chuyện cũ. Thì ra, nó cũng như mình)

Ở Chi Lăng hai năm, tôi được gặp nhiều bạn cùng khóa như Thạnh, Nghệ, An, Điều, Nẫm, Nhơn, Tiễn, Long,  Hồ… Lúc đó, Nghệ ăn chay trường, hắn ta có tài kể chuyện rất có duyên. Cả nhóm hay ngồi say mê nghe Nghệ kể chuyện “Tam Quốc Chí”. Không ngờ, hắn cũng có đầu óc kinh tế, nên đến đoạn gây cấn “Trận Xích Bích”, hắn làm eo, làm xách, anh em phải lo lót ít rau muống hay đọt lang để chấm tương mới chịu kể tiếp. Dù được chiều chuộng, nhưng hắn cũng thường dở hơi bất tử. “Tui mệt quá, ngày mai kể tiếp!”. Cái thằng! ăn chay trường mà toan tính như  “ác nhân”. Có lần tôi đè hắn ra, hăm he sẽ đổ “dầu hợi” (mỡ heo) vào miệng hắn. Nghe đến dầu hợi hắn sợ lắm, bắt làm gì cũng làm.

Anh em gặp nhau vui vẻ chẳng bao lâu lại phải chia tay. Tôi bị đưa đến trại Vườn Đào, Mộc Hóa và bị xếp vào diện ác ôn, nguy hiểm, nên không hề được đi ra ngoài công tác, cứ quanh quẩn trong vòng rào, thật khó mà trốn  thoát như dự định. Ở Vườn Đào, tôi tìm được người đồng chí hướng là Nguyễn Đức Tân. Hai đứa bàn kế hoạch, làm sao được xung vào toán mổ heo trong dịp gần Tết (1978) để có cơ hội ra ngoài bờ kinh, từ đó vọt về Cát Lái. Thời cơ đến, ban nhà bếp đang tìm người biết mổ heo. Chúng tôi khai là có nhiều kinh nghiệm “gia truyền”, nhưng giờ chót Tân không được chọn. Một mình ra ngoài, tôi vừa thất vọng, vừa khổ sở, vất vả với hai con heo. Thật sự, trong đời chưa hề đụng đến con heo thì làm sao mà biết mổ. Cuối cùng, đành phải trở lại trại, sau khi chôm chỉa bộ lòng và hai lít rượu đế chia cho mấy thằng bạn.

Sau cơn đại lụt ở Vườn Đào khoảng tháng 6 năm 1978, lòng tôi nôn nóng như ai cào cấu. Phải làm sao đi trong năm nay, vì nghe đâu sẽ bị chuyển đến một trại kiên cố hơn nhiều. Lần nầy, tôi tập họp được ba người bạn. Nguyễn Thạch Bửu, nhiệm vụ tích trữ tiền bạc và thuốc men. Trần Bạch Đằng liên lạc bên ngoài để đưa cả bọn về Vũng Tàu rồi ra rừng Long Khánh (nghe tin có nhóm kháng chiến ngoài đó). Nguyễn văn Tước tích trữ lương khô và cung cấp vật liệu khi tôi cần.Tôi  phụ trách việc đào hầm và chịu trách nhiệm hướng dẫn nhóm về đến Mỹ Tho. Rồi từ Mỹ Tho người của Đằng sẽ đưa về Long Khánh. Đồng ý kế hoạch, chúng tôi bắt đầu thực hiện. Thời điểm để trốn thoát là dịp Tết năm 1979. Chúng tôi tình nguyện gia nhập đội văn nghệ và đăng ký trình diễn vũ khúc Hahiti tự sáng tác. Lợi dụng thời gian ban quản giáo cho phép nhóm được tách riêng ở một góc vắng để tập vũ trong giờ các tù nhân khác nghe đọc sách, chúng tôi cùng nhau bàn bạc kế hoạch. Sau khi đã quyết định, chúng tôi bắt đầu hành động từng bước với lời thề “Một là thoát, hai là sẽ chống cự đến chết, nhất định không để bị bắt lại và bị hành hạ chết dần mòn như bao nhiêu anh em đi trước”.

