TÍNH TỚI THÁNG 9/1963, CON ĐƯỜNG TỪ ĐÀ NẲNG ĐI GIÀNG (NĂM TRÊN QL-14) VẪN THÔNG SUỐT.
"Tháng 9 năm 1963, một người bạn tôi đi khám sức khoẻ ở Quân Y Viện Duy-Tân, Đà-Nẵng. Anh ta lo hoàn tất hồ sơ sức khoẻ để theo học khóa Sĩ Quan Hải-Quân. Tôi theo bạn vào thăm Quân Y Viện. Khi tôi đang lang thang quanh khu nhận bệnh thì một chiếc xe Jeep tải thương ào tới. Bên hông xe có treo cái bánh sơ-cua vẽ hình đầu cọp nhe nanh. Xe đậu trước cửa phòng nhận bệnh. Trên băng-ca, một thương binh, đầu, mình băng kín. Chiếc Jeep thứ hai, có cần câu máy truyền tin, bám đuôi sau xe thứ nhứt. Một sĩ quan nhảy xuống. Anh ta ôm xốc người thương binh, chạy ào vào phòng nhận bệnh. Anh trung úy Biệt Động Quân hối hả, “Cấp cứu! Xin quý vị cứu giùm người lính này cho tôi! Thủ tục nhập viện sẽ làm sau! Mau lên! Quý vị làm ơn!” Cả phòng nhận bệnh nhốn nháo. Bác sĩ, y tá, nhân viên cứu cấp, vội vã chuyển người thương binh sang xe đẩy, đưa anh vào phòng mổ. Anh trung úy không được phép vào phòng giải phẫu. Anh bồn chồn, đi loanh quanh bên cái xe Jeep. Miệng anh bập bập điếu thuốc lá, khói phà liên hồi. Một sĩ quan khác, một thiếu úy, trên ngực có huy hiệu hình con rắn leo trên cây kiếm chúi đầu xuống (quân y) ngồi chờ trước vô-lăng xe tải thương, dáng băn khoăn. Tôi mon men làm quen,
- “Thiếu úy! Đánh nhau ở đâu vậy, thiếu úy?”
- “Trên Giàng! Cậu có nghe Hiên, Giàng không? Trên núi, sát biên giới Lào.”
- “Đánh lớn lắm hả thiếu úy?” Tôi tò mò hỏi thêm.
- “Cũng không lớn lắm. Đại đội chạm đại đội. Có điều là đụng địch trong rừng già, tản thương chậm trễ, khó khăn…”
- “Bên mình bị thiệt hại có nặng không thiếu úy?”
- “Thường thôi! Một chết, năm bị thương. Chỉ một ca này là nặng.”
- “Ông trung úy kia làm chức vụ gì vậy hả thiếu úy? Sao ổng có vẻ lo lắng cho anh lính bị thương quá vậy?”
- “Trung úy đại đội trưởng đó! Chúng tôi sống chết có nhau. Anh binh nhì bị thương, ông trung úy lo lắng cũng là chuyện thường ngày ở đây thôi! Khi nào cậu vào lính, có dịp ra chiến trường, cậu sẽ thấm cái tình huynh đệ chi binh…”
Suốt mấy ngày sau, trong đầu tôi cứ ám ảnh với khúc phim tản thương đầy xúc cảm trong quân y viện. Không bút nào tả nổi vẻ đẹp vừa oai dũng, vừa cảm động của một sĩ quan hai tay ẵm một thuộc cấp bị thương ào vào phòng nhận bệnh. Câu “Xin quý vị cứu giùm… Quý vị làm ơn!” cứ văng vẳng bên tai tôi. Tiếng cầu xin của người chỉ huy ấy thống thiết như tiếng của một người mẹ. Hoạt cảnh ngắn ngủi hôm đó đã khiến đời tôi thay đổi."
Nguồn: Hồi ký của cựu TT BĐQ Vương Mộng Long -- một trong những cây bút sáng giá hiện nay ở hãi ngoại.
HON-VIET.CO.UK
No comments:
Post a Comment