Trước hết là chuẩn bị sức khoẻ để đủ sức băng rừng vượt suối khi cần. Ở trại Vườn Đào, chỉ có mấy cái ao nước tiểu quanh các dãy nhà và ao này sẽ ngập đầy khi con nước lớn.  Mỗi ngày, chúng tôi tập bơi lặn vài tiếng trong cái ao bẩn thỉu đó với tư thế bị trói hai tay. Khu trại Vườn Đào có hai vòng đai. Bên trong cùng là dãy nhà của tù vì được cất giữa đồng hoang, nên bên ngoài những dãy nhà là ao nước. Bao bọc dãy nhà của tù là bờ đê cao, có rào cẩn thận với dãy doanh trại cuả vệ binh. Từ bờ đê trại, vệ binh có một vòng đai cho “tù” trồng rau cải, ao cá, cầu xí. Bên ngoài cùng là những lớp rào và vọng gác cuả vệ binh. Ban ngày chúng cho “tù” tự do sinh hoạt ở vòng đai ngoài. Vệ binh gác ngoài cùng. Đến sáu giờ chiều thì lùa hết vào trong doanh trại, có bờ đê rào chặt chẽ, đèn điện sáng và hệ thống doanh trại vệ binh canh gác thật nghiêm ngặt. Làm thế nào có thể ở lại bên ngoài an toàn sau sáu giờ để khi vệ binh vào gác bên trong, ta sẽ thoát? Ngồi núp lại dưới hầm cầu thì đã có hai người vượt thoát. Trốn trong hầm ngầm dưới mặt nước ao, trước khi vệ binh lùa vào trong là thượng sách.

Để tránh sự chú ý cuả đám “ăng-ten”, chỉ một mình tôi đào hầm  -kiểu hầm ngầm dưới ao cuả VC. Hầm có cửa vào nằm dưới mặt nước, chỉ cần lặn xuống nước thì biến mất trong hầm. Địa điểm hầm được chọn gần ngay dãy trại cuả vệ binh để tránh sự dòm ngó cuả bọn chỉ điểm. Ròng rã suốt một tháng tôi mới đào hầm xong, vì mỗi khi có bạn tù đến gần thì phải ngưng để làm việc khác.  Tôi chôn giấu quần áo, lương khô, thuốc men ở một liếp rau, dùng cỏ khô đậy cửa hang lại kỹ lưỡng, chờ giờ thuận tiện để xuất phát. “Kế hoạch hành quân” quyết định sẽ bắt đầu vào chiều 28 tháng chạp năm 1978.

Theo kế hoạch, đúng 5 giờ 25 chiều, bốn người sẽ ngồi chăm bón rau gần hầm, khi thấy không  có ai chú ý thì tôi sẽ phóng xuống ao vào hầm trước,  lần lượt  Đằng, Bửu, Tước sẽ theo sau. Nhưng cho đến 5 giờ 15, tôi vẫn chưa rời khỏi phòng được, vì T, một tên “ăng-ten” khét tiếng cuả đội 3 cứ quanh quẩn nhìn tôi bằng cái nhìn dò xét. Trong lòng tôi nơm nớp lo sợ, không lẽ anh ta đã đánh hơi được cái gì? Nếu mình ra ngoài, hắn đi theo thì tiêu tan kế hoạch. Tôi phải đánh lạc hướng bằng cách đi tắm, và chăm sóc con gà sắp đẻ mà tôi đã nuôi mấy tháng nay. Đến 5giờ 30, có một người bạn kéo T. đi đánh pingpong ở đội 5 (T. hiện ở CaLi. Không biết anh ta có lần nào bị ray rứt vì những chuyện đã làm?). Khi hắn đi khuất, tôi bỏ con gà, chạy một mạch ra điểm hẹn. Đến nơi thì hỡi ôi!  cả người tôi lạnh toát!. Đằng đang ướt loi ngoi ngồi cạnh bên Bửu và Tước, giã vờ nhổ cỏ. Gần đó, anh Đức đang cuốc đất và vài người nữa đang chăm sóc luống rau, câu cá. Tôi hỏi, Đằng cho biết là đã đến giờ hẹn mà không thấy tôi, nên liều mạng xuống ao trước, nhưng không thấy cửa, lại leo lên bờ ngồi đó. Nhận thấy tình hình không thể chui vào hầm lúc nầy, tôi bảo Đằng phải vào thay quần áo thật nhanh và trở lại, đừng để người xung quanh chú ý. Khoảng mười phút sau, Đằng trở ra. Chỉ còn mười phút nữa. Vài người gần đó đã đi vào trại. Chỉ còn anh Đức đang cuốc đất cách chúng tôi chừng mười lăm mét. Chưa biết tính sao thì Trần Văn An lù lù đi tới và ngồi xuống cạnh tôi. Lại thêm một rối rắm nữa. Với cái giọng cà tửng, An nói:

-Tao ngồi chơi với mầy, chừng nào mầy vô, tao vô luôn.

Suốt mấy năm ở trại, chưa bao giờ An chơi kiểu nầy, vậy mà ngay phút giây sinh tử cuả bọn tôi, không biết ma xui, quỷ giục làm sao hắn lại xuất hiện. Tôi không hề sợ An khai báo nếu biết sự thật, nhưng tôi sợ An sẽ xúc động, không giấu được nét lo âu, có thể làm  bọn “ăng-ten” chú ý, nên năn nỉ hắn:

-Mầy vô trước nấu trà thơm, tao sẽ mang bánh ngọt qua, anh em mình nhâm nhi tối nay.

Thấy An có vẻ chần chừ, tôi đẩy An đi mà lòng chợt bồi hồi, không biết có còn gặp lại nhau nữa không?

Chỉ còn mười phút phù du. Anh Đức vẫn thản nhiên cuốc xới. Cuối cùng, tôi phải quyết định táo bạo. Bước lại gần anh, tôi nói nhỏ:

-Anh vào ngay đi, đừng ở đây bị liên lụy, tụi tôi vượt trại ngay bây giờ.

Anh Đức ngưng cuốc nhìn tôi, mặt tái xanh:

-Vượt trại?

-Ừ! ngaycái ao nầy. Coi như anh chưa từng nghe tôi nói gì, đi ngay đi.

Anh Đức buông cuốc đi một mạch. Anh là người rất hiền lành và tốt bụng nên đã không báo cáo để hại bạn. Nếu tình cờ đọc được những dòng chữ nầy, xin anh Đức nhận nơi đây lời cảm ơn muộn màng của chúng tôi.

Ngay tức khắc, chúng tôi lặn xuống ao, chui vào hầm. Cái hầm rất nhỏ, vừa đủ cho bốn người ngồi ôm nhau thật sát. Chúng tôi chỉ mặc vỏn vẹn chiếc quần đùi. Mực nước cao sát cằm. Cảm giác đầu tiên giống như bị cù lét, nhột nhạt không thể tả. Cái nhột nhạt do ôm nhau ở dưới nước làm cả bốn người không thể nín  cười được, dù không ai muốn cười trong hoàn cảnh nầy. Càng cố nín cười không thành tiếng, thân mình càng bị run lên và cọ quẹt vào nhau nên, càng nhột nhạt. Càng nhột, lại càng cười. Khoảng hơn mười phút sau, cơn cười mới lắng dần vì ngộp thở. Bọn tôi mệt lã vì thiếu không khí, do lỗ thông hơi quá nhỏ.  Khi vào hầm thử thì chỉ có mình tôi và mực nước thấp, nên không lường được hậu quả nầy. Cả bọn phải dùng tay móc thêm lỗ thông hơi nhưng vẫn không đủ không khí để thở.

Không thể chờ đợi đến gần khuya cho thật an toàn như kế hoạch, tôi quyết định phải chui ra, ngay khi ánh sáng từ lỗ hỏng hơi mờ nhạt. Có lẽ, lúc ấy khoảng hơn bảy giờ. Tôi bới tìm túi quần áo đã chôn dấu, bơi qua hồ cá tra, lần lượt cả bọn bò ra khỏi các hàng rào. Trời tối dần. Nhìn lại vòng đai canh gác, đèn điện sáng choang, thấp thoáng bóng dáng mấy tên vệ binh qua lại và văng vẳng tiếng lao xao của anh em bên trong. Chúng tôi tiếp tục bò đi trong rừng cỏ hoang của đồng tháp chừng một cây số mới dám đứng lên. Quay nhìn một lần nữa khu trại tù với ánh đèn lấp loáng. Vĩnh biệt mi, trại tù hắc ám đang giam hãm cả một thế hệ trai trẻ.

Phiá trước là đồng hoang tối đen như mực. Tương lai mình sẽ về đâu? Tôi tự hỏi với một thoáng hoang mang, nhưng dù sao, lòng đã quyết, không thể tiếp tục khuất phục trước kẻ thù. Cỏ lác cao tận cổ, chúng tôi nắm chặt tay đi hàng ngang vì sợ lạc. Có nhiều lần, bốn tên bất ngờ bị lọt xuống trủng sâu làm điếng hồn, rồi lại bò lên đi tiếp. Đi liên tục khoảng bốn tiếng trong bóng đêm dầy đặc, không nhìn thấy gì ở xung quanh. Có lẽ, Ơn Trên đã làm phép lạ, nên bốn thằng chúng tôi, chỉ vỏn vẹn chiếc quần đùi, đi chân không, chen giữa rừng cỏ lác cao ngang đầu, bằng những bước hối hả, vậy mà không ai bị thương tích hay sướt da. Chúng tôi định hướng được Sài Gòn qua vùng sáng lớn nhất. Nhờ định phương hướng bằng sao trời, chúng tôi tìm ra được hướng Cai lậy và Mỹ Tho, nên quyết định đi về con đường lộ xe chạy – từ Cai lậy đến Vườn đào- rồi băng qua lộ, xuống đồng luá, đi về Trung Lương, từ đó, tìm xe đến  Mỹ Tho. Tiếp tục bước chân trần trên cỏ lát và bóng đêm, cho đến khi cả bọn bị lọt tủm xuống một ao nước sâu mới biết rằng đã kề cận với xóm nhà ven con kinh.

Bơi qua con kinh, tiếp tục đi khoảng hai tiếng nữa về hướng đèn Mỹ Tho thì gặp con kinh lớn cặp ven lộ Cai Lậy. Lúc đó, xem đồng hồ là hai giờ ba mươi sáng. Tôi nghĩ, nếu tiếp tục băng qua lộ đá xuống đồng, đi về Trung Lương như kế hoạch cũ thì có thể đến sáng, cả bốn người còn lang thang giữa đồng. Khu đó là đồng luá, những người làm việc sẽ thấy, vậy chẳng khác nào “lạy ông con ở bụi nầy!”.  Vì thế, tôi quyết định lên lộ đá, đi thẳng ra Cai lậy, đón xe về Mỹ Tho, vì nghĩ rằng bọn cán bộ không bao giờ ngờ chúng tôi dám trốn ra Cai lậy.

Chúng tôi qua lộ đá, tìm chỗ tắm rửa, thay quần áo sạch. Lần nầy, thay đổi chiến thuật là đi công khai. Vừa đi, vừa nói chuyện, đuà giỡn ỏm tỏi như mới đi nhậu về. Thỉnh thoảng, cũng có vài căn nhà ven lộ thức dậy, chuyển hàng xuống ghe. Gặp một chiếc xe máy ba gác chở hàng, chúng tôi đón lại xin quá giang ra chợ. Người đàn ông lớn tuổi không hề thắc mắc, chở chúng tôi đi. Đến Cai Lậy chợ cũng vừa họp. Sau khi mua cho mỗi người một đôi dép, chúng tôi tản ra như bốn người xa lạ, theo xe lam ra đến Mỹ Tho lúc sáu giờ ba mươi sáng.

Khi ghé vào tiệm hủ tiếu ăn sáng – có lẽ, đây là tô hủ tiếu và ly cà phê ngon nhất trong đời tôi –  mới khám phá ra tai cuả tôi và Tước còn dính bùn đất. Sau khi ních một bụng no nê, cả bọn nhìn nhau cười thoải mái, dù chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp. Ăn xong, ba chúng tôi ngồi chờ Đằng tìm địa điểm, nơi sẽ đón bọn tôi. Một tiếng sau, Đằng trở lại cho biết, ở nhà đó, không người nào có tên như mẹ Đằng đã nói. Đến tìm đúng số nhà, nhưng chủ nhà không biết gì cả, và họ lại là người Tàu không rành tiếng Việt – Sau nầy mới biết, trong lần thăm nuôi chót, mẹ Đằng chưa kịp nói đủ mật mã để nhận diện ở Mỹ Tho thì đã bị cán bộ đuổi về. Chúng tôi quá đỗi kinh hoàng, vì không biết đi đâu và sẽ làm gì trong hoàn cảnh nầy. Biết tìm đâu ra chỗ trú ngụ an toàn trong khi chờ Đằng liên lạc với mẹ của anh ở Vũng Tàu? Gần bốn năm trong tù, nay trở về phố lạ, chúng tôi lạc lõng, ngơ ngáo thật tội nghiệp. Ly cà phê bỗng đắng đến rợn người.

Đang miên man suy nghĩ phải giải quyết thế nào, tự nhiên tôi chợt nhớ số nhà cuả Phan Tấn Lộc, người bạn tù cùng tổ khi anh tâm sự về  gia đình. Lộc còn một mẹ già, vợ và hai đứa con nhỏ. Để ba người bạn ngồi lại, tôi vội đón xích lô tìm nhà Lộc. Đến con hẻm nhỏ, tìm đúng số nhà, tôi bước vào thì gặp một bác người Nam còm cõi, áo có nhiều miếng vá. Tôi đoán là mẹ cuả Lộc, nên hỏi vài câu để thăm dò. Khi biết đúng là bà, tôi thú thật là bạn của Lộc đang ở trong tình huống cùng đường. Vừa nghe qua, bà đứng dậy, chạy đến, ôm đầu tôi nghẹn ngào trong nước mắt:

-Con ơi là con! tội nghiệp các con, cứ đưa anh em đến đây đi rồi tính sau.

Tôi xúc động đến lặng người, không nói được lời cám ơn! Lòng can đảm và tình thương vô biên cuả một người mẹ già xa lạ đã cứu chúng tôi trong lúc nguy nan.

Trở lại quán ăn, chúng tôi bàn tính làm sao để cả bốn thanh niên lạ mặt vào nhà bà mà không bị  hàng xóm để ý. Hôm đó là ngày hai mươi chín Tết, chúng tôi giả dạng là những người cháu họ của bà từ  miền Tây đến thăm với nhành mai, dưa hấu trên tay, cười nói vui vẻ bước vào con hẻm. Căn nhà thuê thật chật hẹp nằm trong dãy nhà cuối hẻm gồm bốn căn, ngăn cách nhau bằng những tấm vách gỗ. Từ ngày Lộc đi tù, gia đình chỉ còn bà mẹ và vợ với hai đứa con nhỏ năm, bảy tuổi. Chị Lộc phải đi bán vé số để sinh sống qua ngày. Nhà nghèo đến độ bà mẹ già lom khom ra chợ, nhặt lá cải vụn bị loại bỏ, đem về làm dưa chua ăn Tết, nhặt từng cọng lá chuối khô, rơm rác bỏ phế ở để làm củi. Bao nhiêu tiền bán vé số cuả chị Lộc đều dành mua thực phẩm đi thăm nuôi Lộc. Gia đình chỉ sống lây lất qua ngày bữa cháo, bữa rau không đầy bụng.

Hôm đó, chúng tôi trú ngụ trong phòng của chị  Lộc – thật ra chỉ là một chiếc  giường tre, được ngăn bằng  tấm màn vải – để chờ chị  Lộc đi Bến Tre liên lạc với người bà con, nhờ họ báo cho mẹ của Đằng ở Vũng Tàu tìm cách đưa chúng tôi đi khỏi Mỹ Tho. Chúng tôi nằm chờ tin. Một ngày, một đêm chầm chậm trôi qua chừng như nghẹt thở! Đến trưa ngày hôm  sau –ba mưoi Tết-  chị Lộc trở về nhà, với nét  mặt hốt hoảng chị cho  biết,  bé Thành, con trai nhỏ của chị, sang khoe với đứa bạn ở căn nhà sát vách “nhà tao có bốn chú trốn tù”. Mẹ của đứa bé nghe được liền cho chị Lộc biết. Không bao lâu, có một tên công an trẻ đi đến nhà bên cạnh, chẳng biết làm gì, rồi hắn lại đi một cách vội vã. Trong lo âu, hồi hộp, chúng tôi bàn cách đối phó, nếu bị khám nhà bất ngờ và tìm cách ra khỏi căn nhà nầy mà không phải đi bằng lối ra vào duy nhất là con hẻm nhỏ phía trước. Đây là con hẻm cụt, phía sau dãy nhà chị Lộc là một cái ao nước đen, không có đường đi. Xóm nhà trong hẻm nầy chỉ có mấy căn, ai cũng biết nhau. Hai ngày qua, chúng tôi im phăng phắc trong nhà, bây giờ tự nhiên có bốn người thanh niên lạ bước ra, rất dễ bị để ý và nghi ngờ. Bên phải nhà chị Lộc là một căn nhà lầu cao, có rào kẽm gai bao quanh. Chị Lộc cho biết, nhà nầy có cô gái tên Nhung là bạn thân của chị.  Tôi thầm nghĩ, đường thoát ra ngoài đã có chút ánh sáng.

Vách nhà chị Lộc bằng gỗ cũ kỹ, sát với hàng rào kẽm gai nhà bên cạnh. Nếu được sự thương tìnhcủa chị Nhung, chúng tôi sẽ cắt vách, cắt rào, chui qua nhà chị là có thể đi thẳng ra đường lớn phía trước, không phải qua con hẻm. Đánh bạo một ván bàn tẩy, tôi xin chị Lộc mời chị Nhung sang để nhờ chị giúp đỡ. Nhìn bốn  tên tù vượt ngục quá đỗi thảm thương, nên chị Nhung đồng ý. Chị trở về nhà, cắt một lỗ rào, bên nầy tôi cắt một lỗ ván dưới ngay gầm giường và chui qua sân sau nhà chị Nhung. Từ nhà chị Nhung, chúng tôi tản ra phố Mỹ Tho đến một giờ đêm mới trở lại để dò la tình hình. Thấy có vẻ bình thường, chúng tôi chui rào, qua vách để trở lại nhà chị Lộc. Đêm hôm sau cũng “di tản” như thế. Ban ngày, thay phiên nhau gác ở cửa trước và lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chui qua lỗ rào thoát thân, nếu công an tới khám nhà.

Đến sáng ngày mùng hai Tết, mẹ của Đằng nhận được tin đã đến đưa chúng tôi đi Vũng Tàu. Mọi người đều mừng khi vượt qua được một đoạn đường khó khăn. Mẹ và vợ của Lộc đã tiễn chúng tôi đi với hàng nước mắt. Ôm vai tôi, mẹ của Lộc nói:

-Mẹ cầu cho các con đi bình an vô sự. Khổ cho các con!

Tôi chỉ biết cầu Chúa ban phước lành cho người mẹ già và gia đình nhân ái nầy. (Năm 1987, gia đình Lộc đã được một người quen cho đi vượt biên. Hiện nay, anh chị Lộc rất thành công tại SC).

Khi ngang qua Sài Gòn, tôi xin được vài mươi phút để ghé thăm Nguyệt, người con gái tôi yêu và yêu tôi, đã mòn mỏi đợi chờ tôi suốt tám năm qua. Lúc ấy, tôi đang học quân sự ở Đà Lạt. Ra trường, nhận đơn vị chiến đấu, ngày từng ngày đối diện với cái chết, tôi không dám nghĩ đến chuyện kết hôn. Trong những năm tôi đi tù, em đã ba lần tìm kiếm để thăm tôi. Lần thăm cuối cùng ở Vườn Đào, tôi đã nhét vào tay em một lá thư thay lời vĩnh biệt, vì tôi không biết tương lai mình ra sao khi vượt trại. Gặp nhau, hai đứa nghẹn ngào, không nói được những gì cần phải nói đã đến phút chia tay. Em – người con gái yếu đuối với tình yêu bất hạnh. Tôi – người trốn tù biệt xứ hôm nay. Cuộc tình này rồi sẽ đi về đâu?  Vừa ngỡ ngàng như đang trong giấc mơ, vừa hoang mang không biết nên hy vọng hay tuyệt vọng trong niềm đau hay hạnh phúc. Trong thời khắc ngắn ngủi còn lại, chúng tôi lặng yên như khối đá, tay nắm tay, không nói được một lời.

“Em lặng nhìn rất vội lúc chia phôi,

Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ” (2*)

Chỉ hai câu thơ nầy mới diễn tả trọn vẹn tâm trạng chúng tôi trong giây phút cuối cùng còn được nhìn thấy nhau. Nhìn em nhạt nhòa trong dòng nước mắt, với câu hỏi như lời ai oán “Bao giờ mình sẽ gặp lại hở anh?”.Tôi lắc đầu “Anh không biết!” rồi vội vã ra khỏi cổng rào. Nhưng chỉ vài bước tôi quay lại, cầm tay em nói một cách quả quyết “Anh tin mình sẽ có ngày gặp lại”, rồi cúi đầu bước nhanh vào dòng người đang ngược xuôi trên đường phố. Những giọt nước mắt nghẹn ngào, đau xót cùng với tình yêu chung thủy, nồng nàn cuả em trong những ngày tháng cùng cực, bi thảm ấy đã là sợi chỉ hồng tươi thắm, cột chặt cuộc đời chúng tôi vào nhau cho đến ngày hôm nay và suốt quãng đời còn lại.

Ở Vũng Tàu mười ngày, cứ đêm đến, để an toàn, bốn anh em chúng tôi phải trèo tường lên nóc nhà để ngủ. Ngày qua ngày, chúng tôi chờ đợi trong lo âu hồi hộp mà vẫn không liên lạc được với nhóm kháng chiến nào! Khi hỏi ra mới biết, sự thật mẹ Đằng cũng chỉ nghe đồn thôi chứ chưa hề gặp họ. Đến nước nầy đành phải trở lại Sài gòn để tìm chỗ nương thân.

Trở lại nhà Nguyệt, tôi được ba má em đón tiếp ân cần và sẵn sàng chứa chấp cho đến khi nào có đường đi. May mắn cho tôi, lại một lần nữa gặp được tấm lòng nhân hậu vô lượng. Sáu tháng trôi qua vẫn chưa bắt liên lạc được với đường dây kháng chiến nào. Tình yêu chúng tôi càng thêm tha thiết, mặn nồng. Em nhất quyết, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng chờ đợi tôi và chỉ yêu một mình tôi. Thế là chúng tôi vui vẻ đánh ván bài liều: làm lễ hỏi – thật kín đáo, chỉ trong gia đình – và tìm đường vượt biên.

Ba tháng sau, tôi bắt được đường dây vượt biên ở Rạch Sỏi, nhưng vì không đủ tiền tôi đành bỏ lại sau lưng mối tình sâu đậm, một mình dấn thân vào nơi sóng gió. Đêm chia tay nhau, em chỉ toàn nước mắt và nước mắt. Tôi bước chân đi mà lòng đau như cắt.

Trên đường đưa ra tàu lớn ở Sông Cái, chiếc ghe nhỏ chở  tôi và Bửu bị chận bắt ở đồn công an Rạch Sỏi, với đầy đủ  hải bàn và hải đồ trên ghe. Tôi nghĩ, nếu lọt vào tay bọn chúng thì chỉ có một con đường duy nhất là chết. Vì vậy, lợi dụng lúc tên công an đang mò mẫm từng chữ để viết báo cáo, tôi ngầm ra hiệu cho bác lái tàu. May mắn thay, bác bắt được ý tôi. Bất thần tôi phóng xuống ghe, bác tài giật máy và chiếc ghe lướt đi giữa những làn đạn bay vun vút trên đầu.

Về lại Sài gòn sau hai tuần lưu lạc, nhìn người vợ chưa cưới của mình héo hắt như cọng cỏ khô mà lòng tôi xót xa, bồi hồi. Gặp lại nhau, em mừng vui như tôi vừa sống lại. Ngay giây phút ấy, tôi nói với em, sẽ không bao giờ tôi đi một mình nữa, dù ở lại có chết cũng cam lòng. Từ đó, tôi bắt đầu một cuộc phiêu lưu để tìm đường vượt biên. Tôi lặn lội, tìm kiếm những bạn bè ở vùng sông biển để rủ rê, bàn tính kế hoạch. Nhưng với hai bàn tay trắng, không một đồng dính túi, bạn bè, đứa nào cũng nghèo xác, nghèo xơ, nên cuối cùng tôi đành phải vào làm công cho một lò đường ở ven sông Cửu Long, thuộc tỉnh Vĩnh Bình, để chờ thời cơ. Nhớ những ngày vác mía trầy trụa đôi vai, đầu bù tóc rối mà thương cho những người cơ cực trong cuộc sống.

Gặp lúc chủ lò đường làm ăn khó khăn, nợ nần tứ phía, không biết cách nào giải quyết, tôi khuyên nên tổ chức vượt biên, tìm khách đóng đủ số vàng đang cần, để lại cho gia đình trả nợ rồi ra đi. Người chủ đồng ý, chúng tôi bắt tay nhau tiến hành, sửa chữa chiếc ghe “cà dom” nhỏ, dài chín mét, ngang hai mét. Tôi đi một vòng để tìm người góp tiền vượt biên. Lặn lội tìm bạn bè khắp nơi từ Châu Phú, Long Xuyên, qua Phụng Hiệp, Cần Thơ, Long Hải đến đâu cũng gặp tình cảnh nghèo xác xơ của những người bạn mới ra tù. Từ giã bạn, tôi bước đi mà lòng chua xót, tội nghiệp bạn mà cũng tội nghiệp cho chính thân mình.

Tôi bắt đầu học lái ghe trên sông và đi qua lại các trạm biên phòng nhiều lần để dò đường. Từ sông ra biển không có gì đáng ngại. Nhưng ra đến ngoài biển thì làm sao lái tàu đến nơi? Một bài toán nan giải. Những ngày về Sài gòn, tôi lang thang trong chợ sách cũ để tìm… Ngày từng ngày vẫn hững hờ trôi qua. Bỗng một hôm, tôi nhìn thấy quyển sách có nhan đề “Cách xử dụng hải bàn khi đi biển” treo lơ lửng trên sợi dây trước cửa hàng  sách. Chúa ơi! có phải Ngài đang ra tay! Tôi cầm ngay cuốn sách và hỏi giá. Cô bán sách tươi cười với đôi mắt có đuôi:

-Chỉ có tám mươi đồng thôi anh ơi! .

Móc hết tiền trong túi, chỉ vỏn vẹn có mười đồng. Tôi năn nỉ:

-Cô làm ơn cho tôi đặt tiền cọc và cất quyển sách này vào trong dùm, chiều nay tôi sẽ trở lại mua.

Tôi chạy đi tìm Nguyệt, lúc đó đang làm việc ở trường Dược. Hai đứa tìm Tuyết Nga, đứa em nuôi, cầu cứu. Nga cũng không có tiền, nên cho mượn chiếc máy may để đem cầm. Tôi trở lại mua sách với tất cả sự hân hoan và niềm hy vọng.

Trở lại Vĩnh Bình, tôi tiếp tục nghiên cứu, sửa chữa chiếc ghe và trôi nổi, thao dợt nhiều ngày tháng trên sông. Ngày 19 tháng 3 năm 1982, vợ chồng tôi xuống tàu ra khơi khi đứa con gái đầu lòng vừa sinh được một tháng mười tám ngày. Vượt qua một đêm sóng gió kinh hoàng, tưởng cả tàu đã chìm nghỉm trong những lượn sóng đen ngòm như bàn tay tử thần vươn tới. Sau ba ngày lênh đênh trên biển chẳng biết đâu bờ bến, chỉ nhìn sao và hải bàn, định hướng Nam mà đi. Nước uống và lương thực trên tàu đã gần cạn, tôi vô cùng lo lắng. Đến đêm thứ ba, nhiều người trên ghe nhìn thấy ánh sáng chợt hiện, chợt tắt ở hướng Đông, mọi người cho rằng đó là đất liền, nên yêu cầu tôi đổi hướng. Tôi hoang mang, vì theo hải đồ phải đi hướng Nam mới đến Nam Dương (Indonesia), còn hướng Đông thì vào vô tận… làm sao tôi dám đổi hướng với những dự đoán mơ hồ. Nhưng nếu tôi vẫn giữ hướng nầy và nếu tàu đi biền biệt …? Trong nỗi phân vân lo lắng tôi chắp tay cầu nguyện “Khi xưa Thánh GiuSe và Mẹ Maria đã đưa Chúa vượt biên sang Ai Cập để tỵ nạn, nay chúng con cũng vượt biển nguy nan. Con xin phó thác trong tay Chúa, xin Ngài cho một dấu hiệu để con biết đường nào đúng để đi!”. Vài phút sau, một ánh sao băng từ giữa bầu trời rơi xuống chân trời thật chậm, đủ để tôi nhìn vào hải bàn và thấy đúng ngay hướng ghe đang đi. Tôi mừng rỡ, vì tin rằng đó là dấu chỉ nhiệm mầu. Và bằng niềm tin vững vàng, tôi thông báo với mọi người rằng tôi quyết định không đổi hướng.

Ngày hôm sau, chiếc ghe nhỏ mỏng manh giữa trùng dương mang theo ba mươi ba người, trong đó có một đứa bé vừa ra đời, chưa tròn hai tháng và một em bé còn trong bụng mẹ, gặp được tàu giàn khoan của Mỹ. Chiếc tàu lớn đã vớt chúng tôi, vì có người phụ nữ đang chuyển bụng sắp sinh con và sau đó đã đưa chúng tôi vào đảo Kuku, Indonesia.

Vừa tới bờ, sắp xếp xong chỗ ở, tôi bước vào căn nhà nguyện nghèo nàn trên đảo, hai bên vách đầy những hàng chữ nguệch ngoạc tạ ơn. Tôi quỳ phục xuống đất, nước mắt tuôn trào. Trong những dòng nước mắt hạnh phúc vì đã vượt qua được muôn ngàn gian truân, nguy hiểm, có những giọt lệ xót xa khi biết rằng mình đã bỏ lại quê hương thân yêu ở phía sau, nơi đó có mẹ già và anh chị em, biết đến bao giờ mới gặp lại []

Trần Yên Hạ

 

(1*) thơ Thảo Nguyên

(2*) thơ Uyên Thao

No comments:

Post a Comment